- Cựu giáo viên, giáo sư trường Trung tiểu học Phan Thanh Giản Đà Nẵng -



"Kính cầu nguyện hương hồn Thầy An Lạc trong cõi Vĩnh Hằng"

Thầy kính yêu, khuya hôm qua (01/02/2012, năm Nhâm Thìn), tức quá trưa tại Việt Nam. Trương Chi Thọ, bạn học thân của con và cũng là con trai của Thầy điện thoại báo hung tin cho con biết là Thầy đã vĩnh viễn rời bỏ chúng con.

Con bàng hoàng xúc động vì chỉ mới mấy tháng trước, sau khi được anh Nguyễn Ngọc Thông, là bạn vong niên của con đang ở Saigon, anh Thông cũng là cựu giáo sư Trường Phan Thanh Giản Đà Nẵng cho biết số phone của Thầy, con đã tức tốc gọi điện gặp Thầy và còn nghe được giọng nói trầm trầm của Thầy và nghĩ rằng Thầy cũng vẫn còn khoẻ mạnh.

Con đã có 7 lần về Việt Nam, có 4 lần về thăm Đà Nẵng, nhưng thời cuộc và thế sự đổi thay, nên con đã không thể biết được thầy vẫn còn ở Đà Nẵng nên đã bỏ lỡ những cơ hội gặp lại Thầy.

Con đã dự định sẽ về thăm Thầy trong lần sắp tới, để được Thầy vỗ đầu dạy bảo như thời còn thơ ấu.

Những kỷ niệm thời thơ ấu hiện về như trong một giấc mơ:

Khi Thầy dạy chúng con học các môn học từ tập làm văn, toán động tử xuôi chiều, ngược chiều và các môn học về đo lường và các cách tính toán của vòi nước chảy vào thùng bao lâu thì đầy và thùng bị lủng thì thời gian sẽ kéo dài thêm bao lâu, làm toán chạy và phần thưởng là những điểm 10/10, con còn nhớ như in. Viết vở luân hoán.Nhất là môn chính tả, thầy thường chọn con lên bảng đen kéo màn đen lại, cô lập con với các bạn cùng lớp, thầy đọc để chúng con viết chính tả, những lúc như thế con cảm thấy cô đơn với chiếc bảng đen và hồi hộp với những gì mà con viết trên bảng vì nếu con có nhiều lỗi và nhiều dấu đỏ và điểm dưới trung bình thì sẽ rất “quê” với bạn bè vì sẽ bị cả lớp chế nhạo. Con có biết đâu đó là cách thi đua để tạo cho con sự mạnh dạn trước tập thể và con đã mạnh dạn hơn để có thể sau này tiếp xúc với xã hội và hành nghề sau này. Những lần đó, sau khi Thầy chấm điểm cho con xong, Thầy chưa kéo màn che ra, Thầy bảo cả lớp nộp tập vở ra đầu bàn, rồi đổi với dãy bàn bên kia, chia ra cho mỗi học sinh chấm lẫn nhau sau khi Thầy kéo màn che ra. Các bạn sẽ nhìn lên bảng đen để dựa theo bài đã chấm trên bảng để chấm điểm lẫn nhau. Sau đó, khi các học sinh chấm xong thầy bảo nộp hết tất cả tập vở cho Thầy để Thầy chấm lại cho kịp giờ học. Trong lúc Thầy đang chấm bài, đám học trò bao giờ cũng bàn tán ồn ào làm các lớp khác không học được. Thầy bảo con cầm một tờ giấy để ghi tên đứa nào nói chuyện làm ồn để Thầy phạt chúng. Con tuân theo lời Thầy chỉ ghi những đứa nói chuyện nhất là đám ngồi cuối lớp như thẵng Thái Tây lai, Hào “đôla” vì nó có một cái thẹo tròn rất lớn bên thái dương trái như đồng đô la, thằng Hà Thúc Phước. Đám con trai khác như Võ Biên Thùy, Nguyễn Bình Tuyến, Nguyễn Anh Trí, Trần Gia Phước, Lý Vi Hòa, Du Tử Thành, thằng Nhuận, (chuyên mặc quần xà lỏn trệ xuống đi chân không đi học)… thì ngồi những bàn trên cùng với con tuân theo kỷ luật nên không bao giờ bị ghi tên.

Đám con gái như Phạm Thị Anh Thơ, Bùi thị Kim Oanh, Vũ Thi Thu Huyền, Nguyễn Thị Bích Hợp…thì ngoan ngoãn hiền lành nên chẳng bao giờ nói chuyện trong lớp nhất là đã có “hung thần” trở thành “trưởng ban trật tự bất đắc dĩ” đứng ngay trước mặt.

Nhưng Thầy có biết không? Sau những lần như vậy con bị mấy thằng ở xóm dưới “chửi rủa” nào con “mê gái đẹp”Anh Thơ, Thu HuyềnKiều Oanh, Bích Hợp đều hiền hậu rất đẹp lại học giỏi nên đám kia lớn tuổi hơn chắc đã dậy thì nên say đắm các hoa hàm tiếu đang hé nhụy đó! Con đã bị thằng Hà Thúc Phước thách đấu tay đôi tại sân Vận động Chi Lăng…

Lại nữa, làm sao con có thể quên đưọc khi Tết năm đó 1962 sang năm 63. Tòan trường tổ chức ăn Tết trưóc sân chào cờ, Ban giám hiệu kêu gọi có học sinh nào lên hát không, Thầy bảo con lên hát trước toàn trường, con đã hát bản “Cánh Thiệp đàu xuân” dầu chỉ mới nghe Thanh Thúy ca trên đài phát thanh, bắt chước mà hát cũng được vỗ tay, vì là “chột trong đám mù”.

Thầy ơi!

Ngày nay, hơn nửa thế kỷ rồi, chúng con vẫn nhớ đến Thầy dù ở bất cứ nơi đâu trên địa cầu nầy. Chắc Thầy cũng đã nghe hoặc biết trong đám học trò của Thầy đã có nhiều người thành đạt trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, đã chiến đấu với nhiều hoàn cảnh oái ăm, tuy có những đưá không may, nhưng hầu hết những yêu thương và tận tụy trong khi Thầy dạy chúng con chắc không đứa nào quên được! Con đã ước mơ có ngày gặp lại, đứa nào không nghe lời Thầy mà Thầy bảo con làm “trưởng ban trật tư bất đắc dĩ” lần nữa con cũng sẵn sàng làm theo lời Thầy dạy!

Nay Thầy đã đi xa, thay cho sự hiện diện của con vì ở xa đến ½ vòng trái đất con có thư nầy nhờ Trương Chi Thọ kính đọc đến Thầy để lạy tiễn biệt Thầy.

Thầy đã mất đi nhưng tinh thần của Thầy con vẫn khắc ghi trong lòng con mãi mãi.

Lạy và Vĩnh biệt Thầy.

Học trò của Thầy.

Ngày 02 tháng 02 nằm 2012

Nguyễn Tăng Tri - Cựu HS (60-63)
(Học lớp Nhất (1962-1963) với Thầy Phô
)

Toronto, Cananda