TRƯƠNG HOÀNG VÂN
Trong chuyến về quê lần này, tôi nhận lãnh nhiệm vụ "Chúc Tết quý vị thầy cô cuối năm”. Tôi và Ái Cầm ráo riết làm việc, lo hoàn tất mọi thứ trước khi tôi ra đi. Chúng tôi soạn thảo thư chúc Tết, đổi tiền mới, lo phong bao lì xì.... và mọi thứ cần thiết, và tôi an tâm lên đường.
Về đến Sài Gòn, tôi liền lôi cái phong bì lớn, lấy phong thư và danh sách quý vị thầy cô tại Sài Gòn, điền tên và địa chỉ của các vị vào rồi gởi lại cho chị tôi trước khi đi Đà Nẵng. Chuyến đi nầy, vì con nhỏ em gái Út của tôi bị bịnh nan y, tôi phải ở lại Sài Gòn lâu hơn để ủng hộ tinh thần cho nó trong khi nó vào để giải phẩu. Đoạn đường nầy, tôi đã trải qua cho nên dù sao tôi cũng đã có kinh nghiệm. Trong những ngày gian nan nhất của nó, ngòai chồng nó ra, ít ra nó cũng có được hai bà chị lớn và má tôi bên cạnh cùng nó bước qua. Rồi mọi việc cũng tạm ổn trong thời gian đó, sau nầy ra sao thì còn chờ ông trời quyết định, tôi từ giã ra Đà Nẵng trước để lo những công việc của tôi.
Sáng hôm sau, tôi nhờ Oanh đến giúp tôi phân phối những phong bì ở Đà Nẵng. Chúng tôi sắp những phong bì theo thứ tự, nhưng khổ nỗi, có người có địa chỉ, có người có số điện thoại, còn có người chẳng có gì cả ngoài cái tên nên việc tìm chắc là sẽ gặp nhiều khó khăn.
Đầu tiên, Oanh chở tôi đến trường Trần Cao Vân, nơi thầy Nguyễn Cưng làm việc. Hai năm trước đây đã có lần tôi ghé lại thăm khi mời thầy đi dự họp mặt ở Suối Lương. Đến nơi người ta cho biết thầy đã về hưu, hỏi thầy hiện ở đâu thì không ai biết. Chúng tôi đành phải quay lại trường Phan Thanh Giản cũ, hy vọng gặp được chú Yến cai trường (ông Đỗ Địch) thì có thể hỏi ra tin tức của thầy Cưng. Xe vừa đến gần trường, đã thấy chú Yến đứng bên đường cùng với mấy người nữa. Mừng quá, tôi lại gần gọi:
-Chú Yến!
Chú thấy tôi, mừng rỡ, tay bắt mặt mừng. Chú đối với chúng tôi bao giờ cũng vậy, đầy tình cảm nồng nhiệt. Oanh thúc tay tôi:
-Có cô Xuân Lan nữa kìa.
Cô Nguyễn Xuân Lan nầy chắc là dạy sau khi tôi đã hết học, cho nên tôi không biết. Thì ra cô là vợ của thầy Trần Tự Thành. Cô cũng nhận ra Oanh. Tôi hỏi cô:
-Thầy có nhà không cô?
Cô nói có và chúng tôi mời cô cùng vào nhà. Cô gởi lại cái quầy hàng nho nhỏ và chúng tôi theo sau cô.
Thầy Thành đang ngồi đọc báo trong nhà, thầy đón chúng tôi với nụ cười. Đợi thầy cô cùng ngồi, tôi rút hai cái phong bì có tên thầy và cô để lên bàn và thưa:
-Thưa thầy, thưa cô. Năm nay con làm đại điện Hội Ái hữu cựu học sinh Phan Thanh Giản Đà-Nẵng tại Hải Ngoại về thăm và chúc Tết sớm quý vị thầy cô. Chúng con xin chúc thầy cô và gia quyến một năm mới bình an và hạnh phúc với sức khoẻ dồi dào. Đây là món quà con đem về từ phương xa của Hội Ái Hữu gởi tặng thầy cô.
Thầy cô xuýt xoa, nói mấy lời cảm ơn đối với học trò xưa luôn luôn nhớ đến các thầy cô cũ mà chưa có trường nào có tình thân ái như vậy. Chúng tôi trò chuyện một lúc, tôi hỏi thăm thầy có biết thầy Cưng bây giờ ở đâu không? Thầy nói:
-Thầy Cưng đã nghĩ hưu hai năm nay, lúc trước cũng có đến thăm thầy. nhưng hơn một năm nay thì không thấy đến. Ngay cả phong bì năm ngoái, thầy cũng còn giữ đây.
-Vậy con gởi thầy phong bì của thầy Cưng, nhờ thầy tìm cách nhắn tin cho thầy Cưng đến nhận, chứ thầy mà không biết thì con chắc cũng không có cách nào tìm ra được.
Tôi để lại phong bì của Thầy Nguyễn Cưng và xin phép thầy cô ra về vì đoạn đường còn dài và tôi mong rằng tôi có thể gặp hết các thầy cô trong vòng vài ngày.
Ra đến ngoài đường, Chú Yến vẫn còn đứng đó với người con gái và một vài người nữa. Tôi hai tay đưa chú phong bì có tên chú và nói lời chúc tụng cuối năm. Chú nắm tay tôi và xuýt xoa:
-Ôi! Quý hoá quá! Năm nào cũng có quà…….
Tôi cũng biết rằng chú nói với tất cả lòng chân thành vì chú là người thường hay ghé nhà thăm ba tôi khi người lâm bệnh. Bây giờ, chú đã lớn tuổi, con cái đã thành đạt, nhưng cái nét chân chất vẫn như của một người thân trong gia đình.
Chúng tôi chuyện vãng, hỏi thăm đôi câu rồi từ giã chú để đến mục tiêu kế tiếp là thầy Vĩnh Linh đã có một thời làm hiệu trưởng của trường. Tìm ra điạ chỉ trong danh sách nhưng không ai biết thầy ở đâu, chỉ biết là thầy dọn đi lâu lắm rồi. Thôi thì để tìm sau vậy.
Cũng ở đường Quang Trung, có nhà cô Phạm Thị Cẩm. Cẩm là bạn học cùng lớp với tôi và tôi cũng thường đến thăm Cẩm trong những lần về thăm nhà. Gặp nhau tay bắt mặt mừng; Sau khi chào hỏi, chồng của Cẩm rút lui lên lầu cho chúng tôi tự do trò chuyện. Sau khi cho Cẩm biết mục đích chuyến viếng thăm nầy, và trao cho Cẩm phong bì của hội, Cẩm mời chúng tôi ở lại dùng cơm trưa. Tôi cũng không ngờ thời gian qua nhanh quá, mới đó mà đã trưa rồi. Cẩm cho tôi biết thường ngày Cẩm bận dạy kèm cho nên việc nấu nướng là do ông xã lo liệu. Những món ăn quê hương đậm đà, chúng tôi ăn thật ngon miệng.
Từ giã Cẩm, chúng tôi chạy thẳng đường Quang Trung qua Trần Cao Vân ghé nhà Thầy Hồ An, vị giáo sư Anh văn của tôi. Gặp thầy, thầy rất là vui vẻ. Nhìn dáng thầy cao và ốm, không khác gì hai năm trước. Sau khi làm nhiệm vụ và trao phong bì cho thầy; thầy hỏi tôi lúc nào rời Đà Nẵng để thầy có thể gởi thư hồi âm cho Hội Ái Hữu. Thầy cho biết lúc nầy thầy đã không còn dạy kèm nhiều như lúc trước nữa mà để dành thì giờ viết sách. Những sách viết bằng Anh Ngữ của thầy được các nhà xuất bản đón nhận nồng nhiệt.
Từ nhà thầy Hồ An ra, chúng tôi trở lại đường cũ và rẻ qua Đống Đa để đến nhà cô Lâm Thuý Hậu. Cô đã dọn nhà, tôi bèn xin số điện thoại để liên lạc. Đến đuờng Hải Hồ, tìm số nhà cô Nguyễn Tuyết Anh nhưng cũng không đúng. Tôi gọi điện thoại theo trong danh sách, được nói chuyện với cô và cô cho tôi địa chỉ hiện tại. Cũng may là tôi đi với Oanh, nếu không thì không biết làm sao mà tìm những con đường mang tên….lạ hoắc nầy!
Gặp Cô Tuyết Anh, đây cũng là một trong những thầy cô mà tôi không biết mặt. Cô rất là vui vẻ, tôi hỏi thăm về cô Lâm Thuý Hậu, cô cho biết là cô Hậu đã đi Saì gòn, chắc là vài tuần nữa mới về đến. Tôi nhờ cô trao lại cho Cô Hậu và cô hoan hỉ nhận lời. Cô cho biết cô Phan thị Huệ cũng ở gần đây và chính cô gọi điện thoại cho cô Huệ, cho biết là chúng tôi sẽ đến.
Từ nhà cô Tuyết Anh đến nhà cô Huệ cũng gần, trong nhà có một vài bà cùng lứa tuổi với cô Huệ đang ngồi nói chuyện với nhau. Cô Huệ tiếp chúng tôi ngoài bàn khách và giới thiệu với các bạn, cho biết các cựu học sinh Phan Thanh Giản Đà Nẵng tại Hải Ngoại lúc nào cũng nhớ đến các vị thầy cô ngày xưa, năm nào cũng gởi thư và tiền về chúc Tết với tình tương thân tương ái.
Qua đuờng Ông Ích Khiêm, đến nhà thầy Bùi Ngọc Liệu, nhưng thầy không có nhà. Tôi viết ít hàng để lại và vòng qua đường Ngô Gia Tự để đến nhà cô Nguyễn Thị Thuý. Oanh là học sinh cũ của cô. Chúng tôi hỏi thăm và trao cô phong bì chúc tết của hội. Đến đâu chúng tôi cũng đón nhận được những tình cảm đậm đà của những người thân thiết cũ, tuy đã cách biệt rất lâu.
Rời nhà cô Thuý, tôi bảo Oanh rẽ qua đường Pasteur, đến nhà cô Nguyễn thị Cữu. Nhà nầy là một phòng khám bệnh đàn bà, nghe nói rất là đông khách. Cửa đóng kín vì chắc là giờ đang nghĩ trưa, bên ngoài là tấm bảng để bệnh nhân ghi xin giờ hẹn. Bấm chuông hoài mới thấy một cô gái nhỏ ra . Cô đứng bên trong chứ không mở cửa, tôi hỏi xin gặp cô Cửu nhưng cô ta nói cô không có nhà, nên tôi để lời nhắn lại sẽ trở lại vào ngày mai.
Quay trở lại gần nhà, chúng tôi ghé nhà của thầy Trần Ngọc Lang ở đường Lý Tự Trọng, thầy là giáo viên lớp nhì của tôi, sau này thầy dạy cấp hai. Nhìn dáng đi lụm khụm của Thầy, tôi chợt nhớ lại những ngày còn học tiểu học. Thầy nghiêm khắc nhưng tận tâm, luôn luôn nhắc nhở học sinh bằng những câu nói rất là thâm thuý và đầy tình thương. Tôi chuyện trò với thầy một lúc lâu vì tuy thầy ở gần nhà ba má tôi, nhưng tôi ít khi gặp. Từ giã thầy, chúng tôi đi thêm một đoạn đường nữa cũng trên con đường đó để đến nhà của ông Phan Tấn Dũng. Ông là thâu ngân của trường; tôi là con của giáo sư, học không phải trả tiền cho nên không có “thù oán” gì với thầy như những học sinh lâu lâu bị kêu xuống văn phòng vì nộp học phí trể. Lúc đó thầy ngầu lắm, thấy dáng thầy là học sinh sợ, nhưng thầy cũng không khắt khe lắm đối với những học sinh nghèo.
Đã về gần nhà và những phong bì chúng tôi đem theo đã gần hết, Oanh đề nghị về nghĩ ngơi chút rồi đi tiếp. Vừa bước vào nhà, Hải em tôi đã nói:
-Có người đến tìm chị nè, là thầy Liệu đó.
Thầy từ trong nhà Hải bước ra, tôi mời thầy vào phòng khách và nhờ Oanh rót mấy ly nước. Thì ra thầy được tin nhắn nên đã tìm đến nhà. Thầy vui vẻ kể lại chuyện xưa. Tuy tôi không học thầy nhưng các em tôi đều là học trò của Thầy nên rất là quen thuộc. Những chuyện từ một ngôi trường rất là thân thiết, những năm tháng cắp sách đến trường như đang ở trước mắt. Thầy xin lên thắp nhang cho ba tôi rồi từ giã ra về.
Chúng tôi lại tiếp tục lên đường.
Người kế đến chúng tôi muốn đến thăm là thầy Nguyễn Quang Đĩnh. Thầy ở trong con hẻm nhỏ ở đường Cô Bắc. Nói đến người thầy dạy Pháp văn nầy, tôi có thật nhiều kỷ niệm. Vì là sinh ngữ phụ nên chúng tôi thường hay trốn học đi xem xi-nê. Những ngày nghĩ, nhiều bạn học thường gặp thầy trong khu chợ trời nên đặt cho thầy cái biệt hiệu “Đĩnh chợ trời”. Sau nầy, thời thế đổi thay, thầy không đi dạy nữa. Có lần về thăm, tôi gặp thầy tại chợ Cồn, trên cầu thang lầu với cái cân, mời mọc những bà nội trợ bước lên cân để kiếm mấy đồng lẽ. Đứng xa, nhìn một vị giáo sư khã kính với tuổi đời già nua mà phải làm việc như vậy, tuy đây là việc chân chính nhưng tôi vẫn không cầm được nước mắt. Đáng lẽ với tuổi đời như vậy, thầy phải được an hưởng bên cạnh con cháu, nhưng với hoàn cảnh khó khăn chung của tất cả mọi người, thầy vẫn phải bươn chải để phụ giúp các con. Ba năm trước, sau cuộc giải phẩu, thầy yếu hẳn đi, nhưng vẫn còn tồn tại trên dương thế, bên cạnh con cháu; không như Ba tôi, trẻ hơn mà đã ra đi.
Nhớ đến các thầy cô đã ra đi, tôi bảo Oanh ghé lại nhà thầy Dung ở đường Trần Bình Trọng. Tôi nhớ lần về thăm nhà đầu tiên, tôi có cùng Ba tôi ghé lại thăm thầy cô. Lúc đó thầy chưa thấy già lắm, thầy vui vẻ hỏi thăm chuyện gia đình của tôi nơi xứ người. Nhìn dáng cao gầy, uy nghiêm của thầy làm tôi nhớ lại những bài học Anh ngữ đầu tiên. Thầy từng đi du học Anh quốc cho nên cách phát âm của thầy theo đúng cách của người Anh, chúng tôi được học thầy vỡ lòng thật là may mắn. Thầy mất trước cô cho nên những lần đến thắp nhang cho thầy sau đó, chúng tôi được nhìn dáng cô thanh thanh trong bộ đồ lụa màu ngà, ngồi bên bàn viết, trông thật cao sang. Cô đưa chúng tôi lên gác thắp nhang cho thầy. Ánh mắt cô nhìn hình thầy trên kia vẫn say đắm như thời còn chung bước bên nhau. Lúc đó ở PTG, có ba cặp vợ chồng cùng dạy trong trường là thầy Dung & cô Phụng, thầy Tuyên & cô Tuyết Anh và thầy Tâm & cô Tuyết. tất cả các vị nầy đều là giáo sư đã dạy tôi qua những năm trung học. Nhìn hạnh phúc của họ, chúng tôi mong sao sau nầy mình cũng được như vậy, nhất là thầy Tâm và cô Tuyết là những vị giáo sư trẻ, rất gần với chúng tôi. Tôi còn nhớ dáng cô Tuyết với chiếc áo dài hoa, thêm chiếc áo bầu màu trắng bên ngoài, trông thật trang nhã với đôi mắt thầy Tâm nhìn theo từ trong lớp học xuyên qua sân trường.
Giờ đây, thầy Dung, cô Phụng đã qua đời, thầy Tuyên cô Tuyết Anh ở tuốt miệt Long An, còn thầy Tâm và cô Tuyết chúng tôi không hề gặp lại từ sau ngày thầy nhập ngũ và cô cũng đổi theo thầy.
Rời nơi đây, tôi ghé qua nhà thầy Xuân. Trong nhà chỉ có người vợ không được tỉnh táo và người con trai út cũng không khá hơn gì. Tôi xin cô vào thắp nhang cho thầy và từ giã ra đi. Có một điều tôi lấy làm lạ là mỗi lần tôi đến, cô đều gọi đích danh tôi và hỏi thăm má tôi có khoẻ không! Có lẽ hai gia đình đã quen nhau từ hồi kháng chiến cho nên những gì thời xa xưa vẫn còn trong tiềm thức nên dù lúc tỉnh lúc mê, cô vẫn nhớ!
Có người bạn rủ đi uống café, tôi cũng muốn nhân dịp nầy hỏi thăm tin tức của một vị thầy vì người nầy bà con với thầy Lê Chấn Quang (thầy Chanh dạy nhạc). Vào quán café, cái không khí mát lạnh trong phòng làm tôi cũng vơi bớt đi những cảm xúc vừa trải qua. Tôi hỏi bạn:
-Việt có biết thầy Chanh hiện ở đâu không? Nghe nói thầy đã dọn ra Đà Nẵng chứ không còn ở trong Hội An nữa, phải không?
-Phải rồi! Ổng ở Đà Nẵng. Để Việt hỏi lại điạ chỉ chắc chắn rồi cho cô biết, vì thường Việt đến nhà chứ đâu có biết điạ chỉ.
-Nhớ gọi lại cho cô nghen.
Từ giả bạn, chúng tôi rẻ qua đường Hoàng Diệu để đến nhà thầy Hoàng Bích Sơn. Mấy tháng trước, thầy có qua Mỹ, tôi gọi điện thoại nói chuyện với thầy vì cả nhóm muốn mời thầy họp mặt và dùng cơm với thầy nhưng thời giờ của thầy quá eo hẹp nên cuối cùng không gặp được. Đến điạ chỉ trong danh sách thì đây là một vùng đất đang được xây cất thành một tòa nhà lớn. Tôi gọi điện thoại thì con thầy trả lời và chỉ đường cho chúng tôi đến nhà thầy ở hiện tại.
Gặp được thầy thật là vui, thầy nói chuyện vui vẻ và có ý tiếc không được gặp các học trò củ trong chuyến viếng thăm Mỹ quốc vừa qua. Thầy có vẻ yếu vì mới qua cơn bệnh nên tôi không dám ở lâu. Thầy cũng rất lấy làm cảm động khi nhận được thư chúc mừng và quà của chúng ta.
Vừa ra khỏi con đường hẻm nhà thầy, tôi được điện thoại của Việt cho biết điạ chỉ thầy Quang. Thấy cũng gần đó nên chúng tôi ghé vào luôn.
Thầy Quang không thay đổi nhiều, không già so với số tuổi trên 70 của thầy. Thầy cho biết thỉnh thoảng cũng có gặp lại một số học trò xưa và cùng sinh hoạt văn nghệ với nhau. Nhìn quanh trong nhà, vẫn thấy có phong cách nghệ sĩ với cây đàn guitar trên vách và những tập nhạc trên bàn. Thầy mời uống nước nhưng chúng tôi lại phải vội vã ra đi.
Gần đó là đường Trưng nữ Vương nên tôi dừng bước ở số 129 là nhà thầy Dương Quang Tiến. Cửa đóng kín, tôi gọi điện thoại thì người nhà của thầy cho biết số nhà là 192 chứ không phải là 129. Thế là quẹo trở lại, đi thêm một khúc, dừng trước nhà 192 thì thấy nhà đã mở cửa và có một người đàn ông trung niên đang đợi. Tôi tự giới thiệu và xin được gặp thầy Tiến.
Thầy từ nhà trong được cô dìu ra. Trông thầy yếu quá. Người đàn ông kia tự giới thiệu là cháu của thầy. Tôi cho biết mục đích đến thăm thầy hôm nay và trao thầy phong bì chúc Tết của hội. Thầy cứ hỏi địa chỉ của tôi ở bên Mỹ, tôi bèn viết xuống cho thầy, nhưng rồi thầy lại hỏi thêm mấy lần nữa. Người cháu của thầy cho biết là thầy đã lẫn lắm rồi nên không nhớ được nhiều.
Tôi nhìn trong danh sách và thấy nhà thầy Nguyễn Thiếu Dũng ở ngay bên cạnh, số 190. Tôi nhìn qua thấy cổng được gài một ổ khoá thật bự. Cô cho biết cả nhà của thầy Dũng không có ai ở nhà vì thầy đã đi Sài Gòn. Tôi gởi lại phong bì của thầy Dũng, nhờ cô trao lại và nói tôi sẽ gọi điện thoại cho thầy Dũng sau.
Trời cũng đã gần tối, chúng tôi cũng đã mỏi mệt nên quay về nhà.
Tối hôm đó, tôi gọi điện thoại cho Thọ, bạn cùng lớp với tôi thời tiểu học và cũng là con của thầy Trương chi Phô, thầy dạy lớp nhất của tôi. Nghe nói sau nầy thầy dạy vạn-vật cấp hai. Tôi nhờ Thọ cuối tuần về đến Đà Nẵng thì gọi cho tôi; tôi muốn nhờ Thọ đưa đến gặp thầy Phô vì tôi không có địa chỉ! Tôi cũng gọi cho thầy Quế ở Tam Kỳ để hẹn gặp thầy nếu trong những ngày gần đây thầy có ra Đà Nẵng. Thầy cho biết cũng sắp ra, nếu không được gặp, cứ gởi ở nhà má tôi, thầy sẽ ra nhận.
Mệt mõi sau một ngày lang thang khắp nơi, tôi đã có được một giấc ngũ ngon, bằng lòng với thành quả mình đã đạt được.
Ngày hôm sau, hai chị em tôi lại tiếp tục lên đường thi hành phận sự.
Đầu tiên, chúng tôi vòng ra biển Thanh Bình, tìm đến nhà thầy Hoàng Hổ. Tôi kêu thầy Hổ bằng cậu, thầy là em họ của má tôi. Sau vài lời thăm hỏi và nói mục đích của mình, tôi có hỏi thăm về thầy Vĩnh Linh nhưng cậu tôi cũng không biết. Sau khi từ giã, chúng tôi qua cầu sông Hàn và tìm đến khu An Hải Tây theo trong địa chỉ của cô Nguyễn thị Hội. Ở đây người ta cho biết cô đã dọn nhà về khu nhà mới bên Mỹ Khê, vậy là chúng tôi lại theo lời chỉ dẫn tìm đến nơi. Lại cửa đóng then cài, lại thêm cái khoá to tổ bố bên ngoài. Hỏi thăm thì người ta cho biết nhà nầy mới đọn đến, nhưng ít khi có mặt ở nhà, chúng tôi lại phải ra đi.
Sau đó chúng tôi tìm đến điạ chỉ của nơi thầy Trương Diệp làm hiệu trưởng thì được biết thầy đã nghĩ hưu và họ cũng không biết thầy đã dọn nhà đi đâu! Và trong dịp tình cờ khi hỏi thăm, tôi mới biết thầy Diệp và cô Hội là hai vợ chồng. Ngày hôm sau chúng tôi trở lại khu phố đó để hỏi thăm, thì ra căn nhà chúng tôi đến ngày hôm qua không phải là căn nhà tôi muốn tìm, chỉ là trùng hợp ngẩu nhiên, ông chồng tên Hội còn người vợ tên Thảo. Vậy là chúng tôi lại phải bắt đầu lại cuộc tìm kiếm hai vợ chồng thầy Trương Diệp.
Gặp được một người đàn bà tốt bụng, nghe nói đến thầy Diệp lúc trước làm Hiệu trưởng trường Nguyễn văn Cừ, bà ấy cho biết con bà cũng từng học truờng đó và bà biết có người quen thân với thầy Diệp. Vậy là bà ta lấy xe, dẫn chúng tôi đến nhà người quen để hỏi thăm. Cuối cùng thì chúng tôi cũng gặp được hai vợ chồng thầy Diệp và cô Hội. Thầy vẫn còn đang dạy kèm tại nhà. Thầy cô tiếp tôi rất là vui vẻ.
Trên đường trở về lại bên phố, chúng tôi trở lại nhà cô Cữu ở đường Pasteur. Vẫn cổng đóng kín, vẫn cô bé ngày hôm qua ra mở cửa và cô ta cho biết cô Cữu không có ở nhà. Tôi phải nói là tôi từ bên Mỹ về và đem tiền của Hội Ái Hữu gởi tặng cô, cô ta mới chịu mở cổng cho chúng tôi vào nhà và báo cho cô Cữu biết! Sau khi gặp Cô Cữu và trao cô phong bì của hội, chúng tôi từ giã ra về.
Chiều hôm đó tôi gọi điện thoại cho thầy Trầm ngoài Huế, định rằng nhân ngày mai tôi đi Huế có việc, luôn tiện ghé thăm thầy. Không ngờ người nhà thầy cho biết là thầy đã đi Sài Gòn. Tôi xin số điện thoại, dự định vào trong đó sẽ tìm đến thầy.
Cuối tuần Thọ từ Tam Kỳ về, đưa tôi đến thăm thầy Phô. Thầy trông rất khoẻ mạnh. Thầy cho biết là từ khi dọn qua Mỹ Khê, nhờ khí hậu ở biển thầy khoẻ hẳn ra.
Mấy ngày sau, tình cờ nói chuyện với một ông anh, ông ta chỉ nhà của Thầy Vĩnh Linh. Đây là một khu nhà mới gần nhà hàng Sao Đỏ. Khi đến nơi, tôi gặp thầy đứng bên ngoài nói chuyện với hàng xóm. Nhà của thầy mới cất xong, căn nhà ngay góc đường, thật là đẹp. Đây là người thầy sau cùng tôi đã gặp ở Đà Nẵng, vậy là xem như tôi đã xong được một phần nhiệm vụ. Vài ngày nữa, vào đến Sài gòn, tôi sẽ tiếp tục làm cho xong nhiệm vụ còn lại.
X||||||||||X
X
Đến Sài Gòn, việc đầu tiên là tôi gọi điện thoại cho thầy Văn, tôi tin rằng, gặp thầy là tôi sẽ có tất cả địa chỉ mà tôi muốn có. Thầy cho biết là đang ở Đà Lạt, tối hôm sau sẽ về lại Sài Gòn. Trong khi chờ đợi, tôi nhờ chị tôi gọi điện thoại cho cô Thiện, vì chị tôi thường liên lạc với cô. Cô cho biết là khoảng trưa sẽ đến nhà chị. Tiếp theo tôi gọi số điện thoại mà người nhà thầy Trầm ở ngoài Huế đã cho. Thầy hỏi địa chỉ nơi tôi đang ở và nói rằng sẽ nhờ con của thầy đến vì thầy đang bệnh. Một lát sau cô Thiện và con gái cô đến, tôi cũng thường gặp cô mỗi lần về thăm nhà vì cô là cô dạy lớp mẫu giáo của tôi. Hơn 50 qua, tôi vẫn thương kính người cô vỡ lòng nầy. Tuy hoàn cảnh gia đình của cô cũng khá giả, nhưng với tấm lòng của những cựu học sinh đối với những thầy cô lúc xưa cũng làm cho cô rất là cảm động. Cô cho tôi xem những là thư của hội Ái Hữu đã gởi về chúc Tết mỗi năm mà cô rất trân trọng giữ gìn nó. Trong khi đó, con rể của thầy Trầm cũng đến, đem theo tấm hình của Thầy. Tôi hỏi thăm thầy và trao phong thu chúc Tết. Tôi nhờ anh chuyển lời đến thầy tôi rất tiếc không thể đến thăm thầy vì thời gian eo hẹp.
Trưa hôm đó, tôi gọi điện thoại cho thầy Nguyễn Ngọc Thông. Vị giáo sư nầy lúc trước có ở trong nhà ba má tôi một thời gian nên cũng xem như là chổ thân tình. Trong khi nói chuyện, thầy gọi điện thoại cho thầy Lê Thanh Xuân, và đưa điện thoại cho tôi nói chuyện. Khi tôi nói mục đích của tôi, thầy nói thầy xin quyên lại số tiền đó vào những công tác từ thiện mà tôi đang làm. Tôi xin thay mặt các trẻ em mồ côi tại VN cảm ơn thầy.
Tiếp theo, tôi gọi cho thầy Nguyễn Tuyên và cô Tuyết Anh ở dưới Long An, Cô nói là sẽ nhờ Tuệ ghé lại nhà chị tôi để nhận thư và quà của thầy cô. Cô gởi lời hỏi thăm và cảm ơn tất cả anh chị em Cựu học sinh PTGDN tại hải ngoại. Chiều hôm đó, Tuệ ghé đến và đã nhận hai phong bì của thầy Tuyên và cô Tuyết Anh.
Sáng hôm sau, cô Lê Thị Ngọc Quý ghé đến thăm tôi và tôi cũng đã trao Quý phong bì của Quý. Quý là bạn học cùng lớp với tôi, và những lần tôi về VN, Quý là ngừời bạn thân đã chia xẻ cùng tôi thật nhiều những kỷ niệm vui buồn, và những cuộc gặp gở cùng những người bạn cùng lớp.
Buồỉ trưa, tôi nhờ người bạn đưa tôi lại nhà thầy Bùi Ngọc Cẩn trước khi đi lo một vài công việc riêng. Thầy Cẩn ở một mình trong một căn phòng nhỏ, tối tăm và chật hẹp. Nhìn hoàn cảnh của thầy, tôi thấy chạnh lòng. Cũng muốn ở lại nói chuyện với thầy, nhưng tôi đã trể giờ cho nên phải từ giả ra đi.
Buổi tối, sau khi xong công việc, tôi nhờ cô bạn đưa đến đường Tô Hiến Thành để thăm thầy Phạm văn Bá. Đây là lần đầu tiên tôi gặp thầy, nhưng thầy cũng đã tiếp tôi trong thân tình. Sau đó tôi gọi cho thầy Nguyễn Phú Long để nhờ thầy chỉ đường đến nhà thầy. Qua những con hẻm ngoằn nghèo mà nếu tôi đi một mình, chắc là không thể nào tôi có thể tìm đến được. Chúng tôi ngồi lại nói chuyện khá lâu vì thầy cứ giữ lại tuy rằng đây cũng là lần đầu tiên tôi gặp thầy.
Mấy ngày qua, tôi vẫn tiếp tục gọi cho thầy Văn, nhưng không thể nào gọi được. Không còn thì giờ nữa, tôi đành nhờ Lĩnh chuyển giao lại phong bì của thầy. Sau khi về lại bên nầy, Lĩnh mới thư cho tôi biết là ở Dà Lạt, thầy bị trúng độc gì đó nên phải nằm bệnh viện. Lĩnh đã thay tôi trao phong thư cho thầy, và thầy cũng đã viết thư hồi âm lại cho Hội Ái Hữu.
Còn lại cô Thuý Ái, tuy tôi mới gặp cô hôm thầy mới mất, nhưng tôi đã quên đường đến nhà cô. Thầy Nguyễn Tuý tôi đã gọi điện thoại nhiều lần nhưng không được, tôi cũng chịu thua. Còn lại cô Trần Mộc Lan, Cô Trần thị Tịnh, thầy Phạn Xuân Hương tôi cũng không có điạ chỉ hay số điện thoại, nên tôi giao hết lại cho Diệu Liên, nhờ Liên giao lại vì những năm trước chính Liên đã làm công việc nầy.
Thế là đã xong, tuy không được hoàn toàn như ý tôi mong muốn, nhưng tôi cũng đã gắng sức hoàn tất cho tới giờ phút chót. Mong rằng đã không phụ lòng các vị thầy cô và các bạn đã tin tưởng khi tôi nhận công tác nầy.
Viết xong ngày 25/1/2008