… SAU MỘT CHUYẾN ĐI

Đi cho biết đó biết đây
Ở nhà với vợ biết ngày nào khôn!

LÊ QUANG VĂN

Thế là tôi rủ vợ cùng đi cho biết nước Mỹ, một nước nổi tiếng là giàu có, văn minh, hiện đại nhất thế giới -- nhân dịp có thư mời dự Đại hội cựu Giáo sư & Học sinh Phan Thanh Giản Hải ngoại. Qua thời gian sáu tuần lễ đi đó đi đây, xin ghi lại vài cảm nhận (chủ quan, dĩ nhiên) của khách phương xa:

Phỏng vấn đi Mỹ

Nghe đồn thổi có quá nhiều phiền hà rối rắm tại ải phỏng vấn. Thường là tiền mất (131$ Mỹ cho mỗi người,đâu có ít) mà tật mang, nghĩa là không được cấp visa vô nước Mỹ! Tôi đã sửa sọan mang theo đủ giấy tờ, nào là chủ quyền nhà đất, nào là giấy kết hôn,thư mời…Có gì hơi liên quan là mang theo tuốt! Cũng chuẩn bị sẵn những câu trả lời thật hay qua các câu hỏi tưởng tượng do các tiền bối đi trước chỉ bày.

Thế mà, chỉ mất thời gian ngắn thôi, xếp hàng lăn đủ 10 ngón tay, rồi lại xếp hàng tại một trong sáu cửa để được phỏng vấn, thì sau khi lăn thêm hai ngón tay nữa, chả nghe hỏi han gì cả, ngoại trừ một câu phán ra nghe ngọt như mía lùi : “2 ông bà đã được chấp thuận cho đi tham quan du lịch Mỹ, vui lòng chiều mai đến trước cổng nhận visa.”

Thế đấy, có hỏi gì đâu dù chỉ một câu! Lại được cả 2 vợ chồng nữa chứ! Có câu trả lời chuẩn bị sẵn kiểu bất cần mà không được dùng: “Cho đi cũng tốt mà không cho cũng tốt. Cho đi thì phải tốn thêm 4-5 ngàn $ nữa (cho 2 người), mà không cho đi thì chỉ mất 131x2=262$”

Cửa Hải quan

Kể ra cũng hơi oan cho Hải quan xứ mình khi có dư luận Hải quan mình khó dễ. Bạn hãy thử nếm mùi Hải quan các nước, Taipei, Mỹ khám xét trước khi lên máy bay- kể cả đường bay nội địa - Cởi tuốt tuồn tuột mũ nón, áo khoác, giày vớ, dây nịt, đồng hồ, kính đeo mắt, điện thoại………kể cả răng giả nếu có! Bỏ hết vào các khay chạy qua máy soi, còn người thì bước qua cổng soi tòan thân. Không có ai cầm gậy hươ hươ chọt chọt nhột nhạt khắp người như xứ mình. Những ai lỡ mang giày cột dây thì thật phiền (tôi chợt nghĩ đến mấy bà mấy cô mang áo ngực mà có khuy gài bằng kim loại e cũng phải cởi ra chăng!) chất lỏng là tuyệt đối cấm rồi. Nếu mang bình sữa cho con bú thì con phải ngậm bú khi qua cửa (mà nếu con đang ngủ thì bố hay mẹ phải ngậm bú thay)

Những con đường

Hồi nhỏ học tiếng Anh về con đường có ba từ: street, road, way. Năm 1956, thi tốt nghiệp Trung học Đệ nhất cấp (hết cấp II bây giờ) gặp bài thi dịch tiếng Anh ra tiếng Việt có tựa đề “One way street”, đại ý nói có một du khách bị lạc đường đã nhờ cảnh sát chỉ giúp. Cảnh sát hỏi ông có nhớ một chi tiết nào nơi đang ở không, ông ta đưa cuốn sổ cho cảnh sát và nói rằng khi ra khỏi nơi ở , thấy có tấm bảng ghi dòng chữ này :One way street. Hầu hết thí sinh đều dịch nguyên con là “chỉ có một đường”, dĩ nhiên là sai bét, chỉ có bạn Nguyễn Văn Nghệ dịch đúng là Đường một chiều.  Răng mà giỏi rứa không biết! Bạn Nghệ nhà ta, lên Đệ nhị cấp (cấp 3) học ban B, rất giỏi toán, thế mà sau lại trở thành Giáo sư Anh văn có tiếng.  Đúng là anh hoa phát tiết sớm hơn người.

Đến Mỹ, ôi thôi cả lô từ chỉ con đường: free way, high way, boulevard, avenue, street, road, way, drive. Thậm chí circle, park cũng chỉ con đường đi trong các khu dân cư mà vào và ra chỉ một cổng .Muốn phân biệt, khá dài dòng để các bạn tự lo.

Free way tương đối dễ nhận, chỉ có 2 lọai :Nam-Bắc, số lẻ và Đông-Tây số chẵn. Trên suốt tuyến đường không có đèn tín hiệu. Khi ở trên free way rồi mà bị nhầm hướng, đáng lẽ NB mà lộn BN , muốn quay lại đổi hướng phải chạy vài chục cây số tìm lối ra khỏi free way rồi lại chạy lòng vòng vài chục cây số nữa để tìm lối vào lại free way theo chiều ngược. Không phải dễ !

King là vua chứ gì? Coi chừng những con đường có mang tên King. Đó là những con đường để tưởng nhớ đến vị mục sư da đen nổi tiếng, Martin Luther King, gồm những khu dân cư mà hầu hết là dân da đen. Đủ tệ nạn xã hội : cướp bóc, xì ke ma túy, thậm chí có bắn giết nhau. Nhà cửa ở những khu này rẻ, nhưng đừng có ham. Có gia đình đã lỡ mua, sau khi vào ở được ít lâu, lại phải bán xới mà đi gấp, chịu không thấu với hàng xóm đầu gấu.

Nhà mặt tiền có đắt giá như ở xứ mình? Hòan toàn không có nhà mặt tiền, chỉ có cửa hiệu, nhà hàng hoạt động ban ngày còn đến đêm là mọi người đều về nhà riêng. Mà nhà càng xa thì càng mắc tiền, nhất là các nhà trên đồi cao: hàng triệu $ mỗi cái.

An ninh trật tự

Đi trên đường vắng hay giữa phố đông đúc rất hiếm khi thấy bóng một Cảnh sát nào. Thế nhưng nếu có chuyện xảy ra, chỉ ít phút đã nghe tiếng còi hụ và cảnh sát xuất hiện ngay. Hình như mỗi người đều là một công an, hiểu theo nghĩa không ăn lương nhà nước, không mặc sắc phục nhưng luôn góp phần ao việc gìn giữ an ninh trật tự công cọng. Các gia đình ở trong các hộ liền kề hiếm khi có sự chào hỏi thăm viếng kiểu hàng xóm láng giềng như ở ta. Thế mà nếu nhà nào có chuyện xô xát, cháy nổ…lập tức được nhà kế cận thông báo và Cảnh sát xuất hiện ngay sau ít phút.

Có một lần em tôi chở chúng tôi trên một xe loại light-truck, được ưu tiên chạy trên làn xe dành cho xe chở trên 2 người trở lên mà họ gọi là gọi là carpool. Ở Mỹ, xe cộ chạy đầy đường nhưng thường mỗi xe một người, rất phí đường sá và xăng nhớt, nên người ta bày ra cái carpool để khuyến khích đi xe chung, tiết kiệm nhiên liệu, bảo đảm lưu thông. Làn xe này thường it xe cộ hơn và chạy với tốc độ cao hơn, cũng từ 100km trở lên trên free way. Bỗng cái vali để phiá sau bay xuống đường. Em tôi tấp xe vào sát con lươn giữa đường, đứng nhìn ngẩn ngơ theo cái vali đã bị các xe sau cán nát: giấy tờ, quần áo bay tung tóe, đừng mong lượm lại cái gì! Chỉ vài phút, còi hụ, Cảnh sát xuất hiện! Theo luật , bị vi phạm 2 lỗi: làm trở ngại giao thông và xả rác trên free way mà mức phạt có thể đến hàng ngàn $ và còn bằng lái….? May mắn thay, nghe em tôi và ông cảnh sát xi-la xi-lô một hồi, rồi ông cảnh sát đã ngăn các dòng xe lại và hướng dẫn cho em tôi lái xe vào sát lề đường phải, cột lại hành lí sau xe chắc chắn, rồi  và cho đi tiếp khỏi phạt.

Các con đường dẫn đến núi lửa Longview hoặc thác nước nổi tiếng ở Seattle đều quanh co qua nhiều đồi núi. Dọc đường thấy có sóc, chồn, hoẵng, nai chạy nhởn nhơ và thậm chí băng qua đường. Cũng có con đã bị xe cán chết. Nhưng hãy để yên, sẽ có cảnh sát xuất hiện ngay để lo…hậu sự cho chúng. Chuyện kể có môt người ( gốc Campuchia thì phải) thấy có con nai bị xe tông chết giữa đường, tiếc của đời, lại tưởng đường vắng, không ai hay, nên dừng xe, cả nhà hè nhau mang con nai đem về xẻ thịt. Chỉ ít phút sau nghe tiếng còi hụ cảnh sát, anh ta vội vã hối thúc cả nhà đem hương đèn thắp quanh con vật và cùng hì hụp lạy! Anh ta nói với cảnh sát rằng do phong tục tập quán, họ phải cúng lạy trước khi đem đi chôn để hưởng phước!

Việc học hành

Ở Việt Nam, cứ than khổ cho lắm khi thấy con em mình ”gùi trên vai nặng trĩu” đến trường! Học sinh bên Mỹ không “gùi” đâu mà phải dùng vali có bánh xe để kéo, đẩy. Sau lưng nhà em tôi ở có một trường học. Mỗi sáng sớm nhiều xe hơi đưa đón học sinh đến trường và các em đã xuống xe hì hà hì hục kéo đẩy cả đoàn dài…vui lắm

Con của em tôi học lớp 10, khoe mấy cuốn sách mới mua (hoặc thuê mượn ở thư viện) nào sinh vật, nào toán, nào lí………mà cuốn nào cũng nặng vài kí lô. Mỗi buổi học bắt đầu từ 8h sáng đến 3h chiều, có bao nhiêu môn học thì có bấy nhiêu cuốn sách. Ngòai ra, còn có tập vở, bút mực…và đồ ăn trưa. Tôi thắc mắc hỏi làm sao các cháu bê lên nổi các tầng cao. May thay các trường ở Mỹ rất hiếm có tầng lầu,chỉ nhà trệt trong khu đất rộng mênh mông , có đủ cả sân chơi các lọai, thậm chí có cả hồ bơi, sân bóng đá, sân quần vợt, nhà thể dục thể thao, hội trường, v.v.

Học hành cũng dễ đỗ đạt thôi, miễn là chăm và học đủ các học phần quy định (mà chăm thì học sinh Việt Nam ta có thừa).

Muốn tham khảo tìm kiếm trường học cho con, quá dễ. Bất cứ tiệm sách hay thư viện nào cũng có cuốn cẩm nang, lớn hơn và dày hơn cuốn niên giám điện thọai của ta, giới thiệu đầy đủ các trường thuộc tiểu bang,liên bang cùng các điều kiện nhập học.

Một cựu học sinh Phan Thanh Giản Đà Nẵng, Trương Xuân Bình, nguyên là sĩ quan cũ, sau khi học tập cải tạo về đã vượt biên qua Mỹ với một áo rách và quần cũ trên người. Thế rồi vừa làm vừa học mà bằng nào cũng có: Cao đẳng, Kĩ sư, Cử nhân, Cao học và cuối cùng là 2 bằng Tiến sĩ Toán. Hiện Bình làm nghề ”gõ đầu Mỹ” tại Đại học Sacramento và là Giáo sư thỉnh giảng ở các Đại học khác.

Gia đình Mỹ

Trẻ em Mỹ quá đẹp như những thiên thần trong tranh vẽ. Các cô trong độ tuổi mới lớn cũng vậy: cao ráo, thon thả, xinh đẹp không kém các hoa hậu, người mẫu,  lượn lờ khắp nơi mà tôi có dịp đi qua trên đường, giữa phố hay quanh các trường học.Thế nhưng khi đã lập gia đình, dù chỉ mới một con mà đã sồ sề khó tưởng tượng nổi. Chỉ hơn 30, dưới 40 tuổi thôi mà dù bà đen hay trắng cũng trông chẳng khác nào những cái lu chứa nước mà dân quê ta thường dùng. Trên lu có up cái gáo dừa, dưới lu kê 2 cục gạch biết di động. So sánh như vậy cũng hơi tội nghiệp cho mấy cái lu, vì những “ cái lu di động” kia đặc ruột, nặng cả tạ trở lên không ít. Đường sá như ở xứ ta mà được các bà lượn lờ ít vòng thì chẳng khác nào xe ben chở đá sỏi cày nát đường mà báo chí thường lên tiếng. Tôi đã từng thấy một số bà trắng lẫn đen có bộ ngực và bộ mông đồ sộ đến phát khiếp. Bạn hãy tưởng tượng trên bộ ngực đó ta có thể đặt một khay ăn điểm tâm mà không sợ đổ. Còn bộ mông ta có thể kê cặp xách lên đó để …làm thơ khi lỡ xếp hàng sau lưng họ (bạn Trần Văn Tây nên lưu ý điều này,hồn thơ tha hồ lai láng!).

Chẳng phải cần tốn tiền tỉ như ở xứ ta để phát bao cao su, truyền đơn biểu ngữ để tuyên truyền vận động kế họach hóa gia đình, như “Dừng lại ở 2 con để chăm nuôi dạy tốt”. Gia đình ở Mỹ, dù giàu có đến bậc nào,cũng hiếm thấy có hơn 2 con. Nuôi dạy con từ sơ sinh cho đến tuổi 18 thật là quá khó khăn, vất vả và tốn kém.

Pháp luật Mỹ minh định rất rõ thứ hạng giai cấp để bảo vệ : Nhất trẻ em, nhì quý bà, ba chó mèo rồi cuối cùng mới đến quý ông. Trong gia đình nếu có gây gổ, bạo lực… đến độ hàng xóm báo cảnh sát thì ông chủ chỉ có việc ra khỏi nhà với cái quần xà lỏn trên người. Hạ hồi phân giải. Thế mà có một ông chồng,có lẽ dân xì-phé chuyên nghiệp, đã tháu cáy mà thắng ngược. Số là ông ta ra khỏi nhà một lát thấy hơi êm êm bèn trở lại gõ cửa nhà. Bà vợ vừa mới mở cửa, ông ta vứt ngay quần xà lỏn vào nhà, hai tay khum lại che phía trước hạ bộ ( nhưng ngón tay thì xòe ra) và nói: Anh đã mất tất cả, vợ con, của cải, nhà cửa…thì còn tiếc gì cái quần xà lỏn này nên cho em luôn. Không biết vì sợ hàng xóm lại kêu cảnh sát hay vì hai bàn tay úp úp mở mở khiêu khích mà bà vợ đã mở rộng cửa đón ông vào nhà lại.

Có thể là thiếu sót nếu không nhắc đến những bạn già Việt Nam ta, đã cổ lai hy(70), có bạn thậm chí miệng mũi lai hy(80) nhưng cũng phải ngày ngày lái xe đưa đón cháu nội ngoại đi học. Nếu không,thuận đường con cái đi làm sẽ chở đến các khu người Việt (Phước-Lộc-Thọ, Lion,…) tụ tập cho đến chiều tối con lại đón về. Buồn lắm, nhưng không thể bỏ đi được vì sẽ mất trợ cấp người già.

Thủ đô cờ bạc

Khi được hỏi bạn có ý kiến gì khi tham quan Las Vegas, tôi trả lời: choáng ngợp và điện xài 1 đêm ở đây bằng điện nước tôi xài cả năm. Mọi người đều được tự do ra vào tham quan và thử thời vận ở các casino nhưng cấm dưới 18 tuổi?

Con của em tôi 15 tuổi, bỏ vào máy đánh bạc 1$, chỉ mới bấm  máy lần đầu, hết 25 cent, thì hiện ra phiếu trúng 5$. Tưởng là chuyện vui chơi, ba nó cầm phiếu đến quầy đổi và được 5$ thật. Cháu định ngồi bấm tiếp thì lập tức xuất hiện một ông hộ pháp mời cháu ra khỏi casino ngay! Rất nhiều người đều nói, may cho cháu nếu trúng lớn thì chắc chắn không lãnh được tiền thưởng, tha hồ mà tiếc! Tôi cũng đã thử hên xui và thua đúng 4$, gọi là chia sẻ đóng góp tiền điện. Nhưng nếu bạn thua 5000$ trở lên thì lập tức có phục vụ đến tiếp cận đon đả mời chào: ăn uống miễn phí, ngủ lại miễn phí và nếu cần vay thêm tiền để chơi tiếp thì có ngay.

Ở Las Vegas có 1 điểm cho thuê làm đám cưới với đủ dịch vụ: Cha làm lễ, nhân chứng, chính quyền……Chỉ cần không đến 30’ là nên đôi vợ chồng với đầy đủ pháp lí. Không xa nơi đó lại có điểm chuyên về li dị: chỉ cần ít phút thôi là đường ai nấy đi không còn bị ràng buộc gì về pháp luật! Chuyện kể có một người đàn ông nổi tiếng (không biết thuộc lĩnh vực thể thao hay điện ảnh) say xỉn bị gài làm lễ cưới với 1 người đẹp. Qua hôm sau tỉnh rượu mới biết mình đã có một người vợ hợp pháp và lập tức anh ta xin li dị ngay (chắc cũng phải đền một số tiền lớn) vì nếu để dây dưa về sau thì biết đâu có ngày anh ta sẽ ra khỏi nhà mình với cái quần xà lỏn trên người.

Chân thành cảm ơn

Chỉ có 6 tuần mà chúng tôi đã đi và biết khá nhiều: dọc đường số 1, số 5…nối liền Nam-Bắc Cali, cầu Golden Gate, Treasure Island, bát phố San Fransisco, bãi biển Santa Crus, núi lửa Longview, tháp Space Neddle cao gần 200m, thác nuớc nổi tiếng ở Seattle, khu dân cư sang trọng ở Irvine, Las Vegas, đại lộ Hollywood, các khu Phước-Lôc-Thọ, Lion…(có thể còn quên), ấy là nhờ em tôi, Lê Quang Lưu, đã bỏ nhiều công sức, thời gian và cả tiền bạc giúp anh chị biết càng nhiều càng tốt về nước Mỹ.
Đại gia đình anh em Võ Anh Dũng và vợ, Thùy và vợ, Thúy và chồng, Cương, Huy và học sinh Hoàng Trọng Long.
Anh chị Lê Thuơng và các cháu, với các buổi họp mặt đông đủ.
Các đồng nghiệp cũ: Hòang Ngân Hà, Phạm Ngọc Vinh, Hồ Sĩ Hùng và vợ, chị Ngọc Hà, anh Trần Ngọc Tôn và chị Hoàng Oanh.
Các bạn cũ: Lê Đào, Hà Thúc Vinh, Nguyễn Đình Uyên, Lê Văn Ni, Võ Văn Dật, Nguyễn Văn Minh…đã có nhiều cuộc họp mặt thân mật…
Các vợ chồng: Ái Cầm-Thái Tú Hạp, Đỗ Xuân Qúy, Hùynh Thụy Phong, Diêu Xương Qúy, Huyền Linh-Phan Tấn Hiệp, Nguyễn Thị Nhi, Nguyễn Xuân Cẩn, vợ chồng cháu Ân.
Các học sinh Bích Liên, Bích Trâm, Bích Thủy, Qúy Phi…
Các cựu học sinh Sao mai: Lê Thanh, Quốc Dũng, Minh Nghĩa…
(vẫn có thể còn thiếu sót)

Cuối cùng, tôi vẫn còn nợ qúy bạn, các cựu học sinh Phan Thanh Giản và Sao Mai, bài viết đã được đặt hàng với nội dung ”Làm sao mà quên được ánh mắt với nụ cười hỡi các em học sinh thân mến ngày xưa!!!”

HẾT