THƠ NGUYỄN ĐÔNG GIANG: DÒNG SÔNG RA BIỂN U TRẦM
THÁI TÚ HẠP
Từ khi chúng tôi đến định cư tại Los Angeles, nhìn trên bản đồ thấy có dòng sông San Gabriel, chúng tôi tưởng tượng chắc thơ mộng không kém như sông Hương, sông Đà và sông Thu Bồn của quê hương mình. Nhưng càng ngày chúng tôi khám phá ra thực tế dòng sông San Gabriel đã cạn khô từ bao giờ, đã biến thành cống rãnh thoát nước vào những mùa mưa thác lũ. Chúng tôi vốn yêu những dòng sông từ thuở ấu thơ. Sông như người tình thủy chung. Vì ở mỗi dòng sông, chúng tôi khám phá ra mọi chuyện, từ triết lý nhân sinh quan đến nguồn cảm hứng thi ca nghệ thuật tuyệt vời. Thiếu dòng sông là thiếu tất cả.
Thuở ấu thơ bơi lội trong dòng sông quê hương, chỉ biết Thu Bồn mơ hồ qua sử liệu địa lý, ghi nhận ngọn nguồn phát xuất từ ngọn đỉnh Hòn Kẽm Đá Dừng trên dãy Trường Sơn mịt mù thăm thẳm.
Sông Hồng từ non cao ngút ngàn sơn lâm Trung Quốc. Cửu Long băng qua trùng điệp đỉnh trời Tây Tạng mù xa. Chúng ta chỉ đơn giản ôm ấp mãi trong lòng những tên núi tên sông khép kín trong lũy tre làng, có hay chăng những dòng sông đã biệt nguồn bỏ đất, họp mặt tao phùng ngoài biển khơi bát ngát từ mấy nghìn năm. Lớn lên va chạm với đời đầy nhiễu nhương hư ảo. Đôi khi thu thúc cho tâm mình tĩnh lặng, không biết mình là sông hay núi, chỉ thấy một vầng trăng quê hương ở trong tâm mình nguyên vẹn thủy chung.
Con đường lưu vong dần rồi cũng quen. Như con ngựa già gõ nhịp trên lối mòn, chẳng có gì mới lạ. Nắng chiều hắt hiu qua thềm núi mới cảm thấy mình cô đơn thèm nhớ đến vài đợt khói bay trên mái lá quê nghèo. Thèm nhớ đến dòng sông Thu Bồn thân yêu nơi cố quận.
Chợt từ một hạnh phúc bất ngờ, khi chúng tôi nhận được bản thảo tập thơ Vô Lượng Tình Sầu của nhà thơ đồng hương Nguyễn Đông Giang - hay Hàn Giang bên kia sông Đà Nẵng. Gần cả trăm bài thơ nhưng tâm anh vẫn quay về một hướng - như hoa hướng dương hướng về phía mặt trời - những địa danh thân yêu anh đã vực dậy từ trong tiềm thức chúng ta, những nơi chốn ruột rà thân thiết: Hà Thân, An Hải, Mỹ Khê, Đà Nẵng, Hội An, Tân Thái, Sông Hàn,.., mỗi tên gọi là vùng kỷ niệm dấu yêu của một thời mộng mơ đầy trắc ẩn ngọt ngào đắng cay.
.....
Chiều cuối năm ta lên đò qua sông
Gió thổi hiu hiu nắng úa bên lòng
An Hải ơi! Xin mừng ta trở lại
Thuở ấu thời, con ngựa già long đong
Ôi đời ta, đời buồn như mùa đông
Râu tóc hắt hiu cái rụng cái còn
Già nửa đời người dạn dày lận đận
Chợt nghe hồn vừa nở những nhánh bông
Có ai đợi, ta trên còn đò cuối năm
Ôi, chỉ bóng ta chao bóng nước xuôi dòng
Mật mũi tiêu điều theo phần đời gió nổi
Cái đời buồn như nước chảy trăm năm
Thêm một mùa xuân ta già thêm một đỗi
Tim phổi héo hon theo ngày tháng vô tình
Cũng gắng quay về nằm trên đất Mẹ
Chúa đã buồn nhưng ta lại buồn hơn
Đã mấy mươi năm ta hát khúc tiêu dao
Đời còn ai là bậc anh hào
Chẳng lẽ cười khi thế sự lao đao
Ta cứ dửng dưng như không có gì
Giả bộ yêu đời như mọi khi
Dan díu đời ta những thơ cùng rượu
Còn nắng còn mưa nên chẳng thiết gì
Nghĩ quẩn nghĩ quanh thêm buồn đời thi sĩ
Hương khói nhà ai chạnh nhớ quê nhà
Thôi chào em, chào con đò năm cũ
Trôi vào xuân - ta, lòng rụng xót xa
(Ngày về, qua đò cuối năm)
Anh mơ về thăm quê hương, bằng trí tưởng và cảm thấy lòng mình cũng vừa chùng xuống với bao nỗi xao xuyến hạnh phúc trong phút giây.
Câu thơ "Hương khói nhà ai chạnh nhớ quê nhà" của Nguyễn Đông Giang làm cho chúng tôi liên tưởng đến hai câu cuối bài thơ Hoàng Hạc Lâu của thi hào Thôi Hiệu,
..
Nhật mộ hương quan hà xứ khứ
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
..
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai..
(Tản Đà dịch)
Hơn cả ngàn năm trước, bài thơ Hoàng Hạc Lâu, bây giờ đọc lại vẫn còn mới lạ, chẳng khác như chúng ta về nỗi nhớ nhà của tâm trạng người viễn xứ tha phương.
Trước năm 1975, tên tuổi Nguyễn Đông Giang thực sự không xa lạ trong giới sinh hoạt văn học nghệ thuật, qua những tác phẩm của anh được chọn đăng trên các tạp chí Văn Học xuất bản ở Sài Gòn. Thơ của Nguyễn Đông Giang bàn bạc những nét hào sảng, ngang tàng nhưng không kém chân thật của bản chất người Quảng Nam, vẫn nguyên vẹn thủy chung, có sức truyền cảm khá mạnh mẽ:
...
Em cứ tin - ngày mai phải đến
Anh của em - của cả mọi người
Còn cánh tay - anh còn đóng góp
Chút hơi tàn - cùng với trái tim
(Cho em từ ngày về)
...
Theo gió bay ngang dọc địa cầu
Nhớ Chu Pao đỉnh đồi gió hú
Hồn về Tân Cảnh hay về đâu?
Bay về đâu những hồn tử sĩ
Tấm lòng Thục Đế khóc núi sông
Những kẻ sinh ra thời máu lửa
Đời đã cưu mang chữ tang bồng
Kontum bốc hơi mùi tử biệt
Máu đỏ ngầu trên dòng Dapta
Xác ta - xác địch bên sông lạnh
Kinh Kha một đi chẳng hẹn về
Không về là hết đời ngang dọc
Hào khí bừng lên hồng sử ca
Khăn tang quấn trắng trời đô thị
Tang tóc lòng ai - giữa quan hà
Tang tóc lòng ai nơi chiến địa
Lẽ nào hảo hán bỏ ta đi
Chiến tranh! Ừ nhỉ - vô tình quá
Để lại nhân gian những nỗi sầu...
Đã có một thời anh đã lên đường chinh chiến và dâng hiến cho Tổ Quốc một bàn tay thân yêu. Trong cuộc chiến lúc nào Nguyễn Đông Giang cũng nêu cao hào khí của quân trường Võ Bị Đà Lạt, lúc nào cũng ôm ấp trong lòng giấc mộng tang bồng hồ thỉ. Nhưng thực tế chỉ có ước mơ bình thường không bao giờ toại nguyện - Đất nước thanh bình tự do thực sự - để anh trở về sum họp gia đình, xây dựng lại quê hương trong điêu tàn đổ nát:
...
Ngày nào đó hương thơm từng nấm mộ
Tôi bùi ngùi giẫy cỏ nhớ thương
Người đã chết xin muôn đời hãy sống
Trong lòng người trong lòng đất quê hương
...
Ngày nào đó lũ chim về lót ổ
Trong vườn cây đầy trái ngọt xanh tươi
Tôi hôn khẽ lên bàn tay còn lại
Bâng khuâng nghe như có giọng ai cười...
(Cho tương lai bắt gặp)
Thi tập Vô Lượng Tình Sầu, nhà thơ Nguyễn Đông Giang chia ra làm ba thời điểm sáng tác: Thơ Viết Ở Quê Nhà Sau 1975. Thơ Viết Trên Đường Lưu Lạc. Và Thơ Viết Trên Đường Tạm Dung. Mỗi chặng đường sáng tạo là mỗi dấu tích ngậm ngùi, xót xa thân phận của kẻ ly hương lạc loài nơi đất khách.
Từ thuở mới bước chân vào ngưỡng cửa trung học, chúng ta đều hiểu, cho dù phải lên đoạn đầu đài, nhà bác học Galileo vẫn không thay đổi quyết định tuyên bố: Quả đất tròn. Điều đó, đã chứng minh khi chúng ta vượt qua đại dương định mệnh, thả trôi như chiếc lá giữa mênh mông đầy dẫy bao nhiêu hiểm nguy kinh hoàng, đầy giông bão, đầy máu và nước mắt để mong được đến bến bờ tự do - Sự sống quả thật là một nhiệm mầu không thể lý giải được. Để rồi chúng ta trùng phùng nơi xứ sở an bình như một phép lạ không thể nào tưởng tượng. Ngay khi chúng ta cùng chung trên quê hương trong thời chinh chiến, gặp nhau không phải là chuyện mong ước dễ dàng.
Nhưng đi chỉ là thân xác, còn tâm thì cứ mãi hướng về nơi đất Mẹ. Không có nơi nào đẹp bằng quê hương, vì ở đó, có mồ mả cha ông, có kỷ niệm một thời không phai nhạt, như vốn liếng ngọc ngà cất giấu, một đời trong tâm trí. Nghe tin quê nhà Hiền Giằng, Thượng Đức nước lũ cuốn trôi. Nghe bão giông tàn phá xóm nghèo Bàng Thạch, An Hải, Trung Phước... nghìn trùng cũng xót xa lòng dạ.
An Tiêm có chập chùng biển sóng rồi cũng nhớ về. Thi hào Hạ Tri Chương có bạc đầu cũng về nương cố quốc. Aleksandr Solzhenitsyn cho dù có tôn vinh Nobel lẫy lừng trong thiên hạ, rồi cũng buông bỏ trở về dựng xây đất nước khi khí hậu chính trị đổi thay.
Quê hương là thứ tình cảm thiêng liêng không thể phân tích được. Quê hương là nơi chốn trở về, như chiếc nôi êm thời thơ ấu. Nơi lưu dấu những hình ảnh thân thương một đời thơ mộng nhất. Cánh hoa vàng bên hàng dậu, những con đom đóm bên bờ ao. Tiếng chim cu gù trên khóm tre già nghiêng ngả vào những buổi chiều nắng vàng hiu hắt bên sông. Không có ngôn ngữ nào diễn tả cho hết được cái vi diệu tuyệt vời đó. Nên cho dù người có thù hận dài lâu, chúng ta vẫn bao dung trở về vì ruột rà cốt tủy dấu yêu, như tâm trạng của Nguyễn Đông Giang:
Ta về sông núi có hay?
Người xưa trở lại - sau ngày biển dâu
Ta về tóc bạc mái đầu
Cúi hôn miếng đất chôn nhau của mình
Vô tình - trời đất lặng thinh
Như chim hoàng hạc - nghĩ mình mà đau
Ta về biết còn có nhau
Vầng trăng cổ lụy - ngả màu tháng năm
Chiến tranh lót ổ ai nằm
Mà người năm cũ xa xăm vô cùng
Ta về mây vẫn trắng bay
Còn ta chưa hết - những ngày lưu vong
...
Ta về - Tổ quốc còn đau
Nước non vẫn vậy - vẫn màu tang thương
Em ơi! Đời vốn đoạn trường
Lối xưa đã rụng - vấn vương thêm buồn
Ta về - ngựa cũ qua truông
Xoải chân thổ mộ - bước buồn trăm năm
Quê hương! mảnh đất - mẹ nằm
Tha hương! nhớ quá về thăm cho cùng
Ta về - gom hết - nhớ nhung
Đem san sẻ lại cho từng nỗi đau
(Em ơi! Đời vốn đoạn trường)
Không về thì nhớ nhung quay quắt, mà về thì xa xót từng nỗi đau. Có bao giờ chúng ta vừa lòng với cuộc sống và có bao giờ chúng ta toại nguyện với hàng triệu cây trong rừng phải thẳng lối như hàng cau. Và cứ thế chúng ta cứ quẩn quanh khổ đau, triền miên bất mãn, vì không thể thay đổi thế gian để cho nó thích ứng ý muốn của chúng ta với hy vọng có thể biến cải tâm trí trong ý hướng mưu tìm hạnh phúc. Nếu có, chỉ khi nào chúng ta phải vượt qua thống khổ để thực hiện những nghĩa cử từ ái tha nhân, tâm của chúng ta mới thực sự an lạc. Nhà thơ Nguyễn Đông Giang đã thẩm thấu cái vi diệu của triết lý Đông Phương:
...Tự nhiên ta thấy hiền như
Phật
Thiên hạ đua chen nghĩ mà thương
Nô lệ - Tự do đời gió thoảng
Mang mang trăng rụng cõi vô thường
Ta yêu tha thiết nỗi bình yên
Giơ tay từ giã cuộc ưu phiền
Ai hát vi vu bên bờ mộng
Hả miệng cười ngao cuộc ngửa nghiêng
(Vô cùng)
Tiếng cười sảng khoái của Nguyễn Đông Giang làm cho chúng ta chạnh nhớ đến tiếng kêu dài lạnh đến hư vô của thiền sư Không Lộ:
Trạch đắc lòng xà địa khả cư
Dã tình chung nhật lạc vô dư
Hữu thời trực thượng vô phong đỉnh
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư
...
(Chọn nơi địa thế đẹp sông hồ
Vui thú tình quê quên sớm trưa
Có lúc trèo lên đầu chót núi
Kêu dài một tiếng lạnh hư vô..)
Khi đã lên tới đỉnh cao với tay đùa với mây trời là lúc tâm đã hòa nhập cùng đất trời huyền nhiệm, thì nỗi sầu vô lượng của nhân thế cũng đã tan vào hư không. Từ đó thi nhân đã nhận ra bản chất ngôn ngữ là hiện tượng sinh diệt vô thường. Thơ đã thăng hoa, đã thoát ra khỏi biên giới của bản ngã và cảnh sống hạn hẹp nơi trần thế đầy khổ lụy. Tuy nhiên, tất cả đều không phải vậy! Tiếng vọng từ cuộc Vô Lượng Tình Sầu của nhà thơ Nguyễn Đông Giang vẫn còn vương vấn trong tiềm thức chúng ta, những âm hưởng tuyệt vời, như tiếng gọi đò quen thương từ bên kia bờ sông An Hải, một ngày đầu Xuân trở lại quê nhà!
Ngôn ngữ và không gian thơ Nguyễn Đông Giang quá mênh mông sâu sắc, những suy tư tỉnh thức của người nghệ sỹ lạc loài nơi viễn xứ. Tâm lúc nào cũng hướng về một nơi chốn thân thương - như dòng sông tương tư một vầng trăng nơi cố quận - chúng ta đã tìm thấy đích thực những xúc động của Nguyễn Đông Giang phát tiết nên bởi những ngôn ngữ từ máu huyết, từ cốt tủy, từ nước mắt, mà anh đã đã cảm nhận trên những chặng đường đi tìm ý nghĩa chân lý của Tự Do.
THÁI TÚ HẠP