Từ phi trường Kuala Lampur chuyến bay Malaysia Airlines khởi hành lúc 22:30 đến 7 giờ sáng tới Adelaide. Thời tiết ở Úc vào đầu hè buổi sáng trời nóng, các cháu đón chúng tôi đúng giờ. Nhiều năm xa cách mái tóc mỗi người đã bạc màu thời gian…gặp nhau tay bắt mặt mừng từ phi trường về nhà xa 40 phút, Chúng tôi rất mừng gia đình các cháu, nhà cửa khang trang, vườn trồng nhiều cây ăn trái, hoa kiểng đẹp.
Những kỷ niệm đẹp thời xa xưa được nhắc lại thật dễ thương. Mỗi người một phương trời xa cách gặp nhau như là một ước mơ, nhưng đã trở thành sự thật trong vòng tay đầm ấm, tràn ngập yêu thương. Các cháu đoàn tụ trong những bữa cơm gia đình nhiều món ăn đặc sản quê hương như Mì Quảng, canh lá khổ qua… đến Úc được thưởng thức món thịt Kanguru nướng, Người bạn Úc làm việc trong hãng thịt mang về biếu 2 kilo loại ngon nhất, thịt màu đỏ sậm, giống thịt trâu, theo lời người bạn Úc nói là ướp dầu Olive và ít muối nướng sẽ có mùi thơm ngon tự nhiên. Thịt mềm, ngọt nhưng có mùi lạ lạ, nên để hợp với khẩu vị VN hơn chúng tôi ướp sả, tỏi, nước tương, đường, dầu, ngũ vị hương….
Adelaide là thành phố lớn nhất Nam Úc và lớn thứ 5 ở Úc, với dân số hơn 1 triệu 2. Tháng 12 ở Munich là mùa Đông tuyết trắng nhưng Adelaide cỏ uá nắng cháy vì gió mang hơi nóng từ sa mạc, buổi trưa có ngày nóng 41 độ C. Nhà nào cũng có bồn chứa nước mưa lớn để xử dụng, Úc đất rộng người thưa, tài nguyên phong phú, nhưng nước ở Adelaide xử dụng phải giới hạn! vì trời ít mưa, nhiều năm hạn hán. Vườn của các cháu, trồng nhiều loại cây ăn trái như hồng, nho, cam trên cành trĩu nặng trái chín vàng … Người nhà không có thì giờ ăn, nên để cho các đàn chim! Cháu rể chế biến rượu nho với trái cherry. Cho men, ủ đường để trong nhiều bình lớn sau một năm thành rượu nho hảo hạng uống rất ngon, ngày nào chúng tôi cũng thưởng thức rượu nho cây nhà lá vườn. Buổi sáng thường nghe tiếng gà gáy ở góc vườn là khu nuôi „gà đi bộ“ để lấy trứng.
Đời sống ở Úc mỗi tiểu bang khác nhau, người ở Adelaide lãnh tiền trợ cấp thất nghiệp, có thể đi „làm chui“ một vài ngày trong tuần, tiền lương 100, AUD / ngày. Những cựu quân nhân VNCH trước 1972 được công nhận là cựu chiến binh như người Úc, tiền „hưu trí“ khoảng trên 1200 AUD, nếu còn sức khoẻ thì đi làm thêm trong các mùa hái trái cây, cắt ngọn nho… làm việc giỏi siêng năng mỗi tháng trên 3000 AUD, người Việt ở Adelaide có tiền, nhưng vất vả phải đổ mồ hôi nhiều. So với đời sống ở Đức thì Úc, rượu bia, thuốc lá đắt gấp 3 hay 4 lần. Thịt heo ba chỉ 1 kilo 23.50 AUD tuy nhiên thịt bò, cừu thì rẻ hơn. Đời sống người Việt ở đây giống như ở Việt Nam, họ „chơi Hụi“ còn tin tưởng góp tiền gây vốn cho nhau…
Adelaide có chùa Pháp Hoa to lớn trải qua 3 thập niên, hạt giống Pháp Hoa được trồng trên quê hương Nam Úc, vốn khác nhau về văn hóa, tôn giáo, ngôn ngữ. Do Hòa thượng Thích Như Huệ thuộc dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh, Hội An, ngài từ Nhật sang, nhờ thuận duyên biến mảnh đất khô khan, hoang vắng trở thành một nơi già lam trang nghiêm hùng vĩ, một thắng cảnh đẹp, góp phần sinh hoạt văn hóa tốt đẹp cho Adelaide. Hòa Thượng qua đời ngày 23.6.2016
Những ngày ở Adelaide được các cháu đưa đi chơi, chúng tôi không thể mướn xe vì không quen tay lái ngồi bên phải, ra bãi biển Qlenelg Wifi được phủ sóng xử dụng Internet thoả mái, biển đẹp nước xanh sóng nhỏ, nhưng ít người tắm vì gió lạnh, nhiều quán ăn rất đa dạng. Trung tâm thành phố Adelaide có nhiều chỗ đến du lịch như: Central Market, Old Government House, Botanic Garden, National War Memorial, Chinatown… Có thể đi bus công cộng: (Adelaide Metro, Free City Connector Bus số 98 C, 99C và Tram). Xe chạy qua các điểm chính của thành phố, giống như loại bus Hip on, Hip off. Cuối tuần các cháu tổ chức đi Victor Harbor, cách Adelaide khoảng 85 km. Trên đường đi ghé thăm khu chế biến rượu nho, Mc Laren Vale Wine, Tintara, được uống thử trước khi mua, từ Victor Harbor qua cầu sang đảo Granite Kaiki đi bộ hay đi xe ngưạ- Horsedrawn tram, loại xe nầy có từ năm 1894. Bên nầy cầu trời nóng sang đến đảo thì gió lạnh, nước biển nhiều rong rêu, xa xa trên những cụm đá có những con chim cánh cụt/ Penguin.
Trên đường về ghé thăm làng Hahndorf cách Adelaide 28 km, có bản khắc trên gỗ Willkommen in Hahndorf “Unser Dorf soll schöner werden”. Hahndorf là một trong những khu định cư đầu tiên của người Đức tại Úc từ năm 1838. Nơi nầy trước kia là vùng cư dân nguyên thủy có niên đại 2400 năm của những người thổ dân Peramangk, họ đặt tên cho khu vực 'Bukartilla'. Theo tài liệu thì những người Đức bị bức hại về tôn giáo dưới thời vua Phổ Friedrich Wilhelm III, họ phải bỏ nước ra đi, chọn Nam Úc là nơi thích hợp đến lập nghiệp.
Tháng 12 năm 1838, thuyền trưởng Dirk Meinert Hahn lái tàu Zebra trọng tải 344 tấn chở 187 người, (38 gia đình) đến Port Adelaide. Do thủy triều thấp tàu không thể cập bến cho đến ngày 02 tháng 1 năm 1839. Người Đức di cư được thỏa thuận nhập cảnh, chính quyền địa phương cấp diện tích 100 mẫu đất, tiền thuê đất miễn phí cho năm đầu tiên. Trong số này 19 mẫu được phân chia cho nhà ở, đường sá và đất còn lại để canh tác, họ cũng được cung cấp hạt giống và một số gia súc, được phép vay nợ mua đất. Đất lành chim đậu, cơ hội để người Đức bắt đầu cuộc sống mới, thị trấn nhỏ bé do ông Hermann Kook vẽ khu sinh hoạt hình chữ U theo đường chính. Sau 10 năm dân số của thị trấn tăng lên nhanh chóng. Hahndorf được mở rộng đường chính Strassendorf (làng đường phố). Sự phát triển theo thời gian Hanhndorf thay đổi từ một làng quê về nông nghiệp trở thành một trung tâm thương mại lớn hơn với các khu vực xung quanh. Trên đường chính hai bên những cây cổ thụ xanh tươi rợp bóng mát có nhiều cửa hàng bán thịt nguội, xúc xích, bánh, đồng hồ cúc cu, đồ da thủ công bằng tay, đồ chơi, đồ cổ, sách, quần áo, giày dép sản phẩm giống như ở Đức, 178 năm xa Đức nhưng con cháu họ không quên tiếng mẹ đẻ… Nhiều quán bia nấu theo tiểu công nghệ, hương vị kém hơn bia sản xuất tại Đức, các cô phục vụ mặc Dirndl (quốc phục), đàn ông mặc quần da ngắn, đội mũ nỉ, không khí trong quán đều theo phong cách của người Đức bàn ghế bằng gỗ giống như lễ hội Bia Tháng Mười hằng năm ở Munich. Các món ăn truyền thống của người Đức là: sườn, đùi heo nướng, thịt xông khói, xúc xích, dồi trắng “Weißwurst”... Dọc theo đường phố họ treo cờ Úc-Đức cũng như cờ của tiểu bang Bavaria màu xanh trắng, những tòa nhà gỗ, tường đá từ thế kỷ XIX vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
Những người chưa có dịp du lịch Đức, nếu đến Hahndorf tiếp xúc những đặc điểm độc đáo sẽ biết được một phần văn minh, phong tục, tập quán của người Đức. Năm 1890 họ xây nhà thờ St Paul để kỷ niệm lần thứ 50 của Giáo Hội Lutheran. Để tưởng nhớ thuyền trưởng Dirk Meinert Hahn họ đã dựng bức tượng đồng đen bán thân tại Memorial Gardens Pioneer ở Hahndorf.
Giáng sinh ở Melbourne
Chuyến bay của hãng Tiger từ Adelaide chỉ cần 1:20 tới Melbourne, lấy hanh lý xong được Linh mục Giuse Vũ Phước Hiến Chánh xứ Saint Brenden tới đón. Đây cũng là lần đầu tiên trong đời lễ Giáng Sinh chúng tôi được ở trong nhà của quý Cha thuộc nhà thờ Saint Brenden Flemington của Úc. Khu nhà cổ rộng lớn, tầng trệt là văn phòng làm việc của Giáo xứ, phòng khách rất khang trang, phòng ngủ nhà bếp đầy đủ tiện nghi. Trên lầu là phòng của quý Cha, Cha phó xứ là người Úc gốc Ai Cập và Cha phụ tá là cha Tito Trần Nguyên Lãm. Trong thời gian mùa Vọng các Cha khá bận, buổi sáng thức dậy từ 5 giờ tôi và cha Hiến đi dạo ngoài công viên, gặp nhiều đồng hương chào hỏi, nhưng xứ Úc sao nhiều ruồi quá? nó bay vào mắt mũi mình khó chịu vô cùng! Không những ở Melbourne mà ở vùng biển cũng khá nhiều ruồi. Người cháu cho biết đi làm ở các nông trại buổi trưa ăn cơm phải ngồi trong mùng hay có lưới chống ruồi! Uống café sáng xong các Cha đi cho đến tối mới về. Dù bận rộn nhưng cha Hiến cũng hướng dẫn, mua ticket tàu lửa đi phố…cho chúng tôi thăm nơi Cha làm việc, dạy học, tòa Tổng Giám Mục, Vương Cung Thánh Đường, Đại Học …Nhà xứ trong những ngày lễ nhân viên nghỉ việc, nhưng thỉnh thoảng có người tới bấm chuông xin thức ăn, đó là những người vô gia cư. Cái kho nhỏ chứa thức ăn đủ loại, của Giáo dân hảo tâm đóng góp để phân phát cho người nghèo. Rất vui và ấm cúng là sau Thánh lễ buổi tối cha Hiến, cha Lãm cùng ăn tối với chúng tôi. Chiều 23 tháng 12 tôi cùng cha Hiến bắt dây đèn và dựng tượng Chúa Hài Đồng bên máng cỏ ở trước nhà xứ cạnh nhà Thờ.
Cậu mợ của bà xã tôi liên lạc với vợ chồng bác sĩ Phạm Văn Phước, chị Hương làm hướng dẫn viên du lịch Melbourne cũng như những chuyến ra vùng biển Sorrento Portsea, London Bridge, Ocean beach … phong cảnh đẹp thiên nhiên đứng trên đồi nhìn ra biển nước xanh biếc, những hang động đá rong rêu. BS Phước là Bác sĩ Quân Y phục vụ tại thị xã Phước Long (1974), bị thương và bị VC bắt làm tù binh đưa ra Bắc giam giữ cùng cậu Văn là cựu Pilot trực thăng bị VC bắn rơi bị thương và bị bắt làm tù binh trong mùa hè đỏ lửa 1972, nhưng không được trao trả tù bình cho tới sau năm 1976 được thả về và bị quản chế, nhưng sau đó may mắn cả hai đều vượt biển tìm tự do. Gia đình anh Phước định cư Melbourne, anh phải đi học thi lại để mở phòng mạch, anh về hưu để con trai, con dâu tiếp tục ngành Y. Cậu Văn tới Houston lập gia đình và làm thương mại. Chúng tôi cám ơn anh chị Phước- Hương dành thời gian cùng đi chơi, những buổi tối xem chiếu đèn cảnh Giáng Sinh trên lâu đài phố cổ, đi Casino nơi đã lấy nhiều tiền của người Việt có máu đỏ đen, trở thành tội phạm ngồi tù vì nợ nần đưa đến mua bán ma tuý.
Chúng tôi quên số phone của Minh nhờ cha Hiến liên lạc được vợ chồng Minh-Thanh, năm 2013 trong tuần lễ hành hương ở Roma chúng tôi quen nhau. Buổi chiều 22.12 cuối mùa Vọng cha Hiến ngồi tòa giải tội ở nhà thờ gần nhà Minh, nên cha đưa chúng tôi cùng tới thăm gia đình Minh-Thanh. Cháu Vincent cao lớn hơn, Minh-Thanh có con muộn nhưng cháu rất đẹp trai và ngoan ngoãn, nói tiếng Việt giỏi, ngoài vườn có hang đá đèn màu lấp lánh, trong nhà nhiều hoa đẹp bên cây thông mừng ngày Chúa sinh ra đời. Chúng tôi hân hạnh gặp cha Huy là em ruột của Minh cùng đến là Linh mục trẻ có tình thần Quốc gia. Được biết sinh hoạt của người Việt ở Úc thành công và hội nhập tốt đẹp trên mọi phương diện, kinh tế, thương mãi, chính trị, khoa học…(1) đặc biệt Giáo dân người Việt còn rất ngoan đạo. Minh có nghề làm Mc trong các buổi sinh họat, nhưng cũng có tài giúp vợ làm bếp rất chu đáo, Thanh lo buổi tiệc tối, thật khéo tay món nào cũng ngon hợp khẩu vị cho “thực khách”. Cám ơn Minh-Thanh, chúng ta có được một buổi tối thật đầm ấm nơi xứ người.
Cộng đồng người Việt ở Úc theo thống kê hơn 300.000 người, là Cộng đồng đông thứ 6 sau người Anh, New Zealand, Tàu, Ấn Độ và Ý. Thành phố Melbourne là thủ phủ của bang Victoria và khoảng hơn 4 triệu người, diện tích 9.990 km². Người Việt phần lớn tập trung ở Sydney và Melbourne. Ở Melbourne có 3 chợ Việt lớn là Springvale, Footscray và North Richmond. Chợ Footscray rất nổi tiếng ngay cả với người bản địa bởi sự đa dạng về hàng hóa, mang đậm bản sắc Việt Nam những cửa hiệu viết tiếng Việt, nhà thuốc, quán cà phê, quán phở… Thương xá Sài Gòn bán rất nhiều rau trái như: rau muống, rau húng, hoa chuối, bắp, giá, rau má, cà bí...Melborne ban đem đẹp thơ mộng nhờ có dòng sông Yarra chảy qua, đi dạo dọc theo dòng sông vào ban đêm ánh đèn làm dòng sông hiện lên rực rỡ, những hàng cây cổ thụ xum xuê lá cành làm Melbourne trở nên một trong những thành phố xanh tươi nhất thế giới. Đường phố lúc nào cũng đông người xuôi ngược, hàng quán cũng tấp nập người mua bán. Melbourne được thành lập vào năm 1835, từng là Thủ đô của Liên bang Úc. Ngay nay thủ đô chính trị dời đến Canberra. Các Đại học ở Melbourne sinh viên quốc tế thuộc loại đông trên thế giới chỉ sau London, New York và Paris. Melbourne có hải cảng lớn nhất của Úc và có nhiều ngành công nghiệp, cũng là một trung tâm phát triển các loại hình nghệ thuật. Cổng Chào Sài Gòn thiết kế được dựa trên chủ đề văn hóa Việt Nam, bao gồm một cặp hạc, chiếc tàu, trống đồng (Trống đồng Đông Sơn) và quả trứng (Huyền sử LAC Long Quân Âu Cơ).
Chiều 24 tiệc “Reveillon” sớm hơn, hai Cha sắp xếp thì giờ ở nhà ăn tối, mời thêm anh chị Phước. Lần đầu tiên Giáng sinh (2015) chúng tôi xa các con, vì chúng nó đã trưởng thành, chưa có cháu Nội nên đi du lịch một chuyến dài 3 tháng bởi biết tuổi càng già thì sức khoẻ sẽ không cho phép đi xa nữa... Giáng sinh năm nay Munich không có tuyết rơi, lạnh 3 độ C mưa rơi nhỏ hạt mặt đường đóng băng vì ban đêm độ âm. Chúng tôi đi lễ tối, nhà Thờ không còn chỗ mỗi người một cây nến cầu nguyện cho thế giới hoà bình…“vinh danh thiên Chúa trên Trời bình an dưới thế cho người Thiện Tâm”.
Nhà Thờ Giáo xứ Saint Brenden, cách trung tâm Công giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm không xa, chiều 24 ở công viên nghe tiếng nhạc hát mừng Chúa sinh ra đời, ca đoàn của Giáo xứ rất đông là những người trẻ hát rất hay. Giáo dân lũ lượt về Trung tâm Vinh Sơn Liêm như trẩy hội, những tà áo dài tha thướt tung bay. Chúng tôi đi với Cha Lãm đến tham dự Thánh lễ tối, tổ chức ngoài trời, đầy đủ ghế ngồi, trên khán đài đẹp lộng lẫy hoa đèn, Thánh lễ có nhiều Linh mục Việt Nam đồng tế. Thời tiết nóng trên 30 độ C. Nhạc phẩm bất hủ “Đêm Thánh Vô Cùng” dù không phù hợp với không khí ở đây. Thánh lễ ở Melbourne, gợi chúng tôi nhớ lại kỷ niệm hơn 40 năm trước ở Đà Nẵng, Giáng Sinh tại nhà Thờ Chánh Tòa ở đường Độc Lập cũng tổ chức ngoài sân, nhưng không có ghế ngồi! Thánh lễ nửa đêm của Giáo xứ Saint Brenden, Cha Hiến làm chủ tế, giáo dân là người Úc phần đông gốc Ý và một số gia đình người Việt. Ở Đức Giáng sinh là mùa Đông lạnh lẽo tuyết rơi Thánh lễ chỉ ở trong nhà Thờ, nhưng thời tiết 4 mùa rõ rang. Ngược lại ở Melbourne một ngày sáng- trưa-chiều thời tiết thay đổi nóng, lạnh, mưa! Du khách nhớ mang áo lạnh để phòng hờ.
Bữa tối gia đình năm nay với các con thật vui vẻ, ấm cúng, nhưng chúng tôi vẫn nhớ mãi đêm Giáng Sinh ở Melbourne năm qua với những kỷ niệm thật đẹp và ấm cúng.
https://www.youtube.com/watch?v=WWgg3XMmZgk
Nguyễn Quý Đại
Mời đọc tiếp Năm Mới ở Sydney
Tài liệu đọc thêm
Cộng Đồng Người Việt ở Úc hãnh diện có Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Long, làm Giám Mục chính tòa Parramatta và nhiều bạn trẻ theo học tại các chủng viện Nhiều người Úc gốc Việt thành công trong đời sống. Về mặt chính trị, nhiều người cũng nắm giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyển Úc, như ông Lê Văn Hiếu hiện là Toàn quyền tiểu bang Nam Úc, bà Lâm Lệ Hoa (Le Lam) là thị trưởng thành phố Auburn, New South Wales và bà là phụ nữ Úc đầu tiên và là người châu Á đầu tiên giữ chức vụ thị trưởng thành phố này, Nguyễn Minh Sang từng là thị trưởng trẻ nhất quận hạt Richmond và hiện là nghị sĩ tiểu bang Victoria. Về khoa học, Tiến sĩ Vũ Thị Ngọc Trang là phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm vào Viện Khoa học Kỹ thuật Hoàng gia, kiêm nhiệm chức vụ giám đốc Trung tâm Nghiên cứu xã hội thực nghiệm Úc, giáo sư - tiến sĩ sử học Trần Mỹ Vân tại Đại học Nam Úc (University of South Australia). nhà văn Nguyễn Hưng Quốc, Nguyễn Nam
Ông Lê Văn Hiếu toàn quyền Nam Úc là một thuyền nhân tị nạn CSVN, Luật sư trẻ Trần Kiều Ngọc, hậu duệ VNCH (thân phụ là sĩ quan trưởng toán biệt kích), cô nầy thủa nhỏ ước vọng dấn thân đi tu làm Soeurs làm từ thiện để phục vụ xã hội, giúp người nghèo. Sau chuyến về thăm VN thấy được nhiều điều nghèo đói, bất công, tai ương do đảng CSVN gây nên, cô ta đổi ý định không đi tu và thực hiện một hành trình tranh đấu cho Dân chủ, Tự Do tại quê nhà, đây là một Hậu Duệ sáng giá nhất trong những Hậu Duệ VNCH từng xuất hiện bấy lâu nay tại Úc, một con người có ý chí, có bản lĩnh và trí tuệ, lập luận xúc tích sắc bén, có thuật nói chuyện lôi cuốn người nghe.
Cộng đồng người Úc gốc Việt còn duy trì một số sinh hoạt văn hóa như việc dựng Đền thờ Quốc tổ ở Melbourne, kỷ niệm giỗ đức Thánh Trần, mở trường dạy tiếng Việt, cùng Chùa chiền, Nhà thờ, Thánh thất Cao Đài… cũng như triển lãm những thư tịch và hình ảnh của Văn khố Thuyền nhân. Ở Footscray (Melbourne, Victoria); Brisbane, Queensland và Bankstown, NSW đều có đài kỷ niệm Thuyền nhân Việt Nam. Hàng năm, vào ngày Tết Nguyên Đán, đều có các cuộc diễn hành Tết và Hội Tết của cộng đồng người Việt tại khắp nơi, mang đậm bản sắc văn hóa Việt, như tại Sydney, Melbourne với hàng trăm ngàn người tham dự….
https://www.youtube.com/watch?v=hHQSSP5nbZk
https://www.youtube.com/watch?v=yuqRMirJfB4