XUÂN NÀY CON VỀ
(Tưởng
niệm linh hồn cố giáo sư, nhạc sĩ Nhật Ngân)
Thứ
bảy, 28 Tết, Ái Cầm điện thoại cho biết là nhạc
sĩ Nhật Ngân vừa qua đời.
Dù biết cuộc đời là vô thường, sinh, tử là chu
kỳ của thiên mệnh nhưng lòng vẫn thấy xót xa.
Lần cuối cùng gặp anh không lâu lắm tại một quán
cà phê quen thuộc ở Nam Cali. Chung quanh chiếc
bàn tròn, bạn bè Đà Nẵng vui vẻ với chuyện xưa,
chuyện nay bên những cốc cà phê, những tách trà
bốc khói.
Tôi bổng nhớ lại những năm trung học đệ nhất
cấp hầu như buổi chiều nào cũng có trận bóng
tròn giửa trường Phan Châu Trinh và trường Phan
Thanh Giản trên sân cỏ trước trường Bán Công
(đường Lê Thánh Tôn). Phần thắng về Phan Châu
Trinh nhiều hơn.
Không phải Phan Thanh Giản thua vì chơi không
hay mà vì Phan Châu Trinh có một thủ môn quá
xuất sắc. Anh đã chận bắt tất cả những cú sút
nguy hiểm của hàng tiền đạo Phan Thanh Giản với
những màn bay tuyêt đẹp.
Người thủ môn đó là Trần
Nhật Ngân, hay nhạc
sĩ tài hoa Nhật Ngân về sau.
Khi tôi vào Phan Châu Trinh, Ngân đã rời trường
vào Sài Gòn học nhạc. Năm 1960, anh về thăm gia
đình ở Đà Nẵng, đã đưa bản thảo nhạc phẩm "Tôi
Đưa Em Sang Sông" (TĐESS) cho anh Nguyễn Đức Bông, một người bạn cùng lớp rất thân với anh hát
thử.
Anh Bông đã hát bài hát nầy tại ty Thông Tin
Đà Nẵng và đã được sự đón nhận và yêu thích không
ngờ của khán giả. Về sau, nhạc phẩm TĐESS đã
được xuất bản tại Sài Gòn và những tiệm sách
ở Đà Nẵng đã bán hết bản nhạc nầy trong ngày
đầu tiên được phát hành tại địa phương.
Bài hát anh viết cho một mối tình không trọn
vẹn và đã trở thành bất tử vì sự yêu mến của
giới yêu nhạc qua nhiều thế hệ, mối tình đã một
thời làm xôn xao dư luận trong giới học sinh
trung học tại Đà Nẵng. Một bài hát khác cũng
rất nổi tiếng của anh là nhạc phẩm "ĐÊM
NAY AI ĐƯA EM VỀ" đã được phổ biến liên tục trên các đài phát thanh Sài Gòn và đài Quân Đội với
giọng ca của ca sĩ Lệ Thanh.
Tôi may mắn được làm đồng nghiệp với anh khi
về dạy tại trường Phan Thanh Giản Đà Nẵng lúc
anh đang dạy âm nhạc tại đây. Vì yêu âm nhạc,
anh và tôi sớm trở thành thân quen. Với khả năng
âm nhạc, với lòng hăng say của tuổi trẻ, anh
đã biến giờ nhạc, môn nhiệm ý, thành những sinh
hoạt vui tươi, linh động và tổ chức những buổi
văn nghệ Tết, cuối niên khoá rất thành công.
Những học sinh được anh hướng dẩn về âm nhạc
có mặt khá đông ở Mỹ.
Vì Đà Nẵng không có địa bàn hoạt động thích hợp
cho lãnh vực âm nhạc nên anh đã giả từ bục giảng
trở lại Sài Gòn. Sau đó anh đã phục vụ trong
ngành tâm lý chiến của Quân Lực Việt Nam Cộng
Hoà. Trong thời gian nầy anh sáng tác rất đều
đặn và đã để lại nhiều nhạc phẩm viết về đời
quân ngủ nổi tiếng, tiêu biểu và thành công nhất
là nhạc phẩm "XUÂN
NẦY CON KHÔNG VỀ".
Biến cố đau thương 30 tháng Tư 1975 đã đem đến
bao đau thương, ly tan cho người dân Miền Nam.
Anh vượt biên tìm tự do năm 1982 và định cư tại
Mỹ năm 1984. Ở khác tiểu bang nên mãi đến năm
2004 tôi mới gặp lại anh trong Đại hội trường
Phan Thanh Giản tại Nam California. Anh vẫn như
xưa, vẫn từ tốn, vẫn giữ đươc phong cách một
nhà giáo.
Nguyễn
Đức Bông và tôi thường liên lạc với nhau,
trong câu chuyện chúng tôi có nhắc đến anh với
những kỷ niệm năm xưa ở Đà Nẵng và thường hơi...ganh
tị với anh vì xa quê anh vẫn còn được làm những
gì anh thích là hoạt động không ngừng nghỉ trong
lãnh vực âm nhạc.
Anh đã hợp tác với những trung tâm ca nhạc lớn
ở hải ngoại, sáng tác, soạn hoà âm và huấn luyện,
đào tạo những ca sĩ trẻ, điều hành một phòng
thu âm.
Mấy tuần trước đây, một người bạn ở Cali có điện
thoại cho biết anh trở bệnh. Căn bịnh ngặt nghèo
ngày trước đã để anh yên lành trong một thời
gian khá dài giờ trở lại và anh phải vào bệnh
viện để điều trị.
Và anh đã ra đi!
Với quan điểm hạn hẹp của tôi hai nhạc phẩm tiêu
biểu cho hàng trăm sáng tác của anh là "Tôi
Đưa Em sang Sông" và "Xuân Nầy Con Không Về".
"Tôi Đưa Em Sang Sông" gói ghém cuộc tình học trò không trọn vẹn của anh
Với "Xuân
Nầy Con Không Về" anh đã nói lên sự hy sinh vô bờ của những chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà,
ngày đêm ghìm súng bảo vệ quê hương. Đã nhiều
mùa Xuân anh và đồng đội anh đã ở lại đơn vị
không về thăm nhà dù biết Mẹ già sẽ chờ mong,
cây mai vàng trước sân thiếu bàn tay chăm sóc
và em thơ không có áo mới mừng Xuân.
Xuân năm nay anh thật sự đã về, về với Mẹ, với
Cha, với những chiến hữu đã gục xuống trong trận
chiến thật hào hùng của Miền Nam Việt Nam.
Đầu tháng Bảy năm nay tại Nam California sẽ có
Đại Hội của hai trường Phan Châu Trinh và Phan
Thanh Giản. Những đồng môn trường Phan Châu Trinh
sẽ không còn gặp lại người bạn tài hoa của mình
và cựu học sinh trường Phan Thanh Giản sẽ không
còn vinh dự đón tiếp một vị thầy đáng kính, cựu
giáo sư, nhạc sĩ Nhật
Ngân.
Tạm biệt anh Nhật
Ngân và hẹn gặp lại anh ở
một thế giới thật an bình.
Võ Anh Dũng
Bài có liên quan: Ai là tác giả của "Tôi Đưa Em Sang Sông"? - (Võ Anh Dũng)
• Lên tiếng cho một nhạc sĩ tài hoa đã khuất (Nguyễn Dư)
- Xuân Này Con Không Về - (Vũ Khanh)
- Tôi Đưa Em Sang Sông - (Khánh Ly)
- Đêm Nay Ai Đưa Em Về - (Xuân Thu)