Trái Tim Thi Ca Và, Tấm Lòng Ở Với Tiền Nhân Của Chính Tâm Nguyễn Hữu Ký
(Du Tử Lê)


Tấm lòng chung thủy, nhiệt tâm ăn, ở một đời với thi ca của Chính Tâm/Nguyễn Hữu Ký, tôi nghĩ, là điều khó ai có thể phủ nhận.

Như một thứ định mệnh bất khả tư nghì, Chính Tâm tìm đến với thi ca (hay thi ca chọn Chính Tâm/Nguyễn Hữu Ký.) để thành toàn cuộc hôn phối tốt đẹp khi nhà thơ này, còn rất trẻ. Đó là những năm Chính Tâm còn ngồi ghế nhà trường, bậc trung học.

Với bốn mươi năm đắm đuối, miệt mài với chữ nghĩa, cá nhân tôi, không ngạc nhiên, khi biết dọc theo lộ trình văn chương/chữ nghĩa, Chính Tâm có thể đã viết xuống nhiều trăm bài thơ, với đủ mọi thể tài; đủ mọi thể loại. Ở thể tài nào, từ tình yêu lứa đôi, tới tình yêu tổ quốc, quê hương, tôn giáo, đồng đội... Chính Tâm cũng đều cho thấy, ông đã phả vào đó, trọn vẹn cảm thức, rung động từ trái tim mẫn cảm của mình.

Ở thể loại nào, từ lục bát, song thất lục bát, ngũ ngôn, thất ngôn, tứ tuyệt tới tự do, hoặc tứ tuyệt biến thể... Chính Tâm cũng đều cho thấy khả năng nắm bắt kỹ thuật vững vàng, chặt chẽ.

Nhưng, cá nhân tôi, tôi không thể giấu, ném sự ngạc nhiên, lòng khâm phục, khi được biết, ngoài những thể loại vừa kể, Chính Tâm còn khả năng viết câu đối, văn tế...một cách nhuần nhuyễn nữa.

Các thể loại vừa kể, là những đỉnh, ngọn cao ngất nhất của văn học cổ Việt Nam; gia tài chữ nghĩa qúy báu mà, tiền nhân lưu lại cho chúng ta.

Có thể bước lại gần những đỉnh, ngọn vừa kể, với tôi, đã là một gian nan, thử thách lớn; nói chi tới sự nhuần nhuyễn, như Chính Tâm, đã có được cho mình.

Do đó, hôm nay, một buổi chiều âm u giữa quê người, sau khi đọc xong thi phẩm Như Sợi Tơ Trời Bay của Chính Tâm/Nguyễn Hữu Ký, tôi thấy, tất cả những điều tôi muốn nói thêm về thế giới thi ca mang tên Chính Tâm, không còn cần thiết nữa.

Bởi vì, Như Sợi Tơ Trời Bay không chỉ là một tuyển tập thi ca, mà, nó còn là cả một cánh rừng tâm thức, đầy hương, hoa nguồn cội.

Tùy theo mỗi duyên nghiệp mà, người đọc sẽ thụ đắc được nhiều, ít, những gì nhà thơ đã hiến tặng cho chúng ta.

 

Du Tử Lê

(CA 06-05)