|
Thái Tú Hạp
Mùa
Xuân Đọc
Ba Giòng Thơ Tiêu Biểu Phương Đông:
Thơ Thiền Việt Nam, Đường Thi Trung Hoa, va
Haiku của Nhật
Thời
điểm chúng tôi viết bài này là thời gian đánh
dấu khởi đầu cho một năm mới tràn đầy hy vọng
với những tiến bộ kỳ diệu về y khoa và kỹ thuật.
Mỗi năm những bộ óc siêu việt của nhân loại,
mỗi khám phá những kiến thức mới mẻ về khoa
học không gian, đưa những phi thuyền tự động
lên Hỏa Tinh sau khi hoàn tất những chuyến đưa
người lên Nguyệt Tinh. Chúng ta cứ tưởng đời
sống đang phóng tới tương lai nhằm mục đích
phục vụ con người có một đời sống tuyệt hảo
về vật chất, có thể kéo dài tuổi thọ vượt quá
định mệnh trăm năm. Trong khi đó những vấn nạn
về kỳ thị chủng tộc, những ý niệm hoài nghi
sự hiện hữu con người trên quả địa cầu này vẫn
là đề tài được các nhà khảo cổ và nhân chủng
học bỏ ra nhiều thời gian và công sức sưu tầm
trong cổ sử để truy nguyên dấu tích con người
đầu tiên.
Có nhiều giả thuyết của các nhà tiến sĩ lừng
danh trên thế giới, như mới đây tiến sĩ Morwood
thuộc trường Đại Học New England của Australia
khẳng định: Một số thổ dân đã có mặt tại Timor
và vùng Flores từ hơn 50.000 năm trước. Bằng
chứng qua các dụng cụ bằng đá có khắc một loại
ngôn ngữ đặc biệt, đó là thứ ngôn ngữ hình thành
sớm nhất trên thế giới. Nhà nhân chủng học Colin
Groves cho thấy sự có mặt con người đầu tiên
tại Phi Châu từ 850.000 năm trước. Toán chuyên
viên khảo cổ phối hợp giữa Trung Quốc và Nhật
Bản vừa khai quật từ lòng đất tại Cổ Thành Cheng
Tou Shan bên bờ sông Dương Tử thuộc khu vực
Li Xian tỉnh Hồ Nam, một tượng thờ hình người
cách đây hơn 6.000 năm, được đánh giá là cổ
vật lâu đời nhất tìm thấy tại Trung Quốc. Hiện
tượng sự có mặt của hành tinh chúng ta đang
sống thì rõ thật quá già đã hơn 4.5 triệu năm
nhưng mỗi ngày mỗi phút giây tâm ta vẫn cảm
thấy hoàn toàn mới lạ. Giòng nước chảy hôm qua
không phải ngày hôm nay. Mới hôm qua trên những
cành khô khẳng khiu, sáng hôm nay ra vườn ta
đã khám phá hàng triệu mầm non lấp lánh những
hạt sương trong ánh nắng mặt trời. Hàng triệu
triệu mạch sống đã luân chuyển trong cỏ cây.
Hoa nở để rồi tàn, cứ thế trong từng sát-na
mà ta đâu có hay biết. Có những điều mà sự khám
phá mới của khoa học, thiên văn, vật lý, y học,
nhân chủng học... hiện đại, chúng ta cứ tưởng
là mới mẻ, thực sự, Chư Phật, Chư Bồ Tát đã
dạy cách đây trên 25 thế kỷ. Ngày nay, nhân
loại mới lần hồi tìm đến để chứng minh sự thực.
Cũng chính từ những tư duy tìm về đó, sáng hôm
nay, tôi đứng ngẩn ngơ trong vườn đào, nhìn
những nụ mầm đã nẩy thoát ra cành khô. Trời
cuối đông lành lạnh, lòng tôi bỗng dạt dào với
thiên nhiên như một tri âm tri kỷ. Chỉ có ta
với trời đất và mây đã chia xẻ với ta những
nỗi niềm buồn vui thế sự. Lòng ta chợt yêu cùng
hoa lá từ cái thủy chung trầm mặc của đá, đến
cái thay đổi vô thường của hạt sương trên cánh
hoa. Và cũng từ những dạt dào chữ nghĩa xưa,
nay tôi đã khám phá ba giòng suối ngọt ngào
của ba giòng thơ tiêu biểu Đông Phương qua Thơ
Thiền, Đường Thi và Haiku.
. THƠ THIỀN CỦA VIỆT NAM
Qua tài liệu của cuốn Việt Nam Phật Giáo
Sử Lược của Thượng Tọa Mật Thể và cuốn Việt
Nam Phật Giáo Sử Luận của Giáo Sư Nguyễn
Lang, Le Bouddhisme en Annam des Origines
au 13è siècle, Trần Văn Giáp, Đạo Phật được
các Tăng Sĩ Ấn Độ truyền vào Việt Nam khoảng
đầu kỷ nguyên Tây Lịch, hình thành Trung
Tâm Nghiên Cứu Phật Giáo Luy Lâu thuộc phủ
Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, sớm hơn thời
điểm hình thành hai trung tâm Bành Thành
và Lạc Dương ở Trung Hoa. |
|
Hồi
bấy giờ (đầu kỷ nguyên) Ấn Độ đã biết xử dụng
phương tiện đường biển để liên hệ thương mãi
trực tiếp với Trung Đông và gián tiếp với các
quốc gia trong vùng Địa Trung Hải. Đế Quốc La
Mã tiêu thụ rất nhiều vàng lụa, hương liệu,
quế, trầm, tiêu, ngà voi và châu báu ngọc ngà...
Các thương gia Ấn Độ phải nghĩ cách thu hoạch
các mặt hàng theo yêu cầu để cung cấp cho thị
trường ấy nên các nhà thương mãi không quản
ngại tiến xa hơn về miền Viễn Đông. Và Giao
Chỉ (Việt Nam) ta lúc đó là nơi chốn dừng chân
lý tưởng để tránh các vụ gió mùa. Trong các
chuyến thuyền đi xa ngàn dặm nhiều tháng lênh
đênh giữa biển cả đầy giông tố hiểm nguy nên
các thuyền trưởng thường hay cung thỉnh các
vị sư theo để cầu nguyện chư Phật và chư Bồ
Tát hộ trì cho họ tai qua nạn khỏi, đi tới nơi
về tới chốn, an lành.
Cũng nhân cơ hội thuận lợi này các vị Lão Trượng
Thiền Sư thuộc các trung tâm Amaravati và Nagarjuna-Konda
thuộc khuynh hướng Đại Thừa đang phát triển
mạnh mẽ tại miền duyên hải Đông Nam Ấn Độ nên
có ý hướng đem Phật Giáo truyền bá vào các nước
ở xa, chính vì lý do này đã thúc đẩy các vị
Tăng có nhiều trình độ kiến thức cao về Phật
Học đã tình nguyện đi theo các thương thuyền
về miền Đông Nam Á. Trung Tâm Luy Lâu là một
ý nguyện được hình thành trong mục đích cao
quý này trong đầu kỷ nguyên tây lịch tại nước
ta. Và cũng từ đó giòng suối mát từ ái của Đạo
Phật đã thẩm thấu đất lành, sinh cây nẩy lộc
từ đời này đến đời khác qua nhiều thế hệ thăng
trầm của lịch sử cho đến nay có hơn cả ngàn
năm. Tác phẩm đầu tiên viết tại đất Giao Chỉ
(Việt Nam) đó là cuốn Lý Hoặc Luận của Mâu Tử,
chứa đựng nhiều tư tưởng sâu sắc của triết lý
Đạo Phật. Sở dĩ chúng tôi đan cử một số dữ kiện
để chứng minh Đạo Phật từ Ấn Độ truyền vào chứ
không phải Đạo Phật từ Trung Hoa truyền sang.
Tuy nhiên, Đạo Phật đòi hỏi càng ngày càng đào
tạo thêm những tăng tài uyên bác, dĩ nhiên các
tăng lữ Việt Nam phải học hỏi tôn sư các vị
Thiền Sư đến từ Trung Hoa. Qua kinh nghiệm giác
ngộ triết lý của Đạo Phật và được đãi lọc qua
nhiều lớp phù sa siêu việt của ngôn ngữ thi
ca Việt Nam, thơ Thiền đối với kho tàng văn
hóa Dân Tộc đã biểu hiện một sắc thái độc đáo
tuyệt hảo như những hạt châu lấp lánh trong
bảo tàng viện của nhân loại. Từ những Thiền
Sư Khuông Việt thế kỷ thứ 9 đến các Thiền Sư
Vạn Hạnh, Viên Chiếu, Huệ Sinh, Ngộ Ấn, Mãn
Giác... thế kỷ thứ 10 đến các Thiền Sư Đạo Hạnh,
Không Lộ, Diệu Nhân, Huyền Quang... vào thế
kỷ thứ 11, chưa kể hai vì Vua Lý Thái Tông năm
1001-1054 và Trần Thái Tông (1218-1277) cũng
trước tác nhiều bài thơ Thiền xuất chúng để
đời. Và các Thiền Sư Trúc Lâm, Nguyễn Trãi,
Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hương Hải và Chân Nguyên
trong các thế kỷ 13, 14, 15 và 16 nối tiếp phát
triển thơ Thiền lưu lại hậu thế.
Trong phạm vi bài viết cô đọng giản lược về
diễn biến giòng thơ Thiền Việt Nam, chúng tôi
chỉ xin mạo muội đan cử vài nét tượng trưng
của một vài Thiền Sư theo sở thích chủ quan
của chúng tôi, như trường hợp Bài Thị Đệ Tử
của Thiền Sư Vạn Hạnh:
Thân
như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy, vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô
(Dạy Học Trò)
Thân như chớp sáng, có rồi không
Xuân hoa cỏ mọc, chết khô đông
Mặc đời suy thịnh đừng lo sợ
Suy thịnh dường sương ngọn cỏ bồng
(Võ Đình)
Nhà
vua Lý Thái Tông ngoài tài lãnh đạo quốc gia
và an bang tế thế, còn là một thi tài lỗi lạc,
một hôm vua Lý Thái Tông mời các cao tăng đến
thọ trai, nhân dịp hội ngộ tao nhân mặc khách,
Ngài yêu cầu mỗi người sáng tác một bài kệ ngắn
để tỏ bày sự kiến giải về đạo Phật. Khi mọi
người còn đang lao lung suy nghĩ thì vua Lý
Thái Tông đã khiêm cung trình bày bài kệ của
mình:
Bát
nhã vốn không tông
Nhân không, ngã cũng không
Ba đời các đức Phật
Pháp tính vốn chung đồng
Bát Nhã chân vô tông
Nhân không ngã diệc không
Quán hiện vi lai Phật
Pháp tính bản lai đồng
Nội
dung bài kệ đề cập đến bản tính không (Sùnyata)
của nhân, ngã, tông bát nhã và của các chư Phật
trong hiện tại và vị lai. Về phương diện sáng
tác, các Thiền Sư chỉ còn lưu lại một số bài
thơ được người đời ca ngợi vàxem là xuất chúng
trong hàng ngàn bài bị tiêu tán qua thời gian.
Như trường hợp của Thiền Sư Không Lộ, thơ Thiền
ẩn dụ những ý tưởng cao siêu được xem như những
bài kệ độc đáo:
Trạch
đắc long xà địa khả cư
Dã tình chung nhật lạc vô dư
Hữu thời trực thượng vô phong đỉnh
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư
(Ngôn Hoài)
Chọn
nơi địa thế đẹp sông hồ
Vui thú tình quê quen sớm trưa
Có lúc trèo lên đầu chót núi
Kêu dài một tiếng lạnh hư vô...
(Tiếng
Lòng)
Ở một bài thơ khác
của Thiền Sư Tuệ Trung khẳng định qui luật khách
quan của tạo hóa, tự nhiên - tất cả vạn vật
đều vận động theo qui luật - ngay cả chuyện
tử sinh cũng xảy ra một cách bình thường. Dĩ
nhiên sự sống chết không còn là vấn đề phải
ưu tư và quan tâm đối với những nhà tu hành
học đạo. Vấn đề đáng quan tâm hơn tất cả là
sự giác ngộ tìm đến cõi thanh tịnh Chân Như:
Sinh
tử do lai bãi vấn trình
Nhân duyên thời tiết tự nhiên thành
Sơn vân dã hữu xuất sơn thế
Giản thủy chung vô đâu giả thanh
Tuế tuế hoa tùy tam nguyệt tiếu
Triêu triêu kê hướng ngũ canh minh
A thùy hội đắc nương sinh diện
Thủy tín nhân thiên tổng giả danh
(An Định Thời Tiết - Tuệ Trung)
Sống chết về đâu chớ hỏi quanh
Nhân duyên thời tiết tự nhiên thành
Mây ngàn vốn tự bay ra núi
Nước suối thường khi đổ xuống ghềnh
Độ độ hoa cười xuân tới tiết
Đêm đêm gà gáy lúc tàn canh
Khuôn trăng người mẹ ai hay biết
Trời nọ người kia thảy giả danh
(Thời Tiết Yên Định - Đỗ Văn Hỷ)
Trong một ý niệm giải thích về Thiền,
Thiền Sư Vô Ngôn Thông đã phát biểu: Thiền
hay Thiền Sư không phải là một cái gì có thể
định nghĩa được, như cây thoan lư kia, nhìn
thẳng vào đó thì thấy ngay, khỏi cần qua trung
gian ngôn ngữ và khái niệm. Thiền là sự tỉnh
thức, sự sinh hoạt trong thế giới thực tại,
chỉ có thể thể nghiệm mà không thể đàm luận
và giảng giải. (VNPG Sử Luận). Thi ca là
sự trực nhận tình cảm giữa người sáng tạo và
đối tượng thưởng ngoạn. Thế giới của Thiền đâu
phải là thế giới của câm lặng trầm mặc như vách
đá sừng sững trước mặt. Tâm đã phóng lên cao
ra ngoài cùng vũ trụ hòa nhập với trăng sao
để tạo thành những thiên hà tuyệt kỷ. Sự kết
hợp hoàn hảo đó các Thiền Sư Việt Nam đã để
lại hàng hàng châu báu trong kho tàng văn học
Việt Nam khởi đi từ đầu thế kỷ thứ nhất.
. ĐƯỜNG THI CỦA TRUNG HOA:
|
Cho
đến nay mỗi khi đề cập đến thời đại hoàng
kim của nền thi ca Trung Quốc, tất cả chúng
ta đều đồng ý công nhận thời đại hưng thịnh
của Đường Thi. Theo nhận định của Sử Cúc
Nhân: Chỉ cần đọc thuộc Đường Thi Tam
Bách Thủ (Ba Trăm Bài Thơ Đường) đủ nói
ra với kiến thức sâu sắc chẳng khác một
nhà thơ trong khi giao tế với người đời.
Trong bộ Toàn Đường Thi ấn hành vào năm
1707 thì Thơ Đường lên đến 48.900 bài thơ
của hơn 2.200 thi nhân gồm 900 quyển họp
thành 30 tập. Trải qua hơn ngàn năm từ đời
vua Đường Cao Tổ hiệu Vũ Đức |
(618) đến thời kỳ Thịnh Đường (713),
Trung Đường (766), Vãn Đường (905) của Đường
Chiêu Tuyên Đế, thời điểm kết thúc của Thơ Đường.
Trải dài trong thời gian sử liệu Đường Thi đó,
còn lại bao nhiêu thi tài lỗi lạc được đa số
người đời nhắc nhở, ngưỡng phục và đánh giá
như những nhà thơ vĩ đại. Những thi phẩm của
họ đã thuộc về những gia tài quý báu tuyệt hảo
của nhân loại. Lý Bạch được tôn vinh là Thi
Tiên, Bạch Cư Dị là Thi Hào, Thôi Hiệu là Thi
Bá, Đỗ Phủ là Thi Thánh, Vương Duy là Thi Phật...
Thơ của họ được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên
thế giới lưu truyền mãi cho tới ngày nay. Theo
nhận định có tính cách chủ quan và thô thiển
của chúng tôi thì trong số lượng 48.000 thi
phẩm có thể vượt hơn 300 bài, nếu nhận xét một
cách khách quan và vô tư, được giới yêu thích
thơ Đường đánh giá cao là những tác phẩm thi
ca tuyệt hảo nhất của loài người, cả ngàn năm
sau, thật sự chưa có những thi tài thi ca nào
sánh kịp, có chăng cũng chỉ là những mô phỏng,
làm mới ngôn ngữ nhưng không thoát khỏi ý từ
trùng điệp của Đường Thi. Tại sao địa vị thơ
Đường có nhiều ảnh hưởng sâu sắc đến như thế?
Cũng như các đời vua Lý Thái Tông và Trần Thái
Tông của Việt Nam, luôn luôn khuyến khích các
nhân tài văn học trong nước tạo nên những môi
trường sáng tác trong quần chúng phát huy, khám
phá những áng văn chương tuyệt tác. Ở Trung
Hoa trong các thời đại nhà Đường, hầu hết các
vua chúa đều yêu chuộng văn thơ một cách nồng
nhiệt. Khi lên ngôi, Tần Vương, Đường Thái Tông
truyền lệnh thiết kế Hoàng Văn Quán, thu thập
hơn 20 vạn cuốn sách quý, mở các buổi hội họp
vào cuối tháng để cùng nghiên cứu trao đổi kiến
thức, thảo luận với các quan học sĩ, cao sĩ
uyên bác, xướng họa thi văn một cách tương đắc.
Chính vì không khí trọng văn đó, trong các thời
đại nhà Đường, thi ca trở nên những cơ hội thành
danh của những bậc trí thức hiền tài, bậc thang
bước lên đỉnh vinh hoa phú quý. Thơ trở thành
giòng suối mát chảy khắp cùng trong nhân thế,
tạo nên cảnh trí thanh bình an lạc. Khai phá
khu rừng Thơ Đường trùng trùng hương sắc. Thực
sự chúng tôi không có khả năng kiến thức sâu
rộng, chúng tôi chỉ là hạt cát bên bờ mé sông
Dương Tử hèn mọn ngu ngơ, chỉ mong từ tư duy
hạt cát ấy, viện dẫn vài nét đẹp của Thế Giới
Đường Thi tuyệt tác lưu truyền vượt qua thời
gian gần cả ngàn năm nay. Đó là Lộc Trại của
Vương Duy, Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, Phong
Kiều Dạ Bạc của Trương Kế, Đằng Vương Các của
Vương Bột, Hồi Hương Ngẫu Thư của Hạ Tri Chương,
Đề Tích Sở Kiến Xứ của Thôi Hộ, Bạc Tần Hoài
của Đỗ Mục, Tùng Hạ Vấn Đồng Tử của Giả Đảo,
Tương Tiến Tửu, Tĩnh Dạ Tứ của Lý Bạch... Trong
khuôn khổ của bài viết này chúng tôi xin đan
cử một vài thi phẩm tượng trưng của thế giới
Đường Thi tuyệt tác đó:
* HOÀNG HẠC LÂU
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu
(Thôi Hiệu)
* GÁC HOÀNG HẠC
Hạc vàng ai cỡi đi đâu
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ
Hạc vàng đi mất từ xưa
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay
Hán Dương sông tạnh cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh đầy cỏ non
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai
(Tản Đà dịch)
* LỘC TRẠI
Không sơn bất kiến nhân
Đản văn nhân ngữ hưởng
Phản cảnh nhập thâm lâm
Phục chiếu thanh đài thượng
(Vương Duy)
* TRẠI HƯƠU
Trong non chẳng thấy một ai
Chỉ còn nghe vọng tiếng người nơi nao
Trời chiều bóng ngã rừng cao
Nhặt thưa bóng lại chiếu vào rêu xanh
(Đỗ Bằng Đoàn - Bùi Khánh Đản)
* TĨNH DẠ TƯ
Sàng tiền minh nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương
Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương
(Lý Bạch)
* NGHĨ TRONG ĐÊM VẮNG
Trước giường lặng ngắm vầng trăng bạc
Ngỡ như mặt đất tỏa sương sa
Ngước lên dõi ánh trăng vằng vặc
Cúi đầu ray rứt nhớ quê nhà
Đầu giường lặng ngắm trăng soi
Tưởng như mặt đất sáng ngời ánh sương
Ngẩng nhìn trăng tỏ như gương
Cúi đầu chạnh nhớ cố hương nghìn trùng
(Ái Cầm)
* ĐỀ TÍCH SỞ KIẾN XỨ
Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ?
Đào hoa y cựu tiếu đông phong
(Thôi Hộ)
* CHỐN NÀY NĂM TRƯỚC
Hôm nay, năm ngoái, cửa cài
Hoa đào ánh với mặt người đỏ tươi
Mặt người chẳng biết đâu rồi?
Hoa đào còn đó vẫn cười gió đông
(Trần Trọng Kim)
. THƠ HAIKU CỦA NHẬT
Đề
cập đến thi ca Trung Quốc không ai phủ nhận
giá trị thơ Đường, cũng như nói đến thi
ca Nhật Bản, những nhà nghiên cứu văn học
không thể không tôn vinh giòng thơ Haiku
phát xuất từ thi hào Matsuo Basho, thường
gọi là Tùng Vĩ Ba Tiêu của thời điểm từ
1644 đến 1694, được dân chúng xứ Hoa Anh
Đào đánh giá cao như những vì sao Bắc Đẩu,
rực sáng trên bầu trời thi ca Nhật Bản.
Tuyển tập thi phẩm Haiku mang tên Oku no
Hosomichi (Lối Lên Miền Oku), ông hoàn tất
vào năm 1690 và sau nhiều lần nhuận sắc
kỹ lưỡng ông mới thực sự ấn hành vào năm
1694, nửa năm trước khi ông từ giã cõi trần.
Tác phẩm Oku no Hosomichi được dân chúng
Nhật yêu thích, xem như một tuyệt tác tiêu
biểu của nền văn học Nhật Bản. Cũng giống
như tuyệt phẩm Đoạn Trường Tân Thanh của
cụ Tiên Điền Nguyễn Du của Việt Nam.
Ông sinh ra trong một gia đình võ sĩ đạo
(Samurai) ở thành Ueno, thuộc Iga, nay thuộc
huyện Mie. Basho khi mới sinh ra đờ icó
tên là Kinsaku (Kim Tác), lớn lên đổi thành
Munefusa (Tông Phòng). Theo tài liệu của
Abe Kimio, Matsu Basho (Matsuo Basho) Tokyo:
Yoshikawa Kobunkan 1967, Ando |
|
Tsugio Oku no Hosomichi (Lối Lên
Miền Oku) Tokyo: Iwanami Shoten 1989, và một
số tài liệu do Vĩnh Sính, Giáo sư lịch sử và
văn hóa Nhật Bản thuộc Đại Học Alberta, Canada,
sưu tập và giới thiệu, thơ Haiku rất cô đọng
nhưng diễn tả sâu sắc từ nội tâm đến con người,
đến trời đất mênh mông. Ở thơ Haiku chỉ có 3
hàng chữ, 5 vần ở hàng thứ nhất, 7 vần ở hàng
thứ hai, và 5 vần ở hàng thứ ba, tổng cộng bài
thơ chỉ có 17 vần. Thơ Haiku mang tính cách
đứng đắn trang trọng, khởi điểm từ thiên tài
Basho. Từ thế kỷ thứ 7 đã xuất hiện giòng thơ
Waka (Hòa Ca) thường dùng để phân biệt thơ của
Nhật hay cảm hứng trong thơ Nhật với thơ chữ
Hán mà người Nhật gọi là Kanshi (Hán Thi), chính
giòng thơ Waka, chia ra hai thể loại Choka (trường
ca) và Tanka (đoản ca), đã gây được cảm tình
quần chúng trong một thời gian và người dân
cho là giòng thơ phổ thông nhất như ca dao,
tục ngữ trong nền văn chương bác học của Việt
Nam. Tanka cũng gây được tiếng vang một thời.
Hai cuốn sách là The Records of Ancient Matters
(năm 711) và cuốn The Chronicles of Japan (năm
720) đã tuyển chọn gần 100 bài thơ hay nhất
viết bằng 31 vần. Đến thời điểm khoảng giữa
thế kỷ thứ 8, Tanka đã hưng thịnh tuyệt đỉnh,
được gọi là thời kỳ Sưu Tập Của Ngàn Chiếc Lá
(The Collection Of Ten Thousand Leaves), Tanka
đã thực sự phổ biến và lôi cuốn mọi thành phần
giai cấp trong xã hội tham gia vào công tác
sáng tạo một cách nồng nhiệt, đã quy tụ gần
5000 thi phẩm chọn lọc. Những trào lưu thi ca
tiếp theo, tiêu biểu là thời kỳ Heian (năm 794-1185)
và kế tiếp là nhóm Tân Sưu Tập Của Thi Ca Cổ
Và Tân Thời (The New Collection Of Acient and
Modern Poems) (1205), với nhà thơ Minamoto Saneiomo
đầu đàn (1192-1219), cũng như nhà thơ Tachibana
Akemi, chưa thoát ra khỏi ảnh hưởng của hào
quang Tanka. Dân chúng vẫn bị ru ngủ trong những
vần điệu êm ái tinh xảo, đầy diễm lệ viễn mơ,
hình thức.
Mãi cho đến khi Matsuo Basho xuất hiện một cách
lẫm liệt (1644-1694) như một đường gươm tuyệt
đẹp, Basho đã thực sự khai phá một lối đi từ
hình thức đến nội dung hoàn toàn mới lạ. Ông
đã đưa thi ca Nhật Bản lên đỉnh cao của trí
tuệ, ông đã phối hợp một cách nghệ thuật tuyệt
vời giữa Thiền và Đường Thi. Ông đã kết tinh
phương cách sáng tạo xúc tích tư tưởng trong
thể thơ Haiku.
Trong cuốn tiểu luận Hài Cú Nhập Môn (An Introduction
To Haiku) của Herold G. Henderson, Giáo sư dạy
môn Nhật Văn và lịch sử nghệ thuật tại trường
Đại Học Columbia, Hoa Kỳ, ông đã đan cử thêm
một số thi sĩ Haiku như Shiki chẳng hạn. Nhưng
rốt ráo, ông giáo sư này cũng phải quay về ca
ngợi thiên tài lỗi lạc Basho vẫn như ngôi Bắc
Đẩu trên nền trời văn học Nhật Bản.
- Hạt giống của Haiku gieo rải đã nhiều
trên bảy trăm năm trước và đúng vào thế kỷ XVII
thì tới độ mãn khai, đồng thời đây cũng là nghệ
thuật hiện đại, ngày nay được phổ biến còn nhiều
hơn trước. Không một ai có thể biết chính xác
có bao nhiêu người Nhật thực hành chúng, bởi
hầu hết Haiku được sáng tác, chủ yếu vì niềm
hoan hỉ của tác giả và bằng hữu, chứ không có
mục đích để xuất bản. Tuy nhiên, đã có hơn hàng
trăm ngàn bài Haiku mới vẫn được sáng tác đều
đặn hàng năm (GS. Harold G. Genderson –
Lê Thiện Dũng).
Giòng thơ Haiku càng được trân quý bảo tồn và
phát huy thì tên tuổi Matsuo Basho càng sáng
chói vượt qua thời gian. Chúng tôi xin đan cử
một số bài thơ Haiku tiêu biểu: Những ngày đầu
xuân cảnh trí thiên nhiên ở Nhật với sương mù
trắng xóa trên đỉnh núi Fuji (Phú Sỹ), những
cành hoa đào khẳng khiu ở Ueno và Yanaka như
một bức tranh thủy mạc tuyệt vời. Sự trầm mặc
của thiên nhiên đã ngầm chứa những ý tưởng cao
siêu và những nét đẹp lung linh như một tác
phẩm thi ca trác tuyệt. Con người đã dùng ngôn
ngữ Haiku để diễn đạt cảm xúc dạt dào và khai
thác những ẩn dụ sâu xa đó. Chúng ta hãy bước
vào cửa ngõ Haiku của Basho, diễn tả những cảnh
trí mùa xuân với hương thơm của hoa mận bạt
ngàn trên con đường sơn đạo, như một vệt nắng
chiếu tận chân trời xanh biếc lộc non.
Ume – ga ka ni
Notto hi no deru
Yamaji kana
(On sweet plum blossoms
The sun rises suddenly
Look, a mountain path!)
Hoa mận ngọt ngào nở rộ
Ánh nắng bỗng dưng dâng cao
Hãy nhìn, đường sơn đạo!
Một buổi sáng vào cuối mùa xuân,
tuyết bắt đầu tan trên những ngọn núi, qua ánh
trăng ban mai còn sót lại hiu hắt trên những
tàn cây, vàng úa. Cuộc chia tay thật não nề.
Nhà thơ Taniguchi Buso cảm thấy lòng giao động
nỗi buồn man mác vì chạnh nghĩ cuộc chia tay
sẽ không bao giờ tái ngộ. Và sẽ không còn nhìn
thấy những cánh hoa đào bay trong gió tuyệt
đẹp như sáng hôm nay. Mặc dù cố gắng nhưng vẫn
không cầm giữ giọt lệ lấp lánh dưới ánh trăng.
Những người bạn đã đến trên bến sông để tiễn
đưa thi sĩ:
Sakura chiru
Nawashiro mizuya
Hoshi – zuki – yo
(Buso)
Anh đào nở rộ, rơi rụng
Trên mặt nước của ruộng lúa
Tinh tú dưới ánh trăng
Thiên nhiên quả thực là người bạn
tri kỷ của thi ca. Tư duy của con người đã hòa
nhập với trời đất trong những giây phút huyền
nhiệm giao thoa giữa năm cũ và năm mới, tâm
hồn thi nhân giao động mạnh hướng về thế giới
của Thiền Môn, chim hót trên vòm lá, gió thổi
rì rào trên hàng liễu buông tha thướt, tất cả
đã hòa nhập từ tiểu ngã vào với đại ngã để nhất
trí bất phân, là một của uyên nguyên trời đất:
Ganjitsu
yo
Kane kiku kure ni
Oyobi keri
(Hakki)
New
year’s day also
Has come to its close
with the sounding bell
Cũng ngày tân niên
Đã đến rất gần
Với tiếng chuông ngân
Basho ghi lại đoạn
đường cuối Oku no Hosomichi (Lối Lên Miền Oku)
trên bãi chiều hiu quạnh chỉ còn dăm ba túp
lều nhỏ của các ngư phủ và chùa Hokke (Pháp
Hoa) khoác kín sương mờ. Biển trời hoàng hôn
buồn da diết, chỉ một Basho bước đi giữa con
đường cát vắng thê lương:
Sabishisaya
Suma ni kachitaru
Hama no aki
Nỗi buồn
Còn sâu sắc hơn ở Suma
Mùa thu trên bãi biển
Ở
nơi những nhà nghệ sĩ hình như có giác quan
thứ sáu thật bén nhạy vượt qua trước sự hiện
hữu của thời tiết. Mỗi tâm hồn là một vũ trụ
vi diệu và mầu nhiệm, nhanh hơn ánh sáng và
nhỏ hơn vi trần. Đôi khi có những tư duy và
tư tưởng đột khởi tương đối tương đắc với nhau,
như ở ba trạng thái tuyệt hảo của Thơ Thiền
Việt Nam, Đường Thi Trung Hoa và Haiku của Nhật
Bản, mặc dù có khác biệt về mốc đỉnh của thời
gian và thể loại của sáng tạo, chẳng khác nào
ba giòng sông lớn đổ vào đại dương để tựu thành
nhất quán. Trong Đường Thi thấp thoáng ẩn dụ
những ý tưởng cao siêu của Thiền như trong thơ
Vương Duy, Lý Bạch, Thôi Hiệu… Trong Haiku lãng
đãng những sương khói của Tô Đông Pha (Lâu cát
mông lung tế vũ trung) và Đỗ Phủ (Quốc phá sơn
hà tại. Thành xuân thảo mộc thâm). Những ý chính
chúng ta thường bắt gặp trong ba giòng thơ tiêu
biểu Phương Đông này là đề tài chính để con
người hòa nhập với thiên nhiên, với vũ trụ nhất
thể. Tâm trạng nhớ nhà của lữ khách ngàn dặm
xa, ảnh hưởng sâu sắc triết lý Phật Giáo, thể
hiện tinh thần tiểu ngã hòa nhập với đại ngã
tạo nên tấm lòng rộng mở bao dung đại lượng,
như mây trời. Khi tâm đã hòa nhập với thiên
nhiên bao la, với vũ trụ bát ngát, đùa với trăng
sao ngoài biển khơi trùng trùng duyên khởi,
thì chuyện tình yêu giữa hai người chỉ còn là
những cánh hoa thấp thoáng hư ảo trong Thơ Thiền,
trong Đường Thi và trong thế giới Haiku.
Những ngày đầu xuân, càn khôn đang thay áo mới,
cây lá đang đâm chồi nẩy lộc tinh khôi đã tạo
cho tâm hồn con người những cảm giác trong sáng
uyên nguyên, chứa chan hy vọng, thắp lên những
khung trời mùa xuân thanh bình thực sự trên
quê hương ngày trở về. Những cánh mai vàng lung
linh trong nắng mới, thoang thoảng trầm hương
của thế giới an lành của Phật, của Thiền, của
đạo sĩ, trao nhau nụ cười tỏa mát như giòng
suối ngọt ngào, có phải hình ảnh hiện thực của
thiên đàng nơi hạ giới? Hãy quên đi những nhọc
nhằn, những ray rứt u hoài nơi viễn xứ. Hãy
quay về cõi tâm an nhiên, lắng đọng để tìm lại
chính bóng ta đích thực, đó là giây phút thực
sự an lành bước vào cõi Thơ thanh thoát của
Chân Như.
. Tài liệu tham khảo:
- Việt Nam Phật Giáo Sử Lược
của Thượng Tọa Mật Thể.
- Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Nguyễn Lang.
- Introduction To Haiku của Herold G. Henderson.
- Đường Thi Tam Bách Thủ của Sư Cúc Nhân, Hongkong
1953.
- Đường Thi Khái Luận. Thương vụ ấn thư quán.
Đài Bắc 1958. Tác giả là Tô Tuyết Lâm.
- Thơ Thiền Lý Trần. Đoàn Thị Thu Vân.
|
|
|
|
|