Sáng đầu mùa xuân ấm áp, bầu trời trong veo, khí hậu mát lạnh, chan hòa, không gian tinh khiết bao la 1971.
Đoàn trường điều dưỡng thăm giao hữu đơn vị bộ binh đóng quân nơi tiền đồn heo hút thuộc địa phận đồi Trường Đình dựa chân núi Trường Sơn kỳ vỹ, án ngữ vành đai bảo vệ an ninh cho thành phố và sân bay Đà Nẵng.
Chặng hành trình dã ngoại xe băng qua những cung đường khúc khuỷu, gập ghềnh, triền núi chênh vênh ngập tràn kỳ hoa dị thảo, tươi xanh sắc thắm.
Phong cảnh rừng núi hữu tình, cảnh quan hùng tráng. Dãy Trường Sơn uy nghi trùng điệp ngút ngàn tít tắp tận chân trời. Mây ngàn bãng lãng, gió núi đàn ca, thác nước treo lơ lửng, băng băng lung linh như trải bạc chảy qua bao núi cao vực thẳm, màu trắng tinh khôi mềm mại tạo nên bức tranh sơn thủy trác tuyệt, một tuyệt tác thiên nhiên làm chao đảo lòng người thưởng ngoạn.
Tứ bề núi rừng bát ngát phủ màu xanh mượt mà phong kín, muôn chim reo hót líu lo hòa âm giai điệu trường ca hoang dã. Thảm thực vật ngoạn mục, phong phú làm rạo rực, lâng lâng tâm hồn khách lãng du, chan hòa giữa thiên nhiên quyến rũ, ngẩn ngơ say đắm lòng người. Trang cổ thi tuyệt vời tạo hóa ưu ái hào phóng ban tặng cho đất Quảng, tạo phẩm một thiên nhiên danh lam thắng tích với vẻ đẹp hoang sơ nguyên lành.
Hoa trái nhiều chủng loại, thảo mộc tốt tươi xanh màu. Mai vàng ươm kiêu hãnh, màu nhung nhớ bằng lăng diễm kiều, phong lan e ấp phong nhụy, sim mua chen sắc cùng thạch thảo, hòa quyện ngào ngạt tỏa hương thơm theo gió. Bản giao hữu đất trời, thiên nhiên, mây trôi, gió lộng lâng lâng niềm xúc cảm.
Giữa thung lũng, những tấm ponsor trải trên nền cỏ mượt, ngỡ thảm nhung mềm mại, ôm ấp từng cụm chà là, sim tím mọng, choay, dâu, chùm chày, dủ dẻ vàng ươm, ổi, lòn bon tròn trĩnh, chuối chín đỏ, buần quân màu mận chín là sản phẩm của núi rừng tự nhiên chiêu đãi khách, làm hiệu ứng kích thích vị giác, tuyến nước bọt tăng tiết hoạt động tối đa hoàn hảo và diệu kỳ.
Nước suối ngọt ngào đậm đà phong vị, núi rừng lơ thơ hạt ươi lạ lẫm ngập tràn huyết quản, thấm đậm thân tình của những quân nhân đón xuân xa quê viễn xứ. Những cái bắt tay thân ái, niềm vui nô nức òa vỡ, tâm tình cởi mở hòa sắc xuân thắm thiết, ấm áp tình người tiền tuyến – hậu phương.
Những bản tình ca bất tử mùa xuân, quê hương, lính chiến đậm đà, nồng thắm được hát lên cao vút trời mây, giữa không gian thơ mộng, hòa bình, ngọt ngào thú vị, cảm thông hòa quyện đầm ấm nghĩa tình.
Ngồi bên Anh - một người lính có gương mặt hồn hậu – khoác bộ TREILLI bạc phếch đậm nét phong trần - tâm sự với lý lịch trích ngang – Vũ Ngọc Bích. Cầm tinh con lợn. Mồ côi cha. Dang dở giảng đường với lệnh tổng động viên. Vào QLVNCH khóa 6/69. Thoát án tử với thao trường Thủ Đức trong một trường hợp nổ mìn định hướng. Là sỹ quan “đề lô” tăng cường yểm trợ cho các đơn vị bộ binh, phối hợp tác chiến toàn vùng I chiến thuật.
Cuộc vui nào rồi cũng tàn để lại cho nhau buổi chia tay nhiều bịn rin, nuối tiếc và lưu luyến.
Cổ thi có câu bất tử:
“Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”
…
Những tháng ngày nối tiếp, Anh về phố tìm thăm với sản phẩm hoa trái núi rừng để cùng thưởng thức, tâm tình bên tách cà phê nóng hổi.
Cho đến một hôm. Với ánh nhìn sâu thẳm, thiết tha, Anh trao bản tình ca “Ngõ hồn qua đêm” của nhạc sỹ Hoàng Trang với dòng lưu bút “Anh cho em mùa xuân tất cả, thấm đẫm yêu thương trọn cuộc đời” thay lời tỏ tình.
“Nhân loại không có tình yêu như vũ trụ không có mặt trời”. Tám tháng êm đềm trôi qua như dòng sông Hàn rải vào đời nhau mật ngọt, với phẩm chất khả kính đã thể hiện trọn vẹn sự đồng cảm, trân quý, sẻ chia, tâm đầu ý hợp. Tình yêu được xây dựng trên nền tảng thánh thiện, đạo đức, nâng niu, tin tưởng cao đẹp.
Chớm Đông 1971. Anh nhận sự vụ lệnh về đơn vị gốc Hoài Nhơn. Gió Đông se lạnh tái tê giọt lệ phân kỳ. Ánh mắt buồn hiu hắt, cái nắm tay không rời xa, là thông điệp ngôn ngữ phong kín tâm tư thay lời muốn nói, ngậm ngùi vẫy tay từ biệt đăng trình.
Những cánh thư từ mọi nẻo quân hành, vượt vùng hỏa tuyến, xuyên bao lửa đạn theo trực thăng chuyển quân, tải thương, tiếp đạn, cung ứng lương thực về hậu phương. Những dòng yêu thương nhung nhớ, bao cánh hoa rừng, bông dại ướp vội còn vương vấn hương thơm ngạt ngào gửi về cùng tâm hồn lãng mạn.
Tâm tư trải bày hoài niệm về miền quê hương yêu dấu, mái trường tuổi ấu thơ, gia đình thuận thảo, mẹ già tần tảo một nắng hai sương, dòng sông tuổi mộng và tình yêu chưa trọn vòng tay, để nghe lòng nuối nhớ, ấp ủ, mong chờ. Anh hoài niệm về đường xưa lối cũ bao lần sánh bước bên nhau, nghẹn ngào với phút biệt ly đầy lưu luyến. Nơi đầu mây chân gió, vùng lửa đạn mịt mù, xoay tròn với tung, hoành, tọa độ cùng nghiệp dĩ ray rứt khôn nguôi.
Anh ước mong ngày quê hương tàn chinh chiến, hết cảnh điêu linh hát khúc hoan ca tròn câu ước nguyện, không mơ danh vọng, phú quý, quyền cao chức trọng – miễn được ấm êm bên người thương mến trong tình quê đậm đà.
Cuối Đông 1971. Anh đột ngột trở về thăm không hẹn trước. Ngỡ ngàng với tờ phép 5 ngày lý do “hỏi vợ”. Hóa ra mình bệnh, giấu anh, nhưng cô bạn thân tinh nghịch muốn trắc nghiệm tình cảm nên âm thầm đánh điện tín thông báo. Anh tức tốc hiện diện bất thường minh chứng cho tình yêu thương, sự lo lắng thay lới ước hẹn.
Trước phút đăng trình của những ngày hạnh ngộ ngắn ngủi, Anh trao quyển nhật ký ướp đầy hoa khô, bản “Tạ từ trong đêm” của Trần Thiện Thanh, bản “Lính xa nhà” của Trịnh Lâm Ngân thay lời muốn ngỏ, mình đã chắt chiu như một bảo vật.
Đọc quyển nhật kỳ còn mùi hương hoa vương vấn, Anh trải bày những suy tư, khắc khoải, cảm thương, nhớ nhung của đời trai chiến trận.
Thương mẹ già tần tảo, ngày đêm dõi tin các con yêu quý đang mải miết quân hành, anh ray rứt ưu tư và ân hận chưa báo hiếu cho đấng sinh thành – nhớ mái đầu bạc trắng phau phau của mẹ, đôi mắt trĩu buồn, bờ vai cong cam phận, một nắng hai sương bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Anh ao ước được hít mùi hương bùn ươm thơm nồng nàn mồ hôi mẹ, nó luẩn quẩn đeo đẳng theo anh mọi nẻo quân hành.
Ký ức tâm tình tuổi thơ đầy xúc động. những buổi trưa hè trốn ngủ ra cây đa, lũy tre đầu làng rợp bóng, chở che cho bọn anh đá những con cù thơm mùi hương phụ, những cánh diều phấp phới trên cánh đồng sau mùa gặt trong chiều gió lộng. Reo vui bắt những chú dế mèn mùa nước nổi, và những trái cây làng là những món khoái khẩu, để rồi tung tăng bơi lội vẫy vùng giữa dòng nước mát lạnh của dòng sông tuổi mộng.
Tiềm thức luôn xao động về ngôi trường cùng bằng hữu cố trị. Hoài bão, khát vọng đã tan thành mây khói, sụp đổ theo những bước quân hành gian khổ hiểm nguy.
Ưu tư về mối tình hậu phương chưa trọn vòng tay với bao ngút ngàn nhung nhớ. Kỷ niệm ngọt ngào vẫn miên man ấp ủ theo kiếp chinh nhân dày dạn phong trần, chịu đựng bao đắng cay mặn chát của cuộc đời, tính mạng như ngọn đèn trước gió, như sợi chỉ mành treo chuông cận kề sinh tử, gột rửa ưu tư bằng những trang nhật ký gói ghém và giải tỏa tâm tư tranh thủ khi chiến sự tạm lắng, nơi biên ải, chốn sa trường, rừng sâu núi thẳm mịt mùng, mưa dầm giá rét dãi dề vẫn trĩu nặng nỗi lòng nhung nhớ yêu thương về miền hậu tuyến đầy cảm xúc.
Anh tỉ tê rằng, nghiệp dĩ của anh đã góp phần hủy diệt, nhưng thân phận con người anh không tránh khỏi nghĩa vụ đời trai trong thời chiến loạn. Qua những cánh đồng khô cỏ cháy, nhìn những thân xác đồng đội, đối phương đều da vàng đầu đen máu đỏ phơi xác mà thấy đau lòng. Qua những làng mạc tiêu điều, mái trường sụp đổ, chùa chiền tan hoang còn vương mùi thuốc súng, vần vũ khói bom, khát vọng cháy bỏng cầu mong đất nước thanh bình, được an lành trở về đoàn viên và tình yêu trọn lối.
Đầu xuân 1972. Mình nhận sự vụ lệnh về miền nhiệm sở mới. Khi tuổi tròn 19 – khoa phòng ICU (bệnh nặng) tiếp bước hài nhung. Nạn nhân chiến tranh đầy ăm ắp. Một tiếng bom rơi, một làn đạn nổ, một tràng pháo kích – Còi cứu thương reo inh ỏi khẩn cấp mọi ngã đường. Bệnh viện tiếp nhận hàng hàng thương vong dân thường, trẻ con. Thai phụ và có cả đối phương. Quần quật suốt ngày bên này là bọc máu hồi sinh cho người máu me loang lổ, vết thương đầy thân đang thoi thóp, bên kia ngoắc ngoải một hình hài băng hoại, không vẹn nguyên trút hơi thở cuối cùng lìa trần thế.
Mình vẫn dang tay phục vụ bệnh nhân cần mẫn, tận tụy, chu đáo. Âm thầm từng lúc mọi nơi nguyện cầu đất nước hòa bình, an lành đến mọi nhà, mọi người, Anh bình yên thoát vùng chiến sự lành lặn ngày đoàn viên.
Chiến sự nổ ra trên mọi chiến trường tàn khốc và ác liệt. Mưa bom bão đạn gầm rú vang trời. Thương vong phá kỷ lục.
Mình vẫn công tác tốt cùng những tơ vương mòn mỏi ngày tháng đợi chờ trong âu lo.Vẫn lầm lũi độc hành với những trang thư từ vùng chiến tuyến.
Cho đến đầu mùa hè đỏ lửa 1972, Anh bỗng dưng biệt vô âm tín. Những lá thư, điện tín mình gửi về KBC của Anh không được hồi âm. Suy tư về một cuộc tình dâu bể …
Chiến tranh vẫn sục sôi khốc liệt. Cho đến một ngày trong khắc khoải mình nhận được cánh thư từ KBC lạ mang tên anh trai Vũ Ngọc Bảo. Giác quan thứ 6 mách bảo điều chẳng lành đã đến.
“Anh báo cho em một tin buồn về người thân yêu của chúng ta. Bích đã mất tích trong chiến sự Hoài Nhơn cùng nhiều đồng đội” – Những từ ngữ sẻ chia, an ủi, đồng cảm, động viên không làm vơi nỗi bàng hoàng, đớn đau, chùng lòng xúc cảm - Một kết cục bi tráng.
Những cánh thư tiếp theo anh Bảo thông báo cho số phận em trai mình, đối phương đã đưa về vùng núi An Lãi và điểm đến cuối cùng là mật khu Ba Tơ để sống kiếp đọa đày của một tù binh quân sự.
Có ai ngờ, tập nhật ký và những bản tình ca bất tử đã thành di vật. Giọt nước mắt phân kỳ trở thành giây phút “tống biệt hành”.
Đôi ngã chia ly.
Ngày 27/01/1973, Hiệp định Paris được chính thức ký kết.
Ngày 10/03/1973, lúc 12 giờ tại thôn Phong Quang, Ân Tín, Hoài Ân song phương trao trả tù binh – đối phương trao 170 quân nhân VNCH.
Ngày 11/03/1973, 270 quân nhân VNCH được trao trả gồm: 43 sĩ quan từ thiếu đến đại úy – Cả hai danh sách đều không có tên anh.
Tại Quảng Ngãi số quân nhân VNCH được trao trả tại phi trường và phục hồi sức khỏe ở bệnh viện dã chiến, đối diện bệnh viện dân y nơi mình công tác. Mình đã diện kiến, thăm hỏi, tìm kiếm nhưng không có anh trong hàng ngũ trở về. Một sĩ quan cùng đơn vị và cùng trại tù binh may mắn trở về giải bày tường tận về Anh, cho biết Anh đã bất hạnh ra đi, chấm dứt cuộc sống oan nghiệt, đọa đày trước ngày ngừng bắn một tuần vì căn bệnh sốt rét ác tính nghiệt ngã, trong hoàn cảnh đói ăn thiếu thuốc.
Dẫu biết rằng:
“Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỹ nhân hồi”
Nhưng đau thương tràn lấp, trái tim ứa máu – bi thương ngập hồn.
Thông tin chỉ có thế và dòng đời xô đẩy các quân nhân sống sót từ cõi chết trở về không một lần hạnh ngộc và mất sợi dây liên lạc từ đấy.
Anh đã mất – đã vĩnh viễn ra đi giữa tuổi thanh xuân nhiều ước vọng – và mãi mãi đồng nghĩa không bao giờ được vinh hạnh sóng đôi bước lên đài hoa chúc cho tròn câu hẹn ước.
Một định mệnh phũ phàng. Một duyên kiếp lỡ làng. Một số phận bẻ bàng. Một cuộc tình dở dang. Cuộc đời nhiều trái ngang và mãi mãi ly tan.
Tấm thẻ bài mang dòng máu mẹ, kỷ vật mình trao Anh luôn giữ bên mình, không biết lưu lạc phương nào.
Kỷ niệm đã đi vào huyền thoại bất tử.
Nắm xương tàn lạnh lẽo, mộ chí vô danh nơi rừng sâu núi thẳm, giữa đại ngàn Trường Sơn mưa gầm gió hú, không một nén nhang trầm, Anh chết như một người cô độc, đơn thân rồi hạt bụi đã hóa kiếp thân Anh.
Cầu nguyện cho linh hồn Anh siêu thoát nơi vô biên của cõi Phật đại từ.
Với dòng tâm sự này, trong suốt 42 năm đằng đẵng, mình vẫn mang một nỗi lòng sâu kín, cầu xin đất trời, Phật Bà với năng lực huyền bí siêu nhiên màu nhiệm về tâm linh, khiến xui Anh báo mộng cho người thân yêu biết nơi an nghỉ.
Hy vọng anh trai Vũ Ngọc Bảo, sĩ quan quân lực VNCH nếu được ân huệ định cư ở Mỹ Quốc được thông điệp ngẫu nhiên nhưng mặc định này, hoặc bạn bè, đồng môn trường Phan Thanh Giản, với kỹ nghệ thông tin văn minh và hiện đại xin là tín hiệu kết nối nhịp cầu tri âm về anh Bảo để gia đình và người thân chung tay góp sức kiếm tìm hài cốt Anh, cho vui lòng người nơi chín suối.
Và cuộc tình dở dang đi vào huyền thoại bất tử. Những cánh lan rừng ngày xưa nay đã tàn phai hương sắc nhưng miên viễn vẫn là “MÀU HOA Kỷ NIỆM”
Tel: 0983209193
Email: nguyenthyvanqn@gmail.com