(Kính Tặng Thầy Thiện Chấn)

Hàng năm, tôi vẫn về VN theo chuyến Thiện Nguyện với chương trình Mobile Care. Tuy nhiên tôi không phải là bác sĩ, tôi chỉ là một Thiện Nguyện viên. Năm nay, tôi theo đoàn mỗ mắt Cateract. Sau những chuyến đi, lúc trở về có biết bao chuyên để ghi, để nhớ, cùng những lưu luyến khó quên.

Bệnh nhân cần mỗ, thường là những người nhiều tuổi. Họ đều được người nhà đưa đi và đón về sau khi đã giải phẫu mắt xong. Trong số bệnh nhân đang ngồi chờ đợi ở hàng ghế đầu, tôi được gặp một người Tu Sĩ trẻ đang ngồi bên cạnh một người đàn ông.

Người Tu Sĩ trẻ làm thủ tục điền mẩu phiếu khám bệnh xong, đặt tờ giấy lên trên một quyển Đặc San có in hình một mái chùa, người trẻ trao cây bút cho người đàn ông và đặt tay mình lên trên tay người kia, cùng cầm tay ghì từng nét viết để hướng dẫn người kia ký tên.

Tôi ngạc nhiên phút đầu nhưng thoáng tan biến nhanh khi thấy người đàn ông ngước mặt lên: một con mắt trũng sâu khép kín và con mắt còn lại thì bị cườm che phủ một màu trắng đục, ông quờ quạng gần như mất thị lực, thì ra ông không thể ký tên được vì mắt không nhìn thấy rõ, càng khó điều khiển cây bút trong tay vì với bàn tay chỉ còn 2 ngón, bàn tay mất đi 3 ngón nên khó điều khiển cây bút để ký tên. Một nỗi buồn len lén dâng trào trong tôi.

Tôi tiếp tục gọi tên bệnh nhân kế tiếp vào khám mắt, người Tu Sĩ trẻ và người già vụt đứng lên khi nghe gọi tên mình. Hai người đi theo hướng tay tôi mời bước vào phòng khám.

Bác sĩ chỉ khám một con mắt trắng đục còn lại và phê chuẩn: Cateract, cần phải mỗ.
Tôi nói : Xin ông ra ngoài để được hướng dẫn thủ tục trước khi mỗ mắt.

Hai người theo chân tôi bước ra khỏi phòng khám. Tôi hỏi và được biết đây là hai cha con.

Tôi sắp xếp phòng để bệnh nhân lưu lại qua đêm và hướng dẫn mọi điều chuẩn bị để sáng hôm sau giải phẫu mắt. Tôi sắp sửa bước ra khỏi phòng thì người trẻ tuổi chắp hai tay theo thủ tục của một người Tu, tôi cũng làm theo động tác đáp lễ.

Người Tu Sĩ nói : Xin cô vui lòng cho tôi gởi Cha tôi lại đây, tôi sẽ trở lại ngay để lo cơm chiều cho Cha, vì tôi còn có Mẹ đang nằm trong bệnh viện Chợ Rẫy.
Dù rất bận phải chạy quanh vì số người có phiếu khám hôm nầy rất đông nhưng tôi vẫn trả lời ngay:
-Tôi sẽ lo được cho ông buổi cơm chiều nay, Thầy an lòng vào bệnh viện lo săn sóc cho Mẹ.

Một người Tu Sĩ trẻ tuổi chối bỏ cuộc sống phồn hoa bên ngoài, rời xa gia đình, thế mà vẫn chưa thoát được sợi dây thiêng liêng trói buộc. Tôi nhìn thấy những bối rối, những lo âu cùng những xót xa trên đôi mắt người Tu Sĩ trẻ.

Tôi vội vả mượn quyển Đặc San trên tay người Tu Sĩ và nói: Thầy chờ đợi tôi ngoài cửa, tôi sẽ ra ngay để trả lại Thầy DS.

Tôi chen chân ra khỏi phòng, ghi vội số điện thoại và để vào DS kèm thêm chút tiền và lách ra cửa. Tôi tìm người Tu Sĩ không khó vì chiếc áo màu đặc biệt khoát trên người. Tôi trao lại DS và nói:
-Tôi sẽ lo cho ông buổi cơm chiều lúc 6 giờ và tôi sẽ rời khỏi nơi đây lúc 8 giờ tối. Nếu cần nhắn gì với ông, xin Thầy gọi cho tôi qua số điện thoại tôi đã ghi và để bên trong DS nhưng xin Thầy trở lại đêm nay để sáng mai chuyển Cha Thầy qua bệnh viện mổ mắt.

Người Tu Sĩ chắp đôi tay nói lời cảm ơn và hứa sẽ trở lại trước khi tôi rời khỏi bệnh viện.

Tôi đã lo xong buổi cơm chiều cho Cha người Tu Sĩ trẻ và được ông kể về gia đình. Vợ ông đau hoài: nay Bao tử, mai đau ngực, lúc đau lưng. Vừa vào viện hôm qua nhưng bác sĩ vẫn chưa tìm ra bệnh. Ông nói tiếp, bà buồn vì con trai lớn đã lập gia đình nhưng nghèo quá, các cháu thiếu chữ nghĩa. Con gái lớn cũng đã lập gia đình và nhà ở sát bên cạnh nhưng không Hạnh Phúc vì chồng rượu chè, không săn sóc con cái. Con trai Út thì không học theo kịp bạn bè nên đang tìm nghề để học. Nhìn cảnh phiền não rối ren của cuộc đời, nên Thầy muốn tránh xa và xin đi Tu. Tuy nhiên Thầy vẫn thường về nhà mỗi khi chúng tôi cần đến (ông gọi người con này là Thầy). Bà nhà tôi đã buồn, nay lại buồn thêm vì con trai đi Tu...Thầy giải thích mãi, khuyên Mẹ đừng buồn và muốn Mẹ vui khi Thầy vào luôn trong chùa để Tu, nhưng nhà tôi vẫn muốn con trai sống một đời sống bình thường bên Mẹ, lấy vợ, sanh con. Tôi cố gắng khuyên bà hoài nhưng không được. Bà chống đối chuyện con đi Tu nên sinh bệnh hoài. Ai khuyên bà cũng không nghe…nói xong ông cúi nhìn xuống đất.

Ông nhìn thấy gì với một con mắt còn lại bị trắng đục vì Cataract lấp đầy? Cảm xúc dâng đầy trong tôi, tôi nghĩ đến những con sóng ngầm đang diễn ra trong lòng người Mẹ và người con Trai, giữa chọn lựa NHÀ và CHÙA, giữa ĐỜI và ĐẠO
...

Tôi nhìn đồng hồ, đã hơn 7 giờ. Cửa phòng vừa hé mở, người Tu Sĩ lách mình vào nhẹ nhàng, nghiêng mình chắp tay vái chào người Cha và lí nhí cảm ơn khi biết tôi chưa về. Ông Cha hỏi: Mẹ thế nào rồi Thầy? người con gật đầu trả lời: bác sĩ cho toa mua thuốc Bao tử và Mẹ có thể về nhà hôm sau. Bao tử Mẹ chưa trầm trọng nhưng phải uống thuốc đều đều và 1 tháng sau đi khám lại. Mẹ đã hứa với con là Mẹ sẽ uống thuốc và sẽ sống An Lạc. Mẹ nói, cơn đau Bao tử tuần qua đã làm Mẹ rất sợ hải.

Đèn đường vừa bật sáng, dù chút ánh sáng vàng nhạt nhưng cũng đủ soi rõ đôi mắt đang reo vui của người Tu Sĩ trẻ. Tôi nói với người cha nhưng cũng đủ để người trẻ hiểu: Giải phẫu xong sáng mai nhưng ông phải ở lại thêm 1 ngày sau để bác sĩ theo dõi, bà nhà rời viện sẽ ở tạm nơi đâu để chờ đợi ông cùng về? Vâng, chiều mai TC sẽ đưa Mẹ về tạm nhà người bà con cũng ở gần nơi đây.

Tôi an lòng và nghĩ thầm: nếu có giờ, tôi sẽ đến thăm bà.

Đoàn chúng tôi sẽ làm việc ở đây thêm 3 hôm nữa...
Hôm qua là ngày cuối của chương trình mỗ mắt Cateract chuyến Mobile care. Hôm nay, đoàn chúng tôi có người quay về lại US, có kẻ ở lại đi tham quan thắng cảnh, còn tôi sẽ ở lại thêm 1 tuần theo dự tính, để đến thăm các Trung Tâm nuôi trẻ em mồ côi và trẻ khuyết tật. Tôi vẫn thường dành riêng cho mình 1 ngày không làm gì hết, đó là ngày sau cùng trước khi bước lên máy bay để quay về lại US: Tôi sẽ dậy trễ, không điểm tâm và nằm yên trong phòng để ghi nhớ lại những việc đã qua, sau 2 tuần làm việc.

Hôm nay là ngày đặc biệt dành riêng cho tôi: Lặng lẽ trong phòng. Tôi tổng kết:
- Lộ trình di chuyển: Bình yên.
- Nơi làm việc: An toàn.
- Sức khỏe: không đau bụng.
- Tiền bạc: không bị móc túi.
Tôi tự mình cho điểm: Hạnh Phúc.

Bỗng tối cảm thấy hình như con thiếu thiếu điều gì (?) Ah, tôi nhớ ra rồi ! Người cha và người Tu Sĩ trẻ.

Tôi bước vội xuống giường vào phòng tắm vội vả, gọi cô em gái và nói rõ ý định muốn đến thăm 1 gia đình. Tôi đọc địa chỉ và cho cô em gái số phone của người Tu Sĩ để em tôi liên lạc hỏi đường đến nhà.

Hai giờ sau, chúng tôi có mặt tại nhà ông bà Phạm D. Bước vào nhà, tôi không khỏi ngạc nhiên vì sự tiếp đón quá chu đáo của gia đình. Căn nhà tuy nhỏ những rất ngăn nắp và sạch sẽ, trên bàn sắp sẵn một mâm cơm chay tuy đạm bạc nhưng rất tinh khiết: dĩa rau muống luộc, dĩa đậu hủ kho tiêu, tô canh nước trong veo với 2 trái cà chưa chín đỏ, một chén tương và một chén chao, bên cạnh có thêm dĩa chuối tráng miệng. Tôi nhìn mâm cơm thấy cả tấm lòng ấm áp gói kín trong đó.

Người Tu Sĩ chắp tay nói đôi câu: TC vừa đưa Cha Mẹ về đến nhà để dưỡng sức, giải thích từng loại thuốc phải uống để cho người Chị tiếp tục săn sóc cho Cha Mẹ, TC chạy ngay lên chùa. Mắt của Cha đã được tháo băng và trông thấy rất rõ, Mẹ cũng đã dùng thuốc và cơn đau đã dịu dần. Nhận đuợc phone cô nói muốn đến thăm, TC vội vã chạy về nhà, không kịp đi chợ để nấu món ngon cho 2 cô dùng, xin hoan hỷ...

Tôi chắp tay xá xá, thay lời nói cảm ơn. Không khí bên mâm cơm đạm bạc thật nhẹ nhàng nhưng nặng tình thâm. Ông Bà hỏi tôi có được mấy người con? Tôi trả lời: dạ 2 cháu trai, 37 và 33 tuổi.

Ông nói: Thầy TC đây lớn hơn con trai út của cô 1 tuổi. Nói xong ông gật gật đầu nở nụ cười, dường như người Cha có vẻ tự hào vì có được con là Tu Sĩ nhưng tôi chưa tìm thấy được nụ cười nở trên môi người Mẹ.

Cơm xong, chúng tôi xin phép về sớm vì em gái phải về để đi làm. Thầy TC tiễn chúng tôi ra tận xe và chấp đôi tay nói với tôi: Xin cô TS giúp tôi khuyên Mẹ sống An Lạc, đừng phiền não về chuyện TC xa Mẹ vào Chùa Tu. Dù biết Mẹ không vui nhưng tất cả đều là DUYÊN, TC cũng sẽ về luôn Chùa, Mẹ còn có Cha và Chị ở bên cạnh săn sóc.

Tôi gật đầu hứa sẽ viết thư gởi bà trong tình thần sơ giao vừa mới quen. Tôi còn nói: Tùy Duyên Thầy ạ!

Tôi mỉm cười trên chuyến bay dài vượt bao Đại Dương. Tôi cười tủm tỉm vì nghĩ: Bao nhiêu Đạo Hữu thường đến Chùa để nghe Quý Thầy giảng Pháp, đem Đạo vào Đời để dứt trừ phiền não. Duyên gì tôi xóa được phiền não trong lòng người Mẹ không muốn con trai mình đi Tu (?) Cuộc đời có những exception hay sao?

Nghĩ thế nhưng tôi nguyện với lòng sẽ cố gắng viết cho Bà một lá thư. Tôi sẽ giữ lời đã hứa với một người Tu. Trở về đây, được đặt lưng trên chiếc giường ấm êm quen thuộc, thế mà tôi vẫn phải mất hơn 2 tuần để adjust lại giấc ngủ. Tôi chợt nhớ đến bàn tay 2 ngón, không điều khiển được cây bút để ký tên của người đàn ông, nhớ khuôn mặt đăm chiêu mắt nhìn xa xăm của người đàn bà và nhớ chút bối rối, của người thanh niên trạc tuổi con trai tôi. Người thanh niên đã quyết định lìa xa chú ÁI để trở thành người Tu Sĩ. Sự níu kéo của gia đình, có lúc làm người trẻ tuổi chùng bước, lo âu và vương vấn... Tôi nhớ luôn lời đã hứa với người Tu Sĩ trẻ: MỘT LÁ THƯ Hôm nay, tôi rời khỏi giường, bước ra bàn viết. Tôi mơ hồ chưa biết sẽ viết gì để tỏ bày, để vấn an một người Mẹ chưa sẵn sàng để vui vẻ cho con mình đi Tu và chính tôi, cũng chưa sẵn sàng viết một lá thư với lời lẽ positive để an ủi, bởi tôi biết trái Tim của những người Mẹ rất Fragile.

Tôi viết:


THƯ GỞI ÔNG BÀ PHẠM ĐỔNG

Kính gởi Ông Bà

Tôi về đây đúng hôm nay đã gần 2 tháng rồi. Có lúc tôi thấy thời gian trôi qua NHANH nếu tôi chưa làm xong điều tôi dự định. Có lúc tôi thấy thời gian đi quá CHẬM nếu tôi lúng túng trước ngã ba đường. Con người vốn VÔ MINH nên cảm nhận đúng hay sai đều không phân biệt rõ. Tôi xin lỗi đã chậm viết thư cho ông bà.

Thấm thoát mà mùa Xuân lại đến… Ở đây không thấy dấu hiệu mùa Xuân vì người Mỹ đón Xuân ở thời điểm khác người Việt. Hoa Xuân trong lòng mọi người cũng vì thế mà tươi thắm hay héo úa khác nhau. Tôi đang ở trên xứ người nên không đón Xuân qua hình thức bên ngoài nhưng bên trong, tôi vẫn nấu mâm cơm cúng ông bà, cha mẹ và chồng tôi 3 ngày Tết. Tôi nấu bánh Chưng chay hàng năm như lúc nhà tôi còn sống vẫn thích và ngày 3 bữa, tôi vẫn mời người khuất mặt về nhà để được ấm cúng hơn, dù đó chỉ là do cái TÂM của mình cảm nhận mà thôi.

Tôi có nhã ý mượn "Hoa Xuân" để làm quà gởi đến ông bà những thức ăn TÂM LINH mà tôi đã nhặt được từ những cụm HOA THƠM mà không cần phải có SẮC. Đây chỉ là những góp nhặt mà tôi ưng ý nên muốn chia sẻ cùng ông bà trong mấy ngày Xuân. (Xin ông bà đừng nghĩ đó là bài giảng Pháp hay lời khuyên cá nhân vì Pháp thì đã có Thầy TC giảng mỗi khi thuận Duyên về thăm gia đình, còn lời khuyên thì tôi chẳng bao giờ dám có ý kiến vì chính tôi còn có biết bao điều thiếu sót.)

Thư này tôi viết, có thể gởi qua điện thư của Thầy TC mà cũng có thể tôi ra bưu điện để gởi. Thôi tùy Duyên nhé! Đây là 10 đóa Hoa Xuân:

1/ Trong cuộc sống, chúng ta thường hay đánh mất CHÁNH NIỆM và MÙ QUÁNG do lòng THAM sai khiến mà quên đi mình đang là một CON NGƯỜI, một con người có thương yêu, có tha thứ, có sầu muộn, có đau khổ và có giận hờn… Tuy nhiên, những thứ ấy đều có một sức chịu đựng và có một giới hạn. Nếu chúng ta quá lạm dụng vượt qua sự giới hạn thì chúng sẽ bùng vỡ và sẽ kéo theo bao sự thất vọng nặng nề của tâm lý vì bản chất của chúng xuất pháp từ TÂM… Hãy khơi lòng TỪ BI với chính bản thân mình, đừng để Si Mê đốt cháy Tâm chúng ta… sự An Lạc sẽ đến… (trích trong Sống theo lời Phật).

2/ Thông thường, khi đã là vợ chồng, con người thường THIẾU CẢNH GIÁC trong thái độ đối xử với nhau. Đây là một thiếu sót. LỄ PHÉP và KÍNH TRỌNG là một thái độ cần thiết trong TƯƠNG GIAO của vợ chồng. Thái độ này nói lên sự kính trọng đầy tình người, vừa làm cho tình yêu Rực Rỡ thêm, vừa đón nhận được sự An Lạc và Hạnh Phúc. Thái độ lễ phép và kính trọng thể hiện từ đáy lòng và bền chặt. Kính trọng lẫn nhau nên không gây tổn thương đến danh dự cho nhau, tránh được hờn giận và khổ đau (trích trong Sống theo lời Phật)

3/ NHẪN NHỤC là một phương pháp tu tập rất cần thiết. Dù đứng trước hoàn cảnh thuận hay nghịch, thành công hay thất bại, khỏe mạnh hay đau yếu… tâm trí vẫn nên bình tĩnh, không Bi quan… Đó là phép thực tập chánh niệm để ta đoạn trừ phiền não. Trong cuộc sống, hạnh Nhẫn Nhục sẽ giúp ta tẩy trừ được nóng giận, nhìn theo cái nhìn của Trí Tuệ, để cảm thông cho mọi người, khơi lòng Từ Bi, để lấy cái khổ của người làm cái khổ của mình và lấy cái vui của người làm cái vui của mình… Có thế ta mới không gây đau khổ cho ai (trích trong Sống theo lời Phật).

4/ Cuộc đời có VUI hay có KHỔ đều là những khởi niệm trong ta, đều có ĐẾN, có ĐI. Chúng ta nhận thức sai lầm, tưởng rằng VUI và KHỔ luôn tồn tại nên bám vào ảo giác. Hãy chấp nhận những gì mà ta có được, dù chỉ là tương đối và sẽ tan biến. Hãy quán chiếu sự Vô Thường để lo Tu tập, cuộc sống sẽ vơi bớt khổ đau và phiền não (trích trong Sống theo lời Phật).

5/ Người con trả Hiếu cho Mẹ Cha là gầy dựng niềm tin TAM BẢO nơi Mẹ Cha, hướng dẫn Mẹ Cha:
    - Từ bỏ Tham, thực hành Bố Thí
    - Từ bỏ các hạnh Ác, làm các hạnh Lành
    - Từ bỏ Vô Minh, chứng đại Trí Tuệ
Mẹ Cha nên mở rộng lòng ra để đón nhận những yêu thương đó, lòng Mẹ Cha và con cái sẽ An Vui trong sự CHO và NHẬN (trích trong Sống theo lời Phật).

6/ Nói về PHẬT TÁNH thì không có gì khác biệt giữa một kẻ NGU và một ông THÁNH
    - Một niệm Giác Ngộ thì người đó thành PHẬT
    - Một niệm Si Mê thì người kia sẽ thành một kẻ NGU (Tổ Huệ Năng)

7/ - Ai chọn sống Hòa Bình, phải giúp người láng giềng sống Hòa Bình.
    - Ai muốn sống Mạnh Khỏe, phải giúp người khác sống Lành Mạnh. Vì giá trị của một đời
      sống được đánh giá bằng ảnh hưởng của nó đối với những đời sống quanh nó.
    - Ai muốn sống Hạnh Phúc phải giúp người khác tìm thấy Hạnh Phúc. Vì Hạnh Phúc của một        người liên quan đến Hạnh Phúc của mọi người. (Vô Danh)

8/ BÌNH AN không có nghĩa là đang sống trong một nơi Bình An, không có sự ồn ào, phiền phức hay khó khăn. Bình An có nghĩa là đang sống ngay trong lòng của những hoàn cảnh trên nhưng trong Tâm vẫn An Nhàn, Tự Tại. Đó mới chính là ý nghĩa thật sự của sự Bình An. (Vô Danh)

9/ Để biến thế gian nầy thành một nơi An Lạc và Hạnh Phúc, tốt hơn hết là bạn nên tự thay đổi chính mình và cách suy nghĩ của bạn, chứ không phải thay đổi thế gian bên ngoài kia. (Vô Danh)

10/ Người Cha thấy con có tính nóng nảy nên đề nghị với con mỗi lần nóng giận, hãy đóng một cây đinh vào miếng gỗ.
Ngày đầu, cậu con đóng xuống 30 cây đinh, rồi dần dần giảm bớt và người con phát hiện ra rằng: kềm chế tính nóng còn dễ hơn đóng một cây đinh xuống gỗ.
Người Cha nhìn thấy và lại đề nghị từ nay mỗi ngày mà con có thể kềm được cơn nóng giận, thì hãy nhổ một cây đinh ra.
Nhiều ngày trôi qua, cậu đã nhổ hết đinh ra. Người Cha nói: "Tốt lắm! Nhưng con hãy nhìn những lỗ đinh trên gỗ, miếng gỗ nay không còn như xưa nữa. Khi con nói những điều gì trong cơn nóng giận, chúng sẽ để lại vết sẹo như vậy. Con có thể đâm ai đó một nhát dao và rút ra. Bất kể bao nhiêu lần con nói lời xin lỗi vết thương vẫn luôn còn đó." (Vô Danh)

Kính ông bà, lúc bước vào giường là lúc tôi rất sung sướng vì được yên tĩnh để đọc sách. Đọc sách và suy nghiệm để tìm thấy cái thiếu, cái sai của mình để mà sửa đổi và đôi lúc củng tìm thấy được sự An Lạc qua những triết lý sống…Tôi về đây, dù không đi làm nhưng vẫn bận rộn do tôi cố gắng tạo việc để được bận rộn. Ngày trước trông cháu nội, đến Hội Cao Niên nhưng bây giờ tôi còn thích đến phụ giúp phát thức ăn cho những người Vô Gia Cư nghèo đói, bệnh tật. Vì vậy, chạy qua chạy lại, tôi chẳng còn giờ cho riêng mình và tôi đã quên mất là tôi cũng cần nên đi làm để kiếm chút tiền để đi làm Thiện Nguyện. Tôi rất sợ ngồi nhà để than thở. Cái Vô Thường có thể đến bất cứ lúc nào không hay.

Tôi có rất nhiều bệnh trong người (như bà nhà) nhưng tôi BIẾT và THẤY được là mình phải nên bận rộn để đánh gục ngã cái bệnh, nếu tôi không thắng nó, thì nó sẽ thắng tôi và làm tôi rã rời, rên rỉ. Tôi còn sợ một điều nữa. Đó là làm người bên cạnh sẽ đau theo cái đau của tôi, con cái sẽ lo âu và sẽ xao lãng việc làm. Chúng đã quá nhọc nhằn với việc làm ở sở, mình làm Mẹ nên giúp đỡ con bằng Nụ Cười để chúng an lòng. Đó là cái triết lý sống để đem lại An Vui cho con cái hay cho người bên cạnh.

Tôi có được một bà Mẹ chồng rất tuyệt vời. Bà là người đã cho tôi học hỏi được cái đức tính biết yêu thương và biết hy sinh cho người khác. Bà không học rộng nhưng bà đọc sách rất nhiều nên lối hành xử của bà rất rộng mở, rất khoan dung và rất Đạo Hạnh.

Chúng ta sở dĩ nhiều phiền não là vì chỉ nghĩ đến chính mình quá nhiều, cái Ngã quá cao. Cố gắng lo cho người khác nhiều là có thể quên mình, quên giận, quên hờn, quên nghèo, quên đau… Lấy cái bao la rộng lớn để che lấp cái nhỏ hẹp, thì cái thân mình mới không bị xao động nữa. Cái điều thấy rất rõ, đó là khi tôi đi làm việc Thiện Nguyện, tôi luôn tươi cười, vì tôi quá bận rộn việc làm, về đây tôi tuy bận nhưng vẫn còn chút khoảng thời gian nhỏ cho riêng mình, thế là… phiền não kéo đến. Tôi phải ngồi dậy, thay áo vào và đi kiếm chuyện làm, đó là lúc tôi thấy rõ cái giá trị của Nụ Cười, dù đắt tôi cũng phải mua.

Thư đã dài mà chưa tâm sự gì được với "Muội" của tôi. Muội ơi! Muội có phước lắm đó. Muội có biết mình Tu bao lượng kiếp mới được làm Mẹ của một vị Tu Sĩ không? Tôi vẫn mơ ước mình có được người con đi Tu. Tu là lìa xa được những khổ đau của người đời. Cuộc sống của lứa đôi là những tơ nhện rối ren, khó gỡ… trừ khi cả hai đều cùng nhìn về một hướng, mà chỉ có một con đường bằng phẳng duy nhất đó là cùng đi trên con đường Đạo mà thôi. Muội lại còn có con gái bên cạnh. Đó là 2 điều Muội nên chắp tay lạy tạ ơn Trời Phật.

Tôi vui với cái vui của Muội và mừng với cái mừng của Muội.
- Lúc tôi đói, tôi nghĩ đến những người Vô gia cư đang đói hơn tôi.
- Lúc tôi thiếu, tôi nghĩ đến những người nghèo đang thiếu hơn tôi.
- Lúc tôi đau đớn thể xác, tôi nghĩ đến những trẻ em mang bệnh nan y trên giường bệnh đang đau đớn hơn tôi.

Muội hãy nghĩ như tôi và Muội sẽ thấy nên cảm tạ ơn đời biết bao! Bây giờ tôi xin gởi cho Muội 1 công thức nấu món ăn đêm 30 Tết mà tôi đã góp nhặt được từ bạn bè.

1/ Lấy 12 tháng trong năm đem rửa sạch: Mùi cay đắng, mùi ghen tị, mùi thù oán… rồi để cho ráo nước.
2/ Tuần tự cắt mỗi tháng ra 28, 30, 31 phần
3/ Trộn đều với: Một chút tin yêu, một chút kiên nhẫn, một chút can đảm, một chút cố gắng, một chút hy vọng, một chút trung thành.
4/ Ướp thêm gia vị: Lạc quan, tự tin, hài hước.
5/ Đem ngâm một lát trong dung dịch "Những điều Tâm Niệm của mình"
6/ Vớt ra, xay nhỏ, đổ tất cả vào "Nồi yêu thương" nấu với lửa "Vui mừng"
7/ Đem ra ăn với "Nụ Cười" trong chén "Bao Dung"

Mến chúc Ông Bà và gia quyến một năm mới An Khang, Thinh Vượng và ngập tràn Hạnh Phúc…

Tôi đọc lại lá thư vừa viết xong, bỗng thấy nhẹ lòng. Dù lời lẽ trong thư không phát ra từ ý của chính mình mà là những góp nhặt lời hay ý đẹp của những người ẩn danh nhưng tất cả đều giống như lời Phật dạy. Tôi sẽ đi ra bưu điện để gởi ngay lá thư Xuân này về bên kia bờ Đại Dương với hy vọng người Mẹ nhiều phước báo kia sẽ đón một mùa Xuân mới với cõi lòng ngập tràn nắng ấm, bà sẽ mặc chiếc áo mới đi đến Chùa, nụ cười sẽ nở trên môi khi gặp người Tu Sĩ trẻ, người Mẹ sẽ chắp tay vui vẻ nói: Chào Thầy!