Bài viết khá dài không hẳn là một phê bình, phân tích, nhận xét về thơ Thái Tú Hạp mà là một tâm tình gần gũi của một đứa em với một người anh và những kỷ niệm họ có với nhau qua một chặng đường dài trong cuộc sống ở xứ người.
Vài ngày trước Tết Âm Lịch năm 1994, một người gọi đến nhà. Tôi bắt phone. Bên kia đầu dây, một giọng Quảng hiền từ, nhẹ nhàng, trầm ấm “Tôi là Thái Tú Hạp”. Tôi ngạc nhiên và dĩ nhiên rất mừng. Không ngờ được nhà thơ Thái Tú Hạp gọi thăm. Anh là một nhà thơ tôi biết và đọc từ khi còn nhỏ ở Vĩnh Điện và Hội An.
Nhà thơ Thái Tú Hạp trong thế hệ của các nhà thơ Tường Linh, Tạ Ký, Hoàng Lộc, Luân Hoán, Thành Tôn, Hạ Quốc Huy, Đynh Trầm Ca v.v.. mà tôi thường ví von trong những sinh hoạt văn nghệ là những “ông thần hoàng” trong thi ca xứ Quảng. Đó là chưa nói đến những bậc lão thành thi ca như Bùi Giáng, Huy Tưởng.
Nói đến thi ca xứ Quảng không thể quên cái tổ ấm Trung học Trần Quý Cáp. Như nhà thơ Hoàng Lộc vừa nhắc lại trong buổi tưởng niệm nhà thơ Nguyễn Nho Nhượn, chính không gian Trung học Trần Quý Cáp đó đã kết nụ và đơm hoa không chỉ vài cụm mà cả một vườn hoa văn nghệ trong đó có Thái Tú Hạp, Nguyễn Nho Sa Mạc (đã qua đời), Nguyễn Nho Nhượn (đã qua đời), Lê Văn Trung, Vũ Đức Sao Biển (đã qua đời), Hạ Đình Thao (đã qua đời) và nhiều nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ khác.
Và vì thế, dù chưa từng gặp mặt hay nghe giọng nói, tên tuổi của nhà thơ Thái Tú Hạp và các bạn anh là một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của thế hệ chúng tôi, những đứa học trò đang tập làm thơ, viết văn ở xóm Ngã Ba Tin Lành, xóm Chùa Viên Giác, xóm Cây Đa Kèn, xóm Mới, xóm Tiểu khu, xóm Ngã Ba Vĩnh Điện.
Các anh không ở Hội An hay Vĩnh Điện thường xuyên như chúng tôi. Các anh trong quân đội và đóng các vùng xa nhưng mỗi khi có một sinh hoạt văn chương, thơ của các anh lại được đem ra đăng vào các đặc san, để đọc và để ngâm dường như các anh đang ngồi nghiêm trang trước mặt.
Ảnh hưởng của các anh vào thế hệ mầm non văn nghệ chúng tôi quá lớn đến nỗi tôi thường nói vui với bạn bè, các anh cũng là lý do chúng tôi vẫn tiếp tục làm mầm non trong suốt những năm ở Trung học Trần Quý Cáp dù tuổi đời không còn nhỏ nữa.
Lần đó tôi xúc động khi được nhà thơ Thái Tú Hạp gọi thăm. Ngoài những lời xã giao quen thuộc, chúng tôi nói nhiều về quê hương, nơi chúng tôi đã lớn lên.
Anh em chúng tôi cách nhau tới 15 tuổi. Trước 1975, tôi không nằm trong tầm mắt của anh. Nhưng trong thời đại tin học và nhất là đời sống lưu dân giữa xứ người đã giúp thu ngắn chiếc cầu 15 tuổi đó. Chúng tôi không còn xa cách như ngày xưa ở Hội An. “Vuông chiếu”, theo cách nói của nhà thơ Luân Hoán, được trải rộng ra để chúng tôi được cùng ngồi, học hỏi và lắng nghe các anh.
Thời gian ở Mỹ trong thập niên 1980 và 1990 là thời gian để hoài vọng, để nhớ về quê hương đang ngàn trùng xa cách. Anh và tôi có nhiều điều để nói. Anh kể về con đường nhỏ quanh chùa Viên Giác, khu vườn đầy tiếng chim, hai cây đa, chiếc cổng chùa già hơn thế kỷ. Tôi viết bài thơ Nhớ Cây Đa Chùa Viên Giác, anh cũng có bài thơ viết về khu vườn Viên Giác. Tôi viết bài thơ “Bao Giờ Nhỉ Tôi Về Thăm Xứ Quảng”, anh cũng có bài thơ “Tôi sẽ về thăm xứ Quảng”.
Thời gian cách xa nhau nhưng mảnh đất linh thiêng đó trong tâm hồn chúng tôi không nhiều thay đổi, vẫn tiếng chim kêu, tiếng lá đa ru giấc ngủ học trò. Hương đất Quảng thắm đượm trong lòng anh, lòng tôi và cũng nhờ đó mà chúng tôi nhận ra nhau rất dễ dàng.
Ngoài tờ báo SaiGon Times của gia đình anh chị Thái Tú Hạp – Ái Cầm, anh còn lo nhóm cựu học sinh Trần Quý Cáp, tiền thân của Hội Cựu Học Sinh Trần Quý Cáp Hải Ngoại hiện nay, và Đặc San Quảng Đà dày trên sáu trăm trang. Anh bảo với lực lượng những cây bút Quảng Đà ở hải ngoại, một tờ đặc san ba, bốn trăm trang không đủ chỗ đăng bài. Không giống thời đại Amazon in số lượng theo yêu cầu của tác giả, Đặc san Quảng Đà in rất tốn kém. Phải chi ra một ngân sách không nhỏ nhưng anh chị không phát hành thương mại. Chẳng những thế anh chị còn gởi đến tận nhà cho hàng trăm tác giả và nhiều trăm thân hữu Quảng Đà ở khắp nơi trên thế giới. Nói chuyện với anh nhiều lần nhưng chưa bao giờ tôi nghe anh than thở dù chỉ một lời về chi phí in ấn, phát hành và gởi tặng, thay vào đó, anh nói về trách nhiệm để bảo tồn văn hóa quê hương Quảng Nam trong nền văn hóa chung của dân tộc Việt Nam trên xứ người. Tôi học được rất nhiều điều từ anh và từ những bài viết đăng trên đặc san Quảng Đà.
Từ sau lần gặp gỡ qua phone đó, nhà thơ Thái Tú Hạp xem tôi như một đứa em trong gia đình văn nghệ Quảng Đà. Anh rất bận lo cho tờ báo và tôi cũng rất bận chuyện áo cơm nhưng thỉnh thoảng dù không có chuyện gì quan trọng, anh em cũng gọi thăm nhau, có khi chỉ để khuyến khích vì vừa đọc một bài thơ, bài văn tôi mới viết hay có khi chỉ để nói dăm câu chuyện quê nhà.
Tôi là người may mắn. Thế hệ của những người cầm bút Quảng Nam sinh ra sau hiệp định Geneva và trưởng thành ở Mỹ như tôi không nhiều. Vì ít nên tôi dễ được các anh lưu tâm và nâng đỡ. Ngoài tôi chỉ còn vài bạn thơ văn tôi biết và có liên lạc như Phùng Nguyễn (đã qua đời), Nguyễn Nam An, Đặng Hiền. Quanh tôi hầu hết là các bậc đàn anh và họ đã nhìn xuống chúng tôi bằng ánh mắt ân cần. Tôi thường được giới thiệu là “nhà thơ trẻ” không phải vì tuổi tác mà chẳng qua vì thế hệ chúng tôi rất ít và trẻ hơn các anh khá nhiều. Đời tỵ nạn làm cho chúng tôi gần gũi và thông cảm nhau hơn. Các anh trở thành bóng mát trên con đường sáng tác của tôi.
Nhìn lại những người thuộc thế hệ đàn anh, chân thành và biết ơn để nói, một trong những người quan tâm đến tôi nhất là nhà thơ Thái Tú Hạp.
Tôi đến Nam California đọc thơ lần đầu vào năm 2000 như một “nhà thơ trẻ” tại Viện Việt Học và người giới thiệu thơ tôi trong buổi chiều Chủ Nhật đầy kỷ niệm đó là nhà thơ Thái Tú Hạp.
Năm 2005, tôi trở lại Nam California lần nữa để giới thiệu Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười tại hội trường báo Người Việt và người giới thiệu thơ tôi cũng là nhà thơ Thái Tú Hạp.
Năm 2014, tôi trở lại Nam California lần thứ ba, lần này giới thiệu Chính Luận. Các anh trong ban tổ chức hỏi tôi muốn nhà văn nào để giới thiệu về tôi và tôi trả lời các anh “nhà thơ Thái Tú Hạp”. Ban tổ chức nhắc nhà thơ Thái Tú Hạp đã nói về tôi ít nhất là hai lần rồi. Tôi biết nhưng vẫn trả lời “Anh Thái Tú Hạp”.
Tôi giao thiệp khá rộng và có thể mời một nhà văn hay nhà thơ để nói về mình. Nhưng tôi mời nhà thơ Thái Tú Hạp. Lý do, nhà thơ Thái Tú Hạp là người đầu tiên gọi thăm tôi gần ba chục năm trước. Trong văn đàn ba mươi năm trước tôi mới lớn lên.
Thời gian qua tôi lớn lên nhanh trên con đường sáng tác, viết nhiều, đi nhiều nhưng không bao giờ quên kỷ niệm ngày mới quen biết nhà thơ Thái Tú Hạp đầy ắp tình anh em, tình đồng đạo, tình đồng môn và tình đồng hương xứ Quảng thân yêu.
Tôi tin vào Nhân Duyên trong cuộc sống này. Cây nhân duyên đã được trồng cấy lên tâm hồn tôi trong một lần điện thoại và tôi chăm sóc nhân duyên như chăm sóc cội hoa đẹp sau vườn nhà. Tôi bón phân, tưới nước, vun xới suốt gần 30 năm dài nên không thể dễ dàng quên đi.
Tình người và nhân cách của nhà thơ Thái Tú Hạp phản ảnh một cách rõ nét trong thơ anh.
Tôi được anh tặng nhiều thi phẩm trong đó có thi phẩm mới nhất của anh: Suối Nguồn Tâm Thức.
Suối Nguồn Tâm Thức là một thi phẩm lớn về cả hình thức lẫn nội dung. Về hình thức, thi phẩm dày 742 trang. Chỉ riêng phần thơ tiếng Việt đã chiếm gần 500 trang.
Nhà thơ Thái Tú Hạp sinh ngày 4 tháng 4 năm 1940 tại Hội An, Quảng Nam. Từ năm 1958, nhà thơ 18 tuổi, cho đến 1975, thơ Thái Tú Hạp xuất hiện trên hầu hết các tạp chí văn học lớn ở miền Nam như Văn, Bách Khoa, Văn Học, Khởi Hành, Giữ Thơm Quê Mẹ, Nghệ Thuật, v.v.. Anh là sĩ quan quân lực VNCH. Sau 1975, anh đi tù. Năm 1980 nhà thơ và gia đình vượt biển. Tại California, anh và chị Ái Cầm làm báo SaiGon Times và nhà xuất bản Sông Thu đến nay 37 năm. Trong suốt 10 năm, nhà thơ Thái Tú Hạp phát hành Đặc san Quảng Đà. Nhà thơ là tác giả của nhiều thi phẩm trong đó có Tuyển tập Sông Thu (1962) cùng với hai nhà thơ Hoàng Quy và Thành Tôn, Thèm Về (thơ 1970). Tại Mỹ, nhà thơ Thái Tú Hạp xuất bản tuyển tập thơ Chim Quyên Lạc Đàn (1982), Miền Yêu Dấu Phương Đông (1987), Hạt Bụi Nào Bay Qua (1995). Nhà thơ Thái Tú Hạp còn xuất hiện trong các tuyển tập thơ như Thơ Văn Việt Nam Hải Ngoại (1985), tuyển tập Thơ Văn Phật Giáo (1993), tuyển tập tùy bút Giữa Trời Hoa Bay (2000). Tháng 9, 2019, nhà thơ Thái Tú Hạp xuất bản tuyển tập Suối Nguồn Tâm Thức, tuyển tập thơ ông viết từ 1958 đến 2015.
Đọc danh sách dài những nhà phê bình, nhà thơ, nhà văn đã viết về thơ Thái Tú Hạp làm tôi lo lắng và e ngại. Tôi chưa đọc nhiều bài của họ nhưng với tầm vóc của Vũ Ký, Du Tử Lê, Duy Lam, Lâm Chương, Lê Mai Lĩnh, Nguyễn Vy Khanh, Nguyễn Mạnh Trinh, Trần Hoài Thư, Vương Trùng Dương, Bùi Bảo Trúc v.v.. nhận xét của họ, những người cùng thế hệ, cùng một thời chiến chinh bão lửa hẳn phải chính xác hơn tôi.
Nhiều nhà phê bình và phân tích văn chương nhìn anh từ nhiều góc độ và nhiều khuynh hướng. Nhà thơ Thái Tú Hạp “theo khuynh hướng trữ tình tân cổ điển” như nhận xét của nhà văn Duy Lam, “có một không khí buồn bã, lãng đãng, trôi nổi, bềnh bồng tưởng như thoát hẳn khỏi cái thế giới vật chất của những công án Thiền” như nhà phê bình Bùi Bảo Trúc viết, “tình cảm nồng thắm dành cho quê hương Quảng Đà” như nhà thơ Cao Mỵ Nhân khám phá, “lồ lộ những tư tưởng Phật” như nhận xét của nhà thơ Lê Mai Lĩnh, quấn quít trong “cái yêu, cái nhớ, cái xót xa tình người, tình đất” như nhà thơ Luân Hoán nhận ra, “chân như ở một số hiện tượng qua liên hệ với con người” như nhà biên khảo văn học Nguyễn Vy Khanh kết luận. Và nhiều nhà văn, nhà thơ khác nhìn vào thơ Thái Tú Hạp qua nhiều góc độ và lăng kính khác nhau.
Là kẻ hậu sinh, tôi không dám và cũng không đủ hiểu biết về thi ca để nhìn thơ Thái Tú Hạp dưới một góc cạnh nào. Với tôi, Thái Tú Hạp là một nhà thơ với tất cả những cảm xúc của một thi nhân trước một quê hương bị vùi dập trong chiến tranh và tàn phá, trước tình yêu sâu đậm của người vợ hiền chung thủy và trước thân phận nổi trôi của một đời người trải dài hơn tám mươi năm đầy biến cố.
Nhưng nếu phải chọn một điểm nổi bật để viết về anh tôi nghĩ ngoài tình người và nhân cách quý giá, anh còn có một tấm lòng dành cho quê hương. Đó cũng là chiếc cầu mang chúng tôi đến gần nhau từ ba mươi năm trước. Giống anh, tôi yêu Quê Hương. Với anh và tôi, quê hương là thánh tích. Nhà thơ Thái Tú Hạp dành rất nhiều thơ cho xứ Quảng, cho dòng sông Thu và cho thành phố Hội An, nơi chôn nhau cắt rốn của anh:
Càng xa xôi nhớ Hội An
Mái âm dương đó sắt son đợi chờ
Phố mưa giăng lối nên thơ
Phố trăng chiều lấp lánh bờ tương tư
Phố khuya xõa tóc sương mù
Ta nghe mấy cõi vàng thu ân tình
Dù mai ngàn dặm phiêu linh
Trong ta phố giữ nguyên hình nôi êm
Sắc không thôi chuyện phù vân
Trăm năm gạch ngói ta gần gũi nhau
Nghìn sông nước nhớ chùa Cầu
Thương em câu hát thêm sầu viễn phương.
(Hội An, trong lòng người đi, Thơ Thái Tú Hạp, trang 365)
Hội An cát lở đôi bờ
Tình sông Thu đã mịt mờ dấu xưa
Thương hoài con phố đêm mưa
Về qua mái cổ lá đưa đẩy sầu
Từ trăm năm thủy chung nhau
Mái âm dương vẫn dãi dầu nắng mưa
Phố thương biết mấy cho vừa
Sông trôi bóng nắng chiều khua lá buồn.
(Trở lại Hội An chiều mưa, Thơ Thái Tú Hạp, trang 41)
Khi sưu tập tài liệu để viết về nhà thơ Thái Tú Hạp, tôi đọc lại báo Bách Khoa phát hành ngày 1 tháng 5, 1963 hai bài thơ hay anh viết về Hội An, tôi xin chép cả hai ra đây:
SÔNG CHIỀU
Chiều buồn nắng xẻ đôi sông
Ngày hoang liêu vỡ máu hồng trên cây
Bến đìu hiu bóng chim gầy
Về đâu hỡi lá thuyền mây tội tình
Mắt xa trời thẳm phiêu linh
Gót lưu lạc với phận mình cô đơn
Nghe chiều lành lạnh trong hồn
Cái im vắng đến mỏi mòn thịt da
Giọt sao nước bọt phai nhòa
Cây nghiêng cố níu trời xa não nùng
Bờ lau sương ngủ lạnh lùng
Buồn lên từng sợi tơ chùng nhớ thương.
(Thơ Thái Tú Hạp, tạp chí Bách Khoa 1-5-1963)
BUỒN HỘI AN
Nét buồn mái cổ đông phương
Tuổi già nua phố sầu thương phận đời
Thời xuân phồn thịnh qua rồi
Sông Thu mòn mỏi biển trời
Á Đông
Tiếng xưa hoài mấy điệu lòng
Giờ nghe sao rã cánh hồng kiêu sa
Xót thương, từ độ phong ba
Còn lưu chứng tích hồn ta điêu tàn
Người mang trìu mến Hội An
Nghìn xưa sau có muôn vàn đớn đau?
Chừ về nơi phố u sầu
Với thành quách cũ lên màu thời gian
Với em thị xã lỡ làng
Lời ru tình Quảng Nam ngàn đau thương
Sài Giang nước chảy xa nguồn
Mấy đời nay vẫn thêm buồn cho nhau ….
(Thơ Thái Tú Hạp, tạp chí Bách Khoa 1-5-1963)
và bài PHỐ HẸN TA VỀ
Phố xưa tâm tưởng nhớ về
Bóng chim quan ải sầu tê tái lòng
Thương em mùa động thu phong
Đào hoa Hương Tích mây hoang vắng chiều
Về qua sông quạnh cô liêu
Tìm trong huyền sử hắt hiu bụi mờ
Trăng khuya vạn cổ nên thơ
Lắng nghe gió hát liễu ngơ ngẩn sầu
Ngựa hoang du mục về đâu
Trần gian hư ảo sắc màu nhớ thương
Xưa sau viễn mộng tà dương
Thiên thu nguyệt dấu canh trường xót xa
Tiếng chim Quốc gọi ta bà
Hẹn về từ cõi mù sa ngậm ngùi
Chiều gọi nắng giữ nụ cười
Phố Hoài thệ nguyện nhớ người viễn phương.
Đúng như anh viết trong bài thơ Buồn Hội An, thành phố ngày đó rất buồn, nhưng đi xa thì lại nhớ da diết.
Gần 60 năm trôi qua từ những bài thơ trên tạp chí Bách Khoa, Giữ Thơm Quê Mẹ... Phố Hội bây giờ thay đổi nhưng phố trong lòng anh vẫn nguyên vẹn nét xưa. Nếu chiều nay anh ngồi viết một bài thơ mới nữa về Hội An, ngôn từ có khác ít nhiều nhưng âm hưởng, tình tự, thao thức cũng sẽ giống như khi anh đã viết năm 1963. Nhà thơ sẽ vẫn hồn nhiên, trẻ trung và xúc động trước nét đẹp cổ kính của quê hương. Những con hẻm độc đáo, những con đường lót sỏi, những mái ngói cong, những bờ tường vôi rêu phủ, những tiếng guốc khua đã in sâu vào tâm thức anh. Anh không cần phải trở về để thăm Hội An mà chỉ cần nhắm mắt là anh đứng ngay trước Chùa Cầu, Khổng Miếu, Cây Da Kèn, Giếng Bá Lễ, Đình Ông Voi, Chùa Viên Giác…
Đó không phải là tưởng tượng phong phú của một nhà thơ mà là sự thật vì đa phần trong số trên 500 trang thơ được in trong Suối Nguồn Tâm Thức là thơ viết về quê hương theo nghĩa rộng. Quê hương ra đi với anh và quê hương sống với anh trong từng khoảnh khắc, trong mỗi câu thơ.
Tôi thích nhiều bài thơ trong Suối Nguồn Tâm Thức như “Ý nghĩ của mẹ trong thời chiến”, “thèm về”, “tiếng hát cô đơn”, “lời buồn trên cao”, “đến thăm Quảng Ngãi”, “nụ chào bao dung”, “thư nhà”, “nghĩ ngợi trước hoa”, “ta sẽ về”, “giao ước ngày mai”, “trái tim người về ca hát”, “buổi chiều của mẹ”, “chiều bao la tình”, “ta còn mãi làm thơ”, “người ở Sơn Trại”, “ở rừng Redwood Cali nhớ Kỳ Sơn Quảng Nam”, “mưa trong vùng trí tưởng”, “tỏ tình dưới cội bồ đề”, “đi xe thồ gặp người tình cũ”, “tình tháng giêng em”, “chiều nhớ rừng Quế Tiên”, “sông nhớ một vầng trăng”, “hạt bụi nào bay qua”, “thành phố buồn từ khi xa vắng mẹ”, “ảo giác”, “người tù binh dũng liệt”, “trái tim người viễn xứ”, “quảng đà gọi tên cho đỡ nhớ”. Cứ thế trải dài suốt thi tuyển 700 trang còn có rất nhiều bài hay khác.
Khi ‘google’ tôi ngạc nhiên không thấy nhiều thơ Thái Tú Hạp hiện ra. Tôi xin mạo muội đề nghị với nhà thơ phổ biến rộng và tự do thơ của mình cho mọi người cùng đọc. Thơ như một dòng sông, xin giúp cho dòng sông thi ca tuôn chảy như ca dao, như lời ru của mẹ đang chảy trong tâm hồn bao thế hệ Việt Nam.
Tôi gặp anh nhiều lần trong những lần họp mặt Quảng Đà, họp mặt cựu học sinh Trần Quý Cáp nhưng chưa bao giờ có dịp để nói một lời cám ơn dù biết anh không hề xem đó là quan trọng hay cần thiết. Nhưng như đã viết ở trên tôi nhớ từng chi tiết nhỏ về anh. Như một lữ hành tôi xin cám ơn bóng cây trên con đường mùa hạ đầy nắng cháy ở quê người.
Nơi tôi ở lá bắt đầu rơi. Khi tôi viết những dòng cuối về thơ Thái Tú Hạp bên kia cửa sổ những chiếc lá phong đang rụng xuống. Nhiều nhà thơ hay nhạc sĩ gọi là “mùa thu chết” hay “mùa thu không trở lại”. Trong quan điểm Phật Giáo không có mùa thu chết. Chiếc lá rơi nhưng ngay tại cành nhỏ đó một chiếc lá mới sẽ sinh ra khi mùa xuân đến trong cuộc vận hành biến diệt không ngừng của vũ trụ. Chiếc lá sang năm có thể không nhớ gì quá khứ nhưng sẽ biết rằng trước ta cũng đã từng có những mùa thu. “Suối nguồn tâm thức” cũng vậy sẽ không bao giờ ngừng chảy cho hôm nay và cho mai sau.