Nụ Hoa Tường Vi

Quách Y Lành

(cựu học sinh PTGDN, hiện là chủ bút báo Dân Quyền tại Oklahoha)

---------------ooooo----------------

Ra trường với mảnh bằng trong tay ”Quản Trị Thực Phẩm”. Đã hai tháng nay Thủy đã vượt biết bao con đường trong thành phố để xin việc làm, đi đến đâu họ cũng trả lời, được rồi cô cứ về nếu có việc mở trong hãng, tôi sẽ gọi cô. Câu trả lời dường như Thủy đã nghe không biết bao nhiêu lần rồi, nghe riết Thủy đâm ra chán ngán nghĩ đến đi xin việc làm. Ông Tú, cha của Thủy phàn nàn luôn miệng:

- Học cho lắm vào thân, tốn biết bao tiền bạc chẳng xin được một việc nào để giúp gia đình.

Câu nói của cha ám ảnh trong lòng Thủy không rời. Cứ mỗi lần nhớ đến, Thủy lại cặm cụi đi xin việc.

Tháng trước nghe cô bạn bảo xuống Long Thành làm đơn, Thủy đã kiếm được công việc mặc dù lương tiền không cao chi cho lắm so với văn bằng nàng đã có, tuy nhiên Thủy vẫn chấp nhận. Công việc tương đối hợp với khả năng của Thủy, nhưng lại vướng phải chuyện khá nan giải. Vì là nhân viên mới của hãng, nên phải làm ca đêm, đến ba giờ sáng mới trở về nhà. Quá xa Sài Gòn, thêm nữa con đường từ Long Thành về nhà không được yên cho lắm nên Thủy phải đành ở nhờ người bạn dưới Long Thành. Căn phòng chật trội, tuy nhiên cô bạn làm khác giờ nên cũng đỡ hơn. Cái khó cho nàng, ông chánh văn phòng thỉnh thoảng trờ đến nhà trọ Thủy mặc dầu biết giờ giấc của nàng cần ngủ để đi làm, nhưng ông vẫn đến. Lúc thì nhờ pha bình trà, lúc khác nhờ vài chuyện không cần thiết, ngồi trò chuyện bâng quơ không đâu vào đâu. Ông đã có gia đình, tuy nhiên vẫn ngấm nghé kiếm người tình như những người bạn trong hãng cho Thủy hay. Dù biết ý ông ta như thế, Thủy đã đề phòng khi ông xách mặt đến nhà Thủy ở trọ, rồi một hôm ông đến ngồi uống vài ba ly trà xong, ông giở trò mời mọc Thủy đi ăn cơm chiều với ông. Dĩ nhiên, Thủy từ chối, không muốn bà vợ ông ta nghĩ lầm về nàng. Và Thủy cũng biết chuyện gì sẽ xảy ra sau lần từ chối đó. Nghỉ việc, về nhà mang nỗi buồn lẫn bực tức trong lòng.

Giấc ngủ nửa chiều của Thủy bị đánh thức bởi tiếng chào to tiếng của chú Huy. Chú hồi nào đến giờ cũng thế, cứ bước chân vào nhà la toáng lên, nhưng Thủyï rất thương chú. Chú nhỏ nhất trong gia đình của bà nội, rất gần gủi với anh em, đi đâu về chú cũng ghé lại nhà thăm ba mẹ.

Tiếng chú bên ngoài phòng khách hỏi mẹ:

- Thủy có xin được công việc nào chưa chị?

Không nghe mẹ trả lời, nhưng sau đó chú cất cao giọng:

- Ôi thời buổi này ra trường chắc chi xin được công việc làm như mảnh bằng, thôi cứ xin đại việc gì kiếm tiền sau đó hãy tìm công việc như ý muốn. Tội nghiệp con nhỏ, học giỏi nhất lớp, nhưng khi ra trường thấy chẳng may mắn chút nào.

Chú ngưng lại, rồi hỏi mẹ

- Cháu Thủy có nhà không chị?

Nghe chú hỏi, Thủy ngồi bật dậy lấy sợi thun cột lại mái tóc lên cao, bước ra ngoài chào chú.

Vừa nhìn thấy Thủy, chú cười dễ dãi:

- May có cháu ở nhà, chú có chút chuyện muốn nói với cô cháu của chú đây.

Thủy nhìn chú cười theo

- Có chuyện chi quan trọng không chú?

- Quan trọng, nhưng cũng không quan trọng.

Mẹ nhìn chú cười

- Chú nó lúc nào cũng đùa được, hèn chi chị thấy chú càng ngày càng trẻ ra. Chú cháu bây coi bộ giống nhau như hệt.

Chú lại cười

- Trên cuộc đời ngắn ngủi này không đùa giỡn uổng mất chị ơi! Chỉ có anh Tú mình suốt ngày ưa quạo co, già đến nơi rồi vẫn còn khó.

Nói xong chú nhìn về phía ba, nháy mắt cười với Thủy.

Thủy nhìn chú nôn nóng

- Lúc nãy chú nói tìm cháu có chuyện gì rứa chú?

- Ờ mãi giỡn quên mất. Chú có người bạn ngoài Huế muốn tìm một người dạy thêm đàn cho thằng nhỏ. Nói thằng nhỏ chứ nó cũng xấp xỉ gần bằng tuổi cháu, nhưng con một nên cưng như cưng trứng, chú chơi với gia đình này khá lâu, cứ nghe họ kêu thằng nhỏ, chú cũng quen miệng gọi như thế. Nhưng này, nếu cháu muốn có chút đỉnh tiền bỏ túi trong lúc này, nhận đại làm ít lúc, nay mai tìm được công việc như ý muốn nghỉ cũng không sao.

Mẹ nghe nói ngoài Huế, bà nói như la làng:

- Ở mãi ngoài Huế răng chú. Xa quá!

Chú đưa hai tay lên trời

- Huế của mình, bộ chị không nhớ răng.

Me chống đỡ câu nói của chú Huy

- Ý chị nói ngại cho cháu đi xa, ra ngoài Huế một thân một mình không có ai bên cạnh.

- Bộ chị nghĩ mình không còn bà con dòng họ chi ở Huế hay răng. Cháu còn bà con ở ngoài đó chứ chị. Con Thùy không lo cho nó, nọc hắn ra đánh cho một trận.

Thời buổi ni, chứ đâu phải như trước đây, mỗi ngày đều có chuyến bay từ Sài Gòn về Huế đều đặn, chỉ sợ mình không đủ sức đi, chứ đường sá đâu còn khó khăn chi nữa chị sợ. Người mình có cái lạ, hễ cứ nghe Sài Gòn về Huế làm như xuất ngoại không bằng. Nhưng em nói cháu nhận công việc dạy kèm này chỉ công việc tạm thời thôi, chứ nay mai có công sở nào kêu, nghỉ cũng không muộn. Vã lại hơn nữa họ trả lương khá, gấp đôi số tiền đi làm ở ngoài. Em thấy họ nói như rứa mới hỏi Thủy làm, em coi cặp vợ chồng này như người thân trong gia đình. Họ có phòng riêng cho cháu. Nhà rộng rãi lắm chứ không phải như trong này đâu.

- Ở nhà người ta, chị thấy khó lòng quá chú. Cháu chưa một ngày xa nhà.

- Nữa, chị đừng lo mấy cái chuyện viễn vong đó, cứ để cháu nó ra đời dạn dĩ cho quen. Gia đình thằng bạn em không có ai ngoài thằng con trai của tụi nó, và chị người giúp việc trong nhà. Hai vợ chồng có cửa tiệm đến chiều tối mới về. Em nghĩ không có gì trở ngại cho cháu cả.

Chú nói xong quay qua Thủy với ánh mắt dò hỏi. Mẹ cũng nhìn Thủy. Không suy nghĩ, Thủy gật đầu.

- Cháu nghĩ thử sức mình một lần xem sao. Vã lại chỉ dạy đàn, cháu nghĩ không mấy khó.

Chú Huy gật đầu.

- Khi nghe họ đề nghị, với đồng lương khá chú bảo họ chú có người cháu mới ra trường nhưng chưa xin được công việc làm, nếu họ muốn. Họ nói nếu được cháu nhận lời, còn gì vui hơn. Chú hỏi ý kiến cháu, nhưng cháu phải tự quyết định cho mình, chứ không phải gật đầu suông đâu.

Thủy không ngần ngại, hỏi chú Huy:

- Lúc nào họ muốn cháu bắt đầu?

- Chuyện đó tùy cháu, muốn tuần đến hoặc lúc nào tiện cho cháu. Thằng nhỏ con tụi nó rất dễ thương, tội nghiệp chỉ...

Chú Huy nói chưa dứt câu, mẹ ngắt lời vội:

- Thôi để cho cháu tuần đến hãy đi. Cũng để cho chị gọi cho Thùy hay đã. Lỡ nay mai cháu cần gì để có o nó lo cho cháu. Thực chẳng đả chị mới cho cháu đi, chứ mới ra trường chưa ra đời đi xa chị ngại quá.

Chú Huy lại cười to tiếng hơn.

- Chị lo toàn chuyện viễn vông. Cứ để cho nó ra đời, coi lúc đó nhiều khi tụi nhỏ còn khôn hơn mình nữa, để chị coi. Bà Tú nhìn chồng dọ hỏi chẳng thấy ông nhìn lại, bà thở dài.

- Ừ, thì chú cháu tính chuyện với nhau, chú đã nói như rứa, chị nghĩ cũng phải thôi. Nhưng nếu không thích hợp với công việc ngoài đó con phải vào lại ngay, me chỉ lo cho con xa nhà...

- Chị, đừng lo chuyện tào lao, em nghĩ nên để cháu thử, nếu không muốn nghỉ cũng chẳng sao.

Thủy ôm mẹ, xoa nhẹ lên vai bà:

- Me yên tâm, để cho con thử sức mình nếu không được con vào lại Sài Gòn đâu có muộn. Con ở nhà chẳng làm nên công chuyện, chú đã nói họ trả lương khá, con cũng muốn nhận công việc này. Vả lại ở Huế còn có o Thùy nữa. Có chuyện gì con gọi cho o.

Chú Huy ở lại dùng cơm tối xong, dông thẳng một mạch không thấy trở lại. Tính chú Huy là thế đó, đến và đi chẳng khác gì ngọn gió nồng chợt thoảng qua.

Đêm về khuya, Thủy đứng một mình trên ban-công nhìn xuống con đường trong xóm. Đêm thượng tuần, mặt trăng sáng hơn mọi đêm, ngàn sao nho nhỏ lấp lánh trên không. Thủy chợt thấy mình cô đơn lạ. Không còn bao nhiêu lâu nữa nàng sẽ rời xa căn nhà, rời xa cái xóm đầy tiếng người cười nói đã bao năm ở cùng với họ. Những tiếng động ồn ào chung quanh xóm như đã khắc sâu trong đầu nàng làm sao không buồn.

Có một nỗi buồn hơn nữa, khi Thủy ra đi, Khiết có còn nhớ đến nàng nữa hay không. Ngày mai lên đường, nhưng nàng vẫn chưa cho Khiết biết. Cuộc đời Thủy sợ nhất là nỗi chia ly, nước mắt nào không nhỏ xuống. Vì thế, nghĩ tới điều này nàng không muốn nói cho Khiết, nay mai khi chàng đến đây sẽ biết hết mọi chuyện, chắc hẳn Thủy sẽ không tránh được những sự trách cứ của Khiết, nhưng nói làm gì khi Thủy nghĩ không cần thiết. Chấp nhận đi xa, nàng đã chấp nhận mọi chia ly. Điều này Thủy đã nhìn thấy được khi Khiết nhận công việc làm trên Đà Lạt. Mặc dầu hai người còn viết cho nhau những lá thư, nhưng dường như những lời thăm hỏi cạn dần trong những lá thư sau nầy. Thỉnh thoảng Khiết về Sài Gòn thăm nàng, sau vài lần nắm tay nhau đi trên con đường phố, Thủy không còn thấy cái nhìn đầm ấm trong đôi mắt Khiết như dạo nào hai đứa còn sánh bước nhau trên những con đường đến đại học. Hay những lời nói dịu dàng, đôi lúc trong đôi mắt Khiết có cái nhìn xa xăm nào đó, Thủy không hiểu được. Nhưng thôi, thế nào chăng nữa nàng cũng đi xa...

.....

Huế, cái thành phố vắng lặng tiếng cười đùa. Không giống như Sài Gòn. thành phố lúc nào cũng mang tính chất đầy vui nhộn, mặc dù phải trãi qua bao thăng trầm của đất nước. Sài Gòn vui nhộn, xô bồ bao nhiêu, trái lại thành phố Huế âm thầm bấy nhiêu. Tuy là người Huế, nhưng Thủy theo ba mẹ vào Sài Gòn khá lâu, đời sống nối liền trong một thành phố nhộn nhịp ăn sâu trong người nàng lúc nào không hay. Nay về lại Huế, thêm nỗi nhớ xa nhà khiến nàng cảm thấy buồn lạ.

Bước xuống sân bay, đang còn ngơ ngác nhìn quanh tìm kiếm ông bà Bảo, như lời bà dặn. Sau lưng có tiếng người đàn bà gọi khẻ:

- Cô Thủy, phải không?

Thoáng chút ngạc nhiên, nhưng rồi sự nhớ lại bà Bảo dặn dò sẽ đến phi trường Pëhú Bài đón nàng. Thủy quay người lại. Trước mặt nàng, một người đàn bà khá xinh đẹp, dường như nhỏ tuổi hơn mẹ. Nước da bà trắng hồng, nụ cười chúm chím trên môi. Thủy có nghe chú Huy tả sơ qua hình dáng bà ta. Nụ cười vẫn giữ lại trên môi khi nhìn bà vẫn dán chặt đôi mắt chăm chú Thủy:

- Nếu tôi không lầm, cô Thủy cháu anh Huy có phải không?

Thủy gật đầu, mỉm cười chào bà ta. Bên cạnh ông Bảo đang nhìn nàng. Ông đi lại gần hai người, giọng trong trẻo đầy vui vẻ:

- Vợ tôi thật tài, cả phòng đầy người như vậy, bà vẫn nhận ra cô Thủy. Nói xong ông gật đầu chào nàng, giới thiệu:

- Tôi, Bảo bạn chú cô. Còn cô đã biết, đây Hoa bà xã tôi.

Thủy chỉ biết nhẹ nhàng gật đầu chào lại. Ông ghé tay xách chiếc túi khá to trên tay nàng. Ông cười:

- Vợ chồng tôi rất thân với chú Huy. Để tiện gọi nhau, cô cho tôi và Hoa gọi cô bằng cháu như chú Huy, có được không?

Thủy lúng túng với lần đầu tiên, dạ nhỏ trong miệng, lí nhí nói:

- Dạ, cho cháu xin gọi cô chú như chú Huy vậy.

Sau khi nhận hành lý đâu vào đó, Thủy bước đi bên cạnh ông bà Bảo ra sân đậu xe. Ông Bảo bước nhanh trờ tới chiếc xe Camry Toyota màu cát, mở rộng hai cánh cửa. Chờ cho Thủy ngồi vào hàng ghế xe phiá sau, ông Bảo đóng cánh cửa xong mới ngồi vào nổ máy.

Con đường từ Phú Bài về Huế không xa cho lắm, tuy nhiên thay đổi khá nhiều kể từ ngày Thủy theo gia đình vào Sài Gòn, tính đến nay vào khoảng chín mười năm thì phải. Trước kia, hai bên đường còn đồng ruộng nối tiếp nhau chạy dài một dải đất khá rộng, nay thay vào đó khu thương mại, nhà hàng, đặc biệt bán đặc sản của thành phố Huế. Nơi đây, nội ngoại của nàng đã sống bên nhau, qua nhiều thế hệ và đã biết bao người nằm xuống trên mảnh đất thân yêu nầy.

- Cô có sao không?

Tiếng bà Bảo hỏi nàng nhẹ nhàng.

Thủy ngước nhìn lên sau lưng bà Bảo, cười e lệ:

- Dạ cháu bận nhìn phong cảnh thôi.

- Tôi cứ tưởng cô không quen ngồi xe.

Ông Bảo liếc khéo vợ:

- Em nên nhớ cô Thủy ở Sài Gòn ra, anh nghĩ cô còn văn minh hơn tụi mình nữa đó.

Bà Bảo cười, khoát tay phân bua:

- Ý em không phải như rứa. Em chỉ sợ cô Thủy mệt.

Nhìn cảnh ông Bảo và vợ ông ta, Thủy vui lây. Bà Bảo nhoài người quay lại sau, nhìn Thủy cười. Bỗng dưng bà hỏi:

- Xin lỗi cô Thủy năm nầy bao nhiêu tuổi?

- Dạ, cháu hai mươi hai tuổi rồi cô.

Thủy nghe bà thở dài. Giọng nhẹ nhàng xa vắng:

- Lớn hơn cháu Hy.

 Không nhìn thấy mặt bà Bảo, nhưng Thủy đoán nét mặt bà có chút u buồn. Không khí trở nên im lặng.

Chiếc xe nghiến dòn lên những viên sỏi rồi dừng lại trước mặt nhà cổ kính và rộng như vi-la. Ông Bảo nhanh nhẹn đôi tay mở cửa xe cho bà Bảo và Thủy cùng một lúc.

Thủy không khỏi chớp mắt trước sân nhà của vợ chồng ông Bảo, hoa đủ sắc màu vây bọc chung quanh vườn. Bên kia hàng rào, hai cây sứ màu cánh sen đầy hoa lẫn hoa, ẻo lã trùng xuống ôm trọn cánh cửa sổ. Dưới chân nàng, cây hoa lài tây hoa trắng toát nổi trong đám lá xanh mướt. Thủy không e dè, nàng bước rão thật nhanh nhìn những bồn hoa trước của nhà. Ông bà Bảo nhìn nàng, hai vợ chồng cười tươi.

- Cô Thủy có vẻ hợp với nhà tôi rồi đó. Thấy hoa đi không đành phải không cô Thủy.

Nàng tươi cười quay lại.

- Dạ, lần đầu tiên cháu thấy khu vườn đầy hoa đẹp như vậy. Ngay cả vườn hoa trên Đà Lạt vẫn không thể sánh bằng.

Bà Bảo vui vẻ.

- Quả thật nhà tôi nói không sai. Cô và tôi đều thích hoa. Khổ công nhà tôi chăm sóc cho khu vườn nầy từ ngày mới về đây. Riêng tôi dành nhiều thì giờ ở ngoài vườn hơn trong nhà. Vui hơn nữa, tôi đã gặp được người có ý thích giống tôi. Chỉ có hoa và cây cỏ mới đem lại bình yên cho mình mà thôi.

Thủy chợt lặng người lắng nghe tiếng đàn bên trong, tuy nốt đàn chưa chuẩn nhưng nàng vẫn nghe được tiếng thánh thót của nhịp đàn dương cầm, với từng lời buồn của Trịnh Công Sơn :

... Làm sao em biết đời sống buồn tênh,

Đôi khi ta lắng nghe ta

    Nghe sóng âm u dội vào đời buốt giá,

    Hồn ta như cát phù du bay về.

    Đôi khi trên mái tình ta

    nghe những giọt mưa

    Tình réo tình âm thầm,

    người réo người bên bờ vực sâu…….

 Bà Bảo đang tươi cười, bỗng sựng người buồn bã. Bà đưa tay dắt Thủy đi vào nhà.

Tiếng đàn cũng chợt tắt. Bên chiếc đàn dương cầm, một thanh niên với mái tóc phủ xuống khuôn mặt. Anh vẫn cúi xuống đàn không chịu ngẩn lên khi bà Bảo dẫn nàng bước lại gần chiếc dương cầm. Bà nhìn người thanh niên, cười buồn, giới thiệu với nàng:

- Hy, con trai của chúng tôi, còn đây là cô Thủy như ba mẹ có nói với con trước đây. Ba mẹ đón cô Thủy từ Sài Gòn ra. Về tới cô thấy khu vườn chưa chịu vào nhà cho mãi nghe tiếng đàn của con.

Chàng thanh niên ngẩn mặt lên, khẻ gật đầu chào. Trước mặt nàng, thằng nhỏ như chú Huy nói trước đây, Thủy cứ ngỡ nhỏ lắm chứ không ngờ Hy, cậu thanh niên có lẽ không thua gì tuổi nàng, hoặc có nhỏ chăng nữa cũng chỉ vài tuổi là cùng. Thủy cứ nghĩ nó cùng đâu mười lắm mười sáu gì đó, nhưng khi bà Bảo giới thiệu Hy, nàng có chút khựng lại. Không biết nói gì, Thủy hơi ngượng:

- Tôi cũng rất thích nhạc Trịnh Công Sơn.

Bà Bảo dành lời.

- Hy chỉ thích nhạc ông Trịnh Công Sơn, tập những bài nhạc của ông ta mà thôi. Còn như nhạc của Mozart hoặc Schubert... Hy không để ý tới. Riêng chúng tôi, đồng quan niệm như cháu. Nhạc Việt mình cũng có nhiều bản hay vậy. Lời nhạc đôi lúc còn thanh thoát hơn nữa, vì mình hiểu được lời.

Giọng Hy nhẹ nhàng:

- Tôi đàn không giỏi như chị đã được nghe, nhưng thích những loại nhạc buồn của Trịnh Công Sơn. Đây cũng là lối giải khuây lúc nhàn rỗi thôi. À, chị đi đường có mệt không?

Thủy nhìn Hy cười vui:

- Chẳng có gì mệt, từ Sài Gòn ra đây thời gian chỉ một tiếng hai mươi phút thôi. Đôi lúc chưa kịp uống nước máy bay đã đáp xuống rồi, nhưng về đến đây nhìn khu vườn tôi thích quá, đứng nhìn mãi không thấy ngán.

Hai người mới gặp mặt, nhưng trò chuyện như đã biết nhau từ lâu. Mãi nói với nhau không để ý, cho đến khi nhìn lên Thủy mới hay ông bà Bảo đã ra khỏi phòng từ lúc nào không hay. Và lúc nầy nàng mới nhận ra, Thủy tò mò nhìn xuống đôi chân của chàng thanh niên, Hy đang ngồi trên chiếc xe lăn tay. Vẻ mặt Hy hơi chút bối rối khi bắt gặp đôi mắt Thủy nhìn đôi chân mình. Hy giữ nét mặt khá tự nhiên.

- Chị chưa biết đôi chân của tôi phải không. Me tôi chưa nói cho chị biết chứ gì. Bà cứ sợ đề cập đến khiến tôi buồn. Nhưng không sao, tôi bị thương trong một tai nạn xe hơi đến nay đã hơn ba năm rồi, chứ đâu phải một hai ngày gì cho cam. Nhưng tôi biết tính me tôi, bà buồn khi nhìn đôi chân của tôi. Có lẽ vì thế bà không dám nói với chị trước khi đến đây.

Không biết nói lời gì an ủi Hy, Thủy cười bắt qua chuyện khác.

- Anh đàn nhiều nhạc Trịnh Công Sơn không? Ông ta viết nhiều, bản nào tôi cũng thích cả, mỗi lời của ông ta dường như có mỗi nỗi u buồn khác nhau. Vã lại người Việt mình chỉ hợp với nhạc buồn, nhiều lúc nghe khá não ruột, nhưng vẫn thích. Chỉ tiếc một điều, ông mất đi hơi sớm.

Hy nhìn Thủy cười cười:

- Chị Thủy đi xa Huế lâu chưa? Răng vẫn còn nói giọng Huế nhiều rứa.

Thủy cúi đầu cười theo.

- Không nói giọng Huế, Hy bảo tôi nói giọng gì đây. Thật ra đi vào ở trong Nam khá lâu, nhưng gia đình toàn là người Huế hết. Giả giọng nói không khó, nhưng tôi vẫn thích tiếng Huế của mình. Người ta chọc giọng mắm ruốt, nhưng mắm ruốt cũng có cái ngon của nó vậy. Thôi người nào giữ giọng nấy, phải không Hy. 

Bữa cơm chiều trong căn phòng khá lớn. Bà Bảo gắp hết món nầy qua món khác bỏ lên chén Thủy. Ông Bảo tế nhị nhắc nhở vợ:

- Em nên để cháu tự nhiên đi, Thủy còn ở với chúng mình dài dài. Lỡ cô cần giữ eo thì khổ.

Bà Bảo vui vẻ nhìn Thủy

- Cháu mới đến quá xa lạ. Để mai mốt hãy tính. Dáng Thủy thon gầy đâu cần phải giữ eo làm gì.

Bà Bảo hết gắp bỏ thức ăn lên chén nàng, quay qua bỏ thức ăn lên chén của Hy. Nét mặt rạng rỡ của bà khiến căn phòng thêm ấm cúng. Tiếng cười nói không ngớt.

Những ngày kế tiếp, Thủy không cần chờ cho bà Bảo nói thêm, nàng chỉ rõ từng nốt nhạc trên đàn dương cầm cho Hy tập đàn thêm. Ba tháng, Hy ngày mỗi đàn, tiếng đàn ngọt ngào hơn trước nhiều. Bà Bảo suốt ngày loay hoay với khu vườn, chờ cho ông Bảo về mỗi chiều từ tiệm thực phẩm khá lớn của hai ông bà bên đường Trần Hưng Đạo.

Về đây, Thủy tập cho mình cái thói quen, buổi sáng thức giấc thật sớm, theo bà Bảo ra vườn cắt tỉa những nụ hoa héo cần vứt bỏ, hoặc rão bước quanh khu vườn đầy hoa. Hy đang trong thời gian nghĩ hè, nên thức dậy muộn hơn những người trong gia đình, Tuy nhiên, thức giấc không thấy bà Bảo và Thủy, Hy cũng lăn xe ra vườn tìm hai người.

Bà Bảo có sở thích, cắt những đóa hoa ngoài vườn đem vào cắm trong một chậu sành khá to, đủ tất cả các loại hoa mỗi ngày khiến cho phòng khách của gia đình bà mang vẻ ấm cúng và yêu đời hơn.

Buổi sáng, mới bảy giờ bà Bảo sau nhâm nhi ly cà phê xong, bà đội mũ chụp xuống khuôn mặt trắng trẻo của bà ta, xỏ tay vào đôi găng da mỏng, cầm chiếc giỏ mây và cây kéo chầm chậm bước ra vườn. Ngọn nắng mới sớm đã vàng hoe nhuộm thắm khu vườn.

Thức giấc khá lâu, nhưng Thủy vẫn còn nằm ráng trên giường chưa chịu nhỏm dậy. Tia nắng ban mai dọi qua khung cửa sổ, những vệt nắng chiếu qua bức màn treo trên cánh cửa mở rộng theo gió nhảy nhót qua lại, hình ảnh này khiến Thủy tưởng tượng một cuốn phim do Charlie Chaplin đóng, thật khôi hài với đôi chân xiên xẹo của ông. Nàng nằm nhìn như thế khá lâu. Cho đến khi nghe tiếng gõ nhẹ lên cánh cửa, tưởng bà Bảo, Thủy nhổm dậy nhưng vẫn không nhìn ra ngoài.

- Cháu sẽ ra vườn ngay, cô đợi cháu rữa mặt một chút xíu thôi.

Những tiếng gõ vẫn còn vang lên nhè nhẹ, Thủy thò đầu nhìn ra. Thì ra không phải bà Bảo, mà Hy đang ngồi trên xe lăn tay cầm mấy đóa hoa lài đưa cho nàng. Thủy vội vàng rụt đầu vào, nhìn lại mình. Trời ơi! Tóc tai bù rối không biết Hy có nhìn nàng kỹ không. Thiệt dị, nàng nói thầm trong miệng.

Vừa bước ra thềm, Hy đã ngồi đó tự bao giờ, tay vẫn cầm mấy đóa hoa chờ nàng. Bà Bảo nhìn Thủy, nheo đôi mắt.

- Hy ngỡ cháu đã thức nên gõ cửa gọi ra vườn ngắm hoa.

- Dạ, cháu thức dậy khá lâu, nhưng lười biếng qúa nằm luôn trên giường đó thôi.

- Ừ, sáng chủ nhật dậy làm chi cho sớm. Cô đã quen mắt rồi, cứ sáu giờ sáng phải thức giấc thôi.

Thủy nghe bà nói, mắt nàng nhìn về phía Hy. Hy ngồi yên lặng, vân vê đóa hoa trong tay. Bắt gặp đôi mắt Hy nhìn mình, Thủy bối rối, chút e thẹn dâng lên trong lòng.

- Hái tặng cho Thủy.

 Hy nói trống không kêu nàng bằng chị như trước.

- Sao Hy biết tôi thích hoa lài?

- Dễ hiểu thôi, hơn ba tháng nay mỗi buổi sáng ra vườn, tôi thấy Thủy thường ghé lại chậu cây lài hái mấy đóa.

Cầm mấy đóa hoa trên tay Hy trao, Thủy cười gượng. Cũng may, bà Bảo không nhìn về phía hai người, bà cúi xuống cào đất chung quanh mấy cây hoa. Im lặng khá lâu, Hy chợt nói:

- Nếu tôi muốn đến tiệm sách lựa mua vài cuốn, Thủy có đi được với tôi không?

Không hiểu lý do gì, sáng nay Hy bỗng đổi cách xưng hô như mọi ngày trước đây với Thủy. Dù thắc mắc, nhưng Thủy vẫn cố giữ thái độ tự nhiên:

- Chắc phải nhờ cô chở Hy và tôi đi, chứ không có phương tiện làm sao qua bên phố.

- Chuyện đó để tôi tính. Đàng nào mẹ tôi cũng phải qua phố. Nhưng đến đó, Thủy đẩy xe giúp tôi qua tiệm sách nhé. Tôi muốn tự mình chọn. Nếu ba me tôi đưa đi, tôi ngại lắm.

Thủy gật đầu bằng lòng. Hy nhìn nàng thầm cám ơn. Thủy nhảy xuống trên mấy bậc thềm, ngồi xuống bên cạnh bà Bảo. Không nhìn lên, nhưng bà Bảo vừa cười, giọng bà trong trẻo:

- Sáng nay nắng đẹp quá, ba người mình qua phố dạo một lát, rồi cùng nhau đi ăn trưa luôn thể.

- Hy cũng có ý định như thế, vừa nói cho cháu nghe xong.

Bỗng dưng bà Bảo ngẩn đầu lên nhìn, im lặng trong chốc lát, bà nói:

- Thủy biết không, từ ngày cháu về đây dạy đàn cho Hy, nó vui hơn trước nhiều. Cô chú thấy Hy vui, cô chú cũng vui lây theo con. Chứ trước đây, Hy ít nói lắm, ít khi dạo ngoài vườn như vậy.

- Hy ở nhà một mình đôi lúc thấy buồn, phải chi cô sinh thêm cho có bạn với Hy chắc hẳn vui hơn cô hí!.

- Cô chú có nghĩ đến điều cháu nói, tuy nhiên sau lần Hy bị tai nạn cô chú đâm ra ân hận. Cô muốn bỏ hết thì giờ lo cho Hy. Đôi chân Hy sẽ được phục hồi nếu Hy chịu khó nghe theo lời Bác sĩ, tập đứng lên mỗi ngày. Nhưng điều cần thiết nhất, làm thế nào để giúp Hy lấy lại ý chí và không bị mặc cảm bởi đôi chân. Trừ khi có người nào ....

Bà Bảo bỏ lửng câu nói. Thủy lẳng lặng nghe bà Bảo tâm sự. Bất chợt bà tháo đôi tay ra, cầm lấy tay nàng:

- Cô chú hy vọng cháu ở lại đây lâu hơn. Cháu biết không, từ ngày có cháu về đây, không khí mỗi buổi cơm chiều vui hơn, Hy nói nhiều hơn nữa. Đôi khi nhìn cảnh vui vẻ trong gia đình, cô cảm thấy vừa mừng vừa lo sợ. Lỡ mai đây Thủy tìm được công việc làm rồi bỏ cô chú và Hy ra đi. Cứ mỗi buổi sáng sau khi thức giấc, cô nhìn qua phòng cháu. Thấy cánh cửa đóng kín, cô lại vui mừng, bởi vì căn phòng đó bỏ trống từ lâu không ai dùng, cánh cửa luôn luôn mở rộng, nay có cháu căn phòng cũng bừng lên sức sống.

Thủy lắng nghe lời bà Bảo, nàng cúi đầu mỉm cười nhưng trong lòng rưng rưng cảm động. Nàng nghĩ đến những tình cảm đầm ấm gia đình bà Bảo đã dành cho nàng. Một thoáng lao đao trong người. Và một điều gì không rõ, thầm lặng dâng lên khiến nàng ngất ngây trong niềm vui mới...

Dường như Thủy đã quên mất mối tình của nàng với Khiết. Khá lâu, Thủy chẳng hề nhận thư từ gì. Thôi thế cũng xong. Bây giờ đã quá xa tầm tay, người yêu đành xa. Quen Khiết nhiều năm qua, cứ tưởng nay mai hai đứa có công việc làm đâu đó, sẽ tính tới chuyện hôn nhân. Nhưng sau vài lần Khiết trở về thăm từ Đà Lạt, dường như Khiết suy nghĩ nhiều hơn và đôi mắt mãi nhìn đâu xa vắng. Khiết tỏ ra im lặng mỗi khi hai đứa bên nhau. Có nhiều lần Thủy muốn cất tiếng hỏi Khiết, nhưng cuối cùng nàng đành giữ im lặng. Thủy biết câu trả lời của Khiết sẽ làm cho nàng thêm đau khổ, nên đành chấp nhận sự ra đi như một tạ từ vậy

....... Em đã cho tôi, cho tôi bầu trời     

Em đã cho tôi, quên đi muộn phiền...

Tiếng đàn dương cầm của Hy vẳng ra từ phòng khách. Một luồng gió chợt thổi đến, tóc Thủy bay bay trên không. Bắt gặp nụ cười trong đôi mắt Hy từ bên trong cánh cửa sổ. Thủy thấy mình nhỏ lại, cảm thấy yêu đời lạ. 

Thủy bắt gặp cái nhìn dịu dàng của bà Bảo nhìn nàng như một lời tạ ơn.

Không biết Hy lựa mua sách gì, nhưng không chịu cho Thủy đứng bên cạnh. Hy chỉ nhờ nàng đưa qua tiệm bán sách không xa lắm nơi tiệm bán thực phẩm của ông bà Bảo, rồi dặn nàng về lại tiệm của ông bà Bảo, Hy có thể lăn xe trở về. Bỏ Hy lại nơi tiệm sách Thủy không thấy yên tâm, nhưng vì lời đề nghị của Hy, nàng chỉ gật đầu không nói. Ra đường, cơn nắng dịu dàng dọi thẳng vào mặt. Thủy cúi mặt bước đi.

Suốt một buổi sáng cho mãi tới chiều bốn người mới về đến nhà. Ông Bảo hơi mệt, xin lỗi mọi người lên phòng nằm một lát. Riêng bà Bảo vội vàng xuống bếp coi lại thức ăn tối cho cả nhà. Trong phòng khách chỉ còn lại Thủy và Hy. Một thoáng trong im lặng, Hy nhờ Thủy tháo hộ túi xách mua lúc sáng. Hy lựa cuốn sách được gói lại trao cho Thủy:

- Lựa mãi mới tìm được quyển sách như ý. Tôi muốn tặng Thủy. 

Cầm quyển sách trên tay, Thủy cười:

- Cám ơn Hy. Tôi mở ra được chứ?

Hy cười:

- Dĩ nhiên là được, bởi tôi mua tặng Thủy.

Đôi tay run run, tự dưng Thủy cảm thấy bối rối bắt gặp cái nhìn của Hy.

Quyển sách lộ ra sau tấm giấy được gỡ nhẹ trong đôi tay của Thủy. “Đóa Tường Vi”. Thủy dở ra trang đầu, hàng chữ dọc và đều đặn của Hy đề tặng nàng ...Không biết mơ hay thực “Chợt thấy đóa hoa Tường Vi”.

Cầm quyển sách trên tay chưa biết nói lời gì, Hy lăn xe đến bên cạnh, mắt đăm đăm nhìn nàng. Bỗng có tiếng gọi của bà Bảo giúp Thủy thoát cảnh bối rối và khuôn mặt nóng rát của nàng.

- Cháu có người nào muốn gặp. Dường như bạn cháu thì phải!

Thủy dạ nhỏ. Nàng không khỏi ngạc nhiên. Lần đầu tiên ở với ông bà Bảo, lại có khách muốn gặp. Hy nhìn Thủy dò xét.

Vừa bước chân ra đến cửa, Thủy bắt gặp Khiết đứng hút thuốc yên lặng nhìn khu vườn. Nàng không ngờ Khiết lại về Huế. Nghe tiếng động, Khiết quay lại:

- Thủy ngạc nhiên lắm phải không? Anh về Sài Gòn hỏi bác mới biết Thủy ra Huế đã hơn sáu tháng nay. Có bận gì không, cho anh nói chút chuyện.

Định từ chối, nhưng cuối cùng Thủy đành nói:

- Anh chờ để Thủy vào nói với cô chú đừng chờ cơm chiều.

Trở vào trong, bà Bảo ngồi trên ghế nhìn ra sân tự bao giờ, dường như hiểu được ý nàng, bà gật đầu:

- Cháu cứ tự nhiên, nếu cần cô mời dùng cơm cùng gia đình, được không cháu?

Thủy lắc đầu:

- Dạ thôi, cháu chỉ nói chuyện chút thôi. Cháu xin lỗi cô chú.

Bà Bảo cười dễ dãi:

- Ừ, thôi ra kẻo bạn cháu chờ.

Bây giờ Thủy mới nhìn rõ khuôn mặt Khiết. Có phần khỏe mạnh và trắng hơn trước. Tiếng Khiết nói đều đặn bên tai. Hỏi Thủy muốn ra quán cà phê bên kia cầu Trường Tiền nói chuyện không. Nàng từ chối, viện cớ chiều đã tắt. Khiết nói, nói nhiều hơn bao giờ cả. Tất nhiên hoàn toàn những lời xin lỗi. Ngồi bên nhau khá lâu, cho đến khi Khiết tha thiết bảo Thủy về lại Sài Gòn. Thủy mới lên tiếng:

- Về Sài Gòn làm gì. Khiết không làm trên Đà Lạt nữa sao?

- Anh đã xin đổi về Sài Gòn. Khi trở về mới cảm thấy nhớ Thủy.

À! Thì vậy. Chứ nếu Khiết còn ở mãi trên Đà Lạt, có lẽ không nhớ đến ai nữa. Nghĩ thầm trong lòng, nhưng Thủy vẫn ngồi im lặng không nói ra. Sài Gòn cũng như Khiết đã dạy cho nàng bài học đáng nhớ. Khiết có thể quên đi kỷ niệm của hai đứa ngày còn chung trường, chung lớp, nhưng với riêng nàng, không thể quên được dễ dàng. Làm sao Thủy quên được lời nói tha thiết của Khiết:

- Chờ lúc nào hai đứa ra trường, mình chọn ngày cho hạnh phúc tụi mình. Làm sao quên được những buổi họp mặt bạn bè cuối năm học, họ hỏi hai đứa đã sẵn sàng chưa. Khiết là người nhanh nhẹn trả lời:

- Chỉ chờ thêm một thời gian ngắn nữa thôi. Lúc đó hẳn bạn bè sẽ có một đêm say ngất say ngư luôn.

Nhưng chỉ một thời gian ngắn thôi, Khiết bỏ quên bao lời hứa hẹn, bỏ quên đi bao kỷ niệm. Dưới ngọn đèn, Thủy nhìn thấy rõ khuôn mặt Khiết như một khuôn mặt của người diễn viên, buồn buồn lẫn một chút gì không thật trong vẻ mặt ấy. Ngồi bên cạnh Khiết, nàng cảm thấy điều gì lạnh lẽo, nhạt nhẽo lạ. Khiết nhìn Thủy, hỏi sao nàng quá im lặng. Thủy nghĩ thầm trong lòng, còn gì để nói với nhau nữa đâu. Nàng im lặng rất lâu, cho mãi đến khi Khiết đứng lên và cho Thủy hay, sớm ngày mai Khiết đáp chuyến bay trở về Sài Gòn. Nàng gật đầu không nói thêm lời nào, chúc Khiết về bình an. Và trong đêm tối, Thủy nghe được tiếng thở dài đầy bỡ ngỡ não ruột của người tình.

 Trở vào nhà đã khuya, Hy vẫn còn ngồi lặng lẽ bên cây đàn dương cầm. Đôi mắt Hy nhìn Thủy như dò hỏi, nhưng nàng đã khẻ nhẹ bước khuất sau cánh cửa nơi phòng khách. Tiếng dương cầm vang lên buồn bã trong đêm. 

...Ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại

Cuộc tình nào đã ra khơi ta còn mãi nơi đây

Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ

Ôi những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa

... Làm sao em biết đời sống buồn tênh.

Chỉ một đoạn nhạc buồn, Hy đánh đi đánh lại mãi chưa chịu đi ngủ.

 Buổi sáng mùa thu ở Huế với cơn mưa nhẹ hạt. Bầu trời Huế ẩm đục. Cơn mưa thu buồn. Sáng thật sớm, lúc Thủy bước ra phòng khách, Hy đã ngồi đó tự bao giờ. Vừa thấy nàng, Hy vội hỏi:

- Thủy đã chuẩn bị chưa?

Nàng trố mắt ngạc nhiên nhìn Hy

- Chuẩn bị gì hở Hy?

- Chuẩn bị trở về Sài Gòn!

- Tôi có đi mô mà chuẩn bị.

- Ồ! Vậy mà tôi cứ ngỡ....

Hy nói đến đây vội bỏ lững câu nói, cúi đầu nhìn xuống tấm thảm màu đỏ.

Với giọng nhẹ nhàng, Thủy nhìn Hy:

- Tôi không muốn mình là những dòng sông nhỏ.

- Thật sao?

Thủy gật đầu.

Hy nhìn nàng thật lâu, rồi lăn nhẹ xe ra vườn. Thủy không biết bà Bảo đang chăm chú nhìn nàng. Khi thấy Hy lăn xe bỏ đi, bà cười theo:

- Mẹ có thể giúp Hy ra vườn, có được không? Nhưng trời đang mưa làm sao ra vườn được.

Hy gật đầu.

- Mưa đâu làm cho mình buồn được, phải không mẹ? Lâu lắm con không được đẫm nước mưa, nhưng sáng nay ngoại lệ.

- Trong mưa dường như nụ tường vi vừa chợt nở.

Hy thì thầm trong miệng.

Không chờ cho bà Bảo, Hy lăn xe ra bìa xi-măng dọc thẳng xuống mặt đất, ông Bảo tự tay xây đặc biệt cho Hy. 

 ...

Thủy nhìn cảnh hai mẹ con bà Bảo, bỗng dưng như có điều gì ấm cúng len lén vào lòng. Trở về phòng ngồi lại một mình. Cơn mưa thu bên ngoài giúp Thủy hoàn tất bức thư gởi cho Khiết.

 Anh,

Buổi tối ở Huế đón anh đầy ngạc nhiên. Không ngờ anh từ thành phố xa xôi về Huế tìm em và bảo em trở lại. Có cần thiết không. Trước đây, những ngày tháng mới xa nhau, em tưởng không đời nào có đủ can đảm khi gặp lại nhau, và em nghĩ lúc đó nếu gặp lại anh em sẽ nói, nói thật nhiều, có lẽ sẽ rơi nhiều giọt nước mắt tủi hờn. Nhưng rồi chính em cũng không thể nào ngờ, buổi tối ngồi bên anh, nghe anh giải thích, phân trần nhưng lòng em bỗng chay tịnh, cõi lòng không còn một chút buồn hay hờn giận, hơn sáu tháng hai đứa không gặp mặt, bao tuyệt vọng trong lòng, sự yếu đuối của em nghĩ sẽ khó vượt qua. Nhưng sau những ngày về Huế, em đã tìm được cuộc sống bình thản và không còn giận hờn hay trách cứ anh. Cho đến khi gặp mặt, tình cảm chuyển hướng, lắng đọng xuống, dửng dưng. Thôi thế cũng hay, phải không anh.

Em biết, tối qua lúc đưa anh ra cổng, có lẽ anh vẫn còn nhiều hy vọng rằng sáng hôm sau em sẽ khăn gói theo anh trở lại Sài Gòn. Buổi sáng sau khi thức giấc, một mình ngồi nhìn ra khu vườn vào thu, cây cành chuyển mình, lá đã bắt đầu thay màu và em đã có một sự quyết định cho đời mình, sẽ ở lại Huế mãi mãi. Có lẽ chỉ có Huế mới cho em những ngày tháng bình yên thôi, chỉ có Huế mới giúp cho lòng em không còn trống vắng. Lúc đầu nghe lời đề nghị của chú Huy, em vẫn ngài ngại, không dám quyết định. Về Huế, cái thành phố lạnh tanh, buồn vô duyên cớ trong khi em đang rầu một cuộc tình vừa mới xa tầm tay. Nhưng giữa lúc tuyệt vọng lần đầu tiên em nếm phải, em đã ngỡ ngàng, những điều gì em lo nghĩ đã không như thế. Từ ngày bước chân về Huế, biết được Hy. Người con trai đánh thương và đáng kính mến, bởi tính tình nhân hậu và chân thật, say sưa với tiếng dương cầm, vui với khu vườn đầy hoa lá, không khí đầm ấm của gia đình em đang ở trọ mới biết cuộc đời không mãi mãi u buồn như mình nghĩ. Em không khao khát gì hơn, vì đây mới là đỉnh bình yên em đang tìm gặp, và Sài Gòn mới thật sự đất sống (như mọi lần anh nói) của chính anh.....

Gấp lá thư lại bỏ vào phong bì, tự dưng nước mắt Thủy chảy dài. Nàng nghĩ thầm, nhớ lại lần trước bà Bảo có nói:

...Đôi chân Hy vẫn còn hy vọng nếu có người nào...

- Hy ơi! Đôi chân Hy sẽ bay nhảy trong khu vườn đầy hoa. Thủy kêu khẻ....

Trong khoảnh khắc, khu vườn đầy hoa nhưng chỉ có một nụ hoa Tường Vi vừa chớm nở trong mùa thu của Huế.

Quách Y Lành
(Đầu Thu 2005)