Chuyện Phiếm   

 Xưa và Nay

Nguyễn Quý Đại

Trên đường đến vịnh Hạ Long, chúng tôi ghé thăm những ngôi chùa và đinh làng cổ kính nổi tiếng của thành phố Hải Phòng. Trải qua chiến tranh nhiều khu phố bị ném bom đổ nát. Đình làng Hàng Kênh, xây từ thế kỷ thứ 17-18, lợp ngói âm dương đã rêu phong nên có màu nâu sẩm, vào thăm phải mua vé. Đình còn có tên Nhân Thọ, đẹp nhờ nghệ thuật chạm khắc  bằng gỗ quý, có 165 mảng chạm cho 308 hình rồng to nhỏ khác nhau. Bàn thờ có tượng gỗ Ngô Quyền và kiệu bát cống. Sàn đình lót bằng gỗ, phiá trong có bậc cao hơn ngoài? Hướng dẫn viên du lịch giải thích sàn có chổ cao hơn vì ngày xưa người ta trải chiếu dành cho các vị lớn tuổi có vai vế trong làng ngồi dự tiệc. Theo phong tục lễ Hội từ ngày 16 đến 18 tháng 2 âm lịch có tế lễ diễn tuồng, ca trù, chầu văn, đấu vật, chọi gà.  Thời đó người ta quan niệm ăn để lấy «hương lấy hoa » thà ăn một miếng nhỏ, nhưng muốn ngồi vào chổ địa vị cao giữa làng, hơn là ngồi ăn nhiều ở xó bếp. Bởi vậy tục ngữ có câu «một miếng giữa làng bằng một sàn xó bếp»,

Ghé thăm đình làng ở Hải Phòng gơị tôi nhớ lại tác phẩm tập án cái Đình của Ngô Tất Tố (1894-1954) ông đã phân tích rất tỉ mỹ về nếp sinh hoạt  ngoài Bắc «Khi có những miếng ngon miếng lành thì chỉ ăn lấy hương lấy hoa, nhưng phải theo một thứ tự phân chia có trên có dưới: «nhất thủ nhì vĩ ». Chẳng thế mà những anh có nhiệm vụ chia phần thịt xôi ở đình làng phải là những chuyên viên băm, chặt để làm cho miếng nào ra miếng nấy, phần nào ra phần nấy. Ngô Tất Tố kể truyện một tay nghề có thể chia một con gà luộc làm 9 cỗ, 5 cỗ có mỏ, 4 cỗ có phao câu, với 92 miếng chặt thật đều đặn: Trước hết hắn ghè dao vào giữa hai miếng mỏ gà, để cắt cái sỏ ra làm hai mảnh. Rồi hắn úp cả đôi mảnh xuống thớt, chặt mảnh mỏ dưới làm đôi và mảnh mỏ trên làm ba..., miếng nào cũng có dính một tí mỏ.... Bốn miếng phao câu, miếng nào cũng có đầu bầu, đầu nhọn, chẳng khác một cái chũm cau chẻ tư. Hắn cắt lấy hai chiếc cánh gà, chặt luôn làm hơn mười miếng và bầy với đôi chân gà làm một điã nữa.  Bây giờ thì đến mình gà. Hắn lách lưỡi dao vào sườn con gà, cắt riêng hai cái tỏi và bỏ ra góc mâm. Rồi lật ngửa con gà lên thớt, hắn ướm dao vào giữa xương sống và giơ dao chém luôn hai nhát theo chiều dài cái xương ấy. Con gà bị tách ra làm hai mảnh. Mỗi mảnh đều có một nửa xương sống. Một tay giữ thỏi thịt gà, một tay cầm con dao phay, hắn băm lia lịa như không chú ý gì hết. Nhưng mà hình như tay hắn đã có cỡ sẵn, cho nên con dao của hắn giơ lên, không nhát nào cao, không nhát nào thấp...Tiếng dao công cốc đụng vào mặt thớt, nhịp nhàng như tiếng mõ của phường chèo, không lúc nào mau, cũng không có lúc nào thưa. Mỗi tiếng cốc là một miếng thịt băng ra. Miếng nào như miếng ấy, đứt suốt từ xương đến da, không còn dính nhau mảy may».

Đời sống sinh hoạt có thể vì ảnh hưởng phong thổ, nên phong tục mỗi nơi đều khác nhau. Đình làng ở miền Nam thường có ông Từ người lo việc hương khói quét dọn quanh năm, những ngày lễ Hội cũng cởi mở hơn. Phong tuc tập quán của mỗi dân tộc trên thế giới đều mang một bản sắc văn hóa riêng. Người Việt ngày cưới hỏi, hay lễ hội lớn thường có con heo quay làm lễ vật. Trong gia đình nếu có tiệc tùng làm thịt heo đãi khách, thường để cái đầu cúng tạ ơn trên. (Đạo Hồi thì cấm ăn thịt heo, họ cho rằng heo là con vật ăn dơ bẩn nhất trần gian). Thời gian trước gia đình người Việt tị nạn tại Đức, muốn tạ ơn ông bà giống như ở Quê nhà, họ đi khắp các siêu thị tìm mua cái đầu heo nhưng không có. Thời đó kinh tế còn khá, người Đức chỉ bán thịt, đầu heo, bao tử, đuôi chân dùng làm thực phẩm cho chó mèo. Bây giờ siêu thị có bán đủ cả đầu đuôi, nhưng không còn ai nghĩ đến việc cúng đầu heo, và cũng kiêng cữ không dám ăn thịt nhiều sợ có mỡ trong máu. Cái phong tục một thời ở bên quê nhà cũng thay đổi theo thời gian.

Thế giới văn minh tiến bộ, thực phẩm đầy đủ con người không còn lo nhiều cho miếng ăn «miếng ăn là miếng tồi tàn.. » Nhưng phải lo làm việc siêng năng nhà cửa ổn định, động viên con cháu phải học hành nên người, để tương lai tươi sáng nhiều hy vọng. Nên phần lớn con cái người Việt tị nạn khắp nơi trên thế giới, học hành thi đổ có bằng cấp cao, thành công trên mọi phương diện khoa học, kinh tế, thương mãi…. Đó là một hãnh diện lớn với Cộng Đồng Người Việt chúng ta ở hải ngoại          

Nhìn lại xã hội Việt Nam, dưới thời phong kiến và nô lệ, nhiều người giàu dù không có trình độ văn hóa cao, nhưng có tiền có thể mua chức như Chánh (tổng), Lý (trưởng) Cửu …Để những ngày hội hè, đình đám được ăn trên ngồi trước. Xét cho cùng họ cũng không làm gì hại nước.  Chỉ đáng trách và ghê tởm thành phần lãnh đạo quốc gia chỉ lo vơ vét nhiều tiền, nhiều đất để vinh thân phì gia, họ không hề để ý gì đến vấn đề giáo dục, y tế, bảo vệ môi sinh..Sự cần thiết tối thiểu để phát triển giúp dân tộc sớm thoát cảnh nghèo đói thất học. Quan chức nhà nước lợi dụng chức vụ để ăn hối lộ, tham nhũng tiền bạc đầy túi trong khi dân nghèo, cơm không đủ no, áo không đủ mặc, trẻ em thất học, con gái làm nghề buôn phấn bán hương,. . Đạo đức bị băng hoại đời sống không có tương lai nên sinh ra nhiều tệ nạn xã hội.

  Thời Pháp 80 năm đô hộ Việt Nam, đã bóc lột tận xương tủy của dân nghèo, nên từ tháng 3 đến tháng 6 năm 1908 đã xảy vụ «Trung Kỳ Dân Biến». Các tỉnh miền Trung cùng đứng lên biểu tình xin xâu chống thuế, bị Pháp và bọn tay sai đàn áp dã man bắn giết không gớm tay, mật thám Pháp lùng bắt nhiều người yêu nước trong Phong Trào Duy Tân như : Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thành, Phan Thúc Duyện, đày ra Côn đảo.  Châu Thượng Văn kiệt thực chết trong tù, Trần Quý Cáp kết án chém ngang lưng ngày 13.6.1908 ở Khánh Hòa. Thực dân Pháp không muốn khai hóa dân tộc Việt Nam nên chương trình giáo dục bị giới hạn, dù năm 1908 ở Hà Nội có Hội Đồng Cải Cách Học Vụ, chương trình dạy chữ Quốc ngữ và Pháp văn các trường: bậc ấu học, tiểu học và trung học .

Cái học nhà Nho đã hỏng rồi
Mười người đi học chín người thôi
Cô hàng bán sách lim dim ngủ
Thầy khoá tư lương nhấp nhỏm ngồi
Trần Tế Xương

 Ngày 14.6.1919 triều đình nhà Nguyễn ra chỉ dụ tuyên bố bỏ hoàn toàn các trường dạy chữ Nho và thay vào đó hệ thống trường Pháp-Việt. Bỏ lối học từ chương thơ phú (ông Nghè, ông Cống, Tú tài, Cử nhân, Tiến sĩ Hán học, thi cử từng bắt chước chế độ lỗi thời của nhà Minh nhà Thanh bên Trung Hoa). Trong khi cuối thế kỷ thứ 19 người Nhật đã theo lối học  khoa học kỷ thuật của  Âu Mỹ để canh tân đất nước. Việt Nam chúng ta thì còn chậm tiến, cho đến năm 1919 Hà Nội có trường Đại học đầu tiên ở Việt Nam. Thời đó, những người đậu Tú tài (còn tổ chức vinh quy bái tổ) ở các tỉnh miền Trung hay Nam phải ra Hà Nội học Đại học rất tốn kém, nên một số người xong tú tài toàn phần, thường đi làm cho công sở hay dạy học. Nhu cầu phát triền văn hóa năm 1955 có thêm Đại học Sài Gòn và Đại học Huế 1957, sau đó các Đại học công lập, cũng như tư nhân nhiều khoa ra đời : Y, Dược, Kiến Trúc, Nông Lâm Nghiệp, Thủy Sản, Âm Nhạc Nghệ Thuật..  mở ra tại các tỉnh ở Miền Nam: Đại học Đà Nẵng, Đại Học Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt, Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn, Đại học Y Khoa Minh Đức, Đại học Cao Đài Tây Ninh, Đại học Hòa Hảo Long Xuyên, Đại học Cần Thơ..   

Chương trình giáo dục của miền Nam tự do phát triển mạnh, dù còn ảnh hưởng hệ thống giáo dục Pháp, nhưng đã đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước. Phong trào du học tại các đại học danh tiếng ở Tây Phương, sinh viên Việt Nam đã thành công rực rỡ, có học vị cao như người bản xứ, không có loại bằng «tiến sĩ hữu nghị» như ở các nước cộng sản XHCN anh em?

Miền Bắc ảnh hưởng các nước Nga Tàu và Đông Âu, gần nhất là Trung cộng dưới thời Mao Zendong (1893-1976), Mao quan niệm «trí thức thua cục phân » thành phần trí thức bị thanh trừng tổng số nạn nhân hơn 30 triệu người bị giết. Thành phần cuồng tín thi hành «cách mạng văn hoá 1966-1969» xuất thân từ bần cố nông, làm nghề thiến heo, làm phu đồn điền. ..Cuộc «cách mạng thành công» nhờ có công với «đảng» nên được làm quan hưởng lộc nước.(1) Vì trình độ văn hoá kém nên được nâng đỡ cho họ học bổ túc văn hóa, rồi họ cũng có khoa bảng, học vị nào là cữ nhân, phó tiến sĩ, viện sĩ, trên sĩ dưới sĩ loạn xà ngầu sĩ, nên người ta gọi là «tiến sĩ giấy» một lớp người áo mão cân đai, hữu danh vô thực, ăn hại tài sản quốc gia, ca dao Việt Nam ám chỉ bọn ấy „dốt như chuyên tu, ngu như tại chức“.

Thế kỷ 20 Trung cộng khép kín phải chịu nội chiến, nạn đói, hỗn loạn chính trị, đầu thế kỷ thứ 21 trở nên ổn định và phát triển. Nhờ ảnh hưởng thời Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping 1904-1997) chủ trương từ năm1978 „đổi mới“  từng tuyên bố: “không phân biệt mèo trắng hay mèo đen miễn sao bắt được chuột“.  Đặng chủ trương mở cửa tiếp xúc với các quốc gia tây phương, gởi sinh viên du học, đến nay hơn 700.000 sinh viên được đào tạo tại nước ngoài, về phục vụ để phát  triển đất nước. Trung cộng tổ chức được Thế Vận Hội 2008 thành công rực rỡ, cũng như cơ quan không gian quốc gia Trung Quốc (CNSA) với Phi thuyền Thần Châu đã thành công bay vào quỷ đạo thám hiểm không gian. Nhưng đời sống người dân ở Trung cộng còn khá nghèo đói, nạn tham nhũng lan tràn khắp nơi với „nạn cường hào ác bá“. Hãng xưởng biến chế hàng hóa, giày dép, đồ chơi trẻ em, thực phẩm… đều có chất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Khắp nơi trên thế giới bắt đầu ngao ngán hàng hóa, thực phẩm của Trung cộng, không người mua sẽ gây nên thiệt hại kinh tế, Sụt giảm xuất cảng tác động đến đầu tư tài sản ở mức 40% của GDP, sự thiệt hại nầy không thua gì việc khủng hoảng tài chánh vừa qua ở Mỹ. Trước đó nhờ xuất cảng hàng hóa giá rẻ để thu được một số ngoại tệ dự trữ khổng lồ gần 2000 tỷ Mỹ Kim

 Các vụ xử tham nhũng thường thất bại, vừa qua toà án xử “tử hình“, cựu phó thị trường Bắc kinh ông Lư Chi Hoa về tội tham nhũng, cuối cùng ngưng bản án? có thể ông ta có công với đảng. Thế giới chỉ trích các nước theo chủ nghiã CS độc tài đảng trị, không có tự do báo chí và tư pháp độc lập, nạn tham nhũng sẽ còn tiếp tục lan tràn mạnh. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao) tuyên bố vẫn tiếp tục cải cách đất nông nghiệp có từ thời Đặng Tiểu Bình. Vấn nạn là các lãnh đạo làng xã chiếm đất nông dân, xây sân gôn hay bán cho nước ngoài lấy tiền bỏ túi, không bồi thường thỏa đáng, lý do như vậy gây ra căng thẳng và biến động dẫn đến bạo lực và khiếu kiện.(trường hợp từng xảy ra cán bộ địa phương xã buộc dân bán ruộng vườn theo „qui hoạch“ trả tiền 1 mẫu đất 10.000 Yuan(Dân tệ), nhưng sau đó bán cho công ty xây dựng nhà máy với giá 800.000 Yuan. Chính quyền trên, dưới có tiền chia nhau bỏ túi. Người dân biết chuyện phản đối, chính quyền đã thuê bọn côn đồ tới đánh đập! nông dân Trung cộng đã và đang bị bạc đãi.)

Thời gian qua vì ảnh hưởng khủng hoảng tiền tệ thế giới tư bản. Các nước cộng sản càng thắt chặt giáo điều cai trị, chủ trương “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghiã“. dù Mikhail Gorbachev ra lệnh giải tán đảng CS Liên Xô và tuyên bố giải thể chế độ Liên Bang Xô Viết kể từ tháng 12 năm 1991 chấm dứt guồng máy cai trị Quốc Tế Cộng Sản, cái Thiên Đường đảng CS sụp đổ. Các nước Đông Âu từ bỏ chế độ CS. Chủ thuyết Karl H.Marx (1818-1883) không thể nào sống lại, dù hiện nay các nước tư bản bị khủng hoảng tài chánh và kinh tế

 Các quốc gia Tây Phương theo dân chủ pháp trị, tất cả chính sách, đạo luật được quyết định bởi Quốc Hội, dân biểu được cữ tri tín nhiệm bầu làm đại diện.  Mọi tranh chấp, bất đồng được giải quyết bằng luật pháp phân minh, không bị áp đặt như chế độ độc tài đảng trị của cộng sản. Nếu người dân bất đồng một vấn đề nào đó với chính phủ  người dân cùng ký  thỉnh nguyện thư gởi lên, chính quyền phải lắng nghe sửa đổi đáp ứng theo nguyện vọng của dân. Trong thời gian vận động tranh cử tổng thống Mỹ ông Mc Cain đảng Cộng Hòa và Obama đảng Dân Chủ vận động chỉ trích nhau tơi bời hoa lá. Người thắng cử làm tổng thống không có vấn đề trả thù, mỗi người trở về nhiệm vụ của mình cùng làm việc phục vụ quyển lợi chung cho người dân Mỹ.

 Vấn đề khủng hoảng tài chánh, kinh tế thế giới tư bản sẽ được phục hồi. Đời sống tự do và nhân quyền luôn luôn được tôn trọng. Bài học giá trị trong lịch sử, sự phát triển quốc gia trở ngại vì thể chế chính trị chứ không phải lệ thuộc hoàn toàn vào kinh tế, văn hóa hay tôn gíao. Một quốc gia đa đảng, có đảng đối lập thì đảng cầm quyền không thể độc tài, và các đảng làm việc theo nguyện vọng của người dân để được tối đa phiếu ủng hộ. Nhìn lại 33 năm Việt Nam Thống Nhất lợi tức trung bình 1 năm tính theo đầu người 725.USD. Nếu so với các nước chậm tiến Việt Nam vẩn còn là nước rất nghèo, nhiều người mỗi ngày sống dưới mức 1USD. Tương lai đất nước sẽ đi về đâu? Trong lúc Việt Nam không thiếu nhân tài và tài nguyên thiên nhiên phong phú .

                                                                 Sài Gòn đầu thu 2008

 

 

  1. Chuyện bên tàu giống bên Ta trích một đoạn trong bài (Sao hôm Sao mai của Vương Mộng Long) đăng trên Đàn Chim Việt

       http://danchimviet.com/articles/536/1/Sao-hom-sao-mai-1/TrangPage1.html

„Bằng cấp con khỉ mốc! Tớ đang học lớp ba, chưa thi Sơ-Học Yếu-Lược (thời Tây) thì xảy ra cách mạng. Ba mươi năm theo Đảng, vốn liếng của tớ chỉ có mớ lý thuyết Cộng-Sản thuộc nằm lòng. Giải phóng miền Nam xong, Đảng ủy yêu cầu tớ dậy Lý Thuyết Đảng cho sinh viên đại học. Lúc đầu tớ cũng khớp, không dám nhận. Sau đó tớ đánh liều. Mà quả thật, có ai biết mình là thằng dốt đâu? Mười năm, nhờ ơn Đảng, tiếng nói của một thằng i tờ rít như tớ tự nhiên có trọng lượng... sinh viên nghe theo răm rắp... „