Bé Hiền
(Tuyết Võ)
Tác giả bài này là CGS Nguyễn Thị Tuyết, Nhân Viên Xã Hội hồi hưu, hiện đang làm việc cho nhiều trung tâm thiện nguyện...Bài viết này ghi lại những cảm nghĩ trong 1 chuyến công tác thiện nguyện... Trích từ Green Cross SAP-VN Quarterly Newsletter No. 51

Social Assistance Program For Vietnam (SAP-VN) là một tổ chức từ thiện được thành lập vào năm 1992 theo qui chế 501(c)3. SAP-VN chủ trương trợ giúp đồng bào kém may mắn và trẻ em nghèo khổ và khuyết tật ở Việt Nam. SAP-VN được quản trị và điều hành bởi các tình nguyện viên làm việc bất vụ lợi và không hưởng lương.

SAP-VN
12881 Knott Street, Suite 116
Garden Grove, CA 92841

Phone & Fax: (714) 901-1997
Email: info@sap-vn.org
Web: http://www.sap-vn.org
Federal EIN: 33-0539755


   Tôi đến với SAP-VN vào năm 2005. Thời gian tuy ngắn nhưng cũng đủ cho tôi có ý niệm về chiều sâu thẳm hay độ nặng của những trái Tim tràn đầy nhiệt huyết và nồng ấm tình NGƯỜI của những Thiện Nguyện Viên hội SAP-VN. Tôi đâu cần phải diễn tả cái THẤY, trong phạm vi giới hạn của trang giấy này. Bởi chất lượng nội Tâm là những hình thể không màu, không sắc mà ngôn từ không thể nào diễn đạt được…

   Năm 2006, sau chuyến công tác 1 tuần với Mobile Clinic tại tỉnh Đồng Tháp, một số đông Thiện nguyện viên như Bác Sĩ, Nha Sĩ, Dược Sĩ và phụ tá rời VN để trở về nhà, tiếp tục xoay quanh công việc bận rộn hàng ngày của mình… Còn lại một số thiện nguyện viên, trong đó có tôi, lại tiếp tục lên đường với người lãnh đạo trẻ tuổi Hưng Vũ, cùng với chuyên gia chân (Podiatrist) Jean Lieu và bạn hữu.

   Chúng tôi tổng cộng 12 người, đúng 4 giờ sáng (thời gian là sáng nhưng không gian thì tối đen như mực…) đã thức giấc lục đục gọi nhau từ phòng này đến phòng kia, chuẩn bị lên đường ra phi trường Tân Sơn Nhất để kịp chuyến bay 6 giờ sáng đi Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Từ Nha Trang chúng tôi sẽ đi xe lần ra Bình Định, rồi Quảng Nam và từ phi trường Đã Nẵng, chúng tôi sẽ bay ra Hà Nội, đi xe lần đến Thanh Hóa và Tuyên Quang. Chương trình làm việc, những tỉnh chúng tôi sẽ đến được chia 2 việc làm chính:

   • Podiatrist Jean Lieu sẽ tái khám các bệnh nhân đã được phẫu thuật chỉnh hình do SAP-VN tài trợ chi phí, kiểm tra xem giải phẫu có giúp được cho bệnh nhân khả quan hơn chưa và giải thích về khoa vật lý trị liệu hoặc đề nghị bệnh nhân cần thêm một cuộc phẫu thuật thứ hai để chỉnh đốn khúc xương lệch, nằm tạm vào vị trí… có trật tự hơn.
   • Bên cạnh đó là những cuộc đi thăm viếng, phát quà, sách vở… tại Trung tâm Phục hồi Chức năng Trẻ em Khuyết tật, các trường Tiểu Học trong thôn quê, các gia đình nghèo có con em hiếu học nạn nhân cơn bão Xangsane tỉnh Quảng Nam.

   Buổi sáng theo chương trình đã định, chúng tôi đến trường Tiểu Học Nguyễn Công Sáu ở huyện Đại Lộc, Quảng Nam để phát 50 gói quà cho các em, nạn nhân của bão Xangsane. Ngoài gói quà do SAP-VN tài trợ, chị Mỹ Linh và tôi muốn góp nhau chút tiền riêng cho 50 em. Để không thiếu sót một em nào, chị Linh và tôi chia ra phát riêng 2 hàng, mỗi hàng 25 em. Tôi cầm trên tay 25 tờ giấy màu xanh 50,000 đồng. Chị Linh đã đi xong nhưng còn tôi, sau khi đi hết vòng chia 25 em, tôi ngạc nhiên khi thấy trên tay mình còn sót lại một tờ 50,000 đồng. Tôi nghi ngờ mình đã lơ đễnh đưa thiếu sót một em, nên cất tiếng hỏi:
   - Còn em nào cô chưa gặp?
Sau lưng tôi, một giọng nói dịu dàng của một cô giáo viên.
   - Em Hiền 8 tuổi, bị rắn cắn nên đã được đưa ra nằm bệnh viện Đa khoa ở Đà Nẵng. Để được cứu sống nên em phải hy sinh một cái chân, cưa qua khỏi đầu gối.

   Tôi lặng yên trong nỗi đau, tôi nhìn xuống đầu gối chân mình… tôi nhớ rõ, đầu năm 2006 tôi đã bị trượt một bước trên trái chanh ngoài vườn, Meniscal tear… tôi đau đớn và chống nạng đi gần một tháng. Rồi tôi cũng cất bước được để lên đường trong chuyến công tác Thiện nguyện này. Nỗi đau của em Hiền không phải là nỗi đau hữu hạn, mà là nỗi đau vĩnh viễn, nỗi đau mất mát, nỗi đau hụt hẫng khi em cất bước… xuống đời. Em còn nhỏ quá, em chỉ 8 tuổi đời. Tôi lảo đảo khi nghe cô giáo viên cho biết thêm, Cha và Mẹ em đã chia tay, mỗi người đã có riêng một đời sống mới… vợ mới, chồng mới và trẻ thơ mới…

   Em được người dì trẻ 24 tuổi nuôi dưỡng. Bão thổi tung cái chòi tranh rách nát, một dì một cháu dắt nhau chạy, đi tìm sự sống trong cái chết kề cận. Ba hôm sau gió lặng nên trở về, mong tìm chốn cũ để ẩn thân… Bé đứng bên cạnh dì, nhìn cây đổ dài trên mái tranh, tuổi thơ lòng không vướng bận lo âu… Định mệnh lại tìm đến với bé, một con rắn độc trốn dưới đống tranh ngập nước đã bò lên và cắn vào chân. Bé ngã xuống đất và sùi bọt mép… Những tấm lòng tràn đầy yêu thương đã giúp sức đưa bé ra thẳng bệnh viện lớn ở Đà Nẵng với những mong ước được thấy bé sẽ bình yên, sẽ được tung tăng cất bước đến trường. Tình người bé nhận đủ, bé chỉ thiếu vắng tình Mẹ Cha.

   Trường Nguyễn Công Sáu là trạm cuối trong chương trình làm việc ở miền Trung. Chúng tôi sẽ có được 2 ngày cuối tuần nghỉ xả hơi trước khi bay ra Hà Nội. Sáng sớm mai, chúng tôi sẽ lên đường ra Đà Nẵng, các bạn sẽ đi ra Huế thăm lăng đền vua. Tôi sẽ không đi thăm Huế, tôi đã có riêng cho mình một nơi chốn để đi thăm. Vinh, một thiện nguyện viên đến với SAP-VN trước tôi, có nhiều bạn bè ở Đà Nẵng để gặp nên muốn cùng tôi ở lại Đà Nẵng hai hôm. Nhưng động cơ thúc đẩy Vinh ở lại, không hẳn là bạn bè, mà là bé Hiền, bé bị rắn cắn. Sau khi lấy khách sạn xong, chúng tôi quyết định đến ngay bệnh viện để gặp bé Hiền. Ra khỏi phòng lạnh khách sạn, đứng bên lề đường đón taxi, khí hậu bên ngoài không có gió nên nóng làm áo chúng tôi thấm ướt hay cái nóng mong đợi gặp bé Hiền đang thiêu đốt trong lòng chúng tôi? Taxi ở đây không nhiều như ở miền Nam, 10 phút trôi qua chưa thấy xe, trước khách sạn có hai chú xe ôm mời mọc…Vinh lanh lợi và gan dạ, rủ tôi đi xe thồ cho nhanh. Vinh còn nói: bảo đảm an toàn, chiều tối em sẽ đi thuê xe Honda và chở chị đi vòng sông Hàn, đi ăn cơm Niêu… Tôi nhẹ dạ nên bị Vinh dụ dỗ. Thế là hai chị em ngồi sau hai chú xe thồ để đến bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.

   Trên những con đường đông nghẹt xe cộ, hai chú đã len lỏi thật dễ dàng và đậu ngay trước cổng bệnh viện. Chúng tôi, người ở Mỹ về bao giờ cũng đi những bước chân như… chạy, như lo sợ tận thế sắp xảy đến… Mà thật, dù ở đâu thì thời gian cũng đều quý báu, nhất là khi chúng tôi về Việt Nam làm công việc thiện nguyện, thời giờ càng quý hơn nhiều, chúng tôi về hàng năm nhưng chỉ đủ giờ cho người thân ở quê hương hai đến ba ngày là bay về lại nơi đây ngay, để tiếp tục việc làm, tiếp tục lo gia đình, tiếp tục trả nợ nhà cửa, áo cơm.

   Vinh và tôi hỏi tin nên biết bé Hiền nằm ở khoa ngoại chẩn. Chúng tôi gặp bé đang nằm chung một chiếc giường nhỏ với một bệnh nhân bị té gãy chân khác, hai bệnh nhân hai thế nằm ngược nhau, trời nóng bức nên bé chỉ kéo tấm drap đắp bụng và mông, chân bé thò ra ngoài… cái chân không còn những ngón bé tí dễ thương của tuổi thơ tung tăng nhảy dây, nhảy cò cò… Tôi hỏi như đã biết: con là bé Hiền? Bé gật đầu. Tôi cắn chặt đôi môi để đừng bật lên tiếng khóc khi nhìn cái chân bị cưa phủ lớp da mới được lấy từ bên mông. Bé có một trái tim nhỏ đã chịu đựng hai lần đau. Bé nhìn tôi trong phút giây rồi nhoẻn miệng cười với hai chiếc răng cửa mới mọc, lớn và đẹp từ hai chiếc răng sữa đã thay.

   Trời ơi! Tôi đã khóc nên tôi xấu hổ biết bao nhiêu khi thấy em cười với nụ cười tươi thắm trên môi, nụ cười ngây thơ vô tội. Bé chỉ bằng lứa tuổi đứa cháu ngoại của chị tôi, tôi tương đương là một bà ngoại mà không biết kềm lòng dấu kín nỗi đau, nước mắt không giúp được gì, nước mắt không thể nào làm trôi đi nỗi đau đã in dấu. Chỉ có nụ cười thiên thần của bé, một nụ cười đầy cương nghị, nụ cười của sức mạnh để chống chọi với nghiệt ngã của đời. Tôi được bé dạy bài học vỡ lòng: nụ cười. Vâng, nụ cười bao giờ cũng là những vị thuốc xoa dịu vết thương đau, nụ cười bao dung, nụ cười tha thứ…

   Bé nằm hơn một tháng mà vẫn chưa gặp được Cha Mẹ, vì người Mẹ đang chờ chào đời một mầm sống mới, vì người Cha được nhắn ra để chuyền máu cho bé nhưng lấy cớ bận việc làm. Tiền phòng, tiền thuốc, tiền chi phí 15 bao máu được thanh toán qua những tấm lòng đầy bác ái, đầy nhân hậu đặt vào tay người dì… Tôi và Vinh xin được ôm bé vào lòng, chụp vài tấm hình để cất giữ trong chuyến Thiện Nguyện 2006. Tôi ẵm bé, bé nhìn tôi với đôi mắt đẹp hồn nhiên như trói chặt tôi vào, tôi dường như thấy được sự gắn bó, sự ràng buộc nào đang vây quanh đâu đây hay ở một tiền kiếp nào? Tôi hỏi:
   - Con thích gì?

   Tôi vụng về không biết giải thích sao cho bé hiểu là bé cần gì, muốn gì? Tôi sợ câu hỏi của mình sẽ làm một trái tim non chảy máu… một trái tim rất là mềm yếu như trái tim của tôi. Tôi đã mất Mẹ khi vừa hai tuổi và bây giờ tôi lại vừa mất đi một bờ vai yêu thương gắn bó. Bé lắc đầu nhưng vẫn tươi cười… tôi muốn ôm bé mãi vào lòng…

   Chiều xuống, tôi và Vinh chia tay bé nhưng chúng tôi không về khách sạn, chúng tôi ra phố để tìm mua cho bé một con búp bê có những lọn tóc uốn quăn, mua bảy cái quần lót số lớn để bé có thể mặc mà không đụng vào nơi vết thương bị lấy mất phần da để đắp vào chân, vì sợ đau nên bé chẳng có mặc quần, mà cái áo ở phần trên thì ngắn không phủ che qua khỏi cái mông, nên bé dùng tấm drap để che, mua vài cái áo đầm dài phủ đầu gối, mua bánh, mua sữa… Cái gì chúng tôi cũng muốn mua nhưng chúng tôi yếu lòng quá, cầm cái gì lên cũng muốn khóc… chạy xe ôm quay trở vào đưa cho bé, rồi chia tay về khách sạn.

   Trưa hôm sau, chúng tôi phải ra phi trường Đà Nẵng, cùng bạn bè bay ra Hà Nội để tiếp tục việc làm tại Thanh Hóa và Tuyên Quang. Từ sáng sớm, Vinh chạy vào trong Tam Kỳ để thăm một em bé trai bảy tuổi bị phỏng nặng. Tôi tranh thủ chạy vào thăm bé Hiền và nói đôi lời chia tay. Tôi đi nhẹ từ phía sau đến bên cửa sổ giường bé nằm, nhìn thấy bé đưa tay vuốt tóc con búp bê, miệng mỉm cười… lại nụ cười thiên thần, dường như bé đang hát thật nhỏ, chỉ hát vừa đủ riêng mình và búp bê nghe. Bé thiên thần của tôi ơi!

   Về lại Mỹ, hôm sau tôi ngồi vào máy và viết mail cho anh Thành, cảm ơn SAP-VN đã cho tôi biết bao cảm xúc trong các chuyến đi. Sau cùng tôi viết:
   - Từ những bước chân của các anh chị đã đi qua, tôi bước lần theo dấu cũ với ước mong góp một bàn tay, đem yêu thương đến cho những trẻ em kém may mắn… trong số đó có bé Hiền tám tuổi bị rắn cắn nên phải cưa mất đi một chân… xin anh điều động để giúp cho bé một cái chân giả để bé có thể cất bước đến trường, dù là với bước chân khập khễnh…

   Thật cảm động khi nhận được thư reply, anh Thành viết:
   - Chị an lòng, tôi sẽ lo cho cháu…
   Anh còn viết một câu trong bài hát của Trịnh Công Sơn: Cuộc đời đó, có bao lâu mà hững hờ???

   Mỗi thư qua lại báo cáo tình hình của bé Hiền giữa anh Thành và chú Thục Em, đều được chuyển đến tôi đọc. Gắn bó trách nhiệm và tỉ mỉ tương quan nhau giữa anh Thành và chú Thục Em trong một thời gian dài đã hoàn tất, bé Hiền đã bước đến trường với một cái chân giả, sau những ngày tháng tập cất bước khó khăn buổi đầu, bây giờ bé đã bước với những bước vững chắc và đầy tự tin.

   Một điều huyền diệu hơn, đó là Mẹ bé đã về ở cạnh bên bé, ở ngay trong căn nhà mới xây cất bằng những viên gạch đầy tình thương yêu của SAP-VN. Những bức tường cao che mưa gió lạnh bên ngoài và bên trong vang lên tiếng cười nồng ấm của tình yêu thương thiêng liêng.

   Chuyến công tác năm 2007, chúng tôi làm việc ngay tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Suốt thời gian bốn ngày làm việc, mờ mờ sáng xe đã lăn bánh, chiều tối về đến khách sạn ở Hội An, cơm tối tắm rửa xong là lăn quay ra ngủ để có sức cho ngày mai. Những ngày làm việc, khí hậu buổi sáng và trưa thì nắng cháy, chiều có chút gió mát dịu dịu thổi về. Tôi dự định chiều của ngày cuối sẽ nhờ chú Thục Em đưa đi thăm bé, xe từ khách sạn đến nhà bé, cũng phải mất gần một giờ.

   Chúng tôi làm việc theo thời gian đã quy định nên đôi lúc cũng chẳng cần biết đến tin tức, lười xem TV trong phòng. Chiều thứ sáu (ngày cuối) khoảng 2 giờ chiều, nắng thấp và gió bỗng từ đâu kéo đến… Ngoài sân, người người còn ngồi chờ đợi quá đông, chiếm hết cả dãy ghế. Lòng chúng tôi bắt đầu thấy âu lo. Trời đổ cơn mưa xuống trong khi đồng bào còn ngồi đầy ngoài sân, lo chuyến bay 7 giờ tối để trở vào lại Sài Gòn bị đình trệ phải ở lại Hội An thêm một ngày và như thế chuyến bay hôm sau về Mỹ cũng sẽ hủy bỏ. Chúng tôi ngừng nhận phiếu khám bệnh để giải quyết hết số người ngồi bên trong sân. Lúc 4:30 chiều, mưa bắt đầu nhỏ hột, chúng tôi chấm dứt ngay việc làm và vội vã đóng thùng, di chuyển ngay lên xe để chạy đua với gió và mưa. Tất cả lên xe xong, tôi biết rõ sự sắp đặt đến thăm bé Hiền đã tiêu tan theo mưa gió rồi. Tôi gặp ngay chú Thục Em và trao một gói quà mà tôi đã mang theo từ Mỹ về, trong đó có một con thú nhồi bông lớn và thật đẹp, vài chai thuốc bổ, bán chải răng, kẹo chocolat và một bao thư nhỏ. Điều đáng nói, đó là kẹo do cháu ngoại gái Kirsten của chị tôi cùng tuổi với bé Hiền, cháu để dành kẹo mà không dám ăn hôm lễ Halloween, cháu đã được nghe tôi kể về bé Hiền và cháu ghi note: kẹo này không được ăn, để dành cho bé ở VN.

   Một trái Tim non biết rung động từ nửa vòng quay trái đất, bay qua bao núi đồi, bao biển rộng, bao suối rừng… gởi yêu thương về cho một trái Tim non chưa hề gặp mặt, có thể nào một tâm truyền tâm, nào ai có thể lý giải được cái Tình Người? Tôi nhìn nụ cười hồn nhiên, trong sáng của cháu Kirsten, của bé Hiền, cũng như của các em khuyết tật, tôi bỗng mơ ước mình là một danh họa, tôi sẽ tô vẽ bức tranh với muôn màu sắc tuyệt tác, một bức tranh vô giá mang đầy những nụ cười tươi thắm, khoe những chiếc răng mới vừa mọc thay bỏ đi những chiếc răng sữa trẻ thơ. Bên cạnh đó tôi cũng có thể nắn nót, tô vẽ thêm những nụ cười đầm thắm của quý cụ trên Hội Cao Niên mà tôi thường ghé thăm, lưa thưa vài chiếc răng còn sót lại qua bao cuộc bể dâu, răng rớt rụng gần hết chỉ còn trơ nướu…

   Tôi mơ ước được gôm hết những nụ cười trong bức tranh vừa vẽ, đặt vào bao thư nhỏ chung với gói quà gởi bé Hiền. Tôi hình dung khi bé nhận được gói quà, bé lại thêm một lần cười với nụ cười rạng rỡ, một nụ cười đã cho tôi thêm sức sống.

 

Tuyết Võ (Nguyễn Thị Tuyết)
tuyetnguyenvo@yahoo.com
Cựu Giáo Sư trường Phan Thanh Giản Đà Nẵng
Đầu Năm 2008