(Kính dâng ThầyAnh)


Đời người, mỗi chúng ta thường được trải qua một thời cắp sách đến trường. Tùy theo phương tiện hoàn cảnh qua những ngôi trường làng quê hẻo lánh, hay môi trường văn minh học hỏi qua những cao ốc thị thành… nơi nào cũng cho ta đầy ấp những kỷ niệm của tuổi thơ, tuổi rộn ràng tiếng cười nói, tuổi chân sáo nhảy tung tăng, tuổi reo vui yêu đời, tuổi thiết tha yêu người, tuổi quậy phá Thầy Cô và tuổi chứa chan mơ ước…

Từng dấu mốc thời gian chầm chậm trôi, tôi cắp sách bước lần qua nhiều trường với đôi chân không mệt mỏi. Mỗi hình ảnh của trường đều cho tôi một luyến lưu, mỗi sân trường với những cây Bàng hay cây Phượng Vỹ to lớn đều cho tôi từng bóng mát dịu êm khác nhau, tình nồng ấm từng bạn bè, tình yêu thương cao quý từng Thầy Cô…

Tất cả là những hình ảnh khó nhạt phai trong tôi. Một khúc phim tuổi thơ tôi luôn trân quý cất giữ, dù thời gian nào hay không gian nơi đâu… khi tôi chợt nhớ đến, đều có thể mang ra xem. Tôi lật qua từng trang ký ức, những hình ảnh lung linh theo bụi thời gian.

Cha tôi người Trung vào Nam lập nghiệp, gặp Mẹ và sinh chị em chúng tôi trong Nam. Mẹ qua đời khi tôi chưa tròn hai tuổi. Ông Bà Nội thương cháu nên mang tôi ra Trung nuôi nấng và cho ăn học. Khi tôi nhớ cha, nhớ chị em lại xin quay vào Nam. Một vài năm ở với Ông Bà, một vài năm ở với Cha…

Ghế nhà trường tôi ngồi chưa kịp nóng đã vội rời xa và cứ thế mà tôi lang thang khắp các trường. Cho đến năm tôi lên tám, tôi lại phiêu lưu xa hơn con đường từ Trung vào Nam. Tôi lên tận Campuchia ở với bác tôi. Tuổi quá bé nhỏ để được góp ý, để được chống đối nên tôi xiêu lòng theo bác. Cha tôi dỗ dành: bác vừa mất đi người con gái út, hãy giúp bác quên đi nỗi buồn nhớ thương chị út, ở bên cạnh bác con không bị thiệt thòi gì đâu… Tôi chưa đủ trí khôn để hiểu nghĩa chữ thiệt thòi, tôi chỉ e sợ vương vấn buồn như những lần về Trung ở với Ông bà lại thấy nhớ cha, lại đòi về Nam. Chỉ có vậy thôi!

Thế là tôi rời Sài Gòn để theo bác. Bác giàu lắm, bác cho tôi học trường Tây (ở Phnom Penh chỉ có trường dạy chữ Pháp hoặc chữ bản xứ mà thôi). Đi học thì được tài xế đưa đón từ nhà đến trường, được mặc áo đầm đẹp, được mang giày mới...

Thế mà tôi cũng chỉ ở với bác chưa tròn 3 năm. Tôi lớn dần theo thời gian và nỗi nhớ nhà cũng vun vút xâm chiếm… Mười tuổi mà tôi đã biết nhớ tiếng gà gáy mỗi sáng nơi quê nhà miền Trung của Ông bà tôi, biết nhớ bài hát “Nhà Việt Nam” mà ba chị em tôi đã múa cho cha chúng tôi xem, câu hát cuối: Trung, Nam, Bắc cùng một lòng mừng vui… (chúng tôi phải chia nhau đứng chào ở vị thế 3 miền, uốn người cong cong như hình chữ S, phải thật giống bản đồ Việt Nam)

Nhớ nhà, nhớ cha, nhớ chị em nhiều quá nên đêm đêm tôi thường nằm khóc thút thít. Bác dù thương cũng phải mang trả tôi về lại chỗ cha tôi.

Về Sài Gòn với cha, tôi học tiếp chương trình Pháp tại một trường tư thục. Tôi đọc lưu loát truyện ngụ ngôn của La Fontaine, tôi làm toán Algebra trong sách La Roussé. Những bài ca dao Con Cò đi ăn đêm… tôi không hiểu hết nghĩa chữ: xáo măng, nước trong, nước đục…

Vài năm sau, chú tôi từ miền Trung vào Sài Gòn thăm cha tôi. Chú chưa muốn lập gia đình nên muốn xin tôi về luôn Đà Nẵng để nuôi tôi ăn học, chú nói Ông Bà nhớ tôi lắm vì đã nuôi tôi nhiều năm, từ lúc tôi còn bé. Tới bây giờ ngồi đây suy nghĩ mà mỉm cười một mình, có lẽ tôi tuổi con chó nhưng đâu phải vì vậy mà mình phải ba chân bốn cẳng chạy quanh hoài? Hay đó là cái số mệnh đã ghi sẵn dưới lòng hai bàn… chân của tôi?

Tôi lại theo gót chân chú về miền Trung. Để tiết kiệm tiền học phí, tôi nghe chú nên thay đổi chương trình học chữ Pháp sang chữ Việt. Lớp học đã khai giảng được nửa năm rồi, nữa năm sau còn lại tôi mới bước vào lớp Đệ Lục trường PTG. Vốn liếng chữ Việt tôi rất kém, lại không được học từ đầu niên khóa… Giờ Luận Văn, Thầy cho bài: Em hãy tả Bà Nội em. Nhập đề tôi hăng hái viết ngay câu: Nhà em có một Bà Nội, Bà Nội em còn rất ít cái răng nên khi ăn cơm, nhai thịt rất khó khăn. Bà Nội em có nuôi một đàn gà và một đàn vịt… Đàn gà đi quanh trước sân chờ đợi bà cho ăn bữa sáng, đàn vịt sáng ra bờ ao ăn và chiều tối mới quay về. Gà và Vịt chúng đều ngủ phía sau nhà của Bà.

Tôi nhớ mãi lời phê bình Thầy ghi: ý nghèo, lạc đề…

Tờ giấy trắng chằng chịt màu bút đỏ. Tôi giấu bài Luận Văn trong cặp, ngồi khóc một mình. Tôi xấu hổ biết dường nào, tôi không ham chơi lêu lỏng nhưng mất căn bản vì đổi trường, đổi chương trình học, nên chữ nghĩa cũng… theo gió bay đi.

Biết xấu hổ nhưng không còn trẻ con nữa nên tôi cắn chặt hai hàm răng lại và nhủ lòng tôi không được đầu hàng, tôi không được bỏ cuộc, tôi không được khóc lóc và không được đổi trường nữa.

Anh họ tôi học lớp Đệ Nhất PCT, anh hứa sẽ kèm cho tôi học. Tôi hứa sẽ cố gắng học để theo kịp bạn bè. Anh cười và nói đùa… hiệp định đã ký xong, cố gắng học để thi lấy cái bằng Trung Học. Anh hứa dành cho tôi 2 giờ mỗi tối để dạy các môn chính: Hình, Đại, Lý và Hóa. Còn những môn khác tôi phải tự học, tôi phải đọc sách nhiều để đừng nghèo ý như Thầy tôi đã phê bình. Anh dạy xong, leo lên chiếc xe đạp cũ kêu lộc cộc còng lưng đạp về nhà. Tôi thấy thương anh nhiều nên càng cố gắng học. Tôi ngồi học say mê giữa đêm khuya với cái bụng đói meo, tôi uống một ly nước lạnh trước khi vào giường, nước chảy qua cổ họng tôi mát rượi, nước cho tôi thêm sức mạnh, nước giúp tôi kiên cường… Tắt đèn, tôi đi vào giấc ngủ dễ dàng và mong đợi ngày mai vào lớp sẽ được ngẩng mặt cao trong giờ Toán với Cô Phụng, giờ Lý Hóa với Thầy Tâm (không phải Thầy Trương H Tâm). Giờ Pháp Văn thì vốn liếng 5 năm học trường Pháp, bài vở nằm sẵn trong ruột, cứ thế mà lấy ra. Sách của Victor Hugo tôi còn đọc làu làu… nói gì chia động từ Avoir, Être? Cuối khóa tôi được xếp hạng học sinh giỏi. Ba tháng hè tôi học hết luôn chương trình Đệ Ngũ và Đệ Tứ. Anh tôi đề nghị nên học băng, bỏ Đệ Ngũ và qua Sao Mai học Đệ Tứ để thi Trung Học Đệ Nhất Cấp (rõ là cái nợ, lại thay đổi trường!) Tôi rời PTG lặng lẽ như người có tội, tôi sợ trường PTG không cho tôi học băng nên trốn qua Sao Mai học. Đậu Trung Học xong, tôi hiên ngang trở về PTG và học tiếp hết Trung học đệ nhị cấp… Cuộc đời người ta trôi nổi qua bao ghềnh thác, còn tôi trôi nổi qua bao nhiêu trường!

Tôi nhớ mãi thời gian rất ngắn của lớp Đệ Lục, đặc biệt có một môn học Hán Văn là không có trong chương trình dạy kèm của anh tôi, cũng chẳng nằm sẵn trong ruột để đem ra mà dùng như môn Pháp Văn… mới mà không mới, khó mà không khó, không lý luận như giải bài Hình Học, không thuộc lòng những công thức như giải bài Đại Số và không cân bằng những phương trình như môn Hóa Học… Môn Hán Văn chỉ có Ông Nội tôi mới đọc và hiểu được, cha tôi cũng chào thua. Thế mà tôi lại rất thích học. Môn này do Thầy Giai dạy.

Nếu không có môn Hán Văn do Thầy Giai giảng dạy, cũng sẽ không có bài viết TƯƠNG GIANG. Dù đã 50 năm trôi qua, bụi thời gian vẫn không làm mờ trí nhớ tôi, hình ảnh sông TƯƠNG Thầy tôi dạy vẫn luân lưu chảy trong tôi, tôi mang theo TƯƠNG GIANG từ xứ sở quê nhà, qua bao mênh mông biển lớn, qua bao đổi thay kẻ còn người mất…

Thầy Giai tôi đen thủi đen thui, Thầy cao nhưng không lêu khêu, Thầy vạm vỡ nhưng không mập phì. Thầy đi chân chữ Bát nhưng bước những bước chân vững chắc, nện đều gót giày trên sân trường sau giờ dạy, không giống như mấy ông Tàu đi nghiêng nghiêng với đôi chân chữ Bát, tưởng chừng chân không chạm mặt đất.

Tôi thường hay đến nhà Thầy để rủ Hòa đi học, Hòa là cháu gái của Thầy, chúng tôi rất thân nhau… Trước khi Thầy bước chân ra khỏi nhà, tôi thường nhìn thấy Cô săn sóc rất chu đáo từng cái áo, cái quần, cái khăn tay cho Thầy. Quần áo Thầy mặc rất thẳng nếp qua bàn tay khéo léo của cô ủi và treo lên… Cái hình ảnh Cô yêu quý Thầy đẹp không bút nào tả xiết, hình ảnh người vợ hiền in sâu trong lòng tôi. Thầy Cô chưa có con (?)

Tôi học được nhiều bài Hán Văn Thầy dạy nhưng tôi không bao giờ quên bài:

TƯƠNG GIANG

- Quân tại Tương Giang đầu
- Thiếp tại Tương Giang vỹ
- Tương tư bất tương kiến
- Đồng ẩm Tương Giang thủy


Thầy tạm dịch:
- Chàng ở đầu sông Tương
- Thiếp ở cuối sông Tương
- Nhớ nhau mà không thấy
- Cùng uống nước sông Tương.


Trên bảng đen, Thầy nắn nót viết từng nét chữ Hán, chúng tôi tập viết theo. Nét viết lúc kéo thẳng xuống, lúc đá thẳng lên, lúc kẻ ô vuông…Tôi hình dung như đôi chim:

- lúc dừng chân đứng sát bên nhau rủ rỉ (nét kéo thẳng xuống)
- lúc duỗi thẳng chân bay cao trên bầu trời xanh biếc (nét đá thẳng lên)
- lúc bị giam trong lồng son không cất cao tiếng hót (nét kẻ ô vuông không lối thoát)


Cả lớp học, chúng tôi đều ở vào cái tuổi trái Tim vừa chớm biết rung động, biết xao xuyến mủi lòng của sự hợp tan, của mong đợi người ở đầu sông, kẻ cuối sông. Càng xót xa khi cùng uống chung nước của một dòng sông nhưng nhớ nhau mà không thấy…

Cả lớp học, chúng tôi đều biết lãng mạn nhưng đều biết cất giấu trong lòng những áng thơ tình nồng nàn hay dang dở, những vạt nắng vàng bên song cửa, những sớm mai sương tan, những chiều buồn mưa rả rích…

Vài năm sau hay tin Thầy tôi vĩnh viễn ra đi, trên đường đi chấm thi trở về… Con chim sắt khổng lồ nổ tung trên bầu Trời cao. Chúng tôi đau xót bàng hoàng… Cô liệm xác Thầy không nguyên vẹn. Thầy ơi!

- Sông TƯƠNG ngăn cách đôi đường.
- Biệt ly vạn nẻo vấn vương đoạn trường …


Tôi trưởng thành và lập gia đình với người tôi yêu thương, một cựu học sinh PTG. Năm 1975, chúng tôi cùng hai con trôi dạt nơi xứ người. Chúng tôi ở ven vùng Vịnh, eo biển Thái Bình. Hơn 25 năm, hàng ngày chúng tôi cùng đi chuyến xe chung đến sở làm. Những chiều về xe như mắc cửi, gió từ vùng eo biển thổi vào lành lạnh, lòng bùi ngùi tôi chợt nghĩ đến Thầy. Tôi vẫn lo âu khi nghĩ Thầy vẫn còn đứng ở đầu sông TƯƠNG bên kia ven biển Thái Bình? Lo âu Cô vẫn ở cuối sông TƯƠNG, mong ngày tái ngộ?

Thương Thầy nhưng thật lòng tôi không mong tháng 7 mưa Ngâu, có con chim Âu bắc cầu Ô Thước. Tận đáy lòng, tôi vẫn mong Cô còn sống và có một Hạnh Phúc tuyệt vời, dù với một người không phải là Thầy của tôi… Tôi không muốn Thầy đứng một mình bên kia sông và Cô đứng một mình ngóng trông ngày họp mặt.

Tôi bây giờ tóc đã điểm sương, hơn 6 năm qua tôi đã không còn đi ngang qua ven Biển Thái Bình, đã cố gắng quên đi người bạn đời đã cùng tôi chung bước. Sông TƯƠNG buồn lắm và tôi không muốn người tôi yêu thương đứng đợi bên kia sông, dù bên cạnh đã có Thầy.

Cuộc đời như khói như sương, ngắn ngủi, cô đơn, hoa nở, hoa tàn. Một kiếp phù sinh, một giấc mộng…

Thiên nhiên vẫn vĩnh hằng, sông TƯƠNG nước vẫn cuồn cuộn chảy. Đợi nhau chi, Thầy ơi! Anh ơi!

- Phù bào khoảnh khắc vòng sinh diệt
- Sớm nở đêm tàn tựa kiếp hoa

(thơ Haiku)