Trở về Winnipeg, Canada, sau khi dự đại hội trường đã được tổ chức vào hè 2015 tại Đà Nẵng, Thiếu Lan đã email cho tôi. Vợ chồng nàng có dịp viếng thăm Seattle trong tuần lễ sắp tới, nàng mong muốn được gặp lại tôi, Phi (chồng tôi), thầy Dũng với Kim Hạnh, và Huy Ngọc
Võ Đình Huy là em thầy và cũng là một trong hai master điều hành website trường. Đựợc biết hôm nay website trường đúng 12 tuổi.
Happy birthday PTGDN.com.
Trong suốt 12 năm qua, website trường hầu như đã hoàn tất và thành công mỹ mãn trong mục đích đưa chuyển hình ảnh, tin tức, tìm bạn bè, nối kết tình thầy trò bạn hữu sau bao năm xa cách trong và ngoài nước.
Xin cám ơn lòng nhiệt tình, trung thành của hai bạn với trường xưa và xin chúc Lan, Huy cùng gia đình được nhiều sức khỏe, hạnh phúc và may mắn. Riêng hai bạn sẽ tiếp tục thành đạt trên con đường phục vụ cho lý tưởng cao cả của mình.
Thầy Dũng đề nghị sẽ gặp nhau tại nhà Huy Ngọc; Ngọc là vợ của Huy. Kim Hạnh là vợ của thầy và cũng là dân IBM cùng lò cùng lứa với chúng tôi. Vì không chịu an phận, đòi trèo cao nên đôi khi Hạnh là đề tài cho những câu đố của Huyền Linh.
"Ê, đố tụi bay! Tại sao con Hạnh lấy thầy Dũng?"
Có tiếng trả lời,
"Vì hắn mê ông thầy có đôi cẳng gỗ!"
"Sai."
"Chớ sao?"
"Vì hắn đòi làm cô tụi mình! Ha ha ha ....."
Cả bọn cười, đồng ý!
Từ ngày về hưu, vợ chồng Thiếu Lan tận lực vui hưởng thú điền viên. Vợ chồng nàng đã ngao du sơn thủy khắp năm châu, chưa kể những hành trình lênh đênh trên biển cả suốt hai tuần lễ trong các chuyến "cu sờ". Cái danh từ cu sờ cũng là do nhỏ Huyền Linh sáng chế. Bữa nọ hắn goị cho tôi.
"Ê Hương, họp trường xong mi có muốn đi cu sờ với tụi tau không?"
Bẩm tính tôi vốn thật thà, ai nói sao hiểu dzậy, chưa kịp hỏi thêm, Linh lên tiếng giải thích vì hắn biết đầu óc tôi không được sáng sủa như các bạn.
"Ê, tau nói đi cu sờ chớ không phải đi sờ cu, đừng có nghĩ bậy nghe cô nương!"
Tôi chợt hiểu,
"À....à tao hiểu ý mi rồi, mình đi crui...se."
Trở lại câu chuyện ....đầu năm 2015, Thiếu Lan đi Úc, ghé thăm Mộng Hoa, sau đó về Đà Nẵng thăm Kim Trâm và các chàng IBM mà ngày xưa mê hắn tít tò lò. Có chàng nhai đi nhai laị cái bài "Em tan trường về anh theo Ngọ về" mỗi ngày, có chàng ngâm ngư mãi câu thơ "Núp sau cái dậu mồng tơi xanh rì". Đối với lớp 12B của tôi ngày xưa đó, chỉ võn vẹn có 5 nàng con gái, mà được phe bên kia gán tặng cái biệt danh nghe khá mùi tai "Ngũ Long Công Chúa". Trong số ngũ long đó, có Thiếu Lan là xinh đẹp nhất! Công chúa, mà bọn hắn có nâng niu đối xử với chúng tôi như là công chúa đâu. Hắn làm thơ tình chọc Thu Mính, hắn cột hai vạt aó dài của tôi và Kim Trâm vào với nhau, hắn dấu một chiếc dép của Mộng Hoa, hắn gán ép nàng này với chàng kia, hắn còn nói tôi đi với Thu Mính trông như là hai mẹ con.....v v....và v v..
.
Sau khi ở Việt Nam về, vợ chồng Thiếu Lan muốn duy trì tinh thần nghệ thuật âm nhạc của mình, liền bay qua Cali cùng Thanh Nhạn đi dự chương trình Paris By Night. Ghé San Diego thăm Thu Mính, "người đẹp vườn chè", xuống San Jose thăm Lữ Kim Liên, "B52", Ngô Thu Thủy và các chàng IBM ở đó. Rồi lại quay về Đà Nẵng dự đại hội hè của trường. Trên đường về, nàng lạc vào động thiên thai của xứ hoa đào,Nhật Bản, và ngao du qua vài nước Á Châu. Vợ chồng hắn đi không biết mỏi chân, chỉ trở về nhà khi nhớ mấy đứa nội ngoại chi của hắn. Và trong tuần lễ sau đó vợ chồng Lan lại đến Seattle thăm chúng tôi.
Thế có phải hắn được sinh ra bởi một ngôi sao sáng chói không?
5 giờ chiều thứ sáu, vợ chồng tôi có mặt. Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi đến nhà Huy mà đã vài lần trước đó rôì, bởi bất kỳ học trò PTG hay các thầy cô đến viếng thăm Seattle là thầy réo gọi chúng tôi tụ tập tại nhà Huy.
Thầy thường nói với tôi,
"Khi nào em có dịp đi Seattle thì cứ hú cho anh một tiếng, anh em mình gặp nhau ở một cái quán nào đó cho vui."
"Trời ơi, thầy ơi, thầy ở tút tận Long View cách Seattle ít nhất cũng hai tiếng đồng hồ lái xe, gần cả trăm cây số, mà thầy biểu em hú thì làm sao thầy nghe được."
Rứa là tôi được một cú gõ nhẹ trên đầu.
Tội cho Huy và thương nhất là Ngọc, mỗi lần nghe anh Dũng hú là Ngọc phải lo đi chợ nấu ăn cả ngày. Mặc dù hai em mời bữa cơm thanh đạm, mà sao tôi thấy đủ thứ món bầy đến chật bàn, nào là món nhậu, đến món khai vị, món chính món phụ, trái cây, bánh ngọt tráng miệng...Thế đâu phải một bữa ăn thanh đạm!
Nhân dịp này tôi xin cám ơn tấm lòng ái mộ tình bạn hữu của Huy và Ngọc, và ước mong rằng có ngày gần đây sẽ đến phiên vợ chồng chúng tôi trả lễ.
Nhà Huy ở trên đồi Bellevue với "one million dollar view". Đứng ngoaì hành lang nhìn xuống lake Washington bạn sẽ thấy cây cầu I90 dài nối giữa Bellevue với Seattle. Những ngày đẹp trời, gió hây hây nhẹ thoảng như chiều hôm nay, dân chơi thuyền thường thả những con thuyền buồm đong đanh lướt theo chiều gió; vài cụm mây trắng lờ lững trôi trên bầu trời xanh lơ; đám thông cao xanh rì chen lẫn với đám nhà thoai thoải dốc tạo cho tôi có cảm giác như mình đang ngắm một bức tranh thơ mộng. Dưới đồi là thành phố Bellevue, bên kia hồ là những tòa nhà chọc trời cao của thành phố Seattle. Phía đông là rặng núi Cascade có đỉnh núi Mt Baker bọc tuyết trắng xóa lập lò đó đây. Trước vẻ đẹp và sự yên tịnh của tạo hóa khiến hồn ai cũng cảm nhận được sự thanh thản nhẹ nhàng, như bao phiền muộn lo lắng trong ngày đã âm thầm cuộn theo làn gió lẫn vào trong những đám mây kia, bay mất.
Mùa hè ở Washington có khi đến 9 giờ tối mặt trời mới lặn.
Trước phong cảnh hữu tình và trời còn sáng, Thiếu Lan yêu cầu các phó nhòm chụp cho nhóm IBM vài tấm hình làm kỹ niệm. Lập tức thầy Dũng, anh Hợp (chồng Thiếu Lan), và Phi lôi máy hình ra hướng về các nàng bấm lìa liạ. Sau đó thầy Dũng cũng chụp chung hình với chúng tôi.
"Anh Dũng đứng với ba người đẹp trông anh trẻ và đẹp lão hẳn ra."
"Dĩ nhiên, đứng với các người đẹp mà không trẻ ra thì đứng với ai mới trẻ được?"
Vâng, chúng tôi chỉ mong có thế! Mong thầy khỏe mạnh, đẹp lão và trẻ mãi để chúng tôi còn có nhiều cơ hội được chung vui với thầy.
Bữa cơm "thanh đạm" có thêm chị Thuý, anh A (chồng chị Thuý) và Võ Biên Cương, đều là em của thầy Dũng. Sau đó chị Thuý và anh A xin phép về trước, vì ngày mai phải đi Alaska cruise sớm. Tôi lấy thước dây đo áo ra đưa cho Ngọc theomệnh lệnh của Huyền Linh, để đầu năm tới này nàng về Đà Nẵng may áo dài cho chúng tôi diện trong ngày họp trường vào hè 2016.
Đây là lần thứ hai trong suốt cuộc đời 40 năm xa xứ tôi mới có dịp nhìn lại số đo của mình. Lần đầu tiên, 10 năm trước đó, cũng Huyền Linh về VN may aó dài cho tôi đi dự họp mặt trường. Ở đây, cái xứ USA, ngoại trừ một số dân giàu, tài tử, hoa hậu, người mẫu...thì mới bận tâm đến số đo của mình, còn người thường dân chúng ta cứ chạy vào shopping malls kiếm cái size của mình, mặc thử vào, nếu thấy vừa vặn, nhìn hợp nhãn là xách về, chứ đâu cần biết vòng ngực, vòng bụng hay vòng mông bao nhiêu. Có lẽ thế mà khi đối đầu với sự thật các nàng ngạc nhiên hốt hoảng thảm thiết...
"Ngọc...Ngọc...Ngọc ơi, Ngọc có đo lộn không? Tại sao vòng eo của chị lại bằng số mông?"
Chúng tôi đã híc híc cười và Ngọc vội vã,
"Dạ...dạ để em đo lại cho chắc."
Đo xong, Ngọc cũng thấy choáng váng đứng không vững, ôm mặt gục đầu xuống bàn cười nức nở,
"Không sai đâu chị, em đo đúng rồi!"
Các ông ngôỉ góc bàn bên kia, đang bàn luận sôi nỗi về các vấnđề kinh tế,chính chị chính em gì đó của các ông cũng phải dừng lại lên tiếng,
"Trời ơi, lấy nhau mấy chục năm chừ mình mới biết sự thật vòng eo của mấy bà... bằng cái mông."
Thế là cả bọn ôm bụng cười nghiêng ngửa.
Mặc dù tinh thần có phần khủng hoảng trước cái eo Đài Loan của mình nhưng các nàng cũng can đảm chấp nhận sự thật, tuy phũ phàng,
“Ngọc đo cái bụng của các chị rộng rộng ra một chút, sang năm lỡ có mập ra thì mặc là vừa.”
Tưởng chỉ có cái bụng với cái mông thôi, không ngờ lại nghe thêm tiếng khiếu nại,
"Lan ơi, mi có ghi lộn không đó! Sao vòng ngực của tao nhỏ hơn vòng bụng?"
Ngọc lật đật thêm một màn đo laị,
"Đúng rồi chị ơi, không có sai đâu."
Lần này đến phiên Thiếu Lan gục đầu xuống bàn hic hic, cây bút rơi khỏi tầm tay.
"Ôi đau bụng quá! Thôi Hương mi viết đi."
Thấm thoát thoi đưa, chuyện chưa hết mà đồng hồ đã gõ 10 giờ. Lan và anh Hợp cáo lỗi xin phép về trước để sửa soạn hành lý cho chuyến bay sớm ngày mai. Trước khi chia tay thầy Dũng kéo chúng tôi ra chọc.
"Hội trường sang năm là phải có mặt các em đó, mà muốn đi được thì đừng cô nào có bầu nghen."
Tôi cười ha hả,
"Anh ơi, anh lo cái gì chớ cái đó anh đừng lo. Máy của em đã rỉ hết rồi! Bao lần mang ra tiệm tu bổ mà vẫn chưa có xài được. Chỉ còn nước chờ ngày liệng vô viện bảo tàng thôi."
Lan,
"Cháu nội cháu ngoại đầy đàn, còn làm gì sản xuất được nữa anh!"
Quay sang tôi, Lan tiếp,
"Bây giờ tụi mình có bầu được phải là do phép mầu nhiệm."
Một buổi chiều với bữa cơm "thanh đạm" bên cạnh thầy và bạn hữu trong một khung cảnh ấm cúng gia đình, chúng tôi vẫn líu lo tíu tít kể chuyện cho nhau, cũng với nụ cười rộn rã, toe toét, xả láng y chang như thưở nào còn lết ghế nhà trường, chưa mất được sự hồn nhiên ngây thơ nhưng vô số tội. Sang năm, dân IBM chúng tôi vừa tròn 6 bó. Tuổi đời có thay đổi, hình dáng có thay đổỉ, cuộc đời có thay đổi, nhưng đố tụi bây "Có một thứ gì vẫn không thay đổi với thời gian?" thử có đứa nào trong đám chúng tôi nói đúng ?