Nhánh Sông Của Biển

Quách y Lành

 

Giữa cánh đồng hoàn toàn ruộng và những dãy mộ chôn san sát nhau xiên xẹo không thứ tự. Từng vũng nước mưa ứ độïng lại trông xa xa như những dòng sông nhỏ. Nắng chiều cũng đã tắt từ lâu. Gió hiu hiu lạnh. Hàng tre bên bờ ruộng ẻo lã nghiên theo gió. Dường như chị Tấn và mấy đứa con đã về từ lâu, sau khi hỏi Hựu ra về cùng. Chàng chỉ lắc đầu không trả lời. Biết ý Hựu muốn đứng lại trước ngôi mộ của cha, chị Tấn ra dấu cho con đi về con đường cái bên kia gò đất đón xe đò ra Đà Nẵng, dặn dò ông tài xế xe tắc xi ngồi chờ Hựu bên đường.

Trời tháng Chạp, đêm buông xuống khá nhanh, con đường trước mặt bây giờ chỉ còn nhìn thấy mờ mờ. Thỉnh thoảng vài chiếc xe gắn máy nổ xình xịch chạy qua bên bờ ruộng, ngọn đèn vàng vọt trên xe không đủ sáng để nhìn thấy khuôn mặt người ngồi trên xe.

Cúi người xuống đốt thêm nắm nhang trên mộ, Hựu đứng yên lặng khá lâu nhìn khói hương bay lờn vờn trước mặt. Có lẽ ông Cần, ba Hựu nằm lặng yên dưới lòng đất không thể ngờ được Hựu về thăm ngôi mộ của ông. Và chính người sống như chị Tấn cũng không ngờ. Nhận được tin Hựu về thăm nhà, nhưng chị Tấn nửa tin, nửa ngờ. Cho mãi đến ngày hôm qua đi đón Hựu, lúc Hựu bước ra cửa đứng gần bên cạnh, chị ngẩn ngơ một lúc rồi mới bật khóc khi nhận ra người em trai. Chị em xa nhau đã hơn hai mươi mấy năm. Thời gian trước đây, Hựu cũng đã từng xa nhà, sống mãi ở Sài Gòn, không về Đà Nẵng cho mãi ngày ra đi.

Đêm mỗi lúc một lạnh hơn. Hựu đứng nán lại lầm thầm khấn vái cha thêm lần nữa trước khi quay người bước lên con đường cái. Ra đến nơi, chàng gõ nhẹ lên cánh cửa xe, ông tài xế hình như đang ngon giấc, trở mình ngồi bật dậy. Hựu quay nhìn về phía bờ ruộng, dãy mộ đã chìm trong bóng đen của đêm. Ngọn đèn bên đường hiu hắt cô đơn.

Con đường ban ngày xe cộ tấp nập, nhưng giờ nầy đã trở nên yên lặng. Hựu lên xe bảo ông tài xế chở ra lại Đà Nẵng. Xe chạy nhanh trên con đường nhựa bằng phẳng, Hựu nhận ra trường tiểu học Phước Tường. Tấm bảng tên trường khá lớn, đặc biệt tên trường Nguyễn Đình Chiểu vẫn còn đó. Bỗng dưng Hựu nhớ lại những ngày thơ ấu. Ở đây, Hựu và đám bạn đã từng băng qua đường mỗi ngày để đến trường. Trên tay xách gói cơm trắng kèm theo con cá chuồn chiên gói trong miếng lá chuối khô, được cha bới theo cho bữa cơm trưa. Cha còn sợ Hựu trong lứa tuổi chạy nhảy với chén cơm, con cá chuồn mang theo không được no lắm, ông nướng thêm củ khoai lang vàng cháy, cuốn trong miếng lá chuối nhét vào túi quần Hựu. Mỗi buổi sáng thứ hai, đứng chào cờ trong sân trường, nghe mùi khoai thơm bốc lên tận mũi, không dằn được cơn thèm, mặc dù bụng còn no ức với hai chén cơm vừa mới ăn xong, Hựu thò tay vô túi quần véo một miếng nhỏ bỏ vội vào miệng. Chao ơi! Ngon chi ngon lạ. Cho mãi đến giờ này mỗi lần nghĩ tới, Hựu vẫn còn nhớ.

Ngày đó, xe cộ ít ỏi hơn bây giờ. Nhưng mỗi ngày đưa con ra cửa ngõ, cha Hựu vẫn không quên nhắc nhở:

- Nhớ ngó qua ngó về rồi mới được băng qua đường. Xe cam nhông của Mỹ chạy ẩu lắm đó. Nhớ nghe con!

Đôi chân không guốc dép nên Hựu và đám bạn chạy nhanh như những con sóc, vụt nhanh một lèo đã qua bên kia đường. Hựu còn nhớ cha đứng nhìn cho tới khi nhìn được đầu Hựu lô nhô trong đám bạn, ông mới chịu trở về nhà.

Nghĩ đến đây, cơn xúc động dâng tràn, cố ghìm lại trong cổ, Hựu nghĩ thầm:

- Quá trễ mất rồi! Có hối hận, ăn năn biết thương cha thì cũng đã muộn. Hựu ngồi im lặng, nhưng trong lòng giờ đây nhói đau chẳng khác gì cơn sóng vỗ. 

Trong đêm tối, Hựu nghe hai má mình lành lạnh, đưa tay quyẹt vội.

              .. .. .. .. ..

Trên đường về nhà chị Tấn, Hựu nói ông tài xế chạy qua trường trung học Phan Thanh Giản ngày xưa Hựu đã học. Chỉ vài phút sau, xe dừng lại. Hựu nhìn quanh quẩn, không nhận ra mình đang đứng ở đâu, chàng buộc miệng:

- Bác tài, có phải trường Phan Thanh Giản đây không bác?

Ngọn đèn chiếu thẳng trên đường, Hựu nhìn thấy nét mặt ông cười nhanh nhẩu:

- Ông tin tôi đi. Đúng trường Phan Thanh Giản đây. Tôi làm nghề tài xế tắc xi gần bảy năm rồi, đưa đón người xa về rất nhiều. Nhưng ông không phải là người đầu tiên hỏi, nhiều người tôi chở đến đây cũng một câu hỏi tương tợ như ông.

Hựu im lặng đứng nhìn quanh ngôi trường. Mặt trường phía trước thay đổi hẳn. Tên trường cũng không còn Phan Thanh Giản như trước. Một lúc, Hựu nhớ lại cầu thang lên lớp. Đứng sát lại gần hơn, Hựu nhớ rõ từng phòng học. Nhớ nhất là khuôn mặt ông giám thị đeo đôi mắt kính dày cộm, người ốm nhong như cây sậy, với đôi mắt qua làn kính không che kín được vẻ dữ dằn của ông. Hựu lại chợt nhớ đến từng người, từng nét mặt của đám bạn. Bất chợt Hựu cất tiếng thở dài, Đà Nẵng hôm nay, biết ai còn ai mất.

Chàng có ý định ngày mai trở lại, đi vào trong trường nhìn lại một lần. 

.. .. .. .. ..                                              

 Đã hăm chín tháng chạp, còn một ngày nữa chấm dứt năm cũ. Lần đầu tiên về thăm nhà sau hai mươi mấy năm xa gia đình. Hựu có cảm tưởng mình đang đến một nơi nào khá xa lạ chứ không phải Đà Nẵng của ngày nào. Tất cả những hình ảnh cũ trong đầu óc Hựu nay đã không còn. Lạ từ con đường, từng khu nhà cho đến tên đường cũng đã mới lạ hẳn. Không còn nơi nào giống như xưa. Nhưng Hựu biết rõ một điều thành phố ngày xưa đầy rác rưới, nay đã thu gọn lại sạch sẽ. Lúc xe ngang qua ngã ba Cây Lang, hình ảnh đống rác cao tổ chác, đầy dẫy ruồi nhặng nay đã không còn.

Suy nghĩ mãi về đến nhà chị Tấn lúc nào Hựu không hay. Đến lúc ông tài xế xe tắc xi nhắc nhở, Hựu mới sực tỉnh người.

Bước vào nhà, Hựu nhìn thấy mâm cơm dọn sẵn trên bàn. Dỡ chiếc lồng bàn che ruồi, mùi cá chuồn xông lên nghe tanh tanh. Hựu nhớ ngày xưa cha thường làm món cá chuồn này, rất công phu. Cá làm sạch, đem ướt mắm muối, ớt tỏi xong xuôi, đem bỏ lên chảo chiên vàng. Nhìn con cá vàng rộm lên, nước miếng trong tự dưng tuông chảy dài trong miệng. Nhưng sau thời gian khá lâu xa nhà, Hà vợ Hựu không nấu những món ăn như thế bao giờ. Hà phàn nàn ăn cá tay chân tanh hôi nàng không chịu được. Ngày nào cũng ăn thịt, toàn thịt. Hết gà đến heo, hết heo đến bò. Thức ăn do Hà nấu mùi vị cũng chẳng giống cha Hựu nấu trước đây, lúc nào cũng ngòn ngọt, mằn mặn. Và dường như tất cả món ăn do Hà nấu, không món nào thiếu oyster sauce. Riết Hựu cũng đâm quen. Giả như Hựu phàn nàn, Hà phỏng ngay một câu không vị nể:

- Ăn không được, anh ra bếp tự nấu mà ăn.

Từ bản tính nhịn nhục, Hựu chỉ sợ con cái buồn nên Hà đâm ra hỗn hào không chịu được. Mặc dù đã cố nhẫn nại, nhưng Hựu vẫn không giữ được cuộc hôn nhân của hai vợ chồng. Cuối cùng cả hai chia tay, chỉ khổ cho con chứ chẳng lợi ích gì. Nghĩ đến đây Hựu chợt nhớ con lạ.

Giọng chị Tấn vang lên sau lưng:

- Vào tắm rữa thay áo quần ra ăn cơm. Không biết em thích ăn gì, chị mua đại cá rau nấu, ngày mai thích ăn gì cho chị biết. Anh Lạc gọi điện báo ngày mai mới về tới. Anh dặn chị lo thức ăn cho em, sợ em đi lâu quá không còn quen món ăn do nhà nấu.

Hựu khoát tay, nhìn chị:

- Chị đừng bày vẽ ra làm gì, em không ăn nhiều đâu. Em cũng nôn nóng gặp anh Lạc, dạo nầy anh vẫn gầy như trước hay thay đổi dáng người rồi.

- Anh vẫn thế. Nhưng chị rầu anh uống nhiều hơn ăn. Đêm nào về đến nhà cũng gần như xỉn. Ở đây, mấy ông rượu bia đều đặn mỗi ngày như cơm bữa. Bất cứ mọi chuyện trong công sở cần giải quyết, ký kết giấy tờ làm ăn đều tụ tập hết trên bàn nhậu, nên trẻ già dường như phải biết uống, mặc dù có nhiều ông đau dạ dày, cháy hết lá gan nhưng cũng mặc kệ, uống như một phong trào tân tiến, cần thiết nhất hiện nay, không thể bỏ qua được.

Nói xong, chị cất tiếng thở dài.  

Như sực nhớ đến điều gì, Hựu quay nhìn quanh nhà:

- À! Sao gần đến tết nhứt rồi, em không thấy chị mua sắm gì cả vậy.

Chị Tấn cười lớn:

- Tết sau này đâu còn làm như trước nữa, đặt người ta làm hết. Vậy cho khỏe, chứ lo lu bu với mấy thứ đó mất cả thì giờ.

Hựu lắc đầu nhìn chị Tấn. Mặc dù không nói ra nhưng Hựu thấy tết không còn ý nghĩa gì nữa, nếu nhà nhà không chuẩn bị những món ăn ngày tết như xưa. Hựu vẫn còn nhớ, ngày cha còn sống, mặc dù mẹ không còn, nhưng ông cũng ráng đón xe đò ra Đà Nẵng mua nhành mai, hoặc gói vài đòn bánh tét cúng ông bà trong mấy ngày tết.

Tắm rữa ra, thức ăn chị Tấn đã hâm lại nóng. Hựu không chịu được mùi cá chuồn do chị nấu, nhưng sợ chị buồn, Hựu giả vờ gắp vài miếng cá bỏ vào miệng nuốt ửng không kịp nhai. Đã mấy  lần Hựu muốn nôn lên trong miệng, nhưng chàng cố nuốt vội. Chén cơm chỉ vơi lưng chừng bát, Hựu gác đũa đứng lên bảo còn mệt sau chuyến bay xa nên ăn chưa biết ngon miệng. Chị Tấn gật đầu đồng ý với Hựu:

- Thôi hãy để cho thật khỏe trong người rồi ăn uống, chứ mệt như thế chị sợ đâm thêm bệnh.

Chị kêu con rót nước cho cậu. Thằng nhỏ đang ngồi chơi đàn nghe mẹ gọi, buông cây đàn xuống bên cạnh, đứng dậy bước ra sau bếp. Một lúc hai tay bưng ly chè tươi lễ phép đưa cho Hựu. Đã lâu lắm, Hựu quên bẵng mất mùi nước chè tươi này. Trước đây cha cũng thường uống loại nước chè, bỏ thêm củ gừng đập giập vào chè, xong đổ nước sôi vào. Mùi nước chè tươi mới rót nước đầu, hăng hắc mùi chè. Nhưng đến nước thứ hai, trước khi uống Hựu phải cầm ly nước chè thật sát vào mũi để ngửi mùi thơm ngát của gừng của những ngọn chè tươi nấu chín.

Thấy Hựu không nói năng trở nên im lặng, chị Tấn sai con lên lầu lấy mấy cuốn abum trong ngày đưa đám ma ông ngoại cho cậu xem.

Thằng cháu ôm hai cuốn abum nặng trịch. Hựu đưa tay đỡ cho nó. Thằng nhỏ đứng bên cạnh cười cười chẳng biết nói gì hơn.

Hựu chăm chú cúi nhìn những tấm ảnh trong ngày tang của cha. Hình  ảnh đầy đủ trong ngày đưa tiễn cha ra phần mộ. Tấm hình chị Tấn đưa tay vuốt mắt cha Cần được phóng rõ ràng. Đôi mắt ông không nhắm lại, mở trừng trừng. Chị Tấn cầm tay Hựu giữ lại bức hình. Chị nói:

- Tấm hình này là lúc cha đã chết, nhưng đôi mắt ông không chịu nhắm.  Chị nghĩ cha nuối em, nên không đành lòng nhắm mắt ra đi. Trước ngày cha chết, chị đánh đến mấy cái điện tín nhắn em phải về gấp, nhưng em vẫn bặt tăm, không gởi về nhà lấy một câu. Cha nằm trên giường bệnh, nhưng lúc nào thấy chị vào, cha cũng hỏi:

- Hựu, nó sắp về đến nơi chưa con? Tội thằng nhỏ, qua bên đó quay đi quay lại một thân một mình, cha nhớ nó quá thể. Chắc chắn nhận được tin cha, nó tuông về ngay, hả con.

Trong tim cha, lúc nào em cũng là thằng nhỏ xíu ngày nào. Cha thường ao ước, một ngày nào đó em sẽ trở về sống bên người như trước đây. Chị khuyên ông hoài không chịu nghe. Cha nói em mất mẹ từ ngày còn nhỏ, nên cha dành hết tình thương yêu vào em.

Nhưng sao em nhận được điện tín của chị đánh qua không chịu về thăm cha?

Nói xong chị ngẩn đầu nhìn Hựu với đôi mắt dò xét.

Hựu không biết phải trả lời thế nào cho chị hiểu. Chàng im lặng cúi đầu không nói. Còn nỗi buồn nào bằng. Có lẽ khi Hựu nói ra, cũng chẳng cứu cánh gì. Tất cả những lỗi lầm đều tự do Hựu mà ra. Hựu là đứa con thờ ơ với tình thương yêu, hy sinh đùm bọc của cha. Một đứa em chỉ biết sống riêng rẽ cho mình, mà không hề nghĩ đến cuộc sống của người chị và các cháu ở quê nhà.

Bên kia, đời sống quá ư chuộng về vật chất, nên khi lấy xong mảnh bằng trong tay, Hựu chỉ biết cặm cụi vui lòng vợ con quên đi bổn phận với cha của mình, quên đi chị Tấn.

Hà, người vợ cha chưa từng thấy mặt, đã xé hết điện tín để Hựu mảy may không hay biết số phận người cha mình. Hà đã vất hết những tin tức từ bên nhà gởi qua cho Hựu. Hà sợ khi bắt được tin nhà gởi sang, số tiền Hựu mang về cho cha sẽ không còn tiền để Hà sửa sắc đẹp. Có lần Hà bảo Hựu

- Anh cưới em, em chỉ biết có thế. Còn nói về những người trong gia đình của anh, em chẳng muốn chúng mình đề cập đến. Mất cả hạnh phúc.

Hựu vẫn còn nhớ, có một lần nhận được thư cha kèm theo tấm hình ông chụp ở trong quê. Cha vẫn mặc quần ông cao ông thấp, vấn cao lên đầu gối. Biết mình đang đứng chụp hình gởi cho con nhưng cha vẫn không thay đổi, nụ cười thoải mái, tay cầm điếu thuốc lá. Chị Tấn bảo chụp hình gởi cho Hựu, nhớ mặc áo quần tươm tất, nhưng ông bảo:

- Cứ mặc kệ cha, mặc như ri thằng nhỏ mới nhớ cha chứ! Thay đổi bộ dạng làm chi cho họ cười.

Dù Hà chưa một lần gặp mặt ông, nhưng nàng không thích cha chồng chút nào, Hựu đưa hình của cha mình chụp chung với chị Tấn cho Hà xem, đứa con dâu chỉ hứ lên một tiếng, vất lại cho Hựu:

- Trời ơi! Sao cha anh quê mùa dữ vậy. Thời buổi văn minh như vầy rồi, ông vẫn còn mặc áo quần thấy không giống ai cả. Còn bà chị của anh, tuổi chưa bao nhiêu sao giống như bà già trầu không bằng.

Kể từ đó, mỗi lần nhận được thư cha, Hựu không hề đề cập đến với vợ. Chàng chỉ biết thở dài, cảm thấy đau nhói trong người, mang nỗi buồn thấm thía. Hựu cũng không thể nào hiểu nỗi mình, tính tình Hà như thế, sao Hựu không chịu ly dị người vợ quá ích kỷ như Hà, để cúi đầu sống với nhau qua nhiều năm dài đằng đẳng.

Nghĩ kỹ lại, Hựu thật bất hiếu đối với cha. Trong thời buổi khốn khổ, cha đã còng lưng ngồi đan từng chiếc rỗ, vót từng đôi đủa tre đem ra chợ bán, tuy không bao nhiêu, nhưng ngày tháng gom góp lại, cha cũng đã để dành được số vốn đáng kể nuôi Hựu ăn học. Đối với chị Tấn, Hựu cũng không sống đúng cương vị người em. Cha và chị đã sống cuộc sống khổ cực từ nhiều năm qua, bữa đói bữa no hy sinh cuộc đời họ để nuôi Hựu, nhưng Hựu không mảy may nhìn lại. Trong lúc đó, Hà mua sắm nhẫn kim cương theo kiểu mới hợp thời trang. Bao nhiêu tiền lương của Hựu đã đổ khá nhiều vào những tiệm kim cương, nhưng Hà vẫn không bằng lòng. Niềm vui của Hà, cuối tuần ra phố mua sắm, se sua với bạn bè. Nhìn lại, Hựu thấy những chiếc áo dạ hội của Hà, số tiền một chiếc áo đó có thể nuôi sống cha và chị Tấn cùng con trong vòng một năm, sống theo nghĩa sung sướng chứ không cần tần tiện. Hôm nay, khi Hựu nhìn lại, thì đã quá muộn. Ngay cả đám ma của cha, Hựu cũng không về bịt chiếc khăn tang lên đầu trả hiếu cho cha. Nghĩ đến, nỗi ân hận đau nhói trong lồng ngực. 

Từ ngày chớm biết khôn, Hựu đã không có mẹ bên cạnh. Nhưng tình cha đối với Hựu, chàng nghĩ còn mênh mông rộng lớn hơn biển Thái Bình, lòng cha còn cao chất ngất hơn ngọn núi Thái Sơn nữa, nhưng đổi lại tình Hựu đối với cha chẳng khác chi dòng sông trăm nhánh, chỉ biết chảy xiết đi chứ không muốn quay về. Khi biết ân hận, cha đã không còn để nghe dù chỉ một lời tạ tội của Hựu đối với cha. Nghĩ đến đây, không cầm được lòng, Hựu gục đầu trong cánh tay chị khóc nức nở như đứa bé.

.. .. .. .. ..                                                   

Thức giấc, sau cơn ngủ khá dài đầu óc còn ngây ngất trong chuyến bay vừa qua, nửa tỉnh nửa mê. Nhờ chiếc mùng màu lính bao quanh giuờng, gối hai tay lên đầu Hựïu sực nhớ mình đang nằm ngủ ở nhà chị Tấn. Từ căn buồng nhìn ra ngoài cửa, Hựu thấy chị Tấn đang lăng xăng dọn dẹp nhà cửa. Bật người ngồi dậy, sáng nay Hựu có ý định đưa thằng cháu ra phố làm lại tấm hình thờ cha trên bàn thờ. Tấm hình thật cũ do Hựu mang về, vẻ mặt tươi cười của cha, quần ống cao, ống thấp sống động như những ngày cha còn sống. 

Một lúc hai cậu cháu quần áo tươm tất, thằng nhỏ lấy miếng vải lau qua ghế xe, phân trần:

- Xe này của ba cháu, ông ít khi chùi, chỉ trừ lúc nào cháu cần mượn đỡ, sợ tụi bạn chọc quê, cháu lau sơ qua mới đi. 

Hựu leo lên ngồi sau lưng thằng nhỏ, dặn cháu:

- Cậu chưa quen ngồi xe gắn máy, cháu chạy chậm thôi nghe.

Không nghe thằng cháu trả lời, chỉ nghe thằng nhỏ cười khúc khích.

Đà Nẵng gần tết tiết trời se se lạnh. Chiếc áo dài tay không đủ ấm, nhưng Hựu lười biếng leo xuống xe vào nhà lấy thêm áo. Hai cậu cháu ghé kêu hai ly cà phê đen nơi cuối ngõ. Ly cà phê Trung Nguyên màu đen thật đúng nghĩa, đắng chát quặn lại trong miệng. Biết không thể nào nhấp đến hớp thứ hai, Hựu ngồi nhìn thằng cháu. Thằng nhỏ lôi trong túi áo lạnh gói thuốc lá, hai tay đưa mời Hựu. Chàng lắc đầu, nhìn thằng cháu châm điếu thuốc hít một hơi dài, ngước đầu nhã khói lên từng vòng tròn nhỏ, uống hớp cà phê coi bộ rành nghề. Làm Hựu nhớ lại tuổi của mình ngày đó, cũng ưa bắt chước người lớn, nhưng khổ một nổi không có tiền trong túi, chỉ hút ké với mấy thằng bạn nhà khá giả có lắm tiền hơn trong túi. Nhưng vẫn được mấy cô gái đẹp chiêm ngưỡng.

Hựu quan sát cháu một lúc, cười hỏi:

- Cháu năm nay mười chín, bắt đầu hút thuốc lá năm nào?

Vẫn có giọng cười trước khi nói, thằng nhỏ ngập ngừng:

- Dạ cháu... bắt đầu hút ... với mấy đứa bạn cùng lớp, khoảng hai năm nay thì phải.

- Thấy thuốc ngon không?

Thằng nhỏ nhún vai, hất mái tóc rất nghệ sĩ, búng ngón tay cười.

- Đôi lúc không phải ngon, nhưng hút để các cô chú ý.

- À thì ra thế.

Nói xong, HựÏu chợt so sánh tuổi thằng cháu với tuổi của mình ngày đó. Làm gì Hựu có tiền ra quán uống cà phê, hút thuốc để cho các cô nhìn. Mười chín tuổi, vừa đi học, vừa đi kèm con mấy ông nhà giàu học thêm. Cha dường như lúc nào cũng hãnh diện về Hựu. Có đám giỗ hay đám kỵ nào trong dòng họ, cha thường đem Hựu ra khoe:

- Thằng nhỏ tuy mất mẹ sớm nhưng được cái biết lo học hành. Tui mới nhận được thư từ trong Sài Gòn gởi về, năm ni thằng nhỏ đi dạy rồi.

- Rứa hắn có gởi tiền về giúp bác không rứa?

- Thỉnh thoảng cũng có chơ. Nhưng thôi tui viết thư dặn thằng nhỏ cứ để tiền mà lo học hành để đổ đạt với người ta. Tui già rồi không cần mua sắm chi.

- Nhưng bác cũng phải nói cho hắn biết mặc dầu ở ngoài này bác không mua sắm chi, nhưng phải gởi về số tiền, ít nhiều chi cũng được lỡ khi đau ốm chứ bác.

- Ôi, lo chi ba cái việc đó, tui mạnh cụi cụi đau ốm chi mà lo...

Nói xong, phì phà điếu thuốc lá trên môi coi bộ hãnh diện với bà con xóm giềng dữ. Nhưng thật ra, Hựu có bao giờ gởi về cho cha đồng nào đâu. Làm được bao nhiêu, Hựu mua sách vở lo đóng tiền học, sạch bách, cọng thêm số tiền cha gởi vào hàng tháng, vậy mà cũng chẳng đủ thiếu vào đâu. Nhưng ít nhất cha cũng đã lo cho chàng ăn học, thành tài như bao nhiêu người khác, mặc dù cuộc sống của cha không dư dã tiền bạc như những gia đình Hựu đã gặp.

Chợt nhớ những công việc cần làm cho buổi sáng nay, Hựu đứng dậy móc túi, đưa tiền cho thằng cháu trả. Đồng tiền ở đây quá cao, Hựu thấy mình chẳng khác gì mấy ông lính Đại Hàn trước đây, cầm đồng tiền trên tay coi bộ lúng túng lạ.

Tiệm hình cậu cháu đến nằm ở góc đường Phan Chu Trinh. Thằng cháu bảo Hựu chờ cho nó gởi xe. Trong tiệm, cô con gái cỡ đâu bằng tuổi thằng nhỏ, mái tóc đen dài tha thướt ngóng người nhìn ra, cười cười. Thằng nhỏ coi bộ làm tỉnh, nhưng không giấu được cử chỉ lúng túng của nó. Hựu nhích tay cháu:

- Coi bộ cháu rành tiệm này dữ há.

- Dạ, cô bạn học cùng lớp với cháu.

- Thế có giảm tiền sang hình cho cậu cháu mình không?

Thằng nhỏ đỏ mặt, cúi đầu, cười.

Đưa tấm hình cho cô bé, Hựu đùa

- Văn học cùng lớp với cháu, phải không? Vậy cháu tính tiền đặc biệt cho cậu cháu tôi chứ!

Cô bé không giấu được vẻ mắc cỡ trên mặt, trả lời lí nhí trong miệng:

- Dạ, có cháu... không dám tính đắt đâu.

Trả tiền xong, Hựu căn dặn:

- Khoảng một tiếng sau, Văn đến lấy hình cho cậu

- Dạ.

Hựu bảo cháu đưa đến tiệm bán xe gắn máy. Thằng nhỏ nhìn Hựu đầy ngạc nhiên, nhưng không hỏi thêm câu nào.

Chọn chiếc xe gắn máy nằm sát cửa, Hựu hỏi giá bao nhiêu, Thằng nhỏ bấm tay chàng ra dấu:

- Cậu ở đây người ta nói với giá rất cao, nhưng cháu biết hết giá cả rồi. Hôm trước đi theo ba thằng bạn của cháu, ông mua với giá bốn ngàn đồng. Xe xịn đó cậu. Nhưng cậu hỏi để làm gì?

Hựu không nói, chỉ nhìn thằng nhỏ cười.

- Cháu thích màu gì, cậu mua cho cháu.

Thằng nhỏ lắc đầu. Hựu cầm tay cháu:

- Thích màu gì, cháu cứ việc chọn.

- Cháu không dám nhận đâu cậu, mẹ la chết.

Biết không làm cách nào để biết thằng nhỏ thích màu gì, Hựu cười hỏi:

- Nếu cậu mua cho cậu, vậy nên lấy màu gì nào.

Thằng nhỏ mặc mưu Hựu. Nó chỉ về chiếc xe trước tiệm:

- Màu đó của người lớn tuổi. Còn chiếc xe màu xanh nầy, dành cho tuổi của cháu thôi.

Nghe xong, Hựu khoát tay ông chủ tiệm, hỏi giá cả. Ông có vẻ ngập ngừng khi nghe Hựu hỏi giá, nhưng Hựu đã chận lại:

- Tuần vừa rồi, ông bán chiếc xe giống như vậy, giá bốn ngàn chứ gì.

Ông gật đầu

- Dạ, như thế ông đã mua trước đây rồi? Giá quá rẻ đối với chiếc xe ngoại, nhưng ông đã biết giá cả, tôi phải bán mặc dầu không kiếm được lời bao nhiêu.  

Hựu bước đến bàn giấy của ông ta, dặn dò:

- Tôi mua ngay, nhưng nhờ ông cho người đem theo tôi về nhà.

Ông ta bằng lòng cầm lấy tiền Hựu đưa, gọi người làm trong tiệm.

- Con chạy xe đem tận nhà cho ông khách.

Thằng nhỏ vẫn còn ngẩn ngơ nhìn cậu. Vừa mừng vừa ngạc nhiên, nhưng không nói câu nào, nụ cười trên môi.

Trả Tiền xong xuôi đâu vào đấy, Hựu dặn thằng bé chờ cho cậu cháu mua thêm vài món hàng khác kế bên cạnh bán xe gắn máy.

Thằng bé làm cho tiệm xe chạy theo Hựu về nhà. Hựu móc túi thấy còn tờ giấy năm chục ngàn đưa cho thằng bé làm quà tết. Hai cậu cháu với cành mai vàng trên tay, ôm những gói quà khệ nệ bước vào nhà. Chị Tấn ngơ ngác nhìn chiếc xe gắn máy mới kít. Chưa kịp hỏi. Hựu đã nhanh nhẹn leo lên bực tam cấp, cười.

- Em mua cho Văn làm quà tết.

Chị Tấn đứng sững nhìn chiếc xe, nước mắt nhỏ giọt

- Em mua chi cho cháu món quà lớn như thế. Để tiền dành dụm cho các cháu ăn học bên đó chứ.

Hữu quay người ôm chị trong cánh tay.

- Em mua cho cháu món quà tết, để tạ tội với chị. Tuy không nói ra và cũng chẳng biết nói thế nào, bởi vì mọi chuyện đã quá muộn. Khi về đến cha đã không còn, nỗi ân hận thấm buốt trong lòng, em thật có lỗi với cha, và cả với chị. Đã từ lâu, em chỉ biết sống cho riêng em, không hề nghĩ đến cha. Nợ hiếu thảo của em đối với cha, đối với chị trả hoài không hết. Chị đã thay mặt em săn sóc cha trong những ngày còn lại không một câu phàn nàn. Em lớn lên không có mẹ, chỉ có cha và chị bên cạnh. Không hiểu sao khi em xa gia đình, quên mất đi bổn phận, trả hiếu cho cha, trả ơn chị những ngày thay mẹ săn sóc em. Mỗi lần nghĩ đến, em thấy mình quá ích kỷ. Ước gì cha còn sống để em được đền đáp trả công ơn cha. Hơn bốn mươi tuổi đời, nhìn lại mới thấy em quá ư hờ hững vô tình. Nhưng có hối hận cha cũng đã mất. Hôm nay về đây, em chỉ xin chị cho em làm những gì để đền lại những hy sinh của chị đối với em, để cha còn tha thứ cho em. Món quà cho cháu, thật ra không đáng để em đền bù lại tình thương yêu của chị, nhưng xin chị để cho em thấy an tâm, vơi bớt nỗi ân hận khi về thăm anh chị và cháu.

Nghe những lời Hựu nói, chị Tấn run rẩy ôm em khóc òa.

- Ngay lúc cha còn sống  cũng không hề trách móc em. Cha luôn luôn nhớ mong em và ước muốn gặp lại em trước khi cha mất, nhưng hoàn cảnh đã như vậy, chị nghĩ cha nay đã hiểu, mặc dù cha đã không còn. Riêng chị, em lúc nào cũng vẫn là đứa em chị thương yêu, Hôm nay em về được thắp nhang trên mộ cha chị vui lắm rồi, đấy cũng là niềm mong muốn của cha trước khi mất. Ngày mẹ mất em còn quá dại, chị may mắn hơn đã từng được mẹ ôm ấp trong tay, nhưng em thì không. Bao nhiêu tình thương của cha và chị đều dồn vào cho em, để khi em lớn lên khỏi thấy tủi thân vì không hề nhìn thấy mẹ, không biết mặt mẹ ra sao. Thế nên chị không thương em thì trách móc làm gì. Nhà chỉ còn hai chị em, em có dịp về thăm nhà chị vui lắm. Đừng suy nghĩ thêm nữa. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm, chị cảm thấy chị quá hạnh phúc, bởi vì bên chị đang có em trở về chung vui cùng gia đình trong những ngày tết. Chị không dám trông mong gì hơn nữa.

Hựu cầm chặt tay chị, lòng xúc động nhưng rộn vui. Bên cạnh thằng cháu đang lay hoay ngắm nhìn chiếc xe mới. Có tiếng reo mừng sau lưng:

- Hựu phải không?

Hựu quay lại. Anh Lạc vất xách xuống đất, hai tay ôm chầm Hựu:

- Nè, hơn hai mươi mấy năm mới gặp lại em. Nghe tin em về, mấy ngày công tác ngoài Hà Nội anh thật nôn nóng, nhưng càng trông càng thấy ngày dài thêm ra. Vừa xong việc, anh leo tuốt lên máy bay ngay.  

Tối nay, cho anh em tôi một bữa thật say, chắc em không phiền chứ.

Anh quay lại cười hỏi chị Tấn.

Chị cười, gật đầu:

- Chuẩn bị thức ăn cho hai anh em rồi.

Nhìn anh chị tay trong tay bên nhau, Hựu chợt thấy vui lây theo niềm vui trong không khí của gia đình.

Lần đầu tiên sau bao năm xa cách, Hựu hân hoan đón tết tại quê nhà. Nhìn lên tấm hình cha được phóng lớn trên bàn thờ, quần ống cao ống thấp, với nụ cười hỉ hả của cha, Hựu có cảm tưởng cha đang về chuẩn bị đón tết với gia đình.

Rót ly rượu đặt lên bàn thờ cúng cha, rót thêm ly rượu màu hổ phách cầm trên tay, Hựu thì thầm:

- Cha con mình cụng ly.

Chợt nghe cay cay trong mắt. Giọt nước mắt nhỏ giọt xuống bờ ly, Hựu ngước nhìn hình cha, thì thầm:

- Tha lỗi cho con. Xin cám ơn cha một đời...

 

           Quách Y Lành

      Tỏng thư ký báo Dân Quyền/OK