Guitar, piano thuộc loại đàn phím vì chúng có những phím đàn phân chia rõ rệt các nốt nhạc để người chơi gõ hay bấm vào đó. Trong khi đó đàn violon hay đàn bầu….. là loại đàn dây vì có dây đàn nhưng không có phím đàn. Guitar thường được quan niệm là loại đàn rẻ tiền, bình dân, tuy nhiên những tay chơi guitar chuyên nghiệp sử dụng đàn guitar có giá từ 1000 đô la cho đến 10000 đô la và có thể hơn. Trong khi đó, piano là loại đàn phím quý tộc cũng là vua của các loại đàn có giá có thể lên đến hàng trăm ngàn đô la mặc dù một cây piano điện tử loại bình dân, mới tinh của hãng Yamaha bán ở Việt Nam tôi thấy giá chỉ khoảng chừng 500 đô la! Dĩ nhiên, nếu bạn nghe những tiếng đàn guitar chuyên nghiệp giá cả 1000 đô la trở lên đó thì bạn sẽ nghe thấy những âm thanh mượt mà, ngân vang khác hẳn những cây guitar bình thường như chúng ta thường nghe. Bởi vậy, các tay chơi guitar chuyên nghiệp không dám sử dụng đàn loại rẻ tiền do âm thanh khác biệt quá xa nhau khiến ngón đàn dù điêu luyện cũng kém hay rất nhiều.

Những cây guitar mà tôi sử dụng, đối với dân chơi pro thì có giá trị trung bình, bởi tôi đã làm nhiều nghề nhưng không kiếm sống bằng cây đàn guitar __ hiện tại tôi làm một ông thầy dạy môn Toán và Vật lý cho học trò _ trong suốt cuộc đời, chơi guitar chỉ là thú vui giải trí khi tôi ngồi một mình, để thư giãn, để giải stress, và để tâm hồn bớt đi sân, si. Khi còn học tiểu học tôi bắt đầu chạm đến cây guitar nhưng chỉ vài nốt nhạc hay một vài kiểu đánh hợp âm rồi thôi, đến khi bắt đầu lớp 6 thì có thể nói tôi có suy nghĩ tập đàn có nghiêm túc hơn, và tiến bộ rất nhanh. Dần dần nó trở thành một trò chơi khó bỏ đi. Dù rằng, do cuộc mưu sinh mà cũng có lúc tôi bỏ chơi đàn nhiều năm trời. Rồi một ngày nọ, lạ thay, khi cầm lại cây đàn guitar tôi thấy mình vẫn còn chơi được một số bài, dù rằng những bài khó hơn thì quên hẳn hoặc còn nhớ thì tiếng đàn rất khập khiễng.

Tôi chỉ là một tay chơi guitar hạng amateur, và trước đây tôi cũng không hề nghĩ rằng tôi còn có thể chơi guitar cho đến tận bây giờ ở độ tuổi U 60 ! Khi mới tập đàn tôi bắt chước mấy người anh trong nhà (tôi là em út) chơi bằng miếng khẩy còn gọi là miếng phím nhựa. Các anh tôi thích chơi guitar điện và chuộng lối đánh guitar điện như kiểu của Jimmy Hendrix hay Eric Clapton. Tôi còn nhớ, khi học lớp 3 trường Nam tiểu học ở Đà Nẵng vào thời điểm năm 1965, ở Đà Nẵng chưa có tiệm nhạc cụ điện tử và người Mỹ chưa đổ vào VN đông đảo như những năm sau. Để sắm một cây guitar điện anh tôi khi đó mới học lớp đệ Ngũ (sau này gọi là lớp 8) trường Phan Chu Trinh, đã phải command một cây electric guitar cùng với bộ âm-pli ở Sài Gòn chở về bằng tàu thủy mất 1 tháng trời. Những năm sau thì việc sở hữu một cây guitar điện không còn khó lắm nữa. Và ở nhà tôi xuất hiện những cây guitar điện thương hiệu nổi tiếng thế giới như Fender, Gibson, Vox,…. tha hồ cho anh em tôi, hay bạn bè đến vui chơi cuối tuần. Đó những giây phút kỷ niệm đẹp đẽ trong đời chẳng bao giờ trở lại.

Nhưng rồi tháng tư đen 1975 ập đến, thời sau đó việc sở hữu một cây electric guitar và bộ âm-pli với một người nghèo Việt Nam được coi như là cả một gia tài nhỏ ! Cuộc sống dần dần khó khăn. Thiên hạ nhiều người chạy ăn từng bữa hốc hác, bạc mặt, những người lớn tuổi, tôi thấy chỉ trong vòng một, hai năm mà đã già như thêm 10 tuổi! Tôi dần chuyển qua chơi acoustic guitar cũng còn gọi là guitar thùng cho rẻ tiền và bắt đầu mò mẫn một lối chơi theo kiểu của mình. Viết đến đây tôi chợt nghĩ nhạc sĩ thiên tài Ludwig Van Beethoven cũng có lý khi nói “The guitar is an orchestra in itself” (Bản thân cây đàn guitar là một dàn nhạc). Nhà soạn nhạc giao hưởng lừng danh Hector Berlioz cũng có câu nói nổi tiếng tương tự: "The guitar is like a little Orchestra" (Mỗi cây đàn guitar là một dàn nhạc nhỏ), và điều này dĩ nhiên là hoàn toàn đúng với những bậc thầy guitar chứ với trình độ amateur như trình độ của tôi thì khác. Chẳng có ông thầy nào chỉ dẫn mà chỉ với chút kiến thức âm nhạc cóp nhặt, học lóm qua sách dạy đàn, nhìn trộm người ta chơi và với chút kinh nghiệm chơi theo kiểu ban nhạc, tôi dồn tất cả vào một cây acoustic guitar . Cũng may là trước đó, tôi đã tự nghe và tập qua băng dĩa vài bản nhạc thể loại classic hay flamenco và từ đó tôi “phăng-ti-di” hay ngẫu hứng theo kiểu của riêng mình, có thể gọi là “free-style” (phong cách tự do?). Mà thôi, chơi kiểu gì không quan trọng lắm miễn sao lọt tai người nghe nhưng quan trọng nhất là mình thấy feeling là O.K !

Do chỉ có loại guitar chất lượng tạm được và trình độ đánh guitar vào hạng amateur nên topic này chỉ để mua vui đôi chút cho website của trường xưa mà thôi. Topic này, tôi mở đầu bằng hai bản nhạc của Johann Sebastian Bach, một được Bach viết cho đàn violon (hay cello) và một viết cho đàn clavecin hay harpsichord, nhưng tôi chơi lại bằng đàn acoustic guitar. Bản nhạc classic đầu tiên tôi tập trong đời là một bản nhạc của J.S. Bach, đó là bản Bourre. Tôi còn nhớ vào năm học lớp 10, sau khi tập đánh được bài Bourre tôi không biết phát âm bài đó ra sao (vì môn ngoại ngữ chính của tôi là Anh Văn) nên viết lại tên nó vào tờ giấy rồi đem lên bàn thầy Nguyễn Quang Đĩnh, dạy Pháp văn hỏi cách phát âm. Thầy dặn đọc là “Boa-rê” chứ không phải là “Bu-rê” hay “Bua-rê”! J.S. Bach cũng là một nhạc sĩ cổ điển thần tượng của tôi thời còn là học sinh của trường Phan Thanh Giản, bởi khi đọc tiểu sử của ông tôi mới biết rằng thời của Bach chưa có đàn piano mà mới chỉ có loại đàn clavecin (còn gọi là harpsichord hoặc gọi là tiền thân của piano) và đàn guitar thời đó cũng tệ hại lắm, bởi khi đó guitar chỉ có 4 dây chứ chưa phải là lục huyền cầm như bây giờ ta thấy! Do vậy nhạc của Bach chỉ toàn là nhạc cho đàn dây như violon hay cho đàn clavecin thế nhưng bây giờ giới âm nhạc còn phải nghe, phải học hỏi nghiên cứu nhạc của Bach, một số bài của Bach được chơi theo kiểu rock n’d roll thì đủ thấy thiên tài của Bach đã ảnh hưởng đến nhiều thế kỷ nhân loại. Cũng xin nói thêm tôi nghe người ta đàn bản Prelude này bằng đàn cello hay violon với tốc độ trung bình chậm nên nghe buồn buồn, tôi đánh nhanh hơn thành ra nghe hết buồn (!). Phần gần kết thúc lại cố đưa vào kỹ thuật tremolo của guitar nên ai thích nhạc của J.S.Bach hẳn là khó chịu, nhưng biết sao được “I did it my way!”

Không thể không nói đến tác phẩm guitar kinh điển “ROMANCE DE AMOR”. Một bản ballad tuyệt vời của Tây Ban Nha mà những ai chơi guitar cũng đều tập chơi bài này. Nó khiến tôi nhớ đến hồi học lớp 9 trường Phan Thanh Giản, khi đó Lê Thiện Hạnh, Lê Thọ Hậu hai đứa bạn cùng lớp đã cho tôi biết đến bản nhạc này với những lời xưng tụng, đầy chất huyền thoại lên mây mà bọn chúng có thể kể. Mặc dù trước đó tôi có xem trên ti-vi đài Mỹ thời đó một guitarist đã đánh bài này với một dàn nhạc đại hòa tấu phụ họa (nhưng không biết nó tên là gì) thật là ấn tượng nhớ đời.

Những tác phẩm của Ngô Thụy Miên như Giáng Ngọc là một kỷ niệm thời trai trẻ, thập niên 1980. Nhớ những lúc ngồi lai rai uống rượu với bạn bè, khi ai nấy đã sương sương, ngà ngà thì nghêu ngao hát những tình khúc của Ngô Thụy Miên …. mà Giáng Ngọc là một trong số đó và tôi nghe bạn bè hát rồi thuộc, rồi đàn bừa phứa lại mà nên. Khi đó, tôi đàn như thế nào thì ở đây các bạn có thể nghe như vậy không thay đổi gì lắm: chỉ là những nốt đánh đơn giản rời rạc theo cảm xúc.

Nhớ những ngày mưa lớn, thập niên 1980, tôi ngồi trong căn nhà cũ kỹ của mình (nay đã phá bỏ) một mình đánh bài Tuổi Đá Buồn, Tình khúc chiều mưa, Thương nhau ngày mưa, …. tiếng đàn hòa lẫn tiếng mưa rơi đồm độp trên mái tôn, tiếng nước chảy tràn máng xối tràn ra sân ngập ngụa…. Đôi lúc tiếng guitar hòa lẫn tiếng mưa ồn ào, tiếng sấm rền, cảm thấy một cảm giác buồn buồn, lãng đãng.

Yesterday là một tình khúc bất hủ của ban nhạc the Beatles mà tôi đã nghe lần đầu tiên vào khoảng năm 1966 hay 1967 gì đó ở cái dĩa nhạc chứa tuyển tập những ca khúc của Beatles, loại LP (dĩa 33 vòng/ phút) ở nhà tôi. Khi đó, khi còn học tiểu học, tôi chẳng biết bài này tên gì nhưng những giai điệu du dương của nó ăn sâu vào trí não của đứa bé để rồi sau này khi học lên trung học tôi còn được nghe bà này với những phiên bản hát hay hòa tấu khác nhau và mới biết đó là Yesterday lừng danh. Và sau này khi ngón đàn đã kha khá, chỉ với một cây guitar trong tay, tôi ngẫu hứng đánh bừa bừa lên những giai điệu của Yesterday như các bạn nghe ở đây.

Không riêng gì Yesterday, nhiều bản nhạc. nếu nói cho trịnh trọng hay ra vẻ oai oai một chút thì “do tôi chuyển soạn hay hòa âm cho guitar !” Nhưng thực ra tôi nghe thuộc rồi cảm hứng mà đàn bừa phứa theo kinh nghiệm thêm vài nốt đệm cho thêm vẻ hoa hòe, hoa sói mà thành, chẳng hạn như Vì đó là em, Tuổi đá buồn, Hello, Woman in love,……Ngay cả bài Romance de Amor nổi tiếng tôi cũng nhét bừa vào một đoạn tremolo để kết thúc.

Đôi lúc tôi đàn theo bản năng; những ngòn tay vẫn lướt trên phím guitar nhưng đầu óc lan man nghĩ đến những kỷ niệm xưa cũ mà dấu tích của những bản nhạc đó hay sự kiện nào đó còn phảng phất đâu đây. Thường những khi ngồi đánh guitar nhìn hai con chó cuộn tròn nằm ngủ gần bên tôi lại nhớ đến cặp “thanh mai, trúc mã” của trường Phan Thanh Giản: anh chị Bùi Thông Hiền, Đinh thị Ngọc Ánh, những người chủ cũ của chúng hơn 10 năm trước còn hay đến nhà tôi mà giờ đây đã cách xa nghìn trùng.

Cũng phải nói đến một người là cựu học sinh của Lycée Blaise Pascal, Đà Nẵng đã giúp tôi vẫn còn cảm hứng với cây đàn guitar cho đến bây giờ. Tôi rất cám ơn anh, người đã tặng tôi những phụ kiện dùng kèm với cây guitar mà nếu không có sự giúp đỡ này chắc chắn tôi chẳng còn có thể cầm lấy cây đàn guitar mà khẩy ở chừng này tuổi. Cái tuổi khi mà những cảm xúc đã phần nhiều chai sạn, đôi mắt không còn tinh anh, đôi tai đã mất sự thẩm âm tinh tế, không còn sức khỏe dẻo dai và cảm xúc như thời trai trẻ: cái thời mà khi ngồi một mình ôm cây đàn guitar để nó “hát” lên những tình khúc yêu thích, tôi có thể quên luôn cả thế giới thực tại xung quanh mình.

Bản nhạc cuối cùng tôi muốn nói đến là bản Rescuerdos de la Alhambra là một sáng tác của thiên tài âm nhạc Francisco Tarrega, một người đã tốt nghiệp thủ khoa piano ở trường Quốc gia Âm nhạc ở Paris nhưng thật không hiểu nổi : thiên tài này không những đã vứt bỏ cây đàn vua, cây đàn danh giá, quí tộc, hái ra tiền mà còn hoàn toàn quên lãng nó để theo đuổi cây đàn guitar hèn kém, bình dân và rồi cho ra đời những tác phẩm guitar xuất sắc… Đánh bản Rescuerdos de la Alhambra của Tarrega trong cảnh rừng núi tĩnh lặng, thâm u là một kinh nghiệm tuyệt vời mà tôi đã trải qua. Tôi không thể nào quên vào năm 1978, tôi đã lên rừng núi Bà-nà sống ở đó 3 tháng trời. Nhất là thời gian ngắn hơn sống ở rừng núi Tà-lan, Quãng Nam, gần biên giới Việt-Lào (năm 1980). Khi đó chúng tôi sống ở một lán trại cạnh một con suối đầu nguồn nước chảy xiết mà vào ban đêm nằm ngủ có thể nghe cả tiếng róc rách nước chảy. Buổi tối, khi mọi người đã chui vào mùng bắt đầu ngủ, tôi cũng chui vào mùng nhưng đem theo cây guitar và ngồi xếp bằng trên chiếu đánh những bản nhạc Việt Nam, classic và cả flamenco có giai điệu cổ xưa, phong cách Á-rập nghe thật phiêu linh và trong số đó có bài Rescuerdos de la Alhambra (Hoài cảm về cổ thành Alhambra), một nhạc phẩm réo rắt, giai điệu của nó mang âm hưởng vùng Địa Trung Hải, cho tôi cảm giác êm dịu, liêu trai để khi vất cây đàn qua một bên và nằm xuống thì cũng trôi dần vào giấc ngủ. Bây giờ tôi đàn lại bài này như nhắc lại những nốt nhạc kỷ niệm mà thôi, những cảm xúc của một thời non trẻ đã không còn nữa!

Bây giờ, ở cái tuổi U 60 tôi cũng như các bạn cựu học sinh Phan Thanh Giản hay bất kỳ ai, cũng có lúc ngoái nhìn lại quá khứ như tinh thần của ca khúc My Way (dựa vào nền nhạc của tác phẩm Comme d’habitude của người Pháp). Cái tinh thần đó được tôi đánh lại bằng guitar (dù không đạt lắm) và tôi tự hiểu như sau:

And now, the end is near Giờ đây, cuối tấn trò đời
And so I face the final curtain. Màn nhung đã hạ tôi đăm đăm nhìn.
My friend, I’ll say it clear, Bạn ơi, tôi muốn tỏ bày
I’ll state my case, of which I’m certain. Tôi sẽ nói những điều tôi chắc biết.
…………………………………………………..
…………………………………………………..

And I did it my way Tôi đã sống theo cách cuả mình
Regrets, I've had a few Tiếc nuối, tôi cũng có một chút
But then again, too few to mention Nhưng mà lại, chẳng có nhiều để nói
I did what I had to do Tôi đã làm những việc chẳng đặng đừng
……………………………………………………
……………………………………………………

And did it my way Và giữ lấy cách sống cuả tôi
I've loved, I've laughed and cried Tôi đã yêu, đã cười và đã khóc
I've had my fails, my share of losing Từng vấp ngã, từng để vuột mất nhiều
And now as tears subside, I find it all Giờ đây khi nỗi đau lắng xuống, tôi chợt thấy
So amusing to think I did all that Cũng thú vị khi đã sống như thế

(còn tiếp)