Tôi đánh các nhạc phẩm Hello - Goodbye và Let it be của Beatles bằng một cây đàn guitar dây nylon. Riêng bài Let it be luôn gợi cho tôi nhớ đến những năm cuối của thập niên 1960 và đầu thập niên 1970 xa xưa, êm đềm ở thành phố dù đất nước đang có chiến tranh, xã hội có một vài biến động. Hàng chục năm trôi qua nhưng Let It Be vẫn là bản nhạc tôi yêu thích. Có thể nói đó là bản nhạc của cuộc đời.
Ban nhạc Beatles (cố ý viết sai theo giọng đồng âm với từ beetles _ những con bọ hung) được người Anh gọi là Fab Four, thời trước 1975 báo chí VNCH gọi là Tứ quái.
Đầu năm 1970, khi tôi đang học lớp 7 thì thông tin về sự tan rã của ban nhạc Beatles lan truyền trên báo chí và giới chơi nhạc. Cùng lúc đó bản Let It Be ra đời do Paul McCartney soạn và hát cùng với sự hòa âm của toàn ban. Bản nhạc có lời buồn và tự trấn an mình như tâm sự của Paul được chuẩn bị như một lời chia tay..
Tôi vẫn nhớ khi đó (1970) anh em nhà tôi với anh Nguyễn Tuấn Trình, con đầu của thầy Đĩnh dạy Pháp Văn, tụ tập quanh cái máy cassette để lắng nghe bài Let It Be mới phát hành ở VN. Những âm thanh mở đầu bằng tiếng piano vỗ đều trên phím đàn rồi đến giọng ca của Paul McCartney vang lên làm mọi người mê say. Nghe xong vừa bấm nút rewind nghe lại vừa bàn tán nuối tiếc cho sự kết thúc của một huyền thoại.
Sau đó tôi còn được xem trên TV chương trình đánh dấu sự kết thúc của ban Beatles (được chính thức công bố vào ngày 31/12/1970) với khán giả hâm mộ. Chương trình được đài truyền hình quân đội Mỹ phát đi từ đỉnh núi Sơn Chà. Tôi vẫn nhớ rất rõ tên chương trình là The Beatles Break Up. Trong đó, Beatles đã trình bày lại các tác phẩm nổi tiếng của mình như Yesterday, Get Back, Come Together,… và không thể thiếu Let It Be là bài kết thúc. Hình ảnh Beatles biểu diễn trên đường phố hay trên nóc tòa nhà hãng thu âm Apple Corps cũng được phát trong chương trình The Beatles Break Up.
Từ đó đến nay đã hơn 46 năm nhưng những hình ảnh 200 000 người Liverpool đổ ra đường chào đón Beatles sau chuyến lưu diễn từ London trở về hay hàng ngàn người chật kín các lối đi, cầu thang, phòng chờ ở phi trường J.F.Kenedy ở Newyork để đón chào Beatles lần đầu đến Hoa Kỳ thật kinh khủng. Các cô gái Mỹ giơ cao những tờ giấy khổ lớn với những dòng chữ “Elvis Presley is dead. Long live the Beatles” hay “We love you. Never leave U.S”,…..Hình ảnh đám đông các cô gái xô đẩy với hàng rào police to cao đứng dàn hàng ngang bảo vệ ban nhạc đang trình diễn, các cô gái giằng co với cảnh sát để được đến gần sờ nắn thần tượng khi ban nhạc đang biểu diễn cũng là những hình ảnh ấn tượng, cực kỳ hiếm có vào thời đó và cả bây giờ.
Âm nhạc của Beatles đã ảnh hưởng rất lớn đến một thế hệ nghe nhạc Anh Mỹ, theo bình luận của BBC đây là một ban nhạc đã làm thay đổi nhạc pop rock và văn hóa của thế giới. Một nhà bình luận về văn hóa người Nga, Artemy Troitsky nói: “The Beatles đã cải đạo cho hàn chục triệu thanh thiếu niên Liên Xô.” “Họ đã tách rời cả một thế hệ ra khỏi đất mẹ cộng sản”. Với Yuri Pelyushonok, một bác sĩ ở Minsk, Nga thì “họ đã làm cuộc cách mạng âm thầm trong não của chúng tôi. Chúng tôi mang nó trong tim.” Tôi tin những gì những người Nga đó nói là thật, bởi vào năm 1984 hay 1985 gì đó tôi có xem một phim của Ba Lan chiếu ở Đà Nẵng, trong film nhân vật chính rất hâm mộ Beatles và khao khát được trở thành một tay trống như Ringo Starr. Trong phim cũng có lướt qua vài giây cảnh Beatles diễn. Do thời chiến tranh lạnh nên đạo diễn không dám đưa lên nhiều hình ảnh của Beatles.
Tôi nghĩ rằng, có lẽ sau sự tan rã của Beatles phải 100 năm nữa mới có thể có một hiện tượng như Fab Four, bởi lẽ the Beatles có những yếu tố mà các ban nhạc sau này khó có thể có được:
- Tất cả các thành viên đều có khả năng ca hát, sử dụng nhạc cụ và sáng tác.
- Tất cả các thành viên đều cùng xuất thân từ cùng một thành phố
- Sáng tạo ra một kiểu thời trang mới, cụ thể là kiểu tóc dài phủ ngang trán hoặc cách đặt tên (beetles bị đổi thành beatles).
- Tất cả các thành viên đều là những anh chàng đẹp trai.
- Beatles khiến cho từ điển tiếng Anh có một từ mới là Beatlemania.
- Có một thành viên là John Lennon được đặt tên cho một phi trường ở Liverpool
- Các thành viên của ban nhạc đều được chính quyền thành phố và cá nhân ở quê hương tạc nhiều tượng để du khách chiêm ngưỡng như một biểu tượng du lịch.
- Các thành viên được Hoàng Gia Anh trao huân chương MBE (Member of the Order of the Britsh Empire). Riêng Paul McCartney còn được nhận Huân chương Bắc Đẩu bội tinh của Pháp (The Legion of Honour)
- Không có ban nhạc nào trên thế giới đã tan rã rồi mà còn được nhiều nhóm nhạc ăn theo cái tên Beatles (hình thức như là ban nhạc nhái) với các thành viên cũng có nghệ danh (nhái) John Lenon, Paul McCartney, George Harrison, Ringo Starr
(Hình ảnh trong video clip được cóp nhặt trên internet.)
(Biên tập và chú thích hình ảnh: Phan Lưu An lớp 12B_ NK 74-75) |