Tôi đã là Mẹ và cũng là Bà Nội của ba đứa cháu. Cháu tôi ngày ngày vẫn chờ đợi Bà Nội đến rước mỗi chiều sau khi tan trường. Cháu tôi rất yêu thương Cha Mẹ của chúng, như con trai tôi đã và đang yêu thương tôi thật hiếu tình hiếu nghĩa.

Tôi không biết cái tình tôi yêu thương Mẹ của tôi ra sao vì tôi không có Mẹ.

Mẹ tôi đã qua đời khi tôi chưa cất bước chân nhỏ xíu để tập tễnh bước đi từng bước đầu đời.

Tôi lớn lên từng ngày và cất bước đến trường bên cạnh chị tôi. Tôi học được câu: Mất Mẹ là mất cả bầu trời.

Tôi ngước nhìn bầu trời mênh mông trên cao, tôi không tìm thấy gì trên bầu trời rộng lớn đó nhưng tôi biết buồn tủi khi nhìn thấy những đứa trẻ bằng tuổi tôi, tay đan trong tay, cùng Mẹ rụt rè cất bước đến trường.

Tôi trưởng thành từng giai đoạn và cất bước theo chồng. Tôi học được bài học: Bổn phận làm Vợ và làm Mẹ.

Tôi nhận được thêm Bonus. Có lẽ ông trời thương cảnh mồ côi của tôi nên tặng thêm cho tôi một người Mẹ chồng tuyệt vời. Tôi bơi lội trong bể yêu thương vô bờ bến của Mẹ và mãn nguyện bên cạnh một bờ vai vững chắc, ấm áp. Tôi Hạnh Phúc và nghĩ rằng tôi có được mãi mãi cái tình thương và tình yêu vĩnh cửu này….

Tôi đã quên mất cái lý lẽ Vô Thường: Không có sự vĩnh cửu, không có gì tồn tại mãi mãi trên cõi đời. Tôi cùng lúc mất đi tất cả. Tôi ngã quỵ mà không đứng lên nổi…

Trong đêm khuya tôi nghe tiếng nói êm đềm và tha thiết: Hãy dũng mãnh đứng lên! Hãy cất bước! Cuộc sống còn biết bao điều phải lo toan gánh vác. Tôi tỉnh giấc và biết mình phải tiếp tục bước đi trên con đường dài trước mặt. Tôi cất bước dù bên cạnh vắng bóng người bạn đồng hành, dù cõi lòng tan nát nhưng trong tôi vẫn còn một trái tim nồng ấm đế ấp ủ cho các con . Tôi phải hiện hữu để con tôi còn có Mẹ.

Người Hàn Quốc trong ngày lễ Mẹ (Mother’s Day), để cảm tạ công ơn sinh thành và nhọc nhằn dưỡng nuôi trời bể của Mẹ, nhiều người con đã tham gia ngày lễ này bằng phong cách yêu thương ngọt ngào: Rửa Chân Cho Mẹ.

Đến với buổi lễ, người Mẹ ngồi trên ghế và để hai chân vào chậu nước phía dưới. Các người con quỳ gối bên cạnh chậu nước, đôi tay nắn nót rửa đôi bàn chân chai đá của Mẹ.

Thuở còn là những cô thiếu nữ, gót chân Mẹ màu hồng mềm mại, bây giờ gót chân hồng đã thay bằng những gót chân chai cứng. Mẹ đã tảo tần lặn lội lúc băng lên đồi cao, lúc bước xuống phía dưới thấp , với ước mong cho con cái được an vui, được đến trường, được ăn ngon, được mặc ấm. Mẹ yêu con mà không tính toán, Mẹ cho con mà không mong mỏi đáp đền. Bước chân của những người Mẹ có lúc nặng nề kéo lê đến trại giáo huấn thăm nuôi con trong chốn lao tù. Cũng có những bước chân não nề mang hoa ra mộ phần thăm đứa con đã khuất bóng. Bước chân vội vã mong sớm trở về để kịp lo buổi cơm chiều. Những bước chân xiêu vẹo như muốn ngã dài theo chiều nghiêng nghiêng của chiếc bóng lúc hoàng hôn.

Mẹ ngon như chuối Ba Hương, thơm như xôi nếp Mới, ngọt như đường Mía Lau.

Hình ảnh “Rửa Chân Cho Mẹ” đẹp như bức tranh xưa. Từng giọt nước mắt biết ơn nhỏ xuống làm ấm đôi chân của Mẹ…

Tôi nghĩ cho dù con cái có trả hiếu cho Mẹ bằng muôn vàn hình thức, có trao tặng Mẹ gắp trăm nghìn lần hình ảnh “rửa chân” cũng chưa trả đủ hết vẹn toàn cái Tình mà Mẹ đã cho con.

Tuy nhiên, nói cho tận cùng là tôi vẫn chưa có được cơ hội để “rửa chân” cho Mẹ tôi. Mẹ Bồ Tát của tôi đã bỏ tôi ra đi biền biệt. Tôi đã chưa đền đáp được những yêu thương mà Mẹ đã cho ở kiếp này, mong gì tôi sẽ được gặp lại Mẹ ở kiếp sau? Tôi hổ thẹn nên chỉ biết đêm đêm nguyện cầu cho Mẹ mãi mãi được an lạc, mãi mãi được bình yên nơi chốn vĩnh hằng….

Tôi bây giờ cũng sắp “Thất Thập Cổ Lai Hy” dù đôi chân tôi cũng sắp ngã dài theo chiều chiếc bóng như bao nhiêu bà Mẹ khác, nhưng tôi vẫn mong mình được tiếp tục cất bước đi, tôi bước theo từng vết chân chai đá rạn nứt của Mẹ: vết chân tràn đầy yêu thương và hy sinh vô bờ bến…

Một lạy này con xin kính dâng Mẹ của con. Mẹ hãy ngủ yên, Mẹ nhé!





01/2015