Khảo Luận về cụ Phan Thanh Giản

Sưu Tầm: Nguyễn Hữu Cường -

  
 

Chương 1

Khi nhận định giá trị thật sự của một con vật hay một đồ vật vô tri người ta thường căn cứ trên những lợi ích mà con vật hay món đồ vật đó mang đến cho con người. Người ta đánh giá trước khi mua về để dùng và sự đánh giá thường hay căn cứ theo lời quảng cáo của nhà sản xuất ra các món đồ vật hay của nhà nuôi thú để bán. Sự đánh giá về đồ vật hay con vật cũng được thực hiện theo những lời đồn đãi của quần chúng hoặc theo sự giới thiệu của người đã có kinh nghiệm xài qua hay đã từng là sở hữu chủ các vật đó. Món đồ vật hay con vật sau khi mua về tạo được lợi ích thì sẽ được người mua nâng niu châm sóc cẩn thận để có thể xử dụng lâu dài và khi món đồ vật đã xài lâu năm bị hao mòn hay đã trở thành lạc hậu thì người chủ phải quyết định bỏ đi nhưng lòng vẫn luyến tiếc không nở dứt bỏ và có thể là món đồ vật nầy sẽ được lưu giữ lại để trở thành một món đồ cổ đầy kỷ niệm được giữ lại cho hậu sinh trong gia tộc chiêm ngưỡng.

Đánh giá về một con người là một tiến trình phức tạp, tế nhị và khúc mắc. Tại sao? Bởi vì con người cũng là một con vật, nhưng là một con vật có một khối óc biết suy nghĩ và một con tim đầy ấp tình cảm. Vì có con tim đầy tình cảm cho nên rất khó cho một con người nầy phê phán, đánh giá khách quan một con người khác bởi vì tình cảm con người bị quá nhiều yếu tố ngoại lai ảnh hưởng hoặc chi phối cho nên dễ rơi xuống gần với loài động vật tuy rằng có bộ óc nhưng chỉ biết hành động theo phản xạ chứ không biết suy nghĩ chính chắn khách quan hoặc bị cản trở không cho phép suy nghĩ theo đúng với lý trí của mình.

Đánh giá một con người lịch sử lại càng khó hơn bởi vì con người lịch sử thông thường đã thuộc về quá khứ lâu đời, là một thành viên trong một bối cảnh lịch sử nào đó đã qua đi và từ xưa đến nay hầu hết các bối cảnh lịch sử thực tế đều do guồng máy thống trị đất nước mặc tình thao túng muốn thêu dệt, bẻ méo cách nào cũng được qua các văn kiện, tài liệu, sách vỡ, phương tiện truyền thông, chiến dịch đồn miệng truyền tai núp, lợi dụng lòng mê tín dị đoan của người dân chất phát ít học để thần thánh hóa một triều đại hay để quảng cáo cho một lãnh tụ, tất cả đều núp dưới mỹ từ lịch sử hoặc dã sử. Đầu óc địa phương, bè phái, mặc cảm tự tôn cũng là những yếu tố khiến cho việc đánh giá một con người lịch sử mất đi tính cách công tâm và khách quan.

Dĩ nhiên là khi đánh giá một nhân vật lịch sử thì không thể nào tách nhân vật nầy ra khỏi bối cảnh lịch sử cụ thể thực sự vào thời đó - một bối cảnh lịch sử thực sự chứ không phải một bối cảnh bịa đặt- với những mối dây liên hệ trói buộc phức tạp trên mọi lãnh vực xã hội, văn hóa, gia đình, môi trường hoạt động và đường lối phát triển đất nước so với xu hướng phát triển chung của thế giới đang được bành trướng khắp nơi vào thời điểm đó.

Từ xưa đến nay, dư luận đánh giá một nhân vật lịch sử thường có mục đích để tôn vinh hoặc để kết tội nhân vật lịch sử đó. Khi đánh giá tôn vinh thì tốt khoe xấu che, cái tốt của nhân vật được đề cập tới nhiều hơn và thường thì lại bày đặt thêm thắt, đánh bóng, thổi phòng để biến nhân vật nầy thành một ông thánh sống vô nhiễm mọi tội lỗi, thành một nhà hiền triết khôn ngoan sáng suốt đứng trên hết mọi người. Khi đánh giá kết tội thì xấu bêu tốt lờ mà mục tiêu của việc đánh giá bêu xấu là để che tội cho một kẻ khác, biến kẻ bị bêu xấu thành một con vật hy sinh tế thần. Nhiều khi người bị bêu xấu vô tội, cái tội của họ là do kẻ có tội thật sự vì muốn che dấu khuất lấp tội lỗi xấu xa của mình cho nên đã đổ hết tội lỗi lên đầu người khác. Nhiều khi người bị bêu xấu không có tội tình gì nhưng vì hoàn cảnh phải ở về cùng một phía của những kẻ bị xem là có tội cho nên phải chịu họa lây mặc dù kẻ đứng ra kết tội dư sức biết rõ người đó bị kết tội một cách bất công thay vì được nghiêm xét một cách vô tư và đáng được vinh danh.

Lại cũng có những cung cách đánh giá tùy thời, gió chiều nào theo chiều đó. Kiểu đánh giá tiền hậu bất nhứt như thế sẽ khiến cho mọi người mất tin tưởng và dù sau nầy việc đánh giá có đúng sự thật một trăm phần trăm đi chăng nữa thì cũng chỉ giống như nước đổ đầu vịt bởi vì một lần bất tín thì vạn sự bất tin.

Đối với những nhân vật lịch sử có thành tích lẫy lừng vang dội, thành tích tốt cũng như thành tích xấu, thì sự đánh giá có thể là dễ dàng nhưng cũng chưa chắc là khách quan vô tư đầy đủ nhưng không phải vì có nhiều đánh giá tiếp theo sau đó có cùng một quan điểm mà vội cho là đã nhất trí.

Có những nhân vật lịch sử xuất hiện trong một bối cảnh phức tạp biến động, dẫy đầy thử thách và mâu thuẫn, xô đẩy nhân vật nầy vào con đường bế tắc không biết phải hành động thế nào cho phù hợp với lý trí đưa đến tình trạng thực hành những điều trái với lương tâm của mình. Đối với những nhân vật lịch sử nầy từ trước đến nay người ta thường chỉ đánh giá một chiều theo những chứng cớ che lắp, đầy dẫy hậu ý bất công và đây cũng là trường hợp của một số đông nếu không nói là hầu hết những nhân vật của miền Nam Việt Nam có tên trong lịch sử kể từ thời hoàng đế Gia Long đến nay mà trong số những nhân vật nầy, hoàng đế Gia Long và ông Phan Thanh Giản là những trường hợp điển hình hơn hết.

Việc đánh giá và phê phán ông Phan Thanh Giản không phải chỉ xảy ra sau cái chết tự xử của ông vào năm 1867 mà nó đã xảy ra ngay trong lúc ông còn sinh tiền, đặc biệt là vào lúc thế lực thực dân thuộc địa từ phương Tây bắt đầu dòm ngó vào vùng đất hình cong chữ S của nước Đại Nam.

Chương 2

NHỮNG NGUYÊN DO CHỦ YẾU TRONG CUỘC CHIẾN XÂM LĂNG CỦA NGƯỜI PHÁP VÀ SỰ THẤT BẠI CỦA TRIỀU ĐÌNH NHÀ NGUYỄN TRONG VIỆC CHỐNG NGOẠI XÂM ĐỂ GIỮ NƯỚC

Từ thế kỷ thứ XIX, một nước ĐẠI VƯƠNG QUỐC VIỆT NAM được hình thành khi triều đại họ Nguyễn được khai sáng, và hoàng đế Gia Long đã đặt nền móng để tạo dựng đất nước Việt Nam thành một quốc gia tiên tiến. Tất cả các cơ cấu trong guồng máy cai trị của hoàng đế đều được cải tổ và đã hoạt động tích cực để phát triển theo đà tiến bộ của nền văn minh và kỳ thuật thế giới. Luật lệ được đổi mới để thay thế cho các luật lệ già nua lỗi thời từ niên hiệu Hồng Đức dưới triều đại của vua Lê Thánh Tông trong thế kỷ thứ XV. (Có dư luận cho rằng bộ luật Gia Long chỉ bắt chước theo bộ luật của nhà Thanh ở Trung Quốc thua xa bộ luật Hồng Đức. Nếu xét cho cùng, nền cổ luật từ thời Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần và Hậu Lê, tất cả đều bắt chước theo các luật lệ của Trung Quốc. Có một điều ngạc nhiên là, khi sơ khởi thiết lập guồng máy hành chánh cai trị, Charner đã không dám đem áp dụng ngay luật lệ của nước Pháp tại các vùng đất của Đại Nam mà Pháp vừa mới chiếm được nhưng lại phải lục lạo tìm kiếm cho bằng được bộ luật Gia Long để phiên dịch ra tiếng Pháp và phổ biến ngay cho các chức quyền hành chánh của họ áp dụng kèm theo chỉ thị phải theo luật lệ và phong tục của người Đại Nam trong việc cai trị làng nước).

Những công trình như cầu cống, đường xá, sông ngòi, kênh rạch, đê đập, kho lẫm, bến cảng, thành trì, tất cả đều được thực hiện một cách quy mô liên tục, đạt được thành quả rất tốt và có giá trị lâu bền. Các định chế về tổ chức quân đội, giáo dục, tài chánh cũng được đổi mới. Chính người Pháp phải công nhận rằng nước Việt Nam dưới thời Gia Long đã tiến xa hơn nước Nhật Bản đến 60 năm và trở thành một trong những cường quốc quân sự trong vùng bán đảo Đông Dương. Chỉ người ngoại quốc Âu châu nào có năng lực mới được hoàng đế Gia Long tuyển chọn để phục vụ như những kẻ đi làm thuê trong các công trình canh tân xứ sở Việt Nam.

Năm 1817, khi tàu buôn đầu tiên của Pháp đến xin giao thương, hoàng đế Gia Long đã chấp thuận nhưng vẫn dành chủ quyền cho nước Việt Nam trong việc ấn định thể thức giao thương và quyền lựa chọn các mặt hàng hóa xuất nhập.

Chính sách đế quốc thuộc địa của người Anh ép đặt vào Singapore năm 1819 khiến cho hoàng đế Gia Long nghi ngờ và mất tin tưởng vào thiện ý của người ngoại quốc gốc Âu Châu, vì thế trước khi qua đời , năm 1820, hoàng đế Gia Long đã trối lại cho hoàng đế Minh Mạng nên đối xử tốt đẹp với người Âu Châu, đặc biệt là đối với người Pháp nhưng tuyệt đối không để họ tạo ảnh hưởng để xen lấn vào nội tình của nước Việt Nam. Đối với Minh Mạng thì lời trối của Gia Long còn chưa đủ bởi vì dưới triều đại Minh Mạng, chính sách bất hợp tác với ngoại bang Âu Châu được áp dụng một cách cứng rắn, triệt đễ và quay về với truyền thống vọng Trung Quốc của nước Việt Nam từ ngàn xưa. Thiệu Trị nối nghiệp, tiếp tục theo đường hướng cai trị của vua cha rồi nay đến Tự Đức cũng thế. Kế đến chiến tranh giữa người Anh và người Miến Điện xảy ra vào năm 1826 càng khiến cho những con cháu nối nghiệp của Gia Long thêm lo âu nghi ngại và họ càng hướng về mẫu mực văn hóa, đạo đức của Trung Quốc dùng làm kim chỉ Nam để giữ và xây dựng đất nước Đại Nam. Họ là những nhà cai trị giỏi nhưng Minh Mạng nổi bật, chỉ kém thua vua cha Gia Long mà thôi.

Quyền lực chính trị tập trung vào tay của hoàng đế ; không có một quyền lực trung gian; quan lại triều đình chỉ là công cụ thi hành quyền lực của hoàng đế. Tất cả người dân trong nước đều được coi như là bình đẳng, là tôi thần của vua, được thưởng hay chịu phạt ngang nhau theo một chế độ luật pháp duy nhất. Không có một ngạch quan quân sự riêng mà cũng không có sự phân cách giữa quyền lực quân sự và quyền lực hành chánh: quan đứng đầu cai trị một vùng lãnh thổ cũng là tư lệnh quân sự cao cấp tại vùng đó nhưng không phải vì thế mà được hưởng cấp bổng gắp đôi.

Quan lại được tuyển chọn trong các tầng lớp dân chúng lương thiện, không phân biệt nghèo giàu, qua các khoá thi định kỳ được tổ chức tại các tỉnh thành quan trọng và chỉ có một số ít thí sinh thật xuất sắc mới được chấm đỗ và ban cho ngạch trật quan lại tương ứng với thứ bật đỗ cao thấp của họ. Người ngoại quốc nào sau khi được tiếp xúc với các hàng quan lại Việt Nam đều đồng ý rằng họ là những người tài trí hiểu biết, có giáo dục, có kỹ luật và đức hạnh. Trước khi người Pháp xâm lăng, Việt Nam được xem như là một quốc gia có giáo giục qua các dụ chỉ giáo huấn của nhà vua ban ra. Nho học và đạo đức thánh hiền được phổ biến rộng rãi trong dân chúng bởi các cơ quan giáo dục của triều đình hoặc từ các quan chức đã về hưu mở trường dạy học. Nền giáo dục đó đã tạo ra một mối liên hệ đồng nhất gắn bó trong nếp nghĩ suy và hành động của tuyệt đại đa số tầng lớp người dân trong nước. Tầng lớp Nho sĩ, những người dân có học cao - những người "quân tử" - là tầng lớp chỉ đạo và vua, vì là con của Trời, thay Trời hành đạo để tạo phúc lợi cho nhân gian cho nên vua được xem như là người quân tử tối cao với quyền hành tuyệt đối vô giới hạn và không thể bị lầm lẫn. Người dân trong nước được xem như là con cái của vua. Là phận con cái cho nên mọi người dân trong nước đều phải lấy chữ trung hiếu làm đầu. Nếu vua lầm lẫn, ăn ở mất nhân đức thì chỉ có Trời biết để trừng phạt vua bằng các hình phạt tai ương, lũ lụt, hạn hán, mất mùa, dịch bệnh, giặc giã đổ xuống trên đầu trên cổ "con cái" của vua. Nếu tai ương kéo dài khiến đa số dân chúng bị khổ đau triền miên thì vua đương nhiệm bị xem như là hôn quân, bạo chúa không đạo đức, sẽ dẫn đến các phong trào nổi dậy và bạo loạn trong nước.

Trong việc cai trị, các vua nhà Nguyễn lựa chọn những quan đại thần để làm cố vấn chính trị và an ninh trong một cơ quan gọi là viện Cơ Mật cùng với các cơ quan hành pháp và tư pháp trung ương, tất cả gộp lại để tạo thành một cơ quan quyền lực trung ương tối cao, tức triều đình Huế. Tất cả những chính sách và đường lối trong việc cai trị đều được vua hỏi ý kiến của triều đình nhưng quyền quyết định cuối cùng luôn luôn là của nhà vua.

Ở bậc thang cuối cùng của hình thức tổ chức quyền lực nước Đại Nam có một đơn vị hành chánh gọi là làng. Mặc dù ở vào một vị thế thấp nhất nhưng làng lại là một thế giới riêng biệt: phép vua thua lệ làng; mỗi làng có những tục lệ, phong tục, tập quán riêng biệt. Người dân ít khi chịu rời khỏi làng mình đang sinh sống để đi nơi khác bất kể làng của họ bé nhỏ hay rộng lớn.
Những nề nếp sinh hoạt trong làng như việc phân chia ruộng công, thực hiện các công trình nông nghiệp, tổ chức hành chánh, giải quyết các vụ tranh tụng nhỏ trong những mối liên hệ ràng buộc của những hộ khẩu trong làng, việc phòng giữ cảnh vệ làng xóm chống trộm cướp, tất cả những định chế đó đều được tổ chức một cách biệt lập không có sự can dự của những kẻ ngoại lai không có hộ khẩu trong làng. Dân làng chọn lựa những người có uy tín và nhũng người "sống lâu lên lão làng" để lập thành những ngôi thứ cho những người đứng đầu nắm quyền cai quản xóm làng. Nhân vật nắm giữ việc điều hành guồng máy hành chánh tự trị trong làng là lý trưởng do hội đồng đó chỉ định và tất cả những người nầy lập thành một tập thể hành chánh quản trị của làng. Nhà vua và các quan triều chỉ công nhận tập thể này như là những người đại diện tuyệt đối cho toàn thể cá nhân sống trong làng. Có thể nói rằng uy quyền của nhà vua và triều đình không thể lọt qua khỏi cổng làng bởi vì chính cái xã hội thu nhỏ nầy được hưởng một chính sách tự trị khá rộng rãi để tự mình tổ chức các cách thức giữ gìn an ninh và xây dựng làng mạc của mình với điều kiện là phải nộp thuế cho ngân khố của triều đình: triều đình ấn định mức thuế cho từng làng và mức thuế nầy sẽ do hội đồng quản trị của làng phân định cho mỗi người dân trong làng đóng nộp.

Mặc dù hoàng đế làm chủ đất nước nhưng trên thực tế ruộng vườn trong làng mặc nhiên xem như là được hoàng đế cấp phát cho người dân trong làng làm chủ vĩnh viễn, chính người dân trong làng mới chính là sở hữu chủ đích thực được hoàng đế và triều đình công nhận nếu chịu nộp thuế và thi hành những nghĩa vụ do triều đình yêu cầu. Luật Gia Long ghi: <<Các gia đình của mỗi châu, huyện chia nhau ruộng đất, lập sổ thuế và tất cả cùng nhau cai quản việc công sở tại>> (Nguyễn Văn Huyền, La Civilisation Annamite, [Văn Minh Việt Nam]; bản dịch; trang 564; Hà Nội; 1996). Có thể nói rằng làng là biểu hiện của một hình thức dân chủ sơ khởi của tổ chức hành chánh công quyền trong suốt tiến trình lịch sử xây dựng nước Việt Nam. Tính cách tự trị của ngôi làng đã làm nẩy nở một tình trạng tâm lý đặc biệt là người dân trong làng cảm thấy rằng quyền tự do cá nhân của mình hầu như tách rời khỏi quyền lực của các tổ chức cai trị thuộc chính quyền trung ương. Người dân Việt Nam ngày xưa thường rất hãnh diện và cảm thấy danh dự vì mình xuất phát từ một làng quê ở một tỉnh nhỏ bởi vì dưới mắt của mọi người khác họ không bị khinh thị là kẻ trôi sông lạc chợ, người tứ xứ. Làng không phải chỉ gồm có những người hiện cư trú ở đó mà bao gồm cả những người có gốc tích từ làng mà ra và vẫn được xem là dân làng mặc dù chỉ trở về làng một vài lần trong đời. Dân làng có thể sinh sống ở một vùng khác nhưng bao giờ ngôi làng cũ vẫn là "quê mẹ" của họ và vẫn tiếp tục nộp thuế thân ở làng, đóng góp vật chất hoặc tinh thần cho làng mặc dù họ không được hưởng những lợi lộc vật chất, con cái họ sinh ở nơi khác nhưng họ lại muốn đăng ký tên của đứa con ở làng cũ. Nhiều trường hợp người của một làng cũ cố gắng thu xếp một góc nhỏ ở làng để cất lên một gian nhà lá đơn sơ dùng làm nơi kê bàn thờ tổ tiên.

Có những làng đầu tiên được lập nên bởi một gia đình, người trong gia đình, cùng với sự trợ lực của một số người lao động đi theo, cật lực phá rừng, khai khẩn đất hoang và mở rộng đất đai rồi nếp sống tập thể lần lần được tổ chức theo hình thức những làng mạc khác. Khi số dân tăng, tập thể mới nầy có thể xin chính quyền trung ương cho phép lập thành một làng mới gọi là xin tách rời con dấu biệt triện. Có khi một người hoặc một nhóm người đứng ra xin được quyền làm chủ các đất đai bị bỏ hoang để lập thành một làng mới nhưng phải cam kết đóng thuế ruộng đất cho chính quyền trung ương sau khi khai khẩn đất hoang đã được tiến hành mọt thời gian nhất định. Triều đình nhà Nguyễn khuyến khích những vụ khẩn hoang kiểu nầy để mở rộng phạm vi cày cấy cho đất nước. Người dân hoàn toàn tự do lựa chọn khai khẩn bất, lạp thành làng mạc bất cứ vùng đất hoang nào mà họ cho là tốt và sau đó chỉ cần báo trình với quan để trở thành sở hữu chủ.

Chương 3

Sau khi tái chiếm các vùng đất ở Nam Kỳ vào những năm cuối thế kỷ 17, Nguyễn vương Phúc Ánh liền cho lập ngay những làng mạc mới. Tất cả hạng dân, binh và nhất là người dân nghèo đều phải cày cấy, làm ruộng. Nhiều dân ở các vùng khác nhau được chiêu mộ để đi khẩn hoang lập ấp gọi là điền tốt đặt dưới quyền điều khiển của một viên quan triều đình gọi là Điền tuấn quan. Những điền tốt đi khai hoang được nhà nước cấp cho trâu bò, nông cụ nhưng phí tổn cho việc cung cấp nầy phải được trả lại cho chính quyền bằng cách nộp một số hoa màu, gạo thóc vào những mùa gặt hái. Ở những chốn rừng sâu, những người đi khai hoang được tổ chức thành những trại nông nghiệp gọi là đồn điền trong đó có những nhóm gọi là toán hoặc đội đồn điền. Người nào có công tuyển mộ được nhiều điền tốt từ 5 người trở lên thì được cho giữ chức cai trại, được miễn thuế thân và khỏi phải làm việc nặng lao nhọc.

Như vậy, làng là một tổ chức cộng đồng thực sự, là kiểu mẫu của một đại gia đình nới rộng mà quyền lực của giới hữu trách trong làng cũng tương tựa như quyền lực của người cha trong từng gia đình riêng rẽ.

Trong thực tế, định chế tổ chức gia đình Việt Nam từ lâu đời đã rập khuôn theo lối tổ chức của người Trung Quốc và vẫn không thay đổi cho tới khi có sự xuất hiện của người Âu Châu. Khuôn mẫu gia đình nầy tương tựa như khuôn mẫu đại gia đình thời cổ của người La Mã. Đại gia đình rất đông đúc trong đó người cha có một quyền uy rộng lớn nếu không nói là áp đảo "ăn hiếp" tất cả mọi thành viên trong nhà, bao lâu người cha còn sống thì kẻ dưới dù thuộc hàng con, hàng cháu đều phải phục tùng nhất là khi người cha nầy là đích tôn, trưởng tộc.

Trước thời đại Gia Long, quyền gia trưởng của người cha là tuyệt đối, toàn quyền quản lý tài sản của gia đình mình, vợ và con phải đóng góp thêm cho tài sản của gia đình, phần đóng góp của họ không được cất riêng. Có rất nhiều trường hợp người cha đã xử dụng quyền gia trưởng của mình để bán vợ, đợ con và thậm chí có toàn quyền sinh sát vợ, con. Ông có quyền tuyệt đối trong quyết định kén dâu, chọn rể và tổ chức hôn lễ cho con cái. Có thể nói, địa vị của người cha trong gia đình kể từ thời Hậu Lê trở về trước là địa vị của một ông vua con, một kẻ chuyên chế tuyệt đối trong nhà mình. Khi người con đầu lòng của người cha được sinh ra là con trai thì đứa con nầy được coi là "thái tử" nối nghiệp. Nếu trong nhà chỉ toàn là con gái và đứa em út mới sinh lại là con trai thì đứa em trai miệng còn hôi sửa nầy sẽ là ông vua con trong gia đình nếu người cha chết đi trước khi cậu út nầy biết bò, biết đứng. Ngoài ông vua con trong gia đình, còn có một ông "thái thượng hoàng" tức là ông nội hoặc ông cố nội hoặc ông "trưởng tộc" luôn để mắt theo dõi người mẹ góa trong việc tạm thời coi sóc đứa con trai nối nghiệp và đảm nhiệm việc quản lý tài sản của gia đình. Thân phận của người mẹ và những người con gái trong gia đình bị coi nhẹ nếu không nói là bị bỏ quên.

Luật Gia Long giới hạn quyền của người gia trưởng: phạt 100 trượng người cha nào đánh chết con. Kẻ nào bán hay cho thuê vợ thì bị phạt 80 trượng.
Dân luật 1931 ở miền Bắc Việt Nam và dân luật 1936 ở miền Trung Việt Nam vẫn tiếp tục ấn định rằng con và cháu sống với cha mẹ hay ông bà thì phải hoàn toàn phụ thuộc vào người chủ gia đình. Con cái không được đi khỏi nhà của người cha nếu không được người cha cho phép. Vì đạo hiếu, cho nên con cháu không được thưa kiện cha mẹ hoặc ông bà. Tuy nhiên, theo luật pháp mới cha mẹ không có quyền cho thuê con cái của mình hay gán con để trả nợ nhưng cha mẹ bao giờ cũng có thể cho con cái vị thành niên còn ở dưới quyền của mình được đi làm thuê trong một thời hạn nhất định. Quyền cha mẹ trừng phạt con cái từ đây chỉ có thẻ được thực hiện trong những giới hạn cần thiết để duy trì quyền lực của người cha.

Cuộc Nam tiến của người Việt Nam không phải lúc nào cũng bằng phương cách hòa bình. Nói như thế không có nghĩa là người Việt Nam chỉ biết dùng bạo lực để nới rộng thêm lãnh thổ của mình mà phải nói rằng người Việt Nam là những người khôn ngoan và có bản lĩnh trong chính sách di dân chiếm đất: Từ khi bắt đầu đi về phía Nam cho đến năm 1689 thì di dân Việt Nam ở vùng Sài Gòn - Gia Định chỉ có khoảng trên dưới 10,000 người. Khi người Pháp bắt đầu xâm lăng chiếm Gia Định vào năm 1861 thì dân số người Việt Nam chính gốc có vào khoảng 2 triệu người và vùng đồng bằng sông Cửu Long nguyên trước kia là một vùng đầm lầy hoang địa của người Cao Miên thì nay trở thành vựa lúa phì nhiêu của triều đình nước Đại Nam.

Thói thường, dư luận cho rằng người Cao Miên ở Nam Kỳ bị người Đại Nam tàn sát để chiếm đất . Đây là một dư luận thiên vị nhằm mục đích gầy hận thù sắc tộc. Trên thực tế, một phần người Cao Miên chịu đồng hóa và chung sống một cách rất hài hòa với người Việt Nam, một phần khác không chịu chung sống với người mới đến nên tự ý bỏ đi nơi khác, ở những nơi không có sự hiên diện của người Việt Nam.

Tuy nhiên, người Việt Nam ở Nam Kỳ không phải luôn luôn giữ được bản chất thuần chủng Việt tộc của mình mà họ cũng chịu ảnh hưởng của một sự đồng hóa ngược chiều từ các sắc tộc,-"những người chủ cũ của vùng đất Nam Kỳ", khiến cho người Việt Nam ở Nam Kỳ càng lúc càng có rất nhiều nét khác biệt với người Việt Nam ở Bắc Kỳ nếu không nói là khác biệt hoàn toàn: vóc dáng người Nam Kỳ cao hơn, giọng nói cũng khác đi, tánh tình thuần hậu, chân chất, cởi mở, cầu tiến hơn là người Bắc Kỳ nhưng siêng năng, cần cù thì không bằng. Làng mạc trong miền Nam không có nhiều dấu vết kỷ niệm của tổ tiên và thần thánh để có thể giữ chân người dân làng từ đời nầy qua đời khác giống như ở miền Bắc.

Qua nhiều biến chuyển lịch sử, nước Cao Miên ở phía Nam và các nước thuộc bộ tộc Lào ở phía Tây Bắc trở thành những nước hàng rào và dưới quyền kiểm soát của triều đình Đại Nam. Các lãnh thổ của các bộ tộc thiểu số miền cao nguyên Trung Kỳ hoàn toàn thần phục dưới chế độ cai trị của triều đình Huế. Trung tâm quyền lực được di chuyển về phía Nam và thủ đô của nước Việt Nam không còn là Thăng Long- Hà Nội nữa nhưng lại là Phú Xuân-Huế, tạo thành một hố cách biệt tình cảm giữa hai miền Bắc - Nam nhất là đối với những thành phần tự tôn mặc cảm cố vọng về nhà Hậu Lê, không thật lòng chịu phục nhà Nguyễn. Thêm vào đó, nhà Nguyễn chú trọng khai phá, phát triển vùng đất Nam Kỳ khiến cho người dân Bắc Kỳ cảm thấy như mình bị triều đình lơ là bỏ rơi và như vậy có nghĩa là nhà Nguyễn không thể nào chiếm được lòng dân người miền Bắc trong việc phát triển xây dựng nước và giữ gìn lãnh thổ nhất là các vùng đất biên giới Việt Nam - Trung Quốc; ngay cả những người miền Bắc đã di cư vào sinh sống ở miền Nam qua nhiều đời cũng không trung thành với nhà Nguyễn. Rốt cuộc rồi, nhà Nguyễn chỉ còn có thể trông cậy vào sự chung thủy của người dân từ Thuận Hóa trở vào đến Quảng Nam, ngoài ra thì chung quanh toàn là những kẻ phục tùng bất đắc dĩ, là những "kẻ nội thù" chỉ chờ thời cơ để phản lại nhà Nguyễn.

Việt Nam vào nửa đầu thế kỷ thứ 19 không bị lâm vào tình cảnh khốn đốn so với các nước Á Châu khác nhưng lại có một ung nhọt bất trị là "mê ngủ", chỉ biết có Trung Quốc là mẫu mực: các kỹ thuật nông nghiệp, kỹ nghệ, y học, tất cả đều mục nát, thoái hóa vậy mà Việt Nam vẫn tiếp tục noi theo. Nền ngoại thương bắt đầu khởi sắc dưới triều đại Minh Mạng nhưng rồi lại thụt lùi vì chính sách bế quan, tỏa cảng của triều đại Thiệu Trị và Tự Đức. Các kỹ thuật tân tiến của Tây phương trước kia được Gia Long và Minh Mạng chú trọng áp dụng trong việc phát triển tiềm năng quân sự và kinh tế thì nay lại bị chìm trong quên lãng để quay về với mớ lý thuyết mơ hồ, vô dụng của nền Khổng học cũ rít đến mức độ Tự Đức phải lên tiếng thức tỉnh đoàn ngũ Nho thần lơ láo của mình.

Nho giáo được nhà Nguyễn ưu đãi làm mất lòng Phật giáo. Chính sách bách hại những người theo đạo Gia tô dù rằng để ngăn ngừa người trong nhà nối giáo cho giặc ngoại xâm nhưng cũng là một cái cớ để kẻ ngoại quốc kiếm chuyện gây hấn.

Có thể tóm tắt mà nói rằng, nước Đại Nam dưới triều đại Tự Đức đã bị bao vây tứ phía, từ bên trong ra tới bên ngoài

Chương 4

PHAN THANH GIẢN (1796-1867)

Tự là Tĩnh Bá và Đạm Như, hiệu Lương Khê, biệt hiệu là Mai Xuyên, người xã Bảo Thạnh, Bảo An, trấn Vĩnh Thanh (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre trước năn 1975), đỗ tiến sĩ vào niên hiệu Minh Mạng thứ 7 (1826), trải qua 3 đời hoàng đế Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, chức quan cao Hiệp Biện Đại Học Sĩ . Năm 1862 được cử làm trưởng đoàn thương thuyết và ký hoà ước Nhâm Tuất với đoàn quân xâm lược Pháp ở Sài Gòn. Năm 1863 được cử làm khâm mạng đại thần chánh sứ sang nước Pháp để điều đình hủy bỏ hòa ước Nhâm Tuất (1862) và chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ của nước Đại Nam đang bị mất vào tay đoàn quân xâm lược Pháp.

Năm 1864 thương thuyết với đặc sứ Pháp Aubaret về việc hủy bỏ hòa ước Nhâm Tuất 1862 để ký kết một hoà ước mới (thường gọi là hòa ước Aubaret 1864) nhưng vì Tự Đức và triều đình Huế cứ tiếp tục chính sách trả giá kéo dài thời gian thương lượng để chờ thời cơ phản công đánh chiếm lại các tỉnh bằng võ lực. Cùng một lúc, dư luận Pháp, chính phủ Pháp đã đổi ý ngả theo chủ trương chiếm đất làm thuộc địa của nhóm chính quyền quân nhân của họ ở Sài Gòn cho nên họ đã yêu cầu Aubaret ngưng thương thuyết, tuyên bố không có hoà ước 1864, hoà ước Nhâm Tuất 1862 đã được hai nước phê chuẩn có hiệu lực chấp hành.

Nhóm quân phiệt Pháp ở Sài Gòn chuẩn bị gây hấn. Phan Thanh Giản lại được giao trọng trách Kinh lược sứ 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ để đối phó. Năm 1867, quân binh và tàu chiến của đoàn quân xâm lược Pháp kéo xuống miền Tây, bao vây tỉnh thành Vĩnh Long. Từ soái hạm l' Ondine, đề đốc La Grandière cử người đưa thư buộc nộp thành. Sau khi viết thư yêu cầu La Grandière ra lệnh cho đoàn quân xâm lược Pháp không được nhiễu hại dân chúng và sau khi để lại lời trối cho con cháu không được hợp tác với người Pháp, ông ra lệnh quan binh dưới quyền ngưng chống cự, rồi nhịn đói, uống độc dược tự xử.

*Năm 1856 Ông được cử nhận lãnh chức Tổng Tài để trông coi việc biên soạn bộ sử Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục.

*Ông là tác giả của tập Lương Khê Thi Văn Thảo.

Đi sứ nước Pháp
Chín tầng lồng lộng giữa trời thinh,
Phụng chỉ ra đi buổi sứ trình.
Lo nỗi nước kia còn phiến biến,
Thương bề dân nọ cuộc giao chinh.
Nghìn trùng biển cả sang tây địa,
Muôn dặm đường xa thẳng đế kinh.
Mây nước sang qua cùng Pháp quốc,
Rước đưa mừng rỡ cuộc hòa minh.

*
Tuyệt cốc (1)
Trời thời, đất lợi, lại người hòa,
Há để ngồi coi phải nói ra.
Lăm trả ơn vua, đền nợ nước,
Đành cam gánh nặng, ruổi đường xa.
Lên ghềnh xuống thác, thương con trẻ,
Vượt biển trèo non, cám phận già.
Cũng tưởng một lời an bốn cõi,
Nào hay ba tỉnh lại chầu ba
(2)
.

(Dương Quảng Hàm, Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển, Bộ Giáo Dục xuất bản, Sài Gòn 1968)

(1) Tuyệt cốc: không ăn thóc, nhịn đói.
(2) Ba tỉnh lại chầu ba: chầu có nghĩa là thêm vào. Có ý nói rằng quân xâm lược đã được 3 tỉnh miền Đông bây giờ lại đánh chiếm thêm 3 tỉnh miền Tây.

Chương 5

CUỘC ĐỜI NGOẠI GIAO CỦA ÔNG PHAN THANH GIẢN

Cuộc đời ngoại giao của ông Phan Thanh Giản khởi đầu kể từ khi đoàn quân viễn chinh Pháp-Tây Ban Nha đánh bại tướng tài ba của nước Đại Nam Nguyễn Tri Phương nơi chiến lũy Kỳ Hoà và sau khi viên khâm sai đại thần Nguyễn Bá Nghi được triều đình Tự Đức ở Huế trao cho toàn quyền đối phó với người Pháp.

Thay vì tiếp tục dùng giải pháp quân sự để kháng cự thì Nguyễn Bá Nghi lại áp dụng kế hoãn binh (ĐTLCB, đệ tứ kỷ III, quyển XXIV, trang 208, bản dịch, Hà Nội) sai người đi cầu hòa thương luợng với Charner trên chiến hạm Primaugel đậu trên sông Sài Gòn. Từ lúc bắt đầu thương thảo về những điều kiện do kẻ địch đưa ra để ngưng chiến và tái lập hòa bình, Nguyễn Bá Nghi không những không chấp nhận những điều kiện đó mà còn trao thơ trách cứ cho rằng những đòi hỏi của người Pháp chỉ có lợi cho nước Pháp và có hại cho nước Đại Nam mà thôi và người Pháp A. Schreiner đã đưa ra một sự phê phán rằng: "Những người An Nam đi thương thuyết họ đã quên một hệ quả cốt yếu của chiến tranh là kẻ chiến bại không được phép đòi hỏi lợi lộc." (Le négociateur annamite feignait ignorer une conséquence essentielle de la guerre, que le vaincu ne saurait reclaimer des avantages) (A.Schreiner, Abrégé de l' Histoire d' Annam, trang, 207, 208, nhà xuất bản Chez l'Auteur, Sài Gòn, 1906).

Ngày 26 tháng 4 dl năm 1861 Charner thư hồi đáp cho Nguyễn Bá Nghi như sau:
-"Rằng, nếu hoà ước được ký kết, nền ngoại thương của người An Nam, vốn đã bị tiêu hại vì sự phong tỏa của những tàu tuần tra thì nay đã lấy lại được sự giao lưu một cách tự do, rằng với sự thực hiện cơ sở của người Pháp ở Sài Gòn và Mỹ Tho thì sự thịnh vượng của miền Nam Kỳ hạ sẽ được phát triễn cao hơn là trước khi có chiến tranh xảy ra, rằng, thay vì gây khốn khó thì trong nhiều tình huống, nước Pháp có thể yểm trợ hậu thuẫn cho triều đình Huế. Khi chuyển đến quan ngài phòng biên quân thứ những nhận định nầy, bản chức mong rằng sẽ hân hạnh nhận được một sự hồi đáp khả dĩ có thể dự đoán được một vài cơ may hoà giải ." ( Le vice-amiral répondit le 26 avril "que, si la paix était signée, le commerce extérieur dea Annamites, alors détruit par les croiseurs, reprendrait librement son cours; que par le fait de l' établissement des Français à Saigon et à Mỷ Tho, la prospérité de la Bassse-Cochinchine se développerait même au delà de ce qu' ell était avant la guerre, qu'enfin, la France, au lieu de créer des difficultés au gouvernement de Huế, pourrait, dans bien des circonstance, lui prêter son appui.En transmettant ces réflexions au phòng biên quân thứ, il dit qu ' il serait heureux de recevoir une réponse qu ' il fit entrevoir quelque possibilité de conciliation." (A. Schreiner, sách đã dẫn, trang 208).

Trước đó 3 ngày (23 tháng 4 dl 1861), Charner đã ra lệnh phong tỏa và cấm vận trên dòng sông Mê-Kong, trên các sông lạch vùng đồng bằng của con sông nầy ngoại trừ sông Sài Gòn và cấm mọi chuyên chở lúa gạo trên vùng biển của đế quốc An Nam. Ngày 19 tháng 4 dl năm 1861 ra lệnh giới nghiêm trên toàn thể các vùng lãnh thổ chiếm đóng. toàn bản văn lệnh cấm vận và lệnh giới nghiêm của Charner được A. Schreiner ghi lại như sau:
- "Le vice-amiral commandant en chef les forces navales françaises dans les mers de Chine, et les forces de terre et de mer en Cochinchine;
Considérant qu' en attendant l' institution de tribunaux compétents pour juger les crimes et d' élits, il est urgent de pourvoir à leur répression;
Considérant, en outre, que la guerre cotinue d' exister entre le gouvernement de l' Empereur et le gouvernement de Huế:

Déclare:
Coformément à la loi du 9 au 11 août 1849, article 5, chapitre II, les provinces de Saigon, de Mỷ Tho et tous les territoires occupés par nos troupes son en état de siège.

Néanmoins, conformément à l' article 7, chapitre III de la loi précitée, l' autorité civile continue, comme par le passé, d' exercer le pouvoir dont ell est révêtue, et ce n' est que du moment où cette autorité devient insuffisante que, sur un ordre d' inforner du commandant en chef, l' action de l' autorité militaire commence.
Le général commandant les troupes du corps expéditionnaire, les commandants particuliers de Saigon et de Mỷ Tho, sont chargés de donner toute la publicité possible à la présente déclaration " (A.Schreiner, đã dẫn; trang 205, 206).

Tạm dịch:
- " Thủy sư phó đề đốc tư lệnh các lực lượng hải quân của nước Pháp ở hải phận Trung Hoa và các lực lượng bộ binh ở Nam Kỳ;

Chiểu chi, trong khi chờ đợi các định chế tòa án có thẩm quyền xé xử các tội phạm hình sự và các trường hợp khinh tội, cần phải áp dụng phương cách khẩn cấp để chận đứng những tội phạm đó;

Chiểu chi, ngoài ra, trong khi chiến tranh vẫn tiếp diễn giữa chánh phủ của triều đình nước Pháp và chính phủ của triều đình Huế;

Nay tuyên bố:
Chiểu chi, theo luật (Pháp) ban hành ngày 9 và 11 tháng 8 d.l năm 1849, điều 5, chương II, nay đặt tình trạng phong tỏa tại các tỉnh Sài Gòn, Mỹ Tho và các vùng lãnh thổ do quân đội (Pháp) của chúng ta đang chiếm đóng.
Tuy nhiên, chiếu theo điều 7, chương III của luật vừa kể trên, chính quyền dân sự vẫn tiếp tục, giống như trong quá khứ, hành xử các quyền hạn đã được trao cho đến khi nào chính quyền dân sự nầy không còn đủ năng lực thì lúc đó vị chỉ huy quân sự mới cho áp đặt chính quyền quân sự.

Tổng tư lệnh các lực lượng viễn chinh, các tư lệnh đặc biệt trong các tỉnh Sài Gòn, Mỹ Tho chiếu nhiệm vụ phổ biến rộng rãi tuyên bố nầy."

Khi gởi văn thư vừa kể trên, Charner đã đính kèm thêm bản sao lệnh phong tỏa và lệnh giới nghiêm nầy khiến cho phía người An Nam phải rụng rời. Trong tác phẩm Histoire de l'Expédition de Cochinchine en 1861, của Léopold Pallu de la Barrière có ghi lại phản ứng của Nguyễn Bá Nghi khi phúc đáp cho Charner và được A. Schreiner trích dẫn như sau :

Cette nouvelle, dit Pallu, consterna les Annamites. Même après la prise de Mỷ Tho, ils avaient continu d' espérer que les rigueurs de la guerre ne les atteindraient pas dans un approvisionnement qui, pour eux, est la première condition de la vie. Le Kinh lược se récria sur tant de dureté, sur les faits accomplis, sur l' inflexibilité des conditions qui lui étaient transmises, enfin sur cette nouvelle calamité (3 mai 1861). "Depuis trois ans que vous nous faites la guerre, rien dans ce malheureux empire n' a échappé aux coups que vous avez portés. Nos magasins ont été incendiés, nos forteresses prises et démantelées, nos bâtiments de guerre brûlés, notre commerce ruiné; nos jonques chargées d'étoffes précieuses ont été coulées, nos soldats tués, nos maisons détruites. Vous nous demandez de l' argent; nous sommes devenus pauvres. Est-ce donc un spectacle agréable au Maîttre du ciel que celui de tant de calamités donc vous êtes cause? Maintenant vous arrêtez les riz; nos peuples mourront donc de faim." Et à la fin, non sans fierté: "Puisque c' est la dernière ressource que votre Excellence nous laisse, eh bien! nous trouverons encore des armes et nous vous combattrons."
Le vice-amiral répondit (7 mai 1861) "qu' il ferait ses efforts pour repousser les armes par les armes.

Tạm dịch: Tác giả Pallu nói rằng sự kiện mới mẻ nầy khiến cho người An Nam bị sửng sốt. Ngay cả vào lúc tỉnh Mỹ Tho đã bị chiếm cứ, họ vẫn còn tiếp tục hy vọng rằng chiến tranh khắc nghiệt sẽ không đụng tới nguồn thực phẩm mà đối với họ là điều thiết yếu số một cho cuộc sống. Viên quan kinh lược cực lực phản đối về những chuyện đã rồi, về tính cách không co dãn của những điều kiện gởi tới cho ông và nhất là tai họa mới nhận được (3 tháng 5 dl năm 1861). "Kể từ sau 3 năm các ông gây chiến với chúng tôi, không có một cái gì trong đất nước bất hạnh nầy thoát khỏi được những trận đánh đấm của các ông mang tới cho chúng tôị kho lẫm của chúng tôi bị thiêu rụi, thành quách bị đánh chiếm và giựt sập, tàu chiến bị đốt cháy, việc buôn bán của chúng tôi bị sụp đổ, ghe thuyền chở hàng tơ lụa quý hiếm của chúng tôi bị đánh chìm, quân binh của chúng tôi bị giết hại, nhà cửa bị thiêu đốt. Các ông đòi tiền; chúng tôi trở thành bần cùng. Như thế phải chăng là một cảnh tượng thú vị dâng lên cho đấng tạo hóa với bao nhiêu tai họa do các ông gây ra? Nay các ông lại chận ngăn lúa gạo và người dân của chúng tôi sẽ bị chết đói." Và cuối thư, với lời lẽ không kém phần tự phụ: "Và bởi vì đó là nguồn mạch cuối cùng mà quan soái để lại cho chúng tôi, vậy thì chúng tôi còn có có súng đạn, chúng tôi sẽ chiến đấu."
Viên Phó đề đốc viết thơ trả lời (ngày 7 tháng 5 dl năm 1861) rằng: " ông ta sẽ cố gắng đẩy lui súng đạn bằng súng đạn

Chương 6

Tuy vậy, thơ hồi đáp của Charner cũng chưa làm đổ vở cuộc thương thảo giữa đôi bên và vào ngày 7 tháng 6 dl năm 1861, Charner lại chuyển đến quân thứ Biên Hoà một văn thư nhắc lại những điều kiện đòi hỏi để việc tái lập hòa bình có thể thực hiện. Văn thư đó như sau:

"J' aurais répondu moins tardivement à la terre que Votre Excellence m' a fait l' honneur de m' adresser, si je n' avais été persuadé que, dans ma précédente correspondance, j'ai fait connaitre, d'une manière détaillée, les bases d' après lesquelles nous pourrions conclure une paix durable.

Toutefois, dans la crainte d' avoir commis quelque oubli, je vais récapituler les conditions d' après lesquelles je dois traiter:

1) Libre exercice du culte chrétien.
2) Cession de Saigon et de sa province.
3) Cession de Mỷ Tho et du terrain qui l' entoure.
4) Cession de Thủ Dầu Một, dans la province de Biên Hòa.
5) Libre navigation des cours d' eau de l' Ouest.
6) Libre circulation des Européens dans l' intérieur de l'empire, à la condition pour eux de se soumettre aux lois du pays.
7) Remise entre les mains du consul du port le plus voisin, de Européens prévenus d'infraction aux lois.
8) Droit de représentation réciproque des deux souverains de France et de Cochinchine à la cour l' un de l'autre.
9) Établissement de consulats et liberté donnée au commerce européen dans les ports principaux.
10) Amnestie pour tous les faits relatifs à la guerre.
11) Indemnité de quatre millions de piastres.
12) Admission de l'ambassadeur espgnol à prendre part au traité à intervenir.
Jusqu' à présent, Votre Excellence, ne tenant aucun compte des faits accomplis, n'a approuvé que deux clauses, le libre exercice du culte chrétien et l'admission de l'ambassadeur espagnol à prendre part au traité.
Votre Excellence s'est plainte constamment de l'exagération de mes demandes, mais tout en m'assurant de son vif désir de la paix, elle a jusqu'à présent évité de formuler d' une manière précise les concessions qu' elle consentirait à nous faire.
Votre Excellence a plusieurs fois fait remarquer qu'en retour des avantages que nous réclamions, nous n'avions aucune compensation à lui présenter, et que la cession de la province de Saigon équivalait à celle de toutes les provinces de l' Ouest de la Basse-Cochinchine.

J'aurai l'honneur de répondre encore que la paix permettra à l'empire d' Annam de faire sûrement et avantageusement le commerce; de cesser d'être sous le coup de nouvelles attaques de notre part; de pouvoir communiquer avec les provinces de l' Ouest, qui sont exposées dans ce moment à échapper à sa domination.
Si la guerre, au contraire, se prolonge, la situation de l' empire ne peut manquer de s'aggraver. Votre Excellence, sans nul doute, a dû déjà remarquer cette tendance." (A.Schreiner; sách đã dẫn ; trang 208, 209).

Tạm dịch:
"Sở dĩ bản chức chưa hồi đáp ngay lá thư của ngài là vì bản chức đinh ninh rằng trong văn thư trước đây bản chức đã thông báo đầy đủ chi tiết các cơ sở mà theo đó đôi bên chúng ta có thể dựa vào để đi tới một kếc cuộc hòa bình lâu bền.

Tuy nhiên, vì sợ rằng có điều thất thố, bản chức sẽ tổng hợp lại các điều kiện mà bản chức cần bàn định:

1 Tự do theo đạo Gia tô.
2) Trao nhượng thành phố Sài Gòn và tỉnh thành Gia Định.
3) Trao nhượng tỉnh Mỹ Tho và cá vùng đất phụ cận của tỉnh nầy.
4) Trao nhượng Thủ Dầu Một nằm trong tỉnh Biên Hòa.
5) Tự do lưu thông trên sông rạch miền Tây.
6) Người Âu Châu tự do đi lại trong nội địa nước Đại Nam, tuân thủ luật lệ của nước nầy
7) Giao nạp cho trú sử tại một cảng gần nhứt những người Âu châu vi phạm luật pháp.
8) Quyền đại diện hổ tương giữa 2 vương quốc Pháp và Nam Kỳ trước tòa án của mỗi nước.
9) Thiết đặt các trú sứ và quyền tự do thương mại cho người Âu châu tại các thương cảng chính yếu.
10) Ân xá cho tất cả những hành vi đã qua có liên hệ với chiến tranh.
11) Bồi thường chiến phí bốn triệu đồng.
12) Thừa nhận cho đại sứ nước Tây Ban Nha được dự phần vào việc ký kết hiệp ước.

Cho đến nay, thượng quan vẫn không đếm xỉa gì tới thực tế đã xảy ra mà chỉ chịu chấp nhận có 2 điều khoản là tự do truyền bá đạo gia tô và thừa nhận cho dại sứ Tây Ban Nha đực tham dự vào việc đinh ước.

Thượng quan cứ lập đi lập lạisự oán trách về những đòi hỏi mà thượng quan cho là quá lố của bản chức, và một mực chứng tỏ ước vọng hòa bình của thượng quan nhưng cho đến lúc nầy thượng quan vẫn tránh né đưa ra một phương thức chính xác về những nhân nhượng mà thượng quan đồng ý trao cho chúng tôi.

Thượng quan đã nhiều lần lưu ý rằng những lợi lộc mà chúng tôi đòi hỏi thì lại không có một khoản đền bù ngược lại từ phía chúng tôi đề nghị với thượng quan, và thượng quan cho rằng trao nhượng một tỉnh Sài Gòn không thôi thì cũng đủ ngang bằng với các tỉnh miền Tây của Nam Kỳ.
Bản chức lại hân hạnh phúc đáp rằng hoà bình sẽ khiến cho nước An Nam có được một nền thương mại vững mạnh, sẽ tránh cho quý quốc không còn phải chịu những sự tấn công mới của chúng tôi, sẽ khiến cho quý quốc có thể giao lưu với các tỉnh miền Tây mà hiện nay được thoát khỏi sự thống trị của chúng tôi.
Ngược lại, ví bằng chiến tranh cứ kéo dài thì tình cảnh kốn đốn của quý quốc càng trầm trọng thêm. Ngài thượng quan chắc hẵn là đã phải nhận định tình thế theo chiều hướng đó."
*
Lời lẽ cuối thơ phúc đáp của Charner vừa dẫn ra ở trên đầy giọng hăm dọa chẳng hạn như "tránh được những sự tấn công mới của chúng tôi" , "Khiến cho quý quốc có thể giao lưu với các tỉnh miền Tây hiện nay được thoát khỏi sự thống trị của chúng tôi", " . . .chiến tranh kéo dài thì tình trạng khốn đốn của quý quốc càng trầm trọng thêm."

Không những hăm dọa mà còn cho thấy được ý đồ tham vọng xâm chiếm bành trướng lãnh thổ của đoàn quân viễn chinh xâm lược Pháp-Tây Ban Nha ngay từ giai đoạn nầy.
Trong văn thơ hồi đáp, Charner có tham chiếu văn thư của Nguyễn Bá Nghi trước đó gởi cho ông ta. Vậy Nguyễn Bá Nghi đã viết gì trong văn thư đó? Không có thư tịch hoặc sách vỡ nào chép lại các văn thư giao dịch của Nguyễn Bá Nghi trong khi thương lượng với Charner. Tuy nhiên, sách ĐTLCB của sử quán triều Nguyễn có ghi lại những lời cố vấn của Trương Đăng Quế về việc Nguyễn Bá Nghi giảng hòa làm kế hoãn binh như sau.

Chương 7

Trương Đăng Quế dâng sớ nói: Người Tây Dương ý muốn chiếm đóng Gia Định, lại muốn cắt lấy tỉnh Tường tỉnh Biên, yêu cầu như thế, sợ hòa cuộc không thành. Trừ ra việc chiến việc thủ, không có kế gì khác. Nhưng các quan ở quân thứ, xét kỹ thực tình, nhiều người kém khí hăng hái, nên cho Lê Quang Tiến, Thân Văn Nhiếp trích lấy vài vệ biền binh trước phái đi hiện còn ở Thuận-Khánh để nhờ sức mới, chia nhau phòng bị cố giữ. Đỗ Thúc Tỉnh, Nguyễn Túc Trưng cũng giục đến ngay để làm công việc của các viên ấy, khiến cho An, Hà, Vĩnh Long có chỗ nương tựa. Đấy là việc cần cấp lúc bấy giờ. Sức cho Nguyễn Bá Nghi lại viết thư cho Tây dương. (Thư nói: nước Tây dương đến đây, chỉ vì thông thương, lập phố, Giảng đạo mà thôi. Không phải là tham đất đai của ta, nay đã được như nguyện, lại muốn cắt lấy Gia Định, là cớ làm sao? Nếu bảo là cứ lấy sức khỏe đánh mà lấy, thì cứ chiếm cứ không trả lại, còn cần phải đợi nước ta cắt mà giao cho làm gì? Hay là theo như việc cũ ở Quảng Đông (Trung Quốc) người Hán người Tây dương chia nhau mà cai trị. Về thuế khóa, trừ thuế dinh điền ra không kể, phàm thuế lệ thuyền buôn, đều chia đôi. Tính từng năm thu lấy để đền vào phí tổn. Định Tường, Biên Hòa mỗi tỉnh cho lập một phố để buôn bán. Như thế mới có thể giảng hòa được. Nếu lấy sức mạnh mà chiếm cứ, sợ dân không theo, ngày nay lấy thế tự lực mà bắt hiếp dân, ngày sau chẳng khỏi lại sinh ra mối hiềm khích, tai họa binh đao không bao giờ thôi. Thực không phải là phúc tốt của binh dân 2 nước. Đại Ý như thế). Xem Tây dương trả lời thế nào, sẽ tùy nghi xử trí. Vả lại, để đợi Quang Tiến, Thúc Tỉnh đến, tìm nhiều cách chiêu tập dân binh, rồi tính cách khôi phục, đấy là cách thứ 2." (ĐNTLCB; đệ tứ kỷ III; quyển XXIV, trang 208, 209, bản dịch, Hà Nội 1974).

Rất có thể văn thư của Nguyễn Bá Nghi gởi cho Charner đã dựa vào những chỉ thị và cố vấn của Trương Đăng Quế và sau đó Charner mới phúc đáp với những lời lẽ hăm dọa như đã dẫn chiếu ở phần trên. Từ những lời cố vấn nầy của Trương Đăng Quế người ta có thể thấy được rằng triều đình Huế đã có khuynh hướng chủ hòa thương luợng nhưng vẫn tiếp tục chuẩn bị quân sự để chiến đấu và cho rằng những thất bại về mặt quân sự là do các tướng triều đình cầm quân yếu kém.

Trương Đăng Quế u mê về sức mạnh của quân đội xâm lược Pháp cho nên mới đánh giá các tướng lãnh của triều đình như thế: Nguyễn Tri Phương phải bỏ đồn Kỳ Hòa để rút chạy về Biên Hoà nhưng không ai có thể phủ nhận Nguyễn Tri Phương là một tướng lãnh tài ba đứng nhứt triều đình vào lúc đó. Các tướng lãnh sau Nguyễn Tri Phương nơi quân thứ Biên Hòa chưa được dịp đọ sức với quân Pháp nhưng dấu vết run sợ đã thấy phản phất, điển hình qua quan khâm sai đại thần Nguyễn Bá Nghi qua lời trình tấu sau đây:

<

Lại xem trong khoảng niên hiệu Minh Mạng-Thiệu Trị tiết thứ đánh giặc Khôi, đánh Xiêm La, Cao Man. Vì đất Nam Kỳ nhiều sông ngòi, thủy binh cùng bộ binh tiếp ứng lẫn nhau. Các hạng thuyền hải đạo, thuyền ô, thuyền lê, nhẹ nhàng nhanh chóng dùng rất tốt. Những hạng súng lớn đạn nặng đều dùng thuyền lớn chở từ kinh đô đi đường biển chở đến. Còn hết thảy tiền, gạo, khí giới và thuyền, các hạng đều do 6 tỉnh cung ứng, lấy vào đâu cũng thừa thãi. Thế mà lấy toàn lực như vậy, đánh một giặc Khôi phải 3 năm mới xong việc, dẹp một nước Cao Man cũng 2 năm mới giảng giải xong

Chương 8

Nay 2 tỉnh Gia Định, Định Tường là nơi quãng giữa trong 6 tỉnh, trên từ bọn sơn man, dưới đến cửa biển, người Tây dương đã chiếm giữ được cả; còn 3 tỉnh Vĩnh Long, An, Hà thì cách trở không thông, Biên Hòa đã liền sáp với bọn ho. Rừng lớn đằng sau, nối đến đất man, rất là chỗ đứt ngang. Tuy 4 tỉnh ấy đều có thuyền, nhưng khó đối địch với tàu của Tây dương được. Cho nên thần nói rằng dù cho có nhiều thuyền quân cũng chưa dùng được là thế đó. Hiện nay Tây dương đã chiếm cứ Gia Định, Định Tường, hòa hay không hòa, chỉ một việc ấy ta đã thua thiệt rồi. Nếu hòa mà họ không trả lại 2 tỉnh ấy thì ta chỉ có thua thiệt có bấy nhiêu thôi, mà Biên Hòa, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên còn là của ta, đường bộ đường biển có thể giao thông được, để cứu cấp trước mắt, mà tính cách về sau. Nếu ta cho thế mà thua thiệt mà không hòa thì họ có chịu ngồi yên đâu, cả 6 tỉnh Nam Kỳ rồi cũng mất cả. Việc buôn bán trên sông, và việc vận tả đường biển đều đứt mất cả. Chỗ đáng lo ngại khó nói ra được. Thần không dám nói điều quá đáng. Cho nên thần nói rằng: hòa thì dẫu thua thiệt mà sự thế Nam Kỳ còn làm được, nếu không thì thần không biết chịu tội vào chỗ nào, là thế đó. Ngày nay thế giặc như thế, hiện tình 6 tỉnh như thế, việc đánh hay giữ không thể thi thố được. Không có sự thực đánh giữ, chỉ phô trương hình thức, chỉ cho giặc chóng sinh lòng mà thêm tổn hại thôi. Cho nên tôi gần đây không đắp đồn lũy, bớt việc trưng lương gọi lính, là vì cớ đó. Đấy là chủ ý của tôi. Duy quân Tây dương yêu cầu quá đáng, tôi cố sức biện bạch, đã đến 4 lần, mà khí thế của họ rất găng, giỡ giọng dã man. Thần đã lại nói như trước, thực là có chỗ không tiện, không chịu nổi, cho nên chưa dám y theo. Đã phái người đưa thư. Viên quan Tây dương ấy nói rằng: việc ấy khó giải quyết, đợi 10 ngày nữa sẽ bàn lại. Vả lại, cứ như phái nhân trở về nói lại thì xem giọng nói, cách khoản tiếp của họ, cũng như mấy lần trước, không có tình ý gì khác. Xem thế thì đủ biết ta không sinh sự với họ thì họ cũng chưa vội lấn áp ta. Hãy đợi cho họ trả lời thế nào, sẽ tùy cơ mà làm. Hiên nay sự thế 6 tỉnh Nam Kỳ như thế, chỉ có một chữ hòa, còn có thể làm được. Nhưng nay hòa thì một khoản mất đất, ta đã thua thiệt. Bởi họ cho là của họ đã lấy được rồi, họ nhất vị cố giữ, ta kiếm lời biện bạch cũng khó. Còn các khoản khác ta lấy lời lẽ biện bác, hoặc có thể bớt đi được. Cuối mong hoàng thượng quyết đoán mà làm, để cứu đỡ nỗi khổ cho dân binh từ Quảng Nam, Quảng Ngãi trở vào Nam. Nếu hoàng thượng không quyết đoán mà làm hai mặt kia còn về phần hạ thần thì làm thư từ đi lại giảng thuyết; còn về phần quân thứ và các tỉnh thì không dám trái lời của bộ, hoặc phái người đi chiêu dụ binh dân, hoặc sửa đắp đồn lũy làm ra dáng đánh giữ. Bên giặc dòm thấy ý ta không thực, lại cố ý đánh hiếp ta. Thế thì đánh không được, giữ không được, hòa cũng không được, thần không biết xử trí làm sao cả".

Vua nói rằng: "Sự thế khó làm, trẫm đã biết hết rồi. Ngươi có lòng chịu trách nhiệm, nên hết sức mà làm, để tỏ khí tiết như cây khỏe gặp cơn bảo táp, là được.
>> (ĐNTLCB đã dẫn; bản dịch; quyển XXIV; trang 210, 211, 212, 213).

*
Tháng 6 âl năm Tân Dậu (niên hiệu Tự Đức thứ 14) (1861), ĐNTL ghi chép một đoạn văn rất là mờ ám như sau:

"Quan quân thứ Biên Hòa là bọn Nguyễn Bá Nghi cùng với viên soái của Tây dương bàn, mật đem việc Tây dương yêu cầu giảng hòa tâu lên. (Có 14 khoản chép ở tháng 4 năm Tự Đức thứ 15 sau đây)." (ĐNTLCB; sách đã dẫn; trang 226).

Nghi vấn đặt ra là tại sao sử quán nhà Nguyễn không liệt kê ra ngay 14 khoản đòi hỏi của quân xâm lược Pháp gởi cho Nguyễn Bá Nghi vào lúc đó mà lại đợi đến gần một năm sau (tháng 4 â.l, năm Nhâm Tuất, niên hiệu Tự Đức thứ 15/1862) mới chịu khai ra? Trong khoảng thời gian gần 1 năm đó việc gì đã xảy ra? 14 khoản đòi hỏi của người Pháp gồm có những gì?

Chương 9

Trước hết cần lưu ý: văn thư phúc đáp của Charner chỉ nêu ra có 12 khoản và ĐNTL kê khai là 14 khoản. Như vậy có thể suy định rằng kể từ sau văn thư phúc đáp của Charner, hai bên vẫn còn tiếp tục bàn bạc thương thảo và phía người Pháp lại gởi một văn thư tiếp theo (có thể là trong vòng tháng 6 â.l năm Tân Dậu /1861) trong đó ghi 14 khoản, tức là đòi hỏi thêm 2 khoản so với 12 khoản đòi hỏi trong văn thư của Charner trước đó. Như vậy, người ta thấy rằng càng kéo dài việc thương lượng thì quân xâm lược càng đòi hỏi thêm và chính sự lấn lướt nầy của người Pháp đã khiến cho Tự Đức nổi nóng quở trách Nguyễn Bá Nghi và nhóm quân thứ ở Biên Hòa là nhút nhát chỉ thấy chủ ý giảng hòa và lại cho rằng những người theo đạo gia tô tiếp tay cho giặc ngoại bang:

Vua dụ rằng: "Nguyễn Bá Nghi tự khi sai đi đến nay chỉ thấy chủ ý giảng hòa, bởi vì không biết rằng muốn cẩn thận về sau phải suy nghĩ tự trước, dễ dàng nhận lời, để đến nỗi càng thêm khó làm mà thôị Nay nếu không thi thố được việc gì, thì ra Tôn Thất Cáp đã lỡ việc từ trước, Nguyễn Tri Phương lại làm hỏng việc ở khoảng giữa, người lại không nên công trạng gì ở sau cùng. Còn có thể gọi là chân tay tai mắt của vua vui buồn cùng liên quan với nhau được ư ? Kể ra cái nghĩa vua tôi ở khoảng trời đất, không sao trốn được. Ta trông cậy về các ngươi là ở lúc nầy, mà các ngươi báo ơn nước cũng ở lúc nầy. Cần phải cùng nhau báo ơn nước, làm giấy tờ đi lại, biện bác, vặn bẻ, lấy lòng thành mà cảm hóa, lấy lẽ phải ma bẻ bác đi, cốt cho điều gì họ cũng nghe theo. Lại chọn chỗ núi rừng hiểm xa, đặt đồn để giữ cho vững, chiêu tập các nghĩa sĩ, để mọi người vui làm việc với ta, chỗ nào cũng đều là lính, là lương.Nếu có sa sẩy cũng không đến nỗi thua to như trước. Đấy cũng là cách làm thần diệu cho chóng thành hòa nghị đó. Nếu lại bỏ việc đánh, việc giữ, thì có kế gì tốt hơn để chế ngự họ.

Vả lại, Nguyễn Bá Nghi hiểu việc nhanh giỏi, Tôn Thất Đính, Lê Quang Tiến dũng cảm hăng hái, Thân Văn Nhiếp siêng thẳng khảng khái, Trần Đình Túc tài biện khả quan, Trẫm đã chọ ra để dùng, mong mỏi rất nhiềụ Các ngươi nên hết lòng báo ơn nhà nước cho chóng thành công, tất được thưởng rất hậụ Nếu không làm thế nào để che được cái lỗi các quan quân thứ lần trước, thì đều là một hạng vô dụng, không có mặt mũi nào trông thấy ta nữa ". . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Vua cho là Nguyễn Bá Nghi chỉ cứ nhất vị nhút nhát, không từng lập kế giữ gìn huấn sức các tướng sĩ bao giợ Nhân dụ quở rằng: "Về cách dụng binh, địa lợi nhân hòa, không thể thiếu một mặt nào. Nay toàn cõi Biên Hòa, há không có chỗ nào có thể đóng đồn giữ được, bao nhiêu binh dõng, há đều là vô dụng hay saọ Chỉ bởi tướng không tự cố gắng, thì quân không có chí chiến đấu. Nguyễn Bá Nghi làm việc đã rất sơ sài khinh suất, mà Tôn Thất Đính, Lê Quang Tiến, Thân Văn Nhiếp, Trần Đình Túc, Nguyễn Túc Trưng cũng không thi thố được mưu chước gì cả. Nếu quân bị tan rả thì trốn sao khỏi tội. Vậy bọ ngươi phải hết lòng trù tính mà làm, cốt giữ lấy Biên Hòa cùng Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên để giữ vững cõi ven của tạ Rồi sau hoặc đánh, hoặc hòa sẽ dần dần lấy lại 2 tỉnh Gia Định, Định tường. Trẫm đã ủy cho bọn ngươi được chuyên việc đánh dẹp, cho được bày mưu kế ra mà làm, chớ có quên lãng." (ĐTLCB, sách đã dẫn, trang 226,227,228)

Cùng một lúc đó, Tự Đức đã sức nhắc lại các địa phương phải nghiêm ngặt chia ghép dân theo đạo Gia tô, bắt phủ huyện thích chữ vào mặt họ, ghép họ đến ở vào các xã thôn không có đạo và phải quản thúc họ thật nghiêm. Những chức sắc đạo gia tô vẫn tiếp tục bị giam cầm thật chặt chẽ. Nếu quân Pháp đến nơi nào thì đem dân theo đạo gia tô ở nơi đó mà giết cho hết. Phủ huyện nào chứa chấp bao che cho dân theo đạo gia tô thì chiếu theo quân luật mà trị tội. (ĐNTLCB đã dẫn; trang 227). Dân đạo ở Biên Hòa là Phạm Văn Đệ bị ghép tội làm tay sai gián điệp cho Pháp, Nguyễn Thị Tòng, Nguyễn Văn Bối bị khép tội tiếp tế giao thông với giặc xâm lược. Tuần phủ Nguyễn Đức Hoan dâng sớ xin đem 3 người ấy chém ngay. Tự Đức y cho thi hành tức thì. (ĐTLCB đã dẫn; trang 229).

*
Như trên đã đề cặp, sách thực lục của nhà Nguyễn vào tháng 6 â.l năm Tự Đức thứ 14 (Tân Dậu/1861) có nói tới việc người Pháp đưa ra 14 khoản đòi hỏi nhưng lại thêm rằng (14 khoản nầy chép ở tháng 4 â.l năm Tự Đức thứ 15 sau đây), tức là gần 10 tháng sau sách thực lục mới chịu viết ra nội dung của 14 khoản đòi hỏi nầy.

Có 3 điểm cần truy cứu:
1/- Nội dung của 14 khoản đòi hỏi của người Pháp?
2/- Trong vòng 10 tháng đó có những biến động gì đã xảy ra?
3/- Nội dung của 12 điều khoản trong định ước Nhâm Tuất (1862)

*
A/- Nội dung của 14 khoản đòi hỏi của quân xâm lược Pháp do sách thực lục ghi lại:

1 - Cho tàu Tây dương tự do thông hành ở trên các mặt sông thuộc về phía tây phía nam thành Gia Định.
2 - Tha cả cho các người tù thuộc về trong thời đánh nhau.
3 - Ở mặt sông Biên Hòa, Sài-gòn không đắp đồn lũy đặt quân phòng bị.
4 - Cho được truyền giáo giảng đạo công hành. Vì 2 chữ công hành đó, cốt là: họ người nào theo đạo, được tùy tiện giảng tập, người nào muốn tiến theo học đạo cho giỏi, thì mặc sự thích muốn của họ không nên đặt phép ngăn trở.
5 - Người Tây dương phạm luật, giao cho quan Tây dương xét xử.
6 - Người Tây dương công nhiên đi khắp nơi trong nước ta, nhưng phải tuân theo đúng điều luật.
7 - Tàu Tây dương buôn bán ở cửa biển nào thuận lợi, và quan Tây dương đóng ở nơi nào.
8 - Phải bồi thường tiền đền mạng cho thân nhân 2, 3 người Tây dương đã bị giết chết.
9 - Nước Cao Man, từ sau không được bắt họ cống hiến nữa.
10 - Giao hết cả tỉnh thành và đất phụ thuộc của Gia Định, Định Tường.
11 - Đóng quân ở Thủ dầu một tỉnh Biên Hòa.
12 - Kinh sư của 2 nước đều có quan đại thần đóng ở.
13 - Số bạc bồi thường trước đòi 400 vạn đồng.
14 - Cùng là nước Y Pha Nho xin ở một khu Đồ Sơn tỉnh Hải Dương, cửa huyện Nghiêu Phong lập sở tuần lấy thuế 10 năm, sau sẽ trả lại nước ta.
*
So sánh với 12 khoản đòi hỏi trong văn thư đề ngày 7 tháng 6 d.l năm 1861 của Charner gởi cho Nguyễn Bá Nghi (xin xem lại văn thư 12 khoản nầy ở phần trên nơ trang 23 và 24) thì thấy có sự thay đổi nhưng số khoản đòi hỏi lần nầy tăng lên 2 khoản và đáng chú ý là các khoản 8, 9 và 14.

-Về khoản thứ 8, bồi thường tiền đền mạng cho thân nhân 2, 3 người Tây dương đã bị giết chết: thực lực không ghi rõ 2, 3 người Tây dương là ai nhưng vào tháng 6 â.l năm Tân Dậu (1861)có ghi chép vụ 3 người theo đạo gia tô bị xử chém: Dân đạo ở Biên Hòa là Phạm Văn Đệ bị ghép tội làm tay sai gián điệp cho Pháp, Nguyễn Thị Tòng, Nguyễn Văn Bối bị khép tội tiếp tế giao thông với giặc xâm lược. Tuần phủ Nguyễn Đức Hoan dâng sớ xin đem 3 người ấy chém ngay. Tự Đức y cho thi hành tức thì. (ĐTLCB đã dẫn; trang 229).

Thánh 8 â.l, Tân Dậu (1861), Thanh Hóa lùng bắt được 2 giáo sĩ ngoại quốc tên là Xay Da-tô Bô-ni-e và Ma Tô Bông, quan tỉnh và viên phủ đều được khen thưởng. (ĐNTL; sách đã dẫn, trang 237) .

Tháng 10 â.l, Tân Dậu (1861), tỉnh Bình Định bắt được một giáo sĩ ngoại quốc tên là Y-ty-Anh. (ĐNTL, sách đã dẫn trang 245). Từ sự ghi chép nầy người ta có thể suy diễn rằng:

* -2, 3 người Tây dương bị giết chết được đề cập nơi khoản 8 chính là 2 giáo sĩ bị bắt ở Thanh Hóa và 1 bị bắt ở Bình Định.

* -Văn thư 14 khoản của Charner được gởi tới quân thứ Biên Hòa sau tháng 10 â.l năm Tân Dậu (khoảng tháng 10 hay tháng 11 dương lịch 1861 bởi vì sau đó Charner đã bàn giao chức vụ thống soái cho Bonard vào ngày 30 tháng 11 d.l năm 1861).

-Về khoản thư 9: Nước Cao Man, từ sau không được bắt họ cống hiến nữa. Khoản đòi hỏi nầy nhứt định là phải xảy ra sau khi vua nước Cao Miên Norodom đã bắt đầu chịu khuất phục đoàn quân viễn chinh xâm lược Pháp ở Sài Gòn bởi vì ngày 21 tháng 3 d.l năm 1861 Charner phái phó thuyền trưởng Lespès mang một là thư sang Kampot để chiêu dụ vua Cao Miên Norodom và ngay sau đó vua Cao Miên đã cử một sứ đoàn 80 người mang lễ vật xuống Sài Gòn gặp Charner để xin chịu thần phục và nhờ người Pháp che chở hầu thoát khỏi ảnh hưởng của 2 nước Đại Việt và Xiêm La. (Cũng xem thêm: Nguyễn Công Tánh, Việt Sử Tân Khảo Chú Giải và Khảo Luận V, trang 1394 và trang 1404 phần chú thích số 14.) Nội dung lá thư của Charner gởi cho vua Cao Miên như sau:
- "Les derniers événements de la Cochinchine sont parvenus à la connaissance de Votre Majesté. Elle sait que les troupes franco-espagnoles ont chassé les Annamites des lignes de Chí Hòa, que Saigon est dégagé et que l' armée ennemie vaincue s' est dispersée dans toutes les directions. Les populations des environs, à de grandes distances sont venues faire leur soumission et accepter la protection qui leur était offerte.

L' intention de la France est de conserver sa conquête, de fonder dans la Basse-Cochinchine une colonie et d' y apporter tous les bienfaits de la civilisation européenne.

Le Cambodge a toujours eu avec la France des relations d' amitiéẹ J' espère que nos rapports, en devenant plus fréquents, deviendront aussi plus intimes.
Comme commandant des forces de terre et de mer en Cochinchine, et comme représentant de la France, je viens assurer Votre Majesté de nos meilleures intentions à l' égard du royaume du Cambodge et réponsonse aux avances da paix et d' amitié que le Roi, votre père, sire, a souvent faites au représentant du noble Empereur des Français à Saigon.
J' ai l' honneur d' informer aussi Votre Majesté, que je compte, dans un temps peu éloigné, porter nos forces sur Mỷ-Tho et m' emparer de cette place, dernière défense des Annamites vers le Cambodge.

Le commandant de l'avisio de sa Majesté Impériale, le Norzagaray, pourra entrer en communication avec votre Majesté, si tel est son désir.
J' offre à Votre Majesté . . . ." (A. Schreiner, sách đã dẫn; trang 183).

Theo nội dung của lá thư nầy gởi cho vua Cao Miên, người ta thấy ngay người Pháp đã có ý đồ thiết lập chế độ thực dân thuộc địa trên vùng Nam Kỳ hạ (L' intention de la France est de conserver sa conquête, de fonder dans la Basse-Cochinchine une colonie et d' y apporter tous les bienfaits de la civilisation européenne), đang chuẩn bị đánh chiếm Mỹ Tho và để rảnh tay đối phó với triều đình Huế, người Pháp đã dùng lời ngon ngọt để chiêu dụ người Cao Miên theo về phe với họ trước khi họ tung quân đi chiếm lấn thêm đất đai của nước Đại Nam (que je compte, dans un temps peu éloigné, porter nos forces sur Mỷ-Tho et m' emparer de cette place, dernière défense des Annamites vers le Cambodge.)

Như vậy có thể suy định thêm được một điều khác là văn thư trả lời của Charner với 14 khoản đòi hỏi kể trên được gởi đến cho Nguyễn Bá Nghi sau ngày 21 tháng 3 d.l năm 1861, sau khi sứ đoàn 80 người Cao Miên xuống Sài Gòn mang theo lễ vật để cống sứ cho quan soái Charner. Và có thể là, Nguyễn Bá Nghi đem văn thư 14 khoản nầy tấu trình về triều đình ngoài Huế để Tự Đức cùng các quan đại thần của Cơ Mật Viện bàn bạc quyết định và Trương Đăng Quế đã cố vấn đường hướng cho Nguyễn Bá Nghi áp dụng trong cuộc thương lượng tiếp tục với người Pháp.

B/ Trong vòng 10 tháng đó có những biến động gì đã xảy ra?
Như trên đã đề cặp, sách thực lục của nhà Nguyễn vào tháng 6 â.l năm Tự Đức thứ 14 (Tân Dậu/1861) có nói tới việc người Pháp đưa ra 14 khoản đòi hỏi nhưng lại thêm rằng (14 khoản nầy chép ở tháng 4 â.l năm Tự Đức thứ 15 sau đây), tức là gần 10 tháng sau sách thực lục mới chịu viết ra nội dung của 14 khoản đòi hỏi đó. Trong khoảng thời gian nầy (từ tháng 6 âl/ Tân Dậu/ Tự Đức thứ 14/1861 đến tháng 4 âl/ Nhâm Tuất/ Tự Đức thứ 15/ 1862) có những biến động gì đã xảy ra để cho tên tuổi của ông Phan Thanh Giản bắt đầu xuất hiện trên chính trường ngoại giao để tiếp nhận một trách vụ đội đá vá trời, một trách vụ nặng nề ngang với một bản án tử hình khốc liệt mà kẻ tử tội đang mỗi ngày mỗi giờ đếm từng bước chân của mình trên những bậc thang đưa lên đoạn lầu đài.

Chương 10

Tân Dậu, Tự Đức năm thứ 14 (1861), tháng 6 âl, Tự Đức lặp lại lệnh truyền cho các địa phương phải nghiêm nhặt tách, ghép các tín đồ đạo Gia tô: thích chữ vào mặt, quản thúc cho nghiêm, giam nhốt thật gắt gao những giáo sĩ, nếu người Tây dương tới nơi thì đem đem những kẻ theo đạo ấy giết cho hết. Phủ huyện nào còn dung túng đến nỗi sinh ra việc lo ngại thì nhất định là phải chiếu quân luật trị tội.

Tân Dậu, Tự Đức năm thứ 14 (1861), tháng 7 â.l, cho Đoàn Thọ thăng thụ Trung quân Đô thống sung làm chức phòng hộ sứ ở đồn cửa biển Thuận An.

Từ quân thứ Biên Hòa, Nguyễn Bá Nghi và Trần Đình Túc dâng tập tâu trình tình hình Biên Hòa yếu ớt đơn độc, không thể vừa đánh vừa giữ được, cuộc giảng hòa lại không thành, xin giảm bớt quân thứ và phái người đi cầu viện nước ngoài. Tự Đức trách cứ, cho rằng hai người chưa thi hành nhiệm vụ đúng mức.

Biên Hòa và Vĩnh Long trở thành những căn cứ địa để chiêu mộ dân quân kháng chiến chống Pháp. Ngay cả ở trong các vùng của quân Pháp tạm chiếm cũng có những ổ kháng chiến. Mạnh và nhiều nhất là ở Gò Công.

Tri huyện Toại trước kia cai trị Gò Công, nay chiêu mộ hơn 600 dân phu đồn điền và chiến binh thất trận ở đồn Kỳ Hòa, tổ chức thành một lực lượng kháng chiến chông Pháp. Đêm 21 tháng 6 d.l rạng ngày 22 d.l năm 1861, dân quân kháng chiến dưới quyền của huyện Toại tấn công đồn phòng thủ của Pháp ở Gò Công. Đồn nầy do một sĩ quan hải quân Pháp là Paulin Vial và 27 quân sĩ trú đóng. Kế hoạch tấn công của huyện Toại bị nội gián thông báo trước cho Paulin Vial. Cuộc tấn kích thất bại: quân kháng chiến rút lui để lại chiến trường 14 xác chết trong số nầy có xác của huyện Toại. Phía quân Pháp thì Paulin Vial bị trọng thương và một pháo thủ bị tử trận.

Qua ngày hôm sau, một tổ kháng chiến khác ở Gò Công do Trương Định cầm đầu lại tấn công quân Pháp nhưng bị quân trú phòng của Pháp đẩy lui. Lực lượng kháng chiến của Trương Định gây lo sợ và bối rối cho quân binh Pháp miền Tây: giết chết bá hộ Huy vì Huy được quân Pháp giao cho cai quản một tổng ở huyện Đông Sơn trong tỉnh Gò Công mặc dù bá hộ Huy là bạn thân của Trương Định; truyền rao xử tội những xã trưởng theo và hợp tác với người Pháp.

Ở vùng Mỹ Tho thì có tổ kháng chiến của tri phủ Cậu, của thiên hộ Dương cùng nhiều tổ kháng chiến nhỏ khác, tất cả đã gây khốn đốn không ít cho quân binh đồn trú của Pháp đồng thời các tổ chức kháng chiến cũng là một trở ngại cho việc đàm phán hòa bình của 2 bên bởi vì người Pháp nghi ngờ rằng phía triều đình Đại Nam dụng kế hoãn binh, một mặt không chính thức phản công trực tiếp nhưng lại xúi ngầm và yểm trợ cho các tổ chức kháng chiến đánh phá trong khi vẫn kéo dài cuộc hoà đàm.

Thánh 8 â.l (1861), Thanh Hóa lùng bắt được 2 giáo sĩ ngoại quốc. Quan tỉnh và viên phủ đều được thưởng gia
thăng một cấp.

Tuần phủ Gia Định là Đỗ Quang tấu trình về thành tích đánh phá chống quân Pháp của lực lượng kháng chiến do cựu phó quản cơ Gia Định là Trương Định cầm đầu. Tự Đức cất nhắc cho làm quản cơ rồi lãnh chức phó lãnh binh với số dân quân hơn 6,000 người dưới quyền, chia thành 6 cơ đội.

Tri phủ Phước Tuy Nguyễn Thành Ý và thuộc hạ Phan Trung cũng mộ được 2 cơ cộng chung 4,000 người.

Hai con của vua Cao Miên Nặc Ong Đôn là Ong Bướm, Ong Lan tranh nhau quyền nối nghiệp.

Tháng 10 â.l (1861), án sát sứ Nguyễn Văn Nhã cùng với quân kháng chiến của tri phủ Cậu tấn công quân đồn trú Pháp ở Cái Bè và Cai Lậy: phía Pháp có 50 người bị bắn hạ đa số là lính tập đánh thuê cho Pháp.

Tỉnh Bình Định bắt được một giáo sĩ ngoại quốc tên là Y-ty-Anh (ĐNTLCB; sách đã dẫn, trang 245)

Ở miền Đông, tình hình kháng chiến không mạnh như ở miền Tây. Nhưng quân đồn trú của Pháp ở Thủ Dầu Một luôn phải đưa quân tuần tiểu quanh vùng thường xuyên để đánh dẹp quân kháng chiến. Trong 3 tháng cuối năm d.l 1861, các đồn bót của Pháp ở Thủ Dầu Một bị tấn công mạnh trong những ngày 15, 21 tháng 10 d.l và những ngày 19, 21 tháng 11 d.l và ngày 1 tháng 12 d.l khiến cho 2 sĩ quan, 3 pháo thủ thuyền chiến, hai trợ tá người địa phương bị tử trận và 5 lính tập đánh thuê bị thương. Phía kháng chiến và quân binh có 150 người bị tử trận.

Trong bài viết l' Extrait du Journal d' un officier détaché à Mỷ Tho (trích Nhật Ký của một sĩ quan công tác ở Mỹ Tho) do tác giả người Pháp M. de Grammont ghi lại tình hình xáo động do dân quân kháng chiến gây ra quanh vùng Mỹ Tho từ 29 tháng 8 d.l năm 1861 đến 30 tháng 11 d.l năm 1861 như sau:

-29 tháng 8 d.l - Đồn Cây Lậy do Chassériau trú đóng bị tổ kháng chiến của đốc phủ Cậu tấn công.
-4 tháng 9 d.l - Đồn Bourdais vùng kinh Bảo Định cách Mỹ Tho 3 dậm bị dân quân kháng chiến tấn công; phó hạm trưởng Mac-Dermott được phái tới để truy kích.
-5 tháng 9 d.l - Chận bắt ghe chở vũ khí cho kháng chiến.
-14 tháng 9 d.l - Pháp hành quân bình định trong vùng tứ giác (có thể là vùng đồng bằng nằm trong vùng tứ giác sông Mê Kong - sông Vàm Cỏ Tây - biển Đông -nước Cao Miên) để truy lùng phủ Cậu.
15 tháng 9 d.l - Phủ Cậu đích thân chỉ huy tấn kích đồn Cây Lậy.
21 tháng 9 d.l - Tàu chiến Norzagaray chở quân tăng viện Tây Ban Nha .
22 tháng 9 d.l - Cánh quân thứ nhì của Pháp do Desvaux chỉ huy bắt đầu hành quân.
23 tháng 9 d.l - Thuyền chiến Soledad (một loại thuyền thuyền buồm nhẹ) đã được đưa xuống hoạt động trong vùng sông Rạch Gầm (Mỹ Tho) từ 15 ngày qua nay lãnh công tác mở đường dẹp bỏ các chướng ngại vật vùng kênh Thuộc Nhiêu.
25 tháng 9 d.l - Tái chiếm Mỹ Quý; cha của Phủ Cậu bị bắn chết.
28 tháng 9 d.l - Cánh quân thứ nhì (do Desvaux chỉ huy) trở về hậu cứ.
29 tháng 9 d.l - Hành quân vùng sông Vàm Cỏ Tây để truy lùng những kẻ sát nhơn thị trưởng tỉnh Gò Công.
14 tháng 10 d.l - Pháo thuyền Gougerad pháo kích đồn Cái Thia (Mỹ Lương - Mỹ Đức).
22 tháng 10 d.l - Truy kích phiến quân vùng rạch Cà Hôn (vùng hạ lưu sông Mỹ Tho).
30 tháng 10 d.l - Đụng trận với quân phiến loạn ở Rạch Gầm: 22 người An Nam bị thương.
3 tháng 11 d.l - Đụng trận với phiến quân phiến loạn ở Rạch Gầm: 14 người An Nam bị thương.
9 tháng 11 d.l - Hành quân tuần thám vùng Mỹ Quý -Phú Mỹ.
14 tháng 11 d.l - Hoạt động phiến loạn lại tái phát ở vùng sông Vàm Cỏ.
15 tháng 11 d.l - Quan lại của triều đình gia tăng thuế ở vùng Mỹ Tho cũ.
17 tháng 11 d.l - Những manh nha lẻ tẻ như cướp bóc nhắm vào ngay cả những người Tây phương, dọc đường phục kích đội trưởng chỉ huy đồn Cây Lậy.
28 và 30 tháng 11 d.l - Nhiều hoạt động khác cùng với các vụ thiêu đốt ở các vùng ngoại vi. (A. Schreiner; sách đã dẫn; trang 215, 216)

Chương 11

Tháng 11 â.l, Tân Dậu (1861), thủy sư đề đốc Bonard sang thay thế Charner (Charner bàn giao chức vụ cho Bonard ngày 30 tháng 11 d.l năm 1861) và Bonard tuyên bố ngay rằng quân Pháp sẽ tiến chiếm Biên Hòa và nếu cần sẽ tiến thẳng ra kinh đô Huế (đây là lời tuyên bố hiếu chiến và cao ngạo của đô đốc Bonard khi vừa mới đặt chân lên lãnh thổ của nước Đại Nam. Nguyên văn như sau: "Nous allons marcher sur Biên Hoà et, s' il le faut, nous irons à Huế" (tạm dịch: Chúng ta sẽ tiến chiếm Biên Hòa và nếu cần, chúng ta sẽ đi ra Huế) (A.Shreiner; đã dẫn; trang 222), ra lệnh quân binh chuẩn bị chu đáo cho cuộc hành quân.

Trong thời gian chờ đợi sắp xếp chuẩn bị, Bonard ra lệnh cho thuyền trưởng Lespés chỉ huy tuần dương hạm Norzagaray ra chiếm hữu và thiết lập chủ quyền của Pháp trên đảo Côn Sơn.

*Hỏa hồng trên sông Nhật Tảo

Sáng ngày 10 tháng 12 d.l năm 1861, sau khi chiến hạm của Lespés vừa khởi hành đi Côn Sơn thì ở Mỹ Tho quân kháng chiến do Nguyễn Trung Trực chỉ huy đã lập kế giả làm thuyền buôn trên sông Vàm Cỏ, áp sát đến gần tàu chiến L' Espérance đang bỏ neo ở địa phận thôn Nhật Tảo và hơn 150 quân kháng chiến bất ngờ nhảy lên tấn công binh lính Pháp trên tàu. Quân Pháp nhảy xuống sông để trốn và tẩu thoát: 17 lính Pháp bị giết, chỉ có 5 thủy thủ và 3 lính Phi Luật Tân thoát chết. Một số người dân địa phương ở thôn Nhật Tảo bị quân kháng chiến trừng phạt giết chết vì hợp tác với quân Pháp, nhà cửa của những người nầy bị thiêu hủy.

*Đồng loạt khởi dậy

Cuộc tấn kích của Nguyễn Trung Trực trên sông Nhật Tảo là ngọn lửa chăm ngòi cho những cuộc nổi dậy đồng loạt của quân kháng chiến để tấn công đốt phá đồn bót của quân Pháp ở khắp nơi từ ngày 14 đến 30 tháng 12 d.l năm 1861: Tân An, Cần Giuộc, Gò Công ngày 14/12 d.l ; Gia Thạnh ngày 18 ; Cái Bè ngày 20 và 25 ; Rạch Gầm ngày 29 ; Rạch Cả Hòa ngày 30. Quân kháng chiến bị thiệt hại nhiều trong chiến dịch tổng tấn công nầy. Những người địa phương hợp tác với Pháp để làm việc trong tổ chức hành chánh cai trị trong các vùng Pháp chiếm đóng đều bị quân kháng chiến giết chết.

*Quân xâm lược Pháp-Y Pha Nho đánh chiếm Biên Hòa

Quân Pháp khởi sự tấn công đánh chiếm Biên Hòa. Điểm xuất quân có thể chọn từ 3 nơi:

-1/ từ Thủ Dầu Một,
-2/ từ Sài gòn qua con đường cái quan Sài gòn-Biên Hòa,
-3/ từ Sông Sài Gòn dùng thủy lộ qua con sông Đồng Nai.

Không thể xuất quân từ Thủ Dầu Một vì không có phương tiện để vượt ngang sông Đồng Nai lại thêm có đồn binh Mỹ Hòa của Đại Nam án ngữ do đó Bonard chọn 2 đường tiến quân từ Sài Gòn qua đường cái quan Sài Gòn-Biên Hòa và bằng thủy lộ sông Đồng Nai.

Trước khi ra lệnh tấn công Biên Hoà, Bonard gửi một tối hậu thư đến quân thứ Biên Hòa. Thư trả lời từ quân thứ Biên Hòa không đáp ứng được những đòi hỏi của Bonard và do đó Bonard phát hiệu lệnh tấn công vào ngày 14 tháng 12 d.l năm 1861.

-Cánh quân thứ nhứt theo đường cái quan thẳng tiến đến đồn Mỹ Hoà.
-Cánh quân thứ 2 tiếp nối cánh quân thứ 1 để đến thôn Tân Phú.
- Cánh quân thứ 3 do tàu chiến của Pháp ở sông Sài Gòn ra sông Nhà Bè rồi tiến ngược lên sông Đồng Nai.
-Cánh quân thứ 4 cũng theo thủy lộ để đến thôn Gò Công.
-Các thuyền chiến Renommée, Alarme và Ondine có nhiệm vụ dọn dẹp các chướng ngại vật trong lòng sông Đồng Nai và cá pháo đồn dọc theo 2 bên bờ.

Chỉ hơn một tiếng đồng hồ sau khi sau pháo hiệu tấn công, liên quân Pháp-Y Pha Nho đã chiếm được đồn phòng thủ ở Gò Công.

Bốn pháo đồn trên bờ sông Đồng Nai pháo kích liên hồi lên pháo hạm Alarme. Cánh quân thứ 3 của Pháp do hạm trưởng Lebris chỉ huy dùng ghe đổ bộ quân lên bờ tấn công các pháo đồn nầy, quân đồn thú bỏ pháo đồn chạy thoát thân. Các tàu chiến tiếp tục suốt đêm để khai thông các chướng ngại vật trong lòng sông Đồng Nai và phải mất 2 ngày 2 đêm dọn dẹp lòng sông mới có thể lưu thông an toàn tiến thẳng về hướng Biên Hòa. Chỉ huy cánh quân thứ 1 là Comte bị tử trận khi tiến sát đến cánh trái của điểm kháng cự Mỹ Hòa. Chỉ huy cánh quân thứ 2 từ Gò Công được lệnh tiếp tục tấn công vào cánh phải Mỹ Hòa trong khi pháo binh từ các chiến hạm bắn vào trung tâm điểm của cứ điểm nầy. Quan binh Đại Nam bị tấn công từ 3 phía: vì không thể cầm cự lâu hơn quân binh Đại Nam rối loạn bỏ Mỹ Hòa rút chạy vào thành Biên Hòa. Các cứ điểm tiền đồn phòng thủ thành Biên Hòa bên phía phải lưu ngạn sông Đồng Nai đều bị liên quân Pháp Y Pha Nho chiếm đóng. Bonard liền ra lệnh chuẩn bị thu xếp chuyển quân sang bờ trái sông Đồng Nai để tiến chiếm thành Biên Hòa. Đích thân Bonard xuống pháo thuyền Ondine và cùng với một pháo thuyền khác do thuyền trưởng Jonnart tiến đến trước mặt thành Biên Hòa để quan sát. Đại pháo trong thành bắn ra; pháo thuyền của Jonnart bắn trả vào thành: tiếng súng trong thành chấm dứt và một cụm khói đen trong thành bốc lên cao. Trời về tối, quan Pháp chưa thể đổ bộ lên bờ. Sáng hôm sau, đội quân tiền sát Pháp-Y Pha Nho tiến vào thành Biên Hòa không gặp phải một sức kháng cự nào. Khi quân Pháp tìm thấy hằng trăm tù nhân đạo Gia tô bị thiêu sống trong một trại giam họ mới biết được lý do tại sao có cột khói trong thành bốc lên cao vào đêm hôm qua.

Chiến lợi phẩm quân Pháp tịch thu gồm có 48 khẩu đại pháo, 15 ghe buồm đánh trận, vô số gỗ quý. Trong trận nầy, liên quân xâm lược chỉ có 2 người chết và một số bị thương không đáng kể. Thiếu tá Y Phan Nho Domenech Diégo chỉ huy cánh quân thứ 2 được chỉ định giữ chức tỉnh trưởng Biên Hòa để tiếp tục các chiến dịch bình định trị an. (A.Schreiner; sách đã dẫn; trang từ trang 222 đến trang 229).

*Quân xâm lược Pháp-Y Pha Nho tiếp tục tiến chiếm Phước Tuy (Bà Rịa)

Khi thành Biên Hòa bị hải quân Pháp-Y Pha Nho pháo kích và trước khi họ tràn vào chiếm thành, phó đề đốc chưởng vệ Lê Quang Tiến cùng với bộ chỉ huy quân thứ bỏ thành Biên Hòa rút quân về Bà Rịa-Phước Tuy. Các tổ chức kháng chiến chống Pháp không còn thế yểm trợ của quân binh triều đình ở Biên Hòa-Tây Ninh cho nên đa số rút về miền Tây, hợp cùng với các tổ chức kháng chiến ở đây để bao vây đánh phá các đồn bót của Pháp chung quanh các vùng phụ cận của tỉnh Mỹ Tho.
Ngày 4 tháng 1 d.l năm 1862, tất cả đồn bót ở những vùng đất phía Tây thành Mỹ Tho đều bị quân kháng chiến bao vây. Quân kháng chiến của phủ Cậu chuẩn bị đánh Cái Bè nhưng bị quân Pháp bao vây trên tuyến đường tiến quân Cái Bè-Cai Lậy. Ngày 6 tháng 2 d.l năm 1862, phủ Cậu bị bắt giải về Mỹ Tho và bị xử tử treo cổ ngay ngày hôm sau để thị uy các phong trào kháng chiến và làm vững lòng tin những người Đại Nam địa phương đang hợp tác với Pháp. Việc xử tử phủ Cậu không có hiệu lực làm giảm bớt những cuộc nổi dậy của quân kháng chiến nhưng ngược lại, những cuộc đánh phá của quân kháng chiến càng nhiều hơn và táo bạo hơn. Ngày 10 tháng 2 d.l năm 1862, quân kháng chiến đánh phá đồn Gò Công và cô lập đồn Gia Thạnh; ngày 11 đánh phá đồn Rạch Gầm. Ngày 22 tháng 2 d.l 1862 đốt cháy đồn Rạch Cà Hôn rồi lại tấn công đồn Rạch Gầm; ngày 28 các đồn của Pháp ở Cái Bè, Cai Lậy, Thuộc Nhiêu, Rạch Gầm đều bị quân kháng chiến chiếm đóng cùng một lúc và tàu chiến Sham Rock của Pháp cũng bị phóng hỏa. Kết quả của những cuộc nổi dậy khắp nơi của quân kháng chiến ở miền Tây khiến cho quân Pháp phải bỏ các đồn bót để rút về thành Mỹ Tho lo việc phòng thủ cho thành nầy và tăng cường phòng thủ hai đồn quan yếu Cái Bè và Cần Giuộc.

Trong khi các lực lượng kháng chiến đánh phá các nơi ở miền Tây thì tại Biên Hòa; Bonard ra lệnh cho các tàu chiến chuyển vận thủy binh, bộ binh, cùng với quân Y Pha Nho tiến đánh Bà Rịa, dùng ghe nhỏ chuyển quân theo rạch Gành Hào, tạm dừng quân tại một thôn thuộc làng Long Điền vào ngày 7 tháng 1 d.l năm 1862. Một đoàn quân tiền thám với hoả lực mạnh tiến sát đến thành Bà Rịa khoảng 2,000 mét và nổ súng nhưng quân tiền đồn do táng lý quân vụ Văn Đức Đái chỉ huy đã chống cự thật dũng mãnh khiến cho quân Pháp phải tạm thời rút lui quay trở lại Long Điền để chờ qua đêm. Trong đêm, sau khi tàn sát một số phạm nhân đạo Gia tô bị giam nhốt trong thành, phó đề đốc chưởng vệ Lê Quang Tiến bỏ thành Bà Rịa rút quân về hướng Đông và lập phòng tuyến tại làng Phước Thọ cách Bà Rịa khoảng 15 cây số và một tiền đồn ở Long Lập ở khoảng 10 cây số hương Đông Bắc Bà Rịa. Quân Pháp truy kích, quân triều đình tan vỡ, Lê Quang Tiến rút chạy ra làng Phước Bửu rồi theo đường cái quan ra Cù Mỹ giáp ranh tỉnh Bình Thuận. Cả tỉnh Biên Hòa dưới quyền kiểm soát của liên quân xâm lược Pháp-Y Pha Nho.

Về việc quân xâm lược Pháp đánh chiếm thành Biên Hoà và phủ Phước Tuy (Bà Rịa), sách ĐNTL ghi như sau:

Người Tây dương đánh lui quân thứ Biên Hòa, vào chiếm đóng tỉnh thành. Tự khi Nguyễn Bá Nghi khâm sai thống lãnh quân vụ, đóng ở bên tả tỉnh thành Biên Hòa (xứ Tân Lại) để bảo viện cho tỉnh thành, lấy xứ Thạch Hản thuộc về phận sông Long Đại làm nơi phòng thủ cốt yếu, lấy hạt phủ Phúc Tuy làm đường vận lương, quan báo cho các tỉnh Gia Định, Định Tường cùng làm thanh viện với nhau. Đã đến 7, 8 tháng nay tâu báo hơn 10 lần. Vua đã thăm hỏi các lời bàn của đình thần, nhiều lần huấn dụ rằng: cốt ý lấy sự hòa hiếu làm quyền nghi tạm thời, mà đánh giữ làm thực vu. Thế mà ý riêng của Bá Nghi chủ ở giảng hòa, không sửa sang việc phòng thủ. Kịp khi người Tây dương động quân mới xin đòi gọi binh lính. Đến đây quân Tây dương dùng thuyền quân chặn đóng con đường ở Gia Định, Định Tường đi đến; lại đánh giữ 2 cửa biển Cần Giờ, Phúc Thắng, luôn mấy ngày đánh phá vào xứ Thạch Hãn (các ngày 15, 16) quân lui giữ phủ Phước Tuy. Thuyền quân của Tây dương nhân nước triều thẳng tiến đến tỉnh thành (ngày 17) dùng súng lớn bắn phá vào thành. Tỉnh thần, và bọn Nguyễn Đức Hoan (tuần phủ), Lê Khắc Cẩn (án sát, nguyên tên là Cần) thế không chống nổi cũng lùi đóng ở đồn mới Hố Nhĩ . Quân Tây dương vào chiếm lấy thành, lại tiến sát phủ Phước Tuy đánh bắn. Bá Nghi lại lùi về đóng ở phận rừng Long Kiên, Long Lập, thuộc phủ Phước Tuy. Việc tâu lên, vua nghiêm trách các quan ở quân thứ, và ở tỉnh, rồi gia ơn cho cách lưu, để mưu báo hiệu sau nầy. (ĐTLCB, sách đã dẫn, trang 255, 256).

Sau khi Biên Hòa bị mất vào tay người Pháp. triều đình Huế khai phục chức Binh bộ thượng thư cho Nguyễn Tri Phương sung đổng suất quân vụ Biên Hòa thay thế Nguyễn Bá Nghi, Tôn Thất Cáp (Hiệp) cho khôi phục Binh bộ thị lang phụ tá Biên Hòa quân vụ và Nguyễn Công Nhàn trước kia bỏ thành chạy khi Định Tường thất thủ bị cách chức, nay được khôi phục quản cơ sung đốc binh đi theo phụ tá việc quân cho Nguyễn Tri Phương. Lại cấp thêm 2,000 quân để Nguyễn Tri Phương đưa vào tăng cường cho quân binh ở Cù Mỹ, Bình Thuận.

Nhâm Tuất, Tự Đức thứ 15, tháng 1 â.l (1862), cho tổng đốc Quảng Nam-Quảng Ngãi là Đào Trí sung chức Kinh lý đại thần, đốc biện những công việc vận tải lương thực khí giới để phòng bị từ Quảng Nam đến Bình Thuận.

Sau khi đánh chiếm Bà Rịa, tàu chiến của Pháp tiếp tục tuần thám vụng biển Phan Rí - Bình Thuận và đánh chìm nhiều ghe thuyền chuyển vận quân lương(1) của triều đình tiếp tế cho quân thứ ở Bình Thuận.

Tháng 2 â.l (1862), giáng Nguyễn Bá Nghi xuống làm tham tri sung chức phụ tá quân vụ hiệp cùng Nguyễn Tri Phương bàn việc quân vụ ở Bình Thuận.

Dụ sai tỉnh thần Gia Định. Định Tường là Đỗ Quang, Đỗ Thúc Tỉnh, phó lãnh binh là Trương Định cùng nhau phối hợp binh triều đình với quân kháng chiến để chống Pháp.

*Liên quân xâm lược Pháp - Y Pha Nho đánh chiếm tỉnh thành Vĩnh Long

Chương 12

Liên quân xâm lược Pháp - Y Pha Nho đánh chiếm tỉnh thành Vĩnh Long

Ngày 5 tháng 3 d.l năm 1862, quân kháng chiến ở miền Tây đốt cháy pháo thuyền số 25 và một đại đội binh sĩ của Pháp trên pháo thuyền đó bị tiêu diệt: 35 chết, 17 trọng thương. Ngày 6 tháng 3 d.l năm 1862, thành Mỹ Tho bị quân kháng chiến tấn kích lần thứ 3; từ 9 đến 12 tháng 3 d.l năm 1862 một phong trào chống đối của quần chúng đã diễn ra tại Cầu An Hạ nhưng đã bị quân Pháp thẳng tay dẹp tắt; ngày 13 tháng 3 d.l năm 1862 quân kháng chiến lại tấn kích thành Mỹ Tho trong khi quân Pháp chuẩn bị tiến đánh thành Vĩnh Long.

Ngày 21 tháng 2 â.l năm Nhâm Tuất, Tự Đức thứ 15, ( 23 thán 3 d.l năm 1862), liên quân Pháp-Y Pha Nho đánh chiếm thành Vĩnh Long. Trước đây, một tuần sau khi Định Tường thất thủ, Pháp cho tàu 5 máy chia nhau đi trên thủy phận sông Vĩnh Long để dò thám và đến thả neo đậu ở bờ sông gần tiền đồn Thanh Mỹ. Quan đầu tỉnh Vĩnh Long là Trương Văn Uyển một mặt phòng bị nghiêm cẩn một mặt chuyển thư sang cho đối phương hạch hỏi lý do vì sao họ cho tàu đi tuần thám gây hấn như thế, để dùng kế hoãn binh. Ngày 20 tháng 3 d.l năm 1862, quân Pháp đưa 2 tàu tuần thám, 9 phóng pháo hạm đến bỏ neo đậu trên sông, gần tiền đồn Vĩnh Tùng, cho hơn 1,000 quân lên bộ đào đắp hào luỹ và công sự chiến đấu.

Liền trong 2 ngày 20 và 21 tháng 2 â.l năm Nhâm Tuất (22 tháng và 23 tháng 3 d.l năm 1862) quân Pháp từ dưới sông, trên bộ đánh phá bắn vào các đồn sở Thanh Mỹ, Vĩnh Tùng. Quân binh triều đình chống cự không được, lần lược bị tan loạn. Tàu chiến Pháp liền tiến thẳng đến bờ sông tỉnh thành Vĩnh Long dùng trọng pháo bắn liên tục vào các điểm phòng thủ ở 2 mặt Đông và Tây. Quân lính trong thành Vĩnh Long bị thương vong nặng nề, số còn lại đều bỏ thành tháo chạy cả. Khi trời vào đêm, quân Pháp tạm ngưng pháo kích. Quan đầu tỉnh Trương Văn Uyển lợi dụng đêm tối phóng lửa đốt các dinh thự, kho tàng, đạn dược rồi bỏ thành tỉnh rút lui quân ra đóng ở đồn bảo Vĩnh Trị.
Ngày 21 â.l năm Nhâm Tuất (23 tháng 3 d.l năm 1862) quân Pháp ung dung tiến vào tỉnh thành không gặp một sức kháng cự nào của quân triều đình rồi tiếp tục truy kích và tiến đến đồn bảo Vĩnh Trị, Trương Văn Uyển lại kéo quân rút lui ra huyện Duy Minh. Tất cả viên chức thuộc quân thứ Vĩnh Long đều bị triều đình trách phạt. Quân Pháp tịch thu được 68 súng óng đủ hạng cỡ, đạn dược và rất nhiều gạo thóc quân lương.
Mặc dù quân chính quy của triều đình Đại Nam đã rút khỏi 2 tỉnh thành Mỹ Tho và Vĩnh Long nhưng các tổ chức kháng chiến cùng một số quân binh của triều đình tại 2 nơi nầy vẫn tiếp tục hoạt động khuấy phá và tấn kích quân Pháp nhất là tại vùng Mỹ Quí ở Mỹ Tho. Sau khi chiếm thành Vĩnh Long, quân Pháp cử đại tá Y Pha Nho Palanca Guithierez dẫn một lộ quân hỗn hợp cùng với thuyền trưởng Desvaux mở chiến dịch bình định vùng Mỹ Quý ở Mỹ Tho rồi theo đường cái quan dẫn quân về Sài Gòn. Các hoạt động đánh phá của kháng chiến vẫn tiếp tục.
Ngày 6 tháng 4 d.l năm 1862, quân kháng chiến đánh vào Chợ Lớn ở vùng Phú Lâm, tiêu diệt một đồn bót của Pháp, đe dọa trại binh của Pháp tại đồn Ô Ma khiến dân chúng Sài Gòn náo động. Quân Pháp lại phải mở chiến dịch tảo thanh quanh vùng Sài Gòn-Chợ Lớn-Cần Giuộc nhưng không thể tiến sâu thêm xuống vùng Gò Công hiện thuộc quyền kiểm soát của lãnh binh Trương Định và quân kháng chiến.

Ở miền Đông, quân Y Pha Nho do đại tá Domenech Diego chỉ huy cũng phải hành quân bình định liên tục các vùng quanh Biên Hòa, Tây Ninh, Trảng Bàng để đẩy lui các nhóm kháng chiến về hướng Tây Bắc.

Tháng 3 â.l năm Nhâm Tuất (1862), có người tên là Nguyễn Thạnh, người huyện Phượng Nhãn nguyên là chánh tổng, tục gọi là Cai tổng Vàng, theo đạo Gia tô tự phong là nguyên soái, suy tôn một nhân vật tự cho là thuộc dòng họ nhà Hậu Lê tên là Huân (Uẩn) lên làm vua rồi hô hào dân chúng ở Bắc Kỳ nổi dậy chống lại chính quyền của nhà Nguyễn ở Quảng Yên. Số người theo Huân hơn ngàn người, xâm đánh phủ hạt Lạng Giang, đốt phá làng mạc, cướp phá mùa màng. Phó lãnh binh Tôn Thất Trụy đem quân tiểu trừ nhưng thất bại. Quân nổi dậy của Huân tiến đánh vào các huyện hạt Yên Dũng, vây hãm tỉnh thành. Thanh thế của Huân càng lúc càng lan rộng, chiếm thành Bắc Ninh, đánh phá các hạt Kinh Môn, Bình Giang, Ninh Giang, quan binh triều đình phải thay phiên nhau đưa quân đánh dẹp không ngơi nghĩ. Ngoài ra còn có giặc thổ phỉ ở các vùng biên Trung Hoa tràn sang cướp phá phủ Vĩnh Tường ở Sơn Tây, ở Thất Khê thuộc Lạng Sơn; tín đồ Gia tô nổi dậy ở hạt Kiến Thụy thuộc Hải Dương và Lạng Giang thuộc Bắc Ninh.

Trước đây khi liên quân xâm lược Pháp-Y Pha Nho đánh Quảng Nam - Đà Nẵng vào năm Tân Dậu (1861), trong số lính tập do Pháp tuyển mộ có Tạ Văn Phụng người miền Bắc, theo đạo Gia tô. Trong khi còn ở trong hàng ngũ của binh đội Pháp, Tạ Văn Phụng đã lén lút man trá loan truyền ra Bắc Kỳ để báo cho khối người theo đạo gia tô biết rằng quân xâm lược Pháp sẽ tiếp tay để họ nổi dậy chống lại quan binh của triều đình ở miền Bắc. Việc loan báo nầy bị người Pháp khám phá và vì sợ bị trách phạt cho nên Tạ Văn Phụng phải bỏ hàng ngũ lính tập để trốn ra Bắc Kỳ rồi mạo nhận là dòng dõi nhà Hậu Lê, tự xưng làm minh chủ, cùng với một giáo sĩ tên là Trường chiêu mộ người nổi dậy ở Quảng Yên, thông đồng với giặc cướp biển tàu ô người Hoa và thổ phỉ trên đất Trung Hoa ở vùng biên giới gây bạo loạn khắp nơi, vây đánh thành Hải Dương, số người hưởng ứng đi theo lên đến hơn 20,000. Vào những tháng dương lịch đầu năm 1862, Tạ Văn Phụng hầu như kiểm soát hết một vùng lãnh thổ rộng lớn phía ở Đông, quan binh triều đình không thể đánh dẹp. Trong lúc thanh thế đang lên, Tạ Văn Phụng đã cho người vào Sài Gòn đề nghị với Bonard tiếp viện và hậu thuẫn để lật đổ nhà Nguyễn và nước Đại Nam của Tạ Văn Phụng sẽ đặt dưới quyền đô hộ của người Pháp. Đề nghị của Phụng không được Bonard nghe theo.
*
Tháng 4 â.l, năm Nhâm Tuất (1862), trong lúc tình hình bất ổn ở Bắc Kỳ không thể giải quyết, Bonard lại sai hạm trưởng tàu chiến Forbin là Simon đến cửa biển Thuận An (đầu tháng 5 d.l năm 1862) để đưa thư liệt kê 3 điều kiện tiên quyết để hòa đàm:

1/ - Trong vòng 3 ngày phải trả trước cho người Pháp 100,000 quan tiền bồi thường chiến tranh tính ra lạng bạc;
2/ - Để cho Pháp đặt người của họ toàn quyền cai quản trên các vùng đất hiện do Pháp tạm chiếm;
3/ - Trong vòng 8 ngày phải cử đại diện để hòa đàm với Pháp.

Phan Thanh Giản, Trần Tiễn Thành đem việc ấy trình lên. Triều đình bàn bạc và phải chịu chấp nhận những đòi hỏi tiên quyết số 1 và số 3 của Pháp. Thuyền trưởng Simon trở về Sài Gòn mang theo 2 điều kiện tiên quyết của Pháp được triều đình Huế chấp nhận. Sau đó Simon trở ra Thuận An. Triều đình Huế cử Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp làm chánh, phó sứ toàn quyền đại thần để hội nghị với người Pháp. Khi sắp đi, Tự Đức rót rượu riêng của mình ban cho và dụ rằng đoàn sứ không được nhận điều khoản tự do truyền đạo Gia tô và không được nhượng thêm đất.
Ngày 24 tháng 4 âl (1862) Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp đi thuyền Thụy Nhạc uy vệ ra của biển Hội An, qua tàu Forbin gặp Simon trao 100,000 quan tiền trả trước. Sau đó tàu Forbin hộ tống thuyền Thụy Nhạc vào Gia Định.

Ngày 30 tháng 4 â.l (26 tháng 5 d.l năm 1862), đoàn sứ Đại Nam tới Sài Gòn. Cuộc đàm nghị mở ra liên tục cho đến ngày 9 tháng 5 â.l năm Nhâm Tuất (5 tháng 6 d.l năm 1862) thì 2 bên ký định ước. Các điều khoản của định ước nầy phải được triều đình nước Đại Nam và triều đình nước Pháp thông qua trong vòng 1 năm.

Ngày 11 tháng 5 â.l (7 tháng 6 d.l năm 1862), đoàn sứ Đại Nam đi thuyền về, đến Huế vào ngày 14 tháng 6 â.l (10/6 d.l/1862).
*
Xem xong bản định ước 12 khoản, Tự Đức dã quở trách Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp và cho rằng 2 viên quan nầy "không những là người có tội với triều đình nhà Nguyễn mà còn mắc tội đối với nghìn muôn đời vậy! " rồi đưa xuống cho đình thần bàn xét.

Sau khi bàn xét đình thần phúc tâu như sau: về khoản cắt đất và trả tiền bồi thường chiến tranh thì Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp đã thỏa thuận rồi nhưng phần nhiều chưa hợp. Nhưng vì đây là một bản điều ước mới định, nếu vội sửa đổi ngay, sợ họ còn tức khí, chưa chắc đã nghe theo ngay. Xin đề nghị để 2 viên quan ấy ở gần liên lạc với người Pháp bàn tính để họ châm chước lần lần và cũng là để 2 viên quan đó có dịp chuộc lại lỗi lầm đã nhượng đất và chịu trả quá nhiều tiền bồi thường; đề nghị bắt tội họ vì không chu toàn trách nhiệm được giao phó từ trước. Tự Đức cho rằng nếu bắt tội Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp thì không thể tìm được người khác có khả năng như họ để nhận lãnh trách nhiệm hoà nghị và do đó giao cho Phan Thanh Giản lãnh tổng đốc Vĩnh Long, Phan Duy Thiếp (Hiệp) lãnh chức tuần phủ Thuận- Khánh nhưng 2 người vẫn phải tiếp tục trách vụ đàm phán với người Pháp để chuộc tội.
*
"Sự thế khó làm, trẫm đã biết hết rồi.", Tự Đức và nhóm quan đại thần thủ cựu chậm tiến lơ láo nơi triều đình Huế đã biết rõ tình thế không thể cứu vảng được nữa vậy mà vẫn tiếp tục u mê đeo đuổi ý đồ vừa ném đá dấu tay vừa đàm phán hòa bình với quân xâm lược. Quân xâm lược đã thấy rõ được thực lực tồi tệ, chết nhát của quân đội triều đình nhà Nguyễn, họ chiếm lấy thành quách của nước Đại Nam như lấy đồ vật từ trong túi áo, gót chân xâm lược của họ như đi vào chỗ không người, vậy thì cần gì họ phải thương thuyết và nhượng bộ. Việc triều đình Huế bao che và yểm trợ cho nhóm dân quân kháng chiến làm sao có thể qua mắt được quân xâm lược khi mà họ có những người dân bản xứ bị chính quyền Đại Nam bách hại vì vấn đề đạo giáo theo về phía họ để báo cáo, chỉ điểm, cung cấp tin tức những hoạt động ngấm ngầm của nhóm quân kháng chiến được triều đình Huế yểm trợ và bao che. Quân xâm lược cũng biết tương kế tựu kế hoãn binh của triều đình Huế để dưỡng binh và chờ đợi tăng viện để thực hiện thêm những bước tiến quân về các vùng đất mới của Đại Nam. Họ có thiệt hại về nhân mạng trong các trận chiến vừa qua, họ có bị khốn đốn bệnh hoạn do thời khí gây ra nhưng với số lực lượng hiện tại của họ cũng dư sức cầm chưng hoặc đánh bại những nhóm giặc cỏ lẻ tẻ ô hợp, kém trang bị mà sử sách cũ gọi là dân quân kháng chiến miền Nam nổi dậy chống quân xâm lược cầm đầu bởi các quan chức địa phương của triều đình Huế bị bại trận và đang bị quân Pháp truy lùng khắp nơi. Sự hiện hữu của những nhóm kháng chiến rời rạc, không có sự phối hợp, mà quân xâm lược gọi là "đám giặc cướp" chính là cái cớ rất hữu lý để quân xâm lược vinh vào đó hầu chiếm thêm đất đai của nước Đại Nam sớm hơn dưới chiêu bài an ninh tự vệ chính đáng.
*
"không những là người có tội với triều đình nhà Nguyễn mà còn mắc tội đối với nghìn muôn đời vậy !" rồi đưa xuống cho đình thần bàn xét.
*
Như vậy là ông Phan Thanh Giản và ông Lâm Duy Hiệp đã bắt đầu mang tai tiếng, đã bắt đầu bị Tự Đức và nhóm triều thần ngồi mát ăn bát vàng ở Huế quy một trọng tội đối với triều đình và nghiêm trọng hơn nữa là mắc tội đời đời với hậu thế.

Từ trước tới nay người ta không hiểu Tự Đức và mấy ông quan mê ngủ chậm tiến hùa nhau đổ tội cho hai ông Giản và ông Hiệp về tội gì? Tội bán nước cầu vinh? Tội tự ý dâng đất nước cho giặc ngoại xâm? Tội đầu hàng quân xâm luợc một cách vô điều kiện? Tội hèn nhát làm nhục quốc thể vì không dám lớn tiếng tuyên chiến với giặc Tây? Hay là lời kết tội của Tự Đức chỉ là một hình thức cả vú lấp miệng em để khỏi mang tiếng với hậu thế là một ông hoàng đế bất lực vô tài của dòng họ nhà Nguyễn Phúc? Không lẽ Tự Đức và cái triều đình co ro ở Huế không biết được một sự thật hàng cữu là kẻ thua trận không có quyền đòi hỏi hoặc đặt điều kiện với kẻ chiến thắng?

"Rồi đưa xuống đình thần bàn xét", họ bàn xét cái gì? ĐNTLCB ghi vụ bàn xét nầy như sau: "Phúc tấu là: về khoản cắt đất bồi ngân, 2 viên ấy đã làm, phần nhiều chưa hợp. Nhưng điều ước mới định, nếu vội sửa đổi ngay, sợ họ còn tức khí, chưa chắc đã nghe ngay. Xin chuyên trách 2 viên ấy ở gần bàn tính châm chước dần dần để chuộc lỗi trước, hãy đợi khi sai sứ tới hỏi, nhân cơ mà châm chước nghĩ định. Nhưng lại cho là xếp đặt không giỏi. Xin bắt tội. Vua nói: bây giờ há có người hiền tài nào mà đổi hết được du? Bèn cho Thanh Giản lãnh tổng đốc Vĩnh Long, Duy Thiếp (Hiệp) lãnh tuần phủ Thuận - Khánh cùng với tướng nước Phú biện bác để chuộc tội ." (ĐTLCB đã dẫn, trang 305)

Chương 13

"Phần nhiều chưa hợp" là sao? Thế nào mới gọi là hợp? Theo tiêu chuẩn hoặc định mức nào? "Sợ họ còn tức khí", "nhân cơ mà châm chước", "xếp đặt không giỏi", sử quán nhà Nguyễn chỉ cần ghi lại bấy nhiêu đó cũng đủ cho hậu thế thấy được hình ảnh của những vị đại quan tá quốc vô tích sự của triều đình nhà Nguyễn dưới quyền của một ông vua tối ngày thơ phú văn chương, phung phí tài sản nhân lực quốc gia, một tập đoàn phong kiến dốt nát về ngoại giao, đui mù về kinh tế, hèn yếu run sợ không có đãm lược khi phải đối phó trực diện với kẻ địch, không có một đường lối chính sách quốc phòng rõ rệt mà chỉ biết áp dụng phương cách thừa cơ, mưu mô xảo quyệt, kỳ kèo trả giá của hạn con buôn trục lợi. Quân đội thì chỉ biết áp dụng chiến thuật chưa đánh đã chạy cùng với chiến lược bỏ thành, bỏ đất, bỏ dân cho địch kiềm tỏa. Một ông hoàng đế như thế, với một bộ tham mưu như thế, với một quân đội như thế thì nhiều lắm cũng chỉ đối phó được với những nhóm nổi loạn đia phương hoặc hơn thêm một chút thì chỉ có thể phùng xòe ăn hiếp vài nước nhỏ láng giềng bán khai trên bán đảo Ấn Hoa chứ có thể nào mà đối đầu nổi với các thế lực quân sự hùng mạnh của thực dân Tây phương. Không phải đợi tới bây giờ triều đình đình nhà Nguyễn mới gọi là thua mà đã thua từ khi quân xâm lược Tây phương đánh phá và phong tỏa vụng biển Đà Nẵng từ tháng 7 âl năm Mậu Ngọ (1858) và dưới quyền cai trị của Tự Đức với đám hủ nho chậm tiến, bè phái, ngủ mê tại triều đình Huế, nước Đại Nam, dân tộc Đại Nam trước sau gì rồi cũng phải rơi vào ách thực dân thuộc địa của phương Tây.

Có một điều nghịch lý là sau khi trút tội lên đầu lên cổ người khác và kèm theo đề nghị trừng phạt, các ông quân sư giỏi tài khua môi múa mép các truyện Nghiêu, Thuấn, Hạ, Thương, Chu, tối ngày chỉ biết co ro khúm núm cận kề bên cạnh Tự Đức thì lúc nầy lại co đầu rút cổ chẳng có ông nào dám hùng hổ tình nguyện đứng ra thế chỗ 2 ông Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp. Giả thử lúc đó Tự Đức cứ chém đầu ông Phan Thanh Giản và ông Lâm Duy Hiệp thì từ đó về sau sử quán triều Nguyễn sẽ phải ghi chép như thế nào? Không phải Tự Đức không biết rõ "tài năng hạng bét" của nhóm nho thần của mình nơi triều đình Huế, cho nên khi họ xin bắt tội ông Giản và ông Hiệp Tự Đức đã phải thốt lời rằng: "bây giờ há có người hiền tài nào mà đổi hết được du?". Khi thốt lời nầy, Tự Đức chấp nhận là khó có thể thay những đòi hỏi của quân xâm lược và chẳng có ai có đủ tài cán hơn hai ông Giản, Hiệp để đảm đương việc đôi co thương lượng với người Pháp. Tự Đức cũng dư biết trước rằng quân xâm lược sẽ không dừng chân sau khi đòi hỏi của họ đã được triều đình tuân hành và đất đay của nước Đại Nam sẽ còn tiếp tục rơi vào tay của họ mà nguy cơ trước hết là tỉnh Vĩnh Long và 3 tỉnh còn lại của miền Tây cho nên Tự Đức lại phải tiếp tục dùng con chốt thí Phan Thanh Giản để trút tội và vì thế ông Giản lại được giao phó lãnh tổng đốc Vĩnh Long.

Cũng có nhóm đại thần hủ nho chủ trương đánh tới cùng nhưng họ chỉ đánh giặc miệng ngay tại triều đình Huế chứ chẳng biết được một chút gì tình thế bên ngoài và thời sự đang sôi sụt trong Nam Kỳ hạ. Đánh ư? Thì đã đánh rồi còn gì, nhưng mà đánh đâu thua đó, chưa đủ sao? Khi thanh nhàn phè phởn thì nấm giữ phẩm trật cao trọng đứng đầu triều chính như Trương Đăng Quế nhưng đến lúc nước nhà ngữa nghiêng thì lại vội vàng xin về dưỡng hưu để trốn tránh trách nhiệm.

Một người khác thay thế ông Giản mà vẫn thất bại thì sao? Lại tìm một người khác thay thế và nếu vẫn thất bại- mà điều nầy là chắc chắn- thì rõ ràng không phải là tại người thương thuyết bất tài vô trách nhiệm và như vậy thì tội làm mất dân mất đất đâu còn ai để gánh chịu nếu không phải là Tự Đức và nhóm đại thần hùa nịnh ở Huế. Vậy thì tại sao lại phải cử người khác thay thế ông Giản. Nham hiểm độc ác là ở chỗ đó.

Cứu dân, cứu nước, mới nghe qua thì thật là ái quốc thương nòi nhưng nếu xét cho thật kỹ thì sẽ thấy rằng sự nóng lòng của Tự Đức trước việc để mất đất đai ở Nam Kỳ hạ không phải được thúc đẫy bởi lòng yêu nước chân chính của một người lãnh đạo quốc gia nhưng vì ở vùng đất nầy có nhiều ràng buộc tình cảm lâu đời của tông tộc nhà Nguyễn Phúc. Do đó, có thể nói là bằng mọi giá, Tự Đức phải lấy lại cho bằng được những phần đất hiện đang bị quân xâm lược chiếm giữ kể cả phải hy sinh xương máu một cách vô ích binh sĩ của triều đình cũng như dùng chiêu bài ứng nghĩa để khích động dân chúng nổi dậy kháng chiến chống Pháp.
*
"Về khoản cắt đất bồi ngân, hai viên ấy đã làm, phần nhiều chưa hợp . . .", đây là ý kiến của mấy ông quan đại thần tai to mặt lớn trong cơ quan Cơ Mật Viện mà thâm ý ác độc gán tội cho người khác đã hiện rõ ràng: Ai cắt đất bồi ngân? Cắt đất nào, ở đâu? Phải chăng là Sài Gòn, Gia Định, Biên Hòa, Mỹ Tho, Vĩnh Long?

Xin thưa: các vùng lãnh thổ nầy có còn thuộc quyền kiểm soát của triều đình Huế nữa đâu để mà cắt với xén! Bồi ngân? Ai đã xin chuộc đất bằng tiền, ai ấn định khoản tiền chuộc và chi phí chiến tranh? Xin thưa: không phải là do hai ông Giản và ông Hiệp tự ý đứng ra làm việc đó và nếu hai ông ấy có ý muốn làm như thế thì cũng chẳng thể được vì hai ông chỉ là đại diện của một triều đình chiến bại đến cầu xin ân huệ của một kẻ xâm lăng thắng trận! Kẻ chiến thắng ra điều kiện, kẻ chiến bại không có quyền đặt điều kiện, đó là một sự thật phủ phàng đã có từ ngàn xưa!
*
C/ - Nội dung của định ước năm Nhâm Tuất (1862)

Nguyên văn bản định ước năm Nhâm Tuất (1862) bằng tiếng Pháp như sau:

Chương 14


C/ - Nội dung của định ước năm Nhâm Tuất (1862)

Nguyên văn bản định ước năm Nhâm Tuất (1862) bằng tiếng Pháp như sau:

Traité de paix et d' amitié conclu à Saigon, le 5 juin 1862, entre la France et l' Espagne, d' une part, et le Royaume d'Annam, d' autre part.

Leurs Majestés Napoléon III, Empereur des Français, Isabelle II, Reine d' Espagne, et Tự Đức, Roi d' Annam, désirant vivement que l' accord le plus parfait règne désormais entre les trois nations de France, d' Espagne et d' Annam; voulant aussi que jamais l'amitié ni la paix ne soient rompues entre elles; à ces causes:

Nous, Louis-Adolphe Bonard, Contre Amiral, Commandant en chef le corps expéditionaire Franco-Espagnol en Cochinchine, Ministre Plénipotentière de S.M. l' Empereur des Français, commandeur des ordres impériaux de la Légion d' honneur et de Saint-Stanislas de Russie, commandeur de Saint-Grégoire-le-Grand de Rome, et chavalier de l' ordre royal de Charles III d' Espagne,

Don Carlos Palanca-Gutierres, colonel commandant général du corps expéditionaire Espagnol en Cochinchine, commandeur de l' ordre royal américain d' Isabelle la Catholique, et de l' ordre impérial de la Légion d' honneur, chevalier des ordres royaux et militaires de Saint-Ferdinand et Saint-Herménégilde, Ministre Plénipotentiare de S. M. Dona Isabelle II, Reine des Espagnes,

Et nous, Phan Thanh Giản, Vice-Grand-Censeur du royaume d'Annam, Ministre Président du Tribunal des Rites, Envoyé Plénipotentiaires de S. M. Tự Đức, assisté de Lâm-Duy-Hiệp, Ministre President du Tribunal de la Guerre, Envoyé Plénipotentiares de S. M. Tự Đức;

Tout munis de pleins et entiers pouvoirs pour traiter de la paix et agir selon notre conscience et volonté,nos sommes réunis, et, après avoir échangé nos lettres de créance, que nous avons trouvées en bonne et due forme, nous sommes convenus, d' un commun
accord, de chacun des articles qui suivent et qui composent le Traité de paix et d' amitié.

Article premier - Il y aura dorénavant paix perpétuelle entre l' Empereur des Français et la Reine d' Espagne d' une part, et le Roi d' Annam, de l' autre; l' amitié sera complète et égallement perpétuelle entre les sujets des trois nations, en quelque lieu qu' ils se trouvent.

Art 2. - Les sujets des deux nations de France et d' Espagne pourront exercer le culte chrétien dans lr Royaume d' Annam, et les sujets de ce Royaume, san distinction, qui désirent ambrasser la réligion chrétienne, le pourront librement et san contrainte; mais on ne forcera pas à se faire chrétiens ceux qui n' en auront pas le désir.

Art 3. - Les trois provinces complètes de Biên Hòa, de Gia Định et de Định Tường (Mỷ-Tho) ainsi que l' ile de Poulo-Condore, sont cédées entièrement par ce Traité en toute souveraineté à sa Majesté l' Empereur des Français. En outre, les commerçants Français pourront librement commercer et circuler sur des bâtiments quels qu' ils soient, dans le grand fleuve du Cambodge et dans tous les bras de ce fleuve; il en sera de de même pour les bâtiments de guerre Français envoyés en survoyance dans ce même fleuve ou dans ses affluents.

Art 4. - La paix étant faite, si une nation étrangée voulait, soit en usant de provocation, soit par un Traité, se faire céder une partie du territoire d' Annam, le Roi d' Annam préviendra, par un Envoyé, l' Empereur des Français , afin de lui soumettre le cas qui se présente, en laissant à l' Empereur pleine liberté de venir en aide ou non au Royaume d' Annam; mais si, dans ledit Traité avec la nation étrangère, il est question de cession de territoire, cette cession ne porra être sanctionné qu' avec le consentement de l'Empereur des Français.

Art 5. - Les sujets de l' Empire de France et du Royaume d'Espagne pourront librement commercer dans les trois ports de Tourane, Ba-Lác et Quảng-An. Les sujets Annamites pourront également librement commercer dans les ports de France ou d'Espagne,en se conformant toutefois à la règle des droits établis.

Si un pays étranger fait du commerce avec le Royaume d'Annam, les sujets de ce pays étranger ne pourront pas jouir d'une protection plus grande que ceux de France ou d' Espagne, et si ce dit pays étranger obtient un avantage dans le Royaume d'Annam, ce ne pourra jamais être un avantage plus considérable que ceux accordés à la France ou à l' Espagne.

Art 6. - La paix étant faite, s' il y a à traiter quelque affaire importante,les trois Souverains pourront envoyer des présentations pour traiter ces affaires dans une des trois capitales. Si, dans une affaire importante, l' un des trois Souverains désirait envoyer des félicitations aux autres, il pourra également envoyer un représentant. Le bâtiment de l' envoyé Français ou Espagnol mouillera dans le port de Tourane, et l' envoyé ira de là à Huế par terre, où il sera reçu par le Roi d' Annam.

Art 7. - La paix étant faite, l' inimitié disparait entièrement; c'est pourqoi l' Empereur des Français accorde une amnestie générale aux sujets soit militaires, soit civils du Royaume d' Annam compromis dans la guerre, et leurs propriétés séquestrés leur seront rendues. Le Roi d' Annam accorde également une amnestie générale à ceux de ses sujets qui se sont soumis à l' autorité Française, et son amnestie s' étend sur eux et sur leurs familles.

Art 8. - Le Roi d'Annam devra payer à titrte d' indemnité, dans un laps de dix ans, la somme de quatre millions de dollars. Quatre cent mille dollars seront, en conséquence, remis chaque année au représentant de l' Empereur des Français à Saigon. Cette somme est destinée à indemniser la France et l' Espagne de leurs dépenses de guerre. Les cent mille ligatures déjà payées seront déduites de cette somme. Le Royaume d' Annam n' ayant pas de dollars, le dollar sera représenté par une valeur de soxante et douze centième de taël.

Art 9. - Si quelque brigand, pirate, ou fauteur de troubles, Annamite, comme quelque brigandage ou désordre sur le territoire Français, ou si quelque sujet européen, coupable de quelque délit, s' enfuit sur le territoire Annamite, aussitôt que l' autorité Française aura donné la connaissance du fait à l' autorité Annamite, celle ci devra faire ses efforts pour s' emparer du coupable afin de le livrer à l' autorité Française. Il en sera de même en ce qui concerne les brigands, pirates ou fauteurs de troubles, Annamites, qui, après s'êtrte rendus coupable de délits, s' enfuiraient sur le territoire Français.

Art 10. - Les habitants des trois provinces de Vỉnh-Long, d' An Giang et de Hà-Tiên pourront librement commercer dans les trois provinces Françaises en se soumettant aux droits en vigueur; mais les convois de troupes, d' armes, de munitions ou de vivres entr les trois susdites provinces devront se faire exclusivement par mer. Cependant l' Empereur des Français permet à cet convois d'entrer dans le Cambodgepar la passe de Mỹ-Tho dite Cửa-Tiễu, à la condition toutefois que les autorités Annamites en préviendront à l'avance le présentant de l' Empereur, qui leur fera délivrer un laissez-passer. Si cette formalité était négligée et qu' un convoi entrât sans un permis, ledit convoi et le compose seront de bonne prise, et les objets saisis seront détruits.

Art 11. - La citadelle de Vỉnh-Long sera gardée jusqu' à nouvel ordre par les troupes Françises, sans empêcher pourtant en aucune façon l' action des Mandarins Annamites. Cette citadelle sers redue au Roi d' Annam aussitôt qu' il aura mis fin à la rébelion qui existe aujourd'hui par ses ordres dans les provinces de Gia-Định et de Định-Tường, et lorsque les chefs de ces rebelionsseronts partis et le pays tranquille et soumis comme il convient à un pays en paix.

Art 12. - Ce Traité étant conclu entre les trois nations, et les Ministres Plénipotentiares des dites trois nations l' ayant signé et revêtu de leurs sceaux, ils en rendront compte chacun à son Souverain, et, à partit d' aujourd'hui, jour de la signature, dans l' intervalle d' un an, les Trois Souverains ayant examiné et ratifié ledit Traité, l' echange des ratifications aur lieu dans la capitale du Royaume d' Annam.

En foi de quoi, les Plénipotentiaires respectifs susnommés ont signé le présent Traité et y ont apposé leurs cachets.

A Saigon, l' an 1862, le 5 Juin.
Tự Đức, 15è année, 5è mois, 9è jour.

Bonard Carlos Palanca-Guitierres

(Cachets et signatures des Plénipotentiaires Annamites).

(A. Shreiner; sách Abrégé de l' Histoire d' ANNAM; đã dẫn; trang 443, 444,445,446).
*
Sau đây là nội dung của định ước năm Nhâm Tuất (1862) do một tác giả Việt Nam là Lê Thanh Cảnh viết bằng chữ Pháp đăng trên tập chí Đô Thành Hiếu Cổ Tập San - BAVH vào năm 1937:

Voici les douze clauses de ce traité :

Chương 15

Sau đây là nội dung của định ước năm Nhâm Tuất (1862) do một tác giả Việt Nam là Lê Thanh Cảnh viết bằng chữ Pháp đăng trên tập chí Đô Thành Hiếu Cổ Tập San - BAVH vào năm 1937:

Voici les douze clauses de ce traité :
1) Ce traité inaugure une ère de concorde et d’amitié entre les trois pays: le grand Phú (la France), le Grand Y (l’Espagne) et le grand Empire du Sud Pacifié (l’Annam).
2) Le libre exercice du culte catholique sera promulgué surtout le territoire annamite, sans contrainte, ni entrave.
3) Les trois provinces orientales Biên-Hoà Gia-Định et Định Tường ainsi que l'Ile de Poulo-Condore, seront cédées à la France. En outre, aucune entrave ne sera faite aux bateaux de petit et de grand tonnage français qui, venant des mers, emprunteront les voies fluviales annamites pour aller commercer au Cambodge ; même liberté sera réservée aux canonnières et aux escadres françaises qui remonteront les cours d’eau d’Annam pour des explorations et des reconnaissances diverses.
4) Après la signature du traité, si des conflits éclataient entre l’Annam et une autre puissance, et qu e celui-ci, vaincu, désirât céder à la puissance étrangère quelques points de son territoire, il devrait d’abord en référer à la France dont le consentement en ce cas seraitindispensable. Elle se conserve le droit d’opposer son veto, si elle considérait que ces éventualités de concessions pourraient porter préjudice à ses intérêts.
5) Les commerçants français et espagnols qui iraient commercer dans les ports de Tourane, Bà-Lạt et Quảng-Yên devront jouir d’une sécurité et d’une liberté absolues. Ils paieront toutes les taxes afférentes à l’administration annamite. La même réciprocité sera faite aux commerçants annamites qui viendraient en France et en Espagne, à charge que ces derniers s’acquittent des taxes et impositions en vigueur dans ces deux pays.
Au cas où des commerçants originaires d’une puissance autre que les deux puissances traitantes viendraient en Annam et que celui-ci leur accorde des tarifs et des traitements de faveur, ces dispositions devraient s’étendre également aux commerçants français et espagnols. 6) En cas de nécessité et si une conférence entre les 3 nations s’imposait, chacun des pays signataires désignerait des représentants qui se réuniraient soit dans la Capitale de l’Annam, soit dans celle de France ou d’Espagne. En temps ordinaire des messages d’amitié et des relations cordiales ainsi que des visites de courtoisie pourront être échangés entre les nations amies. Chaque fois qu’un représentant français ou espagnol viendra en Annam, le navire qui le transportera, viendra relâcher à Tourane et le reste du trajet de Tourane à la Capitale se fera par voie de terre.

7) Aucune animosité ne subsistera entre les trois pays alliés après la signature du traité. Les soldats et les sujets annamites qui ont été faits prisonniers par les armées françaises au cours des engagements seront remis en liberté. Les butins et les biens prélevés sur certains villages pendant la guerre seront retournés à leurs possesseurs légitimes. En retour, ceux des Annamites qui, d’une manière ou d’une autre, ont rendu des services à la cause française, seront graciés ainsi que leur famille.
8) Une indemnité de 4 millions de piastres sera payée par l’Annam à la France et à l’Espagne. Elle sera payable en dix annuités, à raison de 400.000$ chacune, et sera versée entre les mains du représentant français à Gia-Định Un versement de 100.000$ en sapèques ayant été fait, les dix versements annuels seront grevés d’une réduction de 2%.

9) Si des Annamites, après s’être affiliés avec les pirates pour venir ravager les territoires placés sous le mandat français, revenaient chercher refuge dans les provinces de l’Annam, et si des criminels de droit commun français ou européens venaient chercher asile en territoire annamite, le Gouvernement français pourrait, par la voie de son représentant en Annam, réclamer l’extradition desdits coupables pour les mettre à la disposition de la justice française. De même, si des prisonniers et des rebelles annamites allaient se cacher en France, les mandarins annamites pourraient s’entendre avec le représentant de la France à Gia-Dinh pour réclamer leur extradition afin de les confier au jugement des tribunaux annamites.

10) Après la signature du traité, les originaires des trois provinces occidentales: Vĩnh-Long An-Giang, Hà-Tiên, pourront facultativement venir chercher à gagner leur vie sur les territoires gouvernés par la France Gia-Định, Định-Tường, Biên-Hoà).

La seule condition exigée d’eux est de payer leurs impôts à l’administration française du lieu. Si, pour ses affaires personnelles, l’Annam désire faire passer transitoirement à travers les territoires d’occupation française : soldats, armes, munitions, il doit en demander l’autorisation préalable à l’administration française, laquelle autorisation est de rigueur, faute de quoi le Gouvernement français, chaque fois qu’il aura connaissance d’un de ces transits frauduleux et illicites, enverrait la force armée pour sévir contre.
11) Les Français, bien qu’occupant actuellement Vĩnh-Long consentiront à rendre cette province au Gouvernement annamite et à ne pas s’immiscer dans les affaires indigènes dont ils laisseront le contrôle et l’administration aux autorités annamites, à condition que les résidants français qui se sont fixés à Vĩnh-Long jouissent d’une sécurité absolue. Il est demandé en outre que les mandarins envoyés par la Cour d’Annam avant et pendant les hostililés pour diriger les opérations militaires et préparer la revanche, et qui se tiennent actuellement cachés aux environs des provinces occupées, soient rappelés dans le plus bref délai, car la guerre est complètement terminée et leur présence sur les lieux ne peut qu’amener des conflits inévitables. Moyennant toutes ces conditions, la France fera le retour de Vĩnh-Long à l’Annam.

12) Les grandes lignes de ces accords ainsi établies et fixées, les plénipotentiaires des trois pays traitant y apposeront leurs signatures et leurs sceaux respectifs. Elles seront soumises ensuite à la ratification des Souverains des nations intéressées. Ce traité sera considéré comme entrant en vigueur à compter du jour où les signatures et les cachets des représentants des trois pays y seront apposés. Dans le délai d’un an et après la ratification des souverains, des lettres de créance seront échangées dans la Capitale annamite pour servir et faire valoir ce que de droit.

(Lê Thanh Cảnh; Notes pour Servir à l'Histoire de l'Établissement du Protectoral Français en Annam, trang 382, 383,384,385; Đô Thành Hiếu Cổ Tập San - BAVH - số 4 -tháng 10 - 12 năm 1937).
*
- Định ước năm Nhâm Tuất (1862) do Sử quán triều Nguyễn ghi chép trong Đại Nam Thực Lục Chính Biên

<< Vua nói:" Thương thay con đỏ của lịch triều, nào có tội gì? Rất là đau lòng. Hai viên nầy không những là người có tội của bản triều mà là người có tội của nghìn muôn đời vậy! ".
<< 12 khoản là:
- Từ sau khi vua 2 nước Phú-lãng-sa và Y-pha-Nho với vua nước Đại Nam cùng dân của 3 nước, không kể người nào với địa phương nào, đều cùng đôn đốc hữu nghị, hòa hảo lâu dài.
- Hai nước Phú và Y truyền đạo thiên chúa ở nước Đại Nam, ai muốn theo cũng cho, ai không theo cũng không bắt buộc.

- Về 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và 1 xứ đảo Côn Lôn giao cho nước Phú quản hạt. Như người buôn bán của nước Phú chạy tàu, thuyền lớn nhỏ từ biển khơi đến các sông lớn, sông nhỏ đi sang các xứ nước Cao Miên buôn bán, đều được tùy tiện. Nếu tàu nhà binh của nước Phú do tự ngoài khơi ấy đi vào các sông xem xét cũng cho tùy tiện.

- Từ sau khi nghị hòa, nếu có nước khác muốn đến nước Nam gây sự, hoặc muốn cắt đất giảng hòa, nên báo tin cho nước Phú tính bàn, tùy nghi cùng giúp đỡ. Về trong khoản giảng hòa với nước khác mà có sự cắt đất, nếu nước Phú bằng lòng làm thì làm, không bằng lòng thì bất tất làm.

- Người buôn ở 2 nước Phú, Y đến buôn bán ở 3 cửa biển Đà-Nẵng, Ba-Lạt, Quảng-Yên, đều nên đây đó cùng yên, cho được tùy tiện, về thuế lệ của nước Nam phải chiểu lệ mà giao nộp. Nếu người buôn của nước Nam có muốn đi sang buôn bán ở 2 nước Phú, Y, cũng được đây đó cùng yên, đều cho tùy tiện, y theo thuế lệ của 2 nước ấy mà nộp. Nếu người nước khác đến buôn ở nước Nam, thì các quan nước Nam không được tư vị giúp đỡ hơn là 2 nước Phú, Y. Nếu có sự ích lợi buôn bán gì thi hành cho nước khác, thì cũng thi hành cho cả một loạt cho 2 nước Phú, Y.

- Nếu có việc công khẩn yếu mà cần phải hội đồng bàn bạc để làm thì đều phái ra viên khâm sai đại thần, hoặc họp ở kinh đô nước Nam, hoặc họp ở kinh thành 2 nước [Phú và Y] để bàn mới được. Nếu không phải là nhân việc công mà 3 nước sai sứ đến hỏi thăm nhau cũng được. Nhưng tàu của 2 nước Phú, Y đến cửa biển Đà Nẵng thì cho tàu dừng đậu, viên khâm sứ phải do đường bộ tiến vào Kinh.

- Sau khi đã hòa ước rồi, thì những điều thù oán cũ đều vất bỏ đi hết. Phàm quân dân người nào bị nước Phú bắt giam đều tha cho vệ Tài sản của trăm họ cũng đều trả lại cả. Những người nước Nam có đi làm việc cho người nước Phú nước Nam cũng nên đặc ân tha cho họ và không bắt tội đến thân thuộc họ.

- Bồi lại số bạc chi phí về quân nhu cho 2 nước Phú, Y là 400 vạn đồng, chia trả làm 10 năm cho đủ, mỗi năm giao cho viên đại thần nước Phú đóng ở Gia Định 40 vạn đồng chứa giữ. Nay đã nhận được 10 vạn quan tiền kẽm, đợ sau giao bạc sẽ khấu trừ đi, mỗi đồng bạc nặng là 7 đồng cân 2 phân.

- Nước Nam như có những giặc cướp, giặc biển, những kẻ làm loạn, quấy rối ở địa phương thuộc về nước Phú mà trốn về địa phương nước Nam, hay tù phạm giặc cướp của nước Phú trốn sang địa phương nước Nam, thì quan nước Phú lập tức tư cho quan địa phương nước Nam ở nơi tên can phạm ẩn trốn ấy bắt giải giao cho địa phương nước Phú tri tội. Nếu có bọn cướp giặc, bọn can phạm của nước Nam trốn ở địa phương thuộc về nước Phú, thì quan nước Nam cũng tư cho quan nước Phú biết, bắt bọn tội phạm ấy giao cho quan địa phương nước Nam trị tội.

-Từ sau nghị hòa rồi, phàm nhân dân ở 3 tỉnh Vĩnh-Long, An-Giang, Hà-Tiên đi lại buôn bán ở địa phương thuộc về nước Phú, về thuế lệ của nước Phú đã theo lệ nộp rồi, thì đều được tùy tiện. Nếu nhân có việc công hoặc các việc quân lính, lương thực, súng đạn, khí giới mọi vật, muốn qua lại cửa biển Tiểu ở Định-Tường thuộc về đất của nước Phú, thì Phú-lãng-sa cũng chuẩn cho đi.- Nhưng tất phải trước 10 hôm quan nước Nam phải tư báo cho quan nước Phú biết trước để cấp phiếu cho đi. Nếu không báo trước, lại không có giấy chứng thực của quan nước Phú mà tự tiện đi lại riêng lén, quan nước Phu xét biết, nhất định đem thuyền ấy phá tan và quân lính đều bắt giữ trị tội.

- Tỉnh Vĩnh-Long hiện đã về phần sở hữu của nước Phú, nay tạm làm nơi đóng quân. Nhưng quan quân nước Phú tuy đóng ở Vĩnh-Long, nhưng phàm việc nào thuộc về nước Nam, do quan nước Nam xử lý, thì quan binh nước Phú không chen vào kiêm làm, cùng là các việc cấm răn cũng vậy. Duy nước Nam hiện còn có các quan vâng mệnh dò thám riêng, để thừa cơ tiến đánh vẫn ẩn nấp ở 2 tỉnh Gia-Định, Định-Tường. Hiện nay đã cho nghĩ việc binh, lại lập hòa ước, thì nước Nam tất phải cho gọi những bọn quan viên ấy về, để cho nhân dân địa phương ấy đều được bình an, thì nước Phú lập tức đem tỉnh Vĩnh-Long giao trả về nước Nam cai quản.

- Phàm sau khi chương trình hòa ước đã lập rồi, quan đại thần 3 nước ký tên đóng dấu tâu lên. Tính tự ngày ký tên đóng dấu là bắt đầu, hạn trong một năm thì vua 3 nước coi xem phê chuẩn, rồi giao cho nhau ở tại kinh thành nước Nam để lưu chiểu>>. (Đại Nam Thực Lục Chánh Biên - Quyển XXVI; bản dịch đã dẫn; trang 302, 303, 304,305).

*
V/ Tại sao phải đưa ra 3 bản định ước năm Nhâm Tuất (1862) khác nhau từ 3 nguồn thư tịch khác nhau?

Chương 16

Tại sao phải đưa ra 3 bản định ước năm Nhâm Tuất (1862) từ 3 nguồn thư tịch khác nhau?

Thực ra thì phải nói là có 5 bản định ước năm Nhâm Tuất (1862) mới hợp lý bởi vì ở đây còn thiếu 2 bản định ước chính gốc: một do chính quyền nước Pháp lưu giữ và một do chính quyền Đại Nam lưu giữ. Hai bản gốc nầy có thể được viết bằng 2 loại chữ viết Pháp-Hán và bản văn chữ Hán có thể đã được đưa vào ĐNTLCB. Cũng có thể là định ước nầy chỉ được viết bằng Pháp ngữ và 12 khoản kê ra trong ĐNTLCB chỉ là phần dịch thuật từ bản văn chữ Pháp hoặc là đã được viết lại trong ĐNTLCB theo lời báo cáo hay phúc trình của phái đoàn nghị ước Phan Thanh Giản - Lâm Duy Hiệp.

Bản văn của tác giả Lê Thanh Cảnh kê khai 12 điều khoản của định ước năm Nhâm Tuất có thể đã phỏng theo những kê khai trong ĐNTLCB viết bằng chữ Hán để viết lại bằng chữ Pháp đăng lên tập chí Đô Thành Hiếu Cổ Tập San vào năm 1937. NQS dùng chữ Kê Khai bởi vì trong ĐNTLCB không có đánh số rõ ràng từ điều khoản số 1 đến điều khoản số 12 nhưng trong bản văn bằng chữ Pháp của tác giả người Việt Nam Lê Thanh Cảnh lại có đánh số từng điều khoản, từ số 1 đế số 12. Hoặc là tác giả Lê Thanh Cảnh đã dựa vào một bản định ước bằng chữ Hán mà trong đó có đánh số những điều khoản từ số 1 đến số 12?

Vào thời điểm năm 1937 tức là vào lúc Lê Thanh Cảnh viết một loạt bài bằng tiếng Pháp đăng trên Đô Thành Hiếu Cổ Tập San thì những người Pháp chính gốc và những người Việt Nam theo Tây học như Lê Thanh Cảnh nhất định là đã có thể đọc được bản định ước năm Nhâm Tuất với bản văn chữ Pháp đã có từ năm 1862 chứ không phải đợi cho đến khi có những bài viết bằng Pháp văn của tác giả Lê Thanh Cảnh thì họ mới biết được nội dung của 12 điều khoản trong định ước đó.

Câu hỏi đặt ra: chắc gì những người Pháp hoặc những người Việt Nam như Lê Thanh Cảnh có thể tìm ra được bản gốc hay bản sao y chính bản định ước năm Nhâm Tuất?

Xin thưa: bản sao của định ước năm Nhâm Tuất (1862) bằng chữ Pháp đã được tác giả Alfred Schreiner sao y trong sách Abrégée de l'Histoire d'Annam: sách nầy được xuất bản tại Sài Gòn vào năm 1906, nhà xuất bản Chez l' Auteur: 37, rue de Bankok, Saigon. Không lý một người ghi chép các sự kiện lịch sử như Lê Thanh Cảnh lại không biết có một bản sao y định ước đó để rồi lại đi làm một việc dư thừa hay sao!

Câu hỏi lại đặt ra: chắc gì bản sao y định ước năm Nhâm Tuất (1862) trong sách của A.Schreiner là bản nguyên thủy bằng Pháp văn ? Điều nầy thì xin nhờ những đọc giả đang ở Pháp hoặc các đọc giả Việt Nam, ở khắp nơi trong và ngoài nước truy cứu thêm.

Nhưng tại sao lại chỉ căn cứ vào bản sao y của A. Schreiner mà không dựa vào các thư tịch của những tác giả người Pháp khác, cùng một thời với Bonard, cũng có ghi chép về định ước năm Nhâm Tuất (1862) hoặc có viết về Phan Thanh Giản chẳng hạn như Paulin Vial, La Grandière, E. Luro., A.Dalvaux, Palanca Gutierrez, Aubaret . . .? Bởi vì những tác giả người Pháp, Y Pha Nho nầy đều có liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp vào chiến cuộc giữa nước Đại Nam và đoàn quân xâm lược Pháp-Y Pha Nho và do đó tính cách khách quan và trung thực trong khi họ viết lách có thể thiên vị hoặc bóp méo theo thói thường "Phủ bênh Phủ, Huyện bênh Huyện". Nhưng chắc gì A. Schreiner không thiên vị và khách quan? Đúng! Tuy nhiên bản sao định ước năm Nhâm Tuất (1862) do A.Schreiner sao chép lại thì có thể tạm tin được bởi vì chính một tác giả người Pháp khác H.Cossérat vào năm 1933 trong một bài viết đăng trên Đô Thành Hiếu Cổ Tập San/Bulletin des Amis du Vieux Hué (viết tắt BAVH: Những Người Bạn Thân của Cố đô Huế) ) có tựa đề là La Citadelle de Huế- Cartographie có dẫn chiếu điều thứ 12 của bản định ước Nhâm Tuất (1862) và điều thứ 12 nầy trong bài viết của Cossérat cũng giống như điều 12 chép ra trong sách của A.Schreiner.

(ĐTHCTS-BAVH-1933; trang 40; chú giải 2: "(2) C’est l’article 12 du traité qui imposait cette condition.
Voici cet article :
Traité de paix conclu entre Sa Majesté l’Empereur des Français et le Roi d’Annam.
Art. 12.— Ce traité étant conclu entre les trois nations, et les ministres plénipotentiaires desdites trois nations l’ayant signé et revêtu de leurs sceaux, ils en rendront compte chacun à leur Souverain, et à partir d’aujourd’hui, jour de la signature, dans l’intervalle d’un an, les trois Souverains ayant examiné et ratifié ledit traité, l’échange des ratifications aura lieu dans la Capitale du Royaume d’Annam. En foi de quoi les Plénipotentiaires respectifs susnommés ont signé le présent traité et y ont apposé leurs cachets.

A Saigon, l’an mil huit cent soixante-deux, le 5 juin, Tu-Ðuc quinzième année, cinquième mois, neuvième jour.
Signé : Bonard, Carlos Palanca Guttierrez, Phan-Tanh-Gian et Lam-
Gien-Thiêp").

*Lưu ý: tên của 2 sứ thần Đại Nam được viết là Phan-Tanh-Gian và Lam-Gien-Thiep).
*
Tất cả những nghi vấn nêu ra ở phần trên để cho thấy rằng:

-Người ta không thể chỉ riêng căn cứ vào một nguồn thư tịch duy nhất nào để đánh giá hoặc suy diễn một sự kiện hay một nhân vật lịch sử thuộc một giai đoạn trong quá khứ nhất là nguồn thư tịch do chính quyền trong giai đoạn đó ấn hành.

-Trong việc ký kết định ước năm Nhâm Tuất (1862), nếu định ước nầy chỉ được viết bằng Pháp ngữ thì liệu rằng đoàn sứ Phan Thanh Giản - Lâm Duy Hiệp có hiểu rõ nội dung của 12 điều khoản trước khi đặt bút ký tên và đóng dấu hay không? Phan Thanh Giản có bị lầm lẫn vì ngôn ngữ bất đồng hay không?

-Nếu có một bản định ước bằng chữ Hán, có cùng một hình thức với bản văn chữ Pháp, nhưng phần nội dung thì những người phụ trách viết bản văn chữ Hán nầy có phản ảnh đúng ý nghĩa với nội dung của bản văn chữ Pháp không? Hay là đã xảy ra tình trạng "ông nói gà, bà nói vịt" qua trung gian của những thông ngôn và thông dịch viên bất đắc dĩ và không có khả năng.

Cũng cần lưu ý rằng, để chuẩn bị cho việc giao dịch với liên quân xâm lược Pháp-Y Pha Nho, vào tháng Giêng năm Nhâm Tuất (1862), Tự Đức đã ra lệnh tuyển duyệt để trưng dụng những người am hiểu chữ Tây và tiếng Tây. Tỉnh thần Nghệ An và tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng đem một người tên là Nguyễn Trọng, (người gốc Nghệ An, nguyên theo sang Tây, nói rằng chữ nước ấy có 27 chữ cái, nhân đó gia thêm vào mới thành chữ khác), và Nguyễn Văn Thự (dân đi đạo bị giam tù ở Lạng Sơn) tâu lên. Vua sai đưa về bộ sát hạch (ĐTLCB; đã dẫn; q.XXVI; trang 281). Nếu chỉ căn cứ trên những khả năng như thế để tuyển chọn 2 người nầy làm thông ngôn và thông dịch cho một cuộc đàm phán quan trọng có ảnh hưởng đến việc sống còn của đất nước Đại Nam thì rõ ràng là Tự Đức và triều đình Huế đã làm một việc tắc trách đáng bị hậu thế phê phán. Phải chăng sử quán triều Nguyễn đã đưa ra hai người thông ngôn nầy để dọn đường đổ tội cho người khác làm mất đất đai của Đại Vương Quốc Việt Nam (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa) chứ không phải là do lỗi của Tự Đức hay do lỗi của những đại thần thủ cựu chậm tiến trong Cơ Mật Viện ở Huế cận kề ngày đêm vây quanh Tự Đức để ngồi mát ăn bát vàng, chỉ biết đối phó với quân xâm lăng bằng miệng và lệnh truyền? Có một con vật tế thần trong vụ ký kết hoà ước năm Nhâm Tuất để che lắp khả năng yếu kém cai trị của Tự Đức về mặt đối ngoại cũng như để che đậy lòng yêu thương giả dối của Tự Đức đối với tổ quốc và nhân dân Đại Nam. Con vật tế thần đó là ông Phan Thanh Giản.

Chương 17

III/ CHÍNH SÁCH NGOẠI GIAO CỬA SAU CỦA TỰ ĐỨC VÀ TRIỀU ĐÌNH HUẾ


Sau khi đánh chiếm tỉnh thành Bà Rịa, Bonard đã cho khởi công xây cất một hải đăng tại Vũng Tàu vào ngày 25 tháng 3 d.l năm 1862 và khánh thành vào ngày 15 tháng 8 d.l năm 1862 trên một ngọn núi cao 147 mét và rọi ra ngoài biển với một tầm xa 33 hải lý.

Cũng vào những tháng dương lịch đầu năm 1862, các trạm bưu điện và các đường dây điện thoại đã được người Pháp thiết đặt để nối liền Sài Gòn - Chợ Lớn rồi kế tiếp nối liền Sài Gòn - Chợ Lớn với Biên Hòa, Bà Rịa, Vũng Tàu.

Đầu năm dương lịch 1863, đã có 9 trạm vô tuyến viễn thông và một mạng lưới đường dây điện thoại dài tổng cộng 300 cây số ngàn nối liền trung tâm bưu điện đặt trước dinh tạm của thống đốc Pháp với các nơi. Dinh tạm nầy Palais provisoire du gouverneur là một căn nhà rộng lớn được tạm thời cất bằng cây, sườn nóc nhà được đưa từ Singapor sang, nền nhà nằm trên thửa đất xây cất trường Tabert trên đường Nguyễn Du ngày nay, mặt tiền quay về hướng cột cờ Thủ Ngữ trên bờ sông Sài Gòn.

Trung tâm bưu điện còn có nhiệm vụ báo hiệu giờ giấc hằng ngày cho dân chúng vùng Sài Gòn và do đó kể từ 1 tháng 8 d.l năm 1862, vào mỗi buổi trưa đúng Ngọ - 12 giờ trưa - tàu chiến Duperré trên sông Sài Gòn cho nổ một phát thuốc súng đại bác để báo hiệu. Lệ nổ súng nầy về sau được chính quyền Pháp ở Sài Gòn thay đổi cho nổ súng mỗi ngày 3 lần sáng, trưa, chiều và 2 khẩu đại pháo được đặt trên bờ sông Sài Gòn, cuối đường Hai Bà Trưng, gần bến phà Thủ Thiêm ngày nay, nòng súng quay về hướng Thủ Thiêm, đạn chỉ có thuốc nổ không có đầu đạn và do bộ tư lệnh hải quân của Pháp giữ nhiệm vụ bắn pháo hiệu nầy mỗi ngày.

Bonard cũng ra lệnh cho xây rộng thêm các bệnh viện, các trại binh, trại sĩ quan, xây cất một nhà thờ (trong vuông rào của bệnh viện Đồn Đất - Hôpital Grall ngày nay) và một nhà in của chính quyền Pháp. Một đồ án chỉnh trang thành phố Sài Gòn cũng được Bonard giao cho đại tá công binh Coffyn thực hiện và thiết kế. Đồ án được làm xong vào ngày 13 tháng 5 dl năm 1862. Một đèn rọi biển (hải đăng) cũng được Bonard đề nghị đặt trên đảo Côn Sơn vì Bonard cho rằng Côn Sơn là đồn canh phòng vùng đất Gia Định của Nam Kỳ. Cuối tháng 3d.l năm 1862, một số 50 tù nhân hình sự được đưa ra giam nhốt trên đảo Côn Sơn và những đợt tiếp theo là các tù binh chiến tranh và những người kháng chiến chống Pháp, cũng được đưa ra giam nhốt chung trên đảo nầy.

Chương trình giáo dục dạy Việt ngữ và Pháp ngữ cũng được Bonard khởi xướng. Một trường huấn luyện thông dịch viên cấp tốc ngắn hạn dành cho người Âu châu được thiết lập do giáo sĩ người Pháp tên là Croc làm hiệu trưởng và một giáo sĩ gia tô người địa phương tên là Thọ làm phó hiệu trưởng. Trường nầy không tạo được kết quả mong muốn bởi vì những học viên là thành phần trong quân đội Pháp và họ không muốn học Việt ngữ do đó những người thông dịch viên chính thức đầu tiên của Pháp là những người thông dịch viên Âu châu kém trình độ, không đủ khả năng thi hành chức vụ thông dịch.

Để đáp ứng nhu cầu cấp thiết về mặt thông ngôn và thông dịch, một sắc lệnh được người Pháp ban hành ngày 1 tháng 12 dl năm 1861 tổ chức cuộc thi tuyển một đội ngũ những người địa phương có học và những người thông ngôn: hai hạng người nầy chỉ cần có một số vốn tiếng La tinh thông dụng là được tuyển chọn.

Trường học Pháp d' Adran được thành lập ngày 15 tháng 1 dl năm 1862, khởi đầu nhận 30 học sinh nam có tiền trợ cấp rồi tăng lên 70 học sinh. Trường học sinh nữ Sainte-Enfance thành lập ngày 30 tháng 1 dl năm 1862 và nhận 100 học sinh. Tất cả các học sinh nam, nữ của 2 trường là con em của những người đã hợp tác hoặc có công trạng với đội quân viễn chinh của Pháp và được đào tạo để trở thành những nhân viên có khả năng làm việc trong tương lai cho chính quyền xâm lược Pháp.

Kể từ ngày 20 tháng 1 dl năm 1861, người Pháp đã cho phép đấu giá lập xưởng nấu thuốc á phiện (opium) với giá 91,000$ tiền Đại Nam ngang với 500,000 quan tiền Pháp, thu lợi hơn 2 triệu quan và tạo ra một tầng lớp đông đảo người địa phươnĐây là một chủ trương tệ lậu và độc hại nhất trong chính sách thuộc địa "khai phóng" mà kẻ xâm lược từ phương Tây đã đưa tới cho dân tộc Việt Nam kể từ khởi thủy cuộc xâm lăng chiếm đất của họ. Chính ngay cả người Pháp cũng phải nhận rằng đây là một tội ác về cả mặt kinh tế và xã hội : "Un autre vice, économique et social celui-là, fut consacré en ce temps nous avons nommé l'opium" tạm dịch: "một loại tội ác khác trên bình diện Kinh Tế và Xã hội đã được thánh hóa vào thời đó (tức là vào thời Bonard), chúng ta (tức người Pháp) đã công nhận á phiện" (A. Schreiner đã dẫn, trang 239-240).

Ảnh hưởng độc hại của á phiện kéo dài suốt thời Pháp thuộc, tạo ra một tầng lớp xã hội đen bao gồm thành phần buôn lậu thuốc phiện và thành phần nghiện ngập chuyên lo hút sách cờ bạc ăn chơi làm băng hoại xã hội. Có rất nhiều người vì nghiện á phiện mà phải tán gia bại sản đi ăn mày ăn xin để lấy tiền đi vào tiệm hút! Giá buôn bán á phiện ngang ngửa với giá buôn bán vàng bạc kim cương. Thành phàn nghèo khó nghiện ngập không đủ tiền vào tiệm hút rất dễ sa ngã đi vào các con đường tội lỗi hình sự như trộm cấp, mãi dâm, giựt cướp. Trên đường phố Sài Gòn ngày xưa, trước ngày Pháp rời khỏi miền Nam một cách vĩnh viễn, trên các lòng lề đường xuất hiện một kiểu mua bán mới: mua bán vẻ rách lau chùi bàn đèn hút thuốc phiện.

Thành phần tiêu dùng vẻ rách là những dân ghiền nghèo xơ nghèo xác không đủ tiền vào tiệm hút để lên mây về gió và vì thế khi bị cơn ghiền hành hạ, họ chỉ có đủ một ít tiền ra lề đường mua vẻ rách để gặm nhắm cho đỡ cơn đau đớn hành hạ. Loại vẻ rách nầy giống như mấy miếng vãi lau xe dính dầu nhớt bụi bặm lâu ngày không được giặt giũ do mấy chú Ba người Hoa chủ tiệm hút á phiện tung ra thị trường bán cho dân ghiền không đủ tiền hút sái nhứt, sái nhì (tức là thuốc phiện nguyên chất hạng nhất, hạng nhì). Vẻ rách cũng không phải rẻ bởi vì miến vẻ đó đã dược dùng để luồn vào óng điếu hút thuốc phiện để lau chùi nhựa khói lâu ngày khắng dính trong đó làm nghẹt ống hút. Nếu nhựa dính dầy quá đã thành nhựa dẻo thì phải nạo nhựa ra rồi viên lại thành viên nhỏ như hạt tiêu sọ để bán sái nhì rồi sau đó mới luồn vải để lau cho sạch ống điếu và miếng vải nầy được dùng để lau tới lau lui cho đến khi nó ra màu nâu đậm thì đem ra bán cho dân nghèo nghiện hút trên các lề đường. Miếng vải lau nhựa khói thuốc á phiện được người bán xếp gói cất rất cẩn thận để khỏi bay hết mùi . Khi có dân ghiền tới hỏi mua thì mới mở gói ra lấy miếng vải rồi cắt một miếng nhỏ hình chữ nhựt khoảng 6mm x 3mm giao cho người mua. Nơi bán có sẵn bình trà nóng miễn phí, người mua rót nước trà nóng vào tách rồi bỏ miếng vải nhỏ vào, đợi chừng một phút cho chất nhựa khói màu nâu từ miếng vải hòa tan vào nước rồi mới bưng lên uống từng ngụm nhỏ thật chậm, mắt lim dim, người đờ đẫn như đang sai thuốc. Khi tách nước ghiền đã cạn, miếng vải nhỏ lại được người ghiền đưa vào miệng nhay ngấu nghiến để chắc mót cho hết chất nhựa còn sót lại trong miếng vải nhỏ. Có những dân ghiền còn nhỏ tuổi táo bạo hơn thì dùng một cái muỗm lớn để nấu miếng vải nhựa trên một cây đèn cầy rồi hút vào ống tiêm thuốc, tự mình mằn mò tìm gân máu trên tay, trên chân mình để chích. Thảm nạn chết chóc vì chích nhựa khói á phiện được báo chí hồi đó đăng tải thường xuyên.
*
Vào tháng 7 và tháng 8 dl năm 1861, chính quyền xâm lược Pháp cho mở các sòng đánh bạc. Tháng 4 và tháng 7 dl 1862 người Pháp cho phép mở hảng nấu cất rượu mùi. Nhưng sau đó cho phép đóng thuế môn bài để tư nhân tự do nấu cất rượu khiến tình trạng rượu lậu thuế lan tràn khắp nơi.

Tháng 3 dl năm 1861, Charner ra lệnh thành lập 4 trung đội lính tập người địa phương. Tháng 2 dl năm 1862, Bonard nâng số lính tập dịa phương lên đến 3 tiểu đoàn, để phối trí cho các tỉnh do quân Pháp chiếm đóng, mỗi tỉnh một tiểu đoàn. Các tiểu đoàn lính tập nầy cũng có nhiệm vụ giống như các đơn vị binh lính chính quy của đoàn quân xâm lược Pháp. Đội kỵ binh Nam Kỳ được thành lập ngày 7 tháng 2 dl năm 1862. Đội binh tình nguyện (partisans) được thành lập ngày 19 tháng 2 dl năm 1862.
*
Nhâm Tuất, Tự Đức thứ 15 tháng 7 âl (1862), một giám mục đạo gia tô của nước Y Pha Nho tên là Lặc Đức cùng với 3 giáo sĩ khác xin triều đình được tự do truyền giáo từ Hà Tĩnh, Nghệ An vào Nam vì họ có giấy phép của Bonard cấp. Triều đình không cho phép vì hòa ước chưa được hai bên triều đình Pháp và triều đình Đại Nam phê chuẩn.

Lợi dụng thời gian hòa ước chưa được phê chuẩn, triều đình bàn định cử thủy sư đô đốc Võ Phẩm làm khâm sai chính sứ, Trần đình Túc làm chức phó sứ, Đỗ Hệ, Hồ Quang làm làm bồi sứ sang gặp vua nước Pháp để biện bạch về việc Bonard bắt ép Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp nhượng đất nhưng việc ấy rồi bỏ lơ. (VSTKCGKL; V; trang 1485)

Chương 18

Lý do của việc bỏ lơ nầy sử sách của triều Nguyễn không nói rõ. Phải chăng triều đình Huế không phải chỉ có bàn định mà thực ra đã cử người thay thế hai ông Giản và ông Hiệp trong việc kỳ kèo ngoại giao với người Pháp nhưng người Pháp ở Sài Gòn không chấp nhận nói chuyện với những ông sứ thần mới của Tự Đức gởi vào Sài Gòn và để khỏi xấu hổ với hậu thế chính sử nhà Nguyễn phải cong queo viết rằng việc ấy rồi bỏ lơ đi?

Trên thực tế, nếu quả thực sứ đoàn mới của Tự Đức được đề cử nhằm mục đích sang gặp hoàng đế Napoléon III của nước Pháp để thưa gởi, khiếu nại về việc Bonard bắt ép 2 ông Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp nhượng đất thì lại càng chứng tỏ cho thấy tính cách ấu trĩ, dốt nát bộc phát, lúng túng trong chính sách đối ngoại của đám triều thần tung hê ở Huế kể cả ông hoàng đế Tự Đức sáng chói thi văn tao đàn và đầy đạo đức Khổng, Mạnh: qua mặt Bonard bằng cách tự động dùng mấy chiếc tàu ọp ẹp từ thời Gia Long để chở đoàn sứ Đại Nam lần mò vượt đại dương sang Pháp? Cách nầy thì vượt quá khả năng của chính quyền Tự Đức vào lúc đó. Hay là chỉ còn một cách là cứ gởi đoàn sứ vào Sài Gòn nói thẳng với Bonard rằng ông ta phải cung cấp tàu biển và thủy thủ chở đoàn sứ Đại Nam sang Pháp gặp thượng cấp của ông ta là hoàng đế Napoléon III để tố cáo về những việc làm sai quấy của ông ta trên đất nước Đại Nam? Hỏi như thế tức là đã trả lời và kiểu cách ghi chép của sử sách nhà Nguyễn "nhưng việc ấy rồi bỏ lơ " là một sự luồn lách lường gạt, khinh thường hậu thế!


*


Từ khi hòa ước được hai bên ký kết, Tự Đức truyền lệnh cho kháng chiến cùng với quan binh ở Nam Kỳ nghỉ binh và đòi Trương Định về Phú Yên. Kháng chiến quân ở 3 tỉnh Gia Định, Định Tường, Biên Hòa không chịu cầu hòa với quân Pháp, tôn Trương Định làm Đại đầu mục để cầm đầu quân kháng chiến tiếp tục đánh. Triều đình phải cử Phan Thanh Giản đi hiểu dụ, Trương Định vẫn không chịu về Phú Yên, vì vậy bị triều đình cách chức hàm.

Nguyễn Tri Phương từ Bình Thuận theo lệnh của Tự Đức về chầu triều và được Tự Đức hỏi ý kiến về cách làm việc của Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp. Nguyễn Tri Phương nhận định như sau:

-Thanh Giản và Duy Hiệp phải làm theo lệnh vua nhưng lòng người dân ở Nam Kỳ không chịu khuất phục quân Pháp cho nên vẫn tiếp tục chiến đấu, không theo lệnh ngừng chiến của nhà vua và ngay cả cá nhân của Nguyễn Tri Phương cũng không đủ sức dập tắt.

-Theo ý Giản và Hiệp thì sau khi việc nghị hòa được 2 bên phê chuẩn thì đất nước sẽ lại được phú cường như trước nhưng theo ý của Nguyễn Tri Phương thì không thể trông mong vào kết quả của hòa ước vì đến lúc đó tài lực nhân lực của đất nước đã bị tiêu hao mất rồi thì làm sao mà giàu mạnh được?

-Nguyễn Tri Phương cho rằng những ý kiến của mình không phù hợp với ý kiến của Thanh Giản và Duy Hiệp cho nên không thể nói ra cho họ biết mặc dù Nguyễn Tri Phương vẫn luôn luôn để tâm lo âu làm sao cho nên việc nước mà thôi.

Trong khi chờ đợi kết quả công tác thương lượng của Phan Thanh Giản trong Nam Kỳ, Tự Đức chỉ thị Nguyễn Tri Phương cùng với Đoàn Thọ và Trần Tiễn Thành cùng nhau hợp bàn, chuẩn bị để phối hợp cùng với Phan Thanh Giản tìm những phương cách phù hợp với tình thế mà đối phó.

Tháng 8 âl, Tự Đức 15 (1862), người Pháp khởi công xây cất nhà sứ của họ trên bờ hữu ngạn sông Hương. (Lê Thanh Cảnh, bài viết trong ĐTHCTS-BAVH đã dẫn, trang 389).

Tháng 8 âl nhuận (1862), tỉnh Tuyên Quang có hơn 10,000 giặc thổ phỉ do 2 đầu đảng tên là Huân (Uẩn) và Nông Hùng Thạch chỉ huy quấy phá: bố chánh Nguyễn Tất Tố và án sát Nguyễn văn Tố nộp thành cho giặc rồi bỏ chạy trốn sau đó cả hai đều bị quan binh triều đình xử tội chết, dựng bia nơi mã để là gương. Tỉnh Cao Bằng thì có thổ phỉ người hoa Lý Hợp Thắng vây đánh; tỉnh Bắc Ninh thì có cai tổng Vàng cướp phá khiến cho triều đình phải lo ngại. Tự Đức và đình thần mật bàn chọn người bổ nhiệm làm tướng ở quân thứ Tây Bắc. Đình thần đề cử Nguyễn Tri Phương, Trương Đăng Quế đề cử Trần Tiễn Thành. Khi được hỏi ý kiến, Nguyễn Tri Phương và Trần Tiễn Thành đều thoái thác không nhận với lý do là không biết được được lòng dân và tình thế ở Bắc Kỳ. Tự Đức quyết định cử Nguyễn Tri Phương sung làm Tây Bắc tổng thống quân vụ đại thần, Phan Đình Tuyển giữ chức Tán lý, Tôn Thất Tuệ sung làm Đề đốc, Phạm Hán và Hoàng Mân giữ chức Đốc binh quân thứ Tây Bắc (Bắc Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang)

Tháng 8 âl nhuận, Tự Đức 15 (1862), một đầu mục kháng chiến ở An Giang là tú tài Trịnh Quang Nghi đã bắt giết 44 tín đồ theo đạo Gia tô vì họ không chịu chối bỏ đạo. Phan Thanh Giản tấu trình xin bắt tội Quang Nghi nhưng Tự Đức không nghe theo lời tấu của Phan Thanh Giản.

Phan Thanh Giản lại đề nghị cách chức Tri huyện của một đầu mục kháng chiến khác ở Vĩnh Long là cử nhân Đoàn Tiến Thiện vì thấy rằng Thiện kháng chiến chỉ để được hưởng lương tiền của triều đình. Tự Đức cũng không nghe theo đề nghị của Phan Thanh Giản.

Ngày trước nước Xa Lý Ti (nay thuộc đất Vân Nam của Trung Quốc) đánh nhau với nước Nam Chưởng. Quốc trưởng nước ấy là Thiệu Bằng Xà chạy đem theo hơn 100 dân đinh sang xin trú ngụ ở Điện Biên (thuộc tỉnh Hưng Hóa của Đại Nam). Sau khi thôi đánh nhau, dân chúng nước ấy xin rước Xà về. Tự Đức lệnh cho tỉnh thần nên vỗ yên mà cho về.

Trước đây, quân Xiêm yểm trợ đưa Norodom đệ I về làm vua nước Cao Miên rồi đặt quan cai trị người Xiêm ở U đông để bảo hộ nước nầy. Sau khi hòa ước năm Nhâm Tuất (1862), được ký kết, vào khoảng tháng 9 d.l năm 1862 Bonard đã sang U đông gặp chính quyền bảo hộ người Xiêm cùng với vua Norodom. Người Xiêm thì muốn liên kết với Pháp để chống lại Đại Nam, vua Norodom thì muốn dựa vào Pháp để thoát ảnh hưởng của Xiêm và ảnh hưởng của Đại Nam vì thế Bonard được tiếp đón trọng thể nhưng chưa có một sự ký kết nào giữa Bonard và các chức quyền của Cao Miên.

Ở mặt Hải Dương và Quảng Yên, Trương Quốc Dụng và Đào Trí hành quân giải vây thành Hải Dương

Tháng 9 âl, Tự Đức 15 (1862), chấp thuận cho Trương Đăng Quế thôi coi việc bộ Binh.

Bonard thông báo cho triều đình được biết là hoàng đế nước Pháp cũng như nữ hoàng Y Pha Nho đã ký chuẩn phê hòa ước năm Nhâm Tuất và hẹn đến tháng 11 sẽ sai sứ giả đến kinh đô Huế để 2 phía trao đổi cho nhau. Triều đình lại lấy cớ rằng người Pháp không thi hành đúng thời hạn một năm thủ tục phê chuẩn cho nên lại sai Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp vào Sài Gòn bàn thảo thêm, yêu cầu người Pháp kéo dài thời hạn phê chuẩn đồng thời tìm cách sửa đổi điều khoản nhượng đất. Pháp không chịu dời thời hạn vì họ cho rằng "lời lẽ hạn trong một năm được ghi trong hòa ước không nhất thiết là phải đầy đủ một năm. Còn nghi lễ tiến lui triều yết, thì đợi gần đến kỳ sẽ nghĩ định trả lời sau". (ĐNTLCB, quyển XXVII đã dẫn, trang 344).

Tháng 10 âl, Tự Đức 15 (1862), Tạ Quang Cự mất, tuổi hơn 90, được truy tặng hàm Thái bảo, cho tên thụy là Trung Khắc.

Người Pháp dụ Trương Định ngưng chiến quy hàng nhưng Định không thuận. Phan Thanh Giản lại xin Tự Đức ban sắc chỉ để dụ Định. Tự Đức cho rằng phong trào kháng chiến tiếp tục của Trương Định có lợi cho mưu tính lấy lại đất cho triều đình vì thế không nghe theo lời xin của Phan Thanh Giản.


*


"Le 12 Décembre (1862) une dépêche de Huế datée de 2 Novembre 1862 (khoảng tháng 10 âm lịch) permit enfin de voir clair dans la politique annamite. Cette dépêche avait été apportée par un mandarin du rang inférieur, qui repartit précipitement sans attendre la réponse. La cour demandait la restitution des trois provinces." (A. Schreiner đã dẫn, trang 249).

tạm dịch:

"Ngày 12 tháng 12 một khẩn thư của triều đình Huế đề ngày 12 tháng 11 năm 1862 giúp cho thấy rõ chính sách của phía người An Nam. Lá khẩn thư nầy do một quan lại cấp thấp mang đi và trở về (Huế) một cách hộc tốc mà không cần chờ có thư hồi đáp. Triều đình yêu cầu hồi phục 3 tỉnh".

Theo như lời lẽ của tác giả A. Schreiner thì lá thư khẩn cấp nầy do một viên quan cấp nhỏ của triều đình Huế chạy tờ mang đi để trao tận tay cho người nhận. Vậy người nhận là Phan Thanh Giản? Là Trương Định? Hay phía người Pháp?

A.Schreiner không cho biết lá khẩn thư đó trao cho ai nhưng nhờ đâu mà A. Schreiner biết được nội dung của lá thư là yêu cầu hồi phục 3 tỉnh đã mất vào tay người khác. Tác giả dùng chữ demandait có nghĩa là yêu cầu. Nhất định là Tự Đức không yêu cầu Phan Thanh Giản mà chỉ cần ra lệnh.

Trong lúc nầy thì Trương định "cứng đầu" thề không đội trời chung với quân xâm lược Pháp cho nên, không nghe lệnh của triều đình Huế, muốn đơn phương chống Pháp cho nên dù Phan Thanh Giản thay mặt triều đình có yêu cầu Trương Định ngừng bắn thì Trương Định vẫn xem thường lời yêu cầu của ông Giản khiến ông Giản phải cầu cứu sự can thiệp của Tự Đức.

Thái độ lưng chừng của Tự Đức là vừa thương lượng vừa đánh, vừa nhờ tay người khác đánh : thứ nhứt là vì quan binh triều đình chỉ biết rút lui chứ không đủ khả năng đối đầu với quân xâm lược; thứ hai là để Tự Đức phủi tay không chịu trách nhiệm nếu đối phương đỗ tội hiếu chiến cho triều đình Huế cố tình phá vỡ cuộc đàm phán vãng hồi hòa bình bằng cách sẽ đối chất rằng: không phải quân chính quy của triều đình tiếp tục gây rối nhưng chính là do nhân dân nổi lên chống quân xâm lược mà điển hình là đoàn dân quân kháng chiến của Trương Định.

Triều đình Huế muốn che mắt người Pháp bởi vì Tự Đức không những đã ngầm say người đến phong chức cho Trương Định để lấy lòng mà cũng âm thầm yểm trợ thêm quân binh của triều đình cho ông Định đánh phá các đồn lũy của quân xâm lược trong khi ngoài mặt vẫn khiến say ông Giản thương thuyết để tỏ rõ thiện chí hòa bình của Tự Đức và triều đình Huế - một thiện chí giả tạo và gượng ép. Vì thế, khi được tấu thư của ông Giản xin Tự Đức và triều đình ra lệnh cho ông Trương Định ngưng bắn, Tự Đức đã không nghe theo mà còn tỏ thái độ bực bội với ông Giản. Sách Đại Nam Thực Lục Chính Biên ghi như sau:" Phan Thanh Giản hằng dụ Trương Định, Định thề không cùng giặc Tây dương cùng sống. Binh dân ứng nghĩa ở 6 tỉnh thuộc vào trong bộ ngũ của trương Định đều cùng cầm cự chống lại giặc Tây dương. Tướng nước Phú chiêu dụ Định, Định không chịu khuất, Thanh Giản lại xin xuống sắc để dụ Định. Vua bảo các thị thần rằng: lòng người như thế, cũng là một sự giúp cho cuộc mưu tính lấy lại, há lẽ nào cứ răn dụ lặt vặt mãi." (ĐNTLCB; đã dẫn, trang 345-346).

Rõ ràng là Tự Đức trông mong rất nhiều về lực lượng kháng chiến của ông Trương Định và có thể Tự Đức thay vì nghe theo lời yêu cầu của ông Giản để ra lệnh cho ông Định ngưng bắn thì lại cho người mang thư khẩn cấp vào trao thẳng cho ông Định để yêu cầu ông Định cứ tiếp tục chiến đấu. Có thể ông Giản không hay biết gì về lá khẩn thư nầy của Tự Đức gởi cho Trương Định. Lá thư khẩn nầy có hiệu lực như một hiệu lệnh nổi dậy tấn công đồng loạt, cho nên chỉ 4 ngày sau khi lá thư khẩn tới tay Trương Định ngày 12/12/1862 thì kể từ ngày 17/12/1862 các lực lượng kháng chiến của Trương Định đã nổi lên tấn công liên tục liên quân xâm lược khiến cho Phó Đề Đốc Bonard phải xin thêm viện quân. Ngày 11 tháng 2 năm 1863, Bonard treo giải thưởng cho bất cứ ai chém được và nọp đầu các thủ lãnh kháng chiến quân. Ngày 25 tháng 2 năm 1863, Bonard bao vây và càn quét kháng chiến quân khắp nơi nhưng Trương Định trốn thoát. (A. Schreiner; đã dẫn; trang 249-250).

Nghi vấn còn lại ở đây là tại sao A.Schreiner đã dựa vào đâu để nêu ra bức khẩn thư đề ngày 2 tháng 11 dl năm 1862 của Tự Đức và triều đình Huế gởi cho Trương Định và viên quan "vô danh" có nhiệm vụ trao lá khẩn thư cho Trương Định là ai mà đi, về có vẽ hấp tấp bí mật? Đây là 2 nghi vấn xin để lại cho người sau truy xét

Chương 19

Sau khi các tổ kháng chiến ở các tỉnh Mỹ Tho, Biên Hòa, Bà Rịa, Vĩnh Long bị quân Pháp bình định, kháng chiến quân Nam Kỳ tập trung lực lượng về Gò Công và tạo nơi đây thành một căn cứ kháng chiến trường kỳ chống quân xâm lược Pháp.

Quyết tâm tiêu diệt các tổ kháng chiến do Trương Định cầm đầu, Bonard xin chính phủ Pháp tăng viện 2 tiểu đoàn thủy bộ binh (A.Schreiner, sách đã dẫn, trang 249).

Ngày 17 tháng 12 dl (1862), quân kháng chiến của Trương Định bất thần tấn công đồn Rạch Tra nhưng bị quân Pháp đồn trú đẩy lui. Phía Pháp có một sĩ quan đại úy và một binh sĩ tử trận. Cùng ngày, quân kháng chiến do Nguyễn Trung Trực chỉ huy cũng tấn kích vào Bến Lức.

Ngày 18 tháng 12 dl (1862), 1,200 quân kháng chiến tấn công đồn kinh Thuộc Nhiêu nằm trong khoảng đường từ đồn Cai Lậy đi xuống Mỹ Tho. Đồn nầy do đại úy Taboulé và 50 binh sĩ Pháp đóng giữ. Theo tác giả A.Schreiner thì trong trận nầy quân kháng chiến quyết đánh chiếm đồn Thuộc Nhiêu nhưng thất bại và để lại quanh đồn hơn 200 xác chết (A.Schreiner; sách đã dẫn; trang 250).

Các cuộc tấn công đồng loạt của kháng chiến quân tiến gần sát đến vòng đai Sài Gòn, tấn công đồn Nam (đồn Thảo Câu ở Tân Thuận) nhưng bị quân đánh thuê cho Pháp do cai tổng Thế chỉ huy chận đánh ở Rạch Bàn. Tất cả những cuộc nổi dậy tấn công đồng loạt của kháng chiến quân lần nầy quy mô và táo bạo hơn những chiến dịch tấn công từ trước tới nay và mặc dù quân kháng chiến bị thiệt hại về nhân mạng khá lớn nhưng cũng gây bối rối và lo ngại cho quân xâm lược Pháp. Bonard đã phải xin thêm viện binh từ các căn cứ hải quân Pháp đóng ở Trung Quốc và ở Phi Luật Tân. Phó thủy sư đề đốc Jaurès đáp ứng ngay yêu cầu của Bonard bằng cách điều động từ căn cứ hải quân ở Thượng Hải một số pháo thủ của tiểu đoàn lính người Algérie, một tiểu đoàn khinh binh người Bắc Phi. Số quân tăng viện nầy do hai tàu chiến Sémiramis và La Renommée chuyên chở, ghé ngang qua Phi Luật Tân lấy thêm 800 lính thuộc trung đoàn 5 binh do trung tá Moscoso người Tây Ban Nha chỉ huy.

Ngày 7 tháng 1 dl năm 1863, Pháp bắt đầu đặt những cơ sở cho một nền hành chánh dân sự trong các vùng đất chiếm đóng bằng cách lập ra đội ngũ thanh tra đặc trách các vấn đề của người dân bản xứ (dân chúng của Đại Nam). Thành phần nhân sự đội ngũ nầy là những viên chức cũ hiện đang nắm giữ nhiệm vụ hành chánh cai trị và được phân chia thành 3 hạng ngạch.

Để đáp ứng với sự gia tăng về các dịch vụ bưu chính trong lãnh vực thương mãi và trong dân chúng, chính quyền Pháp ở Sài Gòn đã ký sắc luật thành lập Sở Bưu Chính Sài Gòn vào ngày 13 tháng 1 dl năm 1863.

Sau khi được tăng viện, ngày 7 tháng 2 dl năm 1863, Bonard thông cáo lời kêu gọi kháng chiến quân ngưng chiến. Ngày 11 tháng 2 dl năm quân Pháp treo giá ban thưởng cho bất cứ ai giết được các đầu lãnh kháng chiến quân.

Ngày 16 tháng 2 dl / 1863, Bonard đích thân xuống Gò Công phối trí các lực lượng quân sự của Pháp để chuẩn bị chiến dịch bình định truy kích quân kháng chiến.

Ngày 25 tháng 2 dl 1863, từ soái hạm Ondine, Bonard ban lệnh cho quân Pháp ở Gò Công bắt đầu chiến dịch bình định, tấn công vào làng Đông Sơn và các ổ kháng chiến ở Vĩnh Lợi. Hai chiến hạm của phó đề đốc Jaurès áng ngữ các cửa sông. Đa số kháng chiến quân đều thoát khỏi được cuộc bao vây của quân Pháp kể cả đầu lãnh Trương Định. Trong chiến dịch càn quét nầy của quân Pháp-Tây Ban Nha, tiểu đoàn lính tập bản xứ đã được người Pháp đánh giá là rất hăng sai, trung thành, gan dạ, thiện chiến để rồi sau đó được phó đề đốc De la Grandière ban thưởng một lá cờ có mang những dòng chữ Hán và chữ Pháp: Xứ Nam Kỳ thuộc Pháp, tiểu đoàn bản xứ số 1, Chí Hòa, Mỹ Tho, Bà Rịa, Phước Lộc, Gò Công.

Sau khi tái chiếm Gò Công, quân Pháp liền tiến hành ngay những việc sau đây:

1/- xử phạt án tử hình các cấp chỉ huy kháng chiến bị bắt, tịch thu tài sản của họ.
2/- truy thâu toàn thể mức thuế ấn định trong năm 1862 cho tỉnh Gò Công.
3/- kiểm tra tất cả các loại vũ khí.
4/- Phá hủy các công sự chiến đấu của kháng chiến, bắt dân chúng làm xâu đắp sửa cầu đường.
5/- Bắt các người Hoa ở Gò Công phải đóng góp chiến phí.

Quý Hợi, Tự Đức 16, tháng 1 âl (1863), triều đình cử tướng lãnh ra Bắc kỳ để bình định các vùng ven biển phía Đông Bắc.

Tháng 2 âl, Tự Đức 16 (1863), phó đề đố Bonard đại diện cho nước Pháp và đại tá Balanca đại diện cho nước Y Pha Nho ra thủ đô Huế để tiến hành nghi lễ trao đổi hiệp ước Nhâm Tuất đã được hoàng đế nước Pháp và hoàng đế nước Đại Nam ký phê chuẩn.

Tháng 2 âl, Tự Đức 16 (1863), những quan đại thần sau đây được Tự Đức chỉ định vào ủy ban tổ chức đón tiếp đoàn sứ Pháp-Tây Ban Nha:

-Trần Tiễn Thành, Binh bộ thượng thư;
-Đoàn Thọ, Phủ sự trung quân;
-Phan Thanh Giản;
-Lâm Duy Hiệp;
-Phạm Phú Thứ;
-Nguyễn Quang Quyền, quyền chưởng doanh Long võ;
-Đặng Hạnh, chưởng doanh Kỳ võ;
-Phạm Đức Ý, biện lý bộ Công;
-Lê Tuấn, biện lý bộ Hình.

Ngày 16 tháng 4 d.l năm 1863, Tự Đức tiếp kiến các sứ thần ở điện Thái Hoà. Các sứ thần trao ủy nhiệm thơ và quà tặng ngoại giao của hoàng đế Pháp và nữ hoàng Tây Ban Nha và tiến hành nghi thức trao văn kiện hoà ước năm Nhâm Tuất đã được hoàng đế và hoàng hậu của họ chuẩn phê. Sau đó, triều đình lại đưa quốc thư với bản hoà ước đã được chuẩn phê đến nhà sứ quán đúng như nghi thức để trao cho các sứ thần Pháp-Tây Ban Nha tiếp nhận.

Năm Quý Hợi, tháng 3 âl, Tự Đức thứ 16 (1863), Binh bộ thượng thư lãnh tuần phủ Thuận Khánh Lâm Duy Hiệp mất. Bộ Lại tâu lên. Tự Đức nói: <<Duy Hiệp chưa hay lập công chuộc tội, nhưng nghĩ đến người bầy tôi cũ, gia cấp cho hạng lụa màu và tiền, còn xử theo tội gì sau sẽ bàn định.>>
Ngày 18 tháng 4 d.l năm 1863 đoàn sứ Pháp được đoàn thuyền riêng của Tự Đức đưa đi trên sông Hương ra Vụng cảng Đà Nẵng để sáng ngày 19 tháng 4 d.l họ lên tàu chiến Grenada và về tới Sài Gòn ngày 22 tháng 4 d.l năm 1863.
*
Bonard đã đích thân viết một bản phúc trình gởi đến bộ trưởng bộ Hải Quân và Thuộc Địa của chính phủ Pháp về việc trao đổi hoà ước ngày 9 tháng 5 âl năm Nhâm Tuất/ niên hiệu Tự Đức thứ 15 tức là ngày 5 tháng 6 d.l năm 1862. Hòa ước nầy được hoàng đế Napoléon III chuẩn phê ngày 1 tháng 7 d.l năm 1863 tại điện Fontainebleau/ Pháp quốc.

Sau đây là toàn văn bản phúc trình của Bonard trên tập san Revue Maritime et Coloniale, tập 9, tháng 9 năm 1863 do Bộ Hải Quân và Thuộc Địa phổ biến trong kỳ phát hành thứ 33, từ trang 168 đến trang 174):
ÉCHANGE DES RATIFICATIONS DU TRAITÉ CONCLU AVEC LE ROYAUME D'ANNAM
Le ministère de la marine et des colonies a reçu du vice-amiral Bonard le rapport suivant:

Monsieur le ministre,

J'ai l'honneur de rendre compte à Votre Excellence des derniers événements qui se sont passés en Cochinchine avant la remise du service au contre-amiral la Grandière et mon départ pour la France.
Aussitôt l'insuurection réprimée dans toutes les provinces françaises et l'ordre matérel établi, je me suis empressé de tout remettre dans l'état normal.

J'ai immédiatement fait repartir pour la Chine, par la frégate la Sémiramis, que monte l'amiral Jaures, les militaires d'infanterie légère qui étaient venus du Nord, et cette frégat a pu, en passant à Tourane, et sans retarder son voyage, me porter au but de ma mission définitive, la ratification du traité, combinaison qui a présenté l'avantage de faire voir au gouvernement annamite une force respectable prête à agir.

Le comandant de la division des mers de Chine a pu ainsi partir de Tourane le 5 avril et retourne immédiatement au centre de sa station, où la présence de toute ses forces devenait nécessaire, apres avoir rendu un sevice signalé à notre nouvelle possession dans l'extrême Orient.
Tout le corps expéditinaire espgnol a quitté Saigon pour se rendre à Manille sur le transport l'Européen , qui, après ce voyage a dû aller à Hong-Kong pour y subir les réparations dont il a besoin.

La paix règne partout. Les populations ont été condamnées à raser les fortifications, à construire les routes et les ponts qui avaient été détruits, à rétablir les tééegraphes, enfin à payer des amendes por couvrir les frais d'installation des postes que cette levée de boucliers nous a forcés à creer.

Toutes ces mesures sont en voie d'exécution; les lignes télégraphiques rétablies fonctionnent. Afin d'éviter tout malentendu, toutes espèces de lenteurs dans les difficiles relations avec les Asiatiques, j'ai dû tout prévoir et tout formuler par écrit avec les deux plénipotentiares, Lam, gouverneur général, de Binh Tuân, et Phan-Tan-Gianh, gouverneur général et vice-roi de Vinh-Long, que je fait venir à cet effet à Saïgon.

Dès que tout a été réglé et bien entendu avec ces fonctionnaires, je les ai expédiés à l'avance pour Hué le 1er avril sur l'aviso le Forbin, afin de veiller à tout les préparatifs.
Je me suis moi même embarqué le 2 sur la frégate la Sémiramis, accompagné du Cosmao et de la Grenada, ainsi que la corvette espagnole la Circé, portant le plenipotentiaire de Sa Majesté Catholique. Nous avons mouillé sur la rade de Tourane le 5; le jour même l'amiral Jaurès s'est acheminé sur la Chine.

Tout avait été prévu par notre réception: les grabds mandarins, envoyés de la capitale et échelonnés sur toute la route, avaient fait préparer des habitations, des porteurs, des relais et des vivres pour nous et notre escorte, composée pour les deux missions, de cent hommes choisis parmi les différents corps.

Les logements, parfaitement installés et entièrement semblables à toutes les étables, nous permettaient, une fois la experience faite, d'entrer immédiatement dans nos appartements respectifs à toutes les stations suivantes.
Les hommes de l'escorte, choisis parmi des sujet d'élite des diverses armes et munis chacun d'une petite somme d'argent, afin d'éviter pendant le trajet tout malentendu, toute exaction, ont tenu une conduite exempte de reproches, et les porteurs requis pour notre convoi ont reçu une gratification à laquelle ils n'étaient pas accoutumés, ce qui a fait que notre promenade pacifique à travers la Cochinchine n'a produit qu'une excellence impression sur la population.

Les escortes d'honneur, formées par les troupes régulières de Hué, se sont conduites avec tous les égards de la considération que l'on pouvait désirer; toujours elles ont fourni un poste d'honneur au traité, porté en grande pompe sur une estrade écarlate pendant tout le trajet et placé sur l'autel des pagodes dans lesquelles nous nous arrêtions; de plus, toutes les fois que le nombre des porteurs étaient insuffisant dans les passges difficiles, elles ont aidé à faciliter notre voyage sur toute la route; des mandarins envoyés de la capitale de l'Annam et les autorités locales veillaient à ce qu' il ne pût rien nous manquer.

Nous sommes arrivés à Hué le 10, au milieu d'une nombreuse escorte échelonnée sur tout notre passage et composée des différents corps de troupes régulières avec leurs colonels et officiers en tête, et nous avons étés reçus par des ministères venant au-devant de nous à une grande distance de la capitale por nous accompagner aux logements qui avaient été disposés por nous sur les glacis de la citadelle.

Pendant tout notre séjour, nous avons été l'objet des mêmes égards, et nous avons pu immédiatement nous occuper de régler les formalités relative à la signature et à la remise définitive du traité, ainsi qu'à l'audience impériale.

De même qu'à notre départ de Saigon, tout a été établi par écrit avec les les ministres et les plénipotentiaires Lam et Phan-Tan-Gianh.

Le 14, nous avons fait, en grande pompe, l'echange du traité ratifié par S.M. Tu Duc, dans l'édifice où se publient les édits du roi.

Le choléra, qui sévissait fortement à Hué, nous a fait éprouver une perte sensible: c'est celle de l'ambassadeur Lam, qui, le lendemain de l'échange dans des ratifications, a éte enlevé presque subitement, par suite des fatigues qu'il avait éprouvées pour disposer et terminer cette cérémonie.
Cette mort si regrettable n' a heureusement pas empêché les affaires de se conclure, grâce à la présence de Phan-Tan-Gianh.

Le 16, après avoir arrêté par écrit le discours que je devais adresser à S.M. l'empereur Tu-Duc, la réponse qu'il devait me faire, ainsi que les places et les formes que nous devions remplir, nous avons pu nous rendre à l'audience impériale de congé dans la citadelle.

Le luxe oriental dans toute sa splendeur avait été déployé par la cour d'Annam dans cette circonstance; plus de 20,000 hommes de troupes de diverses étaient partout échlonnés sur notre passage; les éléphants, même ceux du roi, caparaçonnés et montés par leurs conducteurs, avient un aspect monumental qui faisait diversion à la monotoniedes troupes bariolées de couleurs éclatantes, dont toutes les avenues de la citadelle étaient couvertes.
Accompagné de notre escorte qui, selon l'usage, a dû s'arrêter avec ses armes à l'entrée à la cour servant de sanctuaire à l'autorité royale, nous nous sommes présentés devant S.M. l' empereur Tu-Duc.

Nous avons étés dispensés des salutations profondes qui ne sont pas dans nos mœurs et nous avons conservé nos épées; nous sommes en conséquence bornés, comme cela avait été convenu, à une première incination à l'approche des marches du trône et à trois autres en prenant congé de S.M. Tu-Duc.

Le roi d'Annam, dans un vaste hangar décoré de soieries et de pavillons, entouré des princes des diverses dinesties qui ne sont pas de cent cinquante ou deux cents, nous a reçus devant une table d'or.

Tous les dignitaires de la cour, les mandarins, les lettrés, les gardes du roi, en habits de soie, étaient, comme nous, dans la cour.

Aussitôt rendu à la place qui m'avait été disignée, j'ai adressé directement à Sa Majesté le discours convenu, dont je transmets une copie à votre Excellence.

Ce dicours répété au roi, en langue chinoise, par le capitaine frégate Aubaret, puis par le plénipotentionaire Phan-Tan-Gianh, la reponse qui est jointe à la présente communication nous a été immédiatement rendue par un membre du conseil privé.

Imméditement après cette cérémonie, nous sommes remtrés avec la même pompe à notre logement, où nous avons reçu les visites successives des divers ministres et des envoyés du roi.
S.M. Tu Duc m'a envoyé le jour même un autographe pour S.M. l'Empereur avec l'apparat qui accompagne de pareille missives regardées comme sacrées, en me faisant dire qu'après la signature officielle du traité il avait cru devoir me charger d'une lettre en vers écrite en entier de sa main, pour que je puisse la présenter moi- même à S.M. l'Empereur des Français.
Le 18, nous avons pu rejoindre par eau le steamer le Granada, que j'avais fait mouiller devant Hué, afin d'éviter, si cela était possible, à l'escorte fatigué, et dans un moment d'épidémie de choléra, la course pénible du retour par terre de la capitale à Tourane.

Cette demande m'a été accordée sans difficulté; j'ai eu conséquence appareillé pour Saigon le 19 au matin, n'ayant perdu que deux militaires, l'un du corps espagnol et l'autre de l'infanterie de la marine, pendant ce voyage fatiguant et au milieu des circonstances fâcheuses d'une épidémie qui faisait de nombreuses victimes à Hué parmi la population.

En résumé, monsieur le ministre, le traité ratifié par l'Empereur et ses envoyés ont été accueillis avec tous les honneurs et la considération possibles dans la capitale du royaume d'Annam.

La petite course pacifique faite par notre détachement n'a produit qu'un bon effet sur la population.

Le désir d'envoyer une ambassade à Paris, auprès de S.M. l'Empereur s'est, à plusieurs reprises, officiellement manifesté, ainsi que celui de nous confier, tant à Saigon qu'en France, un certain nombre de jeunes gens intelligents des premières familles pour les initier à notre civilisation et l'instruction européenne.

J'apporte à Votre Excellence le traité sans modification ratifié par S.M le roi Tu-Duc, une lettre autographe de ce souverain à S.M. l'Empereur, enfin, un million en à-compte sur l'indemnité de guerre convenue.

Le roi d'Annam, n'ayant pas eu le temps d'adresser à S.M. l'Empereur des cadeaux dignes de lui être offerts, se propose de réparer cett omission aussitôt qu'il lui sera permis d'envoyer une ambassade auprès de S.M. l'Empereur Napolén.

La Cochinchine française est pacifiée, le traité signé, les forces de Sa Majesté Catholique rentrée à Manille, enfin le corps expéditionnaire de Chine revenu au centre de sa station.

J'ai remis la service au contre-amiral de la Grandière, et pars par le Packet du 1er mai.
Je suis, ectc.

Signé: BONARD
.
*
Discours du vice-amiral gouverneur et commandant en chef en Cochinchine, plénipotentionnaire de S.M l'Empereur, au roi d'Annam.

Je suis envoyé par S.M. l'Empereur des Français pour echanger les ratifications du traité de paix approuvé par S.M. l'Empereur et recouveert du sceau de ses armes, ainsi que pour transmettre à S.M. le roi d'Annam les félicitations de S.M. l'Empereur.

S.M. l'Empereur des Français espère que la paix et l'amitié dureront éternellement entre la France et le Royaume d'Annam.

Sa Majesté fait des vœux por la prospérité de ce royaume, ainsi que pour la personne de son roi.
*
Réponse faite au nom de S.M. le roi d'Annam aux ministres pléniptentionnaires de France et d'Espagne.

Les ambassadeurs qui ont eu à supporter de grandes fatigues pour venir jusqu' ici ont donné la preuve de leurs mérites. C'est pourquoi S.M. l'empereur d'Annam les loue et les felicite à cause de leur mission.

Lorsque les ambassadeurs seront de retour auprès de leurs souverains, ils leur diront que la paix étant aujourd'hui conclue, dorénavant toutes choses devront se traiter pacifiquement, et l'amitié la plus sincère devra éternellement durer pour le bonheur de chacune des trois nations.

Que les ambassadeurs gravent ces paroles dans leur mémoire: c'est pour cela que Sa Majesté les a prononcées.
*
Tạm dịch:

TRAO ĐỔI HIỆP ƯỚC PHÊ CHUẨN VỚI VƯƠNG QUỐC AN NAM

Bộ trưởng bộ hải ngoại và thuộc địa đã nhận được bản phúc trình sau đây của đề đốc ủy nhiệm Bonard :

Kính thưa ngài bộ trưởng ,

Bản chức hân hạnh được báo cáo đến ngài bộ trưởng về những tình hình đã xảy ra tại Nam Kỳ trước khi bàn giao công vụ qua cho phó đề đốc la Grandière để bản chức khởi hành trở lại Pháp quốc.

Ngay sau cuộc nổi dậy đã dược trấn áp trong khắp các tỉnh thuộc quyền kiểm soát của người Pháp và trật tự được vãng hồi một cách cụ thể, bản chức cảm thấy hân hoan vì mọi sự việc đều được đặt trở lại trong tình trạng bình thường.

Ngay tức khắc, bản chức đã cho hộ tống hạm la Sémiramis của đề đốc Jaurès chở các đoàn khinh binh trở sang Trung Quốc; các đoàn khinh binh nầy nguyên trước đây được đưa vào từ phía bắc và chiếc hộ tống hạm vừa kể đã có thể chạy ngang qua vụng biển Đà Nẵng mà không làm chậm trễ chuyến hành trình của nó để đưa bản chức đến địa điểm thi hành một trách vụ có tính cách quyết định là việc phê chuẩn hiệp ước, một sự phối trí rất thuận lợi để biểu dương lực luợng với chính quyền An Nam, một lực lượng đáng kể sẵn sàng hành động.

Và như vậy tư lệnh hải quân các vùng biển Trung Quốc có thể rời vụng cảng Đà Nẵng vào ngày 5 tháng 4 d.l và trở về ngay căn cứ của ông, căn cứ của những lực lượng thiết yếu sau khi thực hiện một công tác để chứng tỏ sự chiếm hữu mới mẻ của chúng ta trong vùng viễn Đông.

Tất cả quân đoàn tác chiến Y Pha Nho đã rời Sài Gòn trở về Phi Luật Tân trên chiếc chuyển vận hạm l'Européen, và chiến hạm nầy sẽ sang Hong-Kong để sửa chữa và bảo trì.

Hoà bình đã chế ngự khắp nơi. Dân chúng bản xứ phải đi làm xâu phá bỏ các công sự chiến đấu (của quân kháng chiến = chú thích của người viết), xây đắp lại cầu đường bị hủy hoại, dựng lại cột dây thép (điện thoại), tất cả để bù đắp lại các phí tổn xây dựng thiết đặt các đồn bót mà chúng ta bắt buộc phải thực hiện vì sự nổi loạn.

Tất cả những phương thế nầy đều đang được thi hanh; các đường dây thép đã được phục hồi, hoạt động trở lại.
Để tránh sai lầm, những sự lề mề chậm trễ trong giao dịch với người Á châu, bản chức đã phải dự kiến mọi thứ và được liệt kê ra trên giấy tờ cùng với hai quan đại thần, tổng đốc Bình Thuận họ Lam (Lâm Duy Hiệp/Thiếp) và khâm sai tổng đốc Vĩnh Long Phan-Tan-Gianh (Phan Thanh Giản) do bản chức triệu mời họ tới Sài Gòn.

Sau khi mọi việc đã được giải quyết bằng giấy mực với hai quan đại thần nầy, bản chức liền đưa họ đi trước về Huế vào ngày 1 tháng 4 d.l bằng tuần thám hạm le Forbin để họ lo các thủ tục chuẩn bị.

Riêng bản chức cũng xuống soái hạm la Semiramis vào ngày 2 tây, với 2 chiến hạm Cosmao và la Grenada cùng hộ tống hạm Y Pha Nho la Circé chở sứ thần của nữ hoàng (Y Pha Nho) đi theo. Đoàn tàu chiến của chúng tôi thả neo trên vụng cảng Tourane (Đà Nẵng) vào ngày 5 tây; cùng ngày nầy đề đốc Jaurès trực chỉ sang Trung Hoa.

Mọi thứ đều được dự trù cho cuộc tiếp rước chúng tôi: các quan đại thần từ thủ đô Huế đứng khắp các chặng đường để chào đón, để sắp xếp nơi cư ngụ, phu khuân vác, trạm tiếp liên, thực phẩm cho chúng tôi cùng với đoàn quân hộ tống gồm cả trăm người được tuyển chọn từ các binh chủng khác nhau.

Các doanh trại của chúng tôi được sắp xếp thật chu đáo và đồng nhất trên tất cả mọi chặng đường giúp cho chúng tôi trở thành quen thuộc không bị bỏ ngỡ dò tìm nơi trú ngụ của mình.

Quân binh hộ tống của chúng ta được tuyển chọn từ những đơn vị ưu tú của nhiều binh chủng khác nhau được cấp cho một số tiền để hộ thân chi dùng khi gặp chuyện bất cập trong chuyến hành trình, họ đã giữ được một lối cư xử không thể nào chê trách được và những người đảm trách nhiệm vụ khuân vác đã được trả công đền bù bằng tiền thưởng mà từ trước tới nay họ chưa từng thấy như thế bao giờ, cho thấy diễn tiến hoà bình trong suốt hành trình của chúng tôi khắp miền Nam Kỳ đã tạo được một sự thiện cảm tuyệt hảo đối với dân chúng.

Đoàn vệ quân danh dự chủ lực của triều đình Huế đã được dàn xếp, điều động đúng với các nghi thức mong muốn, trong suốt hành trình họ luôn luôn tỏ nét cung kính trân trọng với bản hòa ước đặt trên một cái bục sơn son (màu đỏ) và mỗi khi đoàn chúng tôi ngừng chân ngơi nghỉ ở các trạm, bản hòa ước được đặt an vị trên trang thờ ở trong chùa, miếu. Ngoài ra, họ cũng tiếp tay phụ giúp cho các phu khuân vác khi gặp trở ngại khiến cho cuộc hành trình của chúng tôi luôn luôn được suông sẻ; các quan triều và các quan chức địa phương đã chăm lo chu đáo không để thiếu sót một chút gì.

Phái đoàn chúng tôi tới thủ đô Huế vào ngày 10, giữa một đoàn người hộ tống đông đảo thuộc đủ mọi thành phần quân binh chủng chủ lực trên suốt dọc lộ trình, đi đầu là các cai cơ và đội trưởng, và đoàn chúng tôi được các quan thượng thơ đứng đón rước từ ngoại thành để hướng dẫn đưa chúng tôi đến trại trú ngụ được xây dựng cạnh bờ hào hoàng thành.

Trong suốt chuỗi ngày lưu trú, đoàn chúng tôi đã được đối xử tương kính ngang bằng và chúng tôi đã có thể tiến hành ngay việc sắp xếp các thủ tục cần thiết cho việc ký kết trao đổi hòa ước một cách chính thức cũng như các nghi thức yết kiến hoàng đế.

Trước khi phái đoàn khởi hành từ Sài Gòn, tất cả đều đã được thiết định bằng văn bản cùng chung với hai vị khâm sai toàn quyền Lam và Phan-Tan-Gianh.

Ngày 14, tại Phu Vân Lâu, chúng tôi đã cử hành trọng thể nghi thức trao gởi hòa ước đã được hoàng thượng Tu-Duc phê chuẩn.

Dịch bệnh tiêu chảy đang hoành hành ở Huế đã tạo ra một sự mất mát nhạy cảm đối với chúng ta: đó là cái chết gần như là đột ngột của quan đại sứ Lam trước sáng ngày trao đổi hòa ước chuẩn phê vì ông đã kiệt lực trong thi hành nhiệm vụ sắp xếp bố trí từ đầu chí cuối cuộc lễ nầy.

May thay, cái chết rất đáng tiếc nầy không làm ngăn trở cho các công việc kết thúc vì nhờ có sự hiện diện của Phan-Tan-Gianh.

Ngày 16, sau khi hoàng đế Tu Duc ra chỉ dụ ngưng thi hành bài diễn văn của bản chức theo hình thức một sự hồi đáp cho bản chức về các địa điểm và các dạng nghi thức cần phải theo, phái đoàn chúng tôi đã có thể vào diện kiến với hoàng đế trong nội thành.

Tất cả những nét huy hoàng xa hoa đông phương đều được triều đình nước An Nam phô diễn trong dịp nầy: hơn 20,000 quân lính thuộc nhiều binh chủng khác nhau xếp hàng suốt dọc lộ trình của chúng tôi; những con voi trận cùng với voi riêng của hoàng cung được trang sức bằng các tấm phủ và có nài cởi điều khiển tạo thành một nét đồ sộ uy vệ lấn lấp mất các sắc màu binh phục đơn điệu sặc sỡ chóa mắt bao trùm khắp nơi trong hoàng thành.
Đoàn quân hộ vệ riêng có mang khi giới của phái đoàn chúng tôi theo lệ thường ở nơi đây phải dừng lại ở trước cổng vào chính điện của vương triều, chúng tôi trình diện trước hoàng đế Tu-Duc.

Theo tục lệ của chúng ta, phái đoàn được miễn bái lạy (đại bái) và vẫn được phép mang gươm theo mình; và như đã được thỏa thuận, chúng tôi chỉ phải nghiêng mình cung bái 1 lần khi tiến đến gần ngai vua và 3 lần cung bái để chào đưa khi hoàng đế hồi cung.

Vua An Nam, xuất diện trong một ngự cung rộng lớn trang hoàng cờ xí lụa là, bao quanh bởi các vương tôn công tử trong vương tộc có ít nhất từ 50 đến 200 người, chúng tôi được tiếp rước tới một chiếc bàn thếp vàng.
Tất cả các quan chức của triều đình, các vị đại quan, các nho thần, cận vệ của nhà vua mặc sắc phục bằng gấm tơ đều hiện diện nơi đây cùng với chúng tôi.

Sau khi được hướng dẫn vào vị trí, bản chức hướng thẳng về phía nhà vua để đọc bài diễn văn đã được thỏa thuận giữa hai bên và bản chức đính kèm bài diễn văn nầy gởi đến ngài bộ trưởng.

Bài diễn văn được lặp lại bằng tiếng Hán (Trung Hoa) qua sự thông dịch của hạm trưởng hộ tống hạm đại úy Aubaret và kế tiếp là khâm sai đại thần Phan-Tan-Gianh đọc bài đáp từ mà một thành viên trong ban tư vấn của chúng ta đã trao cho chúng ta ngay sau đó để gởi kèm theo với phúc trình nầy.

Ngay sau buổi lễ, cuộc đưa tiễn chúng tôi về nơi trú sứ cũng linh đình như lúc đón tiếp với sự hiện diện của các quan thượng thơ và các quan khâm sai của nhà vua.

Đức vua cũng có trao gởi đến hoàng đế (Napoléon III) một văn bản viết tay rất trang trọng và tôn kính cùng đưa lời nhắn gởi nói với bản chức rằng sau khi chính thức chuẩn phê hoà ước, đức vua nghĩ cần phải có những lời hoàn toàn do chính tay đức vua viết ra để bản chức đích thân chuyển trình lên hoàng đế nước Pháp.

Ngày 18, chúng tôi trở lên tàu hơi nước la Grenada đậu trên sông Hương phía trước hoàng thành Huê' để có thể phòng ngừa cho đoàn binh hộ tống mệt mỏi không bị bệnh dịch tả lây nhiễm và khỏi phải di hành bằng đường bộ từ thủ đô về vụng cảng Đà Nẵng.

Vì sự yêu cầu như vừa kể trên được chấp thuận nhờ vậy bản chức có thể khởi hành trở về Sài Gòn vào buổi sáng ngày 19, với hai binh sĩ bị thiệt mạng, một thuộc đội binh Tây Ban Nha và một thuộc đội binh thủy bộ vì quá sức mệt mỏi và bị lây nhiễm bệnh dịch tả đang lan tràn khắp nơi, giết hại rất nhiều nạn nhân trong dân chúng ở Huế.
Tóm lại, kính thưa ngài bộ trưởng, bản hoà ước do hoàng đế chuẩn phê và phái đoàn của hoàng đế đã được tiếp nhận, đối xử một cách trọng thể chu đáo tại thủ đô vương quốc An Nam.

Cuộc hành trình ngắn ngủi của phái đoàn chúng ta đã tạo ra một hiệu qua tốt đối với dân chúng.

Ước muốn có một sứ đoàn sang Paris bệ kiến hoàng đế đã nhiều lần được biểu lộ một cách chính thức cũng như ước muốn gởi một số người trẻ thuộc gia đình quyền quý có học vào Sài Gòn cũng như sang nước Pháp để học văn minh và xây dựng của người Âu châu.

Bản chức xin gởi tới ngài bộ trưởng nguyên văn bản hiệp ước đã được đức vua Tu-Duc chuẩn phê, một lá thơ tự viết của đức vua gởi đến hoàng đế và một triệu đồng tiền bồi phí chiến tranh như đã thỏa thuận.
Bởi vì không có đủ thời gian chuẩn bị lễ vật xứng đáng để gởi tặng hoàng đế cho nên đức vua An Nam đề nghị rằng đức vua sẽ bù đắp lại sự thiếu sót nầy khi đoàn sứ của đức vua được chấp nhận sang bệ kiến đức hoàng đế Napoléon.

Lãnh thổ Nam Kỳ của người Pháo đã được bình định, hòa ước đã ký kết, đoàn quân của nữ hoàng theo gia tô giáo (nữ hoàng Tây Ban Nha) đã quay về căn cứ ở Manille (Phi Luật Tân) và đoàn quân viễn chinh Pháp từ Trung quốc đã quay về căn cứ trung ương của họ.

Bản chức đã bàn giao nhiệm vụ lại cho phó đề đốc la Grandière và rời nhiệm sở vào ngày 1 tháng 5 d.l.
Bản chức, etc.
Ký tên: BONARD

*
Diễn văn của đề đốc nhiệm chức thống đốc kiêm tổng tư lệnh quân lực ở Nam Kỳ, đại nhiệm hoàng đế (Pháp) phát biểu trước vua An Nam.

Hạ thần được hoàng đế nước Pháp sai đến đây để thi hành việc trao đổi bản hiệp ước hòa bình đã được hoàng đế phê chuẩn có đóng ấn triện quân quyền, đồng thời chuyển đến đức vua nước An Nam những lời chúc mừng của hoàng đế.

Hoàng đế nước Pháp mong ước rằng hòa bình và tình hữu nghị sẽ lâu bền mãi mãi giữa nước Pháp và vương quốc An Nam.

Hoàng đế cầu chúc thịnh vượng cho vương quốc và đức vua.
*
Thay mặt vua An Nam để đáp từ diễn văn của các sứ thần Pháp và Tây Ban Nha.

Các vị sứ thần đã tỏ ra thật xứng đáng khi đã chịu bao nhiêu gian lao đến đây. Bởi lẽ ấy, hoàng thượng nước An Nam ban lời ngợi khen sứ mạng của họ.

Sau khi trở về vương quốc của mình, các sứ thần hãy chuyển lời rằng hoà bình ngày nay đã được thể hiện dứt khoát, từ đây trở về sau tất cả mọi việc đều phải được đối xử một cách hòa bình và tình hữu nghị bền vững, trung thực cần phải được củng cố vì phúc lợi của cả ba nước.

Các vị sứ thần cần ghi khắc những lời nầy trong tâm trí: bởi lẽ đó mà đức vua mới truyền ban chỉ dụ nầy.

Chương 20

Qua bản phúc trình của Bonard có thể rút ra những nhận xét như sau:

* 1-/ Bonard là một tướng lãnh gan dạ, và mưu lược:
- Ông ta đích thân mình mạo hiểm đi vào tận lòng địch để trao và nhận bản hiệp ước phê chuẩn.
- Ông ta biết lợi dụng việc rút lui của đoàn thuyền chiến Pháp trên đường trở về căn cứ ở vùng biển Trung Quốc để phô trương thanh thế "combinaison qui a présenté l'avantage de faire voir au gouvernement annamite une force respectable prête à agir."(một sự phối trí rất thuận lợi để biểu dương lực lượng với chính quyền An Nam, một lực lượng đáng kể sẵn sàng hành động.): chiến hạm Sémiramis với đoàn khinh binh của đề đốc Jaurès thả neo trên vụng biển Đà Nẵng vào ngày 5 tháng 4 d.l năm 1862. Ngoài ra còn có chiến hạm Européen trên đường chuyên chở đoàn quân tăng viện của Y Pha Nho trở về căn cứ Phi Luật Tân và hành trình của chiến hạm nầy nhất định là có ghé ngang vụng Đà Nẵng để yểm trợ thanh thế cho hộ tống hạm la Circé chuyên chở sứ thần đại diện nữ hoàng Y Pha Nho trong công tác trao đổi hiệp ước phê chuẩn cùng một lúc với Bonard. Hai chiến hạm Cosmao và la Grenada cũng có mặt, tất cả tạo thành một bối cảnh chuẩn bị chiến tranh, sẵn sàng đổ bộ lên bờ khi cần.

-Lực lượng quân binh hộ tống cho 2 phái đoàn Pháp-Y Pha Nho từ Đà Nẵng tới hoàng thành Hué chỉ có 80 người (40 người cho mỗi phái đoàn) được tuyển lựa từ các hàng quân binh chủng ưu tú thiện chiến của liên quân xâm lược Pháp-Y Pha Nho ở Nam Kỳ. Đi sâu vào lòng đất đầy bất trắc hiểm nguy của địch mà chỉ mang theo có bấy nhiêu quân binh, phải chăng Bonard bất cẩn hay chỉ vì quá xem thường đánh giá quá thấp quân binh của triều đình nhà Nguyễn ở Huế? Dù rằng Bonard là một kẻ cao ngạo nhưng ông ta không phải là một kẻ bất cẩn đến mức không nhìn thấy trước được những nguy cơ khi đem thân vào chốn quân binh muôn trùng của địch quân bởi thế cho nên mới có cả một hạm đội hùng hậu chuyên chở một đoàn quân thiện chiến Pháp-Pha Nho biểu dương lực lượng nơi vụng cảng Đà Nẵng. Nếu Bonard tin tưởng tuyệt đối vào thiện chí hòa bình của vua quan, binh triều nhà Nguyễn thì tại sao lại cần phải có màn hù dọa phô trương thanh thế, sức mạnh quân sự như thế. Con số 80 quân binh thiện chiến quyết tử hộ tống Bonard cùng 2 phái đoàn Pháp-Y Pha Nho đi sâu vào lòng đất địch để vào hoàng cung với khí giới đầy đủ và tối tân là một con số đáng kể đối với một quân đội "chưa đánh đã chạy" của triều đình Tự Đức.
Số 80 quân binh hộ tống nầy cộng thêm những người tháp tùng theo 2 phái đoàn kể cả những thông dịch viên người Pháp (không có thông dịch viên người bản xứ nước Đại Nam đi theo phái đoàn Pháp-Y Pha Nho) có thể là kết quả từ sự thỏa thuận giữa đôi bên sau khi Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp trở vào Sài Gòn bàn bạc với Bonard về việc tổ chức các nghi thức trao đổi hiệp ước phê chuẩn.

Thử đặt trường hợp đội quân của Bonard đã vào được hoàng thành và tìm cách đến gần và uy hiếp bắt giữ được vua Tự Đức và buộc quan binh triều đình phải rút ra khỏi hoàng thành rồi cố thủ chờ viện binh Pháp-Y Pha Nho từ Đà Nẵng đến tăng viện thì tình thế sẽ ra sao?

-Chuyện nầy không phải là không thể xảy ra bởi vì trước đây liên quân xâm lược Pháp-Y Pha Nho sau khi đánh chiếm thành Sài Gòn vào ngày 19 tháng 2 d.l năm 1859, đề đốc Rigault de Genouilly đã dẫn gần hết đoàn quân của mình trở ra vụng cảng Đà Nẵng mà chỉ cần để lại một đội quân nhỏ un petit corps de troupe do thuyền trưởng Jauréguiberry ở lại chỉ huy để cố thủ đồn Nam sau khi thành Sài-Gòn bị phá hủy bởi lệnh của R.de Genouilly. (A.Schreiner; sách đã dẫn; trang 145, 146) vậy mà cả một tập thể quân đội của triều đình Huế ở Nam Kỳ cũng không đủ khả năng đánh chiếm lại thành Gia Định đổ nát hoặc bao vây đánh hạ được đồn Nam do Jauréguiberry trú đóng!

-Một nhà quân sự có tầm cỡ như Bonard chắc là phải có dự định một phương cách "bắt cóc" mạo hiểm như vừa giả định ở trên và nếu tiếp tục đọc lại sử sau thời Bonard thì người ta sẽ thấy rằng phó thuyền trưởng pháo thuyền máy hơi nước Gia Định Doudard de Lagrée chỉ cần có 28 lính thủy để chiếm hoàng cung của vua Cao Miên Norodom vào ngày 3 tháng 3 d.l năm 1864 và treo cờ Pháp khắp nơi dinh thự, cơ quan, đơn vị hành chánh công cộng trên đất Cao Miên để rồi hai ngày 6 và 7 cùng tháng đó mới được tăng viện thêm 3 pháo thuyền và 100 binh sĩ. (A. Schreiner; sách đã dẫn, trang 256 và trang 258).(Cũng xem: Nguyễn Công Tánh, Việt sử Tân Khảo Chú Giải & Khảo Luận VI; trang 1719, 1720).
-Sách "LA CONQUÈTE DU TONKIN par VINGT SEPT FRANÇAIS commandés par JEAN DUPUIS (tạm dịch: Cuộc chinh phục Bắc Kỳ bởi 27 người Pháp dưới sự chỉ huy của Jean DUPUIS) do tác giả Jules GROS trích đăng từ quyển nhựt ký của J. Dupuis; nhà phát hành Maurice Dreyfous-Paris; 1880) cho thấy cả một đoàn quân triều đình ở Bắc Thành mà cũng không thể nào ngăn chận được một nhóm nhỏ 27 người Pháp mạo hiểm, vong mạng, khinh thường và vi phạm luật pháp của nước Đại Nam mặc tình làm mưa làm gió nghênh ngang khắp nơi trên đất Bắc Kỳ. Trang 25, 26, 27 trong sách kể trên có liệt kê dầy đủ tên tuổi nghề nghiệp của 17 người Pháp giữ vai chủ động và 10 thủy thủ người Pháp tham dự cuộc chinh phục nầy:

1- E.Millot, thương nhân ở Thượng Hải (Trung Quốc), đã từng nhiều năm giữ chức chủ tịch hội đồng thành phố nơi khu nhượng địa thuộc Pháp ở Thượng Hải. Phó trưởng đoàn thám hiểm của J.Dupuis ở Bắc Kỳ.
2- Ducos de la Haille, kỷ sư công chánh ở Pondichéry (Ấn Độ), thành viên trong hội đồng thành phố khu nhượng địa thuộc Pháp ở Thượng Hải. Chuyên viên khám phá hầm mõ trong đoàn thám hiểm J.Dupuis.
3- Dercour, phụ tá Ducos de la Haille trong đoàn thám hiểm J.Dupuis
4- G.Viavianos, nguyên là thuyền trưởng hàng hải ven bờ, thuyền trưởng tàu máy hơi nước Hong-Kong, sĩ quan quân cảnh quân đoàn Pháp-Trung ở Tche-Kiang. Thiếu tá thuyền trưởng tàu máy hơi nước Hong-Kiang trong đoàn thám hiểm J. Dupuis.
5- Brocas, nguyên là thuyền trưởng hàng hải ven bờ. Thiếu tá thuyền trưởng tàu hơi nước Le Pontay trong đoàn thám hiểm J.Dupuis. (ghi chú riêng: có thể là tàu hơi nước Son Tay thay vì Pontay)
6- D.Argence, nguyên là sĩ quan hàng hải thương thuyền, thiếu tá thuyền trưởng tàu hơi nước Lao-Kaï trong đoàn thám hiểm J.Dupuis.
7- Boucagnani, Thiếu tá thuyền trưởng tàu Mang Hào trong đoàn thám hiểm J.Dupuis.
8- Berthault, sĩ quan hàng hải ven bờ, Phó thuyền trưởng tàu Lao Kaï trong đoàn thám hiểm J.Dupuis.
9- Gauchon, sĩ quan hàng hải ven bờ, Phó thuyền trưởng tàu Hong Kiang trong đoàn thám hiểm J.Dupuis.
10- Légier, cựu sĩ quan pháo thủ, Phó thuyền trưởng tàu Sơn Tây trong đoàn thám hiểm Jean Dupuis.
11- Francelli, chuyên viên đại pháo, Phó thuyền trưởng Mang Hào, trong đoàn thám hiểm Jean Dupuis.
12- Dillère, thợ máy tàu Lao Kaï trong đoàn thám hiểm Jean Dupuis.
13- Gervais, nguyên là thợ máy tàu chiến Y Pha Nho, thọ máy tàu Hong Kiang trong đoàn thám hiểm Jean Dupuis.
14- Davis, thợ máy tàu Mang Hào trong đoàn thám hiểm Jean Dupuis.
15- Bégault, nguyên là một đội trưởng đội pháo binh hải quân, được đưa sang để chỉ huy đội pháo binh của tổng đốc tỉnh Vân Nam/ Trung Quốc nay tham gia đoàn thám hiểm Jean Dupuis.
16- Fargeau, nguyên là quản đốc xưởng đúc được đưa sang đảm nhiệm một xưởng đúc cho tỉnh Vân Nam/Trung Quốc, nay tham gia đoàn thám hiểm Jean Dupuis.
- 10 thủy thủ người Âu châu.
Và:
!7- Jean Dupuis, trưởng đoàn thám hiểm Bắc Kỳ.

Tổng cộng là 27 người Âu châu trong đoàn thám hiểm Jean Dupuis.

-Ngoài ra còn có thêm một quan triều người Hoa mà trong nhật ký của mình J. Dupuis gọi là mon sécrétaire Ly-ta-lào-yé, mandarin lettré chinois (tạm dịch: thư ký riêng của tôi là Lý Ngọc Trì, một quan triều Trung Quốc) (J.Gros, sách đã dẫn, trang 31).
*
Có những điểm cần lưu ý như sau:

-Tác giả Jules Gros dùng chữ Expédition: cuộc thám hiểm để chỉ đoàn tàu và nhóm người đi theo J.Dupuis và E.Millot là loạn ngôn và thậm xưng nhằm mục đích tôn vinh hành vi của những kẻ mạo hiểm, hám lợi buôn lậu súng óng đạn dược, xem thường luật pháp của nước khác. Trong quyển nhật ký của mình, J.Dupuis đã che lắp không nói ra đoàn ghe thuyền của ông ta đã chở theo những gì sang cảng Hải Phòng.

Vậy thì dựa vào đâu để biết rằng đoàn ghe thuyền thương hồ nầy chuyên chở vũ khí đạn dược?

Trước hết, Paulin Vial - một thành viên quân sự của đoàn quân xâm lược Pháp ở Nam Kỳ/Giám đốc Sở Nội Vụ ở Sài Gòn- đã ghi lại những biến cố xảy ra từ năm 1873 đến tháng 4 d.l năm 1887 có liên hệ đến việc người Pháp xâm chiếm Bắc kỳ trong một quyển sách có tựa đề là Nos premières Années au Tonkin do nhà xuất bản Voiron phát hành năm 1889. Nơi trang 45 của sách nầy có một đoạn ghi chép về việc lái buôn J.Dupuis như sau:

<<M.Dupuis poursuivit son entreprise. Il acheta trois petites navires à vapeur à Hong-Kong et à Sanghai et les arma pour se rendre au Tonkin.>> (Tạm dịch: Ông Dupuis tiếp tục công việc của ông. Ông ta mua ba chiếc tàu nhỏ chạy bằng hơi nước từ Hong-Kong và từ Thượng Hải rồi trang bị vũ khí cho hai tàu nầy để đi xuống Bắc Kỳ).

Trang bị vũ khí, đây là một trong những kiểu viết luồn lách, che đậy có thể tìm thấy khắp cùng nơi các nhà chép sử ngày trước, Tây cũng như ta, khi họ đang là những quan viên của chính quyền hay của các triều đình chuyên chính phong kiến và ngay cả trong thời buổi văn minh tiến bộ ngày nay tình trạng viết lách cong vẹo, che đậy, viết không trung thực theo chỉ đạo của quyền lực chính trị vẫn còn tiếp tục xảy ra trong các quyển sách lịch sử tại khá nhiều nơi ở thế giới nhất là ở khu vực Á Châu, vùng Đông Nam Á. Rõ ràng là có tình trạng phủ bênh phủ, huyện bênh huyện trong lối viết của Paul Vial.

- Tựa đề cao ngạo trên quyển sách của tác giả người Pháp Jules Gros khiến cho hậu thế hiểu lầm rằng đoàn ghe thuyền của Jean Dupuis chỉ có 27 người vừa kể. Trên thực tế, trong đoàn nầy còn có Lý Ngọc Trì là kẻ đại diện của triều đình Trung Hoa lúc đó cấu kết với đoàn người buôn lậu nầy.

-Theo nhật ký của J.Dupuis thì khởi đầu đoàn buôn lậu nầy từ Hong Kong đến vịnh Bắc bộ với 2 pháo thuyền chạy bằng máy hơi nước Hong Kiang, Lao Kaï , 1 xuồng lớn/ sà lúp Sơn Tây chạy bằng máy hơi nước, và kéo theo 1 ghe mành:

<<26 octobre 1872.- Nous quittons aujourd'hui, à six heures du matin, notre mouillage devant Hong Kong, en route pour le golfe du Tong-Kin, où nous devons trouver le Bourayne. L'expédition se compose de deux canonnières, à vapeur, le Hong Kiang et le Lao Kaï, d'une chaloupe à vapeur le Sơn Tây et d'une grande jonque à la remorque . . .(J.Gros; La Conquète du Ton-Kin par Vinght sept Français/ Cuộc Chinh Phục Bắc Kỳ bởi 27 người Pháp, trang 30).

Tạm dịch: <<26 tháng 10 d.l năm 1872.- Hôm nay vào lúc 6 giờ sáng, đoàn tàu, thuyền của chúng tôi từ bến cảng Hong Kong nhổ neo đi sang vịnh Bắc bộ để tới điểm hẹn với hộ tống hạm le Bourayne (ghi chú thêm: hộ tống hạm Le Bourayne được chính quyền xâm lược Pháp từ Sài Gòn phái ra vụng cảng Hải Phòng để can thiệp với chức quyền Đại Nam ở Hà Nội và yểm trợ cho đoàn thám hiểm J.Dupuis được tự do lưu thông trên sông Hồng. Tàu nầy do thiếu tá hải quân Senez chỉ huy. Senez đã dùng tàu Sơn Tây của J.Dupuis để đi gọi viên quan kinh lựợc triều đình Lê Tuấn đến bàn bạc.) Đoàn thám hiểm gồm có 2 pháo thuyền chạy máy hơi nước Hong Kiang và Lao Kaï, 1 xuồng sà-lúp lớn chạy bằng máy hơi nước Sơn Tây kéo theo một ghe mành.>>

- Đại tá pháo binh H.Fabre de Navacelle, tác giả tập giản yếu Précis des Guerres De La France de 1848 à 1885 (do nhà phát hành sách E.Plon, Nourrit et Cie, Paris; xuất bản tại Paris năm 1890) nơi trang 350, 351, 352 và 353 có viết về việc J.Dupuis mua bán quân nhu và vũ khí như sau:

<<. . . .La rébellion des musulmans de l'ouest, surtout dans le Yunnan avait la nécessité l' achat par le gouvernement chinois d'approvisionnements de guerre cosidérables. M Dupuis en avait fourni beaucoup, surtout au Ti-taï-Ma-hien, le vainqueur des rebelles du Yunnam. C'est par le fleuve Bleu ou Yang-tse-kiang, où il avait rencontré Francis Garnier em 1868 et recueilli ses instructions, que Dupuis avait fait parvenir des armes et des munitions à Yunnam. Quoi que les rebelles eussent été vaincus et, en grande partie, refoulés vers la frontière du Laos et du Tonkin supérieur, qu'ils occupaient et rançonnaient sous le nom de Pavillons noirs et Pavillons jaunes, de grands marchés de fournitures étaient encore en voie d'exécution entre Ma et M.Dupuis. . . . .

M. Dupuis prépara à Hong-Kong une grande expédition.

Une jonque portant trente canons, et de six à sept mille chassepots avec les munitions nécessaires, convoyés par deux canonnières d'origine anglaise et ayant bord vinght-trois Européens, une centaine de Chinois, était dirigée par M.Dupuis et trois lieutenants intrépides comme lui. Recommandé par le commandant senez au commissaire royal Le Tuan, il trouva pourtant sur sa route des obstacles de toutes sorte et, laissant son convoi à Hanoï, remonta jusqu ' au Yunnam avec trois européens et une quarantaine de Chinois.>>

Tạm dịch: << . . .Vì có cuộc nổi loạn của những bộ tộc Hồi giáo ở phía Tây (Trung Quốc), nhất là trong vùng tỉnh Vân Nam, cho nên chính quyền Trung Quốc cần phải mua thật nhiều các loại chiến cụ. Ông Dupuis đã từng cung ứng rất nhiều cho nhu cầu nầy, nhất là cung cấp cho thống chế Mã Hiên, kẻ chiến thắng dẹp loạn ở Vân Nam. (có sách dịch là thống chế Mã Văn Long, một tướng giặc gốc người Hồi giáo về đầu hàng chính quyền triều đình Bắc Kinh rồi được Bắc Kinh giao nhiệm vụ đàn áp những cuộc nổi dậy của các bộ tộc theo đạo Hồi). Chính con sông gọi là Thanh-Giang hay Dương Tử Giang là nơi mà Ông ta ( J.Dupuis) đã gặp và nhận những chỉ thị của Francis Garnier vào năm 1868 cũng như đã từng dùng con sông nầy để chuyên chở súng đạn vào tỉnh Vân Nam (Trung Hoa). Mặc dù nhóm phiến loạn (Hồi giáo) phần lớn bị đánh tan rả, họ lại rút lui về phía vùng biên giới nước Lào và các vùng thượng du ở Bắc Kỳ và trở thành các nhóm thổ phỉ mang danh hiệu Cờ Đen (do đầu lĩnh người Trung Hoa tên là Lưu Vĩnh Phúc cầm đầu) và Cờ Vàng, (do đầu lĩnh người Trung Quốc tên là Hoàng Sùng Anh cầm đầu) và những chuyến hàng cung cấp cho các thị trường quy mô (ý muốn nói buôn bán hàng lậu, súng lậu cho các nhóm thổ phỉ) vẫn tiếp diễn qua đường dây họ Mã và Dupuis. . . . . . . . . . . . . . . . .
Ông Dupuis chuẩn bị một chuyến hành trình lớn từ Hong-Kong.
Một chiếc ghe mành chở 30 khẩu đại pháo, 6,000 - 7,000 súng trường và đạn dược cần thiết được hộ tống bởi hai pháo thuyền kiểu Anh quốc cùng với 23 người Âu Châu và hàng trăm người Trung Hoa dưới sự chỉ huy và điều động của ông Dupuis và 3 viên quan trung úy cũng gan lì như ông ta. Mặc dù được hải quân trung tá Senez can thiệp với quan kinh lược Lê Tuấn, ông ta vẫn gặp rất nhiều trở ngại khó khăn và phải để đoàn tàu thuyền của ông ta ở lại (Hà Nội) và đi lên Vân Nam (theo sông Hồng) với 3 người Âu Châu và 40 người Trung Hoa.>>

*Ghi Chú thêm: Theo Nhật ký ngày 18 tháng 1 dl năm 1873 của J. Dupuis thì vào lúc 7 giờ sáng ngày nầy Dupuis khởi hành đi Vân Nam với một tàu sà lúp hơi nước kéo theo 3 chiếc thuyền mành "có trang bị súng óng" với 9 người Âu Châu và 30 người Trung Hoa. Số tàu thuyền và nhân sự còn lại phải neo chờ ở Hà Nội dưới quyền chỉ huy của viên phụ tá Millot. (J.Dupuis, sách La Conquête du Tonkin par vingt- sept Français đã dẫn, trang 57)

- Đoàn người của J. Dupuis khi từ vùng đất Mang Hào ở Vân Nam xuôi theo sông Hồng quay trở về Hà Nội có thêm 30 lính và 100 thủy thủ khuân vác. (Tàu Mang Hào có thể xuất phát từ một vùng lãnh thổ có tên là Mang Hào ở Vân Nam cho nên người Pháp gọi là tàu Mang Hào).

- Sau nầy, Francis Garnier và lái buôn Jean Dupuis chỉ có dưới tay khoảng 90 binh sĩ xung kích và trong vòng 7 giờ đồng hồ mà đã có thể hạ thành Hà Nội vào ngày 20 tháng 11 d.l năm 1873 (Quý Dậu) do hơn 7 tới 8 ngàn quan binh của triều đình nhà Nguyễn đóng giữ dưới quyền thống lãnh của danh tướng Nguyễn Tri Phương: trong trận nầy Nguyễn Tri Phương bị thương nặng và bị quân Pháp bắt tại trận, con trai của ông là phò mã Nguyễn Lâm trúng đạn chết.

Tất cả những truy cứu vừa kể ra ở trên cho thấy:

-Tình trạng yếu kém về mặt quân sự của nước Đại Nam dưới thời Tự Đức từ Bắc chí Nam: quân binh nhát sợ, súng đạn cổ lỗ, cấp chỉ huy kém khả năng ứng phó chỉ biết ngồi chờ làm theo lệnh phát ra từ trung ương.
-Quân xâm lược Pháp và dư luận người Pháp quá tự tin về sức mạnh xâm lược của họ cho nên đã huênh hoang phô trương quá đáng, tự đánh giá mình quá cao.

*
2/ Hơn 20,000 quân lính thuộc nhiều binh chủng khác nhau xếp hàng suốt dọc lộ trình cùng với những con voi trận để tiếp đón đdoàn sứ thần Pháp-Y Pha Nho:

Nếu con số nầy không bị Bonard phóng đại quá mức thì cũng sẽ gây thắc mắc cho hậu thế tại sao tiếp rước một đoàn sứ thần ngoại quốc chưa đầy 100 người tới kinh đô mà Tự Đức và triều đình Huế lại phải điều động một số quan binh khổng lồ như thế?

Chương 21

Con số nầy do hai bên đã thỏa thuận ấn định trước đây khi bàn bạc về các việc sắp xếp nghi thức trao đổi hòa ước Nhâm Tuất (1862) sau khi được hai bên phê chuẩn? Hay là Bonard đích thân nhởn nhơ và thong dong đếm số được 20,000? Phải chăng đây là một chuyện bày binh bố trận của triều đình Huế biểu dương lực lượng để răn đe đối phương "chớ có nên dở trò" thừa cơ làm chuyện càn rỡ tại kinh đô Huế? Hay là phía Đại Nam muốn dùng số đông để thừa cơ hội nầy bắt sống nhóm đại diện thế lực xâm lược làm con tin trao đổi cho việc đòi trả lại những vùng đất đã mất?

Tất cả những câu hỏi vừa kể trên đây chỉ là những suy đoán dựa trên tài liệu do một nhân vật lịch sử vào thời đó (Bonard) viết ra khi người nầy đang ở trên vị thế của kẻ thắng trận; mà những kẻ thắng trận thì thường hay kiêu ngạo, lấn lối, lộng ngôn, khinh thường hạ thấp giá trị của phía bại trận nhằm mục đích phô trương tài cán và công trạng lẫy lừng của mình.
*
Tuy nhiên nếu xét cho cùng thì sự huênh hoang phô trương của người Pháp không phải là không có lý do: đất nước Đại Nam tồi tệ thụt lùi dưới quyền lãnh đạo của một tập đoàn quân chủ phong kiến ngủ mê ở kinh đô Huế là một thực tế hiển nhiên mà sử sách nhà Nguyễn dưới thời Tự Đức không thể nào che đậy được:

- Cả một nước Đại Nam từ Bắc chí Nam phần lớn trông nhờ vào lúa gạo cấy trồng từ các vùng đất ở Nam Kỳ vì thế khi bị ngoại bang cấm vận thì cả nước nhốn nháo lo sợ:

<<Các ông đòi tiền, chúng tôi trở thành bần cùng. Như thế phải chăng là một cảnh tượng thú vị dâng lên cho đấng tạo hóa với bao nhiêu tai họa do các ông gây ra? Nay các ông lại chận ngăn lúa gạo và người dân của chúng tôi sẽ bị chết đói." Đây là một phần văn thư phúc đáp của quan khâm sai đại thần quân thứ Biên Hòa Nguyễn Bá Nghi gởi cho Charner khi Charner ra lệnh cấm chuyên chở lúa gạo trên khắp các vùng sông, biển ở Nam Kỳ hạ. Rồi cuối thư, với lời lẽ không kém phần tự phụ: "Và bởi vì đó là nguồn mạch cuối cùng mà quan soái để lại cho chúng tôi, vậy thì chúng tôi còn có súng đạn, chúng tôi sẽ chiến đấu." Đó chỉ là câu nói liều trong một trạng huống bối rối nguy kịch chứ không thể đe dọa được kẻ địch bởi vì Charner đã trả lời một cách tách bạch dứt khoác là ông ta "sẽ cố gắng đẩy lui súng đạn bằng súng đạn". (Xin đọc lại nơi trang 22).

- Sức mạnh quân sự quốc phòng lấy tướng giỏi, tàu thuyền, súng óng, đạn dược tân tiến và tinh thần chiến đấu dũng cảm của quan binh làm nòng cốt cho việc gìn giữ trật tự an ninh trong nước và đẩy lui giặc xâm lăng ngoại bang:

-Tướng giỏi của triều đình nhà Nguyễn dưới thời Tự Đức? Ngoài hai ông Nguyễn Tri Phương và Trương Minh Giảng thì còn ai nữa đâu! Cả một nước mà có tới 2 ông tướng giỏi, có nhiều lắm không? Giỏi ở đây cũng chỉ có thể so đo với các nước láng giềng sát cạnh như Lào, Cao Miên, Tiêm La mà thôi. Binh sĩ của ông hoàng đế tổng tư lệnh quân đội Tự Đức thì sao? Họ chỉ có vẻ uy hùng khi được ban phát áo mũ sum xoe để trình diễn trong các cuộc lễ hội diễn binh chứ ngoài chiến trường thì họ chỉ có biết chạy trốn.

- Súng đạn, tàu chiến thì vào thời Tự Đức có những gì? Có nhiều lắm, do ông cố tiên đế Gia Long để lại và thêm vài chiếc tàu bọc đồng cũ mua lại của ngoại quốc qua các triều đại Minh Mạng, Thiệu Trị, tất cả mọi thứ đều quá xưa cũ cách xa thời Tự Đức gần cả trăm năm! Súng trường trang bị cho binh sĩ đa số là súng mang nhãn hiệu Pháp từ năm 1777 trở về trước và có cả loại súng trường cổ lỗ kiểu châm ngòi lửa của Trung Quốc. Loại súng năm 1777 chỉ bắn xa được 250 mét.

Trong khi các loại súng trường mới lòng có đường vòng khương tuyến của liên quân xâm lược Pháp-Y Pha Nho kiểu năm 1853, 1854, 1857 có tầm bắn xa hiệu quả là 1,200 mét (hơn một cây số ngàn).

Đại pháo lòng không có đường vòng khương tuyến có từ thời Gia Long không thể nào bắn xa như các khẩu đại pháo lòng có vòng khương tuyến của quân xâm lược: trong trận đánh nơi chiến lũy Kỳ Hòa, Charner đã dùng đến ba khẩu đại pháo loại lòng lớn đạn 4 cân Anh (khoảng 2 kí lô)có đường vòng khương tuyến và bốn khẩu trọng pháo lòng lớn có vòng khương tuyến đạn 12 cân Anh (khoảng 6 kí lô) để đánh hạ chiến lũy Kỳ Hòa kiên cố do danh tướng Nguyễn Tri Phương trấn đóng. (A. Schreiner; sách đã dẫn; trang 151).

Hai tác giả Bouianais và Paulus cho biết trong một quyển sách viết chung của họ có tựa đề là L' Indochine française contemporaine, nơi trang 11, thì vào thời điểm trước khi tấn công chiến lũy Kỳ Hòa các khẩu đại pháo lòng 160 ly có vòng khương tuyến, đạn tròn nặng 30 cân Anh (khoảng 15 kí lô đã được quân Pháp-Y Pha Nho bố trí từ những ngày cuối tháng 2 d.l năm 1861.

Các khẩu đại pháo nầy mượn từ các chiến hạm lớn của Charner, mỗi khẩu nặng khoảng 3,500 kilô, có tằm tác xạ hữu ích là 6,250 mét theo một góc độ là 35o. (A. Schreiner; sách đã dẫn; trang 157; phần ghi chú số 2).

Loại đại pháo cổ từ thời Gia Long lòng súng không có vòng khương tuyến, bắn một viên đạn tròn nặng 8 cân Anh (hay 4 kílô) chỉ có một sức bắn xa là 800 mét hay với một góc độ lớn tối đa thì cũng chỉ bắn xa được không quá 1,500 mét; một đại pháo cùng loại nhưng lòng có đường khương tuyến, bắn đi một viên đạn nặng 4 kilô sẽ có tằm tác xạ hữu ích là 3,200 mét(A.Schreiner; trang 151,152) tức là từ đồn Cai Mai (có sách gọi là đồn Cây Mai) quân Pháp có thể di chuyển các khẩu đại pháo nầy đến gần chiến lũy Kỳ Hòa khoảng 3 cây số để dùng cách đánh bắn phá thành lũy trước rồi tung quân tiến chiếm sau (Tiền pháo hậu kích).
-Nội tình an ninh trong nước bất ổn. Giặc thổ phỉ Cờ đen, Cờ Vàng, Cờ trắng đến từ Trung Quốc lộng hành ở Bắc Kỳ (A.Schreiner page 311) khiến cho quan binh triều đình chỉ còn biết quanh quẩn trú an trong thành Hà Nội và các thành quách ở các tỉnh lân cận. Tệ hại hơn nữa là chính quyền Đại Nam ở Bắc Kỳ còn trọng dụng giặc thổ phỉ Cờ đen, thả lỏng cho bọn họ tung hoành nghênh ngang, vơ vét, cướp phá dân chúng khắp nơi. Ba nhóm giặc thổ phỉ nầy là dư đảng của một tổ chức nội phản khởi phát từ năm Kỷ Dậu (niên hiệu Tự Đức thứ 2 / 1849) ở Tỉnh Quảng Tây của Trung Hoa có tên là Thái Bình Thiên Quốc do Hồng Tú Toàn, Dương Tú Thanh, Tiêu Triều Quí, Lý Tú Thành chủ xướng, chiếm giữ vùng Kim Lăng và nhiều tỉnh ở về phía Nam sông Trường (Trường Giang). Triều đình Trung Hoa nhờ có ngoại quốc tiếp tay nên đánh tan nhóm nội phản và bình định các tỉnh phía Nam. Tàn dư của Thái Bình Thiên Quốc gồm có 3 nhóm Cờ Vàng, Cờ Đen, Cờ Trắng, tất cả khoảng 3,000 người do Ngô Côn làm đầu lãnh chạy trốn, tràn sang biên giới phía Nam để bắt đầu cướp phá gây tàn hại cho dân chúng Đại Nam ở các tỉnh giáp giới với Trung Hoa. Sau khi Ngô Côn chết, 3 nhóm giặc Cờ hiềm khích, tranh giành quyền lợi với nhau: ở miền thượng du Bắc Việt thì nhóm thổ phỉ Cờ Đen do Lưu Vĩnh Phúc cầm đầu quấy nhiễu vùng lãnh thổ Lào Cai, và nhóm thổ phỉ Cờ Vàng do Hoàng Sùng Anh cướp bóc mạn Hà Giang. Chính quyền nhà Nguyễn ở Bắc Việt bất lực không thể dẹp yên giặc thổ phỉ ở vùng biên giới cho nên phải chịu liên kết với nhóm Cờ Đen để chống trả nhóm Cờ Vàng, phó mặc vùng Lào Cai cho Lưu Vĩnh Phúc trọn quyền làm chủ và mặc tình vơ vét. Thổ phỉ Trung Hoa hoành hành khắp các miền Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Tàn dư của nhà Hậu Lê là Hoàng Tề lại nổi lên thông đồng với đám cướp biển tàu-ô Trung Quốc cướp phá khắp vùng Quảng Yên và Hải Dương mãi về sau mới bị quân thứ của tỉnh Hải Dương bắn hạ ở huyện Thanh Lâm tuy nhiên giặc tàu-ô vẫn tiếp tục cướp phá ở ngoài biển. Tháng 7 năm Nhâm Thân (1872) triều đình Huế phải cử danh tướng Nguyễn Tri Phương làm Tuyên-sát đổng-sức đại thần ra Bắc lo việc quân cơ và bình định nhưng cũng không đạt được một thành tích khả quan nào.
*
Về thời điểm trao đổi hoà ước ngày 9 tháng 5 âl năm Nhâm Tuất/ niên hiệu Tự Đức thứ 15 tức là ngày 5 tháng 6 d.l năm 1862, trong phiếu trình của Bonard được đăng lại trên tập san Revue Maritime et Coloniale có ghi rõ là phái đoàn sứ Pháp-Y Pha Nho khởi hành từ Sài Gòn ra Đà Nẵng vào ngày 2 tháng 4d.l năm 1863, đến vụng cảng Đà Nẵng ngày 5 tháng 4 dl, và đến kinh đô Huế ngày 10 tháng 4 dl. năm 1863.

Phái đoàn sứ của Pháp gồm có: cầm đầu là đề đốc ủy nhiệm Bonard, thống đốc, chỉ huy trưởng quân đội Pháp ở Nam Kỳ, đại sứ toàn quyền của hoàng đế Napoléon III; đại tá hải-lục quân Reboul, tổng tham mưu trưởng;Tricault, đệ nhị ủy nhiệm thay mặt bộ trưởng bộ Hải quân và Thuộc địa; đại úy hạm trưởng Aubaret, thanh tra trưởng Á Châu sự vụ, đệ tam ủy nhiệm; phó hạm trưởng Buge.

Sứ thần đại diện cho nữ Hoàng Tây Ban Nha là đại tá chỉ huy trưởng đoàn quân viễn chinh Tây Ban Nha Palanca Guitierrez.
*
Về thời điểm trao đổi hoà ước Nhâm Tuất, sử sách Việt Nam ghi chép khác với các sự ghi chép được tìm thấy trong các thư tịch của người Pháp:

Sách Đại Nam Thực Lục Chính Biên và Quốc triều Chánh Biên Toát Yếu ghi chuyện nầy xảy ra trong tháng 2 âm lịch năm Quý Hợi, niên hiệu Tự Đức thứ 16 (1863).

1-/ Sách Đại Nam Thực Lục Chính Biên, ghi chép về những việc trong năm Quý Hợi, niên hiệu Tự Đức thứ 16 (1863):

<< Quý Hợi, Tự Đức thứ 16 (1863) (Thanh, Đồng-trị năm thứ2). Mùa Xuân, tháng Giêng, Tiết Nguyên đán . . .( ĐNTLCB; đệ tứ kỷ; quyển XXVII; trang 5). . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .Tướng nước Phú (tức nước Pháp) cho phái viên đến báo kỳ sứ đến tháng 2 (âl) và phúc tư về điều khoản nên làm trong khi sứ bộ đến>>.

Vua cho là việc dề nghị đó hãy còn chưa thỏa đáng, bèn sai Phạm Phú Thứ sai làm khâm sai đại thần đến nơi hội tề với Phan Thanh Giảng, Lâm Duy Thiếp bàn nói với tướng nước Phú . . ..>> (ĐNTLCB; đã dẫn; trang 6) . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
<< Tháng 2, sứ thần của 2 nước Phú -Lãng-Sa và I-Pha-Nho là bọn Phô-na, Bờ-lăng-ca (đều là tướng kiêm chức sứ thần), đến kinh sư, ở vào quán mới sông Hương (2 chánh sứ, 2 phó sứ, 2 bồi sứ, 2 tham biện, võ chức quản lãnh 4 người, lục sự 2 người, tham tán 1 người, hộ lễ ` người, thông ngôn 1 người, y sinh 1 người, cộng 16 viên danh. Thuyền 5 chiếc, mỗi chiếc quân đi theo hơn 150 người. Khi đến cửa Đà Nẵng Quảng Nam, chỉ đem theo một chiếc thuyền và 100 người lính thôi; đến cửa biển Thuận An, đi bộ đến Kinh . . ..( ĐNTLCB; đã dẫn; trang 9) . . . . . .

2-/Sách Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu viết rõ hơn:

<<Năm Quý Hợi thứ XVI,(1863) tháng Giêng, quan soái Pháp sai người đến báo rằng: trong tháng 2 Annam, Sứ sẽ tới Kinh, và nói những điều khoản sứ bộ nên làm. Ngài xét trong mấy điều khoản, còn có chỗ chưa thỏa, liền sai Phạm Phú Thứ sung khâm sai tới Nam kỳ hội hội với Phan Thanh Giản, Lâm Duy Thiếp để thương thuyết cùng quan soái Pháp, hổ thương xong rồi, thời 3 người đều phải đi trạm về trước cho gắp, đặng sung làm chức tiếp sứ. Đến Gia Định, 3 người hội thương với nguyên soái, trong mấy điều khoản đó, cũng có điều theo tục Đại Pháp, cũng có điều theo lẽ nước ta, đặng tỏ lòng cung kính.; 3 người cùng bàn với Pháp-soái và quan đại thần nước Y-pha-nho hội bàn phép tắc vào chầu thế nào, rồi về tâu trước, Ngài chuẩn y nghị mà làm>> (SQTCBTY; bản dịch; in năm 1925, trang 337).

Trong loạt bài viết Notes pour servir à l'histoire de l'établissement du Protectorat français en Annam của tác giả Lê Thanh Cảnh đăng trên Đô Thành Hiếu Cổ Tập San, số thứ 4/ tháng 10-12/ 1937 (trang 391) cũng ghi vào tháng tháng 2 âl như sau :

<<Réception des Envoyés français et espagnol.

Dans le courant du ler mois de la 16e année de Tự-Đức (1863) (tức tháng Giêng niên hiệu Tự Đức thứ 16) le Commandant en chef français fit annoncer à la Cour l'arrivée des Envoyés français et espagnol pour le deuxième mois, et notifia le protocole — légèrement modifié — de leur réception à Hué. Sa Majesté, peu satisfaite du protocole communiqué, envoya en Cochinchine PHẠM-PHÚ-THỨ pour s'entendre avec PHAN-THANH-GIẢN et LÂM-DUY-HIỆP pour l'établissement d'un nouveau programme de réception des Envoyés.
Après accord avec les Plénipotentiaires français et espagnol, PHẠM-PHÚ-THỨ revint à Hué, avec PHAN-THANH-GIẢN et LÂM-DUY-HIỆP rendre compte à Sa Majesté de láccomplissement de leur mission.

La Cour s'apprêtait alors à recevoir les Plénipotentiaires.

Dans le courant du 2è mois (tức tháng 2 âl), M. BONNARD représentant la France, et M. PALANCA représentant l'Espagne, firent leur entrée dans la Capitale d'Annam (le Commandant en chef français représentaitle Gouvernement français). Ils furent reçus dans le nouveau Hôtel des Ambassadeurs, construit au bord de la Rivière des Parfums>>.
Tạm dịch: <<Trong vòng tháng Giêng niên hiệu Tự Đức thứ 16, viên tư lệnh Pháp (Bonard) tuyên bố là đoàn sứ Pháp và Tây Ban Nha sẽ đến vào tháng thứ hai (ý ở đây là tháng 2 âm lịch chứ không phải tháng 2 dương lịch = Février), và cho biết về nghi thức đã được thay đổi một ít cho thích hợp cho cuộc tiếp đón đoàn sứ tại Huế.

Hoàng thượng không hài lòng với kiểu cách tiếp đón do người Pháp thông báo cho nên lại cử Phạm Phú Thứ vào Nam Kỳ để cùng với Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp để bàn thảo một chương trình bàn thảo về nghi thức đón tiếp đoàn sứ Pháp-Tây Ban Nha.

Sau khi thỏa hiệp với các khâm sứ Pháp và Tây Ban Nha, Phạm Phú Thứ trở về Huế cùng với Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp để tấu trình lên hoàng thượng là họ đã hoàn tất nhiệm vụ giao phó.

Triều đình chuẩn bị tiếp đón đoàn sứ.

Trong vòng tháng thứ hai, ông Bonard đại diện cho Pháp, ông Palanca đại diện cho Tây Ban Nha đến kinh đô của nước An Nam (tổng tư lệnh quân sự Pháp (Bonard) đại diện cho chính phủ nước Pháp). Họ được rước đón và đưa đến Toà dinh tiếp sứ trên bờ sông Hương.>>

A .Schreiner trích dẫn bài viết của Vial về tiến trình trao đổi bản hoà ước năm Nhâm Tuất (5 tháng 6 dl năm 1862) sau khi đã được hoàng đế Pháp quốc, nữ hoàng Y Pha Nho và hoàng đế nước Đại Nam ký phê chuẩn như sau :

<<D'après Vial, le Forbin, parti le 6 Mars, portait la notification de ratifier le traité immédiatement. A la date du 15, la cour demande un dernier délai d'un mois en raison de la fête du sacrifice au ciel et à la terre. Il n'en est guère tenu comte et, le 1er Avril, le Forbin, revenu à Saigon, reçoit à son bord Phan Thanh Giảng et Lâm Duy Hiệp, ainsi que MM. le lieutenat de vaisseau Amirault et le lieutenant d'infanterie espagnol Illana chargé d'accompagner les présents offerts à l'Empereur Tự Đức par LL.MM l'Empereur Napoléon III et la reine Isabelle II. Le 3 Avril, l'amiral Bonard embarque lui même sur la frégate la Sémiramis ayant à bord le contre amiral Jaurès, le bataillon d'infanterie légère qui retounait à Schanghai et le personel de la légation française. La frégate était accompagnée de la corvette à vapeur Cosicao, du steamer Grenada et de la corvette Circé enue des Philipines avec le personel de la légation espagnol.

Le 5 Avril, on mouille sur rade de Tourane et, le jour même l'amiral Jaurès continua sa route vers Schanghai . . . . .

Le 6 on descend à terre. Le 7 on se met en route avec une escorte de 300 soldats annamites et de 400 porteurs. Le 10 vers midi, les légations arrivent à Huế. Après les visites d'usage, les traités ratifiés sont échangés les 13 et 14 Avril. La journée du 15 est marquée par la mort bien regretable de Lâm Duy Hiệp, l'un des deux plénipotentiares annamites. Le Choléra l'avait enlevé en quelques heures. Le 16, les légations sont reçus par Tự Đức.

Le 18 Avril au soir, les légations, ayant termimé leur mission, reprennent le chemin de Tourane par la rivière sur les jonques impériales. Le 19 au matin, elles embarquent à bord du Grenada qui appareille le mêm jour et arrive à Saigon le 22 Avril . . .

A son retour à Saigon, l'amiral Bonard, dont la santé avait été fortement ébranlé par les travaux et les soucis de son gouvernement, remit la direction de la colonie au contre amiral de la Grandière. Le 30 Avril, il fit ses adieux aux officiers réunis dans le salon du gouvernement et leur présenta son remplaçant >> (Vial) ( Shreiner; trang 252, 253)

Tạm dịch:
<<Theo tác giả Vial thì tàu chiến Fobin đã ra đi (từ Sài Gòn ra Huế) từ 6 tháng 3 dl (năm 1863) mang theo bản thông báo về việc phải chuẩn y bản hòa ngay lập tức. Ngày 15, triều đình yêu cầu một gia hạn cuối cùng một tháng để tiến hành lễ hiến tế Trời Đất (Tế Đàn Nam Giao). Lời yêu cầu gia hạn đó không được ưng thuận. Tàu Forbin trở về Sài Gòn, để rồi ngày 1 tháng 4 dl lại chở Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp, cùng với phó hạm trưởng là Amirault, trung úy bộ binh Tây Ban Nha là Illana mang quà cáp của hoàng đế nước Pháp Napoléon III và của nữ hoàng Isabelle II (nữ hoàng nước Tây Ban Nha) ra triều đình Huế để biếu tặng hoàng đế Tự Đức. Ngày 3 tháng 4 dl (ĐTLCB ghi là tháng 2 âl: có thể là táng 2 nhuận mới đúng chăng?) Bonard lên tàu khu trục hạm Sémiramis của phó đề đốc Jaurés có nhiệm vụ chở tiểu đoàn khinh binh của Pháp về Thượng Hải (Trung Quốc) cùng với phái đoàn của Pháp. Khu trục hạm nầy được bảo vệ bởi hộ tống hạm chạy bằng máy hơi nước Cosicao, Grenada và Circé đến từ Phi Luật tân, chuyên chở phái đoàn Tây Ban Nha.

Ngày 5 tháng 4 dl, đoàn tàu (Pháp Tây ban Nha) bỏ neo ở vụng biển Đà Nẵng và cùng ngày hôm đó tàu của phó đề đốc Jaurés tiếp tục hành trình về Thượng Hải . . . .

Ngày 6 thán 4 dl, hai phái đoàn Pháp - Tây Ban Nha lên bộ. Ngày 7 khởi hành bằng đường bộ với 300 lính tập An Nam và 400 trăm phu khuân vác. Trưa ngày 10, phái đoàn tới Huế. Sau những nghi lễ viếng thăm thông thường, là nghi thức trao đổi các bản hòa ước trong 2 ngày 13 và 14. Ngày 15 đáng ghi nhớ vì cái chết rất đáng tiếc của Lâm Duy Hiệp, một trong hai viên toàn quyền đặc sứ. Chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ, bệnh dịch tả đã giết chết ông Hiệp.

Ngày 16 phái đoàn được Tự Đức tiếp kiến.

Vào buổi chiều ngày 18 tháng 4 dl, sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ lại bắt đầu trở ra Đà Nẵng bằng đường sông do các thuyền chiến của triều đình chuyên chở. Sáng ngày 19, đoàn tới vụng Đà Nẵng và lên tàu chiến Grenada đã tới cùng một ngày đợi ở đó và về tới Sài Gòn ngày 22 tháng 4. . . .

Về đến Sài Gòn, Đề đốc Bonard, sức khoẻ suy giảm vì làm việc quá sức với những phiền não gây ra từ chính quyền của ông (ở Sài Gòn), ông trao quyền cai trị lãnh thổ thuộc địa cho phó đề đốc de la Grandière. Ngày 30 tháng 4, ông (Bonard) từ biệt nhân viên viên chức nơi phòng khách dinh toàn quyền và giới thiệu người thay thế ông . . . .>>
*
Tự Đức tiếp kiến các sứ thần ở điện Thái Hoà

Sách Đại Nam Thực Lục ghi chép việc nầy như sau

Chương 22

<<Chuẩn cho sứ thần 2 nước Phú Lang Sa và Y Pha Nho làm lễ triều yết. Trước kỳ 2 sứ thần nước ấy đều đem quốc thư (có đóng dấu ấn của 2 nước) và phẩm vật của 2 vua nước ấy nhờ quan có chức trách dâng lên, lại kính nhận lãnh quốc thư của nước ta. (Ngày đến của biển Thuận An , sứ thần trước hết ủy một viên chức đệ phẩm hạng tới sứ quán kính để đấy. Nước ta sai quan kiểm nhận tiếp đệ hộ đợi cùng với quốc thư (bản hoà ước đã được kiểm nhận = chú giải của VSTK) cùng tiến. Ngày hôm sau ngày đến sứ quán, sứ thần xin dâng quốc thự Viên khâm phái đại thần nước ta đem đồ binh trượng, long đình, tàn lọng nhã nhạc đến tiếp đệ, tiến lên hoàng thượng xem xong, lại rước quốc thư nước ta kính đệ đến nhà sứ quán đúng như nghi thức, giao cho sứ thần ấy kính lãnh). Đến ngày triều yết, vua ngự điện Thái Hòa (đặt nghi lễ đại triều) sứ thần tới sân ra mắt vua. (Hôm ấy đón đến xưởng Hữu tướng quân, những quân theo sứ thần đi, đóng lại ở đấy, sứ thần do cửa Hữu Khuyết vào, đón đến nhà rạp kết hoa nghĩ một lúc để chờ; lại đón vào bệ son đứng vào ban. Ban thứ nhứt 2 viên chánh sứ đứng, ban thứ 2 phó sứ, bồi sứ, tham tán. Đệ nhị ban phó 5 viên đứng, ban thứ 3 tham biện, vỏ quan 6 viên đứng. Trước hết làm lễ vái một vái, đọc lời kính chúc, dịch ra tiếng ta xong, quan bộ Lễ bèn truyền chỉ nói: Hoàng đế rất vui vẻ, tỏ hết hậu tình, gửi lời thăm hoàng đế 2 nước được mạnh giỏi. Tuyên đọc xong lại dịch ra tiếng Pháp cho biết. Sứ thần làm lễ vái ba vái rồi lui ra. Các quan làm lễ triều yết, rồi đưa sứ thần về rạp kết hoa nghĩ một lúc, rồi đón về sứ quán. Làm lễ xong, mời ăn tiệc ở nhà sứ quán, đưa lại tiền bồi thường (đĩnh mười lạng, cộng 13,004 đĩnh, thành 186,111 đồng bạc Tây dương). Các phẩm hạng tặng vua hai nước và tướng sứ trở xuống đều có thứ bậc khác nhau . . .>> (ĐNTLCB/đệ tứ kỷ/ quyển XXVIII; bản dịch; trang 10-11).

Đoàn Thọ, Phan Thanh Giản, Trần Tiễn Thành, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Quan, Đặng Hạnh, Phạm Ý, Lê Tuấn tất cả đều bị Tự Đức trách phạt vì không lập được công trạng gì trong cuộc thương thuyết với người Pháp-Tây Ban Nha.
*
Năm Quý Hợi, tháng 3 âl, Tự Đức thứ 16 (1863), Nguyễn Trường Tộ trao cho Trần Tiễn Thành một bản trần tình kèm theo 3 lá thư luận bàn khác nhau với 3 tiêu đề:

1/- Thiên Hạ Đại Thế Luận.
2/-Tế Cấp Luận.
3/-Giáo Môn Luận.

Bản trần tình và 3 lá thư nầy có ý tỏ rõ tâm sự, giải thích lý do tại sao Tộ làm việc cho người Pháp và đồng thời cũng xin triều đình sửa đổi chính sách cai trị cho hợp với thời thế mới. (Xin đọc:Nguyễn Công Tánh; VSTKCGKL; V; chú giải 12 và 13 từ trang 1516 đến 1533 về Trần Tiễn Thành và Nguyễn Trường Tộ).
*
Quý Hợi, tháng 3 â.l, Tự Đức thứ 16 (1863), sau khi tiến hành lễ trao đổi hiệp ước năm Nhâm Tuất đã ký ngày 5 tháng 6 d.l năm 1862, triều đình cử một phái đoàn do Phan Thanh Giản cầm đầu vào Gia Định bàn định việc quân Pháp trao trả lại cho triều đình Huế tỉnh Vĩnh Long.

Về việc nầy sách Đại Nam Thực Lục Chính Biên (ĐNTLCB) của nhà Nguyễn viết như sau:

<<Sứ 2 nước Phú và Y về Gia Định. Vua sai Phan Thanh Giản cùng đi. Khi ấy sứ thần nói: về lần nầy sẽ giao trả Vĩnh Long, nên sai cùng đi, để giao nhận cho xong việc trước.
Vua lại bảo Thanh Giản rằng: trong thư nghị hòa có nói: khi nước có việc hoãn cấp, họ cũng cùng phải giúp ta. Mới đây, miền Bắc, bọn giặc ở sông nước (giặc biển Hải-Yên ở miền Bắc; xem chú thích (6);VSTKCGKL;VI;trang 1704) từng thuê tàu của Tây Dương, ở miền Nam, Cao Miên làm ngăn trở@, cũng nghe tin là viên tướng ấy chủ trương sai bảo. Nếu không có việc ấy, nên khéo nói với họ, làm thế nào để cùng giúp cho nhau, đó cũng là một chước hay để yên cõi ven vậy. Lại, 3 tỉnh nay đã về tay họ rồi, nên bàn đến việc đường trạm, cho đường xá đi được đều nhau. Đến cả sự lệ việc thông thương ở cả 3 cửa biển, cũng nên định rõ. Trong ngoài 1 tháng phải làm cho xong rồi về Kinh. . . >>(ĐTLCB; q. XXVIII; trang 11).
---------
@ Ở miền Nam, Cao Miên làm ngăn trở: ở đây Tự Đức muốn đề cập đến việc quân xâm lược Pháp dành quyền bảo hộ của triều đình Huế đối với nước Cao Miên. Không thấy sử sách của nhà Nguyễn viết rõ về việc nầy.

Trước ngày quân xâm lược Pháp đặt chân lên nước Đại Nam, nước Cao Miên (Cambodge) có lúc là một nước chư hầu, có lúc là một nước dưới quyền đô hộ của nước An Nam hoặc của nước Xiêm (Thái Lan) nhưng hầu như chịu ảnh hưởng đô hộ của người Xiêm nhiều hơn. Một viên quan của triều đình Bangkok nước Xiêm đóng trụ sở ở thủ đô mới của nước Cao Miên là Oudong để lãnh trách nhiệm đô hộ nước nầy.

Từ năm 1812 (niên hiệu Gia Long thứ 11) người Xiêm đã từng đem quân xâm lăng và chiếm đóng cựu thủ đô Angkor và tỉnh Battambang của Cao Miên với lý do trá ngụy là yểm trợ cho vua lưu vong Nặc Ong Nguyên trở về tranh ngôi báu với vua em là Nặc Ong Chân.

Người Xiêm tiếp tục xâm lấn để chiếm thêm 2 tỉnh Toulé-Repou và Mouley-Prey của Cao Miên khiến Nặc Ong Chân phải bỏ thành La Bích (Loveak, một trong những kinh đô ngày xưa của Cao Miên) chạy sang Gia Định và cầu cứu với chính quyền Việt Nam (Việt Nam là quốc hiệu nước Đại Việt của triều đại hoàng đế Gia Long). Quân Xiêm bắt giữ kiều dân Đại Nam ở đất Chân Lạp. Tướng Việt Nam giữ đồn Tân Châu là Trần Văn Năng viết thư trách cứ. Tướng Xiêm đem những kiều dân Việt Nam và một số thuyền bị quân Xiêm bắt giữ trao trả lại cho Việt Nam.

Tháng 6 âl năm Nhâm Thân (1812), vì bị áp lực của quân Miến Điện gây hấn, vua Xiêm ra lệnh rút binh ở Chân Lập về nước rồi sai sứ sang triều cống hoàng đế Gia Long để giải thích việc đem quân vào Chân Lập là nhằm mục đích làm cho anh em họ Nặc Ong không tranh chấp quyền lực lẫn nhau rồi đề nghị đễ quân Xiêm hợp đồng với quân Việt Nam đưa Nặc Ong Chân trở lại Chân Lập. Hoàng đế Việt Nam gởi lời quở trách vua Xiêm vô cớ đem quân Xiêm vào nước Chân Lập và dọa sẽ yểm trợ đưa Nặc Ong Chân trở lại ngôi vua nước Chân Lập mặc dù sau nầy vua Xiêm tráo trở, lừa dối, thất tín. Mặt khác, lại vỗ về, khuyên lơn, giải thích cho Nặc Ong Chân yên tâm về việc hợp đồng với quân Xiêm.

Năm Quý Dậu, Gia Long năm thứ 12 (1813), tháng 2 â.l, Triều đình Huế truyền lệnh cho Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt và Hiệp trấn Ngô Nhân Tỉnh phát 13,000 thủy binh Việt Nam đưa Nặc Ong Chân và các gia thần từ Gia Định trở về thành Lô Vét (La Bích hay Loveak ở Chân Lập). Viện trợ thêm cho Nặc Ong Chân 3,500 lượng bạc, 5,000 quan tiền và hàng chục ngàn hộc thóc (hộc: một loại đơn vị cân đong lúa gạo). Vì quân Xiêm vẫn còn đóng trên đất Chân Lập, với ý định chia cắt đất Chân Lập bằng cách chiếm Battambang giao cho Nặc Ong Nguyên ở Oudong, hoàng đế Gia Long theo lời cố vấn của Lê Văn Duyệt cho phép quân Việt Nam xây đắp thành Nam Vang (Phnom Penh) cho Nặc Ong Chân ở, tăng cường thành La Bích để trữ lương rồi chỉ lưu một số ít quân binh Việt Nam ở lại Nam Vang để bảo hộ Chân Lạp, còn đại binh của Lê Văn Duyệt thì rút về Gia Định. Lại viết thơ trách cứ vua Xiêm khiến vua Xiêm cũng phải ra lệnh quân Xiêm rời khỏi Battambang. (xin xem lại VSTKCGKL.III; trang 1027, 1028, 1029; đã phát hành năm 2003). Kể từ lúc đó, trên thực tế nước Cao Miên kể như bị chia đôi, một nửa gọi là Cao Miên Thượng do chính vương Nặc Ong Nguyên ở Oudong cai trị dưới quyền đô hộ của quân Xiêm và một nửa gọi là Cao Miên Hạ do phó vương Nặc Ong Chân cai trị ở Phnom Penh dưới quyền đô hộ của quan quân triều đình nước Đại Nam. Vua nước Cao Miên Hạ Nặc Ong Chân mất không con trai nối nghiệp. Minh Mạng cho quan triều đình Việt Nam gốc Chân Lập là Trà Long và La Kiên lãnh quyền cai trị Cao Miên Hạ dưới quyền kiểm soát của quan đô hộ Việt Nam là Trương Minh Giảng và Lê Đại Cương. Theo lời đề nghị của Trương Minh Giảng, Minh mạng chấp thuận đặt một người Chân Lập bản xứ là Nhâm Vu cùng nắm quyền nhiếp chính cai trị, chia Cao Miên Hạ thành thành 33 phủ của nước Đại Nam. Năm Ất Mùi, Minh Mạng năm thứ 16, tháng 3 âl (1835), xây đắp thành Trấn Tây để cho quân binh bảo hộ của Việt Nam trú đóng, bờ thành cao 9 thước 9 tấc, bề dầy chân thành 1 trượng 8 thước, tường thành dầy 3 thước 6 tấc, 4 hào thành phía ngoài mỗi hào rộng 3 trượng 1 thước 5 tấc; riêng hào trước cửa thành rộng 5 trượng 8 thước 5 tấc. Tất cả hào lũy đều sâu 1 trượng. (VSTKCGKL.IV; trang 1193).

Sai lập miếu thờ quốc vương Chân Lập. Nhân dịp nầy, Minh Mạng dụ nội các rằng:

<<Chân Lập làm triều thần nước ta đã hơn trăm năm, tiến cống cẩn thận. Triều đình cư xử như là một nước phụ thuộc, gây dựng cho nhiều. Tuy nhiên, vua cũ nước nầy là Nặc Ong Chân yếu kém không thể tự lực tự cường. Trong khoảng những niên hiệu Gia Long, có lần đã bị giặc Xiêm xâm chiếm, Ong Chân đã phải bỏ nước Chân Lập trốn đi, đến ở thành Gia Định cũ, đất nước đã không còn là của họ nữa. Hoàng khảo Thế Tổ Cao hoàng đế nước ta (Gia Long Nguyễn Phúc Ánh) vì thương xót cho họ đã có lòng thành thần phục nên đã nhiều đời sai tướng ra quân đánh tan giặc Xiêm, lấy lại nước ấy rồi phong vương tước cho Ong Chân, cho họ giữ lấy bờ cõi, không nỡ sáp nhập nước ấy làm thành quận huyện của Việt Nam. Tuy nhiên, đương sự (Nặc Ong Chân) từ đó chỉ biết phung phí hưởng thụ, bỏ lơi việc nước. Vào niên hiệu Minh Mạng thứ 14 (1833), giặc Xiêm lại ngầm đánh úp, Ong Chân lại chạy trốn đến tỉnh Vĩnh Long, và như vậy lãnh thổ và nhân dân Chân Lập lại không còn là của đương sự nữa. Ta đã cử đại quân đánh tan giặc Xiêm, đuổi chúng ra khỏi bờ cõi, lấy lại thành quách, chiêu tập nhân dân. Lúc ấy đem nước đó làm thành quận huyện, thì là ta lấy được của người Xiêm chứ không phải lấy của Chân Lập. Nhưng nghĩ rằng quốc vương nước đó hãy còn và có thể cố gắng cho nên lại cho giữ lấy nước, chỉ đặt quân tướng tham tán để bảo hộ, mong rằng đương sự đời làm phên dậu, lâu chịu ơn yêu quý. Nào ngờ, quốc vương kia chết đi, lại không có con trai nối nghiệp, đó là do ý trời chứ không phải ý người tạo ra. Nếu không xử trí trước thì nhất định giặc Xiêm lại nhân lúc sơ hở đến quấy rối thì nhân dân một hạt không khỏi lại bị lầm than. Vì thế mới sai đặt quận huyện, đặt lưu quan để cai trị đất ấy, khiến cho người Xiêm phải sợ mà không còn dám đến xâm lấn mà nhân dân hạt ấy mới được cùng yên ngủ trong chăn chiếu vậy. Nay quốc vương kia để lại con gái còn bé là Ngọc Văn cho nên phong làm quận chúa, Ngọc Biện thì phong làm huyện quân, hậu ban bổng lộc, cho họ được nương nhờ. Các thổ mục của nước đó cùng được tùy theo tài cán bà bổ dụng, dân Chân Lập cũng được đối xử y như là dân kinh Việt Nam. Triều đình làm như thế là chính đại quang minh. Quốc vương kia dưới chín suối nếu có thiêng thì cũng nên cám ơn mà không ân hận gì. Ta lại nghĩ rằng nước ấy dù rằng đời đời không có vua nhân tài, công đức với dân nhưng vì từ trước đã từ làm quân trưởng một nước thuộc quốc. Nay đã sáp nhập vào bản đồ nước ta, thì việc đèn hương tuế thời thờ cúng cho quốc vương đó không nỡ lại để cho nguội lạnh, khiến linh hồn không chỗ nương tựa sao? Vậy sai Ty có chức trách chọn đất lập miếu ở kinh thành, bày thờ thần vị các quốc vương chân Lập đã quá cố, tuế thời cúng tế, để tỏ rõ đạo Ưu hậu. >> (ĐNTLCB; Đệ nhị kỷ; trang 145)

Tháng 8 âl năm Canh Tý, niên hiệu Minh Mạng thứ 21 (1840), thuyên chuyển Mỹ Lâm quận chúa, Thâu Trung huyện quân Ngọc Thu, Tập Ninh huyện quân Ngọc Nguyên đến ở Gia Định. Lý do thuyên chuyển: Ngọc Biện ngầm liên hệ với một người Miên tên Mao (là cậu của Ngọc Biện). Ngọc Biện bị bắt giam, tước bỏ tước hàm huyện quân. Sau đó cùng với Mao bị xử chém. Lính và dân Miên (Chân Lập) ở thành Trấn Tây do huyện úy huyện Thái Thịnh, phủ Ninh Thái là Tùng Hiên và huyện úy huyện Thượng Phong, Phủ Nghi Hòa là Đào Vân cầm đầu nổi loạn vì chuyện Ngọc Biện bị triều đình xử chém. Tùng Hiên nguyên ngày trước là kẻ theo hầu Ngọc Biện.

Tháng 9 âl, người Miên ở phủ Tỉnh Biên tỉnh Hà Tiên nổi loạn đánh hãm đồn Châu Nham.
Người Miên loạn khắp nơi, lan tràn ra Hà Tiên, Gia Định, Định Tường, nơi nơi đều có biến động, chỗ nhiều thì 1, 2 ngàn người, chỗ ít cũng không dưới vài trăm người, hoặc đánh phá đồn binh hoặc mặt thủy, bộ giết hại dân Việt Nam chính gốc, quan binh triều đình địa phương bình định, đánh dẹp không dứt.Minh Mạng bảo với triều thần rằng:

<<Trước đây Trương Minh Giảng thường nói với ta là người Chân Lập phần nhiều chất phác thực thà có thể tin cậy được, có phần hơn người Thổ ở Bắc Kỳ. Ta cho là không phải. Thực ra người Thổ ở Bắc Kỳ còn có người biết chữ nghĩa, thạo tiếng người kinh, còn có thể lấy nghĩa lý hiểu bảo được. Còn như người Chân Lập thì ù lì như viên đất không biết gì, lại phần nhiều giảo quyệt dối trá, dù có kề sát tai mà nói cho biết cũng không thể được Ta đã dự tín sẽ có ngày nầy từ lâu rồi. Rất may là hiện nay nước nhà cường thịnh, binh ít thì lấy thêm, lương thiếu thì tăng thêm, nhất định phải có một phen khó nhọc mới có thể vỗ yên được. Việc gian nan to lớn như thế thà rằng xảy ra trong thời đại của ta, không nên để lại cho con cháu đời sau giải quyết.>>(ĐNTLCB đã dẫn; trang 361,362 và VSTKCGKL.IV; trang 1227,1228,1229,1231).

Dưới thời đại Thiệu Trị, người Cao Miên ở Trấn Tây (Phnom Penh) thường nổi dậy đánh phá quân đô hộ của triều đình nước Đại Nam. Tháng Giêng, năm Tân Sửu (1841), Thiệu Trị lên ngôi hoàng đế tại điện Thái Hòa, đổi niên hiệu là Thiệu Trị. Để lấy lòng người dân Cao Miên, tháng 2 âm lịch (1841), Thiệu Trị dựng miếu thờ quốc vương Cao Miên ở xã Dương Xuân, mỗi năm cứ đến mùa Xuân, mùa Thu thì làm lễ. Lệ tế và đồ thờ cũng cũng giống như miếu thờ quốc vương Chiêm Thành. Theo lời trình tấu của kinh lược Phạm Văn Điển và tướng quân Trương Minh Giảng, tha quận chúa nước Cao Miên là Ngọc Vân, huyện quân là Ngọc Thu và Ngọc Nguyên về thành Trấn Tây.

Tháng 3 âl/ nhuận (1841), dân Cao Miên ở tỉnh Vĩnh Long đánh phá phủ Lạc Hóa. Sai Bùi Công Huyên đem quân bình định.

Tháng 4 âl, sai tham tán Trấn Tây Nguyễn Tiến Lâm đi giúp Nguyễn Tri Phương dẹp loạn người Miên ở Ba Xuyên và Lạc Hóa. Nguyễn Tri Phương phá tan loạn người Miên ở Trà Tâm, Sóc Trăng và Tượng Sơn. Người Miên ở phủ Lạc Hóa lại vây đánh đồn Nguyệt Lảng. Bùi Công Huyên đem quân tiểu trừ. Loạn quân người Miên thua chạy tan. Tháng 5 âl, theo lời tấu trình của Nguyễn Công Trứ, tha cho tên Yểm cho về Trấn Tây để chiêu dụ dân Miên. Ngày trước, khi người Miên tên là Yểm quy thuận, họ hàng thân thuộc đến hơn 9,000 người đều bị phân tán khắp các tỉnh ở Nam Kỳ, nay cũng tha, cho được đoàn tụ với nhau. Gia sản của Yểm đều được trả lại đầy đủ ngoại trừ súng óng và đồ binh khí thì phải bỏ vào làm của công. Con trai của Yểm tên là Bướm vẫn bị an trí ở Khánh Hòa.

Bàn định cùng đình thần về việc người Xiêm La (Thái Lan gây hấn, xúi giục dân Cao Miên tạo loạn ở Trấn Tây.
Tháng 8 âl (1841, Thiệu Trị khiến các quan đại thần viện Cơ Mật tìm biện pháp giải quyết vấn đề giặc loạn ở Trấn Tây. Viện Cơ Mật hỏi ý kiến các tướng lãnh ở Trấn Tây là Phạm Văn Điển, Trương Minh Giảng, Nguyễn Công Trứ, Đoàn Văn Sách, Nguyễn Công Nhàn, Cao Hữu Dực: những tướng nầy đề nghị rút hết quân Đại Nam ở thành Trấn Tây về An Giang để cho binh lính được đỡ nhọc và dân chúng ở Nam Kỳ cũng được nghỉ ngơi. Triều thần cũng đề nghị rút quân. Thiệu Trị đồng ý cho rút quân.
Tháng 9 âl (1841), quan quân ở Trấn Tây lui về An Giang; ngày về tới đó, Trương Minh Giảng mất. Thiệu Trị định tội các tướng lãnh đã bất lực làm mất thành Trấn Tây. Bộ Hình đệ án tâu lên, khép Cao Hữu Dực, Phạm Văn Điển và Nguyễn Công Trứ vào tội trảm giam hậu (án treo); từ Lê Văn Đức và Nguyễn Tiến Lâm trở xuống cứ theo thứ tự mà giảm tội dần. Nguyễn Tiến Lâm và Nguyễn Tri Phương đem quân tới Hậu Giang đánh phá loạn quân ở các sóc, đánh chiếm được 5 đồn sở, người Hán, người Hoa xin hàng 88 người. Tiếp tục truy kích loạn quân ở sóc Trà Điêu, bắt được 25 loạn quân người nhà Thanh và 1 loạn quân người Miên.
Tháng 12 âl, có người tự xưng là con của Anh Duệ hoàng thái tử ( Anh Duệ tức hoàng thái tử Nguyễn Phúc Cảnh con trai trưởng của hoàng đế Gia Long ở thành Nam Vang (Phnom Penh) tụ họp những quân Xiêm, Lào, Hán, Miên đến vài ngàn người. Dân giang hồ tứ chiến kéo theo rất đông. Vì thế Nguyễn Công Trứ, Đoàn Văn Sách và Nguyễn Công Nhàn đắp 2 đồn phòng thủ ở biên giới Việt Miên để giữ Hà Tiên và Vĩnh Tế. Vua Thiệu Trị không hài lòng về việc đắp đồn nầỵ.

Năm Nhâm Dần, Thiệu Trị thứ 2, tháng Giêng (1842), thủy binh Xiêm quấy rối vùng biển Hà Tiên triều đình cho rằng không đáng chú tâm vì quân Xiêm không có khả năng gây chiến với Đại Nam. Quân Xiêm lại tiếp tục quấy rối vùng biển đảo Phú Quốc. Sai Nguyễn Công Trứ đem quân đánh dẹp. Tháng 2 âl, triều thần báo cáo việc quân Xiêm cùng quân Miên đánh phá vùng biển Quảng Biên thuộc Hà Tiên. Sai Lê Văn Đức thống lãnh quân binh cùng với các tướng Lê Văn Phú, Tôn Thất Tường, Lê Khắc Nhượng đem binh thuyền từ kinh đô Phú Xuân đến Gia Định, hợp đồng với quân binh của Quảng Nam, Quảng Ngãi đi đánh dẹp quân Xiêm. Sai Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Tiến Lâm đón đánh quân Xiêm-Miên ở Tiền Giang, Nguyễn Công Trứ cùng với Nguyễn Công Nhàn giữ mặt Vĩnh Tế, Phạm Văn Điển và Nguyễn Lương Nhân đón đánh tại Hậu Giang. Ba đạo quân từ 3 mặt cùng tiến đánh, quân Xiêm cùng giặc Miên bị đánh tan phải chạy rút về Trấn Tây. Tháng 6 âl (1842), một số dân người Cao Miên không chịu sự xâm lăng và thống trị quân Xiêm trước đây đã bỏ trốn vào rừng nay các thổ mục của họ tỏ ý với chức quyền Đại Nam xin giúp để họ trở về nước cũ. Sai tổng đốc Nguyễn Tri Phương và tuần phủ Doãn Uẩn vỗ về, thu phục nhóm người Miên nầy để dùng họ trong việc cai trị ở thành Trấn Tây trong tương lai. Tháng 8 âl, ra lệnh chuẩn bị quân binh để đánh Trấn Tây theo lời trình tấu và đề nghị của Nguyễn Tri Phương và Doãn Uẩn. Tháng 10 âl, sai văn võ đại thần duyệt bàn tình hình biên giới xứ Trấn Tây.
Năm Ất Tỵ, Thiệu Trị thứ 5, tháng 6 (1845), Tuần Phủ An Giang là Doãn Uẩn cùng với đề đốc Nguyễn Văn Hoàng chia đường tiến đánh vào nước Chân Lập: quân của Doãn Uẩn hợp với quan binh Định Tường hạ được 2 đồn Thị Đam, Vịnh Bích. Đạo quân của Nguyễn Văn Hoàng phối hợp với quan binh An Giang và Vĩnh Long tiến đánh Tầm Bồn (Battambang), quân Chân Lập bỏ đồn chạy. Thu được rất nhiều thuyền bè, khí giới. Truyền dụ cho Võ Văn Giải, Tôn Thất Bạch và Tôn Thất Nghị ở Gia Định hội đồng với quan binh của Nguyễn Tri Phương ở An Giang để tiến đánh Chân Lập. Doãn Uẩn phá tan quân Chân Lập tại một vùng sông ở Sách Sô rồi tiến đến Bang Chích, đắp đồn đóng giữ. Tháng 7 âl (1845), Nguyễn Tri Phương và Tôn Thất Nghị đưa quân đến Ba Nam, cho người đi chiêu dụ quân Chân Lập nhưng họ không chịu đầu hàng mà còn làm đồn, đắp lũy ở thượng lưu vùng sông chạy ngang đến đồn Thiết Thằng (đồn nầy giăng dây sắt nên gọi là Thiết Thằng) để giữ thành Nam Vang. Quan binh triều đình không thể tiến binh, vua Thiệu Trị ra lệnh đánh gắp. Quân đoàn của Nguyễn Tri Phương và Doãn Uẩn ở Ba Nam tiến đánh và hạ được đồn Thiết Thằng của quân Chân Lập rồi tiến chiếm luôn thành Trấn Tây (tức thành Nam Vang /Phnom Penh). Từ Gia Định, Võ Văn Giải báo trình tin thắng trận về kinh đô Phú Xuân. Vua liền phái Võ Văn Giải đến Trấn Tây để ủy lạo và ban thưởng cho các quan binh. Truyền dụ cho Nguyễn Tri Phương và Doãn Uẩn tiếp tục đưa quân tới Vĩnh Long để truy kích và tảo thanh tàn quân của Chân Lập. Cũng sai Võ Văn Giai, Tôn Thất Bạch và Nguyễn Văn Hoàng hành quân chiêu hồi trong các vùng đất Chân Lập vừa tái chiếm. Ai ra đầu thú mà bắt được quân Xiêm trên đất Chân Lạp để giải nạp cho quan binh của nước Đại Nam thì được thưởng và khỏi tội. Thổ mục và Thổ dân người Chân Lập đem nhau ra đầu thú hơn 23,000 người. Họ đều nói bị quân Xiêm ức hiếp áp chế nên phải nghe theo Võ Văn Giải trình tấu xin đặt Nặc Ong Bướm (con của Nặc Ong Yêm) là quốc trưởng Cao Miên, phái quân của Đại Nam giám sát, lấy Vĩnh Long làm nơi sở tại để quân triều đình đóng giữ ở đấy. Triều thần bàn định không chấp nhận giải pháp của Võ Văn Giải và đề nghị chia đất Cao Miên thành phủ, huyện rồi giao cho các thổ mục người Chân Lập đã theo về với triều đình giống như trường hợp của Trà Long, Nhâm Vu để cai trị dân Chân Lập. Đề nghị nầy của triều thần được chấp thuận.

Tháng 9 âl (1845), Nguyễn Tri Phương và Doãn Uẩn đem quân tới Vĩnh Long, loạn quân kháng cự mạnh, quan binh không thể tiến tới được bằng đường sông. Nguyễn Tri Phương liền ra lệnh cho quân binh bỏ thuyền lên bộ tấn công ào ạt, loạn quân vỡ thua, Nặc Ong Đôn và tướng Xiêm Chất Tri rút quân lui giữ thành U Đông. Bổ dụng Nặc Ong Bướm làm tuyên phủ sứ vì đã theo về với quan binh Đại Nam và có công trong chiến dịch chiêu dụ người Chân Lập. Thành U Đông bị quân Đại Nam vây rất ngặt. Tướng Xiêm là Chất Tri hai ba lần sai người mang thư đến trại quân của Võ Văn Giai xin hòa. Triều thần nghị bàn đề nghị chấp thuận với điều kiện Nặc Ong Đôn phải ra đầu thú và nước Xiêm phải ký hòa ước với Đại Nam. Nguyễn Tri Phương tạm ngưng tấn công thành U Đông và ra kỳ hạn cho Chân Lập và Xiêm La đến ký hòa ước.

Tháng 10 âl, Nguyễn Tri Phương và Doãn Uẩn đề nghị chọn 20 người Chân Lập tài giỏi vừa mới đầu phục trong thành Trấn Tây, cho họ giữ các chức phủ úy và huyện úy (6 phủ và 14 huyện) để họ chiêu dụ dân Chân Lập. Vua chuẩn y. Tướng Xiêm Chất Tri sai hẹn hội ước và tiếp tục cố thủ thành U Đông. Nguyễn Tri Phương và Doãn Uẩn liền ra lệnh tiến đánh giết chết hơn trăm quân địch, trong số đó một nửa là quân Xiêm. Quân Xiêm-Miên cố thủ và phản công. Cả hai bên đều bị thiệt hại. Nguyễn Tri Phương xin viện binh tăng cường. Triều đình gửi thêm viện binh: cho thự đề đốc Vĩnh Long-Định Tường Ngô Văn Giai đến Trấn Tây hội đồng với Tôn Thất Bạch tham biện công việc, sai Nguyễn Văng Hoàng đi Vĩnh Long hợp cùng Lê Văn Phú và Doãn Uẩn đốc quân đánh dẹp. Lãnh binh An Giang là Lê Đình Lý cũng được sai đến Trấn Tây để phòng sai phái.

Tháng 11 âl (1845), chỉ thị cho Nguyễn Tri Phương nên cứu xét để ký hòa ước với quân Xiêm và Chân Lập nếu họ thực lòng cầu hòa, nếu không thì thì phải tiến đánh nhanh chóng cho xong việc. Sau đó Chất Tri lại cho người đến xin ước hội. Quân Xiêm dựng một nhà lợp tranh nơi địa điểm hai bên gặp nhau. Nguyễn Tri Phương và Doãn Uẩn dẫn quân hộ vệ đến hội quán rồi từ của bên trái đi vào. Chất Tri xuống voi, đi chân không, bỏ hết nghi thức của người Xiêm rồi từ cửa bên phải đi vào làm lễ vái chào. Hai bên ký hòa ước nhưng buộc Nặc Ong Đôn phải đích thân dâng thư xin nhận tội. Ngày hôm sau, Ong Đôn cho người mang thư đến cửa quân xin nhận tội để chuyển về kinh thành cứu xét, được chấp nhận. Tuy nhiên, vẫn không nhận được thư chính thức của Chất Tri. Rồi quân Xiêm tự ý triệt đồn lui quân. Lệnh cho Nguyễn Tri Phương lui quân về thành Trấn Tây, Ngô Văn Giai về An Giang, Tôn Thất Bạch về Gia Định.

Năm Bính Ngọ, Thiệu Trị năm thứ 6 (1846), tháng Giêng, tướng Võ Văn Giai tha cho mẹ của Nặc Ong Đôn về Cao Miên còn vợ và cháu của đương sự, đợi cho đến sau khi Chất Tri về nước Xiêm rồi sẽ tha về với Ong Đôn. Tháng 11 âl (1846), tướng Chất Tri lần lữa lấy cớ, ra kỳ hạn một tháng để chờ thư của vua Xiêm, chưa chịu chịu rút quân Xiêm ra khỏi thành U Đông. Sau Chất Tri đó lại yêu cầu xin cho Nặc Ông Đôn đến đầu thú trước và thư của vua Xiêm sẽ nộp sau. Tháng 12 âl (1846), Chân Lập Nặc Ong Đôn sai bầy tôi là Ốc Nha Lịch, Y Giá Non, Ốc Nha Bô, Na Đốc Côi, Ốc Nha Thôn, Na Tiếp Bà Đê Đột đem bài biểu và lễ vật tới Trấn Tây để gởi về kinh đô xin thần phục, được chấp nhận.

Tháng 2 âl năm Đinh Mùi (trong khoảng tháng 3dl và tháng 4 dl năm 1847), sứ Cao Miên làm lễ triều cống. Truyền chỉ cho bộ Lễ điều tra hỏi han để xem người Cao Miên đã thực lòng thần phục triều đình Đại Nam hay chưa. Hỏi đến đâu, sứ Cao Miên nói đến đó, không ngần ngại chút nào, xét thấy lời lẽ của họ chân thành, cho nên không còn nghi ngờ người Cao Miên nữa. Phong cho Nặc Ong Đôn làm Cao Miên quốc vương, Mỹ Lâm quận chúa Ngọc Vân làm Cao Miên quận chúa. Sai bố chính tỉnh Gia Định là Lê Khắc Nhượng cùng với Nguyễn Tiến Hội và Hoàng Thu làm khâm sứ sang thành Oudong làm lễ tuyên phong cho Ong Đôn và Ngọc Vân. Thưởng công cho các quan đại thần ở Trấn Tây.

Tháng 12 â.l năm Tân Dậu, niên hiệu Tự Đức thứ 14 (tháng 1 d.l/1861), để trả thù về cái chết của Barbet, Ariès mở một cuộc hành quân lớn tấn công vào các phòng tuyến của chiến lũy Chí Hòa nhưng bị quan binh triều đình chống trả mãnh liệt, hơn 130 quân Pháp bị chết tại trận. Sau trận đánh nầy, phó đô đốc hải quân Charner và thiếu tướng Vassoigne được chính quyền Pháp phái sang, mang theo 3,000 quân tăng viện và một hạm đội tàu chiến hùng hậu.

Vua Cao Miên (Chân Lập) Nặc Ong Đôn (sử cũ viết là man tù Xá Ong Giun) chết năm 1860 tức năm Canh Thân, tháng 11 â.l/ niên hiệu Tự Đức thứ 13 (ĐNTLCB; quyển XXIII đã dẫn; trang 166), con trai trưởng là Norodom kế vị.

Tân Dậu, Tự Đức thứ 14, tháng Giêng (7 tháng 2 d.l/1861), soái hạm Impératrice-Eugénie của Charner thả neo trên sông Sài Gòn (sông Tân Bình). Sau khi đánh chiếm đại đồn Chí Hòa và truy kích quân triều đình chạy về Biên Hòa Charner phái phó thuyền trưởng Lespès mang qua cáp và một lá thư đề ngày 24/ 3 d.l/ 1861 sang chiêu dụ vua Cao Miên Norodom đệ I. Norodom liền cử một sứ đoàn 80 người mang lễ vật sang gặp Charner để xin giao hảo với người Pháp. Việc nầy được A. Schreiner viết lại như sau:

En fin, au roi du Cambodge, l'amiral fit parvenir des présents et une lettre (24 mars 1861). Le lieutenant de vaisseau Lespès, qui avait pris une part des plus actives à la campagne, fu chargé de la mission; il se rendit à Kampot avec l'aviso le Norzagaray qu'il commandait. Voici la teneur du pli:

<<Les derniers événements de la Cochinchine sont parvenus à la connaissance de Votre Majesté. Ell sait que les troupes franco-espagnoles ont chassé les Annamites des lignes de Chí-Hòa, que Saigon est dégagé et qua l'armée ennemie vaincue s'est dispersée dans toutes les directions. Les populations des environs, à de grandes distances, sont venues faire leur soumission et accepter la protection qui leur était offerte.
L'intention de la France est de conserver sa conquête, de fonder dans la Basse-Cochinchine une colonie et d'y apporter tous les bienfaits de la civilisation européenne. Le Cambodge a toujors eu avec la France des relations d'amitié. J'espère que nos rapports, en devenant plus fréquent, deviendront aussi plus intimes.

Comme commandant des forces de terre et de mer en Cochichine, et comme représentant de la France, je viens assurer Votre Majesté de nos meilleures intentions à l'égard du royaume du Cambodge et répondre aux avances de paix et d'amitié que le Roi, votre père, Sire, a souvent faites au représentant du noble Empereur des Français à Saigon.
J'ai l'honneur d'informer aussi Votre Majesté que je compte, dans un temps peu éloigné, porter nos forces sur Mỷ Tho et m'emparer de cette place, dernière défense des Annamites vers le Cambodge.

Le commandant de l'aviso de sa Majesté Impériale, le Norzagaray, porra entrer en communication avec Votre Majesté, si tel ait son désir.
J'offre à Votre Majesté . . . .>>

Cette démarche auprès du souverain cambodgien eut un sucès complet. Le Roi Norodom répondit par des présents et l'envoi d'une ambassade de quatre-vingts personnes (nous en parlerons plus loin). (A.Schreiner; đã dẫn; trang 183)

Tạm dịch: Sau cùng, đối với vua Cao Miên, viên đề đốc đã gởi qua cáp và một lá thư (đề ngày 24 tháng 3 năm 1062). Phó hạm trưởng Lespès, người đã dự phần hết sức tích cực vào chiến trận, được chỉ định nhiệm vụ mang quà và thư; ông ta tới Kampot với chiến hạm Norzagaray do ông chỉ huy. Và sau đây là nội dung lá thư:

Chương 23

Ý định của nước Pháp là duy trì đất đai chiếm được của mình, thiết lập tại vùng Nam Kỳ một chế độ thuộc địa và mang tới nơi đó những lợi ích văn minh âu châu.

Nước Cao Miên luôn luôn có một mối liên hệ thân hữu với nước Pháp từ trước đến nay. Chúng tôi ước mong rằng những mối liên hệ của hai nước, càng lúc càng trở nên thường xuyên, sẽ trở thành thân thiện hơn.

Nhân danh là tư lệnh hải, lục quân ở Nam Kỳ và là người đại diện cho nước Pháp, chúng tôi đến để khẳng định với hoàng thượng về những ý định tốt đẹp nhất của chúng tôi với vương quốc Cao Miên mà cũng là để đáp lại mối hòa bình thân hữu đã có từ trước mà tiên vương thân phụ của ngài đã thực hiện qua sự đại diện các vị sứ thần của quý quốc ở Sài Gòn gởi đến hoàng đế nước Pháp của chúng tôi.

Chúng tôi hân hạnh thông báo đến hoàng thượng là không bao lâu nữa, đoàn quân lực của chúng tôi sẽ tiến chiếm Mỹ Tho là cứ điểm cuối cùng của người An Nam tiến sang Cao Miên.

Vị thuyền trưởng tàu chiến hoàng gia, chiến hạm Norzagaray, có thể đến diện kiến hoàng thượng nếu cần (sic!) (nếu ông ta muốn như thế).
Khải bẩm hoàng thượng . . .>>
Đường hướng tiến gần với vương triều Cao Miên đã gặt hái được kết quả toàn diện. Vua Norodom đã đáp ứng lại bằng cách gởi qua biếu tặng và sai một đoàn sứ gồm 80 người.
*
Vào tháng 4 d.l năm 1861, em trai thứ 3 của Norodom là Si-Vattha gây loạn cướp ngôi khiến Norodom phải chạy trốn sang nước Xiêm La (Thái Lan).
Người dân Cao Miên vào lúc nầy, thừa dịp quan binh của triều đình nước Đại Nam đang khốn đốn bận rộn đối phó với đoàn quân xâm lược Âu Châu, đã nổi dậy đánh phá các vùng biên giới giữa 2 nước (Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Dầu Tiếng. . .). Tháng 5 â.l (1860), người Cao Miên chiếm đồn Chu Ức ở Trà Bông thuộc quyền cai quản của tỉnh Gia Định. Phó lãnh binh Nguyễn Hợp đưa quân bình định nhưng bị giết chết khi xung trận. (xem Nguyễn Công Tánh; VSTKCGKL. V; trang 1385).

Như vậy, có thể suy định rằng vào lúc đoàn quân xâm lược Âu Châu chiếm Sài Gòn-Chợ Lớn (Gia Định), Tây Ninh, Thủ Dầu Một, thì người Xiêm La đã tiến chiếm một vùng đất nào đó của Chân Lập (tỉnh Kampot) rồi đưa Norodom về để tiếp tục dẹp nội loạn lấy lại ngôi vua cho Norodom. Trước đây cha của Norodom là Nặc Ong Đôn chỉ làm vua bù nhìn một nửa nước Chân Lập dưới quyền đô hộ của quan cai trị Gia Định. Nay Gia Định, Tây Ninh đã mất vào tay người Pháp thì người Cao Miên rất vui mừng liên hợp với Pháp để họ thoát khỏi ách đô hộ của Đại Nam và chính vì vậy mà ĐNTL viết rằng <> (ĐNTLCB; quyển XXIII đã dẫn; trang 184)

Sau khi Nặc Ong Đôn chết thì Tự Đức muốn đem quân đánh phạt ( tháng 11 â. l năm Canh Thân, niên hiệu Tự Đức thứ 13/1860) vì kẻ thừa kế của Nặc Ong Đôn là Norodom đệ I không báo tang. Việc nầy được ĐNTLCB ghi lại như sau:

<

Tuy nhiên việc chinh phạt Cao Miên chưa kịp thực hiện thì người Pháp đã gây hấn ở Đà Nẵng rồi đánh chiếm Gia Định khiến cho triều đình Đại Nam phải bận rộn lo đối phó không còn khả năng đi chinh phạt Cao Miên nữa.

Sau khi thay thế Charner, Bonard cũng có sang gặp Norodom và được Norodom tiếp đón nồng hậu vì nghe theo lời cố vấn của giáo sĩ giám mục Miche (vào khoảng tháng 9 d.l năm 1862/ theo A. Schreiner đã dẫn; trang 248).

Nghe theo lời cố vấn của Bonard và theo chỉ thị của hầu tước Chasseloup Laubat trong chính phủ Pháp, đề đốc La Grandière lúc vừa mới tới Nam Kỳ đã nghĩ ngay tới việc tìm dịp tạo mối thiện cảm với vua Cao Miên. Nhân một dịp vua Cao Miên bị lây một chứng bệnh truyền nhiễm đang lan tràn trong giáo phận của giáo sĩ giám mục Miche, La Grandière liền phái y sỹ Hennecart tới Oudong. Y sỹ nầy có thể nói và hiểu tiếng Miên từ khi ông ta công tác ở tỉnh Tây Ninh. Vua Cao Miên được chữa khỏi bệnh rất nhanh tỏ rõ thiện cảm lớn lao với viên y sỹ và luôn cả với nước Pháp.

Ít lâu sau, La Grandière liền cử phó hạm trưởng Doudart de Lagrée đi theo pháo thuyền Gia Định với 28 binh sĩ sang Cao Miên để thi hành nhiệm chức đại diện cho người Pháp ở bên đó. De Lagrée đến Cao Miên vào đầu năm 1863 và mặc dù bị người Xiêm ở đó cản trở gây hiềm khích chia rẽ nhưng De Lagrée vẫn chiếm được lòng tin của quốc vương Norodom. Từ ngày 18 tháng 6 d.l năm 1863, De Lagrée đã gởi báo cáo về cho La Grandière rằng nhà vua (Cao Miên) đang ở tmột vị thế rất thuận lợi nhưng không thể để vị vua nầy bị chi phối bởi một ảnh hưởng nào khác; một khi ông vua nầy đã ban phát một điều gì thì cần phải nhận ngay và không nên bàn bạc gì tới điều đó nữa.

Sau khi đoàn sứ Phan Thanh Giản khởi hành sang Pháp, la Grandière liền đến Oudong vào ngày 9 tháng 8 d.l năm 1863 và được Norodom tiếp đón hết sức long trọng. Giáo sĩ giám mục Miche đóng vai trò thông ngôn và đi đến kết quả là một hiệp định được ký kết vào ngày 11 tháng 8 d.l năm 1863 đặt nước Cao Miên (Cambodge) dưới sự đô hộ của Pháp và một địa điểm hải quan trong lãnh vục tỉnh Pnom-Penh được giao nhượng cho người Pháp để làm bến nhà kho và đồn trú quân sự.

Sau khi ký kết hiệp định bảo hộ Cambodge xong, la Grandière yên tâm trở về Sài Gòn nhưng Norodom thì lại gặp nhiều rắc rối do chính quyền bảo hộ cũ của người Xiêm (Thái Lan) do Phnea-Rat cai trị ở Oudong gây ra.

Mặt khác, triều đình nước Xiêm cũng tìm cách ngăn chận việc hoàng đế Pháp Napoléon III phê chuẩn định ước bảo hộ Cambodge, hứa sẽ giao hoàn ấn tín của vương triều nước Cambodge và yểm trợ cho Norodom làm lễ đăng quang lên ngôi vua ở Oudong. De Lagrée báo cáo tự sự về Sài Gòn. La Grandière liền phái thêm một pháo hạm sang Cambodge để cảnh cáo sự can dự của người Xiêm vào nội tình của Cambodge. Tuy nhiên, Phnea-Rat vẫn tiếp tục dùng mọi thủ đoạn để cho Norodom mất lòng tin vào người Pháp. Nhân chuyện các thủy binh Pháp sai rượu xong vào cung đình chọc ghẹo các công chúa khiến cho Norodom nổi giận, Phnea-Rat liền lợi dụng thời cơ nầy để tạo chia rẽ giữa Norodom và người Pháp và Phnea-Rat đã khuyến dụ được Norodom ký kết một hiệp ước vào ngày 1 tháng 12 d.l năm 1863 chấp nhận sự bảo hộ của người Xiêm.

Hiệp ước bảo hộ nầy được phê chuẩn trao đổi vào ngày 22 tháng 1 d.l năm 1864 nhưng lại không có lễ đăng quang huy hoàng cho Norodom ở Oudong mà cũng không có ấn tín như Phnea-Rat đã hứa khiến cho Norodom thất vọng rất nhiều. Tuy nhiên, theo chỉ thị của triều đình vua Xiêm, Phnea-Rat đề nghị rằng Norodom sẽ được đăng quang trọng thể nếu Norodom chịu sang thủ đô Bangkok của nước Xiêm. Norodom chấp thuận. Doudart de Lagrée đã tìm đủ cách để khuyến cáo Norodom đừng đi, ngay cả đưa ra những lời hăm dọa đánh chiếm các tỉnh thành của Cambodge, nhưng vô hiệu quả. Ngày 3 tháng 3 d.l năm 1864, Norodom được Phnea-Rat và một toán nhỏ quân Xiêm hộ tống lên đường đi sang nước Xiêm. Chỉ vài giờ sau, de Lagrée ra lệnh cho quân Pháp tiến chiếm hoàng cung và các cơ sở hành chánh công cộng. Hai ngày tiếp theo, 2 tàu chiến và 100 thủy binh của Pháp được phái đến để tăng viện cho de Lagrée. Khi đi xa khỏi Oudong khoản 10 dặm, Norodom phải dừng lại và khiếp sợ khi biết được tin kinh đô Oudong đã bị người Pháp chiếm giữ. Norodom bèn quyết định quay trở lại Oudong mặc dù Phnea-Rat ngăn cản và phản đối quyết liệt.

Tháng 8 d.l năm 1864 hiệp định bảo hộ đã được hoàng đế Pháp Napoléon III phê chuẩn. Đại tá Desmoulins thừa lệnh mang lên Oudong và nghi lễ trao đổi văn kiện chuẩn phê được tổ chức tại Oudong từ ngày 12 đến ngày 17 tháng 4 d.l năm 1864. Người Pháp liền cử đại tá Aubaret sang thủ đô Bangkok gặp vua Xiêm Mang-Kut để bàn định về việc tổ chức lễ đăng quang chính thức cho Norodom và vấn đề quân Xiêm rút ra khỏi hai tỉnh Angkor và Battambang. Vua Xiêm phải nhượng bộ.

Ngày 3 tháng 6 d.l năm 1864, Norodom làm lễ đăng quang.

Ngày 16 tháng 6 d.l năm 1864, Phnea-Rat cùng quân Xiêm rút hết ra khỏi lãnh thổ Cambodge.

Ngày 25 tháng 10 d.l 1864, vua Norodom với một số đông tùy tùng xuống Sài Gòn để cống lễ chính quyền Pháp, được người Pháp tiếp đón nồng hậu. Ngày 27 tháng 10 d.l năm 1864, vua Norodom trở về Oudong. (A.Schreiner; đã dẫn; trang 255-257).

Chương 24

Về chuyến công du của đoàn sứ
Phan Thanh Giản

1. Những hoạt động của chính quyền thuộc địa La Grandière trong khi phái đoàn sứ Đại Nam đang ở Paris:

Sau khi đoàn sứ Phan Thanh Giản lên đường sang Pháp, đề đốc La Grandière, không đếm xỉa gì đến tin đồn là đạo quân viễn chinh của Pháp sẽ rút khỏi các vùng đã chiếm được ở Nam Kỳ, cứ vẫn tiếp tục chương trình tổ chức và củng cố guồng máy thuộc địa non trẻ của ông ta: ra lệnh truy lùng đầu lĩnh kháng chiến Quản Định được hoàng đế Tự Đức yểm trợ và cổ xúy, ứng trước, cung cấp tài chánh và những sự yểm trợ cần thiết cho các cư dân trong các vùng do quân xâm lược Pháp kiểm soát, thực hiện nhiều công trình xây dựng cơ sở quan trọng ở vùng Sài Gòn Mới và Sài Gòn Cũ (tức Chợ Lớn này nay), kích thích sáng kiến trong giới tư nhân.

Ngày 28 tháng 11 dl năm 1864, tất cả việc làm của La Grandière đã được chính phủ Pháp chuẩn phê ngầm bằng cách phong cho ông ta chức vụ Thống đốc Nam Kỳ Hạ (Basse Cochinchine) để thay thế đô đốc Bonard.

Trong khi các viên chức chính quyền của triều đình Pháp ở Paris tiếp tục bàn cãi về vấn đề tái nghị hoà ước Nhâm Tuất thì vào tháng 12 dl 1864 đoàn sứ Đại Nam lên đường sang Tây Ban Nha trên tàu Terceira của Tây Ban Nha. Trong khi còn lênh đênh trên vùng biển Địa Trung Hải thì có cơn bảo biển lớn nhận chìm một tàu khác; sau 15 ngày chưa tới bến, thì có tin đồn là tàu chở đoàn sứ đi Tây Ban Nha cũng bị nhận chìm trong cơn bảo biển đó và tin đồn nầy cũng được loan truyền ở Sài Gòn nhưng chỉ được tiếp nhận bằng một thái độ thờ ơ vì cho rằng đó chỉ là một thủ đoạn của triều đình Đại Nam nhằm mục đích kéo dài thêm thời gian hiệu lực chấp hành hoà ước Nhâm Tuất đã được hai bên phê chuẩn. Thực tế thì tàu Terceira cũng bị cơn bảo làm hư hại nhưng may mắn không bị nhận chìm giữa biển và đã tới được hải cảng Naples. Gần một tháng sau tin tức về tàu chở đoàn sứ Phan Thanh Giản đã đến thủ đô Madrid/ Tây Ban Nha mới được đưa tới Sài Gòn.

Dự thảo một hòa ước hiệu chỉnh với Đại Nam cùng với hoà ước Pháp-Cao Miên đã được chính phủ Pháp giao cho đại tá Aubaret tân lãnh sự của chính phủ Pháp ở Bangkok (Thái Lan) và ở Huế. Aubaret được bộ ngoại giao Pháp ủy nhiệm toàn quyền thương thảo với triều đình Huế về những yêu cầu do đoàn sứ Phan Thanh Giản nêu ra. Aubaret rời nước Pháp lên đương nhận chức vụ lãnh sự vào tháng 1 dl năm 1864 và dự trù là sẽ đến Sài Gòn vào khoảng tháng 2 dl năm 1864 nhưng vì tàu bị trục trặc cho nên ông ta phải sang Thái Lan trước để trao ủy nhiệm thơ của hoàng đế Pháp cho vua Thái Lan đồng thời cũng gởi sang Sài Gòn hiệp ước bảo hộ Cao Miên ký kết ngày 11 tháng 8 dl năm 1863 đã được Napoléon III phê chuẩn.

Nhóm chính quyền thuộc địa của La Grandière ở Sài Gòn bất mãn về việc chính phủ Pháp chỉ định Aubaret vào nhiệm vụ thương thảo với triều đình Huế để sửa đổi hoà ước Nhâm Tuất (1862). Tuy nhiên, lợi dụng thời gian Aubaret chưa đến Sài Gòn, La Grandière đã thực hiện những cơ sở cần thiết cho bước đầu thực hiện chính sách thuộc địa của người Pháp trên đất nước Đại Nam.

Trong khi đó thì phái đoàn sứ Phan Thanh Giản từ Tây Ban Nha đáp tàu Lepanto, đến cảng Alexandrie (Ai Cập) Trung Đông vào ngày 23 tháng 1 dl năm 1864, một tuần lễ sau đó vào kênh đào Suez ngày 30 tháng 1 dl năm 1864, đáp tàu Japon để về Sài Gòn (tàu Japon đã đợi phái đoàn ở kinh Suez từ hai tháng rưởi trước đó tức là tàu nầy đã ở bến cảng kênh đào Suez từ 18 tháng 11 dl năm 1863: tài liệu đăng trên tập san BAHV 1-3/1926 trang 75 viết 18 tháng 11dl năm 1864 là sai).

Phái đoàn về đến Sài Gòn ngày 18 tháng 3 dl năm 1864. Đi theo phái đoàn về Sài Gòn còn có phó hạm trưởng Boresse của Pháp được cử làm thanh tra sự vụ người bản xứ. Tất cả đều được thống đốc La Grandière và các người Pháp ở Sài Gòn tiếp đón trọng thể và dù có bất mãn lo âu nhưng họ đã có thái độ kính trọng và khâm phục một cách đặc biệt đối với ông Phan Thanh Giản vì cung cách dấn thân phục vụ của ông cho đất nước Đại Nam.

Tờ báo Le Courier de Saigon (số ra ngày 22 tháng 3 dl năm 1864) đã viết nhiều đề mục ca tụng phái đoàn sứ Đại Nam và mô tả lại những buổi tiệc khoản đãi, những cuộc du ngoạn thăm viếng của phái đoàn quanh vùng Sài Gòn-Chợ Lớn đang đổi mới. Tờ báo có đoạn viết:
«Le lendemain (20 tháng 3 dl năm 1864) , ils sont allés à Cholon : ils ont visité les ponts, les travaux considérables entrepris pour la rectification des quais et des rues de ce vaste quartier.
«Ils étaient tous trois à pied, accompagnés de deux officiers français ; ils n’avaient pas le moindre parasol (comme insigne de leur dignité), et quand ils se sont trouvés au soleil, ils ont daigné s’abriter sous un modeste parapluie ! Une foule nombreuse s’était assemblée autour d’eux et n’a point paru scandalisée de cette dérogation à l’ancienne étiquette . . . » (BAVH 1-3/ 1926; trang 76).

(tạm dịch: Ngày hôm sau, phái đoàn vào Chợ Lớn: họ đi xem các cầu cống, các công trình quy mô chỉnh trang các bến cảng và các đường phố của khu vực rộng lớn nầy.
Ba vị đại sứ đi bộ với hai quan chức người Pháp hộ tống, họ không có lọng che (lọng che là một hình thức biểu hiệu uy quyền của họ) và khi đi ngoài trời họ không ngần ngại trú nắng dưới những cái dù che bình thường đơn sơ. Một đám đông dân chúng bao quanh phái đoàn nhưng không có ai tỏ dấu hiệu la chộ vì hình ảnh giảm cấp quyền uy nầy.)
Ngày 24 tháng 3 dl năm 1864, đoàn sứ Phan Thanh Giản đáp tàu Écho trở về và đến Huế vào ngày 28 tháng 3 dl năm 1864.

2. Hoạt động của lãnh sự Aubaret
Aubaret đến Sài Gòn vào ngày 21 tháng 5 dl năm 1864 nhưng chỉ được tiếp đón một cách một cách lạnh nhạt do đó ông ta đã vội vàng lên tàu D' Entrecasteaux để đi và tới cảng Thuận An vào ngày 14 tháng 6 dl năm 1864, được Phan Thanh Giản đón tiếp theo nghi lễ ngoại giao và được hoàng đế Tự Đức tiếp kiến vào ngày 16 tháng 1 dl năm 1864 (theo BAVH đã dẫn. Tuy nhiên theo tác giả A. Schreiner ghi trong sách Abrégé de l' Histoire d' Annam thì Aubaret tới Huế ngày 16 tháng 1 dl năm 1864 và được hoàng đế Tự Đức tiếp kiến ngày 22 tháng 1 dl năm 1864). Aubaret được Tự Đức đối đãi rất trân trọng và thân thiện. Sau đó là cuộc bàn thảo và thương lượng giữa Aubaret và Phan Thanh Giản.
Hoà ước mới được Aubaret cùng với phái đoàn Phan Thanh Giản ký kết và trao đổi vào ngày 15 tháng 7 dl 1864 nhưng hội đồng nội các chính phủ Pháp ở Paris đã không chuẩn phê hòa ước nầy.

Ngày 29 tháng 1 dl năm 1865, thống đốc La Grandière được chính phủ Pháp thông báo dứt khoát không chấp nhận để triều đình Đại Nam chuộc lại 3 tỉnh đã mất. La Grandière cho triều đình Huế biết quyết định không phê chuẩn của chính phủ Pháp. Như thế có nghĩa là hoà ước Nhâm Tuất (1862) vẫn còn tồn tại và có hiệu lực chấp hành.
*
Rõ ràng là Tự Đức và các triều thần thủ cựu, chậm tiến, ù lì ở Huế đã làm đình trệ việc lấy lại các vùng lãnh thổ ở Nam Kỳ đã bị quân xâm lược Pháp đánh chiếm. Trọng tâm của Tự Đức là chuộc lại 3 tỉnh bằng bất cứ giá nào không phải vì các vùng đó có những nguồn lợi phong túc quý báu cho nhân dân miền Nam nhưng vì các vùng đó có những mối ràng buộc tình cảm riêng tư với hoàng tộc nhà Nguyễn (mẹ sinh của Tự Đức là người Gia Định). Khi gởi phái đoàn Phan Thanh Giản sang Paris, công tác chính của Tự Đức giao cho phái đoàn là tìm mọi cách để chuộc lại 3 tỉnh bị mất nhưng lại tiếc tiền bồi thường chiến tranh, tiền từ kho bạc của nhà vua dù là tiền bạc tích lũy được bằng cách thu tóm từ mồ hôi và công lao của dân chúng. Thái độ thiếu hiểu biết được đàng đầu nắm đàng cán, được voi đòi tiên của Tự Đức khiến cho người Pháp bực bội chán nản. Aubaret có lúc đã đề nghị chấm dứt cuộc thương thuyết.

Người Pháp đã hớn hở vui mừng cho rằng chính những trò cãi bướng cố lì kéo dài thời gian của triều đình Huế để chờ sự chán nản buông trôi của người Pháp đã giúp cho chính sách thuộc địa non trẻ của họ tại Nam kỳ tiếp tục tồn tại. Tác giả A.Delvaux trong bài viết L'Ambassade de Phan Thanh Giản en 1863 d'après les documents français đã không ngần ngại mà viết ra rằng tác giả thành khẩn ca ngợi những nhà đại ái quốc đã biết cách bảo tồn và phát triển nền đế quốc thuộc địa của nước Pháp tại Viễn Đông: "En terminant ce modeste travail, je ne puis m' empêcher de rendre mes humbles hommages aux grands patriotes qui ont su maintenir et faire prospérer notre jeune empire français d' Extrême-Orient." (tạm dịch: "Để kết thúc công trình sưu khảo nầy, tôi không thể nào tự đè nén để ca ngợi những nhà đại ái quốc đã biết cách bảo tồn và phát triển nền đế quốc son trẻ của nước Pháp chúng ta ở Viễn Đông" (BAVH 1-3/ 1926, trang 80).

Chương 25

THAM VỌNG BÀNH TRƯỚNG CHÍNH SÁCH THUỘC ĐỊA CỦA NGƯỜI PHÁP

Sau khi Pháp và Trung Quốc ký kết và phê chuẩn thỏa ước hòa bình ngày 25 tháng 10 dl năm 1860 tại Bắc Kinh (để bổ túc thêm cho hoà ước Thiên Tân ký kết giữa Pháp và Trung Quốc vào ngày 27 tháng 6 dl năm 1858), Charner liền đưa hết đoàn quân viễn chinh Pháp từ chiến trường Trung Quốc trở qua Sài Gòn. Đoàn tàu chiến chuyển quân của Charner đế Sài Gòn ngày 7 tháng 2 dl năm 1861. Ngày 24 và 25 tháng 2 dl tấn công đại đồn Kỳ Hòa, đẩy lui quân triều đình ra khỏi vòng đai Sài Gòn, Gia Định, chiếm luôn Thủ Dầu Một, Tây Ninh. Quân triều đình rút lui về cố thủ Biên Hòa. Kế tiếp quân của Charner tiến chiếm Mỹ Tho.

Sau chiến thắng Mỹ Tho, Charner phải tạm ngưng việc chiến tranh để lo tổ chức cai quản cả một vùng lãnh thổ rộng lớn nằm giữa sông Mê-kong và sông Soài Rạp. Ngay cả việc người Cao Miên sẵn sàng chịu đặt lãnh thổ của họ dưới quyền kiểm soát của đoàn quân viễn chinh Pháp mà Charner cũng phải làm ngơ. Với súng óng kỹ thuật tốt và vượt trội so với vũ khí của quan binh triều đình Đại Nam cùng với tinh thần đánh trận yếu kém chưa đánh đã bỏ chạy của quân binh nhà Nguyễn thì đoàn quân chiến thắng của Charner có thể tiếp tục cuộc hành quân xâm lược để đánh chiếm luôn tỉnh Biên Hòa và 3 tỉnh miền Tây không mấy khó khăn nhưng Charner phải ngừng lại. Tại sao ? Bởi vì theo Charner chiếm đất thì không khó lắm nhưng giữ đất đã chiếm được thì không phải dễ: "Nếu tôi có thêm một ngàn quân thì tôi sẽ đánh chiếm luôn ba tỉnh phía Tây nhưng liệu rằng tôi có đủ nhân sự để giữ 3 tỉnh đó hay không? Tôi phải tự hạn chế để không phải thối lui lấy một bước. Danh dự của người Pháp tùy thuộc vào điều đó". Đây là lời của Charner viết ra gởi cho Chasseloup-Laubat bộ trưởng Bộ Hải quân và Thuộc Địa của chính phủ Pháp ở Paris ("Si j'avais mille hommes de plus, écrivait-il au ministre de la marine, je prendrai ces trois provinces; mais aurais je assez le monde pour les garder? Je dois m' attacher à ne pas faire un pas en arrière. Notre prestige en dépend." (A. Schreiner; sách đã dẫn; trang 195).
Như vậy, người Pháp dừng lại không phải vì họ nghĩ rằng như thế đã đủ để bó buộc triều đình nước Đại Nam thay đổi chính sách ngược đãi đạo gia tô, một tôn giáo xa lạ do những người Âu Châu-trong đó người Pháp chiếm một tỷ số lớn- nhập cảng vào nước Đại Nam. Vấn đề ngược đãi đạo Gia tô chỉ là một cái cớ nhỏ khởi đầu để cho người Pháp có thể thi hành chính sách xâm lăng thuộc địa của họ. Tham vọng thuộc địa của người Pháp không dừng lại nơi tỉnh Mỹ Tho.

Tham vọng của người Pháp không những được phát hiện từ những thái độ hiếu thắng quân phiệt của những kẻ cầm đầu Bộ Hải Quân và Thuộc Địa của chính phủ Pháp ở Paris mà còn có thể phát hiện từ những cấp thừa hành trong đoàn quân viễn chinh xâm lược Pháp mà điển hình là Francis Garnier.

Fracis Garnier (1839-1873):
Trong một quyển sách có tựa đề Nos Premières Années Au Tonkin tác giả Paulin Vial (1831-1907) có đoạn viết về Francis Garnier như sau:

"A cette époque, Garnier avait 34 ans. Intelligent, instruit, courageux, doué une ambition ardente, partout où il avait servi il avait attiré l' attention de ses chefs et de ses camarades. Il avait pris part à l' expédition de Chine et de Cochinchine sous les ordres de l' amiral Charner (1860-1861).
Revenu à Saigon à la fin d' Avril 1863, il fut admis, sur sa demande, dans l' administration des affaires indigène par décision de l' amiral de la Grandière. Il servit à Cholon en qualité d'inspecteur stagière sous les ordre de M.Gaudot, auquel il succéda en 1865. En 1866, il avait été designé, sur sa demande, pour faire partie de la Commission d' exploration du Mékong, commandée par M. de la Grée, capitaine de frigate.

Parti de Saigon le 5 juin 1866, il y rentra en octobre 1868, ramenant le cercueil de son chef qui repose dans le cimetière de Saigon.

Il était allé ensuite à Paris où il dirigea la redaction de cet important voyage qui fait tant d' honneur à notre pays.

En 1870 et 1871, Garnier prit une part glorieuse à la défense de la capitale."
(Paulin Vial, Nos Premières Années au Tonkin, trang 50, nhà xuất bản Baratier-Molaret, France 1889)

Tạm dịch: "Vào thời đó, Garnier 34 tuổi, thông minh, có giáo dục, can trường, đầy tham vọng, ở bất cứ nơi nào ông ấy phục vụ đều gây sự chú ý của thượng cấp và bè bạn. Ông đã góp phần tham dự vào công tác thám sát ở Trung Quốc và ở Nam Kỳ hạ theo lệnh của đề đốc Charner (vào những năm 1860-1861).

Trở lại Sài Gòn vào tháng 4 năm 1863, ông làm đơn xin và được la Grandière chấp nhận vào làm việc trong ngành quản trị hành chánh bản xứ sự vụ. Ông được cho giữ chứ thanh tra bản xứ ngạch tập sự ở Chợ Lớn (ngang với phó thị trưởng) dưới quyền chánh thanh tra bản xứ Gaudot. Ông thay thế Gaudot vào năm 1865. Năm 1866, Ông yêu cầu và được chấp thuận cho tham dự vào đoàn thám hiểm sông Mékong do đại úy hải quân de Lagrée làm trưởng đoàn.

Đoàn thám hiểm rời Sài Gòn vào ngày 5 tháng 6 năm 1866 và quay trở về vào tháng 10 năm 1868 kéo theo quan tài đựng xác người trưởng đoàn đễ chôn cất nơi nghĩa trang thành phố Sài Gòn.

Tiếp theo đó, ông đi Paris và ở đó ông đã tự mình ghi lại chuyên đi thám sát tạo niềm hãnh diện lớn lao cho đất nước chúng ta.
Năm 1870 và 1871, Garnier chia xẻ một phần vinh quang trong việc bảo vệ thủ đô."
*
Có thể nói rằng Francis Garnier là một thanh niên trẻ tuổi đã đóng góp lớn lao cho sự hình thành chính sách thuộc địa của nước Pháp ở Đông Dương. Không phải ngẫu nhiên mà La Grandière đưa Francis Garnier vào đoàn công tác thám hiểm sông Mê-kong. Garnier được trọng dụng bởi vì trước đó F.Garnier đã thi hành thành công các nhiệm vụ thám sát ở Trung Quốc và ở Nam Kỳ hạ. Cũng có thể nói rằng F.Garnier là một người lính tiền sát có nhiệm vụ hướng đạo, vẽ đường dẫn lối cho đoàn quân viễn chinh xâm lược của Pháp đi chiếm đất dành thị trường các nước Á Châu đặc biệt là nước Đại Nam.

Qua 2 bài tham luận, một bài viết vào tháng 4 năm 1864 dưới chủ đề La Cochinchine Française en 1864 và một bài viết vào tháng 3 năm 1865 với chủ đề De la Colonisation de la Cochinchine, Francis Garnier đã cho người ta thấy tham vọng của Pháp muốn chiếm đoạt hết đất đai của nước Đại Nam, trước hết là vùng Nam Kỳ hạ, kế đến là Bắc kỳ và cuối cùng là Trung Kỳ.

Sau khi hoà ước Nhâm Tuất (1862) được hoàng đế Napoléon III và hoàng đế Tự Đức phê chuẩn, triều đình Huế đã đã áp dụng chính sách ngoại giao đi cửa sau để qua mặt nhóm quân phiệt của Bộ Hải quân và Thuộc Địa chủ trương chiếm đất bám trụ trên đất nước Đại Nam. Chính sách ngoại giao qua mặt của triều đình Huế đã thành công: chính phủ Pháp ở Paris và hoàng đế Napoléon III đã đồng ý thay thế hòa ước Nhâm Tuất (1862) và cử ngay đặc sứ Aubaret sang Sài Gòn để ra Huế bàn nghị một hòa ước mới mà không cần tham khảo ý kiến của Bộ Hải Quân và Thuộc Địa cùng với những tướng tá của đoàn quân viễn chinh xâm lược Pháp hiện đang có mặt trên vùng đất Nam Kỳ hạ. Đây là một cuộc đảo chánh ngầm trong nội bộ của chính phủ Pháp khiến cho nhóm quân phiệt Pháp ở Sài Gòn bất mãn giận dữ và họ đã phản đối ngầm bằng cách vẫn tiếp tục thi hành những điều khoản đã thoả thuận trong hòa ước Nhâm Tuất (1862) mà không cần xin chỉ thị của chính phủ Pháp ở Paris và xem như không có mặt của đặc sứ Aubaret.

Câu hỏi đặt ra là chuyện gì đã xảy ra trong khi Aubaret đang dự cuộc thương thảo ở Huế?
Aubaret đến Sài Gòn vào ngày 21 tháng 5 dl năm 1864 nhưng chỉ được tiếp đón một cách lạnh nhạt do đó ông ta đã vội vàng lên tàu D' Entrecasteaux để đi và tới cảng Thuận An vào ngày 14 tháng 6 dl năm 1864, được Phan Thanh Giản đón tiếp long trọng theo nghi lễ ngoại giao và được hoàng đế Tự Đức tiếp kiến vào ngày 16 tháng 1 dl năm 1864 (theo BAVH đã dẫn). Tuy nhiên theo tác giả A. Schreiner ghi trong sách Abrégé de l' Histoire d' Annam thì Aubaret tới Huế ngày 16 tháng 1 dl năm 1864 và được hoàng đế Tự Đức tiếp kiến ngày 22 tháng 1 dl năm 1864). Aubaret được Tự Đức đối đãi rất trân trọng và thân thiện. Sau đó là cuộc bàn thảo và thương lượng giữa Aubaret và Phan Thanh Giản.
Hoà ước mới được Aubaret cùng với phái đoàn Phan Thanh Giản ký kết và trao đổi vào ngày 15 tháng 7 dl 1864.

Sau khi phái đoàn sứ Phan Thanh Giản đã trở về nước và trước khi Aubaret sang Sài Gòn thì bài tham luận LA COCHINCHINE FRANÇAISE en 1864 của Francis Garnier viết xong vào ngày 19 tháng 4 dl năm 1864 được nhà xuất bản E. Dentu & Challamel Ainé cho phát hành ở Paris.

Khởi đầu bài tham luận, F.Garnier đã không ngại ngùng chê trách chính phủ Pháp ở Paris, báo chí, và dân chúng Pháp hiểu biết rất mù mờ về vùng đất Nam Kỳ hạ của nước Đại Nam:

"L' étude de la Cochinchine française, au trible point de vue des habitants, de ses ressources, de son avenir, n' a jamais été faite d' une manière complète.
En France, on ne possède sur ce sujet que queques articles de la presse périodique, plus anecdotiques que sérieux, plus intéressants qu'instructifs; quelques ouvrages faits à la hâte pour les besoins d'une passsagère actualité, remplis d'assertions inexactes et de lacune regrettables; quelques rapports ou quelques travaux faits à des points de vue trop locaux, trop restreints, souvent trop intéressés. Nulle part ne se trouvent des vues d'ensemble, un corps de données concordantes, une appréciation générale et élevée.

Les premières impressions sur la Cochinchine, un peu enthousiastes, ont exagéré les facilités et les richesses qu'elle présentait à notre colonisation. On a dépeint sa population comme dénuée de tout patriotisme, on a exalté outre mesure sa faculté d'assimiliation. Aussi, une reaction très vive n'a-t-elle pas tardé à se produire aux premiers obstacles rencontrés, et une sorte de découragement a-t-il succédé aux premières espérances.

En essayant d'esquisser l'état actuel de la question, je voudrait éviter l'un et l'autre de ces extrêmes, et réduire à des proportion plus exactes les facilités comme les obstacles que la Cochinchine offre à notre colonisation. Exagérer les difficultés induit souvent en des résolutions fâcheuses; les nier, c'est s'exposer à les rendre insurmontables; vanter outre mesure certaines facultés d'assimiliations, c'est, au lieu d'en profiter, risquer de les rendre inutiles.

Si j'abdique d'avance toute prétention de combler la lacune que j'ai signalée en commençant, j'espère au moins, en indiquant où gît le problème, en provoquer de plus heureuses solutions".

Tạm dịch: "Việc nghiên cứu về vùng Nam Kỳ hạ của Pháp trên ba lãnh vực dân cư, tài nguyên và triển vọng của vùng nầy từ trước tới nay chưa bao giờ được thực hiện một cách đúng mức.

Ở Pháp quốc, một vài tiết mục được viết trên các tập chí định kỳ có tính cách giai thoại lặt vặt không nghiêm chỉnh, tạo thú vị hơn là truyền đạt kiến thức; một vài tác phẩm viết lách vội vã vì nhu cầu thông tin thời sự đầy dẫy những điều khẳng định không đúng và đáng trách cứ; có vài bản phúc trình hay việc làm đưa ra nhiều quan điểm có tính cách cục bộ, giới hạn, thường chú trọng nhiều quá. Không tìm thấy đâu được những cái nhìn tổng thể, một khối dữ kiện hòa hợp với nhau, một sự đánh giá có tính cách tổng quát và có giá trị cao.

Những ấn tượng đầu tiên hơi nhiệt tình về miền Nam Kỳ hạ đã phóng đại những tiện ích và sự giàu có ở miền đó. Người ta đã mô tả dân tình ở đó như là đã lột bỏ lòng yêu nước, người ta đã phóng đại một cách quá lố phương cách đồng hóa của nó. Thêm nữa, một sự phản ứng thật mạnh đã có ngay khi gặp những trở ngại đầu tiên và một niềm thất vọng đã nối tiếp theo sau ngay những niềm hy vọng ban đầu.

Trong khi phát họa tình trạng hiện thời của vấn đề, tôi muốn tránh tình trạng đi từ cực đoan nầy đến cực đoan kia, và giảm xuống đến mức tỷ lệ đúng hơn về những lợi ích cũng như những trở ngại trong chính sách thuộc địa của chúng ta trên đất Nam Kỳ hạ. Thổi phòng những khó khăn thường dẫn đến những giải pháp phiền phức. Phủ nhận các khó khăn đó tức là tự mình làm cho sự khó khăn đó không thể vượt qua được; tán tụng quá đáng một số phương cách đồng hóa tức là có nguy cơ biến các phương cách đó trở thành vô dụng.

Nếu tôi tự mình từ bỏ trước tham vọng lấp đi điều thiếu sót mà tôi đã đề cập từ lúc khởi đầu thì mong rằng việc tôi khơi dậy ẩn lấp của vấn đề sẽ khích động tìm ra những cách giải quyết tốt đẹp hơn".
*
Sau đây là phần tạm dịch toàn bài tham luận LA COCHINCHINE FRANÇAISE en 1864 của Francis Garnier viết xong vào ngày 19 tháng 4 dl năm 1864 được nhà xuất bản E. Dentu & Challamel Ainé cho phát hành ở Paris.
Hình Mẫu
Trên đây là bản copy của trang khởi đầu bài tham luận của F.Garnier.

Tôi không bỏ qua vấn đề chủng tộc. Trong một vài bài viết gần đây, tôi đã trình bày một cách ngụ ý rằng các dân cư của đế quốc An Nam là kết quả của sự hợp chủng với tất cả các dân cư từ các vùng lãnh thổ chung quanh. Sự quyết đoán nầy tự nó sẽ không có nền tảng và muốn cho có ý nghĩa thì người ta sẽ phải nói cho biết sự hợp chủng là gì? Ở vào thời nào? Theo những tỷ lệ nào? Sự pha trộn đã tiến hành dưới nhiều nguồn ảnh hưởng khác nhau như thế nào? Muốn biết được những điều đó thì phải sinh sống lâu dài trên đất nước nầy và nhất là cần có sự nghiên cứu về ngôn ngữ, lịch sử và về các sắc tộc trên bán đảo Ấn-Hoa (thường được gọi là bán đảo Đông Dương, gồm có Việt Nam, Cao Miên và Lào), phải như vậy thì mới có thể hiểu được những câu hỏi nêu ra bằng không thì chỉ là lý thuyết. Một sự nghiên cứu lâu dài như thế cho đến nay chỉ mới có tính cách sơ thảo.
Như vậy, tôi sẽ phải lướt qua các vấn đề vừa nêu ra ở trên để khảo sát sự khác biệt nòng cốt về chủng tộc giữa những cư dân đang sinh sống trên vùng Nam Kỳ hạ đối với những kẻ chinh phục mới đến. Phải thừa nhận rằng sự khác biệt nầy tạo thành một lý lẽ đối kháng, một nguyên nhân gây ác cảm. Tuy nhiên những điều nầy cần phải được công nhận vì giá trị chính đáng của nó.

Giống như những nước chịu ảnh hưởng của nền văn minh Trung Quốc, ở Nam Kỳ hạ có hai hạng người khác biệt nhau: một hạng là các sĩ phu (tức là những thành phần trí thức) và một hạng là thành phần các thứ dân (còn gọi là tục dân). Các uy quyền, cai trị đều do tầng lớp sĩ phu nắm giữ. Bắt chước một cách dốt nát những cung cách xử thế của các sĩ phu Trung Quốc, tầng lớp sĩ phu An Nam cuồng nhiệt áp dụng sự hiểu biết của họ và bất chấp bất cứ điều gì không phù hợp với văn minh kiến thức của họ. Trên thực tế, chúng ta đến đây chiếm đoạt quyền sở hữu lãnh thổ Nam Kỳ hạ từ tay của họ và cũng chỉ có họ mới là những kẻ không bao giờ chịu tha thứ cho chúng ta vì chúng ta đã chấm dứt sự tham lam bốc lột của họ trên tài sản dân chúng, để tiêu hủy ảnh hưởng và san bằng uy thế của họ, làm tiêu ma mất đi vai trò (lãnh đạo) của họ. Vì chỉ biết chú trọng trên những kiến thức ấu trĩ để hiểu biết về ưu thế của chúng ta cho nên họ chỉ có thể cảm nhận được ưu thế đó theo ý nghĩ của họ để rồi câm giận chúng ta nhiều hơn. Cuộc chiến giữa họ với chúng ta là cuộc chiến bất tận mà cũng chính là vì niềm cao ngạo của họ bị va chạm và sự thù ghét vì lợi lộc đôi khi đặt ngang với lòng ái quốc đã khiến cho họ can trường chấp nhận một cuộc chiến tranh không ngơi nghỉ và vô vọng, bất chấp sự chết chóc ô nhục, để được vẽ cho vài lời ca tụng anh hùng khiến chúng ta tuy phải khâm phục nhưng lại hối tiếc giùm cho.

May thay, niềm cao ngạo đó lại tan biến đi trong khối dân chúng. Nhưng nếu chúng ta chỉ gặp một sự cam chịu tiêu cực trong khối quần chúng nầy nhưng với hậu quả của sự chịu đựng đau khổ triền miên đã trở thành thói quen của họ, thì chúng ta lại phải va chạm với những khó khăn nghiêm trọng về mặt tinh thần. Với một nền văn minh lâu đời không di dịch, với những truyền thống cội rễ và một tình trạng xã hội bám chặt vào phong tục tập quán thì người ta không thể nào làm biến đổi trong một sớm một chiều.

Cách cư xử đơn giản và dễ giải của chúng ta từ trước đến giờ đã không thể nào xóa bỏ được sự tưởng tượng của người An Nam về mức độ kính sợ phục tùng do những quan chức cai trị thuở xưa đã tạo ra cho họ. Chúng ta chưa hiểu biết một cách sâu sắc về phong tục tập quán của họ, những phong tục đã tác động mạnh mẽ tinh thần của họ, đó là những khó khăn đầu tiên mà bất kỳ cuộc xâm lược nào cũng gặp phải trong lúc chuyển tiếp từ giai đoạn quân sự qua giai đoạn hành chánh dân sự; ngờ vực của họ đã được lèo lái và khai thác một cách khôn khéo để đạt tới một mục đích là biến ngờ vực đó thành một niềm tin tuyệt đối rằng chúng ta không có đủ khả năng để cai trị họ.

Thêm nữa, về mặt vật chất, trong thâm tâm của những người chủ trương khi đưa ra những dự án cải cách thì những dự án nầy phải kích thích được sự ngưỡng mộ và sự biết ơn của dân chúng thay vì khiến cho họ bị bỡ ngỡ. Việc tạo dựng an sinh gây xúc động rất ít tại những miền nhiệt đới dễ dãi. Vì không có khả năng suy luận và đánh giá tầm quan trọng thực tế của những công trình được thực hiện trên đất nước của họ, người An Nam lại cho rằng các công trình đó chỉ nhằm để bốc lột, vơ vét, thâu thuế nhiều hơn. Nếu nghĩ rằng có thể thuyết phục được họ bằng cách đưa ra những con số để cho họ thấy là chúng ta đã chôn vùi tiền bạc của chúng ta vô số kể vào đất nước của họ, rằng còn lâu mới lấy được một ít tiền tài trong nước của họ; chúng ta nghĩ như vậy là mất thì giờ và nghịch lý.

Mặt khác, người An Nam có thể chỉ biết mập mờ về bản chất của những xu hướng và phương cách áp dụng nền công lý của chúng ta. Ý thức đạo đức của họ quá mờ mịt và thấp kém khiến cho họ khó có thể nhận ra được cái nào là cái nhìn cao hơn, lớn hơn phát hiện từ cung cách hành động của chúng ta. Điều nầy chỉ thấy xảy ra ở những dân tộc mà những ý niệm về công lý và luật pháp trong mọi tình huống bị trộn lẫn vào các ý niệm về những hành vi đã rồi và bạo lực, mà đó lại là những tình huống cần sự che chở của luật pháp, một sự cầu viện khẩn thiết của kẻ yếu kém bị áp bức nhưng lại chỉ có thể mua được bằng tiền bạc. Đó là hậu quả của đầu óc mưu mẹo và lừa đảo giúp cho các phán quan không còn phải e dè và làm mất đi phẩm cách trang nghiêm của tòa án. Người ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy có những xúc động choáng váng vì sự có mặt của những kẻ có đầu óc như thế trong hiện tình cùng với những viên quan cai trị hành chánh người Pháp được cắt cử để ban phát công lý.

Vã chăng, các ý niệm về công lý tự nó là những ý niệm tuyệt đích ở bên ngoài thế giới của nhân loại và những ý niệm nầy chỉ có một giá trị tương đối khi chúng được áp đặt vào bất cứ nơi đâu hay vào bất cứ một thể chế xã hội nào. Tùy theo phong tục tập quán khác nhau của mỗi nơi, tùy theo tính cách đặc biệt của mỗi nền văn minh mà các hình thức nghĩa vụ khác nhau được tạo thành. Cũng vậy, để thấu hiểu bản chất một vài khó khăn và mức độ của một số thái độ chán ghét ở Nam Kỳ hạ thì người ta phải gột bỏ các ý kiến tiền định, những thành kiến về giáo dục và nhất là không được cứu xét vấn đề dưới nhản quan của một người Âu Châu. Có lẽ điều nầy từ trước đến nay chưa có ai thử áp dụng. Nhược bằng đã làm được như vậy thì người ta sẽ không bõ ngỡ về một số hậu quả đương nhiên phải có xuất phát từ một nền văn minh suy vi thoái hoá và nếu là một người quan sát ít thiên vị thì sự phê phán của người nầy đã là một sự phê phán công minh hơn.

Thiển nghĩ, đó là tất cả những nguyên cớ của những sự ngờ vực đã bén rễ, của những thái độ lạnh nhạt thờ ơ tự nẩy sinh từ dân chúng An Nam kể từ lúc chúng ta chiếm đóng.

Chương 26

Đã như vậy thì liệu rằng những khó khăn đó có thể vượt qua hay không? Phải chăng chúng ta không thể dự trù được những khó khăn về mặt văn minh và chủng tộc mà chúng ta phải đối diện vào lúc nầy? Có phải chỉ vì một vài lúng túng về tổ chức hành chánh mà chúng ta phải chịu thua, từ bỏ nhiệm vụ, bỏ rơi dân tình An Nam dưới gọng ách thoái hóa của nhóm quan viên triều đình hay sao? Mặc dù ở dưới sự chiếm đóng của chúng ta, trong tình trạng suy thoái ấu trĩ nầy, phải chăng chúng ta vẫn cứ phải chấp nhận để cho các hạng quan viên đó bất tận tạo ra thái độ tiêu cực đối với mọi sự tiến bộ cũng như làm trở ngại các sự phát triển vật chất? Và bởi vì chúng ta không muốn đi xuống để hội nhập với họ thì lẽ nào chúng ta lại tuyệt vọng trong việc kéo họ lên ngang bằng với chúng ta? Người ta không thể trả lời ngập ngừng được.

Có chính sách thuộc địa nào vấp phải những trở ngại lớn lao hơn hay không? Người ta thấy rằng, ở đây không có chủ nghĩa yêu nước hay chủ nghĩa tôn giáo cuồng tín để lôi kéo khối quần chúng nổi dậy chống lại những kẻ xâm lược một cách mù quáng. Quả thật có một bản năng lo sợ thúc đẩy lấn lướt mọi sự suy luận nhưng rồi thì những thực tế vật chất hợp lý hợp tình sẽ được thực hiện trong thời hạn thật ngắn.

Mặc dù có một vài biện pháp đáng tiếc, những đồn đãi giận dữ đã và đang góp phần vào sự nuôi dưỡng lòng ngờ vực của dân chúng đối với chúng ta, người ta không thể phủ nhận rằng người An Nam bắt đầu không còn muốn trở lại một số những thành kiến của họ. Sự liêm khiết và ý thức của chúng ta hay đúng ra là lòng yêu chuộng công lý cùng với sự mềm dẻo của chúng ta, mặc dù đối chọi gay gắt với tình trạng bán buôn và tính cách bạo tàn trong chính sách cai trị của họ trước đây, nhưng cũng đã tạo được ấn tượng đối với họ. Cảm tình của họ đối với chúng ta chưa phải là sự cảm phục kính trọng , tuy nhiên họ có ngạc nhiên mà sự ngạc nhiên thì tới trước sự cảm phục kính trọng.

Vậy thì chúng ta hãy cứ phải chờ đợi những kết quả nhất định sẽ có, những kết quả từ sự tiếp cận giữa người và sự vật. Chúng ta hãy từ từ đưa vào những sự cải cách, không nên quá vội vã để rồi chuốc lấy sự khó chịu từ số dân chúng không có khả năng nhận biết những công việc làm có tính cách phúc lợi; chúng ta không nên đối đầu thẳng với những thành kiến; chúng ta hãy đối xử khéo léo với những trường hợp nhạy cảm chính đáng. Khi cố gắng lôi kéo một cách mềm dẻo khối dân chúng đã từng phải chịu còng lưng bãi hoải dưới quyền lực chuyên chế mà phẩm cách bị vùi dập, niềm tự hào bẩm sinh bị tan biến cũng như khi chúng ta mang trở lại cho họ ý thức về lương tri, thức tỉnh lòng ham muốn sáng tạo và ý chí tự do của họ hay chỉ cần nói tóm gọn một câu rằng khi dẫn đưa họ đến với thói quen tự họ suy nghĩ, tự họ hành động thì không bao lâu người ta sẽ thấy rằng thành kiến sẽ nhường chỗ cho sự nhận xét đánh giá sự vật một cách tự do và vô tư.

Tổ chức xã thôn cùng với những xã trưởng và cai tổng đủ tư cách để cai trị tạo thành nền móng của thể chế xã hội người An Nam. Chúng ta nên duy trì nền móng nầy bởi vì cho đến ngày nay nó luôn luôn là một sức mạnh, cho nên mặc dù giặc giã chiến tranh, mặc dù có những cố gắng mưu mô của những chính quyền An Nam từ các tỉnh thành lân cận, thì cũng chỉ có một số rất ít người di cư ra khỏi các vùng lãnh thổ do Pháp đang chiếm đóng. Người ta có thể cho rằng sự đoàn kết gắn bó giữa những thành phần trong thôn xã là quá đáng và muốn rằng bên trong khối đơn vị kết hợp chung với nhau đó có thêm được một chút phát triển ý hướng về nhân phẩm. Tuy nhiên, rốt cuộc rồi thì vẫn có một năng lực hành động ở đó cần phải được duy trì một cách thận trọng chi ly. Hãy để cho sự bầu cử hoàn toàn tự do, phát triển thêm những mối liên hệ giữa những xã trưởng với các giới chức chính quyền Pháp, làm gia tăng thêm tầm mức ảnh hưởng của họ, nới rộng vòng đay đóng góp của họ, biến đổi họ thành những nhân tố đương nhiên trong những trường hợp khiếu nại, xem họ là những kẻ bênh vực cho mọi thứ phúc lợi ở địa phương và làm giảm bớt những điều phiền phức như tôi vừa mới đề cập ở phần trên, nếu làm được như thế chúng ta sẽ lấy đực lòng tin của dân chúng và chúng ta sẽ liên kết họ vào guồng máy của chúng ta mà không gặp sự chống đối. Khi mà nền móng cơ cấu nầy được duy trì một cách cẩn trọng và được củng cố thêm, người An Nam sẽ chấp nhận nhanh chóng khi nhìn thấy phía trên có những chức quyền hành chánh âu châu vô vị lợi thay thế vào chỗ của các hạng quan lại tham lam đầu cơ của triều đình trong thời gian họ nắm giữ chức vụ và bởi vì họ vốn là hạng hủ lậu chậm tiến gánh nặng của đất nước cho nên những hạng quan lại nầy sẽ làm khô cạn những nguồn tài nguyên phong phú của dân chúng.

Cùng một lúc với những mối ràng buộc từ trong lòng đất nước, những nghĩa vụ và những mối liên hệ mà người dân An Nam không còn có thể nghĩ rằng nếu cắt đứt vẫn không có gì gọi là nguy hiểm, thì sự kiện nền thương mại từ các nước âu châu đến đây mở và khai thông gắp trăm lần tài sản sẵn có sẽ làm rơi rụng những thành kiến còn xót lại trong dân chúng, những thành kiến mà chỉ có những kết quả vật chất mới có thể thuyết phục được họ. Những công trình đã được thực hiện, những phương tiện liên lạc thông tin được thiết lập, những biện pháp dùng để cải thiện vệ sinh công cộng, sẽ tạo cho họ có được một cái nhìn về cá tính thật sự của họ và đối với họ những điều thực hiện đó là đáng cảm phục và biết ơn.

Tôi đã chứng tỏ cho thấy rằng công tác phát triển xã hội phải được kèm theo cùng một lúc với sự phục hồi đạo lý và do đó ảnh hưởng đạo giáo cũng sẽ rất hiệu quả. Tôi lặp lại ở đây rằng lý luận không thể thâm nhập vào đầu óc của người An Nam. Với họ, đạo gia tô không phải là ánh sáng mà chỉ là tình cảm; tính cách siêu nhiên, tầm vóc lớn rộng, cũng như các bổn phận của gia tô giáo áp đặt ra không được họ tiếp nhận. Tôn giáo nầy chỉ có thể nhập vào họ theo khía cạnh cảm kích, lôi cuốn họ bằng những điều hứa hẹn và những niềm hy vọng thần bí, quyến rũ họ bằng cách mang tới sự an ủi cho những thành phần bị thua thiệt sống trong nền văn minh châu Á, bằng ý niệm phước thiện trên bất cứ điều gì mà tôn giáo nầy mang đến cho họ như là một liều thuốc chữa trị bá chứng phát xuất từ những sự thống khổ của họ. Người An Nam có một số tín ngưỡng ôn hòa và sầu muộn, như đạo tôn trọng và kính thờ ông bà, tổ tiên mà đạo gia tô đầy thi vị và cao trọng có thể nắm lấy như là một khởi điểm để tiếp cận và chuyển tiếp một cách dễ dàng nhằm lôi kéo họ về phía gia tô giáo và đặt họ dưới ảnh hưởng thiện đức của tôn giáo nầy.

Tuy nhiên về mặt tôn giáo cũng như về mặt xã hội, những vấn đề có tính cách nhạy cảm và tạo ngờ vực thì nhất thiết không nên khơi dậy. Người ta phải nhớ rằng gia tô giáo không có tổ quốc, không thuộc quyền sở hữu của một quốc gia nào, dửng dưng không tuân phục đối với bất kỳ vị vua nào dưới trần thế. Việc hành đạo của họ phải được thực hiên ngoài mọi sự hậu thuẫn của bất kỳ guồng máy nào, ngoài áp lực của chính quyền. Một tình trạng cân bằng chặt chẽ phải được duy trì giữa các tín đồ gia tô giáo và tín đồ phật giáo trong vùng lãnh thổ của chúng ta. Tôn giáo chắc chắn sẽ đạt được uy thế và sự tôn kính cũng như ảnh hưởng và hiệu quả của tôn giáo trên công tác phục hồi đạo đức ở Nam Kỳ hạ chỉ có thể xảy ra trong điều kiện vừa mới kể qua.

Khi trình bày cho thấy rằng dưới một guồng máy hành chánh khôn ngoan và phụ mẫu, sự tiến bộ về tư tưởng và hành động sẽ tự phát sinh giữa lòng quần chúng An Nam, tôi không muốn vẽ ra một bức tranh tưởng tưởng: tôi chỉ thử cố gắng mô tả những mầm móng có vẽ như đang phát triển tại bất cứ nơi nào mà khối quần chúng đang ở trong các điều kiện mà tôi đã nêu ra. Gần 3 năm trôi qua kể từ khi chúng ta đã xâm chiếm dứt khoác những vùng đất trên bờ sông Đồng Nai mà chỉ có được một năm yên ổn và trong vòng một năm nầy cũng đủ để chúng ta tu sử phần nào những thiệt hại vì chiến tranh gây ra và củng cố sự thống trị của chúng ta! Hiện nay, chúng ta thu thuế dễ dàng, các điều lệnh của chúng ta ban hành được truyền rao một cách suông sẻ khắp nơi trong vùng lãnh thổ chiếm đóng và được tuân hành nghiêm chỉnh. Nơi hạ tầng cơ sở, các chức quyền tham nhũng bị trách phạt, quyền làm chủ tài sản được công nhận, phong tục tập quán được duy trì, tất cả các sự kiện đó làm tăng thêm niềm tin về thiện chí của chúng ta và đánh tan những điều loan truyền bịa đặt bởi nhóm người xúi giục nổi loạn. Nhóm người nổi loạn nầy từ 18 tháng trước đây ẩn nắp khắp nơi, rất được cảm tình âm thầm của tất cả mọi người thì nay khó mà có được một nơi an toàn đễ ẩn náo dung thân. Bây giờ nhóm nổi loạn lo sợ rằng những đồ vật dâng hiến tự nguyện, những sự móc nối của họ với dân chúng ngày trước là duyên cớ tạo ra những sự trả trả thù báo oán. Điều nầy cũng được thấy rõ vì có một số người của nhóm nổi loạn đã bị dân chúng bắt nộp cho chúng ta từ những nơi ẩn trốn của họ.

Khốn khổ thay, tôi lại phải vội vã mà thêm rằng tình trạng vừa kể không phải đều xảy ra khắp nơi. Ở các quận, huyện xa trung tâm thuộc địa của chúng ta và những nơi mà nhóm nổi dậy có thể tạm dùng làm căn cứ địa kiên cố của họ thì những khó khăn mà tôi đã nêu lên từ lúc khởi đầu nhất định phải có. Ở những nơi đó, các người đầu lãnh của nhóm nổi loạn vẫn tiếp tục nắm giữ uy thế sĩ phu và quan lại của họ và không có một chút nào lẫn lộn vào những phường trộm cướp sát nhân tầm thường được. Điều quan trọng là người ta biết ở nơi đó, một sự trấn áp khe khắt vừa mới tiêu trừ ảnh hưởng của họ ra khỏi dân chúng đang phải chịu đặt mình dưới 2 chế độ luật pháp với 2 chính quyền và nhất định là họ phải nghiêng hẳn về phía nầy hay phía kia. Người dân An Nam cần được bảo đảm rằng họ sẽ không bị đầy lui trở về tình trạng cũ, họ cần phải được thuyết phục bằng những chứng cớ xác thật về sự ổn định cơ sở của chúng ta được thiết lập chung lộn với họ; và tới lúc đó, khi họ chịu khuất phục trước những thành tựu, cùng với bản chất thụ động bẩm sinh của sắc tộc An Nam, họ sẽ liên kết với chúng ta một cách ngay thẳng và bất cứ nguy cơ nổi dậy nào rồi cũng sẽ bị tiêu diệt. Tuy nhiên, hiện giờ vụ lặp đi lặp lại để xác nhận việc người Pháp sắp di tản ra khỏi 3 tỉnh đang chiếm đóng, người ta tự để lộ ra cho thấy thấy rằng dân chúng phải chịu sinh hoạt dưới quyền của hai bên, một ở miền Đông một ở miền Tây, trong các tỉnh của người An Nam cai trị bởi những quan chức của triều đình, những tỉnh bị bao vây bởi nhóm nổi dậy khắp cùng trên một vùng sông rạch chằng chịt mà mỗi lần gặp họ là người dân sẽ bị nguy hiểm, và điều nầy có thể giải thích một cách dễ dàng tại sao khi thấy dân chúng đến với chúng ta mà mắt cứ phải ngó chừng về phía sau và tại sao họ cam chịu bắt tay và chia xẻ tình cảm của họ với cả hai bên cùng một lúc.

Tình trạng địa dư nầy trong ba tỉnh của chúng ta là nguyên cớ tạo ra những tranh chấp tương lai với triều đình Huế, nhưng nếu chúng ta cứ giữ nguyên tình trạng đó thì sẽ gây tác động mạnh đối với người An Nam. Trong số dân chúng An Nam có những kẻ khôn ngoan nói rằng: "Nếu các ông muốn chúng tôi trở thành những người Pháp thì các ông còn phải chiếm thêm các tỉnh Vĩnh Long, Hà Tiên, An Giang, nếu các ông đóng cửa đương thông thương giữa tỉnh Bà Rịa với thủ đô Huế, khai phóng việc tiếp xúc với người ngoại quốc cũng như giải trừ những khích động phản loạn, không còn phải sợ những sự đe dọa huyền hoặc hiện giờ đang ám ảnh những người chịu khuất phục, nếu các ông thực hiện được những điều đó thì chúng tôi sẽ về phía các ông mà không còn có một hậu ý nào.

Trên đây là một sự phân tích nhanh chóng về những trở ngại mà chúng ta đang gặp phải ở vùng Nam Kỳ hạ và những phương cách để vượt thoát những trở ngại đó. Theo tôi, sự phân tích nầy chứng tỏ rằng nếu chúng ta muốn thì đến một ngày nào đó, chúng ta sẽ có thể đưa khối dân chúng đã thực lòng liên kết với chúng ta vào dưới cùng một màu cờ và cùng chung một nền văn minh của Pháp quốc. Chúng ta không nên suy xét một cách thiếu kiên nhẫn, một kiểu suy xét đốt giai đoạn, chưa gieo mà đã muốn gặt hái. Hãy so sánh cuộc chinh phục Nam Kỳ hạ của chúng ta với bất kỳ một cuộc chinh phục nào cùng một bản chất do những quốc gia thực dân nổi tiếng đã thực hiện thì chúng ta sẽ thấy được rằng ở đâu cũng vậy. Trong ba năm đầu tiên, người ta sẽ bị hoang mang rắc rối, đối đầu với những cuộc nổi dậy, hoàn toàn xáo trộn vô trật tự và đổ nát nhất thời.
*
II
Sau khi trình bày để cho thấy rằng trên bình diện dân số cuộc chinh phục dứt khoác và thuộc địa hóa vùng Nam Kỳ hạ chỉ gặp phải những trở ngại không lớn lắm và trong một thời gian ngắn sẽ đưa tới một tình trạng vật chất thỏa đáng và lâu bền, điều cần yếu bây giờ là việc nghiên cứu những hậu quả có thể phát sinh ra từ đó đối với ảnh hưởng và nền thương mại của chúng ta ở Á Đông. Nói một cách khác, để chứng minh tư cách chính đáng việc chiếm đóng của chúng ta thì cần phải đạt được sự cân bằng giữa những sự hy sinh với những kết quả mà sự chiếm đóng đó hứa hẹn

Chương 27

Tôi sẽ không dừng lại để ca tụng vị thế lãnh thổ thuộc địa của chúng ta và cảng Sài Gòn của thuộc địa nầy so với các vùng biển chính Trung Quốc và lưu lượng thương mại trên các vùng biển đó. Người ta đã nói hết điều nầy và tôi thiết nghĩ không có ai lại có thể tranh luận gì về tiện ích tuyệt vời đó. Ngày mà chúng ta xây dựng những ụ sửa chữa tàu ở Sài Gòn - và thật bất hạnh thay cho tới nay người ta chỉ biết mơ ước mà thôi- thì lúc bấy giờ Sài Gòn sẽ trở thành địa điểm giao lưu được ưu chọn của các loại thương thuyền trên tuyến đường biển giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Nằm giữa Singapore và Hồng Kong, chỉ cần 72 giờ đồng hồ để gởi thơ tín đến thị trường ở hai nơi đó, bởi vì sớm muộn gì rồi thì cũng sẽ vượt trội hơn cho nên tương lai thương mại lớn lao của Sài Gòn là điều không còn phải nghi ngờ gì nữa.

Ở vào một miền khí hậu rất tốt cho việc sinh sôi nẩy nở các loại thực vật nhiệt đới, tân thuộc địa của chúng ta có một mật độ dân cư đông đúc, cần cù và cật lực sản xuất khi được hướng dẫn đúng đắn. Nhờ có một bản chất đặc biệt, đất đai nầy biến Nam Kỳ hạ thuộc Pháp trở thà kho gạo thóc vô tận cho các vùng quốc gia lân cận xung quanh, một kho thực phẩm thiết yếu cho các giống tộc Á Châu. Ngoài ra, nếu công việc sản xuất loại ngũ cốc đó tự nó tạo cho đất nước được ưu đãi nầy một giá trị lớn lao, còn có những nguồn tài nguyên quý giá khác cần phải được lưu ý đưa lên ngang hàng mà một số cần phải được khai thác quy mô chẳng hạn như thuốc lá, bông vải, đường mía, lụa gấm, cây tràm (chàm), gỗ xây cất, muối, cây dầu, cây nhuộm, nhiều loại cây gia vị và cây hương liệu.

Chằng chịt rạch ngòi thiên nhiên tiện lợi cho việc giao thông, trao đổi, xứ nầy phân chia thành từng vùng khác biệt nhau thật rõ nét trên phương diện trồng trọt canh tác. Các vùng đất khác biệt nầy ở khắp nơi tạo cho người dân có được những năng khiếu tự nhiên, những hiểu biết đặc biệt và nhất là sẽ giúp cải tiến sản phẩm và làm gia tăng tài sản của họ. Ở đây người ta không nên e sợi những bước mò mẫm làm mất thời giờ quí báu và sự tiêu hao quá nhiều vốn liếng kể cả những chướng ngại bất ngờ tương tựa như trường hợp xảy ra ở bên nước Tích Lan (Ceylan) làm sụp đổ nguyên một kỷ nghệ cần nhiều kiên nhẫn và siêng năng cật lực. Nếu trường hợp giống như thế xảy ra thì những điều do người Âu Châu thúc đẩy để làm nẩy sinh ra sự giàu có sung túc trong 3 tỉnh do chúng ta chiếm đóng mới đáng được gọi là không kể xiết. Vì có nhiều thị trường tiêu thụ cho nên giá cả sản phẩm thu gặt được nâng cao và đồng thời bảo đảm cho người dân An Nam có được một mức lợi tức thu nhập lớn lao mà không còn phải bị tước đoạt vì bổn phận dâng góp bắt buộc cho các quan triều. Nó cũng bảo đảm cho người dân có được một hệ thống giao thông tiện lợi, những thị trường ngay tức khắc và dễ thực hiện khiến cho mức độ sinh hoạt trong nước sẽ nhộn nhịp gắp bội. Đồng thời việc du nhập vào các tiến trình canh tác tốt hơn và nhanh hơn sẽ làm phong phú một cách lâu dài những thành tựu phát sinh từ sự sinh hoạt nầy.

Nhưng mà đã đến lúc tôi cần phải tách rời những sự trình bày khái quát để nói một cách cụ thể hơn về các nguồn tài nguyên hiện nay của vùng miền Nam Kỳ hạ bằng vào những con số. Bởi vì với nhiều nguồn tài nguyên hiện nay đang ở trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, người ta có thể dự đoán được tương lai của những nguồn tài nguyên đó sẽ ra sao trong những lúc bình thường.

Diện tích canh tác lúa gạo trong 3 tỉnh do chúng ta chiếm đóng là 105,000 héc-ta. Trung bình mỗi năm diện tích của số ruộng canh tác nầy cung cấp 210,000 thùng tôn-nô lúa gạo (1 tôn-nô = khoảng 253 gallon; 1 gallon = 4.54 lít ở Anh quốc), trị giá bán ra tại địa phương là 35 triệu đồng quan Pháp. Cứ tính rằng phải dùng một số lượng to lớn để nuôi dân, nộp thuế và hạt giống thì lãnh thổ thuộc địa của chúng ta vẫn có thể xuất cảng ra nước ngoài khoảng 100,000 tôn-nô mỗi năm. Số lượng nầy có chiều hướng gia tăng nhiều hơn nếu các đồng ruộng bỏ hoang vì chiến tranh khoảng hơn 80,000 héc-ta được khai thác trồng trọt trở lại, gia tăng thêm khả năng sản xuất của một số giống lúa bằng cách cải thiện phương pháp dẫn nước vào ruộng mà hiện giờ chỉ đạt được 6/15 năng xuất so với các đồng ruộng lúa bình thường. Nếu dùng động cơ để gặt hái và xay lúa thì sẽ khiến cho số lượng gạo thóc gia tăng theo một tỷ lệ đáng kể.

Chính quyền An Nam chỉ có một chính sách khuyến nông duy nhất là phải tăng gia số lượng sản xuất lúa thóc để đủ cung ứng cho các tỉnh ở miền Bắc và miền Trung vì những nơi nầy không đủ khả năng sản xuất đủ dùng cho riêng mình. Việc khai thác các tài nguyên thiên nhiên khác thì lại không bao giờ vượt quá mức đủ dùng cho từng địa phương. Lợi lộc không thể cám dỗ nhà nông hay nhà công nghiệp khi mà nhà quan dấu đậy tay nầy thò lấy tay kia. Ngoài ra còn có những nguồn lợi tức tài nguyên màu mỡ phì nhiêu chưa được khai thác vì chế độ cô lập hóa để tự phòng vệ giống như tất các chính quyền ở vùng Viễn Đông. Điều nầy sẽ giúp cho thấy tại sao những số liệu sắp được nêu ra tiếp theo sau đây sẽ nhỏ hơn những số liệu đã được nêu ra ở phần trên. Hiện tình là như vậy, nhưng vẫn đáng phải được chú trọng.

Thuốc lá được trồng ở Nam Kỳ trên một diện tích khoảng 4,000 héc- ta, thu hoạch gần 5,000 tôn- nô lá thuốc với trị giá tại chỗ là 1,200,000 đồng quan Pháp. Cải thiện việc canh tác sẽ làm mặt hàng thương mại nầy tăng giá trị một cách đáng kể bởi vì trong số các loại thuốc lá sản xuất trong vùng biển Trung Hoa thì thuốc lá ở đây chỉ đứng sau thuốc lá của Phi Luật Tân. Như thế, dù vẫn còn thô sơ chưa được hoàn hảo nhưng nó lại được dùng để sản xuất các loại thuốc lá của Pháp mà người Âu Châu rất ưa chuộng. Dù thế nào đi chăng nữa thì nơi đó vẫn là một nguồn tiếp tế mà không ai có thể phủ nhận phẩm chất và giá trị của nó đối với nền công nghiệp đế quốc của chúng ta.

Diện tích trồng bông vải trong 3 tỉnh của chúng ta chỉ có 2,500 héc-ta mà lại trồng tỉa một cách phân tán cho nên rất khó định giá chính xác. Nếu lấy chỉ tiêu là 3,500 tôn-nô sản lượng với trị giá thu gặt là 3 triệu đồng quan thì con số nầy còn quá thắp so với thực tế. Bông vải là mối hàng cung cấp cho các tỉnh ven biển nằm giữa Bắc Kỳ và Nam Kỳ và một số bông vải tốt đã được bán sang tỉnh Quảng Châu bên Trung Quốc với giá bán 20% rẻ hơn so với bông vải sản xuất từ xứ Bengale bên Ấn Độ. Triển vọng phát khai thác công nghiệp sản xuất bông vải rất là to lớn và nhất là có thể cải thiện một cách đáng kể.

Diện tích trồng mía cũng tương đương với diện tích trồng bông vải. Sản lượng đường mía lên đế 7,500 tôn-nô và một phần trong số nầy cung cấp cho miền Bắc bằng ghe thuyền đường biển. Trị giá sản lượng nầy là 4 triệu đồng quan Pháp.

Ở Pháp quốc hiện nay người ta nhắm vào vào các nguồn tài nguyên từ việc nuôi tằm trên lãnh thổ thuộc địa của chúng tạ Có thể nói rằng nghề nuôi tằm ở đây chỉ mới được gieo mầm trong tình trạng phôi thai.

Kỹ nghệ nuôi tằm lấy tơ dù rất phổ biến ở Nam Kỳ nhưng phải nói rằng rất hiếm thấy. Không có một nơi nào hội đủ các yếu tố cần thiết để có thể sản xuất một cách quy mô. Người trồng dâu thì không trực tiếp nuôi tằm còn người nuôi tằm thì phải tìm lá dâu ở nơi khác. Căn nhà lụp xụp của người An Nam thường cũng là một căn trại nhỏ nuôi tằm và sản xuất nhiều lắm vài cân tơ sợi. Kỹ thuật kéo tơ còn thô sơ, màu sợi tơ thì vàng, sợi tơ thô và chỉ kéo được chưa tới 1/2 kí lô sợi .Chu kỳ nuôi tằm lấy tơ kéo dài trong khoảng từ 45 đến 50 ngày. Trứng tằm chỉ có thể sống và nở trong vòng 10 ngày. Sâu tằm có thể sinh sản quanh năm.

Diện tích trồng dâu nuôi tằm khoảng 2,050 héc-ta để sản xuất khoảng 6,000 kí lô sợi tơ thô trị giá 240,000 đồng quan Pháp. Miền Bắc nhập cảng một số mặt hàng tơ lụa sản xuất từ Sài Gòn.

Ngoài những nguồn khai thác vừa kể trên còn có thêm những nguồn khai thác khác ít quan trọng hơn như cây chàm (tràm) được trồng ở Biên Hòa trên một diện tích 400 héc-ta; sản xuất muối ăn ở Bà Rịa với một diện tích là 500 héc-ta với sản lượng 70,000 tôn-nô muối trị giá 1,200,000 đồng quan Pháp. Đây là một loại nhu yếu phẩm vật cần yếu để giao thương với các bộ tộc trong nội địa và ở vùng đồng bằng sông Mé-Kong, một loại nhu yếu mà họ không thể nào sản xuất được. Rau cải phơi khô, trầu, cau, cây thuốc nhuộm cung ứng cho các tỉnh nội địa ở miền Tây hay ở các tỉnh ở Cao Miên. Cá khô mặn, gạo, bắp, là nguồn thức ăn cho toàn thể dân chúng, cây gỗ xây cất, phân bón động vật, dây thừng bằng nứa hay bằng sơ dừa, bao đựng thóc, các loại hương liệu, trà kém phẩm chất so với trà Trung Quốc, vân .,vân . , tất cả các thứ nầy đều nằm trên bản danh sách các sản vật trao đổi giữa dân chúng bản xứ trên vùng đất Trung Ấn nầỵ

Để tránh sự trình bày chi tiết trở thành các khô khan, tôi sẽ tóm lược những sản lượng chính yếu trong 3 tỉnh của chúng ta trong một bản liệt kê như sau:

Diện tích Sản lượng Trị giá Ghi chú
Sản vật canh tác kg francs
héc-ta

Lúa gạo 105,000 210,000,000 35,000,000 Số lượng trọng tãi
Thuốc lá 4,000 5,000,000 1,200,000 Lá thuốc phơi khô
Bông vải 2,500 3,500,000 3,000,000 Đã tuốt hột
Đường mía 2,500 7,500,000 4,000,000 Đường thô
Tằm tơ 2,000 6,000 240,000 Tơ sợi thô
Muối ăn 500 70,000,000 1,200,000 Chưa tinh chế
Cây trà 400 500,000 200,000
`Trầu 200 3,000,000 1,200,000 Lá trầu tươi
Rau, trà, Trồng trọt trên các
đậu phọng ? 1,000,000 4,800,000 hửa đất nhỏ khó có
liệt kê chính xác
Cau 3,000,000 cây ? 3,000,000 Bán từng quày cau.
Dây thừng ? 1,500,000 300,000
Ngư nghiệp 1,000,000
Màu nhuộm 200,000 160,000 Cây nhuộm, dây
móc câu, rệp son
Hạt ép dầu 800,000 200,000
Thú sản 1,000,000 500,000 Da, sừng, ngà voi

117,000 304,000,000 56,000,000

Trong bảng liệt kê nầy, tôi chỉ mới đưa ra những sản vật xuất cảng. Các loại cây gỗ xây cất chưa có thể liệt kê ra được và mặc dù có một trị giá đáng kể việc khai thác loại sản vật nầy vẫn chưa được đặt trên một căn bản thường xuyên. Tôi chỉ cần nêu ra rằng riêng năm 1863, đã có 6 tàu chở sang Thượng Hải nhiều loại gỗ quý hiếm, điều nầy cho thấy nền khai thác gỗ sẽ trở thành một nguồn lợi tức phong phú của dân chúng.

Người ta thấy rằng nếu cộng thêm vào các phần đất đang canh tác một diện tích 80,000 héc-ta sau một thời hạn gieo trồng lúa thóc thì sẽ có một vùng đất trồng trọt là 2,000 cây số vuông. Thêm vào đó, 500 cây số vuông đất vườn trồng hoa màu chia cắt vụng vặt đến mức không thể đưa vào bàn liệt kê vừa mới trình bày ở phần trên; 2,000 cây số vuông sông rạch, đồng lầy, đường xá, nhà cửa vân. . .vân . . ., nâng con số nầy lên thành 4,000 cây số vuông. Như vậy, diện tích 3 tỉnh của chúng ta là 8,000 cây số vuông. Trong diện tích nầy thì 3,500 cây số vuông là đất hoang hay rừng đang chờ đợi chúng ta khai thác trong tương lai. Các phần đất nầy phần chính nằm ở phía Bắc tỉnh Gia Định và tỉnh Biên Hòa, tức là những vùng trù phú hơn hết của lãnh thổ Nam Kỳ thuộc Pháp. Vì là vùng đất cao và khó tưới nước hơn là ở các vùng đất ven biển cho nên không thể cấy trồng lúa thóc theo tập tục của người dân An Nam và như chúng ta đã thấy, ngoài ngành nông nghiệp trồng lúa thì tất cả những vùng đất màu mỡ khác vẫn còn nằm trong tình trạng phôi thai mặc dù chúng có tất cả những khả năng sản xuất tuyệt hảo. Các vùng đất phía Bắc phì nhiêu không bị ô nhiễm nầy nếu được khai khẩn trồng cây thuốc lá, bông vải, đường mía, dâu tằm thì đây là một sự phát triển lớn lao hiện nay đang chờ đợi chúng ta.

Đừng cho rằng thiếu bàn tay nhân lực để cáng đáng cho nhu cầu phát triển nầy. Nếu kiểm kê một cách nghiêm chỉnh thì số dân trong vùng đất thuộc địa của chúng ta hiện giờ lên tới 1,100,000 dân so với mức bình thường là 1,400,000 dân và nếu như sự thiết đặt cơ sở của chúng ta được thực hiện một cách lâu dài và hòa bình được bảo đảm thì số dân số bình sẽ đạt lại mức bình thường nầy trong một tương lai rất gần.

Như vậy mật độ phân bổ cư dân là 160 trên 1 cây số vuông, một mật độ cao so với nhiều nước ở Âu Châu. Một điểm khác cần lưu ý ở đây là hầu hết dân bản xứ sinh sống theo nông nghiệp còn thợ thuyền, lái buôn thì hầu như hoàn toàn thuộc về những khách di dân Ấn Độ và Trung Quốc.

Như vậy, không những chúng ta không phải sợ thiếu bàn tay nhân lực để khai phá và canh tác ở Nam Kỳ hạ, chúng ta còn có thể cung ứng nguồn nhân lực đó và chúng ta đã thực hiện điều nầy cho thuộc địa của chúng ta ở vùng Bourbon.

Tôi cũng sẽ phải nhận định rằng, những số liệu được đưa ra ở đây là những con số tối thiểu sau khi đã cẩn thận loại trừ những điều phô trương phóng đại cũng như những thành quả chưa được tin cậy. Khi nhắc lại tính cách không vẹn toàn trong chế độ nông nghiệp của người An Nam là họ bỏ qua tất cả các ngành nông nghiệp khác để chỉ chú trọng vào những đồng ruộng sản xuất lúa gạo cho tương lai thì có thể nói rằng con số 200,000,000 trị giá sản phẩm xuất cảng hằng năm từ 3 tỉnh của chúng ta sẽ không bị xem như là một sự phô trương quá mức khi mà tất cả mọi lãnh vực về nông nghiệp đều được khai thác cho ngành xuất cảng hiện nay.

Đến đây, chúng ta thử xét xem nền thương trường của người Âu Châu hiện đang khai thác như thế nào những nguồn tài nguyên đó. Tôi sẽ không đề cặp đến những năm đầu tiên của cuộc xâm chiếm vì có những tình huống quá đặc biệt gây ảnh hưởng trên những kết quả thu gặt được khiến cho việc so sánh những kết quả đó không thể thực hiện được; Thí dụ như vào năm 1860 vì có nạn đói xảy ra ở Ấn Độ cho nên phải xuất cảng 55,000 tôn-nô gạo mặc dù lúc đó Sài Gòn đang bị quân dân An Nam phong tỏa cùng với những luật lệ quá đáng; năm 1861, khi chiến tranh bùng nổ thì tình trạng pháp lý và thương mại cũng vẫn giữ một mực như thế; năm 1862 dân quân nổi dậy vào thời điểm thu gặt khiến một phần lớn bị tiêu hao mất đi. Mặc dù năm 1863 tình trạng bất ổn vẫn còn dây dưa nhưng đã có một số lượng là 75,000 tôn-nô được luân lưu trong năm nầy. Vào tháng 11, vì có sự phản đối của dân chúng, quan thống đốc đã phải một vài lần lo bảo vệ cho việc xuất cảng gạo thóc. Tuy nhiên, nếu mùa thu gặt được thực hiện một cách yên bình thì có thể nó cũng sẽ mang lại cho xứ nầy một nền xuất cảng bình thường và liên tục. Vào ngày 1 tháng 1 dl (năm 1864), lệnh cấm xuất cảng gạo được tuyên bố (đúng ra La Grandière đã ra lệnh cắm xuất cảng gạo từ tháng 8 dl năm 1863 = chú thích riêng của người dịch dựa theo sách Abrégé de l' Histoire d' Annam của tác giả Alfred Schreiner, trang 259), và mặc dù có những hiệu quả giận dữ ở bên ngoài vòng kiểm soát từ trước đây, hoạt động chuyển vận đường thủy trong 3 tháng đầu năm 1864 cũng được ghi nhận như sau:

Nhập bến cảng Sài Gòn từ 1 tháng 1 dl đến 1 tháng 4 dl năm 1864: 26,063 tôn-nô do 75 tàu thuyền khác nhau chuyên chở tới, bốc dở từ tàu vào kho cảng bởi 2,105 lần khuân vác của các phu khuân vác đi theo tàu thuyền; trong số trọng tải nhập bến nầy thì tàu thuyền của Pháp đã chở đến 10,332 tôn-nô.

Cùng trong thời gian đó, trọng lượng hàng hóa rời bến cảng Sài Gòn là 24,898 tôn-nô chuyển vận do 75 tàu thuyền khác nhau, bốc dở hàng lên tàu thuyền bởi 1,611 lần khuân vác của các phu khuân vác đi theo tàu thuyền; trong số trọng tải rời bến cảng nầy thì tàu thuyền Pháp đã chở đi 11,294 tôn-nô.

Tổng số chuyển vận sản vật được phân bổ qua 86 tàu thuyền khác nhau cho một trọng tải là 29,000 tôn-nô, trong số đó có 17 tàu thuyền và 5 tàu chạy bằng máy hơi nước của Pháp chuyển tải 7,323 tôn nô.

Lại phải cộng thêm vào từ 7 đến 8,000 tôn-nô từ ngành chuyển vận cận duyên tắp nập của các ghe thuyền dọc theo bờ biển chạy dài từ đảo Hải Nam đến bến cảng Sài Gòn. Hoạt động chuyển vận nầy mang tới lãnh thổ của chúng ta các mặt hàng như vải tơ lụa, vôi, cá khô mặn, nước mắm, vân. , vân. , và chở đi các mặt hàng như gạo, đường, bông vải, rơm lợp mái nhà vân. , vân. .
Như vây, tổng số trọng tấn xuất cảng từ bến cảng Sài Gòn là 32,000 tô-nô. Cần trừ đi trọng tấn chuyển vận khoảng 6,000 tô-nô của 5 tàu chạy bằng máy hơi nước để có được con số trọng tải hàng hóa ngoại thương thực sự từ vùng lãnh thổ thuộc địa của chúng ta: 32,000 - 6,000 = 26,000 tôn-nô. Con số nầy được liệt kê thành chi tiết như sau(1):

Mặt hàng Trọng tấn Trị giá
(tôn-nô) (đồng quan)

Gạo . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 23,000 tôn-nô 3,700,000 fr.
Đường . . . . . . . . . . . . . . . . . . 1,000 640,000
Gỗ xây cất . . . . . . . . . . . . . . . 300 60,000
Thú sản . . . . . . . . . . . . . . . . . 100 50,000
Trầu cau . . . . . . . . . . . . . . . . . 400 250,000
Bao đựng gạo và rơm . . . . . . . 700 50,000
Linh tinh (cây tràm,
tiệu hạt, dây thừng,
cây thuốc nhuộm) . . . . . . . . . 500 250,000

Tổng cộng: . . . . . . . . . . . . . . . 26,000 tôn-nô 5,000,000 fr.
____________
(1) Cần phải giải thích một vài điểm bất thường về những số liệu được tôi nêu ra: người ta sẽ lấy làm lạ kỳ khi thấy rằng 75 tàu thuyền nhập bến cảng Sài Gòn mà phải cần đến 2,100 lược khuân vác bởi các phu khuân vác để bốc dở trong khi 73 tàu thuyền xuất bến cảng Sài Gòn lại chỉ cần có 1,611 lược khuân vác. Lý do của sự sai biệt nầy là vì vào thời kỳ gió mùa theo hướng Bắc-Đông, số thuyền buôn của người Trung Quốc nhập bến cảng Sài Gòn rất nhiều và số lượng chuyên chở cũng như số thủy thủ khuân vác trên các tàu thuyền nầy của người Trung Quốc thường nhiều gắp bội so với các tàu thuyền của các nước Âu Châu có cùng một sức sức chuyên chở. Số trọng tấn của 75 tàu xuất bến cảng Sài Gòn là do những tàu mang cờ hiệu của các nước Âu Châu đảm trách cho nên số thủy thủ đoàn khuân vác trên các tàu thuyền nầy ít hơn.
Trong số 5 tàu chạy bằng máy hơi nước nhập bến cảng Sài Gòn trong 3 tháng đầu năm 1864 được nêu ra ở trên thì 4 chiếc là tàu chuyển vận của hoàng gia Pháp. Trên thực tế các tàu nầy dự phần vào đội thương thuyền của Pháp. Số sản lượng chuyên chở của các chiếc tàu nầy để xuất bến cảng Sài Gòn chỉ có 6,000 tôn-nô và số nhập là 5,000 tôn-nô.
Số tổng cộng và sự phân chia mà tôi đã nêu ra ở bản liệt kê trên đây có vài điểm sai biệt với các số liệu chính thức do báo chí của chính quyền thuộc địa đã và sẽ đưa ra. Sự sai biệt nầy thường là do ở việc phóng chừng tình hình hoạt động chuyên chở cận duyên mà chỉ dựa trên tình hình chuyển vận ở Sài Gòn để lập thành các bản thống kê. Có rất nhiều giao dịch bên trong nội địa không được chú trọng tới. Chính là việc nghiên cứu các mặt hàng nội địa dự trữ chứa trong các kho nhất là từ các kho ở thành phố Chợ Lớn của người Hoa mà tôi đã đưa ra những con số lên bản kê khai kể trên, chỉ có những số liệu mà tôi cho rằng càng gần đúng với thực tế thì càng tốt.
*
Tình thế nầy có vẻ như là ghi nhận một sự thịnh vượng tương đối nhưng đồng thời còn là sự biểu lộ một tình trạng trì trệ rõ rệt.

Tàu thuyền thưa thớt trên các sông rạch đúng như người ta có thể dự kiến sau khi bến cảng Sài Gòn đóng cửa vào tháng 11 và tháng 12 đã qua. Gạo thóc chứa trong các kho ở Sài Gòn và Chợ Lớn gia tăng; giá thị trường từ 12.fr đồng quan Pháp mỗi tạ (1 pikul = 122 pounds tức vào khoảng 66 kí l ô) thì nay sụt giá còn có 9.fr trong khi đó thì cước phí chuyên chở lại gia tăng một cách đáng giận.
Vào ngày 1 tháng 4 d.l, hàng tồn kho ở Chợ Lớn, một trung tâm thương mại quan trọng nhất trong ba tỉnh của chúng ta, được ghi nhận như sau:
Gạo 20,000 tôn-nô
Rau cải khô 1,000 "
Linh tinh (nhiều nhất là cây nhuộm) 1,500 "

Người ta đang đợi một số lượng bông vải đáng kể từ Nam Vang và từ Biên Hòa; gạo thóc tiếp tục gia tăng bởi các đoàn xe vận tải và nhập vào kho thành phố với mức độ từ 5 đến 6,000 tạ mỗi ngày, tương đương với trọng tải chuyên chở của một tàu bình thường. Người ta mong rằng sau khi đã biết rõ rệt thì tình trạng nầy sẽ được đổ dồn vào các tàu lớn trong bến cảng Sài Gòn. Hậu quả là càng phải cần dựa vào thực tế để dự đoán sự chuyển vận hàng hóa một cách tổng quát trong năm theo cách tính toán áp dụng cho thời kỳ 3 tháng đầu năm. Theo cách tính toán nầy thì có 104,000 tôn-nô hàng xuất bến cảng mà trong số đó gạo thóc chiếm hết 92,000 tôn-nô. Vậy, như đã thấy, là có thể ước lượng khoảng 1000,000 tôn-nô cho mặt hàng nầy xuất bến cảng cho một mùa gặt. Người ta lại có thể hy vọng rằng vào năm 1864 sự chuyển vận đường thủy sẽ gia tăng thêm 1/3 so với năm trước.

Trị giá hàng chuyển vận xuất bến cảng nếu được tính theo cách thức như trên sẽ đạt tới mức 20 triệu đồng quan Pháp.

Việc đánh giá các mặt hàng nhập bến cảng thì khó hơn. Tuy nhiên vì mặt chuyển vận nhập bến cảng ít quan trọng hơn, cho nên chỉ cần định giá loại nào mà tôi gọi là có giá trị thực chất cho thuộc địa của chúng ta. Cần một thời gian lâu hơn để phát triển ngành nhập cảng và Sài Gòn sẽ sớm trở thành một thị trường hàng hóa sản xuất từ Pháp quốc để cung ứng cho các nước trong vùng biển Trung Hoa hơn là cho vùng lãnh thổ thuộc địa của chúng ta.

Hơn nữa, muốn đánh giá ảnh hưởng của sự chuyển vận nhập vào bên cảng Sài Gòn đối với sự chuyển vận trong ngành kỹ nghệ của nước Pháp như thế nào thì không những phải chú ý tới thị trường hàng tiêu thụ mới được nhập bến cảng Sài Gòn mà còn phải xét tới tính cách mới mẻ và phong phú của các mặt hàng đó tạo ảnh hưởng như thế nào lên nền thương mại của nước Pháp ở Singapore, ở Hồng Kong và ở Thượng Hải.

Trước đây 5 năm rất hiếm thấy những mặt hàng của nước Pháp trên thị trường của 3 lãnh thổ vừa kể trên. Ngày nay thì các mặt hàng từ Paris, đồ hàng xén, thực phẩm mang nhãn hiệu nước Pháp tràn ngập tại 3 nơi đó.

Hàng sành sứ, hàng gia dụng của Pháp hầu như đánh gục các mặt hàng tương tựa của người Anh.

Vào năm 1855, vào 3 tháng cuối năm, hoạt động chuyển vận tại bến cảng Thượng Hải gồm có 564 tàu thuyền trong số nầy gồm có 249 tàu thuyền của người Anh, 57 của Mỹ, 7 của Đan Mạch, 11 của Hòa Lan, 11 của xứ Hambour, 9 của Thụy Điển, 3 của nước Peru, 2 của xứ Brême, 6 của nước Tây Ban Nha, 5 của nước Bồ Đào Nha, 4 của nước Xiêm La. Người ta thấy hầu như tất cả các nước có nền hàng hải đều hiện diện ngoại trừ nước Pháp.

Năm 1863, có 22 tàu thuyền hàng hải Pháp nhập bến cảng Thượng Hải. Những kết quả tương tựa cũng được nhận thấy ở cảng Singapore và Hồng Kong.
Sau cùng, trị giá hàng nhập bến cảng Sài Gòn trong năm 1863 là 12 triệu đồng quan Pháp trong đó có 7 triệu đồng quan hàng hóa Pháp so với tổng trị giá hàng hóa Pháp nhập các bến cảng trong vùng biển Trung Hoa là 20 triệu đồng quan trong cùng năm nầy và tổng số trị giá của nền hàng hải thương mại của Pháp chưa đạt được tới mức 100 triệu đồng quan fr.

Để có một sự so sánh cuối cùng về những điểm liên hệ đến các vùng lãnh thổ thuộc địa của chúng ta, tôi thêm rằng, tổng giá trị thương mại xuất nhập cảng của toàn thể nước An Nam vào năm nhộn nhịp nhất tức vào năm 1841 là 3 triệu đồng quan fr.

Dù tôi có đánh giá quá đáng về tình hình cư dân bản xứ Nam Kỳ hạ chịu đầu phục tức khắc và toàn diện thì cũng hy vọng rằng, trong khoảng một thời gian thật ngắn người ta sẽ thấy rằng việc xâm chiếm lãnh thổ có thể giảm lần lần xuống mức độ bình thường và chính quyền cai trị quân sự sẽ được thay thế bằng chính quyền cai trị dân sự. Không thể chối bỏ những thành quả mà phía quân sự đã thi hành để chiếm cứ và tổ chức cai trị lãnh thổ thuộc địa nhưng người ta lại không thể nào phủ nhận rằng vẫn còn có một sự lo âu nào đó trong tâm trí; nếu thay đổi những đường hướng sự vụ cần thiết và thường xuyên thì sự lãnh đạo sẽ không được tốt; nếu muốn thấy cái gì cũng phải tuyệt đối thì sẽ bị lầm lỗi khi đặt xứ sở phải thích hợp theo ý hướng riêng của mình thay vì phải sửa đổi những ý tưởng của riêng mình tùy theo tình hình của xứ sở.

Trong những chiến dịch quân sự ở Nam Kỳ hạ không có gì đòi hỏi khác hơn là sự quyết định với lòng kiên trì và người ta đã luôn luôn thấy dân cư bản xứ ít hiếu chiến phải chịu khuất phục trước bất cứ một sự biểu dương lực lượng ngay từ lúc mới khởi phát .*1 (*1 : dĩ nhiên là tôi không muốn nói tới cuộc khởi đầu xâm lược lãnh thổ nầy ). Vậy thì chúng ta hãy thừa cơ hội dễ dàng của công tác bình định hiện giờ và trong tương lai như vừa được tóm lược ở đây để tránh khỏi những công tác chinh phục dai dẳng tai hại như đã xảy ra ở nước An-giê-ri, để thay thế chính quyền quân sự bằng một chính quyền dân sự ngay từ lúc quyền lực của chúng ta đã được thiết đặt trên các vùng đất nầy. Như vậy có nghĩa là chuyển từ tình trạng chuyển tiếp sang tình trạng ổn cố, từ tình trạng nhất thời sang tình trạng vĩnh viễn, chấm dứt tình trạng e dè lưỡng lự trong nền thương mại và mang lại một sức đẩy mới cho các doanh nghiệp của các nước Âu châu.

Dù rằng có những thể chế chao đảo liên tiếp từ 18 tháng qua ở Nam Kỳ hạ, dù có những biện pháp đối nghịch, những cách giải quyết ấu trĩ, những trói buộc không cố ý ảnh hưởng lên những sáng kiến thì lãnh thổ thuộc địa của chúng ta vẫn có một sức sống lớn lao mà người ta có thể so sánh với câu nói Fara da se (tự mình giải quyết lấy) khi nóí về nước Ý Đại Lợi. Chỉ trong vòng 2 năm đã có 200 căn nhà của người Âu Châu ở Sài Gòn (có thể F.Garnier nói từ năm 1862 tức là năm hoà ước Giáp Tuất được phê chuẩn đến năm 1864. Chú thích của F.Garnier cho biết rằng vào ngày 1 tháng 3 số nhà lợp ngói là 177 và số nhà lợp lá là 147 (nhà phụ . v.v . .) .

Vào ngày 1 tháng 5 loại nhà lợp ngói tăng lên quá con số 200 rất nhiều). Những căn nhà của người Âu Châu nầy được xây cất lại từ những ngôi nhà đổ nát của người An Nam trước đây để lập thành phố thủ đô thuộc địa của người Pháp với số dân cư gần 4 triệu người; đó là không kể đến giá trị đất đai. Thương nghiệp hiện đang thử bổ xung những khiếm khuyết trong các công tác do nhà nước (Pháp quốc) đảm trách bằng cách thành lập một công ty đào vét vũng ụ sửa chữa tàu thuyền; một dịch vụ thông tin liên lạc giữa Singapore và Sài Gòn bằng loại tàu chạy máy hơi nước để thay thế cho ngành chuyển đạt thư tín thất thường và tùy thời do các tàu chiến đảm trách định kỳ theo ngành chuyển vận của hoàng gia Pháp quốc. Các kỹ nghệ máy móc, khai thác gỗ được thành lập. Một vài nhóm thực dân ở vùng Bourbon bị thu hút bởi các tiện ích chuyển vận của xứ nầy cho nên họ đang suy tính thiết đặt các nhà máy lọc đường mía ở đây để giảm bớt chi phí tiêu hao trong việc dùng quá nhiều lừa và xe kéo để chuyển tải mía ở đảo Réunion. Thị trường chuyển nhượng trồng cây thuốc lá đang thành hình. Ngành kỷ nghệ tơ tằm đang được chú trọng nghiên cứu. Tấc cả những sự tiến triển được nẩy nở giữa những tình hình không mấy tốt đẹp cùng với những mâu thuẫn tai hại. Số kiều dân Âu châu ở Sài Gòn ngang bằng và có thể vượt hơn số kiều dân Âu châu ở Singapore đã có kể từ 50 năm qua tới nay. Phải chăng tất cả những điều nầy lại là những bằng chứng nguy hại cho các mầm móng nẩy sinh sự phồn thịnh ma thiên nhiên đã đặt để trên phần lãnh thổ nầy của miền Nam Kỳ hạ hay sao? Và phải chăng chúng ta không thấy được rằng chúng ta đang hưởng được lợi lộc một cách nhanh chóng hơn là chúng ta mong đợi hay sao ?
*
III
Trên đây là thời điểm hiện tại của miền Nam Kỳ thuộc Pháp. Phải thấy rằng thời điểm nầy không phải chỉ là những hứa hẹn nhưng nó cho phép ta dự tính được tương lai một cách xác thực. Tôi lặp lại rằng: đừng quên chúng ta đang ở vào buổi giao thời của cuộc chinh phục và chỉ mới đếm được từng giờ chung đụng với một dân tộc đã sinh sống lâu đời ở đây

Chương 28

Nếu biết khai triển tình trạng hiện giờ của những nguồn tài nguyên trên thuộc địa cùng với những môi trường mà lãnh thổ nầy cung ứng cho nền thương mại thì chúng ta có thể hy vọng rằng vận mệnh của lãnh thổ thuộc địa nầy sẽ rất thịnh vượng và phong phú. Tuy nhiên, ngoài sự màu mỡ phong phú riêng của lãnh thổ thuộc địa hiện nay lại còn những thứ màu mỡ phong phú khác mà tôi chưa nói đến, và với đà chiến đấu đang gia tăng từ từ của quân ta hướng về các miền xa xôi thì sớm muộn gì các thứ ấy sẽ được lôi kéo vào vòng quỹ đạo sinh hoạt của chúng ta: thật vậy, chúng ta thử dành ít phút để xem xét vị thế của Sài Gòn với những ngòi rạch giao thông nối liền những nguồn mạch nước quan yếu chảy qua các nước nằm trên bán đảo Ấn-Hoa và hàng hàng lớp lớp thị trường thiên nhiên rộng mỡ cho các sản phẩm của vùng đất rộng lớn mênh mong nầy; hãy điều tra dòng lưu hành của những con sông lớn bắt nguồn từ cao nguyên nước Tây Tạng chảy xuyên qua các phần đất đông dân cư của Trung Quốc; hãy thử đo lường sự phong phú của những tài nguyên chưa được khai thác nơi các vùng đồi núi dọc quanh các con sông lớn đó. Nếu nghe theo những truyện kể của các người du hành thì các vùng đồi núi nầy có những cư dân cần cù khéo léo đang làm ăn giao dịch với Thiên Quốc Trung Hoa. Có một điều chắc chắn là tỉnh Vân Nam của Trung Quốc hằng năm gởi đi rất nhiều công nhân xuống vùng thượng nguồn sông Mê Kong ở trên lãnh thổ Cao Miên để khai thác các loại hầm mõ hổ phách, cẩm thạch trắng, kẽm, vàng, bạc. Rất nhiều bộ tộc người Lào sản xuất rất nhiều lúa gạo, bông vải, tơ sợi bán cho Trung Quốc và mua lại những sản phẩm công nghiệp. Phẩm chất cao cấp của các loại sơn, sáp, cây đại hoàng mà Trung Quốc xuất cảng sang các nước Âu Châu với giá thật đắt đều được khai thác từ vùng đất chưa khai phá nầy, một nơi mà vạn vật thiên nhiên được cấu thành không khác gì nếu so sánh với tất cả những vùng đất thực vật sung túc ở dãy núi Hi Mã Lạp Sơn. Ngoài ra còn có loại cây nhựa kết, mộc hương, cây bồ đề (an tức hương) để chế biến các loại dầu bay hơi và dầu cánh kiến (để pha chế sơn vẹt ni đánh bóng đồ gỗ), cây lấy hạt anit, cây nhân sâm để lấy củ và rể dùng trong ngành Đông y, nhiều loại cây quý để lấy tinh dầu , vân . . .vân . . ., tất cả đều có thể tìm thấy tại vùng đất được thiên nhiên ưu đãi nầy, một nơi mà người ta có thể nhận thấy được nhiều ngành thương mại phát sinh từ những tài nguyên nầy giống như ở những nơi khác.

Cho đến bây giờ vì phải bận rộn với cuộc chiến tranh và công tác tạo dựng cơ sở của chúng ta ở Nam Kỳ hạ cho nên chưa có thể nghiên cứu về mặt địa hình và thống kê những nước lạ lân cận. Sát gần những đường ranh biên giới lãnh thổ của chúng ta hiện nay, mạn phía Bắc không còn có thể thu thập được một tin tức nào nữa và tình trạng mù mịt lớn lao dang ngự trị ở phía đó. Không có gì gọi là ảo tưởng để giả định rằng ngày mà chúng ta đã xâm nhập được vào nơi hỗn độn và tạo dựng được những mối dây liên hệ hòa bình với các vùng sung túc phì nhiêu nầy thì con đường thuận lợi và an toàn từ nước Cao Miên sẽ mang đến cho cơ sở của chúng ta những sản vật mà hiện nay nước đó đang chở sang Trung Quốc. Một trung tâm thương mại to lớn luôn luôn tạo ra một sức thu hút rất hiệu nghiệm, và do đó các sản phẩm từ các nước Âu châu sẽ lấn lướt thay thế các sản phẩm của Thiên triều Trung Quốc trong các ngành giao thương.

Như vậy, có thể xem như đã trả lời những câu hỏi của một nhân vật ngoại giao (Dubois de Jancigny) công du các nước thuộc vùng biển Trung Quốc vào năm 1850 và nhất định là ta sẽ không phí công để đọc lại những câu hỏi đó. Ông ta viết: "Hiện nay có những bộ tộc nào sống rải rác dọc theo hai bên bờ của dòng sông Mékong ? Những người dân thuộc các bộ tộc nầy từng chịu áp bức từ bây lâu nay thì tương lai của họ sẽ ra sao khi mà chỉ có sự giao tiếp với người Âu Châu mới có thể mang đến cho họ những lợi ích văn minh và thương mại?" Ông ta viết tiếp: "Những thắc mắc cần được giải quyết nầy hình như chỉ đặt ra cho nước Anh vì rằng những cơ sở của họ trong vùng sông Ténasserim ở Miến Điện và vùng bán đảo Mã Lai chỉ đạt được tới một mức độ phát triển và thịnh vượng mà động lực là những nhu cầu bức thiết gặt hái từ những sự thể xảy ra ngoài ý muốn.

Con sông Dương Tử rộng lớn, một con sông huyết mạch của Trung Quốc (còn gọi là Thanh giang) cùng phát nguồn từ cao nguyên Tây Tạng giống như con sông Cam-Bốt (tức là sông Mê Kong. Hai con sông lớn nầy cùng chảy song song và gần sát với nhau mà chỉ cần một con kinh đào cũng khiến cho chúng có thể thông thương được với nhau. Chỉ nhìn lên bản đồ thì cũng có thể đánh giá được tầm mức quan trọng của đường sông thông suốt nầy luân lưu liên tục trong nội địa của một đế quốc giàu có trên địa cầu với một chiều trải rộng gần 1,500 dặm (1 dặm đường bộ = 4 km; 1 dặm đường biển = 5.5 km).

Phải thấy được những công trình nghiên cứu thuộc bản chất nào cần phải thực hiện để ước lượng một cách toàn vẹn giá trị vị trí hàng đầu của Sài Gòn trên một mạng lưới thương mại vô cùng kỳ diệu và chính quyền sẽ không chần chừ để thực hiện những công trình nghiên cứu theo chiều hướng đó. Tuy nhiên, ngoài phần giả định của vấn đề, lại còn có sự gia tăng của những nguồn thông tin chắc chắn về vị trí quan yếu của Sài Gòn, xem Sài Gòn như là một nhà kho trung gian chứa những sản phẩm của một số vùng ở Á Châu. Vùng vịnh biển Xiêm La (Thái Lan) không có được một bến cảng nào có thể so sánh với bến cảng Sài Gòn; ngoại trừ được dùng như là con đường biển giao lưu để đi sang Trung Quốc, các vùng cận duyên của vịnh Xiêm Lan rất nguy hiểm và khó khăn cho cho tàu thuyền vào sát bờ biển. Ở phía bên kia thì những kinh rạch trong nội địa là những tiện ích lớn lao cho việc chuyển vận hàng hóa từ khắp nơi đưa vào bến cảng Sài Gòn và có thể không ngần ngại mà nói rằng đây mới chính là nơi mà ngành thương mại chọn làm điểm bốc dở hàng hóa xuất nhập bến cảng.. Gạo, bông vải, gỗ đóng thuyền buồm, ngà voi từ nước Cam Bốt (Cao mIên), quế hương từ các tỉnh miền Trung (Trung Kỳ), kim loại quý, tơ sợi từ miền Bắc (Bắc Kỳ) sẽ đổ vào thêm cho nguồn tài nguyên địa phương của Nam Kỳ hạ và sẽ biến lãnh thổ thuộc địa của chúng ta trở thành một trọng lực mạnh mẻ đối kháng với ảnh hưởng lan tràn của người Anh ở Miến Điện. Chỉ cần một ít khôn khéo chinh phục và đưa vương quốc Xiêm, đế quốc Ava (hay đế quốc Miến Điện) liên minh với chúng ta. Vì lý do địa thế mà nước Cam Bốt đã chịu đặt dưới sự đô hộ của chúng ta và các điều kiện thi hành chính sách bảo hộ vừa được chuẩn phê từ nước Pháp. Đã có thể nhìn thấy trước được một cuộc hành trình nhanh chóng và cấp thiết của quân đội chúng ta vào vùng bán đảo sung túc phì nhiêu nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Tôi nói ngay thêm rằng quá trình chinh phục nầy luôn luôn cần phải theo phương cách hòa bình ngay từ lúc chúng ta đã chiếm hữu được một vị thế yên ổn và bình thường ở An Nam.

Với một chút nhận định về tình hình hiện nay của đế quốc Trung Hoa mênh mông đang bị đe dọa phân hóa trong tương lai thì người ta sẽ không khỏi bàn hoàng về sự kiện 400 triệu con người hòa nhập vào với cuộc sống của nhân loại. Chỉ cần nghĩ tới những nguồn tài nguyên bao la và nền công nghiệp lớn lao của dân tộc nầy thì người ta đồng ý một cách dễ dàng rằng những thành tố mới mẻ mà đất nước đó mang đến cho sự giao lưu sẽ tạo ra một sự thay đổi toàn diện những điều kiện về trao đổi, về các định mức, về lao động, những điều mà các nước văn minh hiện đang bị bế tắt. Bởi thế cho nên cần để mắt theo dõi một cách chi li tiến trình và những đột biến của cuộc chiến đang diễn ra trên nước Trung Hoa để tùy theo đó mà hướng dẫn cuộc viễn chinh của người Pháp đạt được những thành quả tốt nhứt đối với những cuộc xâm chiếm mới.

Cuộc khủng hoảng nhứt thời nầy gây ra một đối lực đen tối trên các thị trường của người Âu châu trên lãnh thổ Trung Quốc: tỉnh Thượng Hải sau khi dã vương lên tới một mức kỳ diệu thì bị khựng lại vì những ảnh hưởng của những biến cố chính trị. Nếu đế quốc Trung Hoa bị suy sụp thì những tàn dư tác hại sẽ bao trùm khắp tràn và chận nghẽn trong một thời gian những những đường mạch thương mại của nước đó. Có ai mà lại không thấy được rằng khi sự xáo trộn toàn diện xảy ra thì Sài Gòn chính là một bến cảng an toàn của người Âu Châu trú ẩn an toàn và được xử dụng như là địa điểm để tiếp nhận cứu vớt những suy sụp do sự xáo trộn đó gây ra và cũng là nơi để tăng tiến những gì mà kẻ khác bị tiêu mất. Khi đã giao thương được với lục địa Trung quốc thì một thị trường tiêu thụ hầu như là có một không hai sẽ được mở ra ngay và sự buôn bán trong thị trường nầy nhất định sẽ lên tới những mức tỷ lệ khó thể lường đoán trước được.

Sau cùng, khi đề cặp về những hạn chế cực đoan quá mức của vùng đất Á Châu nầy đã từ lâu chống đối sự kết nạp ảnh hưởng của người Âu châu thì hiện nay vẫn còn có một đế quốc giàu có sung túc không thua gì Trung Quốc: đó là nước Nhật Bản. Quốc gia nầy khăng khăng chủ trương chính sách bế quan tỏa cảng từ xưa tới nay nhưng bây giờ thì họ đang nghĩ tới việc giải tỏa chính sách nầy để mở cửa khẩu tiếp nhận các nền thương nghiệp và văn minh của Âu Châu. Một đoàn sứ thần của quốc gia nầy trên bước đường hướng về phía Âu Châu hiện đang tiếp xúc với Sài Gòn và nhất định là phải có kết quả. Quá bị sửng sốt về tính cách nghiêm trọng của việc chiếm hữu lãnh thổ và ảnh hưởng của người Pháp trên những phần đất nầy, các sứ giả người Nhật đã hồi nhớ lại vào một thời kỳ trước đây không lâu lắm đất nước của họ đã để tâm tới tương lai thương mại của miền Nam Kỳ hạ và đã từng manh nha thiết đặt những khu thuộc địa trên phần đất nầy. Cũng có những dư luận đang bàn tán về một ấn tượng thông thương đều đặng và trực tiếp sẽ được mở ra trong một ngày nào đó giữa Nhật Bản và Nam Kỳ hạ; điều nầy sẽ coi như là một phương cách nhanh chóng chất và hữu hiệu nhất để du nhập vào thị trường tiêu thụ Âu Châu những sản phẩm của người Nhật để tránh được sự cạnh tranh với các thị trường hiện có tại Thượng Hải và Hồng Kong.

Như vậy, về mặt kinh tế, nếu được xét một cách tổng quát nơi vùng đất đang chiếm cứ thì vị thế tuyệt hảo lãnh thổ thuộc địa của chúng ta sẽ biến Sài Gòn trở thành một bến cảng có tầm cỡ hạng nhứt vùng Á Châu.
Cùng với sự phát triển Sài Gòn thành một trung tâm điểm thương mại của Viễn Đông, chúng ta có thêm động lực thúc đẩy sự giao lưu giữa Âu Châu và Trung Hoa do con kinh đào Suez ở Trung Đông tạo rạ. Với công trình kinh đào vĩ đại nầy, bến cảng Marseille của nước Pháp sẽ là nơi quy tụ nền thương mại của các nước Đông phương đồng thời cũng là địa điểm xuất phát sản phẩm của các nước Tây phương tỏa ra trên các vùng biển Á Châu. Với 2 đầu cực là cảng Marseille và cảng Sài Gòn, tuyến đường giao thương mênh mông nầy đi ngang qua các miền lãnh thổ sung túc đứng vào hàng bậc nhứt trên thế giới, nối liền màn lưới bưu chính giữa Bombay với Melbourne (Úc), Calcutta với Manila, Batavia với Thượng Hải; trung điểm của tuyến đường giao thông nầy là một vùng đất do tài trí khéo léo của người Pháp tạo ra, đó là vùng con kinh đào Suez ở Trung Đông.

Một này nào đó, người ta có thể khẳng định rằng, cờ hiệu, cùng với nền công nghiệp, nền thương mại của nước Pháp sẽ đạt được tới ưu thế vô song trên một thị trường quan trọng nhất của hoàn vũ: thị trường của những quốc gia trong vùng biển Trung Quốc; ngày đó tổ quốc của chúng ta sẽ không còn gì để phải đố kỵ với các nước có nền hàng hải và thương nghiệp hùng mạnh phát đạt nhứt. Nước Pháp sẽ thực hiện một cách hoàn toàn lâu đài huy hoàng ở phương Đông mà Dupleix đã mơ ước và chính quyền của triều đình vua Louis XV đã hèn kém buông trôi để cho một nước cạnh tranh với nước Pháp thủ lợi.
*
Tuy nhiên tôi phải ngừng nghĩ tới những ước mơ sáng lạng nầy bởi vì giàn khung của những giấc mơ nầy hình như đang sắp phải sụp đổ. Những tiếng kêu la giận dữ mà tôi đã nhiều lần ám chỉ trong bài nghiên cứu nầy không phải là không có căn bản xác thực. Một sự dự định rút lui ra khỏi 3 tỉnh vừa mới được đưa ra ở triều đình Huế và sứ thần của Pháp (Aubaret) thương thảo về việc nầy đã đến nước Xiêm La (Thái Lan).
Tôi biết rằng dư luận ở Pháp đã tỏ ra chống đối những cuộc hành quân viễn chinh; tuy nhiên, dư luận nầy mù tịt về tình hình tổng quát xảy ra nơi các vùng lãnh thổ hải ngoại cho nên chỉ biết đánh giá một cách vô ý thức về tầm mức quan trọng vị thế của miền Nam Kỳ hạ. Một vài diễn giả, nơi nghị viện, họ chỉ biết khư khư đeo đuổi một cương lĩnh chính trị đã được ấn định mà không cần bàn luận tới tầm mức quan trọng của Nam Kỳ; tệ hơn nữa là có những bài viết trên những tờ báo lớn đã lên án cuộc viễn chinh và dựa trên những sự kiện sai lầm, những đánh giá thiên vị không khách quan để bàn tán tranh luận. Một trong những tờ báo lớn nầy là tờ La Patrie, vào năm 1864 đã đăng tin rằng Huế cách Sài Gòn 60 cây số, rằng nhiệt độ ở Nam Kỳ hạ từ tháng 2 đến tháng 5 dương lịch không bao giờ lên quá mức 26o bách phân. Nếu tờ báo nầy từng tiếp nhận được những nguồn thông tin chính xác thì người ta ngạc nhiên ít hơn về việc nó ủng hộ chủ trương di tản.

Miền Nam Kỳ hạ đã gây tốn hao tiền bạc rất nhiều - tôi biết vậy. - Sẽ thâu hồi lại được sự tiêu hao đó không? - Chắc chắn là không - Lại còn phải hao tốn thêm nữa - tôi dám đoan chắc với mọi người rằng thuộc địa của chúng ta từ nay có thể tự túc một mình. Số thâu vào năm 1863 là 1 triệu 800 ngàn quan phật lăng (francs). Dự thảo ngân sách năm 1864 là 3,012,719 quan phật lăng, ngang bằng với các chi phí đặc biệt địa phương kể từ lúc nầy. Và có điều lạ là các chi tiêu trong bản ngân sách lại được dự trù quá lố trong khi mức thu nhập lại được dự trù ít đi. Cứ xem xét từng chương mục của bản ngân sách thì sẽ thấy. Nếu việc phát triển liên tục không bị ngưng trệ vì một biến động nào đó thì có thể xác định được số thu nhập cho năm 1865 sẽ là 5 triệu quan phật lăng. Vậy thì hãy để cho thuộc địa của ta có thời giờ làm sáng tỏ công việc trước khi đánh giá một cách xác quyết. Người ta dự trù phải tốn 30 năm cho xứ Algérie (thuộc Bắc Phi Châu) để có thể đòi hỏi máu xương, vàng bạc của xứ nầy vậy mà lại không cho miền Nam Kỳ hạ được 3 năm hay sao nếu đem so sánh với thuộc địa của ta ở phi châu? Xét giá trị về mặt thương nghiệp thì Nam Kỳ hạ vượt trội. Về vị trí, thì ảnh hưởng của Nam Kỳ hạ đối với một môi trường hoạt động xa xôi lại không cần chú tâm cứu xét hay sao?

Có thể sẽ được trả lời rằng: cho dù có thể thanh thỏa các kinh phí hiện nay cho những vùng địa phương của Nam Kỳ mình thì không vì thế mà tổn phí dùng cho các lực lượng quân sự thủy bộ tại Nam Kỳ được giảm bớt đi. - Nói như vậy thì phải chăng người ta chối từ sự hậu thuẫn của cơ sở quân sự được dùng để bảo vệ những quyền lợi quan yếu của người Pháp? Phải chăng không cần phải có những căn cứ hải quân để bảo vệ những sự phát triển thương mãi non kém sao? Để phòng ngừa những biến cố đột phát có thể xảy ra nơi vùng biển Trung Hoa, thì việc có được trong tay những lực lượng chống lại ảnh hưởng của những lực lượng thuộc nhiều quốc gia khác trong vùng đó phải chăng không phải là một chính sách lành mạnh?

Một dấu chỉ cho thấy giá trị và tương lai cho việc chúng ta chiếm hữu miền Nam Kỳ là sự đánh giá của người Anh Cát Lợi về sự chiếm hữu nầy. Không có cách nào sáng tỏ hơn bằng cách nghe đối thủ đưa ra những lời phê phán về sự chinh phục miền Nam Kỳ của chúng ta. Ngoài ra còn có thể đọc những đầu đề do các thông tấn viên nơi những vùng biển Trung Hoa đăng trên báo chí của người Anh đã kích việc xâm chiếm Sài Gòn và tham vọng thả cửa của người Pháp - Đó chỉ là những cái lỗ miệng nhai đi nhai lại những lời kêu ca đơn lẻ giống nhau. Tuy nhiên những lời kêu ca đó ít ra cũng làm cho chúng ta phải mở mắt ra.

Tôi sẽ không nói tới nỗi đau khổ do sự tuyên bố tháo lui khỏi Nam Kỳ gây ra cho những người vô vị lợi cùng đang nhất trí tin tưởng vào tiền đồ thuộc địa của chúng ta. Hối tiếc sẽ nhẹ bớt đi về những chết chóc đau thương cùng với những mất mát nhạy cảm khi người ta nghĩ rằng những điều đó làm cho tương lai được màu mỡ. Cay đắng thay nếu bây giờ lại nghĩ rằng cứ để cho máu đổ lan tràn vô sinh.

Tôi biết rằng nơi chính trường người ta không cảm nhận mà chỉ biết lý sự. Vậy thì tôi sẽ thử dùng lý lẽ để chống lại chủ trương di tản sai lầm tai hại nầy, và dù rằng đã có những con số mà tôi đã nêu ra ở phần trên, những con số mà tôi thách thức có sự tranh cải đúng đắn bằng những chứng cớ tốt nhứt, tôi sẽ khảo sát mọi chi tiết bản dự thảo sắp được đưa ra bàn luận nơi triều đình Huế.

Trong bản dự thảo đó có điều khoản giao trả lại cho người An Nam lãnh thổ đã bị xâm chiếm, ngoại trừ một vài địa điểm mà Sài Gòn và Mỹ Tho 2 địa điểm chính cùng với một vài vùng lân cận. Điều khoản bồi thường hàng năm 3 triệu, điều khoản ấn định việc bảo hộ 6 tỉnh, điều khoản ấn định về quyền tuyệt đối tự do đi lại cho những kiều bào của chúng ta, điều khoản bắt buộc về đặc quyền ngoại thương tại hai thành phố, tất cả những điều khoản nầy nếu tôi không bị sai lầm thì đó chính là những điều kiện chính yếu cho bước thối lui nầy (Tôi không có ý khẳng định đây là ý nghĩa của những điều khoản chính xác được viết ra trong bản dự ước cho tới lúc nầy vẫn còn giữ kín; tuy vậy tôi tin chắc rằng từ những sắc thái gần như vô nghĩa, tôi nêu ra tầm mức và tinh thần của văn bản ngoại giao nầy).
Dù cho diễn tiến ngoại giao xảy ra thế nào đi chăng nữa, thông thường chứa đựng nhiều điều lừa phỉnh, người ta không nên tin tưởng một cách tuyệt đối vào giá trị và tính cách chân thật của một bản hòa nghị được ký kết với bất cứ một triều đình nào ở Đông phương. Dựng ra được những điều khoản lừa dối trong bản hòa nghị tức là họ đã thắng thế, và khi đã quyết định dứt khoát để ký kết thì sẽ đi đến tình trạng dẫn giải gò ép bản văn để thi hành một cách trái ngược hoàn toàn với tinh thần của bản văn. Đó chính là những thắng lợi mà giới sĩ phu và quan lại người An Nam nghĩ rằng họ có thể có thu hái được.

Trước hết, liệu rằng hiện tình mới nầy sẽ đạt được mục tiêu kinh tế như người ta đề xướng hay không ?
Tôi cho rằng không. - Những đường ranh giới cần được bảo vệ sẽ toả rộng gắp ba hoặc bốn lần nếu so sánh với việc bảo vệ những đường ranh giới của 6 tỉnh nếu 6 tỉnh nầy do ta làm chủ.

Sự phân tán và tình trạng cô lập của các đồn bót gây thêm tốn hao vì phải cung ứng tàu thuyền để phục dịch cho các địa phương. Lợi tức thu hoạch trong lãnh thổ của chúng ta vì thế sẽ bị giảm sút xuống ngang với định mức bồi thường chiến phí hằng năm tức là sẽ ít hơn số lợi tức thu nhập hiện nay. Người ta chỉ tiết kiệm được số chi phí dùng cho việc điều hành cai trị dân bản xứ, được ấn định là 721,594 đồng quan phật lăng mà hiện nay mẩu quốc không còn phải gánh vát nữa.

Về mặt tài chánh, chúng ta không không được lợi lộc gì mà còn sẽ bị thiệt thòi nhiều về mặt thương mại. Sai lầm của những tác giả bản dự ước mới chính là điểm họ cho rằng với sự trù tính mới mẻ trong bản dự ước thì nền thương mại của Sài Gòn sẽ không thua gì nền thương mại của toàn cõi Nam Kỳ hạ. Nghĩ như vậy là không đếm xỉa gì đến bản chất của người dân bản xứ mà chúng ta đang giao dịch. Mơ tưởng biến Sài Gòn thành một trung tâm thương mại giống như Hồng Kong là tự tạo cho mình những sai lầm nghiêm trọng trong tương lai. Những điều gì hợp với ý hướng hiển nhiên chuyên hành nghề thương mại của người Hoa lại trở thành ảo tưởng viễn vong khắp nơi trong nước An Nam, nơi mà những sáng kiến thương mại đều bị vùi dập và những sự giao dịch đều do những người cai trị hám của tham lam độc quyền nắm giữ. Vả chăng, trước đây thì có thể thử mà không gây nguy hại cho tương lai cho nên chỉ cần chiếm cứ Sài Gòn mà thôi, nhưng ngày nay thì không còn có thể thử giống như thế mà không phải hứng lấy những hậu quả khốc liệt nặng nề. Ở vào thời kỳ đó, từ lúc khởi đầu cuộc chinh phục, chúng ta có được một uy thế vang lừng để đối xử với dân chúng quanh vùng và thu hút sản phẩm của họ về phía ta; bây giờ thì chúng ta chỉ còn lại có một ít ảnh hưởng nhỏ nhoi của một kẻ chinh phục đang rút lui dưới sự nghi kỵ và hận ghét của số dân chúng bị ta bỏ rơi.

Hãy hình dung việc để cho chế độ của người An Nam khai mạc trở lại trong 3 tỉnh của chúng ta, hãy suy xét lại về đIều lợi mà chính quyền của triều đình Huế sẽ có được để tách rời chúng ta ra khỏi mọi sự giao thương và mọi phương tiện thuận lợi hầu đạt tới kết quả như hiện tại với tình trạng bất động của dân chúng vì họ run sợ phải gánh lấy một phản ứng khủng khiếp, và người ta sẽ tin rằng vì được một khởi xướng nhượng bộ rộng lớn cổ xúy, chính quyền đó chỉ cần làm sao để có được một cuộc di tản toàn diện bằng cách làm cho chúng ta chán nản với những mưu toan thương mại vô ích của chúng ta, chán nản vì khoảng trống sâu thẩm mà họ sẽ biết cách gây ra chung quanh chúng ta. Sẽ vô ích để mà viện dẫn bản hòa ước: sự khôn khéo của quan chức triều đình Huế sẽ thách thức chúng ta trưng dẫn bằng chứng mọi sự vi phạm trực tiếp bản hòa ước. Vả chăng, tôi lập lại lần nữa, có còn được một tình cảm nào khác ngoài tình cảm ghê tởm mà chúng ta sẽ gây ra cho đám dân chúng đã theo về với chúng ta vì họ đã tin tưởng vào những hứa hẹn long trọng của chúng ta, những hứa hẹn chỉ được một sớm một chiều để rồi bị lờ quên và phản phúc? Uy tín của chúng ta còn gì dưới mắt họ để nhờ đó mà họ có thể hóa giải những mối đe dọa bí ẩn cùng với những sự báo thù hữu hiệu của những hàng quan lại triều đình cai trị của họ? Chúng ta sẽ chỉ còn thống trị hai tỉnh Sài Gòn, Mỹ Tho hoang vắng như sa mạc cùng với các đồn bót đặt trọng pháo, chúng ta sẽ có những được những xưởng quân giới tuyệt hảo nhưng chúng ta đừng mông có được những bến thương cảng và chúng ta sẽ phải đưa gạo thóc cần thiết từ nước Pháp đến để nuôi sống chúng ta.

Bất hạnh thay, tôi không lý luận bằng cách dựa trên những giả thuyết nhưng là đặt trên những sự kiện thực tế. Vào năm 1860, khi chiếm đóng Sài Gòn một cách giới hạn thì ngày trước ở đây có 40 ngôi làng nhưng chỉ còn lại có một làng người gia tô giáo sau khi Sài Gòn bị chiếm đóng. Kiểu thống trị bấp bênh của chúng ta cũng đủ để người dân An Nam chạy trốn khỏi thành phố Sài Gòn. Vào lúc chúng ta đã chiếm cứ tỉnh Vĩnh Long thì sự giao dịch thương mại lớn lao trước đây được thực hiện tại một vị trí cách thành phố Sài Gòn 10 dặm để chở sang thị trường Jadée (sic!) (Ghi chú của người dịch: có thể F.Garnier muốn nói tới thị trường Trung Quốc chăng? Vào thời nầy, Trung Quốc có lẽ được coi như là nơi sản xuất nhiều loại đá quý gọi là Jade/ ngọc thạch cho nên F.Garnier gọi nước nầy là Jadée ?) thì nay đã chuyển hướng sang một nhánh sông khác hướng về phía tỉnh Châu Đốc và kể từ lúc đó nơi nầy trở thành quan trọng gắp đôi.

Bất cứ lúc nào, ở khắp nơi, phương thức cô lập được xử dụng để chống lại chúng ta.

Ngay cả khi chấp nhận rằng cứ kiên trì rồi những hoạt động trung gian của người Hoa cũng sẽ tạo được một nguồn giao lưu lúa gạo đến Sài Gòn thì người ta vẫn phải nhớ tới những thành quả mà các quan lại mục nát của triều đình sở tại thu nhập được và con số 3 triệu đồng phật lăng ($3,700,000 frc) mà tôi đã nêu lên ở trên (trang 1876) như là tổng số mức nhập và xuất của cả nước An Nam riêng trong năm 1841. Ngoài ra, nhu cầu thương mại sẽ dẫn đưa chúng ta đến tình trạng nguy hại là cứ nhắm mắt làm ngơ những sự lấn lướt của các quan lại triều đình và thừa nhận sự hiện diện của họ. Cứ mỗi chuyến hàng gạo thóc mong đợi được tải đến thì chúng ta lại phải phó thác hoàn toàn vào sự ân huệ của họ, rồi thì từ nhân nhượng nầy đến nhân nhượng khác, chúng ta sẽ không tránh khỏi tuột dốc rơi xuống hàng thấp kém ô nhục mà người Anh và người Bồ Đào Nha đã từng phải gánh chịu lâu dài khi đối đầu với nước Trung Hoa chỉ vì họ muốn sự giao thương của nước họ với nước nầy không bị gián đoạn.(Chú thích của F.Garnier: tham chiếu vấn đề nầy trong bài La Question de Chine, đăng trong tập chí Revue des Deux Mondes, số tháng 6 năm 1857 và bài viết Le Voyage en Chine của tác giả M. Jurien de la Gravière. Trong bài kể chuyện nầy có đầy dẫy những điều ô nhục khó thể tưởng tượng mà hai nước đó phải gánh nhận, cho tới khi người Anh quyết định gây ra cuộc chiến tranh đầy tiếng tâm vào năm 1840. Ngoài ra còn phải nhớ lại vụ ám sát thống đốc Amaral ở Macao vào năm 1848 mà hầu như không bị trừng phạt).
Mặt khác, xét trên một mức độ cao hơn, một nước như nước Pháp khi đặt gót chân lên một vùng đất xa lạ và man dã thì có cần phải nhắm vào một mục tiêu duy nhứt là nới rộng nền thương mại của mình và hài lòng với động cơ duy nhứt là miếng mồi hám lợi? _ Một nước Pháp nổi tiếng là hào hiệp đối với các nước tiến bộ ở Âu Châu và có những ý tưởng được truyền bá khắp thế giới, đã được thượng đế giao cho một trọng trách cao vọng hơn, trọng trách khai phóng các dân tộc để lôi kéo họ ra khỏi vòng nô lệ u mê tăm tối và tai ách chuyên chế. Có lý nào nước Pháp tự tay mình dập tắt nguồn ánh sáng văn minh mang đến cho người An Nam đang bị chìm đắm trong bóng tối mù mịt ? Có lý nào nước Pháp lại tai điếc mắt ngơ đối với những thống khổ triền miên của họ? Nước Pháp phải bôi bỏ cái phần đẹp nhứt trong tác phẩm của mình hay sao? Để rồi phải gánh chịu một tình trạng khốc hại do chính mình sẽ gây ra cho mình, thay vì tạo dựng lại khối dân chúng, thì lại theo gương người Anh dùng võ lực để ép buộc dân chúng (Trung Hoa) phải nuốt độc dược nha phiến?

Ở đây người ta thấy rằng phẩm giá và quyền lợi của chúng ta hài hòa với nhau và đẩy lùi mọi ý nghĩ hạ giảm uy thế của chúng ta ở An Nam.

Không những ảnh hưởng và uy thế của ta ở Nam Kỳ hạ bị tan biến luôn sau khi phương sách nầy (di tản) được áp dụng, một phương sách khiến cho dân cư sẽ bỏ di hết, chúng ta lại còn phải gánh chịu từ các triều đình lân cận (của các triều đình ở Âu Châu) những tai tiếng thất trận và giá trị chúng ta bị hạ thấp.Chúng ta đang giao tiếp với các chủng tộc Á châu chỉ biết phô trương bạo lực và như vậy thì để đối lại với những cách phô trương như thế mà lại dùng những tính toán ngoại giao để đối xử tế nhị thì thật là xuẩn động. Để có một bằng chứng về điều nầy, tôi xin nêu ra câu chất vấn của vua nước Cambodge (Cao Miên) khi biết được ta đầu hàng chịu giao nạp trở lại tỉnh Vĩnh Long cho người An Nam, hỏi rằng người Pháp chúng ta đã thất bại ở chỗ nào và ai lại có thể lấy một loại quyết đinh triệt thoái kiểu như vậy. Cũng vậy, người ta thấy sự tổn hại gì đã xảy đến cho uy tính của đạo binh của chúng ta khi tin tức di tản được loan truyền đến khắp các triều đình vương quốc ở Viễn Đông. Có thể là chúng ta đã chiếm giữ 3 tỉnh vào một thời điểm chưa thích hợp và đầy xáo trộn; nhưng sau đó nhất định sẽ là một lỗi lầm to tát nếu ta bỏ rơi 3 tỉnh đó.

Sau cùng, tôi giả định xem nếu bước thụt lùi nầy trở thành hiệu lực thì số dân chúng người An Nam đã một thời đã theo về với người Pháp, một thời tin tưởng vào lời hứa và sự che chở của người Pháp, họ sẽ ra sao khi bị trả về cho những chủ nhân cũ của họ. Với những việc đã làm của mình liệu rằng số dân chúng này có thể tránh khỏi một sự trừng phạt nào khác khủng khiếp hơn là hình phạt phân thây xẻ thịt hay không? Người ta có thể hình dung được hay không những cuộc trả thủ sẽ áp dụng không riêng gì cho các xã trưởng, lính mã tà (Ghi chú: Mã tà hay cảnh vệ do người Pháp tuyển và huấn luyện), những nhân công bản xứ làm việc cho chúng ta mà cũng áp dụng luôn cho tất cả số dân cư trong các làng mạc bị nghi ngờ là đầu phục chúng ta một cách dễ dàng hoặc tỏ ra quá trung thành với người Pháp?

Chúng ta tự động trao cho họ sự bảo đảm hão huyền trong bản hòa ước hay sao?

Ngoài sự đối đầu với những hăm dọa, những sự khiêu khích nặng nề, những hành động ám sát gây ra cho những ai muốn mang hàng hóa vào Sài Gòn thì còn có thêm cả một đoàn ngũ gớm ghiếc những kẻ phản kháng, trả thù cá nhân, thanh toán chính trị cùng với các hành vi tịch thu tài sản, cảnh huống khốn cùng và nỗi kinh hoàng khó tả kèm theo. Xứ nầy đã từng chịu khổ đau cùng cực nay được chúng ta lại sẽ giao cho họ một tình trạng vô vọng tồi tệ đến mức mà người An Nam phải thốt lên rằng thà chết còn hơn; chúng ta sẽ gây ra cho xứ nầy một vết thương không bao giờ có thể chữa lành được. - Và cớ sự xảy ra như vậy chỉ vì xứ nầy đà mù quáng tin tưởng vào một lời hứa hẹn của nước Pháp!

Người ta sẽ thấy thế nào khi dòng máu đào nầy tuông rơi lên đầu của chúng ta? Đợi cho đến khi đó thì sẽ tìm một viên thống đốc người Pháp trơ lì để trợ giúp cho những cảnh hành quyết đó hay sao?

Phần tôi thì lại không nghĩ như vậy.

Sẽ đến lúc mà sự phẫn nộ sẽ đầy tràn và phá vỡ mọi bờ ngăn chận do các nhà ngoại giao khôn ngoan đã dựng lên.

Người ta sẽ nhận biết được vị thế phụ thuộc, con đường cụt không lối thoát ở tại nơi mà người ta sẽ được đặt vào và rồi người ta sẽ đòi lấy lại hết những gì mà người ta đã nhân nhượng. Nhưng lúc đó thì đã quá trễ: cái lỗi di tản là một trong những trong những lỗi lầm không có cái gì đền bù. Dân chúng một lần bị lừa gạt tàn nhẫn sẽ không còn để cho mình bị lừa gạt như thế một lần thứ nhì và rồi thì dân cư khắp nơi trên cái xứ sở tươi tốt phì nhiêu nầy sẽ trở thành hoang vắng ngay trước trước khi bước chân chúng ta đặt tới. Một lần bất tín thì không bao giờ có thể tạo lại được niềm tin, và tới chừng đó cho dù chúng ta có thành thật cách mấy đi chăng nữa thì thì lời nói của chúng ta vẫn bị nghi ngờ: những lời nói không còn có thể thuyết phục được ai.

Cũng vậy, nhờ vào một sự cảm nhận may mắn và phong phú, sau khi chúng ta đã đã chiếm được một vị thế kính phục trên lục địa Á Châu, sau khi chúng ta đã có một lúc thấy được một tương lai tươi đẹp do chính sách thuộc địa tạo ra cho chúng ta cùng với một đế quốc mới ở Đông Ấn phát sinh dưới bóng quân kỳ của chúng ta thì nay chỉ vì một giờ mất kiên nhẫn, vì một sự khủng hoảng nhất thời, chúng ta lại sắp phải hy sinh tất cả, phải tự ý rút lui từ bỏ mà không hy vọng gì quay trở lại để nhìn thấy ảnh hưởng và nền thương mại của nước Pháp trong vùng biển Trung Quốc được vung trồng từ những vùng đất nghèo mạc khô đét cổ xưa.

Nếu cho rằng đừng hy vọng gì chính phủ khi hiểu rõ tình thế sẽ trở về giải pháp đã được quyết định (hòa ước 1862) thì đây là một ý tưởng rất nản lòng. Tuy nhiên, chính phủ phải hành động một cách khẩn cấp để sự tai hại do chính phủ tạo ra không trở thành nghiêm trọng hơn. Cứ mỗi tháng trôi qua trong tình trạng vô định thì tương đương với một năm mất mát cho chính sách thuộc địa. Các ngành kinh doanh dự trù đã được giao trả lại, các thử nghiệm nông nghiệp đã bị đình trệ, cư dân quá lo âu rời xa chúng ta. Vậy thì hãy đưa ra một sự cải chính vang dội để làm yên lòng quần chúng, để tạo ra một xung lực mới cho nền móng vừa mới chớm nở và hãy để cho mọi phạm vi nào cho nền móng vừa mới chớm nở và hãy để cho mọi phạm vi nào có tích cách quyết định được cứu xét kỹ lưỡng khiến cho họ có thể an tâm.

Sài Gòn, ngày 19 tháng 4 năm 1864


Câu hỏi đặt ra là F.Garnier có hay không có tạo ảnh hưởng lên quyết định của chính phủ Pháp về những đường lối chính sách mà họ áp đặt trên các vùng lãnh thổ do đoàn quân xâm lược của họ chiếm đóng ở Nam Kỳ?

Một bài viết gần đây đăng trên mạng lưới điện tử Internet:
http://www.netmarine.net/bat/batral/fgarnier/celebre.htm nơi bản mục lục phần HISTOIRE ET PATRIMOINE đã tôn vinh Francis Garnier như sau:


Depuis un siècle, la Marine nationale baptise régulièrement l'une des ses unités du nom de cet officier, rendant ainsi hommage à son courage et à son ardeur à porter à l'autre bout du monde les couleurs de la France.

Voici bientôt cent dix ans, le 1er décembre 1873, qu'il tomba au terme d'un combat héroïque sous les lances des "Pavillons Noirs" en défendant la citadelle de Hanoï.

Mais qui était cet homme, qui avec le Commandant Doudart de Lagrée fut l'un des moteurs de la mission française de 1866 en Extrême-Orient, mission marquant le début de la présence coloniale de notre pays dans ce qui devait devenir l'Indochine.

C'est à Saint-Etienne le 25 juillet 1835 qu'il naît. Après ses études au lycée de Montpellier, il est admis à l'Ecole Navale en 1855. Une première campagne l'emmène vers les mers du sud, puis il s'aventure en 1859 sur le Duperré qui part pour la Chine. C'est au cours de cette traversée qu'il se jette à l'eau en pleine nuit pour sauver un camarade emporté par une lame. Il a vingt-et-un ans avec le grade d'enseigne de vaisseau lorsqu'il découvre la Chine, pays qui ne cessera plus de le fasciner. Sous les ordres de l'amiral Charner, il participe à la prise de Pékin et au sac du Palais d'Eté par les troupes franco-britanniques.

En 1863, il rentre dans le corps de l'Inspection des Affaires indigènes. Il est nommé administrateur à Cholon, ville proche de Saïgon. Le contact et la richesse de la civilisation chinoise le passionnent et c'est à cette époque qu'il publie ses premiers ouvrages documentaires : "La Cochinchine" et "De la colonisation de la Cochinchine" où apparaît l'idée de l'exploration du Mekong au cours encore inconnu.

Cette expédition qui devenait une réalité, part de Saïgon le 5 juin 1866 sous les ordres du Commandant Doudart de Lagrée ; Francis Garnier en est le second. La mission a trois buts : scientifique, politique et diplomatique. En novembre 1867, une révolte locale oblige Francis Garnier à s'écarter du Mékong avec une partie de sa troupe, laissant en arrière Doudart de Lagrée, malade. Il explore inlassablement toute la région. Au retour, il apprend la mort de son supérieur et devient alors le Commandant de l'expédition qui atteint la vallée du Yang-Tsé-Kiang puis la redescend jusqu'à Shangaï avant de regagner Saïgon le 29 juin 1868.

Au terme de cette expédition, il rentre en France, est affecté au "dépot des cartes et plans de la Marine" et y rédige le rapport de sa campagne en Cochinchine. Il devient membre de la société géographique où il fait cet éloge de son chef disparu : "L'exploration du Mékong, que le Commandant de Lagrée avait comprise si grande, et qu'il a réalisée si complète, restera sienne; ses glorieux et féconds résultats sont à jamais inséparables du nom d'Ernest Doudart de Lagrée."

En 1871, Francis Garnier reçoit la Médaille d'Honneur du Congrès de Géographie, médaille qu'il partage avec Livingstone.

Pendant la guerre de 1870, il reste à Paris comme Chef d'Etat-Major de l'Amiral Mequet. Ayant remis en 1872 son rapport de campagne, il sollicite un congé de trois ans sans solde afin de repartir à titre personnel pour la Chine.

Il quitte donc la France avec sa femme, qu'il a épousée en 1870, et s'installe à Shangaï. Son but est de poursuivre l'oeuvre géographique de l'expédition de Doudart de Lagrée, de reconnaître jusqu'au Tibet le cours supérieur du Mékong mais aussi d'essayer de jouer le médiateur entre le pouvoir impérial chinois et les rebelles musulmans qui épuisent le pays.

Un officier en congé à la tête de 200 hommes !

C'est en solitaire qu'il explore ces régions pendant six mois, avant d'être rappelé par l'Amiral Dupré, gouverneur de la Cochinchine. Celui-ci lui donne les pleins pouvoirs pour régler au Tonkin un différend qui oppose quelques colons français aux rebelles. Francis Garnier, officier en congé, se voit confier le commandement d'une troupe de deux cent hommes et quatre canonnières. Il arrive à Hanoï en novembre 1873 et, ne parvenant pas à régler par la voie diplomatique le conflit, s'empare sans coup férir de la citadelle puis envoie des détachements occuper les principales places du delta.

Le 21 décembre, alors que les négociations étaient sur le point d'aboutir, la citadelle est attaquée par les "Pavillons Noirs". Les Français résistent courageusement aux assaillants et les obligent à se replier. C'est alors que Francis Garnier sort de la citadelle avec plusieurs hommes et un canon à la poursuite de l'ennemi. A six cent mètres de là, il abandonne le canon et continue sa course avec trois hommes. En tentant de passer une digue dans les rizières, il trébuche et, se trouvant isolé, est mortellement frappé par les "Pavillons Noirs". Ne le voyant plus, ses compagnons se rapprochent et trouvent son corps décapité. Sa dépouille est ramenée à Saïgon où il est inhumé en 1875 aux côtés de Doudart de Lagrée.

Telle fut la vie de ce pionnier de la présence française en Asie. Par le rôle essentiel qu'il joua dans le succès de la mission d'exploration du Mékong, par les réflexions que lui inspirèrent ses voyages en Chine et sa parfaite connaissance de l'Empire du Milieu, par les oeuvres qu'il publia au retour de ses expéditions, Francis Garnier demeure l'un des artisans de l'ouverture de l'Asie au monde occidental.


Le retour des cendres de Francis Garnier

Dans la nuit du 1er au 2 mars 1983, le corps de Francis Garnier, après avoir été exhumé (ainsi que celui de Doudart de Lagrée) furent incinérés. Les urnes furent remis au consul général de France à **** ville le 2 mars 1983. C'est la Jeanne d'Arc, commandée alors par le capitaine de vaisseau Merveilleux du Vignaux, qui se chargea de ramener en France les cendres des deux explorateurs.

Dépôt des cendres de Francis Garnier

Le jeudi 23 avril 1987, une brève mais émouvante cérémonie au cours de laquelle l'urne contenant les cendres de Francis Garnier était confiée par le capitaine de vaisseau (H) Besancon, descendant de l'illustre marin, à la ville de Paris pour être enchassée dans le socle d'un monument, situé à la rencontre du boulevard Saint-Michel et de la rue d'Assas.

Etaient présents notamment les membres de la famille de Francis Garnier dont le capitaine de corvette Besancon, ancien commandant de l'aviso Premier maître L'Her, le vice-amiral d'escadre Denis représentant le Chef d'Etat-Major de la Marine, le capitaine de vaisseau Cottin Commandant la Marine à Paris. La section d'honneur de la Marine à Paris rendait les honneurs. Monsieur Didier Bariani, adjoint au maire de Paris, Secrétaire d'Etat auprès du Ministre des Affaires Etrangère et représentant Monsieur Jacques Chirac présidait cette cérémonie.

Les cendres de Francis Garnier ont désormais quitté la nuit indochinoise pour retrouver le sol de Paris.

Tạm dịch:

Từ một thế kỷ qua, Hải Quân Quốc Gia vẫn tiếp tục làm phép rửa cho một trong các đơn vị hải quân của mình bằng cách lấy tên của viên sĩ quan nầy đặt tên cho, khiến cho sự vinh danh về lòng can trường đầy nhiệt quyết của ông đước loan truyền khắp cùng thế giới dưới lá cờ của nước Pháp.

Đến nay, đã gần 110 năm, kể từ ngày 1 tháng 12 năm 1873, ngày ông ngả xuống dưới những ngọn giáo nhọn của Giặc Cờ Đen để chống giữ thành Hà Nội.

Cũng chính ông đã cùng với thiếu tá Hải quân Doudart de Lagrée kết tạo thành một trong những động cơ thúc đẩy cho bộ công tác của Pháp tại Viễn Đông, một công tác đánh dấu bước khởi đầu của sự hiện diện chính sách thuộc địa của đất nước chúng ta tại một nơi mà sau đó trở thành bán đảo Đông Ấn (Đông Dương).

Ông sinh ra tại Saint Étienne ngày 25 tháng 7 năm 1835. Sau khi tốt nghiệp trung học từ một trường trung học ở Motpellier, ông được tuyển nhập vào trường Hải Quân vào năm 1855. Chuyến công tác đầu tiên trong ngành hải quân đã đưa ông đi vào các vùng biển ở phía Nam và tiếp theo là theo tàu Duperré vào năm 1859 để thám hiển nước Trung Hoa. Trong cuộc hành trình mạo hiểm nầy, ông đã nhảy xuống biển sâu trong màn đêm tối đen để cứu mạng sống người đồng đội bị một đợt sóng lớn phủ chụp lên tàu và cuốn lôi anh ta xuống biển. Vào lúc hiểu biết được nước Trung Hoa, ông là một sĩ quan hải quân 21 tuổi và Trung Hoa là một nước không ngừng tạo cho ông thích thú. Theo lệnh của đề đốc Charner, ông tham dự chiến dịch đánh chiếm thành Bắc Kinh và cung điện Mùa Hạ của Trung Quốc do liên quân viễn chinh Anh-Pháp chủ động.

Cuộc Thám hiểm dòng sông Mê-kong lần thư nhất

Năm 1863, ông được chọn nhận vào cơ quan Thanh Tra Bản Xứ Sự Vụ. Ông được bổ nhiệm vào chứ vụ Thị trưởng thành phố Chớ Lớn, một thành phố tiếp cận với Sài Gòn. Ông đã say mê khi tiếp xúc với người Trung Hoa và hiểu biết được về nền văn hóa phong phú của người họ và chính vào thời điểm nầy ông đã phát hành 2 tác phẩm tham khảo của ông "Xứ Nam Kỳ" và "Chính Sách Thuộc Địa ở Nam Kỳ" và ý nghĩ thám hiểm dòng sông Mê-Kong hoang dã chưa từng được ai biết tới đã được tác giả đề cặp trong hai tác phẩm đó.

Ý nghĩ về một cuộc thám hiểm như thế đã trở thành thực tế, đoàn thám hiểm dưới quyền chỉ huy của thiếu tá hải quân Doudart de Lagrée đã khởi hành từ Sài Gòn vào ngày 5 tháng 6 năm 1866; trong đoàn thám hiểm nầy Francis Garnier là chỉ huy phó. Đoàn thám hiểm có 3 mục tiêu nghiên cứu: khoa học, Chính trị và ngoại giao. Tháng 11 năm 1867, vì một cuộc nổi loạn địa phương khiến cho Francis Garnier phải tránh xa vùng sông Mê-Kong với một nhóm nhỏ của đoàn thám hiểm, còn Doudart de Lagrée đang bị nhiễm bệnh thì phải bỏ lại phía sau. F.Garnier thám hiểm không biết mệt mỏi cả vùng. Khi quay trở lại thì ông hay tin rằng người thượng cấp của ông đã chết và ông trở thành đoàn trưởng chỉ huy đoàn thám hiểm thám sát cả một vùng thung lũng sông Dương Tử (hay Thanh Giang) rồi lại xuôi dòng đến vùng Thượng Hải trước khi trở về Sài Gòn vào ngày 29 tháng 6 năm 1968.

Theo quy định về cuộc thám hiểm nầy thì O6ng phải trở về Pháp và được bổ nhiệm đến "căn cứ tồn trữ các bản đồ địa dư và bản vẽ hàng hải " để soạn thảo bản phúc trình về chiến dịch thám hiểm của ông ở Nam Kỳ. Ông trở thành một hội viên của Hội Địa Dư và ông đã tuyên xưng với hội nầy về sự hy sinh của người thượng cấp của ông như sau: "Cuộc thám hiểm dòng sông Mê-Kong mà thiếu tá de Lagrée đã thấu suốt một cách tường tận và dã thực hiện được một các vẹn toàn luôn luôn vẫn là phần công trạng của riêng thiếu tá; những thành quả vẻ vang và và sinh sôi do ông tạo ra sẽ luôn luôn dính liền với danh xưng Ernest Doudart de Lagrée".

Năm 1871, F.Garnier được ban thưởng huy chương danh dự bội tinh của Hiệp Hội Địa Dư cùng với Linvingstone.

Trong trận chiến 1870 ở Pháp, ông ở lại Paris giữ chức vụ tham mưu trưởng dưới quyền của đề đốc Mequet. Sau khi hoàn tất bản phúc trình của mình, ông được nghỉ giả hạn 3 tháng không được trả lương để trở qua Trung Quốc với tính cách cá nhân.

Ông rời nước Pháp với vợ cưới từ năm 1870 và đế ở Thượng Hảị Mục tiêu của ông là tiếp tục nghiên cứu về địa dư công trình thám hiểm của Doudart de Lagrée, để thám sát lên đến vùng Tầy Tạng nơi thượng nguồn phát nguyên dòng sông Mê-kong đồng thời cố gắng đóng vai trò trung gian hoà giải giữa các quyền lực của hoàng triều Trung Quốc với những lực lượng nổi dậy người Hồi Giáo đang làm kiệt huệ đất nước.

Viên sĩ quan nghỉ phép không lương
cầm đầu chỉ huy 200 binh sĩ!

Ông đã đơn độc tiến hành công tác thám sát những vùng nầy trong vòng 6 tháng trước khi được Thống đốc Nam Kỳ đề đốc Dupré triệu vời. Viên Thống đốc nầy đã trao toàn quyền quyết định cho F.Garnier ra Bắc kỳ để giải quyết việc khiếu nại liên quan tới vài vụ tranh chấp giữa một vài kiều dân người Pháp với bọn nổi loạn. Sĩ quan đang nghỉ phép không lương Francis Garnier được giao phó nhiệm vụ chỉ huy một đội binh 200 người và 4 pháo hạm. Ông đến Hà Nội vào tháng 11 năm 1873 và, không cần dùng đến đương lối ngoại giao để giải quyết sự tranh chấp, ông tự ý tiến quân đánh chiếm thành (Hà Nội) rồi tung quân của ông đánh chiếm nhiều khu vực chính yếu thuộc vùng châu thổ.

Ngày 21 tháng 12, trong khi cuộc thương thảo sắp khởi đầu thì thành Hà Nội bị Giặc Cờ Đen tấn công. Quân binh Pháp chống trả mãnh liệt và đẩy lui được giặc. Chính vào lúc đó, Francis Garnier đem một số quân binh cùng với một khẩu đại pháo ra khỏi thành để truy kích địch quân. Khi ra khỏi thành khoảng 600 mét, ông bỏ lại khẩu đại pháo để tự mình cùng với 3 binh sĩ truy kích quân giặc. Khi đi ngang qua một đầm lầy ruộng lúa, ông bị lún sình kẹt lại một mình và bị bọn Giặc Cờ Đen đâm chết. Không thấy ông quay về thành, đồng đội của ông đi tìm và gặp thấy thân xác cụt đầu của ông . Xác của ông được mang về Sài Gòn và được chôn cất vào năm 1875 bên cạnh ngôi mộ của Doudart de Lagrée.

Đó là cuộc đời của một nhà thám hiểm tiền phong tạo lập sự hiện diện của người Pháp trên vùng đất Á Châu. Với vai trò đóng góp của ông trong cuộc thám hiểm dòng sông Mê-kong, với những phản ảnh của ông về những chuyến du hành ở Trung Quốc và tầm hiểu biết sâu rộng của ông về đất nước nầy cùng với với những tác phẩm của ông kể lại những chuyến thám hiểm, Francis Garnier luôn luôn được xem như là một trong các nhà thợ kiến tạo lối đi vào vùng Á Châu cho người tây phương.

Vào đêm 1 và 2 tháng 3 năm 1983, hài cốt của Francis Garnier được bốc mộ và hỏa thiêu (cùng một thời điểm hỏa thiêu hài cốt của Doudart de Lagrée). Hai hủ cốt tro đã được Tổng Lãnh Pháp ở Sài Gòn tiếp nhận vào ngày 2 tháng 3 năm 1983. Tàu chiến Jeanne d'Arc do hạm trưởng Merveileux du Vignaux đã đưa cốt tro của hai nhà thám hiểm về Pháp.

An vị cốt tro của Francis Garnier

Vào ngày thứ năm 23 tháng 4 năm 1987, trong một buổi lễ đơn sơ và cảm động. hủ đựng cốt tro của Francis Garnier đã đực giao phó cho hạm truởng hộ tống hạm (H) Besancon, con cháu nối dõi của người lính thủy vang danh, mang đến thành phố Paris để được đặt an vị vào một tượng đài kỷ niệm được xây cất tại ngả tư đại lộ Saint Michel và đường d'Assas.

Hiện diện trong buổi lễ an vị, ngoài những người thân thuộc trong gia tộc của Francis Garnier trong đó có hạm trưởng hộ tống hạm Besancon, cựu thiếu tá hạm trưởng chiến hạm thám báo Premier maître L' Her, phó đề đốc đội tàu chiến Denis đại diện tham mưu trưởng Hải quân, đại úy hạm trưởng tàu Cottin chỉ huy trưởng hải quân vùng Paris. Một đội hải quân của vùng Paris dàn chào danh dự . Ông phó thị trưởng thành phố Paris, ông tổng trưởng bộ ngoại giao và đại diện của tổng thống nước Pháp chủ trì buổi lễ an vị.

Cốt tro của Francis Garnier từ ngày đó đã rời bỏ màn đêm Đông Dương để trở về với lòng đất của Paris.

Chương 29

Người Pháp và nước Pháp, kể từ thời Napoléon III đến nay đều coi Francis Garnier như là một trong những người vĩ đại đi tiên phong trong tiến trình phát triển chính sách thuộc địa thực dân của họ trên các lãnh thổ hải ngoại tại vùng Á Châu đặc biệt là ở Đông Dương. Trong khi mà đoàn quân viễn chinh xâm lược của Pháp chỉ mới làm chủ thực sự 2 thành phố lớn quan trọng ngang nhau, nằm kề sát bên nhau là Sài Gòn và Chợ Lớn thì với vị thế là một thị trưởng thành phố Chợ Lớn, tiếng nói của Francis Garnier nhất định phải được chính quyền và dư luận quần chúng ở Pháp đặc biệt quan tâm.

Sau thắng lợi ngoại giao ngoạn mục của đoàn sứ Đại Nam do Phan Thanh Giản cầm đầu, hoàng đế Pháp Napoléon III và chính phủ Pháp đã đồng ý mở một cuộc thương thảo để ký kết với triều đình Huế một hòa ước mới. Nhóm quân phiệt của bộ Hải quân Pháp cầm đầu là bộ trưởng Chasseloup Laubat và Thống đốc kiêm tư lệnh lực lượng viễn chinh xâm lưuợc Pháp ở Nam Kỳ hạ De La Grandière đã có những thái độ và hành động chống đối chủ trương xét lại của Napoléon III và chính phủ Pháp ở Paris và không đếm xỉa gì tới sự hiện diện của đặc sứ Aubaret. Chính La Grandière đã thúc hối bộ trưởng bộ Hải quân Chasseloup Laubat qua các công hàm nầy đến công hàm khác để phản đối chủ trương xét lại của chính phủ Pháp về vấn đề Nam Kỳ hạ thuộc Pháp. Chính trong thời điểm và bối cảnh như thế thì tiếng nói của Francis Garnier đã góp phần không nhỏ cho việc xoay chuyển nếp suy tư và dư luận quần chúng Pháp trong việc chôn vùi hòa ước Aubaret.

Tuy nhiên, chuyện gì đã xảy ra ở Paris trong khi có những dư luận phát xuất từ Sài Gòn và từ Bộ Hải Quân để chống đối chủ trương xét lại của chính phủ Pháp? Theo quan điểm của người Pháp thì đây chỉ là một phản ứng hiển tự nhiên đưa tới một hiệu quả hiển nhiên phải có: Chasseloup Laubat vốn là một kẻ chủ trương mạnh mẽ chính sách thực dân thuộc địa đã đã hợp với thủ tướng nước Pháp vào lúc đó là Druyn de Lhuys- cùng một bản chất như Chasseloup Laubat- cả hai đã quyết định đảo ngược quan điểm lập trường trước đây không lâu của họ khi họ cũng đã từng đồng ý về việc ký kết một hoà ước mới để thay thế cho hòa ước Nhâm Tuất 1862. Họ đã ra sức kêu gào Napoléon III đừng chú ý gì đến kết quả đàm phán của đoàn sứ Phan Thanh Giản và yêu cầu Napoléon II vô hiệu hóa những chỉ thị mà chính họ cũng có tham dự vào để truyền đạt cho Aubaret trong sứ vụ thương thảo với triều đình Huế. Thêm vào đó dư luận báo chí, ngoại trừ tờ báo Les Débats, đã bắt đầu thấu rõ là vì quyền lợi thực sự của nước Pháp đòi hỏi mà lãnh thổ Nam Kỳ hạ phải tồn tại với người Pháp và do đó dư luận báo chí ở Pháp đã tung ra những bài báo hưởng ứng và cổ động cho chiến dịch tuyên truyền chính sách thuộc địa của ho. Tại Viện Dân Biểu của Quốc Hội Pháp, những người có thế lực như Dân biểu Thires và Lambrecht dù không ngả theo nhưng cũng không tỏ ý chống đối. Hoàng đế Napoléon III phân vân bất định về nhũng dư luận đồn đãi đang bủa vây tứ phía. Và rồi, vào cuối năm 1863, một ủy ban nghiên cứu dư luận được hình thành; mặt khác Chasseloup Laubat cũng được chỉ thị lập một bản tường trình sự việc trình lên Napoléon III. Ngày 6/6/1864, hoàng đế Pháp liền chỉ thị cho thủ tướng Druyn de Lhuys thông báo cho Chasseloup Laubat gởi công hàm cho Aubaret yêu cầu chấm dứt những cuộc điều đình đang tiến hành tại Huế. Tuy nhiên, vì cách biệt xa xôi, sự chuyển vận thư từ chậm trễ cho nên khi công hàm của Chasseloup Laubat đến tay Aubaret thì hiệp ước mới đã được ký kết.
Ngày 4/11/1864, Chasseloup Laubat gởi cho Napoléon III một bản tường trình dài lưu ý Napoléon III trong khi chờ đợi một tình thế sáng sủa hơn thì nên trở lại với hòa ước Sài Gòn năm Nhâm Tuất ngày 5 tháng 6 dl năm1862 . Phiên hợp nội các ngày 10 tháng 11 năm 1864, chính phủ Pháp quyết định không phê chuẩn hòa ước Aubaret tức là xóa bỏ việc cho triều đình Huế chuộc lại bằng tiền những lãnh thổ đã thuộc về người Pháp theo hoà ước Nhâm Tuất 1862 hay nói khác đi người Pháp chỉ thừa nhận hoà ước Nhâm Tuất 1862 là có hiệu lực chấp hành. Quyết định nầy được gởi đi Sài Gòn vào ngày 29 tháng 1 năm 1865.
La Grandière viết thư cho triều đình Huế biết về quyết định không phê chuẩn hoà ước Aubaret của chính phủ Pháp và mặc dù có trình bày cho biết những lý do vì sao chính phủ Pháp không chịu phê chuẩn hòa ước Aubaret nhưng trên thực tế thì dù có giải thích hay không giải thích thì tình thế vẫn không có gì khác biệt bởi vì ý đồ xâm lược và bành trướng lãnh thổ thuộc địa của người Pháp mới là lý do chính yếu cho mọi quyết định của họ trên vùng lãnh thổ Nam Kỳ hạ. Câu hỏi đặt ra là: triều đình Huế đã phản ứng ra sao khi hoà ước Aubaret không được người Pháp chuẩn phê?

Chính sử nhà Nguyễn ghi chép về giai đoạn nầy như sau:

"Chủ súy nước Pháp là Gia-lăng-di-e , phái người là Sơ Ba Lê đi tàu chạy máy bằng hơi nước đến đồn cửa biển Thuận An, đưa thư xin vào chầu và tâu bày định việc hòa ước.

Vua nói: Chủ súy nước Phú, phái người đến, để cố giữ lời ước trước đó thôi; còn việc vào triều yết là việc quan trọng, không nên khinh suất mà cho được. Sai bọn Phan Thanh Giản, Trần Tiễn Thành, và Phạm Phú Thứ, vỗ về úy lạo từ khước đi.

Ba Lê lại nói: lần nầy vẫn giữ ước cũ về năm nhâm tuất, nên xuống dụ cho các tỉnh cấm việc mộ dân, và tiền bồi thường đem đến giao ở tỉnh Bình Thuận; còn giấy tờ phỏng độ làm hôm nào xong, sáng mai bao cho biết, thì trở về, không dám ở lâu.

Bọn Thanh Giản đem việc tâu lên. Vua giao cho Phủ Tôn nhân và đình thần bàn định, đều nói: vua tôi nước ấy, đã không chịu cho chuộc lại 3 tỉnh; (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa), nếu lại viết quốc thư để hỏi thì họ lại cố chấp lời nói trước, sợ có tổn đến quốc thể chăng? Xin sai quan Thương bạc viết thư gửi cho đại học sĩ nước ấy là Anh Đê Luy và chủ súy nước Phú ở Gia Định, thông tin, phân trần cặn kẽ, họa có chút động lòng nghe chăng, sau sẽ dần dần mưu tính. Vua nói: bọn khanh liệu tính thế nào, chả nhẽ theo ước cũ mà nỡ bỏ đất cát 3 tỉnh ấy ư? Nên tính cho kỹ. Các đại thần lại nói: nghị lớn về hòa ước từ trước tới nay vẫn giữ bí mật, chưa có công bố, cho mọi người nghe biết nên người thôn quê chưa biết, sinh ra ngờ vực. Xin do tỉnh thần 3 tỉnh: Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên, đem sao lục 12 điều ước cũ, đưa đi treo dán, để hiểu bảo cho sĩ dân điều biết, khiến đều yên ở làm ăn. Đến như việc thu xếp sau nầy được thỏa thiện, nên xin thong thả sẽ bàn định. Vua y cho. Nhân bảo bọn Thanh Giản rằng: ý người Phú như thế, là muốn dân ta dứt tình với ta, cho nên dân không nhịn được tức giận nhỏ ấy. Ta đã nhiều lần phái người mật đi hiểu bảo, nhưng có 1, 2 kẻ hiếu sự, không chịu nghe, đã để cho họ sinh ngờ, lại làm nhiễu hại dân ta. Vã lại, họ đương cô chấp lời ước, để gây hiềm khích, 3 tỉnh bị trơ trọi thì tất đến nguỵ Nay dứt tình đi thì sợ lòng dân ngày thêm lìa tan, nếu không không dứt tình tuyệt đi, thì việc chưa nên, mà lúc cấp khó cứu, nên bất đắc dĩ phải dứt tình đi, để cho dân 3 tỉnh ấy không còn trông nhờ vào đâu để bạo động nữa. Đó là đoạn tuyệt để mà bảo vệ, để làm kế sau nầy nảy nở sẽ mưu toan dần dần. Bèn xuống dụ cho tỉnh thần 3 tỉnh sức khắp các hạt biết, có ai mượn tiếng là mộ nghĩa, thì không được vào trong địa giới, mà các quan phủ, huyện một khi trông thấy tức thời bắt ngay đem giải; nhà dân có ai chứa chấp, cũng bắt tội như kẻ phạm." (ĐNTLCB; đệ tứ kỷ; quyển XXXI; trang 162,163; bản dịch; Hà Nội; 1974). (cũng xem: Sử Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu; bản dịch năm 1925; sử quán triều Nguyễn; trang 345)

*
". . .phân trần cặn kẽ, họa có chút động lòng nghe chăng, sau sẽ dần dần mưu tính". Uy quyền, sĩ diện của một nước giờ đây tiêu tan để hạ mình phân trần kêu ca, tuân hành các đòi hỏi của kẻ xâm lược để mong kẻ địch thương xót mà xét lại chăng? Lần nầy chớ có đổ tội cho ông Phan Thanh Giản là đã đầu hàng tuân lệnh của giặc ngoại xâm. Ông Giản đã làm tròn bổn phận của một nhà thương thuyết ngoại giao thêm một lần nữa nhưng Tự Đức và đám người ăn hại ở triều đình Huế lại một lần nữa làm hỏng sự và chỉ có một khác biệt nhỏ là lần nầy không thấy Phan Thanh Giản bị hạ chức và mang thêm một án trảm giam hậu như mấy lần trước!

Trước thái độ hèn yếu cam phận của triều đình Huế theo chỉ thị của Tự Đức, quân xâm lược Pháp đã thây rõ uy thế lấn lướt của mình và kể từ lúc nầy họ bắt đầu lên mặt huênh hoang, độc đoán khi giao dịch với các cấp chính quyền của nước Đại Nam từ quan binh cho đến người lãnh đạo cao cấp nhất và tệ hại hơn nữa, họ liền nghĩ ngay tới chuyện chiếm lãnh thêm các vùng đất phì nhiều ở miền Tây Nam Kỳ .

Một lần nữa, Francis Garnier lại lên tiếng hối thúc đoàn quân xâm lược Pháp tiến chiếm thêm 3 tỉnh miền Tây của Đại Nam trong một bản tường trình của ông có tựa đề là DE LA COLONISATION De La COCHINCHINE, viết xong ngày 1 tháng 3 dl năm 1865 do nhà xuất bản Challamel Ainé ấn hành ở Paris vào năm 1865.

Nơi trang 7, 8 và 9, F Garnier khởi đầu bài tường trình của ông như sau:
Tạm dịch:

Kể từ lúc bác bỏ không thừa nhận những cuộc thương lượng công khai với triều đình Huế vào tháng 7 năm 1864, thuộc địa được đặt trở lại vào vào những điều kiện lãnh thổ được thỏa thuận trong hòa ước ký kết ngày 6 tháng 6 năm 1862. Nếu đã dựa trên những nền tảng thuần lý, không thể tranh cải để biến thành nguyên lý đẩy lùi các tưởng làm suy giảm uy lực của chúng ta ở Nam Kỳ thì người ta cũng phải chịu chấp nhận mọi hậu quả và phải tạo được chiến thắng từ những hậu quả đó. Nếu không thì người ta cứ phải tranh luận không dứt giữa một vị thế vô sinh chỉ biết chấp nhận nguyên nhân mà không dám khai triển hậu quả, làm ung thối đi những thành quả chính đáng hợp pháp và quý báu nhất của 5 năm chiến đấu và hy sinh.

Người ta đã thường thấy được rằng sự chiếm hữu 3 tỉnh của chúng ta vẫn chưa phải là đầy đủ và đã trở thành nguy hiểm nếu chúng ta không bổ sung thêm trong vòng một thời hạn thật ngắn bằng cách chinh phục phần đất còn lại của Nam Kỳ Hạ, điều mà tôi không có ý định quay lại những chứng cớ dài dòng về thực tế trong khi chỉ cần nhìn lên một tấm bản đồ thì cũng đủ để ghi nhận được.

Ta biết rằng đối với người An Nam thì 6 tỉnh được xem như là một khối duy nhất không thể tách biệt nhau được, rằng chính vì cuộc chinh phục xâm chiếm vùng lãnh thổ Biên Hòa của vương quốc Cam Bốt mà tất nhiên họ phải bị lôi kéo vào cuộc chinh phục tiếp theo để chiếm lấy phần đất còn lại của cả một vùng châu thổ miền Tây (châu thổ sông Mê-kong). Nếu đó đã là điều thiết yếu cho người An Nam thì điều đó lại còn cấp thiết hơn nữa đối với những kể đi chinh phục đến từ Âu Châu, trong khi đang gặp nhiều khó khăn hơn để hoà đồng một sắc dân bị chiến bại thì những kẻ chinh phục phải làm sao để các lối thoát của họ giảm đi và phải phân cách họ nhiều hơn đối với bất kỳ ảnh hưởng ngoại lai nào.

Bị cách trở hoàn toàn với phần lãnh thổ còn lại của đế quốc Đại Nam và chỉ còn có thể giao lưu với phần lãnh thổ nầy bằng cách xuyên ngang qua các vùng lãnh thổ bị người Pháp chiếm đóng, 3 tỉnh của người An Nam trong miền Nam Kỳ Hạ vì đang ở dưới sự cai trị đầy run sợ và lúc nào cũng phải cảnh giác đề phòng cho nên người dân trong 3 tỉnh nầy bị đặt vào một cảnh huống bất thường và bắp bênh khiến cho họ không thể có một ước muốn mãnh liệt để nhìn thấy được thực trạng thân phận của họ. Cũng vậy, cho đến khi nào niềm hy vọng độc lập vẫn còn tồn tại trong con tim của những dân An Nam, - một điều mà chúng ta phải ghi nhận rằng thái độ chần chừ của chúng ta đã góp phần bảo tồn niềm hy vọng đó, có thể là vượt quá phẩm cách của chúng ta, - thì 3 tỉnh nầy sẽ vẫn còn là nơi trú ẩn của những kẻ bất mãn, là trung tâm của những âm mưu nổi loạn mà chúng ta sẽ phải đối đầu.
Trong hoàn cảnh thiêu thốn nhất ma lại phải bận tâm một cách bó buộc để canh chừng cẩn mật các quan binh triều đình Huế được phép di chuyển ngang qua phần lãnh thổ của chúng ta theo như hòa ước đã quy định thì chúng ta không có cách nào ngăn chận họ thực hiện những mưu toan tuyển quân mà cũng không thể nào khắc phục được lòng câm phẫn của dân chúng An Nam khi vẫn còn nhìn thấy quan lại cai trị cũ qua lại trước mắt họ.

Ngay cả trong tình trạng lãnh thổ mà chúng ta đã chấp nhận, chúng ta vẫn cứ phải gánh chịu một cách tất nhiên những sự chống đối thù địch nặng nề và thường xuyên của hạng người thuộc tầng lớp cao cùng với sự do dự hoài nghi tai hại của khối quần chúng.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
* Nơi trang 13 và 14, thái độ khinh thường của người Pháp về sự yếu kém và hèn nhát của quan binh triều đình Huế đã được Francis Garnier nêu lên tách bạch và đầy tự tin đến mức trở thành kiêu căn cao ngạo một cách hữu lý:

Tạm dịch:
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Cảm tưởng về sự bất lực quân sự của người An Nam khi họ đối trận thường xuyên với chúng ta đến nay đã tới một mức độ mà chỉ cần có một khẩu trọng pháo loại nhỏ cùng với 20 ngươi cũng đủ để tiến quân một cách an toàn trước mặt bất cứ một viên quan đầu tỉnh nào của triều đình rồi tuyên cáo luật pháp bắt họ phải tuân hành. Thay vì đăng dán, truyền rao chiến thắng khải hoàn thì người ta phải biết gát bỏ lòng thỏa mãn để lo phối hợp mọi phương cách cùng với một phương hướng hành động nhanh chóng để chiến lãnh mà không phải đụng trận những địa điểm trọng yếu của vùng châu thổ sông Cam Bốt (tức là sông Cửu Long còn gọi là sông Mê-Kong) và tuyên bố các địa điểm đó được sáp nhập vào lãnh thổ Nam Kỳ của người Pháp. Các làng mạc sẽ được hàng phục nhanh chóng bằng cách chỉ cắt cử người bản xứ địa phương giữ nhiệm vụ hành chánh công quyền không bị áp lực quân sự chi phối. Việc chinh phục 3 tỉnh của người An Nam chỉ cần một sự rải quân nhanh chóng qua sự chuyển vận của các tàu thuyền; và nếu gặp sự kháng cự ở tại một địa điểm nào như ở An Giang hay Châu Đốc chẳng hạn thì đó chỉ là ảo vọng vô ích của các quan triều nhà Nguyễn; họ ganh ghét vì muốn bảo vệ danh dự cho khả năng quân sự và những việc làm sai trật của họ trước đây đang bị bêu rêu làm trò đùa. Để thực hiện sự chiếm đóng nầy, không cần phải tăng gia thêm 1 người hay 1 tàu chiến nào cho đoàn quân viễn chinh hiện nay ở Nam Kỳ Hạ, và nếu tôi dám phiêu lưu để xác định thực tế nầy là vì chính ngay vị thống đốc Nam Kỳ cũng đã từng đề xuất như thế.

Nếu có ai phản đối rằng chúng ta đang ở trong tình trạng hòa bình với triều đình Huế và sẻ không có một duyên cớ chính đáng nào để biện minh cho một cuộc xâm chiếm tàn bạo thì tôi có thể trả lời là chính triều đình Huế đang chờ đợi cuộc xâm chiếm nầy từ lâu rồi, kể từ khi họ bắt buộc phải bỏ rơi mọi hy vọng di tản; từ khi họ biết được rằng họ không còn đủ khả năng để gìn giữ, mỗi ngày họ lại tạo ra hết lý do nầy lại đến lý do khác rất đáng để chúng ta cắt đứt mọi nghi thức quan hệ ngoại giao; chẳng thà đơn phương chấp nhận đã đánh giá sai lạc bản chất về những mối giao hảo với chính quyền An Nam còn hơn là lý luận theo lối Tây phương để rồi gây tổn hại thực sự cho đất nước, gây tổn hại cho những hy sinh to lớn đã qua, còn hơn là cứ phải ở trong một tình trạng hiện hữu không thể chấp nhận được hoặc phải là tự ý rời bỏ những phương cách mở mang theo nguyên tắc thuần lý của cuộc xâm chiếm như tôi đã đề cặp từ lúc mở đầu bài nầy, một nguyên tắc đã từng được một lần chấp nhận.

Đối với một chính quyền không có thiện ý và quá chậm tiến như chính quyền của người An Nam thì muốn đảm bảo cho tương lai được tiến triển một cách an toàn để đạt một mục tiêu thì cần phải cẩn trọng để tạo lập một vị thế khiến cho cho sự an bình của lãnh thổ thuộc địa không còn phải lệ thuộc ít hoặc nhiều vào thiện ý thi hành các hiệp ước; và khi mà tình thế thuận lợi như lúc nầy, chúng ta có thể được đoan chắc một cách tuyệt hảo cho việc chiếm hữu toàn diện lãnh thổ của Nam Kỳ Hạ.
*
Đầu mục kháng chiến quản Định bị Huỳnh Công Tấn hợp tác với quân Pháp truy kích giết chết vào ngày 20 tháng 8 năm 1864 và sau khi hòa ước Aubaret bị xóa bỏ, đề đốc La Grandière đã lên tàu Donnaï về Pháp ngày 30/3/1865 để bàn định với Chasselouplaubat về việc thiết đặt một chương trình cai trị khôn khéo và hữu hiệu trên các vùng đất vừa chiếm đoạt được ở phía Nam nước Đại Nam. Đề đốc Roze được cử sang để tạm thời thay thế trong khi La Grandière vắng mặt ở Nam Kỳ (A. Schreiner, sách đã dẫn; trang 268). Chuyến đi nầy của La Grandière rất trùng hợp với bản phúc trình DE LA COLONISATION de la COCHINCHINE của Francis Garnier vừa được viết xong vào 1 tháng 3 năm 1865.

La Grandière trở lại Nam Kỳ vào ngày 27/11/1865 mang theo cả gia đình vợ con: điều nầy lại cho thấy rõ quyết tâm của La Grandière nhất định thực hiện cho bằng được chính sách bành trướng thuộc địa của người Pháp đặt lên đất nước Đại Nam. Quyết tâm nầy không phải chỉ có nhắm vào 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ và nước Cam Bốt mà thôi nhưng lại bao gồm luôn hết đất nước Đại Nam từ ải Nam Quan tới mũi Cà Mau kể cả nước Lào nữa:
1- HÀNH QUÂN BÌNH ĐỊNH VÙNG ĐỒNG THÁP MƯỜI
Trước hết là những cuộc hành quân càn quét dân quân kháng chiến tại vùng Đồng Tháp Mười.

Vào lúc khởi đầu năm 1866, tình hình Nam Kỳ được chính quyền xâm lược tuyên bố là yên ổn và có nhiều triển vọng. Người Pháp đã thu về cho họ hơn 5 triệu đồng quan (francs). Tình hình các tỉnh yên ổn. Khi trở lại Sài Gòn, la Grandière đã được nhiều tầng lớp người An Nam và người Hoa bề thế đón rước chào mừng. Trở lại Sài Gòn, la Grandière đã mang theo nhiều bằng tuyên dương công trạng và huy chương danh dự của chính phủ Pháp ở Paris để tưởng thưởng những người bản xứ đã và đang hợp tác với đoàn quân viễn chinh xâm lược Pháp: đốc phủ Trần Tử Ca, đội Huỳnh Công Tấn được huy chương danh dự (Méaille de la Légion d'honneur, thường được gọi là mề đai điều vì nó có nền toàn màu đỏ, một loại huy chương cao cấp của người Pháp giống như Bảo Quốc Huân Chương của Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975. Đồn rằng, người đeo mề đai điều được mọi người Pháp ở bất cứ nơi đâu kính trọng và sẽ được giảm nhẹ án khi người đeo mề đai điều phạm tội hình sự), đội Trần Bá Lộc được thưởng huy chương quân đội (la médaille militaire, giống như anh dũng bội tinh của Việt Nam cộng Hòa trước 1975). Các thế lực từ các nước lân bang đều tỏ dấu hiệu thân thiện với người Pháp ở Nam Kỳ.

Tuy nhiên, vẫn còn vùng Đồng Tháp Mười, nơi chứa chấp và là mật khu của dân quân kháng chiến Nam Kỳ thường gọi là bưng biền. Tiếp nhận súng óng đạn dược từ Hà Tiên, Rạch Giá đưa vào bưng, dân quân kháng chiến tiếp tục gây rối và tạo khó khăn cho lịch trình thi hành chính sách thuộc địa của người Pháp trên toàn cõi Nam Kỳ hạ. Thống soái la Grandière đã lưu ý triều đình Đại Nam về tình hình bất ổn ở vùng Đồng Tháp và cảnh cáo rằng những cuộc xuất quân từ bưng biền để đánh phá đồn bót của đoàn quân viễn chinh Pháp là vi phạm trầm trọng hòa ước Nhâm Tuất (1862). Để đáp lại, quan binh địa phương và triều đình Huế chỉ trả lời xin cho có hình thức theo thủ tục ngoại giao.

Ngày 20 tháng 1 dl năm 1866, Phan Thanh Giản đã được triều đình Huế cử làm Kinh lược đại thần 3 tỉnh miền Tây. Người Pháp chờ đợi ông Phan Thanh Giản sẽ giải quyết được tình hình bất ổn tại vùng bưng biền Đồng Tháp nhưng rốt cuộc rồi họ thất vọng vì không thấy có một dấu hiệu nào thay đổi mà tình trạng bất ổn còn gia tăng hơn lúc trước. Mức độ các đoàn dân quân kháng chiến xuất phát từ Đồng Tháp Mười để đánh phá càng lúc càng nhiều và lan rộng khắp nơi. Những tiền đồn của quân xâm lược Pháp ở Mỹ Tho bị tấn công. Quân kháng chiến hô hào tuyên truyền rằng người Nhật Bản sẽ trợ giúp để chống quân xâm lược Pháp.

Vào cuối tháng 3 dl, dân quân kháng chiến đánh chiếm đồn Cái Nứa ở Mỹ Tho khiến quân Pháp phải hành quân tái chiếm nhiều lần mới tạm yên. Không thể để tình trạng xáo động kéo dài, quân xâm lược quyết định mở cuộc hành quân bình định vùng Đồng Tháp Mười. Từ bên ngoài, đoàn quân của Pháp gồm có 100 quân chính quy người Pháp, 250 lính tập người bản xứ với thành phần chỉ huy gồm có 3 đại úy người Pháp, quản Tấn và huyện Lộc, chia nhau đi theo 3 lộ trình xuyên đầm lầy tấn công vào cứ điểm trung tâm của kháng chiến quân. Ngày 16 tháng 4 dl năm 1866 quân Pháp tấn chiếm Đồn Tả, một đồn chính yếu ở trung tâm Đồng Tháp do 350 quân kháng chiến trấn thủ và 40 khẩu đại pháo. Một đại đội quân từ tàu chiến la Fusée được tăng viện: quân kháng chiến chống cự mãnh liệt liệt nhưng cuối cùng phải bỏ chạy tứ tán. Chỉ huy kháng chiến quân thiên hộ Dương chạy thoát, nhiều dân quân kháng chiến bi quân xâm lược bắt sống ở Cái Thìa (Mỹ Tho) trong số đó có một binh sĩ Pháp đào ngũ tên là Linguet đi theo kháng chiến bưng biền Đồng Tháp Mười.

Chương 30

2 - CÁC CUỘC NỔI DẬY CỦA NGƯỜI CAO MIÊN Ở NAM KỲ HẠ


Ba nhân vật chủ chốt trong những cuộc nổi dậy ở Nam Kỳ hạ là Ong Bướm (A-Xoa), nhà sư Pù-Kâmbô và Phra-Keo-Pha. Pù-Kâmbô và Phra-Keo-Pha được chính quyền Pháp nuôi dưỡng và cho tá túc ở Sài Gòn với điều kiện là người nầy không được gây xáo động nước Cao Miên đang ở dưới quyền đô hộ của Pháp.

Trong những tháng đầu năm 1866, tình hình nước Cao Miên (Cambodge) yên ổn. Ở Sài Gòn, Phra-Keo-Pha và-Pù-Kâmbô tạm thời chịu ép mình chưa khích động người Miên gây rối. Kể từ khi vua Cao Miên Nặc Ong Đôn qua đời và Nororodom lên kế vị thì có khoảng 2,000 người Miên trong một vùng lãnh thổ ở về phía Bắc tỉnh Tây Ninh theo về phe với Pù-Kâmbô chống lại Norodom nhưng bề ngoài nhóm nầy vẫn sống một cách hòa bình trong vòng kiểm soát và che chở của chính quyền Pháp. Người Pháp chỉ biết rõ sự tình khi Pù-Kâmbô bỏ Sài Gòn ẩn trốn lên vùng phía Bắc. Người Pháp truy lùng thì mới biết được rằng nhà sư nầy đang cầm đầu một nhóm nhỏ vài người Miên đi biểu dương khắp nơi để rao truyền rằng họ sẽ dùng vũ lực để đòi lại ngôi vua nước Cao Miên. Người Pháp cho rằng Pù-Kâmbô với vài ba người như thế thì không thể làm được việc gì. Nhưng rồi bỗng nhiên thấy xuất hiện một khối người thật đông gồm có người Miên, người Chàm, người An Nam được trang bị vũ khí, có cả sự hiện diện của A-Xoa và người Pháp cho rằng phong trào nổi dậy nầy được triều đình Huế ngầm yểm trợ.

Sáng ngày 7 tháng 6 dl năm 1866, khoảng 2,000 người vũ trang, với cờ trắng phấp phới tiến về hướng thành đồn Tây Ninh. Viên đại uý thanh tra bản xứ là Larclause muốn dùng phương cách dàn xếp và hiểu dụ cho nên đích thân ra khỏi thành đồn mang theo 20 binh sĩ đến gặp họ nhưng bị họ bao vây và bắn chết. Sĩ quan hộ tống Larclause là trung úy Lesage cũng bị giết cùng với 9 binh thuộc quyền; 11 binh sĩ sống sót rút lui vào thành đồn Tây Ninh trong khi một sĩ quan Pháp là đại úy Pinaud mang một tiểu đội 20 binh lính cố gắng ngăn chận nhóm nổi dậy nhưng không cự địch nổi với số đông nên phải rút lui vào thành đồn cố thủ và đánh điện khẩn cấp về Sài Gòn xin cứu viện.

Đường dây điện thoại liên lạc bị nhóm nổi dậy cắt đứt vào buổi chiều hôm đó.
Một tàu quân tăng viện do trung tá Marchaise từ vùng Sài Gòn được gởi tới trong khi một đại úy thanh tra bản xứ ở Trảng Bàng tên là Fremiel mang 40 binh sĩ đến để tăng cường việc cố thủ đồn thành Tây Ninh. Khi vừa đến nơi, trung tá Marchaise liền mở ngay cuộc hành quân truy kích quanh vùng thành bót Tây Ninh nhưng không có kết quả. Ngày 14 tháng 6 dl năm 1866, Marchaise lại xuất quân 150 người cùng với hai khẩu trong pháọ. Vào xế chiều, quân của Marchaise đụng trận với nhóm nổi dậy ở vùng rạch Vịnh lầy lội. Marchaise và 13 binh sĩ thuộc quyền bị giết trong lúc xung trận. Nhờ có hai khẩu trọng pháo đại úy Fournier mới có thể rút quân chạy lui về thành bót Tây Ninh không kịp khiêng về xác của Marchaise. Ba ngày sau, quân Pháp quay lại chiến trường thì không còn có thể nhận diện được các binh sĩ tử trận cho nên một số tử thi phải chôn tập thể vào các giếng nước bỏ hoang còn một số khác thì chôn chung trong một thùng bằng gỗ. Đầu của Marchaise nằm dưới một gốc cây nhưng xác thân thì không tìm thấy. Như vậy, kể từ ngày 7 tháng 6 dl đến 14 tháng 6 dl năm 1866, quân viễn chinh Pháp đã bị mất đến 3 sĩ quan chỉ huy là Larclause, Lesage và Marchaise. Họ được chôn cất tại một nghĩa địa ở Tây Ninh. Sau nầy hài cốt của Larclause và Lesiege được đưa về Pháp chôn cất lại. Vào tháng 6 năm 1905, một đoàn công tác Pháp do thanh tra bản xứ tỉnh Tây Ninh tên là Pech cùng với một sĩ quan bộ binh Collin cầm đầu đến vùng giao tranh cũ đào xới và tìm thấy một thùng gỗ 3 mét chiều dài và 1 mét 50 chiều ngang nhiều bộ xương người lẫn lộn với giày vớ nhà binh và được mang đi chôn chung nơi nghĩa địa Tây Ninh vào ngày 16 tháng 6 dl năm 1906, trên ngôi mộ tập thể nầy có dựng một cột bia ghi nhớ những binh sĩ viễn chinh Pháp tử trận trong 2 ngày 7 và 14 tháng 6 dl năm 1866.

Sau biến cố nổi dậy nầy, quân binh của Pháp trấn đóng tại thành đồn Tây Ninh được tăng lên đến 500 người dưới quyền chỉ huy của tiểu đoàn trưởng Alleyron. Đồn bót Trảng Bàng cũ được tăng viện tàu chiến trên vùng sông Vàm Cỏ Đông.
Sài Gòn được quân Pháp tăng cường phòng thủ cẩn mật. Do đó dân quân kháng chiến đã nhắm vào các vùng lân cận để đánh phá đồn bót của Pháp ở các vùng Thuận Kiều, chợ Hốc Môn, Trảng Bàng. Các mật khu kháng chiến đặt ở vùng Cầu An Hạ, một vùng đầm lầy nằm giữa Trảng Bàng và vùng sông Vàm Cỏ Đông. Do đó la Grandière đã cho mở nhiều cuộc hành quân càn quét các vùng nầy. Ngày 27 tháng 6 dl 500 lính Pháp và 100 lính tập bản xứ, 50 thủy bộ binh mở cuộc hành quân bao vây vùng Cầu An Hạ truy kích kháng chiến rút chạy về hướng Bắc nơi có nhóm nổi dậy Pù-Kâmbô hoạt động. Một nhóm kháng chiến khác rút chạy về hướng Nam.

Tháng 7 dl năm 1866, quân Pháp càn quét truy kích, nhóm nổi dậy người Miên trốn chạy bỏ lại nhiều xác chết. Tiếp tục hành quân truy kích, quân pháp đánh bật nhóm nổi dậy ra khỏi mật khu Ba Vang , đồng thời bắt được 112 dân quân kháng chiến quanh vùng Tây Ninh.

Tất cả những cuộc nổi dậy vừa kể trên, người Pháp quy trách nhiệm cho quan binh của triều đình Huế, không những nhắm mắt làm ngơ mà còn ám trợ cho họ đánh phá các đồn bót của Pháp. Người Pháp phản kháng, triều đình Huế phải ra lệnh loại trừ A- Xoa để xoa dịu mối căng thẳng nhưng Pháp vẫn không hài lòng và cho rằng phía triều đình chỉ loại trừ dùm cho Pù-Kâmbô một đối thủ tranh ngôi vua nước Cao Miên.

Trong khi vua Norodom chỉ biết ngồi làm vua vô quyền thì những người Miên nổi dậy đánh phá ngay trên nước Cao Miên (Cambodge). Norodom phải cầu cứu với chính quyền bảo hộ Pháp. Người Pháp phải đối đầu, đánh dẹp liên tục những cuộc đánh phá của nhóm người Miên nổi dậy do Pù-Kâmbô cầm đầu tại vùng Oudong - Pnom Penh nhưng chỉ đẩy lui được nhóm nầy chạy ngược về phía Nam và ngay trong nội tình triều đình của Norodom cũng có phe muốn theo về với Phra-Keo-Pha để hạ bệ Norodom.
Trong khi phải vừa tổ chức hành quân bình định kháng chiến quân cùng những cuộc nổi dậy ở Cao Miên cũng như phải xây dựng những nền tảng cơ bản cho chính sách thuộc địa tương lai của người Pháp ở Đông Dương thì dư luận ở bên Pháp vẫn còn tiếp tục chống lại chính sách thuộc địa và chủ trương bành trướng lãnh thổ của đoàn quân viễn chinh Pháp ở Nam Kỳ Hạ khiến Napoléon III phải trù trừ không dứt khoác. Sau khi Rigault de Genouilly thay thế Chasselouplaubat trong chức vụ bộ trưởng Bộ Hải Quân và Thuộc Địa, Napoléon đã phải gởi sĩ quan hải quân hoàng triều là des Varannes sang thanh sát vùng Java và Nam Kỳ Hạ. Sau gần 2 tháng kinh lý Nam Kỳ, des Varannes đã ghi nhận tình hình ở Nam Kỳ Hạ tiến triển rất khả quan cho chính sách thuộc địa của người Pháp khiến cho hoàng đế Napoléon III đã có thái độ dứt khoác đối với những âm mưu lợi dụng thời cơ của triều đình Huế. Napoléon III cho phép La Grandière tiến hành cuộc xâm chiếm 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ.
Cùng thời điểm nầy, để chuẩn bị cho việc xâm lăng Bắc Kỳ, sau khi tham khảo ý kiến và được phép của bộ Hải Quân và Thuộc Địa, La Grandière đã thành lập một phái đoàn thám hiểm dòng sông Mê-Kong do thiếu tá hải quân de Lagrée làm trưởng đoàn và trung úy Thanh Tra Bản Xứ Sự Vụ Francis Garnier đoàn phó, Delaporte sĩ quan hải quân tập sự, 2 y sỹ hải quân Joubert và Thorel, de Carné tùy viên của bộ ngoại giaọ Đoàn thám hiểm có 4 người Pháp và 6 lính tập người bản xứ hộ tống cùng với 1 thông dịch viên người Pháp và một thông dịch viên người Cam Bốt. Ngày 5/6/1866 đoàn thám hiểm rời Sài Gòn trên 2 pháo thuyền số 32 và số 27. Trong 2 năm ròng rã, đoàn đã ngược dòng sông Mê-Kong thám hiểm lên đến tận vùng đất tỉnh Vân Nam của Trung Quốc và và trưởng đoàn de Lagrée đã bị chết vào ngày 12/3/1863 tại Đông Châu Phủ/Trung Quốc vì bệnh viêm gan và được Francis Garnier và đoàn thám hiểm mang xác về Sàigòn ngày 29 tháng 6 năm 1868.

3- PHÁP ĐÁNH CHIẾM 3 TỈNH MIỄN TÂY NAM KỲ
Đinh Mão, Tự Đức thứ 20 (1867), ngày 14 tháng 2 dl năm 186, la Grandière phái phó thuyền trưởng Monet de la Marek theo tàu chiến Monge ra Huế để đòi nợ bồi thường chiến phí chưa nộp đúng kỳ hạn đồng thời thúc hối triều đình Huế phải giao nhượng ngay 3 tỉnh miền Tây. Triều đình Huế khước từ đòi hỏi của Pháp và chỉ muốn chuộc lại các tỉnh đã bị mất vào tay người Pháp.
Viện Cơ Mật đề nghị cử Phan Thanh Giản vào Sài Gòn để dọ ý người Pháp về yêu cầu chuộc lại các tỉnh đã mất.

Ngày 24 tháng 2 dl năm 1867, Pháp lại mở hội chợ đấu xảo ở Sài Gòn. Trong ngày phát giải thưởng tại hội chợ nầy Phan Thanh Giản đứng cạnh thống soái La Grandière cùng với thủ lãnh nhóm người miên nổi dậy là Pra-Keo-Pha và hai quan thượng thơ của triều đình vua Cao Miên Norodom.

Ở Sài Gòn, La Grandière bí mật lên kế hoạch hành quân tiến chiếm 3 tỉnh miền Tây.

Theo A. Schreiner thì kế hoạch nầy được la Grandière chuẩn bị một cách bí mật từ 3 tháng trước. Tuy nhiên, theo Paulin Vial, nguyên là giám đốc Nha Nội vụ dưới thời la Grandière và cũng là tác giả sách Nos Premères Années au Tonkin thì kế hoạch nầy đã được chẩn bị sắp xếp từ hơn một năm trước đó:

(Paulin Vial; Nos Premières Années du TONKIN; trang 8-9; Voiro-Paris; 1889)

Tạm dịch: Việc sáp nhập 3 tỉnh miền Tây đã được dự liệu thận trọng và chuẩn bị một cách bí mật không có gì gọi là đáng phải ngạc nhiên. Dân chúng cũng thế khi họ biết rằng đó chỉ là một việc làm phúc lợi cho họ. Hơn một năm trước, những viên chức được tuyển dụng để nắm giữ việc hành chánh cai trị trong các tỉnh mới đã được phối trí tập sự làm việc tại các tỉnh miền Đông. Trong 13 quản hạt có khoảng 50 viên chức hạng tập sự nầy. Chưa có một nguồn lợi kinh tế nhỏ nhoi nào ban phát cho ngạch nhân dụng. Những tin tức về tình hình an ninh tình báo thường được giao phó cho những người dân An Nam nhiệt tình.trên nhiều lãnh vực và ở nhiều nơi.

Như vậy trong khi vua Tự Đức vẫn cố tình gây ra những tình trạng bất ổn, rối loạn và nổi dậy trên vùng đất do người Pháp chiếm đóng, thì chúng ta đương nhiên cần phải chuẩn bị một sự giáng trả.ngay trên các phần đất của ông vua đó. Người dân An Nam chín chắn và biết phòng xa hơn so với các ông quan triều đình của họ đã thấy được sẻ cần phải làm cách nào để giải tỏa một tình trạng rắc rối nhỏ nhứt.- Một số lớn dân chúng ở các tỉnh miền Tây đã tỏ dấu hiệu cho chúng ta biết rằng họ sẵn sàng theo về với chúng ta khi chúng ta khởi sự biểu dương lực lượng.
*
Ngày 15 tháng 6 dl năm 1867, La Grandière mật điện lệnh cho các đơn vị tham chiến và các chỉ huy hạm đội tàu chiến: điểm tụ quân ở Mỹ Tho.
Chiều ngày 17, các đơn vị tham chiến bắt đầu di chuyển đến Mỹ Tho.
Ngày 18, lực lượng quan binh Pháp hội quân tại Mỹ Tho là 1,200 người cùng với 8 thanh tra bản xứ và nhiều nhân viên hành chánh sẽ đặt vào những tỉnh huyện ở các nơi sắp chiếm đóng. Ngoài ra còn có 400 lính tập người bản xứ (còn gọi vệ binh, ngày nay gọi là dân vệ hay cảnh sát) do Pháp tuyển chọn trong tỉnh Mỹ Tho cùng tham dự cuộc đánh chiếm nầy. Số tàu chiến tham dự gồm có các pháo thuyền bằng gỗ la Mitraille, le Bourdais, l' Alom-Prah, các pháo thuyền bằng sắt l' Espignole, le Glaive, le Fouconneau, la Halle-barde, l' Arc, tàu tuần sát Biên Hòa và một tàu vận vận tải chạy bằng hơi nước.

Đinh Mão, Tự Đức thứ 20, ngày 18 tháng 5 âl (ngày 19 tháng 6 dl năm 1867), vào lúc một giờ trưa, soái hạm l' Ondine của La Grandière từ cửa biển Soài Rạp (Gò Công) tiến vào sông Tiền hướng về Mỹ Tho. Các chỉ huy trưởng thủy, bộ binh, các hạm trưởng tàu chiến đều lên soái hạm để nghe La Grandière ban phát những chỉ thị hành quân cuối cùng. Binh lính và vệ binh bắt đầu xuống các tàu đỗ bô. Vào nửa đêm thì hạm đội tấn công chở theo binh lính của Pháp tiến đến thành Vĩnh Long.

Buối sáng sương mù ngày 19 tháng 5 âl (20 tháng 6 dl 1867), các chiến hạm của đoàn quân xâm lược thả neo trước mặt thành tỉnh Vĩnh Long. Vào 7giờ30 sáng, các chiến hạm đều ở đúng vào vị trí tác chiến . Binh sĩ thủy, bộ được chuyển lên bờ bao vây thành Vĩnh Long. Một quan phụ tá hành quân của La Grandière được phái vào thành để yêu cầu quan binh đồn trú đầu hàng và nộp thành. Khi sương mù tan, quan binh Đại Nam mới biết thành Vĩnh Long bị đoàn quân xâm lược Pháp bao vây(11).

Kinh lược Phan Thanh Giản và Án sát Võ Doãn Thanh ra khỏi thành xuống soái hạm Ondine để gặp La Grandière yêu cầu quân Pháp rút lui nhưng La Grandière nhất quyết cự tuyệt, đòi quan binh triều đình tại 3 thành Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên phải đầu hàng. Biết rằng không thể nào làm thay đổi tình thế, Phan Thanh Giản yêu cầu La Grandière ra lệnh cho thuộc hạ không được giết hại, cướp bóc tài sản của dân chúng trong thành. La Grandière chỉ hứa rằng các quan lại của triều đình Đại Nam sẽ vẫn giữ các nhiệm vụ cũ sau khi đoàn quân của Pháp chiếm đóng 3 tỉnh với điều kiện là Phan Thanh Giản phải xuống lệnh cho họ đầu hàng và các nhóm kháng chiến phải ngưng hoạt động tại các nơi đó Phan Thanh Giản viết thơ cho các đốc trấn thành An Giang (Châu Đốc), Hà Tiên, thông báo là thành Vĩnh Long đã bị bao vây, yêu cầu quan binh giao nộp thành cho người Pháp để dân chúng không bị liên lụy vì chiến tranh. Khi Phan Thanh Giản trở về thì quân Pháp đã chiếm đóng thành Vĩnh Long.

La Grandière liền cử đại tá Rebout làm chỉ huy trưởng quân sự 3 tỉnh miền Tây và đại úy Bourchet làm thanh tra bản xứ (tỉnh trưởng) tỉnh Vĩnh Long.
Ngày 20 tháng 5 âl (21 tháng 6 dl năm 1867), hạm trưởng Galey và giám đốc Nội vụ P. Vial đưa tàu chiến Biên Hòa cùng một lúc với một số pháo thuyền và binh sĩ đỗ bộ xuống tiến chiếm An Giang (Châu Đốc). Trên lộ trình chuyển quân, họ gặp 2 chiếc ghe buồm có che lọng và hiệu kỳ chỉ huy của quan tổng đốc Hà Tiên. Viên tổng đốc được yêu cầu lên chiến hạm Biên Hòa, nhận lệnh thư của Phan Thanh Giản và bị giữ lại trên tàu cho đến lúc tàu đến An Giang (Châu Đốc).

Vào 11 giờ đêm, tất cả lực lượng của Pháp đã được phối trí sẵn sàng để hạ thành An Giang.
Tổng đốc An Giang được gọi ra tàu Biên Hoà để nhân lệnh đầu hàng của Phan Thanh Giản. Tổng đốc An Giang cùng với hai quan Bố chính và Án sát âm mưu bắt Vial và Galey làm con tin nhưng mưu sự bất thành. Quân Pháp vào chiếm đóng thành An Giang. Sáng ngày hôm sau 22 tháng 6 dl 1867, soái hạm Ondine đến thành Ang Giang, La Grandière vào thành cắt đặt nhân sự, cử trung úy bộ binh Vignes làm thanh tra bản xứ tỉnh Sa Đéc. Hạm trưởng Valey được thăng thiếu tá.

Ngày 22 tháng 5 âl (23 tháng 6 dl năm 1867), thiếu tá Galey trên tàu chiến la Flamberge cùng với một tàu chuyên chở chạy bằng hơi nước, 20 ghe buồm chở binh sĩ và vệ binh xuất phát từ Châu Đốc qua Hà Tiên. Trên tàu chiến la Flamberge có mặt tổng đốc Hà Tiên và do đó cuộc tiến chiếm thành Hà Tiên không có gì trở ngại đối với đoàn quân xâm lược Pháp. Đại úy Dauvergne được cử việc cai trị vùng lãnh thổ Hà Tiên.
La Grandière sai Legrand de la Liraye theo tàu chiến le Monge ra Huế cùng với một thông ngôn thông báo việc quân binh Pháp chiếm đóng 3 tỉnh miền Tây của Đại Nam. Triều đình Huế phản kháng, yêu cầu trả tự do cho các quan binh triều đình trong 3 tỉnh đó đang bị quân Pháp quản thúc và trả lại một số vùng đất thuộc tỉnh Biên Hoà và Sài Gòn để bồi thường cho triều đình về việc người Pháp cưỡng chiếm 3 tỉnh miền Tây nhưng vô hiệu. Pháp chỉ chịu giao trả quan binh của triều đình trên 3 tỉnh đó.

Đinh Mão, Tự Đức thứ 20, tháng 6 âl, sau khi 3 tỉnh miền Tây bị mất, Phan Thanh Giản gởi trả triều đình ấn tín và bắt đầu tuyệt thực. Ông viết thơ để lại khuyên các con không được hợp tác làm việc cho quân xâm lược Pháp nhưng phải sống hòa bình không chống phá gây hấn với người Pháp, các cháu của ông nên được giáo huấn như con cái của người Pháp. Ông trối thác muốn được chôn cất ở quê nhà tại làng Bảo Thạnh, tỉnh Bến Tre rồi trước sự hiện diện chứng kiến của những người thân, ông mặc triều phục đứng hướng về phương Bắc cung kính quỳ bái 5 lạy rồi nâng chén thuốc độc uống cạn (liều thuốc phiện cực mạnh). Một y sĩ người Pháp Le Coniat đã hết sức tìm cách để cứu sống ông nhưng sau đó 2 ngày thì ông qua đời vào ngày 5 tháng 7 dl năm 1867.

Thống soái La Grandière đã tự tay viết thơ chia buồn gởi đến con trưởng của ông Phan Thanh Giản. nguyên văn lá thư như sau:

"Le Vice-amiral, gouverneur et commandant en chef en Cochinchine, au fils ainé de S. Exc. Phan Thanh Giảng, vice grand censeur du Royaume d'Annam.
Vinh Long

J'apprends avec une grande douleur la mort de S.Exc. Phan Thanh Giảng, votre père.
Le royaume d'Annam, dont il éait le membre le plus éminent, perd dans ce vieiilard respectable un de ses gloires et de ses lumières, et le sentiment de profonde estime qu ' il laissse dans ma mémoire et dans celle des Français sera plus durable que la haine de ses ennemis.

Aucun autre que votre père n'a compris à Huế quels étaient les avantages qui devaient assurer le bonheur du peuple, et c'est un sentiment touchant et digne de respect qui l' a, malheureusement, porté à ne pas vouloir suvivre aux conséquences d' une politique dont tous les torts et toute la responsbilité appartiennet au gouvernement annamite.

Le témoignage officiel de mon estime et de mon amitié que je vous adresse dans cette lettre, doit être conservé dans votre famille comme le gage des sentiments que les Français conserveront pour votre vénérable père et pour sa famille.

Soyez persuadé aussi que je m' efforcerai, par tous les moyens qui dependent de moi, d' assurer le bonheur de ses enfants, en leur accordant les faveurs et les positions qui porront leur convenir.

Agreez l' assurance de ma considération très distinguée.
Saigon, le 5 août 1867.
De la Grandière."

Tạm dịch:
"Phó Đề đốc, thống đốc kiêm tổng tư lệnh quân lực Nam Kỳ, gởi đến ông trưởng nam của Ngài Phan Thanh Giảng(*) phụ chính khâm sai đại thần của Vương quốc An Nam.
tại Vĩnh Long.

Tôi rất là đau buồn biết được tin về cái chết của Ngài Phan Thanh Giảng thân phụ của ông.
Vương quốc An Nam, mà trong đó ngài Phan Thanh Giảng là một thành viên lỗi lạc hơn hết, đã đánh mất đi một trong những phần vinh quang, trí thức và tình cảm sâu đậm quý mến của vị quan lão thành nầy, nhưng những điều đó vẫn đang lưu lại trong trí óc của tôi cũng như trong trí óc của người Pháp một cách bền vững hơn là sự oán ghét của những quân thù của vị quan lão thành ấy.

Ngoài phụ thân của ông trưởng nam ra, nơi triều đình Huế không còn ai nhận thức được những điều gì cần phải thực hiện để bảo đảm cho người dân có thể sống hạnh phúc và chính là vì vấn đề có liên hệ đến cảm tính cùng với đức tự trọng đã khiến cho vị quan lão thành nầy không còn thiết sống dưới dự chi phối của những hậu quả chính trị sai trái và dẫy đầy trách nhiệm do chính quyền của triều đình nước An Nam tạo ra.

Những biểu lộ chính thức về lòng kính mến và tình bằng hữu của tôi trong lá thư nầy ông cần phải lưu giữ lại trong gia tộc như là một bằng chứng về những cảm tình mà người Pháp sẽ giữ riêng cho phụ thân đáng kính của ông và gia tộc của ông ấy.

Ông hãy tin rằng tôi sẽ cố gắng bằng mọi phương cách mà tôi có được để đảm bảo cho con cháu của vị quan lão thành có được những quyền lợi và chức vị thích hợp với họ trong tương lai.

Xin ông hãy chấp nhận lòng kính trọng rất đặc biệt của tôi.

Sài Gòn ngày 15 tháng 10 dl năm 1867
Ký tên: De la Grandière"

La Grandière đã ra lệnh cho thuộc hạ dưới quyền đặt quan tài của ông trên một chiếc ghe lớn và được một pháo thuyền của Pháp kéo về làng Bảo Định gần cửa sông Ba Lai tỉnh Bến Tre. Một đội quân dàn chào danh dự của quân đội Pháp cũng được phái đến để cung hầu quan tài của ông Phan Thanh Giản suốt thời gian tiến hành lễ an táng theo tục lệ của người Đại Nam. Dân chúng tham dự đám tang rất đông. Mộ chí của ông ghi Lương Khê Phan lão nông Chi Mộ.

*


VI/-VỀ VIỆC ĐÁNH GIÁ ÔNG PHAN THANH GIẢN

BỊ LÊN ÁN LẦN THỨ NHỨT:

Tháng 4 â.l, năm Nhâm Tuất (1862), trong lúc tình hình bất ổn ở Bắc Kỳ không thể giải quyết, Bonard lại sai hạm trưởng tàu chiến Forbin là Simon đến cửa biển Thuận An (đầu tháng 5 d.l năm 1862) để đưa thư liệt kê 3 điều kiện tiên quyết để hòa đàm: 1/ - Trong vòng 3 ngày phải trả trước cho người Pháp 100,000 quan tiền bồi thường chiến tranh tính ra lạng bạc; 2/ - Để cho Pháp đặt người của họ toàn quyền cai quản trên các vùng đất hiện do Pháp tạm chiếm; 3/ - Trong vòng 8 ngày phải cử đại diện để hòa đàm với Pháp. Phan Thanh Giản, Trần Tiễn Thành đem việc ấy trình lên. Triều đình bàn bạc và phải chịu chấp nhận những đòi hỏi tiên quyết số 1 và số 3 của Pháp.

Thuyền trưởng Simon trở về Sài Gòn mang theo 2 điều kiện tiên quyết của Pháp được triều đình Huế chấp nhận. Sau đó Simon trở ra Thuận An. Triều đình Huế cử Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp làm chánh, phó sứ toàn quyền đại thần để hội nghị với người Pháp. Khi sắp đi, Tự Đức rót rượu riêng của mình ban cho và dụ rằng đoàn sứ không được nhận điều khoản tự do truyền đạo Gia tô và không được nhượng thêm đất.

Ngày 24 tháng 4 âl (1862) Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp đi thuyền Thụy Nhạc uy vệ ra của biển Hội An, qua tàu Forbin gặp Simon trao 100,000 quan tiền trả trước. Sau đó tàu Forbin hộ tống thuyền Thụy Nhạc vào Gia Định.
Ngày 30 tháng 4 â.l (26 tháng 5 d.l năm 1862), đoàn sứ Đại Nam tới Sài Gòn. Cuộc đàm nghị mở ra liên tục cho đến ngày 9 tháng 5 â.l năm Nhâm Tuất (5 tháng 6 d.l năm 1862) thì 2 bên ký định ước. Các điều khoản của định ước nầy phải được triều đình nước Đại Nam và triều đình nước Pháp thông qua trong vòng 1 năm.

Ngày 11 tháng 5 â.l (7 tháng 6 d.l năm 1862), đoàn sứ Đại Nam đi thuyền về, đến Huế vào ngày 14 tháng 6 â.l (10/6 d.l/1862).

Xem xong bản định ước 12 khoản, Tự Đức dã quở trách Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp và cho rằng 2 viên quan nầy. Vua nói " thương thay con đỏ của lịch triều, nào có tội gỉ Rất là đau lòng. Hai viên nầy không những là người có tội với triều đình nhà Nguyễn mà còn mắc tội đối với nghìn muôn đời vậy !" rồi đưa xuống cho đình thần bàn xét.

Sau khi bàn xét đình thần phúc tâu như sau: về khoản cắt đất và trả tiền bồi thường chiến tranh thì Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp đã thỏa thuận rồi nhưng phần nhiều chưa hợp. Nhưng vì đây là một bản điều ước mới định, nếu vội sửa đổi ngay, sợ họ còn tức khí, chưa chắc đã nghe theo ngay. Xin đề nghị để 2 viên quan ấy ở gần liên lạc với người Pháp bàn tính để họ châm chước lần lần và cũng là để 2 viên quan đó có dịp chuộc lại lỗi lầm đã nhượng đất và chịu trả quá nhiều tiền bồi thường; đề nghị bắt tội họ vì không chu toàn trách nhiệm được giao phó từ trước.

Tự Đức cho rằng nếu bắt tội Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp thì không thể tìm được người khác có khả năng như họ để nhận lãnh trách nhiệm hoà nghị và do đó giao cho Phan Thanh Giản lãnh tổng đốc Vĩnh Long, Phan Duy Thiếp (Hiệp) lãnh chức tuần phủ Thuận - Khánh nhưng 2 người vẫn phải tiếp tục trách vụ đàm phán với người Pháp để chuộc tội.

Một kẻ lãnh đạo quốc gia có liêm sĩ và đạo đức phải biết nhận trách nhiệm về khả năng cai trị yếu kém của mình với tổ quốc, với dân chúng. Những hàng cộng sự của mình chỉ là cấp thừa hành phải làm theo lệnh của cấp trên khi cấp trên là một kẻ ôm đồm thu tóm hết quyền lực kể cả quyền làm chủ mạng sống của mọi người không phân biệt là hạng thứ dân hay quan đại thần.

Đáng lý câu tuyên bố của Tự Đức phải như sau thì chắc là đúng hơn: "thương thay con đỏ của lịch triều, nào có tội gì? Rất là đau lòng. Không những là Trẫm có tội với triều đình nhà Nguyễn mà còn mắc tội đối với nghìn muôn đời vậy!" Và sau khi đóng tuồng nhận tội như thế rồi Tự Đức lại đóng tuồng tuyên bố tự thoái vị, rồi mấy ông đại thần thần ở Huế giả bộ quỳ lạy ôm chân năng nỉ xin Tự Đức đùng bỏ ngôi, rồi bên ngoài sai quân binh giựt giây cho dân chúng tụ họp biểu tình hoang hô ủng hộ Tự Đức, ủng hộ tập đoàn đình thần ăn không rỗi nghề ở Huế và đã đảo quân xâm lược Pháp thì có lẽ sách sử nhà Nguyễn sẽ để lại cho hậu thế hình ảnh của một ông vua hiền sáng giá biết nhận lãnh trách nhiệm có tên là Tự Đức chăng? Nếu Tự Đức đã làm được như thế thì rất có thể đã gây được xúc động của toàn quân toàn dân và biến họ thành một khối đại đoàn kết dân tộc để chống quân xâm lược phương Tây. Cần gì mà phải trút hết tội lỗi lên đầu ông Phan Thanh Giản và ông Lâm Duy Hiệp!

Không phải tất cả người hậu thế đều ngây thơ và xuẩn động đến mức độ tin tưởng lời tuyên bố buộc tội thốt ra từ miệng của Tự Đức rồi sẽ hùa theo Tự Đức để làm mốp méo lịch sử.

Câu tuyên bố của Tự Đức cho thấy rõ trong chế độ tập đoàn phong kiến dù ở bất cứ triều đại nào, dù bất cứ ở đâu thì người dân đen luôn luôn là kẻ tôi mọi phục vụ riêng cho gia tộc của kẻ đang nắm quyền cai trị và vận mạng đất nước. Tại sao 2 ông Giản và Hiệp lại có tội với nhà Nguyễn? Bởi vì Tự Đức xem đất nước Đại Nam là tài sản riêng của nhà Nguyễn nhất là những vùng lãnh thổ ở Nam Kỳ Hạ lại còn có những mối dây ràng buộc tình cảm đối với họ Nguyễn nói chung và đặc biệt với Tự Đức nói riêng. Phải chi trên thực tế Tự Đức là một vị minh quân tài đức biết hy sinh đời mình cho quốc gia dân tộc thì lời tuyên bố buộc tội 2 ông Phan, Lâm của vị minh quân sẽ trở thành khuôn vàng thước ngọc, một lời hiệu triệu mạnh mẽ để lôi kéo toàn quân, toàn dân một lòng liều chết chống trả quân xâm lược, nhưng thật tiếc thay người dân Đại Nam, đất nước Đại Nam vào thời đó không có được ông vua xứng đáng gọi là minh quân như thế!

BỊ LÊN ÁN LẦN THỨ NHÌ:

Sau khi chịu tiếp kiến phái đoàn sứ Pháp-Tây Ban Nha để nhận hoà ước Nhâm Tuất đã được Hoàng đế Napoleon III ký chuẩn phê, Tự Đức bằng lòng trao cho đối phương bản hoà ước Nhâm Tuất do chính tay mình chuẩn phê, Tự Đức lại đổ tội cho Phan Thanh Giản và Ông Lâm Duy Hiệp cùng với nhiều người khác và lần nầy kèm theo án phạt trảm giam hậu treo vào cổ 2 ông Phan, Lâm.

Có một điều đáng lưu ý ở đây là những người bị án phạt phải tự động làm tờ tự thú chính họ đã bất lực gây ra cớ sự và lạy xin Tự Đức hãy trừng phạt họ! Nhưng, Tự Đức đâu có độc đoán tự động trách phạt họ! Tự Đức lại giao xuống cho cơ quan pháp ti chấp án! Bởi vì có như vậy hậu thế mới thấy được Tự Đức là một ông vua công minh trong vấn đề xử phạt những kẻ có tội: thật là một ông vua khôn ngoan tột mức! Về việc nầy sách ĐNTLCB của sử quán triều Nguyễn trong tháng 3 âl năm Quý Hợi (1863) ghi chép như sau:

Nguyên binh bộ thượng thư lãnh tuần phủ Thuận Khánh la Lâm Duy Thiếp (Hiệp) mất Bộ lại tâu lên. Vua nói: Duy Thiếp chưa hay lập công chuộc tội, nhưng nghĩ đến người bầy tôi cũ, gia cấp cho hạng lụa màu và tiền, còn xử theo tội gì sau sẽ bàn định.

Bọn Đoàn Thọ, Phan Thanh Giản, Trần Tiễn Thành tự cho là đi thương thuyết không được công trạng gì, xin chịu tội. Việc ấy giao xuống cho pháp tư bàn. Khi án dâng lên, Thanh Giản, Duy Thiếp (Hiệp) chiểu theo luật "thừa sai báo cáo quân kỳ" (nghĩa là vâng lệnh đi báo cáo kỳ hạn việc quân). Nghĩ tội trảm giam hậu. Đoàn Thọ, Trần Tiễn Thành so sánh vào luật "vi chế" nghĩ tội phạt trượng, thuộc về tội công chuẩn giáng 4 cấp đổi đi. Phạm Phú Thứ chiểu luật sai lầm ý trong chỉ dụ, giảm mức tội xuống nghĩ phạt trượng, chuẩn giáng 1 cấp lưu dụng.

Vua gia ơn cho Thanh Giản giảm xuống tội cách lưu; Thọ và Tiễn Thành xuống tội giáng chức lưu dùng. Duy Thiếp đã chết, truy đoạt lại chức hàm; Nguyễn Quang, Đặng Hạnh, Phạm Ý, Lê Tuấn cũng đều cho giáng, phạt có thứ bậc khác nhau. (ĐNTLCB;đệ tứ kỷ; quyển XXVIII; bản dịch; trang 14, 15; Hà Nội; 1974).

Hậu thế sẽ thắc mắc: tại sao đã biết là kẻ địch ép bức nhưng khi mặt đối mặt với kẻ thù nơi điện Thái Hòa, vị vua "khôn ngoan và kiên cường" của thần dân nước Đại Nam không ngó thẳng vào mặt kẻ địch để tố cáo bọn họ là một nhóm người xâm lăng cướp nước rồi cầm bản hòa ước có chữ ký của hoàng đế Napoléon III quăng xuống đất và truyền lệnh quân binh tống khứ bọn họ ra khỏi điện Thái Hòa?

Tại sao không đem ông Giản, ông Hiệp ra chém ngay đi cho rồi mà còn bày trò trảm giam hậu để làm gì? Cần gì phải chém ngay cho mang tiếng là hung bạo bất nhân, cứ để đó, trước sau gì rồi thì hai kẻ tử tội nầy cũng phải chết nhưng họ phải tự xử, tự tìm lấy cái chết cho mình chứ không phải do tay vị hoàng đế nhân từ sát hạ! Và đúng như ý muốn của Tự Đức, bởi vì tử tội Lâm Duy Hiệp đã "bị bệnh dịch tả" chết ngay vào lúc trao đổi hòa ước Nhâm Tuất, một cái chết rất đáng nghi ngờ, rất đáng dị nghị: phải chăng ông Hiệp đã tự xử lấy đời mình nhưng sử sách nhà Nguyễn lại lắp liếm viết rằng ông bị chết vì bị nhiễm lây bệnh dịch tả đang hoành hành lan tràn khắp miền Trung Kỳ vào lúc đó?
Đọc lại sử phong kiến Việt Nam, các kẻ bị gọi là kẻ thù hay bị coi là nguy hại cho một ông vua hay một triều đại thường bị án tử hình giam hậu nhưng hầu hết các tử tội đều tự xử lấy bằng cách uống thuốc độc hoặc tự treo cổ lúc còn bị giam giữ trong ngục chờ ngày lên đoạn lầu đài! Người ta sẽ tự hỏi trong ngục làm sao có sẵn thuốc độc hay dây thừng để kẻ tử tội tự xử nếu các thủ hạ của nhà vua không mang các thứ đó để sẵn trong ngục? Còn cái chết của ông Lâm Duy Hiệp sao lại trùng hợp một cách lạ lùng với bản án tử hình giam hậu mà pháp ti của triều đình Huế và Tự Đức sắp treo vào cổ ông Hiệp sau khi nghi thức chuẩn phê hòa ước Nhâm Tuất hoàn tất tại Huế. Đây có thể là một nghi án xin để người sau truy cứu thực hư.

Đổ tội, kết án trảm giam hậu ông Phan Thanh Giản nhưng không giam ông vào ngục thất để chờ giờ hành quyết nhưng lại buộc ông phải tiếp tục cái công tác mà không có một ông đại thần "tài giỏi" nào ở triều đình Huế dám tình nguyện đảm nhận và mặc dù ông Giản lúc nầy gần 70 đã nhiều lần xin Tự Đức cho được mãn nhiệm nghĩ hưu nhưng bị từ chối.

Chương 31

BỊ LÊN ÁN LẦN THỨ BA:

Chính trong bối cảnh vừa kể trên ông Giản lại bị kết tội lần thứ 3 và lần nầy không phải do Tự Đức hay do triều đình Huế kết tội mà "người ta đồn rằng" nhân dân kết tội hai ông Giản và Hiệp bán nước. Việc kết tội lần nầy do Trương Định chủ xướng khi trên lá cờ hiệu khởi nghĩa của ông ta có dòng chữ Phan, Lâm mãi quốc; triều đình khi dân.

 Sau khi đi sứ thắng lợi từ Pháp trở về, ông Giản lại được Tự Đức giao nhiệm vụ thương thảo với Aubaret ký kết một hòa ước mới để thay thế hòa ước Nhâm Tuất 1862. Ông Giản đã kỳ kèo với Aubaret theo đúng chỉ thị của Tự Đức và triều đình Huế và kết quả là hòa ước Aubaret được hình thành. Tuy nhiên, Tự Đức và triều đình Huế lại vẫn chưa hài lòng về việc ông Phan Thanh Giản ký kết hòa ước mới Aubaret 1864. Và lại cũng chính ông Giản cùng với các viên khác có nhiệm vụ do Tự Đức và triều đình Huế giao phó để thương lượng với Aubaret và ký kết hòa ước mới lại phải tự ý làm đơn xin Tự Đức trách phạt và lần nầy thì triều đình Huế đề nghị thẩm xét từng trường hợp và vai trò của mỗi cá nhân tội phạm rồi đề nghị án phạt đại hình nịch chức (không làm tròn nhiệm vụ được giao phó).(ĐNTLCB đã dẫn; trang 96)

Rồi hòa ước Aubaret không được hoàng đế Pháp và chính phủ Pháp chuẩn nhận, họ quyết định phải chấp hành hòa ước Nhâm Tuất 1862, phái Aubaret ra Thuận An yêu cầu Tự Đức và triều đình Huế phải thì hành các điều ước kết trong hòa ước Nhâm Tuất một cách nghiêm chỉnh, đúng thời hạn ấn định nhất là phải ra lệnh cho các nhóm kháng chiến chống Pháp ngưng hoạt động phá rối trị an tại các vùng đất do Pháp sở hữu hoặc kiểm soát. Sách ĐNTLCB ghi chép việc nầy như sau:

Bọn Phan Thanh Giản đem việc tâu lên. Vua giao cho phủ Tôn nhân và đình thần bàn định, đều nói: vua tôi nước ấy, đã không chịu cho chuộc lại 3 tỉnh; (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa), nếu lại viết quốc thư để hỏi thì họ lại cố chấp lời nói trước, sợ có tổn đến quốc thể chăng? Xin sai quan Thương bạc viết thư gởi cho đại học sĩ nước ấy là Anh Đê Luy và chủ súy nước Phú ở Gia Định, thông tin phân trần cặn kẽ, họa có chút động lòng nghe chăng, sau sẽ dần mưu tính. Vua nói: bọn khanh liệu thế nào, chả nhẽ theo ước cũ mà nỡ bỏ đất cát 3 tỉnh ấy ư? Nên tính cho kỹ.
Các đại thần lại nói: nghị lớn về hòa ước, từ trước đến nay vẫn giữ bí mật, chưa có công bố cho mọi người nghe biết, sinh ra ngờ vực. Xin do tỉnh thần 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, đem sao lục 12 điều ước cũ, đưa đi treo dán, để hiểu bảo cho sĩ dân đều biết, khiến đều yên ở làm ăn. Đến như việc thu xếp sau nầy được thỏa thiện, nên xin thông thả sẽ bàn định. Vua y cho. Nhân bảo bọn Thanh Giản rằng: ý người Phú như thế, là muốn dân ta dứt tình với ta, cho nên không nhịn được sự tức giận nhỏ ấy. Ta đã nhiều lần phái người mật đi hiểu bảo, nhưng có 1, 2 kẻ hiếu sự không chịu nghe, đã để cho họ sinh ngờ, lại làm nhiễu hại dân ta. Vả lại họ đang cố chấp lời ước, để gây hiềm khích, 3 tỉnh bị trơ trọi thì tất đến nguy. Nay dứt tình đi thì sợ lòng dân ngày thêm lìa tan, nếu không dứt tình tuyệt đi, thì việc chưa nên, mà lúc cấp khó cứu, nên bất đắc dĩ phải dứt tình đi, để cho dân 3 tỉnh ấy không còn trông nhờ vào đâu để bạo động nữa. Đó là đoạn tuyệt để mà bảo vệ, để làm kế sau nầy nảy nở sẽ mưu toan dần dần. Bèn xuống dụ cho tỉnh thần 3 tỉnh sức khắp cho các hạt biết, có ai mượn tiếng là mộ nghĩa, thì không được vào trong địa giới, mà các quan phủ, huyện một khi trông thấy tức thời bắt ngay đem giải; nhà dân có ai chứa chấp, cũng bắt tội như kẻ phạm. (ĐTLCB; sách đã dẫn; trang 162, 163)

* - nghị lớn về hòa ước, từ trước đến nay vẫn giữ bí mật, chưa có công bố cho mọi người nghe biết, sinh ra ngờ vực. Như vậy có nghĩa là nhân dân - ở đây phải chăng triều đình có ý nói là các nhóm dân quân kháng chiến? - đã không hay biết gì về hòa ước Nhâm Tuất 1862 và hòa ước Aubaret ? Tại sao Tự Đức và triều đình lại phải giữ bí mật không công bố cho mọi người nghe biết? Bởi vì Tự Đức đang xử dụng âm mưu tiếp tục lợi dụng, khích động, bao che các nhóm dân quân kháng chiến để vừa đánh vừa kéo dài hòa đàm, làm cho quân Pháp bị dao động, mệt mỏi và nản chí để rồi tự động rút đi hoặc chấp nhận những điều kiện hòa đàm do Tự Đức và triều đình Huế đưa ra và do đó nếu quân kháng chiến đã biết có hòa ước rồi thì có thể họ sẽ không còn hăng sai kháng chiến chống Pháp nữa. Vậy thì nghị lớn về hòa ước phải giữ bí mật hay nói khác đi Tự Đức và triều đình Huế đã qua mặt các nhóm dân quân kháng chiến, xem họ chỉ là một phương tiện lót đường cho để Tự Đức thực hiện mục tiêu lấy lại những vùng đất mà Tự Đức coi là vùng đất thiên liêng của tổ tiên dòng họ nhà Nguyễn Phúc.

♠ -Xin sai quan Thương bạc viết thư gởi cho đại học sĩ nước ấy là Anh Đê Luy và chủ súy nước Phú ở Gia Định, thông tin phân trần cặn kẽ, họa có chút động lòng nghe chăng: đây là hình ảnh và thái độ run sợ, tuân phục của một kẻ chiến bại trước những điều kiện đòi hỏi của kẻ thắng trận áp đặt ra. Xin sai quan thương bạc viết thư gửi cho học sĩ nước ấy . . ." Vậy quan thương bạc lúc đó là ai, và lá thư của quan thương bạc gởi cho chính quyền Pháp như thế nào ?

Trong một quyển sách có tựa đề Les Débuts de L'installation du Système Colonial Français au Viet Nam (1858-1897) bản dịch ra tiếng Việt năm 1994 (Bước Mở Đầu Của Sự Thiết Lập Hệ Thống Thuộc Địa Pháp ở Việt Nam 1858-1897), nơi trang 117 và trang 118, tác giả sách nầy có đăng tải một lá thư của bộ ngoại giao trả lời cho La Grandière sau khi viên soái phủ nầy gởi văn thư chính thức thông báo cho triều đình Huế biết là chính phủ Pháp không thừa nhận hoà ước Aubaret. Tác giả gọi là thượng thơ bộ Ngoại giao Việt Nam và người đứng đầu bộ ngoại giao lúc đó là Phan Huy Vịnh. Lá thư nầy được tác giả cho biết xuất xứ của nó nơi chú thích số (17) ở trang 121 như sau: . . . . .(17) Hồi ký và tư liệu châu Á-Quyển 29-tr. 46-48,106,105 & 112. 135-138. 270-272 (tư liệu chưa xuất bản) và 273-274.

*Cần lưu ý: kiểu trích dẫn của tác giả sách "Bước Mở Đầu Của Sự Thiết Lập Hệ Thống Thuộc Địa Pháp ở Việt Nam 1858-1897", không thể giúp ích gì thêm cho người đọc đồng thời còn tạo ra cái cảm giác như là tác giả muốn giữ làm của riêng mình những tài liệu và tư liệu mà tác giả đã có dịp nhìn thấy hay đọc được. Lá thư viết bằng chữ Hán ? Chữ nôm? Chữ quốc ngữ theo mẫu tự a, b, c ...? hay bằng chữ Pháp? hay đã được dịch sang tiếng Pháp từ nguyên thủy và nay lại được tác giả dịch sang tiếng Việt một lần nữa?

Đây cũng là cung cách trích dẫn lơ lửng, ỡm ờ của những người tự coi mình là sử gia khoa bảng từ trước đến nay, trong nước cũng như ngoài nước, vì họ biết rằng người đọc ít có cơ may như họ để có thể với tới các tài liệu hoặc tư liệu hiếm hoi khó thể truy tìm: cho nên họ chỉ cần trích dẫn lơ mơ mịt mù như thế để chứng tỏ những gì họ viết ra là có căn cứ trên giấy trắng mực đen dù trên thực tế họ đã viết sai, đã cắt bớt hay đã luồn lách để tạo thành một tài liệu giả dối, để chứng minh cho một quan điểm hay một biến cố lịch sử bịa đặt. Đọc giả có thể đọc lại sách của tác giả sách "Bước Mở Đầu Của Sự Thiết Lập Hệ Thống Thuộc Địa Pháp ở Việt Nam 1858-1897" nơi trang 123 và trang 124 nơi tác giả trích dịch một đoạn văn của Francis Garnier viết trong bài tham luận La COCHINCHINE FRANÇAISE en 1864: đây là một kiểu trích dẫn cắt xén, lắp ráp và rất nhiều .... mà nếu người đọc có nguyên bản tài liệu của Francis Garnier thì cũng khó có thể so chiếu để biết được tác giả đã trích dẫn từ chỗ nào trong bản tham luận đó.

Việc lưu ý đọc giả về những điều vừa kể trên không nhằm mục đích chứng minh là lá thư của ông thượng thơ bộ ngoại giao Việt Nam do Phan Huy Vịnh viết và được trích đăng lại là một tài liệu bịa đặt do tác giả "Bước Mở Đầu Của Sự Thiết Lập Hệ Thống Thuộc Địa Pháp ở Việt Nam 1858-1897" tạo ra. Sự truy cứu của tác giả là một khám phá hiếm hoi và mới mẻ rất giá trị, nhưng nó sẽ có giá trị thuyết phục cao hơn nếu tác giả dùng mọi khả năng sẵn có của mình chẳng hạn như sao chép lại nguyên văn, chụp hình . . .để cho thấy được "hình hài thực sự" của tài liệu mà tác giả đã đưa ra chứ không nên viết theo kiểu: "tài liệu nầy lưu giữ trong một cánh rừng rậm ở Phi Châu, ai muốn tham khảo thì cứ qua bên đó mà lục lạo để tham khảo!"

Sau đây xin chép lại đầy đủ nguyên văn lá thư của thượng thơ bộ Ngoại giao Việt Nam Phan Huy Vịnh được trích dẫn nơi trang 117,118 trong sách "Bước Mở Đầu Của Sự Thiết Lập Hệ Thống Thuộc Địa Pháp ở Việt Nam 1858-1897":

Sau khi nhắc lại những điều kiện trong đó Aubaret đã được phái sang Việt Nam và quyết định của chính phủ Pháp không phê chuẩn hiệp ước vừa ký kết tại Huế, Phan Huy Vịnh viết:

". . .Khi hai nước đã thề giảng hòa với nhau, chúng ta không thể không nói đến vấn đề chuộc lại ba tỉnh Nam Kỳ, vì lòng dân oán hận chuyện mất nước ...Vì vậy, chúng tôi phải cởi mở tấm lòng ra với Hoàng đế nước Pháp, để Người đoái thương với chúng tôi, nếu không được về mọi mặt, ít nhất về một vài điều. Cũng như những điều thay đổi hoặc sửa lại trong văn bản hiệp ước là nằm (nhằm) đáp ứng những yêu cầu phong tục tập quán và ngôn ngữ nước chúng tôi, sao cho bản hiệp ước trở nên dễ hiểu đối với mọi người và không bị ai lý giải ngược lại.

"Còn về vấn đề giảm xuống 40 năm số cống nạp hằng năm và liên tục, thì chính là chúng tôi yêu cầu như vậy bởi tài nguyên của cải đất nước tôi dường như không thể hứa hẹn nhiều hơn vậy được. Làm như vậy, chúng tôi muốn một lần nữa tạo cho Hoàng đế Pháp một cơ hội mới để bộc lộ tấm lòng đại lượng bất tận của mình, nhưng chúng tôi không hề có ý định thay đổi, hoặc xóa bỏ những điều đã thỏa thuận lúc đầu, giữa hai bên. Ông đại diện toàn quyền Aubaret đã hiểu điều nầy, cũng như hai vị quan chức cùng đi với ông ta (18); cả ba người không hề tỏ ra bất bình; chúng tôi không muốn áp đặt ý muốn của chúng tôi cho họ, dù rằng bằng cách nào.

"Giờ đây, mọi sự vẫn y nguyên. Nếu các Ngài đồng ý trả lại nguyên vẹn, hay một phần đất đai ba tỉnh, thì chúng tôi xin hết lòng cảm tạ. Nếu các Ngài không thể trả và nếu để tiếp tục có những quan hệ hòa bình, chúng tôi phải trở lại với hiệp ước 5/6/1862, thì chúng tôi vẫn biết ơn các Ngài, và sẽ vui lòng làm như vậỵ

"Chính phủ chúng tôi rất chân thực và thủy chung với những cam kết của mình: không gì có thể làm cho quan hệ giữa chúng ta bị đoạn tuyệt ....." (19)
*
Nếu để ý một chút thì người đọc có thể thấy được lối hành văn của nhà nho thượng thơ bộ ngoại giao Việt Nam Phan Huy Vịnh có vẻ quá Tây chăng? Không lý ông Phan Huy Vịnh viết thẳng lá thư nầy bằng tiếng Tây? Đây là một thắc mắc cần được tác giả của sách "Bước Mở Đầu Của Sự Thiết Lập Hệ Thống Thuộc Địa Pháp ở Việt Nam 1858-1897" làm sáng tỏ.

Dù sao thì lá thư kể trên cũng góp phần cho thấy sự yếu kém, bất lực và thái độ nhát sợ của vua quan triều đình Huế trước sự xâm lăng ồ ạt của đoàn quân "bỏ túi" Tây phương. Ví bằng lá thư nầy do người Pháp ngụy tạo ra thì nó vẫn có hiệu quả để cho hậu thế hiểu được rằng người Pháp đã thấy rõ được thực trạng tồi tệ của vua quan triều đình nhà Nguyễn dưới thời Tự Đức để rồi kể từ lúc đó họ có thể tự tin về sức mạnh xâm lược của mình, để lên giọng cao ngạo, tự do thao túng, bắt chẹt, thực hiện ý đồ bành trướng lãnh thổ thuộc địa của họ.

♠ -Xin do tỉnh thần 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, đem sao lục 12 điều ước cũ, đưa đi treo dán, để hiểu bảo cho sĩ dân đều biết, khiến đều yên ở làm ăn . . . . . . . . . . . . .Bèn xuống dụ cho tỉnh thần 3 tỉnh sức khắp cho các hạt biết, có ai mượn tiếng là mộ nghĩa, thì không được vào trong địa giới, mà các quan phủ, huyện một khi trông thấy tức thời bắt ngay đem giải; nhà dân có ai chứa chấp, cũng bắt tội như kẻ phạm:

Đây chính là thời điểm khởi đầu để "nhân dân của quản Định" tức giận với vua quan triều đình nhà Nguyễn khi họ biết là mình bị lừa dối lợi dụng và nay bị bỏ rơi. Phản ứng của họ là gì? Là tự tiện tôn phò quản Định lên làm đầu lĩnh để tiếp tục những hoạt động phá rối trật tự trị an trong các vùng do Pháp chiếm đóng và luôn cả trong các vùng đất Nam Kỳ còn dưới quyền kiểm soát của triều đình Huế. "Nhân dân" giờ đây đã trở thành thù địch không những đối với người Pháp mà luôn cả với quan binh của triều đình Huế nữa. Trong một tình trạng câm giận sôi sục như vậy- câm giận sôi sụt vì bị lừa đảo, bị qua mặt, bị lợi dụng, bị mất quyền tước, bị mất chu cấp lén lút từ phía triều đình thì không có gì đáng phải ngạc nhiên khi nhân dân lên án là triều đình khi dân vì sự lên án nầy là hữu lý và tất nhiên không cần phải có tiếng đồn hay sách vỡ ghi chép lại sự lên án đó, mà cũng không cần phải cho hàng chữ triều đình khi dân dính lên lá cờ khởi nghĩa "tưởng tượng" của ông Trương Định.

Riêng đối với ông Phan Thanh Giản thì "nhân dân'' có thái độ như thế nào? Ông quản Định tự xem mình như là thay mặt nhân dân để lên án ông Giản và ông Hiệp bằng cách dán bản án Phan, Lâm mãi quốc lên trên lá cờ khởi nghĩa tưởng tượng mà người đời sau đã thêu may cho ông.
Hiện tượng người đời sau thêu may cờ Chính nghĩa cho các nhân vật lịch sử nổi tiếng không phải chỉ mới xảy ra từ thời ông Định mà nó đã từng xảy ra trong mọi thời kỳ người dân Việt Nam chống ngoại xâm nhằm khích động lòng yêu nước của khối quần chúng. Tuy nhiên, sử sách, cũng như qua các di vật lịch sử được khai quật từ xưa tới nay, người ta chưa bao giờ nhìn thấy được hình trạng thực sự của một lá cờ như thế. Có được thấy chăng những kiểu cờ tưởng tượng như thế thì hiện nay người ta có thể thấy trong những dịp lễ hội đình đám kỷ niệm hoặc trong những tuồng tích giải trí biểu diễn trên sân khấu mà thôi.

Thực tế nếu ông Quản Định có nổi giận và thù ghét ông Phan Thanh Giản thì cũng là một điều hữu lý và tất nhiên vì trước hết ông Giản và ông Hiệp là thành viên trong tập đoàn cai trị của một triều đình lừa dối, lợi dụng, bội bạc, dứt tình. Kế đến, ông Giản lại là một một nhân vật chính yếu đã từng được Tự Đức và triều đình Huế đặc phái đi kêu gọi Trương Định phải ngưng việc chiến tranh nhưng Trương Định "cứng đầu" bất tuân lệnh vua. Ông Định càng tức giận hơn khi ông bị lấy lại tước quân hàm Lãnh binh mà trước đây Tự Đức đã bí mật phong cho ông để mua lòng.

*Có một chi tiết tuy rất nhỏ nhưng lại có thể dùng để cho hậu thế thấy được ông Giản không có bán đứng những người được sử sách cũ, mới gọi là quân nghĩa dũng kháng chiến chống Pháp dưới quyền tổng lãnh của Trương Định:

Phan Thanh Giảng, qui était revenu de Huế avec les légations, avait repris son poste à Vĩnh Long, dès le 15 Avril (1862), en attendant qu'on lui remit la citadelle; il fit tout ses efforts - au moins en apparence - pour ramener la tranquilité, mais le quản Định plus actif, plus redouté des populations que jamais, se jouait de lui et de ses conseils. Suivant une tactique inspirée sans nul doute par la cour elle- même, ce chef de bande sépara sa cause de celle des mandarins; il pouvait ainsi sans danger être désavoué par eux, et Phan Thanh Giảng put écrire à l'amiral que ce Định n' etait qu'un imposteur qu'il fallait mettre à mort, oubliant d'indiquer l'essentiel: le moyen de le prendre. (A. Schreiner; sách đã dẫn; trang 250-251)

Tạm dịch:
Từ Huế, Phan Thanh Giản(g) đã trở về nhiệm sở Vĩnh Long từ ngày 15 tháng 4 dl (1862) để đợi được giao trả tỉnh thành ; ông đã cố gắng bằng mọi các - ít ra là tỏ ra cho thấy - để phục hồì yên ổ, nhưng quản Định lúc nầy là kẻ năng động, đáng ngại hơn bao giờ hết trong dân chúng đã khinh nhờn và tỏ ra thách đố với những lời khuyến dụ của ông Giản. Theo một chiến thuật chắc chắn là triều đình chủ trương, viên đầu đảng nầy phải tách rời mục tiêu hoạt động của hắn khác biệt với mục tiêu hoạt động của các quan binh triều đình; nhờ vậy mà hắn sẽ không hề hấn gì khi bị các quan binh triều đình chối bỏ lên án, và do đó Phan Thanh Giản(g) có thể tư văn cho đề đốc để tố cáo rằng Định là một tên lừa bịp đáng chết, nhưng ông ông Giản(g) lại quên nói cho biết một điều thiết yếu là làm sao bắt được tên bịp bợm đó.

Đây nhất định không phải là một lời khen tụng của người Pháp dành cho ông Giản nhưng phải nói là người Pháp đã tỏ ra cay cú bực bội vì thái độ khai báo lương lẹo bao che của ông Giản không chịu điềm chỉ nơi ẩn náo của các đầu lĩnh quân nghĩa dũng kháng chiến. Ngược lại, đối với thái độ cứng đầu của ông Định, ông Giản chỉ báo cáo sự việc lại cho vua Tự Đức và Triều đình Huế để tìm biện pháp giải quyết. Nói khác đi, hàng chữ Phan Lâm mãi quốc trên lá cờ khởi nghĩa của ông Định chỉ có tính cách tương truyền, không có căn bản khoa học, không có xuất xứ, nguồn gốc và tính xác thực hàng chữ đó rất đáng dị nghị.

Nay thì việc đã rõ ràng: vua và triều đình đã dứt tình bỏ thí dân quân kháng chiến, mặc cho quân xâm lược càn quét truy kích. Không những thế còn "tiếp tay" cho giặc Pháp bằng cách ra lệnh cho các quan phủ, huyện một khi trông thấy tức thời bắt ngay đem giải; nhà dân có ai chứa chấp, cũng bắt tội như kẻ phạm.

Như vậy, việc ông Trương Định lên án triều đình Huế, lên án ông Giản và ông Hiệp tất nhiên là phải có nhưng đây chỉ là việc riêng ông Định và nhóm dân quân kháng chiến của ông lên án chứ không phải toàn dân, toàn quân lên án như nhiều dư luận lạm dụng tên tuổi ông Định đã nêu lên.
Điều cần lưu ý là khi nhóm kháng chiến của ông Định tách rời và lên án triều đình thì chính nghĩa của ông Định đã thay đổi: ngày trước ông chen vai sát cánh với triều đình nhà Nguyễn để chiến đấu chống quân ngoại xâm Tây phương nhưng bây giờ thì ông Định và nhóm kháng chiến của ông trở thành một nhóm giặc chòm, giặc xóm giống như mấy đám giặc thổ phỉ người Trung Quốc Cờ Đen, Cờ Vàng đang tung hoành làm chủ hầu hết các vùng lãnh thổ ở Bắc Kỳ. Cứ thử tưởng tượng nếu ông Định và thủ hạ của ông đánh đuổi được hết quân Pháp và chiếm lĩnh các vùng đất Nam Kỳ Hạ thuộc Pháp thì tình thế sẽ ra sao? Ông Định sẽ quỳ gối xuống để dâng trả lại đất cát cho Tự Đức chăng?

Và như trên đã xét qua, ông Giản với ông Hiệp làm gì có thành quách, đất cát để mà bán cho quân xâm lược Pháp: họ chiếm đất, chiếm thành của nước Đại Nam như đi chơi vào chỗ hoang địa để rồi ông Giảng và ông Hiệp phải thay mặt Tự Đức và tập đoàn quan lại nhút nhát của triều đình Huế chạy đến cầu xin kẻ xâm lược cho chuộc lại những vùng đất thiêng liêng riêng tư của ông hoàng đế Tự Đức vô cùng hiếu đạo thuộc dòng dõi nhà Nguyễn Phúc

Chương 32

BỊ LÊN ÁN LẦN THỨ TƯ:
Sau khi Pháp xâm chiếm 3 tỉnh miền Tây và ông Giản tự xử, vào tháng 9 âl năm Đinh Mão (1867), Tự Đức khiến phủ Tôn nhân và đình thần nghị công tội Nguyễn Tri Phương, Phan Thanh Giản. Tự Đức ra dụ chỉ rằng: "Xứ Nam Kỳ 6 tỉnh, khi đầu bởi tại Nguyễn Tri Phương, tôn thất Cáp, Phạm Thế Hiển và Nguyễn Bá Nghi liệu phòng không hết sức; khi giữa bởi tại Phan Thanh Giản và Lâm Duy Thiếp (Hiệp) nghị hòa khinh bỏ; khi sau lại bởi tại Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ và Ngụy Khắc Đản đi sứ không được việc gì; khi sau hết lại bởi tại bọn Phan Thanh Giản, Trương Văn Uyển, Nguyễn Hữu Cơ và Trần Hoán nhơn tuần nhác nhớn nên đến nỗi mất 6 tỉnh ấy. Truyền lập tức nghị tội bọn ấy, dâng lên ta sẽ đoán định". (Sử Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu (viết tắt SQTCBTY); in dịch ban cấp các trường học; năm 1925; trang 362).

♠ Đến tháng 11 âl năm Mậu Thìn (1868) đình thần tâu công tội Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Bá Nghi, Võ Trọng Bình. Sớ tâu gồm có 2 tập; 1 tập nghị xử tội về việc mất 3 tỉnh Nam Kỳ, 1 tập nghị thương công về việc dẹp yên giặc Bắc Kỳ. Tự Đức cho rằng đình nghị chưa được minh chánh mới sửa định lại rằng: Tri Phương và Bá Nghi cho khỏi giáng nhưng đình phong tước; Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp tội "trảm giam hậu đời đời"; Võ trọng Bình xử trí giặc hàng không xong, cũng đình phong tước. (SQTCBTY; đã dẫn; trang 370).

Sách ĐNTLCB cho thấy rằng Tự Đức và triều đình đã đổ hết tội lỗi cho ông Giản về việc để mất 6 tỉnh Nam Kỳ, kết tội: "xét phải tội chết, chưa đủ che được tội" và

nghị án "truy đoạt lại chức hàm và đục bỏ tên ở bia tiến sĩ, để mãi cái án trảm giam hậu". (ĐNTLCB; tập XXXI; Hà Nội 1974; trang 269).

♠ Năm 1886, vua Đồng Khánh lại khai phục nguyên hàm cho ông Giản và khắc lại tên ông ở bia tiến sĩ: cho ông Nguyễn Tri Phương dự thờ trong miếu Hiền lương, Phan Thanh Giản, Lâm Duy Thiếp (Hiệp), Trương Văn Uyển đều được khai phục nguyên hàm. (SQTCBTY; đã dẫn; trang 436)

♠ Điều cần lưu ý là sách Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu của sử quán triều Nguyễn in dịch vào năm 1925 đã không viết gì về việc Tự Đức lên án kết tội "xét phải tội chết, chưa đủ che được tội" và nghị án "truy đoạt lại chức hàm và đục bỏ tên ở bia tiến sĩ. Tại sao? Phải chăng đây là một trong những chuyện xấu che tốt khoe không được phép gợi lại việc làm sai trái của tiên nhân dòng họ nhà Nguyễn?

♠ Một điểm khác nữa cần lưu ý là dù tiếng tâm và vinh dự của ông Giản đã được phục hồi từ niên hiệu Đồng Khánh thứ nhứt (1886) nhưng vì Đồng Khánh được người Pháp tấn phong lên làm vua (lên ngôi vào tháng 8 âl năm Ất Dậu / 14 tháng 9dl năm 1885) trong khi vua Hàm Nghi vẫn tiếp tục truyền hịch cần vương chống Pháp ở mạng Quảng Bình khiến dư luận lúc đó và về sau nầy cho rằng Đồng Khánh chỉ làm bù nhìn tay sai của người Pháp. Chính vì vậy mà việc Đồng Khánh khai phục nguyên hàm và khắc tên của ông Giản ở bia tiến sĩ không có một tác dụng thuyết phục mạnh mẽ đối với các phong trào chống Pháp vào thời đó cũng như sau nầy.

♠ Theo A.Schreiner, tác giả sách Abrégé de l'Histoire d' Annam phát hành tại Sài Gòn năm 1906, thay vì phải công nhận những hy sinh vô bờ bến của ông Giản thì Triều đình Huế lại bôi bẩn danh phận của ông. Sắc chỉ của Tự Đức ra lệnh nghị tội ông Phan Thanh Giản cho thấy rõ sự sự mù quáng cứng ngắt của các tầng lớp lãnh đạo triều đình nhà Nguyễn; triều đình nầy chỉ biết đỗ lỗi cho những thuộc cấp nhưng không biết được rằng chính sự ngu dốt của tập đoàn lãnh đạo ở Huế cùng với những định chế tồi tệ của đất nước mới chính là nguy cớ gây ra mọi điều khốn khó:

A leur retour dans la capitale, les employés des province occidentales avaient tous été degradés. Quant à Phan Thanh Giảng, au lieu de reconnaitre l'immensité de son sacrifice, la cour déshonnora officiellement sa mémoire. Voici le décret par lequel il est frappé, on ne fait qu'y remarquer l'aveuglement constant de la cour de Huế; invariablement ell s'en prend aux chefs alors que son ignorance propre et les institutions défectueuses du pays seules sont cause de tout la mal.(A.Schreiner; sách đã dẫn; trang 290,291).

A.Schreiner cũng cho rằng chính vì sự kết tội ông Phan Thanh Giản lần nầy của triều đình Huế theo lệnh của Tự Đức đã khiến cho các con trai của ông Giản nổi loạn chống lại người Pháp; bởi vì lương tâm sẽ không để cho những người con nầy được yên ổn và vì tự ái và sĩ diện họ sẽ hy sinh tất cả để tái tạo lại hình ảnh của người cha (trong cái nhìn của người dân An Nam), và làm thế nào mà họ có thể nổi loạn được như vậy nếu không phải là để đền bù lại điều tổn hại mà triều đình đã mạo xưng gán tội cho ông Giản. (A.Schreiner; sách đã dẫn; trang 292, 293).

VII /- NGƯỜI PHÁP VÀ ÔNG PHAN THANH GIẢN
♠ Người Pháp bắt đầu biết tên tuổi ông Phan Thanh Giản và ông Lâm Duy Hiệp khi hai ông vào Sài Gòn để khai diễn cuộc thương thuyết với họ vào 26 tháng 5 năm 1862. Ngày 5 tháng 6 dl năm 1862, ông Giản và ông Hiệp đã ký kết hòa ước Nhâm Tuất (1862). Ngày hôm sau, Bonard đã cho phổ biến thông cáo cho các đầu lĩnh quân nghĩa dũng kháng chiến biết rằng hòa ước đã được ký kết, yêu cầu họ phải tuân thủ và ngưng chiến đấu. Triều đình Huế cũng đã cắt cử Phan Thanh Giản đến tỉnh Vĩnh Long và Lâm Duy Hiệp đến tỉnh Bình Thuận để cố gắng hiểu dụ quân kháng chiến ngưng các hoạt động quấy rối. Tuy nhiên người Pháp cho rằng hai ông đã được triều đình Huế giao phó nhiệm vụ giả bộ kêu gọi quân kháng chiến ngưng tiếng súng nhưng phải làm ngơ và ngầm khuyến khích họ tiếp tục đánh phá, và mặc dù ông Phan Thanh Giản là một con người thức thời, thấy xa hiểu rộng, có một tâm hồn cao đẹp đã nhận thức được rằng tiếp tục chiến đấu chống lại người Pháp cũng vô ích mà thôi. Phải chăng ông Giản đã có thực tâm tái lập hòa bình nhưng khốn thay đất nước của ông lại không muốn như thế? Ông đã cực lực can ngăn viên thống soái không nên quá hấp tấp và cam kết là ông sẽ khuyến dụ được các nhóm kháng chiến tuân thủ các điều ký kết trong bản hòa ước Nhâm Tuất. (A. Schreiner; sách đã dẫn; trang 246, 247). Và đó là tình hình rối ren ở Nam Kỳ Hạ ngay sau khi hòa ước Nhâm Tuất vừa được ký kết nhưng chưa được chính phủ hai bên phê chuẩn.
*
Sau khi tạo dựng các hạ tầng cơ sở cần yếu cho việc áp dụng chính sách thuộc địa của người Pháp trên các vùng lãnh thổ đang chiếm đóng và sau khi được tăng viện thêm quân binh từ Thượng Hải (Trung Quốc), Bonard đã tung ra những chiến dịch hành quân bình định, càn quét các nhóm quân kháng chiến và quan trọng hơn hết chiếm đóng tỉnh Gò Công - nơi chôn nhao cắt rún của bà mẹ sinh ra Tự Đức - mà hiện thời là một trung tâm đầu não của kháng chiến quân để tái lập trật tự trị an và tạo áp lực với triều đình Huế trong tiến trình phê chuẩn hòa ước Nhâm Tuất 1862. Kết quả là nghi thức trao đổi hoà ước Nhâm Tuất được phê chuẩn đã tiến hành long trọng tại Huế vào hai ngày 13 và 24 tháng 4 dl năm 1863 để rồi ngay sau đó Tự Đức đã cắt cử Phan Thanh Giản cầm đầu một phái đoàn sứ sang Pháp để mưu tính việc chuộc lại cho bằng được bằng mọi giá các vùng đất ở Nam Kỳ Hạ đang nằm trong tay của người Pháp.

♠ Người Pháp ở Paris và ông Phan Thanh Giản
Trong chuyến đi nầy, vua quan triều đình Pháp đã có một thái độ kính trọng và khâm phục về cung cách đối ứng của Hiệp biện đại học sĩ Phan Thanh Giản: bài đọc diễn văn của ông trầm bổng, khẩn cấp, trân trọng, rung cảm, trách cứ đã gây xúc động cho nhiều người trong buổi tiếp kiến tại điện Tuileries.

Lễ phục uy nghi và ngoạn mục của sứ đoàn đã làm cho mọi người trầm trồ chóa mắt hết lời khen ngợi.
(Les costumes de cérémonie étranges et somptueux des ambassadeurs firent sensation. D’une voix grave et tremblante d’émotion, et en un récitatif plaintif et à moitié chantant, Phan-Thanh-Gian prononça son discours aussitôt traduit par M. Aubaret. Le spectacle de ce beau et noble vieillard, pleurant en quelque sorte les malheursde sa lointaine patrie, causa une impression profonde, et plus d’une des dames de la suite impériale essuya une larme furtive.(Bài viết "L’ambassade de Phan-Thanh-Gian en 1863, d’après les documents français" của A Dalvaux đăng trên Đô Thành Hiếu Cổ Tập San/BAVH 1-3/ 1926 ; trang 73).

En un mot, le succès de la Mission annamite paraissait complet, vuque la Cour de Hué obtenait, selon son désir, la reprise des négociations à peu près sur le pied du statu quo ante.
("L’ambassade de Phan-Thanh-Gian en 1863, d’après les documents français" của A Dalvaux đăng trên Đô Thành Hiếu Cổ Tập San/BAVH 1-3/ 1926 ; trang 74).

Tạm dịch: Nói tóm lại, đoàn sứ An Nam được xem như là đã thành công hoàn toàn, nếu so với mong ước của triều đình Huế là chỉ muốn được thương lượng trở lại về một tình trang đã trở thành thự tế.
*
Phái đoàn sứ Phan Than Giản về đến Sài Gòn ngày 18 tháng 3 dl năm 1864. Đi theo phái đoàn về Sài Gòn còn có phó hạm trưởng Boresse của Pháp được cử làm thanh tra sự vụ người bản xứ. Tất cả đều được thống đốc La Grandière và các người Pháp ở Sài Gòn tiếp đón trọng thể và dù có bất mãn lo âu nhưng họ đã có thái độ kính trọng và khâm phục một cách đặc biệt đối với ông Phan Thanh Giản vì cung cách dấn thân phục vụ của ông cho đất nước Đại Nam.

Tờ báo Le Courier de Saigon (số ra ngày 22 tháng 3 dl năm 1864) đã viết nhiều đề mục ca tụng phái đoàn sứ Đại Nam và mô tả lại những buổi tiệc khoản đãi, những cuộc du ngoạn thăm viếng của phái đoàn quanh vùng Sài Gòn-Chợ Lớn đang đổi mới. Tờ báo có đoạn viết:
Ngày hôm sau, phái đoàn vào Chợ Lớn: họ đi xem các cầu cống, các công trình quy mô chỉnh trang các bến cảng và các đường phố của khu vực rộng lớn nầy.
Ba vị đại sứ đi bộ với hai quan chức người Pháp hộ tống, họ không có lọng che (lọng che là một hình thức biểu hiệu uy quyền của họ) và khi đi ngoài trời họ không ngần ngại trú nắng dưới những cái dù che bình thường đơn sơ. Một đám đông dân chúng bao quanh phái đoàn nhưng không có ai tỏ dấu hiệu la chộ vì hình ảnh giảm cấp quyền uy nầy.)
("L’ambassade de Phan-Thanh-Gian en 1863, d’après les documents français" của A Dalvaux đăng trên Đô Thành Hiếu Cổ Tập San/BAVH 1-3/ 1926 ; trang 76).

♠ Người Pháp so sánh ông Phan Thanh Giản với ông Nguyễn Tri Phương
Sau vụ bạo loạn của nhóm Đông Sơn Thi Tửu (vụ Hồng Bảo/ 16-6-1866) ngay tại Huế, Tự Đức cảm thấy tình hình an ninh bất ổn cho nên đã ra lệnh triệu hồi viên tướng tài ba được mọi người kính trọng là Nguyễn Tri Phương đang thống lãnh việc hành quân diệt trừ thảo khấu ở Bắc Kỳ về phụng mạng tại kinh đô. Nhân viết lại việc nầy, người Pháp đã so sánh và đánh giá hai ông Giản và ông Phương như sau:

Tự Đức, ne sentant plus en sécurité, arrivait à se méfier de tout le monde. Il rappela du Tonkin Nguyễn Tri Phương qui était universellement respecté. Le vaillant mandarin revint à la tête d'un corps de troupe ayant pour tout bagage personnel quelques vêtements, usés par la campagne, qu'un soldat portait déployés au bout d' une lancẹ Nguyễn Tri Phương démontrait ainsi que la guerre ne l' avait pas enrichi, et le désintéressement de ce vieux militaire était aussi réel que celui de son ancien second Phan Thanh Giảng.
Ces deux hommes ont fournis des exemples de vertu civique et militaire que l'histoire des peuples d' Occident ne denierait pas et qu'on est heureux de pouvoir signaler au milieu des turpitudes et de la duplicité des mandarins annamites. Nous remarquons toutefois l'extraordinaire dissemblance d'idées entre Phan Thanh Giảng et Nguyễn Tri Phương. Le premier, frappé de la puissance de notre savoir et de notre civilisation, aurait voulu amener ses compatriotes à suivre nos enseignements. Le second, persuadé de la supériorité de l 'éducation chinoise, n' admettait aucune compromission avec la science des hommes d' Occident. Phan Thanh Giảng, était le représentant du progrès éclairé; Nguyễn Tri Phương, celui du conservatisme irréductible; tous deux était convaincus, tou deux était honnêtes. (A. Schreiner; sách đã dẫn; trang 282,283)
Tạm dịch: Tự Đức, vì thấy rằng tình hình an ninh bất ổn cho nên không còn tin cẩn với bất cứ ai cho nên mới triệu hồi ông Nguyễn Tri Phương đang được trọng vọng kính phục khắp nơi từ Bắc kỳ hồi kinh. Vị tướng dũng cảm dẫn đâu đoàn quân trở về với một bó hành trang áo quần cá nhân sờn cũ qua suốt thời gian chiến dịch và do một quân binh hộ vệ xách treo trên đầu một ngọn giáo. Nguyễn Tri Phương cho thấy là chiến tranh không giúp ông giàu sang hơn và thái độ bất cần phú quý của vị lão quan nầy tỏ rõ thực sự không thua gì so với vị quan phụ tá cũ của ông là Phan Thanh Giản(g).
Hai vị quan nầy đã cung cấp những mẫu mực về đức hạnh của một người công dân cũng như đạo đức của một người quân nhân, những mẫu mực đạo đức mà người Tây phương không thể nào chối bỏ không thừa nhận và người ta thật vui sướng vì đã tế nhận ra được những mẫu mực đó giữa những sự ô nhục và sự giả trá lật lọng của các hàng quan lại người An Nam. Song le, chúng ta vẫn nhận thấy được sự khác biệt lớn lao về mặt tư tưởng giữa Phan Thanh Giản(g) và Nguyễn Tri Phương. Ông Phan Thanh Giản(g) thì bị khắc sâu ấn tượng về năng lực hiểu biết và nền văn minh của chúng ta cho nên ông dã mong muốn hướng đưa đồng bào của ông đi theo những đường hướng giáo dục của chúng ta. Còn ông Nguyễn Tri Phương thì lại tin tưởng tính ưu việt của nền giáo giục Trung Hoa cho nên ông nầy đã không hề chịu chấp nhận để cho mình bị lung lạc hư hỏng bởi nền khoa học của người Tây phương. Ông Phan Thanh Giản(g) là đại diện cho sự soi sáng tiến bộ. Còn ông Nguyễn Tri Phương là đại điện cho chủ nghĩa thủ cựu không khoan nhượng. Cả hai người đều tự tín; cả hai người đều chính trực.

 Người Pháp với cái chết của ông Phan Thanh Giản
♠ De la Grandière

"Phó Đề đốc, thống đốc kiêm tổng tư lệnh quân lực Nam Kỳ, gởi đến ông trưởng nam của Ngài Phan Thanh Giảng phụ chính khâm sai đại thần của Vương quốc An Nam.
tại Vĩnh Long.
Tôi rất là đau buồn biết được tin về cái chết của Ngài Phan Thanh Giảng thân phụ của ông.
Vương quốc An Nam, mà trong đó ngài Phan Thanh Giảng là một thành viên lỗi lạc hơn hết, đã đánh mất đi một trong những phần vinh quang, trí thức và tình cảm sâu đậm quý mến của vị quan lão thành nầy, nhưng những điều đó vẫn đang lưu lại trong trí óc của tôi cũng như trong trí óc của người Pháp một cách bền vững hơn là sự oán ghét của những quân thù của vị quan lão thành ấy.
Ngoài phụ thân của ông trưởng nam ra, nơi triều đình Huế không còn ai nhận thức được những điều gì cần phải thực hiện để bảo đảm cho người dân có thể sống hạnh phúc và chính là vì vấn đề có liên hệ đến cảm tính cùng với đức tự trọng đã khiến cho vị quan lão thành nầy không còn thiết sống dưới dự chi phối của những hậu quả chính trị sai trái và dẫy đầy trách nhiệm do chính quyền của triều đình nước An Nam tạo ra.
Những biểu lộ chính thức về lòng kính mến và tình bằng hữu của tôi trong lá thư nầy ông cần phải lưu giữ lại trong gia tộc như là một bằng chứng về những cảm tình mà người Pháp sẽ giữ riêng cho phụ thân đáng kính của ông và gia tộc của ông ấy.
Ông hãy tin rằng tôi sẽ cố gắng bằng mọi phương cách mà tôi có được để đảm bảo cho con cháu của vị quan lão thành có được những quyền lợi và chức vị thích hợp với họ trong tương lai.
Xin ông hãy chấp nhận lòng kính trọng rất đặc biệt của tôi.

Sài Gòn ngày 15 tháng 10 dl năm 1867
Ký tên: De la Grandière"
(Xin đọc lại nguyên văn lá thư nầy nơi trang 285)

♠ Paulin Vial, Giám đốc Nha Nội Vụ Nam Kỳ:
Cái chết của Phan Thanh Giảng đã làm vinh danh co một nếp sống trong sạch và cần mẫn....Trong 5 năm, ông là người khôn ngoan,sáng suốt hơn cả trong số những người An Nam, ông đã không ngừng nghỉ chống lại một cách kiên quyết ảnh hưởng của người Pháp chúng ta, có lúc thỏa hiệp với những thành kiến và ảo tưởng của những đồng hương của ông để mong đợi rằng người Pháp chúng ta sẽ bỏ cuộc về việc bảo đảm vật chất do chính lời tuyên bố của Tự Đực chấp nhận quyền tự do của 500,000 tín đồ gia tô đang được chúng ta che chở; tuy nhiên khi được tiếp xúc, ông đã chịu đón nhận nét thu hút về phong tục tập quán của người Pháp chúng ta, nhất là những tư tưởng về tôn giáo. Rốt cuộc rồi ông biết được rằng chúng ta có một đẳng cấp xã hội cao, linh hoạt hơn, khai phóng hơn và độ lượng so với những quốc gia phương Đông; ông biết giá trị những lợi ích của một nền thương mại tự do và giá trị của sự hoà nhập những nền khoa học giữa các dân tộc và bởi vì ông yêu thương những người đồng bào của ông, vì muốn cho họ được hạnh phúc và càng lúc càng cảm thấy tin tưởng về tương lai của họ vì thế ông đã để mặc cho đồng bào của ông tự giải quyết lấy số phận của họ, nhưng không phải là ông không còn vướng bận hối tiếc gì về những điều trong quá khứ, trong thâm sâu của tâm hồn thì ông vẫn còn đang lưỡng lự giữa một bên là cuộc sống mới đang tác động mạnh mẽ vào năng trí của ông và một bên là những hoài niệm xa xưa của con tim lôi kéo ông trở về những nguyên lý mà ông phải theo trong thời xuân trẻ. (Trích dẫn của A. Schreiner; sách đã dẫn; trang 288, 289).

♠ Ed Wyts, hạm trưởng khu trục hạm tham dự trận chiến xâm chiếm 3 tỉnh miền Tây :

( Trích sao từ tập san Revue maritime et coloniale / Bộ Hải Quân và Thuộc Địa/Ministère de la marine et des colonies . Quyển 1, số 1 (1861, janv./févr.)- Tập 128, số 414 (1896, mars); trang 914, 915). Nhà phát hành : Paris : Librairie de L. Hachette, 1861-1896)

Tạm dịch:

Vĩnh Long không phải là một mặt trận xa lạ đối với người Pháp chúng ta. Tỉnh thành nầy, mà chúng ta đã chiếm được và ngay sau đó thuộc về chúng ta bằng một hiệp ước, hồi trước đây đã từng kháng cự mạnh mẽ chống lại chúng ta. Vì vậy chúng ta đã chờ đợi lần nầy sẽ phải là một trận chiến ác liệt. Vậy mà không thấy có một phát súng trọng pháo nào và chiếc tàu chiến Thành đô Huế của người An Nam vẫn câm lặng thả neo nằm yên một chỗ như không có gì xảy ra. Dĩ nhiên là có một vài ông quan lớn của triều đình đã vội vã nhảy lên những chiếc thuyền mành chèo bơi đi thật nhanh và đã bị chúng ta bắt được.
Phan-tan-gian (Phan Thanh Giản) tự mình ra hộ tống hạm Ondine mang hiệu kỳ của đề đốc ủy nhiệm.
Sau cuộc gặp mặt giữa nầy, chúng ta đã đi vào thành với súng trong tay ngay lúc đó chúng ta đã chiếm lấy thành và quân binh của chúng ta liền được phối trí ngay lập tức để canh giữ các kho lúa gạo và đến nay các kho nầy được dùng như là những trại quân của chúng ta.
Đề đốc đã chính thức đến tiếp thâu sự chiếm hữu vào buổi chiều, từ bến tàu đi vào thành, các đội binh xếp thành hàng rào hai bên đường, và hai đại đội lính pháo thủ hải quân đi theo hộ vệ, chia thành từng nhóm đội hình.
Đề đốc đến tận trú dinh của quan kinh lược và được quan kinh lược đứng đón từ cổng dinh.
Tôi đã từng nhìn thấy Phan-tan-gian tại bộ chỉ huy hải quân ở Sài Gòn. Tôi đã từng cảm thấy xúc động vì về dáng vẻ thanh tao và tươi cười của ông khi ông vuốt ve âu yếm một trong những đứa con của viên thống soái,- một đứa bé gái dễ thương-đang trố mắt sửng sốt, lạ lùng nhìn ông trong xiêm y nhung gấm màu xanh và bị chới với mất hướng vì cái nét trịnh trọng đông phương của ông.
Bây giờ thì cái dáng vẻ tươi vui của một vị đại quan đã biến mất và tôi thấy ông già đi, xanh xao và sầu muộn.
Và kể từ đó tôi đã không bao giờ còn được gặp lại ông. Về sau, khi tôi quay trở lại Vĩnh Long thì ông không còn nữa. Ông đã ra đi để gặp lại tổ tiên, nằm an nghỉ bên cạnh họ trong một ngôi làng ở vùng Nam Kỳ Hạ, nơi đó đề đốc ủy nhiệm de la Grandière đã ra lệnh cho thi hành việc tống táng di hài của ông theo lễ nghi quân cách rất long trọng.
Người ta nói lại rằng ông tự uống thuốc độc quyên sinh, và trước khi chết ông đã gọi các trai của ông đến đứng quanh và kêu nài họ đừng bao giờ dùng súng đạn@ để chống lại nước Pháp.
Dù đã được trối trăn dặn dò như thế, sau khi ông chết, các người con trai của ông đã tự ý mình cầm đầu những nhóm nổi dậy.

*
Chú giải & khảo luận:

@ Đừng bao giờ dùng súng đạn để chống lại nước Pháp:

Câu viết nầy không thể hiểu là không được chống lại nước Pháp, nhưng đối với riêng chúng tôi hiểu ý câu nầy có nghĩa là nước Đại Nam không có đủ khả năng quân sự để có thể chống lại nước Pháp nhưng phải dùng mưu lược để chống lại họ. Như vậy có thể là ông Giản đã khuyên con trai mình vẫn cứ tiếp tục chống Pháp nhưng không phải chống Pháp bằng còn đường vũ lực. Phải chăng đây là một lời trối khéo léo để qua mặt người Pháp lúc đó đang bao quanh trong những giờ phút cuối cùng của đời ông. Trước mặt họ, ông Giản không thể nào nói một cách tách bạch rằng "các con phải tiếp tục chống lại người Pháp nhưng vì không thể nào thắng họ bằng súng đạn được cho nên các con phải dùng mưu chước khác". Mưu chước khác ở đây tức là phải noi theo và bắt chước sự văn minh tiến bộ của người Pháp rồi dùng sự văn minh tiến bộ đó để đánh trả lại bọn họ.
Vậy các con trai của ông có thấu hiểu lời trối khéo léo của ông hay không? Có thể là họ hiểu ý của ông muốn họ cứ tiếp tục chống Pháp nhưng họ lại thực hành trái ngược với lời khuyên của ông không nên dùng phương tiện quân sự yếu kém của mình để chống lại quân xâm lược và vì thế họ cũng bị sụp đỗ thất bại.

VIII/ - NHỮNG NHÂN VẬT LỊCH SỬ VIỆT NAM VỚI CÁI CHẾT CỦA ÔNG PHAN THANH GIẢN

♠ Điếu văn của ông Phạm Phú Thứ:

"Một thân thờ ba triều, làm quan hơn bốn mươi năm, già hơn bảy mươi tuổi, rất từng trải kinh nghiệm, được tôn trọng và tin cậy trong triều cũng như trong nhân dân. Học rộng phẩm cách tuyệt vời, dù hoàn cảnh trái ngược đến bao nhiêu, ngài cũng không bao giờ là người hại nước. Dù hoàn cảnh ngang trái thế nào, ngài vẫn giữ trọn tấm lòng cao thượng.
"Những bọn hèn đứng thấp chẳng thấy gì, la hét nhảy nhót như mê như say, nào có biết đâu tình thế nước nhà.
"Tiếc cho ý chí của ngài không được thực hiện."
(Nguyễn Văn Ba; Phan Thanh Giản hay Cuộc Hòa Bình dang dở Pháp Việt 15-07-1864; báo Đại Chúng số 116 ; ngày 15/03/2003 đăng trên mạng lưới internet http://www.daichung.com)./)

♠ Điếu văn của Nguyễn Đình Chiểu,
tác giả Lục Vân Tiên :
Non nước tan tành hệ bởi đâu ?
Dàu dàu mây bạc cõi Ngao Châu.
Ba triều công cán vài hàng sớ,
Sáu tỉnh cương thường một gánh thâu.
Ải Bắc ngày trông tin điệp vắng,
Thành Nam đêm lắng tiếng quyên sầu.
Minh sinh chín chữ lòng son tạc,
Trời đất từ đây mặc gió thâu.

(Nguyễn Văn Ba; Phan Thanh Giản hay Cuộc Hòa Bình dang dở Pháp Việt 15-07-1864; báo Đại Chúng số 116 ; ngày 15/03/2003 đăng trên mạng lưới http://www.daichung.com)./ ).

♠ Sách Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện:
"Thanh Giản là người ngay thực, giữ lòng liêm khiết, làm quan cần mẫn, thận trọng, gặp việc dám nói. Trải thờ ba triều, vẫn được yêu quý. Đến khi mang cờ tiết đi Nam, thế không làm sao được, biết tội tự uống thuốc độc chết. Thực là ở vào chỗ người ta khó xự xem tờ sớ để lại thì lòng trung ái chứa chan ở ngoài lời nói"
(Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện; tập 4; Huế 1993; trang 46)

♠ Sách Sử Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu:
"Năm Đinh Hợi, niên hiệu Đồng Khánh, năm đầu (1886), tháng 11 âl, cho Nguyễn Tri Phương dư, thờ trong miếu Hiền Vương, Phan Thanh Giản, Lâm Duy Thiếp, Trương Văn Uyển đều được khai phục nguyên hàm"
(Sử quán triều Nguyễn; Sử Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu; bản dịch; 1925; trang 432),

♠ Trần Trọng Kim/ VIỆT NAM SỬ LƯỢC :
"Tháng 6 năm đinh -mão (1867) là năm Tự Đức thứ 20, thiếu tướng De la Grandière hội hơn 1,000 ở Mỹ-tho, rồi định ngày kéo sang lấy Vĩnh-long, An-giang và Hà-tiên. Ông Phan thanh Giản biết thế không chống nổi, bảo các quan đành chịu nộp thành trì cho khỏi sự tai hại, rồi ông uống thuốc độc mà tự tận, dặn lại con cái phải cày ruộng mà ăn, chứ không được nhận quan chức gì ở Nam Kỳ.
Bấy giờ ông đã già, đã ngoài 74 tuổi, làm quan thật là thanh liêm nhưng chẳng may gặp phải khi nước có biến, biết thế mình không làm gì được, đem tấm lòng son sắt mà báo đền ơn nước cho hết bổn phận người làm tôi."
(Trần Trọng Kim; Việt Nam Sử Lược; quyển II; trang 265; Bộ Giáo Dục-Trung Tâm Học Liệu xuất bản; lần thứ nhứt; 1971; Sài Gòn.

*Lưu ý: Trần Trọng Kim trước đây đã viết cuốn Việt-Nam Sử-Lược từ thời Hồng Bàng (2879) trước Tây-lịch kỷ-nguyên cho tới năm 1902 sau Tây-lịch (xin đọc Trần Trọng Kim; sách đã dẫn; đoạn cuối trang 347) và được in xuất bản lần thứ nhứt; Trung Bắc Tân Văn; Hà Nội ;1920.

* Chi tiết về việc xuất bản lần thứ nhứt sách VNSL ở Hà Nội vào năm 1920 có các điểm sau đây cần lưu ý:

1/-Tạp chí Quê Hương điện tử đăng rải cuốn “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim viết vào năm 1919, in lần thứ nhất năm 1921, để Bạn đọc tham khảo. ...(ww.quehuong.vnn.vn/so317-2005/uni_lichsu.htm - 210k - Cached - Similar pages ):

Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, in lần thứ nhất. Trung Bắc Tân Văn, Hà Nội 1920
Tạp chí Quê Hương trên internet
của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập: Đặng Trần Phong
Thư ký số này: Thu Lê

Số ra ngày 4/3/2005 (317)

VIỆT NAM SỬ LƯỢC Trần Trọng Kim

LỜI GIỚI THIỆU CỦA BAN BIÊN TẬP TẠP CHÍ QUÊ HƯƠNG

Sau khi đăng rải cuốn “Tóm tắt Niên biểu lịch sử Việt Nam” do Hà Văn Thư - Trần Hồng Đức biên soạn và cuốn “Lược khảo binh chế Việt Nam qua các thời đại” của Tiên Đàm Nguyễn Tường Phượng, bắt đầu từ số này, tạp chí Quê Hương điện tử đăng rải cuốn “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim viết vào năm 1919, in lần thứ nhất năm 1921, để Bạn đọc tham khảo. Một số chỗ có chữ "(BT)" là do QH biên tâp.

Đây là cuốn Lịch sử Việt Nam đầu tiên được viết bằng chữ quốc ngữ với phương pháp viết mới khác hẳn những cuốn Việt sử bằng chữ Hán Nôm xưa kia, tác giả lúc đó là một nhà giáo có tên tuổi.
Cho tới nay, cuốn Việt Nam sử lược vẫn được đánh giá là ngắn gọn, sinh động và dễ đọc dễ nhớ. (http://www.quehuong.vnn.vn/so317-2005/uni_lichsu.htm )

2/- Như vậy có thể suy định rằng: sách VNSL của Trần Trọng Kim đã có ở miền Bắc nước Việt Nam kể từ năm 1920.
Sách nầy được Bộ Quốc Gia Giáo Dục ở Sài Gòn xuất bản lần thứ nhứt vào năm 1971.

*
BỊ LÊN ÁN LẦN THỨ NĂM :
Sau khi Pháp xâm chiếm 3 tỉnh miền Tây và ông Giản tự xử, vào tháng 9 âl năm Đinh Mão (1867), Tự Đức khiến phủ Tôn nhơn và đình thần nghị công tội Nguyễn Tri Phương, Phan Thanh Giản. Tự Đức ra dụ chỉ rằng: "Xứ Nam Kỳ 6 tỉnh, khi đầu bởi tại Nguyễn Tri Phương, tôn thất Cáp, Phạm Thế Hiển và Nguyễn Bá Nghi liệu phòng không hết sức; khi giữa bởi tại Phan Thanh Giản và Lâm Duy Thiếp (Hiệp) nghị hòa khinh bỏ; khi sau lại bởi tại Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ và Ngụy Khắc Đản đi sứ không được việc gì; khi sau hết lại bởi tại bọn Phan Thanh Giản, Trương Văn Uyển, Nguyễn Hữu Cơ và Trần Hoán nhơn tuần nhác nhớn nên đến nỗi mất 6 tỉnh ấy. Truyền lập tức nghị tội bọn ấy, dâng lên ta sẽ đoán định". (Sử Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu (viết tắt SQTCBTY); in dịch ban cấp các trường học; năm 1925; trang 362).

♠ Đến tháng 11 âl năm Mậu Thìn (1868) đình thần tâu công tội Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Bá Nghi, Võ Trọng Bình. Sớ tâu gồm có 2 tập; 1 tập nghị xử tội về việc mất 3 tỉnh Nam Kỳ, 1 tập nghị thương công về việc dẹp yên giặc Bắc Kỳ. Tự Đức cho rằng đình nghị chưa được minh chánh mới sửa định lại rằng: Tri Phương và Bá Nghi cho khỏi giáng nhưng đình phong tước; Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp tội "trảm giam hậu đời đời"; Võ trọng Bình xử trí giặc hàng không xong, cũng đình phong tước. (SQTCBTY; đã dẫn; trang 370).

Sách ĐNTLCB cho thấy rằng Tự Đức và triều đình đã đổ hết tội lỗi cho ông Giản về việc để mất 6 tỉnh Nam Kỳ, kết tội: "xét phải tội chết, chưa đủ che được tội" và
nghị án "truy đoạt lại chức hàm và đục bỏ tên ở bia tiến sĩ, để mãi cái án trảm giam hậu". (ĐNTLCB; tập XXXI; Hà Nội 1974; trang 269).

♠ Năm 1886, vua Đồng Khánh lại khai phục nguyên hàm cho ông Giản và khắc lại tên ông ở bia tiến sĩ: cho ông Nguyễn Tri Phương dự thờ trong miếu Hiền lương, Phan Thanh Giản, Lâm Duy Thiếp (Hiệp), Trương Văn Uyển đều được khai phục nguyên hàm. (SQTCBTY; đã dẫn; trang 436)

♠ Điều cần lưu ý là sách Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu của sử quán triều Nguyễn in dịch vào năm 1925 đã không viết gì về việc Tự Đức lên án kết tội "xét phải tội chết, chưa đủ che được tội" và nghị án "truy đoạt lại chức hàm và đục bỏ tên ở bia tiến sĩ. Tại sao? Phải chăng đây là một trong những chuyện xấu che tốt khoe không được phép gợi lại việc làm sai trái của tiên nhân dòng họ nhà Nguyễn?

♠ Một điểm khác nữa cần lưu ý là dù tiếng tâm và vinh dự của ông Giản đã được phục hồi từ niên hiệu Đồng Khánh thứ nhứt (1886) nhưng vì Đồng Khánh được người Pháp tấn phong lên làm vua (lên ngôi vào tháng 8 âl năm Ất Dậu / 14 tháng 9dl năm 1885) trong khi vua Hàm Nghi vẫn tiếp tục truyền hịch cần vương chống Pháp ở mạng Quảng Bình khiến dư luận lúc đó và về sau nầy cho rằng Đồng Khánh chỉ làm bù nhìn tay sai của người Pháp. Chính vì vậy mà việc Đồng Khánh khai phục nguyên hàm và khắc tên của ông Giản ở bia tiến sĩ không có một tác dụng thuyết phục mạnh mẽ đối với các phong trào chống Pháp vào thời đó cũng như sau nầy.

♠ Theo A.Schreiner, tác giả sách Abrégé de l'His-
toire d' Annam phát hành tại Sài Gòn năm 1906, thay vì phải công nhận những hy sinh vô bờ bến của ông Giản thì Triều đình Huế lại bôi bẩn danh phận của ông. Sắc chỉ của Tự Đức ra lệnh nghị tội ông Phan Thanh Giản cho thấy rõ sự sự mù quáng cứng ngắt của các tầng lớp lãnh đạo triều đình nhà Nguyễn; triều đình nầy chỉ biết đỗ lỗi cho những thuộc cấp nhưng không biết được rằng chính sự ngu dốt của tập đoàn lãnh đạo ở Huế cùng với những định chế tồi tệ của đất nước mới chính là nguy cớ gây ra mọi điều khốn khó:

A leur retour dans la capitale, les employés des province occidentales avaient tous été degradés. Quant à Phan Thanh Giảng, au lieu de reconnaitre l'immensité de son sacrifice, la cour déshonnora officiellement sa mémoire. Voici le décret par lequel il est frappé, on ne fait qu'y remarquer l'aveuglement constant de la cour de Huế; invariablement ell s'en prend aux chefs alors que son ignorance propre et les institutions défectueuses du pays seules sont cause de tout la mal.(A.Schreiner; sách đã dẫn; trang 290,291).

A.Schreiner cũng cho rằng chính vì sự kết tội ông Phan Thanh Giản lần nầy của triều đình Huế theo lệnh của Tự Đức đã khiến cho các con trai của ông Giản nổi loạn chống lại người Pháp; bởi vì lương tâm sẽ không để cho những người con nầy được yên ổn và vì tự ái và sĩ diện họ sẽ hy sinh tất cả để tái tạo lại hình ảnh của người cha (trong cái nhìncủa người dân An Nam), và làm thế nào mà họ có thể nổi loạn được như vậy nếu không phải là để đền bù lại điều tổn hại mà triều đình đã mạo xưng gán tội cho ông Giản. (A.Schreiner; sách đã dẫn; trang 292, 293)

Chương 33

IX/- HẬU SINH ĐÁNH GIÁ TIỀN NHÂN PHAN THANH GIẢN

Trong bài Tổng luận viết trên cuốn ĐỊA CHÍ VĂN HÓA THÀNH PHỐ ****, xuất bản vào năm 1987,ông Trần Bạch Đằng- là một trong 3 chủ biên của sách nầy- đã viết như sau:

"Cái bất hạnh khác là Hồng Nhậm - ở ngôi lâu nhất trong các vua Nguyễn: 36 năm - ngoài sinh thơ và nổi tiếng có hiếu với mẹ, hoàn toàn mờ mịt về những chuyển động long trời lở đất đang diễn ra khắp thế giới. Cá bị số quan cao cấp cực kỳ bảo thủ và dốt nát tán ra tán vào, bị nhà vua vứt bỏ, có người phải trả giá khá đắt cho tấm lòng yêu nước và trí thức của mình. Về sau nầy, Tự Đức bắt đầu thay đổi thái độ: cho mua tàu chiến, gởi học sinh sang Âu Châu học về cơ khí, phái sứ giả sang Mỹ, v.v. . . song đó chỉ là chủ trương chắp vá "cò con" và cũng quá muộn, vả Pháp cũng ra sức cản trợ
Vua đã thế, đại thần đã thế, sĩ phu cũng không hơn. Các cuộc nổi dậy liên miên ở Trung và Bắc đều không mang ý thức tạo điều kiện chống giữ giặc ngoài mà vẫn lăm lăm giành quyền bính, dù Phan Bá Vành hay Đoàn Trưng, Đoàn Trực. Trường hợp Lê Văn Khôi tuy là diu nhất ở Nam Bộ, nằm trong hệ mâu thuẩn đó. Về phương diện nầy, các phong trào gọi là khởi nghĩa ấy chưa bắt kịp đòi hỏi khách quan của vận nước mặc dù mỗi cuộc khởi nghĩa đều có một số nguyên nhân chính đáng.
Chúng ta kết án một loạt chủ trương "cầu hòa" với Pháp "chuộc" các tỉnh đông Nam Bộ . . . của triều đình, những nhượng bộ của Phan Thanh Giản v.v . . . Chẳng có gì bào chữa nổi cho sự ương hèn.
Vấn đề là là phân tích toàn diện so sánh lực lượng của một thời kỳ lịch sử và đường lối chung của triều đình tạo từ trước các điều kiện khả dỉ yểm trợ cho quan điểm "chủ chiến". Cùng một trình độ vật chất, sự khác nhau về số lượng có thể bổ sung bằng lòng dũng cảm, trí thông minh, dựa vào nhân dân, chiến lược, chiến thuật hành binh v.v . . . Lý, Trần và Lê thủ thắng trên căn bản đọ Thời Tự Đức, so sánh lực lượng - về trình độ của các nền sản xuất có khác. Hơn nữa, triều Nguyễn đang xuống, mất lòng dân, nội bộ lục đục . . .
Trong tinh thần ấy, chúng ta xưng tụng phái "chủ chiến". Nhưng không thể rơi vào chủ nghĩa "duy ý chí" - chỉ cần đánh và hể đánh là thắng."

(Trích từ bài Tổng luận của Trần Bạch Đằng đăng trong sách Địa Chí Văn Hóa Thành Phố ****; xuất bản năm 1978; trang 436)

Từ đoạn viết trên của ông Trần Bạch Đằng, có những điểm sau đây cần được nêu lên:

Chúng ta kết án: chúng ta ở đây là những ai?
Chúng ta kết án một loạt chủ trương "cầu hòa" với Pháp "chuộc" các tỉnh đông Nam Bộ . . .của triều đình,
Chúng ta kết án những nhượng bộ của Phan Thanh Giản. . .
Chẳng có gì bào chữa nổi cho sự ương hèn.
Chúng ta xưng tụng phái chủ chiến. Phái chủ chiến là ai?
Không thể rơi vào chủ nghĩa "duy ý chí"- Chỉ cần đánh và hể đánh là thắng.

*
1/- Chúng ta kết án: Chúng ta là ai?

Chương 34

- Chúng ta kết án: Chúng ta là ai?

GIAI ĐOẠN 1945-1954
Năm 1941, các đảng viên Đông Dương Cộng Sản do ông Nguyễn Ái Quốc cầm đầu ở trên lãnh thổ Trung Quốc - đa số ở 2 tỉnh Quảng Châu và Nam Ninh - thành lập một mặt trận gọi là Việt Nam Độc lập Đồng Minh hội, gọi tắt là Việt Minh để kêu gọi toàn dân Việt Nam chống Pháp và Nhật. Sự ra đời của mặt trận Việt Minh đã được ông Trần Trọng Kim viết như sau:

"Ðảng Việt Minh là gì và do đâu mà ra? Trước thì ít người biết rõ căn nguyên, sau đi đây đó xét hỏi kỹ càng mới biết rõ nguồn gốc. Thoạt đầu vào khoảng năm 1938 ở Bắc Việt đã nghe nói có đảng Việt Minh hành động ở mạn thượng du, nhưng lúc ấy ai cũng tưởng là một đảng cách mệnh mới nào đó nên không để ý đến mấy.

Nguyên từ khoảng 1925-1926 trở đi, ở Việt Nam đã có người nói đến chủ nghĩa cộng sản. Lúc ấy có một thiếu niên tên Nguyễn Tất Thành, sinh năm 1894, con nhà thi lễ, quê làng Kim Liên huyện Nam Ðàn thuộc tỉnh Nghệ An. Trước học trường trung học ở Huế rồi bỏ sang Pháp theo Xã Hội Ðảng, lấy tên là Nguyễn Ái Quốc. Sau lại sang Nga vào đảng Cộng Sản, đến khoảng 1929-1930 ông trở về gây phong trào cộng sản cách mệnh ở vùng Nghệ Tĩnh. Lúc ấy chính phủ bảo hộ Pháp dùng võ lực đàn áp một cách tàn nhẫn. Việc ấy thất bại, đảng cộng sản tuy phải im hơi lặng tiếng, nhưng vẫn ngấm ngầm tuyên truyền trong đám dân gian và thợ thuyền, theo đúng phương pháp đã định ở Mạc Tư Khoa bên Nga.

Trong khoảng thời gian ấy, Nguyễn Ái Quốc lánh sang Hương Cảng, bị người Anh bắt. Người Pháp muốn đòi người Anh giao trả cho chính phủ Ðông Dương, song theo tục lệ Anh, người Anh không giao trả những người can phạm vào việc chính trị, vì vậy ông phải giam ít lâu rồi được tha và bị đuổi ra khỏi Hương Cảng.

Ông Nguyễn Ái Quốc sang Quảng Châu và phao tin rằng ông đã chết trong ngục khi bị bắt ở Hương Cảng, và lại đổi tên là Lý Thụy rồi chen lẫn với những người cách mệnh Việt Nam ở bên Tàu. Vào khoảng 1936-1937 ông lập ra đảng cộng sản gọi là Việt Nam Ðộc Lập Ðồng Minh, gọi tắt là Việt Minh, và cho người về hoạt động ở miền thượng du bắc việt. Vì vậy thuở ấy người ta mới biết là có đảng Việt Minh.

Ðến cuối năm 1940 nhân khi quân Nhật Bản ở Quảng Tây đánh vào Lạng Sơn, những người như bọn ông Trần Trung Lập trong đảng Việt Nam Quang Phục Hội của ông Phan Bội Châu lập ra khi trước, theo quân Nhật về đánh quân Pháp hồi tháng chín năm 1940. Sau vì người Nhật ký hiệp ước với người Pháp rồi trả lại thành Lạng Sơn cho người Pháp, ông Trần Trung Lập bị quân Pháp bắt được đem xử tử. Toán quân phục quốc vỡ tan, có một số độ 700 người, trong số ấy có độ 40 nữ đảng viên theo ông Hoàng Lương chạy sang Tàu.

Vậy các đảng của người Việt Nam ở bên Tàu vào khoảng năm 1942 trở đi, có Việt Nam Phục Quốc Ðồng Minh Hội, Việt Nam Quốc Dân Ðảng và những người cách mệnh không có đảng phái v...v...

Thuở ấy, chính phủ Trung Hoa thấy những đảng viên Việt Nam Ðộc Lập Ðồng Minh Hội hành động theo chủ nghĩa cộng sản, bèn xuống lệnh giải tán đảng ấy và bắt Lý Thụy giam trong hang đá ở Liễu Châu, ủy cho tướng Trương Phát Khuê chủ trương việc tập hợp các đảng phái cách mệnh Việt Nam lập thành một đảng để hành động cho có hệ thống. Trương Phát Khuê giao cho ông Hoàng Lương trù liệu việc ấy.

Ngày mùng 1 tháng mười năm 1942, ông Hoàng Lương chiêu tập ở Liễu Châu những người trong các đảng phái hay không có đảng phái để lập ra một đảng duy nhất gọi là Việt Nam Cách Mệnh Ðồng Minh Hội, gồm đại biểu các đảng sau đây:

1) Việt Nam Phục Quốc Ðồng Minh Hội, có Hoàng Lương và Hồ Học Lãm làm đại biểu.
2) Việt Nam Quốc Dân Ðảng, có Vũ Hồng Khanh và Nghiêm Kế Tổ làm đại biểu.
3) Vô đảng phái, có Trương Bội Công, Nguyễn Hải Thần, Trần Báo, Trương Trung Phụng làm đại biểu.

Các đại biểu trước hết lập thành một ủy ban trừ bị do Nguyễn Hải Thần chủ tọa để xếp đặt mọi việc.
Lúc ấy Lý Thụy còn phải giam, ủy ban trừ bị đứng ra bảo đảm với chính phủ Trung Hoa, xin lĩnh ra để cùng làm việc. Theo lời một người Việt Nam có mặt trong hội nghị ấy đã nói: Lý Thụy có kết nghĩa với một người cộng sản Tàu tên là Hầu Chí Minh, làm chức thiếu tướng trong quân đội thuộc quyền chỉ huy của Trương Phát Khuê. Khi ở nhà ngục ra, ông muốn tỏ tình thân ái với bạn mới lấy tên là ***. Khi ông được tha ra, liền tuyên thệ xin hết lòng trung thành với Việt Nam Cách Mệnh Ðồng Minh Hội mà làm việc. Việt Nam Cách Mệnh Ðồng Minh Hội đã thành lập, đổi ủy ban trừ bị ra làm ủy ban chấp hành. Khi ấy ông Hoàng Lương vì có sự gì xích mích với chính phủ Trung Hoa nên bị bắt đem về Trùng Khánh. Bởi vậy ủy ban chấp hành chỉ có những người này:

Trương Bội Công, chủ tọa.
Trần Ðình Xuyên.
Nguyễn Hải Thần.
Vũ Hồng Khanh, ủy viên.
Bồ Xuân Luật.
Trương Trung Phụng.
Nông Kính Du.

***được cử làm hậu bổ ủy viên và Trần Báo làm tổng cán sự."

(Trích từ tập Hồi Ký Kiến Văn Lục-Một Cơn Gió Bụi của Lệ Thần Trần Trọng Kim)

Cũng theo ông Trần Trọng Kim thì đảng Công Sản Việt Nam Ðộc Lập Ðồng Minh (Việt Minh) được tổ chức chu đáo và khoa học. Dù ông *** vẫn còn ở Trung Quốc, nhưng trong nước Việt Nam đâu đâu cũng có cán bộ bí mật hoạt động và tuyên truyền rất khôn khéo, lôi cuốn rất nhiều người đi theo trên khắp cả nước. Các công sở hoặc hảng xưởng tư nhân đều có cán bộ Việt Minh cài đặt vào. Cán bộ Việt Minh chịu khó và có kỹ luật, mặt trận Việt Minh càng ngày mạnh và mạnh nhất khi Nhật Bản đưa quân vào bán đảo Đông Dương trong khi ông *** vẫn ép mình giữ một vai trò không quan trọng trong ban chấp hành của đảng Việt Nam Cách Mệnh Ðồng Minh Hội ở Trùng Khánh (Việt Cách).

Khoảng cuối năm 1944, Việt Cách dời về tỉnh Quảng Tây và cử ông Hồ và 22 cán bộ của đảng Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội (Phục Quốc: do 2 ông Hoàng Lương và Hồ Học Lãm đại biểu) về Bách Sắc để lo tổ chức việc trở về Việt Nam xây dựng cơ sở. Đoàn chia ra 2 nhóm; nhóm của ông *** có Vũ Nam Long đánh chiếm đồn Đồng Mu ở Sóc Giang thuộc Cao Bằng vào tháng 2 năm 1945 và từ khi đó ong** bỏ danh hiệu Việt Cách và dùng tên gọi cũ là Việt Minh với lá cờ đỏ sao vàng. Đầu tháng 3 năm 1945, Việt Minh về vùng Văng Lãng thuộc Thái Nguyên, giáp ranh tỉnh Tuyên Quang và lập căn cứ bí mật ở đó và từ bấy giờ Việt Minh hoạt động rất mạnh nhưng tung tích của ông *** vẫn được giữ rất kín cho đến ngày 19 tháng 8 năm 1945.

Đồng thời, ngày 17 tháng 4 năm 1945, ông Trần Trọng Kim ở Huế đệ trình danh sách thành lập chính phủ cho cả nước Việt Nam bao gồm 3 miền Trung Nam Bắc và được hoàng đế Bảo Đại chấp nhận. Thành phần nội các Trần Trọng Kim gồm có:

Trần Trọng Kim, Nội Các Tổng Trưởng
Trần Ðình Nam Nội Vụ Bộ Trưởng
Trần Văn Chương Ngoại Giao Bộ Trưởng
Trịnh Ðình Thảo Tư Pháp Bộ Trưởng
Hoàng Xuân Hãn Giáo Dục và Mỹ Nghệ Bộ Trưởng
Vũ Văn Hiền, Tài Chánh Bộ Trưởng
Phan Anh, Thanh Niên Bộ Trưởng
Lưu Văn Lang, Công Chính Bộ Trưởng
Vũ Ngọc Anh, Y Tế Bộ Trưởng
Hồ Bá Khanh, Kinh Tế Bộ Trưởng
Nguyễn Hữu Thi, Tiếp Tế Bộ Trưởng.

Đích thân ông Trần Trọng Kim cùng với các ông Hoàng Xuân Hản, Vũ Văn Hiền ra Hà Nội gặp chức quyền quân sự Nhật Bản để yêu cầu giao trả lại cho chính phủ Việt Nam các nhượng địa của Pháp là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và toàn hạt đất Nam Kỳ.

Ngày 20 tháng 7 năm 1945, Nhật giao trả chính phủ Việt Nam Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng. và trao tặng cho chính quyền Việt Nam ở Bắc kỳ 2000 khẩu súng và đạn dược, tha các thanh niên bị Nhật bắt vì theo Việt Minh. Ngày 1-8-1945,, đốc lý Trần Văn Lai cho phá bỏ các tượng người Pháp như Paul Bert, Jean Dupuis, đài kỷ niệm lính tập khố xanh khố đỏ . . . ở Hà Nội.
Trong lúc còn ở Hà Nội, ông Trần Trọng Kim đã tiếp xúc đại diện của Việt Minh để yêu cầu hợp tác nhưng bị từ chối và còn tuyên bố rằng: Việt Minh nhất định phải thành công, nếu có hại cũng không cần, có hại rồi mới có lợi. Dù người trong nước mười phần chết mất chín, chúng tôi sẽ lập một xã hội mới với một thành phần còn lại, còn hơn với chín phần kia. (Trần Trọng Kim; Hồi Ký Kiến Văn Lục-Một Cơn Gió Bụi; 1949).

Ngày 6 và 9 tháng 8 năm 1945, Hoa Kỳ dội bom nguyên tử lần đầu tiên xuống thành phố Hiroshima và Nagaski của Nhật Bản.

Ngày 13 tháng 8 năm 1945 đảng Cộng sản Đông Dương họp tại Tân Trào ở tuyên Quang và quyết định: đồng loạt khởi dậy, đoạt khí giới quân Nhật, chiếm lấy chính quyền của chính phủ Việt Nam hiện tại. Tổng bộ Việt Minh ra lời hiệu triệu.Sau khi nêu rõ Nhận Bản đã đầu hàng, quân Đồng minh sắp vào Đông Dương, bản hiệu triệu viết:

"giờ Tổng khởi nghĩa đã đánh! Dân tộc ta đã đến lúc vùng dậy cướp lại quyền độc lập của mình! Trước cơ hội có một không hai nầy, toàn thể dân tộc ta phải đem hết lực lượng, dùng hết can đảm, bao quanh đạo quân giải phóng Việt Nam, tung xương máu ra đánh đuổi giặc Nhật đòi lấy tự do hạnh phúc cho nhân dân".(Dương Trung Quốc;Việt Nam Những Sự Kiện Lịch Sử 1919-1945; trang 406; Nhà xuất bản Giáo dục; Hà Nội; 2001)

Ngày 14 tháng 8 năm 1945, ông Trần Trọng Kim cử ông Nguyễn Văn Sâm làm khâm sai vào gặp chức quyền Nhật đê tiếp thâu toàn hạt Nam Kỳ. Hoàng đế Bảo Đại tuyên chiếu hủy bỏ các hiệp ước đã ký với Pháp về chế độ đô hộ trên khắp nước Việt Nam.

Ông Trần Trọng Kim xin từ nhiệm nhưng vẫn được hoàng đế Bảo Đại lưu lại để xử lý thường vụ trong khi tìm người thay thế.

Hoa Kỳ chấp nhận sự đầu hàng của Nhật

Nhiều đảng phái và đoàn thể ở Sài Gòn nhóm họp đại hội hô hào đoàn kết chống Pháp và thành lập một Mặt Trận Quốc Gia Việt Nam Thống Nhất gồm có nhiều đảng phái như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Hòa Hảo, Cao Đài, Liên Đoàn Công Chức, Tịnh Độ Cư sĩ, Thanh Niên Tiền Phong.

Ngày 16 tháng 8 năm 1945, đại hội quốc dân của Việt Minh ở Tân Trào tán thành chủ trương phát động phong trào đồng loạt nổi dậy, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh và quy định quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, quốc ca là bài Tiến quân ca của nhạc sỉ Văn Cao, cử ra Ủy Ban Giải Phóng dân tộc Việt Nam, tức chính phủ lâm thời do ông *** làm chủ tịch cùng với một ủy ban thường trực gồm 5 người:***, Trần Huy Liệu, ****, Nguyễn Lương Bằng và Dương Đức Hiền.

Ngày 17 tháng 8 năm 1945, công chức ở Hà Nội tổ chức cuộc biểu tình lớn ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim, tuần hành qua các đường phố lớn để tỏ bày tỏ ý chí bảo vệ đất nước. Cán bộ Việt Minh trong khối biểu tình đã lèo lái đám đông, biến cuộc biểu tình thành ra một cuộc biểu dương ý chí quần chúng ủng hộ mặt trận giải phóng của Việt Minh. Các đội dân quân giải phóng của Việt Minh đồng loạt chiến đoạt chính quyền ở nhiều địa phương.

Ngày 19 tháng 8 năm 1945 Việt Minh kêu gọi dân chúng tựu họp đông đảo trước Nhà hát lớn Hà Nội để nghe tuyên bố của Mặt trận Cứu quốc Việt Minh. Dân quân giải phóng của Việt Minh cùng với cờ đỏ sao vàng xuất hiện ở nhiều nơi, chiếm đóng các công sở.

Ngày 21 tháng 8 năm 1945, một số thanh niên trí thức nhóm họp tại Đại Học xá Hà Nội rồi biểu quyết gởi điện văn yêu cầu hoàng đế Bảo Đại thoái vị và trao quyền cho ông...

Ngày 22 tháng 8 năm 1945, nghe theo lời cố vấn của Trần Trọng Kim, hoàng đế Bảo Đại tuyên chiếu thoái vị.

Tại thành phố Sài Gòn, tối ngày 20 tháng 8 năm 1945, Việt Minh đã tổ chức mít tinh trong thành phố, kêu gọi dân chúng biểu tình. Đến sáng ngày 25-8-1945, Việt Minh chiếm đóng toàn thành phố. Một Ủy Ban Hành Chính lâm thời Nam Bộ được tuyên bố thành lập do Trần Văn Giàu làm chủ tịch.
Ngày 25 tháng 8 năm 1945, ông *** từ Tân Trào về đến ngoại thành Hà Nội. Ngày 26-8-1954, vào nội thành ở tại số nhà 48 phố Hàng Ngang.

Ngày 28 tháng 8 năm 1945, một chính phủ lâm thời thành lập tại Hà Nội:

***. chủ tịch kiêm bộ ngoại giao
Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng bộ nội vụ,
Chu Văn Tấn, bộ trưởng bộ quốc phòng
Trần Huy Liệu, bộ trưởng bộ thông tin tuyên truyền
Dương Ðức Hiền, bộ trưởng bộ thanh niên quốc dân
Nguyễn Mạnh Hà, bộ trưởng bộ quốc dân kinh tế
Vũ Ðình Hòa, bộ trưởng bộ giáo dục
Vũ Ngọc Khánh, bộ trưởng bộ tư pháp
Phạm Ngọc Thạch, bộ trưởng bộ y tế
Ðào Trọng Kim, bộ trưởng bộ giao thông công chánh
Lê Văn Hiến, bộ trưởng bộ lao động
Phạm Văn Ðồng, bộ trưởng bộ tài chánh
Nguyễn Văn Tố, bộ trưởng bộ cứu tế xã hội
Cù Huy Cận, ủy viên không giữ bộ nào
Nguyễn Văn Xuân, ủy viên không giữ bộ nào

Ngày 2 tháng 9 năm 1945 ông *** đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa

*
-Cần lưu ý rằng, trong 10 chính sách lớn của Việt Minh bao gồm việc giành lấy chính quyền (chính sách 1) tịch thu tài sản của giặc nước và Việt gian (chính sách 3), kiến thiết nền văn hóa mới (chính sách 9).

- Việc lấy lại chủ quyền cho toàn thể nước Việt Nam từ tay người Nhật là do chính phủ của ông Trần Trọng Kim thực hiện để rồi tiếp ngay sau đó chính quyền Việt Minh dựa vào thời cơ để đoạt lấy rồi thành lập chính phủ Lâm thời tại Hà Nội.

- Như vậy có nghĩa là trong giai đoạn ông Trần Trọng Kim cầm quyền cai trị toàn cõi Việt Nam từ 17 tháng 4 năm 1945 cho đến ngày 2 tháng 9 năm 1945 thì chưa thấy có một dư luận công khai nào ở cả hai miền Nam Bắc lên án ông Phan Thanh Giản.

- Từ 2 tháng 9 năm 1945 đến ngày ký kết hiệp định Genève ngày 20 tháng 7 năm 1954 chia đôi nước Việt Nam đất nước Việt Nam từ sông bến Hải vẫn chưa thấy có tài liệu nào lên án ông Phan Thanh Giản

Chương Kết

GIAI ĐOẠN 1954-1975

Chính quyền miền BắcViệt Nam kể từ tháng 7 năm 1954 đã dùng chiến dịch tuyên truyền mạnh mẻ để chống đối chính quyền miền Nam đang được Pháp và Mỹ yểm trợ. Tất cả những nhân vật nào có dính líu dây dưa với người Pháp kể từ thời hoàng đế Gia Long đến hiện tại đều bị lên án là Việt gian bán nước, là tay sai của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, gọi chính phủ và quân đội Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam là ngụy quyền, ngụy quân. Trong khi đó miền Nam thì lại lên án Đảng Lao Động ở miền Bắc là tay sai, là nô lệ của 2 đế quốc Cộng sản Nga và Trung Quốc, tôn thờ chủ nghĩa ngoại lai, áp dụng chính sách độc tài đảng trị, vô thần, vô gia đình, bần cùng hóa nhân dân miền Bắc.

* Đứng đầu bộ thông tin tuyên truyền của miền Bắc trước sau vẫn là ông Trần Huy Liệu. Tất cả mọi chiến dịch thông tin tuyên truyền đều phải theo chính sách và đường lối của đảng Lao Động (Cộng Sản) Việt Nam dựa trên lý thuyết Mark-Lênin làm phương chăm hành động và là căn bản để lập luận, giải thích mọi sự kiện vật chất cũng như tinh thần. Đường lối tuyên truyền của đảng Lao Động (Cộng Sản) và nhà nước miền Bắc trong giai đoạn từ 1954-1975 là hạ uy thế chính quyền miền Nam và đánh giá thấp tất cả những giá trị tinh thần, văn hóa, lịch sử, khoa học v.v . . .của nhân dân miền Nam kể từ sông bến Hải xuống tới mũi Cà Mau. Trong chiều hướng đó, bộ thông tin tuyên truyền miền Bắc do đảng viên đảng Cộng Sản là ông Trần Huy Liệu đã được đảng giao phó thành lập và chỉ đạo Ban Nghiên Cứu Văn Sử Địa (1953) rồi kế tiếp kiêm Phó ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương, Viện trưởng Viện Sử học, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Sau này, ông Trần Huy Liệu còn là Tổng biên tập tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, chủ tịch sáng lập Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

Như vậy vai trò của ông Trần Huy Liệu cũng giống như vai trò biên tu của ông Ngô Sĩ Liên dưới triều đại phong kiến vua Lê Thánh Tông phụ trách việc biên soạn bộ chính sử Đại Việt Sử Ký Toàn Thư và vai trò tổng tài của ông Phan Thanh Giản trong Quốc sử quán triều Nguyễn phụ trách biên soạn bộ chính sử Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục. Mà khi nói tới chính sử tức là lịch sử viết đi viết lại bởi bất cứ một chính quyền đương thời nào- nhất là các chính quyền ở vùng Á Châu- thì tính cách khách quan, vô tư rất có thể bị dị nghị vì các người được giao phó viết lại lịch sử thường thường phải viết theo ý muốn và đường hướng của người lãnh đạo làm chủ đất nước vào lúc đó.

Lần lược những năm 1956, 1959 và 1960, ông Trần Huy Liệu cho ra đời ba tập sách "Lịch sử 80 năm chống Pháp" viết lại quá trình đấu tranh của toàn dân Việt Nam từ khi quân xâm lược Pháp đánh chiếm nước ta đến tháng 8 năm 1945. Có thể nói đây là một bộ chính sử của chính quyền miền Bắc được viết theo tư duy lý luận Mác-xít và dĩ nhiên là nhằm mục tiêu chống Pháp và những người miền Nam đã và đang bị lôi kéo dính líu với người Pháp. Hậu thế có thể đánh giá như thế nào về ba tập sách của ông Liệu? Có lẽ không nên gọi 3 tập tài liệu của ông Liệu dùng trong chiến dịch tuyên truyền chống Pháp và "Việt gian tay sai" đang cầm quyền ở miền Nam là một bộ sử đúng nghĩa chăng?

"Năm 1953, "bỗng nhiên" ông được bổ nhiệm sáng lập Ban Nghiên cứu Sử - Địa - Văn ở Tân Trào; kéo Cao Xuân Huy, Lê Thước, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo về làm việc; đào tạo Nguyễn Công Bình, Văn Tạo vào nghề. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Trần Huy Liệu không phải là người được trang bị vốn học một cách có hệ thống"
(Trích bài viết: Trần Huy Liệu-từ nhà cách mạng tới nhà Khoa học đăng trên mạn Internet www.vnn.vn/tulieu/2003/6/14139/ - 21k - Cached).

Có thể đây là biểu hiện của một dư luận trong nước ngạc nhiên và nghi ngờ về khả năng trí thức chân chính của người sáng lập viên Ban Nghiên cứu Sử-Địa-Văn.

Bản án năm 1963
Là người đứng đầu bộ thông tin tuyên truyền vừa là chủ biên Tạp Chí Nghiên Cứu Lịch Sử của đảng và nhà nước Cộng sản ở miền Bắc nước Việt Nam, ông Trần Huy Liệu đã dề ra việc bình luận một số nhân vật lịch sử như Hồ Quý Ly, Lưu Vĩnh Phúc, Nguyễn Trường Tộ và đặc biệt là ông Phan Thanh Giản qua một loạt bài viết đăng trên Tạp Chí Nghiên Cứu Lịch Sử (viết tắt NCLS) từ số 48 đến số 55, phát hành trong năm 1963 ở Hà Nội nơi mục Bình Luận Nhân Vật Lịch Sử. Số bài viết được tạp chí NCLS cho đăng lên gồm có:
- "Phan Thanh Giản trong lịch sử cận đại Việt Nam" của Đặng Huy Vận và của Chương Thâu (Tạp san NCLS số 48, tháng 3 năm 1963.
- "Cần Nhận Định và Đánh Giá Phan Thanh Giản như thế nào?" của Đặng Việt Thanh.
- "Đánh giá Phan Thanh Giản như thế nào cho đúng?" một bài của Nguyễn Khắc Đạm, một bài của Trương Hữu Ký.
- "Cần nghiêm khắc lên án Phan Thanh Giản của Chu Quan Trứ.
- "Cần vạch rõ hơn trách nhiệm của Phan Thanh Giản trước lịch sử" của Nhuận Chi
- "Chúng ta đã nhất trí về việc nhận định Phan Thanh Giản" của Trần Huy Liệu.

Mở đầu cho loạt bài bình luận nầy, tòa soạn Tạp Chí NCLS của Ông Trần Huy Liệu đã đưa ra những tiêu chuẩn để hướng dẫn cho những người muốn viết về ông Phan Thanh Giản như sau:
“Theo ý chúng tôi, trong việc bình luận nhân vật lịch sử, nhất là những nhân vật như Phan-thanh-Giản, chúng ta cần dựa vào quan điểm chủ nghĩa Mác, đem yêu cầu của thời đại và nguyện vọng của nhân dân để soi vào hành động của người đó sẽ thấy rõ có công hay có tội, đáng làm gương hay đáng chỉ trích. Chúng ta có thể nhìn vào nhiều mặt nhưng bao giờ cũng phải nhắm vào mặt chính của nó. Nhất là không thể chiều theo tình cảm riêng hay chỉ nhìn vào đạo đức tư cách cá nhân mà phải nhìn vào sự việc cụ thể để đánh giá cho đúng. Một khi đã có những kiến giải rõ ràng rồi thì đối với đối tượng mà mình phê phán cần có thái độ dứt khoát.”(Tạp chí NCLS số 48, tháng 3 năm 1963; Hà Nội).

Gợi ý như thế, có thể là những người tham dự viết bài - lúc đó đang ở dưới chế độ Cộng Sản ở miền Bắc Việt Nam - chưa nắm vững được điều gọi là quan điểm chủ nghĩa Mác nếu không nói một cách quá đáng là họ không biết gì hoặc không muốn biết chủ nghĩa dài dòng rắc rối đó vì đa số họ xuất thân từ giới lao động bình dân không có đủ thời gian để ngồi nghiền ngẫm những tập sách lý thuyết "siêu phàm" phức tạp nhiêu khê của các ông trùm Cộng Sản ngoại quốc, và dù họ được gọi là những người Cộng Sản Việt Nam. Trên thực tế, có lẽ chỉ có một thiểu số rất ít đảng viên trung kiên đảng Cộng Sản Việt Nam là thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lênin. Dân chúng miền Bắc vào thời điểm năm 1963 chỉ cần có gạo và không biết ông Mác là ai. Không có ai có thể giải thích nổi cho tầng lớp dân chúng nông dân, thợ thuyền cùng khổ ở miền Bắc vào thời điểm đó hiểu thấu các tín điều Các-Mác-Lênin.

Do đó, lời gợi ý dựa vào quan điểm chủ nghĩa Mác cũng giống như một dụ chỉ của một ông vua hay của một hoàng đế thời phong kiến ban xuống cho các nho quan để họ chỉ cần hiểu rằng viết chính sử là phải viết theo ý của ông vua hay của ông hoàng đế. Trước đó, năm 1951, đảng Lao Động Việt Nam cũng ban hành xuống cho các đảng viên của mình một chỉ thị gọi là Chính cương Đảng Lao động Việt Nam (năm 1951) được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng thông qua, năm 1951. Nơi chương II dưới tiêu đề XÃ HỘI VIỆT NAM VÀ CÁCH MẠNG VIỆT NAM, Tiết II nói về Cách Mạng Việt Nam, điều 1,2 và 5 viết như sau:

II. Cách mạng Việt Nam

1.Hiện nay cách mạng Việt Nam phải giải quyết mâu thuẫn giữa chế độ dân chủ nhân dân Việt Nam và những thế lực phản động, khiến cho chế độ ấy phát triển mạnh mẽ và thuận chiều tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Thế lực phản động chính đang ngăn cản sự phát triển của xã hội Việt Nam là chủ nghĩa đế quốc xâm lược.

Những di tích phong kiến cũng làm cho xã hội Việt Nam đình trệ. Do đó cách mạng Việt Nam có hai đối tượng. Đối tượng chính hiện nay là chủ nghĩa đế quốc xâm lược, cụ thể lúc này là đế quốc Pháp và bọn can thiệp Mỹ. Đối tượng phụ hiện nay là phong kiến, cụ thể lúc này là phong kiến phản động.
2. Nhiệm vụ cơ bản hiện nay của cách mạng Việt Nam là đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược giành độc lập và thống nhất thật sự cho dân tộc, xóa bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, làm cho người cày có ruộng, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, gây cơ sở cho chủ nghĩa xã hội.

Ba nhiệm vụ đó khăng khít với nhau. Song nhiệm vụ chính trước mắt là hoàn thành giải phóng dân tộc. Cho nên lúc này phải tập trung lực lượng vào việc kháng chiến để quyết thắng quân xâm lược.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

5. Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam nhất định sẽ đưa Việt Nam tiến tới chủ nghĩa xã hội. Do giai cấp công nhân lãnh đạo, liên minh chặt chẽ với nông dân và lao động trí óc, lại được sự giúp đỡ của Liên-xô và các nước dân chủ nhân dân, nhất là Trung Quốc, cách mạng Việt Nam không thể đi con đường nào khác ngoài con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Đó là một con đường đấu tranh lâu dài, đại thể trải qua ba giai đoạn: giai đoạn thứ nhất, nhiệm vụ chủ yếu là hoàn thành giải phóng dân tộc; giai đoạn thứ hai, nhiệm vụ chủ yếu là xóa bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, thực hiện triệt để người cày có ruộng, phát triển kỹ nghệ, hoàn chỉnh chế độ dân chủ nhân dân; giai đoạn thứ ba, nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng cơ sở cho chủ nghĩa xã hội, tiến lên thực hiện chủ nghĩa xã hội.

Ba giai đoạn ấy không tách rời nhau, mà mật thiết liên hệ xen kẽ với nhau. Nhưng mỗi giai đoạn có một nhiệm vụ trung tâm, phải nắm vững nhiệm vụ trung tâm đó để tập trung lực lượng vào đó mà thực hiện.

Trong giai đoạn thứ nhất, giai đoạn hiện tại, mũi nhọn của cách mạng chĩa vào đế quốc xâm lược. Đảng phải tập hợp mọi lực lượng dân tộc, lập Mặt trận dân tộc thống nhất, kháng chiến chống bọn đế quốc xâm lược và các hạng Việt gian. Đồng thời phải cải thiện đời sống cho nhân dân, đặc biệt là nhân dân lao động, để cho nhân dân hăng hái kháng chiến.
Sang giai đoạn thứ hai, mũi nhọn của cách mạng chĩa vào lực lượng phong kiến. Lúc đó Đảng phải tập trung lực lượng xóa bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, triệt để thực hiện người cày có ruộng, đẩy mạnh việc kỹ nghệ hóa: hoàn chỉnh chế độ dân chủ nhân dân. Song, vẫn tiếp tục chống đế quốc thế giới bảo vệ độc lập của dân tộc.

Đến giai đoạn thứ ba, trọng tâm của cách mạng là phát triển cơ sở xã hội chủ nghĩa, chuẩn bị thực hiện chủ nghĩa xã hội. Những bước cụ thể của giai đoạn này phải tùy theo điều kiện cụ thể của tình hình trong nước và ngoài nước khi đó mà quyết định.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . ."
(Nguồn: Đối thoại sử học, nhiều tác giả, nhà xuất bản Thanh Niên, Hà Nội 2000)
và www.cpv.org.vn/details.asp?topic=2& - Cached

*
Như vậy, không cần phải đọc hết các bài tham luận về ông Phan Thanh Giản vừa kể trên, chỉ cần nhìn vào bài mở đầu của tòa soạn tạp chí NCLS và những nhan đề của những bài được chọn đăng người ta cũng có thể biết trước được những bài viết sẽ phải theo đúng đường hướng của bộ Thông tin tuyên truyền của ông Trần Huy Liệu và những bài viết nầy chỉ nên được xem như là những tờ truyền đơn không có tính cách khách quan vô tư, độc lập, khó thuyết phục cho người khác xem đó là những bài nghiên cứu về lịch sử được viết bằng bộ não và theo tinh thần khoa học nghiêm chỉnh.

Chỉ có Bộ Tuyên Truyền Thông Tin và nhóm Nghiên Cứu Lịch Sử của ông Trần Huy Liệu vào năm 1963 tuyên bố rằng: "về căn bản đều nhất trí ở chỗ kết án tội nhân của lịch sử ".

Sử sách dùng trong các trường học miền Bắc do Ủy Ban Khoa Học Xã Hội trực tiếp chỉ đạo phát hành vào năm 1971 dưới đề tựa LỊCH SỬ VIỆT NAM, Tập I (viết tắt là LSVN) cũng không ra ngoài đường hướng của bản Chính cương Đảng Lao động Việt Nam (năm 1951). Sang giai đoạn thứ hai, mũi nhọn của cách mạng chĩa vào lực lượng phong kiến. Lúc đó Đảng phải tập trung lực lượng xóa bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến.

Kiểu viết trong LSVN nhằm mục đích tuyên truyền gieo mầm thù ghét hơn là giáo dục truyền đạt kiến thức cho học sinh: nơi chương VIII, từ trang 368 đến 386, Nguyễn Phúc Ánh Gia Long và các người tiếp nối kế nghiệp đế vương của dòng họ Nguyễn đã bị LSVN kết án không nhân nhượng trong khi dòng họ Hồ Văn Huệ Quang Trung được xưng tụng và vinh danh hết mức. Chỉ nhìn vào các tiêu đề trong bản mục lục của LSVN cũng có thể nhìn thấy điều đó:

Mục Lục
Chương VIII: Giai đoạn suy sụp của chế độ phong kiến thế kỷ XVIII, nửa đầu thế kỷ XIX. Phong trào cách mạng nông dân Tây-sơn và cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, bảo vệ độc lập dân tộc. trang 319
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Sự sụp đổ của chế độ phong kiến ở Đàng-trong. Khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ và phát triển mạnh mẽ trang 330
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . ..
Tình hình khủng hoảng của chế độ phong kiến vào nửa đầu thế kỷ XIX. Chiến tranh nông dân phát triển liên tục, mạnh mẽ. trang 368

Nhà Nguyễn khôi phục chế độ phong kiến phản động: 369. Thiết lập chế độ quân chủ chuyên chế cực đoan: 369. Tăng cường bộ máy đàn áp: 371. Bộ máy quan lại hủ lậu mục nát: 372.- Chế độ áp bức bốc lột nặng nề: 373. - Chính sách kinh tế lạc hậu và phản động: 375; Chính sách ruộng đất: 375; Nông nghiệp sa sút: 376; Sự phát triển của kinh tế hàng hóa và những chính sách lạc hậu của triều Nguyễn: 378.- Chính sách đối ngoại mù quáng: 379


Năm 1975: thi hành bản án 1963
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, thi hành bản án năm 1963, tất cả những gì có liên hệ dính líu với Phan Thanh Giản đều bị chính quyền mới ra lệnh hủy bỏ và đập phá: tên trường học và tên đường mang tên Phan Thanh Giản ở Sài Gòn bị xóa tên. Tại Đà Nẵng trường tư thục Phan Thanh Giản bị nhà nước tịch thâu và đổi tên là trương lê Hồng Phong. Trường Phan Thanh Giản ở Cần Thơ bị đổi thành trường Châu Văn Liêm và bức tượng của ông Giản- "Tội nhân của lịch sử"- đã bị những người thi hành công luật của chế độ mới mắng nhiếc là kẻ phản quốc hèn nhát rồi đập phá tan nát.

Bản án năm 1978
Năm 1978 ông Trần Bạch Đằng vẫn còn xác nhận sự nhất trí của nhóm Nghiên Cứu Lịch Sử Trần Huy Liệu qua 2 chữ "chúng ta" khi ông Đằng viết rằng "Chúng ta kết án một loạt chủ trương "cầu hòa" với Pháp "chuộc" các tỉnh đông Nam Bộ . . . của triều đình, những nhượng bộ của Phan Thanh Giản v.v . . . Chẳng có gì bào chữa nổi cho sự ương hèn. (Trích từ bài Tổng luận của Trần Bạch Đằng đăng trong sách Địa Chí Văn Hóa Thành Phố ****; xuất bản năm 1978; trang 436).

Năm 2002
Ảnh hưởng của bản án Phan Thanh Giản từ thời Tự Đức cùng với với những bài "Nghiên Cứu Lịch Sử" từ năm 1963 phát xuất từ miền Bắc Việt Nam vào năm 1963 và từ sau năm 1975 trên toàn cõi nước Việt Nam đã trở thành "nhất trí" đối với những người cán bộ gốc miền Bắc đã từng theo và hiện vẫn đang sống với chế độ và chính quyền hiện nay ở Việt Nam.
Trong bài viết THƯ NGỎ GỬI TỔNG BÍ THƯ GIANG TRẠCH DÂN của ông Trần Khuê đăng lên mạng lưới internet ngày 23 tháng 2 năm 2002 có đoạn viết như sau:

(LÊN MẠNG THỨ BẢY 23 THÁNG HAI 2002)
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Trân trọng đề nghị các đ/c công bố công khai nội dung hai bản hiệp định để nhân dân hai nước cũng như nhân dân thế giới đều được tỏ tường chính xác. Tuy nhiên, theo truyền thống văn hóa Việt Nam thì việc cắt đất nhượng cho ngoại bang dù chỉ một cây số vuông cũng là trọng tội, chứ đâu phải tới hàng trăm hay hàng ngàn cây số. Nhớ lại hồi phái đoàn Phan Thanh Giản vâng lệnh hoàng đế Tự Ðức ký hiệp ước 1867 nhượng ba tỉnh Nam Kỳ cho thực dân xâm lược Pháp đã bị dư luận nhân dân lên án dữ dội như thế nào : ''Phan, Lâm mãi quốc, Triều đình khí dân'' (Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp bán nước, còn Triều đinh Huế thì bỏ dân). Và Hoàng đế Tự Ðức đã phải làm hẳn một bài thơ giả đò xấu hổ để tránh búa rìu của dư luận, đồng thời hy vọng đánh lừa cả đương thời và hậu thế :

Khí dân Triều trữ cữu,
Mãi quốc thế gian bình,
Sử ngã chung thân điếm
Hà nhan nhập miếu đình.

(Tự Ðức - Ngự chế thi tập)

Tạm dịch :

Tội lũ bay : bán nước,
Tội triều đình : bỏ dân,
Khiến đời ta mang nhục,
Mặt nào gặp tiền nhân ?
(Trần Khuê dịch)

(nguồn: Diễn Đàn Dân Chủ Forum http://danchu./net)

*
X/- TẠM KẾT
Câu hỏi đặt ra là: những cán bộ Cộng Sản gốc người miền Nam - nhất là đối với những người cán bộ được gọi là giới trí thức miền Nam - đã có thái độ nào, những phản ứng nào đối với chiến dịch tuyên truyền nhằm triệt hạ tên tuổi của ông Phan Thanh Giản kể từ 1954 đến năm 2004 ? Họ chỉ biết yên lặng có lẽ vì không muốn tạo rắc rối cho bản thân. Cho nên, nếu bây giờ họ - kể cả những người cựu đảng viên Cộng Sản cao cấp của miền Nam hiện còn đang ở trong nước hay đang ở nước ngoài - mới chịu tỏ bày quan điểm của mình về trường hợp của ông Phan Thanh Giản thì việc làm của họ cũng khó có thể thuyết phục những người Việt Nam ở khắp nơi tin rằng quan điểm của họ là vô tư và khách quan.

Còn nhân dân miền Nam Việt Nam kể từ sông Bến Hải thì sao? Cho tới ngày 30 tháng 4 năm 1975, có thể nói là hầu hết nhân dân miền Nam không mấy quan tâm đến chính sách đấu tố và chiến dịch tuyên truyền tâm lý chiến tranh của chính quyền miền Bắc mặt dù chính quyền miền Nam ở bên nầy vĩ tuyến cũng đấu tố Cộng sản một cách quyết liệt. Dân chúng miền Nam chấp nhận tên đường Gia Long, nhưng họ vẫn cung kính chấp nhận tên đường Nguyễn Huệ mặc dù 2 nhân vật lịch sử nầy là hai kẻ thù đối nghịch không đội trời chung.

Người miền Nan kính trọng ông Hoàng Diệu ngang với sự kính trọng của họ đối với ông Phan Thanh Giản mà không cần thắc mắc ông nầy là gốc Quảng Nam miền Trung còn ông kia là gốc Vĩnh Long miền Tây. Dân chúng miền Nam biết rằng Trương Định chống đối Phan Thanh Giản nhưng đường phố ở Sài Gòn vẫn có tên của ông Định. Tại sao lại có tình trạng như thế? Bởi vì dân chúng Nam Kỳ chỉ cần nhìn vào một khía cạnh đơn giản: tất cả các nhân vật lịch sử vừa kể đều chết vì giặc Pháp xâm lăng Việt Nam và vì sự suy đồi bất lực của triều đình Tự Đức.

Từ năm 1945 đến 1975, tại miền Nam, sử sách dùng trong các trường học không có gì thay đổi: chính phủ miền Nam không tự mình đứng ra chỉ đạo viết lại lịch sử dân tộc theo nhu cầu chính trị của từng giai đoạn chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc. Nơi các trường trung học, các học sinh có chào cờ, có suy tôn tổng thống nhưng không có chương trình tố Cộng hay chiến dịch dạy học hạ bệ các nhân vật lịch sử thuộc các triều đại phong kiến trước năm 1945. Những sách vở, báo chí tuyên truyền chống Cộng do chính phủ miền Nam chủ xướng chỉ nhắm thẳng vào chế độ cai trị ở miền Bắc vào lúc đó mà thôi. Chưa được thấy có sách vở báo chí ở miền Nam vào lúc đó bêu rêu hai nói xấu một nhân vật lịch sử nào của các triều đại phong kiến Việt Nam được đảng và nhà nước ở miền Bắc lựa chọn làm mẫu mực tôn vinh và viết lại lịch sử dân tộc. Tại miền Nam vào lúc đó cũng chưa thấy có dư luận hoặc chiến dịch nào nhằm "hạ bệ" hay lên án những nhân sĩ trí thức của miền Bắc còn sót lại từ thời đại nhà Hậu Lê và trở thành hàng thần của nhà Nguyễn.

Trong thời kỳ quân xâm lược Pháp đánh phá Nam Kỳ, không thấy có một nhân sĩ nào ở Bắc Kỳ có ý kiến hoặc đứng ra tự động mộ nghĩa quân từ miền Bắc để đưa vào Nam tiếp viện cho ông Trương Định. Phải chăng họ là những nhân sĩ ăn gạo của nhà Nguyễn Gia Long nhưng vẫn ngấm ngầm hoài vọng về nhà Hậu Lê và nhà Hồ Tây Sơn, luôn luôn mong ngóng sự sụp đổ đến với dòng họ nhà Nguyễn dù nguyên cớ sụp đổ đến bất cứ từ đâu?

Khi đã làm chủ hoàn toàn đất nước Việt Nam, hoàng đế Gia Long đã thi hành một biện pháp bộc phát và thất sách "căn nọc đánh đít" hạ nhục các nhân sĩ của chế độ cũ ở miền Bắc cùng một lúc hạ cấp kinh đô Thăng Long "ngàn năm văn vật" để gọi bằng một cái tên "Bắc thành" cục mịch khiến cho họ uất ức căm hận không nguôi. Dù vậy, họ cũng không tự xử để tránh kẻ thù làm nhục mà vẫn đành lòng gánh chịu kiếp "hàng thần lơ láo, phận mình ra sao?" để rồi cứ giữ mãi mối uất giận trong lòng và giận lây qua cả dân chúng miền Nam nữa, kéo dài từ đời nầy qua đời khác, tiếp tục luôn cho đến sau năm 1975. Mặc cảm tự tôn tự đại của nhân sĩ miền Bắc được hung đúc bởi "truyền thống Nam tiến" mở rộng lãnh thổ Đại Việt: từ ngàn xưa đất nước chỉ có những trường hợp tiến bước từ Bắc xuống Nam, nhưng nay thì tình huống lại hoàn toàn khác, đất nước Đại Nam được thống nhất từ Gia Định ra Thăng Long. Niềm kiêu hãnh tự hào về truyền thống Nam tiến lâu đời bổng chốc bị tiêu tan chỉ vì một lần Bắc tiến của người miền Nam "không có văn hiến" khiến cho nhân sĩ miền Bắc tự cảm thấy mình bị hạ thấp giá trị để rồi oán hận âm thầm, oán hận thâm niên chờ đợi ngày họ nhà Nguyễn sụp đổ.

Kể từ triều đại Gia Long, gần như miền Bắc không còn thấy có xuất hiện nhân sĩ trí thức nào có tầm cỡ ngang với những ông Trịnh Hoài Đức, Trần Văn Học, Phan Thanh Giản, Trần Tiễn Thành, Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của và điều nầy cũng có thể là một nguyên cớ khác gây ra mặc cảm tự ti đưa đến những kiểu đấu tố hạ bệ những nhân vật lịch sử vừa kể.
*
Tóm lại, với âm mưu xâm lược rõ rệt của người Pháp, với một triều đình phong kiến chậm tiến, một quân đội yếu kém chưa đánh đã chạy của triều đình nhà Nguyễn cùng với sự làm lơ vô tình của người dân miền Bắc thì cho dù có một trăm ông Phan Thanh Giản, một trăm ông Nguyễn Tri Phương, một trăm ông Trương Định thì nước Việt Nam trước sau gì cũng phải rơi vào tay của bất cứ đoàn quân viễn chinh xâm lược tân tiến nào của phương Tây.

Lên án, hạ bệ, đập phá, xóa tên chỉ là những hành vi bộc phát nhất thời xảy ra trong bất cứ cuộc chiến tranh nào để tuyên truyền giành phần thắng và đoạt chính quyền nhưng những hành vi nầy không thể xóa bỏ được những sự thật lịch sử và vì vậy không cần phải biện bạch để đưa ra ánh sáng sự sai trái của những hành vi đó.

Hết