NGÀY ĐI THƯƠNG SỢI KHÓI QUÊ NHÀ CỦA LÂM HẢO DŨNG
(Thái Tú Hạp)



Nhiều khi đứng trên Quê Hương ngàn xanh của xứ người mà cứ tưởng như đang ở trên những suối nguồn cao nguyên Đông phương êm ả, tôi thực sự đã khám phá tâm thức mình gần gũi với quê hương, gần gũi với những chân tình của một thời nồng thắm yêu thương. Những mệt mỏi theo đuổi trò chơi ngôn ngữ thời thượng đến lúc không còn là vọng tưởng viễn mơ, không là những lôi cuốn của một thứ hành tinh mới lạ nơi đất khách. Những ao thu trong vắt của Nguyễn Khuyến. Những mùa xuân ngàn mai rực rỡ của Tiên Điền Nguyễn Du. Những tiếng võng trưa hè của Bàng Bá Lân, của nắng trong vườn xanh biếc ngọc trong thơ Nguyễn Bính. Tiếng chim quốc vọng bên ngàn trong thơ Bà Huyện Thanh Quan. Thế giới đó mới là cõi rung động đích thực miên viễn... cho dù hiện hữu chìm sâu trong tiềm thức hoang vu. Nhưng chỉ trong phút giây nào đó, tâm chợt động nhớ về. Vùng trời yêu dấu bỗng hiện đến một cách kỳ diệu tuyệt vời. Cũng như buổi chiều hôm nay. Mở cánh cửa sổ nhìn qua bên kia đồi cây khẳng khiu Monterey Park. Tiếng động cơ chiếc máy bay trực thăng vút qua bầu trời yên tĩnh. Tôi có cảm tưởng mình đang lạc lõng trong cánh rừng cao nguyên thuở chiến chinh nơi quê nhà. Và cũng từ những giao động nguyên vẹn tận cùng nhớ nhung, tôi đã bị cuốn hút vào thế giới thi ca của Lâm Hảo Dũng.

Ngày trước, cuộc chiến đang hồi khốc liệt, tuổi trẻ chúng tôi hiên ngang nhập cuộc và tung cánh khắp bốn vùng chiến thuật. Những Luân Hoán, Thành Tôn, Cao Thoại Châu, Nguyễn Bắc Sơn, Lâm Hảo Dũng, Mường Mán, Hoàng Lộc, Hà Thúc Sinh, Tô Thùy Yên, Tạ Ký... những bài thơ mang tâm tư người lính chiến gởi về hậu phương. Trong những dòng thơ bốc lửa ngút ngàn đó, tôi đã yêu Nguyễn Bắc Sơn, Lâm Hảo Dũng với hào khí ngút ngàn không kém người xưa:

Túy ngọa sa trường quân mạc tiêu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi ...


Một mai về lại Tam Biên đó

Một mai về lại tam biên đó
Hãy uống dùm tao suối nước xanh
Có nghe ngai ngái hoa rừng nở?
Bên nắm xương tàn máu nhạt tanh

Một mai về lại tam biên đó
Hãy ngắm Poko núi Phượng Hoàng
Thấy tao như một vầng trăng nhỏ
Ngủ dưới chân rừng đêm tối đen

Một mai về lại tam biên đó
Hãy hát bài ca buổi dựng cờ
Đồi trơ đất cứng cây xanh lá
Bóng hắt mơ hồ tiếng võng đưa

Một mai về lại Tam biên đó
Cô gái Jarai chắc nụ cười
Cái buôn giặc chiếm từ năm trước
Cái rẩy không còn đặt chiếc khoai

Một mai về lại Tam biên đó
Vui khói chiều lên vui khói lên
Sáu năm buồn ủ đời lang bạt
Vai súng đi làm Phục quốc quân

Một mai về lại Tam biên đó
Sương mỏng như là chiếc lá bay
Vợ con trong đáy hồn xưa cũ
Nhẹ ngủ êm đềm nhưng rất say

Một mai về lại Tam biên đó
Mộng bắn lên trời rơi những đâu
Nhà bên hàng xóm hoa mai nở
Chiến thắng xuân này mau đến mau!


Nguyễn Bắc Sơn:

Một ngày chủ nhật phơi giày trận
Ta bỗng tìm ra một vết thương
Vết thương bàng bạc như mây khói
Ngưng đọng nhà ai ở cuối đường...


Thi tập Ngày Đi Thương Sợi Khói Bên Nhà của Lâm Hảo Dũng đã mở ra những vùng trời kỷ niệm, những sông núi thôn làng miền Nam mật ngọt, những cao nguyên heo hút bụi mù Pleiku, Kontum, những miền Trung Quảng Trị, Qui Nhơn bóng dừa xanh ý nhớ.

Ngày về Banhet

sáng nay về tới rừng Banhet
còn nhớ đồi cao dốc tử thần
ta đã một thời đi chiến đấu
một thời lữ khách rất cô đơn

suối có ngàn năm ai nhớ suối
ta đi ai nhắc đến tên ta
ví như xương chất cao thành núi
cũng chỉ mong quay lại mái nhà

ta pháo gầm vang một góc rừng
đồi tây giặc khiếp ngắm đồi đông
những ai trong phút kinh hoàng ấy
tay súng trang nghiêm mắt trợn trừng

anh ở miền Nam lạc đến đây
còn quân phương Bắc ngủ xuôi tay
chiến tranh như thể trò tiêu khiển
của lũ con buôn xác chết này

ta ngắm trời xa Lào quốc đó
thương hồn trai buổi máu xương phơi
có trăng chắc thấy bao hình bóng
về hát nghêu ngao một góc trời

ta ngắm trời xa Chùa Tháp đó
chiến tranh mộng tưởng sẽ về đâu
mỗi năm rừng mất bao nhiêu lá
là xác thây người rụng bấy nhiêu.


Thơ của Lâm Hảo Dũng chơn chất, đôn hậu, thuần tính như một người lính bình thường, chỉ biết làm tròn bổn phận nơi chiến trường. Không tham vọng, không phản trắc anh em đồng đội, mang cái hào khí lẫm liệt của anh hùng Trần Bình Trọng, của chiến sĩ Nguyễn Khoa Nam, Phạm Văn Phú...

Đi Đâu Mất Rồi Hởi Những Chuyên Chư

Đi đâu mất rồi hởi những Chuyên Chư
Cho ta thấy hùng tâm và con dao chủy thủ
Nghe tội nghiệp những đêm vui bù khú
Rượu nồng say vương vãi những dâm thư

Đi đâu mất rồi hởi những Chuyên Chư
Đời lại thấy những phường vô sĩ
Những thức gỉa để tịch tà cự bí
Chết nhăn răng bên váy lĩnh quần thoa

Đi đâu mất rồi hởi những Chuyên Chư
Sầu ai có thành bom hay tạc đạn
Cứ đi tới nhắm quân thù mà bắn
Không ngay tim cũng thủ thắng về ta

Đi đâu mất rồi hởi những Chuyên Chư
Làn mây chó tưởng như thời Chiến quốc
Ai ray rức nhỏ đôi dòng nước mắt
Gái Thương Ân đùa khúc Hậu Đình Hoa

Đi đâu mất rồi hởi những Chuyên Chư
Sao thèm quá trái tim chàng Dư Nhượng
Khi Tôn Tẩn đã không còn làm tướng
Ta cũng buồn đọc tiếp chuyện Xuân Thu

Đi đâu mất rồi hởi những Chuyên Chư
Nghe loáng thoáng chừng dăm bầy khuyển mã
Sống thêm nhục mồ cha người sỉ vả
Nên cầm dao giết mẹ để phì gia

Đi đâu mất rồi hởi những Chuyên Chư
Càng vắng bóng cổ đầu người Nguyễn Biểu
Xưa đất tổ có triều đình lăng miếu
Mà hôm nay một cũng nước ao tù

Đi đâu mất rồi hởi những Chuyên Chư
Con chim quốc giữa đêm hè tắt thở
Ai nín lặng để biết mình đau khổ
Ai miệt mài đếm bạc rất vô tư

Đi đâu mất rồi hởi những Chuyên Chư
Khi tiết tháo bỗng nhiên như quá mốt
Hãy bắt chụp để thành cầu thủ tốt
Của đội cầu theo chủ nghĩa thời cơ

Đi đâu mất rồi hởi những Chuyên Chư
Quê nước Việt bên kia bờ Nam Hải
Cũng có kẻ mơ làm người Nguyễn Trải
Giữa rừng thiêng ngồi viết hịch Bình Ngô


Thơ của Lâm Hảo Dũng đã thoát ra khỏi cái không gian đầy bụi đen của thủ đô, của thành phố đầy vị kỷ, ty tiện. Hồn thơ Lâm Hảo Dũng mênh mông như mây trời, như dòng sông biển cả. Chúng ta đã cảm nhận nơi dòng thơ đó những hơi thở nồng nàn tình quê. Ngoài cái tính chất bình dị hương đồng phấn nội, tình yêu cũng chơn chất như ca dao, như cô gái quê lần đầu nuôi mộng:

Ngày Trở Lại Bồng Sơn

Dễ có một ngày ta trở lại
Bồng Sơn xa quá cuối trời xa
Mấy cụm nhà hoang trơ mái xám
Chân đèo Phù Củ nhận không ra

Ta đứng bên cầu xe lửa cũ
Quê em còn cách một dòng sông
Nhớ đêm máu chảy người quên khóc
Em có u buồn trong mắt trong?

Đã mất rồi quận lỵ Hoài Nhơn
Đời đi lính trận cỏ xanh hồn
Là khi theo gió về trên núi
Còn gởi sương chiều mộng cuối thôn

Em cắn dùm ta những quả sim
Như ngày đói khát lúc hành quân
Đã cho ta biết hoài chân lý
Chẳng có thanh bình ở Việt Nam


Cuộc chiến đấu anh dũng của dân tộc Việt Nam để dành tự do, hòa bình đã khơi dựng hàng mấy chục năm qua. Máu xương của bao nhiêu chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã tô thắm quê mẹ. Từ đó nở ngát những đóa hoa thơ lửa ngời. Những Hà Huyền Chi, Nguyễn Chí Khả, Cao Mỵ Nhân, Du Tử Lê, Trần Hoài Thư, Phạm Cây Trâm, Phan Ni Tấn, Hồ Minh Dũng, Phan Xuân Sinh, Diên Nghị, Nguyễn Xuân Thiệp, Lâm Hảo Dũng... những ý thức lên đường cùng một chiến tuyến, cùng một ý niệm cao quý gìn giữ non sông.

Trên Đường Đông Tiến

Năm xưa Tây tiến nay Đông tiến
Sao nhớ cho vừa - Sao nhớ ơi!
Thèm ngủ dọc đường, cơm vắt nắm
Đêm khuya đèn đóm, lũ ma trơi

Ta có bạn hiền đi chiến đấu
Từ khi sông lạc nước khô nguồn
Nghe tiếng mẹ già rơi nước mắt
Giữa ngày giặc chiếm đất Bồng Sơn

Ai qua Dakmot, xuôi Ben het?
Thở gió Tam Biên, gió Hạ Lào
Loáng thoáng một mùi tanh của máu
Những ai buông súng giữa rừng sâu

Năm xưa Tây tiến, nay Đông tiến
Về núi Tà Lơn xuống Biển Hồ
Ta biết người buồn say rất nhẹ
(Một hồn du tử ở phương xa)

Ta biết người buồn trăng chết đuối
Bởi đêm Chùa Tháp thiếu Ngàn Mây (*)
Thoảng điệu “dù kê” mùa rước nước
Nghe câu vọng cổ khóc không hay

Bỗng thấy thêm yêu đời trận mạc
Là khi đất nhú một chồi xanh
Một người bỏ phố đi vì nước
Một kẻ lêu bêu khóc vận mình

Năm xưa Tây tiến, nay Đông tiến
Sao nhớ cho vừa đây, Tiếng ơi!


Những địa danh Chư Prong, An Lộc, Cổ thành Quảng Trị, Tam Biên, Hạ Lào, Khe Sanh, U Minh, Thát Lát... đã oanh liệt đi vào chiến sử, đi vào lòng tin yêu của dân tộc. Bỗng nhiên thế sự đổi thay., đại bàng gãy cánh tức tưởi, căm hận. Hàng ngũ quân đội lơ láo tan hàng, không biết giạt về đâu. Kẻ bị đọa đầy trong ngục thất, người vùi thây ngoài biển khơi. Lũ chúng ta thì sầu hận lưu vong nơi xứ người cô đơn.

Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa
Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh


(Vũ Hoàng Chương)

Quê hương đã nhuộm màu tang tóc, lúc trở về cũng chỉ hình ảnh xác xơ điêu tàn thương tiếc

Năm Năm Trở lại Sài Gòn


Năm năm trở lại Sài Gòn
Chiều nay trời không có nắng
Hai hàng me vẫn xanh rờn
Lòng ta huyệt buồn xa vắng

Năm năm trở lại Sài Gòn
Đường xưa có mùi máu đỏ
Ai cười vu vơ trên phố
Nghiến ta chết nát tâm hồn

Năm năm trở lại Sài Gòn
Nhà xinh bên người chủ mới
Mắt sâu hai hàng mộ tối
Ta ơi sao khóc trong lòng

Năm năm trở lại Sài Gòn
Em yêu mờ như bụi nhỏ
Về đâu trời xanh rộng mở
Đi hoài ta chẳng mỏi chân

Năm năm trở lại Sài Gòn
Nghẹn ngào nhìn bao đổ nát
Mẹ già ôm đầu tóc bạc
Phố dài phủ một màu tang

Năm năm trở lại Sài Gòn
Chuông nhà thờ xưa ngưng đổ
Có ai cầu kinh nho nhỏ
Nhẹ vang như tiếng gọi hồn

Ô hay năm năm rồi nhỉ
Cuộc đời là những chia phôi
Nhà em đâu mùi hoa lý
Tặng ta vào những đêm vui

Năm năm trở lại Sài Gòn
Hành trang chiếc quần rách nát
Bỗng dưng ta thèm được hát
Dưới cờ ba sọc vang vang

Bỗng dưng ta thèm được hát
Ngàn lần hai chữ Việt Nam

Và bài thơ tình buồn thật đẹp "Gởi Người Của Xứ Pleiku" của Lâm Hảo Dũng:

Hôm nay ngày vĩnh biệt
Em không còn bên tôi
Hôm nay mây thành tuyết
Tan nơi đất quê người

Hôm nay hay hôm khác
Em vẫn là trăng sao
Vẫn bay về phố núi
Thương kỷ niệm năm nào

Hãy lau dòng nước mắt
Hãy an bình xuôi tay
Đợi ta về bên gốc
Cà phê nồng hương bay

Bốn mươi năm rồi đó
Đời hằng những phong ba
Riêng em sầu để nhớ
Một hình bóng quê nhà

Ôi trăm năm hồ mộng
Đi về cũng hư không...


Hơn hai mươi năm làm thơ ca ngợi cuộc đời, ca ngợi tình yêu và quê hương đầy chinh chiến, đến hôm nay soi mình trên dòng sông viễn xứ, mới cảm thấy quạnh hiu. Và cũng chính từ niềm cô đơn ấy đã thôi thúc Lâm Hảo Dũng chiều ý bằng hữu hoàn thành tác phẩm đầu tiên nơi hải ngoại.

Tôi đã trang trọng bước vào cõi thơ Lâm Hảo Dũng như đi vào cái thế giới đầy yêu thương nơi quê nhà. Những tên làng tên xóm, những cây trái mật ngọt, là mỗi không gian cưu mang những kỷ niệm, những ngậm ngùi thương tiếc, những xót xa thâm tình. Tôi đã chia xẻ với thi sĩ Lâm Hảo Dũng những nỗi niềm sinh tử trầm luân của kiếp người trôi nổi trong cuộc đời giả tạm buồn tênh. Tôi đã bàng hoàng sống lại những giây phút đổi thay nghiệt ngã.

Giữa những xô bồ, cay đắng của đời sống lưu vong, thực sự tôi đã tìm thấy chút lửa ấm trong những dòng thơ của Lâm Hảo Dũng, miền đất đầy chân tình của quê hương và bằng hữu. Và tôi cám ơn Lâm Hảo Dũng cho tôi nhìn lại những cụm mây trắng tinh khiết bay qua bầu trời California chiều nay, những cụm mây tuyệt vời của thi nhân mà bấy lâu tôi tưởng chừng đã theo gió cuốn đi xa. Quả thật tôi đã sai lầm vì tôi đã đánh mất thời gian ngà ngọc với những kỷ niệm êm đềm thân thương của một thời yêu dấu...

Thái Tú Hạp