Mùa  Thu  Tri  Kỷ

     Truyện ngắn –Trần Thị Mai Hoa

 

Mùa thu Sài Gòn không giống thu Huế, thu Hà Nội. Mùa thu Sài Gòn có những cơn mưa, chợt đến chợt đi, như tình yêu của những cô gái thông minh, xinh đẹp ở tuổi trăng tròn.

Cơn mưa ngắn vừa dứt, sân chùa Vạn Hạnh trở nên mát mẻ dễ chịu. Những cây xanh to lớn quanh chùa vẫn còn đọng những giọt mưa thu trên lá, trên hoa, đẹp hiền hòa nhân hậu như tấm lòng của những người hiện hữu nơi đây.

Đã có người vào chùa, tôi cũng theo chân họ vào dự lễ ngày giỗ của người thân thờ ở đây. Một dáng người quen thuộc đến gần:

-Chào chị.

Tôi nhận ra anh Quyến –một đồng nghiệp dạy ở trường Sài Gòn. Tôi thân mật:
-Anh cũng lên chùa à?

Anh cười:
-Tôi đi dự đám giỗ người thân.

Thì ra, tôi và Anh cùng quen thân với người đã khuất. Anh nhìn tôi, nói bâng quơ:
-Ở đây không có sân khấu nhỉ?

Tôi hơi ngạc nhiên, nhưng cũng giải thích:
-Ngày lễ lớn, chùa mới cho dựng sân khấu.

-Không, ý của tôi là có sân khấu để chị hát cơ. Chị hát hay quá. Hôm chị hát Thu Quyến Rũ, thật tình tôi đã ngẩn ngơ, ngơ ngẩn đấy.

Tôi im lặng nhìn Anh và cuối cùng cũng ấp úng được một câu:
-Xin được cảm ơn Anh, không ngờ tiếng hát của mình cũng làm cho Anh ngẩn ngơ ngơ ngẩn.

Anh cười thích thú. Và cũng từ buổi gặp nhau ở chùa, giữa Anh và tôi có phần thân thiện hơn. Thỉnh thoảng Anh ghé nhà tôi, tặng vài CD do Anh hát, tập thơ của chính Anh làm, hoặc ngồi nói chuyện về văn thơ, âm nhạc…

Anh với tôi gặp nhau, quanh quẩn chỉ người hát người nghe và vui hơn thì hai người cùng hát một bài. Hình như bài nào lời ca cũng chỉ nói lên thứ tình cảm giữa người con trai và người con gái, rồi đến đoạn kết chỉ có một thứ tình cảm mà hai người đều mơ ước. Cuối cùng lời bài hát cũng có tác dụng làm cho người hát thân thiện hơn.

Thật lòng mà nói, tôi cũng mến mộ giọng hát của Anh. Tôi và bạn tôi cũng thường xem Anh như một ca sĩ chuyên nghiệp, bởi không chỉ giọng hát mà cả phong cách biểu diễn của Anh khi hát trên sân khấu. Có một lần họp mặt của một nhóm nhỏ thầy và trò. Theo yêu cầu, tôi hát chung với Anh một bài. Giọng Anh ấm và ngọt ngào cùng cái nhìn trìu mến, và cũng cái nhìn ấy, lời bài hát đã dẫn dắt tôi đáp lại bằng ánh mắt thân thương và cảm thấy mình như trẻ lại. Tôi muốn hát cùng Anh những bài tôi thích, tôi nghĩ, hẳn Anh cũng thế.

Giọng Anh phá tan sự suy nghĩ của tôi:
-Những bài chị hát tôi rất thích, những nhạc sĩ chị yêu quí thì tôi cũng yêu quí họ.

Nói đến đây Anh dừng lại. Hình như có gì Anh muốn nói, lại ngại, trông Anh có vẻ xúc động. Anh nhìn tôi hiền từ:
-Đến tuổi này tôi mới tìm được tri kỷ. Xin chị gật đầu cho tôi vui.

Nghe anh nói, tôi gật đầu và vui vẻ trả lời:
-Cũng nguyện làm tri kỷ của anh.

Anh về rồi, tôi lại nghĩ về Anh. Hôm nói chuyện với Anh cùng hai người bạn ở quán cà phê tôi mới hiểu ra, Anh không chỉ có tiếng hát lời ca mà chúng tôi thích và phục, mà cuộc đời của Anh, công việc của anh trong thời trai trẻ đến khi trở thành giáo viên Văn, chúng tôi cũng đều nể phục Anh.

Một hôm, Anh làm tôi ngạc nhiên không ít. Anh ở ngoài ngõ nhà tôi gọi điện vào:
-Chị Thu hả? tôi đang đứng trước quán cà phê ngõ vào nhà chị, chị ra đưa tôi vào nhé.

Rồi cũng lần sau, Anh đến chơi cũng gọi điện vào:
-Chị Thu hả? Tôi đang đứng trước cửa tiệm bán tạp hóa…

Tôi lại ra đón Anh. Anh im lặng đi bên tôi. Vào đến nhà, Anh mới cất tiếng:
-Kỳ lạ, tên chị thì nhớ, dáng chị không quên, Thu Quyến Rũ thì vọng mãi bên tai, mà ngõ vào nhà chị lại không tài nào nhớ nổi.

Rồi Anh lại tiếp:
-Chị thấy có buồn không nhỉ?

Tôi cười để Anh thấy tôi không buồn. Nhưng thật lòng tôi cũng thấy kỳ lạ. Chẳng lẻ anh lại muốn đi bên tôi, từ ngoài ngõ vào đến sân nhà ư? Đi im lặng, không hát, không ca. Chỉ có thế thôi sao?

Để đánh tan không khí im lặng, Anh đề nghị tôi mở dĩa nhạc Anh đã tặng tôi. Tiếng hát của anh phát ra, dù giọng ca không bằng Anh hát thật bên ngoài, nhưng tôi vẫn thấy vui và thích hơn khi ngồi một mình nghe CD Tuấn Ngọc, dù là “Gửi gió cho mây ngàn bay”…

Tiễn anh về -Trời Sài Gòn Thu đã qua, Đông cũng đến rồi, Xuân thì hiện hữu. Và mùa Xuân năm sau, giữa “KHUNG TRỜI DẤU YÊU” còn ai hát? Còn ai nghe?...

Sài Gòn 4. 7. 2010
T.T.M.H