Con đã không có Mẹ, khi chưa tròn hai tuổi. Mẹ qua đời trong lứa tuổi thanh xuân, tuổi tràn đầy sức sống, 28 mùa Xuân đi qua trong cuộc đời của Mẹ, có là quá ngắn ngủi hay không? Mẹ ra đi để lại cho Ba năm đứa con gái. Con sống và lớn lên trong sự yêu thương nuôi dưỡng của Bà Nội. Hình hài này Mẹ đã cho con bằng tất cả máu "Xuân Thì" của Mẹ, con không được lớn lên với đôi tay bé xíu ôm ấp bầu sữa căn tròn của Mẹ… thế mà con cũng lớn lên ! Con được lớn lên trong vòng tay ôm của Nội, vòng tay thơm nức mùi Trầu xanh, quyện chút vôi trắng và trái cau tươi của ruộng vườn Quê Hương.

Nội ăn Trầu nên đôi môi đỏ thắm, nhưng cuộc đời của Nội không thắm đỏ như miếng trầu xanh quyện với quả cau tươi, cuộc đời của Nội có quá nhiều nỗi truân chuyên. Nội có 18 người con nhưng chỉ nuôi được có 11 đứa con : 9 con trai và 2 con gái, thế mà Nội lại phải cưu mang ôm ấp thêm 1 đứa cháu nội.

Mẹ mất sớm, con ở với Nội nên con như đứa con gái út, cộng vào thành viên trong gia đình Nội, con đã là đứa con thứ 12.
Con trai của Nội, có đứa theo kháng chiến ra Bắc ,xa Mẹ, xa Cha, đi biền biệt không tin đưa về, có đứa vào trường huấn luyện Sĩ Quan Đà Lạt… Rồi thời gian lăn trôi, cuộc đời của Nội cũng trôi lăn theo dòng đời nghiệt ngã…
Bài hát con đã nghe qua:
- Mẹ già cuốc đất, trồng khoai
- Nuôi con đánh giặc đêm ngày…

Giặc đâu không thấy, chỉ thấy anh em cốt nhục tương tàn…
Trên bàn thờ, Nội thờ ông ở giữa, 2 bên là hình bóng 2 con trai:
- Một liệt Sĩ bỏ mình trên đất Bắc,
- Một anh hùng nằm phơi xác ở đất Nam.

Trên bàn thờ, Ông Nội ngồi giữa, công bằng và vô thưởng, vô phạt với 2 con trai… ngày ngày lặng im không nói, dấu trong lòng những giọt nước mắt quạnh khô…
Đêm đêm, thỉnh thoảng không biết Nội có nghe ông rù rì với 2 con trai:
- sao các con tương tàn, để cho Mẹ Cha như ngọn Tre già rơi lệ khóc Măng non (?)
Hai con không đứng lên đôi co tranh cãi nữa, cũng không còn phô bày chủ nghĩa đối nghịch nhau, không dành nhau phân chia tấc đất… dù đường ranh trên bàn thờ quá chật hẹp, không dài hơn cánh rộng của đôi tay…

Đêm đến chỉ nghe 3 Cha con thở dài, xa xa tiếng Đại Bác vọng về… Nào ai biết được những "vô thanh" ẩn sâu trong tận đáy lòng? Phải chăng đó là những sóng ngầm như lời thú tội ăn năn?
Con lớn lên bên đồng lúa vừa trổ mạ, màu mạ lúa xanh non… con hít thở mùi thơm của hạt lúa vừa mới đơm bông, rồi mùa lúa chín vàng… Chiều chiều nhúm bếp, trên mái tranh nghèo, nhìn khói lam chiều nhè nhẹ bay cao. Bữa cơm chiều nào cũng đơn sơ với vài con cá nhỏ, với bát canh rau Má, rau Khoai… tình quê quyện cùng với tình yêu thương vô bờ của bà Mẹ Việt Nam, làm trái tim non của con cháu ấm áp lạ thường… Ôi một Hạnh Phúc đơn thuần và mộc mạc như lòng người dân quê.

Ngọn lúa đã trổ bông, con cũng đã trưởng thành, con gái cũng phải trở về với Cha, dù con không muốn rời xa Nội, không nỡ rời xa vườn rau, luống cải, con sông, đồng lúa… dù con cũng không muốn sống nơi chốn thị thành, ồn ào tiếng xe, náo nhiệt tiếng người. Con nhớ quây quất những trưa ngồi xoáy lá trầu xanh, chiều chiều nhổ sợi tóc trắng cho Nội… Thế mà con vẫn phải về, về với Cha, với chị, với em và với… Má Hai.
Cuộc đời nào rồi cũng phải có ngả rẽ để ra đi và cũng để trở về…Con đành xa Nội.

Rồi lại một Ngả rẽ ở một khúc quanh khác, đưa con đến với một người con trai có mái tóc phiêu bồng, có nụ cười hiền hậu và đôi mắt thông minh ngời sáng.
Con gái bé bỏng của Nội đã tìm được một mái nhà để cất dấu trái tim yêu.
Hạnh Phúc Anh cho không chỉ là 1 trái tim đầy Nồng Ấm của Anh, mà là thêm 1 trái Tim đầy Nhân Ái của một Bà Mẹ. Một Bonus bù trừ mà con đã thiếu, như lời Anh thường đùa:
- tui thấy mồ côi, mồ cút nên tội nghiệp, tặng em Mạ của tui, hãy nâng niu cất giữ! Anh nói đùa mà se thắt trái tim con…
Từ đó con bơi lội trong bể yêu thương của Mạ, của Cha, của cả gia đình… Tâm Đức của Cha, của Mạ là những tấm gương, phản chiếu vào lòng các con những hình ảnh trong sáng, những cao đẹp của tấm lòng Bác Ái, Vị Tha, những cho đi mà không cần nhận lại, những bằng lòng mà không chống trả bởi nghịch duyên…

Rồi con cho ra đời đứa cháu trai kháu khỉnh… Cha nói: nó có vầng trán cao giống Cha. Nhà lại tăng thêm tiếng cười nói trẻ thơ. Mỗi chiều đi dạy về, Cha đưa tay đón cháu vào lòng với ước mơ đơn thuần, mong cháu sẽ trưởng thành với một trái tim tràn đầy Bác Ái…

Cuộc đời không phẳng lặng như mặt nước hồ thu. Sóng gió đã luồn vào mái ấm của gia đình. Cha qua đời… cây cổ thụ ngã đổ xuống, không còn bóng mắt để Mạ và các con được che nắng, che mưa…
Mạ quỵ ngã, rồi cũng phải đứng lên, Mạ ôm đàn con và cháu rời xa Quê Hương, mong tìm cho con cháu một đảm bảo an bình.
Sự dũng mãnh của Mạ như một lời nhắn nhủ, như một ước vọng mong chờ. Điều Mạ không nói ra nhưng dường như là một mệnh lệnh dành cho các con…
- Hãy cho Mạ một lời hứa hẹn!
Thời gian trôi, Mạ đã chứng kiến những thành đạt của các con, các cháu. Mạ thường nói:
- Phật Trời đã cho Mạ những đứa con hiếu đạo, những đứa cháu vẹn toàn… Mạ thấy mình được quá nhiều ân sủng nên Mạ càng tinh tấn dốc lòng Tu.
Mạ sống một đời sống quá đơn thuần, một chén cơm đầy, khi thì với chút rau luộc và chút nước tương đen, khi thì miếng đậu Hủ kho với trái cà chua. Mạ trường chay hơn 25 năm, ngày qua ngày cũng chỉ ăn những thức ăn đó mà luôn cảm thấy ngon miệng lạ lùng.
Nhà có Dược sĩ, Bác sĩ nhưng không bắt buộc Mạ thay đổi được những thức ăn bổ dưỡng khác. Mạ ngoài 80 mà da dẻ hồng hào, ai ai cũng khen Mạ đẹp, nào ai biết được rằng Mạ đẹp chỉ vì Mạ có được một trái tim TỪ BI HỶ XẢ. Mạ nói:
- Hạnh Phúc hay Khổ Đau đều bắt nguồn từ trái Tim đang nằm sâu dưới lồng ngực các con. Hãy nói cho trái Tim các con nghe rằng:
- Đừng quá Tranh Chấp, đừng nhiều Tham Vọng, đừng tạo Hận Thù…
- Hãy yêu thương tha nhân nhiều hơn yêu thương bản thân con, cái tình yêu thương tha nhân sẽ
  không trói buộc các con trong sự gò bó, chật hẹp, không tính toán, không mưu cầu và không có
  Tự Ái, như một đồng nghĩa với sự ích kỷ, tự mình chỉ biết yêu thương mình…

Bài học Mạ dạy rất đơn thuần, 24 trái tim của Mạ, gồm có: con, cháu, dâu, rể. Nếu có trái tim nào phiêu lưu sai nhịp đập…Mạ nói thêm:
- Hãy luôn đặt bàn tay lên trái Tim, các con sẽ nghe rất rõ nhịp đập của Tim mình, nếu có chút
  khác thường hãy tha thiết nhắn nhủ rằng
- Tim ơi, hãy quay về…!


VÔ THƯỜNG lại phủ chụp lên đầu con! Tin dữ đến, con xuôi tay đầu hàng lặng lẽ, con hy vọng và chờ đợi một phép nhiệm màu dù niềm hy vọng quá mong manh…
- Một xác thân Anh đau đã đánh gục ngã cả đại gia đình…
Con quyết định về hưu để níu kéo thời gian còn lại bên Anh. Đêm đêm, dù ở nơi này hay nơi xa xôi tận nửa vòng quay trái đất, con gởi gắm ngày đêm không thiếu tiếng kinh cầu…
Từ đó, đôi chân Mạ quỵ ngã mà bác sĩ không tìm thấy rõ bệnh lý đến từ đâu? Riêng anh em chúng con đều thấy rất rõ:
Trái Tim ĐAU của một bà Mẹ, khi nhận được hung tin về căn bệnh của con trai.

Hàng ngày Mạ ngồi chờ đợi phone, Mạ chờ được nghe tiếng nói trung thực của chính Anh, để biết rằng Mạ vẫn còn đang có Anh thêm một ngày. Một ngày nữa trôi qua, Mạ xé thêm một tờ lịch mới…
Cái điều kinh sợ rồi cũng phải xảy ra. Sinh Ly Tử Biệt là một quy luật của Đất Trời, chẳng ngoại lệ cho riêng ai, mà cũng chẳng chối từ ai. Dù biết thế, nhưng khi đến cửa Ải Biệt Ly
- Có ai ung dung, tự tại bước vào?
- Có ai mỉm cười vẫy tay chào thanh thản cất bước?
- Có ánh mắt nào không sợ sệt?
- Có con Tim nào không xót xa níu kéo?...


Mạ ơi ! Mạ là người đàn bà Phi Thường, thương yêu con đứt lìa từng khúc ruột…

Trăm ngàn câu hỏi của các con: Tại sao? Tại sao? Tại sao Mạ bỏ các con mà ra đi? Một quan tài còn nằm đó chưa hỏa táng, đớn đau này se thắt cả ruột gan…
Mạ sống một đời quá đơn giản, có lý nào Mạ chọn lựa một sự ra đi cũng rất giản đơn?
Một ra đi nhón gót nhẹ nhàng, chẳng động tĩnh, chẳng ai hay!
Mạ nằm yên ngủ… không hơi thở hay Mạ đang nhè nhẹ thở… Một Vận Hành hơi thở đều đặn nhịp nhàng của một Thiền Sư?

Mạ có nhớ là Mạ đã nói với con điều gì không? Mạ nói: cái chân của Mạ yếu quá, không tự mình đi đứng vững, Mạ thương Anh, thương con nhưng Mạ không thể ở bên chúng con suốt thời gian này, con cần dành thêm giờ để săn sóc cho Anh…
Khi con báo tin Anh sắp ra đi, Mạ cùng chúng con kề cận bên giường… Từng hồi kinh Tiếp Dẫn, Mạ và chúng con trì tụng không ngừng nghỉ để tiếp sức cho Anh.
- Mong Anh từ bỏ chốn Hồng Trần nhiều khổ lụy này mà không luyến tiếc.
- Mong Anh theo gót chân Phật mà thanh thản ra đi.

Và Anh Bình An ra đi… Mạ lại hứa với con là sẽ ở bên con suốt 49 ngày, Mạ sẽ cùng con tụng kinh cho Anh sớm siêu sanh vào cõi Tịnh Độ…

Bên Mạ, dường như con thấy Mạ đang mang nặng âu lo? Nỗi lo của một người Mẹ, không đành lòng nhìn con mình ra đi trong Cô Đơn ? Con thấy Mạ luôn cầm tay anh và nói:
- Mạ muốn theo con!
Lời nói của một người Mẹ tuy thật lòng nhưng đó cũng chỉ là ước mơ, 40 năm bên nhau, người vợ như con cũng có niềm mơ ước mãnh liệt đó, nhưng Mạ ơi!
Ước mơ đôi khi cũng chỉ là… mơ ước… không đơn thuần thực hiện, bởi bên ta còn những chằng chịt vây quanh… Mạ còn có anh em chúng con và bên cạnh con, vẫn còn những sợi dây thiêng liêng trói buộc.
Mạ ơi! Quyết định để chọn lựa dứt khoát, bao giờ cũng làm lòng ta thiên lệch, không công bằng… thời gian chỉ có 4 ngày, liệu có đủ để Mạ quyết định một cuộc đi xa? Đi không bao giờ trở lại… đi để được gần gũi, để được tiếp tục săn sóc Anh?
Nếu phải so sánh sự mênh mông bao la như biển cả, thì lòng của Mạ còn bao la rộng lớn hơn biển cả, lòng Mạ rộng mênh mông không bến, không bờ…

Chương trình đưa tiễn anh đi, đành phải trì hoãn lại, để chờ đợi Mạ… đi cùng. Thủ tục giấy tờ nhà thương cần phải được phê chuẩn. Khách đến tiễn đưa anh đã phải "sững sờ " khi nhìn thấy 2 cỗ quan tài được sắp xếp cạnh bên nhau. Mạ quá vội vã để theo anh mà không kịp vẫy tay lần cuối với chúng con. Mạ đành lòng sao?
Dẫu đau đớn thế nào, mỗi anh em chúng con đều có chung một suy nghĩ:
Mạ là một bà Mẹ Vĩ Đại.

- Một lạy này, con xin kính dâng Mạ đã nhọc nhằn nuôi dưỡng, khi Anh vừa cất tiếng khóc chào đời, đến khi Anh bước ra đời và lớn khôn.
- Một lạy sau, con xin cảm tạ ơn Mạ đã thay con tiếp tục săn sóc và dẫn dắt anh, cùng đưa anh bước xuống con thuyền BÁT NHÃ.
Nén Hương Trầm này, con xin thắp cho Mạ, cho Anh. Nguyện hương hồn Mạ và Anh được Phật rước về cõi Niết Bàn, sớm chiều câu kinh tiếng kệ. Bỏ xác thân đau đớn này để sống một đời Vĩnh Hằng Bình An.

Con mãi mãi mồ côi, mồ cút. Tuổi thơ không có Mẹ. Lớn lên xa vắng Bà. Lúc quạnh hiu cần Mạ thì Mạ cũng bỏ đi… Đời người có bao nhiêu giai đoạn để được ấp ủ yêu thương?

Con xin viết lại câu thơ Mạ đã ghi chép qua 1 đêm thức giấc, chúng con mãi mãi cất giữ, nâng niu như một bảo vật:

- Mạ khuyên con cháu nên TU
- Mai sau thành PHẬT, ngồi chung một bàn.


Tuyết Võ/Tâm Sương
04-2004