Từ thời trung học, tôi đã bị cuốn hút khi nghe các thầy, cô giáo Việt văn giảng về Xuân Diệu - cuộc đời và thi ca. Và, sau này lên những lớp trên,tôi có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn về nhà thơ Xuân Diệu, một trong những "con chim đầu đàn" của thi ca lãng mạn Việt Nam 1932 - 1945. Trong sự nghiệp sáng tác của Xuân Diệu, tôi vẫn thích nhất là những bài thơ tình tuyệt tác: "Thơ duyên", "Giục giã", "Vội vàng",...

Xuân Diệu là một hồn thơ không bao giờ khép kín mà luôn rộng mở với thiên nhiên, sự sống và con người.Trong bài tựa tập "Thơ thơ", tác giả viết: "Tôi gởi hồn tôi với mọi người, nhất là những người trẻ tuổi, đặc biệt là trẻ lòng". Điều đó chứng tỏ ông khao khát mãnh liệt được giao hòa, giao cảm với con người và cuộc sống. Trong bài thơ "Giục giã", thi nhân viết:

''Mau với chứ, vội vàng lên với chứ,
Em, em ơi! Tình non sắp già rồi"


Tình yêu của Xuân Diệu, bao giờ cũng hối hả, vồ vập bởi ông luôn luôn lo sợ bị mất mát, tuột khỏi tay mình. Trong văn chương Việt Nam chưa có ai yêu tuổi trẻ đến cuồng nhiệt, đến tôn thờ, đến hốt hoảng, âu lo như Xuân Diệu:

"Em mươi sáu tuổi chỉ một lần,
Em không có hai lần cái tuổi hai mươi
............................................................
Em chỉ có một tuổi vui
Em sẽ có trăm năm buồn!
...........................................


Đằng sau những tình cảm ấy có cả một quan niệm nhân sinh mới chưa thấy trong thi ca truyền thống. "Vội vàng" là một trong những bài thơ thể hiện rõ nét quan niệm nhân sinh tích cực của nhà thơ. Ở bài viết này, tôi không có tham vọng là phân tích hết bài thơ mà chỉ nêu một vài cảm nhận riêng tư mà thôi. Mở đầu bài thơ, tác giả viết:

Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay xa


"Nắng""gió" là những hiện tượng thiên nhiên luôn biến động, ngoài vòng kiềm tỏa của con người. Thế mà Xuân Diệu lại dậy lên một ước muốn lạ thường: "tắt nắng đi", "buộc gió lại" để "màu""hương" "đừng nhạt mất", "đừng bay xa". Màu và hương ở đây là màu của mùa xuân, của sự sống. "Tắt", "buộc" là những từ diễn đạt ước muốn chế ngự, đoạt quyền của tạo hóa để giữ mãi vẻ đẹp tươi tắn, sống động của con người và thiên nhiên. Chỉ bốn câu thơ cho ta thấy Xuân Diệu là một tâm hồn nhạy cảm, gắn bó máu thịt với cảnh vật, con người và cuộc sống.

Thông qua những hình ảnh giàu sức gợi tả: "tuần tháng mật" hàm nghĩa của niềm vui sống yêu đời, hạnh phúc; "lá của cành tơ phơ phất" là dấu hiệu của sự sống tràn đầy hứa hẹn của tuổi thanh xuân; "ánh sáng chớp hàng mi" gợi ta hình dung ánh mắt giao nhau tình tứ của đôi lứa yêu nhau qua những lần hò hẹn. Qủa thực, qua lăng kính nhà thơ,cuộc sống tràn đầy hân hoan, hạnh phúc, đáng yêu, đáng sống. Và "Tháng giêng ngon như một cặp môi gần", tháng đầu tiên của một năm (vào mùa xuân), khởi đầu cuộc sống mới tràn đầy hứa hẹn, niềm tin yêu, hạnh phúc. Lối so sánh thật sáng tạo, sinh động, độc đáo, hấp dẫn thể hiện sự say mê, cuồng nhiệt, thèm khát tình yêu con người và cuộc sống của thi nhân. Trong bài "Thơ duyên", Xuân Diệu cũng với cách so sánh ấy: "Anh với em như một cặp vần". Nhiều nhà phê bình nói thơ Xuân Diệu chịu ảnh hưởng của thi ca lãng mạn Pháp - rất "Tây"!

Với Xuân Diệu, tất cả con người, thiên nhiên, vạn vật đều ở thời kỳ bắt đầu, có nghĩa là sự sống còn dài, còn mãi và bất tận.Vì thế mà mỗi ngay đối với Xuân Diệu là một ngày hạnh phúc chứa chan, viên mãn:

" Mỗi sáng sớm thần Vui hằng gõ cửa"

Tha thiết là như vậy nhưng rồi:

"Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng môt nửa"

Câu thơ ngắt mạch, gián đoạn, đứt quãng, lưng chừng như để diễn đạt nỗi bàng hoàng, hụt hẫng, nuối tiếc, ngậm ngùi cùng sự hối hả, gấp rút, nôn nao, rạo rực của thi nhân bởi vì Xuân Diệu luôn ám ảnh, lo sợ, hốt hoảng mùa xuân tức tuổi xuân, tuổi trẻ con người vỗ cánh vụt bay:

''Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua,
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất"


Sự đối lập ngay trong từng câu thơ thể hiện sự dày vò, bâng khuâng, nuối tiếc trong tâm hồn đa cảm của thi nhân bởi muốn níu kéo tuổi xuân, níu kéo cuộc đời nhưng tuổi xuân cứ đến rồi trôi đi, trôi mãi, không bao giờ trở lại:

"Tóc ngời mai mốt không đen nữa
Tuổi trẻ khô đi, mặt xấu rồi"


Từ giọng thơ vui tươi, phấn khởi, say sưa bỗng chuyển sang trầm buồn, hối tiếc. Hoài Thanh, Hoài Chân trong "Thi nhân Việt Nam" viết: "Xuân Diệu say đắm tình yêu,say đắm cảnh trời, sống vội vàng.....muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình...." Lúc nào nhà thơ cũng nồng nàn, tha thiết, hối hả, cuống quýt bởi trong khi yêu, nhà thơ luôn ám ảnh sự mất mát, chia lìa:

"Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời
Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt...."


Gọng điệu câu thơ với vẻ ai hoài, u uất cho ta cảm nhận một điều rất rõ nhà thơ đã nhìn thấy trước sự tàn phai, mất mát, chia lìa ngay khi đang ở trong thời kỳ sung mãn nhất. Đó là lý do mà Xuân Diệu luôn tha thiết, giục giã, hối hả muốn tận hưởng những gì là tươi đẹp, tinh khôi mà cuộc đời ban tặng.Và cũng là tâm trạng não ruột, tuyệt vọng, tiếc nuối khôn nguôi của nhà thơ trước dòng chảy của thời gian:

"Chẳng bao giờ, ôi! chẳng bao giờ nữa.....
Mau đi thôi ! mùa chưa ngã chiều hôm"

Cuối cùng, Xuân Diệu chỉ còn cách huy động triệt để, mạnh mẽ mọi giác quan mà hưởng thụ gấp tuổi trẻ, sự sống:

"Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
...........................................................
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
............................................................
Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi."


Qua lăng kính nhà thơ, con người, cảnh vật, cuộc sống đều hiện lên với vẻ tinh khôi, tươi nguyên, thanh khiết. Hàng loạt từ giàu sắc thái biểu cảm: "ôm", "riết", "say", "thâu", "đã đầy", "no nê", "cắn" đã cực tả sâu sắc tình yêu cuộc sống tha thiết, đam mê, say đắm, cuồng nhiệt đến tột cùng của Xuân Diệu với tất cả trái tim dạt dào cảm xúc đạt tới đỉnh điểm của sự thăng hoa trong tuổi trẻ đủ đầy và tình yêu viên mãn. Với nhà thơ, trong trái tim thanh xuân của con người, mặt trời tình yêu không bao giờ lặn tắt....

Trong bài thơ ''Không đề", tác giả viết:

"Trong hơi thở chót dâng trời đất
Cũng vẫn si tình đến ngất ngư"


Qủa thật, "Vội vàng" là niềm khao khát mãnh liệt sự giao hòa, giao cảm của Xuân Diệu đối với thiên nhiên, con người và cuộc sống. Bài thơ thể hiện rõ nét tư tưởng nhân văn, triết lý nhân sinh tích cực của Xuân Diệu, "ông hoàng" của những vần thơ tình bất tử. Âm vang của những vần thơ ấy vẫn đọng lại dai dẳng trong tôi và cho tôi biết yêu thương, trân trọng hơn nhiều những tình cảm đẹp, đáng quý, đáng gìn giữ, đáng nâng niu mà tôi đã, đang được nhận từ những người mà tôi hằng thương yêu, quý mến, kính trọng bởi vì tất cả chúng ta ai cũng khao khát được sống một cuộc sống chan chứa, thấm đậm tình người; khao khát vĩnh hằng "người với người sống để yêu nhau".


Đà Nẵng, ngày 11 tháng 5 năm 2011

(Cựu học sinh Phan Thanh Gỉan- Đà Nẵng,niên khóa: 1970- 1973)


(Xuân Diệu)