ú

LỜI CHÂN THÀNH TRI ÂN

Nguyễn Bích Liên nk 72-73

Trước tiên tôi xin chân thành cảm ơn tất cả các Thầy Cô và các anh chị những người đã  khởi động phong trào thành lập Hội Ái Hữu Cựu Giáo sư - Học Sinh PTG Đà Nẵng Hải Ngoại, cũng như đã  nồng nhiệt góp phần hoàn thành buổi họp mặt để chúng tôi có dịp gặp lại Quý Thầy Cô và bạn bè, có dịp giở lại những trang kỷ niệm học trò, và cùng vui chơi đùa nghịch tạm quên cuộc sống bận rộn hằng ngày.

Tôi cũng xin cảm ơn anh Bảo Gia, đã cho chúng tôi những tấm hình đẹp làm kỷ niệm, cảm ơn Ngọc Ánh, anh Hiền, Quỳnh Hoa, Lệ Ly, anh Phước,Trương Ba,Thanh Nhàn, anh Hưng, anh Tiến đã nhiệt tình đưa đón, cảm ơn anh Nam phu quân của Tuyết Nhung đã chụp hình và cho coi đoạn phim “Đại náo nhà hàng” của tụi em. Cám ơn Bích Thủy, Tuyết Nhung,Quang, Hằng, Bình, H T Bình, Diệu Chi, anh Bảo Gia những người bạn đã cùng tham dự, chung vui ở nhà Lệ Ly và Nhàn đã cho tôi những tình cảm thân thương chân tình thực sự của bạn bè. Victor Hugo đã viết “ Bạn giàu không phải vì những đồng tiền rủng rẻng trong túi bạn mà là những vui buồn làm hành trang mang theo trong suốt cuộc đời bạn.” Thế nên một lần nữa tôi xin chân thành cám ơn tất cả Thầy cô và bạn bè thân thương đã cho tôi có cơ hội góp nhặt thêm kỷ niệm làm đầy hành trang mang theo trên đường đời xa lạ xứ người.

--------------------------------------------------------

KỶ NIỆM BUỔI HỌP MẶT TẠI  SANTA ANA

Sáng thứ bảy tôi thức dậy sớm có lẽ vì háo hức với niềm vui sắp được gặp lại bạn bè. Nhìn đồng hồ mới hơn 6 giờ, tôi gọi Nhung giọng cô nàng đang còn ngái ngủ nhắc nhở lời dặn dò coi chừng bổ ngửa thất vọng vì mấy chục năm không gặp. Như đã hẹn vợ chồng anh Hiền và Ánh đón tôi, có cả Anh Bê chú của Ánh và con gái Ánh đi cùng.

Chúng tôi tới MILE SQUARE REGIONAL PARK nơi tổ chức buổi picnic của toàn thể cựu giáo sư và học sinh PTG  khoảng hơn 10 giờ. Anh Hiền chạy lòng vòng tìm chỗ đậu xe gần khu vực tập trung của trường PTG để chúng tôi đi bộ vào cho gần. Một lúc sau chúng tôi nhìn thấy đằng xa tấm bích chương màu xanh dương với hàng chữ trắng nổi bật giăng cao “ CỰU GIÁO CHỨC VÀ HỌC SINH PHAN THANH GIẢN ĐÀNẴNG HẢI NGOẠI.” Vào tới nơi, tôi gặp thầy Dũng với máy quay phim trên tay từ từ ghi lại hình ảnh những học sinh đã có mặt. Chị Ái Cầm, Thiếu Lan và những chị khác ngồi phía sau chiếc bàn dài chào đón những bạn mới tới ghi tên vào bảng danh sách học sinh tham dự.

Tôi nhìn quanh tìm kiếm bạn cũ thân quen ngày xưa trong lúc chờ nhóm bạn tôi khóa 72-73 : Lệ Ly, Bích Thủy, Tuyết Nhung, O Mười, Thanh Nhàn, Quang, Trương Ba . Ngọc Ánh gặp bạn cũ vui mừng chào hỏi, tôi cũng vui lây với niềm vui chào hỏi gặp lại bạn bè thân thương cũ của mọi người. Ánh thân tình sợ tôi bị lạc lỏng nên nhẹ nhàng:           

- Liên đứng đây nghe Ánh gặp mấy bạn nói chuyện chút.

-Ừ không sao Ánh cứ tự nhiên, Liên cũng đang tìm coi có ai lớp mình hồi xưa không.

  Đang đưa mắt nhìn quanh tôi nhận ra chị Khánh Thọ, đến bên chị tôi chào hỏi làm quen.

-Em chào chị, chị là Khánh Thọ phải không?

 Chị quay lại nhìn tôi hơi dò hỏi bởi thực tình tôi và chị chưa từng gặp nhau. Không đợi chị hỏi tôi nói nhanh giải tỏa sự thắc mắc của chị.

-Em có đọc bài của chị viết đăng trên trang Web, tôi chưa nói hết câu chị nhanh nhẹn hiểu ra.

-À, em có đọc bài của chị hả?

-Dạ , chị viết hay lắm đọc bài chị viết em thích lắm.

 Chị khiêm nhường hỏi tôi:

- Thật không ? Tôi thêm vào để bày tỏ hết cảm nghĩ của mình về bài viết của chị.

-Em nói thiệt , chị viết rất tự nhiên  nhẹ nhàng và rất thực, em thích cách viết của chị.

Chị có vẻ vui khi có người ái mộ mình, chị cười hỏi tôi:

-Em có đọc bài Chức nữ về làng không ?

-Dạ có, em đọc Chức nữ về làng, Houston hội ngộ, Đường về quê cũ…

-Vậy hả?

-Dạ , đọc bài viết của chị em nhận ra anh Tú là bạn của anh Nhân em. Em còn biết ngày xưa chị ở cư xá Thống Nhất, em cũng vậy hồi nhỏ em cũng ở đó. Em ở dãy nhà gần nhà bác Bích.

Chị vui vì gặp người ở cùng khu cư xá thuở nhỏ với mình, chị reo lên:

-Đúng rồi nhà bác Bích ba mẹ anh Tú.

Chị đổi giọng tâm sự:

-Chị với anh Tú hồi đó cũng vui lắm sau nầy chia tay vì tư tưởng bất đồng.

-Dạ, đọc bài của chị em biết.

Nhìn ra phía đằng kia chị giới thiệu :

-A 37 là anh chàng ngồi gần gốc cây mang mắt kiếng đó.

-Dạ em thấy rồi. Chị nói thêm lần nầy về chị sẽ viết về em.

Tôi cười chào chị rồi lẫn vào đám bạn bè.

Thấy thầy Dũng không bận rộn với các bạn khác, tôi đi tới chào hỏi thầy. Thầy hỏi thăm tôi ở đâu, qua Mỹ hồi nào? Thầy cũng chân tình và thân thiện với học trò như xưa. Bạn bè PTG tới càng lúc càng đông, lúc nầy tôi trở lại với chờ đợi gặp mặt các bạn cùng lớp. Phía bên kia sân cỏ một nhóm người đang đi tới, tôi đảo mắt nhìn, Bích Thủy,  Huỳnh Hoa( O Mười), Lệ Ly, Tuyết Nhung,Thanh  Nhàn. Sự chờ đợi và khoảng cách bây giờ chỉ còn vài bước chân mà sao tôi thấy lâu và hồi hộp quá. Khi Nhung vừa tới chào những bạn đứng ngoài, tôi vội vàng lên tiếng mừng rỡ:

-Nhung , Nhung có bổ ngửa không? Hai đứa tôi ôm quàng vai nhau.

-Không , Nhung không bổ ngửa sợ Liên bổ ngửa thôi.

-Không, Nhung đẹp giống như trong hình.

 Giọng Nhung ngọt ngào:

-Rứa hả, cám ơn Liên.

Sau khi chào hỏi nhau cả nhóm ra chụp hình rồi cùng nhau ăn uống, những món ăn và thức uống của các bạn mang tới được bày sẵn ra bàn, trên bàn có khay trái cây to, những miếng cam vàng mọng nước được bóc vỏ cắt thành từng miếng nhỏ xếp xen kẻ với dưa hấu đỏ, trái nhãn, trái vải màu trắng đục, những miếng dưa xanh,vàng tạo thành một màu sắc hài hòa, càng hấp dẫn hơn khi mọi người đã bắt đầu khát nước vì những câu chuyện phiếm không dứt và những lời chào hỏi huyên thuyên.

Đang ngồi nói chuyện với mấy bạn tôi chợt nhìn thấy gương mặt thật quen đang dớn dác tìm kiếm ai đó. Tôi quay qua nhìn và Phán cũng vừa nhận ra tôi. Len qua đám bạn bè tôi và Phán cùng chạy tới vui mừng chào nhau. Phán vẫn vậy không thay đổi mấy.

-Nảy giờ Liên có ý tìm Phán nhưng không thấy tưởng đâu Phán không về.

-Phán khỏe không? Lan đâu?

-Lan gặp bạn đang đứng ở đàng kia.

Phán hỏi thăm Bích Thủy, O Mười và các bạn khác, lần lượt chào hỏi các bạn và Phán nhanh chóng nhập cuộc. Bạn bè đến càng lúc càng đông vui hơn.

Thầy Dũng lưu ý ăn uống xong tập trung lại đằng kia để bắt đầu tuyên bố khai mạc buổi họp mặt. Tất cả các anh chị em cựu học sinh nam nữ ngồi quây quần thành một vòng tròn lớn. Chị Aí Cầm Hội trưởng thân chào thầy cô cùng tất cả các bạn tham dự và tuyên bố khai mạc buổi họp mặt. Thầy Dũng phát biểu ý kiến và theo qui ước hai năm bầu ban chấp hành mới một lần. Tất cả các bạn yêu cầu giữ nguyên ban chấp hành cũ, chỉ bổ sung Nguyễn thị Thanh Nhạn làm thủ quỹ. Mọi người hoan nghênh vỗ tay tán thành.  

Không khí bắt đầu sôi nổi mở màn cho những trò chơi. Đầu tiên anh Trần văn Chánh khởi xướng trò chơi “Thò Thụt”. Anh hướng dẫn các bạn tham gia trò chơi, khi nào anh hô Thò và cánh tay anh đưa lên thì các bạn làm theo, đưa tay lên và hô Thò. Cũng vậy, khi anh co tay xuống và hô Thụt  thì các bạn hô Thụt và cùng co tay xuống. Tuy nhiên, quy luật là những người tham dự cuộc chơi phải làm đúng và các bạn phải cảnh giác, khi anh hô Thụt mà cánh tay anh đưa lên, nếu bạn nào ngon trớn đưa tay lên theo là kể như phạm quy.

Anh Chánh nhanh tay, nhanh miệng và cũng nhanh mắt để bắt những bạn nào phạm quy. Trò chơi thật là vui, những cánh tay đưa lên thụt xuống, những tiếng cười hòa cùng tiếng hô Thò Thụt Thò Thụt liên hồi tạo ra một bầu không khí  sôi động. Vui nhất là lúc một bạn nào đó phạm quy và bị anh Chánh bắt gặp thì mọi người được dịp cười to vui nhộn. Thầy Dũng, Kim Hạnh (vợ thầy) và mấy bạn khác phạm quy được tập trung ngồi ở giữa vòng tròn chờ phạt trong khi trò chơi tiếp tục cho tới khi anh Chánh bắt đủ quân số cho trò chơi kế tiếp.

Sau khi quân số bị phạt đã đủ, một trò chơi khác lại diễn ra cho những người nầy. Trò chơi “luồng dây.” Mỗi nhóm hai người cùng thực hiện trò chơi nầy. Một người bịt mắt dùng sợi dây thừng xỏ từ trên cổ áo xuống dưới ống quần người kia, người kia có bổn phận hướng dẫn ( bằng miệng, không được dùng tay) để  người bịt mắt xỏ sợi dây đúng chỗ và nhanh. Ai thắng sẽ được tặng một phần quà .Trò chơi vừa nghịch ngợm vừa vui. Thầy Dũng và Kim Hạnh chung một nhóm, Thầy bịt mắt luồng sợi dây qua người Kim Hạnh từ trên cổ áo xuống, ngang ngực Hạnh không biết thầy vì  không thấy hay cố ý nghịch, thầy xỏ sợi dây vào “ngực” Hạnh làm Hạnh ngúng ngoảy dảy nảy lên vì nhột. Mọi người được một trận cười bò lăn, thầy Dũng cũng cười ngã lăn trên bãi cỏ.

Tiếp đến là trò chơi thổi bong bóng, những chiếc bong bóng được các bạn đưa lên miệng thổi. Có bạn không thổi to lên được làm chiếc bong bóng có hình dạng ngộ nghĩnh để tư tưởng phong phú của các bạn cựu học trò tinh nghịch có dịp tự cù lét mình cười. Những chiếc bong bóng được tung lên và các bạn tranh nhau chụp trong tiếng hò reo của bạn mình.

 

Buổi picnic thật là vui nhộn và sôi nổi. Ngày tháng góp nhặt vậy mà đã hơn ba mươi năm cho những nét vô tư hồn nhiên trên gương mặt biến mất đi theo thời gian thay cho những nếp nhăn in hằn trên đuôi mắt, nhưng những vui đùa nghịch ngợm, những kỷ niệm thân thương của bạn bè một thời áo trắng và tình thầy trò thân thiện trân quý thuở nào vẫn còn đó nguyên vẹn không thay đổi. Ánh nắng chói chang rực rỡ của mùa hè lung linh nhảy múa trên những hàng cây như cảm thông chia xẻ với chúng tôi niềm vui hân hoan hội ngộ. Chúng tôi tạm chia tay hẹn gặp nhau tại nhà hàng để cùng tham dự buổi dạ tiệc vào chiều hôm sau.Trên đường về tôi miên man với dòng ký ức kỷ niệm của những ngày áo trắng học trò mà nghe trong lòng một thoáng ngậm ngùi tiếc nuối bâng khuâng.

Tôi theo Lệ Ly về nhà, cuộc vui lại được tiếp tục. Lệ Ly đã sốt sắng trổ tài nội trợ, nấu đãi các bạn một nồi bún bò Huế thật hấp dẫn, Ly cũng không quên chuẩn bị món ăn chay cho chồng ( anh Phước nguyện chi đó nên ăn chay) và luôn tiện cho tôi. Tham gia trận đánh lẻ ở nhà Lệ Ly ngoài bọn tôi ra còn có Bình ở Pháp về, Diệu Chi, Hứa T Bình anh Tiến, anh Bảo Gia, Hằng (vợ Quang), anh Nam và anh Hưng. Lệ Ly nhiệt tình với bạn bè lăng xăng hấp những dĩa bánh nậm bánh bột lọc nóng hổi. Các bạn vừa ăn vừa nói chuyện, những câu đùa vui không biết bắt đầu từ đâu làm bọn tôi cười rân. Nhất là Bích thủy và Tuyết Nhung liên tục chọc cười. Nhung đãi đưa:

-Không , em muốn ngồi trên chân anh Bảo Gia thôi. Anh Bảo Gia tấn công liền:

-Qua đây Nhung, anh sẵn sàng. Nhung chỉ bạo miệng mà không bạo gan, nhưng cũng chưa chịu thua:

-Không em không ngồi để cho anh thèm, Nhung còn cố tình kéo dài chữ thèm trêu chọc.

Một hồi không biết Bích thủy ghé tai nói nhỏ chi đó mà Nhung phiên dịch một câu làm mọi người cười như bắp nổ. Cựu học sinh nữ nghịch ngợm quá chừng. Mấy ông cũng không chịu thua, anh Tiến ngồi phía đằng kia bồi thêm một câu: “anh hả, anh cũng gần hết đạn rồi để dành ai mà thù lắm thì anh mới bắn”làm cả bọn lại được thêm một trận cười.

 Ăn uống đùa giỡn một hồi, chạy tới chạy lui cuối cùng mấy bạn đẩy Bình ngồi gần tôi rồi xúi dại Bình(ở Pháp) tấn công tôi:

- Xin địa chỉ số phone đi Bình.

Bình hiền lành ngồi im không dám (rục rịch). Tôi thấy tội Bình nên chữa cháy với tay lấy khăn ăn giấy đặt xuống bàn:

- Giấy đây Bình viết xuống liền sợ chi Bình.

 Bình vẫn không dám, mấy bạn thôi thúc thêm. Bây giờ đến lượt Bình “ cóc mở miệng động đến thiên đình”nhanh chóng lập lại câu lúc nãy anh Gia nói:

-Hết sức rồi (Dễ sợ chưa cũng dữ ác chớ có phải giỡn đâu)

Tôi liền mạn phép ông trời, đổ trận mưa rào:

-Viết số phone thôi chớ làm chi mà hết sức.

Cả bọn lại cười rộ lên. Bích Thủy ngồi đối diện hăng hái phụ họa:

-Ừ,viết số phone thôi chớ ai làm cái chi đâu mà hết sức, cho mượn cây viết liền đi anh Gia.

 Lần nầy thì đến lượt anh Bảo Gia trúng mánh, vô được cái “khàn” nên không khách sáo:

-Viết anh hết mực rồi.

Vậy là chừng đó cái miệng hả ra mà cười ha ha ha vui quá chừng.

Sáng chủ nhật Lệ Ly đón tôi tới nhà Nhàn, vừa tới nơi thấy Trương Ba đang chiên chả giò không ngờ Trương Ba cũng là đầu bếp giỏi. Hôm đó có các bạn Quang , Bình, Nhung, anh Nam, Bích Thủy, Lệ Ly, anh Phước chồng Ly. Cũng ăn uống cười giỡn và chụp hình lia lịa, những tấm hình Nhung múa võ về nhà mở ra coi thấy tức cười.

Hình như buổi picnic hôm thứ bảy vẫn còn vương lại trong lòng thầy trò của đại gia đình PTG  một niềm vui chưa trọn vẹn nên chi đêm dạ tiệc tề tựu đông đủ những khuôn mặt vui tươi rạng rỡ trong không khí ấm áp tình cảm bạn bè thầy trò.

Buổi họp bắt đầu một cách trang trọng qua nghi thức chào quốc kỳ và phút mặc niệm cũng diễn ra thật nghiêm trang làm tôi nhớ buổi chào cờ dưới sân trường PTG ngày nào. Tiếp nối chương trình chị Ái Cầm đọc diễn văn chào mừng cuộc hạnh ngộ của đại gia đình PTG cũng không kém phần trang trọng, mọi người vỗ tay hoan nghinh trong niềm xúc động bồi hồi.

Chương trình được tiếp tục với phần phát biểu chân tình của Thầy Võ Anh Dũng, “Hơn ba mươi năm ký ức kỷ niệm tình nghĩa thầy trò dường như vẫn còn để lại dấu ấn trong lòng mọi người, dấu ấn đó đủ đậm để chúng ta còn nhớ đến nhau và dấu ấn đó cũng đủ đậm để hôm nay chúng ta tề tựu về đây ôn lại kỷ niệm và thắt chặt thêm tình thân ái của thầy trò và bè bạn.”

Chúng tôi không biết là có Thầy Lê Khắc Hùng tham dự, khi nghe giới thiệu tên Thầy chúng tôi thực sự ngạc nhiên và cảm động vì Thầy thay đổi quá nhiều. Những vòng hoa được trao tặng và những tiếng vỗ tay hoan hô chào mừng quý Thầy Lê Khắc Hùng, Võ Anh Dũng, Trần Ngọc Tôn, Giáo sư Nhạc sĩ Nhật Ngân, Cô Nguyễn Nhi, và các bạn ở xa về tham dự: chị Khánh thọ từ Pháp, Nguyễn Phán từ Úc, Thiếu Lan từ Canada và đặc biệt chị Lê từ Việt Nam sang làm tăng thêm sự hào hứng cho buổi họp mặt.

Nhạc phẩm “Đường cũ ta về” sáng tác của thầy Võ Anh Dũng được hợp ca mở màn cho chương trình văn nghệ với lời nhạc rất hay mang tâm tình hoài niệm. Rất nhiều những tiếng hát học trò nghiệp dư hát rất hay mà chúng tôi vừa thưởng thức vừa tấm tắc khen ngợi đã đóng góp cho phần văn nghệ thêm phần sôi nổi.Thầy Dũng và chi Ái Cầm cũng xuất sắc trong phần song ca nhạc phẩm “Nắng Chiều”.Thêm vào đó còn có sự đóng góp của chị Khánh Thọ và anh Trần văn Chánh với vở hoạt cảnh Lan và Diệp tân thời thật vui và ý nghĩa. Chị Khánh Thọ diễn vai Lan tân thời trong lớp áo nâu sòng nguyện khép kín cửa lòng không tỏ ra rung động thương cảm khi Điệp hết lời năn nỉ. Cuối cùng thì Điệp đành từ giã Lan ra về. Ni cô Lan tân thời quyết lánh xa phàm trần nhưng nợ đời chưa dứt nên vào giờ phút cuối động lòng trắc ẩn đã hy sinh cởi áo nâu sòng theo Điệp về vì sợ Điệp cô đơn đi tìm đào nhí ở mấy quán bia ôm rồi khổ đời, và Lan (chị họa sĩ Khánh Thọ) trong chiếc áo đầm ngắn cùng Điệp hát bản nhạc vui nhộn. Màn kịch kết thúc trong tiếng reo hò vỗ tay tán thưởng.

Tiếp theo Thầy Dũng kêu gọi các bạn đóng góp để giúp đỡ đồng bào tại Quảng nam Đà Nẵng, nạn nhân cơn bão Trân Châu hồi tháng năm vừa qua.Chương trình văn nghệ được tiếp nối qua phần hợp ca của thầy Nhật Ngân tác phẩm do chính thầy sáng tác “Nghe tin bão ở quê nhà”. Bài hát đã khuấy động thương tâm hỗ trợ cho công việc quyên góp thêm ý nghĩa. Nhiều tiết mục đơn ca khác như nhạc phẩm “Nắng Hạ Vàng” sáng tác của thầy Võ Anh Dũng. Thầy Nhật Ngân rất là nghệ sĩ trong tác phẩm do chính thầy sáng tác, nhạc phẩm “Tình Học Trò”gợi nhớ kỷ niệm mộng mơ của một thời áo trắng học trò.

Ngoài ra, chương trình xổ số gây quỹ cũng góp phần cho buổi họp mặt vui nhộn hơn. Nhiều phần quà được trao tặng cho những bạn trúng thưởng ở phần cuối chương trình.Trương Ba đang ngồi nghe hô xổ số bất ngờ la to:

-A tui trúng số, mọi người đưa mắt nhìn vừa lúc chị Ái Cầm gọi Trương Ba lên lãnh thưởng, Trương  Ba ngồi im mới biết là ổng giỡn. Cuộc xổ số lại tiếp tục. Khi những con số của lô Độc đắc được hô to, tôi đứng bật dậy reo mừng:

-A Liên trúng số, Nhàn ngồi ở bàn bên nhanh nhẹn chạy lên sân khấu lãnh thưởng. Tôi vỗ tay cổ vũ cho bạn mình, tôi chợt nghĩ, giá mà tôi lên lãnh thưởng thì chị Khánh Thọ sẽ rất ngạc nhiên và có lẽ chị sẽ nghĩ đúng là “Duyên kỳ ngộ.”

Khi bảng nhạc chia tay vang lên, chúng tôi cùng đứng dậy vừa vỗ tay vừa hát nhịp theo reo cười ầm ĩ trong khi mọi người lần lượt ra về. Chưa hết, Bích Thủy muốn chụp hình kỷ niệm có hàng chữ “Cựu Giáo Chức và Học Sinh PTG Đà Nẵng Hại Ngoại”, chúng tôi kéo nhau chạy về phía sân khấu.

-Không , đứng thì không chụp được hàng chữ, ngồi xuống đi.

Vậy là cả bọn nhanh nhẹn ngồi xuống trên bục khán đài, Quang quay qua thấy chưa chi mà mấy bà đã dàn trận thành một hàng dài ghê quá nên liều mạng xả thân nhún chân một cái ngã nằm ngang trên chân bọn tôi. Cả bọn tức cười quá người thì nắm chân, người thì giữ Quang lại trong tư thế đó để chụp hình. Anh Bảo Gia nhanh tay chụp được tấm hình trước khi Quang kịp ngã xuống đất.

Buổi họp mặt thật là vui thôi thúc một lời hứa hẹn cho năm tới tại Seattle.Tiệc đã tàn nhưng niềm vui chưa dứt, hình như ai nấy cũng còn cảm thấy lưu luyến chưa muốn chia tay. Bao nhiêu năm nay mới có dịp gặp lại để chúng ta có cơ hội vui cười thỏa thích. Vẫn cái đùa vui của tuổi trẻ mà bây giờ thì táo bạo hơn vì đường đời dày dạn hơn. Ước mong sao nhũng phút giây kỷ niệm nầy sẽ là dư âm vang vọng mãi trong ký ức chúng ta

           
Bích Liên Nguyễn
Trở về trang "Đại Hội PTG 2006"