Ngày Mưa
Vi Hoàng
Lan vừa sắp xếp những bó hoa lại cho ngay ngắn, vừa ngước nhìn bầu trời. Gió bắt đầu thổi mạnh và mây đen cũng bắt đầu kéo đến. Bỗng nhiên một làn chớp lóe lên, tiếp theo là tiếng sấm làm Bé Phượng hoảng sợ chạy lại nép vào lòng mẹ. Lan ôm Phượng vào lòng và thở dài:
-Hôm nay lại mưa nữa!
-Lại bán ế nữa rồi, phải không mẹ?
Người mẹ trẻ chỉ biết cười buồn. Mấy ngày qua, trời cứ mưa hoài làm cho hoa của hai mẹ con nàng không bán hết. Vào những ngày nắng ráo, với đôi tay khéo léo của Lan và vẻ liếng thoắng dễ gây cảm tình của Phượng, hoa của nàng luôn luôn là nơi bán đắt hơn so với những người bán chung quanh. Nhưng mấy hôm nay, ngày nào hàng cũng bị ứ đọng lại; ngày hôm sau nàng phải cắt tỉa lại, làm ra những bó hoa với nhiều kiểu khác nhau cũng bán được cho khách hàng dễ tánh. Chỉ còn hai ngày nữa là Giáng Sinh, người ta cũng mua hoa nhiều để trang hoàng trong nhà, nhờ đó nàng cũng kiếm được ít tiền để trang trải mọi việc.
Trời bắt đầu mưa bay bay, những hạt mưa làm ướt tóc hai mẹ con nàng. Lan lấy tấm vải dầu phủ lên trên cho hoa khỏi bi ướt. Nhìn con ngồi co ro trong cơn mưa phùn Lan thấy lòng se lại, thầm cầu mong cho trời mau tạnh, cho nàng bán đắt hàng để còn về nghỉ ngơi. Ở nhà, vẫn còn hai đứa con nhỏ và một người chồng bệnh hoạn! Nàng lôi chiếc áo mưa trong giỏ ra choàng lên đầu rồi ôm con vào lòng. Nàng cảm thấy lo sợ khi đưa tay vuốt những sợi tóc lòa xòa trên trán đứa con gái nhỏ, cảm thấy như hâm hấp nóng. Nàng khẻ bảo con:
-Mưa rồi, con về nhà đi; coi chừng bịnh đó.
Phượng dựa vào lòng mẹ:
- Con ở lại phụ mẹ.
-Trời mưa, không có nhiều người mua đâu con.
Mưa nặng hạt hơn, hai mẹ con dưới chiếc áo mưa cùng nhìn trời. Những người bán hàng chung quanh đã bắt đầu dọn hàng để ra về. Nàng nhìn con, thấy con nhỏ run rẩy, đôi mắt mệt mỏi, Lan cũng muốn dọn dẹp để về sớm; nhưng dở tấm vải dầu lên , thấy hoa còn nhiều quá, nàng nghĩ đến tối nay các con lại phải ăn cơm chan nước mắm, nàng ngần ngừ, nhìn con, nhìn trời rồi nhìn lại hoa….
Con bé Phượng mới 11 tuổi đầu, nhưng là chị của hai đứa em nhỏ. Gia đình từ quê lên không có hộ khẩu nên con bé từ lớp Mẫu giáo đã được gởi đi học ở trường Phaolo bên quận 1, do các Soeur dạy dỗ. Năm nay nó đã quá tuổi để học trong trường của các Souer nhưng vẫn chưa có hộ khẩu để đi vào trường công như bao em khác. Lan cố gắng lắm mới xin cho nó được học bổ túc.
Lan bán hoa hồng, đủ màu; 3 bông giá 2 ngàn. Ngày ngày, nàng đi xe ôm đến chợ đầu mồi, đón hoa Đà Lạt về, mua giá sỉ, buổi trưa hai mẹ con bày ra bên thành cầu Thị Nghè để bán. Phượng là người phụ việc đắc lực của Lan. Ba nó bệnh, nằm ở nhà chăm hai đứa em của nó. Mọi gánh nặng chi tiêu trong gia đình dồn lên vai Lan và con bé Phượng này. Buổi trưa nó phụ nàng phân chia hoa ra thành từng bó nhỏ, cứ 3 cành vào một bó để bán lẻ cho những người mua hoa. Khách qua lại trên cầu thường ghé lại đây sau giờ làm việc để mua hoa đem về cắm bình. Đến 2 giờ chiều nó phải đi học, sau buổi tan trường, Bé chạy ra đường bán hàng phụ mẹ. Bán hàng chạy kiểu nấy cũng cực, trên thành cầu nhiều người bày hoa ra bán. Cái hướng Lan ngồi bán hoa là thuộc bên quận nhứt, ít bị đuổi. Bên Bình Thạnh thì không cho ngồi trên cầu bán. Cái cầu mà chia ra làm 4 , mỗi phường quản lý một bên, bên nào dễ, không đuổi chạy, người ta bày bán bên đó, bị đuổi bên nầy thì chạy qua bên kia. Cuộc sống với người chồng bịnh họan và 3 đứa con nhỏ quá chật vật.
-Chị ơi! Bán cho tôi 1 bó hoa.
Tiếng người đàn ông kéo Lan về với thực tại, nàng vồn vã:
-Thưa ông, ông mua hoa màu gì, có cần cắm không ông?
Người đàn ông nhỏ nhẹ:
-Chị làm cho tôi một giỏ hồng màu đỏ, tôi đi thăm vợ tôi đang nằm trong nhà thương!
-Ông lựa hoa đi, tôi cắm vào giỏ cho ông.
Ngừơi đàn ông ở tuổi trung niên, khuôn mặt khắc khổ và sạm đen dựng chiếc xe máy cũ kỹ, đến gần dỡ tấm nylong nhìn vào rồi nói:
-Chị cứ lựa giùm tôi đi, cắm đẹp đẹp giùm.
Phượng lựa từng cánh hoa Hồng màu đỏ đưa cho mẹ. Bé nói với người đàn ông:
-Mẹ cháu cắm hoa đẹp lắm ông à! Ông đừng lo.
Lan quay lại mỉm cười với con. Ông ta bắt chuyện với Phượng:
-Cháu có đi học không?
-Dạ thưa, nhà không có tiền, con chỉ đi học bổ túc văn hóa thôi!
Lan vẫn im lặng làm việc, không để ý đến những lời người khách và Phượng trao đổi với nhau; dù lạnh run, nhưng con bé vẫn vui vẻ chuyện trò với khách.
Lan đã cắm xong giỏ hoa, nàng hỏi người khách:
-Thưa ông, vậy được chưa?
-Được rồi chị; chị có gì có thể gói hay che lại giùm cho khỏi ướt không?
Lan lôi trong đống báo cũ ra một cái bao lớn bỏ hoa vào, nhẹ nhàng bao kín lại, làm thành một cái quai xách rồi đưa cho ông khách.
-Bao nhiêu đây chị?
-Thưa ông, cho xin 30.000
Khách bỏ cái bao giấy vẫn cầm trong tay lên đống hoa, lấy trong ví lấy đưa cho Lan tờ giấy 50.000 đồng và đón lấy giỏ hoa. Lan móc túi lấy tiền để thối, ông khách vội xua tay:
-Được rồi chị, để cho cháu ăn quà. Cháu dễ thương lắm!
Lan chưa kịp cám ơn, ông khách đã vội vàng mở máy xe, phóng đi vừa lúc trời mưa nặng hạt hơn. Phượng cầm cái bao giấy để trên những bó hoa, kêu vói theo:
-Ông ơi! Ông quên đồ nè….
Nhưng bóng ông khách đã khuất trong làn mưa!
Phượng cầm lấy bao giấy mà ông khách đã bỏ quên lại, bé nói nhỏ với mẹ:
-Không biết cái gì mà ông ấy bỏ quên mẹ nhỉ!
-Chắc không có gì quan trọng đâu con. Mưa lớn quá, mình sửa sọan về thôi con à!
-Còn cái gói nầy mẹ? Hay mình đợi thêm chút, xem ông ta có quay trở lại lấy không?
-Con chạy vào trong hiên nhà người ta núp mưa đỡ đi, mẹ dọn dẹp trong khi chờ ông ta.
Phượng vẫn dần dà bên cạnh mẹ, phụ mẹ thu xếp những thứ lặt vặt và rác rến chung quanh chỗ của mình. Lan nghe tiếng con nhảy mũi, nàng thúc hối:
-Vào lánh mưa đi con, con muốn bịnh rồi đó. Không nghe lời, mẹ giận đó!
Sợ mẹ giận, Phượng trao lại chiếc áo mưa cho mẹ rồi chạy vào đứng núp dưới hàng hiên của căn nhà sát bên chân cầu. Lan dọn dẹp xong, ôm đống hoa còn lại, chạy vào mái hiên với con:
-Chắc ông ta không trở lại đâu con ạ.
-Rồi cái gói nầy thì sao đây mẹ.
-Mưa lớn quá rồi, mình về thôi! Con cầm cái gói đó về theo, nếu là đồ quan trọng, ngày mai ông ta sẽ trở lại lấy.
Hai mẹ con nương nhau bước lần vào con hẻm nhỏ, trời mưa lớn làm cả hai ướt nhem và số hoa trên tay Lan càng nặng thêm!
Về đến nhà, buông hoa xuống đất, Lan vội vàng thúc con đi thay bộ đồ ướt, Mấy đứa nhỏ reo lên khi thấy mẹ và chị về. Người chồng đang nấu cơm dưới bếp hỏi vọng lên:
-Mình có mua gì thêm không?
Lan thở dài:
-Mưa lớn quá anh à! Bán không được bao nhiêu mà con Phượng như bịnh rồi, nó nóng quá.
-Thôi cũng được! nhà cũng còn bó rau muống và hai cái hột vịt. Mình đi thay đồ ướt đi.
Phượng thay đồ xong, đem cái bao giấy của ông khách mở ra xem. Nó kêu lên một tiếng “ah” rồi vội cầm cái bao chạy đến đưa cho mẹ:
-Me ơi! Tiền nhiều quá!
Lan như không tin vào đôi mắt mình, trong cái bao toàn là tiền. Những xấp giấy bạc 100 màu xanh còn mới không biết là bao nhiêu! Lan nói nhỏ với con:
-Đưa đây cho mẹ.
-Mình làm sao đây hả mẹ?
Lan ngần ngừ:
-Thì cất đây, mai trả lại cho người ta.
Phượng ngoan ngoãn phụ cha dọn cơm, và quên đi cái bao giấy và số tiền to lớn. Cả gia đình quây quần bên mâm cơm, mấy đứa nhỏ dành ăn cãi nhau chí chóe; Phượng chỉ ăn được nữa chén cơm rồi bỏ đũa.
-Con sao rồi Phượng?
-Con đau cổ lắm, không nuốt đuợc mẹ à!
Lan sờ trán con, la hoảng:
-Sao nóng quá!
Càng về đêm, trời mưa càng lớn, nước mưa như muốn tràn vào căn nhà thấp lè tè, dột đủ chỗ. Lan và chồng mấy lần phải dời tấm mệm để tránh những chổ dột, cái nền đất lại càng ẩm ướt thêm. Con bé Phượng lên cơn nói sảng, Lan nhúng khăn chườm lên trán con hy vọng sẽ làm giảm cơn sốt. Mấy lần nàng lấy cái bao giấy tiền của ông khách, nhìn vào thật lâu, rồi lại nhìn cái cảnh mấy đứa con nhỏ nằm lê la trên tấm mệm cũ kỹ dơ dáy đặt trên nền nhà ẩm ướt, Lan lại thở dài, suy nghĩ mông lung. Có lúc nàng thò tay sờ vào trong, cái cảm giác nham nhám của những tờ giấy bạc mới làm cho Lan không muốn rút tay ra, nàng cứ bị dằn co giữa hai ý nghĩ: “Trả hay không”. Nàng không biêt số tiền trong bao giấy là bao nhiêu, nhưng chắc là nhiều lắm, có thể giúp cho nàng qua khỏi cơn túng khó, có thể sửa sang lại căn nhà, có thể ……có thể…..nhiều lắm!
Một đêm sao mà dài quá, Con Bé Phượng vẫn không giảm cơn sốt. Lan mong cho trời mau sáng để có thể chạy sang nhà hàng xóm xin mấy viên thuốc giảm nóng cho con. Lan ngước nhìn tấm hình đức mẹ trên cao thầm thì khấn vái. Người chồng nói nhỏ:
-Chắc phải đem con đến nhà thương mình ạ!
Lan lại thở dài:
-Tiền đâu anh? Đến một viên thuốc cũng không có tiền để mua.
Hai vợ chồng ngồi bên bé Phượng, chỉ biết nắm lấy tay con không nói nên lời.
Trời vừa sáng, Lan chạy xin cho con được một viên thuốc giảm nóng, con bé uống vào, thiêm thiếp ngủ. Lan vẫn ngồi kế bên con, trong tay vẩn ôm cái bao giấy bên trong có số tiền thật nhiều của ông khách bỏ quên. Suốt một đêm không ngủ với những suy nghĩ mâu thuẩn nhau: “Biết đâu ông ta là người giàu có, không cần đền sồ tiền nầy. Mình phải đưa bé Phượng vào nhà thương, căn nhà nầy cần sửa sang lại…….” Rồi Lan lại nghĩ: “Có thể số tiền nầy rất cần thiết cho ông ta; vợ ông đang nằm trong nhà thương….”
Sờ trán con, cơn nóng vẫn không hạ xuống, con bé trở mình gọi mẹ:
-Mẹ ơi! Con khát nuớc quá!
Lan rót cho con tách nước, con bé ngồi dậy uống rồi chợt thấy cái bao giấy, nó hỏi mẹ:
-Làm sao trả lại cho ông ta hả mẹ?
Lan ngần ngừ:
-Mẹ phải đưa con đi bác sĩ trước, con nóng quá. Chiều mẹ ra ngoài đó, thế nào ông ta cũng đến tìm.
-Chắc ông ta cần số tiền nầy lắm đó mẹ à! Mẹ cứ đi tìm ông ta trước đi rồi đưa con đi khám bịnh cũng được.
-Biết ông ta ở đâu mà tìm hả con.
-Mẹ cứ ra chỗ mình bán, chắc ông ta đang tìm mình!
Lan thở dài nhìn con:
-Vậy con ráng ngủ thêm chút nữa, mẹ ra cầu, tìm được ông ta sẽ về ngay.
Lan ôm cái bao giấy bước ra ngoài, qua khỏi con hẻm đến đường lộ. Nàng bước chậm đến chân cầu. Đang đi, chị nghe tiếng kêu giật lại:
-Ê! Chị kia.
Lan quay đầu lại, nhận ra người đàn ông ngày hôm qua. Ông ta chạy đến bên chị, hỏi mau:
-Hôm qua tôi có để quên cái túi ở chỗ chị bán hoa, chị có nhặt được hay không?
-Thưa ông, cái túi đây! Mọi thứ vẫn còn nguyên trong đó.
Người đàn ông mở cái túi, nhìn vào, thở phào nhẹ nhõm:
-Thật là cảm ơn chị. Ngày qua tôi có trở lại, nhưng chị đã về rồi, Tôi không nghĩ là tôi có thể tìm lại được.
Lan nói như mếu:
-Hôm qua mưa lớn quá, nên chúng tôi nghĩ bán sớm. hai mẹ con tôi cũng có đợi ông, nhưng không thấy, con bé lại nhuốm binh nên tôi phải cho nó về nhà.
Người đàn ông có vẻ lo lắng:
-Nó sao rồi chị?
-Nó nóng quá ông à! Tôi định đưa nó đi nhà thương, nhưng nó bảo tôi ra đây tìm ông trước đã. Bây giờ tôi đã giao lại cho ông, tôi phải về lo cho con tôi.
Nói xong, Lan quay đi vội vã, trở vào con hẻm nhỏ. Người đàn ông đưa mắt nhìn theo; rồi ông quay lại mở máy xe đi chậm theo Lan. Đến căn nhà gỗ ọp ẹp không đủ che mưa nắng. Ông ta đứng ngoài nhìn vào, thấy Bé Phượng nằm trên tấm nệm đặt dưới đất, người cha và hai đưa nhỏ đứng chung quanh. Con bé thiêm thiếp, như mê như tỉnh. Ông suy nghĩ: “Một gia đình như thế nầy mà lại không có lòng tham” Ông dựng xe, bước vào nhà. Đặt tay lên trán Phượng, ông giật mình la lên:
-Tròi ơi! Nóng quá. Chị bồng nó, tôi chở đi bênh viện!
Lan cúi đầu ngập ngừng:
-Chúng tôi không có tiền.
-Mau đi, chị đừng lo.
Lan ôm lầy con, hối hả đi theo người đàn ông. Ông ta chở hai mẹ con đến nhà thương gần nhất rồi cùng theo vào trong. Người ta bắt phải đóng tiền truớc mới chịu cho cô bé vào phòng khám. Người đàn ông mở cái bao, lấy tiền nộp cho người tiếp tân rồi ngồi lại trong phòng đợi. Lan theo người y tá đang đẩy con nàng vào trong phòng khám.
-Chị đợi ở ngoài đi, để cho Bác sĩ làm việc.
Cô Y tá gắt khẽ. Lan lui ra ngoài, ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh nguời đàn ông, tay cứ vân vê chéo áo. Người đàn ông nhìn nàng:
-Thật là cảm ơn chị! Ngày hôm qua trở lại, không thấy mẹ con chị, tôi cứ cầm chắc là mất số tiền nầy rồi.
Lan phân trần:
- Thấy bé Phượng hơi nóng, tôi muốn về nhưng con nhỏ cứ nói thế nào ông cũng trở lại, nên chúng tôi đợi một lúc không thấy; trời lại mưa lớn quá, con nhỏ ướt hết nên chúng tôi phải về.
-Vào đến nhà thương tôi mới biết là mình để quên, trở lại không thấy ai hết. Cả đêm qua tôi không ngủ đuợc, sáng ra chạy lại đây xem có ai biết mẹ con chị ở đâu không. Tiền nấy là tiền tôi mới bán miếng đất hương hỏa của ông bà để lại dưới quê để lấy tiền chữa bịnh cho vợ tôi. Mất nó, tôi cũng không biết làm sao! Chị và cháu thật tốt quá.
Lan ngập ngừng:
-Thú thiệt với ông, đêm qua tôi cũng bị dằn vặt dữ lắm. Con nhỏ thì nóng quá, nhà cửa thiếu trước hụt sau; chồng tôi cũng bịnh kinh niên. Nếu tôi giữ lại số tiền nầy thì thiệt là giúp cho gia đình chúng tôi nhiều lắm. Nhưng con nhỏ cứ thúc hối tôi trả lại cho ông.
-Tội nghiệp! Cháu thật dễ thương quá!
Cửa phòng khám bật mở, ông bác sĩ bước ra đến trước mặt Lan và người đàn ông:
-Cháu bị cảm thương hàn, cần phải ở lại nhà thương ít ngày để theo dõi.
-Hay Bác sĩ cho toa, cháu về nhà uống thuốc cũng được. Nhà cháu không có tiền để trả nhà thương.
-Nếu gia đình khó khăn, nhà thương sẽ giảm bớt. Cháu cần ở lại đây.
-Thưa….
Người đàn ông ngắt lời Lan:
-Chị cứ cho cháu ở lại đây để chửa bịnh đi.
Lan đi theo chiếc xe đẩy con nàng vào phòng bịnh. Người đàn ông cũng theo sau. Ông đứng nhìn Phượng một lát rồi dúi vào tay nàng một xấp tiền và nói nhỏ:
-Chị giữ lấy mà lo cho cháu.
Lan sửng sốt:
-Lúc nãy ông đã trả tiền nhà thương rồi, bây giờ lại cho nhiều quá. Tiền nầy ông cũng cần dùng cho vợ ông.
Ông siết lầy tay chị cảm động:
-Nếu chị không trả lại là tôi mất hết rồi. Vì đợi tôi mà cháu bị bịnh như vậy, tôi thật là áy náy lắm. Đây là chút ít gọi là cảm ơn lòng thành thật của chị và cháu. Sau nầy cháu về nhà, thỉnh thoảng cho phép tôi lại thăm.
-Thật là cảm ơn ông. Tôi không biết nói gì hơn.
-Thôi tôi phải vào đóng bệnh viện phí cho vợ tôi. Chào chị nhé.
Ông ta quay lại vội vã bước đi. Lan nhìn theo cho tới khi khuất bóng, lòng cảm thấy bồi hồi. Bước lại bên con, nàng thầm cảm ơn con đã giúp mình làm một việc để không thẹn với lương tâm. Bé Phượng trở mình gọi mẹ:
-Mẹ ơi! Con khỏe rồi!
Lan nhìn con mỉm cười, ngoài kia chuông nhà thờ reo vang…….
Vi Hoàng
19/11/2005