Nhà văn Nguyễn Văn Xuân

MỘT MẢNH ĐẤT, MỘT ĐỜI NGƯỜI

Trần Trung Sáng ghi chép

(Source: www.damau.org)

Nhà Văn /GS Nguyễn Văn Xuân

    Nhà văn Nguyễn văn Xuân sinh năm Tân Dậu (1912) tại làng Thanh Chiêm, xã Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam. Ông thường được bạn đọc cả nước biết đến như một nhà Quảng Nam học qua các tác phẩm: Phong trào Duy Tân, Bão rừng, Dịch cát, Hương máu... Năm nay, bước vào tuổi 85, song gần đây, những tác phẩm của ông vẫn tiếp tục tạo sự thu hút, quan tâm đặc biệt trong dư luận văn học...

....Nhà văn Nguyễn Văn Xuân có truyện ngắn đầu tay từ năm 17 tuổi, tựa đề "Bóng tối và ánh sáng" được ông gởi tham gia một cuộc thi do tạp chí Thế Giới (Hà Nội) tổ chức, nhưng một thời gian sau truyện này được tạp chí Báo Mới (Sài Gòn) công bố đoạt giải nhất (không có tên tác giả). Khi tìm hiểu, ông được biết, hoá ra, tạp chí Thế Giới đã giải thể và bỏ mất luôn tên và địa chỉ tác giả dự thi kèm theo, song người chủ trương Thế Giới (nhóm Trần đình Tri) chuyển sang lập tờ Báo Mới và tiếp nối cuộc thi nơi đây (khoảng năm 1939). Và điều này cũng là một trong những động lực đầu tiên làm ông phấn khích quyết tâm theo đuổi văn nghiệp.

          Từ 1942-1945, ông cộng tác với tạp chí Tiểu thuyết Thứ Bảy (Hà Nội) để lại những truyện ngắn đáng nhớ như: “Ngày giỗ cha” (1943), “Ngày cuối năm trên đảo” (1945)...Từ 1945-1954, ông chú trọng nhiều hơn đến hoạt động kịch nghệ và tham gia vào phong trào cách mạng, là uỷ viên kịch nghệ của Hội văn nghệ Quảng Nam, Liên khu V. Chính những ngày tháng sôi động trong giai đoạn này đã để lại cho ông những ảnh hưởng lớn cho các công trình biên khảo, sáng tác về sau. Điển hình là tiểu thuyết Bão rừng của ông đã ra đời trong thời điểm ông bị bắt giam tại lao Thừa Phủ, Huế (1955) — một câu chuyện ghi chép về cảnh đời những người lao động ở đồn điền Tây nguyên của thực dân Pháp mà ông đã thai nghén trong suốt nhiều năm. Từ 1956 về sau, ông vừa dạy học vừa tiếp tục sáng tác, nghiên cứu. Trong đó, những tác phẩm văn học của ông được nhiều người nhớ như: Dịch cát (1966), Hương máu (1969), và đặc biệt, các công trình biên khảo của ông đưa ra một cái nhìn mới mẻ độc đáo trong lĩnh vực này như: Khi những lưu dân trở lại (1967), Phong trào Duy Tân (1969), Chinh phụ Ngâm diễn âm Tân khúc (1971).

          Có thể nói, về số lượng, tác phẩm của Nguyễn Văn Xuân không nhiều lắm, nhưng hầu như mỗi tựa sách của ông đều là một công trình đặc sắc, ấn tượng. Những sáng tác văn học của ông luôn làm gợi nhớ đến con người, tập quán, thiên nhiên của vùng đất Quảng Nam mà ông vô cùng tâm huyết. Các công trình biên khảo như Khi những lưu dân trở lại, Phong trào Duy Tân được thực hiện hết sức công phu, sáng tạo, làm sống lại những giai đoạn lịch sử đất nước của Quảng Nam và cả nước, cũng như sự dịch chuyển, tiếp biến, tác động qua các vùng miền trong mọi lĩnh vực xã hội.

          Theo tác giả Nguyễn Văn Xuân, một trong những tác phẩm ra đời để lại cho ông nhiều kỷ niệm nhất, đó là trường hợp của cuốn biên khảo Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc. Lần đầu tiên, ông đã phát hiện trong đống sách của một gia đình nghèo, có xuất xứ từ gia đình bà Chúa Nhất, dòng vua Thành Thái; lẫn trong các sách chữ Nôm có cuốn Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc, có tựa của nhà xuất bản (năm Gia Long thứ 14, 1815), nguyên tự (tựa) của dịch giả. Ông cho rằng cuốn sách này là một thực tế độc lập mà cũng là một bổ sung cho  cuốn Chinh phụ ngâm bị khảo của học giả Hoàng Xuân Hãn ( Minh Tân, Paris, 1953) — là một kỳ thư về ngành nghiên cứu văn học theo văn bản học. Và ông đã xác quyết dịch giả đích thực là Phan Huy Ích và tên tác phẩm là Chinh phụ diễn âm tân khúc chứ không phải là Chinh phụ ngâm... Điều này đã gây ra sự tranh cãi không ít trên văn đàn miền Nam, thời trước 1975.

          Vài năm gần đây, tên tuổi nhà văn Nguyễn Văn Xuân lại được bàn luận, nhắc đến với tác phẩm mới nhất của ông: Kỳ nữ họ Tống. Đây là một đề tài được ông ấp ủ, xây dựng khá lâu, dựa theo câu chuyện về một người đàn bà có thật trong lịch sử xứ Đàng Trong, đã một thời làm đảo điên cả triều đại Chúa Nguyễn, suýt xoá bỏ cả tên triều đại này trong lịch sử Việt Nam ngay những thập niên đầu của thế kỷ 17. Hiếm thấy người đàn bà nào lại có cuộc đời sóng gió, ghi dấu ấn sâu sắc, rùng rợn, tác dụng mãnh liệt đến xã hội, chính trị, quân sự, đạo đức như vậy. Bà Chúa Chè làm điên đảo cơ nghiệp Trịnh Sâm ghê gớm là thế, cũng chỉ là bóng mờ bên cạnh Tống Thị. Đặng Thị Huệ chỉ tác động được chúa Trịnh bỏ trưởng lập thứ. Còn Tống Thị thì thật sự chủ động, ích cực trong việc hại dân, tích luỹ thành phú gia địch quốc, thay ngôi Chúa bằng những hành động táo bạo. Cả Chúa Nguyễn (Phước Lan rồi Phước Tần), Chúa Trịnh (Trịnh Tráng) đều bị lung lạc cho vào bẫy và Dũng Quận Công, người kiêu hùng nhất của triều chúa Nguyễn, trong đánh bại quân Trịnh, ngoài tiêu diệt hạm đội Hà Lan, mở đường khai thác Nam bộ oanh liệt một thời, cũng suýt bị bà lật đổ.

          Bằng một giọng văn hấp dẫn mạch lạc, tác giả Kỳ nữ họ Tống đã phác hoạ cho người đọc trở lại một bối cảnh xa xôi của Hội An, Non Nước, Quảng Nam... thật sống động và gần gũi. Qua nhiều tác phẩm của Nguyễn Văn Xuân, người đọc thật bất ngờ ở chặng cuối đời, tác phẩm này lại để những dấu ấn về cá tính rất riêng biệt, đặc sắc của ông.

          Thường khi mỗi lần gặp gỡ thân hữu ở các buổi rượu trà, đàn đúm, câu chuyện của nhà văn Nguyễn Văn Xuân đều luôn xen vào những câu thơ giục giã của Xuân Diệu : "Mau với chứ, vội vàng lên với chứ!/ Em ơi em, tình non sắp già rồi". Ông cho rằng, những câu thơ này không chỉ có ý nghĩa suông nói về tình yêu, mà nó phản ảnh lên một sự nôn nóng đổi mới, cách tân đất nước từ trào lưu thơ mới, nên nó vẫn luôn có giá trị bất cứ lúc nào. Ông cũng có lối đọc thơ song ngữ Pháp-Việt hết sức độc đáo, cuốn hút, với những bài thơ trữ tình của Verlaine, Apollinaire...

          Mấy năm gần đây, do một căn bệnh đột biến của tuổi già, sự đi lại và mọi sinh hoạt khác của nhà văn Nguyễn Văn Xuân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ông vẫn luôn thích thú theo dõi, tiếp cận với đời sống văn học nghệ thuật. Những lúc đó, có khi cao hứng, chất  giọng Quảng Nam của ông tưởng đã đứt quãng, tắt lịm theo cơn bệnh, lại vang lên sang sảng, tròn chữ, tròn câu, đầy lạc quan, sôi nổi... về một mảnh đất, một đời người.

TTS