Đất đã lấp đầy mộ phần và được phủ lên những vòng hoa tươi thương tiếc tiễn đưa chú tôi đến nơi an nghỉ ngàn thu.

Cuối tháng hai dương lịch miền Đông nước Mỹ thành phố Philadelphia gần New York khí trời còn lạnh se thắt thịt da bên vệ đường vẫn còn những đụn tuyết chưa tan như những khối đá bào nhận theo hình nón khổng lồ điểm trang lẩn lộn cành lá thông khô.
Đồi cao không gian thênh thang u tịch với mộ bia, nhà mồ, trên đầu là trời xanh xa tít làm ngươì có lẻ ai cũng ít nhất một lần mơ ước được nhẹ nhàng bay bổng. Bên dưới màu xanh cây cỏ ôm lấy dòng nhân sinh di chuyển miệt mài tìm bắt hạnh phúc cho mình bằng những con đường khác nhau mà chú tôi vừa bỏ cuộc. Hôm nay 29/2 lòng đất ấm nơi đây chú tôi đã chọn khi còn sống đón nhận chú tôi về như một chân lý.

Cách đây hơn hai tuần ngày mồng hai Tết chú tôi đột nhiên trở bịnh đang nằm trên giường té xuống đất và theo lời thím tôi quả quyết đó là điềm dữ "hạ thổ" khó có người nào dũng mãnh trở về sự sống. Mọi cách chửa trị và thuốc men của nhà thương không còn hiệu quả lúc tỉnh, lúc mê, tin tức chuyển đi qua lại các miền Mỹ, Việt,Canada nhanh chóng bằng điện thoại, điện thư. Sáu người con trai cùng với vợ con lần lượt về để chú tôi nhìn mặt từ giã bằng ánh mắt, bằng bàn tay siết chặc ấm áp tình thương. Ông đã tỉnh táo lạ thường trước khi về thế giới vô thủy vô chung lúc gần ba giờ chiều ngày chủ nhật vưà qua.
Muà hè rồi tôi cố gắng đưa hai con về thăm ông bà vì sợ thời gian không còn nhiều. Tôi vui vì chổ ở cuả ông bà đã được sửa lại khang trang tiện nghi hơn xưa không phải leo lên cầu thang nữa. Tôi có dịp thay ra-giường, cắt ngắn móng tay chân, tắm gội, thay aó quần sạch sẽ cho chú. Ngồi trên ghế Salon, ông thong thả uống từng ngụm sữa Ensure. Tôi lột cho ông những trái bòn-bon to tròn ngọt lịm mà cô con dâu thứ Ba đã có lòng mua ờ chợ Tàu Toronto dấu kỹ khi qua biên giới Canada đem về. Trông ông tươi tỉnh nói cười vui vẻ ân cần mời tôi cùng ăn dù trí nhớ không còn minh-mẫn nhưng rất dễ xúc động khi nhắc đến tình cảm gia đình.
Bổng có tiếng gỏ cửa, tôi ra mở cưả, ba vị tu sĩ bước vào. Tôi đã không kém ngạc nhiên khi nhận ra một ngươì là chú họ goi Bà Nội tội bằng cô ông đã trở thành tu sĩ Phật giáo trước kia ông là luật-sư -thầy Thích Kiến Như - khoác áo tràng màu cam gần hai chục năm nay đang đến vùng nay tìm nơi xây dựng ngôi chuà, ghé qua thăm anh. Dĩ nhiên tôi và thím không quên cúng dường. Khi vị tu sĩ ra về chú tôi nhất định chống gậy tiển đưa ra trước cửa nhà bịn rịn khóc to khi vị tu sĩ niệm Phật từ giã. Diù chú vào trong tôi với nước mắt lưng tròng vì vui mừng khi biết ông đang quay đầu về với Phật mà trước kia ông không có tí niềm tin nếu không muốn nói là chống đối.
Lần cuối qua điện thoại tôi nói với chú vài lời, mong ông cố gắng sống thêm đến tháng Tư khi mùa hoa anh đào nở để tôi có thể lên thăm. Ông chỉ ú ớ vài tiếng để rồi sau đó im lặng mãi mãi...

Nên giờ đây tôi đang ngồi trong chiếc xe Cadillac to đẹp sang trọng do nhà quàng cung cấp cùng với tài xế đang lăn bánh từ nghiã trang để đưa chúng tôi về thành phố đến nhà hàng dự bửa cơm chay thân mật.
Thím tôi ngồi phiá trước, tội nghiệp bà cũng già yếu nghễnh ngãng và tự ví mình như đã mất một cánh tay. Sau lưng thím là tôi, bên cạnh tôi là cậu Hai con cô Tư tôi từ Florida đến. Tuy tôi nhỏ hơn mười ba tuổi nhưng ba tôi là con trưởng và có vợ trể nên tôi rất hảnh diện làm bà chị nhỏ tuổi này. Đã lâu lắm rồi chị em mới có dịp ngồi bên nhau cùng có chung một tâm trạng như trên cùng chuyến tàu vượt biên năm nào dể thường đã hơn ba chục năm qua!
Tinh thương lâu nay đóng băng vì xa cách nay có dịp tan chảy khi nhìn và nghĩ về cậu em. Chàng trai trẻ này đầy sinh lực, học thức vốn giòng hào kiệt, cháu Hoàng Diệu, ở tuổi mười tám - em cô cậu cuả tôi đó - lên đường du học Mỹ quốc; khi tôi chưa cắp sách đến trường hay một lần gặp gỡ. Sau khi đã có bằng thạc sĩ về kinh tế nghiệp duyên đưa đẩy phải lòng cô gái Huế cũng đi du học; làm đám cưới, làm giám đốc ngân hàng mãi đến khi đã có hai con tôi mới gặp mặt lần đầu. Một tiếng dạ thưa chị, hai tiếng cảm ơn chị té ra văn hoá Mỹ đã dạy cậu ta lịch lãm như vậy sao?
Qua bao trôi nổi dập dền cuả cuộc đời giờ đây bên cạnh tôi là ông già ngoài bảy mươi không mấy quan hình dáng bên ngoài lặng lẽ giữ hộ chị túi xách sợ tôi sẽ để quên lần nưã. Cậu trầm tỉnh, hiền lành như đã thực tập thiền định .
Dòng tâm thức tôi trôi chảy miên man thì quái lạ thay ông tài xế đã bao lần đến đây chạy lạc đường dừng lại ngay điểm khởi hành. Một lần nữa chúng tôi gởi ánh mắt đến mộ phần nổi bậc hoa tươi.Có lẽ nào chú tôi chưa muốn thím tôi ra về? Cảnh đìu hiu đầy mộ chí dưới ánh nắng vàng vọt, chút ớn lạnh lùa qua thân và tôi tin rằng có đời sống vô hình.

Ngươì tài xế vừa được người canh gác ở đây chỉ đường xe lại tiếp tục lăn bánh. Còn một nhân vật quan trọng lớn bậc nhất là chú Út đến từ Việt-nam tiển đưa anh và nói lời từ biệt. Ông nội tội xuất thân từ gia đình đã qua nhiều đời làm điạ chủ, giàu có bậc nhất trong làng và theo miệng dân gian là ''ruộng cò bay thẳng cánh''. Ông tôi theo Nho học và làm quan Tá Lý bộ Lại ở triều đình Huế. Ở quê nhà làng Bích-Trâm tỉnh Quảng-nam, bà nội tôi quản lý ruộng nương thâu hoạch ngày muà, lo ngày giổ quảy ông bà, dành dụm tiền bạc nuôi con cái học hành xa nhà Huế, Hà-nội để duy trì truyền thống gia đình ‘’thông minh, kiên cường và bản lĩnh’’. Bà nội tôi con nhà gia thế môn đăng hộ đối ở Đa-hoà. Tùy già rồi trông bà cao ráo thanh cao và độ lượng. Còn về đạo đức bà cố tôi được truyền tụng như một vị Quan-Âm của gia tộc bà thường lập đàng cùng chay phóng sanh. Nạn đói 1945 bà đã mở kho lúa gạo cuả gia đình phát cho dân nghèo.
1954, Ba má tôi, tôi và các chú ở chung trong ngôi nhà tranh vách đất chạy tản cư vùng quê nghèo Hà-Lam tôi nghe những người lớn nói với nhau Tây sắp rút về nước, khi đó tôi được bốn tuổi. Chẳng bao lâu có ông làm công trong làng đem đôi bầu vào gánh tôi và chú Út về. Nằm khoanh trong bầu, bên trên quấn khăn vải che nắng theo bước chân nhịp nhàng đong đưa tôi say sưa ngủ, chỉ khi qua trạm khiểm soát ông dừng lại và la lớn ‘’gánh con nít’’. Ông gánh bầu chắc đã mệt vì đường xa bỏ tôi và chú Út xuống ngoài đường đi rôì hai người nhanh chân chạy mất hút. Tôi mần mò tìm lối vào hết một lúc mới tìm ra cổng tam quan. Lần đầu tiên trong đời tôi được nhìn thấy ngôi nhà to lớn với nét đẹp cổ kính nằm giữa lũy tre xanh cây to cao ngất. Tôi đi mỏi chân mới vào được nhà và có những ngày thơ ấu tuyệt vời như trong thần thoại. Và như thế tôi lớn lên giữa vườn rau luống cà của bà nội tôi cho đến khi bà qua đời 1958.

Trong tiệm ăn mọi ngươì ngồi quanh những chiếc bàn tròn hầu như đông đủ, tôi ngồi chung bàn vơí mấy vợ chồng cậu em. Vì vô tình hay cô ý bên cạnh còn một chổ trống, tôi đang đợi một người, mấy ngày nay anh luôn đến bên tôi như chia sẻ và an uỉ. Anh là đồng nghiệp ngày xưa dạy cùng trường vơí tôi. Cuối cùng anh đến ngồi bên tôi. Anh gắp bỏ đồ ăn cho tôi, tôi gắp bỏ đố ăn cho anh như thể một chút tình còn vương lại. Tôi thành thật cảm ơn anh kể cả những lời mời đi ăn, đi dạo cảnh sòng bài mới mở gần đây, nhưng lòng tôi chỉ hướng về cầu nguyện chú tôi sớm siêu thoát.
Đứng trước cửa tiệm ăn nhìn xéo về phái tay mặt không xa là tháp chuông nhà thờ cũ kỹ điêu tàn vươn lên cao vút nhọn. Con chiên không còn đến thờ phượng nữa. Thầy Kiến Như đã mua lại và sẽ thay hình đổi dạng thành ngôi chuà tên là Phật-Quan . Các em đã hùn nhau đóng góp cúng dường tôi cũng phụ một tay.

"Chuá đi chuà tới'' đã lọt vào tai tôi từ miệng một cậu em là một thành ngữ phổ biến hiện tượng này đang xảy ra nhiều nơi trên nước Mỹ. Tôi sẽ đến đó cùng chú, cô, các em các cháu làm lễ an vị bàn thờ chú tôi đánh dấu kết thúc một kiếp người.
Trước 1975 chú Bảy tôi vừa là thương gia vừa là hiệu trưởng của một trường trung học, rất thành công, luôn ở trên đỉnh giàu sang nhà lầu, xe hơi, vợ đẹp con khôn ở Đà-nẵng . Ông là người khắc kỉ, sống gương mẫu không nhiễm bất cứ một thói hư tật xấu mà kẻ có tiền thường vấp phaỉ nên niềm tự hào về mình không nhỏ. Ông là tấm gương sáng cho gia tộc và niềm ước mơ cuả nhiều người. Tuy nhiên nếu tôi hỏi chú tôi : ‘’Giàu như vậy theo chú tiêu tiền như thế nào là hợp lý‘’ và câu trả lời tôi chắc rằng nhiều người không đồng ý và cho rằng không rộng lượng.
Khi tôi lên mười mẹ tôi đã qua đời trong bước hoạn nạn đó chú tôi nhận tôi về nuôi như một đứa con gái.Trong cảnh giàu sang không khí ngai ngái muì xi-măng (có xưởng in gạch bông). Tôi thấy lạc lỏng, bơ vơ, nhớ bà nội, nhớ mẹ. Chú tôi tối ngày bận rộn. Thím tôi con nhà cao sang quyền quí cháu vua Bảo Đại nên một con bé nhà quê như tôi khó mà gần gủi. Các em toàn là con trai tối ngày tránh né để khỏi bị chọc phá là may lắm rồi vì thế bản tính kiên cường và bướng bỉnh như con trai có mặt trong tôi mạnh mẻ để tự thắng. Nhiều khi tôi ước mơ phải chi chú tôi có con gái để tôi làm bạn hay ít ra được mặc áo quần bính là đủ vui .
Tôi chỉ trông đến cuối tuần và nghỉ hè hết đi học là chảy tuốt về quê không gian rộng rải giữa thiên nhiên thơm mùi hoa cau hoa lài, trèo hái trái chín trên cây vui với chó, mèo, gà, vịt là thiên đàng tuổi thơ. Rồi súng đạn nổ đì đùng trong đêm tối mãi đến khi tình thế quá nguy hiểm tôi đành gạt lệ ra đi không hẹn ngày về. Sau đó ngôi nhà to lớn chạm trổ rồng phượng, theo lối kiến trúc cung đình vang bóng một thời của ông bà làm mồi cho ngọn lửa trong chiến tranh, ruộng nương xiêu lạc trong tay bá tánh.
Ở với chú thím tôi được hai năm tôi quay về với ba tôi ông đã tục huyền sống bằng nghề giáo cùng với hai cô em gái ngoan hiền hơn tôi. Nhưng đời tôi không dừng lại ở một nơi nào lâu luôn có cuộc khởi hành mới đang chờ trước mặt trên hành trình đi tìm hạnh phúc.
Sau 1975 những người miền bắc vào miền Nam những người giàu có là những chiếc gai nhọn cần nhổ đi trên con đường tiến bước và chú tôi là nạn nhân. Như một quả pháo kích trúng ngay giữa nhà, niềm tự hào cuả chú tôi bị tổn thương nặng. Cả gia đình bỏ xứ mà đi vào Sài gòn trên chiếc xe cam-nhông với ít đồ gia dụng quét góp.
Trong cơn hoạn nạn hai chú cháu lại ở sát nhà nhau, chung vách, hơn bốn năm cũng là niềm an ủi. Ngày chiếc cam-nhông từ Đà nẵng vào Sài gòn tôi ngồi trong cưả sắt nhìn ra thấy chú thím tôi bơ phờ bước xuống xe lòng tôi quặn thắt, thổn thức, nước mắt bắt đầu rơi dài như những giọt nước mưa của mùa Đông ở Đà-nẵng. Thương cho chú thím tôi hay là thương cho chính mình không ngờ ở một khúc quanh lớn của đời ngươì chưa từng nghĩ tới.

Lại ra đi, cuộc hải hành đầy gian truân và nguy hiểm từ bờ Đông qua bờ Tây. Tiền của như bánh xà-phòng mòn dần khi gặp phaỉ sóng nước làm sạch những hào hùng cuả quá khứ trên những mảnh đời phiêu bạt để lộ ra ý chí phấn đấu, quật cường, vươn lên trên nước Mỹ và Canada; tư do và nhân quyền căng tròn bay cao như cánh diều no gió. Sau bao nhiêu năm lận đận chú cháu lại gặp nhau đều an cư lạc nghiệp. Riêng sáu người con trai cuả chú tôi như sáu vì sao sáng thông minh, học giỏi, bằng cấp cao,giàu sang vợ đẹp, con khôn ‘’lịch sử tái diển’’. Điều đó xoa dịu phần nào lòng phẩn uất mà chú tôi chưa bao giờ đặt xuống.
Đặc biệt có ba người nổi bậc trong công tác từ thiện mà tôi không thể không nhắc đến. Cậu Ba điềm-đạm ít nói nhưng làm thì không thua ai. Nhường phòng đẹp nhất của em khi tôi đến thăm và pha cho tôi ly cà phê buổi sáng .Tôi vẫn nhớ ngày em dẫn tôi đi New York thăm tháp đôi trước khi sụp đổ tan thành. Em là kỷ sư Công-chánh, ngoài việc làm bận rộn trưởng phòng xây dựng nhà cửa cho những người nghèo về nhà em cùng vợ lo phụng dưỡng cha mẹ già làm tròn chữ hiếu. Lo thủ tục giấy tờ trợ giúp tiền bạc để ngôi chùa Phật Quang sớm thành hình.

Cậu Tư bặt thiệp, hào phóng như đại gia. Thác nước Niagara ở giữa biên giới Canada và Mỹ, em cùng vợ đã dẫn mẹ con tôi lên lầu cao vưà ăn vừa nhìn xuống. Ánh chiều tà xuyên qua hơi nước để lại một đoạn cầu vồng. Khi ánh nắng lịm dần ánh đèn muôn màu chìếu sáng trong bóng đêm trên dòng thác với vẻ đẹp lung linh, huyền diệu, thoát tục. Em quả là đại gia thứ thiệt làm chủ trên mười căn nhà. Kỷ sư điện tài ba có hảng chế tạo ra những chiếc máy có khả năng tiêu thụ vỏ xe phế thải rác rến thành xăng dầu. Việc thiện đã cấp học bổng cho những du học sinh đến từ Việt-nam. Khi em ấy bảo: ‘’Chị nói muốn bất cứ cái gì trong khả năng của em sẽ làm cho chị’’. Tôi mừng không phải có nơi để nhờ vã mà mừng vì ‘’Sự giàu có tỷ lệ thuận vơí lòng quảng đại’’.

Còn cậu Năm tánh tình vui vẻ chọc phá nói cười như con sáo, có cô vợ Phật tánh khá dày. Khi mẹ con tôi đến thăm gia đình em được ăn trưa trên du thuyền chạy dọc theo dòng sông Potomac và ngắm cảnh thủ đô luôn một thể. Em mới mua thêm condo ở vùng biển Florida không quên mời tôi đến cùng gia đình em hưởng gió mát và có dịp ướp mình trong muối biển may ra văn chương cuả tôi thêm chút mặn mà. Em là tiến sĩ Tin Học, hiện làm cho ngân hàng trung ương ở Hoa-Thịnh-Đốn. Hai vợ chồng đồng tâm xây những giếng nước máy gần Bồ Đề đạo tràng nơi Phật thành đạo vùng quê nghèo nàn cuả Ấn-Độ hồi hướng công đức cho cha.

Tôi cũng xin cảm ơn chú, cô và các em đã đóng góp phụ cùng tôi cúng dường xây thiền viện Bồ Đề ở quận Liên-chiểu dưới chân đèo Hải-vân. Trong giòng chảy của đạo Phật tôi đã gặp người thầy dạy Lý Hoá thời Trung-học giúp tôi hiểu thêm Phật pháp và khai sinh những giòng này. Trước bàn thờ linh thấy vợ, các em, con cháu qùi gối đông đủ chắc chú tôi mỉm cười trong cái buồn ly biệt có cái vui hội ngộ. Sau khi cầu siêu, ai ở xa không thể trở lại thì xả tang. Tôi đứng lên đặt khăn tang vào mâm, cúi xuống lạy và đây là lời thì thầm qua tâm thức: “Ngày mai con về sớm, con biết chú thương thím và con cháu nhiều lắm nấn ná thêm thời gian ngắn không sao. Ghé qua Ấn -độ thăm hai cái giếng nước xem trẻ con vui đùa tắm rưả, rồi chú có thể về thăm quê nhà đường thênh thang nhẹ tênh không cần có hành trang hay giấy tờ tùy thân. Chú nhớ bay đến thiền viện dưới chân đèo Hải-vân xem thử công trình xây cất tới đâu rồi vào Bảo-tháp chiêm bái ‘’Xá lợi Phật’’. Ngao du sơn thuỷ một tí rồi quên đi cuộc đời trần thế chia phối bởi luật vô thường : “THÀNH, TRỤ, HỌAI, KHÔNG”. Chú theo hào quang của đức Phật A-Di-Đà hoà nhập vào luồng hùng lực siêu nhiên ,vi diệu cuả đất trời vũ trụ vạn hữu, hạnh phúc vô sinh bất diệt.‘’

Bước vào ngôi nhà quen thuộc thi thoảng mùi hoa lan và hoa mai chưng tết nở rộ lòng tôi có chút bình yên. Sau chuyến đi trải qua bốn ngàn dặm mất hai ngày đường khác biệt giờ giấc thêm sự mất mát, tôi mất hết mấy ngày trở lại đời sống bình thường. Vẫn chưa yên, năm nay tôi có sao Thái-bạch chiếu mạng nhìn đâu cũng thấy một màu tan trắng. Ngày 8/3 hàng triệu con cá Sardine chết trắng bờ biển Redondo gần nơi tôi ở, qua ngày 9/3 tin ông dượng chồng dì, em của bà mẹ kế vưà mới qua đời sau những năm tháng dài bịnh hoạn. Ngày 11/3 tôi đi tìm chiếc áo đầm đen thích hợp để ngày mai đi đám tang thì động đất ở Nhật chín chấm, sóng thần sang bằng cơ sở vật chất và hàng chục con người bị kéo ra biển cả. Chẳng biết làm gì hơn, tôi ký cái check gởi vào hội Hồng Thập Tự để việc cưú trợ được nhanh chóng.
Mùi tử khí và hơi phóng xạ hoà trong không khí. Rồi một nhà tiên tri đã đoán đúng bao lần động đất phán rằng: “Hiện tượng chim chết cá chết hàng loạt báo hiệu rằng ngày 26/3 này Cali sẽ có một trạn động đất và sóng thần lớn hơn Nhật bản và sức tàn phá khủng khiếp”. Truyền thanh, truyền hình báo chí, email nhắc tới nhắc lui, bạn bè kêu hỏi lung tung. Tôi cũng bị lôi vào cơn sóng lo lắng, bất an đi mua thức ăn khô, nước uống, hơi đốt về dự trử; gởi tiền đóng học phí cho một học trò ở Huế tôi bảo trợ. Tôi gọi các con hỏi có sợ không? Chúng bảo: “Chết chung cũng vui đâu có sao đâu me’’. Thần chết năm nay hung hăng quá cầm lưởi hái đi khắp nơi. Tôi đâu biết trốn tránh nơi nào, đâm lì “chết thì chết’’.
Lời Phật dạy: ”Quá khứ thì đã qua rồi ,tương lai thì chưa tới thức giả biết sống với giây phút hiện tại”. Giờ đây tôi đang dự party ngồi bên người bạn gái chuyện trò, uống vài ly trà xanh có khả năng chống lão hóa, ăn vài chén chè đậu xanh cho mát lòng, khiêu vũ vài bản để khối óc này còn điều khiển đôi chân đi đúng nhạc điệu. Bước qua tháng Tư thân này vẫn còn sống nguyên vẹn. Nhưng chiến tranh ở Lybia, Trung Đông, bão lụt miền Trung-Tây Hoa-Kỳ tiếp tục đưa người về bên kia thế giới. Hai nhân vật nổi tiếng cũng đến ngày trút bỏ hình hài. Đệ nhất phu nhân thời Đệ nhất cộng hoà bà Ngô Đình Nhu. Trùm khủng bố Bin Laden .

Muà Vu-Lan năm nay tôi tin rằng có nhiều vong linh còn lênh đênh vất vưỡng chưa biết về đâu. Xin những người con Phật đồng tâm khấn nguyện cho họ được siêu sinh về thế giới an lành.



Nguyện đem công đức này hướng về khắp tất cả,
Đệ- tử và chúng sanh đều trọn thành Phật đạo.



Thương tặng các em,


(Cali - May 15, 2011)