NỖI NIỀM

     Viết để ghi nhớ “Một chút quãng đời của tôi” –NQ

                                        
Tôi là người con gái trời cho đẹp. Từ thuở mười bốn mười lăm, trên đường đi học về, đã có biết bao ánh mắt ngưỡng mộ nhìn theo. Phía trước tôi, cả một chân trời tương lai rộng mở.  

Ba tôi là hiệu trưởng một trường tư thục trong thành phố, mẹ là giáo sư Việt văn, nên chị em tôi được dạy dỗ theo đường lối mô phạm nghiêm khắc, ít tự do hơn những người bạn đồng trang lứa khác, nghĩa là lâu lâu mới được phép đến nhà bạn bè,  hoặc du ngoạn đây đó… nhưng không vì thế mà tôi buồn, trái lại, cuộc sống tôi vô cùng êm ả, hạnh phúc ngập tràn trong tình yêu thương của ba mẹ và các em.

Tôi là chị đầu của bốn cô em gái, nên luôn có ý nghĩ mình phải là tấm gương soi, là nấc thang đầu tiên vững chãi, để các em tiếp bước noi theo. Tự tôi cũng hạn chế những cuộc rong chơi, đặt tầm quan trọng vào việc học và cố gắng để ngày một hoàn thiện hơn. Những người hàng xóm thường gọi năm chị em tôi là “Ngũ Long Công Chúa” và công chúa Ngọc Quỳnh là người đẹp nhất.

Lúc bấy giờ, thành phố Đà Nẵng chỉ có một trường trung học công lập mang tên nhà chí sĩ Phan Châu Trinh. Trường khá lớn, học sinh muốn vào học đều phải thi. Năm đó, tôi may mắn thi đậu vào đệ thất với thứ hạng cao. Nữ sinh đi học phải mặc áo dài trắng và mẹ đã chọn lụa Hồng Hoa –một loại tơ nổi tiếng thời đó, may cho tôi. Ba thưởng tôi một chiếc xe đạp, nhưng vì trường gần nhà, nên tôi không dùng mà nhường lại cho dì Nhung, nhân dịp dì ra thăm gia đình tôi. Dì là cán sự điều dưỡng, làm việc ở Sài Gòn, em họ của mẹ tôi. Tính tình dì nhân hậu, thảo hiền, thương yêu chị em tôi còn hơn dì ruột.

Thời áo trắng học trò mới tươi đẹp làm sao. Những năm tháng học hành bên thầy cô bạn bè đã để lại trong lòng tôi biết bao kỷ niệm. Thầy Quân dạy Văn, thầy Tăng dạy Toán, cô Gia Lai dạy Triết, thầy Sơn dạy Nhạc… bạn bè tôi khá đông, nhưng thân nhất là Kim Oanh, Thu Hằng, Hồng Châu, Như Huệ. Chúng tôi thường chia sẻ cho nhau bao nỗi buồn vui tuổi con gái dậy thì, kể cả những lá thư của các chàng trai si tình gửi đến. Cùng đọc, cùng cười, cũng hãnh diện, chỉ vậy thôi, không có ý gì khác.

Dù trường tôi có rất nhiều người đẹp, nhưng bạn bè vẫn ưu ái tặng tôi hai chữ “hoa khôi”. Họ bảo tôi có cặp mắt to đen, rất thu hút, chiếc mũi cao mang nét Tây phương và khuôn mặt nhân hậu. Nhiều người còn nói tôi có đôi mắt của Audrey Hepburn, khuôn mặt của Sylvie Vartan… những diễn viên ca sĩ nổi tiếng thời bấy giờ. Ngoài nhan sắc, trời còn phú cho tôi giọng hát nồng nàn ấm áp khiến thầy Sơn rất hài lòng khi giới thiệu tôi vào ban Văn Nghệ trường. Tôi trở thành “ca sĩ” tham gia nhiều chương trình ca nhạc cùng các anh chị lớp trên, được nhiều người biết tới và viết thư làm quen nhưng tôi không trả lời vì lòng chưa muốn quen ai… trong số đó, có một bài thơ viết trên giấy pelure màu xanh nhạt, bằng một nét bút rất phóng khoáng, nội dung là những lời chúc tụng rất dịu dàng đã làm tôi xao xuyến biết bao đêm… Nhưng rồi thôi, tôi quên cái tên HG ghi bên dưới bài thơ rất nhanh, vì thời gian này, những kỳ thi đang chờ đợi, tôi chỉ biết cố gắng học để đạt kết quả tốt, mọi việc khác để tính sau.

Tôi thi đậu bán phần. Niềm vui không trọn vẹn lắm vì hai trong bốn cô bạn thân của tôi không gặp may, học tài thi phận. Kim Oanh ở lại đệ nhị, Hồng Châu hoàn cảnh khó khăn, phải nghỉ học ra chợ phụ mẹ buôn bán. Lên đệ nhất, tôi chỉ còn Thu Hằng và Như Huệ.

Ba mẹ tổ chức buổi tiệc nhỏ chúc mừng tôi trong không khí gia đình đầm ấm. Trước đó vài ngày, tôi nhận được một món quà thưởng rất quí giá của chú tôi từ Sài Gòn gửi ra, đó là chiếc đồng hồ hiệu Omega, với lời hứa sẽ về thăm tôi trong  ngày vui ấy. Chú là kỹ sư Công Chánh, em họ của ba tôi. Và tôi vô tư, mong đợi ngày chú về, nào ai biết, đó là MỘT –NGÀY –CỦA –ĐỊNH –MỆNH!!!

Chú không về một mình, mà đi cùng với người bạn học cùng khóa. Đó là một người đàn ông khoảng 30 tuổi, dáng tầm thước, gương mặt không xấu không đẹp, đối với tôi, không có chút ấn tượng nào. Nhưng đối với người đó, nhan sắc tôi đã làm cho nhịp tim anh ta bấn loạn, nên nhất quyết phải cưới được tôi. Ngày từ phút ban đầu, anh ta đã coi thường tôi, xem tôi như một đứa con nít. Thay vì làm quen với tôi, nói với tôi những lời nên nói, thì anh ta chỉ thăm hỏi ba mẹ tôi và nhờ cô tôi đứng ra mai mối. Với cái mác Kỹ sư (thời đó rất hiếm), con nhà tử tế, có địa vị trong xã hội, cọng thêm những lời tán dương của cô tôi, ba mẹ tôi bị chinh phục hoàn toàn. Lúc này, tôi đang chuẩn bị thi Tú tài toàn, đầu óc chứa đầy những công thức, phương trình Toán Lý Hóa, những bài Văn Học, Sử Địa… không có thì giờ nghĩ đến chuyện khác, dù đó là chuyện quan trọng quyết định cả cuộc đời mình. Bởi tôi hy vọng, nếu tôi không đồng ý, ba mẹ sẽ chiều tôi. Và hình như thế, vì trong suốt thời gian tôi học thi, không khí trong nhà thật dễ chịu, ba mẹ và các em chăm sóc tôi từng miếng ăn giấc ngủ, không ai nhắc đến chuyện hôn nhân nữa.

Nào ngờ, đó chỉ là phút giây gió lặng để dập dồn bão tố phong ba. Ngày tôi có tên trên bảng kết quả thi, cũng là ngày ba mẹ tôi tiếp đón phái đoàn bên nhà trai từ Sài Gòn ra làm lễ chạm ngõ. Ba mẹ không thèm hỏi ý tôi. Đã giữa thế kỷ 20 mà ông bà vẫn còn mang một quan niệm rất lỗi thời: “Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó.” Tôi không trách ba mẹ, chỉ đau lòng mà thôi. Càng đau lòng hơn nữa là chung quanh tôi, bà con, bạn bè đều tán thành cuộc hôn nhân này và nhiệt tình chúc mừng tôi.

Tôi cô đơn ngay trong căn nhà của chính mình, không một ai bênh vực, che chở, ngay cả người yêu tôi cũng không có. Tôi chưa yêu ai cả. Tôi chỉ mới 18 tuổi, có thể, với các bạn gái khác, đã có người yêu rồi, nhưng tôi thì chưa có một khái niệm gì về yêu đương cả, suốt ngày chỉ lo học và học. Tôi biết, có rất nhiều người để ý và thương yêu tôi, từ những người đã ra đời, có địa vị trong xã hội… cho đến các sinh viên, các bậc đàn anh trong trường PCT và các trường khác… họ là những “cây si” rất dễ thương, nhiều gương mặt tôi rất có cảm tình, nếu không vì sự nghiêm khắc của ba mẹ, có lẽ tôi cũng đã có người yêu rồi.

Và cuối cùng, sự phản kháng của tôi chỉ như vài gợn sóng lăn tăn trên mặt hồ mênh mông mà thôi. Ngày hỏi, ngày cưới của tôi đã được quyết định: Người đàn ông xa lạ đó sẽ trở thành chồng tôi!!!

Tôi vẫn còn nhớ rõ ngày đó. Một ngày trọng đại, một ngày an lành, một ngày hạnh phúc đối với những người thật sự yêu nhau… Khóc như thiếu nữ vu qui nhật… Nhưng còn riêng tôi? Còn gì buồn và đau khổ hơn khi chính bản thân mình không tự định đoạt được cuộc đời mình. Thôi đành bất lực. Tôi đã khóc như mưa, khóc như chưa bao giờ được khóc, có ai hiểu cho tôi đâu??


***


Tôi theo chồng vào Sài Gòn, bỏ lại sau lưng những kỷ niệm, những tiếc nuối, và ngay cả những “cây si” vẫn còn ngơ ngác, bàng hoàng… vì sự “lên xe hoa” quá đột ngột của tôi. Một thời vàng son chấm dứt.

Mười chín tuổi  –cái tuổi còn ngây thơ để gọi là hiểu biết. Hành trang của tôi chỉ là những lý thuyết của sách vở, tôi bỡ ngỡ bước vào đời, một thân một mình nơi xứ lạ, bên cạnh người chồng lớn tuổi trong cuộc hôn nhân không có tình yêu. Lòng tôi luôn bất an, hụt hẫng và lo sợ. Tôi nhớ bạn bè, nhớ trường, nhớ lớp và khao khát được đi học. Trước khi cưới, chồng tôi có lời hứa sẽ cho tôi học tiếp Đại học, nên giờ đây, dù không muốn, anh ta phải miễn cưỡng chấp thuận cho tôi ghi danh học Đại học Luật khoa.

Tôi trở thành sinh viên của ngôi trường thơ mộng … Trả lại em yêu, khung trời Đại Học, con đường Duy Tân, cây dài bóng mát… mỗi ngày đến giảng đường, thả bộ dưới những hàng me xanh lá, hồn tôi như rộng mở đón nhận luồng sinh khí mới. Tôi bắt đầu tự tin trở lại, vui vẻ quen biết thêm bạn mới và chăm chỉ học hành. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, chồng tôi lại giở thói gia trưởng. Anh ta chỉ cho phép tôi đến dự những giờ học chung tại giảng đường lớn của trường, rồi lấy bài vở về học ở nhà và chỉ được đến lớp khi có kiểm tra mà thôi. Tôi bị cấm đi học nhóm, đến thư viện, tham dự những sinh hoạt văn nghệ, thể thao… trong trường. Chồng tôi thật ích kỷ, anh ta không muốn tôi bay nhảy thoải mái, mà chỉ muốn nhốt tôi vào lồng son để sở hữu. Dù có gạo trắng nước trong, nhưng kiếp chim lồng đau đớn xiết bao! Nhưng không vì thế mà tôi đầu hàng. Nhờ vào niềm say mê việc học, tôi đã lấy được chứng chỉ 1 và 2. Khi lên năm thứ ba –năm cuối cùng để chọn ban: Tư Pháp (sau này trở thành Luật sư) hoặc Công Pháp (sau này trở thành viên chức bộ Ngoại Giao), tôi rất thích được đi thăm các nước trên thế giới nên ghi danh học Công Pháp, nhưng rồi, những đứa con lần lượt ra đời đã xóa tan giấc mộng viễn du của tôi, tôi đành phải ở nhà làm tròn thiên chức “Mẹ”.

Có một điều, sau đám cưới, tôi mới phát giác được. Đó là, trước khi gặp tôi, chồng tôi đã có người yêu trong một thời gian dài và đã có dự định đi đến hôn nhân với cô ấy. Thật trớ trêu, cô ấy chính là dì Nhung, người dì hiền lành, thùy mị mà chị em tôi hằng thương mến. Tôi tự hỏi, tại sao chồng tôi lại có thể nhẫn tâm phản bội dì Nhung như vậy? Tại tôi đẹp, tôi trẻ hơn dì chăng? Nhưng đã là tình yêu, tại sao lại dễ dàng thay đổi như vậy? Tôi vẫn nhớ mãi và không khỏi ân hận dù đó không phải lỗi của mình. Càng nghĩ, tôi càng thương dì Nhung và cảm thấy ngày càng xa cách chồng tôi.

Sống trong điều kiện vật chất đầy đủ, nhưng trái tim tôi vẫn lạnh lùng trống trải và bất lực trong việc cố gắng giữ hòa khí gia đình. Càng lúc, chồng tôi càng lộ rõ chân tướng của một tay ăn chơi khét tiếng. Với quan niệm “chồng chúa vợ tôi”, anh ta luôn xem tôi như đứa trẻ, một con búp bê để trang hoàng, ngắm nghía. Cưới được tôi, anh ta xem như một “chiến công”, đã đánh gục được các đối thủ –những người từng thương yêu tôi. Tôi thấy tủi thân và thất vọng quá!

Tôi không còn niềm vui nào khác ngoài những giây phút nhìn các con lớn lên từng ngày. Tôi để hết tâm hồn vào chúng, thương yêu, chăm sóc, nâng niu từng miếng ăn giấc ngủ và dạy dỗ học hành. Chồng tôi thấy được điều này nên bỏ mặc mẹ con chúng tôi, chẳng hề quan tâm, chỉ lo theo đuổi những thú vui bên ngoài, nhiều lúc đi suốt đêm. Dù nhà có người làm, nhưng tôi vẫn tự tay lo cho chồng tôi từ đôi giày, chiếc áo… những bữa ăn sáng, bữa cơm trưa chiều tôi đích thân nấu… Buổi tối, dù chồng tôi có về trễ, tôi vẫn chờ đợi và ra mở cửa không một lời than van. Nhìn bề ngoài, ai cũng ngỡ gia đình tôi hạnh phúc, nhưng thật ra, chồng tôi vẫn hững hờ và rất vô tình, không hề nghĩ đến cảm nhận của tôi.  Trái lại, anh ta lúc nào cũng muốn làm tổn thương tôi. Đó là tính “ghen”, kể cả những trận ghen rất vô lý khi thấy em trai mình đứng nói chuyện với tôi. Còn bạn bè tôi thì khỏi nói, anh ta cấm tôi không được tiếp bạn bè, dù là bạn gái. Tôi hoàn toàn bị cô lập trong bốn bức tường suốt ngày đêm.

Trong khu cư xá của bộ Công Chánh, tôi được tặng danh hiệu “Người vợ, người mẹ trẻ và đẹp nhất” trong tất cả các phu nhân của các ông lớn, đồng ngiệp với chồng tôi. Điều này không làm chồng tôi hãnh diện mà còn hậm hực với tôi. Cho nên, tôi lại càng sống khép mình, không dám tiếp xúc với ai. Dù không yêu chồng, nhưng tôi vẫn luôn muốn làm vui lòng chồng tôi và ao ước có một “mái ấm gia đình” như bao người vợ trẻ khác.

***


Tháng tư năm 75, khi tôi bước vào tuổi 25 thì đất trời dậy sóng, bão tố dập vùi xuống toàn cõi miền Nam. Dù sao, tôi cũng có được 6 năm tạm gọi là yên lành bên cạnh chồng con. Sau đó, chồng tôi bị kêu tập trung cải tạo, nhưng có lẽ thuộc diện dân sự hành chánh, nên anh ta chỉ học 1 năm thì được ra trại và được xét cho làm việc lại tại cơ quan cũ.

Gia đình tôi bị đuổi nhà. Vốn liếng không có bao nhiêu, tôi phải nhờ vào sự giúp đỡ của ba mẹ tôi, mới mua được căn nhà tạm ở được. Những năm tháng kinh hoàng tiếp nối, mọi người sống trong thiếu thốn, lo âu hồi hộp, con xa cha, vợ xa chồng, không biết ngày mai sẽ ra sao?! Riêng tôi, ngoài những chịu đựng chung với xã hội, cả một màn đêm chùm phủ xuống đời tôi. Tôi loay hoay tuyệt vọng trong bóng tối dày đặc đó, không sao ngoi lên được. Mãi đến bây giờ, tôi vẫn luôn tự hỏi: Tại sao tôi còn có thể tồn tại cho đến ngày hôm nay???” Đó là những chuỗi ngày tôi –phải –chịu –đựng –với –chồng –tôi!

Sau khi được ở lại cơ quan và công việc làm ăn bắt đầu thuận lợi, chồng tôi lại trở về bản chất cũ, bỏ mặc tôi lo toan mọi việc trong nhà với đàn con thơ dại. Cái nghèo, cái khó, tôi không sợ. Tôi sẵn sàng nhịn ăn nhịn mặc, hy sinh tất cả để chồng con được đầy đủ, no ấm… nhưng bù lại, tôi chỉ chuốc lấy những phũ phàng từ con người bất nghĩa đó. Anh ta không hề quan tâm đến gia đình, mà chỉ biết lao vào những cuộc vui chơi, cờ bạc, thậm chí còn dan díu với những người đàn bà bên ngoài. Đôi khi, còn trơ tráo đưa về nhà trêu ghẹo, đùa giỡn trước mặt tôi. Tôi có can gián phải trái thì chỉ nhận lại những lời nặng nề khó nghe và nắm đấm. Anh ta giở thói vũ phu liên tiếp! Liên tiếp! và tôi vẫn nhẫn nhục! Nhẫn nhục! Tôi luôn cầu mong chồng tôi hồi tâm vì các con tôi còn quá nhỏ, tôi không có quyền nghĩ gì riêng cho bản thân. Từ đó, tôi không can thiệp vào việc làm sai trái của chồng tôi nữa. Tôi muốn được an phận sống với các con để dạy dỗ chúng nên người. Các con tôi biết thương mẹ, rất ngoan, thông minh và học giỏi. Đó chính là sự bù đắp rất ngọt ngào, làm nhẹ bớt nỗi thống khổ đang vùi dập cuộc đời tôi.

Những ký ức đẹp đẽ thời áo trắng học trò chìm khuất sau lớp bụi thời gian. Cho đến một ngày cuối năm 1981, tình cờ gặp Hồng Châu trên đường ra chợ. Nói làm sao hết sự vui mừng òa vỡ, thôi thì đủ chuyện, kể hoài không dứt. Châu cho biết, Như Huệ đã vượt biên, Kim Oanh và Thu Hằng vẫn ở Đà Nẵng, thân cò lặn lội nuôi con vì hai ông chồng đi cải tạo chưa về. Tôi hỏi: “Còn bạn thì sao?”  “Ngọc Quỳnh ơi, cũng may trời thương, mình có giang buôn bán, nên dù đất trời đổi thay, mình vẫn không chết đói, mà trái lại còn mua được nhà cho ba má và nuôi hai đứa em ăn học .” “Còn chồng con…” Châu ngắt lời: “Lấy chồng làm chi cho mệt, mình tôn thờ chủ nghĩa độc thân.” Một ý nghĩ táo bạo nhưng rất đúng, cứ nhìn vào gương tôi, chắc không ai còn muốn lấy chồng. Châu cầm tay tôi: “Cuối tuần này, Quỳnh nhớ đến nhà mình họp mặt bạn bè nhé, mười lăm năm rời xa mái trường thân yêu rồi còn gì. Các bạn cùng niên khóa mình ở đây khá đông, mình đã liên lạc được với Hạnh Trang, Lệ Thu, Trí, Hùng, Khải… À, Thu Hằng và Kim Oanh cũng vào nữa đó. Lần này có Ngọc Quỳnh, mình phải làm tiệc Tất niên thật lớn mới được.”

Được gặp lại bạn cũ, còn niềm vui nào hơn. Tôi như được hồi sinh, và trong giây phút thăng hoa ấy, tôi quên mất là mình đang sống kiếp chim lồng.

Thật vậy, tôi không hưởng được niềm vui trọn vẹn khi chồng tôi luôn làm khó dễ. Lần họp mặt đầu tiên, anh ta đưa tôi đi và có mặt bên cạnh tôi để nói lên những lời rất “sốc” khó thể tha thứ. Những lần sau, anh ta không đi nhưng điên cuồng chờ tôi về để hạch hỏi như tra tấn một tù nhân, và có lần, anh ta còn xô tôi ngã té. Cuối cùng, tôi không được đến với bạn bè và bạn bè cũng không được đến thăm tôi. Nếu lỡ đến thăm, thì y như rằng, họ sẽ bị chồng tôi đuổi mắng thậm tệ, dù đó là cô giáo, thầy giáo cũ. Tôi nhục nhã vô cùng!

Nhưng rồi, thầy cô và bạn bè cũng thông cảm và càng thương yêu tôi. Họ ái ngại cho hoàn cảnh của tôi nên tự hạn chế việc thăm viếng để tránh phiền phức cho tôi. Trong khi đó, chồng tôi lại ăn ở với những người đàn bà khác bên ngoài, có con riêng, và ròng rã như vậy trong bao năm qua, mà mãi sau này tôi mới được biết.

Bước chân về nhà chồng với trái tim chưa vương vấn hình bóng chàng trai nào, tôi đã rất “vuông tròn” trong bổn phận làm vợ, làm mẹ, vậy tôi đã làm điều gì nên tội để bị đối xử quá phũ phàng? KHÔNG YÊU CHỒNG có phải tội lỗi chăng? Cái quan niệm xưa cũ của các bậc cha mẹ đã dẫn đến một sai lầm. Hôn nhân phải được xây dựng trên nền tảng TÌNH YÊU. Tôi không tìm thấy hạnh phúc, nhưng không dám phê phán hay oán trách các bậc sinh thành vì tình thương của ba mẹ tôi bao la như trời biển, nhưng chắc chắn một điều, tôi sẽ không để cho các con tôi bước lên vết xe đổ của Mẹ.


****


Tôi cố sống vui bên các con, quên đi nỗi buồn phiền khi nhìn thấy các con thành công trên bước đường học vấn. Cháu trai đầu tốt ngiệp Kỹ sư Cơ Khí tại Pháp (cháu vượt biên năm 1982), cháu trai thứ hai đang học Y Khoa, cháu gái út vào năm thứ nhất Đại Học Tổng Hợp. Lòng tôi càng nhẹ nhỏm trong thời gian này vì tôi và chồng tôi vừa chính thức LY THÂN. Cánh cửa lồng son đã mở ra khung trời cao rộng cho đôi cánh Ngọc Quỳnh thoải mái tung bay. Tôi trở về Đà Nẵng thăm lại bạn bè, trường xưa, lớp cũ… những buổi họp mặt thường niên ở Sài Gòn, những lần đi du lịch trên mọi miền đất nước … tôi hoàn toàn tự do gặp gỡ bất cứ ai, thấy cuộc đời thật đáng sống.

Chưa vui được bao ngày thì xảy ra chuyện. Ba tôi mất. Người cha suốt đời tận tụy vì vợ con, đã yêu thương tôi nhiều nhất trong các chị em gái, và đã mang trong lòng nỗi dằn vặt khổ đau khi chứng kiến cuộc hôn nhân bất hạnh của tôi.

Ba nuôi con khôn lớn
Dạy con sống làm người
Ba bỏ con ở lại
Buồn biết thuở nào nguôi!

Ba ra đi, tôi hụt hẫng như đánh mất một vật quí giá nhất trong đời. Không còn quan tâm, thiết tha điều gì nữa, tôi sống khép kín, như con chim nhỏ sợ cành cây cong, tôi đâm ra nghi ngờ mọi việc và mọi người.

Tôi vẫn đến với bạn bè trong những lần họp mặt. Bề ngoài, tôi vẫn khoác một lớp áo vui vẻ, tươi cười với mọi người, nhưng thật ra, băng giá lòng tôi vẫn chưa tan. Tôi đã lần lượt gặp lại các cố nhân, những người đã từng si mê tôi một cách điên cuồng, giây phút nào họ cũng muốn được nhìn thấy tôi, lúc đi học, lúc tan trường, hay bất cứ lúc nào tôi ra khỏi nhà… có nhiều người còn ngồi suốt ngày bên nhà… hàng xóm để mong được nhìn thấy tôi. Bây giờ, phần đông đã yên ổn bên gia đình, nhưng cũng có những người đã ly dị hoặc còn độc thân, đã ngỏ ý muốn cùng tôi đi tiếp đoạn đường đời. Bạn bè thương yêu tôi, mong tôi tìm thấy hạnh phúc nên xúm vào thuyết phục, hãy mở lòng ra, Ngọc Quỳnh ơi. Nhưng vô ích. Tôi không còn thiết tha gì nữa, tôi thờ ơ, lạnh lùng với tất cả lời khuyên. Dù cho chúng nó gọi tôi là một khúc gỗ, một tảng băng, một núi đá hay một… nữ tu đi nữa, tôi vẫn không màng.

Tôi qua Pháp tổ chức lễ cưới cho con trai đầu lòng. Thời gian ở đây, có một người đàn ông góa vợ yêu tôi say đắm, nhất quyết đòi tổ chức đám cưới với tôi. Tôi đã cương quyết khước từ, trái tim tôi đã chai cứng mất rồi, không còn khả năng đón nhận hình bóng một ai. Từ bây giờ, tôi chỉ sống vì con. Cháu trai thứ nhì tốt nghiệp Y khoa, được làm việc tại một bệnh viện lớn trong thành phố. Cháu gái út sau khi ra trường  đã xin được học bổng qua Mỹ du học. Các con tôi đã tìm thấy một nửa của mình. Cưới vợ cho con trai ở Việt Nam xong, tôi lại đi Mỹ làm đám cưới cho con gái.

Thời gian ở Mỹ, tôi may mắn gặp lại đầy đủ bạn bè, nhất là ba cô bạn thân thời áo trắng. Đó là Như Huệ (vượt biên), Kim Oanh và Thu Hằng (đi diện HO). Tất cả dành cho tôi những cảm tình sâu đậm, cưng chiều và trân quí. Tôi hạnh phúc vô cùng.

Ba mươi năm trôi qua như giấc mộng. Tuổi xuân của tôi héo tàn trong sầu não đắng cay. Điều an ủi tôi bây giờ là niềm vui của các con tôi. Tôi đã hoàn thành được tâm nguyện của mình. Ba cuộc hôn nhân của các con tôi đều được xây dựng trên nền tảng TÌNH YÊU, chúng sống bên nhau tràn trề hạnh phúc. Những đứa cháu dễ thương lần lượt ra đời đã cất bớt gánh nặng trong lòng tôi.

Sau khi ở Mỹ về, tôi nhận được phone của Hồng Châu. Cô báo tin sẽ cùng vài người bạn PCT hùn vốn mở một nhà hàng, với ước mong sẽ là “Hội Quán” của trường tôi, nơi qui tụ những bạn bè một thời áo trắng cùng gặp gỡ, giao lưu… “Mình xin phép lấy tên Quỳnh đặt cho nhà hàng này. OK?” “Tại sao là tên mình?” Châu cười trong điện thoại: “Ngày xưa, cái tên này có một sức lôi cuốn kỳ lạ, hy vọng bây giờ sẽ kéo bạn bè đến nhà hàng mình ngày càng đông.” Tôi vốn quí bạn bè, hơn nữa, sự cô đơn buồn tẻ trong cuộc sống đã thôi thúc tôi phải làm một việc gì để khuây khỏa, lấp đi khoảng trống của tâm hồn, nên tôi chấp thuận.
Nhà hàng mang tên Ngọc Quỳnh, mở cửa suốt ngày, ngoài cà phê, điểm tâm sáng, còn phục vụ bữa ăn trưa và chiều. Thứ bảy và chủ nhật còn có chương trình nhạc sống, khách hàng có thể lên ngâm thơ, hát hò… để cùng nhớ lại miền ký ức đã mờ xa. Ngày khai trương được quảng bá rộng rãi và được bạn bè ủng hộ nhiệt tình. Không gian ở đây thân mật và ấm cúng, nên tôi ghé thăm Hồng Châu rất thường. Nào ngờ, sự lui tới ngẫu nhiên này đã khai quang tâm hồn, đưa tôi vào một lối rẽ thật diệu kỳ và êm ái.

Trong chặng cuối cuộc đời, trong lúc tôi hoàn toàn tuyệt vọng, mất niềm tin, thì bỗng nhiên, tôi tìm lại được chính tôi, với nỗi khao khát, niềm say mê, cùng sự ham sống mãnh liệt. Những cảm giác này tưởng chừng đã chết từ lâu, nay bỗng dâng lên, cuồn cuộn như dòng thác. Tôi vô cùng ngạc nhiên với chính mình, thì ra, tôi vẫn còn cảm giác, bởi tôi đã tìm thấy một nửa của mình! Tôi không còn là tôi của những ngày tháng cũ. Bao buồn phiền chán nản đã nhường bước cho sự yêu đời. Tôi hăng say làm việc không biết mệt mỏi, nụ cười luôn nở trên môi.

Các bạn thân của tôi rất ngạc nên trước sự thay đổi lạ lùng này, nên thường nhìn tôi với ánh mắt dò hỏi: Ai đã làm tan chảy trái tim băng giá của Ngọc Quỳnh?
Đó là Anh. Anh xuất hiện trong quán như bao thực khách khác, và tình cờ nhìn thấy tôi đứng cạnh Hồng Châu. Anh bước lên sân khấu, xin được hát tặng cô chủ quán và người bạn (là tôi) bài Nỗi Niềm… Từng hạt sương khuya hoen đôi mắt biếc, sau khi chia tay hôn em một lần vội vã … Nhìn ánh mắt hướng về tôi, chắc chắn bài hát này anh chỉ dành riêng cho tôi. Thay mặt Hồng Châu, tôi cám ơn nhã ý của Anh. Anh cho biết, Anh cũng là cựu học sinh PCT, hiện đang ở Mỹ. Anh rất tiếc là đã biết thông tin về quán Ngọc Quỳnh quá trễ, vì ngày mai, anh phải trở về nhà rồi. Anh đã xin địa chỉ email của tôi.

Lá thư đầu tiên ghi tên HG đã làm tôi nhớ đến bài thơ viết trên tờ pelure màu xanh đã từng làm tôi xao xuyến! Đúng là Anh rồi. Ban đầu chỉ là vài câu thăm hỏi, xã giao… tiếp đến là những lời lẽ thật ân cần, dễ thương. Anh đã không dấu kín nỗi lòng mình là ngày xưa, Anh đã từng để ý và yêu thương tôi. Vậy mà tôi hoàn toàn không biết gì về anh ấy, bởi hồi đi học tôi chỉ có bạn trai cùng lớp, và những người yêu tôi, tôi cũng chỉ biết rất mơ hồ.

Inbox của tôi tràn đầy thư Anh, càng lúc càng nồng nàn say đắm. Nhưng vì e ngại, thỉnh thoảng, tôi mới reply thư Anh. Những lúc không thấy tin tôi, Anh lại viết cho tôi những dòng thư nôn nóng với lời trách nhẹ nhàng… Từ đó, Anh tạo cho tôi một thói quen là check mail mỗi ngày, mong đọc được thư Anh. Nỗi nhớ thương trải dài qua nửa vòng trái đất… Cứ như thế, chúng tôi viết rất đều đặn và cảm thấy đó là niềm vui cho nhau. Sau mấy tháng, Anh thú nhận với tôi là tình yêu ngày xưa trong Anh vẫn còn nguyên vẹn, dù hiện nay, hoàn cảnh không được thuận tiện, nhưng Anh vẫn tha thiết yêu tôi và không thể sống thiếu tôi được.

Tôi đã đọc đi đọc lại những dòng thư tỏ tình đầy chân thật của Anh. Và đây là lần đầu tiên, tôi cảm thấy rung động trước một người đàn ông, dù chúng tôi đang nghìn trùng xa cách… Một rung động nhẹ nhàng ấm áp, tôi ngoan ngoãn nghe theo lời mách bảo của trái tim: Yêu Anh.

Một triết gia đã nói: “Sự xa cách đối với tình yêu như Gió đối với Lửa. Gió dập tắt ngọn lửa nhỏ nhưng lại làm bùng cháy ngọn lửa lớn.” Tôi vẫn luôn nhớ rõ ngày đó –ngày 14/ 1 –ngày mà chúng tôi cảm thấy không thể thiếu nhau trong đời, ngày mà chúng tôi đã trao cho nhau tất cả tâm hồn: một tình yêu đích thực mà cả hai chúng tôi, mãi đến giờ phút này mới tìm thấy được cho đời mình. Ôi hạnh phúc biết bao! Diệu kỳ biết bao! Tôi đã khóc trong niềm hạnh phúc đó. Khóc như “Thiếu nữ vu qui nhật”!!!

Chúng tôi đã yêu nhau như điên cuồng. Đúng vậy, vì đây là tình yêu đầu đời, cũng là tình yêu cuối cùng của chúng tôi. Trong suốt chặng đường đã qua, cả hai chúng tôi đều không có tình yêu từ lúc đi học, đều sống và chấp nhận với những bổn phận đã bị các đấng sinh thành sắp xếp. Tuổi thanh xuân đã trôi qua đầy nuối tiếc, nên chúng tôi trân quí những năm tháng hiện tại, mỗi ngày email cho nhau, trao cho nhau những lời yêu thương nồng ấm. Mỗi tuần, chúng tôi nói chuyện với nhau qua điện thoại hai lần, và có lần tôi đã hát cho Anh nghe… Nào ngờ đêm nay tim nghe ấm áp, ngỡ đã xa nhau nên khóc một lần từ giã, giờ thì đôi tay đan tay quấn quít, xin cho đêm đêm tràn đầy mộng say… Đó là những giây phút tuyệt vời, chúng tôi gọi đó là những giờ HOÀNG ĐẠO! Có ai trên đời này được một tình yêu như chúng tôi? Càng ngày, chúng tôi càng say đắm và ngập chìm trong hạnh phúc, trong niềm yêu thương nồng nàn mà hai đứa đã trao cho nhau… Mỗi một ngày, một giờ khắc vắng thư nhau là chúng tôi quay quắt, lo sợ!!!

Nỗi lo sợ này có lý do chính đáng. Một sự việc đã xảy ra, đã khiến chúng tôi phải đau khổ một thời gian, mà với riêng tôi, nếu không có lối thoát, có lẽ tôi không thể nào chịu đựng nổi: Vào một ngày, check mail như thường lệ, tôi bỗng bắt gặp một thư lạ. Ban đầu, tôi cảm thấy hoang mang, nhưng khi mở thư đọc, thì nỗi hoang mang chuyển thành đau đớn. Tôi lặng người trước những lời lẽ không được lễ phép, có tính cách mĩa mai và đầy hăm dọa: thư của con Anh.

Thì ra, trong lúc hai con tim hòa quyện, đắm say trong tình yêu, chúng tôi đã quên đi một thực tế phũ phàng: GIA ĐÌNH ANH!!! –đó là một hàng rào cách ly đầy gai nhọn vây quanh chúng tôi, sẵn sàng xô ngã chúng tôi xuống vực thẳm không chút xót thương! Anh đã bị gia đình lên án, ngăn cấm, đe dọa đủ điều nếu vẫn còn tiếp tục liên lạc với tôi.
Tôi vô cùng khổ sở. Tại sao tôi không có quyền yêu? Cả đời tôi bị đánh mất vào cuộc hôn nhân không tình yêu, giờ tôi đã tìm thấy Tình Yêu, sao lại không được quyền nắm giữ??? Ai tội nghiệp cho tôi đây? Suốt ngày tôi thẩn thờ và luôn bị dằn vặt. Tôi đã quá yêu Anh, không thể xa Anh được. Không ai có quyền ngăn cấm chúng tôi.

Về phía Anh cũng vậy. Có lẽ vì quá đau khổ khi phải xa tôi, nên Anh đã cố sức tìm kiếm tôi qua những thông tin trên mạng, những website của trường học. Và cuối cùng, Anh đã liên lạc được với tôi. Trong thế giới ảo, chúng tôi đã trao cho nhau những bài thơ chứa chan tình ái, mà chỉ có hai đứa tôi mới cảm nhận được nỗi nhớ thương nhau. Sự ngăn cách không làm giảm sút tình yêu, mà trái lại, chúng tôi như hai cực nam châm, càng lúc càng đắm đuối hút vào nhau, không cưỡng lại được. Những cản trở chung quanh với hoàn cảnh nghiệt ngã, không còn làm chúng tôi nao núng. Gần hết đời người, chúng tôi đã làm tròn bổn phận và trách nhiệm, giờ là lúc chúng tôi có quyền nghĩ cho mình.

Cuối cùng, chúng tôi đã vượt qua! Chúng tôi đã thắng tất cả –tạm thời, tôi cho là như vậy. Anh đã liên lạc lại bình thường với tôi. Ôi, nói làm sao được nỗi mừng vui, xúc động của chúng tôi sau những ngày bị “ngăn cách”. Chúng tôi trở lại với nhau bằng những dòng thư êm ái, gắn bó, nồng nàn, bằng những giờ hoàng đạo ngất ngây bên nhau… chúng tôi san sẻ với nhau từng niềm vui nỗi buồn. Chúng tôi không dấu nhau bất cứ điều gì, vì vậy, dù chúng tôi chưa được cận kề nhau, nhưng vẫn song đôi như “hình” với “bóng”. TÌNH YÊU CỦA CHÚNG TÔI LÀ NHƯ VẬY.

Nhưng, tôi vẫn luôn tự hỏi, tình yêu ủa chúng tôi chỉ biểu hiện như vậy thôi sao? Bởi tôi vẫn thầm ao ước, có một ngày hai đứa sống bên nhau, ấp ủ tình yêu, săn sóc, lo lắng cho nhau. Tôi vẫn mong có Anh bên cạnh, vẫn thèm khát được âu yếm, nuông chiều. Những ước mơ nhỏ bé nhưng sao quá xa vời! Và Anh cũng vậy. Tình yêu đã làm cho con người trẻ lại. Chúng tôi thường có chung những giấc mơ ngộ nghĩnh, như biến thành thiên thần có đôi cánh bay đến với nhau, hoặc được ông Tiên ban cho chiếc áo tàng hình để chúng tôi có thể gần gủi nhau, trao cho nhau những yêu thương, nhớ nhung chất ngất.

Có nhũng lúc tôi lo buồn vì công việc không được như ý, hoặc phải bù đầu rối trí trước những khó khăn, thì chỉ cần nghĩ đến anh, là tất cả bực dọc đều tiêu tan. Từ khi yêu Anh, tôi chưa từng xúi dục Anh điều gì, và ngay cả những ước mơ thầm kín, tôi cũng không dám tỏ bày với anh, bởi tôi không muốn Anh khó nghĩ. Tôi sợ Anh buồn.

Tuy tôi yêu Anh, rất yêu Anh, nhưng lòng tôi vẫn ôm ấp nỗi buồn vô hạn, mỗi khi nghĩ đến mối tình bế tắc, với những khó khăn không tháo gỡ được. Một tình yêu không lối thoát! Anh có dám can đảm vượt qua không? Chúng tôi có được cận kề bên nhau đến cuối đời không? Trước mặt chúng tôi là con đường đầy chông gai thử thách, tôi chỉ biết âm thầm chịu đựng và trông chờ những quyết định sáng suốt của anh.

Cuộc tình của chúng tôi, một vài người bạn thân đã biết và chia làm hai phe rõ rệt. Phe ủng hộ thì lúc nào cũng khuyến khích tán dương. Phe chống đối rất bất mãn, bảo tôi điên rồ, đi yêu một kẻ đã có gia đình trong khi đến giờ phút này, vẫn còn nhiều người có hoàn cảnh thuận tiện yêu tôi, muốn xây dựng với tôi.

Dù ủng hộ hay phản đối, các bạn cũng chỉ vì thương tôi, muốn tôi tìm thấy hạnh phúc cho những tháng năm còn lại, bởi họ đã chứng kiến gần như cả cuộc đời quá đau khổ của tôi! Chính vì vậy, tôi rất trân trọng ý kiến của các bạn, nhưng CHỈ CÓ CÁI CHẾT MỚI CHIA LÌA ĐƯỢC CHÚNG TÔI. Anh từng nói với tôi, không một sự kiện nào, một hoàn cảnh nào, một không gian và thời gian nào có thể hủy hoại được tình yêu chúng tôi. Nhưng với riêng tôi, thì sao? Biết nói gì? Biết nghĩ gì? Biết làm gì bây giờ?!!! Và… một lần nữa, tôi lại yếu đuối, không định đoạt được cuộc đời của mình. Ôi! Số phận của tôi! Tôi luôn bị những ý nghĩ mâu thuẫn dằn vặt. Tôi muốn xa lánh Anh, bỏ ngoài tai những lời van xin tha thiết, nhưng rồi lại muốn được “ngã” vào lòng Anh, kéo Anh về với tôi, bất chấp tất cả!
Nhưng rồi… tôi không dám bước lên dư luận để đạt được mục đích. Thà tôi chịu mọi thiệt thòi, còn hơn là gây thêm đau khổ cho một người phụ nữ khác, hay nói đúng hơn, tôi không thể phá vỡ một GIA ĐÌNH do chính Anh tạo dựng. Cuộc đời tôi là như vậy, đau khổ triền miên… triền miên… phải chăng tôi là nạn nhân của một nền giáo dục phong kiến, sai lẩm!


Sài Gòn 01/ 04/ 2012
Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh (cựu học sinh PCT)