KHI
CON ĐƯỜNG KHÔNG LỐI THOÁT
(Phan
Xuân Sinh)
Sau
nhiều đêm suy nghĩ, không còn cách nào khác hơn
chị dẫn con về quê anh gửi cho bà nội chúng nó,
dù chị biết rằng đó là một gánh nặng cho bà. Nhưng
giữ chúng nó thì lấy gì ăn? Có rảnh tay rảnh chân
thì mới bương chải kiếm tiền nuôi con, trong lúc
chồng còn trong trại cải tạo. Chứ còn ôm lấy con
thì chết đói sao? Vì vậy, chị mang các con về
giao cho bà nội, một giải pháp mà theo chị cân
nhắc là ổn thỏa nhất. Chị sẽ đi buôn bán gửi tiền
về nuôi bà cháu. Chị đón xe lam dẫn hai con về
quê của anh ở Đại Lộc, mà có lần chị theo anh
về đó thăm mẹ. Căn nhà tranh vách đất chỉ kê được
một cái bàn thờ nhỏ ngay giữa nhà và bên cạnh
một cái chỏng tre. Bà mẹ chồng ngồi trước cửa
với một mẹt khoai sắn bán cho sắp nhỏ hàng xóm,
trông thấy ba mẹ con chị, bà đứng dậy ôm lấy các
cháu vào lòng. Lâu quá bà cháu không gặp nhau,
nước mắt bà tuôn xuống một cách tự nhiên, vừa
thương cháu côi cút thiếu vắng cha, vừa thương
con đói khát trong trại cải tạo.
Chị nhìn mấy bà cháu ôm nhau mà lòng chị sắt se.
Chị có nên để các con ở đây cho bà không? Làm
sao bà trông các cháu được vì bà quá già yếu,
bà tự lo lấy thân bà chưa nổi, làm sao bà lo cho
các cháu. Thế nhưng, không giao con cho bà trông
coi, thì làm sao chị đi kiếm tiền, rồi lại cùng
chết nhau cả nhà. Đằng nào cũng phải chọn một
giải pháp để cứu lấy gia đình. Chị chần chờ mãi
tìm cách mở đầu để thuyết phục được bà chấp nhận
nuôi giùm hai đứa con của chị. Lòng chị quyết
như vậy mà miệng chị không mở ra được, nhìn thấy
bà đi lại chậm chạp khó khăn, chị không thể nói
với bà cái điều mà bà không thể làm được. Bà và
chị đều im lặng, hình như bà đọc được những gì
trong thâm tâm chị đang khắc khoải.
Bà mở đầu để tìm cho chị một lối thoát:
“Có cái gì khó khăn lắm con muốn nói với mẹ,
phải không?”.
Chị cúi đầu, không dám nhìn thẳng vào mặt bà:
“Thưa mẹ, con muốn gửi hai cháu ở đây để con
lo buôn bán, kiếm chút đỉnh tiền về nuôi mẹ và
hai cháu. Từ ngày anh Toàn đi học tập, con phải
bán đồ đạc trong nhà để nuôi hai cháu. Bây giờ
thì không còn gì để bán ngoại trừ căn nhà. Con
định bán luôn căn nhà, lấy số tiền nầy làm vốn.
May ra nuôi sống được gia đình.”
Bà vẫn ngồi im lặng, nước mắt bà bắt đầu tuôn
xuống. Có một cái gì đó đã làm cho bà nghẹn ngào
không nói ra được. Làm sao bà từ chối một yêu
cầu chính đáng như vậy, mặc dù bà biết, bà không
có khả năng làm việc nầy. Các cháu của bà sẽ ra
sao khi không có một nơi nương tựa? Một linh tính
đã dằn vặt bà, một con dâu còn trẻ đẹp, sắp lăn
xả vào một nơi chốn hỗn mang, biết bao nhiêu sự
lọc lừa, sự tranh giành. Một thân gái dặm trường
làm sao chống đỡ được những cạm bẫy đã giăng ra
sẳn, chờ đốn ngã tất cả những mảnh đời lẻ loi,
cô thế. Chuyện gì sẽ xẩy ra? Chỉ có bà và hai
cháu của bà gánh chịu những phủ phàng mà không
do mình gây ra. Biết thế, nhưng làm sao ngăn được.
Đất nước đã khánh tận, con người đã sa vào cảnh
bần cùng, mà khi người ta đã ở vào tình thế tận
cùng nầy thì nhân cách và liêm sĩ không cần phải
giữ gìn. Vì sự sống, họ sẵn sàng đánh đổi tất
cả.
Bà thở dài trước khi nói với con dâu:
“Thôi được, con cứ để hai cháu ở đây với mẹ.
Con cứ ra đi. Ngày mai bà cháu sẽ dắt nhau ra
chợ đi xin, không sao cả. Miễn sao mình sống thật
với mình, dù đói khổ mẹ vẫn giữ cho hai cháu một
cách sống lương thiện, chờ đợi cha chúng nó về.
Trước khi đi, mẹ khuyên con một điều. Bao giờ
con cũng nhớ là con còn có hai đứa con thơ dại,
nếu con không chăm sóc được thì con cũng nghĩ
lại để thương chúng nó. Mẹ già rồi, không biết
còn sống để chờ đợi cha chúng nó trở về. Nhưng
thôi, chuyện đã đến thế nầy thì phải chấp nhận,
dù muốn dù không thì nó cũng không còn con đường
nào chọn lựa, khi mà lòng người đã quyết như vậy.”
Bà đã nói như một lời trăn trối với chị, như một
bát nước lạnh tạt vào mặt chị, để cho chị tỉnh
người lại. Thế nhưng, không còn cách nào giải
quyết tình cảnh bi đát của chị hiện tại. Chị muốn
sống một cách thanh thản để chờ chồng trở về dù
phải sống trong nghèo khổ. Ròng rã hai năm trời
mòn mỏi, bây giờ chị phải tìm một lối thoát cho
chị và cho các con chứ không thể ngồi chờ chết
như thế nầy được. Chị hứa với lòng mình là chị
sẽ cố gắng vượt qua tất cả để được đứng thẳng
người, để không mang tiếng phụ lòng chồng con,
để thiên hạ khỏi chê cười. Cùng một lúc bao nhiêu
cái khó khăn vây quanh chị, cùng một lúc chị phải
giải quyết những rối rắm từ tinh thần đến vật
chất, làm sao cho được ổn thỏa. Chuyện các con
xem như đã được yên vị. Bây giờ chính là lúc thực
sự bắt tay vào công chuyện mưu sinh. Chị bước
tới ôm bà mẹ chồng để tỏ lòng biết ơn, còn bao
nhiêu tiền trong túi chị móc ra hết gửi lại cho
bà để lo cho các cháu, ít nhất cũng được vài tháng
để chị rảnh rang lo cho chuyện làm ăn. Chị bước
đến ôm các con vào lòng, lần đầu tiên chị xa các
con. Đến lúc nầy chị mới thấy lòng chị ray rứt,
một cái đau đớn khó tả như có ai đó róc từng lớp
da của mình. Chị khóc nghẹn ngào. Có ai thấu hiểu
chia sớt giùm với chị nỗi lòng của người mẹ xa
con. Nấn ná mãi rồi chị cũng dứt lòng ra đi, khi
chiếc xe lam chở khách ngừng lại trước nhà. Xe
chạy, chị vẫn còn trông thấy hai đứa con ngơ ngác
nhìn theo. Chị cúi mặt không dám quay nhìn các
con, lòng chị chùng xuống, chị kéo vạt áo lên
lau nước mắt, nhưng hết lớp nầy tới lớp khác mắt
chị không ráo được.
Đêm đó là đêm đầu tiên chị ngủ một mình mà không
có các con bên cạnh. Thiếu đi tiếng cười, tiếng
khóc của chúng, không làm sao chị chợp mắt được.
Chị ngồi dậy rời khỏi giường đứng bên cửa sổ nhìn
ra đường, đường khuya khoắt không còn một bóng
người. Con phố nhỏ chìm trong màn đêm yên lặng.
Chị quay vào nhà, nhìn căn nhà lần cuối, ngày
mai chị phải giao căn nhà cho người khác, không
bao giờ trở lại được nữa. Căn nhà nầy vợ chồng
chị đã chắt chiu tạo nên, đã đầy ắp biết bao kỷ
niệm, nó là cái tổ ấm của anh chị và các con.
Bây giờ phải đành lòng ra đi, đứt từng đoạn ruột
khi lìa bỏ nó. Chị đến ngồi bên góc nhà nấc lên
từng tiếng. Chồng còn trong trại cải tạo, các
con thì gửi cho bà nội, còn chị không biết phải
tá túc nơi nào? Một sự chia lìa mà không biết
lúc nào mới đoàn tụ được. Ngày mai chị sẽ nhận
hai cây vàng của người chủ mới, rồi ôm gói áo
quần rời khỏi căn nhà nầy. Không biết chuyện gì
sẽ đến với chị, lành hay dữ đều phó thác cho số
mạng.
Từ đó, sau cái đêm hôm ấy người ta không còn biết
chị ở đâu, làm gì? Có thể chết mất xác ở đâu đó,
hoặc chị đã bị bắt vì tội buôn lậu, hoặc sa vào
con đường hư hỏng đang bị giam giữ. Cũng có thể
chị đã chạy theo tiếng gọi của tình yêu mới và
chối bỏ tất cả thời quá vãng của mình. Mọi chuyện
về chị cũng chỉ trong vòng suy đoán của mọi người.
Không có ai gặp lại chị để biết chính xác sinh
hoạt của chị hiện tại, và như vậy mọi người thân
tình cũng như quen biết với chị, đều nghĩ rằng
chị đã chết.
*******
Bẳng
đi một thời gian sau, hai đứa bé được đi theo
diện HO qua Mỹ với cha. Anh vẫn không lấy vợ khác,
sống vậy để nuôi hai con khôn lớn. Có một điều
lạ là anh không bao giờ nói tốt hay xấu với các
con về người mẹ của chúng. Anh xem như trong đời
nầy anh chưa có vợ vậy. Suốt năm năm trong trại
cải tạo, không có ai thăm nuôi, không biết tin
tức gì về gia đình. Anh đã đoán ra được chuyện
gì đã xẩy ra với anh, anh cắn răng chịu đựng không
một lời than van với ai. Anh không trách vợ, một
người đàn bà trẻ đẹp sống trong hoàn cảnh nhiễu
nhương, không chịu đựng nổi khổ cực của cuộc sống
làm sao không vấp ngã, để chạy theo những béo
bở. Trong khi anh không biết ngày nào trở về,
làm sao chờ đợi. Chị có thể phản bội anh, nhưng
còn các con, chúng nó vô tội mà chị đành tâm dứt
bỏ, thì cũng lạ thật. Anh rất ngao ngán không
cần phải tìm hiểu thêm, không cần phải đi tìm
chị. Anh lao đầu vào những công việc nặng nhọc
để cốt ý kiếm ra tiền để nuôi mẹ và hai con. Sau
khi “cải tạo” trở về, nhìn thấy mẹ và hai con
đói khổ trong căn nhà lụp sụp, lòng anh quặn đau.
Anh biết anh phải làm gì để cứu lấy gia đình.
Trước ngày anh và hai con rời khỏi Việt Nam theo
diện HO, những người bạn cũ mời gia đình anh dùng
một bữa cơm chia tay. Trong bữa cơm nầy, một người
bạn cho anh biết đã gặp chị tại Nha Trang. Anh
ngưng ăn ngồi lắng nghe người bạn nói về vợ mình,
các con anh cũng vậy: “ Tôi gặp chị Hồng trong
một quán ăn tại Nha Trang cách đây mấy tháng.
Chị đi với hai đứa bé và một người đàn ông. Tôi
nghĩ chắc là chồng sau nầy và con của chị. Tôi
ăn xong tính tiền trước nhưng vẫn ngồi tại bàn
để chờ chị, tôi muốn giáp mặt chị để xem thái
độ của chị ra sao. Khi ăn xong người đàn ông đứng
dậy đi ra trước để lấy xe, còn chị và hai đứa
bé đi ra sau. Tôi đi phía sau và gọi chị. Chị
Hồng, chị còn nhớ tôi không? Chị quay lui nhìn
tôi sửng sốt, lặng người một hồi rồi chị trả lời.
Xin lỗi tôi không quen với anh, hình như anh nhìn
lầm người. Rồi chị vội vàng lôi hai đứa bé chạy
ra chổ người đàn ông ngồi trên xe đang chờ. Tôi
cũng vội vàng chạy đi lấy xe, chạy theo sau chị.
Tôi biết được địa chỉ của chị đang sống ở Nha
Trang, vì tôi thấy xe của chị Hồng quẹo vào một
căn nhà, tôi lấy giấy bút ghi lại địa chỉ”. Người
bạn móc trong túi quần lấy địa chỉ của chị Hồng
đưa cho anh, nhưng anh lắc đầu không nhận. Đứa
con gái anh ngồi bên cạnh, đưa tay nhận tờ địa
chỉ của mẹ. Mặc dù bên ngoài anh tỏ vẻ không quan
tâm đến đời sống của chị hiện tại, nhưng khi nghe
người bạn kể về chị tự nhiên anh thấy đau nhói.
Hơn mười sáu năm không thấy mặt chị kể từ ngày
anh vào trại cải tạo. Trong lòng anh mọi chuyện
đã nguội tắt. Bây giờ sắp sửa rời khỏi đất nước,
anh lại nghe tin về chị, gia đình mới của chị
xem như được hạnh phúc. Tự nhiên lòng anh cảm
thấy nhẹ nhỏm, mang một tâm trạng vừa thương tiếc
nhưng cũng vừa bằng lòng cho số phận của chị.
Từ lâu trong thâm tâm anh cứ nghĩ rằng chị đã
đi vào con đường trụy lạc, không thể rút chân
ra khỏi, nên không còn mặt mũi nào nhìn anh và
các con. Bây giờ tình thế không như vậy. Đáng
trách chị hơn, nhưng cha con anh sắp sửa rời khỏi
đất nước, thay đổi cả một cuộc sống, trong lòng
anh không còn giữ một chút hận thù nào về chị.
Anh xem mọi chuyện đời anh như là một định mệnh
đã được an bài không trách ai cả.
Thế nhưng các con của anh thì không thể nào tha
thứ cho mẹ, nhất là đứa con gái. Khi mẹ bỏ đi,
cô chỉ mới ba tuổi, anh của cô năm tuổi. Cái tuổi
của anh em cô cần sự chăm sóc dạy dỗ của mẹ. Nhưng
mẹ cô thì đi mất, mang con bỏ chợ, anh em cô sống
vất va vất vưởng, bữa đói bữa no bên bà nội mù
lòa. Mẹ đi tìm một cuộc chơi khác, no thân ấm
áo hơn, tiền tài danh vọng hơn. Anh em cô không
có một tuổi thơ hồn nhiên như bao nhiêu đứa trẻ
khác, phải ngụp lặn trong đống rác để mưu sinh,
phải cúi mặt lầm lũi trong tủi nhục. Mới có bao
nhiêu tuổi đầu đã nếm đủ mùi vị đắng cay cùng
cực của cuộc sống. Từ khi đủ trí khôn để suy xét
cô đã hận mẹ, dù rằng cô không còn nhận ra được
khuôn mặt của mẹ mình. Cô cầm địa chỉ của mẹ trên
tay, cô muốn vào Nha Trang ngay để hỏi cho ra
lẽ, để nhìn thẳng vào mặt người đàn bà bội bạc
mà mình phải gọi bằng mẹ. Đành đoạn dứt bỏ con
cái còn thơ dại chạy theo tình yêu, một thứ tình
yêu xác thịt. Người anh của cô không chịu để cho
cô đi, bởi lẽ không còn bao nhiêu ngày nữa phải
rời Việt Nam, không nên đi xa và cũng không nên
gây rắc rối. Có làm cho ra chuyện cũng chỉ để
hả cơn giận, chứ không giải quyết được gì.
Cô mang một tâm trạng oán hờn chồng chất thêm,
khi biết được tin tức của mẹ hiện đang sống sờ
sờ với một gia đình mới. Trước đây cô tin chắc
rằng mẹ của cô đã chết, vì chỉ có chết thì mẹ
mới không về thăm con. Một con vật còn biết che
chở cho con, thương con huống gì con người. Khi
nghe tin người bạn của Ba cho hay mẹ đang sống
ở Nha Trang. Tự nhiên cô cảm thấy hụt hẩng, như
có ai đó đâm ngay vào tim mình một nhát dao. Đôi
mắt cay xé, nước mắt tuôn trào. Cô bỏ đủa đi vào
buồng tắm, cô khóc trong ấm ức nghẹn ngào. Trời
ơi, trên đời nầy sao có một loại người tệ bạc,
không còn một chút xíu tình người như vậy sao?
Mà người đó lại mẹ của mình. Một hồi lâu chờ cho
nước mắt khô ráo, cô lau mặt, rồi đi ra ngoài
ngồi vào chỗ của mình. Tất cả những người ngồi
trên bàn bỗng nhiên yên lặng, nhìn cô như chia
sớt với cô nỗi thống khổ, đọa đày nầy. Không còn
tiếng cười nói như lúc đầu, khung cảnh chìm trong
suy tư tĩnh lặng. Oán hờn nầy cô mang theo mãi
mãi bên người.
Khi máy bay rời khỏi phi trường, còn bay trên
không phận Việt Nam, ngồi bên cửa kính nhìn xuống,
nào đất đai sông núi, nào nhà cao cửa rộng, nào
quyền thế danh vọng, tất cả đã xa dần. Một mảnh
đất nhỏ bé đó đã xẩy ra biết bao nhiêu tai ương
thống khổ, để lại biết bao nhiêu thù hận ngút
ngàn. Đày đọa biết bao nhiêu mảnh đời, trôi dạt
biết bao nhiêu thân xác. Mảnh đất đã nuôi cô khôn
lớn, đã dạy cho cô nhẫn nhục, nhưng cũng đã tước
đoạt của cô thân phận làm người. Thế nhưng sao
cô vẫn thấy yêu nó da diết, đứt từng đoạn ruột
khi xa lìa nó. Ngay bây giờ cô mới cảm nhận được
thế nào là lòng thương yêu, thế nào là lòng vị
tha. Nếu có mẹ bên cạnh cô lúc nầy, cô sẽ không
nói với mẹ một tiếng nặng nào, một lời xúc phạm
nào. Cô xem như tất cả đều là mây khói, sẽ tan
vào hư không. Không có ai làm sống lại thời dĩ
vãng, sống mãi với dĩ vãng để rồi chìm trong dĩ
vãng. Sống phải xăn tay áo dấn thân, phải gạt
bỏ tất cả những chướng ngại để đi lên. Sống phải
biết mình và vì người. Bài học từng trãi trong
tháng năm khổ cực, đã dạy cho cô biết trân quý
những giá trị của phẩm chất. Cô thấy được những
cái sai trái để tránh, cái xấu xa để từ bỏ. Nhìn
lại đất nước lần cuối cùng, cô đã bỏ lại biết
bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, những giận hờn oán
trách của thời ấu thơ. Bây giờ tương lai đang
chờ đón, một tương lai nó cũng mù mịt, xa lạ.
Không biết cái gì sẽ đến, chắc chắn nó cũng không
suông sẻ, bởi lẽ mọi thứ đều lạ lẫm. Trăm ngàn
cái khó đó, cô phải tự mình vượt qua, không ai
giúp được.
Gia đình cô định cư tại Miền Đông Bắc Hoa Kỳ,
thành phố nầy nằm trên đường biên giới với Canada.
Đây là vùng khí hậu có phần khắc nghiệt đối với
người Việt. Vì không liên lạc được người thân
cận đang sinh sống ở Mỹ, nên gia đình cô được
vợ chồng ông bà già người Mỹ làm sponsor. Đó là
khuôn mặt đầu tiên cô gặp trên đất nước nầy. Họ
rất tốt, lo lắng cho gia đình cô mọi thứ để hội
nhập. Ngày cô được nhập học vào trường Community
college, cô không tưởng tượng được rằng mình có
ngày hôm nay. Sẽ cắp sách đến trường như mọi người,
sẽ được đối xử với nhau bình đẳng như mọi người.
Một ước mơ không thể nào thực hiện được, sau khi
học xong trung học phổ thông (thời điểm 1990),
khi còn ở Việt Nam, nhà nghèo không có khả năng
tiếp tục đến trường. Cô phải nghỉ học tìm việc
làm để phụ giúp gia đình, mặc dù cô là một học
sinh xuất sắc. Còn ở đây, điều kiện đến trường
dễ dàng hơn. Cô biết với vốn liếng sinh ngữ của
mình chẳng có, nên cô phải cố gắng nhiều hơn mới
theo kịp.
*******
Mười
năm sau cô ra trường, trước khi đi nhận nhiệm
sở. Cô về Việt Nam một chuyến thăm bà nội. Anh
em cô và ba, hằng tháng gửi tiền về nuôi bà nội.
Trước đây qua Mỹ chừng được hai năm, ba gửi tiền
về xây lại căn nhà cho bà, những năm sau bà yếu
nên phải thuê người chăm sóc cho bà. Ngồi trên
máy bay trở về, cô không còn mang tâm trạng như
ngày xưa. Trong lòng cô, không mang những lo lắng,
sợ sệt. Những hờn tủi, thua thiệt. Mà trái lại
cô tự tin hơn, bản lĩnh hơn. Một đất nước mới
nầy đã dạy cho cô phải đứng thẳng người, không
chịu khòm lưng bất cứ áp lực nào. Mười năm đủ
để cho cô rà sát lại những thăng trầm của cuộc
sống, phải vươn lên bằng khả năng và đôi tay của
mình. Mười năm ấy đủ để cho cô xóa bỏ những tị
hiềm thua thiệt, những oán hờn mà đời sống đã
dành cho cô. Cũng ngồi bên cửa sổ máy bay nhìn
xuống, cô cảm thấy thanh thản hơn, nhìn mây bay
bên dưới cô cảm tưởng có một chút reo vui trong
lòng.
Cô lấy trong xách tay tờ giấy ghi
địa chỉ của mẹ ở Nha Trang, mà người bạn của ba
đưa cách đây mười năm. Cô đọc đi đọc lại số nhà
và tên đường. Mười năm không biết có gì thay đổi?
Nhưng thế nào cô cũng phải tìm gặp mẹ, người đã
sinh ra cô dù người đó đã từ chối thiên chức làm
mẹ của mình, nhưng hề gì chuyện nầy. Miễn rằng
cô còn giữ được một chút nhân ái với mẹ. Còn mọi
chuyện khác, mình không cần phải đòi hỏi thêm
về người khác. Cô sắp sửa bước xuống cái phi trường,
mà cách đây mười năm cô đã ra đi. Cô nhớ lúc đó
ngồi trong lòng phi cơ mà còn sợ bị lôi xuống,
trong lòng hồi hộp, đến khi phi cơ lăn bánh mới
tin rằng mình đã thực sự ra đi. Mới đó mà mà đã
mười năm, đất nước bây giờ có gì đổi khác?
Sau khi ở với bà nội một tuần lễ, cô thuê một
chiếc xe hơi nhỏ đi Nha Trang. Cô tìm đúng địa
chỉ trong giấy đã ghi, nhưng không phải là căn
nhà để ở, mà một cửa hàng bán quần áo ngoại sang
trọng. Căn nhà ba tầng mới xây. Cô bước vào làm
như một người khách đi mua áo quần, cô nhìn quanh
cửa hàng như tìm một cái áo hay một cái quần cho
vừa ý.
Cô bán hàng chạy ra hỏi cô:
“Chị có bà con gì với bà chủ không? Mà trông
chị giống quá”.
Cô chụp ngay cơ hội, hỏi liền:
“Có phải bà chủ tên Hồng, người Huế phải không?”.
Cô bán hàng trả lời:
“Đúng vậy”.
Cô bình tĩnh, nói với cô bán hàng:
“Em làm ơn gọi giùm bà chủ. Bảo rằng có người
cháu ở Huế vào thăm”.
Cô đứng chờ, chừng năm phút. Chị bước ra, trông
thấy cô. Chị hoảng hốt, kêu lên: “Con…Hạnh”.
Từ một đứa bé ba tuổi, hai mươi lăm năm sau Chị
mới gặp lại. Chị vẫn nhìn ra con mình. Mới thoáng
nhìn, chị biết nó là con mình. Tiếng chị gọi phát
ra từ tâm thức, một phản ứng tự nhiên. Sau khi
gọi, tự nhiên chị nghe tiếng của mình lạc lỏng.
Hai mươi lăm năm con chị nó thiếu đi tiếng gọi
thương yêu như vậy.
Cô mĩm cười cúi đầu chào chị và lễ phép nói:
“Thưa dì, cháu không phải là Hạnh. Cháu là
bạn của Hạnh. Hạnh nhờ cháu về thăm dì”.
Chị đắng họng, không mở miệng được. Hình như con
của chị muốn mở ra cho chị một lối thoát. Muốn
chị khỏi phải khó xử trước một hoàn cảnh ngượng
ngập. Chị nghe như ai đó tát vào mặt mình. Mình
đã từ chối chức năng làm mẹ với nó trước đây,
thì bây giờ nó từ chối lại cũng không có gì quá
lắm. Con của mình trước mặt, mà mình không gọi
con được. Không có cái gì đau bằng.
“Thưa dì, Hạnh nhờ cháu về thưa với dì một
chuyện. Nhưng ở đây bất tiện quá, mời dì đi với
cháu ra quán nước. Xe của cháu thuê, đậu bên ngoài”.
Cô đi ra phía sau xe mở cửa cho chị bước lên,
còn cô lên ngồi phía trước với tài xế. Cô nói
với tài xế tìm giùm một quán cà phê vắng người.
Bây giờ chị mới bình tĩnh, ngồi phía sau quan
sát con. Hạnh có khuôn mặt giống chị như đúc,
dáng dấp cao hơn chị. Nhìn chung Hạnh có một vẻ
đẹp tự nhiên, hiền lành, có đượm một chút nghiêm
nghị. Một đứa con gái nết na, thùy mị như vậy
mà mình đã đành đoạn từ bỏ mấy chục năm nay. Chị
thẹn mặt với con, thẹn với lòng. Còn tâm trạng
của Hạnh nghĩ về Mẹ, cô thấy Mẹ đẹp, ăn nói nhỏ
nhẹ nghĩa là chung chung không có gì đáng chê
trách. Cô tự hỏi, một con người như thế mà sao
tâm địa tồi tệ như vậy. Đến quán cà phê, cô và
mẹ tìm một cái bàn ở một góc phòng, gọi thức uống
cho mẹ rồi cô thong thả nói:
“Thưa dì, Hạnh có ba câu hỏi mà mấy chục năm
nay không được gặp dì để hỏi. Câu hỏi cũng không
có gì làm khó dì nhưng Hạnh muốn chính dì trả
lời. Cháu là người truyền đạt các câu trả lời
của dì cho anh Phẩm và Hạnh, hai người con của
dì”.
“Phẩm-Hạnh”, chị nghe tên của hai con,
chị lặng người. Cái tên mà trước khi sinh anh
chị phải tìm tòi suốt mấy tháng trời, để đặt cho
con. Hai cái tên nói đến nhân cách, giá trị của
người đàn bà. Người nào không giữ được phẩm hạnh
sẽ bị người đời khinh khi, nguyền rủa. Sao như
có cái gì nghịch lý với chị, chua chát và đắng
cay. Chính chị là người đặt ra nó, và cũng chính
chị vi phạm trầm trọng. Ngồi đối diện với con
gái, trong trạng thái qua đi những bức xúc, chị
muốn đọc trên mặt của con có chút gì oán hận,
trách móc mẹ không? Trên khuôn mặt của Hạnh tươi
tắn, điềm đạm không đượm một vẻ gì suy tư khi
gặp lại mẹ:
“Thưa dì, câu thứ nhất Hạnh muốn hỏi dì về
bà nội. Bà nội trước đây sống với dì ra sao? Có
tốt với dì không? Dì đã biết, bà nội mù lòa, sống
trong nghèo khổ, mà dì lại giao cho bà nuôi cháu
còn thơ dại. Làm sao bà kham nổi”.
Chị nhớ lại người mẹ chồng, một người đàn bà tuyệt
vời mà chị đã gặp và đã sống với bà. Chăm sóc
dâu con, lo cho con cái từng miếng ăn, thức uống.
Không nệ hà bất cứ cái gì cho con cái. Trong những
ngày chị sinh nở, bà giúp cho chị đủ mọi thứ,
đến khi chị cứng cáp bà mới trở về quê. Khi nào
chị gặp khó khăn trong cuộc sống là bà có mặt
để giúp chị. Trước đây đời sống của bà thong thả,
có ruộng vườn trên quê. Sau năm 75, bà thấy các
con chật vật khổ sở. Bà bán hết chia cho các con,
trong đó có vợ chồng chị. Bà làm một cái chòi
nho nhỏ bên đường, bán bánh kẹo cho con nít, độ
nhật qua ngày.
Chị trả lời với con về người mẹ chồng:
“Đây là một người, trên mọi người. Một bà
mẹ, trên những bà mẹ. Bà đối xử với tôi như bát
nước đầy, không chê trách vào đâu được. Tình thương
của bà dành cho tôi đúng như xôi nếp một,
như đường mía lau. Sau bao nhiêu đêm
suy nghĩ, tôi thấy rằng chỉ có bà mới nuôi được
mấy đứa con của tôi. Mặc dù tôi biết bà mù lòa.
Tư cách sống của bà cũng như sự giúp đỡ của bà
với mọi người, những hàng xóm chung quanh không
thể nào để bà và các con của tôi đói được. Chỉ
có bà tôi mới yên tâm giao con”.
Hạnh nhắm mắt lại để nghe mẹ nói về bà nội. Đúng,
những gì mẹ nói tốt về bà nội, anh em cô đã biết,
không ngoa chút nào. Mười mấy năm sống với bà
trong khổ cực, bà đã để dành miếng ăn ngon cho
cháu. Còn bà thì ăn qua loa, không cần thiết.
Ba bà cháu tối ngủ chỉ có một cái mền, bà dành
để đắp cho anh em cô. Còn bà thì phủ lên mình
chiếc chiếu manh rách. Trời mùa đông gió bấc lạnh
lẽo, bà mặc trên người chiếc áo len mỏng phong
phanh, phải tìm mua cho anh em cô chiếc áo dạ
dày, cho đủ ấm.
“Thưa dì, câu thứ hai Hạnh muốn hỏi dì về
ba. Trước đây ba sống với dì có được hạnh phúc
không? Ba đối xử với dì có tệ bạc lắm không?”.
Chị lặng người khi có ai đó nhắc đến anh. Chị
nhớ lại mối tình của chị với anh thật tuyệt vời.
Hai người quen với nhau gần ba năm mới làm đám
cưới. Khi gia đình chạy loạn, nghe tiếng súng,
anh vội vàng gở nón sắt trên đầu của mình đội
lên cho chị. Anh bảo rằng lỡ bị lạc đạn, anh có
chết cũng không sao. Còn em phải sống vì các con
cần em hơn. Nghĩ lại chuyện nầy chị bật khóc.
Một người chồng thương vợ con như vậy, quên cả
mạng sống của mình để lo cho vợ con. Thế mà mình
lại nhẫn tâm phản bội. Chị trả lời với con trong
thổn thức:
“Đó là một người đàn ông bao dung rộng lượng,
một người chồng mẫn cán, tế nhị. Dù có đi khắp
thế gian nầy, tôi cũng không thể tìm một người
nào như anh. Sống với nhau một thời gian, tôi
mới thấy được thế nào là hạnh phúc. Anh đã cho
tôi một bài học về nhân nghĩa, về thủy chung.
Chân tôi đã lỡ bước qua một lằn ranh, không thể
nào kéo lại được. Tôi xấu hổ phải trốn tránh chồng
con. Tôi không thể nhìn lại măt họ được”.
“Thưa dì, câu cuối cùng. Tại sao dì từ bỏ
hai đứa con của dì?”.
Vẫn chìm trong tiếng khóc u uất, chị trả lời:
“Chính tôi, tôi cũng không hiểu tại sao tôi
phải làm như vậy. Thì xin các người đừng hỏi tôi
tại sao? Một con vật mà còn biết bảo vệ cho con,
không lìa bỏ con. Thế mà tôi đã làm một chuyện
trời không dung, đất không tha nầy. Thua cả loài
cầm thú. Tôi không dám xin các người tha thứ,
vì có độ lượng như Trời, Phật cũng không thể nào
tha cho tôi trọng tội nầy được. Chỉ xin các người
một điều hãy sống trong an lạc tự tại, giữ lấy
thân trong bình yên”.
“Cám ơn dì đã trả lời những câu chân thật
tự đáy lòng”
Hai người đứng dậy trả tiền nước rồi ra xe. Trên
đường về nhà, chị ngồi phía sau xe vẫn khóc nức
nở, còn Hạnh thì đăm chiêu. Từ khi gặp được mẹ,
cô hứa với lòng mình là phải giữ một khoảng cách,
không được suy sụp. Dù ở trong hoàn cảnh nào cũng
không được khóc, cô đã mất quá nhiều nước mắt
trong những đêm dài hắt hiu. Khi con người đã
gặp một sự đau khổ tột cùng thì tự nhiên trong
cơ thể sẽ được bảo hòa. Cô đã giữ vẽ thờ ơ trước
mặt mẹ để thể hiện sự cứng cỏi của nội tâm. Khi
xe ngừng, cô ra phía sau để mở cửa cho mẹ. Cô
nhìn thấy bà bước ra dáng dấp chậm chạp, thể hiện
một tuổi già đã đến. Cô đưa tay để bà vịn đứng
lên, tự nhiên cô ôm lấy bà, cô thốt lên một tiếng
kêu mà cô không thể nào kềm hãm được. “Mẹ”.
Rồi cô khóc nức nở trên vai mẹ. Hai mươi mấy năm
rồi cô mới được khóc thoải mái như vậy, trước
đây dòng nước mắt của cô chỉ chảy trong âm thầm.
Ngồi trên máy bay trở lại Mỹ, trong lòng cô không
còn nặng trĩu những vấn đề mà đã đeo trên mình
suốt bao nhiêu năm tháng. Tất cả đều được giũ
sạch. Nhìn xuống phía dưới cũng những cảnh quang
như cách đây mười năm cô đã ra đi. Lúc đó sao
nó buồn não nuột, còn bây giờ cô cảm thấy reo
vui. Người mẹ mà cô mong gặp, để cô được trút
những oán hận. Thế mà khi gặp cô lại cảm thấy
thương hại cho bà. Với những lầm lỡ của thời son
trẻ, bà luôn luôn mang những ấn tượng tội lỗi,
đó đã là một hình phạt nặng nề. Khi gặp cô, bà
cũng vơi bớt đi một phần tủi nhục. Thế nhưng cô
biết cái hối hận nó dày vò bà cho đến khi bà nhắm
mắt lìa đời. Tội nghiệp, một đời người chẳng bao
nhiêu, phải biết chọn lựa đúng con đường để đi.
Trên đời sống biết bao nhiêu con đường rộng thênh
thang, thế mà có người chỉ chọn những ngõ cụt
đầy tăm tối. Khi thức tĩnh thì đã muộn, không
quay đầu lại kịp. Chị cũng ở trong tường hợp nầy.
Càng lớn tuổi chị lại càng bị nỗi đau đó dày vò.
Dallas
- 15 Tháng 10 Năm 2007