TAN MỘT GIẤC MƠ


Nguyễn Quý Đại

Thời gian qua ngân hàng ở Hoa Kỳ bị khủng hoảng gây ảnh hưởng lớn trên thị trường kinh tế thế giới. Thứ Hai đen „schwarze Montag“ ngày 19.9  sự phá sản của đại ngân hàng US-Investmentbank Lehman Brothers hoạt động từ 1850 đến nay là 158 năm. Merrill Lynch phải bán cho Bank of America. Ngân hàng Washington Mutual (WaMu) lớn nhất của Hoa Kỳ cũng bị mất tiền từ việc đầu tư không thành công, trong đó phần lớn tiền cho vay trả góp, người gửi tiết kiệm mất tin tưởng đã đồng loạt rút tiền ra, ngân hàng không còn vốn để đầu tư, WaMu đã sa thải tổng giám đốc điều hành Kerry Killinger là một trong những ngân hàng cho vay bị ảnh hưởng nặng nề nhất do cơn khủng hoảng thị trường điạ ốc. Cơ quan Giám sát Ngân hàng Thương mại (OTS) yêu cầu WaMu bán tài sản cho JPMorgan Chase với giá 1.9 tỷ USD. Chính phủ giúp ngân hàng J.P Morgan-Chase mua lại Bear Stearns BS với giá là 30 tỷ USD Từ nay Morgan Stanley có thêm 5.410 ngân hàng chi nhánh tại 23 tiểu bang.

  Vấn đề ngân hàng vỡ nợ làm xáo trộn thị trường tài chánh, „con dại cái mang„ nên Bộ Tài chính và Quỹ Dự Trữ Liên Bang (Federal Reserve Bank viết tắc Fed) phải giúp mua ngân hàng đầu tư chuyên tài trợ địa ốc Freddie Mac và Fanny Mae. Kế tiếp sự suy thoái của hãng bảo hiểm AIG(American International Group). Bộ tài chính và Fed sợ AIG phá sản ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều cơ quan, ngân hàng mà họ bảo hiểm kể cả các quỹ hưu bổng gây khó khăn cho hàng triệu người. Ngày 17.09.2008 TT. Bush đã quyết định bỏ ra 85 tỷ USD để cứu AIG mua lại 80% cổ phần của hãng bảo hiểm AIG lớn nhất thế giới, AIG có hơn 113.000 nhân viên làm việc trên 130 nước. Tài sản của họ hơn 1000 tỷ USD. Một phần ba trong đó là tại châu Âu. Năm 2007 AIG có lời trên 110 tỷ USD, trong đó phân nửa do bảo hiểm. Tài sản AIG tại Á châu trên 115 tỷ USD và có mặt tại Phi, Hong Kong, Singapore, Đài Loan, Trung Quốc...

Thị trường chứng khoán ở Wall Street lên cơn sốt, Chỉ số Dow Jones xuống tận cùng giới buôn bán stock phải ôm đầu, chóng mặt vì mất qúa nhiều tiền … Trong khi người bỏ tiền tiết kiệm lo lắng, mất ngủ thì các Bank-Manager vẩn sung sướng tiền lương một năm bỏ túi  như: Richard Fuld (62 tuổi) chef bank Lehman Brother 41 triệu USD, John Mack (63) chef US- Investmanbank Morgan Stanlay 40 triệu USD; James E. Cayne (74) chủ tịch Bear Stearns 68 triệu USD; Stranley O‘ Neal (56) nhận tiền bồi thường 161 triệu USD. James Simons(70) Chef của Hedge Fonds Renaissance Technologie năm 2006 bỏ túi 1,7 Tỷ USD tính mỗi phút ông ta lãnh 2500€. Những Bank-Bosse ở London hưởng tiền thưởng „Bonus“ 10 tỷ €; ở New York 20 tỉ € …tiền lương các ông lớn của ngân hàng trong 5 năm qua hơn 66 tỷ USD (theo tài liệu của  Von Paul C. Martin).

TT Bush đề nghị Dự luật cứu nguy tài chánh trị giá 700 tỷ USD chia ra nhiều đợt, để mua tài sản của những ngân hàng và những công ty đầu tư đang gặp khó khăn. Tài sản ở đây là những món nợ xấu, tiền cho vay mua nhà (mortgage related). Nhằm tạo điều kiện cho ngân hàng có tiền cho vay để kích thích nền kinh tế có cơ hội đầu tư và phát triển...Với điều kiện ngân hàng phải đưa lại cổ phiếu cho bộ Tài chánh quản lý, chính phủ phải kiểm soát tiền lương và tiền thưởng của các Giám đốc ngân hàng không thể thả nổi như các trường hợp trước … Chuyên gia kinh tế phải nghiên cứu, điều tra nguyên nhân của khủng hoảng hiện nay bắt đầu từ đâu?

Ngày 29/9 Hạ Viện Hoa Kỳ „US Congress House„ đã bác dự luật với số phiếu 228 chống và 205 thuận (Có hơn một phần ba các dân biểu Dân Chủ và 2 phần 3 các dân biểu Cộng Hòa). Sau khi Hạ Viện bỏ phiếu chống, thị trường New York đã mất 777 điểm, con số sụt giảm cao nhất kể từ sau ngày 11 Tháng Chín 2001. Ngược lại ngày 1/10 Thượng Viện Hoa Kỳ thông qua dự luật trên với tỉ số 74 phiếu thuận và 25 phiếu chống. Sự thất bại ở Hạ Viện TT Bush phải bổ túc thêm những điều khoản cho phù hợp như việc „bỏ thuế nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ và thúc đẩy các nguồn năng lượng thay thế, mở rộng trợ giúp cho các gia đình có trẻ em cũng như các nạn nhân của các trận bão“

Ngày 3 tháng 10 là ngày Thống nhất nước Đức, cũng là ngày Hạ viện Hoa Kỳ bỏ phiếu với tỉ lệ 263/171 ủng hộ cho dự luật chi 700 tỷ USD cứu vãn lĩnh vực tài chính của Mỹ. Cuối cùng sức mạnh của nước Mỹ vẫn là khả năng thay đổi để thích ứng với tình thế mới. Dưới xã hội Tư Bản không tránh được việc quốc hữu hóa các ngân hàng, nhằm mang lại ổn định thị trường. Nhờ sống trong một chế độ tự do dân chủ đã giải quyết được vấn đề khó khăn, Dân biểu Quốc Hội không phải là loại nghi gật, bù nhìn như dưới chế độ cộng sản, không đáp ứng nguyện vọng của người dân. Chính phủ đang kiểm tra khả năng xảy ra việc phá sản hay„lừa đảo“ ? của các đại công ty như Fannie Mae, Freddie Mac, Lehman Brothers và AIG.

Ngân hàng ở Hoa Kỳ khủng hoảng ảnh hưởng đến Âu Châu

Ảnh hưởng dây chuyền thị trường chứng khoán tại New York, Âu châu và Á châu phải ngất ngư con tàu trong cơn bảo tố tài chánh. Tại Anh ngân hàng đầu tư về địa ốc Bradford and Bingley gọi tắc BB bị ảnh hưởng nặng. Chính phủ cứu nguy cho ngân hàng BB kêu gọi các ngân hàng cho vay mua thêm cổ phần của BB, để giúp duy trì sự tin tưởng đối với hệ thống tài chánh. 5 ngân hàng lớn hàng đầu của Anh là HSBC, Royal Bank, Barclays, Lloyds TSB và HBOS cùng với ngân hàng Abbeys do ngân hàng Santander của Tây Ban Nha làm chủ, đã sở hữu 30% cổ phần của BB. Thủ tướng Anh cũng nhận được sự ủng hộ về kế hoạch lập ngân khoản EU trị giá 12 tỷ bảng Anh, nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ tiếp tục hoạt động trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện thời.

Fortis là ngân hàng lớn tại Âu Châu ảnh hưởng nặng thị trường tài chánh, chính phủ 3 nước Bỉ, Hòa Lan, Lục Xâm Bảo bỏ ra 11,2 tỷ € mua 49% cổ phần của Fortis trong nước của họ. Bỉ sẽ chi ra 4.7 tỷ Euro, Hoà Lan 4 tỷ và Luxembourg 2.5 tỷ. Cuối ngày 5/10, ngân hàng Pháp BNP Paribas khẳng định tin đồng ý mua 75% cổ phần của Bỉ và Luxembourg trong tập đoàn tài chính khổng lồ Fortis, biến nó trở thành một trong những ngân hàng tiết kiệm lớn nhất Châu Âu. Đối lại, chính phủ Bỉ và Luxembourg sẽ có cổ phần đã mua trong BNP Paribas. Chi nhánh Fortis ở Hoà Lan, chính phủ đã mua hết cổ phần của ngân hàng nầy trong nước. Các quốc gia trên đã khẩn cấp can thiệp để tránh mất niềm tin của các nhà đầu tư.

Hypo Real Estatee (HRE) của Đức cho biết thỏa thuận trị giá 35 tỷ euro thất bại vì tập đoàn tham gia đàm phán bỏ cuộc, cổ phần của ngân hàng rơi xuống mức thấp nhất. Hypo Real Estate phá sản sẽ gây thêm gánh nặng cho thị trường khủng hoảng. Ngày 5.10 Thủ tướng Angela Merkel và Bộ Tài chính Đức đã đồng ý kế hoạch 50 tỷ euro nhằm giúp HRE một trong những ngân hàng lớn của Đức. Thủ tướng Angela Merkel tuyên bố trước báo chí tiền tiết kiệm.. trong ngân hàng 568 tỷ Euro của dân Đức sẽ được bảo đảm an toàn 1€ cũng không bị mất „Ich möchte unterstreichen, dass (...) wir dafür Sorge tragen wollen, dass die Sparerinnen und Sparer in Deutschland nicht befürchten müssen, einen Euro ihrer Einlagen zu verlieren.“

 Bộ trưởng Tài chính Peer Steinbrueck nói „versteht keinen Spaß mehr/ understands no more fun„ lên án ban quản trị Hypo Real Estate báo cáo không đúng với chính phủ về mức độ thực tế của những khó khăn của ngân hàng này, chủ tịch ngân hàng HRE ông George Funke bị sa thải .Thủ tướng Angela Merkel cũng nói rằng ban lãnh đạo quản trị, tài chính ngân hàng, phải chịu trách nhiệm việc làm “vô trách nhiệm”. Những ngân hàng như: Sparkasse, Dresdner Bank, DAB Bank, DZ Bank, Citibank cũng bị ảnh hưởng. Ngày 15.9 KfW-Bank chuyển 320 triệu € cho Lehman Brothers ngay sau đó ngân hàng nầy nộp đơn khai phá sản. Ngày 29.9 hai người lãnh đạo của ngân hàng nầy là ông Detlef Leinberger und Peter Fleischer bị đuổi việc và sẽ nhận hình phạt vì thiếu trách nhiệm quản lý làm mất tài sản quá lớn.(tin Welt Wirtschaft)

Hội nghị thượng đỉnh các quốc gia Anh-Pháp-Đức-Ý nhằm tìm ra một giải pháp thống nhất đối phó với khủng hoảng tài chính thế giới về phương thức ổn định nền kinh tế Châu Âu, Tổng Thống Pháp Nicholas Sarkozy tuyên bố “Thế giới cần phải xây dựng lại chế độ tư bản, và điều đó có nghĩa là phải kiềm chế nó nhiều hơn”. Tránh trường hợp “Karl Marx, F. Engel?” từng kết án “chủ nghiã Tư bản vì lợi mà thôi, thậm chí bán dây thừng để treo cổ họ, nếu có người trả giá được họ cũng bán!”

 Các quốc gia như Đan Mạch, Iceland cũng có chương trình để ổn định tài chánh riêng. Chính phủ Iceland kiểm soát ngân hàng Landsbanki lớn thứ nhì của nước này, Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Washington ngày 11/10 ra kế hoạch 5 điểm để cùng giải quyết vấn đề tài chánh thế giới xét lại các điều khoản quy định hoạt động của các thị trường tài chính. Liên Hiệp Châu Âu họp thượng đỉnh của lãnh đạo 15 nước thuộc khu vực đồng euro ở Paris hôm 12/10, đã tuyên bố sẽ không một ngân hàng lớn nào được phép sụp đổ trong khi đồng ý thỏa thuận giải quyết khủng hoảng và hối thúc Hoa Kỳ phải cải tổ việc quản lý và trách nhiệm của chính phủ trong việc giải quyết khủng hoảng tín dụng, ngân hàng trung ương phải hợp tác chặt chẽ với chính phủ. Nguyên nhân ảnh hưởng vì ngân hàng đầu tư và các cơ quan tài chính Hedge fund không ở dưới sự giám sát của Fed mà dưới sự giám sát của Cơ quan giám sát chứng khoán SEC (Security Commission Commission) vì vậy có nhiều sơ hở trong việc giám sát đầu tư. Khủng hoảng tài chính là do SEC không hoàn thành nhiệm vụ của họ. Ngân hàng lớn tại các nước Á Châu như Nhật Úc đã có chương trình thich đáng đối với vấn đề tài chánh tạo niềm với người dân   

 Bài học của nước Mỹ đầu thế kỷ 21 thật cay đắng,. tự do dân chủ cũng chưa đủ, về phương diện tài chánh, ngân hàng, bảo hiểm phải bảo đảm ổn định đời sống văn minh của nhân loại…Hoa Kỳ đứng đầu về tư bản, dân Mỹ tiêu xài quá nhiều theo nhu cầu vật chất khuyến khích người vay mượn để mua sắm.. Chính phủ Mỹ bán công khố phiếu, Nhật Bản hiện đã mua 593,4 tỷ USD, Trung Quốc 518,7 tỷ, Hong Kong 60,6 tỷ, Đài Loan 42,3 tỷ Nam Hàn 35,3 tỷ,Thái Lan 31,8 tỷ, Singapore 31,4 tỷ. Tổng cộng các quốc gia trên đã mua 1313 tỷ USD (1). Thị trường tiêu thụ Mỹ phần lớn hàng „made in China“, bởi vậy Trung cộng là chủ nợ cả 1000 tỷ USD. Trong lúc thị trường tài chánh Mỹ chao đảo, người ta phát hiện sửa sản xuất của Tàu có chất melamine độc hại cho trẻ em, giày da có chất hexavalent chromium „Cr(vi)“ gây nên bệnh lao phổi. Vấn đề nầy cũng nguy hại như nền kinh tế của Hoa Kỳ.

 Bài học lớn của chúng ta, từng trải qua dưới chế độ cộng sản, tài sản và tiền trong ngân hàng bị tịch thu, người giàu bị kết tội „tư sản mại bản“, chính phủ quốc hữu hoá các công ty, ngân hàng tư nhân.. Để nhà nước quản lý tiền chui vào túi các quan lớn. Ngược lại xứ tự do tư bản các ông chủ tư nhân đầu tư lấy lời bỏ túi thừa hưởng vinh quan, đến lúc suy thoái phá sản thì chạy làng giống như trường hợp „kẻ ăn ốc người khác đổ vỏ“. Chính phủ, Bộ tài chánh phải ra tay cứu vớt. Những ngân hàng lớn trên thế giới: Anh, Đức, Pháp, Nhật, Canada,Thụy sĩ.. đã họp đồng ý chuyển trên 200 tỷ tiền mặt vào ngân hàng trung ương tái ổn định cho thị trường tài chính thế giới. Đây cũng là bài học đáng giá chính phủ phải giám sát. Ðại khủng hoảng kinh tế năm 1930, Ðức Giáo Hoàng Pius XI đã lên tiếng lên án “quyền lực khổng lồ tích tụ vào trong tay một thiểu số cá nhân trở thành như một sự độc tài kinh tế”. Và gần nhất 24 năm trước (1984) ngân hàng bị sụp đổ nặng nề nhất là Continental Illinois National Bank & Trust, với 40 tỷ USD tài sản bị phá sản.

Tình hình kinh tế Đức lạm phát từ tháng 9 vật giá tăng 2,9% - 3,3% so với năm 2007, tiền bảo hiểm sức khỏe tăng 15,5%, các hãng xưởng bán hàng không được như: BMW. Siemens, Infineon, Qimonda …sa thải nhân viên. Vấn đề nhà cửa không bị ảnh hưởng, bởi vì người muốn mua nhà tự do bên ngoài (không thuộc diện mua nhà của chính phủ) phải trả tối thiểu “down payment” 20%, nhưng phần lớn người ta thường trả nhiều hơn. Số ít còn lại vay mượn ngân hàng, phải chứng minh tiền lương đi làm và không vay mượn các món nợ nào khác. Tiền nợ trả trong vòng 10 hay 15 năm nhiều hay ít theo khả năng mỗi gia đình, tiền lời có lúc phải trả 5% hay 4%. Nhà đất giá quy định rõ ràng, nhà cũ sẽ mất giá theo thời gian không bao giờ có giá ảo. Người mua nhà nếu không đủ khả năng trả nợ thì bị ngân hàng xiết bán phát mãi, theo luật chủ nhà phải mất 28%. Trước năm 2007 người mua nhà (nếu lương không qúa cao) được chính phủ trợ cấp 8 năm gọi là tiền Eigenheimzulage/ Home of one's own extra pay (thí dụ vợ chồng và một con, mỗi năm được cấp 2.050€). Hiện nay không còn chương trình trợ cấp nầy, đời sống ở Đức bảo đảm người nghèo không có tiền mua nhà, thì ở nhà xã hội đầy đủ tiện nghi. Nếu không đi làm thì chính phủ trợ cấp tiền nhà, tiền ăn và hưởng qui chế bảo hiểm bình đẳng như người đi làm.

Trong khi đó Hoa Kỳ vấn đề mua nhà khá dễ dàng, những người đến Mỹ khoảng hơn 10 năm đã mua nhà mua xe.. Năm 1976 những người mua nhà lần đầu tiên tại Hoa Kỳ chỉ cần 18%. Những năm 2005 và 2006, hầu hết một nửa trong số những người mua nhà lần đầu không phải trả một khoản nào. Nhiều nơi tại Hoa Kỳ người ta đã sắp hàng đi mua nhà, làm cho giá tăng lên như diều gặp gió, người đi mua nhà như những con phù du lao đầu vào bóng đèn, ký nợ để mua cho bằng được căn nhà mơ ước …. Thị trường địa ốc xuống dốc người vay mượn không có tiền trả lại cho ngân hàng, trong khi giá trị căn nhà rẻ hơn số nợ đã vay, thí dụ lúc mua nhà giá 500 ngàn USD bổng nhiên nhà xuống giá còn 300 ngàn USD, trong lúc bị mất việc, không đủ tiền trả cho ngân hàng buộc lòng phải „xù nợ“ chấp nhận mất tiền down payment và tiền đã trả góp, gây ra tình trạng vỡ nợ của các ngân hàng. Nhiều người sống không có bảo hiểm sức khoẻ. Nền kinh tế Hoa Kỳ khó khăn người dân phải đương đầu, tuy nhiên cần phải có thời gian để vượt qua thử thách này. Cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan tốn kém chưa kết thúc, thiên tai qua 2 trận bão Ike và Gustav tàn phá.. Tân tổng thống Hoa Kỳ thuộc đảng Cộng Hoà hay Dân chủ phải hết sức lèo lái con tàu nước Mỹ ra khỏi biển khơi sóng gió. Dự luật 700 tỷ USD được chấp thuận để cứu nguy kinh tế, cũng không làm cho người ta tin tưởng. Thị trường chứng khoán rơi xuống như lá mùa thu, tình hình kinh tế tài chính thế giới các nơi vẫn mong manh, tiến trình tự do dân chủ, tại các quốc gia độc tài cộng sản cũng bị chậm lại.

Tục ngữ Việt Nam „liệu cơm gắp mắn“ dù ở bất cứ quốc gia nào, cũng phải liệu sức mình, khi quyết định mua nhà phải trong khả năng, tránh trường hợp vay nhiều không đủ sức trả nợ để rồi phải trắng tay. Có thể quan niệm sống ở Mỹ khác với Châu Âu vì ảnh hưởng đời sống và phong thổ.. Nhà, vườn ở Mỹ rộng lớn có hồ bơi riêng rất tiện nghi, ngược lại họ không có nhiều thời gian để hưởng nhàn. Nguyễn Công Trứ quan niệm về nhân sinh quan “Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc, tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn“. Chúng ta rời Việt Nam với đôi bàn tay trắng, nhờ sự cần mẫn làm ăn lương thiện, bằng mồ hôi và nước mắt, nhiều người rất thành công giàu có. Qua biến động kinh tế, chắc chắn nhiều ngươì trong chúng ta không tránh khỏi những thiệt hại vật chất, nếu chẳng may đầu tư vào thị trường chứng khoán, mua cổ phần của Lehman Bothers bị phá sản chỉ biết kêu trời! Cuộc đời vô thường, đôi khi giấc mơ tan vỡ, chúng ta cầu mong có sức khoẻ, để tiếp tục sống với một niềm hy vọng vươn lên „ngày mai trời lại sáng“. 

Munich  đầu Thu 2008

 

1/ (http://www.ustreas.gov/tic/mfh.txt)