Như Một Lời Chia Tay

(Kính Tặng Hương Hồn Bạn Tôi - GS Đoàn Thế Đức)

Hạt Bụi Nào Hóa Kiếp Thân Tôi...

Nghe tin anh không còn, lòng tôi thật xót xa. Một phần đời của tôi vừa mất. Tôi chỉ biết cầu mong anh không đau đớn ở những giây phút cuối.

Thư của một em cựu học sinh PTG từ Sài gòn viết sang làm tôi yên tâm "....Thầy cảm thấy mệt, gia đình đưa Thầy vào bệnh viện. Ngồi trên xe đẩy, Thầy còn bông đùa và chuyện trò rồi... Thầy ra đi rất nhanh, không đau đớn........"

Trong cuộc đời, anh chưa hề làm phiền ai và đến giờ phút cuối, anh cũng đã an nhiên, tự tại ra đi, không để ai phải săn sóc, khổ cực vì anh.

Năm tôi về dạy tại trường Phan thanh Giản, thành phần giáo sư trẻ rất ít. Nếu tôi nhớ không lầm thì chỉ có Nhạc sĩ Nhật Ngân dạy âm nhạc và anh, giáo sư Đoàn thế Đức, dạy toán và lý hóa.

Ngày đầu tiên nhận việc, ba tôi giới thiệu anh với tôi: "Đây là anh Đức, người ba từng nhắc nhở đến khi con còn ở trung học đệ nhất cấp. Anh là giáo sư nòng cốt của trường. Có gì không hiểu, con cứ hỏi anh." Anh chào mừng tôi rất niềm nở.

Anh Đức người tầm thước, nước da trắng và có mái tóc gợn sóng tự nhiên. Anh ăn nói rất nhỏ nhẹ và từ tốn. Trong 10 năm sống gần anh, tôi chưa nghe anh nói xấu một người nào và anh đã được nhiều cảm tình của những người sống quanh anh cũng như sự kính mến của học sinh do anh hướng dẩn.

Anh cũng là cựu học sinh Phan thanh Giản nhưng học trước tôi 2 lớp. Năm tôi học lớp đệ tứ, trước ngày thi bằng trung học, trong những bữa cơm tối, ba tôi thường đem những thành tích về học vấn ở trường cũng như trong kỳ thi trung học của anh để làm gương cho tôi.

Những vị ân sư của anh Đức và tôi phần đông vẫn còn tại chức. Cô Phụng, thầy Thông dạy toán, lý hóa, Thầy Quế, thầy Xuân dạy Việt văn, thầy Dung dạy Anh văn. Trước mặt quí Thầy, Cô, anh Đức và tôi vẫn là những môn sinh bé bỏng. Chúng tôi vẫn vòng tay cúi đâù chào, vẫn xưng con mỗi lần gặp quí vị . Quí thầy cô cũng thương chúng tôi lắm. Trước mặt học sinh hay người lạ quí Thầy, Cô gọi chúng tôi bằng anh nhưng khi vào văn phòng hay nói chuyện với chúng tôi, qui vị vẫn gọi chúng tôi bằng tiếng con thật thân thiết.

Cùng là cựu học sinh Phan thanh Giản và cùng có hòan cảnh giống nhau, nhà nghèo, không có đủ phương tiện tài chánh để hoàn tất đại học, ra đời để phụ giúp gia đình nên chúng tôi sớm trở thành bạn thân.

Bà cụ Mẹ anh Đức xem tôi như con và tôi được cụ cho thưởng thức những món ăn Bắc chính thống như canh rau đay ăn với cà pháo , bún mộc, bún riêu, bún ốc, chả cá Thăng Long. Đức cũng rất thích những món ăn bình dân miền Trung do Mẹ tôi nấu như đọt rau lang luộc chấm mắm cái ( không phải mắm nêm), canh rau muống nấu với hến, bún cá ngừ, v.v.... Các em tôi đều xem anh như một người anh lớn trong gia đình với tất cả thương yêu và kính nể.

Có thể nói chúng tôi bên nhau trong hầu hết nhưng bửa cơm chiều, hôm thì ở nhà anh, hôm ở nhà tôi.

Bạn bè và đồng nghiệp của chúng tôi rất nhiều nhưng 4 chúng tôi là Khôi, Đức, Bé và tôi vẫn còn độc thân. Chúng tôi thường đùa với nhau là sẽ ở vậy nuôi....mình và bầu Đức làm hội trưởng hội "người chưa vợ".

Vậy mà chỉ một vài năm sau, ông hội trưởng âm thầm vào Sài gòn lấy vợ. Người bạn đời của anh cũng là 1 cựu học sinh PTG mà ngày trước anh dạy kèm. Chị là một công chức, một nhà văn và sau nầy theo anh về Đà nẵng làm cô giáo. Vĩnh Khôi thì bị con gái bà chủ hàng kẹo trên đường Trần hưng Đạo Huế hớp hồn. Bé thì trong khi làm phụ rễ cho 1 người bạn bị 1 cô phù dâu biến thành chú rể thật, tôi là người đầu hàng ông Tơ, bà Nguyệt sau cùng.

Đầu thập niên 70, anh Bùi đăng Hà (em trai cô Phụng) giáo sư trường trung học Pháp Pascal có nhã ý mời anh Đức và tôi hợp tác để tổ chức những buổi trình diễn nhạc cổ điển Tây phương và nhạc thính phòng theo lời yêu cầu của Hội Việt Mỹ với mục đích trao đổi văn hóa vì lúc đó người Mỹ cả dân sự lẫn quân sự có mặt rất nhiều tại ĐN.

Với các nhạc sĩ, cựu sinh viên viện quốc gia âm nhạc Huế như chị Mộc Lan, anh Hùng, anh Hòang ngọc Đức, anh Tuấn và các tiếng hát hàng đầu vủa hai trường Phan châu Trinh và Phan thanh Giản như chị Tâm Nguyên, chị Nguyễn thị Lựu, chúng tôi đã có những sinh hoạt âm nhạc rất thành công.

Anh Đức là một nghệ sĩ. Anh thích ngắm hoa, thưỏng thức những chung trà ngon, có những phê bình chửng chạc về Hội hoạ và rất mê say âm nhạc. Ngôi nhà anh ở đường Nguyễn Hoàng có 1 khu vườn nhỏ với nhiều sắc hoa mà anh cẩn thận săn sóc. Đó cũng là nơi anh em tôi thường ngồi đàn hát, uống trà, uống rượu ngắm hoa.

Về nhạc khí, anh đàn Violon. Niềm đam mê đó anh đã dồn hết cho cháu Thỏ Ngọc, con gái cưng của anh. Cháu là một sinh viên xuất sắc của viện âm nhạc quốc gia Sài gòn và sau nầy là một danh thủ vĩ cầm. Anh Đức cho biết là trong những năm khó khăn, Thỏ Ngọc dạy đàn cho con em của các thương gia Nhật bản nên gia đình dể thở hơn trong vấn đề sinh kế. Khi theo chồng về định cư tại Mỹ, Thỏ Ngọc cũng đang dạy đàn cho con em của các giáo sư tại các đại học mà chồng cháu đang giảng dạy.

Lẻ ra anh đã đi phỏng vấn để sang Mỹ thăm con nhưng vì sức khỏe nên anh đã đình lại. Ngờ đâu anh ra đi mà vẫn chưa thấy mặt cháu ngọai.

Người ngỡ đã đi xa, bổng về quá thênh thang

Đời sống tình cảm của anh Đức rất khép kín. Bạn với anh trong nhiều năm nhưng chưa bao giờ thấy anh nhắc đến một bóng hồng nào trong cuộc sống của anh. Tôi không tin một người có tâm hồn nghệ sĩ như anh, biết rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên của họa, của thơ, của nhạc lại khô khan với tình yêu trai gái. Tôi kính trọng sự riêng tư của bạn nên không bao giờ hỏi hay bàn đến chuyện nầy. Trong thâm tâm tôi tin rằng anh muốn dấu kín và trong một góc đời anh đã có những cuộc tình chỉ riêng anh biết.

Tôi đã đóan đúng vì tôi có lần được anh hé mở cõi riêng của anh và tôi nhìn thấy được phần nào mối tình thật đẹp, thật lãng mạn của anh.

Một chiều cuối năm, trong khi chúng tôi đang chuyện trò trước tiệm Tân Mỹ của Bé thì L.H. đến. H là học trò cũ của chúng tôi và em đang học năm thứ hai đại học văn khoa ở Sài gòn và vừa về nhà nghỉ Tết. Với tôi H nói chuyện rất tự nhiên như hai anh em, xưng tên và gọi tôi bằng anh. Với anh Đức H e dè hơn, vẫn gọi anh bằng Thầy và xưng em. Tôi thấy anh vui hẵn lên, nói chuyện nhiều hơn.

Đêm đó, sau cơm tối, chúng tôi bắt ghế ra trước hiên nhà anh để uống rượu và ngắm hoa. Những cây cúc đại đoá, những cây thược dược được anh chăm sóc đã có đầy búp và sẽ nỡ đúng vào ngày Tết như anh mong muốn. Anh mang ra hai chiếc ly nhỏ, chai Black and White và cây đàn guitar cho tôi.

Sau vài ly rượu, anh hỏi tôi: "Ông thấy vầng trán của LH có gì đặc biệt không?"

Tôi ngạc nhiên đến thẩn thờ. Nếu muốn nói đến vẻ đẹp của một người con gái theo tôi thì phải để ý đến mái tóc, đến dáng đi, đến đôi mắt, đến nụ cười, đến bàn tay, chứ tôi chưa hề nghe ai nhắc đến vầng trán.

Không đợi tôi trả lời, anh nói tiếp "Vầng trán của H rất cương nghị và bướng bỉnh. Nó cũng mênh mông lắm và thật khó đóan là sau vầng trán đó H đang nghĩ gì." Tôi không tin là anh say vì tửu lượng của anh rất cao. Được dịp may tôi dò ý anh: "Có khi nào ông nói với H về vấng trán của em không?". Anh cười buồn: "Nói mà làm gì ông. Có những điều thật đẹp nhưng thật mong manh và ở quá cao tầm tay với. Tôi không muốn vọng động làm nó tan biến đi. Đàn đi ông, tôi hát Tạ từ của Tô Vũ nghe." Tôi nghe lời anh và đàn rất khẻ. Giọng anh trầm buồn "Phồn hoa em chia tay ra đi, đưa chân, dừng bước bên cầu, giả từ mấy câu........Tình anh như thông đầu non, vời cao trông mây ngàn đứng, muôn kiếp cô liêu, ngàn năm còn reo." Chưa bao giờ tiếng đàn của tôi quyện theo tiếng hát của anh như đêm nay. Đêm đó bạn tôi uống rất nhiều. Quá giờ giới nghiêm đã lâu mà chúng tôi vẫn còn thức.

Một buổi chiều đầu thập niên 90 gần giờ tan sở thì văn phòng cho biết có khách đến tìm tôi. Ra đến văn phòng , tôi vừa mừng vừa ngạc nhiên khi thấy H đang tươi cười nhìn tôi. H nói : "Anh thấy H giỏi không, ở Pháp qua đây, không cần gọi ĐT cho anh mà vẫn tìm được anh ." Không đợi tôi nói, H tiếp : "Đùa với anh chứ H có bà con ở Seattle và có đứa em trai ở Portland. H đến Seattle hôm qua, nhờ nhỏ M chở xuống Portland, đi ngang đây M nói anh ở trong nầy nên H bắt nó đưa vào thăm anh. Sao qua Mỹ mà anh lại chọn chổ khỉ ho cò gáy ni làm quê hương rứa? M ngồi ngoài xe, nó xúi H vào một mình để xem anh còn nhận ra H không!"

Trong bửa cơm chiều ở nhà tôi, hai anh em đã tranh nhau nói. Tôi đem chuyện vầng trán năm xưa kể cho H nghe vì giờ ai cũng đã lớn và có gia đình. Tôi thấy một thóang buồn trong mắt em. H nhìn tôi và nói: "Đàn ông các anh đôi khi lẩn thẩn lắm. Các anh cứ đóan mò rồi cứ tưởng đàn bà tụi em là thầy bói, thầy tử vi nên có thể xem mặt mà biết tình cảm của mấy anh chắc? Không nói ra thì làm sao người ta biết được." Đến lúc đó tôi mới thấy lời của bạn tôi đúng. Vầng trán của H rất bướng bỉnh, bướng bỉnh đến dễ thương.

Những hẹn hò, từ nay khép lại

Anh và tôi đều thích nhạc tiền chiến. Điều lý thú là cả hai đều mê nhạc của Tô Vũ. Anh thì "Tạ Từ", tôi thì "Em đến thăm anh một chiều mưa" Anh nói với tôi: "Tô Vũ viết không nhiều, nhưng bài nào cũng hay. Ông thấy không, trong nhạc Tô Vũ mình thấy được cái khao khát hòa bình của nhân loại vì ngay cả thiên nhiên cũng muốn chiến tranh không còn để Gió dâng khúc đàn thanh bình."

Có một lần anh tâm sự là khi nào không còn binh đao, anh và tôi sẽ chở nhau bằng Honda, đi từ Nam ra Bắc để thưởng thức vẻ đẹp quê hương, nhất là quê ngoại anh ở ngòai Bắc. Chiến tranh có chấm dứt nhưng không như mong ước của anh và của nhiều người.

Năm 2001 gia đình tôi về thăm quê hương. Trước ngày đi, Hạnh, vợ tôi, sắm hai túi xách lớn trong đó có giày, vớ, áo lạnh, những đồ dùng cá nhân,v.v.v., cho anh và tôi vì Hạnh đã biết câu chuyện nầy do tôi kể lại nhiều lần.

Hôm gặp anh ở Sài Gòn, Hạnh trao túi xách cho anh và đùa: "Em biết anh và ông xã em hồi xưa có mộng làm Tây ba lô nên em sắm cho mỗi ông mỗi ba lô. Đây là balô của anh để ngày mai anh cùng đi với tụi em không bằng Honda nhưng bằng xe bus." Anh cười vui vẻ. Trước khi về tôi có dặn anh là đêm đó anh cố gắng đến sớm để anh em có giờ tâm sự cho đến khi lên đường.

Đến nửa đêm vẫn chưa thấy anh tới, tôi nhờ đt của Giao để gọi anh nhưng không liên lạc được. Sau đó thì Giao cho biết là người nhà nói anh mệt nên không thể đi được.

Hôm về lại Mỹ, anh có đến phi trường TSN để tiễn tôi. Tôi siết chặt tay anh và hẹn anh sẽ về để thực hiên mơ ước của hai đứa.

Tôi chưa về lại thì anh đã ra đi nên những hẹn hò xem như không còn giữ được ở cõi đời thường nầy.

...Tôi về làm cát bụi

Tôi không biết và không cần biết là hạt bụi nào đã hóa thân thành bạn tôi vì suốt gần 70 năm làm kiếp người, bạn tôi đã làm cuộc đời đẹp thêm với tính tình nhân hậu và cách đối xử tử tế đối với mọi người, tử tế ngay với những người không tử tế với anh. Anh ra đi để lại tiếc thương cho gia đình, bạn bè và môn sinh của anh. Anh đã đi trọn một vòng sinh tử của thiên mệnh.

"Sinh ký, tử qui." Anh đã gởi lại thân xác tro bụi của mình nơi cõi tạm dung để linh hồn mình về nơi vĩnh cữu . Giờ đây anh không còn những ràng buộc, những hệ lụy trần ai.

Anh Đức thương mến,

Tôi viết những dòng nầy về anh, về những kỷ niệm của anh và tôi như một lời tạm biệt chứ không phải vĩnh biệt vì tôi chắc chiếc cầu anh đã đi qua cũng là chiếc cầu tôi sẽ qua. Đi thật nhiều nơi nghe anh Đức để khi gặp lại nhau anh cũng sẽ là người hướng dẩn tôi như anh đã từng hướng dẩn trong gần 10 năm được may mắn làm bạn với anh.

Hẹn gặp anh,

Bạn anh,

Võ Anh Dũng