TÌNH MẸ TRONG THI CA
Kính dâng một bông hồng tưởng nhớ Mẹ
Nguyễn Quý Đại
Chúa Jesus, Phật Thích Ca, Mohammad là những người con tâm linh của Thượng Đế chào đời trong vòng tay của Mẹ. Thời xa xưa các dân tộc trên thế giới đều thờ mẹ. Người Ai Cập/Ägypten tôn vinh Đức mẹ Isis. Người Hy Lạp/Griechen thờ nữ thần Rehea được gọi là mẹ của các vị thần (Rehea có nghiã dòng nước của sự sống, „dòng nước là sửa mẹ đã nuôi con„. Người La Mã (Römern) thờ Kybele. Thiên Chúa tôn kính Đức mẹ Maria. Phật giáo thờ Phật bà Quán Âm. Tình mẹ là biểu tượng thiêng liêng cao đẹp nhất trên thế giới nầy, truyền thống thờ mẹ kính cha đã in sâu vào tâm hồn của người dân Việt, gắn liền với văn hóa dân tộc
|
|
|
Mẹ Isis & Horus |
Mẹ Maria & Jesus |
Kybele |
Sánh công cha cao như núi, để thể hiện sự tôn kính Cha là cột trụ trong gia đình, nghiã Mẹ như nước trong nguồn bất tận, sánh nghiã Mẹ với nước trong nguồn phù hợp với sự tận tụy hy sinh, yêu thương đùm bọc con cái không bờ bến.... Người Tây phương thường gọi Vaterland / Fatherland để chỉ quê Cha, người Việt Nam mình gọi quê Cha, đất Tổ, và quê Mẹ, đất Mẹ, trường Mẹ, tiếng Mẹ đẻ .. Để tôn vinh công ơn sinh thành, dưỡng dục của Cha Mẹ qua ca dao.
Công cha như núi Thái Sơn
Nghiã Mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ Mẹ kính Cha
Cho tròn chử hiếu mới là đạo con
Vị trí của mẹ quan trọng không thể thiếu trong gia đình Việt Nam
Con có cha như nhà có nóc
Con có mẹ như bẹ ấp măng
Lạy cha ba lạy một qùy
Lạy mẹ bốn lạy con đi lấy chồng
Còn mẹ ăn cơm với cá
Hết mẹ liếm lá gặm xương
Tình yêu của Cha cũng bao la tha thiết, nhưng cha không bộc lộ tình cảm như người Mẹ vuốt ve, âu yếm. Bởi vậy trong đời sống vui buồn các con thường thì thầm bày tỏ với mẹ, trong ký ức các con mang nhiều hình ảnh thơ mộng, đầy ấp kỷ niệm tình yêu thiêng liêng của gia đình.
Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha
Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ
Mây mờ che khuất không phủ kín công cha...
(không biết tác giả)
Cha mẹ suốt đời làm việc vất vả nuôi dạy con cái, dựng vợ gả chồng giúp con tạo lập cuộc đời riêng, mong các con có cuộc sống hạnh phúc, tốt đẹp với đời tràn đầy tình cảm yêu thương.
Con ơi! mẹ bảo con này,
Học buôn học bán cho tày người ta
Con đừng học thói chua ngoa
Họ hàng ghét bỏ, người ta chê cười
Hay
Khôn ngoan đối đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau
Đời sống gia đình Việt Nam thường gắng bó. Cha mẹ suốt một đời lo cho con lúc về già thường thích sống gần con cháu để khỏi cô đơn. Nếu được con cháu báo hiếu, phụng dưỡng là niềm vui cuối đời. Nhạc phẩm bất hủ Lòng Mẹ của Y Vân để tri ân mẹ hiền
Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào
Tình Mẹ tha thiết như giòng suối biển ngọt ngào
Lời Mẹ êm ái như đồng lúa rì rào
Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng Mẹ yêu.
Lòng Mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu
Tình Mẹ yêu mến như như làn gió đùa mặt hồ
Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ
Nắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ
Thương con thao thức bao đêm trường
Con đà yên giấc Mẹ hiền vui sướng biết bao
Thương con khuya sớm bao tháng ngày.
Lặn lội gieo neo nuôi con tới ngày lớn khôn
Dù cho mưa gío không quản thân gầy Mẹ hiền.
Một sương hai nắng cho bạc mái đầu buồn phiền
Ngày đêm sớm tối vui cùng con nhỏ một niềm
Tiếng ru êm đềm Mẹ hiền năm tháng triền miên....
Y Vân
Những ai may mắn còn Mẹ, cảm thấy mình diễm phúc nhất đời. Nhưng mất Mẹ không bao giờ tìm lại được tình yêu bao la thiêng liêng ấy. Tôi đã mất Mẹ ngày về viếng mộ, đặt những đóa hoa tươi, đốt nén nhang thơm tưởng nhớ Mẹ nước mắt lưng tròng...Kỷ niệm những ngày dài hạnh phúc tuổi thơ tôi chỉ biết cúi đầu hồi tưởng! tình yêu của Mẹ đã đi vào thế giới xa xôi, không bao giờ tìm lại được!
Gío mùa thu mẹ ru con ngủ
Năm canh chày thức đủ năm canh
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương
Ca Dao
Biến cố lịch sử từ ngày 30.4.1975, các con đã không làm tròn bổn phận phụng dưỡng Mẹ già. Ngược lại Mẹ phải tảo tần, dành dụm tiền để thăm con trong trại cải tạo trên núi rừng ngút ngàn sơn lam chướng khí. Mẹ không ngại đường xa gánh qùa triểu nặng vượt qua những đường dài hoang vắng gập ghềnh tiếp tế cho con! Tuổi già tháng ngày vất vả sức khoẻ hao mòn, Thời gian dài trong trại tập trung, lúc các con được về đòan tụ với gia đình thì Mẹ đã vĩnh viễn ra đi về bên kia thế giới, còn lại ngôi mộ cỏ xanh trong cô đơn vắng lặng! Tình yêu của Mẹ như những vầng sao trên trời, không thể đếm được trong thiên thể mênh mông, thiếu tình Mẹ như bầu trời thiếu ánh sao đêm. Trịnh Công Sơn nhắc đến gia tài của Mẹ Việt Nam. Mẹ Việt Nam lầm lũi, mất mát sau chiến tranh, nó cũng là hình ảnh thảm thương, đau khổ của cả một dân tộc trong cơn binh đao, khói lửa cho cả hai miền Nam-Bắc. Dân tộc Việt Nam đã kiệt quệ, xác xơ sau thời chinh chiến. (tôi chỉ trích một phần nhạc nói về Mẹ, không lạm bàn đến vấn đề phản chiến trong nhạc họ Trịnh)
Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
20 mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của Mẹ, một rừng xương khô
Già tài của Mẹ, một núi đầy mồ
Gia tài của mẹ TCS
Rằm tháng Bảy âm lịch là lễ Vu Lan Bồn (Ullambana) theo kinh điển Tôn giả Mục Kiền Liên, lo cứu Mẹ bà Thanh Đề thoát khỏi cảnh khổ ở điạ ngục, và cầu nguyện cho chúng sinh được siêu thoát, khỏi vòng sinh tử luân hồi. Trong ngày lễ nầy người ta thường cài lên áo hoa hồng đỏ, hay hoa cẩm chướng tượng trưng cho Mẹ còn sống, hoa trắng để tưởng nhớ Mẹ hiền. Người được hoa hồng đỏ sẽ thấy sung sướng mình còn mẹ, để khỏi hối hận khi một ngày nào đó Mẹ cũng sẽ ra đi theo luật tạo hóa „cát bụi trở về với cát buị„. Người còn Mẹ phải cố gắng làm vui lòng mẹ tuổi già, tóc bạc, lưng còng …. Lúc còn tại thế cần làm tròn bổn phận và hiếu thảo. Khi mất cha mẹ rồi có khóc than, cúng tế cũng bằng thừa. Ðạo Phật đề cao hạnh hiếu, vì đó cũng chính là nền tảng của đời người.
Tâm Hiếu là tâm Phật
Hạnh Hiếu là hạnh Phật
Ca dao nhắc nhở bổn phận các con phải tránh trường hợp :
Sống không cho ăn, chết làm văn tế ruồi
Mẹ nuôi con biển hồ lai láng,
Con nuôi mẹ tính tháng kể ngày
Để tỏ lòng hiếu thảo, các con không cần phải tìm của ngon vật lạ dâng cho cha mẹ, hàng ngày dù có bận công việc, nên dành thời gian tiếp xúc thăm hỏi quan tâm tới cha mẹ tuổi già chỉ cần một lời thăm hỏi đã làm ông bà hài lòng
Chẳng được miếng thịt miếng xôi
Cũng được lời nói cho tôi vừa lòng.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh, cuộc đời của sư ông có nhiều dư luận trong đời sống đạo và đời, nhưng bài thơ bông hồng cài áo dễ thương, nói lên được tình yêu với Mẹ do Phạm Thế Mỹ phổ nhạc
Một bông Hồng cho em
Một bông Hồng cho anh
Và một bông Hồng cho những ai
Cho những ai đang còn Mẹ
Đang còn Mẹ để lòng vui sướng hơn
Rủi mai nầy Mẹ hiền có mất đi
Như đoá hoa không mặt trời
Như trẻ thơ không nụ cười
Ngỡ đời mình không lớn khôn thêm
Như bầu trời thiếu ánh sao đêm
Mẹ, Mẹ là giòng suối dịu hiền
Mẹ, Mẹ là bài hát thần tiên
Là bóng mát trên cao
Là mắt sáng trên cao
Là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối
Mẹ, Mẹ là lọn miá ngọt ngào
Mẹ, Mẹ là nải chuối buồng cau
Là tiếng dế đêm thâu
Là nắng ấm mương dâu
Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời
Rồi một chiều nào đó anh về nhìn Mẹ yêu, nhìn thật lâu
Rồi nói, nói với Mẹ rằng „Mẹ ơi, Mẹ ơi, Mẹ có biết hay không?“
-Biết gì ? Biết là, biết là con thương Mẹ không? „
Đoá hoa màu hồng vưà cài lên áo đó anh
Đoá hoa màu hồng vưà cài lên áo đó em
Thì xin anh, thì xin em
Hãy cùng tôi vui sướng đi...
Thích Nhất Hạnh
Đời sống người Việt Nam khác với người Tây phương, ở Việt Nam Cha Mẹ con cháu thường sống chung trong một đại gia đình, dù nghèo hay giàu cha mẹ lúc nào cũng sống chung, nên không cần dành một ngày nào riêng cho Mẹ? Hằng năm lễ Vu Lan nhắc nhở các con nhớ ngày tình yêu cao cả của Mẹ. Chúng ta xa quê hương, không sống gần cha mẹ, luôn mang nỗi buồn mênh mông ngút ngàn thương nhớ.
Áo người hoa đỏ người vui
Áo con hoa trắng ngậm ngùi phận con
Mẹ ơi ba chục năm hơn
Hoa kia mấy độ tủi hờn với hoa
Cõi trần từ mẹ lìa xa
Đau thương, thân phận con là mồ côi….
Hoa Trắng Ngô Minh Hằng
Chúng con là người Việt Nam lưu lạc
Ngày ra đi không hẹn buổi quay về
Chẳng phải là sương mù sao khóc lúc đêm khuya
Chẳng phải gió sao đời là giông bão
Chẳng phải mây sao miệt mài trôi nổi
Chẳng phải là rừng sao héo úa mỗi tàn thu….
Thưa Mẹ, chúng con đi (Trần Trung Đạo)
Hình ảnh Mẹ trong thi ca, qua những vần thơ ngọt ngào, tha thiết và nhắn các em dâng Mẹ một cành hồng tưởng nhớ
Hẳn em tôi còn nhớ
Cắt dâng mẹ cành hồng
Từ vườn hoa đầu ngõ
Vẫn ngọt ngào đơm bông
Hoa thay lòng tưởng nhớ
Của đứa con phiêu bồng
Hoa thay dòng lệ nhỏ
Thương nhớ mẹ vô cùng
Tuỳ Anh trong tập Trầm ngải thiết tha
Có nỗi đau nào hơn nỗi đau mất mẹ
Mẹ ra đi, đi mãi không về
Để ngày buồn tháng nhớ mãi lê thê
Mẹ ra đi trọn đời vỉnh viễn
Thơ Lệ Mi
Trong xã hội Tây phương cha mẹ dù tuổi già nắng xế nhưng họ sống riêng, dù đời sống vật chất cao, phương tiện đầy đủ nhưng không thể khoả lấp khoảng trống tinh thần vì sự thiếu vắng tình cảm gia đình. Tuổi già thường cô đơn, con cháu bận rộn công việc. Bởi vậy hằng năm đều có ngày tưởng nhớ ghi ơn Mẹ, sau lễ Phục Sinh 20 ngày tính từ Lễ Tro vào ngày thứ Tư tuần Thánh, có thánh lễ vinh danh Mẹ, ở Đức thường tổ chức ngày lễ Mẹ vào Chúa nhật (Mothering Sunday), Âu Châu nhiều nước cũng tổ chức cùng thời gian trên.
Theo lịch sử truyền thống ngày lễ của Mẹ ở Hoa Kỳ (theo cuốn American Book of Days) có trước thời nội chiến (Civil war) năm 1872 người đầu tiên đưa đề nghị ngày tưởng nhớ tình Mẹ tại Boston Massachusetts là bà Julia Ward Howe đã vận động chọn ngày Chúa nhật thứ 2 tháng 5 và khởi đầu cài hoa cẩm chướng (Carnation, Nelke, Oeillet) để tưởng nhớ Mẹ, hoa cẩm chướng biểu tượng cho người Mẹ là loài hoa nở quanh năm, cánh hoa mỏng và thoảng hương thơm nhẹ.
Mãi cho đến năm 1907 bà Ana Jarvis (01.05.1864) ở Webster, mẹ của bà là Anna Reese Jarvis qua đời ngày 09.5.1905, đó là mất mát lớn khi thiếu mẹ, bà bắt đầu cổ động thêm cho ngày của Mẹ ở Philadelphia, cho đến ngày 10.05.1908, nhà thờ ở Grafton (West Virginia) và Philadelphia cử hành thánh lễ cho ngày vinh danh Mẹ. được lan rộng ra tại Hoa Kỳ và thế giới. Ở Việt Nam không có một ngày riêng cho cha mẹ, nhưng theo truyền thống lâu đời, hằng năm có ngày giỗ để kính nhớ người đã mất trong đó có ngày cho mẹ cho cha. Taị Hoa Kỳ từ năm 1910 ở tiểu bang West Virginia mới công nhận ngày dành để tưởng nhớ về Mẹ, sau đó các tiểu bang Oklahoma, Wadhington, Alabama, Texas hưởng ứng. Mãi cho đến ngày 09.5.1914 Tổng thống thứ 28 Thomas Woodrow Wilson (1856-1924) ký quyết định chung thông qua Quốc Hội công báo ngày „Mother’s Day „là ngày quốc lễ của Hoa Kỳ vào Chúa Nhật thứ 2 tháng 5.
Riêng ở Pháp năm 1917 tại Pais tổ chức lễ Mẹ cho những gia đình đông con, nhưng lễ Mẹ chính thức công báo vào ngày 20.4.1926. Anh Quốc thời Heinrich III lần đầu tiên đã tổ chức ngày tôn vinh mẹ từ năm 1910 gọi là ngày Mother’s Day / Mutter Tag, nhà thờ có Thánh lễ tạ ơn để tưởng nhớ và vinh danh Mẹ hiền vào Chúa Nhật IV mùa chay, ở Á Căn Đình thì vào Chúa Nhật thứ 2 tháng 10. Công cha, nghĩa mẹ thật là lớn lao với nghĩa nặng, tình sâu; vì thế từ thời xa xưa các dân tộc, tôn giáo trên thế giới đều có những ngày đặc biệt giổ Cha giổ Mẹ nhắc nhở con cháu nhớ đến công ơn lớn lao của cha mẹ đã qua đời. Cha Mẹ còn sống con cháu phải dành thời gian thăm viếng tỏ lòng hiếu thảo, không phải đợi một năm chỉ có một lần.
Dâng Mẹ đôi tim nhỏ
Dâng Mẹ tình yêu lên ngôi
Dâng Mẹ yêu thương đong đầy
Dâng Mẹ cuộc sống tương lai...
Tình hồng dâng Mẹ của Văn Chi
…………..
Mẹ vẫn ngồi đan một nỗi buồn
Bên đời gió tạt với mưa tuôn
Con đi góp lá nghìn phương lại
Đốt lửa cho đời tan khói sương
Tiếng mẹ nghe như tiếng nghẹn-ngào
Tiếng Người hay chỉ tiếng chiêm-bao
Mẹ xa xôi quá làm sao vói
Biết đến bao giờ trông thấy nhau
Trần Trung Đạo
Mẹ là dòng suối, là kho tàng tình yêu vô tận … Mẹ lo cho con từ miếng ăn, giấc ngủ cho đến lúc trưởng thành, phận làm trai thời loạn phải thi hành nhiệm vụ. Có những đêm ánh hoả châu rực sáng rồi chợt tắt, đạn bom tàn phá quê hương đã làm Mẹ lo âu không ngủ… Trịnh Công Sơn vang bóng một thời với những tình khúc như Gia tài của mẹ mang tâm trạng của Mẹ Việt Nam
Mẹ ngồi ru con tiếng hát lênh đênh
Mẹ ngồi ru con mây vào hồn
Mẹ dạy cho con tiếng nói quê hương
Mẹ nhìn con đi phút giây bàng hoàng
Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn đong đưa phận mình
Mẹ ngồi ru con nghe đất gọi thầm trọn nợ lưu vong
Mẹ ngồi trăm năm như thân tượng buồn để lại quê hương
Tuổi còn bơ vơ thế giới chiến tranh ngục tù
Trịnh Công Sơn
Thời gian trôi qua trong âm thầm lặng lẽ, hơn 34 năm chúng ta xa xứ để rồi xót xa thân phận kiếp lưu vong. Nhớ về Mẹ tình mẹ là gốc của mọi tình cảm thương yêu, không có mẹ sẽ thiếu tất cả tình yêu trên cõi đời nầy :
Bàn tay chắt chiu vô vàn yêu thương
Mẹ như lá hoa thơm vườn nhân ái
Tình quê hương vương vần bước chân phiêu bồng
Lắng sâu trong tiếng ru dịu êm
Lời buồn ru ca dao hôm nào vọng vang
Mẹ đắng cay trong thầm lặng đếm hư không
Niềm thương quê tê tái trái tim u hoài
Xót xa thương thân phận lưu vong
(Nỗi Niềm Ly Hương – Tình khúc Lê Mạnh Trùy-Vương Ngọc Long)
Chúng ta đều mơ ước ngày về thăm quê hương cầm đôi bàn tay mẹ để sưởi ấm tâm hồn, sau cuộc đổi đời con cháu phân ly
Mẹ là gío uốn quanh
Trên đời con thầm lặng
Trong câu hát thanh bình
Mẹ là gíó mong manh
Mẹ là nước chứa chan,
Trôi dùm con phiền muộn
Cho đời mãi trong lành
Mẹ chìm dưới nhân gian...
Trịnh Công Sơn
Tình yêu của Mẹ là ánh sáng là giọt sương mai, là tiếng chim hót trên cành buổi sáng
Mẹ là mùa xuân trên cánh chim bay
Mẹ là mùa đông tóc bạc như mây
Mẹ là mùa thu, niềm đau gió cát
Mẹ là mưa hạ, hạt nhòa đắng cay
Mẹ là trời xanh cho nắng vươn cao
Mẹ là biển đông sóng gọi xôn xao
Mẹ là bình nguyên tình yêu bát ngát
Mẹ là ngân hà, lòng mẹ bao la ...
Trường Đinh
Chúng ta không dấu được ngậm ngùi, nỗi nhớ về Mẹ và quê hương là những kỳ quan tuyệt thế đã trở thành thiêng liêng, nhiệm màu muôn thưở. Lúc con ốm đau khóc la thì mẹ đã chạy tới bên nôi ru con, hay bồng bế thâu đêm. Mẹ như một thiên thần dịu hiền. Nhạc sỹ Anh Bằng đã sáng tác nhạc phẩm “Khóc Mẹ Đêm Mưa“ vinh danh Mẹ hiền, qua giọng hát thiết tha não nùng của Đặng Thế Luân, người mất Mẹ thì nước mắt lưng tròng, khóc Mẹ cũng là một thông điệp nhắc nhở những người còn Mẹ phải làm tròn bổn phận thiêng liêng.
Có những lần con khóc giữa đêm mưa
Khi hình Mẹ hiện về năm khói lửa
Giặc đêm đêm về quê ta vây khốn
Bắt cha đi Mẹ khóc suốt đêm buồn
Ôi thương Mẹ vất vã sống nuôi con
Đi vội về sợ con thơ ngóng chờ
Nhưng Mẹ đi không bao giờ về nữa
Ngã trên đường tức tủi chết trong mưa
Tan chiêm bao nước mắt thành dòng
Con gọi Mẹ một mình trong đêm vắng
Mẹ ơi! Mẹ ơi
Tha hương con gục đầu tưởng nhớ
Trên đời nầy Mẹ con không gặp nửa.
Mẹ ơi! con khóc giữa đêm mưa!
Thời đại nầy các bà mẹ vì đi làm, hoặc mến tiếc cái tròn trịa của tuổi xuân thì, nên thường cho con bú sữa bình. Thời xưa bên quê nhà phần lớn các bà mẹ thường ở nhà lo việc tề gia nội trợ, cho con bú sữa mẹ. Tình yêu của mẹ tuyệt vời, mẹ hy sinh tất cả cái đẹp của mình cho con, tình yêu qua hơi thở, tiếng đập con tim …
Sữa mẹ ngọt ngào nuôi con lớn
Tiếng nói đầu đời gọi Mẹ ơi!
Mẹ ơi! tiếng gọi từ thơ ấu
Ấm áp tim con suốt một đời
Từ thuở ngỡ ngàng đi chập chững
Mẹ làm điểm tựa bước chân son
Vừa đi vừa ngả trong tình mẹ
Lớn thật nhanh cây mạnh xanh chồi
Mẹ ơi ! thơ –T. Thất Phú Sĩ
------------
Con chẳng về đâu dù mưa hay nắng
Sông Thu Bồn trăng tháng bảy còn in
Mười năm trời con làm mây viễn xứ
Mười năm dài biền biệt dấu chân chim
Ngày mẹ chết con chưa tròn một tháng
Cha tảo tần sớm nắng với chiều mưa
Thiếu sữa mẹ đời con thành đại hạn
Thiếu lời ru con lớn với lọc lừa
Trần Trung Đạo
Kho tàng thi ca bình dân, cũng như những nhạc phẩm thời đại. Ca tụng những lời như ngàn đời nhớ ơn Mẹ. Bởi vì Mẹ cho các con hành trang lên đường con sống cho phải đạo làm người
Ơn cha nặng lắm ai ơi
Nghiã Mẹ bằng trời, chín tháng cưu mang
Ơn cha, nghiã mẹ nặng trìu
Ra công báo đáp, ít nhiều phận con
Hay
Mẹ cha là biển, là trời
Làm sao con dám cãi lời mẹ cha.
Thương mẹ, nhớ cha như kim châm vào dạ,
Nghĩ đến chừng nào, lụy hạ tuôn rơi
Một mai gặt lúa đem về,
Thờ cha, kính mẹ nhiều bề hiếu trung
Bao giờ cho cá hóa long
Đền ơn cha mẹ ẵm bồng ngày xưa
Ngày nay khoa học tiến bộ, khoa học trở thành cái chung của nhân loại, nhưng mỗi quốc gia đều có tính chất khác biệt đó là dân tộc tính. Ở hải ngoại chúng ta không tìm thấy chiếc nôi bằng tre cho em bé, hoặc nghe tiếng hát ru con của mẹ hiền, hay bà nội bà ngoại ru cháu bằng giọng hát ạ ời! Nhưng nếu chúng ta nghe lại lời ru ấy ở nơi nào đó không thể kềm được lòng cảm xúc, lưu luyến hồn dân tộc, thiết tha tình quê hương và tình yêu của Mẹ. Nơi xứ người, thời gian âm thầm trôi qua với những tháng ngày bận rộn trong công việc trả nợ áo cơm. Chúng con không bao giờ quên, xin dâng lên Mẹ những lời cầu nguyện trân trọng nhất .
(kho tàng văn hoá dân tộc qua ca dao, tục ngữ thường nói về mẹ, như một lời nhắn nhủ đầy ắp yêu thương, các thi nhân, nhạc sĩ đã có hàng trăm, ngàn đề tài viết về MẸ. Tôi nạn phép với các tác giả trích những đoạn thơ về Mẹ, trong giới hạn của bài để vinh danh Mẹ, các hình nguồn từ Internet) . Trân trọng kính chào.
Mùa Vu Lan 2009