|
NHỮNG KỶ NIỆM
VỀ GIÁNG SINH
THÁI TÚ HẠP
|
Nhiều khi tôi muốn đẩy lùi tất cả kỷ niệm vào vực thẳm dĩ vãng, cố gắng sống với thực tại, như ý nghĩ của nhà văn nào đó đã nói: Chúng ta không bao giờ tắm hai lần trên một giòng sông. Đúng như thế, giòng sông vẫn còn đó nhưng giòng nước mỗi sát na khác nhau. Phải chạy đuổi theo giòng sống như lưu lượng nước mải miết tuôn tràn, cho đến một ngày nào đó hòa nhập vào đại dương. Làm sao tự chế để tâm đi vào cõi an nhiên tự tại. Cõi Bồ Đề Chân Như. Trong khi tâm mỗi phút giây nẩy sinh hằng hà sa số vọng tưởng. Quá khứ, vị lai chỉ là vọng tưởng. Chỉ có hiện tại là thực. Biết như thế nhưng tôi vẫn luôn luôn là kẻ thua cuộc. Nhất là thời gian bắt đầu trở lạnh. Khi ở chung quanh những nhạc khúc Silent Night, Jingle Bell, Santa Clause Is Coming To Town, Rocking Around The Christmas Tree....cũng đã bắt đầu vọng lại vây bủa trong đời sống. Những nhạc khúc tôi đã nghe hơn từ nửa thế kỷ trước. Khi tôi còn là chú bé ở cạnh nhà thờ trong thành phố Hội An, nghe tiếng chuông khua trong đêm Giáng Sinh, chạy qua nhận gói quà gói bằng giấy bóng xanh đỏ từ tay vị Linh Mục già có chòm râu trắng hiền từ như ông già Noel. Mắt tôi chắc cũng sáng rực rỡ như những bóng đèn đủ màu giăng kín trên tháp nhà thờ cổ kính. Lớn lên khi bắt đầu thấy hồn mình bâng khuâng bước vào ngưỡng cửa của tình yêu...
Từ thuở hồng hoang có phải tình yêu bắt nguồn từ những tiếng hót tỏ tình của loài chim. Tiếng va chạm của hai viên đá xanh bật thành ngọn lửa thắp sáng của cuộc tình thơ mộng đầu tiên. Tiếng suối reo vui như những lời tình tự giữa chiều thu hiu hắt nắng. Hay là hơi thở của gió thì thầm yêu nhau trong rừng mai. Của đôi bướm dập dìu bên hoa rực rỡ hiến dâng hương sắc...
Cho đến khi hiện hữu con người trên hành tinh này, tình yêu được kết hợp từ định mệnh hóa sanh trùng trùng duyên khởi. Tình yêu như dòng sông theo nhịp thăng trầm của đời sống. Tình yêu là chất liệu thử thách giữa hai tâm hồn. Tình yêu không có tuổi. Tình yêu đã vượt thời gian. Tình yêu mãnh liệt hơn ý niệm tử sinh. Sự bày tỏ của tình yêu đã vượt qua ngôn ngữ của đời thường.
Trên tiến trình thăng hóa tình yêu từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, bản chất vẫn nguyên thủy. Trong kho tàng văn học nghệ thuật của nhân loại, đề tài ngợi ca tình yêu bao giờ cũng chiếm một vị thế trang trọng đáng kể. Bản sắc thi ca tình yêu Việt Nam không biết có phải hình thành từ những câu ca dao thần tiên thơ mộng trong tâm hồn Dân Tộc từ nghìn năm trước. Những khuynh hướng sáng tạo tác phẩm về tình yêu đa số thi nhân đều hoài mong được chuyển đạt đến quần chúng qua không gian và thời gian. Nhưng chính từ mỗi tác phẩm định đoạt số phận giá trị của nó - Tác giả cũng như tác phẩm đều có số phận riêng thử thách với nhân gian.
Thơ Tình Việt Nam đã thể hiện một thứ triết lý tình khác biệt với quan niệm tình yêu truyền thống. Tình yêu là để thần thượng quý trọng nhau trong tâm khảm chứ không phải một thứ trang sức thời thượng. Thế nên hãy nuôi dưỡng tình yêu trong thời tiết thật nên thơ trữ tình và lãng mạn. Và trái tim cũng đã nhiều lần xúc động trước nhan sắc của những cuộc tình thoáng chốc lãng mạn thơ mộng của một thời mộng mơ:
...Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu...
(Xuân Diệu)
Yêu, là chết ở trong lòng một ít,
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu?
Cho rất nhiều, song nhận chẳng bao nhiêu,
Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết.
Phút gần gũi cũng như giờ chia biệt.
Tưởng trăng tàn, hoa tạ với hồn tiêu,
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu!
- Yêu, là chết ở trong lòng một ít.
Họ lạc lối giữa u sầu mù mịt,
Những người si theo dõi dấu chân yêu;
Và cảnh đời là sa mạc cô liêu.
Và tình ái là sợi dây vấn vít
Yêu, là chết ở trong lòng một ít.
(Xuân Diệu)
Tôi đã có một thời học sinh lẽo đẽo theo cô gái Bắc Kỳ nho nhỏ đến nhà thờ mỗi buổi sáng Chủ Nhật. Tôi là người ngoại đạo... nhưng tôi yêu bài thơ của thi sĩ Kiên Giang:
...Quen biết nhau qua tình lối xóm
Cổng trường đối diện ngó lầu chuông
Mỗi lần Chúa Nhựt em xem lễ
Anh học bài thi trước cổng trường...
...Thuở ấy anh hiền và nhát quá
Nép mình bên gác Thánh lầu chuông
Để nghe khe khẽ lời em nguyện
Thơ thẩn chờ em trước thánh đường...
Mỗi lần tan lễ chuông ngừng đổ
Hai bóng cùng đi một lối về
E lệ em cầu kinh nho nhỏ
Thẹn thùng anh đứng lại không đi...
Từ lúc giặc ruồng vô xóm đạo
Anh làm chiến sĩ giữ quê hương
Giữ màu áo tím cành hoa trắng
Giữ cả trường xưa nóc giáo đường...
(Kiên Giang)
Thời gian thơ mộng ngắn ngủi vì tôi lên đường khoác áo chiến binh và từ đó tôi không biết em đã theo chồng trôi giạt phương nào. Cuộc chiến đã cuốn hút tôi ngược xuôi nhiều chiến trường Thượng Đức, Thăng Bình, Đại Lộc đến Quảng Trị, Thừa Thiên...Tôi đã đến La Vang đêm Giáng Sinh và tôi đã nghe vọng lên từ tiềm thức những hình tượng Đức Mẹ Maria từ giòng thơ hồn mê đầy linh hiển của thi sỹ Hàn Mặc Tử:
...Maria! Linh hồn con ớn lạnh
Run như run thần tử thấy long nhan
Run như run hơi thở chạm tơ vàng
Nhưng lòng trần thấm nhuần ơn trìu mến...
...
Chim hay tên ngọc, đá biết tuổi vàng
Lòng vua chúa cũng như lòng lê thứ
Sẽ ngây ngất bởi chưng thơ đầy ứ
Nguồn thiêng liêng yêu chuộng MẸ Sầu Bi
...Phượng trì! Phượng trì! Phượng trì! Phượng trì!
Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu
Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu
Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang!
Đêm Noel năm 1972, nằm nghe gió Lào thổi lạnh thấu xương ở Quảng Trị. Tôi thấy nhớ nhà, nhớ vợ con da diết...người vợ đã kết hợp bằng tình yêu lâu dài. Lúc đó, chúng tôi mới sống chung với nhau được hai năm và mới có đứa con đầu lòng. Đêm Giáng Sinh tôi uống rượu với Hoàng Trọng với Lê Chánh...bên giòng sông Thạch Hãn. Tôi nhớ trong cơn buồn khủng khiếp tôi đã đọc bài thơ Phùng Nhập Kinh Sứ của Sầm Than cho mấy tên bạn thân như họa sĩ Chánh, Hiển, Khánh trong binh chủng TQLC nghe dưới bầu trời sao khuya lấp lánh bên thềm nhà hoang trơ cột cháy:
Cố viên đồng vọng lộ man man
Song tụ long trung lệ bất can
Mã thượng tương phùng vô chỉ bút
Bằng quân truyền ngữ báo bình an
...Nghìn trùng vọng nhớ cố hương
Áo đôi tay đẫm lệ vương vấn sầu
Trên mình ngựa gặp gỡ nhau
Bút không chỉ nhắn vài câu an bình...
(Bây giờ mới nghe Ái Cầm chuyển ngữ tiếng Việt)
Mặc dù ở Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn ở Đà Nẵng nhưng chúng tôi được phân phối ra ở Bộ Tư Lệnh Tiền Phương, thỉnh thoảng phải lên Mặt Trận ở Ái Tử Quảng Trị... địa đầu giới tuyến... Chiến trường mỗi lúc mỗi khốc liệt. Thời điểm quyết liệt thử thách kinh hoàng nhất là lúc đưa đến những thảm trạng đau thương trong lịch sử. Nhạc Noel, cuộc chiến đấu thật kiêu hùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng sự thực nghiệt ngã cay đắng như những dấu chàm trong tim. Cho dù chiến thắng nơi chiến trường nhưng đành phải buông súng trước chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ, để chuẩn bị bước vào một thương trường mới ở Hoa Lục. Mấy năm trong trại cải tạo ở Kỳ Sơn không nghe nhạc Giáng Sinh nhưng lòng vẫn chùng xuống khi mùa đông chớm lạnh. Nhạc Noel vọng động từ tiềm thức, hoang vu và hiu hắt như những vì sao cuối chân trời thương nhớ...
...Đêm Giáng Sinh ở trại tị nạn Jubilee Hongkong sau chuyến vượt biển đầy tử sinh hãi hùng. Những nhớ nhung lo lắng không biết tương lai đi về đâu. Gió biển thổi lốc vào những cánh cửa sắt hoen rỉ, những mái tôn tăng thêm giá lạnh của kiếp đời tỵ nạn lưu vong. Chúng tôi không bao giờ tưởng tượng, ra khỏi trại tù này lại đi vào trại tù khác cho dù đã cập bến tự do, có ảnh tượng Chúa, có nhạc đêm Giáng Sinh, có đèn màu lấp lánh trên những tháp giáo đường, nhưng chúng tôi chỉ được nhìn qua hàng rào kẽm gai cầu nguyện. Những lúc này, tôi nhớ về Đêm Noel cuối cùng bên ánh nến tàn trong trại cải tạo Kỳ Sơn với Lộc với Hùng. Đặc biệt với Hùng, người bạn sinh ra và lớn lên trong thành phố cổ kính Hội An. Hùng ở trong nhóm hội Cái Bang của chúng tôi, nhưng Hùng thua tôi đến bốn túi. Chúng tôi yêu thương nhau như anh em trong Thủy Hử. Giữa tôi và Hùng có thêm nhiều thứ tình cảm khác như cùng ở trong Gia Đình Phật Tử Chơn An, cùng trường Trần Quý Cáp, cùng chiến hữu trong QL.VNCH, cùng ngành Chiến Tranh Chính Trị và cùng ở tù cùng khối, cùng trại Kỳ Sơn Quảng Nam và cùng làm thơ viết văn...Hùng hát hay và trí nhớ thật tốt, trong đêm Giáng Sinh, Hùng đã hát nhiều nhạc phẩm ca ngợi mùa Giáng sinh, ca ngợi Đấng Cứu Thế ra đời...Khi tôi theo gia đình bên vợ người Hoa vượt biển đến Hongkong thì nghe tin những người đến sau cho biết Hùng đã chết một cách tức tưởi trong trại tù vì tai nạn lao động nặng đốn gỗ trong rừng thẳm và vợ anh đã đem con rời Hội An về sống với gia đình cha mẹ ở Huế. Cho dù ở phương trời nào, mỗi lần nghe nhạc Noel, tôi đều chạnh nhớ về những lời ca truyền cảm của Hùng trong trại cải tạo năm nào còn hằn in trong tâm khảm...và tôi vẫn cầu nguyện cho Hùng sớm siêu thoát về Cực Lạc.
Nhiều khi tôi thầm nguyện hãy cố gắng giữ tâm tĩnh lặng như mặt hồ thanh tịnh, nhưng gió thì cứ động thổi qua hàng cây, làm rơi vài cánh lá gợn sóng mặt hồ. Mặt hồ vô hình chung làm biến dạng khuôn mặt thật của con người "nhân diện bất tri tâm". Và từ đó, chính tôi tưởng như mình đang đóng tuồng trên sân khấu đời đầy hỉ nộ ái ố và quanh tôi cuộc trình diễn vẫn không thay đổi đang kéo dài từ thế hệ này đến thế hệ khác. Mỗi ngày mỗi nồng nhiệt đầy độc hiểm hơn, mặc dù con người đều có ý thức thấu triệt nhân sinh trong cõi Ta Bà không thoát khỏi cảnh giới đau khổ triền miên của sinh, lão, bệnh, tử...
Thái Tú Hạp