PHAN THANH GIẢN VÀ MIỀN NAM
Trình bày tại Cuộc họp mặt
Cưu học sinh
Trung học
Phan Thanh Giản & Đoàn Thị Điểm Cần Thơ
tại Toronto, Canada ngày 3-2-2007
KỶ NIỆM 140 NĂM PHAN THANH GIẢN TUẪN TIẾT [1867-2007]
Kính thưa các bậc Trưởng thượng,
Thưa anh chị em,
Trước hết, tôi xin cảm ơn Ban Tổ chức đã mời tôi tham dự Buổi gặp mặt thân mật hôm nay của Cựu học sinh Phan Thanh Giản-Đoàn Thị Điểm Cần Thơ và thân hữu, và tạo điều kiện cho tôi thưa chuyện với quý vị về Phan Thanh Giản và Miền Nam.
Thưa quý vị,
Phan Thanh Giản (1796-1867) tự là Tĩnh Bá và Đạm Như, hiệu là Lương Khê, biệt hiệu là Mai Xuyên, gốc người Minh Hưng, sinh tại làng Bảo Thạnh, huyện Bảo An (Vĩnh Long). Ông đậu thứ nhì kỳ thi hương (cử nhân) năm 1825, đậu thứ ba kỳ thi đình (tiến sĩ) tại kinh đô Huế năm 1826. Ông là người đậu đại khoa Nho học đầu tiên của các tỉnh miền Nam dưới thời nhà Nguyễn. Ông làm quan dưới ba triều vua liên tiếp là Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, lên đến quan chức cao nhất triều đình là thượng thư. Ông đã đại diện Việt Nam trong tình hình khó khăn, kể cả qua Pháp và Tây Ban Nha, để thương thuyết với hai nước nầy.
Phan Thanh Giản đã được viết và nói đến nhiều. Tôi tin rằng nhiều vị hiện diện ở đây hiểu biết về Phan Thanh Giản còn rành hơn người đang hầu chuyện với quý vị. Phan Thanh Giản còn là đề tài gây tranh cãi qua các giai đọan lịch sử. Người ta tranh cãi không phải vì những huyền thoại, những bí mật bao trùm chung quanh Phan Thanh Giản. Tấm lòng trong sáng của ông chói rạng thiên thu, nhưng vì một lý do nào đó người ta cố tình tung hỏa mù, để phủ mờ tấm gương nầy đi.
Trước hết, để chạy tội cho chính mình, vua Tự Đức kết án Phan Thanh Giản. Sau đó, ba lần CSVN đã cố tình đả kích Phan Thanh Giản. Lần thứ nhất, năm 1945 để kết án nhà Nguyễn, CSVN kết án những trung thần của nhà Nguyễn, trong đó Phan Thanh Giản là một người nổi bật, vì ông vừa trung với nước, với vua, và cả với dân. Lần thứ hai, khi cần tiêu diệt tinh thần quật khởi của miền Nam, từ 1962 ở Hà Nội, CSVN kết án Phan Thanh Giản lần nữa, chỉ vì Phan Thanh Giản là nhà trí thức tượng trưng cho tinh hoa miền Nam. Lần thứ ba, sau khi cưỡng chiếm miền Nam năm 1975, để chận đúng mối dây nối kết tinh hoa miền Nam, CSVN một lần nữa đả kích Phan Thanh Giản và xóa tên trường Phan Thanh Giản Cần Thơ, cũng như các trường Phan Thanh Giản trên tòan quốc, trong đó có trường Phan Thanh Giản Đà Nẵng.
Như thế, vì chủ trương chính trị, CSVN cần phải đốn ngả Phan Thanh Giản. Tuy nhiên, CSVN không thành công trong việc nầy vì Phan Thanh Giản là kỳ quan vĩ đại chẳng những của riêng miền Nam, mà còn là kỳ quan vĩ đại của cả dân tộc Việt Nam. Phan Thanh Giản là sự kết hợp hài hòa bản chất nhân bản của dân tộc, đạo lý của Nho gia, tinh thần cởi mở, cấp tiến và tấm lòng trung hậu chất phát của miền Nam.
Thưa quý vị,
Nói riêng về miền Nam, miền Nam là một vùng đất mới được người Việt khai phá, nhưng là vùng đất hết sức lạ lùng. Lạ lùng nhất là những triết lý hay đạo học của Việt Nam, khi vào miền Nam đều được chuyển hóa một cách đặc biệt.
Ví dụ về phong tục, người phụ nữ tại miền Nam được tôn trọng nhiều hơn ở miền Trung và miền Bắc. Về tôn giáo, khi Phật giáo đi vào miền Nam, dưới thời nhà Nguyễn, ông Đoàn Minh Huyên (1807-1856) tức Phật Thầy Tây An, đã dựa trên nền tảng giáo lý nhà Phật, khai sáng một tông phái mới năm 1851 là Bửu Sơn Kỳ Hương tại làng Long Kiến (Chợ Mới, An Giang). Người ta còn gọi tông phái của ông là Phật giáo Tứ Ân, vì ông khuyến khích mọi người luôn luôn đền đáp “tứ đại trọng ân”, là ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân tam bảo (trong đạo Phật) ân đồng bào và nhân lọai. Tư tưởng của Phật Thầy Tây An ảnh hưởng rất lớn đến dân chúng miền Nam cho đến ngày nay.
Ảnh hưởng nầy thấy rõ trong việc Đức Huỳnh Phú Sổ (1920-1947) đã khai sáng Phật giáo Hòa Hảo năm 1939 tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, theo quan niệm “tu trongđạo nước”. Chỉ trong một thời gian ngắn, Phật giáo Hòa Hảo đã lôi cuốn hàng triệu tín đồ ở Nam Việt.
Từ năm 1926, ở miền Nam xuất hiện một tôn giáo mới, đó là đạo Cao Đài. Trong đạo Cao Đài, có bảy thánh hiền là Phật Thích Ca, Lão Tử, Khổng Tử, Jesus Christ, Mohammed, Nguyễn Bỉnh Khiêm và Victor Hugo. Đây là một tổng hợp đạo học mới dựa trên truyền thống hòa đồng tôn giáo, “tam giáo đồng quy” vốn có từ thời Lý Trần của người Việt Nam. [Tam giáo = Phật Nho Lão]. Trên thế giới, sự tổng hợp nầy duy nhất chỉ phát sinh ở Việt Nam mà thôi.
Cuối cùng, gần đây, chủ nghĩa Mác-Lê nin được đảng CSVN đưa từ miền Bắc vào miền Nam. Khi vào miền Nam, ai cũng thấy rằng chủ nghĩa Mác-Lê nin bắt đầu biến thái. Không thể nói rằng chủ nghĩa nầy đã bị hóa giải hoàn toàn ở miền Nam, nhưng có điều dễ nhận thấy là vấn đề tranh đấu giai cấp và kinh tế chỉ huy của chủ nghĩa nầy không phù hợp với bản chất nông dân miền Nam, nên dần dần tự biến mất. Tranh đấu giai cấp và tổ chức kinh tế chỉ huy là hai trụ cột của chủ nghĩa Mác-Lê nin. Nay cột trụ không còn thì còn gì là chủ nghĩa Mác-Lê nin?
Kính thưa quý vị,
Vì thời lượng có hạn, chúng tôi xin chia sẻ với quý vị vài ý nghĩ về Phan Thanh Giản và về miền Nam nhân buổi gặp mặt tối hôm nay. Mong rằng chúng ta sẽ có dịp gặp nhau để cùng nhau trao đổi, thảo luận về những vấn đề trên một cách rộng rãi và sâu sắc hơn.
Trân trọng cảm tạ quý vị đã lắng nghe và xin kính chào quý vị.
TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto, Canada)