Phong tục ở Đức, Chúa Nhật cuối tháng 11 hay đầu tháng 12, người ta đốt cây nến đầu tiên trên vòng hoa, để chào đón Chúa Nhật mùa vọng I gọi là chuẩn bị (preparation). Chúa Nhật II mùa vọng là tình yêu thương (love). Ngày nầy cho tôi sự ngạc nhiên, vui mừng như một sự nhiệm màu, sưởi ấm tình yêu quê hương đã 32 năm xa cách. Mùa vọng II ngọn nến thứ 2 rực sáng đánh dấu ngày 9/12 sinh viên, thanh niên Việt Nam, lần đầu tiên trong lịch sử của XHCN tham gia biểu tình ôn hòa, bất bạo động trước Đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc ở Hà Nội và Sài Gòn, để phản đối việc xâm chiếm các quần đảo Hoàng Sa (Pattle/ Paracel Archipelago) và Trường Sa (Sparley/ spratly Archipelago). Trung quốc cho Hải quân tập trận ở vùng biển Hoàng Sa, và thành lập ra một huyện mới thuộc tỉnh Hải Nam, lấy tên là Tam Sa, trong đó có hai vùng của Việt Nam là Hoàng Sa (họ gọi là quần đảo Tây Sa) và Trường Sa (họ gọi là quần đảo Nam Sa) cùng với quần đảo Trung Sa ở gần Phi Luật Tân. Trung Quốc đã nhiều lần vi phạm chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam, một phần thác Bản Giốc, ải Nam Quan đã thuộc về bên kia biên giới!
Lời lẽ trịch thượng, đe doạ của phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Tần Cương, giống như quan Thái thú thời xa xưa tuyên báo „lãnh đạo Việt Nam cần có biện pháp hữu hiệu để chấm dứt tình trạng này, phòng việc quan hệ song phương bị tổn hại“. Trước đó, ông cũng tuyên bố Trung Quốc có chủ quyền "không thể chối cãi" tại Nam Hải và các vùng biển lân cận. "Đây là lập trường trước sau như một của Trung Quốc".
Việt nam có chủ quyền một nước độc lập, với một truyền thống văn hoá riêng, Việt Nam đâu làm nô lệ cho Trung quốc, mà họ ra lệnh cho chính quyền Việt Nam đàn áp biểu tình? Hàng năm G8 họp chung Sumnit/Grifel (8 cường quốc Đức-Anh-Pháp-Nhật-Gia Nã Đại-Ý-Nga và Hoa Kỳ họp nhau) thường xảy ra hàng chục ngàn người biểu tình, phản đối các chính sách về kinh tế, môi sinh.. đôi khi bạo động ném đá, đốt cháy xe.. Nguyên thủ các quốc gia tham dự cuộc họp trên, cũng không có quyền than phiền quốc gia tổ chức, hay ra lệnh dẹp biểu tình! huống hồ Trung quốc vừa ăn cướp vừa đe doạ, chỉ là hành động rung cây nhác khỉ?
Mùa vọng III là vui mừng (joy). Mọi người đều tiếp tục theo dõi tình hình Việt Nam và vui mừng thấy sinh viên, thanh niên, văn nghệ sĩ tiếp tục biểu tình chống vi phạm lãnh hải của Trung quốc, Ở Hà Nội nhiều người tham dự khí thế hào hùng hơn Sài Gòn. Dù chính quyền Việt Nam đã có hành động phong tỏa, ngăn chận không cho người dân tham gia biểu tình, nhưng sinh viên, thanh niên không ngại khó khăn lùi bước trước sự đàn áp của công an. Họ đã dũng cảm tham gia biểu tình, làm xúc động lòng người khơi dậy tình yêu đối với Tổ Quốc dâng trào. Tinh thần của sinh viên, thanh niên trong nước đã khiến cho tôi và có thể người Việt hải ngoại, gác qua những dị biệt màu cờ sắc áo, cùng một hướng nhìn đến tương lai và dân tộc, Người tị nạn CS đã biểu tình nhiều nơi trên thế giới phản đối trước các toà Đại sứ Trung quốc, luôn sát cánh cùng với thanh niên, sinh viên Việt Nam yêu nước, không bao giờ để các bạn cô đơn. Chúng ta cùng hát „dậy mà đi đồng bào ơi!“ „Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ. Đã có hàng trăm Hội Đoàn lớn ở hải ngoại lên tiếng, biểu tình phản đối hành động xâm lược của Trung cộng chiếm các quần đảo của Việt Nam, và phê bình chính phủ Việt Nam.
Nhìn lại lịch sử Việt Nam luôn bị kẻ thù phương bắc lấn chiếm, chúng ta không thể làm ngơ cho bọn bành trướng, xâm lăng bờ cõi, do tổ tiên đã đổ xương máu để dựng nước “tấc đất tấc vàng“. Vì trách nhiệm, danh dự chung “Quốc gia suy vong, thất phu hữu trách“. Chúng ta phải đoàn kết và làm sao cho mỗi người dân, thế hệ trẻ biết rõ quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như biên giới từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau. Sinh viên, thanh niên là rường cột của nước nhà, biểu tình chống ngoại xâm là một hành động yêu nước. Người nào bán nước theo giặc, sẽ bị lịch sử phán xét công minh, sự gian dối che đậy, không bao giờ dấu dưới ánh mặt trời. Nhiều tài liệu đã công báo (1)
Mùa vọng IV là món qùa của Thiên Chúa (gods gift). Chúng tôi là những người hoàn toàn sinh hoạt độc lập, không đảng phái nhưng vác cờ vàng 3 sọc đỏ biểu tình, trước Sứ quán Trung Quốc phản đối họ chiếm các quần đảo của Việt Nam.
TỔ TIÊN DỰNG NƯỚC, CON CHÁU PHẢI GIỮ NƯỚC
Ngược dòng lịch sử Tổ Tiên Việt Nam chống lại kẻ thù phương bắc để dành lại chủ quyền, những vị anh hùng như Bà Trưng đánh đuổi Thái thú Tô Định, Bà Triệu chống lại quân Ngô, Trần Hưng Đạo đánh quân Nguyên, Nguyễn Trãi Bình Ngô Đại Cáo, Lý Thường Kiệt phá Tống bình Chiêm, Ngô Quyền đánh Nam Hán, Lê Lợi đánh quân Minh, Trần Quốc Toản phá cường địch Báo Hoàng Ân…Quang Trung chiến thắng mùa xuân Kỷ Dậu 1789 …Qua những thời đại lập nước của Tổ tiên, hàng ngàn năm kẻ thù phương bắc luôn kiếm cách xâm lăng, xương máu của dân tộc Việt Nam đổ ra bằng nước sông Hồng, gần 1000 năm bắc thuộc nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hoá, phong tục không bị đồng hóa.
Vấn đề biên giới trong bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư viết cho rằng Mạc Đăng Dung đã „dâng các động Tề Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, An Lương, La Phù của Châu Vĩnh An, trấn Yên Quảng, cho nội thuộc vào Khâm Châu. Dầu đã cắt bốn hay năm động của thổ dân giao cho Trung Hoa, nhà Mạc vẫn giữ ải Nam Quan thuộc về Đại Việt (2)
Về vấn đề lãnh hải của nước Việt Nam, từ thế kỷ thứ 17 qua các đời chúa Nguyễn, cho chiến thuyền viếng Hoàng Sa và Trường Sa, và thiết lập một hải đội lấy tên là hải đội Bắc Hải để bảo vệ các hải đảo này. Trước đó đời Lê, Lê Quý Đôn là quan phụ trách vùng Thuận Hoá, Quảng Nam. Ông đã viết Phủ biên Tạp Lục năm 1776, tại Quảng Nam nói về hai đảo Hoàng sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam. Không có một sử liệu nào của Tây phương ghi Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung quốc. Ngay cả các tài liệu của Trung quốc (trước năm 1909) cũng không có nơi nào viết hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung quốc. Hoàng Sa gồm 13 đảo san hô tí hon tại các vĩ tuyến 17-15 Bắc, phía đông Quảng trị Thưà Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Trường Sa với 9 đảo nhỏ hơn nữa tại các vĩ tuyến 12-7 Bắc, dọc từ Cam Ranh về Nam Cà Mau. Có khoảng 500 đảo, cồn, đá, bãi nằm rải rác trên biển cả, từ Việt Nam qua Phi Luật Tân, không có thường dân cư ngụ và không tự túc về kinh tế. Trong số này chỉ có hơn 50 đơn vị có địa danh, gồm 28 cao địa và hơn 20 đơn vị đá chìm và bãi ngầm. Vùng biển Trường Sa bao la (180.000 dậm vuông) rộng gấp 10 lần Hoàng Sa nhưng chỉ có 9 tiểu đảo. Việt Nam làm chủ quyền 3 đảo: Trường Sa (Spratley), Nam Yết (Namyit) và Sinh Tồn (Sincowe).
Tại thư viện Anh Quốc còn giữ những bản đồ của người Trung Quốc từ đời Thanh, công nhận các quần đảo Ðại Trường Sa và Tiểu Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam. Một giáo sư sử học khác đã tìm thấy ở văn khố nước Úc những tài liệu sách lịch sử địa lý của Trung Quốc chứng tỏ họ chỉ mới nói đến các quần đảo này từ đầu thế kỷ 20.(3)
-Năm 1802 vua Gia Long thống nhất đất nước, trị vì (1802-1820) sai làm các bộ tài liệu như: Dư Địa Chi, Đại Nam Thực Lực, Đại Nam Nhất Thống Chí cũng đều ghi là Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam
-Năm 1816 vua Gia Long chính thức ra lệnh cắm cờ trên đảo và đo thuỷ trình
-Năm 1835 vua Minh Mạng trị vì (1820-1840) cho xây đền, đặt bia đá, đóng cọc, và trồng cây khai thác tuần tiểu do Đội Hoàng sa và Đội Bắc Hải bảo vệ 2 quần đảo
Thời Pháp thuộc
Pháp bảo hộ Việt Nam ký Hoà Ước Giáp Thân ngày 6 tháng 6 năm 1884, gần 80 năm Việt Nam làm thuộc địa cho thực dân Pháp
-Năm 1887 Hiệp ước ký kết giữa Pháp và nhà Thanh ấn định biên giới Việt Nam và Trung Hoa
-Năm 1899: Toàn quyền Paul Doumer đề nghị chính phủ Pháp xây ngọn hải đăng nhưng không thực hiện được vì thiếu tiền
-Năm 1909. Tổng đốc Lưỡng Quảng ra lệnh thám thính đảo Hoàng sa
-Năm 1920: Mitsui Busan Kaisha xin phép Pháp khai thác quần đảo Hoàng Sa, Pháp từ chối. Bắt đầu năm 1920: Pháp kiểm soát quan thuế và tuần tiễu trên đảo.
Bắt đầu từ năm 1925: Tiến hành những thí nghiệm khoa học trên đảo do Dr. Krempt giám đốc Viện Hải dương học Nha Trang tổ chức
-Ngày 8/3/1921 Toàn quyền Đông Dương tuyên bố hai quần đảo; Hoàng Sa và Trường sa là lãnh thổ của Pháp.
-Năm 1927 Tàu De Lanessan đến quần đảo Trường Sa
-Năm 1930 Ba tàu Pháp La Malicieuse, L’alerte và L’Astrobale chiếm quần đảo Trường Sa và cắm cờ Pháp trên đảo nầy.
-Năm 1931: Trung Hoa ra lệnh khai thác phân chim tại quần đảo Hoàng Sa, ban quyền khai thác phân chim cho Cty Anglo Chinese Development, Pháp phản đối
-Năm 1932: Pháp chính thức tuyên bố An Nam có chủ quyền lịch sử trên quần đảo Hoàng sa sát nhập với tỉnh Thưà Thiên
-Năm 1933: Quần đảo Trường Sa được sát nhập với tỉnh Bà Rịa.
-Năm 1938: Pháp cho đặt bia đá, xây hải đăng, đài khí tượng và đưa đội biên phòng người Việt ra để bảo vệ đảo Pattle Hoàng sa của quần đảo Hoàng Sa
-Năm 1946: Nhật bại trận phải rút lui. Pháp trở lại Pattle (An Vĩnh)
-Năm 1947: Quân của Tưởng Giới Thạch đổ bộ lên đảo Woody (đảo Phú Lâm) của quần đảo Hoàng Sa. Pháp phản đối và gửi quân Pháp - Việt trở lại đảo. Hai bên đàm phán tại Paris. Pháp đề nghị đưa ra trọng tài Quốc tế nhưng Trung Hoa từ chối
-Năm 1950: Quân của Tưởng Giới Thạch rút lui khỏi đảo Wooday và Chu Ân Lai muốn đòi hai quần đảo Hoàng sa và Trường Sa của Việt Nam
-Năm 1951: Tại Hội nghị San Francisco, Nhật tuyên bố từ bỏ tất cả các đảo, Đại diện chính phủ Bảo Đại là Thủ tướng Trần Văn Hữu khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo mà không có nước nào phản đối
-Năm 1956: Quân đội Pháp rút khỏi Đông Dương. Đội canh của Pháp trên đảo Pattle
được thay thế bởi đội canh gác của Việt Nam
-Ngày 1-6-1956: Ngoại trưởng Việt Nam Cộng Hoà Vũ Văn Mẫu xác nhận lại chủ quyền của VN trên 2 quần đảo trên
-Ngày 22-8-1956: Hải quân Việt Nam Cộng hoà cắm cờ trên quần đảo Trường sa và dựng bia đá chủ quyền. Trung quốc lén chiếm đảo Linh sơn phía Đông của quần đảo Hoàng Sa, tức nhóm Amphitrite (Nhóm Đông). Trong khi phía Tây, nhóm Crescent (Lưỡi Liềm), vẫn do quân của VN đóng trên đảo Pattle
-Năm 1958: Trung quốc vẽ bản đồ mới tuyên báo lãnh hải của mình 12 hải lý. Thủ Tướng Phạm Văn Đồng ký nghị định công nhận ngày 14.0.1958!
-Năm 1961: Việt Nam Cộng Hoà xáp nhập quần đảo Hoàng Sa với tỉnh Quảng Nam.
-Năm 1973: Quần đảo Trường Sa được xáp nhập vào tỉnh Phước Tuy.
-Năm 1974: Trung Quốc cưỡng chiếm toàn quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) đang thuộc quyền kiểm soát của Việt Nam Cộng hòa. Năm 1974, trận hải chiến Hoàng Sa đã làm 50 Hải Quân VNCH hy sinh. Từ năm 1974, Trung quốc chiếm toàn thể Hoàng sa gồm 13 đảo: đảo phía Đông Bắc thuộc Nhóm Tuyên Đức (Amphitrite) trong đó có Đảo Phú Lâm (Woody Island) hình bầu dục, diện tích 1.3km2. Nếu là hình chữ nhật, bề dài có thể là 1300m và bề ngang 1000m (bằng một công viên nhỏ). Phú Lâm là đảo lớn nhất tại Hoàng Sa và Trường Sa.
6 đảo phiá Tây Nam thuộc Nhóm Nguyệt Thiềm (Crescent), trong đó có đảo Hoàng Sa (Pattel) rộng 0.56km² bằng ½ Phú Lâm và bằng 1/1000 Phú Quốc (568 Km2) Vùng biển Trường Sa bao la (180.000 dậm vuông) rộng gấp10 lần Hoàng Sa nhưng chỉ có 9 tiểu đảo. Việt Nam chiếm 3 đảo: Trường Sa (Spratley), Nam Yết (Namyit) và Sinh Tồn (Sincowe).
Nhìn lại diễn biến lịch sữ
(Hiệp định Paris Hoa Kỳ không muốn Liên bang Xô viết qua chính quyền Hà Nội dùng Hoàng Sa và Trường Sa dòm ngó Nam Thái bình dương, gây khó khăn trên thủy lộ từ Ấn độ dương xuyên qua eo biển Malacca lên phía tây bắc Thái bình dương, con đường huyết mạch cho hạm đội của Hoa Kỳ, và cũng là con đường chuyển vận dầu hỏa từ Trung đông đến Nhật Bản, Đài Loan, Nam Hàn, những đồng minh của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đã dàn xếp, qua một cuộc gặp gỡ giữa Henry Kissinger, bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ và thủ tướng Trung quốc Chu Ân Lai tại Bắc Kinh để Trung quốc chiếm đảo Hoàng Sa chận ảnh hưởng của Liên Xô tiến về nam Thái Bình Dương. Vào thời điểm này quan hệ giữa Hà Nội và Mạc Tư Khoa tốt đẹp nhưng căng thẳng với Bắc Kinh. Trong khi đó Hoa Kỳ vừa thiết lập bang giao với Bắc Kinh và quan hệ giữa hai nước khá tốt đẹp (Quần đảo Hoàng Sa là thuộc thành phố Đà Nẵng Quảng Nam, cách Đà Nẵng 390km. Quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa Nha Trang nguyên thuộc tỉnh Phước Tuy thời Việt Nam Cộng hòa, cách Sài Gòn 670km.
Ngày 28-1-1979, Đặng Tiểu Bình đến Washington gặp Jimmy Carter, thuyết phục Carter nhìn nhận sự “bất an” của Thế giới khi Việt Nam bắt tay với Liên Xô. Trong chuyến đi đó, người Mỹ đã đọc được thông điệp về một cuộc chiến mà Đặng sẽ gây ra cho người Việt. Người Mỹ đã để cho Đặng “dạy cho Việt Nam một bài học”)
-Năm 1975: Quân đội NDVN Việt Nam thay thế quân đội của VNCH tại quần đảo Trường Sa.
-Năm 1977: Việt Nam tuyên bố lãnh hải, kể cả lãnh hải của các đảo
-Năm l982 với tư cách một ngũ cường, Trung Hoa hoan hỉ ký Công Ước về Luật Biển. Ký xong, Bắc Kinh mới thấy lo! Những điều khỏan trong Công Ứóc đã quá rõ rệt. Các quốc gia duyên hải chỉ được hưởng quy chế 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục điạ kể từ biển lãnh thổ.
Trong khi đó Trường Sa cách lục địa Trung Hoa khoảng 750 hải lý, nên không nằm trong thềm lục địa của Trung Hoa. Hoàng Sa cũng cách Hoa Lục lối 270 hải lý.
Tại bờ biển Việt Nam, thềm lục địa chạy thoai thoải từ dãy Trường Sơn ra Hoàng Sa. Về địa hình, Hoàng Sa là một hành lang của Trường Sơn từ Cù Lao Ré ra khơi. Đây là những bình nguyên của thềm lục địa Việt Nam trên mặt biển. Năm 1925, nhà địa chất học quốc tế Tiến Sĩ Khoa Học A. Krempf, Giám Đốc Viện Hải Học Đông Dương, sau 2 năm nghiên cứu và đo đạc đã lập phúc trình và kết luận: “về điạ chất, những quần đảo Hoàng sa thuộc về VIỆT NAM”
Trường Sa cũng vậy. Về độ sâu và địa hình đáy biển, các đảo cồn đá bãi Trường Sa là sự tiếp nối tự nhiên của thềm lục địa Việt Nam. Tại bãi Tứ Chính , nơi khai thác dầu khí, biển sâu không tới 400m, và tại vùng đảo Trường Sa độ sâu chỉ tới 200m. Bãi Tứ Chính cách bờ biển Việt Nam khoảng 190 hải lý và cách lục địa Trung Hoa tới 780 hải lý. Trường Sa cách Việt Nam 220 hải lý và cách Hoa Lục 750 hải lý. Từ Trường Sa về bờ biển Trung Hoa có rãnh biển sâu hơn 4600m. Bị ràng buộc bởi Luật Biển với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý gây bất ổn, tranh chấp lung tung, thao diễn, phóng hỏa tiễn, lấn chiếm bừa bãi tại miền bờ biển để gây tiếng vang. Mục đích để phá rối an ninh trật tự, làm cản trở giao thông trên mặt biển, tạo áp lực, hù dọa và khuyến dụ các quốc gia Đông Nam Á hãy tạm gác vấn đề tranh chấp chủ quyền hải đảo, cùng nhau khai thác dầu khí chung tại thềm lục điạ và đánh cá chung vùng đặc quyền kinh tế (4)
-1988: Trung Quốc chiếm thêm một số đảo và đá trong quần đảo Trường Sa đang thuộc quyền kiểm soát của Việt Nam. Một cuộc đụng độ với hải quân Việt Nam và Trung Quốc gần Trường Sa. Hải quân Việt Nam tử trận 70 người. từ 1988 khi xâm lấn Trường Sa, họ lại thừa thắng xông lên chiếm thêm một số hải đảo và kiểm soát rộng vùng biển đánh cá của ngư dân Việt Nam
-Năm 1990: Trung Quốc đề nghị khai thác chung quần đảo Trường Sa.
-Năm 1992: Trung Quốc chiếm thêm một số đảo nữa.
-Năm 1994: Đụng độ giữa Việt Nam và một chiếc tàu Trung Quốc nghiên cứu cho Cty Crestone. Hiện nay Trung Quốc kiểm soát toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Còn quần đảo Trường Sa thì do sáu quốc gia và lãnh thổ chiếm giữ là: Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippin, Malai….
-1995 Trung Quốc âm thầm chiếm đá Vành Khăn nằm trong Vùng EEZ Kinh tế Đặc quyền của Phi.
-1998 Trung Quốc tiếp tục xây các căn cứ quân sự lâu dài trên đá Vành Khăn, có cả sân bay trực thăng, đài radar, những ụ súng phòng không, treo cờ Trung cộng và có các chiến hạm tuần tiễu, bất chấp sự phản kháng mạnh mẽ của Phi.
Ai cũng biết các đảo cho dù nhỏ hẹp tới đâu, nhưng khi thuộc về một quốc gia nào, người ta sẽ viện dẫn theo Luật biển về vùng kinh tế đặc quyền 200 hải lý để đòi hưởng trọn các nguồn tài nguyên về hải sản và các mỏ dầu khí trong đó, chưa kể tới giá trị chiến lược của các căn cứ quân sự
Vấn đề là Trung quốc xâm chiếm các quần đảo trên, để thực hiện giấc mộng bá quyền bành trướng. Hải quân Việt nam chưa đủ sức mạnh đánh bật kẻ thù ra khỏi lãnh hải. Sự có mặt của Hải quân Trung quốc trên biển Đông là sự đe doạ cho các nước láng giềng như Nhật, Đài Loan, Phi, Nam Dương, Mã Lai, Ấn Độ và Việt Nam.Trong tương lai các quốc gia Đông Nam Á phải “Hợp tác Chiến lược” (Strategic Partnership) để chống lại sự bành trướng của Trung quốc bằng hành động „cá lớn nút cá bé“. Các quan sát Tây phương cũng nhận định được hướng đi của Trung quốc trên mặt trận kinh tế, làm đồ nhái phá thị trường thế giới, ăn cắp kỹ thuật của các nước Tây phương, thức ăn, đồ chơi trẻ em phát hiện có chất độc nguy hiểm. Nếu thế giới tẩy chay hàng hóa, một ngày nào đó Trung quốc sẽ suy thoái, con sư tử Trung quốc sẽ dẫy chết (kinh nghiệm liên bang Sô Viết và các nuớc Đông Âu) .. Chúng ta biểu tình để thế giới biết các quần đảo trên thuộc về Việt Nam. Tương lai khi chúng ta đủ sức mạnh và quyền lực sẽ lấy lại chủ quyền các quần đảo và bảo vệ ngư dân đánh cá không bị bọn cướp bể bắn giết.
Kính chúc độc giả đêm Giáng Sinh vui vẽ, bình an may mắn „Vinh danh Thiên Chuá trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm“
(1) http://www.thienlybuutoa.org/Misc/conghambannuoc_phamvandong1.jpg
(2) Ải Nam Quan Tác giả Trần Gia Phụng nhà xuất bản Non nước 2002
(3) Báo Người Việt
(4) tài liệu của tiến sĩ Đặng Minh Thu trên trang
http://hoangsa.org/diendan/viewforum.php?f=5
Tài liệu đọc thêm
http://hoangsa.org/diendan/viewtopic.php?f=5&t=34
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/programmes/story/2007/12/vietnamtoday_wk50_2007.shtm http://www.bbc.co.uk/vietnamese/indepth/cluster/2007/12/071210_viet_china_islands.shtmll