PHƯỢNG TÍM Ở CALI NHỚ HOA SIM Ở QUÊ NHÀ
(Thái Tú Hạp)

Khi chúng tôi đến định cư ở thành phố Los Angeles nhằm vào mùa hè, lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy hàng cây phượng tím trên lối đi đến trường, học những bài Anh văn đầu tiên với cô giáo người Ba Lan. Những ngày tháng ngơ ngác nơi quê người, những cánh hoa phượng tím càng gợi cho chúng tôi cảm thấy cô đơn, da diết buồn hơn. Tôi nhớ đến những ngày mùa hạ ở quê nhà, màu hoa phượng vỹ rực rỡ đỏ thắm trong sân trường, những đôi mắt bùi ngùi ngấn lệ chia tay, những cuốn lưu niệm chuyền tay nhau viết những lời thắm thiết yêu thương, những cánh hoa phượng vội vàng ép vào cuốn vở học trò như bày tỏ “e ấp” tình yêu... hay nỗi lòng rạo rực “xếp bút nghiên” về với miền quê yêu dấu, như nhà thơ Xuân Tâm đã vẽ nên:

Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã hết
Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về
Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê
Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ.

Một nét mặt, trăm tiếng cười rộn rã
Lời trên môi chen chúc nối nghìn câu
Chờ đêm nay, sáng sớm bước lên tàu
Ăn chẳng được lòng nôn nao khó ngủ

Trong khoảnh khắc sách, bài là giấy cũ
Nhớ làm chi. Thầy mẹ đợi, em trông
Trên đường làng huyết phượng nở thành bông
Và vườn rộng nhiều trái cây ngon ngọt

Kiểm soát kỹ, có khi còn thiếu sót
Rương chật rồi, khó nhốt cả niềm vui
Tay bắt tay, hồn không chút bùi ngùi
Các bạn hỡi, trời mai đầy ánh sáng.


(Nghỉ hè trong tập Lời Chim Non)

Lời thơ trong sáng và hồn nhiên. Cái thuở hồn như gương và ý nghĩ như thủy tinh thật là hạnh phúc. Càng già con người càng sinh ra tồi tệ quá đỗi, nói theo nhận xét của Phan Khôi. Soi bóng mình trong mặt hồ tĩnh lặng, tóc bạc trắng mây trời càng cảm thương cho thân phận lưu vong, không biết bao giờ về thăm lại con đường phượng vỹ dẫn lối đến ngôi trường thân yêu ở Hội An, Nội Thành Huế, con đường ven biển Quy Nhơn. Tôi chạnh nhớ nhà văn Solzhenitsyn, ông chỉ mới xa quê hương chưa đầy hai mươi năm đã quyết liệt trở về. Sau khi tác phẩm “Quần Đảo Ngục Tù” được tung ra quần chúng, Solzhenitsyn bị chính quyền Liên Bang Sô Viết trục xuất khỏi quê hương ông. Năm 1977, Solzhenitsyn đến định cư ở thành phố Cavendish, thuộc tiểu bang Vermont, Hoa Kỳ. Solzhenitsyn đã được dân chúng Hoa Kỳ nồng nhiệt đón tiếp ông, một thiên tài đã từng đoạt giải Nobel về văn chương từ năm 1970. Sống nơi đất mới đầy Tự Do và Nhân Bản, Văn Hào Alexander Solzhenitsyn tiếp tục lên tiếng bằng ngòi bút sắc bén của ông báo động cho nhân loại biết về tội ác và hiểm họa của Cộng sản. Mặc dù được ưu đãi về mọi phương diện, nhưng đến khi chế độ Cộng sản đã thực sự không còn nữa ở Nga Sô, ông đã bỏ lại tất cả để trở về cố hương không tiếc nuối. Có lẽ ông không thích màu hoa phượng tím đã làm cho ông khổ đau vì nhung nhớ? Đối với nhà văn Mai Thảo, nhà thơ Nguyên Sa, và nhạc sĩ Phạm Đình Chương, thì Solzhenitsyn quá nhiều diễm phúc. Mai Thảo đã từng mơ ước viết thêm tác phẩm “Ngày Tái Ngộ Hà Nội” sau khi ông được ngưỡng mộ qua cuốn “Đêm Giã Từ Hà Nội”, và Nguyên Sa mơ ước được ngắm em mặc áo lụa trên những con phố Hà Đông, và nhạc sĩ Phạm Đình Chương mơ ước được hát Hội Trùng Dương tại nhà hát lớn Thủ Đô Hà Nội. Nhưng mơ ước của Mai Thảo và Nguyên Sa và Phạm Đình Chương không bao giờ thực hiện. Tôi còn nhớ, một lần buổi trưa mùa hạ ngồi trong quán Doanh Doanh trên đường Sunset, Los Angeles, nhìn xuyên qua khung cửa, vài chùm hoa phượng tím đong đưa, anh Mai Thảo đã lắc đầu có vẻ bực bội:

- Cái hoa màu tím ấy, tớ không bao giờ thích.

Dù muốn dù không, chúng ta vẫn còn ở đây. Và mỗi khi nắng hạ trở về đành phải nhìn những màu hoa tím buồn bã như một định mệnh an bài.

Ngày xưa, khi còn ở trong quân ngũ, mỗi lần hành quân qua buôn bản, thôn làng, dừng chân trên những sườn đồi hun hút nắng, lung linh trên những cánh hoa sim tím ngút ngàn. Tôi chạnh nhớ đến “Màu Hoa Sim Tím”của Hữu Loan thời tiền chiến, nhạc sĩ Dũng Chinh phổ nhạc và được quần chúng yêu thích lúc bấy giờ. Chiến tranh lan tràn khắp chốn, và từng lớp thanh niên, sinh viên giã từ mái trường thân yêu để lên đường ra trận mạc, nên cái không khí lo âu ngộp thở như bao trùm lên mỗi gia đình hậu phương. Bài hát “Những Đồi Hoa Sim” đã tạo thành danh nổi bật sáng chói tên tuổi ca sĩ Phương Dung “Con Nhạn Trắng Gò Công”.

Hữu Loan, thi sĩ nổi tiếng trước 1945, tham gia kháng chiến chống Pháp. Quê ở làng Vân Hoàng, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, sinh khoảng trước năm 1920. Đã từng cộng tác trên các tạp san Văn Học xuất bản ở Hà Nội trước năm 1945. Bài thơ “Màu Tím Hoa Sim” ông sáng tác trong thời gian ở quân ngũ, nhưng khi bài thơ lưu hành trong vùng kháng chiến... quá mạnh mẽ, nên bị cấm phổ biến với lý do “nặng tình cảm làm nản lòng cán bộ và chiến sĩ”, cho ông giải ngũ không có lý do hợp lý... Đến khoảng thời gian 1956-1957, ông tham gia nhóm “Nhân Văn Giai Phẩm” do nhà văn Phan Khôi chủ trương, sáng tác những tác phẩm hừng hực lửa, tấn công thẳng thừng vào bọn cán bộ cộng sản nịnh hót, đố kỵ, ám hại anh em... qua tác phẩm “Cũng Những Thằng Nịnh Hót” và truyện ngắn “Lộn Sòng”. Nội dung tác phẩm của ông ghi lại những thực trạng đau xót của xã hội Cộng Sản đầy ghê tởm mà ông là nạn nhân (tài liệu Tuệ Chương). Sau khi nhóm Nhân Văn Giai Phẩm bị Đảng đánh tơi bời, nhà thơ Hữu Loan cũng bị hốt vào trại cải tạo vài năm, rồi đưa về giam lỏng tại địa phương không biết sống chết ra sao.

Về trường hợp nhạc sĩ Dũng Chinh, anh xuất thân Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức Khóa 27. Sau khi ra trường, anh thuyên chuyển về Phan Thiết, một thời gian theo các đại đội hành quân, đã bị phục kích tử trận tại đồi Beatrice khoảng sau Tết Mậu Thân 1968, lúc đó Dũng Chinh đang ở vào tuổi 27, cùng với tuổi của thi sĩ Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Quách Thoại, Nguyễn Nhược Pháp... (Tuệ Chương kể lại).

Bài thơ “Màu Tím Hoa Sim” của Hữu Loan như sau:

Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những đứa em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh

Tôi là người chiến binh xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái

Ngày hợp hôn
Nàng không đòi may áo cưới
Tôi mặc đồ quân nhân
Đôi giày bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về cưới nhau xong là đi

Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng đời chiến binh
Mấy người đi trở lại
Lỡ khi mình không về thì thương người vợ chờ
Bé nhỏ chiều quê
Nhưng không chết người trai khói lửa
mà chết người em gái hậu phương

Tôi về không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con
Đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương tàn lạnh vây quanh

Tóc nàng xanh xanh ngắn chưa đầy búi
Em ơi, giây phút cuối chẳng được nghe em nói
chẳng được trông thấy em một lần

Ngày xưa Nàng yêu hoa sim tím
Nàng vá cho chồng tấm áo ngày xưa

Một chiều rừng mưa
Ba người anh từ chiến trường Đông Bắc
được tin em gái mất trước tin em lấy chồng

Một sớm thu về gờn gợn nước sông
đứa em nhỏ lớn lên ngỡ ngàng
trông ảnh chị khi gió sớm thu về
cỏ vàng chân mộ chí

Chiều hành quân qua những đồi sim
những đồi hoa sim
Tím cả chiều hoang biền biệt
Nhìn áo rách vai tôi hát trong màu hoa:
“Áo anh sứt chỉ đường tà vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu!”










Từ khi biết yêu người, yêu đời, tôi thích màu vàng, có lẽ màu của lãng mạn tình yêu, của rực rỡ huy hoàng mộng ước... “Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc. Áo nàng xanh anh mến lá sân trường. Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu thương. Anh thêm mực cho vừa màu áo tím” (Nguyên Sa), tuy nhiên, màu tím, đôi khi cũng làm cho tôi cảm thấy bâng khuâng ray rứt cả tâm hồn...

Em ơi, tím cả cuộc đời
Tím lên mái tóc, tím lời yêu thương..

Một tà áo tím bay trong gió thu nhè nhẹ, mái tóc thề, buông thả đôi vai gầy, từng bước chân son trên lối về lớp học... sao mà dễ thương quá đi thôi. Nếu có chút tâm hồn nghệ sĩ, chắc chắn sẽ xao xuyến bàng hoàng sáng tác thành thơ, thành nhạc... để gửi gắm nỗi niềm riêng tư.

Tôi đi giữa những hàng phượng tím trong những thành phố Cali mà lòng bỗng chạnh nhớ về màu tím mộng mơ xứ Huế năm nào. Có còn gì để nhớ để thương từ lúc bỏ hoàng cung hoang vắng:

Chiều có nhớ mây về trên đỉnh Ngự
Giòng sông Hương hờ hững bóng trăng sầu
Em đứng đợi mấy cửa thành hoang vắng
Nghe từ tâm cánh hạc vút xa bay

Hàng cây khô nội thành câm lặng khóc
Lệ của trời hay Tôn Nữ chờ mong
Loài hoa dại trong vườn thu Thượng Uyển
Người đã quên từ lúc bỏ Hoàng cung

Đêm nín thở bờ sông lên tiếng hát
Lời Nam Ai cắt ruột não nề đau
Ta đã mất quê em từ dạo đó
Đôi bàn tay chiều rụng gió Kim Long

Thời gian ơi! Thổi về mây Cửu Đỉnh
Như giọt trăng trên tháp cũ điêu tàn
Em có biết lời thơ đầy mật ngữ
Đời trôi tan như bóng nắng vô thường

(Từ Lúc Bỏ Hoàng Cung – Thái Tú Hạp)