Chuyện Quê Hương, “Hương Bồ Kết”

Việt Hải LosAngeles

Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích là một nhà văn Quảng Ngãi, anh viết nhiều tác phẩm, mà phần lớn là về tình cảm và xã hội, mà quê hương Quảng Ngãi được dùng làm nền để tạo bối cảnh cho cốt truyện. Tôi thích lối văn và những chuyện của Hạo Nhiên. Văn phong anh dùng rất tự nhiên, dễ hiểu, nhất là không cầu kỳ, không phô trương chữ nghĩa phù phiếm khó hiểu. Cốt truyện đa số dựa vào sự thật sự, không hư cấu, từ chuyện thật của bản thân anh hay của những người thân, bạn bè. Nên người đọc cảm nhận gần gủi với nét bút anh xử dụng ví dụ chuyện "Chị Hai, Con Bác Tôi", tức anh viết về chuyện tình bi thương, dang dở của người chị bà con chú bác, nhà văn Diệu Tần Nguyễn Tinh Vệ trong viết lời giới thiệu sách nơi trang 12, ông nhận xét tác phẩm này như sau:

"Truyện Chị Hai, con bác tôi nói lên mối tình chung thủy và cao thượng của một cô gái chấp nhận câm nín để bảo tòan được tình yêu và hạnh phúc của người yêu."

Cảm giác của tôi khi xem chuyện tình chị Hai Hồng Lưu không trọn vẹn vì hoàn cảnh quê hương, vì tình thế đất nước, anh Thân ra học ở Huế, vùng tự do, chị Hồng Lưu kẹt trong vùng chiếm đóng của người Cộng Sản kềm kẹp, lạm dụng danh nghĩa dưới tên Việt Minh. Sự kiểm soát gắt gao và tàn ác. Chị Hai Lưu tìm trốn ra Huế tìm chồng, nhưng manh mối về anh Thân vẫn bặt vô âm tín. Về sau định mệnh trớ trêu đưa đẩy chị xin việc làm giúp việc nhà trùng hợp ngay gia đình anh Thân và người vợ sau. Khi chị Hồng Lưu biết chồng mình còn sống đang hạnh phúc với người vợ sau, chị xin nghỉ việc trở lại quê nhà Quảng Ngãi, rồi mất ở đó. Người vợ sau của anh thân khám phá ra sự việc đã vô cùng xúc động khi đọan kết luận ở trang 83 như sau:

"Bà chủ nhà gần cửa Đông Ba ở Huế đã nhận ra người giúp việc cho mình ba năm về trước lại là vợ trước của chồng. Bà quỳ bên bàn thờ khấn vái: 

“Chị Lưu ơi, giờ đây em mới vỡ lẽ chị đã liều chết đi tìm chồng. Khi phát giác chồng mình đã yên bề gia thất, chị lại âm thầm quay về mà không hề có một lời trách móc kẻ đã giật hạnh phúc của mình. Ngày ấy chị đã khóc đến sưng húp cả đôi mắt, bỏ luôn ăn uống. Thế mà chị nói dối với em rằng: “Nghe tin chồng chết nên chị phải trở về quê.” Ôi, tâm hồn chị cao thượng quá, tấm lòng chị bao dung quá. Chúng em xin chịu tội trước linh hồn chị.”

Chị Thân quỳ mọp trước bàn thờ một hồi lâu đến khi Mẹ tôi đỡ dậy thì khuôn mặt chị đã đầm đìa nước mắt. Chị ôm Bác tôi nói trong nghẹn ngào: 

“ Mẹ ơi, xin mẹ tha lỗi cho con. Từ nay con sẽ thay chị Lưu như là con đẻ của mẹ. Vợ chồng con sẽ lo phần phụng dưỡng mẹ già.”

Sau đó, vợ chồng anh Thân xin phép Bác tôi được để tang, xây mộ và hàng năm về lo ngày giỗ của chị. Riêng phần đề nghị đưa bác Cả về Huế sống với anh chị và các cháu thì bác tôi từ chối bởi bác còn phải lo mồ mả của ông bà.”

Câu truyện được đặt tựa cho sách là "Hương Bồ Kết", hoa bồ kết trong Anh ngữ gọi là Chinese honeylocust, nó kết thành chùm hoa, tôi còn nhớ có người gọi là chùm kết, bồ kết mọc hoang ở quê nhà rất nhiều.  Hoa nở vào từ tháng 5 đến tháng 7, cho quả dẹp vào tháng 8 đến tháng 10, nó như các loài hoa cỏ tốt cho da đầu như hương nhu, ngũ sắc, hoa bưởi, tang trạch bì, mần trầu,... ngoài thiên nhiên chứa nhiều vitamin, bồ kết được dân gian dùng thế sà bông gội đầu, rất thông dụng. Quả bồ kết có chứa chất dầu saponin, flavanoid,... mang tác dụng làm sạch da đầu nhẹ nhàng, dùng để gội đầu giúp sạch gầu, làm mượt và dày tóc. Chính vì thế Hạo Nhiên cho cốt truyện tình thuở đi học khi Tôn và Việt Anh thương nhau. Tôn là thầy giáo tại gia dạy kèm hai em trai của Việt Anh, người con gái tiểu thư thuộc gia đình giàu có. Mối tình của họ không được ông chủ công ty lúa gạo miền tây chấp nhận, khiến Tôn phải rời xa Việt Ạnh. Dòng thời gian oan nghiệt cha của Việt Anh bị thanh toán vì cạnh tranh thương mại, và Tôn cũng nhập ngũ tòng quân theo tiếng gọi trai thời chiến. Tình cờ Việt Anh gặp thầy giáo Thịnh cho tông tích của Tôn. Hai người yêu gặp nhau trong men yêu đương qua khỏi giới hạn lễ giáo, Tôn không biết người yêu có mang. Biến đổi đời của miền Nam lại chia cách họ, vì Tôn đi tù "cải tạo", còn Việt Anh và 2 em trai qua Mỹ với đứa gái Trọng Nhi, một sản phẩm của Tôn.

Trên chuyến máy bay đến Seattle, Tôn đã gặp Trọng Nhi, người con gái mang hương bồ kết trên tóc khiến Tôn nhớ đến người yêu cũ, tóc mang mùi hương bồ kết nhẹ nhàng trong kỷ niệm. Chính sự gặp gỡ Trọng Nhi trên chuyến bay định mệnh để rồi Trọng Tôn, Việt Anh và Trọng Nhi đoàn tụ trong hạnh phúc ở phần cuối truyện Hương Bồ Kết.

Trong 23 truyện ngắn trong tác phẩm Hương Bồ Kết này, với tôi truyện nào cũng có ý nghĩa đặc biệt được chuyên chở bởi tác giả, nhưng nếu hỏi tôi truyện nào mang đặc tính "Quảng Ngãi" nhất, câu trả lời của tôi là truyện quê hương mang tên "Hương Don Quê Nhà", xin xem sách trang 17. Lời mào đầu của tác giả giải thích đặc sản "don" như sau:

"Don là món ăn độc đáo của tỉnh Quảng Ngãi. Một món ăn đã nối kết tình yêu trên đất khách, gắn bó tình người với quê cha đất tổ. Người Quảng Ngãi có lưu lạc bất cứ nơi đâu vẫn luôn nhớ về Don."

Thật vậy, tôi hỏi bà hàng xóm của đất Quảng Ngãi, bà kể thêm cho tôi về cái bùi ngùi của tuyến dịch vị, cái cồn cào của bao tử, những cái thòm thèm tận cùng của hương vị địa phương của bà khi chạnh lòng lưu luyến về don là: "Nếu ai mà có dịp ghé qua Quảng Ngãi, ngang qua sông Trà Khúc và đặc biệt là thôn Vạn Tượng, vùng Sơn Tịnh, bạn sẽ biết cái ngon của don xúc bánh tráng, hoặc xào với hành xúc bánh tráng nướng; ăn kèm ớt xanh, tiêu hành rất “dậy vị”. Don khá giống nghêu, thuộc giòng họ sò có hai mảnh, vỏ nửa đen nhạt nửa vàng lợt, hình quả trám, to bằng móng tay út, dài hơn một phân. Vỏ thường mỏng hơn các loài ốc khác, hai mảnh vỏ chụm vào nhau, ở phía trên mỏng hơn dưới bụng. Ruột don màu phổi bò, pha màu vàng và có những tua hồng bao quanh. Don nằm sâu dưới cát và mỗi năm chỉ nổi lên một lần, với mực nước ngập khoảng một mét. Cứ từ tháng giêng âm lịch đến cuối mùa hạ, người dân miền đông Quảng Ngãi, nơi con sông Trà đổ ra biển ngay cửa Đại Cổ Lũy, thường rủ nhau đi "nhủi" hay bắt don. Đặc biệt, don chỉ sinh sản ở nơi nước lợ, nước giữ sông và biển, vì vậy nên thôn Vạn Tượng là có nhiều don nhất và cho loại ngon nhất. Khi ăn don, người ta húp cả nước lẫn ruột, và ăn kèm bánh tráng. Một tô don chỉ có một muỗng nhỏ ruột, châm một tí nước mắm nguyên chất và rau thơm, hành lá là ta có thể thưởng lãm cái tuyệt diệu của món don. Don cũng được xào khô với hành lá xúc bánh tráng nướng, hoặc nấu cháo với mè rang hay nấu canh cho vị ngọt đầy hương thơm hải vị xứ Quảng."

Nào, hãy đọc tiếp chuyện quê hương Quảng Ngãi của Hạo Nhiên, nhân vật nam tên Hạo, nhân vật nữ tên Thuyền, được những con don níu kéo vào 17 trang giấy qua bút pháp khéo léo của tác giả. Hạo con út của một gia đình được nuông chiều, chàng mê món don của cô bé nhà nghèo bán don. Thuyền nhận biết Hạo thích món don của nàng, vì là khách hàng quen thuộc. Riêng tôi nhận biết Hạo hình như thích thứ khác của nàng bán don, hãy xem trang 21:

"Nàng hỏi khi tôi nhẹ nhàng lách mình qua cánh cửa sắt. Là một cô bé ước chừng mười ba, mười bốn. Mái tóc vừa chấm vai che một bên khuôn mặt trái soan còn măng tơ. Tôi nhìn vào ngực cô bé, đôi nhũ hoa hồng hồng như hai núm quả cau nhú bên trong làn vải mỏng không áo lót, khiến cô bé cúi mặt thẹn thùng. Bạn học của tôi, những cô nữ sinh cùng cỡ tuổi đã bắt đầu chưng diện se sua, áo ngoài áo trong, phần trên phần dưới đủ cả, không khác chi người lớn. Còn cô bé, với chiếc quần đen, áo bà ba trắng mộc mạc nổi bật nét đẹp của người con gái chân quê."

Khi chàng vào Sài gòn theo học trung học đệ nhất cấp, chàng phải xa mẹ, xa chị và nhất là cô bé bán don. Hạo tâm sự cảm nghĩ khi xa gia đình và xa Thuyền như sau:

"Biết như thế nhưng sáng nào tôi cũng trông tiếng rao của Thuyền. Tôi mong gặp nàng để nói lời từ biệt. Giờ phút chót ngồi trên xe đò mà tôi vẫn dõi mắt đợi chờ, hy vọng Thuyền xuất hiện. Khi xe chuyển bánh, mẹ và chị tôi mắt rưng rưng lệ nắm tay tôi từ giã. Tôi không cầm được xúc động đã òa khóc. Lần đầu tiên tôi xa mẹ xa chị, xa gia đình cách gần ngàn cây số. Tôi cảm thấy nỗi cô đơn như đè nặng lên lồng ngực mình. Tôi thương mẹ, thương chị. Nhưng tình của tôi đối với Thuyền vừa nồng nàn vừa xót xa. Tôi xót thương vì cuộc sống của nàng quá lam lũ. Tuổi vừa lên ba, cha Thuyền đã tử nạn theo tàu đánh cá ngoài khơi khi bị cơn bão bất ngờ ập tới. Mồ côi cha, mẹ ở vậy nuôi Thuyền ăn học hết bậc Tiểu học. Mới chừng ấy tuổi mà phải từ giã ghế nhà trường, lăn lộn vào trường đời. Mẹ nấu don, Thuyền gánh bán dạo hàng ngày đi về trên mười cây số."

Tại chốn phồn hoa đô thị của Hòn Ngọc Viễn Đông, Hạo vẫn nhung nhớ kỷ niệm quê hương, nhớ nhung tiếng rao hàng có chất giọng đặc biệt của cô bé bán don. Thời gian đã thực sự chia ly hai người. Năm 1972 Thuyền lấy chồng Mỹ theo chồng về Hoa Kỳ, Thuyền có tên mới là Mary. Rồi Hạo sang sau phải phấn đấu với đời sống mới. Chuyện tình xưa nay đã hoán đổi vì hoàn cảnh xã hội khác xưa. Trong một chuyến sang Texas, Thung bạn chàng đưa chàng đến một nhà hàng đồ biển có tên Cổ Lũy Restaurant, tọa lạc tại khu sầm uất nhất của người Việt và Hoa tại thành phố Houston. Cái tên Cổ Lũy nghe quen thân quá. Hạo nghĩ có lẽ chủ nhà hàng là người Quảng Ngãi. Bởi Cổ Lũy là tên một cửa biển từ hai dòng sông Trà Khúc và Sông Vệ nhập vào. Nơi đây thuyền bè tấp nập ra vào bến tàu Phú Thọ. Đúng như Chàng đoán, chủ nhà hàng là người Quảng Ngãi, và người đó không ai khác hơn là cô bé hàn vi bán don ngày nào, mà nay là Mary của sự giàu có. Đoạn cuối của câu chuyện tình thật đẹp này là sự tình cờ trùng phùng trong phút giây cảm động và cảm thông:

"Thuyền ngày xưa không trả lời câu hỏi của tôi chỉ đưa tay áo lau dòng lệ. Mary bây giờ với giọng ngậm ngùi:

- Vâng, em là Thuyền của 37 năm về trước. Em đã nhận ra anh ngay khi anh cho biết chỗ ở trước kia là đường Quang Trung. Đó là con đường dạt dào hạnh phúc trên mỗi bước đi của em hồi đó, mà cũng là con đường mang đầy xót xa thương nhớ ngày anh rời xa. Thuyền đứng dậy đến ôm vai tôi.

- Cảm ơn anh đã cho em một tình cảm trân quý, dù là đối với một cô gái bán don nghèo hèn. Suốt quảng đời đen tối về sau này, tình anh là ngọn đèn thắp sáng cho em trong những đêm mịt mù sương tuyết. Hạo ơi - cái tên nghe lạ quá - ngày đó em đã nói với anh như thế. Nhưng sau nầy mỗi khi gặp những đau khổ chất chồng, chính cái tên Hạo trở nên thân thương sưởi ấm lòng em.

Tôi nắm lấy tay nàng, nói như một triết gia:

- Đời như một dòng sông, chuyển đổi không ngừng. Xưa kia Thuyền là cô gái bán don, ngày nay Mary là chủ một nhà hàng lớn nhất nhì ở đây. Chúc mừng em. Chúc mừng người đồng hương Quảng Ngãi đã nắm bắt được cơ hội vươn lên trên xứ người.

Sau buổi hàn huyên, Thuyền đưa tôi ra tận xe khi bạn tôi đến đón. Lên xe rồi, tôi thấy nàng còn quyến luyến nhìn theo, đưa mấy đầu ngón tay áp vào môi hôn.

Tôi hít một hơi thật sâu vào lồng ngực, chợt nghe hương don còn nồng trong hơi thở."

oOo

Đó là chuyện tình dễ thương của ngày xa xưa, của quê hương Quảng Ngãi, được kể bởi tác giả Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích. Đọc qua 334 trang của tác giả tâm hồn tôi thay đổi theo từng cốt truyện, khi thì xót xa vì thảm cảnh của quê hương ngậm ngùi, khi thì hân hoan vì cốt truyện mang nồng thấm hạnh phúc. Tóm lại, lời chân thành tôi xin siết tay chúc mừng anh Hạo Nhiên đã thành công cho ra đời Hương Bồ Kết, đứa con tinh thần thứ ba, sau Từ Đó Yêu Em và Lưu Dấu Ngày Xưa.

Cuối cùng, tôi muốn mượn lời của nhà văn Võ Thạnh Văn để kết thúc bài viết này như sau đây

"Tình yêu trong 23 truyện ngắn của tuyển tập Hương Bồ Kết thật đẹp, thật trong sáng, thật thuần khiết, thật dễ thương, thật đáng trân quý. Những nghiệt ngã, ly tan trong Hương Bồ Kết đều do hoàn cảnh bất hạnh của đất nước mà con người chỉ là những nạn nhân phải gánh chịu. Thân phận con người quá nhỏ nhoi trước nghịch lũ. Nhưng những nạn nhân đó không oán trời, không trách đất.

Qua ngòi bút điêu luyện của Hạo Nhiên, những nhân vật xuất hiện trong Hương Bồ Kết luôn ngẩng mặt bước tới dù vấp phải nghịch cảnh, dù bi thương thống khổ tột cùng. Họ bước tới bằng niềm tin, bằng yêu thương, bằng hy vọng. Các nhân vật đó đều biết phục thiện, biết thủy chung, biết yêu thương hết lòng và sau cùng, biết tha thứ (cho dù đối tượng không đáng hưởng ân huệ thứ tha).

"Hãy đọc Hương Bồ Kết để những dòng sông quê hương chảy dào dạt trong lòng người héo hon mòn mỏi quạnh hiu nơi mảnh đất tạm dung xa lạnh mà tìm lại chút hơi ấm tình quê, tình nước. Hãy tưới tẩm lòng mình bằng những con sông quê hương thần thánh chảy lai láng trong Hương Bồ Kết. Nơi đây, núi Ấn sông Trà hiện rõ mồn một. Nơi đây, miền đất địa linh nhân kiệt được nâng niu."

Đó là nhận xét của nhà văn Quảng Ngãi, Võ Thạnh Văn, và xin chấm hết.

Việt Hải Los Angeles