Kinh tế nước Pháp xuống dốc, trường “Pháp ngữ thực dụng” đóng cửa, tôi mất việc
dạy học. Năm 1996 văn phòng tìm việc giới thiệu
tôi đến viện dưỡng lão Saint Jean, nguyên do trong
tờ lý lịch tôi ghi sở thích: « Hát và chơi đàn
Orgue ». Thật tình tôi chỉ biết ca vài bản và học
đàn dở dang vì bị thầy Pháp chê không có năng khiếu
âm nhạc.
Giám đốc viện dưỡng lão là một thiếu nữ trẻ tuổi mới ra trường, nét mặt đôn hậu.
Trước tiên cô hù tôi:
- Những bô lão ở đây bị cái chết cận kề ám ảnh, sức khỏe cũng như tinh
thần suy sụp. Từ trước tới nay chưa
từng có một animateur nào thành công lôi cuốn
họ sinh hoạt.
- Thưa cô, cô có thể
cho tôi biết những cựu animateurs đã làm gì?
- Họ đọc báo, đọc truyện,
mở nhạc, xem phim diễu, chơi đàn, làm thủ công… nhưng các cụ thờ ơ.
Tôi than thầm : « Bọn họ là Pháp chính gốc mà còn làm
không ra trò thì mình chắc tiêu rồi ! ». Tuy
nhiên viễn ảnh thất nghiệp dài hạn làm tôi ngao
ngán, tôi bình thản nói:
- Tôi muốn thử việc và
không chừng biết đâu…!
Cô hỏi tôi:
- Ngoài đàn và hát, bà có thể cho tôi biết bà có những ưu điểm nào hy
vọng thành công?
- Hồi 8 tuổi tôi đoạt giải nhất
độc diễn ca vũ liên trường và hai năm cuối lớp tiểu học tôi đuợc bầu làm trưởng ban
văn
nghệ.
Ở Pháp, tôi học bổ túc nhiều khóa tâm lý chủng tộc, tâm lý tuổi dậy
thì và tôi đã thành công dạy người ngoại quốc cũng
như tụi trẻ bụi đời Pháp trong 5 năm liên
tiếp.
Ngoài
óc tổ chức, tôi còn có tính kiên nhẫn và tự tin. Nếu cô dành cho
tôi 25% giờ làm việc để soạn chương trình sinh
hoạt giống như trước khi tôi lên lớp dạy học thì
tôi có nhiều hy vọng.
Mấy câu lòe của tôi không đến nổi làm cô giám đốc lãnh đạm, tôi được cô giao
cho nữ thư ký tóc vàng. Annie trạc tuổi 40, nụ
cười tươi tắn và lối nói chuyện cởi mở của nàng
dễ gây tình thân thiện. Sốt sắng dẫn tôi đi một
vòng quanh viện, nàng giải thích:
- Viện dưỡng lão có hai khu vực. Khu đằng trước khoảng 70 cụ già
gân. Khu đằng
sau khoảng 40 cụ già sụm sắp sửa hui nhị tì. Con
cái ít khi thăm viếng, họ thường rơi vào tình trạng
dépression (tinh thần suy sụp).
Nàng nói thêm:
- Làm việc với các cụ hết xí quách rầu thấy mồ tổ! Tháng rồi có 3 cụ già
sụm và 1 cụ già gân chầu Chúa, mấy cụ bạn teo quá nằm
bẹp giường luôn. Chà, dụ các cụ tham gia sinh hoạt
coi bộ khó à nghen!
- Theo ý bà tôi phải làm sao?
- Tôi cũng không biết. Nhưng….nếu
bà có phương pháp nào ngon hơn mấy tay animateurs trước đây thì họa may ra!
Tôi vào thư viện nghiên cứu sách báo tâm lý tuổi già và được một vài người Pháp
lớn tuổi cho biết thời tuổi trẻ của họ, bal lộ
thiên ở hội chợ là nơi trai gái tán tỉnh, ôm nhau
quay cuồng nhảy đầm suốt đêm. Họ vui trong không
khí nhạc sống accordéon, violon sôi động…Âm nhạc
giữ vai trò quan trọng trong ký ức họ.
Ngày đêm tôi ráo riết nghe CD nổi danh thời 1930, tập đàn và tập hát độ chục
bản nhạc, học thuộc vài câu chuyện cổ tích. Đứng
trước gương, tôi tập diễn tuồng và biểu con gái
phê bình góp ý. Hai tuần lễ sau, tôi tạm đủ đồ
nghề bước vào khu già
sụm.
Phòng sinh hoạt rộng lớn nhưng chỉ lưa thưa 8 cụ bà và 1 cụ ông. Hơn 30 cụ kia
đang gặm nhấm nổi buồn cô đơn trong căn phòng biệt
lập. Tôi nhìn bao quát. Các cụ ngồi bất động, mắt
lim dim ngủ gật. Trong góc phòng, một cụ bà hai
tay ôm đầu than thở nho nhỏ: “nhức
đầu quá trời ơi!”. Tôi ngạc nhiên hỏi bà Đầm giúp việc, bà cho
biết bác sĩ tìm không ra bịnh.
Tôi tới gần cụ bà, cất giọng êm dịu kiểu nựng con nít:
- Cụ ơi, cụ mở mắt nhìn con nè!
Cụ bà hé đôi mắt ( lông mi rụng gần hết) nhìn tôi ngạc nhiên.
- Con là animatrice nhưng con biết bí quyết chữa bịnh nhức đầu, nếu cụ cho
phép con thử…
Mắt cụ sáng lên:
- Thật à, thử coi !
Tôi nhẹ nhàng massage vùng trán nhăn nheo và hai bên thái dương cụ. Nét mặt cụ
từ từ thư dãn. Tôi khơi chuyện, cụ kể một lô tên
con cháu. Một chốc sau cụ vui vẻ khen tôi :
- Hay
quá ! Cụ hết nhức đầu rồi. Con giỏi hơn bác sĩ
!
Thì ra cụ mang bịnh tâm lý, khao khát được người quan tâm, vì tôi chưa học qua
massage bao giờ. Tôi nói :
- Dạ cám ơn cụ quá khen. Bây giờ cụ muốn nghe con
kể chuyện « Công chúa da
lừa » không ?
Có lẻ muốn cám ơn Đông y sĩ, cụ « ờ» yếu ớt.
Trong khi kể chuyện tôi nhìn vào mắt cụ, thỉnh thoảng giả vờ quên vài đoạn, hỏi
ý cụ thì được cụ thều thào nhắc tuồng. Khi tôi vờ nói lộn qua “công
chúa da ngựa”,
cụ cười khúc khích. Tiếng chuyện trò ồn ào thức tỉnh vài cụ. Những đôi mắt hấp
hem ngạc nhiên chiếu tướng vào khuôn mặt có cái mũi tẹt không giống ai, lắng
tai nghe tôi phát âm tiếng Pháp pha trộn mùi nước mắm. Bộ mặt các cụ thích thú
xem hiện tượng lạ, kiểu như ta nghe một người Mỹ lơ lớ giọng Việt nam kể chuyện
Tấm Cám. Tôi nhũn nhặn nói:
- Thưa các cụ, con sinh trưởng ở Việt nam nên con
nói tiếng Pháp ba rọi. Xin các cụ làm ơn sửa dùm để con có cơ hội học hỏi thêm.
Được dịp làm thầy, một cụ khoái trá chỉnh tôi những lỗi nói trật (tôi thật sự
nói trật !). Những cụ khác cũng bắt chước bạn, vễnh tai chờ dịp giúp con nhỏ
mới chớm 44 xuân xanh trau dồi sinh ngữ.
Nghe xong một chuyện cổ tích và tốn nhiều hơi sức chỉ dạy đứa học trò có lối
phát âm vần R kỳ quái, quí thầy mệt mỏi mắt lim dim. Tôi mở đàn dạo vài bản nhạc
êm dịu thời các cụ, dĩ nhiên không dám chơi dại biểu diễn loại đánh nhịp hỏa
tiễn dễ lộ tẩy tài nhạc sĩ dổm. Không ngờ trình độ đàn Orgue bình dân học vụ
của tôi qua« La Mer, La vie en rose… »có tác dụng mạnh làm hồi sinh dĩ vãng thời
son trẻ. Cụ nhức đầu cảm khái hát rống lên say sưa, nhớ đoạn nào hát đoạn đó.
Mỗi buổi chiều từ 3 giờ, nhóm già sụm được nhân viên lên tận phòng rỉ tai « tới
xem văn nghệ một lần cho biết, vui hết sẩy ! », cụ nào đồng ý là có người dìu
đi. Đám đông lôi cuốn các cụ, phòng sinh hoạt chật ních những gương mặt không
son phấn, những mái đầu bạc trắng không cần thuốc nhuộm tóc.Thấy bóng tôi, các
cụ nhốn nháo chào « bonjour Thỏ, bonjour To, bonjour Tô » ( phát âm của tên Thọ)
.
Hiểu rõ bản tính các cụ mau chán, tôi luân phiên thay đổi chương trình. Chưa
đủ trình độ đệm hát, tôi dẹp đàn. Phát copy lời nhạc cho vài nhân viên, tôi dạn
dĩ cất lớn giọng hát cò mồi trước, khích động những cụ nặng máu văn nghệ hát
theo, lôi cuốn
đám đông đồng ca. Chỉ cần một bài hâm nóng, sau đó các nhân viên lặng lẽ rút
lui tiếp tục công việc của họ. Phần tôi hát hò với các cụ khoảng nửa tiếng, ngày
nào các cụ hăng tôi kéo dài một tiếng. Xong mỗi bài hát, các cụ dùng chút sức
lực còn lại vỗ tay. Những cụ bị lãng trầm trọng đang lim dim bỗng giật mình ngơ
ngác, nhe răng cười vu vơ trong không khí sôi nổi chưa từng có.
Vài tháng sau một cụ ông bỗng nhiên hồi sinh, bảo con cháu đem tới cây đàn accordéon
đã bám bụi thời gian. Mỗi chiều cụ chơi vài bản quen thuộc tạo không khí càng
thêm hào hứng. Những tiếng vỗ tay tán thưởng mang hạnh phúc cho cụ vào những
giây phút cuối cùng của cuộc đời.
Các cụ yếu ớt, dễ mệt mỏi. Sinh hoạt xong, tôi dành chút thì giờ cho mỗi cụ. Cụ
nhức đầu từ nay ghiền massage với dầu gió xanh hiệu con ó. Tôi khuyến khích
họ nói chuyện, dịu dàng nhìn thẳng vào mắt họ(họ phải nhìn lại và tỉnh ngủ).
Tôi vuốt ve bàn tay run rẩy nhăn nheo (của họ, không phải của tôi), hy vọng mang
đến họ chút tình cảm thiếu thốn.
Ngồi bên cạnh mỗi cụ, vừa khơi chuyện cho các cụ có dịp đối đáp, tôi vừa cắt
giấy đủ loại hình hoa lá. Tôi bôi keo, cầm bàn tay cụ dán lên những tấm thiệp
đủ màu sắc, dưới hình thức tâm lý cụ có khả năng làm việc. Sau đó là màn nồng
nàn khen ngợi. Cụ nào cũng lí nhí cám ơn với nét mặt tràn trề sung sướng.
Nhóm
già sụm không có quyền giữ tiền mặt, họ nâng niu tấm thiệp và hãnh diện dành
tặng con cháu, khoe: “mẹ làm đó!” « bố làm đó ! ».
Những cụ già sụm không có thân nhân tới thăm
đều đặn thường bị một số nhân viên thiếu lương tâm hành hạ tinh thần. Cụ xin
dẫn đi tiểu thì nghe đay nghiến: “Tiểu
gì mà tiểu hoài! Đồ ích kỷ không để người ta yên! Càng già càng chướng!”. Tôi
bực bội báo cáo với cô giám đốc và Annie nhưng họ khuyên tôi nên lờ đi vì không
có bằng chứng cụ thể, và căn dặn tôi không được quyền dẫn các cụ đi tiểu, nếu
họ té tôi sẽ bị lôi thôi với pháp luật, nhất là không phải công việc của tôi!
Thật tình sức tôi đỡ các cụ không nổi. Các cụ to béo cũng phải! Một cụ than
với
tôi rằng cụ no cành hông nhưng vẫn tiếp tục ráng ăn, vì sợ bị nhân viên la mắng
tội bỏ mứa. Ôi đời sống ở viện dưỡng lão Pháp không sung sướng như tôi vẫn lầm
tưởng!
Cuối khu già sụm là phòng “chờ
vĩnh biệt” dành cho người hấp hối. Phòng trống
trải không bàn tủ, đầu giường gắn tượng gỗ Chúa cứu thế đóng đinh trên thánh
giá. Có cụ thăng ngay, có cụ nằm thiêm thiếp cả tháng mới từ giã cõi trần. Những
cụ nào không con cháu thăm viếng, tôi dành thì giờ nhiều hơn mặc dù không phải
công việc của tôi. Những lúc đó tôi yên lặng cầm tay cụ, lòng thầm cầu nguyện
tâm hồn cụ ra đi thanh thản.
Mỗi người sắp từ giã cõi đời phản ứng khác nhau…Có cụ nằm yên lặng nhìn vào khoảng
không. Có cụ hả miệng ngáp ngáp liên tục như con cá trên cạn (điều trùng hợp:
hồi trẻ cụ này làm nghề bán cá!). Có cụ thều thào sợ chết, tôi trấn an: “Cụ
cầu
nguyện Chúa thì sẽ hết sợ và con cũng đang cầu ơn trên giúp cụ đây!”. Thông thường
các cụ ứa lệ nhìn tôi với ánh mắt bi thương. Lần nào tôi cũng cố giữ bình tĩnh
nhưng vừa bước ra khỏi phòng, tôi khóc mùi mẫn, có cảm tưởng mình sắp sửa
vĩnh biệt một người thân.
Tôi và thư ký Annie trở thành bạn tâm giao. Annie vui vẻ dịu hiền chiếm được
nhiều cảm tình các cụ. Tuy nhiên nàng bị một số nữ nhân viên ganh ghét vì sắc
đẹp rực rỡ của nàng đốt cháy rụi những bông hoa tầm thường. Làm việc ở đây từ
15 năm qua, nàng cho tôi biết tính nết từng người và nhiều tin tức sốt dẻo trong khu
già gân.
Đây là viện dưỡng lão công lập bình dân. Chính phủ bảo bọc một số người già không
đủ lương hưu hoặc con cái họ có mức thu nhập kém. Trung bình chi phí ăn ở của
mỗi cụ tương đương 1.000£. Phần đông trong giới công nhân thợ thuyền, chỉ có
vài cụ từng là cựu giáo chức, lương hưu không đủ trang trải viện dưỡng lão tư
lập. Sự kỳ thị về giai cấp gây nên tình trạng các cụ giáo chức giữ khoảng cách
với các cụ kém văn hóa.
Đàn ông bên Pháp chết sớm, tình trạng trai thiếu gái thừa ở viện bị ảnh hưởng
nặng nề. 20 cụ ông trong khu
già gân là 20 thanh gươm rỉ sét lạc giữa 50 đóa
hoa héo úa. Tuy nhiên xảy ra hiện tượng lạ lùng… Một hoa héo chuẩn bị tháng tới
mừng lễ thượng
thọ 100 tuổi vớt được thanh gươm báu 87 tuổi, mỗi chiều hai cụ du dương dìu nhau
chầm chậm dạo quanh khu vườn hoa tươi thắm.
Cantine của viện mở trưa và tối, tuy nhiên một số cụ tiết kiệm tự túc nấu nướng.
Cụ Jean 72 tuổi, vẫn ăn cantine đều đặn bỗng nhiên lặn cả tháng nay. Người dọn
vệ sinh rỉ tai với Annie: “thùng
rác cụ chứa nhiều lon cá hộp bốc mùi tanh hôi
cả phòng”. Thì ra cụ Jean lả lướt dành tiền quà cáp cho con bồ nhí y tá 45 tuổi,
mỗi tối thứ bảy con bồ nhí động phòng hoa chúc với cụ một đêm.
Cụ bà Michèle 75 tuổi bị bịnh mất ngủ, có thói quen gõ cửa phòng các cụ ông tâm
sự vụn vặt. Mấy cụ bà hàng xóm xầm xì cụ Michèle tiết
hạnh khả nghi. Một cụ ông
đồng tuổi úp mở phao tin thường lên võ đài tỉ thí với cụ bà Michèle, những cụ
ngồi lê đôi mách được dịp thêm mắm muối câu chuyện và chú tâm theo dõi từng hành
động nhỏ nhặt của võ sĩ. Con gái cụ nghe chuyện cười ha hả, bật mí bố mang nhiều
bịnh tật, mẹ kể thâm cung bí sử của bố zéro. Vậy là từ nay võ sĩ có tên cụ nổ.
Nhân viên cũng lắm chuyện!…Gã phụ trách kỹ thuật có máu ăn hối lộ. Cụ nào dấm
dúi cho gã chút tiền lẻ thì khi cần sửa
chữa điện nước được gã sốt sắng, bằng không gã sẽ kiếm cớ cù cưa. Nhiều cụ khiếu
nại với cô giám đốc: “
Cụ hàng xóm mới gọi sáng nay nhưng thằng trời đánh trật búa tới sửa trước. Tui
gọi nó thay
bóng đèn phòng tắm từ cả tuần lễ nhưng không thấy mặt mũi nó đâu!”.
Cấp trên làm ngơ vì ông già vợ của thằng trời đánh trật búa có phe đảng trên
tòa thị chính.
Cô giám đốc mới nhậm chức từ một năm nay, thường đi xa học thêm khóa bổ túc nghề
nghiệp. Cô có bằng cấp cao nhưng nhân viên và các cụ không nể mặt vì cô trẻ tuổi
thiếu kinh nghiệm. Tuy nhiên cô có lòng nhân đạo và nhiệt tình với công việc.
Cô quí mến tôi và dành cho tôi nhiều sự dễ dãi. Mỗi lần vắng mặt giám đốc, Annie
kiếm tôi tán dóc, trao đổi nhiều ý kiến quí báu về nhóm già gân.
Những cụ già gân ít nhất trong đời đã từng
trải qua một lần mổ xẻ, có cụ lãnh 3 hay 4 thứ bịnh và phải dùng đến 18 viên
thuốc một ngày. Tuy vậy, họ còn đầy
đủ tâm hồn ăn uống. Phần đông ú na ú
nần, một số ít ốm tong teo vì mang bịnh đặc biệt. Giống y chang tụi trẻ, những
cụ hiền lành thường bị các cụ gay go nạt nộ ăn hiếp. Tính nết thay đổi bất thường
nhưng trí óc các cụ vẫn sáng suốt. Annie báo trước chinh phục nhóm già gân khó
hơn nhóm già sụm.
Annie giới thiệu tôi với ca sĩ Raymonde. Hồi trẻ cụ bà là chủ tiệm bán thịt.
Cụ 71 tuổi nhưng làn da mặt chằng chịt như tấm bản đồ đường phố Paris. Lần nọ
cụ phân trần làn da B52 hủy hoại nhan sắc chim sa cá lặn của cụ vì hồi trẻ cụ
có thói quen rửa mặt bằng nước nóng. Tôi nghĩ nguyên nhân chủ tiệm thịt ăn thịt
vượt chỉ tiêu, cụ ờ ờ đồng ý và chắc lưỡi hối tiếc đã chọn lầm nghề. Tuy nhiên
cụ vẫn tiếp tục xơi miếng bít- tết to hơn bàn tay mỗi ngày vì cho rằng tuổi cụ
đã muộn màng.
Ngày thường các cụ già gân đóng
cửa nằm nhà. Thông lệ 2 giờ trưa thứ tư, một chục cụ ông y phục bảnh bao vào
phòng sinh hoạt lập 2 sòng bài. Bên cạnh là 5,
6 cụ bà xiêm y phấn son loè loẹt, tóc nhuộm vàng xịt keo cứng ngắc, dầu thơm
ngào ngạt, ngồi coi ké hoặc chờ thế chân. Lác
đác vài cụ bà chơi ô chữ hoặc đan áo. Khoảng 4 giờ chiều, nhân viên đẩy xe vào
phát bánh ngọt và nước trái cây.
Cụ Raymonde thuộc lòng hơn 50 bài hát, giọng mạnh không cần micro vẫn làm những
cụ lãng tai tỉnh ngủ. Đã từng hợp tác nồng nhiệt với nhiều cựu animarteurs nhưng
Raymonde là ca sĩ độc nhất không thể làm nên cơm cháo. Đợi thứ tư giờ nhấm nháp
bánh ngọt, tôi rủ ca sĩ Raymonde và chục cụ bà đồng ca, dụ khị mấy cụ ông hát
rống theo. Khoảng 15 phút sau nhóm cụ ông chán ca hát trở lại nhập sòng, nhóm
cụ bà vẫn tiếp tục say sưa ngân nga. Một cụ ông quạu quọ: “hát hỏng gì ồn quá,
ván này tui thua là cái chắc!”. Đám nữ ca sĩ cụt hứng tiu ngỉu tắt đài phát thanh.
Điều lạ lùng chơi không ăn tiền nhưng họ rất say mê, có lần cụ ông tè trong quần
vì ráng nín chờ hết ván bài.
Sinh hoạt văn nghệ ở nhóm già gân vào
thứ tư kể như thất bại. Thua keo này ta
bày keo khác.
Vào đầu tháng, cantine cho thưởng thức món ăn đặc biệt thuần túy của mỗi miền
với giá bình dân, lôi cuốn những cụ bếp núc tại gia có dịp đột xuất giang hồ.
Ngày đó cantine dập dìu trai kém thanh và gái kém lịch, là môi trường sinh hoạt
văn nghệ thuận lợi. Tôi lập nhóm thủ công vào trưa thứ tư, dựa lý do chuẩn bị
trang hoàng cantine, trợ giúp chương trình văn nghệ xôm trò hơn.
Nhóm thủ công chủ yếu khuyến khích các cụ bà họp mặt tâm sự thời dĩ vãng, than
thở bịnh tật và khoe khoang tin tức
con cháu. Thỉnh thoảng liếc trộm qua bàn các cụ ông đánh bài, tâm hồn cụ bà phơi
phới dường như được uống liều thuốc bổ.
Mỗi khi cụ bà nào vắng mặt, tôi lên phòng năn nỉ. Thông thường cụ lấy cớ nhức
đầu mệt mỏi, tôi mở câu thần chú: “Cụ
không phải làm gì cả, chỉ cần cụ tới 5 phút cho các cụ kia vui. Để con dìu cụ
đi. ” Sau vài lần đồng ý, các cụ có thói
quen trói buộc với nhóm và đóng đô từ 2 giờ đến 5 giờ chiều. Từ từ các cụ đòi
sinh hoạt 3 lần một tuần. Trước nửa tháng chuẩn bị những ngày lễ lớn, trưa nào
20 cụ bà cũng xung phong có mặt.
Một lần nọ giờ ăn bánh ngọt, cụ bà Yvonne cất bánh vào túi áo. Tôi gặn hỏi, cụ
trả lời để dành sáng mai điểm tâm vì cụ cần tiền
mua áo mặc lễ Noël. Từ đó tôi canh chừng nhà bếp vắng người, chôm bánh phát thêm
cho mỗi cụ. Máu kiếm hiệp
của tôi sôi sùng sục, tưởng tượng mình đang đánh cướp xe tải lương thực của triều
đình để phân phối cho dân nghèo.
Các cụ hoan hỉ lấm lét dấu diếm bánh như con
nít và ngạc nhiên vì tôi không thủ cho tôi, tôi nói tôi cữ đồ ngọt. Thật ra tôi
không muốn mang tiếng ăn cắp vặt (thà mang tiếng cướp ngân hàng cho đáng!). Dù
sao nếu chuyện đổ bể tôi đỡ quê mặt, tôi có thể bào chữa tiền bánh là tiền đóng
thuế của nhân dân thành phố, con cháu các cụ cũng có góp phần.
Vào ngày sinh hoạt, viện dưỡng lão khu
già gân tràn đầy ấm áp tiếng nói, tiếng
cười. Một số già sụm cũng được nhân viên đẩy xe lăn tới tham dự.
Các cụ biết hát nhưng nhát gan không dám trình diễn một mình. Đám đông hát chung
giúp các cụ dạn dĩ hát theo. Văn nghệ không cần dợt trước, phát copy, sau đó
tôi và ca sĩ chính Raymonde cò mồi.
Thiếu màn đơn ca, tôi hóa trang bà già và chọn một cụ ông lên sân khấu làm kép.
Kép 91 tuổi tướng mạo phương phi ngồi bên cạnh cười cười, tôi hát bản tình ca
cùng lúc xoa đầu trán hói, nựng cằm kép lão. Khán giả cười lăn chiên thiếu điều
văng hàm răng giả.
Các cụ hí hửng được tôi may áo, hóa trang thành mọi da đỏ, tướng cướp, hoàng
tử, công chúa Bạch Tuyết…Phòng tiếp tân phất phơ các bông giấy đủ màu sắc do
chính các cụ vụng về cắt xén, trang hoàng vui tươi.
Dịp Fête des mères, giám đốc yêu cầu tôi tổ chức lễ mẹ,lễ bố và lễ ông bà nội
ngoại chung một lần. Cụ Jean lả lướt tạm
quên con bồ nhí y tá, cụ chơi bộ veste mới hấp tẩy, sung sướng hãnh diện đóng
vai chú rể, cặp tay cô dâu xinh đẹp thư
ký Annie trong bộ áo cưới voan trắng thời con gái (mặc dù bị ông xã cự nự). Tôi
cột tóc nhỏng nhảnh hai bên, miệng ngậm núm vú đóng vai bébé và chơi guitare
classique bản “Ah vous dirais –je maman” (bản tủ độc nhất!). Mắt lem nhem, các
cụ cứ tưởng con gái tôi, đến khi nhận ra tôi các cụ cười thỏa thích.
Lần nọ tôi hóa trang nữ hải tặc và chọn cụ ông 75 tuổi làm kép. Cụ bị mỗ 4 lần,
mang nhiều thứ bịnh, da dẻ xanh xao vàng vọt. Nữ hải tặc vung kiếm gỗ, ca bản
nhạc tình lâm ly họa thêm màn choàng vai vuốt tóc người yêu. Đôi mắt cụ lờ đờ
bỗng nhiên sáng ngời đắm đuối, cụ âu yếm tham lam ôm hôn nhiều lần lên cánh tay
trần(mũm mĩm!) của nữ hải tặc, khán giả la ó cười ngã nghiêng.
Xong bản nhạc,
cụ thều thào: “-Cám ơn người đẹp hải tặc đã cho ta sống lại những giây phút thần
tiên tuổi trẻ. Dù chết ta cũng hả dạ!”
Sáng hôm sau tôi bàng hoàng sửng sốt nghe tin người tình của nữ hải tặc đã đi
vào giấc ngủ ngàn thu.
Sinh hoạt giúp các cụ quên nổi buồn tuổi lão. Những cụ trong ban văn nghệ cảm
động rơm rớm nước mắt. Suốt cuộc đời lao động tầm thường không ai chú ý, bỗng
nhiên những ngày gần đất xa trời được lên sân khấu biểu diễn trổ tài ngâm thơ,
đơn ca hoặc đồng ca, được thị trưởng bắt
tay khen và con cháu hết lời ca ngợi. Tôi yêu cầu cô giám đốc đọc tên từng cụ
trong ban thủ công và xin quí vị một
tràng pháo tay cám ơn. Chao ôi nét mặt các cụ ngây ngất niềm vui!
Sau màn văn nghệ là màn nhảy đầm sôi động. Chỉ có 5 kép còn gân cốt ban ơn mưa
móc thay phiên mời đào cụ. Thiếu kép, các cụ bà chân cẳng ngứa ngáy đành tạm
ôm nhau dặt dìu trong tiếng nhạc. Thường ngày các cụ đi đứng chậm chạp nhưng
nhảy valse thì quay nhanh như chong chóng. Tôi xin chào thua, chỉ hơn được các
cụ màn độc vũ “ngàn
lẻ một đêm” lắc bụng mà tôi đã học được với người Á rập.
Một số nhân viên tòa thị chính, gia đình của các cụ giờ đây cũng ghiền tới xem
văn nghệ. Vé cantine ngày sinh hoạt bán hết sớm, phải đặt chỗ trước.Vài ca sĩ
bô lão ngoại viện nghe tiếng tới xin tham gia. Tôi mừng rỡ được có thêm nhiều
tiết mục thay đổi. Ca sĩ Raymonde bực bội vì tân ca sĩ Monique hăng tiết vịt
đơn ca liên tiếp 3 bản, gây tình trạng một số khán giả chán chường lục tục bỏ
ra về. Nếu tôi không nhanh tay giựt lại micro thì ca sĩ Monique dám chơi thêm
bản thứ tư.
Tôi cẩn thận lập chương trình văn nghệ thay đổi tiết mục, in giấy phát cho từng
bàn. Mỗi ca sĩ trình diễn không quá hai bài và cách khoảng nhau(cho đỡ chán).
Sau khi chấm dứt là màn hát thả dàn hoặc nhảy đầm. Lo sợ khán giả bỏ
về ngang xương, ca sĩ Raymonde đòi ưu tiên hát mở đầu. Sự xuất hiện của 4 cụ
nữ, 3 cụ nam ca sĩ, một cụ nhạc sĩ chơi accordéon giúp chương trình văn nghệ
thêm phong phú.
Trước khi in chương trình, tôi trình với cụ ca sĩ Raymonde cho phải phép, vì
từ xưa nay cụ là người có công lớn trong ban văn nghệ. Ca sĩ rú lên hoảng hốt:
- Thôi chết rồi, Monique hát Pot pourri.
Tôi thản nhiên:
- Thì mỗi ca sĩ được hát hai bài.
Cụ Raymonde nhăn nhó:
- Mụ sẽ cù cưa mất nửa tiếng.
Tôi ngơ ngác:
- Làm gì đến nửa tiếng!? Bản nhạc nào cũng không quá 5 phút. Con chưa từng
nghe qua bài này. À, mà cái tên bài hát sao kỳ cục quá phải không cụ!?
Ca sĩ
Raymonde cười buồn:
- A, Thỏ chỉ
hiểu nghĩa đen(=cái hủ bị mốc). Nghĩa bóng của «
pot pourri »là hát mỗi bài một đoạn. Chơi liên khúc 20 bài thì chết con người ta ! Mụ Monique
cáo già thật !
Vậy là tôi phải điện thoại hòa giải với cụ Monique :
“Xin lỗi cụ, pot
pourri không xác định thời gian mà chương trình văn nghệ
có hạn, xin cụ đổi cho bài khác”.
Mỗi khi giới thiệu ca sĩ, tôi hay diễu : «
Kính thưa quí vị, một giai nhân tuyệt sắc quê quán Bordeaux, có giọng ca thiên
phú của loài chim quí. Danh ca Raymonde
sẽ cống hiến quí vị bản tình ca bất hủ « L’hymne de l’amour » chao ơi vô cùng
lâm ly bi đát. Bảo đảm đàn ông đêm nay sẽ trằn trọc mất ngủ và đàn bà sẽ khóc
thầm ướt gối. Kính xin toàn thể quí vị cho một tràng pháo tay. Đây, người đẹp
Raymonde».
Cụ bà Raymonde cười e lệ bước lên sân khấu.
« Chàng là ai? Chàng là kẻ thù của nam giới vì đôi mắt trữ tình và nụ
cười quyến rủ có một không hai của chàng đã và đang hớp hồn những trái tim phụ
nữ cô đơn
có mặt hôm nay, kể cả tôi(tiếng cười khúc khích từ khán giả). Chao ơi giọng hát
của chàng làm thổn thức biết bao nhiêu người đàn bà mềm yếu! Hôm nay chàng đặc
biệt cống hiến với quí vị « Parlez –moi d’amour ». Xin toàn thể quí vị cho tràng
pháo tay đón tiếp nam danh ca Henri».
Ca sĩ được giới thiệu gồ ghề rất khoái chí, nhưng sau vài lần nhàm chán khán
giả cười hết nổi, tôi bàn giao màn giới thiệu cho ca sĩ Raymonde và nam ca sĩ
ngoại viện Vincent. Giọng hát tầm thường nhưng dáng dấp to cao, cựu đại úy Vincent
có máu quân đội phát tiết tinh hoa oai hùng, hấp dẫn lòng ngưỡng mộ của phái
nữ tuổi xế chiều. Thỉnh thoảng tôi bắt gặp ánh mắt dụ dỗ mời gọi của nữ ca sĩ
Raymonde, nhưng tiếc thay cựu đại úy Vincent vô tâm chỉ khoái bận rộn với micro.
Sau buổi văn nghệ, các cụ già gân vui
vẻ với công việc dán photos sinh hoạt trên vách tường hành lang. Khách tới thăm
tò mò đứng xem, hoan hỉ nhận ra hình bố
mẹ thân yêu. Các cụ tụ tập hãnh diện chiêm ngưỡng dung nhan trăng tàn trên hè
phố. Một cụ yêu cầu tôi gỡ photo chẳng may cụ đang hả miệng ngáp, nhưng ba cụ
kia cũng có mặt trong hình cực lực phản đối. Tôi phải hòa giải bằng cách trưng
cầu dân ý và hết lời vỗ về cụ (hả miệng): “Báo chí thời nay thường đăng photos
những tài tử nổi danh nhắm mắt, vẹo mồm, gãi mông. Cụ hả miệng người ta tưởng
cụ đang hát. Chính sự tự nhiên làm cho bức hình sống động. Giá trị là ở chỗ đó!
Hình nhe răng cười thì ai chả có, tầm thường quá! Phải không Annie?”. Cụ nguôi
giận. Annie lắc đầu cười hi hi.
Nhóm già gân tíu tít ghi tên, nộp tiền nhờ tôi
sang photos để tặng con cháu. Kể cả photos khán giả có công vỗ tay tán thưởng.
Một số cụ lãng trí, gia đình
« bị » nhận nhiều lần cũng tấm hình mà cụ đã gởi cho rồi.
Mỗi buổi sáng tôi thức dậy với tâm trạng phơi phới yêu đời. Mình
là người hữu
ích và mình đang được trả nợ phần nào công ơn nước Pháp đã cưu mang. Tôi hăng
say làm việc không biết mệt. Đến nay tôi đã biết hát được mấy chục bài của thế
hệ các cụ. Nhiều đêm tôi trằn trọc không ngủ chỉ vì suy nghĩ sáng tạo một chương
trình văn nghệ mới lạ và lối trang trí độc đáo cho lần trình diễn tháng tới.
Những thời gian được nghỉ phép khá lâu, tôi lại da diết nhớ các cụ. Tôi lò dò
tới viện dưỡng lão trước sự ngạc nhiên của nhân viên và cô giám đốc.
Ngày nọ tôi đưa ý kiến mở hội chợ, cô giám đốc vui vẻ tán thành. Dù sao nhờ tôi,
cô được tiếng là người giám đốc đầu tiên thành công gây không khí sống động cho
viện dưỡng lão.
Nhóm các cụ bà làm thủ công nghe bàn sẽ mở hội chợ thì nhốn nháo cả lên. Tôi
trình bày quỹ bán hoa giấy và xổ số sẽ làm tiệc ăn mừng, dĩ nhiên chỉ dành cho
những người có công tham gia.
Mặt mày các cụ tươi tỉnh.
Quà xổ số là những món đồ quyên góp từ các cụ. Cái ly, cái dĩa, quyển sách…Những
cụ có tinh thần náo nức gõ cửa phòng các cụ kia, quyên góp đủ loại hầm bà lằng.
Phần tôi được dịp tống khứ vô số quà tạp nhạp của học trò cũ và các cụ tặng tôi
dịp Noël (dĩ nhiên tôi cẩn thận gói kín đề phòng các cụ nhận diện).
Nhóm thủ công mỗi chiều hăng say làm việc nhưng bỗng nhiên xảy ra vấn đề trầm
trọng. Các cụ than phiền một cụ ngoại viện khai mùi nước tiểu làm các cụ chóng
mặt, dọa sẽ bỏ cuộc nếu không giải quyết. Tôi thử ngồi gần cụ
bốc mùi kém thơm
tho thì đúng là sự thật. Tôi báo cáo với cô giám đốc, cô thở dài: “vấn đề tế
nhị tôi không thể giải quyết!” Tôi cầu cứu Annie, nàng cũng đầu hàng.
Tôi buồn bã than thầm: “Vì đại sự quốc gia, ta
đành phải hy sinh một chiến sĩ”.
Mời cụ vào văn phòng riêng, tôi thân mật mở đầu:
- Từ ngày cụ tới đây tham gia,
các cụ kia vui hẳn lên!
Cụ cười tươi cám ơn.
Tôi hỏi quanh quẩn chuyện con cháu cụ một hồi và chăm chú nghe cụ kể lể. Trước
khi vô đề, tôi vuốt:
- Các cụ ở đây mến cụ lắm! Con cũng rất thích làm việc với
cụ. Hội chợ mà không có cụ giúp cho một tay thì không xong.
Nét mặt cụ bồi hồi cảm động.
Tôi lễ phép:
- Thưa cụ, con có chút vấn đề nhỏ xin thưa với cụ. Chuyện nhỏ thôi! Các cụ
kia có chứng chóng mặt mỗi khi nghe mùi khai nước tiểu. Con xin cụ chịu khó…ơ…chịu
khó rửa ráy trước khi vào sinh hoạt nhóm.
Mặt cụ ngượng ngùng bối rối. Giọng
mất bình tĩnh:
- Tôi có tắm rửa mỗi ngày, hôi sao được
mà hôi!
Tôi vồ vập khen:
- Vậy là cụ sạch sẽ lắm! Tắm rửa mỗi ngày làm sao hôi được! Nhưng có lẻ cụ
vô ý mặc lại cái quần chưa giặt. Cụ thử đổi quần sạch xem sao. Tại cái quần dơ chớ không phải cụ ! Con biết cụ sạch sẽ.
Đổ tội cho cái quần của cụ và được khen
sạch sẽ, cụ nguôi giận, nét mặt từ từ thư dãn. Cụ vui vẻ đồng ý:
- Đúng vậy, tại cái quần dơ!
Lần tới tôi sẽ thay quần sạch.
Tôi nhắc nho nhỏ:
- Dĩ nhiên sau khi tắm rửa
cụ nhé!
Tiếp tục gia nhập nhóm thủ công, cụ hết bốc mùi khai và cụ còn chơi nổi xức nước
hoa. Than ôi khoảng hai tháng sau, độc khí chóng mặt của cụ tái xuất giang hồ!
Các cụ kia cằn nhằn nhưng may mắn vẫn không bỏ phòng sinh hoạt.
Nhờ dán bích chương ngoài phố quảng cáo và thông báo qua radio, ngày hội chợ
lôi cuốn khá đông người, phần lớn gia đình các cụ tới tham dự. Giá tiền hoa giấy
và vé xổ số chỉ 5F(chưa tới 1 euro) bán hết sạch. 15 phút xổ số một lần, giá
rẻ nên các cụ mua nhiều hơn người ngoài, tíu tít vui sướng với những lô trúng
khiêm nhường. Xui xẻo cho tôi, một cụ trúng nhằm món quà (có dấu hiệu nào đó
đặc biệt!) mà chính cụ đã tặng tôi hồi năm ngoái, cụ bực bội chất vấn. Chối không
được, tôi phân trần hối tiếc đã vô ý gói lầm. Cụ lập tức trao tặng tôi cũng món
quà đó và hớn hở nói: “May mà tui trúng lại được!”.
Câu nói bất hủ : « Những gì không cho thì sẽ mất !
»(phim Cité de la joie) càng
ngày càng thấm thía. Một lần nọ tôi bận việc tới trễ. Vừa bước vào khu già sụm,
bất ngờ vang dội tràng pháo
tay vui mừng chào đón tôi từ những bàn tay run rẩy yếu ớt của những người không
cùng chủng tộc. Tôi lặng người bàng hoàng xúc động, chỉ biết nở nụ cười cám ơn,
che dấu những giọt lệ long lanh hạnh phúc của đứa con xa nhà tìm lại vòng tay
ấm áp gia đình.
Cuối năm, cô giám đốc trao tặng tôi bảng tổng kết gởi lên tòa Thị Chính : “Viện
dưỡng lão của chúng ta lần đầu tiên được hợp tác với một animatrice có lòng nhiệt
thành và khả năng, đã mang lại niềm yêu đời lạc quan cho các vị bô lão. Bác sĩ
của viện xác nhận sự sinh hoạt cộng đồng đã giảm thiểu được 50% bịnh nhân so
với những năm trước”.
Nhắc đến bác sĩ, tôi nhớ chuyện một lần nọ tôi gặp ông phát thơ vừa đi vừa cười
hihi. Ông mới vào phòng một cụ
già gân. Căn phòng tối thui, cụ đang bịnh nằm
vùi trên giường. Ông lên tiếng:
- Cụ ơi, xin cụ ký tên nhận
thư bảo đảm.
Bị lãng tai, nghe ba chớp ba nhoáng, cụ lầm bầm:
- Cả ngày chỉ khám bịnh, uống
thuốc, cặp nhiệt, chán quá!
Ông làm thinh lấy sổ và chuồi vào tay cụ cây viết để cụ ký tên, không ngờ cụ
cầm cây viết nhanh nhẹn nhét vào hậu môn.
Ông giám đốc trường cũ khai trương trường dạy nghề cho bọn trẻ bụi đời có nhã
ý mời tôi hợp tác. Mặc dù lương dạy học cao hơn lương animatrice nhưng tôi quyết
định ở lại với các cụ.
Than ôi, cuộc đời không êm ả như ý muốn! Sau hai năm hạnh
phúc ở viện dưỡng lão, bất ngờ cô giám đốc trẻ tuổi bị thuyên chuyển nơi khác.
Lần đầu tiên gặp mặt bà tân giám đốc, tôi linh cảm những chuyện không may. Trạc
tuổi 50, mặt ngầu dao búa, đôi mắt tóe lửa Từ Hi điểm thêm nụ cười gằn nham hiểm
làm tôi rờn rợn. Có lẻ cuộc đời tình ái lu mờ nên bản tính độc ác bẩm sinh của
bà chiếu sáng ngời hơn chăng! Thân hình phục phịch khoái diện áo vằn vện cọp
beo, tôi và Annie đặt tên “Beo Cái”.
Ganh tị với sắc đẹp Annie, Beo Cái dời văn phòng thư ký vào phòng giám đốc. Giám
đốc dọn ra ngoài kiêm chức tiếp tân của thư ký. Tôi nói giỡn: “Annie à, Beo Cái
mánh mum dành tiếp tân chực vồ Beo Đực”. Từ ngày dưới ách thống trị của Beo Cái,
thư ký Annie tinh thần suy nhược mất ăn mất ngủ.
Không hơn gì Annie, tôi cũng mất ngủ mất ăn. Ganh ghét với tình cảm thương yêu
của những bô lão dành đặc biệt cho tôi, Beo Cái cố
ý chơi tôi sát ván. Cắt bớt ngân khoản sinh hoạt, kiếm chuyện cản trở chương
trình văn nghệ, cấm dán photos
trên tường (lý do làm xấu tường). Beo Cái dọn vào ở hẳn trong viện, rình mò khắp
nơi. Nhóm thủ công mất ăn bánh chôm cũng rầu rỉ. Hết hứng thú làm việc, tôi muốn
từ giã viện dưỡng lão nhưng ngần ngại, vì tôi sẽ không được hưởng trợ cấp thất
nghiệp nếu bỏ việc thiếu lý do chính đáng.
Sau 4 tháng nhậm chức, Beo Cái hách
dịch ra lịnh tôi phải dùng 25% giờ chuẩn bị sinh hoạt vào việc chùi dọn vệ sinh
phòng ăn( gặp ngày văn nghệ hơn cả trăm
thực khách!). Sau trận đấu võ mồm kịch liệt với Beo Cái, tôi thật sự bị dépression,
xin được giấy chứng nhận của bác sĩ gia đình: “Tinh thần suy nhược trầm trọng,
huyết áp cao hơn bình thường, miễn làm việc”. Dĩ nhiên tôi hợp pháp lãnh tiền
thất nghiệp.
Tôi đâm đơn lên tòa thị chính kiện Beo
Cái nhưng không ai giải quyết. Qua Annie,
tôi được biết Beo Cái leo thang nhờ mánh mum ủng hộ tài chánh cho đảng Xã Hội,
cấp trên nhắm mắt làm ngơ là lẻ đương nhiên. Annie khuyên tôi bỏ cuộc, lý do
tôi không có thế lực và hơn nữa tôi là người ngoại quốc.
Ấm ức ăn ngủ không yên, tôi kiên nhẫn gõ cửa những phe phái chính trị đối lập.
Họ cố ý chơi đảng Xã Hội, sốt sắng gây ồn ào chuyện hống hách của Beo
Cái, có
lợi cho họ trong kỳ bầu cử Thị trưởng vào năm tới.
Annie hoan hỉ mật báo tin
tức Beo Cái lãnh
tới tấp những cú điện thoại, những thư khiển trách của phe đối nghịch cảnh cáo
về tội vi phạm luật lao động. Đồng thời Beo Cái bị đảng Xã Hội
chê trách đã gây bất lợi đến uy tín của đảng ta.
Lần này đến phiên Beo Cái bị khủng
bố tinh thần đến mất ăn mất ngủ( tuy nhiên có niềm an ủi xuống bớt được 5 kí
lô mỡ!). Annie được rửa hận ké, sôi nổi kể
trong buổi họp khẩn cấp với toàn thể nhân viên viện dưỡng lão, Beo Cái phân trần
vấn đề lạm dụng quyền hành:
- Hồi trước tôi sai một bà Việt nam quét dọn chùi
cầu tiêu nhưng bả vui vẻ
chấp nhận. Sao con animatrice này dữ dằn quá chừng quá đổi! Một nhân viên trả
lời:
- Có lẻ vì người không dữ dằn
đó ở Việt nam vốn làm nghề quét dọn.
Thời gian qua với nhiều thay đổi…Thị trưởng cũ văng chức, Beo
Cái về vườn. Thư
ký Annie thuyên chuyển nơi khác. Ca sĩ Raymonde dọn tỉnh xa. Cụ lả lướt và phần
lớn những cụ trong ban sinh hoạt qua khu già sụm, một số đã vĩnh biệt trần gian.
Sáng hôm nay nghe radio phát thanh bản nhạc tôi thường trình diễn“J’ai
deux amours,
mon pays et Paris »(Tôi có hai mối tình, quê hương tôi và Paris), lòng tôi nao
nao xúc cảm. Tôi bỗng nhớ không khí sinh hoạt sống động ở viện dưỡng lão, nhớ
tràng pháo tay run rẩy đặc biệt chào mừng sự hiện diện của tôi, nhớ những đôi
mắt đỏ hoe của các cụ ngày ôm hôn tôi từ giã. Mắt tôi nhòa lệ dĩ vãng.
Cuộc sống của tôi từ bao nhiêu năm qua như con thuyền chao đảo trên đại dương.
Những con sóng đắng cay vật tôi nhừ tử nhưng có những con sóng dịu dàng trao
tặng tâm hồn tôi phong phú một tài sản bao la tình người, ý chí phấn đấu và niềm
tin mãnh liệt. Một niềm tin làm đẹp cuộc đời mà những
con sóng ngọt không ngừng vỗ về đưa đẩy tôi vào bờ bến lạc quan.
France, 2007
(Giai
phẩm Xuân Việt Báo Cali & Houston) |