Đường Xưa Em Đi
- Nguyễn Quý Đại -
Thời gian dài xa cách trở về thăm Đà Nẵng, dừng chân trên con đường xưa nhớ lại kỷ niệm thuở học trò, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng trước những con đường bị đổi mất tên như: Thống Nhất, Độc Lập, Duy Tân.. Trước 1975 mỗi người đều có kỷ niệm một thời không thể nào quên … Thế hệ chúng ta cũng là nhân chứng của một giai đoạn lịch sử đau thương, nhiều mất mát mà người dân xứ Quảng đã từng trải qua.
Những con đường quen thuộc: Hoàng Diệu, Phan Châu Trinh, Lê Lợi.. hàng ngày chúng ta đi học còn in dấu những kỷ niệm thân thương. Hầu hết các cựu học sinh ở Đà Nẵng cũng có những gắn bó, hãnh diện với ngôi trường mình đã theo học. Đà Nẵng có nhiều trường trung học công lập cũng như tư thục đều mang tên các danh nhân lịch sử. Những trường gần nhau là Phan Châu Trinh, Phan Thanh Giản, Bán công Nguyễn Công Trứ, Nữ trung học Hồng Đức. Thời gian chưa thành lập trường nữ trung học, thì Phan Châu Trinh còn nữ sinh duyên dáng, những tà áo dài trắng tung bay ở sân trường dưới bóng mát của hàng cây kiền kiền cao vời vợi, và những cây phượng xanh lá nhưng có nhiều sâu đong đưa trên những sợi tơ, các nữ sinh sợ qua cơn gió nhẹ những con sâu có thể rơi trên mái tóc mượt mà. Trường nữ trung học Hồng Đức thành lập năm 1967 nữ sinh các năm đệ nhất cấp chuyển sang, những năm sau trường Phan Châu Trinh không còn những bóng hồng xinh đẹp thuở nào.
Trường trung học tư thục Đà Nẵng, ngày xưa mang tên những danh nhân, đều có nam, nữ học chung. Trong khi những trường trung học toàn nữ sinh, nổi tiếng học giỏi và xinh đẹp ở Huế và Sài Gòn đã chọn tên của các vua như Gia Long, Đồng Khánh? Tại sao không chọn tên như Huyền Trân, Ngọc Hân, Ngọc Vạn, phù hợp với nữ sinh hơn, để họ hãnh diện với giới nữ lưu của mình?
Đà Nẵng ngày nay nhiều nơi thay đổi, những nét đẹp riêng của ngày xưa thân ái biến mất! nhất là cựu học sinh Phan Thanh Giản, Hồng Đức, Sao Mai…buồn da diết vì trường bị đổi tên! Hy vọng rồi một ngày đó phải lấy lại tên trường cũ, tên đường xưa. Người ta phải trả lại sự thật cho lịch sử, và họ không thể xoá mất niềm tự hào của những cựu học sinh xuất thân từ các trường đó. (Trường Sao Mai đổi tên là Trần Phú, nơi đó đã bán cho một doanh thương của Mỹ thành lập Hotel? Và một phần đất của trường Phan Châu Trinh cũ sẽ bán cho cafe Trung Nguyên?) Thành phố Đà Nẵng ngày nay được mở rộng, phát triển về du lịch … Cơn bảo số 9 vừa qua không tránh khỏi sự tàn phá hư hại nhiều, do sự xây cất không đúng tiêu chuẩn, người dân phát hiện ở các đoạn bờ kè dọc theo biển bị vở vì không có cây sắt nào làm lõi bên trong, khi sóng lớn tràn qua thì bờ kè bê tông vở bể ngổn ngang, cột đèn dựng không móng, cầu bắt ngang sông Hàn thường xảy ra lý do kỹ thuật xây cất.. do sự tham nhũng, ăn xén rút ruột vật liệu.... Đó là một nỗi buồn của người dân Đà Nẵng và cho dân tộc Việt Nam, chiến tranh chấm dứt hơn 3 thập niên rồi nhưng trong chỉ số xếp hạng về Phát triển Con người (HDI) của LHQ tập trung vào ba yếu tố: tuổi thọ trung bình, học vấn, và mức sống Việt Nam đứng thứ 116/182 quốc gia. Việt Nam đứng sau hầu hết các nước trong khối Đông Nam Á, Asean, chỉ trên Lào (133), Campuchia (137) và Miến Điện (138).
Cựu học sinh các trường ở Đà Nẵng ra hải ngoại, đã thành đạt trong mọi lãnh vực Kinh tế, khoa học, kỹ thuật… khắp nơi. Đóng góp hữu ích cho xã hội. Trước 1972 một số cựu học sinh Phan Thanh Giản và Phan Châu Trinh du học Đức, người thành công nhất tại tiểu bang Bavaria là Trần Gia Phước (HSPTG) em út nhà văn nghiên cứu sử Trần Gia Phụng là (cựu giáo sư PCT, định cư ở Toronto, Canada, đã viết bộ Việt Sử Đại Cương và những tác phẩm văn học sử giá trị). Trần Gia Phước cũng như các bạn du học tốt nghiệp tiến sĩ kỷ sư, sau đó làm việc cho đại học Siegen và Stuttgart, làm xong luận án giáo sư (habilitation). Phước cũng đã làm việc cho SEL/ITT/AlcatelLucent và IBM Research Lab. Phước còn có 27 bằng phát minh được công nhận, và viết nhiều sách, tài liệu về khoa học, viễn thông. Trần Gia Phước đang cố vấn cho các hãng Bosch, Siemens, Datev, cũng như Bộ Giáo dục và Khoa Học Cộng Hoà liên bang Đức (BMBF), Cộng đồng châu Âu, về các phát triển tin học và viễn thông.
Năm 1988 Phước được mời làm giáo sư thực thụ (chairman) tại Đại học Julius-Maximilians-Universität Würzburg. Giao Sư Trần Gia Phước dạy các chương trình điện toán (computer and communication networks/Informatik / informatics), và đã làm khoa trưởng khoa toán và tin học (2007-2009), Đại học Würzburg tiểu bang Bavaria, (ở Đức các chức vụ trên rất khó, phần lớn là người Đức, người ngoại quốc phải thuộc loại thượng thặng lắm mới dành được địa vị danh dự đó, tỷ lệ chỉ đếm trên đầu ngón tay). Ngoài ra Phước còn được nhiều Đại học trên thế giới mời dạy là „giáo sư thỉnh giảng“ (canterbury University, RMIT). Như bài thuyết trình chủ đề về „Next Generation Internet„ được nhiều khoa học gia quốc tế hâm mộ. Giao Sư Trần Gia Phước (quê quận Duy Xuyên, Quảng Nam) sự thành công của Phước mang lại vinh dự cho học sinh trường Phan Thanh Giản Đà Nẵng và cộng đồng người Việt tị nạn ở Đức. (trong phần nầy chỉ nói đến cựu Học sinh tại Đà Nẵng, thật ra rất nhiều người xuất than từ Huế,Hội An,Tam Kỳ…thành đạt rất đông trên mọi lãnh vực: khoa học kỹ thuật…).
Cựu học sinh các trường Quảng-Đà đều có Hội Ái Hữu, sinh hoạt, Đại hội Liên trường có cơ hội gặp nhau „ôn cố tri tân“ cũng như bảo tồn với danh xưng của ngôi trường xưa. Trường Phan Châu Trinh có truyền thống lâu, được thành lập từ năm 1954 hàng năm tỷ lệ thi đậu Tú tài nhiều hơn các trường tư thục, vì học sinh đông mỗi niên khoá hơn 3000, sinh hoạt nhà trường có kỷ luật nghiêm khắc, có thư viện, phòng thí nghiệm đầy đủ…
Thời gian trôi qua, chúng ta giờ nầy tóc đã bạc hoa râm, nhiều người đã lên chức ông bà: nội-ngoại hàng ngày đưa đón con cháu đi học, đôi lúc cũng gợi lại một thoáng kỷ niệm tuổi học trò. Thời chúng ta đi học thường nghỉ 3 tháng hè, có thể thời tiết mùa hạ ở quê mình quá nóng? trong khi các quốc gia ở Châu Âu và Mỹ chỉ nghỉ hè 6 tuần lễ mà thôi. Mùa hè những hàng cây phượng ở sân trường, trên đường phố, ven sông nở đỏ thắm dưới bầu trời xanh biếc, vang vang tiếng ve sầu như bản hòa tấu cùng vẻ đẹp của thiên nhiên làm say đắm lòng người. Thời chúng ta chiến tranh bom đạn tàn phá quê hương, miền quê xa thành phố không có an ninh, các tỉnh lộ thường bị VC đặc mìn bắn sẻ bắt cóc..Nên nghỉ hè bạn bè có thể du ngoạn các vùng ngoại ô Đà Nẵng, Hội An hưởng không khí trong lành, hít thở mùi thơm của luá, cỏ cây và gió biển, hình ảnh ba tháng hè nao nức rộn ràng
Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã đến
Ðàn trai non hớn hở rủ nhau về
Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê
Ôi tất cả mùa xuân trong muà hạ
Xuân Tâm
Thời chiến thanh niên từ 18 tuổi phải thi hành quân dịch nên mỗi muà hè đến và đi, thường có nhiều thay đổi trong năm trung học đệ nhị cấp. Nam sinh từ 18 được hoãn dịch học vấn, nếu thi hỏng tú tài thì vào trường hạ sĩ quan bộ binh Đồng Đế Nha Trang, nữ sinh thì tà tà, bị rớt kỳ thi nầy chờ đến năm sau, nếu không nản lòng chịu khó học chăm thì có tên trên bảng vàng.
Thời gian học trường Phan Châu Trinh, giờ ra chơi hay chờ học giờ sau, chúng tôi thường đứng trước tiệm sách Việt góc đường Thống Nhất nay đổi là “Lê Duẩn” và Lê Lợi. Nữ sinh Phan Thanh Giản xinh đẹp với chiếc nón lá bài thơ, áo dài trắng thướt tha đi qua nghe những lời trêu gẹo của chúng tôi, chắc chắn làm trái tim các cô rung động, bước chân sai nhịp và từ đó có những cuộc tình vỡ tan hay thành gắn bó sau này nên nghiã vợ chồng, tình yêu tuổi học trò thời đó đẹp trong trắng ấp ủ như thơ ..
Sao em biết anh nhìn mà nghiêng nón
Chiều mùa thu mây che có nắng đâu
Nắng sẽ làm phai mái tóc xanh màu
Sẽ làm khô làn môi en dịu ướt
……………….
Có sao đâu mà em phải cúi đầu từ khước
Nếu nghiêng nón có nghĩa là từ khước
Thì mười ngón tay em sao bỗng quấn quít đan nhau
Nửa vầng má em bỗng thắm sắc hồng đào
Ðôi chân bước ..anh nghe chừng sai nhịp.
Thu Nhất Phương
Tình yêu trải dài theo con đường xưa in bóng, những năm học canh cánh bên lòng với những ước mơ thầm lặng, để con tim vấn vương những nỗi buốn vô dạng „tình đậm đà mực tím mực xanh“
Em vào đệ thất Phan Thanh Giản
Ta lên đệ ngũ Phan Châu Trinh
Đi về cùng chung ngã nên quen mặt
Cùng liếc nhìn nhau cùng lặng thinh......
Luân Hoán
Tuổi học trò, mỗi người đều có những nỗi vui buồn khác nhau, nữ sinh thì thích viết lưu bút cuối niên học, Nam sinh thích quậy phá đá banh, đánh bóng rổ, vui nhất là những lần thi đấu với trường Thọ Nhơn, trường nầy đánh rất hay chiếm được cúp thể thao. Nữ sinh Thọ Nhơn đồng phục áo trắng váy xanh, con trai Việt rất khó tán các em, nhưng nếu các em ra học các trường như Phan Thanh Giản, là những con nhạn lạc đàn, những nữ sinh nầy thuộc gia đình giàu văn minh không bảo thủ, «con gái người Trung hoa phải lập gia đình với người bản xứ». Nên đã có cuộc tình của đôi tài sắc thi sĩ Thái Tú Hạp và Ái Cầm là cựu nữ sinh Phan Thanh Giản? Thiếu-Lan dáng cao có mái tóc si-ton, nước da màu trứng gà xinh đẹp như con búp bê, cô gái Tàu mặc áo dài càng thêm duyên dáng thướt tha đã làm cho nhiều chàng thư sinh trồng cây si.
Năm học đệ nhất đánh dấu một giai đọan trưởng thành của đời học sinh. Đậu xong Tú tài toàn phần đã thành cô cậu Tú, tương lai rộng mở hơn. Tôi là cựu học sinh Phan Châu Trinh, nhưng có kỷ niệm định đoạt cuộc đời của tôi qua hai kỳ thi Tú tài đều được sắp thi ở trường Phan Thanh Giản. Những năm ở Huế chiến tranh càng ngày thêm khốc liệt, những trận đánh đẫm máu ở Quảng Trị, Huế luôn nằm trong lo sợ như TẾT Mậu thân 1968 khói lửa, điêu linh với hàng ngàn chiếc khăn tang....
Giấy hoãn dịch học vấn là một chiếc chià khoá cuối cùng của đời sinh viên. Những năm học kế tiếp tôi thường gặp thêm các nữ sinh Phan Thanh Giản, Hồng Đức... ra Huế học đại học. Con người cũng giống như con chim, một khi đủ lông đủ cánh thì bay xa. Trước 1975 tôi vào làm việc ở Saigòn thời gian ngắn, sau 30.4.1975 đổi đời phải học tiếp «hậu Đại học» của chính quyền mới và họ cho một từ mới lạ là «ngụy quyền». Cũng may là tôi còn độc thân không làm khổ lụy gia đình vợ con! Thân phận chung cả triệu người cùng một hoàn cảnh lịch sử đổi thay, thời kỳ đen tối khó quên. Chồng đi học tập cải tạo, vợ trước đây là những nữ sinh chân yếu tay mềm phải trăm bề vất vả nuôi chồng, nuôi con phụng dưỡng cha mẹ già.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông
Một duyên hai nợ, âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công
Trần Tú Xương
Cuộc đời có sự bù trừ, không ai phải khổ cả đời, chim nhốt trong lồng cũng được mở cửa phóng sinh, tôi được tự do từ trại cải tạo về, chưa được phục quyền công dân, thì vượt biên ra biển Đông được tàu Cap Anamur vớt. Các quốc gia trên thế giới đã mở rộng bàn tay nhân ái, đóng nhận người Việt ra đi tìm tự do. Hơn một thập niên, trại tị nạn đóng cửa chương trình nhận người từ các trại tị nạn Đông Nam Á chấm dứt...
Một thời gian sau nhờ bà Khúc Minh Thơ là người đã có công vận động tranh đấu cho chương trình H.O «Humanitarian Operation», nhiều gia đình thuộc diện tù nhân chính trị đã ra đi, hay theo chương trình Ra Ði Có Trật Tự (ODP). Orderly Departure Program. Cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ càng ngày đông hơn, nơi nào có người Việt nơi đó cờ vàng ba sọc đỏ tung bay. Hàng năm thường tổ chức Đại Hội Liên Trường Quảng Đà. Những cánh chim lạc đàn bay về tổ ấm, dù nơi đó không phải ở trên quê hương thân yêu! xa quê hương chúng ta có dịp cùng sống lại với tuổi học trò, khó quên những trận mưa giông bốc mùi đất nồng nặc, những đêm trăng vằng vặc trong tiếng dế thâu đêm. Trưa hè bên bờ tre, giếng nước, tiếng ve sầu chỉ còn lại một dư âm mãi mãi. Quê hương Quảng Nam chúng ta đã xa cách, Những ngày hội ngộ rồi chia tay nuối tiếc
Giờ họp mặt, gặp nhau dăm mười đứa
Tóc hoa râm, vai nặng gánh phong trần
Nợ áo cơm cuối đời chưa trả hết
Mộng tang bồng tan biến tuổi hoa niên
Lam Hà
Xứ cờ hoa đất rộng, người Việt đông lợi thế hơn ở Các quốc gia Âu Châu. Nên từ Houston, Washington, San Jose, Boston.. cho tới Little Saigon Thủ đô văn hóa của người Việt tị nạn CS là những nhip cầu nối kết được tình đồng hương, cùng trường sống lại kỷ niệm đẹp đã qua. Kính chúc quý Đồng Hương luôn bình an và may mắn, sức khoẻ tốt tiếp tục thành công trên mọi lãnh vực, để hãnh diện làm người con Quảng Nam của “Ngũ Phụng Tề Phi”