(Viết tặng tình bạn, tình yêu của những cựu học sinh PTGĐN)
- Trích từ Đặc San Kỷ Niệm 2012 -
Đà Nẵng tháng 3-1975
Vy, Thanh rẽ phải đi về phía bờ sông Bạch Đằng.
Vy nhìn Thanh:
- Chắc điệu nầy trường sẽ đóng cửa dài hạn vì tình hình không ổn lắm. Ba mình nói Quảng Trị và Huế đã mất, đồng bào dồn về ĐN mỗi lúc một đông nên tất cả các trường học được lệnh đóng cửa để tiếp cư đồng bào, không biết năm ni tụi mình có được thi tú tài II không đây?
Con đường Quang Trung bình thường vắng vẻ, giờ rất đông người qua lại. Trên mặt mọi người đều có vẻ lo âu, bồn chồn. Quán bà Bu bửa nay cũng xa lạ hẳn vì khách hàng toàn là quân nhân thay vì những cậu học sinh Phan Thanh Giản tinh nghịch. Thành phố ngột ngạt vì không khí chiến tranh.
Vy và Thanh là bạn học cùng lớp. Họ thân nhau từ lớp đệ thất khi cả hai cùng ghi danh vào học trường Phan Thanh Giản. Gia đình Vy sinh sống ở Đà Nẵng lâu năm. Ba mẹ Vy chủ nhân một tiệm bán xe Honda và phụ tùng ở đường Trần Hưng Đạo nên gia đình rất sung túc. Vy là người con độc nhất trong gia đình nên được cưng chìu hết mực. Ông bà Vân, cha mẹ Vy, không muốn con gái mình nối nghiệp buôn bán mà muốn Vy trở thành 1 bác sĩ nhi khoa. Ông bà cũng rất cỡi mở trong lối sống nên Vy sống rất thoải mái về tinh thần và vật chất.
Gia đình Thanh di cư vào Nam sau khi hiệp định Geneve được ký kết. Bố Thanh là một giáo viên tiểu học và gia đình Thanh cư ngụ tại Thanh Bồ, một xóm đạo rất hiền hoà. Sinh ra và lớn lên tại Đà Nẵng nhưng Thanh vẫn nói tiếng Bắc, giọng Hà Nội, ít pha tiếng địa phương.
Ngồi bên Thanh, Vy có nhiều điều học hỏi ở Thanh. Thanh viết chính tả hầu như không có lổi. Người Quảng Nam, Đà Nẵng thường lẩn lộn cách phát âm giữa dấu hỏi, dấu ngã, những chữ có g hoặc không g, những chữ tận cùng bằng c hay t nhưng Thanh thì không bao giờ sai trong khi phát âm và viết. Do đó ở những lớp đệ nhất cấp, trong giờ Việt văn mỗi lần thầy Lương Quế đọc bài cho học sinh chép, thây luôn luôn nhờ Thanh lặp lại sau mỗi câu đọc của thầy. Lên đệ nhị cấp, Thanh cũng được thầy Nguyễn Văn Xuân chỉ định viết bài học trên bảng để cả lớp chép lại.
Vy được nghe Thanh hát những bài thánh ca du dương như Đêm Thánh Vô Cùng, Cao Cung Lên, Hang Bê Lem vì Thanh ở trong ca đoàn của nhà thờ. Tình bạn của hai người càng gắn bó hơn khi cả hai được chọn vào ban văn nghệ trường năm lớp đệ tứ ( lớp 9). Dù ngoại đạo nhưng Noel nào Vy cũng đi nhà thờ với Thanh và có năm ở lại nhà Thanh để ăn mừng lễ nửa đêm.
Tiếng thắng gấp của 1 chiếc xe gắn máy làm hai người quay lại. Một người lính trẻ với quân phục Biệt Động Quân đưa một mảnh giấy cho Vy và nói nhanh:
- Thiếu uý chiều nay có cuộc họp khẩn cấp ở bộ tư lệnh liên đoàn. Ổng sai tôi đưa thư nầy cho cô. Tôi đến nhà cô Thanh thì biết hai cô đi bộ đến trường nên chạy vòng vòng giờ mới tìm được. Tôi phải về trại gấp. Chào hai cô.
Thiếu uý là Nguyên, người yêu của Vy. Nguyên phục vụ trong 1 tiểu đoàn thuộc Liên Đoàn I Biệt Động Quân tại vùng I chiến thuật đang đóng quân tại Đà Nẵng.
Nguyên cũng là học sinh Phan Thanh Giản nhưng học trên Vy 3 lớp. Anh là một học sinh xuất sắc trong mọi môn học và có khả năng văn nghệ. Nguyên mồ côi và được cô anh nuôi từ lúc còn bé. Nguyên được ông Vân nhờ kèm cho Vy sau giờ học mỗi ngày. Tình yêu của 2 người bắt đầu từ năm Vy lên lớp 9. Ngoài giờ kèm cho Vy về văn hoá, Nguyên còn đàn cho Vy hát hoặc hát cho Vy nghe những bài hát tiền chiến. Vy thích nhất là bài Em Tôi của Lê Trạch Lựu. Thấy Nguyên đứng đắn, thương yêu con gái mình nên ông bà Vân chấp nhận và xem Nguyên như là một người thân trong gia đình.
Nguyên thi tú tài II đậu hạng bình đem lại vinh dự cho trường, cho thầy, cô. Thay vì ghi danh vào đại học, Nguyên quyết định tình nguyện vào quân trường Thủ Đức. Anh không muốn thêm sức nặng lên vai của người cô đã hy sinh hạnh phúc riêng mình cho anh ăn học.
Ông bà Vân ý tứ muốn giúp đỡ tài chánh cho anh tiếp tục con đường học vấn nhưng anh đã lễ phép từ chối. Đêm trước ngày nhập ngủ, hai người đã ngồi bên nhau đến gần sáng. Anh an ủi Vy, chọc cho Vy cười nhưng sau những đợt cười Vy lại khóc nhiều hơn.
Trước khi chia tay Nguyên đàn và hát: "Bao giờ tôi về gần em cùng đếm nầy trăng, nầy sao chia nhé em, trăng sao dâng ý thơ, mây bay khắp trời, thuyền tình lung linh trong khói sương lam, ngày về xa quá người ơi.." ( Em Tôi, Lê Trạch Lựu)
Vy được ông bà Vân đưa đi thăm Nguyên ở quân trường Thủ Đức. Gặp lại Nguyên Vy vừa thương vừa buồn cười khi thấy Nguyên đen thui vì sương gió thao trường và đầu gần như trụi tóc. Vy đùa trong nước mắt:
- Em tưởng anh sẽ có nhiều cô theo nhưng giờ thì yên tâm vì anh xấu ỉn, đen thùi lùi như Mai Hắc Đế.
Ra trường, Nguyên tình nguyện chọn binh chủng Biệt Động Quân và đã tham dự nhiều cuộc chiến ác liệt. Anh là một trung đội trưởng gan dạ nhưng thương yêu lính và trong những giờ dưỡng quân anh còn là một sĩ quan tâm lý chiến với những bài ca trữ tình làm giảm sự căng thẳng tinh thần của đồng đội.
Đó chính là nét đặc biệt của những chiến sĩ miền Nam Việt Nam. Họ chiến đấu vì tự vệ chứ không phải là những kẻ xâm lược. Họ chiến đấu để bảo vệ quê hương nhưng bên trong họ vẫn là những người cha yêu thương vợ, con, chiến hữu và đồng bào, những người tình hào hoa với tay súng tay đàn.
Vy mở tờ thư:
- Vy, anh xin lổi em là chiều nay anh không thể đưa em và Thanh đi xi nê vì vừa có lệnh cắm trại 100% từ 4 giờ chiều nay. Anh sẽ cố gắng liên lạc với em thường xuyên và hy vọng trong vài ngày nữa anh sẽ gặp lại em. Đừng buồn anh nghe. Yêu em. Nguyên.
Sự có mặt của Thanh trong những lần đi biển, đi xi nê như là một điều kiện ngầm của ông bà Vân trong những lần hẹn hò của 2 người.
Làm người yêu của lính chiến, Vy đã quen với những trường hợp như thế nầy. Vy đưa tờ thư lên môi hôn nhẹ và nói nhỏ: " Em yêu anh và chúc anh bình yên".
Hai người rẽ trái trên đường Duy Tân để về nhà Thanh . Trưa nay Vy đến nhà Thanh , để xe ở đó rồi hai đứa đi bộ đến trường xem tình hình.
Mẹ Thanh vồn vả khi thấy Thanh và Vy về:
- Vy ở lại dùng cơm tối với Thanh nhé. Hôm nay bác nấu bún mộc.
Vy lễ phép:
- Thưa bác, con cảm ơn bác nhưng con phải về nhà. Bác để dành cho con ngày mai con đến ăn nghe bác. Thanh ơi, mai gặp lại hì?
Nhưng đó là lần cuối Vy và Thanh bên nhau....
Carlsbad, California tháng 6, 2003
Vy mở cửa bước ra balcon. Trước mắt Vy là cát vàng và biển xanh. Vy đến nhận nhiệm sở mới đã được 1 tuần. Thật ra văn phòng của Vy ở San Diego nhưng trong thời gian chuẩn bị mua nhà, Vy ngụ tại khách sạn Seashore On The Sand của thành phố Carlsbad cách San Diego không xa. Khách sạn Vy ở nằm sát biển, bãi biển chỉ dành riêng cho người cư ngụ của khách sạn nên rất yên tĩnh. Suốt tuần lễ bận rộn với việc bàn giao, gặp gở nhân viên nên hôm nay, thứ bảy, Vy nới có thời giờ thăm biển.
Sinh ra và lớn lên ở một phố biển nên Vy đã yêu biển từ lúc còn bé. Trong những năm qua Vy đã sống ở một thành phố lớn ở miền Đông Bắc nước Mỹ nên ít có dịp gần biển nên giờ đây Vy cảm thấy như gặp lại người bạn thân xa cánh rất lâu. Và cũng đã thật lâu Vy mới cảm nhận lại mùi biển thân yêu.
Định thay đồ để xuống lội nước biển nhưng Vy đổi ý, chị rót cho mình một ly rượu vang đỏ, ngồi nhìn cảnh chiều vàng trên biển.
Gió nhẹ và sóng lăn tăn, những đợt sóng chạy vào bờ rồi rút ra xa. Tâm trí và mắt Vy đuổi theo những đợt sóng ra xa, xa mãi về phía chân mây. Vy nhắm mắt, chị thấy lại bờ biển Mỹ Khê, thấy lại Nguyên, Thanh và những kỷ niệm ùa về như những con sóng...
.... Vy về đến nhà thì thấy tiệm đã đóng cửa. Thấy Vy về, mẹ Vy mừng rỡ:
- Ba , Mẹ trông con từ chiều đến giờ, con lên lầu ba con có chuyện quan trọng.
Vy chạy nhanh lên lầu. Ông Vân đang cho giấy tờ và tiền bạc vào 1 chiếc va-li lớn. Thấy Vy ông nói:
- Con chuẩn bị một ít quần áo để đêm nay chúng ta đi Sài Gòn. Tình hình Đà Nẵng không an toàn lắm, trường học đóng cửa vô thời hạn nên vào SG con có cơ hội tiếp tục học thi tú tài II. Ba đã nhờ người quen xin cho con theo học trong đó.
Vy như chết lặng trong lòng vì không còn thời gian để từ giả Nguyên và Thanh. Vy lật quyển nhật ký để tờ thư của Nguyên viết cho mình hồi chiều rồi đặt vào va-li. Đó là những vật quí giá nhất mà Vy mang theo trong cuộc hành trình vô định nầy.
Đến Sài Gòn, tình hình cũng không khá hơn. Những đợt sóng tỵ nạn từ những tỉnh miền Tây về Sài Gòn mỗi ngày mỗi nhiều. Hòn Ngọc Viễn Đông giờ như ngạt thở vì không khí chiến tranh. Trong khi đó thì dân Sài Gòn lại tìm cách rời quê hương bằng mọi giá.
Và ngày 27 tháng tư năm 1975 gia đình Vy cùng với hàng nghìn người khác đã rời Sài Gòn trên một chiến hạm của Hải Quân Việt Nam Cọng Hoà.
Sau hơn hai tháng trong trại tị nạn, gia đình Vy đã được một nhà thờ Tin Lành bão trợ về sống ở Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania. Ba, mẹ Vy muốn Vy có căn bản nên đã cho Vy học lại lớp 12. Vốn thông minh và chuyên cần, chỉ sau một thời gian ngắn Vy đã trở thành một học sinh xuất sắc của trường. Vy tốt nghiệp trung học với hạng Á Khôi, chỉ thua người Thủ Khoa một vài điểm về Anh ngữ.
Vy đã được đại học Pennsylvania cấp học bổng toàn phần và chọn môn kế toán để theo học. Vy vùi đầu vào sách vở một phần vì ham học nhưng một phần để quên đi những đau thương khi phải rời bỏ quê hương, xa bạn bè và người yêu không một lời từ giả. Thành tích về học vấn của Vy đã làm những công ty lớn chú ý và vào năm thứ 3, Vy đã được 4 chổ mời về làm việc sau khi ra trường.
Chỉ trong vòng 5 năm, Vy tốt nghiệp văn bằng cao học về kế toán với hạng danh dự và nhận lời làm việc cho một ngân hàng lớn có bản doanh tại New York.
Hơn 7 năm sống đời tị nạn, Vy không được biết một tin tức gì về Nguyên và Thanh. Mãi đến năm 1988, Vy mới nhận được một lá thư của Thanh do một người quen với gia đình Vy ở Cali chuyển đến. Thanh viết:
"Vy thương,
Chắc Vy ngạc nghiên lắm khi nhận được thư mình phải không? Vậy mà đã hơn 10 năm tụi mình xa nhau và trong hơn 10 năm đó đã có biết bao dâu biển xảy ra trên quê hương và cho cả cuộc đời mình.
Chỉ vài ngày sau khi mình chia tay, Đà Nẵng hoàn toàn đổi chủ. Mọi người đều sống trong phập phồng lo sợ. Chuyện dài lắm Vy ơi, phải mất hàng tháng mình mới có thể kể hết cho Vy nghe. Mình chỉ tóm tắt cho Vy những điều quan trọng . Mình đã có gia đình và có một bé trai lên 2. Chồng mình là anh Lợi trưởng lớp tụi mình hồi xưa. Vy nhớ anh Lợi không? Anh ở Tam Toà đó. Nguyên thì mình nghe nói là đã mất tích trong lần đụng độ cuối cùng ở Điện Bàn và không có tin tức gì sau đó nữa.
Vài hàng thăm Vy mạnh. Mình gởi lời thăm hai bác.
Bạn Vy,
Thanh."
Chút hy vọng nhỏ nhoi trong Vy giờ đã tan biến. Trong bao nhiêu năm trời, Vy vẫn mơ một ngày gặp lại Nguyên . Trong thời gian đi học cũng như đi làm, Vy đã được nhiều người mến mộ và tỏ tình nhưng Vy đã từ chối vì Vy đã dành hết tình cảm cho Nguyên. Những giây phút nhớ Nguyên quay quắt, Vy thầm hát những bài hát ngày xưa Nguyên hát cho riêng Vy. Bài hát nào cũng ghi lại những kỷ niệm của 2 người trong những năm tháng bên nhau.
Vy như người mất trí, chị thẩn thờ, biếng ăn mất ngủ làm ông bà Vân lo sợ. Trong thời gian nầy Steve là người an ủi Vy nhiều nhất. Steve là trưởng phòng nhân viên của sở, anh hơn Vy 5 tuổi và đã phục vụ tại VN trong 3 năm, căn cứ đóng tại Sơn Trà, Đà Nẵng. Khi biết Vy là người VN, nhất là người ĐN nên anh đã đem những kỷ niệm của mình trong thời gian phục vụ kể cho Vy. Nghe một người ngoại quốc nói về những nét đẹp của quê mình, Vy rất hãnh diện và thích thú.
Là một sĩ quan không quân nên Steve rất lịch thiệp và hào hoa. Anh lắng nghe Vy kể chuyện tình của Vy và Nguyên một cách chăm chú và luôn luôn an ủi Vy là Vy sẽ gặp lại Nguyên dù trong lòng anh đã thầm yêu cô gái Á Đông đẹp thuỳ mị và tài giỏi nầy.
Một người rất sành về tâm lý phụ nữ nên Steve không vội vả. Anh dành cho Vy những chăm sóc và khi biết được nổi buồn của Vy, anh an ủi, vổ về Vy rất chân tình. Vy cảm thấy an toàn và bình yên trong sự che chở, săn sóc của Steve và cuối cùng thì Steve đã chinh phục được trái tim của Vy bằng một đám cưới với đầy đủ lễ nghi và phong tục Việt Nam.
Nhưng sau 5 năm hạnh phúc bên nhau, Steve trong một lần trượt tuyết đã bị tai nạn và tử thương. Đau thương lại đến với Vy.
Thời gian như một liều thuốc tốt làm Vy hồi sinh và hăng say trở lại trong công việc nhưng tim Vy đã chai cứng. Thư từ qua internet giửa Vy và Thanh đều đặn hơn. Vy đã giúp Thanh một số vốn để Thanh mở 1 sạp bán vải ở chợ Cồn nên cuộc sống của gia đình Thanh đã ổn định.
Trong 1 email Thanh có hỏi Vy là có người yêu chưa? Vy trả lời đã có lâu rồi, và chỉ yêu người đó cho đến khi chết. Không cần nói tên Thanh cũng biết người đó là Nguyên.
Trời đã tắt nắng, biển đã hoàng hôn. Đèn trên những du thuyền ngoài khơi nhấp nháy như những ngôi sao làm Vy nhớ quay quắc những bãi biển quê hương như Mỹ Khê, Nam Ô, Non Nước. Vy cảm thấy lạnh, mở cửa vào bên trong.
Màn hình computer nhấp nháy rồi giọng nói từ máy phát ra: "You got mail!"
Vy mở inbox và thấy 1 địa chỉ lạ và 1 thư với nội dung:
"Thưa bà, tôi xin bà thư lổi cho sự đường đột của tôi nhưng đây là 1 chuyện rất quan trọng đối với tôi. Nếu bà đúng là Nguyễn Thị Quỳnh Vy trước học trường PTGĐN thì tôi xin được gặp để cho bà tin tức của thiếu uý Nguyên, người thân của bà. Tôi ngồi chờ để nhận hồi âm của bà dù rất trể với hy vọng là tôi tìm đúng người." John
Tim Vy thót lại, những ngón tay của Vy như không còn cảm giác. Vy run rẩy gõ phím:
"Vâng, đúng rồi, đúng rồi. Tôi có thể gặp ông John ở đâu, khi nào, hay là ngay bây giờ?. Ông cho tôi địa chỉ và số phone được không. Cảm ơn, cảm ơn. Xin lổi ông John là người Mỹ hay người VN?."
"Tôi là người VN. Bà có thể gặp tôi ở nhà hàng của khách sạn nầy lúc 8 giờ được không?"
"Được chứ ạ, tôi sẽ đúng giờ. Ủa mà sao ông biết tôi ở đây?"
"Chuyện dài lắm, thưa bà. Để gặp nhau tôi sẽ kể. Hẹn gặp bà."
Đồng hồ trên computer chỉ 7 giờ 15. Vy vội vàng đứng dậy nhưng không biết phải làm gì trước. Nhiều câu hỏi trong đầu Vy: John là ai?, sao biết mình ở đây? hai người có liên hệ như thế nào? Vy không có câu trả lời thích đáng nào cả.
Vy vào phòng ngủ chọn cho mình một chiếc váy màu đen, một áo cổ tròn, tay ngắn màu tím than, xoa vội lên má 1 chút phấn hồng, rồi trở ra ngoài ngồi trước computer. Mới có 7 giờ 30. Trời ơi, 30 phút dài nhất trong đời Vy.
Vy quyết định xuống nhà hàng vì nàng không thể ngồi đây để chờ vì 30 phút là cả 1 thiên thu với nàng lúc nầy. Cô thu ngân thấy Vy là khách quen nên tươi cười vồn vã:
- Thưa bà, bà có hẹn với ông John phải không? Ông ta đến rồi và ngồi chờ bà ở bàn số 8.
Vy đi nhanh về hướng chỉ của cô thu ngân. Bàn số 8 chỉ có 2 ghế ngồi và nằm sát cửa sổ nhìn ra biển. Người đàn ông ngồi quay lưng nên Vy không nhìn được mặt. Nàng lên tiếng:
- Chào ông John, tôi đến sớm nhưng ông lại đến sớm hơn.
Người đàn ông đứng dậy, quay lại và cất tiếng:
- Khi biết đã tìm được Vy, anh lái xe như bay tới đây. Anh cũng chỉ đến trước em có vài phút thôi.
Vy hoa mắt, lảo đảo muốn ngã. Người đàn ông dìu nàng ngồi xuống chiếc ghế của mình. Vy vẫn còn run và tim như muốn nhảy khỏi lồng ngực. Trước mắt nàng là Nguyên. Nàng nói trong nước mắt:
- Nguyên đây sao? Em đang mơ hay tỉnh? Sao anh ác quá vậy, không nói cho em biết trong email?
- Biết là em, anh mừng như điên lên, vội vàng thay quần áo rồi ra xe phóng đến đây. Anh mail cho em lúc 5 giờ, ngồi đợi gần 2 tiếng đồng hồ mới có thư em. Em ác hơn anh thì có.
- Em ngắm biển nhớ anh. Kể em nghe sao anh biết em ở đây.
- Anh đi dự meeting giới thiệu người tổng giám đốc mới ngày hôm qua. Anh không tin được mắt mình khi ông Bill, giám đốc sắp về hưu, giới thiệu em có vài lời với nhân viên. Sao lại có trường hợp người giống người đến như thế. Để chắc ăn sau buổi họp anh gặp ông Bill và hỏi em có phải là người VN không thì Bill xác nhận là đúng. Bill cũng là cựu chiến binh Mỹ tham chiến n tại VN nên rất thích anh và anh được Bill dạy thêm về nghề nghiệp . Anh xin Bill địa chỉ email của em. Bây giờ em là bà chủ lớn của anh rồi.
Giờ Vy mới có dịp nhìn kỷ Nguyên. Anh trắng hơn, trông trẻ hơn nhiều so với tuổi. Giọng Nguyên vẫn như xưa:
- Anh được Bill cho biết về tai nạn của chồng em. Anh thành thật chia buồn.
- Cảm ơn anh! Vậy mà đã 3 năm . Anh đến Mỹ năm nào? Kể em nghe cơ duyên nào anh lại vào làm việc cùng một cơ sở với em. Chị khoẻ không? Anh được mấy cháu rồi?
- Chuyện dài lắm, kể cả đời cũng chưa hết Vy à. Anh chỉ tóm tắt là năm 75 anh bị giam trong những nhà tù từ Nam ra Bắc. Sau 11 năm anh được thả ra, không về Đà Nẵng mà vào sống ở Cà Mau, làm đủ mọi nghề cuối cùng thì vượt biên đến Phi Luật Tân. Không bà con, thân nhân nên mãi đến năm 1989 mới được Hoá bảo trợ đến định cư tại Orange County. Em nhớ Hoá không? Hoá cùng trung đội của anh, người mang lá thư cuối cùng của anh đến cho em đó.
- Ủa, chú Hoá cũng ở Mỹ hở anh?
- Hoá tình nghỉa lắm em. Hoá đọc được mẫu nhắn tin của anh trên 1 tờ báo Việt ngữ tại địa phương, thư từ qua lại rồi một hôm Hoá xuất hiện ở trại tị nạn với giấy tờ bảo lảnh. Hai anh em gặp nhau mừng lắm. Anh về ở nhà Hoá, ngày phụ Hoá làm vườn , cắt cỏ, tối đi học thêm, vì học bán thời gian nên sáu năm sau anh mới ra trường, xin được việc trong ngân hàng, với sự chỉ dẩn của Bill và mới đây được chỉ định làm giám đốc 1 chi nhánh ngân hàng tại đây. Còn em lý do nào đưa em đến Cali?
- Sau khi Steve mất, nguồn vui của em là việc làm , nghe những bản nhạc hồi xưa anh hát cho em và đọc lại nhiều lần lá thư cuối cùng anh gởi em. Sau đó em được thăng chức,thế chổ của Steve làm trưởng phòng nhân viên. Khi sở chỉ định em thay thế Bill ở chức vụ tổng giám đốc của sở ở Cali, em nhận lời vì muốn xa nơi có nhiều kỷ niệm buồn nhiều hơn vui. Còn anh, anh được mấy cháu rồi?
Nguyên cười:
- Anh mới có 1 cháu lên hai. Em rảnh không? Anh mời em đến nhà anh để anh giới thiệu em với vợ và con anh.
Vy gật đầu cố làm ra vẻ bình tỉnh:
- Em rảnh anh. Em cũng muốn gặp chị và cháu lắm.
Ngôi nhà Nguyên rất xinh xắn, nằm trong một khu yên tĩnh. Nguyên mở cửa. Vy nghe tiếng chó sủa và khi Vy bước vào, một chú chó nhỏ đưa 2 chân trước cào vào chân Vy như muốn Vy bồng.
Nguyên cười:
- Chó có linh tính hay lắm, mới gặp em mà xem em như người thân. Em bồng Mimi đi.
Vy ôm Mimi vào lòng. Mimi liếm nhẹ tay Vy. Nguyên chỉ ghế mời Vy:
- Em ngồi đi. Anh vào trong bế vợ anh ra chào em.
Vy ngạc nhiên:
- Ủa, chị bị bệnh hở anh? Anh để chị nghỉ đi anh, em vào chào chị được mà.
Nguyên cười vui vẻ:
- Không sao, anh ra liền.
Nguyên trở lại phòng khách với cây đàn guitar trên tay, anh nhìn Vy và đưa cây đàn lên cao giọng trịnh trọng:
- Giới thiệu với em đây là vợ anh, con của anh là Mimi em đang bồng đó.
Vy chợt hiểu, nước mắt trào ra, Vy đứng dậy, một tay ôm Mimi, một tay đánh tới tấp vào ngực Nguyên:
- Anh ác lắm, anh già mà vẫn còn nghịch như xưa. Khi nghe anh đã có gia đình, em như người vừa tìm lại được một bảo vật rồi bị ai cướp mất đi.
Mắt Nguyên cũng sũng nước, anh ôm Vy thật chặc, giọng anh lạc đi:
- Mình đã mất nhau gần 30 năm. Lần nầy thì anh sẽ không để mất em.
Nguyên dìu Vy ngồi xuống ghế, anh nhìn Vy đắm đuối, rồi nét tinh nghịch lại về với Nguyên:
- Vợ anh và anh sẽ hát tặng em, người tình của anh, bài hát ngày xưa em thích.
Nguyên dạo đàn, Vy tựa đầu vào vai Nguyên, con Mimi cuộn mình nằm ngoan ngoản trong lòng Vy. Giọng Nguyên trầm ấm:
" .....Ta ước mơ một chiều thêu nắng, em đến chơi quên niềm cay đắng và quên đường về." ( Em đến thăm anh một chiều mưa- Tô Vũ).
Vy nhìn Nguyên thì thầm:
- Em sẽ ở lại với anh mãi mãi dù mưa hay nắng, Nguyên ơi!
Longview, Washington
Tháng Tư, 2012