ĐỌC "HOÀI NIỆM MỘT THỜI ÁO TRẮNG"
Một thời áo trắng đã xa
Tìm đọc Hoài Niệm để còn vấn vương.
Ai đã đi qua thời áo trắng học trò chắc không thể nào không nhớ không thương thời sách vở đến trường , ở đó là hoa là bướm, là đầy cả một khu vườn mộng ảo, nơi ươm mầm của những ước mơ, chỗ chứa đựng những nụ cười hồn nhiên trong sáng. Do vậy mặc dù xa quê hương ngàn dặm , dù ngôi trường xưa không còn nhưng hàng năm hội Ái Hữu cựu GSvà HS Phan Thanh Giản hải ngoại đều tổ chức họp mặt khi ở thành phố này, năm sau lại đến một thành phố khác trên nước Mỹ . Năm nay 2010 đại hội được tổ chức tại Little SaiGon , thủ đô của người tỵ nạn . Tổ chức hội ngộ để các cựu học sinh được dịp gặp lại các vị thầy cô khả kính, các anh chị đồng môn, bạn bè cùng lớp và cả những em nhỏ cùng trường năm xưa . Mọi người cùng ngồi ôn lại chuyện cũ, bàn thêm chuyện mới , cùng vui đùa , nói cười thỏa thích cho cuộc sống thêm ý vị , thêm nhiều niềm vui , để quên bớt những lo toan trong cuộc sống . Trong dịp này tờ đặc san Hoài Niệm Một Thời Áo Trắng được phát hành như một món qùa lưu niệm , một kỷ niệm mang về để được đọc , để được nhớ , để những kỷ niệm về trường xưa lớp cũ luôn hiện hữu trong mái nhà ấm cúng của các cựu học sinh Phan Thanh Giản Đà Nẵng.
Chỉ mới đọc tựa đề : Hoài Niệm Một Thời Áo Trắng là đã thấy hay, thấy xúc tích , là đã thấy mênh mang nỗi nhớ tràn về . Nhớ năm học lớp 10 giờ Việt Văn , Thầy Trần Đình Quân ra đề bài : Ngạn ngữ Tây phương có câu : Đừng nói vấn đề này khó, nếu không khó đã không thành vấn đề . Các em hãy bình giải câu nói này . Tôi nhớ mình đã viết cái mở bài như sau . Học giả Nguyễn Bá Học đã viết : “ Đường đi khó , không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông .” Đông Tây hai phương trời cách biệt nhưng đã có cùng chung một nhận định đó là tính ngại khó của con người , ngạn ngữ Tây Phương có câu : Đừng nói vấn đề này khó , nếu không khó đã không thành vấn đề . Chúng ta hãy cùng trãi rộng vấn đề này ra để xem đúng sai ở điểm nào .
Và chỉ với mở đề đó bài văn của tôi đã được 14 điểm với lời phê của Thầy : Mở bài hay nhưng lý luận chưa sắc bén …,mặc kệ dễ chi được điểm 14 của Thầy , và bài văn đó đã là hành trang cho tôi bước vào đời , để tôi không có tâm lý ngại khó , cứ làm thử được hay không là ý trời .
Thấy chưa ! chỉ mới đọc tựa đề tôi đã có kỷ niệm để nhớ , để viết . Thành ra đọc hoài niệm như gỏ nhẹ vào ngăn kéo của miền ký ức để kỷ niệm xưa ùn ùn quay lại . Từng lớp từng lớp như làn mây ,mỏng đan kín ôm ấp những nỗi nhớ niềm thương về ngôi trường Phan Thanh Giản ngày cũ . Hoài niệm là nhớ về , đọc chuỵên của lớp bạn nhớ về chuyện lớp mình . Nhớ những vị Thầy Cô khả kính , rất mực thương yêu học trò , ân cần dạy dỗ , nhưng mà nào có được yên với học trò nghịch phá như quỷ như ma . Nhất là qúy Thầy Cô trẻ mới ra trường được học trò chiếu cố tận tình để phá , Ngày đầu bước lên bục giảng là ngày giở khóc giở cười với học sinh . Phá phách mà mặt cứ giả nai, cứ em chả , em chả , mà thực ra em làm đủ trò nghịch ngợm sau lưng Thầy .
Đọc Hoài Niệm Một Thời Áo Trắng để trở về với lớp học đầu tiên , lớp đệ thất B1 của trường Phan Thanh Giản trong bài viết của bác sĩ Nguyễn Tăng Miên , kỷ niệm ngậm ngùi về bộ đồng phục . Ở đó chúng ta đọc được những lời nhắn nhủ ân cần của một người thầy kính yêu mà học trò đã thương mến gọi bằng hai chữ : BỐ ĐỈNH . Tình học trò tròm trèm trên dưới nữa thế kỷ mà vẫn đậm nồng tha thiết . “ Thầy thương học trò như thương con , và luôn nhắc nhở học trò , học là cái máy đúc hồn ,học giàu cho nước, học khôn cho nhà …”
Trong Hoài Niệm cũng chứa đựng tâm sự nhớ trường xưa của Thầy Hiệu Trưởng Lê Quang Văn . Mặc dù đã gần 40 năm xa rời bục giảng nhưng tình yêu thương quý mến giữa thầy và trò luôn đậm đà ngát hương .Thầy vẫn luôn nhớ đến những năm tháng giảng dạy ở trường với những yêu thương gắn bó như gia đình . Đại gia đình Phan Thanh Giản.
Thầy cũ trường xưa giờ đâu vắng
Thương nhớ vô vàn tà áo trắng ngày xưa .
( CHS Nguyễn Minh).
Hoặc là bước theo Thầy Dũng về nhà để bắt gặp những nét đáng yêu , tính mau quên của cô vợ trẻ , bà nội tướng của nhà Thầy : chuyện bó ngò . Câu chuyện xảy ra thường ngày trong mọi gia đình ở hải ngoại , tính đãng trí của các bà vợ .
Đọc Hoài Niệm Một Thời Áo Trắng chúng ta không những nhớ về những kỷ niệm của trường xưa bạn cũ mà còn dẫn ta về với cả vùng trời quê hương . Ở đó là con đò xưa bến sông cũ , có lũy tre làng xanh ngắt thắm đượm tình quê trong thơ Nguyễn Phi Hoàn . Những điạ danh, những tên gọi thân thiết như Đà Nẵng , Hội An , Câu Lâu, La Qua , được gọi lên cho đỡ nhớ .. Con trai Quảng Nam hiền lành chất phác nhưng khi tán gái cũng dí dỏm , cũng dễ thương như lời ca được truyền tụng của người xưa .
Con gái La Qua
Qua đường Qua chọc
Qua nói em rằng
Đừng có La Qua
Nhà thơ Luân Hoán ghi lại làm cho chúng ta nhớ . Nhớ lắm Đà Nẵng ơi ! làm sao gởi nổi nhớ qua bên kia bờ đại dương thôi thì đành làm như nhà thơ Thái Tú Hạp : “ Quảng Đà gọi tên cho đỡ nhớ”.
Quê hương nhắm mắt như sờ được
Đà Nẵng muôn đời trong trái tim .
Văn Tùng đã trãi nổi nhớ quê trong bài thơ Đà Nẵng trái tim ta thật thiết tha đầm ấm:
Đà Nẵng ơi hôm nay ta trở lại
Vẫn tay không chẳng quà tặng đem về
Chỉ cúi hôn và tay ấm mân mê
Trên mảnh đất quê hương nghìn yêu mến.
Đến với Hoài Niệm Một Thời Áo Trắng chúng ta còn được nghe chị Diệu Liên điểm danh những người đẹp đã một thời sống ở con đường quen thuộc Trần kế Xương của Đà Nẵng năm nào . Hoặc nghe chị Kim Vân , một tay viết quen thuộc chắt chiu kể lại những kỷ niệm ngọt ngào với bạn bè xưa và nay , cả hai như nhập một . Quá khứ và hiện tại quấn quýt với nhau như tình bạn của học trò Phan Thanh Giản mãi quấn quyện không rời . không xa .Chị có một trí nhớ thật tuyệt vời và thường xuyên gặp lại bạn cũ để hâm nóng chuyện xưa do đó bàng bạc trong bài viết của chị là cả một trời kỷ niệm ngọt ngào , là cả một kho tàng ký ức cho ai muốn tìm về .
Ngoài ra còn nhiều, rất nhiều bài viết của các tay viết quen thuộc và những tay viết mới của trường và của thân hữu người Quảng Nam Đà Nẵng bởi sách dày hơn 350 trang .
Nhưng đặc bìệt hơn hết là cầm tờ đặc san chúng ta sẽ được ngắm nhìn hai bức tranh tuyệt tác của hai họa sĩ tài danh ở bìa trước và bìa sau .Tranh của họa sĩ Khánh Thọ với những nét họa vuông vức giản đơn nhưng tinh tình đơn giản , hiền lành của chi. . Năm tháng đã tô đậm nét nghệ sĩ trên khuôn mặt điển trai của anh làm cho dáng dấp tài tử cuả anh càng thêm hấp dẫn, thêm độc đáo như tranh của anh , hoạ sĩ Đào Ngọc Lý .
Trăm năm tóc cũng đổi màu
Chữ tâm sáng mãi giữa màu thời gian.
Chữ tâm , chữ tình Phan Thanh Giản rất đậm nồng da diết cho dù trường đã mất tên nhưng trong tim thầy trò của trường nó vẫn mãi tồn tại, vẫn sáng mãi giữa dòng đời .
Đại hội kỳ 6 của trường Phan Thanh Giản vừa qua đã không quy tụ được nhiều cựu học sinh từ khắp nơi về tụ hội , tờ đặc san Hoài Niệm Một Thời Áo Trắng đã không được hân hạnh trao tận tay cho các cựu học sinh . Do vậy đành nhờ bưu điện chuyển đến tận nhà của qúy vị , xin mời các anh chi liên lạc với chị thủ quỷ Thanh Nhạn để đặc san Hoài Niệm Một thời Áo Trắng được nằm trong tủ sách dễ thương của mọi gia đình cựu học sinh Phan Thanh Giản .
Về đây thắp lửa yêu thương
Tình Phan Thanh Giản nghìn phương đậm đà .
TRẦN HUYỀN LINH
Các chi tiết để liệc lạc về Đặc San xin bấm vào ĐÂY