MÙA XUÂN, HÀNH TRÌNH TÂM THỨC PHƯƠNG ĐÔNG
(Thái Tú Hạp)

Từ lâu, thiên nhiên như vòng tay hiền dịu của người Mẹ, lúc nào cũng bao dung chia sẻ, an ủi đầy trìu mến đối với những tâm hồn đau khổ. Lúc nào cũng độ lượng từ ái làm vơi tan bao nỗi sầu bi, tuyệt vọng bởi tình yêu hay bởi những nhiễu nhương của cuộc đời. Thiên nhiên, trái tim đẹp lấp lánh trong văn chương nghệ thuật ngàn đời Thiên nhiên, đề tài kỳ vĩ và mầu nhiệm, tạo ảnh hưởng sâu sắc trong những tác phẩm của thiên tài hội họa như Van Gogh, Monet, Renoir, Gauguin,... ở thế giới âm nhạc như Chopin, Beethoven, Strauss,... trong thơ văn như Chateaubriand, André Maurois, Apollinaire, Hemingway, La Martin... Lý Bạch, Vương Duy, Đỗ Phủ, Thôi Hộ... Thiền Sư Mãn Giác, Vạn Hạnh, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Bà Huyện Thanh Quan, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh, Hồ Xuân Hương, Đông Hồ, Khái Hưng, Vũ Hoàng Chương...

Buổi sáng cuối đông, thanh thản ra vườn, bất chợt nhìn lên những cành đào xương khô còn đọng những giọt sương. Con chim hoàng oanh từ đâu bay về hót líu lo... tiếng hót dễ thương... lòng tôi bỗng bâng khuâng nhung nhớ đến những quá khứ êm đềm chừng như bất diệt trong tiềm thức thủy chung. Nhưng có biết đâu hiện hữu, đang cuốn hút vào giòng sinh diệt vô thường...

Chỉ còn vài ngày nữa thời tiết vào xuân. Tâm chợt động với dạt dào chữ nghĩa, với ray rứt cố hương một thời xuyên suốt mùa xuân kỷ niệm. Những đôi mắt. Những màu hoa. Những tiếng hát vút cao như loài chim trên đỉnh tuyết. Cái ngàn năm tháp nối bằng trí tưởng bây giờ. Phải chăng những khởi điểm của những chu trình tạo hóa cũng quẩn quanh trong cái đại ngã đến những vi tế bất ngờ còn đọng lại trong tâm. Như những hạt kim cương tư tưởng, thi ca từ ngàn năm trước. Thời đại nào cũng không thể thiếu những chuyến đi vào đất trời, sông núi mênh mông. Những chuyến đi đã tạo nên những lịch sử lưu dấu. Những chứng nhân bi hùng. Những khai phá trào lưu tư tưởng vi diệu. Hay thu đạt tinh hoa huyền nhiệm mới lạ của người, của tạo hóa, của thiên nhiên diệu lý khắp cùng. Ở đây, chúng tôi chỉ đề cập đến một vài chuyến viễn du đã hình thành những áng văn thơ trác tuyệt của Bồ Đề Đạt Ma, của Đỗ Phủ, của Matsuo Basho, của Tiên Điền Nguyễn Du. Những bước chân tạo nên những thành tích văn hóa, những công án thiền vĩ đại trong tâm thức loài người.

* BỒ ĐỀ ĐẠT MA Sự Tích Một Chuyến Đi


Ngài sinh trưởng tại nước Nam Thiên Trúc (Ấn Độ), con thứ ba của Vua Hương Chí, thuộc Sát Đế Lý, văn võ song toàn, nhưng có căn duyên nên xuất gia tầm đạo từ thuở thiếu thời. Nguyên Ngài tên là Bồ Đề Đa La, sau đắc pháp với Tổ là Đức Bát Nhã Đa La. Tổ thấy Ngài đã thông hiểu các Pháp nên đổi hai chữ của tên Ngài mà gọi là Bồ Đề Đạt Ma. Thầy Tổ của Ngài là Đức Bát Nhã Đa La cảm thấy sức khỏe càng ngày càng yếu với tuổi tác đã cao, nên một hôm gọi Ngài vào căn dặn:

- Sau khi ta viên tịch, nhà ngươi hãy sang xứ Trung Hoa mà truyền hóa.
- Bạch Thầy, chẳng hay bên Trung Hoa có bậc đại thừa cao minh nào kế tự chân tông cho con không? Và thưa Thầy, ngàn năm dân nước ấy có hiểm họa lưu nạn nào không?
- Ta biết chuyến đi của ngươi thật thiên nan vạn nan, nhưng nếu đề cập đến phương pháp hoằng hóa của ngươi thì kẻ chứng quả được diệu quả Bồ Đề chẳng thiếu gì. Song khi người đến phương Nam phải hết sức cẩn trọng và nên nhớ đừng ở nơi đó quá lâu có thể phương hại đến tính mạng.
- Dạ, con hiểu và y lệnh truyền...Vài năm sau, khi Đại Sư Bát Nhã Đa La thị tịch rồi, Ngài Bồ Đề Đạt Ma tuân lời di chúc mà diễn hóa thi hành.

Cho đến khi Ngài chiêm nghiệm thấy biết cơ duyên hoằng hóa tại Trung Quốc đã tới, bèn phú chúc cho đệ tử là Bát Nhã Mật Đa La ở lại Thiên Trúc (Ấn Độ) tiếp tục thay Ngài truyền pháp độ sanh. Trước khi chuẩn bị cuộc hành trình ngàn dặm phương xa. Ngài đến bái từ Tổ Tháp, giã từ các bạn đồng tu, rồi trở vào hoàng cung an uy phú chúc lần cuối và khuyên vua:

- Xin hoàng điệt, (Khi Đức Bồ Đề Đạt Ma xuất gia, anh của Ngài kế vị vua cha. Ít lâu thì thăng hà, con là Thái Tử Dị Kiến lên nối ngôi) gắng tu tịnh nghiệp và hộ trì Tam Bảo, chuyến đi nầy của tôi có thể kéo dài đến 19 năm mới trở về.

Vua nghe nói buồn bã vô cùng đến rơi lệ, than rằng:

- Quả thật tiếc thay quốc độ kém may mắn về đường đạo đức, còn nước Chấn Đán (Trung Hoa) có duyên với thúc phụ, tôi đâu dám can ngăn. Song nguyện Ngài chớ quên quê cha đất tổ là nơi chôn nhau cắt rún, nên khi nào truyền bá Phật Pháp có cơ thành tựu, thì xin từ bi trở về bổn quốc.

Mùa xuân, hoa rực rỡ khắp nơi, khí trời ấm áp, Vua ra lệnh lập tức sửa soạn chu đáo đại long thuyền chở đủ những lương thực dự phòng, những báu vật để tặng đến nhà vua Chấn Đán và đốc thúc các kẻ thần liêu thân thích đưa Ngài Bồ Đề Đạt Ma ra tận đến hải tân. Cuộc tiễn đưa diễn ra trong những ngày đầu Xuân, đánh dấu một cuộc hành trình khai mở đạo hạnh đầy ý nghĩa.Trải qua gần ba năm lênh đênh trên đại dương đầy gió bão mưa nắng, cuối cùng đã đạt được, thuyền của Bồ Đề Đạt Ma cập bến Nam Hải (Trung Hoa) nhằm triều nhà Lương, niên hiệu Phổ Thông thứ bảy, ngày 21 tháng 9 năm Canh Tý. Được Thứ Sử trấn tại Quảng Châu là ông Tiêu Ngang ra tận nơi nghênh tiếp và trình tấu về Vua Lương Võ Đế. Nhà Vua nầy rất sùng kính Đạo Phật, nên khi nghe tin có một vị cao tăng đến từ Thiên Trúc, liền khiến sứ đến triệu Ngài về Kim Lăng Thủ Phủ, trọng đãi Ngài như một bậc thượng khách. Ngài thuyết giảng Đạo Pháp cho vua quan và thân thích ở Hoàng Cung một thời gian. Ngài lại lên đường đến ngụ nơi chùa Thiếu Lâm ở núi Tung Sơn, tiếp tục hoằng pháp cho các môn nhân thấm nhuần ý nghĩa bốn hạnh Đại Thừa Nhập Đạo: Báo Oan Hạnh, Tùy Duyên Hạnh, Vô Sở Cầu Hạnh, và Xứng Pháp Hạnh. Cuộc hành trình khai hóa tâm thức đạo lý không ngưng nghỉ, qua những núi non trùng điệp nắng mưa, vì Pháp mà Ngài đi tìm đến người, chẳng quản ngại công lao khó nhọc, có nhiều khi Ngài còn bị kẻ tà đạo năm phen dùng thuốc độc hãm hại. Cho đến một ngày kia, Ngài tự thấu triệt đến thời kỳ Ngài thị tịch nên Ngài mới gọi Huệ Khả, đệ tử đầu tiên và thân thích nhất căn dặn:

- Xưa Đức Thích Ca dùng nhãn tạng Chánh Pháp để nhìn Ca Diếp mà trao lại y bát, rồi truyền lần đến đời ta. Nay, ta truyền đạt lại cho ngươi. Ngươi phải kiên nhẫn quyết tâm hộ trì cho Phật Pháp đặng miên trường.Huệ Khả xúc động quỳ xuống thọ lãnh pháp y ca sa và thưa rằng:
- Kính xin đa tạ Thầy. Xin Thầy hãy mở lượng từ bi chỉ dạy cho con hiểu thêm về tương lai sắp tới.
- Lúc nào cũng phải hành xử cho đúng pháp. Trong thì tuyền pháp ấn cho khế hiệp chân tâm. Ngoài thì phú pháp y để định phần tông chỉ, phân minh. Đời sau, con người sẽ sinh bạc bẽo, tỵ hiềm cạnh tranh, hoài nghi trong cuộc sống. Tuy nhiên, phải trau dồi tâm thanh tịnh mà hoằng dương Phật Pháp, cho dù gặp nhiều gian nguy bão tố ở thế tục. Nhưng đến khoảng thời gian hai trăm năm thì Phật Pháp sẽ thạnh hành, số người đắc đạo quả có đến hàng vạn người ở khắp nơi. Trước khi ta rời bỏ cõi tạm thế gian nầy, ta có bài kệ nầy lưu dấu:

Ta đến xứ Trung Quốc
Truyền Pháp cứu mê tình
Một bông nẩy năm cánh
Kết quả tự nhiên thành
.


(Một hoa chỉ Tổ Đạt Ma, năm cánh chỉ năm Tổ kế vị của Thiền Tông Trung Hoa được trao truyền y bát. Đó là Nhị Tổ Huệ Khả, Tam Tổ Tăng Xán, Tứ Tổ Đạo Tín, Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, và Lục Tổ Huệ Năng).

Đến ngày Ngài nói hóa duyên đã hết. Ngài ngồi ngay thẳng mà nhập diệt. Tất cả các môn nhơn các nơi đều tề tựu về chùa Đăng Tâm để tiễn đưa linh cửu Ngài lần cuối lên núi Hùng Nhĩ mà an táng. Cách ba năm sau, Tống Văn phụng mạng đi sứ Tây Vực, thời tiết đang vào Xuân, hoa anh đào nở ngát trên các triền núi thật xinh đẹp. Khi vừa qua núi Thông Lãnh, Tống Văn chợt nhìn thấy Đức Bồ Đề Đạt Ma tay cầm chiếc dép mà đi như bay, Tống Văn giật mình mới vội hỏi:

- Bạch Ngài đi đâu thế?
Ngài đáp:
- Ta đi về Thiên Trúc.
Rồi Ngài cười nói tiếp:
- Chủ của ngươi đã chán đời rồi.

Tống Văn ngẩn ngơ không biết ý Ngài nói gì thì bóng Ngài đã khuất nhanh như làn khói sau rặng núi trùng điệp. Khi Tống Văn về gần đến Hoàng Cung thì được tin vua Minh Đế đã thăng hà. Tống Văn tâu chuyện gặp Ngài Bồ Đề Đạt Ma lên Vua Hiến Trang vừa mới lên ngôi. Vua không hiểu hư thực ra sao, bèn ra lệnh quật mồ. Trong quan tài không có gì, chỉ còn một chiếc dép da đã cũ mòn. Các quan lãnh binh cùng chư tăng vô cùng ngạc nhiên, và thán phục sự hiển linh của Ngài. Lệnh vua đưa chiếc dép còn lại về chùa Thiếu Lâm thờ một cách tôn nghiêm. Đến đời Khai Nguyên, năm thứ 15 nhà Đường, nhằm năm Đinh Mão, hàng ngàn chư tăng và thiện tín cung thỉnh báu vật về chùa Hoa Nghiêm, và liên tục thời gian sau đó, không biết chiếc dép của Ngài còn hay mất và trôi giạt về phương nào kinh qua những thăng trầm lịch sử.

* ĐỖ PHỦ Khai Phá Giòng Thơ Hiện Thực Trữ Tình

Từ xưa đến nay, chưa có một dân tộc nào, một thời đại nào, có một nền văn học uyên bác liên tục, khởi sắc và hùng hậu vượt qua hàng ngàn năm vẫn không phai nhạt, ảnh hưởng giá trị tuyệt đối trong giới thưởng ngoạn khắp nơi trên thế giới. Đó là thời kỳ thi ca vượt lên tột đỉnh của văn học Trung Hoa, được ghi nhận là thời kỳ hưng thịnh của Đường Thi. Những tài năng xuất chúng được người đời tôn vinh như Thi Tiên Lý Bạch, Thi Hào Bạch Cư Dị, Thi Bá Thôi Hiệu, Thi Thánh Đỗ Phủ, và Thi Phật Vương Duy... Những nhà nghiên cứu văn học thế giới đã bỏ nhiều công trình sưu tầm, chuyển dịch, phổ biến những tác phẩm giá trị nầy để cung hiến trân quý như những di sản của nhân loại, vĩnh cửu qua không gian và thời gian.

Với những trang viết khiêm nhượng, không thể nào đề cập đến một cách đầy đủ những cuộc viễn hành tiêu dao đầy sáng tạo của những thiên tài lỗi lạc với những danh tác bất hủ. ở đây, chúng tôi chỉ đan cử vài nét đặc thù của một cuộc sống ngàn dặm phiêu linh của Thi Thánh Đỗ Phủ. Ông đã thể hiện xác thực những xúc động mà chính ông là nạn nhân, và cũng là chứng nhân của thời điểm nhiễu nhương chinh chiến lan tràn trên khắp quê hương đất nước. Thực trạng quá đau thương đã tác động sâu xa trong tâm thức thi sĩ. Những giòng thơ của Đỗ Phủ phản ánh trung thực, miêu tả khá độc đáo những góc cạnh điêu tàn thê lương của xã hội Trung Hoa đang rơi chìm trong thảm họa chiến tranh nghèo đói cùng tận. Chính ông đã khai mở một nguồn thơ hiện thực trữ tình, mang tính chất lịch sử biến động của thời đại.

Cõi thơ của Đỗ Phủ không mênh mông bằng Lý Bạch, không kém tài hoa như Thôi Hiệu, mang tính chất chân thực, xuất phát tự đáy lòng để tạo nên những xúc động mạnh mẽ nơi người đọc, chứa chan những tình cảm nhân hậu đậm đà, có tình nghĩa thủy chung, nhưng không phải là không ẩn dụ những triết lý uyên bác sâu sắc lạc quan chứ không bi lụy tuyệt vọng. Ông đứng chung vào hàng ngũ bần dân khốn khổ, biểu hiện thái độ bất khuất, khí khái bằng hành động, bằng thi ca, bằng những chỉ trích thẳng thắn, khí khái để cảnh tỉnh những kẻ cai trị đàn áp dân chúng một cách bất công và thể hiện tinh thần yêu nước, yêu quê hương nồng nhiệt. Có lẽ đa số những bài thơ của Đỗ Phủ sao chép trọn vẹn những hình ảnh trung thực của thảm họa chiến tranh, nên chúng ta dễ truyền đạt những xúc động khi dẫn chứng? Nhất là tâm trạng đồng cảm với người dân Việt Nam triền miên khổ nạn trong khói lửa điêu linh. Đỗ Phủ sinh năm 712, (Năm đầu Tiên Thiên đời Duệ Tông, là năm Đường Minh Hoàng lên ngôi), ở Dao Loan (nay thuộc tỉnh Hà Nam), vài năm sau thì mẹ ông bị bạo bệnh từ trần, cha ông lúc đó chỉ mới ba mươi tuổi. Đến khi cha ông lấy vợ khác thì ông về ở nhà người cô tại Lạc Dương, trung tâm văn hóa lớn nhất đương thời. Từ nhỏ ông đã biểu lộ sự thông minh hoạt bát, khôn khéo và có năng khiếu về thơ văn. Các danh sĩ Lạc Dương như Thôi Thượng, Ngụy Khải Tâm đọc thơ văn ông đều khen ông là Ban Cố, Dương Hùng tái sinh.

Ngoài dân gian yêu mến tài năng của ông, gọi ông là Đỗ Thiếu Lăng, Đỗ Lăng Tẩu, hay Đỗ Công Bộ, Lão Đỗ để phân biệt Tiểu Đỗ, tức nhà thơ Đỗ Mục. Chưa đầy hai mươi tuổi, Đỗ Phủ đã thích phiêu bạt giang hồ, ở các nơi có thắng cảnh nổi tiếng như ở miền cao nguyên Ngô, Tề, Việt, Triệu, rồi đến Hoàng Hà xem thác đổ, đi Giang Nam thăm mộ Ngô Hạp Lư ở Cô Tô. Ngắm trăng ở Kiếm Trì Hồ Khẩu, dạo mùa thu lãng mạn ở Châu Uyển, Lạc Dương. Thăm miếu Thái Bạch, qua sông Tiền Đường, uống trà thơm ở Diễm Khê, ngắm hoa ở Tào Nga và ngẩn ngơ suối bạc ở Thiên Mụ, ở Giang Nam... Nhìn tuyết rơi ở Sơn Đông, Hà Bắc. Đến mỗi nơi, ông đều có bạn hiền tâm giao, văn nhân danh tiếng như Lý Bạch, Cao Thích, Lý Ung, cùng nhau uống rượu làm thơ tương đắc.

Thời gian làm quan của Đỗ Phủ thật ngắn ngủi vì An Lộc Sơn khởi loạn, chiến tranh lan tràn khắp nơi. Vua Đường Minh Hoàng đắm say trong sắc dục Dương Quý Phi, các tướng lãnh thì bất mãn tranh quyền cố vị, độc ác với nhân dân nơi thôn dã. Trước cảnh tượng bi thảm tận cùng, ông vẫn quyết liệt dùng ngòi bút phản kháng trước những bạo lực hành xử tàn nhẫn đối với đồng bào ruột thịt, và cũng để vơi đi những nỗi căm giận trong lòng, Đỗ Phủ đã từ quan để hòa nhập vào giòng thác của quần chúng đưa đẩy theo thời thế và tình hình biến động ở mỗi địa phương, từ mùa xuân đau thương nầy đến mùa xuân tang tóc bi thảm khác (như đã phân tích). Chung quanh đời sống chỉ nghe tiếng khóc than sầu khổ đồng hoang cỏ cháy điêu tàn. Chính trong thời gian tao loạn nầy, Đỗ Phủ cảm xúc nhân tình thế thái, nên sáng tác rất nhiều tác phẩm giá trị, điển hình trong bài Thạch Hào Lại, ông vẽ lên trung thực hình ảnh chua chát, nghẹn ngào, đau xót ở một miền quê hẻo lánh, khi người dân nghèo khổ chỉ còn là nắm xương cũng bị hạch xách, thúc bách lên đường làm mồi cho chiến tranh khốc liệt:

Mộ đầu Thạch Hào thôn
Hữu lại dạ tróc nhân
Lão ông du tường tẩu
Lão phụ xuất môn khán
Lại hô nhất hà nộ
Phụ đề nhất hà khổ
Thính phụ tiền chí từ
“Tam nam Nghiệp Thành thú
Nhất nam phụ thư chí
Nhị nam tân chiến tử
Tồn giả thả thâu sinh
Tử giả trường dĩ hỷ!
Thất trung canh vô nhân
Duy hữu nhũ hạ tôn
Tôn hữu mẫu vị khứ
Xuất nhập vô hoàn quần
Lão ẩu lực tuy suy”
Thỉnh tòng lại dạ qui
Cấp ứng Hà Dương dịch
Do đắc bị thần xuy
Dạ cửu ngữ thanh tuyệt
Như văn khốc u yết
Thiên minh đăng tiền đo
Độc dữ lão ông biệt

(Thạch Hào Lại - Đỗ Phủ)

...

Đêm đến ngủ ở thôn Thạch Hào
Có tên lại đến bắt người
Ông già chạy ra ngoài cổng
Tên lại quát tháo dữ dằn
Bà già kêu vang khổ thế!
Lắng nghe lời bà kể lể:
“Ba con trai đi lính ở Nghiệp Thành
Một đứa thư về cho biết
Hai đứa kia vừa chết trận hôm qua
Đứa sống, sống đời bấp bênh
Đứa chết, xem như là hết
Nhà vắng vẻ chẳng còn ai
Chỉ có đứa cháu đang mớm vú
Vì cháu nên mẹ cháu chưa lên đường
Vào ra, mang quần tơi tả
Già nầy tuy sức khỏe kém
Cũng xin theo cậu đêm nay
Để được đến phục vụ ở Hà Dương
Sửa soạn kịp thời bữa ăn sáng...”
Đêm khuya, tiếng nói im bặt
Nhưng vẫn còn nghe tiếng nghẹn ngào thổn thức
Sáng sớm mai khách vội vã lên đường
Chỉ có một ông già từ biệt...

(Thạch Hào Môn)

“... Không tuyên ngôn, không cương lĩnh, Đỗ Phủ lặng lẽ khai sinh ra giòng thi ca hiện thực trữ tình, mang tính chất khai phóng sâu sắc, như giòng thác cuồn cuộn trong suốt một trăm năm văn học, đầy những khuynh hướng khác nhau. Tính chất hiện thực trong thơ Đỗ Phủ hình thành do những biến cố lịch sử của thời đại, phát xuất từ cuộc sống cơ hàn khổ ải của chính bản thân, gia đình và dân chúng mà ông đã nhìn tận mắt. Thêm nữa, Đỗ Phủ là một nhà Nho tiến bộ tiếp thu được những yếu tố tích cực trong tư tưởng Khổng Mạnh, nhận thức đứng đắn vai trò, nhiệm vụ của kẻ sĩ đối với vua, với nước, với dân. Những nhân tố tích cực đó đã khiến ông quan tâm nhiều hơn đến cái trước mắt, cái thường ngày. Chính nhờ thế, ông đã thấy rõ hơn ai hết nỗi khốn khổ của quần chúng và tìm ra căn nguyên chính là sự phân chia đẳng cấp thống trị đàn áp bóc lột một cách dã man tàn độc dân chúng... Ông cũng thường đề cập đến “cái tôi”, một “cái tôi” khổ ải lao đao, đó cũng là điểm hiếm hoi trong văn học Trung Hoa cổ điển...”(Đường Thi Tuyển Dịch - Lê Nguyên Lưu)


* MATSUO BASHO Con Đường Ngàn Dặm Hoa Bay

Đề cập đến Matsuo Basho (Tùng Vĩ Ba Tiêu, đọc là Ma Chư Ô Ba Sồ) là đề cao giai đoạn chuyển biến giòng thi ca Nhật Bản đạt đến tuyệt đỉnh biểu trưng cho giòng văn hóa xứ Phù Tang vào những khoảng thời gian từ 1644-1694. Nếu cuộc sống chẳng khác nào là giòng sông êm ả thì đâu có chuyện khổ đau hai bên bờ bão tố phũ phàng. Giả sử nhà thơ có một đời sống thanh thản lặng lờ với người tình ở Edo (Giang Hộ, Đông Kinh ngày nay), hạnh phúc dưới mái ấm gia đình thì nàng Jutei đâu có rơi những giọt lệ sầu tiễn biệt người đi ngàn dặm thăm thẳm. Sự đau khổ chẳng khác nào chất liệu phong phú để cho nhà nghệ sĩ tài hoa sáng tác nên những tác phẩm tuyệt vời. Cũng từ những sáng tạo mới mẻ nầy, Matsuo Basho đã khai phá hướng sáng tạo đầy hứa hẹn trong lịch sử thơ Haiku (đọc là Hài Cư). Tuy nhiên, tất cả những sáng tác của Basho cũng chỉ là những khởi điểm, cho đến khi Matsuo Basho quyết định lên núi Rinsenan (Lâm Tuyền Am) ở Hitachi để thụ giáo học đạo với Hòa Thượng Bucho, con đường sáng tác của Basho thắm đượm hương vị Thiền hơn. Cõi thơ của Basho sâu lắng tĩnh mịch hơn bao giờ. Đọc thơ ông, bạn bè cứ ngỡ, Basho đích thực là một nhà sư uyên áo nơi cửa Phật. Đối với Basho, thời gian tiêu dao núi rừng hiu quạnh, chính là thời gian ông rất thanh thản, thỏa thích, say sưa thả hồn vào những giòng tư tưởng Lão Trang và thế giới u trầm thanh nhã của Đường Thi, nhất là với Đỗ Phủ, được xưng tụng là Thi Thánh của thời Thịnh Đường. Đỗ Phủ làm quan dưới đời vua Đường Huyền Tôn, nhưng bản chất thích tự do phóng khoáng phiêu bạt, nên từ quan để thỏa nguyện mộng ước. Nhiều nhà nghiên cứu văn học Nhật Bản đương thời nhận định: “Chính nhà thơ Đỗ Phủ đã ảnh hưởng sâu sắc và tạo nên những ý tưởng phát huy những đặc điểm hàm xúc của ngôn ngữ thi ca của Basho. Những bài thơ Haiku của Basho đã cô đọng trong 17 âm tiết, (câu 5, câu 7, câu 5), tựa như một bức tranh thủy mạc với những nét chấm phá đơn sơ nhưng có sức ám thị mạnh mẽ...” (Basho và Lối Lên Miền Oku, GS. Vĩnh Sính dịch). Có thể vì ảnh hưởng tính lãng mạn, thích giang hồ của Đỗ Phủ, nên Basho đã lặng lẽ rời khỏi Thiền Môn, thực hiện chuyến hành trình ngao du sơn thủy dọc theo con đường cái quan của Nhật Bản, theo ven biển, từ Nam chí Bắc, gọi là Tokaido (Đông Hải Đạo), ngắm vầng trăng treo trên đỉnh Matsushima, vượt qua thung lũng bạt ngàn Shirakawa, đến Kashima để ngắm núi tuyết Fuji, dừng chân bên những cội anh đào vùng cao nguyên Ueno và đồi núi Yanaka, với những câu Haiku thơ mộng như.

Kusa mura ya:
Na mo shiranu,
Shiroku saku.
Đồng hoang:
Đóa hoa dại,
Nở tươi.

(Đào Nguyên dịch)

Mùa Xuân đã trở về, hoa anh đào nở rộ... Vá lại chiếc áo nắng mưa đã rách, thay lại quai nón đã sờn, Basho tiếp tục cuộc lên đường theo gió cát ngàn phương. Những tên làng, tên xóm xa lạ, nhưng đối với Basho như có một thu hút kỳ lạ, chia ly bến sương mù mùa thu Soka, đến miền chiêm bái Muro No Yashima, cầu nguyện bên chân Phật Đài Gozaemon. Ông lại lên đường sau khi ghi lại những thắng cảnh, những nơi chốn thể hiện nếp sống an nhàn. Những địa danh Nikko, Kurobane, Kasajima, Sukagawa, Hirazumi, Takadachi chập chùng hiểm trở hoặc quạnh hiu bạt ngàn, Basho cũng không quên dừng lại ngắm mặt trời nhô lên hay ngắm vầng trăng khuyết như cánh hạc đầu non. Mỗi nơi là một đề tài sáng tạo, một đổi mới thú vị trong tâm hồn Basho. Chính nhờ những chuyến đi nầy mà Basho đã để lại cho đời những bài Haiku tuyệt vời của khoảng thời gian lịch sử từ hơn ba trăm năm trước, thời đại mà văn học Nhật Bản có được những giòng thơ Haiku sáng chói nhất trong thơ văn mang tính chất đặc thù của dân tộc Thái Dương Thần Nữ.

* NGUYỄN DU Sứ Trình Mùa Xuân Phương Bắc

Mỗi dân tộc đều phát sinh nhiều nhân tài, mà chính từ những thiên tài xuất chúng đó biểu trưng cho giòng văn hóa lẫy lừng cho dân tộc mà họ đã cưu mang. Đề cập đến văn hóa Ấn Độ, không thể nào không nhắc nhở đến Thi Hào Rabindranath Tagore. Cũng như Anh Quốc, không thể thiếu Shakespeare. Nga Sô rạng rỡ tên tuổi Leon Tolstoy. Hay Victor Hugo của Pháp... Và hiển nhiên, khi giới thiệu đến văn học Việt Nam, Thi Hào Nguyễn Du là đỉnh cao sáng chói nhất hiện diện trên văn đàn dân tộc hơn hai trăm năm qua với những tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh, Chiêu Hồn, Thanh Hiên Tiền Hậu Tập, Nam Trung Tạp Ngâm, Bắc Hành Tạp Lục... Riêng, Bắc Hành Tạp Lục, gồm 132 bài sáng tác từ mùa xuân 1813, khi Tố Như Nguyễn Tiên Điền đi sứ sang Trung Hoa. Đa số nội dung những bài thơ ghi chép những điều đã trông thấy, những tình cảm gửi gắm và những ý nghĩ tản mạn dọc đường. Nhà thơ có cơ hội đến thăm những thắng cảnh nổi tiếng ở Vũ Hán, Hồ Nam, Hồ Bắc, Sơn Tây, Giang Tô... Thăm đền thờ Khuất Nguyên và giòng sông lịch sử Mịch La...

Sở quốc oan hồn táng thử trung
Yên ba nhất vọng điếu hà cùng!
Trực giao hiến lệnh hành thiên hạ
Hà hữu Ly Tao Kế Quốc Phong!...

(Tương Đàm Điếu Tam Lư Đại Phu - Nguyễn Du)

Nơi đây chôn hồn oan Sở Quốc
Mắt muôn trùng khói nước chơi vơi
Ví ban hiếu lệnh xuống đời...
Ly Tao đâu để nối lời Quốc Phong

(Qua Tương Đàm Điếu Khuất Nguyên - Quách Tấn dịch)

Người đã đi thuyền ngắm trăng trên sông Minh Giang - Quảng Tây, thăm quê hương của người đẹp Dương Quý Phi, bày tỏ vài cảm nghĩ với nội dung “Chỉ vì triều đình đều như phỗng - Nghìn năm người đẹp bị hàm oan”. Đến Lỗi Dương thăm mộ Đỗ Phủ đề thơ:

Thiên cổ văn chương thiên cổ si (sư)
Bình sinh bội phục vị thường ly
Lỗi Dương tùng bách bất tri xứ
Thu phố như long hữu sơ ti...

(Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng Mộ - Nguyễn Du)

Thơ thiên cổ cũng thầy thiên cổ
Vốn một lòng ngưỡng mộ bấy nay
Lỗi Dương tùng bá đâu đây?
Cá rồng thu lạnh sông đầy nhớ thương...

(Mộ Đỗ Thiếu Lăng ở Lỗi Dương - Quách Tấn dịch)

Người đã lên lầu Hoàng Hạc ở Hán Dương, đến thăm lăng Tỷ Can, mộ Nhạc Phi. Qua sông Hoài, tưởng nhớ Hàn Tín... Thăm quê hương của tráng sĩ Kinh Kha (một đi không trở lại). Lên Đài Đồng Tước Khóa Xuân Nhị Kiều... ước mơ của Tào Tháo, ghé thăm cố quận của danh tướng thời Chiến Quốc, Lạn Tương Như - Liêm Pha. Ngưỡng vọng trước đền Á Thánh Mạnh Tử... chuyến đi đã tạo thành những tác phẩm bất hủ. Chưa kể đến tuyệt tác Đoạn Trường Tân Thanh, sáng tạo dựa vào tác phẩm cổ của đời Minh có tên là Kim Vân Kiều, truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (hoặc Thanh Tâm tài tử), cuốn truyện nầy bằng sao chép tay hiện còn lưu giữ tại Thư Viện trường Viễn Đông Bác Cổ, Pháp.

Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân là câu chuyện có thật do Mao Khôn, một người trong quân đội Hồ Tôn Hiến ghi lại trong sách Ký Tiểu Trừ Từ Hải Bản Mạt. Câu chuyện về sau có nhiều tác giả viết lại thêm nhiều tình tiết hơn, chẳng hạn như Lý Thúy Kiều Truyện của Đại Sĩ Lâm. Vương Thúy Kiều Truyện của Dư Hoài... Nói tóm lại, cốt truyện của Kim Vân Kiều Truyện có nhiều điểm giống Truyện Kiều của Nguyễn Du. Với nhận định của Phan Khôi thì cụ Nguyễn Du “Không phải hoàn toàn sáng tác, cũng không phải chỉ lấy đề tài trong văn học nước ngoài giống như nhiều tác giả phương Tây thời phục hưng hay thời kỳ chủ nghĩa cổ điển đã làm, mà ông dựa khá sát vào câu chuyện có sẵn. Nhưng Kim Tân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân không phải là một tác phẩm xuất sắc trong văn học cổ Trung Hoa, còn Đoạn Trường Tân Thanh là một kiệt tác. Chỉ riêng điều khẳng định đó cũng đã nói lên rằng, mặc dù dựa sát vào câu chuyện của Trung Hoa, nhưng Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du vẫn không phải là một phóng tác, lại càng không phải là một truyện dịch...” (Nguyễn Lộc, Văn Học Việt Nam).

Thi Hào Nguyễn Du, sinh ngày 3 tháng 1 năm 1766 (nhằm ngày 23 tháng 11 năm Ất Dậu), tại phường Thăng Long, nguyên quán làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, trấn Nghệ An. Tên tự: Tố Như. Tên hiệu: Thanh Hiên. Thân phụ tên Nguyễn Nghiễm, Thượng Thư Bộ Công đời Lê Hiến Tôn (1740-1786), và bà Trần Thị Tần, sinh trưởng tại Bắc Ninh, xinh đẹp và có tài năng ca hát, nhưng mất sớm khi Nguyễn Du vừa mới 12 tuổi.

Cha của ông có nhiều người vợ và nhiều con, nên khi mẹ mãn phần, ông không còn hưởng những ngày tháng nuông chiều, che chở, nên ông bỏ nhà đến ở với anh cả là Nguyễn Khản, lúc đó đang làm chức Tả Thị Lang Bộ Hình kiêm chức Hiệp Trấn Sứ Sơn Tây. Đến năm 18 tuổi, tiên sinh ra kinh đô Thăng Long dự thi, kỳ Hội năm Quý Mão (l783) được vào Tam Trường liệt vào ưu hạng chờ cứu xét bổ dụng mặc dù chưa đỗ đại khoa. Năm sau, tiên sinh được bổ nhiệm làm chức Chánh Thư Hiệu tỉnh Thái Nguyên. Làm việc chưa đầy 6 năm thì gặp lúc vua Quang Trung Nguyễn Huệ kéo đại binh giải phóng Thăng Long, đánh tan tành hơn 20 vạn quân nhà Thanh ra khỏi bờ cõi, đuổi viên Tổng Đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị phải chạy thoát thân về bên kia biên giới. Vua Lê Chiêu Thống lên ngôi mới 3 năm cũng chạy theo giặc. Thế là nhà Lê đã hoàn toàn cáo chung sau gần 400 năm trị vì. Cũng từ đấy cuộc đời tiên sinh thay đổi, sống giang hồ phiêu bạt đó đây trải qua bao nỗi thăng trầm của thế sự. (Tiếc thay trong giá trắng ngần. Đến phong trần cũng phong trần như ai...)

Như chúng ta đều biết, những tuyệt tác phẩm của những bậc thiên tài trên thế giới đều bất diệt qua không gian và thời gian, trở nên những di sản quý báu của nhân loại. Tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh của Cụ Nguyễn Du cũng đã mang một giá trị tuyệt đỉnh trong tâm hồn dân tộc Việt Nam. Được phổ biến sâu rộng trong giới thưởng ngoạn quần chúng tùy theo mức độ trí thức của mỗi giai tầng xã hội, được ngưỡng mộ nồng nhiệt từ đời nầy qua đời khác, biểu trưng cho giòng văn hóa đầy triết lý sâu sắc trong sáng và phong phú trữ tình của dân tộc. Đã có nhiều nhà văn, thơ nổi tiếng trên thế giới chuyển dịch ra nhiều ngôn ngữ và phát hành trên khắp năm châu. Nhiều nhà nghiên cứu văn hoá thế giới muốn tìm hiểu những kiệt tác văn chương Việt Nam, chắc chắn không thể nào không tìm đọc Đoạn Trường Tân Thanh của Thi Hào Nguyễn Du, (Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn...)

Mùa Xuân, mùa vươn tới hy vọng của con người, hòa hợp âm dương trong vận hành đổi mới. Cảm nhận và động tình sáng tạo. Màu lá xanh như ngọc, hoa rực rỡ khắp nơi, ngạt ngào bay quyện trong không gian tươi mát. Buổi sáng đầu xuân. Dịu hiền tâm thức. Bát ngát hương Thiền. Khai mở tuệ giác như giòng suối chân nguyên, biểu hiện sự nhất quán tạo thành thi ca mà những cuộc hành trình của các vĩ nhân cho ta trọn niềm hỉ lạc. Không thể nào nói hết. Không thể nào dâng hiến trân quý ý niệm thao thức trọn vẹn. Chúng tôi chỉ mong được chia sẻ vài cụm hoa nhỏ, long lanh như giọt sương đầu cành... trong cánh rừng tinh hoa của văn hóa nhân loại để trao đến mọi người, ở mọi nơi, phương trời gần, xa nguồn cội. Gợi dậy từ tâm thức hoang vu những nao nức trở về...

Những nụ mầm xanh nõn trong nắng sớm. Ngọc biếc trên những cành khô u trầm băng giá, đó phải chăng là hiện tượng của sự khởi hành chuyển hóa, hòa hợp của Trời - Đất hàng triệu năm qua, (hữu sanh, hữu diệt, hữu luân hồi...) Tất cả cảnh vật như đang ở trong trạng huống nguyên thủy hài hòa để nối kết với nhau thành nguồn suối tâm linh bất biến giữa mùa xuân huyền nhiệm, hiện thực trong trí tưởng chúng ta nơi dặm ngàn lữ thứ.


Tài Liệu Tham Khảo:

- Đường Thi Tuyển Dịch, Nhà xuất bản Thuận Hóa
- Modern Japanese Haiku and Anthology, Makoto Ueda, Canadian University Press, 1966.
- Zen and Japanese Culture, Daisetsu Suzuki.- Lối Lên Miền Oku, Matsuo Basho, Vĩnh Sính dịch.
- Truyện Kiều và Tuổi Trẻ, Lê Hữu Mục
- Sáu Cửa Vào Động Thiếu Thất, Bồ Đề Đạt Ma, Trúc Thiên dịch.