“THẦY TÔI” mãi mãi trong tim tôi

- Ngô văn Dũng -

Thầy Nguyễn văn Xuân
(1921 - 2007)

Sáng ngày 5-7-2007 đang ngồi làm việc tôi nghe máy di động rung, cầm máy lên nghe bạn Hoàng nói to trong máy:

-“ Ê Dũng ơi nghe tin gì chưa?”

-“Chưa, gì thế?”

-“Thầy Xuân dạy văn mất rồi, mi lo chuẩn bị báo cho các bạn và tổ chức lo chuyện đi viếng thầy đi”.

-“Ừ dĩ nhiên rồi, thầy mất lúc mấy giờ?”

-“Báo thanh niên đăng lúc 21g tối ngày 4-7”.

-“Tao sẽ thu xếp báo lại giờ đi phúng điếu thầy sau nghe”.

Tôi nghe nhói ở trong tim, mặc dù tôi biết ngày thầy ra đi sẽ đến; nhưng khi nghe tin tôi vẫn thấy mất mát dâng trào. Tôi không biết phải làm gì, công việc của công ty không làm nổi nữa. Sau một hồi tôi định thần lại tôi mở hộp thư Yahoo gởi email cho các bạn ở hải ngoại và kế tiếp gọi cho các bạn Cam Thảo, Ngọc Xuân…Cả ngày hôm đó tôi nghe rất rỏ nổi buồn len lỏi mãi trong tim và dần lớn mãi lên theo thời gian. Tôi trả lời thư các bạn hải ngoại email về cho tôi, nghe Cam Thảo và bạn Ngọc Xuân thông báo 18 giờ tập trung tại đường Thái Phiên để cùng hội cựu giáo sư và học sinh Phan Thanh Giản Đà Nẵng cũ đi viếng thầy.

Đến đứng chờ các bạn trước đường Thái Phiên trước con hẻm dẫn vào nhà thầy; nhìn các thầy cô cũ, các anh chị , các bạn, các em tuần tự tập trung về mà trong lòng tôi cứ miên man suy nghĩ về thầy. Tôi xếp hàng vào dòng người, chào cô Tịnh và nhường chổ cho cô đi lên phía trước cho kịp với số thầy cô đang dẫn đầu đoàn người mà tâm hồn bất định, âm thầm lặng lẽ bước theo chân bước của mọi người. Đông người nhưng tất cả đều thầm lặng đầy vẽ buồn đau, mọi lời chào nhau rất khẽ. Sau những làn khói hương nghi ngút trước linh cửu của thầy có lẽ mọi người ai cũng cảm thấy mắt mình cay cay, ngấn lệ. Tất cả đều thầm hiểu và cố gắng thu xếp làm sao mọi lễ vật mang tính hình thức thật gọn nhẹ, còn lại bao nhiêu tiền bạc đều dồn vào các phong bì để tạo sự tập trung tài lực cần thiết cuối cùng cho gia quyến thầy. Mọi người lần lượt ra về tôi còn ở lại chờ một số bạn đến muộn 5 phút. Sau khi chia tay các bạn tôi về nhà và thấy rằng nổi buồn trong tôi rộng hơn, cao hơn và sâu hơn. Tôi lần hồi nhớ về kỹ niệm thời học trò và dần dần có những chuyện về thầy mà tôi tưởng là mình đã quên (vì quá lâu rồi) lại trở về trong ký ức. Trong sâu thẳm của tâm hồn tôi các kỹ niệm tuôn trào, có một dòng chảy hình thành về một người cha, một người thầy, một người có nhân cách rất đời và luôn làm cho hồn tôi choáng ngợp, một nhà văn kiệt xuất, một nhà học giả uyên thâm, một nhà trí thức lổi lạc, một người chủ của một gia đình đầy ẩn ức rất đau thương. Và một người như thế tôi xin được gọi thầy tôi là đấng văn nhân hào kiệt mãi mãi xứng đáng với danh xưng.

Thời đó được học truyện Kiều với thầy Xuân là một điều may mắn với tôi, mỗi khi nói đến truyện Kiều và thi hào Nguyễn Du bao giờ thầy cũng đọc ngân nga hai câu thơ:

“Trăm năm trong cỏi người ta,

Chữ tài chữ mệnh khéo là đố nhau.”

Thầy nhấn mạnh thuyết tài mệnh tương đố và giảng rất hay là người tài thường hay gặp cảnh ngộ không may. Giờ đây tôi nhớ lại và tự hỏi cái thuyết này vận vào mệnh số của thầy hay sao mà gia cảnh thầy cơ cực vậy? Khi thầy dạy về trích đoạn hai chị em Thúy Vân và Thúy Kiều làm tôi nhớ mãi, thầy viết các câu thơ lên bảng xong rồi hỏi chúng tôi:“Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang” có đẹp không? Dĩ nhiên chúng tôi có ai dám trả lời gì. Sau đó thầy giảng: Nếu hiểu cô gái này có khuôn mặt tròn như trăng và lông mày to đậm thì chắc chắn là không phải là người đẹp để khen ngợi. Thầy còn vẽ lên bảng một khuôn mặt tròn với đôi lông mày to vắt ngang (nếu mà thời đó có Yahoo thì có khi họ trả bản quyền cho thầy!!) làm chúng tôi cười ồ.Và đại ý thầy nói: Chúng ta phải hiểu là cô gái ấy đã phát triển như thiếu nữ tuổi trăng tròn khuôn mặt rạng ngời như trăng thế mới gọi là đẹp. Những lời như thế làm sao quên.

Rồi thầy lại nói về Thúy Kiều cũng thế rất tuyệt nhất là câu : “Một hai nghiêng nước nghiêng thành, sắc đành đòi một tài đành họa hai” thầy đem các trang tuyệt thế giai nhân trong các bộ truyện Đông Chu liệt quốc và Tam quốc chí ra kể. Học trò ai chả khoái khi đang học mà được nghe kể chuyện và khi đó tôi mới biết Điêu Thuyền, Tây Thi, hai chị em nhị Kiều ở nước Đông Ngô... Thầy cũng pha trò ý nhị khi giảng về đoạn Thúy Kiều sang nhà Kim Trọng hẹn ước và gãy đàn cho Kim Trọng nghe. Thầy nói: “Cái thời phong kiến lễ nghĩa đó mà một người con gái dám sang nhà người ta là có mảnh lực tình yêu ghê gớm lắm. Nói thì nói thế nhưng các cô chớ có bắt chước thì nguy” bọn con trai chúng tôi lại được dịp cười, còn các bạn gái thì e thẹn. Đang bình thơ với chất giọng trào phúng đó thì giọng thầy đột ngột chuyển qua buồn man mác khi đọc đến đoạn: “Rằng hay thì thật là hay, nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào”.

Chúng tôi lần lượt học các bài thơ bất hủ của các thi nhân Việt Nam qua lời giảng và giọng đọc thơ của thầy. Ví như bài thơ: “Qua đèo ngang” thầy đem cả hai bài một của bà huyện Thanh Quan, một của Hồ Xuân Hương ra để so sánh. Một bên : “Bước tới đèo Ngang bóng xế tà. Cỏ cây chen lá, đá chen hoa”, một bên: “Một đèo, một đèo, lại một đèo. Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo.” Càng học thầy tôi càng thầm phục trí nhớ của thầy, trong lớp chả bao giờ thầy cầm một quyển sách hay bài giảng nào soạn sẳn cả. Khi thầy dạy về nhà thơ Tú Xương tôi nhận thấy thầy rất yêu mến nhà thơ, thầy luôn bình giảng các bài của Tú Xương bằng chất giọng cảm khái về một người tài hoa luôn gặp cảnh ngộ không may. Trong bài thơ “Thương vợ” thầy bình giảng về câu: “Cha mẹ thói đời ăn ở bạc, có chồng hờ hững cũng như không” thầy bảo đây là một kiểu “nịnh vợ” của Tú Xương làm chúng tôi lúc đó còn trẻ không hiểu rõ cho lắm, chỉ có thầy cười ha hả; lúc đó dáng vẻ thầy thật yêu đời. Nhưng thầy cũng nói thêm đó là một số phận buồn của nhà thơ. Còn nữa với bài “Trời nực mặc áo bông” thầy đọc thơ xong rồi hỏi có ai tưởng tượng ra cảnh khốn khó lúc đó của nhà thơ không; thầy nói chỉ có những người bị cảm chui vô mền xông cảm mới hiểu rõ. Và thế là thầy nói đến cảnh nghèo của một con người trong tâm thế ấy người có tài tất nhiên sẽ có những lời thơ kinh bạc. Sau này khi học lên lớp 11 tôi lại được thầy giảng hay hơn, chứa chan chất văn chương hơn trong hai bài phú đều nói về cảnh nghèo của Nguyễn Công Trứ và Cao Bá Quát. Thầy luôn khen giọng văn của Cao Bá Quát hay hơn, đầy chất kiêu ngạo. Rất tiếc là tôi không giỏi về văn chương vì sau này tôi học lớp 12B cho nên các câu trong bài phú này tôi không còn nhớ được nguyên văn. Chỉ nhớ đại ý Cao Bá Quát khinh mạn bọn quan lại vô tài bất tướng, suốt cả ngày chỉ lo đội cái mũ cánh chuồn và mỏi gối vì quỳ lạy các bề trên. Hình như là bài “Tài tử đa cùng phú” của Cao Bá Quát, còn bài “Hàn nho phong vị phú” thì của Nguyễn Công Trứ.

Mà sướng nhất là cái giai đoạn học về thơ mới. Khi bắt đầu dạy về giai đoạn chuyển mình của nền thi ca Việt Nam thầy nhấn mạnh về bài thơ “Tình già” của Phan Khôi chính là bài đầu tiên khai hỏa của phong trào thơ mới.

Tình Già

Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ, hai mái đầu xanh kề nhau than thở.
Ôi đôi ta tình thương thì vẫn nặng, mà lấy nhau hẳn là không đặng;
Ðể đến rồi tình trước phụ sau, chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau
Hay! Nói mới bạc làm sao chớ! Buông nhau làm sao cho nở?
Thương được chừng nào hay chừng nấy, chẳng qua ông trời bắt đôi ta phải vậy!
Ta là nhân ngãi, đâu phải vợ chồng, mà tính việc thủy chung?
Hai mươi bốn năm sau, tình cờ nơi đất khách gặp nhau!
Ðôi mái đầu đều bạc. Nếu chẳng quen lung, đố nhìn ra được!
Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi! con mắt còn có đuôi …

Và bọn con trai chúng tôi bao giờ cũng cười khoái trá với câu cuối của bài thơ ấy, còn các bạn gái thì ghét đắng.

Mấy ngày nay có một số tác giả viết trên báo có trích đoạn các câu thơ: “Mau với chứ, vội vàng lên với chứ. Em em ơi tình non sắp già rồi” khi nói về thầy Xuân đã ra đi. Thật vậy thầy tôi yêu thích bài “Giục giã” của Xuân Diệu cho đến nỗi một khi có ai đó yêu cầu thầy đọc thơ bao giờ thầy cũng đọc bài này trước.

Giục giã

Mau với chứ, vội vàng lên với chứ,
Em, em ơi, tình non đã già rồi;
Con chim hồng, trái tim nhỏ của tôi,
Mau với chứ ! Thời gian không đứng đợi.

Tình thổi gió, màu yêu lên phấp phới
Nhưng đôi ngày, tình mới đã thành xưa,
Nắng mọc chưa tin, hoa mọc không ngờ,
Tình yêu đến, tình yêu đi ai biết !
Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt:
Những vườn xưa, nay đoạn tuyệt dấu hài
Gấp đi em , anh rất sợ ngày mai;
Đời trôi chảy, lòng ta không vĩnh viễn.

Vừa xịch gối chăn, mộng vàng tan biến;
Dung nhan xê động, sắc đẹp tan tành.
Vàng son đương lộng lẫy buổi chiều xanh,
Quay mặt lại: cả lầu chiều đã vỡ
Vì chút mây đi, theo làn vút gió.
Biết thế nào mà chậm rãi, em ơi ?
Sớm nay, sương xê xích cả chân trời,
Giục hồng nhạn thiên di về cõi bắc.
Ai nói trước lòng anh không phản trắc,
Mà lòng em, sao lại chắc trơ trơ ?

Hái một mùa hoa lá thuở măng tơ,
Đốt muôn nến sánh mặt trời chói lọi;

Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối,
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm.
Em vui đi, răng nở ánh trăng rằm,
Anh hút nhụy của mỗi giờ tình tự.
Mau với chứ ! Vội vàng lên với chứ !
Em, em ơi ! Tình non sắp già rồi...

Và thầy cũng đại lãng mạn khi đọc bài “Tương tư chiều” với một giọng đọc thơ còn hay gấp mấy lần ngâm.

Tương tư chiều

Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm ,
Anh nhớ em , em hỡi ! Anh nhớ em .
Không gì buồn bằng những buổi chiều êm ,
Mà ánh sáng nhòa dần cùng bóng tối .
Gió lướt thướt kéo mình qua cỏ rối ;
Vài miếng đêm u uất lẩn trong cành ;
Mây theo chim về dãy núi xa xanh
Từng đoàn lớp nhịp nhàng và lặng lẽ .
Không gian xám tưởng sắp tan thành lệ .

Thôi hết rồi ! Còn chi nữa đâu em !
Thôi hết rồi , gió gác với trăng thềm ,
Với sương lá rụng trên đầu gần gũi .
Thôi đã hết hờn ghen và giận dỗi .
(Được giận hờn nhau ! Sung sướng bao nhiêu !)
Anh một mình , nghe tất cả buổi chiều,
Vào chầm chậm ở trong hồn hiu quạnh .

Anh nhớ tiếng . Anh nhớ hình . Anh nhớ ảnh .
Anh nhớ em , anh nhớ lắm ! Em ơi !
Anh nhớ em của ngày tháng xa khơi ,
Nhớ đôi môi đang cười ở phương trời ,
Nhớ đôi mắt đang nhìn anh đăm đắm .
Em ! xích lại ! và đưa tay anh nắm !
Gió bao lần, từng trận nhớ thương đi,
Mà kỷ niệm ôi, còn gọi ta chi ...

Nhiều lắm thầy có một trí nhớ mênh mông, nhờ đó tôi lần lượt nghe các bài thơ thuộc hàng tuyệt tác của các thi nhân cận đại Việt Nam như: Thế Lữ, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Nhược Pháp, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Tản Đà, T.T.K.H, Thâm Tâm "Khánh" và cả Quang Dũng nữa.

Mà đâu phải thế mạnh của thầy là các vần thơ, thầy là một nhà văn mà. Mảng văn xuôi thì học thầy không xuể. Thời tôi học chỉ có bạn Trần thị Lệ Xuân biệt danh là Lệ Xuân đen mới được thầy khen tặng thôi. Mà thật vậy bạn ấy làm văn bao giờ cũng 18, 19 điểm eo ơi điểm số ấy các thằng con trai như tôi nằm mơ cũng không thấy. Các bài văn xuôi “An Nam ta gì cũng cười” của Trương Vĩnh Ký, “Biết khó làm dễ hay biết dễ làm khó” của Tôn Trung Sơn (Tôn Dật Tiên). Đặt biệt thầy rất thích các nhà văn trong nhóm Tự lực văn đoàn và thầy giảng rất cảm động truyện ngắn: “Anh phải sống của” Khái Hưng. Giờ đây trong trí nhớ nhỏ nhoi của tôi chỉ còn nhớ được bấy nhiêu thôi tệ thật. Và quan trọng nhất là khi dạy văn xuôi bao giờ thầy cũng trích đoạn một số đoạn văn hay của các tiểu thuyết gia lừng lẫy trên văn đàn thế giới. Nhờ vậy sau này khi lớn lên tôi hay tìm đọc các nhà văn do thầy giới thiệu. Từ đó tôi dần tiếp cận với các tác phẩm: “Chiến tranh và hòa Bình”, “Anh em nhà Ka ra ma dốp”, “Ngư ông và biển cả”, “Chuông nguyện hồn ai”, “Bản du ca của loài người không còn đất sống”, “Những người khốn khổ”, “Kẻ hà tiện”, “Ba chàng lính ngự lâm”, “Trà hoa nữ”, “Đỉnh gió hú”, “Tam quốc chí”, “Đông chu liệt quốc”, “Hồng lâu mộng”…, có những quyển quá khó đọc như “Âm thanh và cuồng nộ” tôi đành chịu thua chờ có dịp để hỏi thầy nhưng nay còn đâu cơ hội.

Các sáng tác văn chương của thầy như: “Hương máu”, “Bóng tối và ánh sáng”, “Phong trào Duy tân”, “Khi những lưu dân trở lại”…hồi đi học tôi đều tìm mua để đọc. Nhất là khi thầy mới in xong cuốn “Phong trào Duy tân” do nhà xuất bản Lá Bối phát hành thầy đã đem đến trường để cho học sinh chúng tôi ai có nhu cầu học tập, nghiên cứu thì mua; tôi đã mua và được thầy ký tên vào cuốn sách nhưng sau này khi học tại đại học Chính trị kinh doanh Đà Lạt tôi đã bị thất lạc khi có biến cố năm 1975.

Bẳng đi 10 năm (năm 1985) vật lộn với khốn cùng kể từ sau năm 1975 tôi sống được cũng nhờ những giá trị nhân văn mà thầy tôi đã truyền dạy. Tôi còn nhớ rõ một buổi chiều đi làm về bị lủng lốp xe đạp tôi dắt bộ tìm chổ vá trên đoạn đường Hùng Vương tình cờ tôi gặp thầy đạp xe chầm chậm ngang qua.

Tôi kêu lên: -Thưa thầy! em chào thầy.

Thầy tươi cười hỏi: -Em là học sinh trường nào, học thầy năm nào?

-Dạ em học trường Phan Thanh Giản niên khóa tú tài IBM, em học ban B. Em tên Ngô Văn Dũng. Thầy nhẹ nhàng nói: -Hơn mười năm rồi thầy không nhớ các em được vì thầy có nhiều học trò và thầy cũng dạy nhiều trường nữa.

-Dạ em rất hiểu thầy ạ, lâu quá em rất nhớ những buổi học văn của thầy. Em mời thầy vào quán bên cạnh uống nước cho đỡ mệt đã thầy.

Thầy đồng ý và cùng tôi vào quán nước ven đường uống nước và câu chuyện giữa hai thầy trò chúng tôi dài mãi ra. Chiều ấy thầy tôi thật yêu đời thầy kể về những dự định thầy làm cho đất Quảng về những biên khảo mà thầy đã và đang hình thành. Thầy cũng hỏi tôi về các bạn mà thầy còn nhớ tên. Trong các mẫu chuyện về thơ văn tôi có đọc cho thầy nghe các câu thơ mà tôi đọc được của học giả Bùi Giáng trong kỳ đi thi đại học ở Sài Gòn năm 1974 đó là 2 câu lẩy Kiều:

“Hỏi tên rằng biển xanh dâu,

Hỏi quê rằng mộng ban đầu rất xa”

Mới nghe qua thầy đã nói ngay là thơ của Bùi Giáng và thầy nói rất kỹ về xuất thân của nhà thơ, học giả Bùi Giáng và thế là tôi trúng tủ; thầy đọc cho tôi nghe một số bài mà tôi ít được thấy đăng trên văn đàn. Rất nhiều nhưng tôi chỉ tâm đắc và nhớ mãi 4 câu:

“Em đứng mũi anh chịu sào có vững,

Bàn tay bưng đĩa muối có chấm gừng,

Tôi nguyện yêu trần gian nguyên vẹn,

Hết tâm hồn và hết cả thịt da xương.”

Sau này khi nhóm chúng tôi tổ chức và họp mặt sau nhiều năm xa cách đã đề nghị các lần họp mặt thường niên phải mời các thầy cô cùng về dự. Năm 1999 tôi tìm nhà thầy ở trên đường Thái Phiên để mời thầy tham dự buổi họp mặt thường niên của nhóm. Khi bước vào nhà thầy chờ em Quang con thầy đi mời thầy ở nhà hàng xóm về tôi thấy vợ thầy và cất tiếng: “chào cô”. Ánh mắt của cô nhìn tôi mà không thấy tôi, tôi hiểu là người vợ thân yêu của thầy không còn là người bình thường nữa. Rồi nhìn lại em Quang tôi cũng thấy có một sự khác thường. Tôi cảm thấy ông tạo sao mà không công minh, lòng tôi cảm thấy nao nao. Tôi ngồi với thầy nói chuyện hàn huyên mà không nhớ được gì rõ ràng. Sau khi đưa giấy mời cho thầy tôi ra về và tự nhiên nhớ về 4 câu thơ của Bùi Giáng mà thầy đã đọc cho tôi chiều nọ.

Tôi thấy thầy tôi thật là trơ trọi trên con thuyền băng đi giữa dòng đời cuồn cuộn; trên đó chỉ có mình thầy đảm nhận cả chèo lẫn chống; thế mà thầy không những sống mà còn lao động miệt mài sáng tác văn chương. Một con người phi thường giữa những người bất thường. Các câu thơ của bài giục giã lại ngân nga trong hồn tôi khi nghỉ về thầy:

Vừa xịch gối chăn, mộng vàng tan biến;

Dung nhan xê động, sắc đẹp tan tành.

Vàng son đương lộng lẫy buổi chiều xanh,

Quay mặt lại: cả lầu chiều đã vỡ

Tôi nghỉ về thầy thiết thực hơn, hằng năm nhóm chúng tôi trích quỹ ra đến thăm nhà các thầy nhân dịp 20-11 tuy nhiên số lần cũng không nhiều vì có nhiều năm ngân sách không có dư. Các dịp xuân về tôi cũng đến thăm thầy với mục đích góp phần rất nhỏ làm dịu đi những gian khó của thầy. Nhưng cái vĩ đại nhất của thầy Xuân chính là tình người cao cả, trong cảnh ngộ buồn nhưng chưa lần nào tôi gặp mà thầy không tươi cười. Từ đó tôi cũng học được ở thầy một phần nào tính khí yêu đời để sống và dần qua đi một quảng đời gian khó của riêng tôi.

Tôi không phải là người hay chữ nghĩa, nhưng nhờ sự giảng dạy của thầy mà cũng thấm được vài câu thơ và lề lối làm người. Để thay cho lời kết về thầy tôi xin góp nhặt các từ của thầy và các thi nhân để nói lên ơn thầy trong quảng đời đi học của tôi.

“Cao xanh kia dường như đã thấu,

Độ cho thầy thoát cảnh ngộ quá sầu bi,

Nhân gian ơi còn lại những gì,

Đau thương mất mát ôm ghì con tim,

Ngày sau ai biết ai tìm,

Văn nhân đất Quảng, Đà Thành vinh danh,

Biết bao sự nghiệp viên thành,

Giáo sư lỗi lạc trong ngành văn chương,

Giờ đây trên mọi bước đường,

Không sao quên được thiên đường thầy trao.”

 

- Ngô văn Dũng -
Cựu HS PTG niên khóa 73-74