Là một trong những cựu học sinh Phan Thanh Giản thuộc thế hệ Anh/ Chị năm, Tôi vào học PTG lớp Đệ Thất năm học 1961 – 1962 cho đến lớp Đệ Nhị B năm học 1966 – 1967; sau đó vào Sài Gòn học Đại học và công tác, làm việc từ năm 1968 đến nay. Mặc dầu vẫn về Đà Nẵng thường xuyên, nhưng bạn bè cũ (cựu học sinh PTG) kẻ mất, người còn chỉ dăm ba người nên không được biết nhiều đến việc họp mặt cựu GV & HS Phan Thanh Giản. Mãi cho đến lần “Hội trại kỷ niệm 55 ngày thành lập Trường” tổ chức tại Đà Nẵng ngày 21 /08 /2010, Tôi mới lần đầu tiên được tham gia. Tôi thật sự xúc động vì được gặp lại các Thầy Cô thân yêu ngày xưa và điều làm tôi bất ngờ nhất khi được biết trường PTG mặc dầu là một trường Tư thục mà vẫn duy trì được khá thường xuyên những cuộc họp mặt ở Hải ngoại (6 kỳ Đại hội từ năm 2004 đến 2010) và ở VN – với một không khí thật hoành tráng, đông vui và thấm đậm nghĩa tình thầy trò, bạn bè. Bây giờ,Tôi đã hiểu được “Tinh thần Phan Thanh Giản” là thế đấy.

Trước thực trạng giáo dục hiện nay, Tôi vẫn thường than thở với bạn bè và đồng nghiệp: “Cái học ngày nay đã hỏng rồi”. Nhớ lại cái học của chúng tôi ngày ấy… Nay tuy đã hơn 60 năm tuổi đời và hơn 40 năm xa đèn sách, nhưng những kiến thức mà Thầy cô đã truyền dạy cho chúng tôi vẫn còn hằn sâu dấu ấn. Cho đến tận bây giờ những kiến thức cơ bản về toán (Hình học, đại số, lượng giác v.v…) mà Thầy Lê Quang Văn đã dạy, tôi vẫn còn đủ vốn liếng để dạy lại cho hai đứa con của tôi ( mặc dầu tôi không đi theo ngành sư phạm toán). Trong khi đó, ngày nay con tôi chỉ cần học xong học kỳ 2 là đã quên béng những kiến thức Toán đã học trong học kỳ 1 (không phải vì con mình dốt hay kém thông minh mà trong nhiều nguyên nhân… thì nguyên nhân cơ bản vẫn là do cái dạy học bây giờ không có nền móng vững, dạy học để đối phó với thành tích và điểm số…)

Tôi vẫn còn nhớ Thầy Hồ An dạy Anh văn với phương pháp phân chia lớp thành từng tổ, nhóm để vừa học vừa ôn tập và dạy lẫn nhau; với phương pháp: “Tay viết, mắt nhìn, miệng đọc, óc nghĩ, Thầy đã giúp học sinh chúng tôi nắm vững vàng môn Anh văn. Lúc đó, tuy chúng tôi chỉ là học sinh bậc trung học “Đệ Nhị cấp” nhưng khi gặp người Mỹ (lúc đó ở Đà Nẵng nhiều người Mỹ lắm), chúng tôi vẫn có thể mạnh dạn trao đổi bằng tiếng Anh được, chứ không như bây giờ rất nhiều sinh viên đã tốt nghiệp Đại học mà vẫn rất kém trong giao tiếp Anh ngữ. Tôi vẫn còn nhớ Thầy Nguyễn Văn Xuân dạy Việt Văn, Thầy đã ra đi ngày 04 /07 /2007; Thầy là một nhà văn hóa, một nhà học giả, nhà nghiên cứu lịch sử văn học, nhà Quảng Nam học v.v….Thầy là Giáo sư cố vấn, Giáo sư hướng dẫn (như là giáo viên chủ nhiệm bây giờ) của lớp tôi (Đệ Nhị B năm học 67 – 68). Thầy đã truyền dạy cho chúng tôi lòng yêu nước, yêu những dòng thơ ca của Nguyễn Du (Truyện Kiều), Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Cao Bá Quát v.v…. Những năm Thầy đau yếu, chúng tôi có đến thăm Thầy ở một căn nhà nhỏ trong hẽm đường Thái Phiên Đà Nẵng, Thầy sống rất đơn sơ giản dị, nếu không muốn nói là không được đầy đủ về vật chất, nhưng về tinh thần thì Thầy vẫn rất lạc quan “tếu”, vẫn rất yêu đời và yêu người.

Còn biết bao nhiêu kỷ niệm nữa về các Thầy cô và bạn bè, nói sao cho hết. Nhân dịp “Hội ngộ Phan Thanh Giản Đà Nẵng năm 2011”, Tôi xin có đôi dòng gởi đến các Thầy cô và các bạn cựu học sinh PTG. Xin chúc “Hội Trại” sẽ thành công tốt đẹp.


Tháng 04 năm 2011