Tuởng niệm nhà văn NGUYỄN VĂN XUÂN
(1921-2007)
Nguyễn Quý Đại
Nhà văn lão thành xứ Quảng Nguyễn Văn Xuân, qua đời vào lúc 21 giờ 30 ngày 04 tháng bảy năm 2007 tại nhà riêng trong hẻm đường Thái Phiên Đà Nẵng. Ông sinh năm 1921 tại làng Thanh Chiêm, xã Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam. Trước 1975 viết văn, dạy học tại các trường trung học tư thục Đà Nẵng, Đại Học Văn Khoa Huế và sau nầy dạy thêm ở Đại Học Đà Nẵng thành lập năm 1974. (ông không dạy trường Phan Châu Trinh)
Sinh hoạt văn hoá của nhà văn Nguyễn Văn Xuân trước 1975, sau nầy ít được chú ý. Cho đến ngày ông vĩnh viễn ra đi, qua các bài viết trong nước chỉ ca tụng những công trinh nghiên cứu văn học, không nhắc đến hoạt động văn hoá của ông trước 1975. Là một thiếu sót lớn trong sự nghiệp của nhà văn Nguyễn Văn Xuân
Trước 1975 thành phố Đà Nẵng an ninh, dân chúng ở các quận như: Quế Sơn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn.. về Đà Nẵng sinh sống, học sinh tăng, từ đó các trường trung học tư thục mở thêm, nhiều Hội ra đời như: Hội Khổng Học, Phân hội Hồng Thập Tự, Ủy Ban vận động thành lập Đại Học Đà Nẵng. Nhà văn Nguyễn văn Xuân không thiếu mặt trong các sinh hoạt thời đó. Ông từng là Hội trưởng Hội Khuyến Học, hội phó nhà văn Duy Lam, cố nhà văn Phan Du văn phòng Hội ở số 38 đường Độc Lập (sau Hội Việt Mỹ ).
Hội Khuyến Học, sinh hoạt độc lập về văn học, thường triển lãm tranh, nơi các diễn giả diễn thuyết các đề tài văn học, nghệ thuật. Hội Khuyến Học có thành lập thư viện, cấp học bổng cho học sinh nghèo học giỏi, mở lớp học đêm. Đặc biệt có quán cơm Xã Hội giúp cho học sinh nghèo các quận về trọ học đủ tiền để ăn trưa, tối. Những Hội viên sinh hoạt trong Hội Khuyến Học làm việc thiện nguyện, phần lớn là quan chức của chế độ Việt Nam Cộng Hoà. Sau 1975 họ đều bị tập trung cải tạo bị gọi là “ngụy“.
Có thể với lý do trên nên trong phần tiểu sử của nhà văn Nguyễn Văn Xuân bị „dị ứng“ không nhắc đến chăng? Để tưởng niệm nhà văn Nguyễn Văn Xuân, tôi không viết nhiều về Hội Khuyến Học, nhưng phải vinh danh và bổ túc thêm cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn, nhà giáo, là học giả Nguyễn Văn Xuân cho đúng nghiã và công bằng.
Thời học sinh trường Phan Châu Trinh, vào muà đông trời se lạnh, tôi thường thấy Giáo sư Nguyễn Văn Xuân đi xe Honda mặc áo khoác, đội mũ két, đến dạy ở trường Phan Thanh Giản, Bán Công…. Ở đại học Văn Khoa Huế, tôi có dự giờ nói về kịch nghệ và nghệ thuật hát Bội..(1). Giờ học với giáo sư Nguyễn Văn Xuân, tranh luận rất sôi nổi, hoàn toàn khác hẳn với môn Hán văn của Linh mục Nguyễn Hy Thích, ông theo quan niệm xưa (Nam, Nữ sinh viên phải ngồi riêng “thụ thụ bất thân“).
Nguyễn Văn Xuân cũng ảnh hưởng Nho giáo, ông giỏi Hán văn và biết chữ Nôm, nhưng sống rất phóng khoáng của một nhà văn. Ông thích bài thơ „Giục giã“ của Xuân Diệu, những lúc vui ông thường nhắc đến:
Mau với chứ, vội vàng lên với chứ!
Mau với chứ! Thời gian không đứng đợi
Em, em ơi tình non đã già rồi.
Con chim hồng, trái tim nhỏ của tôi ơi
……..
Ông biết viết văn từ năm ông 17 tuổi, truyện ngắn “Bóng tối và ánh sáng“ được chọn đăng trên tạp chí Thế giới (Hà Nội) và được trao giải nhất, sau đó ông cộng tác với các báo Mới, Văn Lang (Sàigon). Tiểu thuyết Thứ Bảy (Hà Nội)
Những tác phẩm đã xuất bản trước 1975 là: Phong trào Duy Tân (biên khảo 1970) , Khi những lưu dân trở lại (biên khảo 1969) , Bão rừng (truyện dài 1957 ). Hương Máu (truyện dài 1969), Tuyển tập truyện ngắn tiền chiến (1969 ). Chinh Phụ Ngâm diễn âm Tân Khúc (1971) . Hai tác phẩm : Phong Trào Duy Tân, Khi lưu dân trở Lại, trước đây đã được in lại ở hải ngoại )
|
|
Nhà văn Nguyễn Văn Xuân, 32 năm sống dưới chế độ CS, ông không còn cơ hội đi dạy học, ông chỉ viết những bài biên khảo ngắn, gởi các báo nhận tiền nhuận bút, hàng ngày lao động (?) để lo miếng cơm manh áo, gánh nặng gia đình.. Tuổi già sức yếu, nhưng ông đã cố gắng viết tác phẩm cuối cùng là Kỳ nữ họ Tống (2003). Chuyện kể về cuộc đời đàn bà có thật trong lịch sử xứ Đàng Trong (thời Trịnh-Nguyễn phân tranh). Người đàn bà họ Tống có nét đẹp kiêu sa tuyệt thế giai nhân, là vợ Trấn thủ Nguyễn Phước Kỳ, bà là con gái cai cơ Tống Phước Thông, một thời làm điên đảo cả triều đình Chúa Nguyễn, cả xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài. Tống Thị trở thành huyền thoại, qua tập truyện nầy, được tiểu thuyết hoá dựa theo một số sử liệu, những dữ kiện lịch sử… Chuá Nguyễn Phước Lan, cả chúa Trịnh tức Trịnh Tráng đều bị Tống Thị lung lạc. Dũng Quận Công Nguyễn Phước Tần, người kiêu hùng nhất của triều đại chúa Nguyễn từng đánh bại quân Trịnh, tiêu diệt hạm đội Hoà Lan mở đường khai phá mở rộng bờ cõi phương Nam cũng súyt bị bà lật đổ.
Trung quốc có Võ Tắc Thiên, Từ Hy Thái Hậu, Việt Nam thì có „Tống Kỳ Nữ“. Tác ph ẩm nầy làm cho độc giả đọc phải say mê, đã được Liên Hiệp Các Hội Văn Học Nghệ Thuật toàn quốc trao giải thưởng(?). Năm 2001 nhờ ảnh hưởng “đổi mớí“, nhà xuất Đà Nẵng cho phát hành tuyển tập Nguyễn Văn Xuân, giá bán 100 ngàn đồng VN tương đương 5 Euro, sách dày 1010 trang gồm các tác phẩm:
Bão Rừng
Hương Máu
Dịch Cát
Khi Những Lưu Dân Trở Lại
Phong Trào Duy Tân
Nhà văn Trần Yên Hoà, lần về Đà Nẵng đến thăm ông và trao lại tiền của nhà văn Phạm Phú Minh gởi biếu, đã viết bài “Đà Nẵng, Tôi về“ đăng trên Xứ Quảng về đời sống tâm sự của nhà văn Nguyễn Văn Xuân:
“ Nhà phát hành Đà Nẵng có xin phép tôi và cho in Tuyển Tập Nguyễn Văn Xuân. Họ cho tôi 20 quyển bảo tôi bán lấy tiền thay tiền nhuận bút. Tôi bán được rất ít nên còn đó“.
Tuổi già sức yếu, nhà trong hẻm tối, con cháu bệnh hoạn làm sao bán hết 20 cuốn sách! Nhờ sự giúp đỡ của học trò xưa trong nước, cũng như hải ngoại gởi về trong những lúc khó khăn nghèo đói, bệnh tật. Tuyển tập được phát hành không bị cấm cản, âu cũng là một an ủi cuối đời của một nhà văn lớn xứ Quảng.
Nhà văn Nguyễn Văn Xuân không viết nhiều, những tác phẩm của ông là những phần lịch sử gắn bó với sinh hoạt của người Quảng Nam. Cuốn „Khi những lưu dân trở lại“ đã được ông tâm sự: "Cuốn sách nhằm giúp củng cố thêm cho các bạn trẻ ở phía Nam hiểu được dĩ vãng đất đai mình, củng cố niềm tin mà phát triển văn hóa văn nghệ. Người Quảng Nam vẫn đóng góp không ngừng vào sự đăng cao của văn học miền Nam". (trích trong bài viết Dương Trung Quốc)
Phong trào Duy Tân là tác phẩm công phu biên soạn, trình bày đúng theo diễn biến lịch sử, phong trào Duy Tân là ngọn đuốc sáng ngời, bộc phát từ những tấm lòng tha thiết với quê hương dân tộc. Phong trào chủ trương, một khi người dân tiến bộ, dân trí cao sẽ đưa đến việc đòi hỏi nhân quyền, buộc thực dân Pháp phải trả độc lập cho Việt Nam.
Chính sách thuộc địa đàn áp của bọn thực dân không giảm thuế, ngược lại sưu cao thuế nặng, đã đè lên sự đau khổ của người dân. Nên khởi đầu phong trào xin xâu kháng thuế „Trung Kỳ dân biến 1908“, ảnh hưởng mạnh khắp nơi nguời dân mong muốn đứng lên đập đổ gông xiềng, giải phóng khỏi ách nô lệ. Bị thực dân Pháp và tay sai thẳng tay đàn áp bắn giết dân lành, và bắt tất cả các sĩ phu đày ra Côn Đảo. Phong trào Duy Tân là cuốn biên khảo, nhiều tài liệu về lịch sử quý báu, của người dân miền Trung từng hy sinh, đấu tranh với thực dân Pháp. Tác phẩm Phong Trào Duy Tân nổi tiếng, đã đưa nhà văn Nguyễn Văn Xuân một chỗ đứng đích thực trong nền Văn Học Sử Việt Nam.
Hồi ký của nhà văn Nguyễn Hiến Lê đã nhận xét “Ông Nguyễn Văn Xuân quê ở Quảng Nam, lần đầu tiên gặp ông, thấy ông phảng phất có vài nét của cụ Phan Sào Nam. Ông viết nhiều truyện dài, truyện ngắn. .. Ông có tinh thần quốc gia, khảo về phong trào Duy Tân ở Trung, có một số tập truyện về nhà Nho kháng Pháp (tập Hương máu)………
Tiểu thuyết Bão Rừng, các truyện ngắn trong tập Hương Máu và Dịch Cát viết lại hoàn cảnh đời sống của người dân nghèo dưới thời nô lệ, dân phu các đồn điền bị bóc lột… Cũng như cái chết của các anh hùng Nguyễn Duy Hiệu,Trần Cao Vân, thật bất khuất và kiêu hùng là những tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo. Suốt trong thời gian qua ông đã viết nhiều bài biên khảo giá trị, nhưng chưa gom lại thành một tuyển tập.
Nhà văn Nguyễn Văn Xuân khi tâm sự với nhà văn T.Đ.T, đã nói lên trình trạng đất nước và con người của thế kỷ thứ 21 : “Có lẽ vì mình còn nặng nợ với thời cuộc, với nỗi đau đời của người dân nhược tiểu về kinh tế, văn hóa lẫn giáo dục. Những bài học Duy Tân trong lịch sử luôn là tiền đề cho đất nước tiến vào khoa học kỹ thuật, biết được đâu là căn bệnh trầm kha khiến dân ta bị tụt hậu và đâu là những ưu điểm để phát huy…”
Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng cũng tiết lộ, lúc sinh thời nhà văn mong muốn khi qua đời, được an táng bên dưới ngôi mộ của Ông Ích Khiêm trên đồi Phong Lệ Bắc, do ông mê câu nói nổi tiếng của danh tướng này: „Trên chó, dưới cũng chó. Bọn bay chỉ chấu đầu ăn, chẳng lo chi việc nước“ (Đặng Ngọc Khoa).
Bây giờ nhà văn Nguyễn Văn Xuân đã vĩnh biệt cõi hồng trần, để lại những nỗi buồn phiền, sao đời sống ngày nay còn tụt hậu? Phong Trào Duy Tân có cần phải sống lại ? Chúng tôi xin góp lời cầu nguyện để linh hồn nhà văn quá cố Nguyễn Văn Xuân được thảnh thơi bên kia thế giới vĩnh hằng. Vĩnh biệt nhà văn, học giả lão thành của Quảng Nam thân yêu.
(1) H át bộ là các tuồng tích, kịch bản loại kinh điển , tất cả diễn xuất của nghệ sĩ đều phải phân đúng từng động tác . Các diễn viên tự trang điểm vẻ mặt, Hát Bộ phải phân biệt từ mặt mũi, râu tóc áo quần, tướng dạng đi đứng, đóng theo các vai như: trung nịnh sang hèn, thô lậu , thanh tú, minh , chánh gian tà. tuyệt đối đều phân thành từng bộ riêng, rõ các vai trung hiếu, vai người Hèn người Nịnh. những động tác như lên ngựa xuống ngựa ………..