Buổi chiều trong khung cửa

- Quách Y Lành -

Cơn gió mạnh thổi đến, cuốn lá bay khắp nơi. Thời tiết đang thay đổi, như bước qua một cuộc tình mới. Dưới đất, thảm cỏ cũng thay màu sắc, đẫm ướt những giọt sương còn long lanh trên ngọn.

Bãi đất rộng dành cho những người tập thể dục mỗi buổi sáng kế cạnh khu nhà. Sáng nay, dường như thiếu hẳn những người đi bộ đều đặn thường ngày, khiến bãi tập vắng vẻ hẳn. Lãng đãng đâu đó vài ba khuôn mặt lặng lẽ với bước chân vội, thờ ơ.

Tiếng chuông nhà thờ Đức Bà bên kia con đường nhỏ, nằm khuất sau hàng thông cao vi vút vang lên, báo hiệu giờ đọc kinh buổi sáng.

Hơn hai tháng nay, đêm đêm chứng trăn trở kéo tới đùa ập vào giấc ngủ của tôi, không đêm nào thẳng giấc. Thao thức mãi, chỉ chờ mong đến sáng vội vàng trở dậy ra bãi tập vài cử động mong tìm chút giải khuây, hòng quên lãng chuyện lo âu trong lòng.

Ngồi xuống chiếc ghế góc đường, lặng lẽ nhìn chiếc lá thu cuối cùng trên cành sà xuống nằm im lìm chồng lên đám lá vàng úa lẫn lộn những cọng cỏ khô. Đầu óc tôi bỗng ngơ ngác, khắc khoải những ý nghĩ dồn dập tìm tới. Cảm giác hụt hẩng, tâm trạng tôi hiện nay như rơi xuống vũng buồn đầy xót xa. Tôi khe khẻ thở dài.

Đầu óc tôi suy nghĩ những điều muốn nói với con, tôi bỗng thấy lo sợ nghĩ đến nét mặt của Diệu, không biết nó sẽ phản ứng ra sao. Suốt tháng qua, ý định muốn tỏ bày với con điều tôi muốn nói, nhưng quá khó khăn, không biết nói sao, diễn tả cách nào cho Diệu, đứa con gái độc nhất hiểu được nỗi lòng của tôi. Có lẽ đây cũng chính nguyên nhân để chứng mất ngủ hoành hành. Lắm lúc tôi sống mâu thuẫn chính cả tôi. Nửa muốn xây dựng lại cuộc sống mới, nửa kia muốn ở như vậy với con gái cho đến già như có lần tôi đã hứa với con. Nếu ở vậy nuôi con, có lẽ không có gì để nói, trong thời gian tôi và Quán xa nhau cũng đã hơn sáu năm nay. Quán hiện nay vui vầy với hạnh phúc mới. Cái hạnh phúc dành riêng cho Quán tôi phải trả với một giá rất đắc. Ngày cầm cây viết trong tay ký tên trên tờ giấy đồng ý để Quán sống riêng biệt với người tình mới đã khiến cho tôi khờ dại suốt mấy năm trời. Nhưng thời gian gần đây đã giúp tôi hàn gắn những vết thương đầy đớn đau trong lòng. Rồi cũng phải biết khuây khỏa chấp nhận để sống, phải quên đi mọi chuyện để lo cho tương lai Diệu.

Quán thỉnh thoảng về thăm con, tình nghĩa giữa hai chúng tôi thì đã vĩnh viễn lìa xa. Nhưng không hiểu vì sao, mỗi lần gặp mặt Quán, tôi mất cả tự nhiên, trở nên vụng về trong từng câu nói, cử chỉ. Đến khi Quán về rồi, tôi ngắm lại mình trong gương, tự trách mình tệ dại. Thời gian sau nầy, tôi cũng đã vơi hẳn không nghĩ đến Quán như mấy năm đầu tiên. Không còn ai bên cạnh, tôi đem chuyện buồn, gia đình phân ly nói với sơ Phương, sơ cầm tay tôi, như tình thương của bà mẹ an ủi...“Tình nghĩa có lẽ đến đó đã hết” buồn làm gì. Hãy dành dồn tình thương vào cho con gái. Sơ khuyên tôi nên cầu nguyện với Đức mẹ, bà sẽ giúp tôi thêm can đảm vượt qua mọi buồn phiền, thử thách. Nên hướng đến tương lai, bên Hà còn có Diệu nữa. Nó cũng là niềm an ủi lớn cho Hà. Không hiểu vì lời an ủi của sơ hay ngày tháng không quên cầu nguyện với Đức mẹ, tình đã theo thời gian mờ phai, đời đã vực tôi đứng dậy đã nguôi ngoai gần như lấy lại thăng bằng trong cuộc đời. Tuy nhiên, đầu óc vẫn còn lãng đãng đâu đó, chưa lành lặn hẳn.

Tưởng rằng trong cuộc đời cô quạnh như thế là xong một kiếp người, tôi sẽ không còn những rung động, xao xuyến với người, tôi luôn hứa với con sẽ ở như thế cho đến ngày nhắm mắt.

Cuộc sống buồn tẻ bao vây. Tôi không còn chưng diện như trước. Ngày hai buổi đi làm, về nhà nấu nướng. Đôi lúc chỉ một mình, bữa cơm chán ngắt. Diệu ở lại học trong thư viện, đến tối mới gặp con vài ba chục phút, rồi lại phải đi ngủ, sẵn sàng cho ngày sắp đến. Đời sống buồn tanh, vô vị lạ.                                             

 . . .

Bốn năm sau ngày ly dị.

Gặp Trân như một sự tình cờ. Như con chim bị đạn nên giờ đây tôi không dám nghĩ ngợi nhiều. Tôi nhớ ngày xưa Quán thường nói, “yêu và rung động chỉ một lần thôi” không bao giờ có đến lần thứ hai. Quán đã lầm, và chính tôi cũng lầm. Nhưng người thay đổi tư duy, lại là Quán, người đã làm cuộc cách mạng trong gia đình. Thay đổi tư duy cho Quán và thay đổi tư duy ngay cả tôi.

Nói không yêu, không rung động khi đối diện hay những lúc gặp nhau, chính tôi đã tự dối lòng, nhưng tôi tự dằn lòng mình, sợ một ngày nào đó Trân cũng sẽ nói ra những điều chàng muốn nói.

Quen nhau thời gian ngắn, Trân nhận xét tôi:

- Hà có bao giờ nghe chính tim mình nói không?

Tôi không hiểu Trân muốn nói gì, bèn hỏi lại:

- Là sao?

Trân nhìn vào mắt tôi:

- Từ ngày quen nhau cũng gần nửa năm rồi, anh thấy Hà khép kín nỗi lòng Hà hơi nhiều. Chưa hề một lần bàn tính chuyện tương lai hai đứa.

Tôi giật mình, nhưng vội gật đầu:

- Có lẽ anh đúng. Đôi lúc nghe sờ sợ. Không biết rồi cuộc tình sẽ ra sao. Có như ...

Trân với giọng hờn giận:

- Quán khác, anh khác chứ! Sao lại giống nhau được.

Đã nhiều lần Diệu hỏi đi hỏi lại, nó sợ tôi thay đổi lập trường. Đã hứa với con, nên tôi lo ngại không biết đến lúc đó tôi phải nói gì cho con hiểu được nỗi lòng người mẹ.

Đời sống đã khác hẳn kể từ ngày quen Trân. Tôi tìm lại bước chân vững vàng, tự tin hơn ngỡ đã mất lạc từ lâu.

Trân thân mật, dịu dàng. Tình Trân đối với tôi thật tha thiết. Quen nhau khá lâu, nhưng tôi ngại đưa Trân về nhà, sợ con buồn. Tôi cố tình giấu bặt chuyện tình của tôi và Trân.

Nhưng không thể giấu được lâu dài, tôi tìm thấy nơi Trân có nhiều điểm dễ mến và tình yêu thương của Trân dành cho tôi đã đến lúc không còn che giấu Diệu. Tôi cũng đã nói sơ qua về Trân. Con gái tôi có vẻ như dửng dưng không tỏ ra đồng ý hoặc phản đối, tuy nhiên tôi đọc được trong đôi mắt của con bờ sâu thăm thẳm buồn.

Dạo nầy, Diệu dành thì giờ học ở thư viện nhiều hơn ở nhà. Tôi biết Diệu có tránh gặp mặt Trân. Biết tính con, tôi chưa dám để Trân đến nhà thường xuyên như lòng Trân muốn. Tôi cũng có nói những nỗi khó khăn của tôi hiện nay, Trân gật đầu thông cảm, anh muốn tôi yên lòng:

- Hãy để cho con thời gian, nó sẽ thông cảm thôi.

. . .

Không hiểu lý do gì, sáng nay vừa bước chân trở vào nhà sau giờ tập thể dục. Nghe tiếng Diệu la hét trong phòng ngủ. Tôi chạy vội vào phòng con. Đồ đạc trong phòng vất tứ tung, bừa bãi trên thảm. Nhìn thấy tôi, chưa kịp hỏi, nó đã hét vào mặt:

- Mẹ đi ra ngay, con đang tìm kiếm đồ vật của con.

Đã không chịu bước ra khỏi phòng như lời con vừa nói, tôi nhẹ nhàng nhón gót bước từng bước một vào hẳn trong phòng, nhìn con:

- Có mất gì, để mẹ giúp con tìm kiếm, tại sao con la hét như vậy.

- Mẹ sẽ không biết con đang tìm gì. Cứ để mặc con.

Không biết rõ ý của con, nhưng tôi vẫn cứ ngồi phệch xuống đống đồ ngổn ngang, tay lục lạo.

Nó phụng phịu, khó chịu:

- Con đã bảo mẹ không biết con đang tìm vật gì, sao mẹ lại lục lạo không chịụ ngừng tay.

Tôi nhìn thẳng vào mắt con gái:

- Mẹ thật tình không biết con tìm gì, nhưng mẹ sẽ không ra khỏi phòng khi con không cho mẹ hay. Nhà chỉ có hai mẹ con, đâu còn ai nữa. Mẹ nghĩ con để lạc đâu đó thôi. Hãy cho mẹ biết, để mẹ có thể giúp con chứ.

Nó đã dịu giọng xuống đôi chút, nhưng khi nhìn vào mặt con, nước mắt lóng lánh trên mắt. Chưa kịp vội ôm con, nó đã rời căn phòng, ngoay ngoảy bỏ đi. Vẻ mặt khác thường của con, khiến lòng tôi tê dại. Tôi muốn chạy lại ôm con trong tay mình, nhưng con bé  bỗng dừng lại, nhìn tôi đăm đăm, nặng nề.

- Mẹ hãy để mặc con lo liệu. Chứ nữa mai đây không có mẹ, không có bố, con biết nhờ cậy vào ai. Bố cũng đã bỏ con, nay đến lượt mẹ. Con nhớ trước đây, bao bận con hỏi mẹ. Mẹ bảo sẽ ở như vậy với con, nay mẹ lại có ý định sống với người khác. Nếu không tự con tìm kiếm, ai có thể giúp con sau nầy. Vả lại con cũng đã lớn khôn. Năm đến con vào đại học, ở xa nhà, mẹ khỏi phải bận tâm lo cho con. Bố cũng khỏi bận tâm, mọi việc con có thể tự thu xếp được, không cần nhờ vả đến mẹ hoặc bố.

Nghe con nói, lòng tôi tê dại, tôi vội bước lại gần con không thể không khóc:

- Diệu, hãy nghe mẹ nói đây. Mẹ không hề có ý định bỏ con. Tất cả những gì mẹ làm bây giờ đều dành cho con. Nếu con không muốn mẹ bước thêm bước nữa, mẹ sẽ ở như vậy bên con. Đã từ lâu, qua bao đêm suy nghĩ, lắm lúc muốn hỏi ý con về chuyện mẹ và chú Trân, nhưng mẹ rất ngại ngùng không biết phải mở lời sao cho con hiểu, không biết con có đồng ý hay không. Đến nay mẹ đã hiểu rõ được con, mẹ sẽ trả lời chú Trân. Con cũng đã khôn lớn, mẹ mong rằng bất cứ điều gì mẹ làm khiến con không bằng lòng hạy nói rõ cho mẹ hay, chứ con cứ mãi im lặng, khó hiểu chỉ làm cho mẹ con mình xa cách. Mẹ chỉ có mỗi mình con mà thôi, có còn ai để bày tỏ nỗi lòng của mẹ hơn.

Không nhìn lại mẹ, Diệu phụng phịu khóc mặt quay đi. Nhìn chiếc túi sách vở trên vai con, không ngăn được nỗi nặng nề đang đè nặng trong lòng tôi, cất tiếng thở dài nghĩ đến Trân.

Một tuần không gặp mặt Trân, lòng tôi khắc khoải bồn chồn, dĩ nhiên không làm sao khỏi nhớ nhung. Tôi cũng chưa nói rõ ý định xa Trân, nhưng tôi cố dặn lòng, thà mất Trân còn hơn mất đứa con gái trong cuộc đời. Biết rằng xa Trân, tôi cũng đau khổ không kém, nhưng nghĩ đến vẻ mặt phụng phịu và dòng nước mắt của con, tôi không tài nào chịu được. Tôi không muốn con có ý nghĩ bị hất hủi, và bỏ quên. Nó đã một lần mất bố, không lẽ tôi lại đành đoạn xa con. Nhưng không gặp mặt Trân, tôi đứng ngồi không yên, nhớ nhung chua xót lạ. Cũng may tuần lễ qua Trân bận việc phải đi xa, Trân không biết những gì đã xảy ra. Tôi đang chờ Trân về, tôi không đủ can đảm để nói những điều cần muốn nói trên điện thoại. Chưa nói xa Trân, nhưng sao trong lòng tôi đã thổn thức, nhớ Trân lạ. Nhưng nghĩ đến con, lòng tôi đã quyết định trong sự lựa chọn.

  . . .

Nhật Ký của Diệu

Buổi chiều trong căn phòng một mình.

... Mấy hôm nay mẹ đi làm về muộn. Nhưng không đi chơi tối thỉnh thoảng như mọi khi. Từ hôm mình giận hờn với mẹ, mình nhìn thấy nơi mẹ vẻ mặt buồn hiện rõ. Nhưng mẹ vẫn cố mỉm cười và nói chuyện trong bữa cơm chiều. Tuy nhiên mình cảm thấy sung sướng trong lòng. Có lẽ mình đã dành lại mẹ từ tay chú T. Cả tuần nay nữa mình cũng không thấy chú T đưa mẹ về nhà như trước đây. Mặc dù mẹ không đề cập chú T nhiều với mình, nhưng nhiều khi đứng trong cửa sổ bắt gặp đôi mắt mẹ nhìn chú, mình cũng đã biết. Nghĩ đến ngày chú T về sống chung bên mẹ, mình đâm ra sợ hãi. Không biết rồi mai đây mẹ có còn thương mình nữa không. Mẹ cũng sẽ như bố, nếu có chú T bên cạnh, mẹ cũng quên mình như bố vậy. Vừa giận mẹ, vừa thương mẹ. Càng nghĩ, mình càng khổ tâm và vào lớp không thể nào quên những hình ảnh đang xâm chiếm trong đầu óc mình mỗi ngày. Cô Jane thật thông minh, nhìn thấy cử chỉ của mình mấy hôm nay trong lớp học, cô đã đoán ra mình đang có chuyện buồn, chiều nay cô đón ngay ngoài cánh cửa sau giờ học, và bắt đầu hỏi han đủ mọi chuyện. Không còn ai ngoài mẹ sau ngày bố bỏ nhà ra chung sống với người đàn bà khác, mình hay mang chuyện buồn nói với cô và cô chú trọng đến chuyện mình kể, cô an ủi mình khá nhiều. Lần này nhất định mình muốn giữ kín chuyện làm mẹ buồn. Nhưng cô Jane cứ mãi bắt chuyện, không tài nào mình giấu được nỗi cô. Dù sao, mình cũng đã tâm sự với cô rất nhiều. Sau vài phút suy nghĩ, mình đem câu chuyện giận dỗi mẹ tuần rồi nói với cô. Cô yên lặng cho đến một lúc sau, cô mới cầm tay mình khuyên nhủ:

- Cô hiểu được nỗi lòng của Diệu, và cô còn hiểu nhiều hơn nữa kìa, bởi vì cô cũng đã từng trải qua cơn sóng gió trong gia đình. Cha cô cũng từng bỏ mẹ cô như thế. Tâm trạng của cô chẳng khác gì Diệu. Cô cũng đã từng khóc lóc, đã từng nghĩ đến làm những việc dại dột nhất trong đời mà không suy nghĩ chín chắn. Lúc đó cô cũng còn quá nhỏ, vì không còn cha mình bên cạnh, nên bao nhiêu giận hờn, tủi thân phận cô đều đổ lên đầu mẹ, mặc dù bà chẳng làm điều gì sai quấy, nhưng cô không còn cách nào hơn. Cô quá nhỏ để thông cảm và hiểu được lòng mẹ. Bà nuốt hận nuôi con mà cô không hay còn trách móc giận hờn. Mẹ cô đã hy sinh suốt cuộc đời để cho cô hài lòng. Cô vẫn không hiểu mẹ, cho mãi đến lúc lên đại học, xa nhà lúc đó cô mới vỡ lẽ thì quá muộn. Mỗi lần về thăm mẹ, thấy bà lủi thủi một mình, cô hối hận. Tại sao cô quá khắc khe với một người mẹ đã vì cô hy sinh tất cả như thế, cả một đời thanh xuân của mẹ, bà đã bất bỏ đi để lo cho con. Đến khi hiểu ra, thông cảm với mẹ, bà đã qua đi lứa tuổi yêu đương, đành sống âm thầm như thế. Cho mãi khi cô ra trường, lập gia đình, mẹ cô vẫn một mình một bóng, thật tội nghiệp cho bà.  Cô nghĩ, chỉ có người mẹ mới hết lòng hy sinh cho con mà thôi. Bây giờ mẹ cô đã mất gần mười năm nay, nhưng cô vẫn không thể nào quên được ngày của mẹ. Cho dù mẹ cô đã mất đi, nhưng đến ngày dành riêng cho mẹ, cô có bận rộn chăng nữa, cũng phải ra mộ bà cắm đóa hoa hồng lên mộ để được ăn năn, xin hối cải những việc làm của mình ngày nhỏ dại, bắt mẹ phải sống cuộc đời âm thầm lặng lẽ như thế Đôi khi cô ao ước phải chi mẹ còn sống...

Mình nghe cô kể chuyện của cô, sao nước mắt mình chảy đầm đìa trên mặt. Trường hợp của cô sao giông giống hoàn cảnh của mình thế. Từ ngày bố bỏ mẹ và mình, cảm giác mất mát, hụt hẩng cứ xâm chiếm mãi trong lòng. Mình tuyệt vọng, đâm sợ tất cả mọi điều trên cuộc đời này, mất đi niềm hy vọng của tuổi thơ. Nay bên cạnh mình chỉ còn mỗi mình mẹ...

. . . 

Về đến nhà, gắng gượng lắm mới không bật khóc. Bầu trời của chiều mùa đông âm u, khiến lòng tôi tê tái hơn. Tôi giấu vẻ mặt mình khi bước chân vào nhà. Trong căn phòng Diệu, đèn đã bật sáng, tôi lẳng lặng đi thẳng vào phòng. Trưa nay như thường lệ, Trân lại đón tôi đi ăn trưa. Trân hỏi tuần rồi sao mỗi lần anh gọi về không nghe tôi trả lời. Tôi dối Trân bận rộn lo cho Diệu ngày sắp ra trường. Nghe tôi nói, Trân nhìn tôi có vẻ như dò xét trên khuôn mặt của tôi. Không quen nói dối, khi Trân nhìn chăm chú, tôi không khỏi ngượng ngùng, bối rối. Dường như Trân biết được điều này, anh hỏi lại:

- Em bận gì đến nỗi không trả lời điện thoại.

Không ngăn được những nỗi phiền muộn trong lòng, tôi nói thành thật nói những gì cần nói với Trân. Tiếng thở dài thườn thượt của anh khiến lòng tôi đau xé. Trân hỏi tôi đã quyết định hẳn chưa. Không biết phải nói gì hơn, tôi chỉ biết nhờ giòng nước mắt trả lời anh.

Trân đưa tôi về lại văn phòng, lòng anh chứa chất ngổn ngang. Đứng nhìn dáng Trân khuất hẳn góc đường, tôi thẩn thờ. Đầu óc tôi trống không.

Tiếng mở cửa khá lâu, nhưng Diệu không nghe tiếng mẹ hỏi vọng vào như mọi hôm, Diệu đi thẳng vào phòng của mẹ. Trong căn phòng ánh sáng trắng xóa của ngọn đèn bên ngoài dọi vào tranh tối tranh sáng, mẹ im lặng ngồi bên cánh cửa sổ, thỉnh thoảng đôi vai mẹ rung lên. Dường như không nghe bước chân của con. Diệu nghĩ mẹ đang giấu mặt khóc thầm. Nhớ lại lời cô Jane, Diệu bỗng cảm thấy quá ân hận hờn giận mẹ mấy ngày qua. Chỉ còn vài tháng nữa Diệu vào đại học, hàng ngày vùi đầu vào sách vở, thì giờ ít ỏi bên mẹ, lúc đó mẹ sẽ một mình lủi thủi trong căn nhà. Chẳng lẽ để mẹ sống như mẹ của cô giáo hay sao. Diệu muốn vào ôm mẹ, nhưng một ý nghĩ bỗng nãy ra trong đầu. Diệu sung sướng nhanh nhẹn mở hộc tủ trong phòng khách. Lục lạo mãi trong cuốn sổ nhỏ của mẹ, Diệu mới tìm được số điện thoại của chú Trân.

Nghe tiếng reo trong điện thoại, bên kia giọng Trân dịu dàng, đầm ấm:

- Hà hả, anh nghe đây.

Diệu ấp úng mãi mới bật nói được một câu:

- ...Dạ không ... cháu đây.

- Ồ! Cho chú xin lỗi nghe Diệu. Nhìn số điện thoại, chú cứ ngỡ mẹ gọi.

Không chờ cho chú Trân hỏi thêm lấy nửa lời, Diệu nói thật nhanh trong máy:

- Chú Trân lại nhà cháu ngay. Mẹ đang cần có chú!

Lòng đầy những ngạc nhiên, nhưng không thể chần chờ, Trân nói vội:

- Chú sẽ đến ngay...

Gác máy đã lâu, nhưng Diệu vẫn còn đứng yên lặng nhìn ra ngoài bầu trời. Mặc dầu thời tiết đang vào đông, nhưng Diệu cảm thấy trong căn phòng không khí ấm áp vây quanh. Có tiếng chân bước rào rạo trên sân lót sỏi. Biết chú Trân đã đến, Diệu rời khung cửa nhỏ trở về phòng, nghĩ tới khuôn mặt mẹ rạng rỡ bên cạnh chú Trân, Diệu thấy lòng mình ấm lại, mỉm cười lấy một mình. Một thoáng suy nghĩ, Diệu nhủ thầm ít nhất trong cuộc đời, Diệu đã không vướng phải những lỗi lầm, nỗi ân hận dằn vặt níu kéo trong tâm trí...

Đâu đó, vẳng theo trong cơn gió tiếng chuông nhà thờ đổ vang trong buổi chiều muộn màng vừa trờ tới...