THIỀN TÍNH TRONG THƠ THÁI TÚ HẠP
(NGUYỄN VY KHANH)



Thơ Thiền ở Việt Nam khởi đi từ những bài thi, phú của các thiền-sư đời nhà Trần thuộc Trúc-Lâm Yên-Tử. Thiền-thi tiên quyết không hẳn là thi-kệ và phải có những chức năng cần đủ để tạo nên thi ca, tức không chỉ nhắc vài từ ngữ nhà Phật là đủ. Văn-học miền Nam thời 1954-1975 đã có những bài thơ thám hiểm cõi Thiền của Quách Tấn, Hoài Khanh, Trụ Vũ, Phạm Thiên Thư, Bùi Giáng, Nhất Hạnh, Phổ Đức, ... Sau đó thơ Thiền đã đến chốn tù đày "cải tạo" với Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Xuân Thiệp, ... nơi chốn đó thơ trở thành phương tiện để sống còn, thơ thiền như một lối thoát, như hạnh phúc còn lại! Phần tư cuối của thế kỷ XX, tình cảnh lưu đày đem đến những tiếng thơ Du Tử Lê, Thái Tú Hạp, ... riêng với nhà thơ Thái Tú Hạp, thơ thiền như vọng đến từ phương xa xôi nào! Thật vậy, thiền tính bàng bạc rồi có mặt trong thơ ông từ những thi-tập xuất bản ở ngoài nước như Chim Quyên Lạc Đàn (1982), Miền Yêu Dấu Phương Đông (1987) nhưng đến Hạt Bụi Nào Bay Qua (1995) thì thiền-tính càng rõ nét hơn:

"em cười như nụ hoa
trong mai tâm Bồ Tát
tiếng chuông đời thoảng qua
phù vân chim hót lá
(...) sớm mai nào chợt ngộ
tâm ta tưởng là hoa
trong sắc màu giả tướng
có không nào trong ta”

(Chợt Ngộ)(1)

Tính Thiền đã thể hiện qua thi ca Thái Tú Hạp khi diễn tả, nói đến cái uyên ảo, tôn kính bằng ngôn ngữ trần gian và ngôn ngữ nghệ thuật. Dùng ngôn ngữ nhà Phật, cửa Thiền chưa hẳn đã thành thi-ca, mà xử dụng từ đó phải tự tâm bộc phát tự nhiên; đó là sự phân cách giữa thơ chốn nhà Chùa và thi-ca nghệ thuật ! Hãy theo nhà thơ làm cuộc hành trình tìm Chân như :

"... đông tây nào đốn ngộ / người xa cách tâm linh / đời phù hư trá ngụy / tìm đâu thấy chân kinh” (tr. 159);
“... chân tâm mãi hướng về / tiếng chuông còn vọng lạc / bên vực đời u mê..."
(tr. 168);
“... em về tâm mở Pháp Hoa / núi nghe tiếng thở mây qua mặt hồ / lời kim cổ gọi hư vô / tiếng im sỏi đá nguyệt ngơ ngẩn sầu .."
(tr. 183);
" ta về tịch mặc ngàn hoa
lá cao vút đẫm mây qua đỉnh trời
nhân gian dành trọn cuộc chơi
ta cùng em hát bên đồi xuân xưa
nhất quán rồi-mộng mai sau
tâm vô lượng mở - có nhau luân hồi
cảm ơn thơ, cảm ơn đời
trăm năm nhật nguyệt, đầy vơi nghĩa tình"
(Luân Hồi Có Nhau).

Rõ là chữ-nghĩa chất chứa thơ và thiền!

Con người trong thế-giới thơ Thái Tú Hạp, sống, thở tự do, trong một tinh thần phá chấp, phá tâm vọng ngã, quên ta “đời không biết ta đến / chẳng biết ta đi / không ai còn nhớ trong biển hồ quên lãng / chỉ có hạt bụi chỗ ta ngồi” (tr.10), một thế-giới vô-ngã, là cõi tạm, nên quên mình “gió cát ngàn dặm xa / ta làm thân mục tử / ngủ say trên đồi hoa / bỏ quên đời hư ảo...” (tr. 63),
yêu cầu giải phóng khỏi mọi ràng buộc (khác phi nhân bản) để tự do tuyệt đối,... Tự do phá chấp thoát khỏi nhiều ràng buộc kể cả bản thân, "vị tha vọng ngã" : " hỏi muôn vạn nẻo ta bà / hỏi chân như có mù sa chốn nào / ... hỏi ta hạt bụi vô minh / sát na trong cõi hữu hình xuân thơm" (Tự Vấn), còn tự vấn, tâm còn động,... là hãy còn vương vấn, chưa thoát : “ tâm có động mười phương thao thức / cõi bình minh rạng rỡ hồn phương đông”; “tâm động như dòng sông / (...)nụ cười tan theo hoa / sát na rồi vỡ nát” (tr. 162-163). Thoát, kể cả ngôn tự như phương tiện : " khuya nghe vũ trụ chuyển mình / sáng ra trời đất mới tinh / cỏ cây như vừa tắm gội / chữ nghĩa không còn trang kinh / tâm già nua ta chợt thức / đầu cành giọt nắng nguyên trinh" (Vô Tự). Vô tự nhưng con người vẫn cần tiếng nói : "... bây giờ ngôn ngữ chết / ta không còn tri âm.." (tr. 191)!

Con người vô ý trước những hình ảnh tự nhiên : " vườn xuân xưa trổ nụ hồng / em về từ cõi sắc không dấu hài / trăm năm tiếng hát nguyên khai / tâm bao dung nở cành mai nhiệm mầu" (Tâm Khai). Vô tâm nhờ tinh thần vô ngã và nhờ vậy ngộ bất chợt, không chờ, không tính toán : "... sớm mai nào chợt ngộ / tâm ta tưởng là hoa / trong sắc màu giả tướng / có không nào trong ta" (Chợt Ngộ). Có-không không còn là vấn nạn : "... em hỏi ta căn nhà vĩnh cửu? / ta soi tâm thấu triệt vô thường" (Ngộ); " nhân gian dành trọn cuộc chơi / ta cùng em hát bên đồi xuân xưa / nhất quán rồi- mộng mai sau / tâm vô lượng mở - có nhau luân hồi ..." (Luân Hồi Có Nhau). Những lời hiện-đại để nói lên thiền-ý “thân như điện-ảnh hữu hoàn vô”(2) của thiền-sư Vạn-Hạnh!

* Thiên nhiên :
Nhà thơ Thái Tú Hạp đến với thiên nhiên một cách tự nguyện, hoặc để thưởng-lãm hoặc để bày tỏ, buông mình cho tâm động theo cảnh : "... trăm năm chừng ghé lại / cõi tạm đầy thương đau / căn nhà xưa quạnh quẽ / trong mắt sầu thiên thu..." (tr. 203). Thiên nhiên sinh động nên thơ, gợi cảm: “sỏi đá sầu thiên thu / suốt đời ta đau nhức”(tr. 26); “từng hàng cây đứng im / nụ mầm thiên thu nẩy / khu vườn rộn rã chim / mặt trời vừa thức dậy / (...)chỉ một mình ta thôi / trôi theo dòng suy tưởng / những tình xuân vô lượng / rót từ cõi nguyên khôi / lửa tàn trong thạch thất / rừng khoác kín đôi chân / em vì ta bước lại / từ đó lộc ra xuân” (Từ Đó Lộc Ra Xuân). Cả nơi tù hãm, ở một vùng đất nước khốn khổ, nếu không có biến cố đổi đời, chưa chắc đã đặt chân đến! Thiên nhiên nơi nghịch cảnh sống lại trong tâm thức nhà thơ - sống hiện tại là nhớ-lại quá khứ nhất là những quá khứ trầm luân : " Gối đầu lên tảng đá/ buổi trưa rừng Quế Tiên / bầu trời xanh cao vút / hồn nghe dậy tiếng chim / (...)núi vẫn im - hoa rụng / trên áo tả tơi buồn / người tù binh yên lặng / trong dòng suối cánh lan / ba năm con đường cũ / rừng bỗng thấy xác xơ / cây và người khô héo / nỗi sầu giống như nhau / Quế Tiên rừng gục đầu / chiều mưa giăng trên mộ / tiếng chim xưa về đâu / rừng thu nghe hoang vắng / rừng ơi, rừng Quế Tiên / lòng ta buồn không dứt / sỏi đá sầu thiên thu / suốt đời ta đau nhức / (...) chiều nay xa cách rừng/ lòng ta buồn bã quá / rừng Quế Tiên - đau thương / người đi, về hiu hắt..." (Chiều Nhớ Rừng Quế Tiên).

Thiên nhiên thường hằng của bản thể, bên cạnh cái hữu hạn của thế giới, của hiện tượng. Thiên nhiên là hình ảnh của thi-ca, là biểu tượng : vạn vật và con người vốn cùng một bản-thể (" rừng ơi, rừng Quế Tiên / lòng ta buồn không dứt / sỏi đá sầu thiên thu / suốt đời ta đau nhức"), tức Chân-Như, một thành đa, và rồi sẽ quay về cùng nguồn cội uyên nguyên, đa dạng bí nhiệm con người không thể biết hết!
Thế giới hiện tượng đó rồi ra hư ảo, vô thường, luôn biến động và tuân theo luật tuần hoàn :

"tình xưa về ngự cõi riêng
đường ngôi em rẽ hai miền phù vân
còn bao nhiêu sóng trong lòng
đổ ra mấy nhánh trăng vàng biển khơi
có không trên ngọn cát bồi
sớm hôm rồi chợt qua đồi cỏ lau
lá xanh biếc núi ngàn sau
cụm hoa còn ngẩn ngơ sầu chia xa
em về hoang tịch đời ta
dấu hương khói muộn nhạt nhòa chân mây"
(Cõi Riêng)

Cuộc đời cũng như cảnh vật biến thiên, thay đổi, tang thương, nghiệt ngã, ... con người chứng kiến đành phải ngậm ngùi cũng như thiên nhiên, “nghìn năm sau sa mạc chiều / tiếng chim quốc gọi quạnh hiu ta bà / mai về từ chỗ chia xa / bãi sông đầu bạc ngàn lau ngậm ngùi” (tr. 57). Mà người buồn cảnh có vui đâu bao giờ, nhất là khi cảnh với người như đã hợp nhất, hai mà một : “tiếng mưa xé nát hồn viễn khách / em hát giùm ta khúc nhạc sầu / cho ta khua hết trong tiềm thức / hàng vạn chiều mưa phủ đớn đau / mưa ở quê nhà mưa núi thẳm / mưa rừng sâu nghiệt ngã tai ương / mưa hải đảo kiếp đời lưu lạc / mưa nhạt nhòa biệt tích cố hương!”
(Cơn Mưa Nhớ Nhà).

Đời phải chăng giả tạm? "... Trong vườn tâm trần thế / đời huyễn hoặc cơn mơ / trôi trên dòng sinh tử / nhòa khuất như trăng sao” (tr. 37). Đời là vô thường như bóng nắng (tr. 17); “như tiếng hót sớm mai nầy / của loài chim hoang về đậu trên cành sầu đông rã mục” thật ra chỉ như “những giấc mơ xưa đã tắt lịm rồi em” (tr. 23); .. hoặc tiếng chim khác từ cõi xa xăm : “gọi mãi thiên thu đời tĩnh lặng / thời gian biền biệt vết chân xa / con chim tận tuyệt nghìn khuya hót / mấy cõi sầu riêng thấu tim ta” (tr. 35).
Ngoại cảnh động tâm hoặc không thể không để tâm ngay cả trong nghịch cảnh thân tù đày hoặc biệt xứ : tiếng chim trong ghềnh núi khi tù binh phải đi đốn cây " lạnh lùng như chiếc bóng", tiếng chim như ân sủng, như hạnh phúc bất chợt nhưng thâm sâu, không phải ai cũng nghe thấy - " người xa vẫn chưa về / trùng dương mờ mịt khói / chắc không còn ai nghe / tiếng chim trong ghềnh núi!" (Tiếng Chim Trong Ghềnh Núi), rồi tiếng chim cũng là hạnh phúc dõi tìm " từ đó ta có em trong tận cùng đất khổ / nhất nguyên này đẹp vô lượng tình yêu / ... em thắm xinh như nụ hoa vàng / như tiếng chim hót trong rừng cây..." (tr. 44). Tiếng chim của quá khứ lúc nào cũng đẹp : “thành nội tiếng chim khua cành nhãn / con đường đỏ thắm phượng ven sông” (tr. 109). Cuộc đời không lựa chọn “trên ngàn dặm lưu đày nghiệt ngã” nhưng tâm thức đã có những giây phút hạnh phúc chợt đến “lâu rồi mới nghe tiếng chim hoàng oanh hót” (tr. 121). Những tiếng chim trong những hoàn cảnh và nghịch cảnh khác nhau đó như những nguyên-thể, những " bản lai diện mục", ... Những hình ảnh nghịch lý, bất chợt, oái oăm, cả dị thường, phi lý! Tâm thức xuyên suốt thời gian và không gian là vậy!
Cảnh trí thiên nhiên, sự vật hữu thể chính là thể hiện của bản-thể, của chân như. Nhà thơ đi tìm chân-nguyên, cội nguồn qua những cảnh vật, thiên nhiên, nơi thân quên cũng như miền xa lạ : những đám mây lúc tịnh yên, lúc vờn bay; những cánh hoa lẻ loi, hoang dại, hay rực rỡ, đua thắm, hoa vàng, hoa xanh; những vầng trăng lúc tỏ lúc mờ, lúc đến gần lúc vượt khỏi tầm nhìn nhân thế, v.v. Qua những tiếng động cảm được hoặc âm u đến từ một cõi nào!
Muốn đạt Chân Như, phải đạt Tâm hư-vô, tâm không, bằng trực giác. Mọi sự vốn dĩ là không, do tâm biến hóa mà ra. Chân-không diệu-hữu, cái không chân thật là cái có vi diệu đầy tính biện chứng : "... ngắm mây ............. biền biệt xứ / ngàn dặm xa Huệ Năng / hành trang kinh vô tự / lòng sao mãi băn khoăn / đông tây nào đón ngộ / người xa cách tâm linh / đời phù hư trá ngụy / tìm đâu thấy chân kinh" (Chân Kinh).
Đốn ngộ bằng trực giác, ngay tức khắc - kiến tính, qua những hình ảnh của chân tâm, trí tuệ bát nhã như cành mai : “trăm năm tiếng hót nguyên khai / tâm bao dung nở cành mai nhiệm mầu” (tr. 182); như vầng trăng sáng, “chờ nhau dưới cội vô thường / soi tâm tư hiện một vừng trăng xưa” (tr. 205). “Người xưa ngẩng đầu nhìn trăng sáng” vì hiện hữu bất ổn “ta giờ trăng chết ở trong tâm”, trăng trở nên “trăng cưu mang niềm đau vong quốc / bỏ đám mây tang tóc bên trời / kẻ lưu đày u hoài đất khách / đạp trăng sầu lên núi rong chơi” (tr. 81); trăng sáng soi “nhớ người thăm thẳm trăng soi / đường chim quyên lạc bên đồi Hoa Nghiêm” (tr. 172), ...
Trăng còn là hình ảnh lãng mạn đẹp “em cách biệt như vầng trăng thần thoại / dòng sông xưa về ngủ muộn tương tư” (tr.149); thành thử khi phải đau khổ, xa cách “sông núi một đời oan nghiệt khổ đau” thì “vừng trăng chết đuối / trong hồn nhau” (tr. 134)! Trăng chết đuối - dù trong hồn nhau, rốt cùng cũng chỉ là ảo-tưởng, sắc tướng. Người cảm nhận Thiền sẽ không “bồng bột” như Lý Bạch thuở nào!
Ánh trăng xanh như một chốn để về, như một nguồn cội tư duy “cho dù lỡ kiếp ba sinh / trong ta nguyên thủy trăng xanh cuối ngàn”(tr 194), gió (hư vô), gió đập cây tùng, thiên nhiên động tâm con người (khiến cắc cớ hỏi “hạt bụi nào bay qua”!). Mưa là hình ảnh khác được nhà thơ hơn một lần nói đến, như bài Mưa Trong Vùng Trí Tưởng (tr. 40-41), điêu luyện trong cái đậm đà khi nói đến “cố xứ”, một quê hương trong xa xăm “kỷ hà tịch mịch” mà “giọt mưa trên cành nguyệt quế” người yêu dấu hái được như hạnh phúc tìm thấy !
Tâm nhiều quan hệ với mây nhưng không hẳn là mây trời vì mây của Thái Tú Hạp lẩn quẩn chốn thiền môn hoặc tâm thiền, có lúc mây trở thành am nơi chốn cũ " tâm hình như có sóng / chiều tịnh mặc đâu đây / phương nào thương cố quận / cho ta về am mây" (Thảo Trang). Tâm có sức mạnh nội tại có thể giao động như dòng sông hoặc có thể tác động đến mây “tâm xô giạt chiều mây” (tr. 162). Mây đối với nhà thơ đã trở nên sức mạnh huyễn-hoặc, từ những phù-vân của tri-kiến tầm thường hay “trong mắt em buồn thoáng mây trôi” (tr. 138) đến những trời xanh, mây xanh trong sáng của tự tính! Mây còn vương vấn nơi đỉnh đèo Hải Vân, nơi núi Ngự, mây núi đi chung như hồn nhiên tự tại của vạn vật, thành thử xưa hay nay vẫn là một trong tâm thức!
Suối nguồn đó là “mùa xuân Pháp Hoa”, nơi “rừng Viên Mãn”, nơi “căn nhà hạnh phúc”, “ căn nhà vĩnh cửu” (tr. 176), nơi “vườn xưa trổ nụ hồng” (tr. 182), ... khiến con người tiểu ngã cùng tâm thức sống thật, sống mạnh, một “mùa xuân đang kiêu hãnh bước vào” (tr. 124). Mùa Xuân là hình ảnh lý tưởng, cũng là lý tưởng được hình ảnh hóa : khởi đầu, uyên nguyên, thanh tịnh, sự sống và tái sinh. Cũng mùa Xuân là hình ảnh thời gian qua mau mà phải cáng đáng hiện tại. Thiền sư Mãn Giác thế kỷ XI đã có cái nhìn đầy đủ về mùa Xuân. Qua bài thi-kệ "Cáo tật thị chúng" :

" Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhỡn tiền quá,
Lão tòng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” (3).

Xuân là hình ảnh tươi thắm, sinh động, của thường tồn, chân tâm, nhưng rồi cũng phải nhường chỗ cho mùa Thu theo quy luật sinh trưởng và tàn lụi của vạn vật. Khi " tóc đời đã bạc sợi yêu thương", tâm thức và trí tưởng vẫn thường trực dõi tìm quá khứ, ngôi nhà xưa, tìm " chút thân quen từ cõi tiềm thức hoang vu" nơi đó có " những con nhện tỏ tình dưới mái hiên dĩ vãng / những tấm liễn thép vàng xưa huyền hoặc / hoen mờ rêu mục dấu thân yêu / loài mọt ngày đêm rả rích / khung cửa chiều tia nắng dọi ngậm ngùi / như trái tim trong căn phòng cổ tích / chút thân quen từ cõi tiềm thức hoang vu" (Vẫn Yêu Em Mùa Xuân). Suối nguồn uyên nguyên đó là nơi con người "hạt bụi" luôn kiếm tìm trở về, một trở về làm tái sinh, sinh-hoạt lại cuộc hiện hữu " đời thắp lại những mầm xanh bát nhã" (Ta Sẽ Về). " Tôi mơ ước cụm hoa vàng thắm nở / Trong vườn em hồn tháng chạp giăng mưa / (...) Tôi mơ ước mùa xuân em nguyên vẹn / Tóc hoa chanh tà lụa trắng đông phương" (Quê Hương Trong Trí Tưởng).
Vậy, " từ trong cõi ưu tư sầu muộn / thân xác ta rã rời / qua từng sát na mầu nhiệm / ôi! kiếp người hư vô ..." (Hạt Bụi Nào Bay Qua), con người nhỏ bé, tiểu ngã đi tìm bản thể, muốn đến chân như, đạt thiền-tính, tâm thức có lúc trở nên tịnh. Một chân lý khôn cùng, tĩnh mà động, vừa huyễn-diệu vừa thường-hằng, như dịch lý, luân hồi! Hư-thực có- không luôn chuyển hóa, tuần hoàn. Đã nhận chân vô ngã, vô thường, trong tình cảnh lưu đày, dù không câu chấp, dù đã dứt bỏ thù hận, thì vướng mắc lớn vẫn là quê nhà, quá khứ, kiếp người theo một cách hiểu chưa trọn vẹn, nhưng với thời gian và tuổi đời, phá chấp đến tự nhiên với tâm thức người tìm đến Thiền. Kiến tính, an nhiên tự tại đưa Thiền vào cuộc sống nhân sinh mới! Tiểu-ngã, sản phẩm bất chợt của thiên nhiên, nhân quả đó, có lúc buông mình, sống nương theo biến dịch, thanh thản. Tu dưỡng nhân cách hay an nhiên tự tại cũng là vui sống, tự tin vào bản thân, vô cầu vô ngại : " gió cát ngàn dặm xa / ta làm thân mục tử / ngủ say trên đồi hoa / bỏ quên đời hư ảo" (Cỏ Thi).

* Không gian thiền :
Nhờ thiên nhiên luôn có mặt, cõi thơ Thái Tú Hạp mở ra một không gian bao la, lúc mênh mông, lúc thanh vắng, nhà thơ ngộ được tâm thức Chân Như, bèn trải ra cho người khác. Không gian đó hàm chứa sự chuyển động, đối lập. Không gian đó có khi là của quá khứ (quê hương, con đường, phố hội đã đi qua, đã từng cư ngụ... ), nơi có sự hiện hữu của cái “Tâm ở lại” (tr. 27).
Tâm vướng bận quê-hương, quê nhà và quá khứ chiếm nhiều thơ của Thái Tú Hạp. Nào cổ phố Hội An, nào Đà Nẵng, Tiên Phước, núi Ngự, sông Hương, Phù Cát, Cheo Reo, đèo Rù Rì, ... : " bằng hữu như sương hạc bay qua / em như trăng ngọc giếng quê nhà / còn đâu hơi thở tà huy thắm / như ánh sao chiều heo hắt xa / (...) tháng tám trăng về theo tiếng khóc / từ đáy huyệt sầu cố hương ta / người xưa nay đã chia nghìn kiếp / trăng vẫn chung tình với thế gian..." (Trăng Viễn Xứ), “tưởng chừng như đang ở cùng sông núi / ta thở cùng sen mùa hạ sang / ta uống cùng em con suối bạc / ta đùa cùng em cầu ao trăng / thành nội tiếng chim khua cành nhãn / con đường đỏ thắm phượng ven sông” (Nghe Suốt đời Ta Một Núi Sông), v.v.
Quê nhà và quá khứ đẹp và đáng nhớ, chỉ vì đã mất, đã vỡ nhòa, đã biến thiên. Còn lại chăng trong giấc mơ, trong trí tưởng, ước mộng:

"Tôi mơ ước cụm hoa vàng thắm nở
Trong vườn em hồn tháng chạp giăng mưa
Dòng sông thu chuyển mình thao thức nhớ
Bên ngàn lau nắng thắp mộng yêu xưa
(...) Tôi mơ ước mai về đêm hội ngộ
Bánh chưng thơm, hương nếp mới quây quần
Đời hóa vui trong tim người độ lượng
Trong hồi chuông đại nguyện giữa hư không
Tôi mơ ước gian nhà xưa trở lại
Ngói âm dương êm ấm sưởi tình nhau
Con khứu già líu lo quen giọng hót
Buổi trưa vàng tĩnh mịch nắng hàng cau
(... ) Ngắn ngủi quá, ôi thời gian mơ ước
Không gian nhòa nhạt ý thơ vui
Ngọn cỏ hoang bên đường qua hiện thực
Ngày mai đi lạc lõng giữa quê người"
(Quê Hương Trong Trí Tưởng)

"... Đỉnh non cao sương mù giăng mấy lớp?
Biết đâu tìm tri kỷ giữa phù vân
Trong hơi thở quay về tâm tĩnh lặng
Tìm thấy ta an lạc chuyện tha nhân
Như dòng sông mênh mông về biển cả
Như mây trời tâm thức đã thong dong
Ta có em từ trong thiên cổ mộng
Tiếng đàn vui thanh thoát cõi phương Đông!"
(Tâm Người Viễn Xứ).

Từ quê hương địa lý thành quê thơ : “Cỏ thi tình quê hương” nên “ta kiếm hoài cỏ thi” (tr. 62). Rồi từ thi đến thiền, “ta mười năm diện tâm / kể từ khi xa nước” (tr. 190),... hành trình như một tự nhiên! Về đâu? Về phương Đông, một không gian hình thù địa lý được nhiều lần đề cập đến trong thơ, như một ám ảnh, một ký ức văn hóa và như một suối nguồn, thiền và thi : “nhớ nhung hoài vọng phương đông” (tr. 200); “cõi người biệt dấu phương đông” (tr. 194); “ tiếng đàn vui thanh thoát cõi phương đông”; “tâm có động mười phương thao thức / cõi bình minh rạng rỡ hồn phương đông”; “ta về cõi phương đông” (tr. 63); “phương đông buồn hiu hắt” (tr. 162). Ý còn được lên tựa một thi tập : Miền Yêu Dấu Phương Đông !

* Thời gian thiền:
" Ta cạn chén càn khôn
giữa khuya đời tịch mịch
mộng cũng tàn hư không
trang kinh nhòa thiên cổ
sương tóc bạc rừng phong
chung trà nhớ viễn khách
(...) đêm giao thừa bất tận
Tây Trúc ngàn dặm xa
niệm từ tâm giao động
cơn gió thoảng ngoài ta
thăm thẳm hồn cố hương
núi sông đầy ẩn tích
em mắt sầu đông phương
tang thương vừng nguyệt úa
hạt bụi nào bay qua
đất trời khuya huyễn hoặc
còn gì trong sát na
đời buồn mai thức dậy"
(Một Thoáng Phù Vân).

Nhà thơ cảm nhận trần thế ngắn ngủi, vô thường và đời người như sát na, khoảnh khắc. Xuân mãi được mong đợi, trân quý, rồi cũng qua đi nhường chỗ cho mùa Thu thời gian mong manh. Thời gian thiền biện chứng vận động giữa hai thế giới chóng vánh và thường hằng : "... ta và bóng thiền sư / trăm năm sầu như huyễn / giọt nắng miền u cư / làm sao tan hồn quốc” (tr.185); cũng như mong manh trong có-không : “... có phải mùa tan những lá nguồn / sông u hoài nhớ bến đò ngang / ... mây vẫn theo đời mây rong ruổi...”; "nụ cười tan theo hoa / sát na rồi vỡ nát." (tr. 163).
Nói đến thời gian đã qua, không gian tưởng còn đó, nhưng thật ra nhà thơ đề cao cái hiện-tại, cái giây phút hôm nay cần sống trọn vẹn, vì “đời cuốn thân đi tâm ở lại / phương nào ta cũng thấy quê thơ” (tr. 28). Thế giới Thiền ngoài thời-gian luân hồi vòng tròn theo thịnh suy bĩ thái, còn thứ thời gian một chiều, đi không bao giờ trở lại. Con người trực diện với thời gian sau này phải biết sống cái hiện tại. Nếu phải tiếc nuối thì nên tiếc thời gian qua đi chưa sống hết, chưa xong hành cử, chứ đừng tiếc nuối muốn tìm lại như nhà văn Pháp Marcel Proust trong À la recherche du temps perdu! Người thật tâm tìm đạo, sống đạo sẽ không cần phân biệt và không ngại sợ những khoảnh khắc vô thường!
Qua thời gian nghệ thuật, của thơ, là thời gian vĩnh cửu, của cái Tâm nhắm đạo. Thời gian là cái mốc đánh dấu trước sau, đánh dấu bước ngoặt của tâm thức : “người xưa lên thiếu thất / diện bích chín năm ròng / ta mười năm diện tâm / kể từ khi xa nước” (Về Thiếu Thất). Nhà thơ trừu tượng, thi hóa, linh hóa và thiền hóa con chữ trong tình cảnh sống xa quê nhà và cũng vì tình cảnh vật lý đó mà quá khứ là một ý niệm thời gian cũng biến thái theo!
Bí ẩn nào hơn thời gian của ban đêm : " đêm còn lại tiếng dế mèn / tiếng trở mình ngựa căng trong từng hơi thở lá / đêm ngọt ngào viễn mơ (...) đêm nhiệm mầu câm nín / ngàn năm tuyệt diệu như thơ ..." (tr.180). Thời gian trầm mặc của mùa Thu hoặc của chiều lắng “chiều như mãi vọng âm / trên hàng cây thốt nốt / chiều mở nguyệt trong tâm / cội nguồn ta tha thiết” (tr. 32), của mưa sa, hương hoa, lá e ấp, ... nhẹ êm từ nơi này hiên nắng nhìn ra “bên thềm hoa bay” (tr. 200),... Hay những buổi chiều " cơn gió đìu hiu nhàu mặt nước" của tâm tưởng, ký vãng :

"Có những buổi chiều ray rứt nhớ
Hàng tre chim hót ngập hồn ta
Dòng sông soi bóng mây phiêu bạt
Tiếng ru ngọt lịm nắng quê nhà
Hương tóc em thơm qua ngõ trúc
Bàn tay quỳnh nở giữa đêm sương
Ta nằm trên cỏ mơ giấc bướm
Chiếc bào yên ngựa - chuyện hư không
Thuở ấy lòng ta hồ tịnh vắng
Em về như hạt bụi vu vơ
Cơn gió đìu hiu nhàu mặt nước
Ta bà xa xót những trăng thơ
Những buổi chiều hoang hồn viễn xứ
Canh gà xao xác nhớ mênh mông
Giọng ca thánh thót bên thềm nắng
Chiều đứng im lìm trên ngọn phong
(...) Gọi mãi thiên thu đời tĩnh lặng
Thời gian bằn bặt vết chân xa
Con chim tận tuyệt nghìn khuya hót
Mấy cõi sầu riêng thấu tim ta"
(Chiều Thăm Thẳm Nhớ).

Chủ đề tình yêu như bao quát, phủ lên các thi bản của nhà thơ. Yêu người, yêu đời, yêu từng sát na đời cho. Một tình yêu thăng hoa từ những tình huống của cuộc đời : " mắt xưa trăng đẫm non ngàn /lời xanh biếc ngọc vô thường yêu em / lá theo tiếp lục đường chim / hồn mai phục giữa hoa-nghiêm lặng tờ" (Vô Thường Yêu Em). Vô thường yêu em tức tình yêu đã không tầm thường, có-không đã pha lẫn thiền vị ! Tình đến giữa không gian Thiền, hay Thiền và tình đã làm một, với nhà thơ? " Muôn ngàn lộc biếc đầu non / em cho ta trọn ý thanh xuân / lời chim quyên hót lưu hương / ta thiền sư cũng bỏ rừng theo em ..." (Hiên Mây Còn Thắm Nụ Đào). Khi tâm tình với người yêu, ngôn ngữ tình nhuốm thi vị Thiền, và tình yêu phải chăng cũng là một chặng đường trên cả hành trình tâm linh đó :

Mai ta về giữa non cao
Xé mây làm áo lụa đào cho em
Nghiệp từ mấy thuở trần duyên
Nắng thanh xuân đậu ngoài hiên ta bà
Đưa nhau dạo giữa ngân hà
Bỏ nhân gian lại chốn tà huy câm
Mai sau tình vỡ hư không
Có nghe tiếng hót tiền thân chim ngàn
Từ trong thiên cổ tri âm
Tiễn nhau xuống núi cưu mang kiếp sầu
Mai về khép cánh biển dâu
Giở trang vô tự trắng nhòa sắc không
Chờ nhau dưới cội vô thường
Soi tâm tư hiện một vừng trăng xưa"
(Thanh Tịnh Khúc)

Tình ở đây ở trong thể trạng đơn sơ nhất, giữa một thiên nhiên huyễn hoặc:

" Thả mây cuối phố em qua
vừng trăng trên tóc quỳnh hoa chỗ nằm
lược là vô tận hỏi thăm
hương bồ kết nở trăm năm môi cười
hoa cam hoa bưởi ngậm ngùi
đã xa cố quận một đời viễn phương
bao giờ trầm ngát rừng hương
quế cay nồng tỏa suối nguồn thảnh thơi
ta về hát giữa lệ rơi
đại hồng chung điểm một thời xuân xưa"

(Mê Hoặc Trầm Hương).

Cái mê hoặc của một thời học trò Trần Quý Cáp và Phan Thanh Giản !
Tình yêu qua thơ Thái Tú Hạp là một tình trạng tâm thức sinh động, yêu đời! Có khi lại chỉ là cái cớ: " Cõi người biệt dấu phương đông / áo thu biếc có bụi hồng phôi pha / trong hồn em nhuốm mưa sa ? / mùa đi vàng võ cội hoa nhân tình / (...) ta về đốt lửa càn khôn / hỏi em giữ mộng hoa vàng thiên thu" (Hoa Vàng Thiên Thu). Và trên tất cả là tình thơ trân trọng tặng người bạn đường, dài lâu với cuộc đời, trong cái hữu hạn, vô thường của nhân sinh:

" mùa xuân từ thuở yêu em
núi non xứ Quảng cũng mềm bước đi
hàng cây nẩy lộc thầm thì
nghe như dòng suối từ bi cội nguồn
mùa xuân từ độ bao dung
tiếng chung thủy ở, tiếng đường mật vui
tiếng hờn ghen, tiếng ngậm ngùi
tiếng đau dao cắt, tiếng mùi mẫm yêu
lúc khuya sớm thuở quê nghèo
lúc chinh chiến lửa phận treo tuổi mình
lúc ngã ngựa, khi tàn binh
lúc non cao vẫn trọn tình thăm nuôi
trùng dương u thảm phận người
quẩn quanh hải đảo tiếng cười đắng cay
xa rồi thác lũ trời tây
đời hư ảo thoáng chim bay cuối ngàn
đất trời thơm ngát lộc non
cho ta xuân thắm vô vàn yêu em"

(Mùa Xuân Yêu Em).

* Ngôn ngữ thiền-thi không dài dòng, và lời hữu hạn để nói cái vô cùng, mong đụng đến cõi thật của Bát Nhã. Cái chính ẩn tàng, con chữ hữu hình để nói cái vô tượng, cả vô ngôn : " đời thắp lại những mầm xanh bát nhã / tình thương nối nhịp lời kinh.." (Trở Lại Suối Nguồn); " Nếu một mai trí tưởng về có thật / bóng cá ngược dòng khe suối cũ yêu thương / Tâm có động mười phương thao thức / Cõi bình minh rạng rỡ hồn phương đông" (Mưa Trong Vùng Trí Tưởng).
Lời nói lên tư tưởng phá chấp, cởi bỏ vướng mắc, phân biệt nhị nguyên : đếm sao khuya " cổng chùa khuya chưa khép / bầy sao rủ nhau về / (...) thiền sinh quanh quẩn nghĩ / giọt nến nhòe chữ tâm / ba sao và nguyệt hạ / sắc không chỉ một lần ..” (tr. 160-1), “... ngắm mây biền biệt xứ / ngàn dặm xa Huệ Năng / hành trang kinh vô tự / lòng sao mãi băn khoăn / đông tây nào đón ngộ / người xa cách tâm linh / đời phù hư trá ngụy / tìm đâu thấy chân kinh" (Chân Kinh), ...
Lời thơ thường ẩn dụ, ước lệ hóa - thiền-thi đòi hỏi, khiến gợi hình, như lời kêu gọi, một lời nguyện niệm, hơn là một trả lời đã sẵn, gây suy nghĩ cho người đọc, tùy tâm cảnh, đời sống, trực chỉ nhân tâm nếu có cơ duyên càng tốt, tức không hẳn phổ quát. Nếu nói về ẩn dụ "bản thể" thì nào là căn nhà, quê-hương, mùa Xuân, cỏ thi, phương đông, mặt người mẹ, ... Nhà thơ tài tình cho nghiệm rõ là bản thể không đâu xa, thường ở trong tầm tay!
Ngôn ngữ thơ Thái Tú Hạp còn mang tính tượng trưng : ".. lòng nào hoài vọng lữ / hoàng hạc khói vô thường / lời nay là ngụy ngữ / bụi hoen cõi tà dương .." (tr. 53); “bụi nào chao động hoàng hôn” (tr. 167). Tính hàm súc thì trong rất nhiều thi bản:

“Vô lượng dòng sông em trở lại
Tao ngộ trời quê thắm ngọn ngành
Dặm sương gió lặng trời phiêu bạt
Vũ trụ hằng sa hạt cải xanh
Thanh tịnh rừng mai thơm ngát mật
Đường trăng suối mạch gọi nhau về
Trăm hoa ngây ngất trang kinh sớm
Than lửa tình ta cháy hôn mê
Đông phương huyền sử ngàn u tịch
Đá ong rêu phủ lối mù sương
Thơ đau từng nhánh đời sinh tử
Trăm năm như giọt nắng vô thường
Bình nước càn khôn reo trên bếp
Đồng tiền mừng tuổi xót xa thương
Trầm mặc căn nhà thơ ấu niệm
Mơ hồ cánh bướm ngẩn ngơ hương
Ta về theo hồi chuông tỉnh thức
Ruộng lúa tiền nhân đã nẩy mầm
Bờ tre thiên ấn ngời cổ ngữ
Nhân gian chung nhịp thở từ tâm"

(Xuân Hạnh Ngộ).

Để nói lên được hết ý của Thiền, nhà thơ dĩ nhiên sử dụng một số điển cố dù thưa thớt như “đỗ quyên, hoàng hạc, kiếp ba sinh, Tây Trúc...”, cũng như dùng ngôn từ Thiền, có chức năng nặng biểu cảm và mời gọi : ngộ, liễu, giác, tâm, hữu-vô, không, sắc không, tính, duyên, vọng-thực, vọng tưởng, vọng niệm, chân-huyễn, nghiệp, bồ đề, tịnh khúc, cổ phong, vô lượng, vô thường, vô tự, u cư, đại hồng chung, trầm luân, hằng sa, đồi Hoa Nghiêm, ... Những từ thường gặp như “hạt bụi” : “hạt bụi nào bay qua” (tr.106), “hạt bụi trần ai khổ lụy” (tr.112), “nhớ thương chừ rồi mai kia hạt bụi” (tr. 142), “sá chi đời hạt bụi” (tr.153), “cát bụi nào vong thân” (tr. 169), trong trại tù, nhà thơ tưởng có hạt bụi “niềm vui vừa đậu ở trên mi” làm “nháy hoài con mắt trái” sau biết “chỉ là hạt bụi vu vơ” (tr. 20, 23), như “cỏ thi tình quê hương” (tr. 63), như “chim hạc”: “bầy hạc rong chơi phù ảo ngàn xa” (tr.134), như “con dế”: “con dế sầu lưu lạc”, “loài dế đã bỏ quên / lời ca buồn tháng chạp”,”đêm còn lại tiếng dế mèn” (tr. 180), ... Có nơi lời thơ chữ dùng cũ nhưng không gian mới, buồn, u mặc: “chiều nay sầu cổ độ / Trầm mình trong cô liêu / Hỏi thăm người thiên cổ / Sao thế nhân tiêu điều ...” (Vô Đề)
Nhà thơ dùng thể phủ-định và nghi vấn, từ tự vấn thông thường " hỏi ta hạt bụi vô minh / sát na trong cõi hữu tình xuân thơm..." đến "hỏi em nguồn cội hư hao / hỏi không sắc tướng lối vào tử sinh"(Tự Vấn), đến truy bức đòi đổi thay, hành cử, tư duy, bỏ, xóa ngộ nhận, tự khuyên, tự nhẫn, ... mà cũng có thể nhà thơ muốn vượt lên trên những nghi vấn nhân sinh và tâm thức. Trầm tư, thực nghiệm tư duy không tránh được những giả thiết và nêu những nghi vấn về nhân sinh, thế sự, ... để có thể đến kết đề, Chân-Như!
Một số so sánh, đối chiếu như để giãi bày, thực nghiệm tâm thức. Đối chiếu qua một mặt phẳng: “thi sĩ soi dòng nước / tóc với mây một màu / (...) đời qua như bóng huyễn / hoa xuân rụng trước thềm..." (tr.193), qua mặt hiển hiện: “.. phương trời nào hiện chân như / có em nhan sắc thiên thu gọi về / ý ta nghìn vực u mê / vọng lên tiếng hát đá khe nhìn trùng.."(tr.183), hoặc giọt nắng chiều lung linh:

"buổi chiều trước công án
giọt nắng trang kinh nhòa
tâm thiền sư chợt động
những mùa nắng quê xưa
(...) ta và bóng thiền sư
trăm năm sầu như huyễn
giọt nắng miền u cư
làm sao tan hồn quốc"
(Giọt Nắng).

Bóng nắng theo tâm thức và vận hành đời mà tan “chiều có mây về trên đỉnh Ngự / dòng sông Hương hờ hững bóng trăng sầu / (...)em có biết lời thơ đầy mật ngữ / đời trôi tan như bóng nắng vô thường” (tr. 187). Hoặc nắng trở lại miền ký ức : " mười năm chợt về như nắng / đầu sông gió thổi mây qua..." (tr. 114). Mặt hồ mù tăm nói lên cái hư ảo, không thể nắm bắt: “hãy như gương lặng hồn ta / trăm năm soi bóng trăng tà đầu non / bụi nào chao động hoàng hôn / trong vô lượng kiếp mù tăm mặt hồ” (tr. 167). Tư duy trước đóa hoa hồng sớm mai, nhìn sắc mà nghĩ đến uyên nguyên, cội nguồn :" có phải là sắc hoa / hay chỉ là giả tướng / tâm có phải là hoa / hay mắt nhìn ảo tưởng ..." (tr. 173).
Giọng thơ Thái Tú Hạp nói chung bình đạm, chậm, trầm, không đắm say cuồng nhiệt thường-phàm như phần đông thi nhân. Cái Tôi thật tư riêng không nhiều, thường khi nói cái Tôi cũng là cái Ta chung chung! Nhạc tính trong thơ Thiền đã hẳn là thiết yếu, nhà thơ đã thành công trong nhiều thi bản. Hãy nghe nhà thơ nói lên một nỗi niềm trầm lắng :

“mười năm sầu rong ruổi mãi
con đường phố mới thênh thang
sông hồ ta ngàn phiêu bạt
tình xa lòng cũng như không
(...) dương liễu chiều reo như suối
ngõ về thơm ngát hương hoa
tình ta cao như đỉnh núi
tuổi vàng sao quá thiết tha
mười năm trùng dương bát ngát
chợt sầu như chuyện hôm qua
thư em như dòng sữa ngọt
chiều nhen chút lửa lòng ta
(...) mười năm giờ như mây nổi
tang thương đời cũng phôi phai
núi sông nào lên tiếng hát
hồn xuân về lại trong mai..."
(Nỗi Buồn Trong Thành Phố Mới)

Hoặc khi nhung nhớ, hồi tưởng có trở về thì lại cũng trong một khung cảnh tôn nghiêm, lòng trang trọng : "mười năm rời xa mẹ / lòng con đầy tiếng kinh / tuổi đời rêu nắng xế / lời mẹ thiết tha tình / (...) đời con chiều quạnh quẽ / đất lạ hắt hiu sầu / mười năm rời xa mẹ / chùa im vắng tiếng chuông / mùa đông nghèo lạnh buốt / thân xác gầy yêu thương... / đường mai mờ bụi đỏ / lối về tan nát xuân / con bên bờ vực thẳm / ngắm mây sầu ly hương" (Nhớ Mẹ).
.
Thơ Thái Tú Hạp có thể nói thuộc truyền thống mỹ học Thiền. Một tổng hợp mới giữa thi và thiền, của nhân tâm và cõi Chân Như. Cõi thơ với cõi thiền, ý của thiền chữ của thơ, một chuyển thể liên hợp liên tục! Nhà thơ Thái Tú Hạp nhập trong bản thể đại ngã bằng con đường tự lực qua thi ca, qua thích ứng và thực nghiệm tư duy, tâm thức. Nhà thơ như muốn nhìn thấu cổ kim, với tu dưỡng, với kinh-qua của nhiều cuộc đời (lính, thuyền nhân, lưu vong,...). Thơ Thái Tú Hạp vừa là chân dung cuộc đời nhiều biến động của người Việt từ nhiều thập niên qua, đồng thời cũng là luồng gió mát nhân văn và tâm-linh mà con người vật chất cuối thế kỷ XX công khai tìm kiếm!
Trong tình cảnh lưu vong ở hải ngoại, sau những đoạn đời gian truân, khổ ải, mất mát, vượt biên, tù đày, v.v., từ phía các nhà thơ cùng mẫu số chung đó, một số phẫn nộ vung lời, tiếp tục chiến đấu, bạo động lời hoặc tiếng thơ thất thanh, ... nhưng cũng có những người như Thái Tú Hạp thơ hiền hòa, thâm trầm hơn, như có chiều u uẩn! Thiền chính là niềm u uẩn đó! Thái Tú Hạp, “người lữ hành buồn / mang nỗi nhớ trăm năm” (tr. 73), thành thử đã thiền hóa thi ca, đã biến tình và thơ làm một với thiền! Thiền tính khiến thơ ở đây thanh khiết, hướng thượng, toàn bộ thi ca tâm thức trở thành cõi Niết Bàn của riêng ông! Ở Thái Tú Hạp, những bức xúc, tiếc nuối nếu có thì như đã chìm lắng thật sâu!
Qua thi ca Thiền-vị, Thái Tú Hạp nhờ cơ duyên, đã nhiều lần thành công bày tỏ cảm xúc trước cái thường hằng, cái đẹp tự tại của thiên nhiên, trước cảnh trí của một số tình huống nhân sinh. Nhà thơ nhận ra chân-như ở một số hiện tượng, qua liên hệ với con người - người mẹ già, người yêu, bạn hữu, đồng hương, gần bên hoặc đã không gian xa cách, và cả những người muôn năm cũ! Hình thức, ngôn ngữ và nhạc điệu tạo nên phong cách thơ, nội dung và cái còn lại sau khi thưởng thức thi-bản tạo nên thi-vị. Tất cả những yếu tố, đặc tính vừa kể tạo nên một không gian đạo, những chức năng nhà thơ thành công đem đến cho sáng tác mình, tạo nên thi vị Thiền-thi một cách nghệ thuật. Thơ của Thái Tú Hạp trước hết là một lên đường tầm đạo và toàn thể sự nghiệp thi ca của ông (dĩ nhiên ông hãy còn tiếp tục sáng tác!) nếu phải thu tóm, thiển nghĩ người lên đường tìm đạo đó đã ngộ đạo, đã đụng đến uyên-nguyên của Thiền. Tâm thức nhà thơ đầy ắp chuyện nhân sinh nhưng đồng thời trống không một cách an nhiên tự tại. Nhà thơ cho người thưởng thức cảm tưởng ông tu dưỡng nhân cách! Thi ca trong trường hợp Thái Tú Hạp đã là phương tiện đạt đến chân lý bản-thể huyền diệu của đạo. Ngộ đạo không có nghĩa là đạt đạo. Giác ngộ, có bản lĩnh chân tu, không có nghĩa là đã đạt đến cửa Chân như. Trần Nhân Tông, một vị thiền sư thế kỷ XIII, đệ nhất tổ phái thiền Trúc-Lâm Yên-Tử dù đã xuất gia trên núi Yên-Tử mà vẫn phải ra tay việc nước trần thế khi cần và đã để lại những câu phú nổi tiếng :

"Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”
(4)

đấy là dấu chứng của niềm vui Cư Trần Lạc Đạo, của chân tâm đã đạt ! Một lý-tưởng mà nhà thơ Việt Nam sống đời lưu vong có thể nào đạt được !?

Chú-thích :
1. Chúng tôi trích dẫn thơ từ tuyển tập Hạt Bụi Nào Bay Qua (Los Angeles CA: Sông Thu, 1995) gồm những sáng tác mới bên cạnh một số thơ đã in trong các tuyển tập trước đó. Những trích dẫn ngắn được ghi số trang từ tuyển tập. Ngoài ra có một số thơ từ nguồn khác.
2. Ngô Tất Tố dịch "Thân như bóng chớp có rồi không" ("Thị Đệ Tử". Văn Học Đời Lý. Sài Gòn : Khai Trí, 1960, tr. 30).
3. Bản dịch của Ngô Tất Tố :
"Xuân trôi, trăm hoa rụng,
Xuân tới, trăm hoa cười.
Trước mắt, việc đi mãi,
Trên đầu, già đến rồi !
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua, sân trước, một cành mai" ("Có Bệnh, Bảo Với Mọi Người". Sđd, tr. 52).
4. Bản dịch Lê Mạnh Thát:
"Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
đói cứ ăn, đi mệt ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền"
Kệ kết bài phú Cư Trần Lạc Đạo, trích từ Lê Mạnh Thát. Toàn Tập Trần Nhân Tông. TPHCM: NXB Thành Phố HCM & Viện Nghiên Cứu Phật Học, 2000. Tập 1, tr. 414.