TẢN ĐÀ - SUỐI KHÔ GIÒNG LỆ CHỜ MONG
THÁI TÚ HẠP
Khi chúng ta đang còn sống trên xứ sở quê hương, giữa các trào lưu văn học thế giới tràn ngập vào tâm hồn lớp trẻ trí thức hết đợt sóng hiện đại này đến những ý thức mới của văn học và triết học khác, thực sự mấy ai còn nhắc nhở đến Tản Đà, Hồ Biểu Chánh, Phạm Quỳnh, Á Nam Trần Tuấn Khải, Tương Phố, Đông Hồ, Phan Huy Ích, Hồ Xuân Hương, Chu Mạnh Trinh, Bà Huyện Thanh Quan... Đa số đã chạy đuổi theo những trang sách của Heidegger, Apollinaire, William Saroyan, Henry Miller, Alexis Zorba, Sartre... chắc chắn ảnh hưởng chỗ đứng của các tiên sinh tiền bối thuở Thịnh Đường như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Thôi Hạo, Lý Thượng Ẩn... lại càng bị đẩy lùi ra "xa lộ" văn học Việt Nam cuối thế kỷ hai mươi.
Trong một sát-na xúc động tình cờ trong đời sống nơi viễn xứ, tôi chợt khám phá nguyên ủy lưu vong của loài rong rêu trên giòng thác cuồn cuộn đổ từ ngọn đỉnh non cao. Chúng tôi cảm thấy khổ đau mỗi khi cố gắng bắt đầu khép kín những nhung nhớ cố hương. Với sức lực của con ngựa già, không vượt nổi qua những chặng đồi núi phong ba của nhân thế, để phóng tới cánh đồng thảo nguyên tương lai. Mùa xuân đến nơi đất khách, nhưng tâm sự người lưu vong vẫn não nề, cái tâm sự mà TẢN ĐÀ NGUYỄN KHẮC HIẾU đã cảm nhận từ hơn năm mươi năm trước như những lời tiên tri:
...Nước Non nặng một lời thề
Nước đi, đi mãi không về cùng non
Nhớ lời nguyện Nước cùng Non
Nước đi chưa lại non còn đứng không
Non cao những ngóng cùng trông
Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày
Xương mai một nắm hao gầy
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương
Trời tây bóng ngả tà dương...
Tản Đà đã gợi lên sự thực đau lòng đó, nhưng ông vẫn tin rằng trong vận chuyển Ngũ Hành, chu kỳ sinh diệt là lẽ tất nhiên của Tạo Hóa. Nỗi tư duy thần diệu nhất, Tản Đà đã biểu hiện cái tính chất "nước đi ra bể lại mưa về nguồn" kết hợp được triết học Đông Phương và khoa học vật lý Tây Phương: Nước đi ra biển, nhờ nắng bốc thành hơi bay về núi gặp khí lạnh gió thổi tan thành mưa. Cứ thế, từ thế kỷ này qua thế kỷ khác nhịp nhàng vi diệu trong sinh hóa của vũ trụ:
Non xanh tuổi vẫn chưa già
Non thời nhớ nước, nước mà quên non
Dù cho sông cạn đá mòn
Còn non còn nước hãy còn thề xưa
Non xanh đã biết hay chưa
Non đi ra biển lại mưa về nguồn
Nước non hội ngộ còn luôn
Bảo cho non nước có buồn làm chi
Nước kia dù hãy còn đi
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui
Nghìn năm giao ước kết đôi
Non non nước nước chưa nguôi lời thề...
(Thề Non Nước)
Đề cập đến công trình văn học đóng góp vào sự nghiệp văn hóa dân tộc Việt Nam của Tản Đà quả thật không nhỏ. Mặc dù Tản Đà xuất hiện giữa thời đại giao mùa của trào lưu văn học cũ và mới. Thời kỳ mà sở học Hán và Nôm đang bị đẩy lùi vào hậu trường sân khấu trong mọi sinh hoạt văn chương nghệ thuật. Hình ảnh của những ông đồ già nuối tiếc một thời vang bóng hiện lên như một bức tranh cô đơn buồn bã tội nghiệp:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ không buồn thắm
Mực đọng trong nghiên sầu...
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ
(Ông Đồ - Vũ Đình Liên)
Tuy nhiên, sự hình thành của giòng văn học Hán - Nôm khi khoa cử ở thời kỳ phục hưng, sự thực không ai có thể phủ nhận những công trình sáng tạo của một số nhà văn nhà thơ Việt Nam với những tác phẩm lừng lẫy cho mãi đến bây giờ chưa chắc có được những tác phẩm nào xứng đáng để thay thế. Như "Đoạn Trường Tân Thanh" của thi hào Nguyễn Du, "Lục Vân Tiên" của Nguyễn Đình Chiểu, "Chinh Phụ Ngâm" của Đoàn Thị Điểm, Đặng Trần Côn. Những thi tài vượt bật như Hồ Xuân Hương, Chu Mạnh Trinh, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trái, Nguyễn Khuyến, Cao Bá Quát, Tú Xương...
Đến khoảng thời gian đầu thế kỷ 20 từ khoảng năm 1913 đến 1917, nền văn học Việt Nam đã bắt đầu ảnh hưởng bởi giòng văn học Tây Phương, từ đó như vết dầu loang tỏa rộng ra khắp nước và tạo thành những trào lưu văn học mạnh mẽ đến năm 1930, lừng lẫy tạo những thành tích đáng kể từ năm 1930 - 1945. Tiêu biểu những lực lượng nòng cốt của trào lưu văn học mới có Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Vũ Đình Liên. Xuân Diệu, Huy Cận... và nhóm Tự Lực Văn Đoàn của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam được xem là những cây bút tiền phong tiến công vào thành trì, phá vỡ những hủ hóa đầy phong kiến của xã hội cũ. Khi con đê đã phá sập, giòng nước tuôn trào, các tư tưởng tây phương xâm nhập vào lớp trẻ trí thức Việt Nam như Lamartine, La Fontaine, André Maurois, Mallarmé... Có lẽ ngán ngẩm cho thế sự đổi thay đến nỗi Thi sĩ Trần Tế Xương phải than thở một cách chua cay:
Nào có ra gì cái chữ Nho
Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co
Chi bằng đi học làm ông Phán
Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò...
Tản Đà cũng cảm thấy chán nản nhưng không bi quan với khả năng cầu tiến nên ông cũng cố nghe theo lời khuyên đầy cay đắng của Trần Tế Xương theo học sách Âu Tây qua người Hoa dịch, gọi là Tân Thư, để mong kiếm thêm chút vốn liếng Tây học, kiếm gạo nuôi vợ con:
Mười mấy năm trời ngọn bút lông
Thảnh thơi chẳng bợn chút hơi đồng
Bây giờ anh đổi lông ra sắt
Cách kiếm ăn đời có nhọn không
...Hôm qua chưa có tiền nhà
Suốt đêm thơ nghĩ chẳng ra câu nào
Đi ra rồi lại đi vào
Quẩn quanh chỉ tốn thuốc lào vì thơ!
Mặc dù cuộc sống cơ hàn gánh nặng gia đình, vợ con, nhưng Tản Đà luôn luôn giữ tiết tháo một nhà thơ, nhà báo có tư cách, luôn đề cao tinh thần yêu nước. "Trong thời gian vất vả nhất về tài chính là thời gian hơn tám năm ròng rã, Tản Đà xuôi ngược Hà Nội, Nam Định, vào Vinh rồi trở về Hàng Bông để vận động An Nam Tạp Chí một cách tích cực, nhưng chỉ phát hành cầm chừng tạp chí này. Cuối cùng An Nam Tạp Chí bị đóng cửa vĩnh viễn, Tản Đà thác lời Hàn Thuyên: Than ôi! An Nam tạp chí mà đến nỗi phải đình bản, thời còn gì là An Nam!" (Văn Xã, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu).
Từ đó Tản Đà như người thất chí mượn rượu tiêu sầu.
Say sưa nghĩ cũng hư đời
Hư thời hư vậy, say thời cứ say
Đất say, đất cũng lăn quay
Trời say, mặt cũng đỏ gay, ai cười?
...Giấc mộng mười năm đã tỉnh rồi
Tỉnh rồi lại muốn mộng mà chơi
Nghĩ đời lắm nỗi không bằng mộng
Tiếc mộng bao nhiêu lại chán đời
Những lúc canh gà ba cốc rượu
Vài khi cánh điệp bốn phương trời
Tìm đâu cho thấy người trong mộng
Mộng cũ mê đường biết hỏi ai?
(Nhớ Mộng)
Đôi khi người đời không biết Tản Đà say rượu, say mộng hay là say thơ? Chính ông cũng không phân biệt cảnh đời, cảnh mộng và cảnh tiên. Mộng và thực lẫn lộn trong đời sống đầy phiền não vì phải tranh đấu miếng cơm manh áo nuôi cái thân xác tạm bợ nơi cõi trần thế. Ông cảm thấy lạc lõng chơ vơ giữa cuộc đời đầy buồn bã thê lương:
Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi
Trần thế em nay chán nửa rồi
Cung quế có ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi
Có bầu có bạn can chi tủi
Cùng gió cùng trăng thế mới vui
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám
Tự nhau trông xuống thế gian cười...
(Muốn Làm Thằng Cuội)
Không biết cảnh Thiên Thai có thực như câu chuyện Lưu Nguyễn ngày xưa? Hay chỉ là dấu vết giác ngộ quay về của tâm thức sĩ phu? Để nhìn thấy những nguyên thủy không còn nữa, mặc dù lòng thủy chung vẫn trọn đầy trong trí tưởng người đi. Có thiên đàng nào đẹp bằng quê hương. Tâm trạng ray rứt nhớ nhung của Lưu Nguyễn là nỗi niềm tâm sự chung của Tản Đà, tâm sự qua những tư duy ẩn mật, sâu sắc trong mỗi người lưu vong, mơ ước ngày trở lại quê nhà thực sự an bình trong ý nghĩa chân thành thường trực:
Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai
Suối tiễn, oanh đưa những ngậm ngùi
Nửa năm tiên cảnh
Một bước trần ai
Ước cũ duyên thừa có thế thôi
Đá mòn, rêu nhạt
Nước chảy hoa trôi
Cái hạc bay lên vút tận trời
Trời đất từ nay xa cách mãi
Cửa đóng
Đầu non
Đường lối cũ
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi
(Tống Biệt)
Tản Đà mang nỗi sầu đi tiếu ngạo khắp cùng đất nước và ngạo nghễ trong cái thú vui bất tận thơ rượu của ông, tính tình khẳng khái ngay thật, đả phá mọi thành kiến hẹp hòi phe phái trong sinh hoạt giao mùa của trào lưu văn học mới - cũ. Ông cố gắng sống thoải mái cho chính sở thích tự nguyện của ông nên nẩy sinh nhiều giai thoại về Tản Đà cũng khá lý thú như thi sĩ Bùi Giáng:
Trời sinh ra bác Tản Đà
Quê hương thời có, cửa nhà thời không
Nửa đời nam, bắc, tây, đông
Bạn bè sum họp, vợ chồng biệt ly
Túi thơ đeo khắp ba kỳ
Lạ chi rừng biển, thiếu gì gió trăng...
Có lẽ Tản Đà là nhà văn nhà thơ đầu tiên có sáng kiến vắt óc để mưu cầu phương kế sinh nhai, cho một mình ông thôi đã vất vả lắm, huống hồ phải kiếm gạo nuôi vợ con lại càng vất vả trăm chiều.
...Cuộc trần thế kiếm ăn chẳng dễ
Rẻ rúng thay là nghệ làm văn!
...Văn chương hạ giới rẻ như bèo
Kiếm được đồng lãi thực rất khó
...Ra văn mà chẳng ra tiền
Cái nghiệp văn chương nghĩ thật phiền
Văn ế bao giờ cho bán hết
Phen này có nhẽ gánh lên tiên!
Hơn năm mươi năm sau văn chương chữ nghĩa ở đất khách còn não nề thê thảm hơn. Lớp đàn em "nặng nợ tơ tằm, cái nghiệp văn chương nó đuổi đeo", ở hải ngoại "vắt óc moi tim" cho ra những giòng văn, những vần thơ, nhưng hàng sách càng ngày càng ế ẩm và đang trên đà báo động lâm nguy. Chỉ còn lác đác ở thế hệ gọi là "nghiệp dĩ" liên hệ đến những yêu thích thơ văn tiền chiến và hậu chiến miền Nam từ trong nước, là họa may còn nhắc nhở đến những tên tuổi Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Tản Đà, Phan Khôi, Tự Lực Văn Đoàn với Nhất Linh, Thạch Lam... và thỉnh thoảng những Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Hàn Mặc Tử, Quách Tấn... như một vọng âm hiếm hoi trong đời sống chạy đuổi theo bánh xe quay của guồng máy thực dụng.
Cái tâm sự đau buồn của Tản Đà khi ông đã chọn gởi gấm vào lối ngõ Đường Thi như những lời than thở cuối cùng:
Hạc vàng ai cỡi đi đâu
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ!
Hạc vàng đi mất từ xưa
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay
Hán Dương sông tạnh cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh đầy cỏ non
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?
(Hoàng Hạc Lâu - Thôi Hộ - Tản Đà dịch)
Không những riêng Tản Đà mà cả chúng ta cũng đang mang tâm sự não nề buồn thảm không kém như ông ngày xưa. Có lẽ Tản Đà chỉ bước đến cửa Khổng - Lão, mà chưa bước vào Thiền Môn để quán triệt cái đạo lý vi diệu Sắc Sắc Không Không. Tản Đà sẽ thanh thản biết chừng nào, khi đến rong chơi cõi trần gian và khi cuộc vui đã mãn, thanh thản ra đi như một đám mây trắng bay qua giữa bầu trời Như Huyễn.
Tản Đà tên thật Nguyễn Khắc Hiếu, sinh năm Mậu Tí 1888 tại làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây. Quê hương ông là dải bình nguyên sông Đà, chạy dài tới chân núi Tản Viên, nên ông lấy tên núi Tản ghép với sông Đà làm bút hiệu.
Phụ thân Tản Đà là Nguyễn Danh Kế, đỗ cử nhân, làm quan lên tới chức án sát. Mẫu thân ông, Lưu Thị Hiền (có sách ghi là Khiêm), cũng là người có học, có tài ứng đối, làm thơ.
Xuất thân con nhà cử nghiệp, Tản Đà sau khi học vỡ lòng chữ Nho ở Nam Định, sống và học với người anh cả là Nguyễn Tái Tích. Ông anh lúc ấy đã đậu phó bảng, làm đốc học ở Sơn Tây, Vĩnh Yên rồi đổi ra Hà Nội. Riêng phần Tản Đà học hành lận đận, chỉ đỗ kỳ hạch ấm sinh dành cho con quan. ông trượt luôn hai khóa Kỷ Dậu (1909) và Nhâm Tí (1912) chán nản bỏ luôn khóa Ất Mão, chuyển sang học chữ quốc ngữ và bắt đầu viết Giấc Mộng Con.
Năm 1913 Tản Đà được Trịnh Xuân Nham, giáo thụ trường Hậu Bổ đề bạt cho Nguyễn Văn Vĩnh, ông có các bài tiểu luận đăng khá đều trên Đông Dương Tạp Chí và bắt đầu được chú ý.
Từ cuối năm 1925, ông ra An Nam Tạp Chí. Tờ báo đóng cửa ba lần, tục bản hai lần, tới 1933 mới đóng cửa luôn. Trong khoảng thời gian An Nam Tạp Chí đình bản, thi sĩ Tản Đà vào Sài Gòn viết cho Đông Pháp Thời Báo của Diệp Văn Kỳ (1927) nhưng nửa chừng bỏ trở ra Bắt tục bản An Nam Tạp Chí (1927).
Từ cuối năm 1932, ông đóng cửa vĩnh viễn tờ An Nam Tạp Chí (Nguyễn Văn Vĩnh cũng ra tờ An Nam Tạp Chí khác trong cùng năm này). Vốn đã sống trong cảnh túng thiếu, Tản Đà càng lúc càng quẫn bách hơn. Có lúc ông về Bạch Mai (gần Hà Nội) mở lớp dạy chữ Nho. Có lúc ông quay về Hà Đông, đăng quảng cáo trên vài tờ báo: "Nhận làm thuê các thứ văn vui, buồn, thường dùng trong xã hội - Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu". Có lúc ông phải mở cả phòng đoán số Hà Lạc để kiếm sống (1938).
Tản Đà mất vì bệnh gan, ngày 17.6.1939 tại nhà riêng, số 71 ngã tư Sở, Hà Nội, để lại vợ và tám con. Di thể tiên sinh được an táng tại nghĩa trang Quảng Thiện, Hà Nội.
Thái Tú Hạp